Giữa phố có một cỗ xe song mã sang trọng của hạng quyền quý, thắng hai con ngựa xám rất hăng, trong xe không có người, anh xà ích cũng đã xuống xe đứng bên cạnh. Người ta đang nắm dây cương sát hàm thiết giữ hai con ngựa. Xung quanh chen chúc một đám rất đông, đứng trước là mấy viên cảnh binh, trong đó có một người cầm cây đèn lồng kính cúi xuống soi một cái gì nằm ở giữa đường, ngay sát bánh xe. Ai nấy đều thi nhau nói lao xao, ồ à luôn miệng, người đánh xe có vẻ hoang mang, chốc chốc lại nói:
– Khổ quá! Lạy Chúa, khổ quá đi mất!
Raxkonikov cố sức len vào và cuối cùng đã thấy được cái nguyên nhân gây ra cảnh nhốn nháo và thu hút sự tò mò của đám đông này. Dưới đất nằm sóng soài một người vừa bị ngựa xéo. Người ấy đã ngất đi, người bê bết máu. Cách ăn mặc của hắn trông rất tồi tàn, nhưng là kiểu ăn mặc của người “thượng lưu”. Máu chảy ri rỉ trên đầu, trên mặt hắn; khuôn mặt đã bị dập, sây sát và tím bầm lên từng chỗ trông không còn ra mặt người nữa. Có thể thấy rõ hắn bị thương rất nặng.
– Các ông ơi, – người đánh xe rền rĩ, – tôi biết làm thế nào được! Giả sử tôi phóng bạt mạng hay không quát gọi gì cho cam, đằng này tôi cho xe chạy rất thong thả. Mọi người đều trông thấy cả, tôi không dám nói dối. Đã say rồi thì mắt còn trông thấy gì nữa – ai lạ gì! Tôi thấy ông ta đi qua phố, chân bước loạng choạng suýt ngã lăn ra; tôi mới quát bảo ông ta tránh, một tiếng, hai tiếng, ba tiếng, và lại kìm ngựa lại; thế mà ông ta cứ chúi đầu vào chân ngựa!
Không biết là cố ý hay vì say quá… Ngựa thì ngựa non, hay hoảng, cứ dằng cương mà chạy, ông ta lại hét lên nữa, thành thử chúng càng lồng lên… khổ quá!
– Đúng thế đấy! – trong đám đông có tiếng ai xác nhận.
– Có quát thật, đúng đấy, anh ta có quát ba lần, – một người khác nói thêm.
– Đúng ba lần, ai nấy đều nghe thấy! – người thứ ba nói.
Vả chăng, người đánh xe cũng không lấy gì làm phiền lòng và lo sợ cho lắm. Hẳn chủ nhân cỗ xe này là một người giàu có và tai mắt, chắc hiện nay đang ngồi ở đâu đợi xe đến đón. Dĩ nhiên bọn cảnh sát cũng hiểu rõ như thế và cố dàn xếp thế nào cho chủ nhân khỏi đợi lâu. Bây giờ phải khiêng người bị nạn về đồn và đem vào nhà thương. Không ai biết tên hắn là gì.
Trong khi đó Raxkonikov đã len đến gần và cúi xuống nhìn cho rõ. Bỗng ánh đèn chiếu sáng mặt người bị nạn, chàng đã nhận ra hắn.
– Tôi biết, tôi có biết người này – chàng len hẳn ra phía trước kêu lên, – đây là một người viên chức về hưu, một viên tư vấn danh dự tên là Marmelazov. Ông ta ở gần đây, ở nhà Kozel… Đi mời bác sĩ nhanh lên! Tôi sẽ trả tiền, đây! – Chàng móc túi lấy tiền đưa cho người cảnh binh xem. Chàng thấy hồi hộp lạ thường.
Mấy viên cảnh sát rất hài lòng khi thấy có người nhận mặt được kẻ bị nạn. Raxkonikov xưng cả tên mình ra, cho biết địa chỉ và tận tuỵ như thể đây chính là cha chàng, cố hết sức tìm cách đưa Marmelazov, lúc bấy giờ hoàn toàn bất tỉnh, về nhà hắn.
– Đây thôi cách ba nhà nữa, – chàng sốt sắng chỉ trỏ, – nhà ông Kozel một người Đức giàu có… Chắc vừa rồi ông ta uống rượu say khướt rồi mò về nhà. Tôi biết ông ấy… Ông ấy nghiện rượu… Ở nhà ông ta còn có gia đình, một bà vợ, mấy đứa con nhỏ, lại có một cô con gái. Đưa vào nhà thương thì lâu quá mà ở trong nhà ấy thế nào chả có thầy thuốc! Tôi sẽ trả tiền, tôi sẽ trả! Dù sao cũng được người nhà săn sóc chữa chạy cho ngay, chứ đi nhà thương thì có thể chết đọc đường…
Chàng lại còn có đủ thì giờ dúi ngầm một số tiền vào tay người cảnh binh; dù sao trường hợp này cũng rõ ràng và hợp pháp, và đưa về nhà thì được cứu chữa nhanh hơn. Đã có mấy người tình nguyện giúp đỡ một tay. Họ khiêng người bị nạn lên và mang đi. Nhà Kozel cách đấy chừng ba mươi bước. Raxkonikov đi ở phía sau, thận trọng đỡ đầu người bị nạn và chỉ lối cho mấy người kia.
– Đây đây, lên thang gác phải cho đầu lên trước; quay lại… thế, thế! Tôi sẽ trả tiền, cảm ơn các ông. – chàng lắp bắp.
Katerina Ivanovna vẫn như thường lệ, hễ rảnh tay ra được một phút là lập tức đi đi lại lại trong căn buồng nhỏ hẹp, từ cửa sổ đến lò sưới và ngược lại, hai tay khoanh chặt trước ngực, vừa đi vừa nói lẩm bẩm một mình và ho sù sụ.
Thời gian gần đây bà càng ngày càng hay nói chuyện nhiều với Polenka, đứa con gái lớn lên mười. Con bé tuy chưa hiểu được nhiều, nhưng lại hiểu rất rõ rằng mẹ cần đến mình, cho nên bao giờ cũng giương đôi mắt to và thông minh nhìn theo mẹ và cố hết sức giả vờ làm ra vẻ hiểu những lời mẹ nói. Lần này Polenka đã cởi áo cho đứa em trai nhỏ suốt ngày hôm ấy ốm khặc khừ, để đặt nó ngủ. Trong khi đợi cho người ta thay áo sơ-mi để đem giặt ngay đêm nay, thằng bé im lặng ngồi thẳng trên ghế, vẻ mặt nghiêm trang, người không nhúc nhích, hai chân ép sát vào nhau duỗi ra phía trước, thấy rõ cả lòng bàn chân, ngón chìa ra hai bên. Nó nghe mẹ nó nói chuyện với chị, môi vều ra, mắt giương thao láo, người không mảy may nhúc nhích, đúng hệt như hết thảy những đứa trẻ thông minh vẫn ngồi khi người ta cởi áo quần cho chúng đi ngủ.
Đứa con gái út mặc toàn giẻ rách đang đứng cạnh tấm bình phong đợi đến lượt mình. Cánh cửa trông ra thang gác mở rộng để tháo bớt ra ngoài những làn khói thuốc lá từ các gian khác luồn vào, và phút phút lại làm cho người ho lao ho sặc sụa. Katerina Ivanovna trông chừng còn gầy hơn nhiều so với tuần trước, và những đám đo đỏ trên má còn đậm màu hơn nữa. Bà ta vừa đi đi lại lại trong phòng vừa nói.
– Con không thể tin được đâu, Polenka ạ, mà cũng không thể tưởng tượng được mẹ con mình sống vui vẻ và sang trọng như thế nào hồi còn ở nhà ông ngoại, và cái lão say rượu ấy đã làm khổ mẹ và làm khổ tất cả các con đến nhường nào! Ông các con xưa kia làm quan ngang chức đại tá và đã sắp được bổ làm tổng trấn; chỉ còn một nấc nữa thôi là lên đến chức ấy, cho nên ai cũng đến thăm, họ nói: “Ivan Mikhailovich ạ, ngay bây giờ, chúng tôi cũng đã xem ông như quan tổng trấn tỉnh nhà rồi đấy” Khi mẹ… Kh…? Khi, mẹ… – một trận ho cắt ngang lời bà – Ôi, cái kiếp chó chết này? – bà kêu lên, khạc đờm và ôm lấy ngực, – hôm khiêu vũ lần cuối cùng… ở nhà quan đô thống… công tước phu nhân Bezzemelnaya có trông thấy mẹ – về sau phu nhân có đến chúc phước khi mẹ lấy ba con đấy, Polenka ạ, – hôm ấy phu nhân hỏi ngay: “Có phải đây là người thiếu nữ đáng yêu đã cầm khăn san nhảy múa trong buổi lễ tốt nghiệp dạo nọ không?”… (Phải nhíp cái lỗ rách ấy lại con lấy cái kim mà khâu như mẹ đã dặn… chứ để đến mai, nó rách to ra đấy! – bà vừa nói vừa ho sù sụ). Dạo ấy quan phó thị trấn công tước Segonxkoi mới ở Petersbung về… Ông ta có nhảy điệu lazurka với mẹ và ngay hôm sau đã toan đến ngỏ lời cầu hôn mẹ; nhưng mẹ đã chân thành cảm tạ ông ta với những lời lẽ hết sức trân trọng và nói rằng trái tim mẹ đã từ lâu thuộc về người khác. Người khác đó chính là ba con, Polenka ạ; ông ngoại giận lắm… Nước đã được chưa? Thôi đưa cái áo đây cho mẹ, thế còn bít tất… Lida – bà ta gọi đứa con gái nhỏ – thôi đêm nay con cứ thế mà ngủ đừng mặc áo nữa nhé; rồi sẽ… còn đôi bít tất thì con để bên cạnh… Sẽ giặt luôn một thể… Sao mãi cái thằng cha khố rách áo ôm ấy vẫn chưa về không biết, đồ say rượu. Cái sơ-mi hắn mặc thế nào mà rách bươm như cái giẻ lau nhà… Cốt sao giặt cho xong đi một thể để khỏi phải khổ sở hai đêm liền! Trời ơi – bà ta lại ho sù sụ – Lại ho! Cái gì thế? – bà ta kêu lên khi trông thấy đám đông lố nhố ở phòng ngoài và mấy người đang khiêng vật gì vào phòng bà – Cái gì thế, họ khiêng cái gì thế! Trời ơi!
– Đặt đâu bây giờ đây? – Người cảnh binh nhìn quanh phòng hỏi, khi họ đã khiêng cái thân hình máu me bê bết và bất tỉnh nhân sự của Marmelazov vào phòng.
– Đặt lên đi-văng! Cứ đặt lên đi-văng cho tôi, đầu phía này, – Raxkonikov chỉ bảo.
– Bị xe chẹt ở giữa đường! Trong khi đang say? – Trong đám đông đứng ở phòng ngoài có tiếng nói.
Katerina Ivanovna mặt tái mét, thở khó nhọc, lũ trẻ sợ hãi cuống cuồng. Con bé Lidoska thét lên một tiếng chạy đến ôm chầm lấy Polenka và run bắn lên.
Đặt Marmelazov nằm xong, Raxkonikov chạy đến cạnh Katerina Ivanovna.
– Tôi van bà, bà cứ bình tâm, bà đừng sợ! – chàng nói rất nhanh. – Ông nhà đi qua đường bị xe chẹt phải, bà đừng sợ, ông ấy sẽ tỉnh dậy, tôi bảo họ khiêng về đây tôi đã có ghé nhà một lần, chắc bà còn nhớ… Rồi ông ấy tỉnh… tôi sẽ trả tiền cho họ?
– Biết mà! – Katerina Ivanovna tuyệt vọng kêu lên một tiếng và đâm bổ về phía chồng.
Raxkonikov chẳng mấy chốc đã nhận ngay ra rằng người đàn bà này không phải dễ mà có thể ngất ngay đi được. Trong nháy mắt một chiếc gối đã được lót dưới đầu người khốn nạn: bây giờ chưa có ai nghĩ đến việc đó; Katerina Ivanovna bắt đầu cởi áo cho chồng, xem xét, vội vàng cuống quít lên nhưng không hề rối trí. Bà quên hẳn mình đi, răng cắn chặt đôi môi run lẩy bẩy và cố nén những tiếng kêu chỉ chực bật ra khỏi lồng ngực.
Trong khi đó Raxkonikov nhờ người chạy đi mời bác sĩ. Ông ta ở cách đây một nhà.
– Tôi đã cho người đi mời bác sĩ. – chàng nhắc đi nhắc lại với Katerina Ivanovna, – bà đừng lo, tôi sẽ trả. Không có nước sao? Bà cho tôi cái khăn tắm, khăn mặt gì cũng được, nhanh lên; chưa rõ ông ấy bị thương ra sao… ông bị thương chứ chưa chết đâu, xin cam đoan như thế… Không biết bác sĩ sẽ nói sao đây!
Katerina Ivanovna chồm ra cửa sổ; ở đấy, trên một chiếc ghế gãy đặt trong góc, có một cái chậu bằng đất đựng nước dành sẵn để ban đêm giặt áo quần cho lũ trẻ và cho ông chồng. Chính tay bà Katerina Ivanovna tự làm lấy việc ấy, ít nhất là mỗi tuần hai lần, đôi khi còn nhiều hơn, vì đến nay hầu như không còn áo quần mà thay nữa, mỗi người chỉ còn có một bộ đồ lót.
Tính Katerina Ivanovna không sao chịu nổi thói ở bẩn, thà chịu khổ thức đêm làm quá sức trong khi cả nhà đang ngủ, phơi ngay lên dây để đến sáng mai áo quần vừa kịp khô cho con cái mặc sạch, còn hơn là trông thấy cảnh bẩn thỉu trong nhà. Katerina Ivanovna toan bưng chậu nước đến cho Raxkonikov, nhưng suýt ngã cả người lẫn chậu xuống. Bấy giờ Raxkonikov đã tìm được chiếc khăn bông, nhúng nước cho ướt và lau khuôn mặt vấy máu của Marmelazov. Katerina Ivanovna đứng thở hổn hển, hai tay ôm ghì lấy lồng ngực đau buốt.
Chính bà ta cũng đang cần cứu giúp. Raxkonikov bắt đầu hiểu ra rằng giá đừng đưa người bị nạn về đây có lẽ lại hơn. Người cảnh binh cũng hoang mang.
– Polenka! – Katerina Ivanovna gọi, – chạy đến nhà chị Sonya, nhanh lên. Không có chị ấy ở nhà cũng cứ nhắn là bố bị ngựa xéo phải và hễ chị ấy về là phải đến đây ngay tức khắc. Nhanh lên Polenka! Nào lấy cái khăn này mà trùm con!
– Chẹy cho nhenh nhèn! – thằng bé ngồi trên ghế đột nhiên kêu lên, đoạn lại im lặng ngồi thẳng đờ trên ghế như cũ, mắt thao láo, hai bàn chân đưa ra phía trước, ngón chân chĩa ra hai bên.
Trong khi đó căn phòng đã chật ních những người, đến nỗi một quả táo rơi cũng không lọt. Tốp cảnh binh đã bỏ đi, chỉ còn một người tạm thời ở lại đang cố xua đám đông từ cầu thang đổ xô xuống cho họ lùi trở lại.
Hầu hết các khách trọ của bà Lippevekzen ở các phòng trong đều kéo đến, lúc đầu họ còn chen chúc ngoài cửa, nhưng rồi họ ồ ạt xông thẳng vào phòng.
Katerina Ivanovna điên tiết lên.
– Ít nhất cũng để người ta chết cho yên thân một chút chứ! – bà quát chõ vào đám người, – xem gì mà xem! Lại hút thuốc lá nữa! – bà ho sù sụ! – Cứ đội cả mũ mà vào nữa đi! Ấy đấy, có đứa nào đội mũ kia kìa… Đi ra! Ít nhất cũng phải biết tôn trọng lấy một xác chết chứ!
Bà nghẹt thở đi trong một cơn ho sặc sụa, nhưng những lời nhiếc móc đã có hiệu lực. Hình như họ còn thấy sợ Katerina Ivanovna nữa là khác; các khách trọ lần lượt chen nhau lùi ra cửa với cái cảm giác thoả thuê thầm kín vẫn thường có khi thấy người nào vừa bị một tai ương đột ngột, dù người có thân thuộc đến đâu, một cảm giác kỳ lạ mà không một ai thoát khỏi thậm chí dù có thành thật thương xót và thông cảm với người bị nạn cũng vậy.
Lúc bấy giờ ở ngoài cửa nghe có tiếng ai nói rằng có việc gì đã có nhà thương, chứ đưa về đây làm huyên náo lên một cách vô ích như thế này thật là bất tiện.
Người ta chết mà bảo là bất tiện à? – Katerina Ivanovna thét lên và lao ra cửa định mắng xối xả vào bọn kia một mẻ, nhưng vừa ra đến cửa đã chạm trán phải đích thân bà Lippevekzen: bà ta vừa biết tin và chạy vào “ổn định trật tự”.
Đó là một người Đức hết sức lắm điều, sống không có chút gì là trật tự cả. Bà ta vỗ tay đánh đét một cái rồi nói:
– Ôi lạy Chúa! Chồồng pà sai rượu, bị ngụa dẫm. Tưa fào nhà thương ti? Tôi là chù nhà ở tây!
– Bà Amalya Ludvigovna! Bà nghĩ đi đã rồi hẵng nói, – Katerina Ivanovna mở đầu, giọng kẻ cả với mụ chủ nhà, bà ta bao giờ cũng nói giọng kẻ cả, để cho mụ ta “biết thân biết phận, và ngay như bây giờ bà ta cũng không thể từ chối mình cái kiểu ấy – Bà Amalya Ludvigovna…
– Tôi đã páo fới pà là pà khôòng pao giờ tược kọi tôi là Amalya Ludvigovna; tôi là Amal – Ivan!
– Bà không phải là Amal – Ivan, mà là Amalya Ludvigovna; tôi không phải là hạng người đi theo nịnh bà một cách hèn hạ như ông Lebeziatnikov, hiện giờ đang đứng cười ngoài kia (quả nhiên ngoài cửa có tiếng cười và một tiếng reo: “lại cãi nhau rồi!”), cho nên tôi sẽ suốt đời gọi bà là Amalya Ludvigovna, tuy tôi không tài nào hiểu nổi tại sao bà lại ghét cái tên ấy thế. Chính bà cũng thấy rõ tình trạng Xemion Zakharovich nay ta sao; ông ấy đang hấp hối, tôi xin bà đóng ngay cái cửa này lại, không cho ai vào hết, ít nhất cũng để người ta chết cho yên với chứ! Bằng không, tôi xin cam đoan với bà rằng ngày mai chính quan tổng trấn sẽ biết rõ hành vi của bà. Công tước tổng trấn biết tôi hồi con con gái và cũng rất nhớ Xemion Zakharovich là người đã chịu ơn công tước nhiều lần. Ai cũng biết rằng Xemion Zakharovich có nhiều bạn bè và nhiều người che chở; chính vì một lòng tự hào cao thượng mà Xemion Zakharovich đã tự ý lánh mặt họ vì thấy mình mắc thói nghiệp ngập, nhưng hiện nay (bà chỉ Raxkonikov) có một vị thanh niên rất hào hiệp giúp đỡ cho. Ngài đây có tiền của và thân thế. Xemion Zakharovich biết ngài từ hồi còn nhỏ, và xin bà Amalya Ludvigovna biết cho rằng…
Katerina nói liến thoắng một thôi một hồi, càng về sau nói càng nhanh, nhưng một trận ho đã cắt ngang những lời lẽ hùng hồn của bà. Vừa lúc ấy người hấp hối tỉnh dậy và rên lên một tiếng… Bà liền chạy lại. Người bị thương mở mắt ra, và, vẫn chưa nhận ra ai với ai và chưa hiểu gì cả, đưa mắt nhìn Raxkonikov đang đứng cạnh. Ông ta thở nặng nhọc, thưa thớt từng tiếng dài; bên khóe môi máu chảy ri rỉ: mồ hôi đổ hột trên trán.
Không nhận ra Raxkonikov, ông ta đảo mắt lo lắng nhìn xung quanh. Katerina Ivanovna nhìn chồng với đôi mắt buồn rầu nhưng nghiêm khắc, nước mắt chảy quanh.
– Trời ơi! Khắp cả ngực bị xéo nát ra rồi! Máu chảy nhiều quá! – bà nói, giọng tuyệt vọng. – phải cởi hết áo ngoài ra?
Ông có trở được thì quay mình lại một chút. Xemion Zakharovich ạ?
Marmelazov đã nhận ra vợ.
– Gọi linh mục? – Ông ta phiều phào.
Katerina Ivanovna ra cửa sổ, tì trán vào khung cửa và tuyệt vọng kêu lên:
– Ôi cái kiếp chó chết!
– Gọi linh mục! – người hấp hối lại nói sau một phút im lặng.
– Thôi im đi – i – i! – Katerina Ivanovna quát; ông ta ngoan ngoăn im bặt, đưa đôi mắt e dè và buồn bã nhìn vợ; Katerina Ivanovna lại đến đứng bên đầu giường. Ông ta hơi yên tâm, nhưng chẳng được bao lâu.
Chỉ lát sau mắt ông ta bắt gặp con bé Lidoska (đứa con ông ta quý nhất) đang run lẩy bẩy trong xó nhà, như lên kinh phong, và đang nhìn ông với đôi mắt ngạc nhiên, chăm chú của trẻ thơ.
– Thế… sao… – Marmelazov lo lắng đưa mắt chỉ đứa bé. Ông ta muốn nói điều gì không rõ.
– Cái gì nữa thế – Katerina Ivanovna quát.
– Nó đi đất, đi đất! – Marmelazov lắp bắp, đôi mắt đờ dại chỉ vào đôi chân không của con bé.
– Im đi – i -i! – Katerina Ivanovna bực dọc quát lên, – chính ông cũng biết tại sao nó phải đi chân không như thế?
– May quá, bác sĩ đây rồi? – Raxkonikov mừng rỡ reo lên.
Bác sĩ bước vào. Đó là một ông già người Đức nhỏ bé, tính chi li cẩn thận. Ông ta đưa mắt nhìn quanh có vẻ ngờ vực, rồi đến cạnh người bị thương, bắt mạch, thận trọng sờ nắn đầu ông ta và với sự giúp đỡ của Katerina Ivanovna? mở cúc chiếc áo sơ-mi bê bết máu phanh ngực người bị thương ra. Khắp ngực đều bị sây sát và xéo nhừ ra; bên phải có mấy cái xương sườn bị gẫy. Bên trái, ngay ở tim, có một cái vết lớn màu vàng xin xỉn trông rất gớm guốc: vó ngựa đã đâm mạnh vào đấy. Bác sĩ cau mày. Viên cảnh binh kể lại cho ông ta biết rằng Marmelazov bị bánh xe cuốn theo, lăn lông lốc đến ba mươi bước trên đá lát đường.
– Còn tỉnh dậy được thì lạ thật, – bác sĩ khẽ thì thầm với Raxkonikov.
– Ông thấy thế nào? – Raxkonikov hỏi.
– Sắp chết đến nơi rồi.
– Không còn hy vọng gì hay sao?
– Không còn lấy một chút! Sắp tắt nghỉ rồi… Hơn nữa trên đầu lại bị thương tích rất nguy hiểm… Hừm. Có lẽ nên trích huyết…, nhưng… cũng vô ích thôi. Chắc chắn chỉ năm hay mươi phút nữa là chết.
– Thế ông cứ trích huyết đi.
– Được. Song tôi xin nói trước rằng làm như vậy cùng hoàn toàn vô ích.
Vừa lúc ấy lại nghe có tiếng chân bước, đám đông ở phòng ngoài dãn ra, và một người linh mục già tóc bạc tay cầm đồ làm lễ, hiện ra ở ngưỡng cửa. Một người cảnh binh đã đi tìm ông ta ngay từ khi còn ở ngoài phố. Bác sĩ lập tức nhường chỗ và trao đổi với ông ta một cái nhìn đầy ý nghĩa. Raxkonikov khẩn khoản bác sĩ đợi thêm một lát nữa. Ông ta nhún vai và ở lại.
Ai nấy đều lui ra. Lễ xưng tội làm rất chóng. Người hấp hối khó lòng có thể hiểu được ít nhiều; chỉ phát ra được những tiếng ú ớ đứt quãng. Katerina Ivanovna bê Lidoska, kéo thằng bé ở trên ghế xuống, dắt nó đến cạnh cái lò ở góc nhà, quỳ xuống và cho hai con quỳ trước mặt. Con bé chỉ biết run cầm cập, còn thằng bé thì quỳ đôi đầu gối trần xuống đất, vừa giơ tay đều đặn làm những dấu thánh thật to, vừa cúi lạy sát đất, trán cộp xuống sàn: hình như nó rất lấy làm thích thú với việc ấy. Katerina Ivanovna cắn môi cố cầm nước mắt; bà cũng cầu nguyện, chốc chốc lại sửa lại áo sơ-mi cho con, có lúc quay lại rút ở tủ ngăn ra một chiếc khăn trùm quàng lên đôi vai trần của con bé, trong khi vẫn quỳ và vẫn cầu nguyện. Lúc ấy cánh cửa vào các phòng trong lại bị những kẻ hiếu kỳ mở ra. Ở phòng ngoài, người đến xem mỗi lúc một đông, toàn là những người khách trọ cùng nhà. Tuy vậy họ cũng không vượt quá ngưỡng cửa. Chỉ có một mẩu nến hắt ánh sáng lên quang cảnh này.
Vừa lúc ấy Polenka chạy đi tìm chị đã trở về, len rất nhanh qua đám người chen chúc ở phòng ngoài. Nó bước vào, còn thở hổn hển vì vừa phải chạy nhanh, cởi chiếc khăn trùm đầu, đưa mắt tìm mẹ rồi chạy lại nói:
“Chị ấy về kia, con gặp ở giữa phố!”. Katerina Ivanovna kéo nó quỳ xuống cạnh mình. Lặng lẽ và e dè: từ trong đám đông len ra một cô thiếu nữ; sự xuất hiện đột ngột của nàng trong gian phòng này, giữa cảnh nghèo nàn rách rưới, chết chóc và tuyệt vọng, gây nên một ấn tượng thật kỳ lạ. Người con gái cũng ăn mặc rất tồi tàn: trang phục của nàng là loại rất rẻ tiền, nhưng lại được trang hoàng diêm dúa theo khẩu vị và kiểu cách riêng của giới nàng, để lộ mục đích một cách trơ tráo và ô nhục. Sonya dừng lại ở ngường cửa, không dám bước vào, ngơ ngác nhìn quanh như thể không hiểu gì hết, quên cả chiếc áo lụa màu mua lại đến ba tầng bốn nấc, rất chướng mắt trong khung cảnh này, với chiếc đuôi áo dài một cách lố bịch và chiếc váy xòe mênh mông chật hết cả khung cửa, quên cả đôi giầy trắng, chiếc ô con hoàn toàn vô dụng khi đi đêm nhưng vẫn được nàng cầm theo, và cái mũ lát tròn lố lăng cắm chiếc lông chim màu lửa. Liền dưới cái mũ tròn đội lệch sang một bên như mũ con trai là một khuôn mặt gầy gò, xanh xao và sợ sệt, miệng hé mở, mắt thẫn thờ ra vì sợ hãi. Sonya trạc mười tám tuổi, người bé nhỏ, gầy gò nhưng khá xinh, có bộ tóc vàng và đôi mắt màu thiên thanh. Nàng sững sờ nhìn cái giường, nhìn ông linh mục, nàng cũng thở hổn hển vì vừa phải đi nhanh cuối cùng, hình như nàng đã để ý đến tiếng xì xào trong đám đông và loáng thoáng nghe ra được mấy tiếng dè bỉu. Nàng cúi đầu, bước qua ngưỡng cửa và dừng lại, nhưng vẫn đứng sát lối vào.
Lễ xưng tội và nhận mình thánh đã kết thúc. Katerina Ivanovna lại đến cạnh giường chồng. Người linh mục lùi ra, và trước khi ra về cũng muốn nói đôi lời khích lệ an ủi người quả phụ.
– Thế tôi vứt chúng nó đi đâu? – Katerina Ivanovna cáu kỉnh gạt phắt đi, chỉ vào mấy đứa trẻ.
– Chúa rất từ bi, hãy hy vọng vào sự cứu giúp của đấng vô cùng. – Ông linh mục mở đầu.
– Ừ từ bi, nhưng chẳng đến phần chúng tôi đâu!
– Nói thế là có tội, là có tội. Ông linh mục lắc đầu nói.
– Thế cái này không tội à? Katerina Ivanovna chỉ người hấp hối thét lên.
– Có lẽ những người đã trót nhỡ gây nên tai nạn sẽ thuận bồi thường cho nhà bà, ít ra là về khoản mất nguồn thu nhập…
– Ông không hiểu gì hết! – Katerina Ivanovna bực bội khoát tay. – Bồi thường cái gì? Chính hắn say rượu rồi đâm đầu vào chân ngựa kia mà! Thu nhập gì? Hắn thì thu nhập gì, chỉ làm khổ tôi thôi. Hắn uống hết cả tiền của. Hắn lấy trộm của mẹ con tôi đem nướng vào tiệm rượu, hắn đã làm hỏng cả đời mẹ con tôi! Hắn chết đi là may cho mẹ con tôi rồi! Đỡ tốn kém đi nhiều!
– Đến phút lâm chung phải tha thứ bà ạ, nghĩ như thế là có tội, có tội lớn đấy!
Nãy giờ Katerina Ivanovna lăng xăng quanh người hấp hối, cho ông ta uống nước, lau mồ hôi và máu trên đầu ông ta, nắn lại chiếc gối, vừa làm vừa nói chuyện với ông linh mục, thỉnh thoảng mới có đủ thì giờ quay mặt về phía ông ta. Nhưng bây giờ bà bỗng điên tiết chồm lên sát ông ta.
– Ối giào, cha ơi! Chỉ toàn nói suông thôi! Tha thứ! Ví thử tối nay hắn không bị chẹt, thì hắn sẽ về nhà say khướt, sơ-mi thì chỉ có một chiếc, mà hắn cũng mặc cho rách bươm, hắn lăn ra ngủ như chết, còn tôi thì thức suốt sáng đêm giặt áo quần cho hắn với lũ trẻ, xong đem phơi ra cửa sổ rồi lại quay ra ngồi vá, nhíp, đấy: đêm của tôi là thế đấy! Thế thì nói chuyện tha với thứ làm gì ở đây! Với lại tôi cũng đã tha cho hắn rồi!
Một trận ho dữ dội cắt ngang lời Katerina Ivanovna. Bà khạc ra khăn mùi soa và giơ khăn cho ông linh mục xem, tay kia ôm ghì lấy ngực. Chiếc mùi soa vấy đầy những máu…
Linh mục cúi đầu lặng thinh.
Marmelazov đã sắp tắt nghỉ; ông ta không rời mắt khỏi khuôn mặt Katerina Ivanovna bấy giờ lại cúi xuống cạnh ông. Ông cứ muốn nói với vợ một điều gì; ông khó nhọc uốn lưỡi lắp bắp mấy tiếng gì không rõ, nhưng Katerina Ivanovna hiểu rằng ông ta muốn xin lỗi mình, đã lập tức lên giọng hách dịch quát chồng.
– Im đi…i…! Đừng nói nữa… Tôi biết ông muốn nói gì rồi!
Người hấp hối im lặng; nhưng vừa lúc ấy mắt Marmelazov đang từ từ đảo quanh quất bỗng nhìn ra cửa, và ông trông thấy Sonya… Nãy giờ ông vẫn chưa nhìn thấy nàng: nàng đứng trong xó tối.
– Ai đấy? Ai đấy? – Ông hỏi hối hả, giọng phều phào khản đặc, lo sự cuống cuồng, đưa mắt chỉ ra phía cửa chỗ Sonya đứng, và cố sức nhổm dậy.
– Nằm xuống! Nằm xú… uống! – Katerina Ivanovna quát. Nhưng với một sức cố gắng phi thường ông ta đã chồng tay nhổm dậy được. Ông ngơ ngác nhìn trừng trừng vào Sonya một lát như không nhận ra con. Vả lại ông cũng chưa lần nào trông thấy nàng ăn mặc như vậy. Rồi bỗng ông đã nhận ra nàng: người con gái đau đớn, tủi cực, xấu hổ trong bộ cánh diêm dúa, đang nhẫn nại đợi đến lượt mình đến vĩnh biệt người cha hấp hối. Một nỗi đau xót vô hạn hiện lên trên gương mặt Marmelazov.
– Sonya! Con… con tha tội cho cha – ông kêu lên và muốn giơ tay ra cho con gái, nhưng hụt mất chỗ dựa, ông ngã chúi xuống, mặt úp trên sàn nhà; người ta vội chạy lại đỡ ông lên, đặt nằm lại chỗ cũ, nhưng ông đã bắt đầu thở hắt ra. Sonya khẽ kêu lên một tiếng nghẹn ngào, chạy đến ôm lấy cha và lặng người đi.
Ông tắt nghỉ trong tay nàng.
– Thế là hết kiếp! – Katerina Ivanovna nhìn xác chồng kêu lên, – Bây giờ biết làm thế nào đây! Lấy gì mà chôn cất!
Còn lũ con này, ngày mai đây tôi biết lấy gì nuôi chúng nó?
Raxkonikov đến cạnh người quả phụ
– Katerina Ivanovna, – chàng mở đầu, – tuần trước chồng bà có nói rõ cho tôi biết cảnh sống của gia đình… Xin bà tin chắc cho rằng ông nói tới bà với một lòng cảm phục và tôn kính vô hạn. Từ cái hôm tôi được biết ông thương cả gia đình và nhất là yêu kính bà đến nhường nào, mặc dầu ông không may mắc phải thói nghiện ngập khốn khổ, từ hôm ấy chúng tôi đã thành đôi bạn… Bây giờ xin bà vui lòng cho tôi được… góp phần… làm tròn bổn phận cuối cùng đối với người bạn quá cố. Đây… có hai mươi rúp, hình như thế, và nếu số tiền này có thể đỡ cho bà được phần nào, thì… tôi nghĩa là tôi sẽ ghé, thế nào tôi cũng ghé lại… có lẽ đến mai tôi lại đến… Xin chào bà!
Rồi chàng bước nhanh ra khỏi phòng, hấp tấp len qua đám đông để ra cầu thang; nhưng chưa len ra khỏi đã vấp phải Nikodim Phomits, lúc bây giờ vừa được tin xảy ra tai nạn và muốn thân hành đến dàn xếp. Từ hôm Raxkonikov đến sở cảnh sát họ chưa gặp nhau lần nào, nhưng chỉ trong nháy mắt Nikodim Phomits đã nhận ra chàng.
– À anh đấy ư? – Ông ta hỏi.
– Chết rồi, – Raxkonikov đáp. – Bác sĩ và linh mục đều có đến, mọi việc đã xong rồi. Ông đừng quấy rầy người đàn bà khốn khổ ấy nữa, bà ta đã sẵn bệnh ho lao. Nếu có cách gì ông hãy khích lệ bà ta một chút. Vì ông là một người tốt bụng, tôi biết… – Chàng cười nhạt nói thêm, mắt nhìn thẳng vào mặt viên quận trưởng cảnh sát.
– Nhưng kìa, máu dây hết vào người ông rồi, – Nikodim Phomits nói khi trông thấy dưới ánh đèn lồng mấy vết máu còn tươi trên áo gi-lê của Raxkonikov.
– Vâng, máu… khắp người tôi bê bết những máu! – chàng nói, vẻ rất khác thường, rồi mỉm cười, gật đầu và bước xuống thang gác.
Chàng đi thong thả, người sốt hâm hấp, lòng bất giác tràn ngập một cảm giác mới mẻ, vô biên, cảm giác của một sức sống trọn vẹn mãnh liệt vừa phả vào chàng. Có lẽ nó giống cái cảm giác của một người bị tuyên án tử hình rồi đột nhiên được tuyên án ân xá. Xuống được nửa cầu thang, ông linh mục lúc bấy giờ đang về nhà, đuổi kịp chàng; Raxkonikov lặng lẽ tránh ra nhường lối cho ông ta đi trước. Hai người im lặng cúi đầu chào nhau. Nhưng xuống đến bậc cuối cùng, chàng chợt nghe thấy tiếng chân bước vội ở sau lưng. Có ai đang đuổi theo chàng. Đó là Polenka: con bé vừa chạy theo chàng vừa gọi: “Anh ơi! Anh gì ơi?”.
Chàng quay lại. Con bé chạy xuống hết cầu thang và dừng lại trên chàng một bậc thang, sát trước mặt chàng, Một ánh sáng mờ mờ từ dưới sân hắt lên.
Raxkonikov nhìn kỹ khuôn mặt gày gò nhưng dễ thương của con bé đang mỉm cười với chàng và đôi mắt ngây thơ đang vui vẻ nhìn chàng. Nó chạy xuống để làm tròn một việc sai phái mà hình như nó rất lấy làm thích thú.
– Anh ơi, anh tên là gì? Lại thế này nữa nhé; anh ở đâu? – nó hỏi gấp vừa hỏi vừa thở hổn hển.
Chàng đặt hai tay lên vai con bé và nhìn nó đăm đăm, lòng tràn đầy một hạnh phúc khó hiểu. Chàng thấy dễ chịu lạ lùng khi nhìn nó, chính chàng cũng không biết tại sao.
– Thế ai sai cô xuống?
– Chị Sonya sai em xuống, – bé đáp, nụ cười càng vui hơn nữa.
– Tôi biết mà, tôi biết là chị Sonya sai cô xuống.
– Cả mẹ cũng sai nữa cơ. Khi chị Sonya bảo em đi mẹ cũng nói: “Chạy nhanh lên Polenka!”.
– Cô có yêu chị Sonya không?
– Em yêu nhất chị ấy! – Polenka đáp với một giọng quả quyết đặc biết, và nụ cười của nó bỗng nghiêm trang hẳn lại.
– Thế cô có yêu tôi không?
Thay cho câu trả lời, chàng thấy khuôn mặt nhỏ nhắn nhích lại gần chàng va đôi môi mũm mĩm ngây thơ chìa ra hôn chàng. Bỗng hai cánh tay mảnh như hai que diêm của con bé ôm lấy chàng ghì thật chặt: mái đầu nó gục lên vai chàng, và con bé khóc khe khẽ, mặt mỗi lúc một tì mạnh vào chàng.
– Em thương ba quá – một phút sau nó ngẩng khuôn mặt ướt đầm nước mắt lên và lấy tay chùi nước mắt, – bây giờ bao nhiêu là tai nạn – nó nói thầm một cách bất ngờ, với cái vẻ trịnh trọng mà trẻ con thường cố làm ra cho được khi chúng muốn ăn nói “như người lớn”
– Thế ba có yêu cô không?
– Ba yêu Lidoska hơn hết thẩy chúng em, – nó nói tiếp, rất nghiêm trang và không mỉm cười, giọng nói bây giờ đã hoàn toàn như người lớn, – yêu là vì nó bé, và lại ốm nữa, bao giờ ba cũng mang quà về cho nó, còn chúng em thì ba dạy cho biết đọc sách, riêng em thì ba dạy ngữ pháp với lại giáo lý, – nó trịnh trọng nói thêm, – còn mẹ thì không nói gì, nhưng chúng em cũng biết mẹ thích thế lắm, mà ba cũng biết thế; mẹ muốn dạy em học tiếng Pháp, vì đã đến lúc em phải đi học.
– Thế cô có biết cầu nguyện không?
– Ồ, sao lại không biết, biết chứ! Đã lâu rồi; Em lớn nhất nên em đọc thầm một mình, còn Kolia với Lidoska thì đọc to lên theo mẹ; đầu tiên là đọc kinh “Kính mầng”, rồi đến một bài kinh nữa là bài “Lạy Chúa tha tội và ban phước cho chị Sonya, rồi đến Lạy Chúa tha tội và ban phước cho ba này của chúng con vì ba trước kia của chúng em chết rồi, còn ba này là khác, nhưng chúng em cũng cầu nguyện cho cả ba kia nữa”.
– Polenka ạ, anh tên là Rodion; sau này có khi nào nhớ, em cũng hãy cầu nguyện cho cả “anh Rodion tội nghiệp” nữa nhé, chỉ thế thôi.
– Suốt đời em sẽ cầu nguyện cho anh, – con bé thành tâm trả lời rồi bỗng lại cất tiếng cười, ôm chầm lấy chàng ghì thật chặt. Raxkonikov nói rõ tên họ, địa chỉ cho con bé và hứa ngày mai thế nào cũng ghé lại.
Con bé trở lên nhà, lòng cảm phục chàng không bờ bến. Khi chàng bước ra phố đã hơn mười giờ. Năm phút sau chàng lại đứng trên cầu, ngay ở chỗ người đàn bà nhảy xuống sông lúc nãy.
“Thôi đủ rồi! – chàng nói, giọng quả quyết và đắc thắng, – dẹp hết những ảo ảnh, những nỗi lo sợ hão huyền, những bóng ma! Có cuộc sống đấy! Có phải giờ đây ta không sống đâu? Đời ta không chết theo mụ già ấy! Chúa cứu vớt lấy linh hồn mụ, và thế là đủ rồi, mụ ạ, yên nghỉ đi là vừa! Bây giờ là vương quốc của lý trí và ánh sáng, vương quốc của… ý chí, của sức mạnh… rồi ta sẽ xem! Rồi ta sẽ đọ sức! – chàng nói thêm, giọng ngạo nghễ như thể đang thách thức một ma lực hắc ám nào. – Ta đã bằng lòng sống trong một khoảng không gian rộng có mấy tấc thôi kia mà! Giờ phút này ta yếu đuối lắm, nhưng… hình như bệnh đã khỏi hẳn. Khi bước trong nhà ấy ra ta đã biết nó sẽ qua khỏi. À, nhà Potsinkov cách đây có mấy bước.
Nhất định phải đến Razumikhin, dù không phải chỉ có mấy bước cũng vậy… cứ cho hắn được cuộc! Cứ cho hắn đắc chí, – không sao, mặc hắn… Sức mạnh, cần có sức mạnh: không có sức mạnh thì không làm nên cái gì hết; nhưng muốn có sức mạnh phải dùng sức mạnh, đấy cái ấy họ lại không biết”, – chàng nói thêm một cách kiêu hãnh và tự tin mỗi phút một trỗi dậy trong lòng chàng; chỉ phút chốc chàng đã thành một người khác hẳn trước. Nhưng có cái gì khác thường xảy ra khiến chàng thay đổi hẳn đi như vậy? Chính chàng cũng không biết nữa; như người chết đuối bám vào một cọng rơm, chàng bỗng cảm thấy mình “có thể sống được; còn có một cuộc sống, cuộc sống của mình chưa chết theo mụ già”. Có lẽ chàng kết luận quá vội, nhưng chàng không nghĩ đến chuyện đó.
“Thế nhưng mình lại nhờ cầu nguyện cho anh Rodion tội nghiệp, – ý nghĩ ấy vụt thoáng qua óc chàng, nhưng đó chỉ là… phòng xa thế thôi!” chàng nghĩ tiếp và cười thầm hành động trẻ con của mình. Chàng đang ở trong một tâm trạng hết sức hưng khởi.
Chàng tìm ra nhà Razumikhin rất dễ dàng; trong nhà Potsinkov người ta đã biết người khách mới đến trọ và người gác cổng chỉ ngay cho chàng lối vào. Lên đến nửa cầu thang đã nghe tiếng cười nói ồn ào của một đám đông người tụ họp. Cửa trông ra thang gác để mở toang; bên trong vọng những tiếng quát tháo và cãi cọ. Phòng Razumikhin khá rộng, khách có đến mười lăm người. Raxkonikov dừng lại trong phòng mắc áo.
Ở đây, sau một tấm liếp, hai người đày tớ gái của chủ nhà đang lăng xăng cạnh hai cái ấm lò lớn, mấy cái chai, hoặc cái đĩa đựng bánh nướng và đồ nhắm từ nhà bếp của chủ nhà đưa tới. Raxkonikov bảo vào gọi Razumikhin.
Anh ta mừng quýnh chạy ra. Thoạt trông đã thấy ngay là anh uống rượu rất nhiều, và tuy xưa nay Razumikhin uống rượu không bao giờ say, lần này cũng thấy anh hơi chuếnh choáng.
– Cậu ạ – Raxkonikov vội nói, – tôi chỉ đến để nói rằng cậu đã được cuộc và quả nhiên không ai có thể biết trước mình sẽ làm gì. Còn vào thì tôi không vào được: tôi mệt quá, sắp ngã khuỵu xuống bây giờ đây. Vậy chúc cậu sức khỏe và chào cậu? Mai cậu đến đằng tôi…
Này, tớ đưa cậu về nhà nhé! Cậu mà đã nói là mệt, thì hẳn…
– Thế còn khách? Cái anh tóc quăn vừa dòm ra là ai thế?
– Anh chàng ấy à? Có ma nó biết! Có lẽ là người quen của ông chú hay cũng có thể là hắn tự dẫn xác đến thôi… Tớ để ông chú ở lại tiếp họ; chú tớ là một người vô giá; rất tiếc là bây giờ cậu không làm quen được. Vả lại kệ mẹ nó cả lũ! Bây giờ họ cũng chẳng thiết gì đến tớ nữa, mà tớ cũng đang cần ra ngoài cho thoáng, cho nên cậu đến như thế thật đúng lúc; chỉ hai phút nữa là tớ đánh nhau với họ, thật đấy? Họ nói nhảm kinh người lên được… Cậu không thể tưởng tượng con người ta có thể nói nhảm đến mức nào! Mà sao lại không thể tưởng tượng được? Chúng mình đây lại không nói nhảm chắc? Thôi cứ để họ nói nhảm: nói nhảm bây giờ thì sau này đỡ nói nhảm đi… Cậu ngồi đây một chút, tớ gọi Zoximov nhé.
Zoximov vồ lấy Raxkonikov một cách thèm thuồng; có thể thấy rõ anh ta đang hết sức tò mò muốn biết một điều gì; được một lát mắt anh lại sáng ra.
– Phải đi ngủ ngay tức khắc, – Zoximov quyết định sau khi xem xét bệnh nhân trong chừng mực có thể – đêm nay anh nên uống một ít thuốc thì tốt, uống nhé? Lúc này tôi vừa chế… một liều thuốc bột.
– Hai liều cũng được, – Raxkonikov nói. – Liều thuốc bột được uống ngay tức thì.
– Cậu đưa cậu ấy về là rất tốt, – Zoximov bảo Razumikhin; – ngày mai ra sao thì ta sẽ biết, nhưng ngay bây giờ cũng đã khá lắm rồi: so với ban sáng có sự thay đổi đáng kể. Càng sống càng học được nhiều…
– Cậu có biết lúc nãy Zoximov nói nhầm với tớ những gì không? – Razumikhin nói bô bô khi hai người đã ra phố. – Tớ sẽ nói thẳng cho cậu nghe cậu ạ, vì họ toàn là đồ ngốc hết. Zoximov dặn tớ đi đường phải nói chuyện gẫu với cậu và gợi cho cậu nói, rồi sẽ về kể lại cho hắn nghe vì hắn có cái ý là… là cậu… điên, hay gần như thế. Cậu thử tưởng tượng xem! Thứ nhất là cậu còn thông minh gấp ba hắn ấy, thứ hai là cậu đã không điên thì thèm vào chấp những ý nghĩ của hắn, thứ ba là cái cục thịt ấy vốn chuyên nghề phẫu thuật nhưng bây giờ lại xoay ra nghiên cứu các bệnh tinh thần, còn về cậu thì câu chuyện giữa cậu với Zamiotov đã làm cho hắn tin chắc rồi.
– Zamiotov kể cho cậu nghe hết rồi à?
– Kể hết, cậu cừ đấy. Bây giờ tớ hiểu hết đầu đuôi rồi, cả Zamiotov cũng hiểu… Phải, nói tóm lại. Rodia ạ, số là…
Bây giờ tớ hơi say chút đỉnh… Nhưng không sao… số là cái ý ấy… cậu hiểu chứ? Quả nhiên đã có lúc bắt rễ vào đầu họ… cậu hiểu chứ? Nghĩa là không có đứa nào dám nói ra miệng, vì nó vô lý quá, và nhất là khi họ bắt cái thằng thợ sơn ấy thì nó đã vỡ tan ra và vĩnh viễn tắt ngấm đi rồi. Nhưng tại sao họ ngốc thế? Lúc nãy tớ có xạt Zamiotov ít nhiều, – cái này tớ nói riêng với cậu; cậu đừng để lộ chuyện gì hở ra cậu biết đấy nhé, tớ nhận thấy hắn rất dễ tự ái: việc ấy xảy ra ở nhà mụ Laviza, nhưng hôm nay thì mọi việc đều rõ rành rành. Cái chính là do lão Ilya Petrovich mà ra cả? Hôm ấy hắn lợi dụng khi cậu ngất đi ở sở cảnh sát; mà về sau chính hắn cũng đâm xấu hổ; vì tớ biết…
Raxkonikov háo hức lắng nghe. Razumikhin say rượu đâm ra ba hoa.
– Hôm ấy tớ ngất đi là vì không khí đã ngột ngạt lại sặc mùi sơn mới, – Raxkonikov nói.
– Còn phải phân trần nữa! Mà có phải chỉ có sơn thôi đâu, bệnh đã âm ỉ từ suốt một tháng ròng rồi; Zoximov có thể bảo đảm như thế. Còn thằng bé kia thì cậu không thể tưởng tượng hắn đớ người ra như thế nào! Hắn bảo là “Tôi không đáng cái gót chân người ấy!” tức là cậu ấy. Hắn đôi khi cũng có những tình cảm tốt cậu ạ. Nhưng cái bài học hôm nay ở “Lâu đài thuỷ tinh” thì thật là quá mức hoàn hảo! Lúc đầu cậu làm hắn hoảng đến động kinh lên được!
Cậu hầu như xác nhận cho hắn tin chắc một lần nữa vào cái ý điên rồ ấy rồi bỗng nhiên thè lưỡi ra cho hắn: “Này, cầm lấy!” Tuyệt diệu! Bây giờ thì hắn có vòi rồi, chết dí đi rồi? Cậu chúa thật đấy, mà với bọn ấy phải thế mới được!
Chà lúc ấy lại không có tớ ở đấy, tiếc quá! Lúc nãy ở nhà tớ hắn mong cậu đến lắm đấy. Porfiri cũng muốn làm quen với cậu…
– Thế… cả… lão ấy. Tại sao họ lại liệt tôi vào loại điên?
– Nghĩa là không phải điên. Cậu ạ, hình như tớ ba hoa với cậu quá nhiều rồi đấy… Lúc này có một điều khiến cho người ta lấy làm lạ là cậu chỉ chú ý đến một điểm thôi; bây giờ thì đã rõ tại sao cậu lại chú ý đến điểm đó; một khi biết hết hoàn cảnh… và biết việc đó đã khiến cậu khích động và đã gắn liền với bệnh trạng của cậu như thế nào…
Tớ hơi say cậu ạ, nhưng có ma nó biết, hắn có một ý gì đấy… Tớ báo cậu: hắn đã lú ruột đi vì những cái bệnh tinh thần ấy rồi! Nhưng cậu thì cứ mặc mẹ hắn…
Hai người im lặng một lát.
– Này, Razumikhin ạ, – Raxkonikov lên tiếng, – tôi muốn nói thẳng với cậu: lúc nãy tôi vừa ở nhà một người chết ra, một người công chức mới chết… có bao nhiêu tiền tôi đem cho họ hết rồi… và, ngoài ra, có một người vừa hôn tôi, người ấy thì dù tôi có giết người chăng nữa, cũng sẽ, nói tóm lại, ở đấy tôi còn gặp một người nữa… cắm lông màu lửa, nhưng tôi nói nhảm gì thế này; tôi mệt quá, cậu đỡ tôi một tí… sắp đến thang gác rồi…
– Cậu làm sao thế? Cậu làm sao thế – Razumikhin cuống quýt hỏi.
– Tôi chóng mặt, nhưng không phải vì thế, mà vì tôi thấy buồn, buồn quá! Tâm trạng như một đàn bà… thật đấy!
Kìa… cái gì thế? Cậu trông kia! trông kìa!
– Cái gì thế?
– Cậu không thấy à? Trong phòng tôi có ánh đèn, cậu thấy không? Qua khe cửa…
Họ đã đứng trước cầu thang cuối cùng, bên cửa phòng bà chủ, và quả nhiên có thể thấy trong buồng Raxkonikov có ánh đèn.
– Lạ thật! Chắc là Naxtaxia. – Razumikhin nói.
– Không bao giờ chị ta lại lên phòng tôi vào giờ này, với lại chị ta ngủ từ lâu rồi, nhưng… tôi không cần. Thôi, từ biệt?
– Sao thế? Tôi đưa cậu lên, ta cùng vào?
– Tôi biết rồi, chúng ta cùng vào chứ sao, nhưng tôi muốn bắt tay cậu ở đây và từ biệt cậu ở đây. Nào, cậu đưa tay đây, từ biệt cậu!
– Cậu làm sao thế Rodia?
– Không sao cả; ta lên đi, cậu sẽ làm chứng…
Họ bắt đầu bước lên thang gác, và Razumikhin thoáng có ý nghĩ là có lẽ Zoximov nói đúng. “Chà? Mình nói huyên thuyên làm cậu ấy loạn óc lên rồi?” – chàng lẩm bẩm một mình. Lên đến gần cửa, họ chợt nghe trong buồng có tiếng nói:
– Chuyện gì thế này? – Razumikhin kêu lên.
Raxkonikov cầm lấy nắm cửa, mở toang nó ra và đứng sững trên ngưỡng cửa.
Mẹ và em gái chàng đang ngồi trên chiếc đi-văng của chàng; họ đã đợi chàng suốt một tiếng rưỡi đồng hồ. Tại sao chàng lại không hề ngờ họ đến và không hề nghĩ đến họ, mặc dầu đã mấy lần có tin họ đã lên đường và sắp đến đây, hôm nay sẽ đến? Suốt một tiếng rưỡi đồng hồ ngồi đợi họ đã tranh nhau hỏi Naxtaxia, bây giờ vẫn còn đứng trước mặt họ, và chị ta đã có đủ thì giờ kể hết cho họ nghe từ đầu chí cuối. Họ sợ hãi cuống cuồng lên khi nghe nói hôm nay chàng trốn đi trong khi đang ốm, mà qua câu chuyện kể lại có thể thấy rõ là chàng đang mê sảng nữa!
“Trời ơi? Rodia làm sao thế!” hai mẹ con đã khóc lóc, đau đớn trong suốt thời gian chờ đợi.
Một tiếng reo vui mừng, hoan hỉ đón chào sự xuất hiện của Raxkonikov, hai mẹ con nhảy xổ ra ôm chầm lấy chàng.
Nhưng chàng đứng im như người chết rồi; một ý nghĩ ghê gớm, không sao chịu nổi, đã đột ngột giáng vào chàng như một tiếng sét. Tay chàng cũng không đưa lên ôm lấy mẹ và em: chàng không nhấc nổi. Hai mẹ con ôm hôn chàng, vừa cười vừa khóc…
Chàng bước tới một bước, lảo đảo rồi đổ nhào xuống sàn nhà, ngất đi.
Hoảng hốt, kêu gào, rên rỉ… Razumikhin đang đứng ở ngưỡng cửa, liền lao vào phòng, đưa hai cánh tay hộ pháp xốc bạn lên và trong nháy mắt đã đặt nằm lên đi văng.
– Không sao, không sao? – anh nói với hai mẹ con, chỉ ngất xoàng thôi mà. Mới vừa đây bác sĩ bảo là anh ấy đỡ nhiều rồi, khỏi hẳn rồi mà! Lấy tí nước! À, đây anh ấy tỉnh rồi đây này, đấy, tỉnh rồi!
Và nắm lấy tay Duneska mạnh đến nỗi suýt gãy ra, Razumikhin kéo nàng cúi xuống để xem “anh ấy tỉnh rồi đây này”. Hai mẹ con cảm khích nhìn Razumikhin như nhìn một vị thiên thần; qua câu chuyện của Naxtaxia, họ đã biết Rodia của họ trong suốt thời gian ốm đã chịu ơn “người thanh niên tháo vát ấy như thế nào”, ngay tối hôm ấy, trong khi nói chuyện riêng với Dunia, bà Punkheria Alekxandrovna Raxkonikova đã gọi Razumikhin như vậy.