Vừa lúc ấy, cánh cửa nhẹ mở và một người con gái bước vào buồng rụt rè đưa mắt nhìn quanh. Mọi người đều ngạc nhiên và tò mò quay lại nhìn nàng
Thoạt tiên Raxkonikov chưa nhận ra ai. Nàng chính là Sofia Xemionovna Marmelazova. Hôm qua chàng mới gặp nàng lần đầu, song thời gian, khung cảnh và cách phục sức của nàng lúc ấy đã khắc sâu vào ký ức chàng một hình ảnh khác hẳn. Giờ đây, nàng là một người con gái ăn mặc giản dị và tồi tàn, còn rất ít tuổi, trông như một đứa trẻ; cử chỉ có dè dặt và lễ độ, nét mặt cởi mở, nhưng hình như có chiều sợ hãi. Nàng mặc một chiếc áo dài rất giản dị tự may lấy ở nhà và đội một chiếc mũ cũ kỹ đã quá mùa, duy chỉ còn chiếc ô hôm qua là vẫn cầm trên tay. Chợt nhìn thấy trong buồng đông người, nàng không những ngượng ngùng mà còn rối trí hẳn hoi, luống cuống như một đứa bé, thậm chí còn toan quay trở ra nữa là khác.
– A! Cô đấy à? – Raxkonikov kinh ngạc cất tiếng hỏi và cũng đâm ra lúng túng.
Ngay lúc ấy chàng hình dung là qua bức thư của Lugin, mẹ và em chàng đã biết ít nhiều về người con gái mà “ai cũng biết là hư hỏng”. Chàng vừa phản kháng những lời vu khống của Lugin và tuyên bố chỉ mới gặp người con gái ấy lần đầu tiên thì bỗng dưng nàng lại đến nhà chàng một mình. Chàng cũng nhớ lại là lúc nãy chàng không hề cải chính cái “hư hỏng” mà Lugin đã gán cho nàng. Trong nháy mắt hết thảy những điều vụt thoáng qua tâm trí chàng một cách mơ hồ, hỗn độn. Song nhìn kỹ chàng thấy con người khốn khổ ấy đã phải chịu bao nhiêu nỗi tủi nhục ê chề đến nỗi chàng bất giác phải thương hại. Khi thấy nàng hoảng hốt toan bỏ chạy. Chàng bỗng cảm thấy xao xuyến như có một cái gì đảo ngược lại trong lòng.
– Tôi không ngờ cô đến, – chàng vội nói và đưa mắt ngăn nàng lại. – Xin mời cô ngồi. Chắc bà Katerina Ivanovna bảo cô đến. Ấy xin lỗi, không phải đấy, mời cô ngồi trên ghế kia.
Thấy Sonya đến, Razumikhin đang ngồi trên một chiếc ghế của Raxkonikov ngay cạnh cửa, đã đứng dậy nhường lối cho nàng.
Lúc đầu Raxkonikov trỏ cho nàng ngồi vào góc đi-văng, chỗ Razumikhin ngồi lúc nãy; nhưng sực nhớ là ngồi trên đi-văng có vẻ “thân mật” quá, chàng vội vàng trỏ sang ghế Razumikhin.
– Còn cậu, cậu ngồi đây, – Chàng vừa nói với Razumikhin vừa trỏ vào góc đivăng, chỗ Zoximov ngồi lúc nãy.
Sonya ngồi xuống, người hầu như run lên vì sợ hãi và rụt rè nhìn hai người đàn bà. Có thể thấy rõ ràng chính nàng cũng không hiểu sao mình lại có thể ngồi bên cạnh họ được. Nghĩ thế, nàng thấy sợ quá, đến nỗi nàng vụt đứng dậy và bối rối nói với Raxkonikov.
– Tôi… tôi… chỉ ghé đây một phút thôi, xin ông thứ lỗi vì đã quấy rầy – nàng ấp úng – Katerina Ivanovna bảo tôi đến vì nhà không còn ai nữa. Dì tôi căn dặn tôi thế nào cũng khẩn khoản mời ông sớm mai… đến dự buổi lễ cầu hồn ở nhà thờ Mitrophan rồi đến nhà chúng tôi… đằng nhà Katerina Ivanovna, xơi bữa tiệc xoàng… cho dì tôi được vinh dự tiếp ông… Dì căn dặn tôi đến nói với ông như vậy.
Sonya líu lưỡi im bặt.
– Tôi sẽ cố gắng… thế nào tôi cũng cố gắng đến! – Raxkonikov lại cũng đứng dậy nói ấp úng câu được câu mất. – Xin cô ngồi lại đã, – chàng bỗng nói, – Tôi có câu chuyện cần nói với cô. Xin mời… hình như cô đang vội? Xin cô vui lòng ở lại độ hai phút nữa… – Và chàng đẩy ghế về phía nàng. Sonya lại ngồi xuống và lại đưa mắt rụt rè, sợ hãi nhìn hai người đàn bà, rồi bỗng cúi mặt xuống.
Gương mặt nhợt nhạt của Raxkonikov đỏ ửng lên, cả người chàng như điên đảo, mắt chàng sáng quắc.
– Mẹ ạ, – chàng nói, giọng rắn rỏi, đây là Sofia Xemionovna Marmelazova, con gái của ông Marmelazov bất hạnh đã bị xe chẹt hôm qua trước mắt con, như con đã có dịp thưa với mẹ
Bà Punkheria Alekxandrovna nhìn Sonya và hơi nheo mắt lại. Tuy luống cuống trước cái nhìn khẩn khoản và khiêu khích của Rodia, bà cũng không thể bỏ qua điều thích thú đó. Duneska nghiêm trang và chăm chú nhìn thẳng vào khuôn mặt người con gái đáng thương như muốn hỏi han tìm hiểu. Nghe lời giới thiệu, Sonya ngửng đầu lên song lại cúi ngay xuống, lòng càng bối rối hơn.
– Xin cô cho biết – Raxkonikop hỏi vội Sonya – hôm nay ở đằng nhà công việc ra sao? Có gì rắc rối không… về phía cảnh sát chẳng hạn?
– Không ạ, mọi việc đều ổn cả. Với lại, nguyên nhân tai nạn đã quá rõ ràng rồi: họ cũng không quấy rầy gì chúng tôi cả; chỉ phải những người cùng trọ họ kêu ca thôi.
– Tại sao ạ?
– Họ kêu là thi hài để mãi trong nhà dạo này trời lại nóng bức… có mùi, nên từ buổi cầu kinh chiều nay cho đến mai sẽ đưa đến nghĩa trang trong nhà thờ. Lúc đầu Katerina Ivanovna không thuận, nhưng giờ thì dì cũng thấy là không làm thế nào khác được.
– Vậy là hôm nay à?
– Dì tôi trân trọng mời ông ngày mai đến dự buổi lễ cầu hồn tại nhà thờ, rồi đến đằng chúng tôi dùng bữa tỉệc tang.
– Bà nhà dọn tiệc tang à?
– Vâng ạ, gọi là mấy món xoàng thôi ạ, dì tôi căn dặn tôi đến chân thành cảm tạ ông đã giúp đỡ chúng tôi. Không có ông thì chúng tôi không biết lấy gì lo việc ma chay nữa. – Môi và cằm nàng bỗng run lên, song nàng cố kìm giữ lại và hối hả cúi nhìn xuống đất.
Trong khi hỏi chuyện, Raxkonikov chăm chú nhìn nàng: khuôn mặt nàng nhỏ, rất gầy và xanh, nét không được đều đặn lắm; mũi và cằm nàng nhỏ và hơi nhọn khiến khuôn mặt trông hơi sắc. Cũng không thể nói là nàng xinh được, song đôi mắt xanh của nàng trong sáng lạ thường, và mỗi khi đôi mắt đó sinh động lên, gương mặt nàng trông hiền hậu và chất phác đến nỗi người ta bất giác thấy mình bị thu hút lại gần. Trên khuôn mặt và ngay trên khắp dáng dấp của nàng lại có một nét đặc biệt nữa: tuy đã mười tám tuổi, nhưng trông nàng có vẻ trẻ hơn nhiều, hầu như chỉ là một con bé và điều này thỉnh thoảng lại hiện rõ lên một cách ngộ nghĩnh trong một vài cử chỉ của nàng.
– Nhưng không hiểu với số tiền ít ỏi thế thì làm sao Katerina Ivanovna có thể thu xếp mọi việc được, mà lại còn định mở tiệc tang? – Raxkonikov, bám lấy câu chuyện, hỏi tiếp.
– Áo quan thì rất đơn giản thôi ạ… và hết thảy mọi việc cũng đều rất đơn giản, nên cũng không tốn mấy… Vừa rồi chúng tôi với Katerina Ivanovna có tính qua thì thấy cũng còn đủ để dọn bữa tiệc tang… Katerina Ivanovna rất thiết tha muốn làm như vậy. Quả tình, không thể… đó là một điều an ủi đối với dì… Tính dì tôi vốn thế, ông cũng biết…
– Vâng, vâng, tôi hiểu, tôi hiểu lắm… – Có gì mà cô nhìn căn buồng của tôi kỹ thế? Đấy, mẹ tôi cũng nói nó giống như một cỗ quan tài.
– Hôm qua, có bao nhiêu ông đã cho chúng tôi hết! – Sonya chợt nói nhanh, giọng gần như thầm thì, rồi vội vã cúi mặt xuống. Môi và cằm nàng lại run run. Từ lúc nãy, căn buồng khốn khổ của Raxkonikov đã đập vào mắt nàng và giờ đây mấy tiếng ấy bỗng dưng cứ tự nó buột ra khỏi miệng nàng. Một giây lát im lặng tiếp theo. Mắt Dunia sáng lên, và bà Punkheria Alekxandrovna cũng nhìn Sonya một cách trìu mến.
– Rodia ạ, – bà vừa nói vừa đứng dậy, – tất nhiên mẹ con ta sẽ ăn bữa chiều với nhau, ta đi thôi, Dunia ạ, còn con, Rodia, con nên đi ra ngoài dạo chơi một lát, xong nằm nghỉ cho khỏe, rồi đến đằng mẹ sơm sớm một chút… Chỉ sợ mẹ và em ngồi đây mãi làm con mệt…
– Vâng, vâng, con sẽ đến, chàng đứng dậy đáp, vẻ vội vàng… – Với lại con cũng bận tí việc.
– Nhưng các vị không đi ăn mỗi người một nơi đấy chứ? – Razumikhin ngạc nhiên nhìn kêu lên. – Cậu định thế nào đấy?
– Được, được, tôi sẽ đến, tất nhiên, tất nhiên. Còn cậu ngồi lại đây một phút nữa. Hiện giờ mẹ không có việc gì cần đến cậu ấy chứ? Hay là con giành mất của mẹ?
– Ô không, không đâu. À, anh Dmitri Prokofich, mời anh vui lòng cũng đến dùng bữa chiều với chúng tôi?
– Anh đến nhé! Tôi xin anh. – Dunia nói thêm.
Razumikhin nghiêng mình, gương mặt rạng rỡ lên.
Trong giây lát, mọi người đều cảm thấy ngượng nghịu khác thường.
– Từ biệt Rodia, à quên, có nghĩa là tạm biệt ấy. Mẹ không thích nói từ biệt. Từ biệt chị Naxtaxia… Ồ, tôi lại nói từ biệt nữa rồi!
Bà Punkheria Alekxandrovna cũng muốn chào Sonya nhưng rồi luống cuống không biết chào cách nào, đành vội vã ra khỏi phòng.
Nhưng Avdotia Romanovna chừng như đã đợi sẵn đến phiên mình, khi nối chân mẹ đi ngang trước mặt Sonya liền lễ phép và trân trọng cúi đầu chào nàng.
Sonya luống cuống nghiêng mình đáp lễ, vẻ hấp tấp và sợ sệt, một nét đau khổ thoáng hiện trên gương mặt, dường như thái độ lễ phép và trân trọng của Avdotia Romanovna là một cực hình đối với nàng.
– Dunia, em đi nhé, – Raxkonikov nói khi đã ra đến đầu cầu thang, – đưa tay anh bắt nào?
– Em đã bắt tay anh rồi mà, anh quên rồi sao?
Dunia ngoảnh lại phía chàng, vẻ trìu mến và ngượng nghịu.
– Cũng chẳng sao, đưa anh bắt một lần nữa.
Và chàng xiết chặt mấy ngón tay nhỏ nhắn của nàng. Dunia mỉm cười với anh, mặt đỏ ửng, rồi rút vội bàn tay lại và đi theo mẹ, chẳng hiểu tại sao cũng thấy lòng khắp khởi vui sướng.
– Thôi, thế là ổn cả. – chàng trở vào buồng nói với Sonya và nhìn nàng, gương mặt sáng hẳn lên. Cầu Chúa cho kẻ đã chết được yên nghỉ, cho kẻ còn sống được sống thêm! Có phải thế không? Có đúng thế không nào?
Sonya ngạc nhiên nhìn gương mặt rạng rỡ của Raxkonikov; chàng lặng thinh chăm chú nhìn nàng một lúc. Tất cả câu chuyện mà người cha quá cố đã kể về nàng, giờ phút này bỗng hiện rõ lên trong ký ức chàng.
– Trời ơi Dunia! – bà Punkheria Alekxandrovna thốt lên khi ra đến ngoài đường, – bây giờ ra khỏi nhà anh con rồi mẹ cứ mừng mừng thế nào ấy, tựa như nhẹ hẳn đi, hôm qua, trên tàu, mẹ có ngờ đâu mẹ sẽ vui mừng khi được từ biệt anh con?
– Mẹ ạ, một lần nữa con nhắc mẹ là anh con đang ốm nặng đấy, chả nhẽ mẹ không thấy sao? Có thể là vì quá thương mẹ, thương em nên sinh bệnh. Chỉ cần độ lượng là có thể tha thứ cho anh con rất nhiều, rất nhiều, mẹ ạ.
– Chính cô lúc này không độ lượng thì có! – Bà Punkheria Alekxandrovna ngắt lời con gái, giọng giận dỗi. – Dunia, con có biết không, mẹ đã ngắm kỹ hai anh em con, con giống hệt như anh con, giống khuôn mặt đã đành nhưng tính tình lại càng giống nhiều hơn: cả hai anh em con đều hay sầu muộn, cả hai đều lầm lì và nóng tính, cả hai đều kiêu hãnh, và hào hiệp. Vì không lý nào anh con lại là một người ích kỷ, đúng thế không, Dunia? Nghĩ đến câu chuyện sẽ xảy ra chiều nay ở đằng nhà ta, lòng mẹ cứ xốn xang lên con ạ.
– Mẹ ơi, đừng lo mẹ ạ, sự việc sẽ xảy ra theo đúng lẽ tự nhiên thôi.
– Nhưng Dunia, con hãy nghĩ tình cảnh mẹ con ta mà xem! Rồi sẽ ra sao nếu Piotr Petrovich cứ một mực như thế? – bà Punkheria Alekxandrovna chợt buột mồm.
– Thế thì ông ta không còn đáng giá là bao nữa! – Dunia nói, giọng xẵng và khinh bỉ.
– Lúc này mẹ con ta đi là phải, – bà Punkheria Alekxandrovna vội nói tiếp, anh con đang vội đi đâu đấy thôi để cho nó ra ngoài một tí cho nó thoáng mà thở, chứ cứ ở trong buồng nó thì phát ngột lên ấy… Nhưng ở trong cái thành phố này thì lấy đâu ra không khí mà thở kia chứ? Ở ngoài phố mà cứ y như ở trong buồng kín. Trời, thành với phố!
Ấy, tránh ra con, khéo lại bị chẹt bây giờ, họ khiêng cái gì kia kìa. Một chiếc dương cầm thì phải? Họ chen chúc nhau ghê thật… Mẹ cũng sợ người con gái ấy lắm.
– Người con gái nào hở mẹ?
– Thì cái cô Sofia Xemionovna vừa đến đằng anh mày lúc nãy ấy.
– Tại sao mẹ lại sợ?
– Mẹ có linh cảm thế nào ấy. Dunia ạ. Tin hay không thì tùy con, nhưng khi cô ta mới bước vào, mẹ đã nghĩ ngay rằng chủ yếu là ở đấy cả.
– Chả có gì ở đấy hết! – Dunia bực mình gắt. – Mẹ thì bao giờ cũng linh với cảm. Anh ấy chỉ mới quen cô ta từ hôm qua thôi, lúc nãy khi cô ta bước vào, anh cũng không nhận ra nữa là!
– Đấy rồi con xem!… Cô ta làm mẹ lo lắmg. Rồi con xem! Rồi con xem! Mẹ sợ quá! Cô ta nhìn mẹ, nhìn mẹ với cặp mắt lạ lùng đến nỗi mẹ ngồi không yên nữa, con có nhớ là anh con đã giới thiệu cô ấy với mẹ con ta thế nào không? Mẹ thấy lạ quá, Piotr Petrovich viết thư nói chuyện cô ấy như thế mà anh con vẫn cứ giới thiệu, và nhất là giới thiệu với con nữa chứ? Thế nghĩa là anh con quý cô ấy lắm.
– Chuyện gì mà họ chả viết! Đấy dạo trước họ đã viết đủ điều dèm pha mẹ con ta, mẹ quên rồi hay sao? Con thì con tin chắc rằng… cô ta là một cô gái rất tốt và tất cả những lời người ta nói đều là chuyện nhảm.
– Cầu Chúa phù hộ cô ấy?
– Còn Piotr Petrovich chính là một kẻ ngồi lê đôi mách ti tiện – Dunia bỗng thét lên.
Bà Punkheria Alekxandrovna cúi mặt xuống, lặng thinh. Câu chuyện bị bỏ lửng.
– Đây, việc mình cần nói với cậu là thế này. – Raxkonikov kéo Razumikhin ra cửa sổ nói.
– Thế nghĩa là tôi có thể thưa được với dì Katerina Ivanovna là ông sẽ đến chứ ạ. – Sonya vội nói chen vào và nghiêng mình như muốn chào ra về.
– Một lát nữa đã, Sofia Xemionovna ạ, chúng tôi chẳng có chuyện gì bí mật đâu, cô không làm phiền gì chúng tôi đâu… Tôi có câu chuyện nhỏ muốn nói với cô – Đoạn cắt ngang câu nói đang bỏ giở, chàng quay về phía Razumikhin, – Thế này nhé. Cậu có biết cái lão… tên gì nhỉ? Porfiri Petrovich ấy mà?
– Biết quá đi ấy chứ, có họ với mình đấy! Nhưng sao kia. – anh ta nói tiếp, vẻ tò mò.
– Có phải hiện nay hắn đang tiến hành điều tra vụ ấy phải không… chậc! Cái vụ giết người ấy mà? Hôm qua tôi có nghe hai cậu nói thế thì phải…
– Phải… Sao nữa? – Razumikhin mở hai mắt tròn xoe ra.
– Hắn ta có hỏi cung những người cầm đồ, mà tôi cũng có một vài thứ đem cầm ở đằng ấy, đồ lặt vặt thôi, nhưng lại là một chiếc nhẫn con của em tôi tặng làm kỷ niệm hồi tôi lên đường đi Petersbung và chiếc đồng hồ quả quýt bằng bạc của cha tôi. Tất cả cũng chỉ đáng giá năm, sáu rúp gì đó thôi, song đối với tôi lại rất quý, chả là vật kỷ niệm. Bây giờ tôi phải làm thế nào? Tôi không muốn mất những vật ấy, nhất là chiếc đồng hồ, lúc nãy khi nói chuyện đến chiếc đồng hồ của Dunia tôi cứ lo cuống lên, sợ bà cụ đòi xem. Vật duy nhất còn lại của ông cụ tôi đấy. Nếu mất thì bà cụ sẽ phát ốm lên được. Đàn bà họ thật…! Thế cậu báo cho tôi biết phải làm như nào nhé? Tôi cũng biết là sẽ phải làm một tờ khai nộp lên đồn. Nhưng nếu trực tiếp với Porfiri, liệu có hơn không? Cậu nghĩ thế nào? Tôi muốn thu xếp việc này càng chóng càng tốt. Cậu sẽ thấy là từ đây đến bữa ăn chiều thế nào bà cụ tôi cũng hỏi cho mà xem.
– Không cần gì đồn cảnh sát tất, nhất định trực tiếp với Porfiri thôi! – Razumikhin reo lên, giọng có vẻ phấn khích khác thường. Ồ! Mình mừng quá! Thôi, đi, đi ngay bây giờ, chỉ hai bước thôi; chắc chắn sẽ gặp hắn ta ở nhà.
– Được ta đi đi.
– Hắn ta rất thích làm quen với cậu? Mình đã nói chuyện với hắn về cậu nhiều bận rồi… Mới hôm qua đây nữa…
Thế cậu cũng có biết mụ ấy à? À hay lắm! Mọi việc đã ăn khớp với nhau đến là tuyệt. À, phải cô Sofia Ivanovna…
– Sofia Xemionovna, – Raxkonikov đính chính lại – Cô Sofia Xemionovna, đây là Razumikhin, bạn tôi, một người rất tốt.
– Nếu các ông phải đi bây giờ thì… – Sonya nói, mắt không dám nhìn Razumikhin, và điều đó càng làm cho nàng ngượng nghịu thêm.
– Ta đi thì – Raxkonikov quyết định, – cô Sofia Xemionovna, ngày hôm nay tôi sẽ đến đằng cô, nhưng cô cho biết hiện cô ở đâu?
Chàng không có vẻ gì bối rối, song lại có ý vội vã, và cố tránh mắt Sonya. Sonya nói rõ địa chỉ, mặt đỏ ửng. Cả ba cùng đi ra.
– Cậu không khoá cửa lại à? – Razumikhin hỏi trong khi theo sau chàng bước xuống cầu thang.
– Không bao giờ! – Với lại tôi đã định mua một ổ khoá từ hai năm nay rồi đấy! – Raxkonikov nói tiếp – Diễm phúc thay những kẻ chẳng có gì để đến nỗi phải khoá cửa cả! – Chàng cất tiếng cười quay sang nói với Sonya.
Ra đến ngoài, họ dừng bước dưới cổng.
– Cô rẽ tay phải chứ, cô Sofia Xemionovna? À này, cô làm thế nào mà tìm ra được chỗ tôi thế? – chàng hỏi, tựa như muốn gợi một chuyện gì khác với nàng. Chàng muốn nhìn thẳng vào đôi mắt trong sáng và dịu dàng của cô gái, nhưng không hiểu sao chàng không thể nhìn được.
– Hôm qua chính ông có dặn địa chỉ lại cho Poleska đấy ạ.
– Poleska? À, phải… Poleska. Có phải là cô bé, em gái cô phải không? Thế ra tôi có để lại địa chỉ cho em cô à?
– Chả nhẽ ông quên rồi sao?
– Không… Tôi nhớ.
– Hồi trước tôi có nghe cha tôi nói đến ông… Song hồi ấy tôi không biết tên ông, cha tôi cũng không biết nốt. Và hôm nay, tôi đến đây tôi đã biết tên ông từ hôm qua, nên tôi hỏi thăm: “Phải ông Raxkonikov ở đây không?” Tôi không biết là ông cũng phải thuê trọ… Thôi, xin chào hai ông, tôi sẽ thưa với Katerina Ivanovna…
Nàng mừng quýnh lên vì được đi khỏi; nàng bước đi mặt cúi gằm, hối hả cho chóng thoát khỏi tầm mắt của hai người, cho chóng vượt hết cái khoảng hai mươi bước đến chõ rẽ ngoặt sang phải để rồi được thanh thản một mình, và qua khỏi góc phố, lại rảo bước không nhìn ai mà cũng không trông thấy gì xung quanh mình, ngẫm nghĩ, nhớ lại, suy xét từng lời từng chữ mình nói lúc nãy, nhớ lại từng sự việc một. Chưa bao giờ, nàng chưa bao giờ có một cảm giác như vậy. Cả một thế giới mới lạ vụt hiện lên trong tâm hồn nàng, mơ hồ và khó hiểu. Nàng bỗng sực nhớ ra rằng Raxkonikov định sẽ đến nhà mình hôm nay, có thể là sáng nay, có thể là ngay bây giờ.
– Ôi chỉ xin người ấy đừng đến hôm nay, – nàng thầm thì, tim như lặng hẳn đi, tựa hồ muốn van xin ai, như một đứa bé hoảng sợ. – Trời ơi! Lại nhà mình à! Vào cái buồng ấy, người đó sẽ thấy. Ôi! Lạy Chúa.
Và trong giây phút ấy, lẽ dĩ nhiên nàng không thể nào chú ý đến một kẻ lạ mặt đang chăm chú theo dõi và bám sát nàng, hắn theo nàng mãi từ khi nàng ra khỏi cổng. Khi Razumikhin, Raxkonikov và Sonya đứng ở vỉa hè nói chuyện với nhau thì người lạ mặt vừa đi ngang, hắn hầu như bỗng giật mình khi tình cờ thoáng nghe Sonya nói: “Tôi hỏi thăm: có phải ông Raxkonikov ở đây không?” hắn đưa mắt soi mói nhìn lướt qua mọi người, nhất là Raxkonikov, mà Sonya vừa mới gửi chuyện, đoạn hắn nhìn qua ngôi nhà và ghi nhớ lấy tất cả những việc đó, hắn làm trong nháy mắt khi đi ngang qua, hắn làm ra vẻ không chú ý, cứ đi thẳng, nhưng bước chậm dần như muốn chờ đợi.
Hắn rình Sonya. Hắn đã thấy ba người chia tay nhau và Sonya đi riêng ra để về nhà.
“Không biết cô ta ở nhà nào? Mình đã thấy khuôn mặt này ở đâu rồi ấy!” – hắn vừa nghĩ thầm, vừa cố nhớ lại nét mặt của Sonya.
Đến góc phố, hắn sang vỉa hè bên kia, ngoảnh lại và thấy Sonya cũng đang đi về phía hắn, không chú ý gì xung quanh cả. Đến chỗ ngoặt, nàng cũng rẽ vào cùng đường với hắn. Hắn liền theo riết nàng không rời mắt dọc theo bờ đường bên kia; đi độ dăm chục bước, hắn lại sang bên vỉa hè Sonya đang đi và theo sau nàng cách chừng dăm bước.
Đó là một người tuổi trạc ngũ tuần, tầm vóc cao hơn trung bình; người đẫy, vai rộng và xuôi nên trông như hơi gù.
Hắn ăn mặc bảnh bao và chững chạc, trông ra dáng một ông lớn. Tay hắn đi đôi găng mới tinh, cầm một cái can trau chuốt, gõ lộc cộc trên vỉa hè theo từng bước chân. Khuôn mặt hắn rộng, gò má cao, trông cũng dễ coi và nước da hồng hào của hắn trông không có vẻ gì là dân Petersbung cả. Tóc hắn hãy còn tốt và một màu vàng hoe, chỉ điểm lưa thưa một vài sợi bạc; râu hắn rậm và xòe rộng ra, màu còn sáng hơn cả tóc hắn nữa, hắn có đôi mắt xanh với cái nhìn lạnh lùng, chăm chú mà tư lự; môi hắn đỏ thắm. Nhìn chung hắn ta rất quắc thước, trông còn trẻ hơn tuổi nhiều.
Khi Sonya rẽ ra kênh đào thì chỉ còn có hai người trên vệ đường. Nhìn kỹ Sonya, hắn kịp nhận thấy cái vẻ tư lự và lơ đãng của nàng. Về đến trước nhà, Sonya rẽ vào cổng: hắn cũng bước theo và có vẻ như hơi ngạc nhiên. Vào trong sân, Sonya rẽ sang phải, đi vào góc sân có cái cầu thang đưa lên buồng nàng.
“Chà!” – người lạ mặt lẩm bẩm và bước theo nàng lên cầu thang. Mãi đến bây giờ, Sonya mới để ý thấy hắn. Đến tầng thứ ba. Sonya rẽ vào hành lang và giật chuông buồng số 9, trước cửa buồng có mấy chữ viết phấn: Kapernaumov, thợ may. “Chà” – người lạ mặt lại lẩm bẩm, ngạc nhiên vì sự ngẫu hợp kỳ lạ này, rồi bấm chuông buồng bên cạnh số 8. Hai cửa buồng chỉ cách nhau có sáu bước chân.
– Cô trọ ở nhà Kapernaumov à? – hắn nhìn Sonya, mỉm cười. – Hôm qua ông ta vừa mới chữa cho tôi chiếc gi-lê.
Còn tôi, tôi ở đây, bên cạnh, cùng với bà Resslich, Gertruda Karlovna. Thật là một sự tình cờ thú vị.
Sonya nhìn hắn chăm chú.
– Chúng ta là chỗ láng giềng với nhau đấy. – Hắn nói tiếp, giọng đặc biệt vui vẻ – Tôi mới đến Petersbung chỉ được hai hôm nay. Thôi, chào cô, rất mong được gặp lại cô.
Sonya không đáp. Cửa buồng nàng mở, nàng lách người vào. Không hiểu sao, một cảm giác lẫn lộn vừa sợ sệt vừa xấu hổ bỗng tràn ngập lòng nàng.
Trên đường đến nhà Porfiri, Razumikhin phấn khởi khác thường.
– Tuyệt thật đấy, – anh lắp đi lắp lại mấy lần – tớ rất thú, rất thú!
“Hắn thú cái gì mới được chứ?” – Raxkonikov nghĩ thầm.
– Này, tớ không biết là cậu cũng có cầm đồ ở đằng mụ ấy… thế… thế… đã lâu chưa? Nghĩa là cậu đến đằng mụ này đã lâu chưa?
“Thằng cha mới ngây ngô làm sao”.
– Lúc nào à? – Raxkonikov đáp và dừng lại để suy nghĩ – tôi đến đằng mụ ấy đâu ba ngày trước khi mụ ấy chết thì phải. Với lại, bây giờ tôi cũng không có ý định đến chuộc đồ cầm lại đâu, – chàng nói tiếp, tuồng như có ý vội vã và đặc biệt sốt sắng với những vật đó – vì tôi chỉ còn mỗi đồng rúp bạc trong túi… cũng vì cái cơn mê sảng chết tiệt chiều hôm qua!
Chàng chú ý nhấn mạnh vào hai chữ “mê sảng”.
– Phải đấy, đúng, đúng, – Razumikhin vội vã tán thành, cũng chẳng hiểu tại sao – đấy, chính vì thế mà cậu. Hôm ấy tớ cũng hơi lấy làm lạ… cậu biết không, trong cơn mê sảng, cậu lúc nào cũng nhắc đến dây chuyền với nhẫn; thôi… đúng… đúng rồi. Rõ! Bây giờ thì rõ cả rồi.
“Ấy đấy! Thế nghĩa là ý nghĩ ấy đã thâm nhập vào trí óc họ! Anh chàng này chẳng hạn, một con người có thể vì mình mà chịu đóng đinh trên giá thập tự, rất sung sướng là đã tự giải thích được tại sao mình lại nói đến nhẫn trong cơn mê! Ý nghĩ ấy thật đã neo chặt vào đầu óc tất cả bọn họ rồi”.
– Không biết hắn ta có ở nhà không? – chàng cất tiếng hỏi.
– Có chứ, có chứ! – Razumikhin vội đáp. – Hắn ta là một tay rất tốt, đấy, rồi cậu xem, hơi vụng về một tí hắn vẫn là một người lịch thiệp, nhưng đây tớ nói về một phương diện khác. Một tay thông minh, không ngốc tí nào, nhưng mà lại là một kiểu trí tuệ hơi đặc biệt… Một con người hay ngờ vực, hoài nghi, vô sỉ, thích bịp đời. Nghĩa là không phải thích bịp, mà là thích chơi xỏ thì đúng hơn. Phương pháp của hắn là phương pháp cũ dựa trên bằng chứng vật chất, nhưng hắn thạo nghề đấy, khá thạo… Năm ngoái hắn điều tra ra một vụ án mạng hầu như đã mất hết tung tích! Hắn ta rất thích, rất thích làm quen với cậu.
– Sao hắn lại thích quá đến như vậy?
– Không phải là vì… cậu thấy đấy, trong thời gian gần đây khi cậu đang ốm tớ cũng có hay nhắc đến cậu… Hắn ta cũng chú ý nghe… và khi biết cậu là sinh viên trường Luật, vì hoàn cảnh không tiếp tục theo học được, hắn có nói: “Tiếc thật?”. Vì thế tớ kết luận là… tớ muốn nói là do tất cả những việc đó chứ không phải chỉ riêng việc kia. Này, Rodia, hôm qua khi đi về với cậu, tớ say nên ba hoa nhiều… thành thử tớ cứ sợ cậu hiểu lầm…
– Sao? Hiểu lầm rằng người ta cho mình là điên ấy à? Mà có lẽ thật đấy. – Chàng cười gượng.
– Ờ… ừ à không! Này, những chuyện tớ nói hôm qua (và cả những chuyện khác cùng vậy) đều nhảm nhí tất, đều là con đẻ của ma men tất.
– Sao cậu lại tự thanh minh mãi thế! Tôi ngấy lắm rồi – Raxkonikov quát lên với một giọng bực tức cường điệu và có phần giả tạo.
– Tớ biết, tớ hiểu rồi. Cậu cứ tin chắc là tớ hiểu, thậm chí tớ còn thấy xấu hổ khi nói đến chuyện ấy.
– Đã thấy xấu hổ thì thôi, đừng nói nữa!
Hai người lặng thinh. Razumikhin đang phấn khởi đến cực độ. Raxkonikov cũng nhận thấy thế, và chàng chán ghét lạ lùng. Chàng còn lo sợ vì những chuyện Razumikhin vừa nói về Porfiri “Với thằng kia mình cũng phải lòe mới được – chàng suy nghĩ, mặt tái đi, trống ngực đánh thình thình mà phải loè cho tự nhiên hơn nữa. Thật ra, tự nhiên hơn cả là đừng lòe với bịp gì tất. Phải cố sức đừng lòe bịp gì hết. Không, cố sức thì lại không tự nhiên rồi. Thôi được, để xem sự thể ra sao… rồi sẽ liệu… chỉ lát nữa thôi… không biết mình đến đấy là có lợi hay có hại? Con thiêu thân tự lao vào ánh đèn. Tim mình đập mạnh quá thật chẳng lành!”
– Đây ngôi nhà xam xám này – Razumikhin nói.
“Điều quan trọng hơn cả là Porfiri có biết hôm qua mình đến nhà mụ phù thuỷ ấy và hỏi về vũng máu hay không biết. Trước hết, mình phải làm thế nào biết ngay được điều đó trong nháy mắt, bước vào buồng là phải đọc ngay được điều đó trên nét mặt hắn, không thì… dù có thế nào cũng phải biết mới được”
– Này, – chàng bỗng quay sang phía Razumikhin với một nụ cười tinh quái, – anh bạn ạ, tôi nhận thấy từ sáng nay anh bạn không được bình thường lắm, cứ cuống cả lên, đúng không?
– Cuống thế nào? Tớ chẳng cuống kiếc tí nào cả. – Razumikhin giận dỗi đáp.
– Không phải đâu, ông bạn ạ, trông rõ quá đi rồi. Lúc nãy cậu ngồi trên ghế dựa mà cứ ngồi tít ra ngoài mép ấy, có bao giờ cậu ngồi thế đâu? Cậu cứ như bị chuột rút ấy, động một tí là giật bắn lên. Mặt cậu khi thì hầm hầm, khi thì ngọt lịm như miếng kem. Cậu lại còn đỏ mặt nữa, nhất là khi người ta mời cậu đến ăn cơm thì cậu đỏ chín cả người lên.
– Nói bậy; tớ có làm sao đâu! Cậu định nói gì thế?
– Định nói rằng cậu nhút nhát như một thằng học sinh vậy! Ấy, đấy, lại đỏ mặt nữa rồi!
– Rõ khỉ!
– Nhưng tại sao cậu lại ngượng kia chứ. Đúng là một chàng Romeo! Ấy, khoan hẵng, hôm nay mình sẽ kể lại chuyện này ở một nơi nào đấy cho mà xem, ha! ha! ha… Mình sẽ cù cho bà cụ cười một mẻ, và cả ai kia nữa.
– Này cậu, đây là chuyện nghiêm túc, tớ không đùa đâu… Sau đó rồi sẽ ra sao, hử đồ quỷ! – Razumikhin đâm hoảng thật sự, người lạnh toát ra. – Cậu sẽ kể những gì với các bà ấy? Tớ thì tớ… thẳng cha khỉ thật?
– Cậu thật là một nụ tầm xuân! Mà như thế lại rất hợp với cậu kia đấy! Một chàng Romeo cao mười versok? Này, hôm nay cậu rửa ráy cẩn thận quá nhỉ, chải cả móng tay nữa kìa? Thật là chưa từng thấy! Trời ơi, lại xức sáp thơm nữa à? Cúi đầu xuống mình xem tí!
– Rõ khỉ!
Raxkonikov dường như không nhịn được nữa, cười phá lên từng tràng dòn dã suốt trong khoảng thời gian hai người cùng bước vào nhà Porfiri Petrovich. Chính Raxkonikov muốn như thế: từ nhà trong người ta có thể nghe thấy tiếng cười ầm ĩ khi hai người vào nhà và vẫn kéo dài khi họ bước vào phòng mắc áo.
– Ở đây không được hở câu nào ra đấy, nếu không, tớ quai vỡ mặt ra – Razumikhin điên tiết rít qua kẽ răng, hai tay nắm chặt lấy vai Raxkonikov.