Đã gần tám giờ; hai người vội vã đến nhà Bakaleyev để tới trước Lugin.
– Ai thế cậu? – Razumikhin hỏi ngay khi họ ra phố.
– Đó là Xvidrigailov, chính cái lão trang chủ đã làm nhục em tôi khi nó làm gia sư trong nhà lão. Lão ta đeo đuổi nó, thế là Marfa Petrovna vợ lão đuổi nó ra khỏi nhà. Về sau bà ta có xin lỗi nó. Thế rồi bà ta bỗng lăn đùng ra chết.
Sáng nay họ nói chuyện là nói về bà ta đấy. Không hiểu sao tôi thấy sợ lão ta lắm. Chôn cất vợ xong, lão lên đây ngay. Lão có vẻ kỳ quặc lắm và hình như đang quyết định một việc gì… Hình như lão có biết một cái gì đây… Phải bảo Dunia coi chừng lão ấy… cái này tôi muốn nói với cậu đây, cậu nghe chứ? Coi chừng!
– Liệu lão ấy làm gì được Avdotia Romanovna? Cảm ơn cậu đã nói với mình như thế… ta sẽ đề phòng, đề phòng cho Avdotia Romanovna… Bây giờ lão ở đâu?
– Không biết.
– Sao cậu không hỏi? Chà, tiếc thật! Mà thôi, tớ sẽ tìm ra.
– Cậu trông thấy mặt hắn chứ – Raxkonikov hỏi sau một lát im lặng.
– Có trông thấy, có trông thấy hẳn hoi.
– Cậu trông rõ mặt lão ấy chứ? – Raxkonikov hỏi gạn thêm.
– Có chứ, tớ nhớ rất rõ; trong một đám đông hàng nghìn người tớ cũng nhận ra ngay, tớ nhớ mặt dai lắm.
Hai người im lặng.
– Hừm… cái này thì… – Raxkonikov lẩm bẩm. – Cậu ạ mình có ý nghĩ là… mình cứ có cảm giác là… đây có lẽ chỉ là mình tưởng tượng ra thôi.
– Cậu nói chuyện gì thế? Tớ chưa hiểu lắm.
– Đấy các cậu đều bảo là mình điên, – Raxkonikov nói tiếp, môi méo xệch thành một nụ cười – bây giờ mình cũng có cảm giác là mình điên thật, và vừa rồi chẳng qua là một bóng ma hiện hình trong cơn mê sảng.
– Cậu nói gì thế?
– Biết đâu đấy! Có thể mình điên thật cũng nên, và tất cả những việc xảy ra mấy hôm nay có lẽ chỉ có trong tưởng tượng của mình…
– Chà, Rodia? Người ta lại làm cậu rối óc lên rồi! Lão ta nói những gì, lão đến có việc gì?
Raxkonikov không trả lời. Razumikhin ngẫm nghĩ một lát.
– Thôi, cậu nghe tớ báo cáo công việc đây, – anh mở đầu. – Tớ có ghé vào cậu, cậu đang ngủ. Sau đó tớ đi ăn cơm chiều rồi đến nhà Porfiri. Zamiotov vẫn ở đấy. Tớ cũng toan nói, nhưng chẳng thành cái gì cả. Không sao nói chuyện thật sự được. Họ có vẻ như không hiểu và không tài nào hiểu được, nhưng cũng chẳng hề bối rối gì. Tớ kéo Porfiri ra cửa sổ và bắt đầu nói, nhưng vẫn chẳng ra sao cả: hắn nhìn một đằng, tớ nhìn một nẻo. Rốt cục tớ giơ quả đấm lên sát mồm hắn và bảo sẽ đấm vỡ óc hắn ra. Hắn chỉ nhìn tớ rồi nhổ toẹt một bãi rồi ra về, đấy chỉ có thế.
Thật ngu xuẩn. Zamiotov thì tớ chẳng nói một câu nào. Cậu ạ, tớ cứ nghĩ thế là hỏng bét rồi, nhưng khi đi xuống cầu thang tớ chợt nảy ra một ý nghĩ nó làm tớ nhẹ hẳn cả người ra: tại sao tớ với cậu cứ phải lo lắng như vậy? Có gì nguy hiểm cho cậu hay có dính dáng đến cậu cho cam. Đằng này có gì đâu? Cậu chẳng có gì dính dáng đến chuyện ấy hết, thế thì cậu cứ kệ mẹ chúng nó; sau này ta sẽ cười vào mũi chúng, phải tay tớ thì tớ còn trêu thêm cho chúng rối óc ra nữa ấy. Về sau tha hồ mà xấu hổ! Cậu nhổ toẹt vào; sau này sẽ cho chúng một mẻ, còn bây giờ thì cứ mặc chúng thôi!
– Dĩ nhiên là như thế! – Raxkonikov đáp. “Rồi mai đây cậu sẽ bảo sao?” – chàng nghĩ thầm. Lạ thật, trước nay chưa bao giờ chàng có ý tự hỏi xem Razumikhin sẽ nghĩ gì khi biết sự thật. Nghĩ như vậy, Raxkonikov chăm chú nhìn bạn. Còn như chuyện Razumikhin đến gặp Porfiri thì bây giờ chàng rất ít quan tâm: từ bấy đến nay đã xảy thêm bao nhiêu việc và bao nhiêu việc đã lùi vào hậu cảnh!
Trong hành lang họ chạm trán phải Lugin, ông ta đến đúng tám giờ nhưng còn đang tìm căn buồng trọ của hai mẹ con Dunia, thành thử cả ba người cùng vào một lúc, nhưng không nhìn nhau và không chào nhau. Hai người bạn trẻ vào trước, cờn Piotr Petrovich, để giữ phép lịch sự, nấn ná một lúc trong phòng mắc áo để cởi áo khoác ngoài. Punkheria Alekxandrovna lập tức ra đón ông từ ngoài ngưỡng cửa. Dunia thì chào hỏi anh nàng.
Piotr Petrovich bước vào và cúi chào hai người phụ nữ một cách khá nhã nhặn, tuy vẻ bệ vệ còn tăng bội phần. Vả lại trông ông ta cũng có vẻ hơi bàng hoàng, chưa trấn tĩnh lại được. Punkheria Alekxandrovna dường như cũng luống cuống. Bà vội vã mời cả ba ông khách ngồi quanh cái bàn tròn, trên có chiếc ấm xamovar đang sôi sùng sục.
Dunia và Lugin ngồi đối diện nhau ở hai đầu bàn. Razumikhin và Raxkonikov thì ngồi trước mặt bà Punkheria Alekxandrovna; – Razumikhin ngồi gần Lugin còn Raxkonikov ngồi cạnh em gái.
Họ ngồi im lặng một lát. Piotr Petrovich thong thả rút ra một chiếc mùi soa nhiễu sực mùi nước hoa và xỉ mũi với cái dáng của một người rất có thiện ý nhưng vẫn hơi bị xúc phạm vào phẩm giá và nhất quyết đòi người ta phải phân trần. Khi còn ở phòng ngoài ông ta đã thoáng có ý không cởi áo khoác nữa và bỏ ra về đề trừng phạt một cách đích đáng hai mẹ con Dunia, bắt họ phải nghĩ lại. Nhưng ông ta không dám. Hơn nữa ông ta vốn không thích những tình thế mập mờ, mà lúc này thì lại cần phải hiểu cho rõ: nếu người ta đã vi phạm vào điều kiện ông ta đề ra một cách trắng trợn như vậy, tức phải có một cái gì đây, cho nên phải biết rõ thực hư trước đã; sau này vẫn còn chán thì giờ trừng phạt, và ông ta chẳng thiếu gì cách.
– Tôi hy vọng rằng vừa qua bà đi đường vẫn được mạnh khoẻ chứ ạ? – Ông ta trịnh trọng nói với Punkheria Alekxandrovna.
– Nhờ ơn Chúa, ông Piotr Petrovich ạ.
– Tôi rất mừng. Còn Avdotia Romanovna cũng không mệt chứ?
– Tôi thì trẻ và khỏe thế này nên không mệt, chứ mẹ tôi thì rất khổ – Dunia đáp.
– Biết làm thế nào được; các đường quốc lộ của ta dài lắm. Cái gọi là “nước Nga, mẹ của chúng ta” rộng lớn lắm…
Còn tôi thì hôm qua, mặc dầu rất muốn, vẫn không kịp đến đón bà và cô được. Song tôi cũng mong rằng không có gì phiền hà xảy ra cả chứ ạ?
– Ồ có chứ, ông Piotr Petrovich ạ, chúng tôi thật vô cùng bối rối, – Punkheria Alekxandrovna vội trả lời giọng nghe khang khác, – và giả sử hôm qua không phải ông Dmitri Prokofich đến với chúng tôi thì hai mẹ con cũng đến chết mà thôi. Đấy, ông Dmitri Prokofich Razumikhin đấy ạ, – bà nói thêm, giới thiệu anh với Lugin.
– À hôm qua… tôi đã được hân hạnh, – Lugin lắp bắp, mắt liếc nhìn Razumikhin một cách thiếu thiện cảm, rồi cau mày và im bặt.
Nói chung Piotr Petrovich thuộc hạng người có vẻ hết sức nhã nhặn trong khi giao thiệp và cũng tự hào cho mình là nhã nhặn, nhưng hễ có điều gì hơi trái ý một chút là lại hầu như bất giác mất hết những thủ đoạn của mình trong chốc lát và đâm ra giống như những bao bột hơn là giống những trang công tử hoạt bát biết làm cho cử tọa náo nhiệt lên. Mọi người lại im lặng: Raxkonikov thì cứ một mực làm thinh, Avdotia Romanovna thì không muốn nói quá sớm, còn Razumikhin thì chẳng có gì để mà nói, thành thử Punkheria Alekxandrovna lại đâm lo.
– Marfa Petrovna mất rồi, ông có nghe nói không, – bà mở đầu, viện đến cái phương sách tối hậu của mình.
– Có chứ ạ, Tôi đã được biết tin ngay từ đầu và giờ đây cũng xin báo để bà và cô biết rằng Arkadi Ivanovich Xvidrigailov ngay sau khi an táng vợ xong đã hối hả lên Petersburg, ít nhất theo những tin tức chính xác nhất mà tôi đã nhận được là như thế.
– Lên Petersburg? Lên đây? – Duneska lo lắng hỏi lại và đưa mắt nhìn mẹ.
– Đúng thế đấy ạ, và dĩ nhiên không phải không có chủ đích, nếu xét cách ra đi vội vã của ông ta, và nói chung là những việc xảy ra trước đây.
– Trời ơi! Chả nhẽ đến bây giờ mà ông ta vẫn không chịu để cho Duneska yên hay sao? – Punkheria Alekxandrovna kêu lên.
– Tôi thiết tưởng không có gì đáng lo ngại cho lắm, đối với bà hay Avdotia Romanovna cũng vậy, dĩ nhiên là nếu bà và cô không muốn có quan hệ gì với ông ta. Còn về phần tôi, tôi sẽ theo dõi và sẽ tìm ra chỗ trọ của ông ta…
– Ồ, ông Piotr Petrovich, ông không biết chứ vừa rồi nghe ông nói thế tôi sợ quá! – Punkheria Alekxandrovna nói tiếp. – Tôi mới gặp ông ấy có hai lần, thế mà tôi đã thấy sợ ông ta lắm, sợ lắm đấy! Tôi tin chắc là chính vì ông ta mà bà Marfa Petrovna chết.
– Về việc này chưa thể kết luận được, tôi có những tin tức chính xác. Tôi thừa nhận rằng có thể ông ta đã xúc tiến cho sự việc xảy ra nhanh hơn, có thể nói là bằng cách lăng nhục để gây một ảnh hưởng tinh thần; nhưng về tư cách và đạo đức của con người ấy thì tôi đồng ý với bà. Tôi không biết bây giờ giờ ông ta có giàu không và bà Marfa Petrovna để lại cho ông được những gì; về điều này thì chỉ trong một thời hạn rất ngắn nữa tôi sẽ biết, nhưng dĩ nhiên ở chốn Petersburg này mà trong tay lại có sẵn ít tiền thì ông ta sẽ lập tức trở về thói cũ. Đó là một con người hết sức trụy lạc và chết ngập trong các thói xấu xa, trong hạng trác táng không còn ai bì kịp? Tôi có khá đủ cơ sở để ước đoán rằng Marfa Petrovna, chẳng may đã quá yêu mà chuộc nợ cho ông ta tám năm về trước, lại còn cứu giúp cho ông ta về phương diện khác nữa: chỉ nhờ bà ta đã cố gắng và hy sinh nhiều lắm mới im được ngay từ đầu một vụ tội hình, trong đó có cả tính chất man rợ đầy thú tính lẫn một sự hung ác có thể gọi là quái đản, rất có thể làm cho ông ta đi Sibiri một chuyến. Nếu bà muốn biết, thì con người ấy là như vậy đấy.
– Ô, trời ơi! – bà Punkheria Alekxandrovna kêu lên.
Raxkonikov chăm chú lắng nghe.
– Có đúng là ông có những tài liệu đích xác về những việc đó không? – Dunia hỏi, vẻ nghiêm nghị và quả quyết.
– Đó toàn là những điều bí mật mà bà Marfa Petrovna quá cố đã nói riêng cho tôi biết. Cần nêu rõ rằng về quan điểm tư pháp thì vụ này rất mờ ám. Trước kia ở đây có một người đàn bà ngoại quốc tên là Resslich, làm nghề cho vay lãi lặt vặt và một số nghề khác. Hình như bây giờ người đó vẫn ở đây thì phải. Từ lâu ông Xvidrigailov đã có những mối quan hệ rất gần gũi và bí mật với mụ Resslich đó. Ở nhà mụ ta có con bé mười lăm hay chỉ là mười bốn tuổi gì đấy thôi, vừa câm vừa điếc, có bà con với mụ ta, đâu như là cháu họ thì phải. Mụ căm ghét đưa bé ấy vô cùng và luôn mồm chửi mắng nó là đồ ăn hại, thậm chí lại còn đánh đập một cách vô nhân đạo nữa. Một hôm người ta thấy nó treo cổ chết trong một gian nhà kho. Cuộc điều tra xác định rằng đây là một vụ tự sát. Vụ này kết thúc sau những thủ tục tố tụng thường lệ, nhưng về sau lại có người tố giác rằng đứa bé đã bị Xvidrigailov làm nhục một cách tàn nhẫn. Quả tình tất cả những việc rất mờ ám, người tố giác là một người đàn bà Đức khác, hành tung đồi bại và không có tín nhiệm gì, cuối cùng lời tố giác ấy cũng bị dìm đi do những cố gắng chạy chọt và đút lót của bà Marfa Petrovna; mọi việc rốt cục chỉ bó hẹp trong phạm vi đồn đại. Tuy vậy, tiếng đồn này cũng được khá nhiều người chú ý đến khi còn ở nhà họ, chắc cô Avdotia Romanovna cũng có nghe nói đến chuyện Philip chết cách đây sáu năm hồi còn chế độ nông nô vì bị hành hạ tàn nhẫn.
– Ngược lại, tôi nghe nói rằng tên Philip ấy tự thắt cổ chết.
– Đúng như thế đấy ạ, nhưng chính là sự hành hạ, ức hiếp không ngừng của ông Xvidrigailov đã bức tử hắn, hay nói cho đúng hơn, đã đẩy hắn đến cái xu thế muốn tự tử.
– Tôi không biết việc đó. – Dunia đáp xẵng – tôi chỉ nghe được một chuyện rất là kỳ lạ, nói rằng tên Philip ấy có chứng ưu uất thế nào đấy, hắn là một thứ hiền triết tại gia, người ta nói rằng hắn đọc sách nhiều quá hóa điên và hắn thắt cổ chỉ là vì những lời chế giễu của ông Xvidrigailov chứ không phải vì đòn vọt của ông ta. Dạo còn ở đấy tôi thấy ông ta đối xử với người nhà tử tế lắm, họ còn quý ông ta nữa, tuy quả thật họ cũng buộc tội cho ông đã gây ra cái chết của Philip.
– Cô Avdotia Romanovna ạ, tôi thấy hình như cô bỗng dưng có xu hướng muốn thanh minh cho ông ta thì phải, – Lugin nhận xét, môi tím lại thành một nụ cười khó hiểu – Quả thật ông ta là một người khôn ngoan và giỏi lấy lòng phụ nữ lắm lắm: bà Marfa Petrovna với cái chết kỳ lạ của bà có thể xem là một dẫn chứng đáng buồn. Tôi chỉ muốn giúp cô và bà cụ thân sinh cô một vài ý kiến để đề phòng những âm mưu mới mà ông ta chắc chắn sẽ tiến hành.
Còn về phần tôi thì tôi tin chắc thế nào rồi ông ta cũng vào ngồi tù vì nợ. Bà Marfa Petrovna tuyệt nhiên không bao giờ có ý chia gia tài cho ông ta, vì còn phải lo cho con cái, và nếu có để lại cho ông ta ít nhiều chăng thì cũng chỉ là số tiền tối thiểu, tạm bợ, vừa đủ chi dùng, mà với những thói ăn chơi như ông ta thì không đủ tiêu xài trong một năm.
– Ông Piotr Petrovich ạ, – Dunia nói, – xin ông đừng nói đến ông Xvidrigailov nữa. Tôi ngấy lắm rồi.
– Ông ta vừa đến tôi xong, – Raxkonikov bỗng lên tiếng lần đầu tiên.
Ai nấy đều nhớn nhác quay cả về phía chàng. Ngay Piotr Petrovich cũng hồi hộp.
– Cách đây một tiếng rưỡi, trong khi tôi đang ngủ, ông ta vào đánh thức tôi dậy và tự giới thiệu. – Raxkonikov nói tiếp. – Ông ta ăn nói khá hoạt bát vui vẻ, và rất tin rằng tôi sẽ kết thân với ông ta. Ông ta rất muốn gặp em đấy, Dunia ạ, và có nhờ anh làm môi giới cho cuộc gặp mặt đó. Ông ta có đề nghị anh một việc và có cho anh biết rằng bà Marfa Petrovna một tuần trước khi chết có viết chúc thư để cho em ba nghìn rúp, và chỉ trong một thời gian ngắn nữa em sẽ nhận được số tiền ấy.
– Lạy Chúa! – bà Punkheria Alekxandrovna kêu lên, tay làm dấu thánh. – Cầu nguyện cho bà ấy đi, Dunia ạ, cầu nguyện cho bà ấy với.
– Sự thật quả đúng thế, – Lugin buột miệng nói.
– Thế rồi sao nữa? – Dunia giục giã.
– Rồi ông ta bảo rằng bản thân ông ta cũng không giàu, toàn bộ gia sản đều để lại cho các con hiện đang ở với bà dì. Sau đó ông ta có nói rằng ông ta trọ cách nhà anh không xa, nhưng ở đâu thì không biết, anh không hỏi…
– Nhưng ông ta muốn bàn gì với Dunia? – Punkheria Alekxandrovna hoảng sợ hỏi. – Ông ta có nói gì với con không?
– Có.
– Bàn gì thế?
– Sau con sẽ nói. – Raxkonikov im lặng quay về chén trà.
Piotr Petrovich rút đồng hồ ra xem.
– Tôi cần phải đi có việc, cho nên cũng không làm phiền các vị nữa đâu! – Ông ta nói thêm, vẻ hơi phật ý và rời ghế đứng dậy.
– Ông ở lại tí đã, Piotr Petrovich ạ. – Dunia nói, – vì ông đã định ngồi chơi với chúng tôi suốt tối hôm nay kia mà. Hơn nữa trong thư ông lại viết là có việc phải giãi bày với mẹ tôi.
– Đúng thế đấy, Avdotia Romanovna ạ. – Piotr Petrovich nói dõng dạc, và lại ngồi xuống ghế, nhưng tay vẫn cầm mũ,
– Quả nhiên tôi đã có ý muốn trình bày mấy việc với cô và bà cụ cô lại là những việc rất quan trọng nữa. Nhưng vì anh cô cũng không thể nói lại một số đề nghị của ông Xvidrigailov trước mặt tôi, cho nên tôi cũng không muốn và không thể giãi bày… trước mặt người khác… một số điểm tối ư hệ trọng. Hơn nữa lời yêu cầu khẩn thiết và chủ yếu của tôi đã không được thi hành…
Lugin làm ra vẻ mặt chua chát và lặng thinh một cách trang trọng.
– Sở dĩ lời yêu cầu của ông – yêu cầu anh tôi không có mặt trong buổi gặp gỡ này – không được thi hành cũng chỉ vì tôi đã một mực khẩn khoản như vậy, – Dunia nói. – Ông có viết rằng ông đã bị anh tôi sỉ nhục; tôi nghĩ rằng việc này cần phải làm sáng tỏ ngay và hai người phải hòa giải với nhau. Và nếu anh Rodia quả có xúc phạm đến ông thật, thì anh ấy phải xin lỗi ông, và anh ấy sẽ xin lỗi.
Piotr Petrovich lập tức vững tâm trở lại.
– Cô Avdotia Romanovna ạ, có những lối sỉ nhục mà dù có thiện ý đến đâu cũng không thể quên được. Cái gì cũng có một giới hạn mà nếu vượt qua thì rất nguy hiểm; vì khi đã vượt qua rồi thì không thể quay trở lại được nữa.
– Ý của tôi không hẳn là muốn nói đến chuyện ấy, ông Piotr Petrovich ạ. – Dunia ngắt lời hơi sốt ruột:
– Xin ông hiểu rõ cho rằng bây giờ, tương lai của chúng ta đều tùy ở chỗ việc này có được sáng tỏ và dàn xếp ổn thỏa chóng vánh hay không. Tôi xin nói thẳng ngay với ông rằng tôi không thể nhìn nhận cách nào khác, và nếu ông có chút nào coi trọng tôi, thì dù có khó khăn thật, chuyện này cũng phải chấm dứt ngay hôm nay. Tôi xin nhắc lại rằng nếu anh tôi sai, anh tôi sẽ xin lỗi.
– Tôi lấy làm lạ rằng cô lại đặt vấn đề như thế, Avdotia Romanovna ạ, – Lugin mỗi lúc một thêm tức tối – Trong khi quý trọng vẫn có thể không ưa một người nào đó trong gia đình cô lắm chứ. Trong khi cầu mong cái diễm phúc được kết hôn với cô, tôi không thể đồng thời lĩnh lấy những nhiệm vụ không ăn khớp với…
– Ồ, ông bỏ cái tính hay mếch lòng ấy đi, Piotr Petrovich ạ. – Dunia bực bội ngắt lời, – Và xin ông hãy là người thông minh và cao thượng như xưa nay tôi vẫn hình dung ông và đến nay tôi vẫn mong được hình dung như thế. Tôi đã có một lời hứa trọng đại với ông, tôi là vợ chưa cưới của ông; trong việc này. Ông có tin tôi hay không thì tùy ông, chứ tôi rất đủ khả năng suy xét một cách vô tư. Tôi đứng ra phân xử thế này cũng là một việc đột ngột đối với anh tôi cũng như đối với ông. Sau khi đọc bức thư của ông, tôi đã khẩn khoản mời anh tôi đến dự buổi gặp gỡ này mà không hề cho anh ấy biết gì về ý định của tôi. Xin ông hiểu cho rằng nếu hai người không hòa giải với nhau, thì tôi đành phải chọn giữa hai người: hoặc là ông, hoặc là anh tôi. Chính anh tôi và chính ông, cả hai người đều đặt vấn đề như thế. Tôi không muốn và không có quyền nhầm lẫn khi chọn lựa? Muốn chiều ông, tôi phải đoạn tuyệt với anh tôi; muốn chiều anh tôi, tôi phải đoạn tuyệt với ông. Bây giờ tôi muốn và có thể biết chắc: anh ấy có thật đáng là anh tôi hay không? Còn vẻ phần ông thì ông có coi trọng tôi không, có quý tôi không, ông có đáng là chồng tôi không?
– Avdotia Romanovna ạ, – Lugin nói, giọng khó chịu, – những lời lẽ của cô đối với tôi nó ngụ quá nhiều ý nghĩa, và còn có thể nói nó xúc phạm đến tôi nữa, nếu xét cái cương vị mà tôi đang được hân hạnh đảm đương đối với cô.
Chưa nói đến cái lối cân nhắc kỳ quặc và nhục nhã đặt tôi ngang hàng với cái… với người trẻ tuổi xấc xược này, những lời lẽ vừa rồi còn ngụ ý rằng tôi không có nghĩa lý gì mấy đối với cô… tôi không thể dung thứ được điều đó trong khi giữa chúng ta có những mối quan hệ và, những cam ước như hiện nay.
– Sao! – Dunia bùng lên, – tôi đặt quyền lợi của ông ngang hàng với tất cả những gì quý giá nhất trong đời tôi, với người mà trước nay tôi vẫn coi như cả cuộc sống của tôi, thế mà ông còn mếch lòng vì tôi đánh giá ông quá thấp ư?
Raxkonikov lặng lẽ mỉm một nụ cười cay độc.
Razumikhin cứ nhấp nhổm ngồi không yên, nhưng Piotr Petrovich như không để ý đến lời phản bác ấy, ngược lại càng nói ông ta lại càng cáu tiết, giọng càng thêm hống hách như thể đâm ra đắc ý với những lời lẽ của mình.
– Tình yêu đối với người bạn đời tương lai phải vượt lên trên tình thương đối với người anh, – ông ta phát âm từng tiếng một, giọng trịnh trọng, – và dù sao tôi cũng không thể đứng ngang hàng với… Tuy lúc nãy tôi đã nhấn mạnh rằng tôi không muốn và không thể giãi bày mục đích cuộc đến thăm này trước mặt anh cô, bây giờ tôi vẫn thấy cần phân trần với bà cụ thân sinh rất đáng kính của cô một điều tối quan trọng và có liên quan đến phẩm giá của tôi.
Hôm qua, con trai bà, – ông ta nói với bà Punkheria Alekxandrovna, – trước mặt ông Razumikhin đây… có phải thế không ạ! Xin lỗi tôi quên mất tên ông, – Lugin nhã nhặn cúi đầu về phía Razumikhin – đã xúc phạm đến tôi bằng cách xuyên tạc những ý nghĩ mà tôi đã trình bày với bà dạo trước trong một buổi nói chuyện riêng bên chén cà phê, cụ thể là theo tôi thì lấy một người con gái nghèo đã từng chịu khổ có lợi cho cuộc sống giữa hai vợ chồng hơn là lấy một người đã quen sống sung túc, vì như vậy tốt hơn về phưong diện luân lý. Con bà đã cố ý khuếch đại ý nghĩa những lời nói của tôi đến mức vô lý, buộc cho tôi có những ý định xấu xa và như chỗ tôi biết thì anh ta đã căn cứ vào một bức thư riêng của bà mà làm như vậy. Tôi sẽ tự xem mình là người có diễm phúc nếu bà có thể cải chính được điều này. Được như thế tôi sẽ thấy yên tâm một phần lớn. Xin bà cho biết cụ thể bà đã truyền đạt những câu nói của tôi như thế nào trong bức thư gửi Rodion Romanovich?
– Tôi không nhớ, – bà Punkheria Alekxandrovna luống cuống đáp, – tôi hiểu như thế nào thì tôi truyền đạt lại như thế.
Tôi không biết Rodia đã nói lại với ông như thế nào… Có thể nó có cường điệu ít nhiều.
– Nếu bà không gợi ý, thì anh ta không thể cường điệu được.
– Piotr Petrovich ạ, – bà Punkheria Alekxandrovna nghiêm nét mặt nói. – Một bằng chứng tỏ ra rằng tôi với Dunia không hiểu những lời lẽ của ông theo một nghĩa quá xấu, là chúng tôi đang ngồi ở đây.
– Đúng, mẹ ạ! – Dunia tán đồng.
– Thế ra trong việc này tôi cũng có lỗi nốt? – Lugin phật ý nói.
– Đây này, ông Piotr Petrovich ạ, ông cứ buộc tội mãi Rodion, thế nhưng trong bức thư hồi sáng chính ông cũng đã nói ngoa cho nó đấy thôi, – Punkheria Alekxandrovna vững tâm trở lại, nói thêm.
– Tôi không nhớ là có viết điều gì sai ngoa cả.
– Ông có viết, – Raxkonikov nói rất xẵng, không quay mặt về phía Lugin – là hôm qua tôi đưa tiền cho con gái người bị nạn, trong khi thật ra tôi đưa tiền cho người vợ góa của ông ta chứ không phải cho con gái ông ta. Trước hôm ấy tôi chưa hề trông thấy cô ta bao giờ. Ông viết như vậy để gây xích mích giữa gia đình tôi và muốn thế ông lại còn viết thêm những câu bẩn thỉu về tư cách của một người con gái mà ông không hề biết. Như vậy là nói xấu người ta một cách hèn hạ.
– Xin lỗi ông, – Lugin đáp, người run lên vì tức giận. – sở dĩ trong thư tôi có nói nhiều đến những đức tính và hành vi của ông cũng chỉ vì muốn làm tròn một việc mà mẹ và em ông đã yêu cầu tôi, là kể lại cho họ biết cảm tưởng của tôi đối với ông. Còn về nội dung bức thư tôi viết, thì xin ông cứ thử tìm cho ra một giòng nào không đúng sự thật, nghĩa là ông không tiêu phí hết số tiền ấy, và trong cái gia đình kia – tức là một gia đình đáng thương – không có những nhân vật đáng khinh bỉ?
– Theo ý tôi thì với tất cả những phẩm giá của ông, ông cũng không bằng ngón tay út của người con gái khốn nạn mà ông dè bỉu.
– Thế nghĩa là ông sẽ không ngần ngại để cho cô ta làm quen với mẹ và em ông?
– Tôi đã làm như thế rồi đấy, ông đã muốn biết, tôi cũng xin nói như vậy. Sáng hôm nay tôi đã để cô ấy ngồi cạnh mẹ tôi và Dunia.
– Rodia! – bà Punkheria Alekxandrovna kêu lên, Dunia đỏ mặt; Razumikhin cau mày. Lugin mỉm một nụ cười hiểm độc và khinh bỉ.
– Cô cũng thấy đấy, Avdotia Romanovna ạ, – Ông ta nói, – thế này thì cô còn bảo hòa giải làm sao được? Bây giờ tôi hy vọng rằng việc này thế là đã phân minh và được giải quyết xong xuôi. Còn tôi thì xin cáo lui để khỏi ngăn trở những nỗi vui mừng của cuộc gặp gỡ gia đình cũng như những câu chuyện kín mà các vị đang cần cho nhau biết (ông ta đứng dậy cầm lấy mũ). Nhưng trước khi cáo từ, tôi cũng xin thưa rằng từ rày tôi hy vọng không phải dự những cuộc dàn xếp như thế này nữa. Riêng với bà Punkheria Alekxandrovna kính mến, tôi xin đặc biệt khẩn khoản như vậy, nhất là vì bức thư của tôi viết lại gửi cho bà chứ không phải gửi cho ai khác.
Bà Punkheria Alekxandrovna hơi mếch lòng.
– Ông hạch sách chúng tôi đến thế kia à, ông Piotr Petrovich? Dunia đã nói cho ông biết tại sao chúng tôi không làm trọn yêu sách của ông: đó là một thiện ý của nó. Ông viết thư cho tôi cứ như ra lệnh ấy! Có phải bất cứ ý muốn nào của ông cũng đều phải coi là một mệnh lệnh không? Ngược lại, tôi xin nói cho ông biết rằng bây giờ ông phải đối xử với chúng tôi một cách tế nhị và khoan dung mới phải, vì chúng tôi đã tin cậy ông mà bỏ hết để lên đây, cho nên dù ông không hạch sách thì chúng tôi cũng đã nằm trong tay ông rồi.
– Không hẳn thế đâu bà Punkheria Alekxandrovna ạ, nhất là bây giờ đây, khi đã có tin bà Marfa Petrovna để lại ba nghìn rúp: cứ xem cái giọng điệu mà người ta đang dùng với tôi cũng đủ biết tin ấy đến rất đúng lúc, – Lugin nói thêm, giọng cay cú.
– Cứ theo lời nhận xét vừa rồi thì quả có thể đoán rằng trước đây ông vẫn trông mong lợi dụng tình cảnh túng bấn của chúng tôi, – Dunia tức giận nói.
– Nhưng bây giờ ít nhất tôi cũng không còn có thể trông mong như vậy được nữa và nhất là tôi không muốn cản trở ông Rodia Romanovich chuyển đạt những lời đề nghị bí mật của ông Arkadi Xvidrigailov mà tôi thấy rõ là có ý nghĩa tối hệ trọng và có lẽ rất thú vị đối với cô.
– Ôi, trời ơi! – Punkheria Alekxandrovna kêu lên.
Razumikhin cứ nhấp nhỏm trên ghế.
– Đến bây giờ mà em vẫn không thấy xấu hổ à, Dunia? – Raxkonikov hỏi.
– Có đấy, anh Rodia ạ, – Dunia nói, – Ông Piotr Petrovich xin ông đi khỏi nơi này cho! – nàng nói với Lugin, mặt tái mét đi vì tức giận.
Piotr Petrovich hình như không ngờ sự việc lại kết thúc như vậy, ông ta quá tin vào tình cảnh khốn đốn của hai nạn nhân của mình, đến bây giờ ông ta vẫn chưa hiểu ra, ông tái mặt đi, hai môi run bắn lên.
– Cô Avdotia Romanovna ạ, nếu bây giờ tôi bước ra khỏi cửa này với những lời tống tiễn như thế, thì xin cô nhớ cho rằng không bao giờ tôi còn quay trở lại nữa. Cô nghĩ cho kỹ đi! Tôi đã nói là làm.
– Trơ tráo đến thế là cùng! – Dunia vụt đứng dậy quát lên – tôi có hề muốn ông quay trở lại đâu kia chứ?
– Sao? Ra thế – ế – ế đấy? – Lugin quát, đến phút cuối cùng vẫn chưa tin là câu chuyện sẽ kết thúc như thế, cho nên đâm ra rối trí hoàn toàn, – À ra thế đấy! Nhưng cô Avdotia Romanovna ạ, xin cô biết cho rằng tôi có thể phản kháng việc này.
– Ông có quyền gì mà nói với nó như vậy! – bà Punkheria Alekxandrovna nóng nảy xen vào, – Ông lấy tư cách gì mà phản kháng? Ông tưởng tôi có thể gả con Dunia nhà tôi cho một người như thế sao? Ông đi đi, đi hẳn đi! Chỉ tại chúng tôi trót tính một cuộc hôn nhân sai trái như thế, nhất là tôi…
– Nhưng bà Punkheria Alekxandrovna ạ, – Lugin điên tiết lên nói, giọng căm hờn, – bây giờ bà từ bỏ lời bà đã hứa với tôi… và rốt cục dù sao lời hứa ấy đã làm cho tôi phải chịu những khoản chi phí…
Câu cuối cùng này ăn nhập với nhân cách của Piotr Petrovich đến nỗi Raxkonikov, nãy giờ tái mặt đi vì tức giận và vì cố sức tự chủ, không sao chịu được nữa và bỗng cười phá lên. Nhưng bà Punkheria Alekxandrovna đã giận điên lên quát:
– Chi phí? Chi phí gì thế? Có lẽ ông muốn nói đến cái rương của chúng tôi chứ gì? Nhưng người đánh xe đã nhận chở không cho ông kia mà. Trời ơi, chúng tôi ràng buộc ông kia đấy! Ông nghĩ lại một chút chứ, ông Piotr Petrovich, chính ông trói chân trói tay chúng tôi lại thì có!
– Thôi đủ rồi mẹ ạ. Con xin mẹ: đủ rồi! – Avdotia Romanovna khẩn khoản. – Piotr Petrovich, xin ông làm ơn đi ngay cho.
– Tôi sẽ đi, chỉ xin nói một câu cuối cùng nữa thôi!
– Ông ta nói thêm, hầu như không còn chút tự chủ nào nữa, – hình như mẹ cô quên bẵng đi rằng tôi đã cam tâm lấy cô mặc dầu những tiếng đồn đại về tư cách của cô đã lan rộng khắp vùng. Tôi đã vì cô mà coi khinh dư luận để phục hồi lại danh giá cho cô, thế thì lẽ ra tôi rất có quyền mong được đền đáp và hơn nữa có quyền đòi hỏi lòng biết ơn của cô… Mãi đến bây giờ tôi mới sáng mắt ra. Bây giờ tôi mới thấy rằng coi khinh dư luận như vậy, tôi đã hành động một cách hết sức nông nổi…
– Hắn muốn người ta bổ đôi đầu hắn ra hay sao thế nhỉ! – Razumikhin quát lên, nhảy chồm dậy, sẵn sàng cho Lugin một bài học.
– Ông là một người độc ác và đê tiện! – Dunia nói.
– Không nói gì nữa hết – Raxkonikov quát lên, tay giữ Razumikhin lại; đoạn tiến đến sát Lugin, chàng nói khẽ, tách rõ từng tiếng;
– Xin ông ra ngay! Không được nói lấy một tiếng nào nữa, nếu không…
Piotr Petrovich nhìn chàng một lát: mặt tái mét và rúm ró lại vì căm giận, rồi quay gót bước ra ngoài. Tất nhiên ít có ai mang theo trong lòng một mối căm thù sâu cay như mối căm thù của ông ta đối với Raxkonikov bây giờ. Ông ta đổ hết lên đầu chàng và chỉ mỗi mình chàng mà thôi. Có điều đáng chú ý là ngay khi xuống thang gác, ông ta còn tưởng tượng rằng có lẽ cơ sự chưa hẳn đã tuyệt vọng và nếu chỉ kể riêng hai mẹ con thì còn có thể dàn xếp được lắm.