Quả nhiên cách đây ít lâu mình có lần định nhờ Razumikhin tìm hộ việc làm, kiếm chỗ dạy học hay một công việc gì khác… – Raxkonikov suy nghĩ, – nhưng bây giờ thì liệu hắn ta có thể giúp được gì cho mình? Cứ thử cho là Razumikhin sẽ kiếm được chỗ dạy học, hay chia xẻ với mình đồng cô-pếch cuối cùng, nếu hắn ta còn được một đồng cô-pếch, thành thử có thể mua được đôi giầy và vá lại bộ quần áo cho tươm tươm mà đi dạy… hừm… ừ thế rồi sao nữa? Ta sẽ làm gì với mấy đồng cô-pếch ấy? Chả nhẽ bây giờ mà ta lại cần đến thứ đó? Thật đấy, đến nhà Razumikhin thì buồn cười thật…
Vấn đề tại sao bây giờ lại đến nhà Razumikhin khiến chàng bứt rứt hơn là chính chàng có thể tưởng. Chàng lo lắng tìm tòi một ý nghĩa gì chẳng lành trong cái hành động có vẻ như hết sức bình thường ấy.
“Sao thế nhỉ, lẽ nào ta lại mong cậy vào mỗi một mình Razumikhin để thu xếp mọi việc và tìm lối thoát cho tất cả?” – Raxkonikov ngạc nhiên tự hỏi.
Chàng bóp trán suy nghĩ, và lạ thay, sau một hồi lâu băn khoăn như vậy, bỗng nhiên một ý nghĩ hết sức kỳ lạ từ đâu vụt hiện lên trong óc chàng.
“Hừm, đến Razumikhin, – chàng bỗng thét lên, hoàn toàn điềm tĩnh, như nói đến một điều đã quyết định dứt khoát. – Thì ta sẽ đến Razumikhin, lẽ tất nhiên là như thế, nhưng bây giờ thì khoan hẵng… Ta sẽ đến Razumikhin một ngày sau việc ấy, khi nào việc ấy đã làm xong và sự tình đã khác hẳn…
Rồi Raxkonikov bỗng sực tỉnh lại.
“Sau việc ấy, – chàng nhổm dậy thét lên, – Thế ra việc ấy sẽ xảy ra? Sẽ xảy ra thật hay sao?”.
Chàng rời chiếc ghế dài, bỏ đi như chạy trốn; chàng cũng định quay trở về, nhưng nghĩ đến chuyện về phòng, chàng bỗng thấy ghê tởm quá. Chính ở đấy, trong căn phòng của chàng, ở cái xó tối, trong cái tủ khủng khiếp ấy tất cả cái đó chín muồi đã hơn một tháng nay. Chàng bỏ ý định về nhà, nhắm mắt bước thẳng.
Người chàng đã run run vì bứt rứt, bây giờ lại chuyền sang rung mạnh như trong cơn sốt; thậm chí chàng còn thấy ớn lạnh nữa; trời nóng bức như thế này mà chàng cảm thấy rét. Hầu như bất giác tuân theo một sự thôi thúc khẩn thiết nào ở bên trong, chàng bắt đầu gượng gạo nhìn kỹ tất cả những gì chàng trông thấy trên đường đi, dường như để tìm cách khuây khoả, nhưng làm như vậy cũng chẳng ăn thua gì mấy; cứ mỗi chốc chàng lại chìm vào tâm trạng đăm chiêu như cũ. Rồi đến khi chàng giật mình, ngẩng đầu lên nhìn quanh, chàng lại quên ngay, không nhớ mình vừa nghĩ gì, và thậm chí mình đang đi qua những chỗ nào cũng không nhớ nốt. Chàng cứ thế đi hết đảo Vaxili ra nhánh Neva con, qua cầu và rẽ vào các đảo nhỏ(1). Những khóm cây xanh rờn và quang cảnh tươi mát ở khu này thoạt tiên thoa dịu đôi mắt mệt mỏi của Raxkonikov đã quen với bụi bặm của phố phường, với vôi vữa và với những tòa nhà đồ sộ như muốn xô lấn, đè bẹp người ta.
Ở đây không khí không ngột ngạt, hôi hám lại không có tiệm rượu. Nhưng chẳng mấy chốc những cảm giác mới mẻ, dễ chịu này đã lại khiến chàng thấy nhức nhối, bực tức thỉnh thoảng chàng dừng chân trước một ngôi biệt thự đỏm dáng ẩn sau khu vườn xanh tốt, nhìn vào cổng sắt và thấy xa xa những người đàn bà ăn mặc sang trọng đứng trên các bao lơn và các sân thượng, những đứa trẻ chạy tung tăng trong vườn. Chàng chú ý đến hoa nhiều nhất; chàng nhìn chúng lâu hơn cả.
Chốc chốc chàng lại gặp những cỗ xe ngựa sang trọng, những người cưỡi ngựa rong chơi, nam có nữ có; chàng tò mò nhìn theo họ và họ chưa đi khuất chàng đã quên bẵng họ đi. Có lần chàng đứng lại đếm tiền; còn được khoảng ba mươi cô-pếch. “Hai mươi cô-pếch đưa cho viên cảnh sát, ba cô-pếch cho Naxtaxia về bức thư… – thế tức là hôm qua mình cho Marmelazov bốn mươi bảy hay năm mươi cô-pếch gì đấy” – chàng nghĩ thầm, tính toán một lúc để làm gì không rõ, nhưng chỉ một lát sau chàng đã quên bẵng đi không hiểu mình rút tiền trong túi ra để làm gì nữa. Chàng nhớ lại điều đó khi đi ngang một cửa hàng bán thức ăn, một thứ quán ăn bình dân thì đúng hơn. Lúc đó chàng mới nhớ ra rằng mình đang thèm ăn. Bước vào quán, chàng uống một cốc vodka, và mua chiếc bánh rán thịt ăn mấy miếng, phần còn lại chàng cầm theo ăn nốt dọc đường.
Đã lâu lắm chàng không uống vodka, nên vừa uống vào đã thấy công hiệu ngay, tuy trước sau chỉ có một cốc nhỏ. Chân chàng bỗng nặng trĩu, và chàng bắt đầu thấy buồn ngủ không sao cưỡng được. Chàng quay trở về nhưng đi đến đảo Petrovxki, chàng phải đừng lại vì đã hoàn toàn kiệt sức. Chàng rẽ sang bên đường, đi vào giữa các bụi cây, gieo mình xuống thảm cỏ và lập tức ngủ thiếp đi. Những giấc mơ của một người bệnh thường rõ nét khác thường và giống hiện thực một cách lạ lùng. Đôi khi thấy hiện lên một quang cảnh kỳ quái, nhưng khung cảnh và toàn bộ quá trình diễn biến trong giấc chiêm bao có vẻ thật và đầy những chi tiết tinh vi, bất ngờ nhưng lại phù hợp với toàn bộ quang cảnh một cách tinh xảo đến nỗi giá người chiêm bao kia đang thức thì không tài nào nghĩ ra được, dù người đó có là một nghệ sĩ như Puskin hay Turgenev chăng nữa. Những giấc chiêm bao bệnh tật như vậy bao giờ cũng khắc sâu vào trí nhớ và gây một ấn tượng rất mạnh trong cơ thể, đã rối loạn và sẵn bị kích thích mạnh.
Raxkonikov thấy một giấc chiêm bao khủng khiếp.
Chàng mơ thấy lại thời thơ ấu, khi gia đình chàng còn ngụ ở cái tỉnh lỵ nhỏ hồi nào. Dạo ấy chàng lên bảy. Một ngày hè vào lúc xế chiều, bố chàng đưa chàng đi chơi ở ngoại thành. Tiết trời u ám, không khí ngột ngạt; khung cảnh nơi ấy in hệt như trong ký ức của chàng; thậm chí còn đậm nét hơn nữa là khác. Cái thị trấn nhỏ hiện rõ ra quanh chàng như nằm trên lòng bàn tay. Xung quanh không có lấy một bóng cây, chỉ xa xa mãi tít ở tận chân trời, mới thấy một khóm rừng vẽ thành một vệt sâm sẫm. Cạnh khu vườn cuối cùng của thị trấn có một quán rượu lớn xưa nay vẫn gây cho chàng một ấn tượng hết sức khó chịu, thậm chí còn làm chàng kinh hãi, mỗi khi chàng đi dạo với bố ngang qua đấy. Ở đấy lúc nào cùng có một đám đông người hò hét, cười ha hả, chửi bới nhau; họ cất giọng khàn khàn hát những bài nghe mà ghê cả người, và rất hay đánh nhau; xung quanh quán lúc nào cũng có những gã say rượu mặt mày khủng khiếp vật vờ qua lại… Gặp họ, chàng nép sát vào bố và cả thân hình chàng run bắn lên. Cạnh quán rượu có một con đường tắt lúc nào cũng bụi bặm, và bụi trên đường lúc nào cũng đen xỉn. Con đường quanh co đi ngang qua quán rượu, được chừng ba trăm bước thì ngoặt sang phải và chạy vòng quanh khu nghĩa địa của tỉnh lỵ. Giữa nghĩa địa có một ngôi nhà thờ bằng đá, mái vòm xanh; cứ mỗi năm hai lần cậu bé Raxkonikov lại theo bố mẹ đến đây xem lễ cầu hồn cho bà nội cậu đã mất từ lâu mà cậu chưa bao giờ được thấy mặt. Mỗi lần như vậy, bao giờ họ cũng mang theo chiếc bánh cúng giỗ đựng trong chiếc đĩa trắng bọc khăn bông; bánh làm bằng bột gạo trộn đường, có nhân bằng nho khô giắt vào bột thành hình chữ thập.
Raxkonikov rất thích ngôi nhà thờ này và những bức tượng cổ kính trong nhà thờ, phần lớn không có khung, thích cả vị linh mục già có cái đầu lắc lư. Cạnh ngôi mộ của bà chàng với phiến đá phẳng phiu, còn có một nấm mộ nho nhỏ của em trai chàng, chết từ hồi mới được sáu tháng; Raxkonikov cũng không hề biết và không thể nhớ gì về đứa em này; chàng chỉ nghe nói là mình có đứa em trai nhỏ, và cứ mỗi lần đến nghĩa địa, chàng lại thành kính làm dấu chữ thập trước nấm mồ nhỏ và cúi xuống hôn nó.
Và giờ đây, Raxkonikov mơ thấy mình đang đi với bố trên con đường dẫn đến nghĩa địa; đi ngang quán rượu, Raxkonikov cầm tay bố và sợ hãi đưa mắt nhìn ngôi quán. Một việc khác thường khiến cậu bé chú ý, lần này hình như đang có một trò vui gì ở đây thì phải; cả một đám đông gồm những người đàn bà thị dân ăn mặc như ngày hội, những cặp vợ chồng nông dân và cả một lũ người du thủ du thực. Ai nấy đều say khướt, lè nhè cất tiếng hát nghêu ngao. Bên thềm quán rượu có một chiếc xe giàn đỗ lại. Chiếc xe trông rất kỳ dị.
Đó là loại xe giàn to thường vẫn thắng những con ngựa tải to béo, dùng để chở những thùng rượu và những kiện hàng. Raxkonikov vẫn thích nhìn những con ngựa tải to lớn, bờm dài, chân to, ung dung bước đều đặn, kéo theo cả một đống tướng hàng hoá, không chút mệt nhọc, tưởng chừng chở nặng như vậy chúng lại thấy thoải mái hơn là đi không. Nhưng bấy giờ thì lạ thay, con ngựa thắng vào chiếc xe giàn to tướng lại là một con ngựa lang bé choắt, gầy đét, giống như những con ngựa nhà quê mà Raxkonikov đã nhiều lần thấy kéo xe chở củi hay chở rơm rạ gì đấy. Mỗi khi bánh xe lún xuống bùn hay sỉa vào rãnh, những người mu-gich bao giờ cũng lấy roi đánh chúng rõ đau, đôi khi lại còn quật vào mõm, vào mắt chúng, và Raxkonikov thấy thương xót cho chúng quá chừng, đến nỗi suýt oà lên khóc, và mỗi lần như vậy mẹ chàng lại phải đưa chàng vào nhà, không cho ngồi ở cửa sổ nữa.
Lúc ấy ngoài phố bỗng ồn ào hẳn lên: những người mu-gich to béo mặc áo sơ-mi xanh hay đỏ, áo khoác vắt vai, tay cầm đàn balalaika, luôn mồm reo hò, hát xướng, từ trong quán rượu bước ra. Một người còn trẻ, cổ béo phị, cái mặt thịt đỏ mọng như củ cà rốt, hô to: “Ngồi lên, ngồi cả lên!” nhưng lập tức ai nấy đều cười rộ và la ó ầm ỹ.
– Ngựa khổ này thì chở gì?
– Chà, Mikonka, cậu điên rồi hay sao: xe này mà thắng ngựa này à! Con này chắc phải đến hai chục tuổi rồi anh em ạ!
– Ngồi lên tớ chở cả lũ cho mà xem? – Mikonka lại quát – Hắn lên xe trước, cầm lấy cương và vươn thẳng người đứng ở phía trước thùng xe. – Thằng Matvey vừa đánh con ngựa tía đi đấy – hắn đứng trên xe nói – còn con này thì chỉ làm khổ tớ thôi; tớ muốn giết quách nó đi cho rảnh, nuôi nó chỉ tổ tốn thóc. Nào, ngồi lên! Tớ cho nó phi nước đại cho mà xem? – Nói đoạn hắn cầm lấy roi, khoái trá sửa soạn quất con ngựa lang.
– Thì ngồi nào! – đám đông cười rộ – Nó phi nước đại cơ đấy ghê chưa?
– Dễ đến mười năm nay nó chưa phi lần nào đâu.
– Rồi nó phi cho mà xem! – Đừng có nương nhẹ nó làm gì, anh em ạ, mỗi người cầm sẵn lấy một con roi.
– Phải đấy? Đánh khỏe vào!
Mọi người vừa leo lên xe Mikonka vừa bông đùa và cười ha hả. Đã có sáu người lên, nhưng vẫn còn thừa chỗ, họ lôi lên xe một mụ đàn bà to béo mặt đỏ gay, mình mặc chiếc áo vải hoa, đầu đội mũ chụp dính cườm, chân đi ủng, mồm vừa cắn hạt dẻ vừa cười hềnh hệch.
Đám đông đứng quanh cũng cười, mà họ cười cũng phải: một con ngựa còm như thế lại kéo chiếc xe chở nặng trịch thế kia mà bảo là phi nước đại thì ai mà nhịn cười được? Hai gã trai trẻ đứng trên xe lập tức cầm lấy roi để giúp Mikonka. Có tiếng quát “Nào!”, thế là con ngựa còm rướn cổ ra kéo, nhưng không những nó không phi nước đại, mà ngay như lê bước một nó cũng khó nhọc lắm mới lê nổi: chân nó cào đất, nó rúm người lại vì ba cây roi quất xuống tới tấp như mưa rào. Tiếng cười trên xe và trong đám đông lại càng thêm giòn dã, nhưng Mikonka thì nổi cáu lên và giận dữ quất roi vào con ngựa mỗi lúc một dồn dập, như thể yên trí rằng nó sẽ phi nước đại thật.
Trong đám đông có một gã thanh niên cũng cao hứng lên, nói:
– Cho tôi lên xe mấy anh em?
– Ngồi lên, ngồi hết lên! – Mikonka quát, – chở hết cho mà xem. Tớ sẽ đánh khỏe vào! – Hắn vừa nói vừa ra sức quất roi vào ngựa. Trong cơn giận điên cuồng hắn không còn biết lấy gì đánh cho con ngựa đau hơn nữa.
Raxkonikov kêu lên:
– Ba ơi, ba ơi, họ làm gì thế kia hở ba! Họ đánh con ngựa thương quá!
– Ta đi thôi, ta đi thôi! – cha chàng nói, – chúng say rượu đấy, cái lũ ngốc, chúng đang bày trò nghịch nhảm đấy, thôi ta đi, con đừng nhìn làm gì.
Nói đoạn, ông toan dắt con đi. Nhưng cậu bé giật tay ra, hoảng hốt chạy về phía con ngựa. Nhưng con ngựa đáng thương bây giờ đã kiệt sức rồi. Nó thớ hổn hền, đứng lại, rồi lại cố kéo, loạng choạng suýt ngã.
– Đánh cho kỳ chết! – Mikonka quát, – có thế thôi. Tớ đánh chết cho mà xem.
– Sao thế hả, mày không phải là người có đạo hẳn, đồ quỷ! – Một ông già đứng trong đám đông nói to.
– Có đời thuở nhà ai một con ngựa khổ như thế lại bắt kéo ngần ấy người, – một người khác chêm vào.
– Nó chết mất! – một người nữa nói.
– Kệ tao! Ngựa của tao kia mà! Tao muốn làm gì nó thì tao cứ làm. Ngồi nữa lên! Ngồi nữa lên! Tớ nhất định phải bắt nó phi nước đại mới nghe…
Bỗng có tiếng cười rộ lên át hết mọi tiếng khác: con ngựa gầy còm, tuy đã kiệt sức, nhưng không chịu nổi những nhát roi quất mỗi lúc một dồn dập, đã lồng lên hất chân đá hậu. Ngay cả ông già hồi nãy cũng phải mỉm cười. Quả tình cũng khó lòng mà nhịn cười được: con ngựa đứng đã không vững mà lại còn đòi lồng lên nữa!
Hai gã thanh niên trong đám đông kiếm thêm được hai cây roi nữa và từ hai phía chạy lại đánh vào hai bên sườn con ngựa.
– Đánh vào mõm ấy, quật vào mắt ấy! – Mikonka quát – Hát lên một bài anh em ơi! – Một người đứng trên xe hô lên, và ai nấy đều cất giọng hướng ứng. Một bài hát thô tục vang lên, tiếng trống ếch đệm theo, và hễ đến điệp khúc lạt có tiếng huýt. Mụ đàn bà to béo cắn hạt dẻ tanh tách và cười hềnh hệch.
Raxkonikov chạy đến cạnh con ngựa, cậu cứ chạy về phía trước; cậu thấy họ đánh vào mắt nó, nhằm đúng vào mắt mà đánh. Cậu khóc. Lòng cậu bé se lại, nước mắt trào ra. Một nhát roi xoang cả vào mặt cậu, cậu không thấy đau, cậu vò đầu bứt tai, cậu kêu gào, đâm bổ về phía ông già đầu râu tóc bạc đang lắc đầu ra dáng bất bình. Một người đàn bà nhà quê nắm lấy tay Raxkonikov toan dắt đi: nhưng cậu giật phắt tay ra và lại chạy đến cạnh con ngựa. Bây giờ con vật khốn khổ đã kiệt sức lắm rồi, nhưng nó còn lồng lên lần nữa.
– Chà, con quỷ! – Mikonka điên tiết quát lên. Hắn vứt cây roi đi cúi xuống rút từ gầm xe ra một cái vồ dài và to, hai tay cầm lấy đầu vồ và giơ cao lên trên đầu con ngựa.
– Hắn đánh vỡ đầu con ngựa mất! – xung quanh có tiếng xôn xao.
– Hắn giết nó chết mất!
– Ngựa của tao! – Mikonka quát và lấy hết sức lực dáng vồ xuống, nghe đánh ình một tiếng nặng trịch.
– Đánh, đánh cho chết đi? Sao lại đứng đực ra thế! – trong đám đông có tiếng giục.
Mikonka lại giơ cao vồ lên lần nữa và giáng một vồ thứ hai lên lưng con ngựa khốn khổ. Nó khuỵ hẳn hai chân sau xuống, nhưng lại nhỏm dậy và thu hết tàn lực kéo bên này bên nọ cho cỗ xe nhích tới; nhưng sáu cây roi từ khắp bốn phía thi nhau quất vào nó, và cái vồ lại giơ cao lên nện đều đặn vào người nó lần thứ ba, rồi lần thứ tư.
Mikonka điên tiết lên vì không đánh chết tươi được con ngựa bằng một nhát vồ.
– Sống dai thật! – xung quanh có tiếng ai kêu lên.
– Bây giờ thì thể nào nó cũng gục thôi, anh em ạ, thế là hết kiếp! – một người trong đám đông nói, giọng sành sỏi – Lấy rìu mà bổ chứ! Phải giết cho chết ngay đi chứ, – một người khác nói.
– Chà cái lũ muỗi nhép? Xê ra? – Mikonka nổi khùng lên quát. Hắn vứt cái vồ đi, khom người xuống rút từ gầm xe ra một thanh sắt. – Coi chừng đây! – Hắn quát, đoạn lấy hết sức giáng mạnh xuống mình con ngựa khốn nạn. Con vật lảo đảo khuỵu chân xuống; nó định rướn mình lên, kéo xe, nhưng thanh sắt đã lại giáng mạnh lên lưng, và nó ngã khuỵu xuống đất, tưởng chừng như có ai bỗng cắt đứt cả bốn chân nó một lượt.
– Phải giết cho chết hẳn đi! – Mikonka thét lên và như điên như dại nhảy xuống đất.
Mấy gã thanh niên nữa, cũng say rượu, mặt đỏ gay bạ gì vơ nấy – roi, gậy vồ – xông vào con ngựa đang hấp hối.
Mikonka đứng một bên nện mãi thanh sắt vào lưng con ngựa.
Con vật khốn nạn rướn cổ, thở hắt ra một tiếng nặng nhọc và tắt nghỉ.
– Thế là hết kiếp! – trong đám đông có tiếng kêu.
– Ai bảo không chịu phi!
– Ngựa của tao! – Mikonka quát, tay lăm lăm cầm thanh sắt, mắt đỏ ngầu. Hắn đứng tần ngần như thể lấy làm tiếc rằng bây giờ không biết đánh vào ai nữa.
– Quả thật mày không phải là người có đạo! – bấy giờ trong đám đông đã có mấy người cùng lên tiếng trách móc.
Cậu bé đáng thương không còn tự chủ được nữa. Cậu kêu rú lên, len qua đám dông chạy lại ôm; lấy cái mõm rớm máu của con ngựa chết và hôn lên mắt, lên môi con vật… Rồi cậu bỗng nhảy chồm lên xông vào Mikonka, vung hai quả đấm bé nhỏ nện vào người hắn. Vừa lúc ấy cha cậu, nãy giờ vẫn ra sức đuổi theo, đã giữ cậu lại được và bế ra ngoài.
– Ta đi thôi! Ta đi thôi! – ông nói – ta về thôi!
– Ba ơi! Tại sao con ngựa tội nghiệp ấy có tội tình gì… mà chúng giết chết! – Raxkonikov vừa khóc vừa nói, nhưng cổ cậu nghẽn lại và lời nói cứ bật từ lồng ngực tức anh ách của cậu ra thành từng tiếng thét đứt quãng…
– Đồ say rượu ấy mà, chúng nó bày trò nghịch nhảm, không việc gì đến ta, thôi ta về đi! – cha cậu nói. Raxkonikov dang tay ôm chầm lấy cha. Ngực cậu cứ nghẹt lại, tức tối. Raxkonikov muốn thở lại cho đều muốn kêu lên một tiếng, và bừng tỉnh…
Chàng tỉnh giấc, mồ hôi đầm đìa: tóc cũng ướt đẫm, thở hổn hển. Chàng hoảng hốt choàng dậy:
– May quá, đây chỉ là một giấc mơ! – chàng vừa nói vừa ngồi dậy tựa lưng vào gốc cây và thở hắt ra. – Nhưng làm sao thế này? Mình bắt đầu lên cơn sốt chắc: chiêm bao gì mà gớm guốc thế?
Người chàng mỏi như dần, trong tâm trí thì thấy tối tăm, mờ mịt. Chàng chống khuỷu tay tên hai đầu gối, và đưa hai bàn tay lên vuốt đầu.
– Trời ơi! – chàng thốt lên. – lẽ nào, lẽ nào ta sẽ lấy một cái rìu thật, sẽ bổ lên đầu mụ ta, sẽ bửa đôi sọ mụ ta ra… sẽ dẫm lên vũng máu nhớp nháp, nóng hầm hập của mụ, sẽ bẻ gãy ổ khoá và giơ hai bàn tay run lẩy bẩy ra lấy trộm; rồi mình mẩy bê bết những máu, nấp vào một nơi, tay cầm cái rìu… Trời ơi, có thể thế được chăng?
Chàng run bắn lên như tàu lá khi tự nhủ như vậy.
– Nhưng mình nghĩ gì thế này! – chàng nói tiếp, đầu lại gục xuống và dường như vô cùng kinh ngạc, – mình đã biết là mình không thể nào làm được như thế, thì sao mãi đến nay cứ tự giầy vò mãi làm gì? Ngay như hôm qua, khi mình đi… duyệt thử lại việc ấy, hôm qua mình đã hiểu rõ như ban ngày rằng mình sẽ không thể nào chịu nổi… Thế mà bây giờ, sao mình lại thế? Sao mãi cho đến nay mình vẫn còn hồ nghi? Hôm qua khi xuống thang gác, chính mình đã nói rằng như thế là khốn nạn, ghê tởm, hèn hạ vô cùng…, và trong khi đang thức chỉ nghĩ đến việc ấy thôi mình cũng đã lợm mửa và hoảng hốt lên rồi kia mà… – Không, không thể được, không thể được! Hẵng cứ cho rằng trong những điều suy tính của mình không còn chút gì đáng phân vân đi nữa; cứ cho rằng tất cả những điều mình đã quyết định, trong tháng nay đều rõ như ban ngày, chính xác như số học. Trời ơi? Dù có thế chăng nữa mình cũng không thể làm được! Mình không chịu nổi, không sao chịu nổi! Thế thì tại sao cho đến bây giờ…
Chàng đứng dậy, bàng hoàng nhìn quanh như ngạc nhiên không hiểu tại sao mình lại đến đây, rồi đi lên cầu T. Mặt chàng tái nhợt, mắt chàng sáng quắc lên, chân tay chàng rã rời ra, nhưng chàng chợt cảm thấy dễ thở hơn. Chàng có cảm giác như vừa vứt bỏ được cái gánh nặng khủng khiếp đã trĩu lên chàng bấy lâu, và lòng chàng bỗng thấy thanh thoát và yên tĩnh. “Lạy Chúa! – chàng lầm rầm cầu nguyện, – hãy chỉ đường cho tôi, tôi sẽ từ bỏ cái… mơ ước đáng nguyền rủa ấy!”.
Đi qua cầu, chàng bình tĩnh nhìn con sông Neva, nhìn vầng thái dương đỏ rực đang khuất bóng. Tuy có suy nhược, chàng hầu như không cảm thấy người mệt mỏi. Tưởng chừng như cái ung nhọt đã tấy lên trong tim chàng trong suốt tháng nay bỗng vỡ tung ra. Tự do! Tự do! Bây giờ chàng đã thoát ra khỏi ma lực của những bùa mê, những pháp thuật quái đản ấy.
Về sau, khi nhớ lại quãng thời gian này và tất cả những việc đã xảy đến với chàng trong mấy ngày hôm ấy cặn kẽ từng phút một, từng chi tiết một, từng nét một, có một điều khiến cho chàng kinh ngạc đến mức mê tín, một điều thật ra không lấy gì làm phi thường cho lắm, nhưng về sau chàng cứ cảm thấy như đã tiền định số phận chàng: chàng không sao hiểu nổi và tự cắt nghĩa được cho mình, là tại sao trong khi đang mệt mỏi rã rời ra như vậy, lẽ ra phải về nhà bằng con đường gần nhất, thẳng nhất, thì chàng lại đi qua quảng trường Chợ hàng Rơm, mặc dầu không hề có lấy một lý do nào để đi qua đấy cả. Lối này cũng không xa lắm, nhưng đi như vậy rõ ràng là mua thêm đường mà đi, và hoàn toàn vô ích. Dĩ nhiên, đã hàng chục lần chàng đi về nhà mà không nhớ mình đã đi qua những phố nào. Nhưng chàng vẫn băn khoăn tự hỏi không biết tại sao một cuộc gặp gỡ quan trọng, có tính chất quyết định đối với chàng như vậy mà đồng thời lại hoàn toàn ngẫu nhiên như vậy ở khu Chợ hàng Rơm này lại diễn ra đúng vào giờ phút ấy của cuộc đời chàng, đúng vào lúc tâm trạng chàng đang như vậy và đúng vào những hoàn cảnh cho phép cuộc gặp gỡ ấy có thể có tác dụng quyết định dứt khoát nhất đối với cả vận mệnh của chàng? Cứ như thể nó cố ý rình đợi chàng ở đây?
Lúc chàng đi ngang khu Chợ hàng Rơm là vào khoảng chín giờ. Tất cả những người lái buôn lớn nhỏ đều đã đóng cửa hiệu hay thu dọn bàn ghế hàng họ để về nhà, và khách hàng của họ cũng thế. Cạnh mấy cái quán ăn bẩn thỉu dọn ở các căn nhà hầm trong những khoảng sân nhớp nhúa và hôi hám của những dãy nhà bao quanh quảng trường, và nhất là cạnh các tiệm rượu, chen chúc những đám người rách rưới những kẻ cầu bơ cầu bất đi kiếm ăn bằng đủ các nghề nghiệp. Raxkonikov đặc biệt ưa thích những chỗ này, cũng như tất cả những ngõ hẻm ở quanh đấy, những khi chàng lang thang đi ra phố không chủ đích. Ở đây những mảnh giẻ rách chàng mặc không hề bị ai chú ý và tỏ vẻ khinh thị dù bộ dạng có ra sao cũng không làm ai khó chịu. Sát góc ngã K… có hai vợ chồng một lão tiểu thương bày hai cái bàn bán chỉ, sợi, dây gai, khăn vải hoa v.v… Họ cũng đã dọn dẹp để về nhà, nhưng còn ngồi nán lại nói chuyện với một người quen vừa đi ngang. Người đó là Lizaveta Ivanovna, hay như người ta thường gọi – mụ Lizaveta, em gái mụ Aliona Ivanovna, quả phụ của một lão công chức bậc bảy, chính cái mụ chủ hiệu cầm đồ mà hôm qua Raxkonikov vừa đến gặp để cầm cái đồng hồ và “duyệt thử” lại việc ấy… Chàng đã từ lâu biết rõ về mụ Lizaveta này, và chính mụ cũng có biết chàng đôi chút.
Đó là một mụ đàn bà ba mươi lăm tuổi, người cao lỏng khỏng, vụng về, nhút nhát và hiền lành, gần như là một người ngớ ngẩn. Mụ ở với chị ruột như một người đày tớ làm quần quật suốt ngày đêm, đứng trước mụ chị thì run cầm cập và thậm chí còn bị mụ ta đánh đập nữa là khác. Lúc bấy giờ Lizaveta Ivanovna đang đứng nghe hai vợ chồng lão tiểu thương nói, vẻ đăm chiêu tư lự. Hai vợ chồng kia thì đang nói gì với mụ không biết mà có vẻ hăng hái lắm. Raxkonikov chợt trông thấy mụ ta, một cảm giác kỳ lạ, tương tự như một nỗi kinh ngạc đến cùng cực, bỗng tràn vào lòng chàng, tuy trong cuộc gặp gỡ này chẳng có gì đáng lấy làm lạ cả.
– Bà Lizaveta Ivanovna ạ, bà định liệu lấy thì hơn – lão tiểu thương nói to. – Mai khoảng bảy giờ bà đến nhé; khoảng ấy họ cũng sẽ đến đây đấy.
– Mai à? – mụ Lizaveta nói, giọng kéo dài, vẻ tư lự như còn phân vân điều gì.
– Chà, bà sợ Aliona Ivanovna đến thế kia à! – mụ vợ nói, giọng lanh lảnh mụ ta vốn là người rất lém lỉnh. – Tôi trông bà cứ như đứa con nít ấy. Mà nào có phải chị ruột cho cam, chỉ là cùng cha khác mẹ thôi, ấy thế mà bà ấy bắt nạt bà đến là dữ.
– Mà lần này bà chớ nói gì với bà Aliona Ivanovna đấy nhé – ông chồng ngắt lời, – đấy tôi khuyên bà như thế đấy, bà cứ đến đây, đừng xin phép gì cả. Món này hời lắm. Sau rồi chính bà chị cũng hài lòng cho mà xem.
– Hay tôi đến vậy nhé?
– Bảy giờ tối mai; họ cũng sẽ đến; bà cứ định liệu lấy.
– Rồi chúng tôi sẽ đốt ấm lò, – mụ vợ nói thêm.
– Được tôi sẽ đến, – mụ Lizaveta nói, vẻ vẫn còn phân vân, đoạn chậm rãi bước đi.
Đến đây Raxkonikov đã đi quá nên không còn nghe gì nữa. Chàng đi qua im lặng, kín đáo, cố sao không để lọt mất một câu nào. Cảm giác ngạc nhiên của chàng lúc ban đầu nhường chỗ cho lòng kinh hãi, chàng ngỡ như có một tảng băng luồn qua xương sống.
Chàng vừa biết được, biết một cách đột ngột và bất ngờ, rằng ngày mai, vào lúc bảy giờ tối, mụ Lizaveta, em gái mụ chủ hiệu và là người độc nhất cùng ở một căn nhà với mụ ta, sẽ đi vắng, và như thế nghĩa là lúc bảy giờ tối mụ chủ sẽ ở nhà một mình.
Chỉ còn mấy bước nữa là Raxkonikov về đến nhà. Chàng bước vào buồng như một người vừa mới bị tuyên án từ hình. Chàng không suy luận gì hết và hoàn toàn không có khả năng suy luận, nhưng cả con người chàng đã chợt cảm thấy mình không còn tự do lý trí nữa mà cũng không còn chút nghị lực nào, rằng mọi việc bỗng nhiên đã được quyết định dứt khoát.
Dĩ nhiên, ví thử chàng có chờ đợi cơ hội thuận tiện suốt mấy năm liền, thì cũng không thể trông mong một dịp nào tốt hơn để thực hiện ý định như cái dịp này vừa hiện ra lúc này. Dù sao cũng khó lòng mà biết được trước đúng một hôm, và biết chắc chắn, không cần phải làm việc gì mạo hiểm, không cần phải hỏi han và tìm tòi gì, rằng ngày mai đúng vào giờ ấy, mụ già mà mình định ám hại sẽ ở nhà một mình.
Chú thích
(1) Các đảo nhỏ trên sông Neva là nơi dân Petersburg khá giả sống qua muà hè trong những dinh thự xây rải rác trong các lùm cây. Ở đầu mũi lớn Vaxili sông Neva chia ra làm hai nhánh, một to, một nhỏ.