Song cũng không phải chàng hoàn toàn mê man trong thời gian ốm: đó là một trạng thái sốt nhiệt, có nói sảng và nửa mê nửa tỉnh. Về sau chàng nhớ lại được khá nhiều việc. Có khi chàng mường tượng như quanh chàng có rất nhiều người quây lại định mang chàng đi đâu không rõ, họ bàn bạc về chàng và cãi vã lẫn nhau rất dữ. Có khi chàng lại thấy mình nằm một mình trong phòng, mọi người đều bỏ đi hết, hẳn vì sợ chàng, và thỉnh thoảng mới có người mở hé cánh cửa ra dòm chàng, de doạ chàng, thầm thì cười nói với nhau, và trêu chọc chàng. Chàng nhớ là Naxtaxia thường ở cạnh chàng: chàng còn nhớ thêm một người nữa, hình như rất quen thuộc, nhưng cụ thể là ai thì chàng không sao đoán ra được: điều đó làm cho chàng buồn lắm và thậm chí còn khóc nữa. Có khi chàng tưởng chừng mình đã nằm liệt giường đến một tháng nay, khi lại ngỡ như mọi việc đều xảy ra nội ngày hôm ấy. Nhưng về việc ấy, việc ấy thì chàng quên bẵng đi: song từng giờ từng phút chàng vẫn nhớ là mình có quên một điều gì lẽ ra không được quên mới phải; chàng vật vã, day dứt, cố sức nhớ cho ra, chàng rên rỉ, lồng lộn điên cuồng lên hay rơi vào một tâm trạng khiếp sợ ghê gớm, không sao chịu nổi. Những lúc ấy chàng vùng dậy, toan bỏ chạy, nhưng bao giờ cùng có ai dùng sức giữ chàng lại, và chàng lại chìm vào cõi hôn mê. Cuối cùng chàng tỉnh hẳn, lúc ấy là vào khoảng chín giờ sáng. Vào những ngày quang đãng, giờ này bao giờ ánh nắng cũng vẽ thành một vệt dài chạy qua bức tường bên phải phòng chàng và chiếu sáng góc phòng cạnh cửa ra. Bên giường chàng có Naxtaxia và một người nữa đang đứng nhìn chàng có vẻ rất tò mò. Đó là một người chàng chưa hề quen biết, một người trẻ tuổi mặc áo cáp-tan, để chòm râu cằm, dáng trông như một người chạy hàng. Qua cánh cửa mở hé, bà chủ đang dòm vào. Raxkonikov nhỏm dậy…
– Ai thế, Naxtaxia? – chàng chỉ người trẻ tuổi hỏi.
– À tỉnh rồi? – Naxtaxia nói.
– Tỉnh rồi, – người chạy hàng nói vọng theo.
Đoán rằng chàng đã tỉnh đậy, bà chủ, nhà đang đứng dòm ở cửa, lập tức đóng cửa lại và giấu mặt đi.
Bà ta xưa nay vốn nhút nhát và rất sợ những cuộc nói chuyện hay giãi bày; bà ta trạc bốn mươi tuổi, người to béo, lông mày đen, mắt cũng đen, tốt bụng vì béo và vì lười, trông cùng dễ ưa nữa là khác. Tính cả thẹn của bà ta thì thật quá quắt.
– Anh… là ai? – Raxkonikov hỏi thẳng người chạy hàng.
Nhưng vừa lúc ấy cánh cửa lại mở toang và Razumikhin, người hơi cúi lom khom. Vì anh ta vốn cao lớn, vừa bước vào vừa kêu ca:
– Cứ như cái buồng tàu thuỷ, lúc nào cùng cộc đầu va trán; thế mà cũng gọi là phòng với phiếc. Cậu tỉnh rồi đấy à?
Tớ vừa nghe Pasenka(1) bảo thế.
– Mới vừa tỉnh dậy đấy, – Naxtaxia nói.
– Mới vừa tỉnh dậy đấy ạ, – người chạy hàng lại mỉm cười nói vọng theo.
– Thế anh là ai? – Razumikhin bỗng quay sang hắn hỏi đột ngột. – Còn tôi đây là Vrazumikhin; không phải là Razumikhin như người ta thường tâng bốc(2), mà là Vrazumikhin, sinh viên, con nhà quý tộc, còn cậu này là bạn tôi. Thế còn anh là ai?
– Tôi là người chạy hàng cho hiệu buôn của ông Selopayev ạ, tôi đến đây có tí việc ạ.
– Mời anh ngồi ghế này, – Razumikhin vừa nói vừa ngồi xuống chiếc ghế đặt ở bên kia bàn con. – Cậu tỉnh dậy như thế là phải lắm, – anh nói tiếp với Raxkonikov.
– Đã bốn ngày nay cậu hầu như chẳng ăn uống gì. Quả tình cũng có hớp được mấy thìa nước trà. Tớ đã dẫn Zoximov đến đây hai lần. Cậu có nhớ Zoximov không? Hắn ta khám cho cậu và nói ngay rằng chẳng có gì hệ trọng hết, chẳng qua đầu óc bị chấn động thế nào đấy. Hắn ta bảo là một chứng thần kinh gì đấy, vì ăn uống kham khổ, ít uống bia, ít ăn rau khơ-ren quá mà ra, còn như bệnh trạng thì chẳng có gì đâu, sẽ tự khỏi thôi. Anh chàng Zoximov cừ lắm? Chứa bệnh đã thành thạo rồi. À, tôi không dám giữ anh đâu – Razumikhin lại quay sang người chạy hàng, – anh cần việc gì xin cứ nói đi Rodia ạ: cửa hàng của họ đã hai lần cho người đến đây rồi đây; lần trước không phải anh này, một người khác kia, chúng tôi có nói chuyện với người đó. Lần trước cửa hiệu anh cho ai đến đây thế nhỉ?
– Ông muốn nói cái người đến đây hôm kia phải không ạ, đúng đấy. Đó là Alekxey Xemionovich cùng làm ở hiệu chúng tôi đấy ạ.
– Anh kia có vẻ khôn ngoan hơn anh phải không?
– Vâng ạ, ông ấy đúng là chững chạc hơn tôi ạ.
– Hay lắm; anh cứ nói đi.
– Thế này ạ, ông Aphanaxi Ivanovich Vakhrusin, mà tôi chắc ông đã có nghe tên nhiều lần, theo yêu cầu của bà cụ nhà đã chuyển cho hiệu chúng tôi một tờ ngân phiếu – người chạy hàng nói thẳng với Raxkonikov. – Đến khi nào ông đã tỉnh trí, chúng tôi sẽ trao lại cho ông ba mươi lăm rúp, vì Xemion Xemionovich theo yêu cầu của cụ nhà, có được Aphanaxi Ivanovich báo cho biết về số tiền nói trên theo thể thức như cũ. Ông đã biết việc này chưa ạ?
– Có tôi có nhớ… Vakhrusin… – Raxkonikov nói, vẻ trầm ngâm.
– Anh nghe ra chưa: cậu ấy biết ông lái buôn Vakhrusin! – Razumikhin kêu lên. – Thế mà còn bảo là chưa tĩnh trí nữa à? À mà bây giờ tôi nhận thấy anh cùng là người khôn ngoan lắm. Hay! Nghe những câu nói thông minh cũng thú lắm chứ!
– Chính ông Vakhrusin Aphanaxi Ivanovich đấy ạ, cụ nhà đã từng gửi tiền cho cậu một lần qua ông Vakhrusin theo thể thức ấy, lần nào ông cũng không từ chối lời yêu cầu của cụ nhà, và cách đây ít hôm có báo cho ông Xemion Xemionovich biết để chuyển cho ông ba mươi lăm rúp trong khi chờ đợi một món lớn hơn.
– Đấy cái câu “trong khi chờ đợi một món lớn hơn” của anh nghe hay hơn cả đấy; cả cái “bà cụ nhà” của anh cũng khá lắm. Nào, thế theo anh thì sao: anh bạn tôi đã tĩnh trí hẳn hay chưa, hả?
– Đối với tôi thì thế nào cũng được. Miễn là ông ấy ký được biên lai.
– Ký được mà! Anh có mang sổ sách theo đấy chứ?
– Sổ đây ạ!
– Đưa lại đây. Nào, Rodia, cậu ngồi dậy. Tớ sẽ đỡ đầu; cậu nguệch cho anh ta một chữ ký. Raxkonikov, cầm lấy bút đi cậu ạ, vì bây giờ chúng mình đang cần tiền lắm!
– Không cần, – Raxkonikov gạt bút ra nói – Không cần làm sao? Tôi không ký đâu.
– Quái thật, không ký thì làm thế nào?
– Không cần… tiền…
– Không cần tiền! Cậu chỉ nói láo, tớ xin làm chứng như vậy! Anh chớ lo, chẳng qua cậu ấy… lại hơi mê sảng một chút. Vả chăng ngay khi tỉnh táo cậu ấy cùng đôi khi như thế… Anh là người thông minh; chúng ta sẽ hướng dẫn cậu ấy, nghĩa là hướng dẫn bàn tay cậu ấy một chút! Cậu ấy sẽ ký… Nào, ta…
– Dù sao thì khi khác tôi đến đây cũng được.
– Không, không, anh lo ngại cái gì kia chứ? Anh là người thông minh. Nào, Rodia, đừng làm phiền ông khách… cậu cũng thấy ông ấy đợi đấy. – nói đoạn Razumikhin thật sự chuẩn bị đỡ tay Raxkonikov.
– Cậu buông ra, để tôi ký lấy… – Raxkonikov nói đoạn cầm bút ký vào sổ. Người chạy hàng giao tiền và lui ra.
– Hoan hô! Bây giờ thì ăn chứ, cậu có muốn ăn không?
– Có, – Raxkonikov đáp.
– Chị có xúp không?
– Xúp hôm qua. – Naxtaxia, nãy giờ vẫn đứng đấy, đáp.
– Xúp khoai tây với bột gạo đấy chứ?
– Xúp khoai tây với bột gạo.
– Tớ thuộc lòng đi rồi. Đem xúp lên đây, dọn trà luôn nhé.
– Vâng ạ.
Raxkonikov nhìn mọi vật với vẻ bỡ ngỡ sửng sốt và một nỗi sợ sệt vô nghĩa, đần độn, chàng quyết định lặng thinh chờ xem sẽ ra sao nữa. “Hình như đây không phải là mê sảng – Chàng nghĩ thầm – Hình như đó là chuyện thật…”
Hai phút sau, Naxtaxia bưng súp vào và nói rằng trà cũng sẽ mang vào sau. Khi dọn xúp ra thấy có hai cái thìa. hai cái đĩa và đủ cả bộ sậu: lọ tiêu muối: mù-tạt để ăn thịt bò vân vân, những thứ mà đã lâu lắm không hề thấy được bày biện tươm tất như vậy. Khăn giải bàn trắng tinh.
– Naxtaxia này, giá bà Praxkovia Paplovna cho hai chai bia thì hay quá. Chúng tôi sẽ uống với nhau.
– Chà, cái cậu này chúa vòi – Naxtaxia càu nhàu đi xuống nhà làm tròn phận sự.
Raxkonikov vẫn nhìn quanh quất một cách ngỡ ngàng và căng thẳng trong khi Razumikhin đã ngồi sang đi-văng với chàng, cử chỉ vụng về như con gấu, luồn cánh tay trái xuống dưới đầu chàng tuy chàng đã có thể tự nhỏm dậy, đưa tay phải cầm một thìa xúp đưa sát miệng chàng sau khi thổi thổi mấy lần cho đỡ nóng. Nhưng xúp chỉ còn hơi hâm hẩm mà thôi. Raxkonikov thèm thuồng húp lấy một thìa, một thìa nữa: rồi một thìa nữa. Nhưng cho chàng ăn được mấy thìa thì Razumikhin bỗng dừng lại và tuyên bố rằng về phần sau phải hỏi ý kiến Zoximov đã.
Naxtaxia cầm hai chai bia bước vào.
– Cậu có uống trà không?
– Mang trà lên đây, nhanh lên Naxtaxia, về cái mục này thì hình như cũng không cần đến trường Y khoa. Nhưng đã có bia đây rồi!
Chàng ngồi ra ghế, kéo đĩa xúp và đĩa thịt bò lại và bắt đầu ăn ngon lành như thể nhịn đói đã ba hôm nay.
– Rodia ạ, bây giờ tớ ngày nào cũng ăn ở nhà này, – anh nói lúng búng, trong chừng mực cái miệng nhồm nhoàm đầy những thịt bò còn cho phép. – và đều được Pasenka, cô chủ nhà của cậu, thết đãi hết lòng. Dĩ nhiên tớ không yêu sách gì, nhưng cũng không phản đối. À, Naxtaxia đem trà lên đây rồi. Chị này đảm lắm: Naxtenka, uống bia đi!
– Anh chàng này quấy thật!
– Thế còn nước chè?
– Nước chè thì được.
– Rót đi, khoan, để tớ rót cho; ngồi đây.
Razumikhin lập tức ra tay; anh rót chè vào chén, rót thêm một chén nữa, bỏ các món ăn đấy vả lại ngồi sang đi-văng, lại luồn cánh tay trái xuống dưới đầu người ốm, nâng nó lên và bắt đầu đút từng thìa trà cho chàng, lại hăm hở thổi luôn mồm vào thìa, làm như thể bản thân cái việc thổi thổi như vậy chính là biện pháp chủ yếu, công hiệu nhất để cứu bạn khỏi bệnh.
Raxkonikov lặng thinh và không kháng cự, tuy chàng cũng cảm thấy mình thừa sức ngồi dậy mà không cần ai nâng đỡ và không những có đủ sức điều khiển chân tay để cầm thìa hay cầm chén, mà có lẽ còn đủ sức đi lại nữa.
Nhưng do một sự xảo quyệt kỳ dị, gần như sự tinh khôn của loài dã thú, chàng bỗng nảy ra ý tạm thời che giấu sức lực đi, vờ vịt, thậm chí nếu cần sẽ giả làm như chưa tỉnh hắn nữa để nghe ngóng, dò xét xem chung quanh đang xảy ra những gì. Vả chăng chàng không sao nén nổi cảm giác ghê tởm. Húp được mươi thìa trà, chàng bỗng bắt đầu hờn dỗi, đẩy thìa ra và lại ngả mình xuống gối. Dưới đầu chàng bây giờ là những chiếc gối thật, độn lông tơ, vỏ gối trắng tinh; điều đó chàng cũng chú ý và ghi nhớ để suy xét thêm.
– Ngay hôm nay, Pasenka phải gửi lên cho chúng tôi ít mứt mận và pha nước cho anh ấy uống. – Razumikhin vừa nói vừa ngồi sang ghế tiếp tục ăn xúp, uống bia.
– Thế bà ấy lấy mận ở đâu ra cho cậu? – Naxtaxia hỏi, năm ngón tay xìe ra cầm cái đĩa tách và húp nước trà “qua miếng đường” (3)
– Mận ở ngoài cửa hiệu ấy, cô bạn ạ. Rodia này, cậu không biết chứ trong khi cậu ốm ở đây đã xảy ra cả một câu chuyện kỳ lạ. Cái hôm cậu bỏ tớ chuồn đi một cách mất dạy như vậy, địa chỉ cũng không thèm nói, tớ nỗi khùng lên đến nỗi quyết chí tìm cậu cho bằng được và trị cho cậu một mẻ. Ngay hôm ấy tớ bắt tay vào việc. Tớ đi lùng khắp nơi, đến đâu cũng hỏi. Tớ quên mất cái địa chỉ hiện nay của cậu, làm sao mà nhớ được vì xưa nay tớ có hề biết bao giờ đâu? Còn nhà cũ của cậu thì tớ chỉ nhớ là ở khu Năm Góc, nhà ông Kharlamov. Tớ tìm mãi cái nhà ông Kharlamov ấy, nhưng về sau mới biết rằng cái ông chủ nhà kia hoàn toàn không phải là Kharlamov, mà là Bukh, tên họ đôi khi cùng dễ nhớ nhầm lung tung ra như thế đấy! Tớ mới nổi cáu lên, thế là tớ tìm đến phòng Địa chỉ, và cậu thử tưởng tượng mà xem: chỉ hai phút họ đã tìm ra địa chỉ của cậu. Tên cậu có ghi ở đấy.
– Có ghi ở đấy?
– Còn sao nữa; thế mà lúc tớ ấy họ tìm mãi vẫn không ra nhà ông tướng Kobelev đây. Chà thôi, kể thì dài lắm. Đến đây một cái là tớ tìm hiểu hết các công việc của cậu ngay, tìm hiểu tất cả, cậu ạ, việc gì tớ cũng biết; cậu cứ hỏi chị này thì rõ, tớ làm quen cả với Nikodim Phomits, cả Ilya Petrovich người ta cùng đã chỉ cho tớ xem mặt, tớ làm quen cả với bác gác cổng, cả với ông Zamiotov Alekxandr Gigorievich, chánh văn phòng quận cảnh sát khu này, và cuối cùng là làm quen với Pasenka – Thật là một kết thúc rực rỡ, đây cứ hỏi chị này thì biết.
– Cậu ta làm bà ấy mê tít rồi, – Naxtaxia lẩm bẩm, môi nở một nụ cười ranh mãnh.
– Cô pha đường vào tách mà uống, cô Naxtaxia Nikiphorovna!
– Rõ khỉ! – Naxtaxia bỗng kêu lên và rũ ra cười – Tôi là Petrovna chứ có phải Nikiphorovna đâu, – chị ta nói thêm khi trận cười đã ngớt.
– Xin ghi lòng tạc dạ. Ấy, cậu ạ, để khỏi dài dòng lôi thôi xin nói rằng lúc đầu tớ muốn bắc một luồng điện chạy qua khắp khu này đề xua hết những định kiến của địa phương sở tại đi; nhưng Pasenka đã thắng. Cậu ạ quả tớ không ngờ bà ta lại có thể… khả ái như vậy! Cậu nghĩ sao. hả?
Raxkonikov lặng thinh, tuy đôi mắt, lo lắng không phút nào rời Razumikhin, và bây giờ vẫn chăm chăm nhìn anh ta.
– Rất khả ái nữa là khác, – Razumikhin nói tiếp, không mảy may nao núng trước sự im lặng của Raxkonikov, và như đang đáp lại mọi câu trả lời của chàng, – mà lại khá về đủ mọi phương diện.
– Rõ khỉ! – Naxtaxia lại kêu lên. Câu chuyện này hình như đang đưa lại cho chị ta một niềm khoái lạc không sao tả xiết.
– Thật đáng tiếc là ngay từ đầu cậu đã không biết cách xoay sở. Với bà ta thì không làm như thế được. Tính tình bà ta có thể nói là hết sức bất kỳ! Thôi, để sau hẵng nói đến chuyện tính tình… Thế nhưng làm thế nào, là nói ví dụ thế, cậu làm thế nào đến nỗi bà ta dám không dọn cho cậu ăn nữa? Hay như tờ tín phiếu kia chẳng hạn? Cậu điên hay sao mà lại đi ký những tờ tín phiếu như thế? Hay chuyện cậu hứa hôn với con gái bà ta chẳng hạn, khi cô Natalya Yegorovna này còn sống… Tớ biết hết? Ấy, tớ cũng thấy đây là một vấn đề tế nhị, và vừa rồi quả tớ ngốc như con bò; cậu tha lỗi cho tớ nhé. Nhưng nhân thể nói đến chuyện ngốc với chả ngốc; cậu nghĩ sao, Praxkovia Paylovna hoàn toàn không ngốc chút nào như mới thoạt trông có thể tưởng, phải không nào?
– Ừ – Raxkonikov ậm ừ, mắt nhìn đi nơi khác, nhưng cũng hiểu rằng cứ cố tiếp chuyện thì có lợi hơn.
– Có phải không nào? – Razumikhin reo lên, hẳn là rất hài lòng được bạn trả lời, – nhưng cũng không phải là thông minh, hả? Tính tình thật là bất kỳ, thật là bất kỳ! Tớ có phần hoang mang rồi đấy, thật thế cậu ạ. Bà ta sắp trọn tứ tuần rồi. Nhưng bà ta cứ bảo là băm sáu, và bà ta hoàn toàn có quyền nói như vậy. Vả chăng quan niệm của tớ về bà ấy có tính chất trí tuệ nhiều hơn và chỉ thuộc lĩnh vực siêu hình học; những gì đã diễn ra giữa bà ta với tớ thật rối beng lên như đại số học vậy! Tớ không hiểu ra làm sao nữa! Thôi, toàn chuyện nhảm hết; có điều là bà ta thấy cậu không đi học nữa, chỗ dạy học cũng chẳng còn mà bộ cánh cũng mất, và đến khi con gái chết đi thì không còn liên hệ bà con gì với cậu nữa, nên đã phát hoảng lên, còn về phần cậu, cậu cứ nằm bẹp trong xó không chịu làm ăn gì như trước nữa, cho nên bà ta mới nghĩ ra cái chuyện đuổi cậu ra khỏi nhà. Bà ta đã có ý định ấy từ lâu nhưng còn tiếc tờ tín phiếu. Hơn nữa chính cậu quả quyết là bà cụ sẽ trả.
– Đó là vì tâm địa tôi hèn hạ cho nên mới nói thế… Mẹ tôi thiếu chút nữa phải đi ăn xin… thế mà tôi lại đi nói dối để người ta cho ở trọ và… cho ăn, – Raxkonikov nói to và rành mạch.
– Phải, cậu nghĩ phải đấy. Nhưng sở dĩ cơ sự hỏng bét cũng chỉ vì ông Shebarov, tư vấn pháp đình và là nhà doanh nghiệp nhúng tay vào. Không có ông ta thì Pasenka chẳng bày vẽ gì đâu, bà ấy nhút nhát lắm, thế nhưng nhà doanh nghiệp kia thì lại không nhút nhát và việc đầu tiên dĩ nhiên là đặt vấn đề: liệu tờ tín phiếu kia có hy vọng gì được thanh toán không? Bà ta trả lời là: có, vì có bà cụ, với số lương quả phụ một trăm hai mươi lăm rúp, bà cụ sẽ trả nợ cho thằng Rodenka của mình, dù có phải nhịn đói cũng vui lòng, lại có cô em, sẵn sàng bán mình làm nô lệ để giúp anh. Thế là ông Shebarov căn cứ vào đấy… Cậu làm gì mà cựa quậy dữ thế? Cậu ạ, bây giờ tớ biết tỏng hết những chuyện bí ẩn của cậu rồi, khi cậu còn có quan hệ gia đình với Pasenka, cậu cởi mở với bà ta là phải: chứ bây giờ thì chỗ bạn bè tôi xin nói với cậu là… Ấy nó là thế đấy: người trung thực, đa cảm thì cởi mở tâm tình, còn người căn cơ chí thú thì lắng nghe và lợi dụng. Ấy thế là Pasenka nhường tờ tín phiếu lại cho cái ông Shebarov kia, lấy cớ là để trả nợ, và ông này, không chút ngượng mặt, đã đem ra pháp luật đòi thanh toán: Biết được những chuyện này: tớ cũng toan cho ông ta một vố, cho tròn bổn phận, nhưng vừa lúc giữa tớ với Pasenka bắt đầu có một mối quan hệ rất ư đằm thắm, cho nên tớ bèn ra lệnh chấm dứt mọi chuyện, bóp nghẹt vụ này ngay trong trứng nước như người ta thường nói, cam đoan rằng cậu sẽ trả. Cậu nghĩ chưa, tớ đảm bảo cho cậu đấy! Chúng tớ gọi Shebarov đến, đấm vào mồm hắn mười rúp và rút giấy về, nó đấy, rất hân hạnh được giới thiệu nó với ngài. Thế là bây giờ ngài chỉ còn nợ mồm nữa thôi. Cầm lấy, tớ đã “xem kỹ” lắm rồi đấy.
Razumikhin đặt tờ giấy vay tiền lên bàn; Raxkonikov liếc nhìn một cái và lặng lẽ quay mặt vào tường. Đến như Razumikhin mà cũng phải phật lòng. Anh nói sau một phút im lặng:
– Đấy cậu lại giở cái trò ấy ra rồi. Tớ tưởng nói chuyện ba hoa này nọ cho cậu khuây khoả, ai dè hình như chỉ làm cậu bực mình.
– Cậu chính là cái người mà tôi không nhận ra trong khi mê sảng đấy à? – Raxkonikov nói, cùng sau một phút im lặng và không quay đầu lại.
– Tớ đấy thậm chí ngài còn nổi xung lên mỗi khi trông thấy tớ nữa, nhất là hôm tớ đưa Zamiotov đến.
– Zamiotov?… Viên chánh văn phòng ấy à? Đến làm gì? – Raxkonikov quay phắt lại nhìn Razumikhin trừng trừng.
– Kìa cậu làm sao thế? Cậu sợ cái gì. Hắn muốn làm quen với cậu… Nếu không thì tớ làm sao mà biết được nhiều chuyện của cậu như thế? Thằng cha tốt lắm cậu ạ, một con người tuyệt diệu… dĩ nhiên là theo một kiểu riêng. Bây giờ tớ với hắn là chỗ thân tình; hầu như ngày nào cũng gặp nhau vì tớ dọn sang ở khu này rồi. Cậu chưa biết à?
Mới dọn sang đấy. Hắn với tớ có đến nhà Laviza hai lần. Cậu có nhớ mụ Laviza không? Laviza Ivanovna ấy mà?
– Tớ có nói mê gì không?
– Còn phải nói. Ngài có còn là ngài nữa đâu.
– Tớ nói mê những gì?
– Chà? Nói mê những gì ấy à? Còn lạ gì những lời nói mê của người ốm nữa… Thôi, cậu ạ, để khỏi phải mất thì giờ, phải bắt tay vào việc ngay.
Razumikhin đứng dậy vơ lấy mũ.
– Tớ nói mê những gì?
– Anh chàng này gan lì thật! Hay cậu sợ lộ một chuyện gì bí mật? Đừng lo: cậu không hề nói gì về nàng công chúa của cậu đâu. Toàn nói những chó cọc với lại hoa tai, dây chuyền gì đấy, lại có nói đến đảo Krextovxki, đến một lão gác cổng nào đấy, lại nhắc cả đến Nikodim Phomits và Ilya Petrovich ở quận cảnh sát, nói nhiều lắm. Phải, ngoài ra ngài lại còn có lòng quan tâm rất mực đến chiếc găng của ngài, quan tâm lắm lắm. Ngài cứ van vỉ: đưa đây cho tôi! Cứ thế mãi. Zamiotov đã thân hành đi lục lọi khắp phòng tìm cho ngài đôi bít tất và tự tay – đôi tay rửa nước hoa đeo đầy nhẫn – tự tay cầm cái của khỉ ấy lại cho ngài, lúc ấy ngài mới bình tâm lại, và suốt ngày đêm cứ khư khư giữ cái của khỉ ấy trong tay không sao lấy ra được. Chắc bây giờ còn nằm đâu ở dưới chân cột ấy. Lại còn đòi gấu quần gấu kiếc gì nữa, mà đòi đến ứa nước mắt ra chứ có phải vừa đâu. Chúng tớ cứ băn khoăn mãi không biết gấu quần nào. Không còn hiểu ra làm sao nữa… Thôi, phải bắt tay vào việc đi thôi! Đây có ba mươi lăm rúp, tớ lấy mười rúp, hai tiếng nữa tớ sẽ báo cáo cách sử dụng. Trong khoảng ấy tớ sẽ đi gọi Zoximov. Lẽ ra hắn đến từ lâu rồi mới phải, hơn mười một giờ rồi còn gì. Còn Naxtenka, trong khi tôi đi vắng chị nhớ ghé vào đây luôn, nhỡ anh ấy có cần ăn uống gì chăng… Còn Pasenka thì tớ sẽ dặn ngay những việc cần phải làm! Tớ đi nhé!
– Gọi bà ấy là Pasenka có chết người không chứ!
– Chà, cái anh chàng láu thật! – Naxtaxia nói với theo Razumikhin, đoạn mở cửa ra nghe ngóng một lát, nhưng rồi sốt ruột quá cũng bỏ chạy xuống nhà nốt. Chị ta đang háo hức muốn biết Razumikhin nói chuyện gì với bà chủ; Vả lại nói chung có thể thấy rõ chị ta phục lăn Razumikhin.
Cánh cửa vừa đóng lại sau lưng Naxtaxia thì Raxkonikov tung chăn nhảy phắt dậy, ngơ ngác như người điên. Lòng như thiêu như đốt, chàng sốt ruột mong họ đi khuất đi cho chóng, để bắt tay ngay vào việc.
Nhưng việc gì, việc gì? Vừa đúng lúc này chàng lại quên bẵng đi, như cố tình vậy. “Lạy Chúa? Chỉ xin nói rõ cho tôi một điều: họ đã biết việc ấy chưa, hay là chưa biết? Chắc họ biết hết rồi nhưng cứ giả vờ không biết để trêu gan mình, trong khi mình còn nằm liệt giường, thế rồi đến một lúc nào đó họ sẽ ập vào và nói rằng họ đã biết hết từ lâu nhưng cứ để thế xem sao… Bây giờ biết làm gì đây? Quên bẵng đi mất, cứ như cố ý ấy; bỗng dưng quên tiệt: vừa mới rồi còn nhớ kia mà…”
Chàng đứng ở giữa phòng, bứt rứt và ngơ ngác nhìn quanh, rồi đến mở hé cánh cửa nghe ngóng; nhưng không phải thế, phải làm cái gì khác kìa. Bỗng như sực nhớ ra, chàng nhảy chồm vào góc phòng nơi giấy dán tường thủng ra một lỗ, xem xét một lúc, thò tay vào moi moi trong lỗ, nhưng vẫn không phải. Chàng đến cạnh lò sưởi, mở nắp lò ra và bắt đầu bới bới trong đống tro: những mảnh xơ gấu quần và miếng túi rách vẫn nằm nguyên ở chỗ chàng vứt, thế nghĩa là chưa có ai nhìn vào! Đến đây chàng sực nhớ đến chiếc tất mà lúc nãy Razumikhin có nhắc tới. Quả thật nó đang nằm dưới tấm chăn, nhưng bị cọ xát nhiều và lấm be bét, cho nên Zamiotov tất nhiên không thể trông thấy gì được “Hừ, Zamiotov… sở cảnh sát!.: Chúng gọi ta lên sở cảnh sát làm gì thế nhỉ? Giấy gọi đâu? Chà…
Mình lẫn lộn hết rồi: họ gọi là gọi từ hôm nọ kia chứ! Hôm ấy mình cũng xem xét mãi chiếc tất, còn bây giờ… bây giờ mình vừa mới ốm dậy. Thế Zamiotov đến đây làm gì? Razumikhin đưa hắn đến làm gì?… – chàng vừa lẩm bẩm, vừa ngồi phịch xuống đi-văng, người bải hoải ra.
Thế này là thế nào? Mình vừa còn mê sảng hay quả thật như thế. Hình như thật. A, nhớ ra rồi: phải trốn phải trốn cho nhanh: nhất định phải trốn, thế nào cũng phải trốn. Nhưng… trốn đi đâu? Mà áo mình đâu mất rồi? Ủng cũng không thấy! Chúng lấy mất rồi! Chúng giấu! Hiểu rồi! A, áo khoác đây! Chúng nó bỏ sót! À tiền còn để trên bàn kia?
Cả cái tín phiếu nữa… Ta sẽ lấy tiền bỏ đi thuê một căn buồng khác, chúng nó không tìm ra được đâu! Nhưng còn cái phòng địa chỉ, họ tìm ra mất, Razumikhin sẽ tìm ra. Phải trốn biệt… đi thật xa… sang Mỹ, và nhổ toẹt vào chúng nó! Đem cả tờ tín phiếu đi… sang đấy sẽ dùng được. Còn đem cái gì theo nữa nhỉ? Chúng nó tưởng mình ốm!
Chúng nó không biết là mình có thể đi lại được, hê… hê… hê!… Tớ nhìn mặt chúng, mình cũng đủ biết là chúng nó biết rõ mọi chuyện! Miễn sao xuống lọt cái thang gác! Thế nhỡ chúng nó đã cho cảnh binh gác dưới kia thì sao? Cái gì thế này nhỉ, nước chè à? À, lại còn cả bia nữa, nửa chai, bia lạnh đây!”.
Chàng cầm lấy cái chai còn đựng đến một cốc bia, và khoái trá uống thẳng một mạch như muốn đập tắt ngọn lửa đang thiêu đốt lồng ngực. Nhưng chưa được một phút đã thấy hơi men xông lên đầu, ở sống lưng có một cảm giác gây gây, có vẻ dễ chịu nữa là khác.
Chàng nằm xuống và kéo chăn lên đắp. Trí óc chàng đã bạc nhược và rời rạc sẵn, lại càng ngày càng rối loạn thêm, và chẳng bao lâu một cảm giác buồn ngủ dịu dàng và dễ chịu đã bao trùm lấy chàng. Chàng khoái trá nhích đầu chọn chỗ gối cho thật êm, kéo tấm chăn bông êm ấm đã thay thế cho chiếc áo khoác rách trùm thật kín, khẽ buông một tiếng thở dài và thiếp đi trong một giấc ngủ say sưa, khỏe khoắn. Chàng thức giấc khi nghe có tiếng ai bước vào phòng. Chàng mở mắt ra và thấy Razumikhin đã mở toang cửa phòng, đang đứng ở ngưỡng cửa, phân vân không hiểu nên vào không. Raxkonikov nhổm ngồi dậy, nhìn anh như đang cố nhớ lại một điều gì.
– À cậu thức đấy ư, tớ đã tớ đã về đây. Naxtaxia, đưa cái gói lên đây! – Razumikhin gọi xuống dưới nhà. Tớ xin báo cáo ngay…
– Mấy giờ rồi? – Raxkonikov hỏi, mặt lo lắng nhìn quanh.
Cậu ngủ đẫy giấc đấy, chiều rồi, gần sáu giờ. Cậu ngủ được hơn sáu tiếng…
Trời ơi, làm sao tôi lại… thì đã làm sao? Càng khỏe chứ sao! Cậu đi đâu mà vội? Có hẹn hò vói cô nào chắc? Bây giờ tất cả thời gian là của chúng ta. Tớ đợi cậu đã ba tiếng đồng hồ rồi; tớ có ghé vào hai lần: nhưng cậu đang ngủ; tớ lại đến tìm Zoximov hai lần, nhưng hắn không có nhà, thế mới chán chứ! Thôi được, rồi thế nào hắn cũng đến!
Tớ còn đi lo mấy việc riêng của tớ nữa. Chả hôm nay tớ dọn hẳn sang ở bên này, cả ông chú tớ nữa. Bây giờ ông chú tớ ở chung với tớ đấy. Thôi nói chuyện phiếm mãi, khỉ thật, phải bàn công chuyện cho xong đã! Đem cái gói lên đây, Naxtenka. Bây giờ ta… Thế cậu thấy trong người ra sao rồi?
– Tôi khoẻ, tôi không ốm. Razumikhin, cậu đến đã lâu chưa?
– Đã bảo là đợi đến ba tiếng đồng hồ mà.
– Không, trước đây kia!
– Trước cái gì?
– Thì tớ đã kể cho cậu nghe khi sáng rồi còn gì: hay cậu không nhớ!
Raxkonikov trầm ngâm suy nghĩ. Như trong giấc mơ, chàng mường tượng ôn lại những việc xảy ra trong ngày hôm ấy. Một mình chàng không sao nhớ lại hết được, chàng đưa mắt nhìn Razumikhin có ý dò hỏi.
– Hừm! – Razumikhin nói, – quên. Khi sáng tớ cũng ngờ là cậu chưa tỉnh hắn… Bây giờ ngủ được một giấc rồi mới đỡ… Thật đấy, trông khá hẳn ra. Cừ lắm. Nào ta bàn công việc? Cậu sẽ nhớ lại cho mà xem. Cậu nhìn cái này một chút, Rodia!
Razumikhin bắt đầu mở cái gói vải mà hình như anh ta hết sức quan tâm.
– Đây là vấn đề khiến tớ băn khoăn nhất đây, cậu ạ Vì phải làm cho cậu ra dáng một con người mới được. Ta bắt đầu nhé, xem từ trên xuống dưới. Cậu có thấy cái mũ lưỡi trai này không anh vừa nói vừa rút trong gói ra một chiếc mũ lưỡi trai khá xinh xắn, nhưng cũng rất tầm thường và rẻ tiền. – Cậu đội thứ tí xem.
– Khoan đã, sau hẵng hay, – Raxkonikov gạt phắt ra nói.
– Không được, Rodia ạ, đừng thế, muộn mất; với lại cả đêm nay mình sẽ không chợp mắt được đâu, chả mình mua chẳng đo đạc gì cả, không biết có vừa không.
– Vừa khéo! – anh đắc chí reo lên sau khi ướm thử vào đầu bạn, – vừa vặn đúng cỡ! Cậu ạ, mũ là phần quan trọng nhất trong trang phục, nó như là một lời giới thiệu vậy. Tớ có thằng bạn tên là Tolxtyakov, hễ đi đến chỗ nào đông người là cứ phải bỏ mũ ra, trong khi người khác vẫn đội mũ như thường. Ai cũng nghĩ là hắn có thói khúm núm hèn hạ, thế nhưng thật ra thì chỉ vì hắn xấu hổ với cái tổ đỉa của hắn: thằng cha cả thẹn lắm: Nào Naxtenka, nếu cho chị hai chiếc mũ này, chị thích cái nào? Cái mũ palmerston này (anh lấy trong xó ra cái mũ dạ nhàu nát của Raxkonikov mà không hiểu tại sao anh gọi là mũ palmerston) hay là cái mũ xinh xẻo như một đồ trang sức này. Rodia ạ, cậu thử đoán xem tớ trả hết bao nhiêu? – Thấy Raxkonikov cứ lặng thinh, anh quay sang hỏi Naxtaxia.
– Chị thử đoán xem?
– Dễ đến hai hào. – Naxtaxia đáp.
– Hai hào? Đồ ngốc! – Razumikhin phật ý quát lân, – hai hào bây giờ thì chị có mua cũng chẳng ai người ta bán; tám hào! Hơi cũ rồi mới mua được rẻ thế đấy. Họ có hẹn là hễ đội rách, đến sang năm họ sẽ bù không cho một cái khác, thật thế đấy! Nào, bây giờ sang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, như ở trường trung học ta vẫn hay nói. Xin báo trước là tớ hãnh diện với cái quần này lắm đấy nhé! – và anh ta giăng ra trước mặt Raxkonikov một cái quần len mỏng màu xám mặc mùa hè, – không thủng đến một lỗ nào, không dây lấy một vết nào, tuy cũ nhưng vẫn còn tươm chán, áo gi-lê cũng cùng màu với quần, theo đúng yêu cầu của thời trang. Mà cái gì đã cũ thì quả mặc có thích hơn: mềm hơn, êm hơn… – Rodia ạ, ở đời muốn gây dựng cơ đồ theo tớ chỉ cần chú ý theo cho đúng thời tiết; miễn là tháng giêng đừng đòi ăn dâu cốm thì trong túi bao giờ cũng còn được dăm đồng; về chuyện mua sắm này cũng thế. Bây giờ là mùa hạ, tớ sắm toàn đồ mùa hạ, vì đến mùa thu thì dù sao cũng phải có thứ ấm hơn, những thứ này đành phải vứt… hơn nữa đến lúc ấy những thứ này đã có đủ thì giờ rách, nếu không phải vì quá xa hoa thì cũng vì những khó khăn nội bộ. Nào thử đoán giá xem? Cậu bảo bao nhiêu? Hai rúp hai mươi lăm cô-pếch. Và cậu phải nhớ là vẫn có lời hẹn như trước đấy nhé nếu mặc rách rồi thì sang năm sẽ bù không một cái khác! Ở hiệu Phediayev bao giờ cũng thế: đã trả tiền là thôi: suốt đời không bao giờ đặt chân đến nữa. Thôi bây giờ ta sang cái mục giầy dép. Cậu bảo sao nào? Rõ ràng là cũ, nhưng cũng còn đi được vài tháng: vì đây là hàng ngoại: viên thư ký sứ quán Anh mới đem ra chợ tầm tầm bán tuần trước; mới đi được có sáu hôm, nhưng vì cần tiền nên mới bán.
Giá một rúp năm mươi cô-pếch. Được chứ?
– Nhưng nhỡ không vừa – Naxtaxia nói.
– Không vừa! Thế thì cái gì đây? – nói đoạn Razumikhin rút trong túi ra một chiếc giầy ủng cũ rích, rúm ró, bùn bám dày cộm, thủng be bét, chiếc giầy của Raxkonikov, – tớ đã mang phòng theo, và họ đã đo cỡ chân ở cái của khỉ này cho tớ. Họ làm ăn cẩn thận lắm. Còn về áo quần mặc trong thì tớ đã bàn với bà chủ. Trước hết đây là ba cái sơ-mi, vải phin thôi, nhưng diều áo mốt lắm… Đã thế là tám hào mũ, hai rúp hai mươi làm cô-pếch áo quần, vị chi là ba rúp năm cô-pếch; một rúp rưỡi mua giầy – vì giầy này tốt lắm – vị chi là bốn rúp năm mươi lăm cô-pếch, thêm năm rúp áo quần lót nữa – họ tính giá gộp cho nên mới rẻ thế – vị chi cả thảy là đúng chín rúp năm mươi lăm cô-pếch. Còn lại bốn mươi lăm cô-pếch tiền thừa, toàn tiền năm cô-pếch bằng đồng cả, đây, xin ngài nhận cho,… vì thế là bây giờ cậu đã có đủ bộ cánh rồi đấy.
Rodia vì theo ý tớ, cái áo khoác của cậu không những còn dùng được mà lại còn có một vẻ quý phái đặc biệt nữa, may ở hiệu Scharmer có khác! Về bít tất và các thứ lặt vặt khác thì tớ để cậu xoay lấy; ta còn hai mươi lăm rúp, còn về Pasenka và món tiền thuê nhà thì cậu đừng lo; tớ đã nói là tín dụng vô hạn định! – Thôi, bây giờ thì cậu cho phép mình thay áo quần cho cậu nhé, không thì bệnh nó ẩn trong chiếc áo sơ-mi ấy đấy
– Thôi! Tôi không thích! – Raxkonikov gạt phắt ra. Nãy giờ chàng vẫn nghe bản báo cáo vừa bông đùa vừa khẩn trương của Razumikhin với một cảm giác hết sức khó chịu.
– Cái đó thì không được đâu cậu ạ; chả nhẽ công tớ chạy đến mòn cả ủng đi như thế này chỉ là công toi! – Razumikhin năn nỉ. – Naxtaxia, đừng có xấu hổ, giúp tôi một tay nào, thế? – và bất chấp sự kháng cự của Raxkonikov, anh cứ thay áo quần cho chàng. Xong đâu đấy, Raxkonikov ngả lưng xuống chiếc gối và suốt mấy phút không nói lấy một lời.
“Họ cứ ám mình mãi?” – chàng nghĩ thầm. Cuối cùng chàng lên tiếng hỏi, mắt nhìn lên tường:
– Tiền mua các thứ ấy là tiền ở đâu thế?
– Tiền ở đâu ấy à? – Thế có chết không? Tiền của cậu chứ còn tiền ở đâu nữa. Hồi sáng có anh chạy hàng của lão Vakhrusin đến đây chuyển tiền của bà cụ cho cậu, cậu quên rồi hay sao?
– Bây giờ thì nhớ ra rồi. – Raxkonikov lầm lì nghĩ ngợi một hồi lâu rồi mới nói. Razumikhin cau mày lo lắng nhìn chàng.
Cánh cửa vụt mở và một người đẫy đà cao lớn bước vào phòng. Raxkonikov trông người này cũng thấy như có phần quen quen.
– Zoximov! May quá! – Razumikhin mừng rỡ reo lên.
Chú thích
(1) Tên bà chủ nhà (Praxkovia) gọi thân mật.
(2) Razumikhin có từ gốc “razumi” nghĩa là lý trí, trí thông minh, lương tri. Razumlkhin có thể hiểu là “người có trí thông minh, còn Razumikhin có thể hiểu là “người biết điều, phải chăng”.
(3) Nhiều người Nga khi uống trà thường không cho đường vào chén, mà ngậm đường trong miệng rồi húp nước vào sau (cho nước thấm qua miếng đường).