Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 1 – Chương 1
Trước
image
Chương 1
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Từ ngưỡng cửa tòa báo La Crónica, Santiago dửng dưng nhìn Avenida Tacna: Những chiếc xe hơi, các tòa nhà cao thấp không đều và bợt màu, các khung bích chương lòe loẹt lơ lửng trong sương mù, buổi trưa xám xịt. Peru đã trở nên khốn khổ khốn nạn vào đúng khi nào? Bọn trẻ bán báo len lỏi ra vào giữa đám xe cộ dừng chờ đèn xanh trên đường Wilson, rao bán mấy tờ báo ra buổi chiều, và hắn bắt đầu bước chậm rãi về phía Colmena. Hai tay xỏ trong túi, đầu cúi, hắn đi giữa những người cũng đi về hướng Plaza San Martín. Hắn cũng như Peru, Zavalita, hắn đã làm khốn khổ khốn nạn đời mình vào lúc nào chẳng rõ. Hắn nghĩ: hồi nào? Đối diện Khách sạn Crillón, một con chó tới liếm chân hắn: đừng lây bệnh dại của mày cho tao, cút đi. Cả nước Peru khốn nạn, Carlitos cũng khốn nạn, mọi người đều khốn khổ khốn nạn. Hắn nghĩ: vô phương cứu chữa. Hắn nhìn thấy một hàng dài ở bến tắc xi đi Miraflores, hắn băng qua quảng trường, và Norwin kìa, chào anh, ở một bàn trong Zela Bar, mời anh ngồi, Zavalita, anh ta đang vuốt ve một ly chilcano 1 , giày của anh đang được đánh bóng, anh mời hắn một ly. Anh chưa có vẻ say, Santiago ngồi xuống, bảo người đánh giày đánh bóng giày của hắn luôn. Dạ, thưa sếp, có ngay, thưa sếp, sẽ bóng như gương, thưa sếp.

“Lâu lắm rồi chẳng ai gặp anh, Ông Xã Luận,” Norwin nói. “Anh thích trang xã luận hơn cột tin địa phương hả?”

“Ít việc hơn.” Hắn nhún vai, có thể bữa đó lúc ông biên tập gọi hắn vào, hắn gọi một chai Cristal lạnh, hắn có muốn thế chỗ của Orgambide không, Zavalita? Hắn nghĩ: đó là lúc mình làm khốn nạn đời mình. “Tôi tới sớm, họ đưa tôi đề tài, tôi bịt mũi ráng nhịn, rồi trong hai ba tiếng là xong hết, tôi tháo xiềng, thế thôi.”

“Cho hết cả tiền trên thế gian tôi cũng không viết xã luận,” Norwin nói. “Xã luận quá xa rời tin tức, mà nghề báo là tin tức, Zavalita, tin tôi đi. Tôi sẽ chấm dứt đời mình ở cột tin cảnh sát, thế thôi. À này, Carlitos chết chưa?”

“Anh ta vẫn nằm bệnh viện, nhưng họ sẽ cho anh ta ra sớm,” Santiago nói, “Anh ta thề lần này bỏ rượu.”

“Có đúng là một đêm kia lúc đi ngủ anh ta thấy gián và nhện không?” Norwin hỏi.

“Anh ta lật tấm trải giường lên, hàng ngàn con nhện lông và chuột nhào tới anh ta,” Santiago nói. “Anh ta trần truồng chạy ra đường la hét.” Norwin cười, Santiago nhắm mắt: các căn nhà ở Chorrillos hình khối vuông, có cửa lưới sắt, là những hang động nứt nẻ vì động đất, bên trong ngổn ngang đồ dùng và các bà già thấp bé hôi hám có đôi chân phù xỏ dép. Một dáng người nhỏ chạy giữa các khối vuông, tiếng la hét của anh ta làm kinh động buổi rạng đông nhờn nhợn, và khiến bầy kiến cùng bọ cạp tức tối đuổi theo anh ta. Giải khuây bằng rượu, hắn nghĩ, chống lại cái chết chậm của bầy quỷ xanh ảo giác. Carlitos, anh ta cũng ổn, mày phải tự vệ chống lại Peru bằng tất cả khả năng mày.

“Một ngày gần đây tôi cũng sẽ gặp loài sinh vật đó.” Norwin ngắm nghía cốc chilcano của anh ta với vẻ tò mò, cười nửa miệng. “Nhưng không có cái gọi là nhà báo chống rượu, Zavalita ạ. Nhậu nhẹt cho anh cảm hứng, thật đấy.”

Người đánh giày đã xong bên Norwin, bây giờ gã vừa bôi sáp bóng lên giày của Santiago vừa huýt sáo. Bên tờ Última Hora thế nào, bọn khốn bên đó nói gì? Họ trách anh vô ơn, Zavalita, bảo rằng thỉnh thoảng anh nên ghé qua gặp họ, như hồi trước anh vẫn làm. Nhưng vì bây giờ đang có quá nhiều thì giờ rảnh rỗi, Zavalita, anh có làm thêm một việc nào nữa không?

“Tôi đọc, tôi ngủ ngày,” Santiago nói. “Có lẽ tôi sẽ trở lại Trường Luật.”

“Anh bỏ trang tin tức, rồi bây giờ anh muốn có bằng cấp.” Norwin buồn rầu nhìn hắn. “Trang xã luận là cùng đường, Zavalita. Anh sẽ làm luật sư, anh sẽ bỏ nghề báo. Tôi đã có thể hình dung anh là một tay tư sản đúng nghĩa.”

“Tôi vừa mới sang tuổi ba mươi,” Santiago nói. “Nếu tôi bắt đầu làm một tay tư sản thì cũng khá trễ rồi.”

“Ba mươi, vậy thôi sao?” Norwin trầm ngâm. “Tôi ba mươi sáu, vậy mà người ta có thể tưởng tôi là cha anh ấy chứ. Trang tin cảnh sát nghiến nát ta, tin tôi đi.”

Những khuôn mặt đàn ông, những cặp mắt uể oải và thảm bại ở các bàn trong Zela Bar, những bàn tay với lấy gạt tàn thuốc lá và ly bia. Carlitos nói đúng, con người ở đây xấu xí làm sao. Hắn nghĩ: hôm nay mình bị cái gì thế này? Người đánh giày đuổi hai con chó đang thở hừ hừ giữa mấy cái bàn.

“Tờ La Crónica còn kéo dài vụ vận động chống bệnh dại bao lâu nữa?” Norwin hỏi. “Bắt đầu thấy nhàm rồi, sáng nay nó lại đăng nguyên một trang.”

“Tôi viết tất cả các bài xã luận chống bệnh dại,” Santiago nói. “Chết tiệt, viết về nó ít làm tôi bận tâm hơn viết về Cuba hay Việt Nam. Ồ, bây giờ hết xếp hàng rồi. Tôi kiếm một chiếc tắc xi đây.”

“Tụi mình ăn trưa đi, tôi mời,” Norwin nói. “Cứ mặc kệ bà xã anh, Zavalita. Tụi mình ôn lại những ngày vui xưa.”

Thỏ nóng với bia lạnh, quán Rinconcito Cajamarquino trong quận Bajo el Puente với cảnh nước sông Rímac thấp thoáng chảy trên những tảng đá màu rêu, cà phê Haiti đặc quánh, cờ bạc ở sòng Milton, chilcano và tắm ở chỗ Norwin, nhất dạ đế vương ở nhà thổ với Becerrita, sẽ mang đến cảm giác hụt hẫng, giấc ngủ trằn trọc, cảm giác buồn nôn và những nghi ngại của buổi bình minh. Những ngày vui xưa, có lẽ hồi đó như vậy.

“Ana đã nấu món xúp tôm, tôi không muốn bỏ lỡ,” Santiago nói. “Hẹn khi khác.”

“Anh sợ vợ,” Norwin nói. “Chao ơi, anh thật khốn khổ khốn nạn, Zavalita.”

Không như anh nghĩ đâu, người anh em. Norwin khăng khăng đòi trả tiền bia, tiền đánh giày, rồi họ bắt tay. Santiago quay lại bến tắc xi, hắn lên chiếc Chevroler đang bật radio, Inca Cola giải khát tốt nhất, rồi một bản valse, các dòng sông, hẻm núi, giọng ca điêu luyện của Jesús Vásquez, đây là Peru của mình. Dưới phố vẫn còn vài chỗ kẹt xe, nhưng República và Arequipa trống trải, chiếc xe có thể di chuyển, một bản valse nữa, phụ nữ Lima có tinh thần truyền thống. Tại sao tất cả các bản valse của Peru lại ngu xuẩn khốn khiếp đến thế? Hắn nghĩ: hôm nay mình bị cái gì thế này? Hắn gục cằm xuống ngực và mắt lim dim, như thể đang lén nhìn bụng mình: Trời ơi, Zavalita, mỗi lần mày ngồi, áo ngoài của mày lại phình ra. Có phải đấy là lần đầu tiên hắn uống bia? Mười lăm, hai mươi năm trước? Bốn tuần không gặp mẹ hắn, Teté. Ai mà nghĩ Popeye sẽ trở thành kiến trúc sư, Zavalita, ai mà nghĩ rốt cuộc mày viết xã luận chống mấy con chó ở Lima? Hắn nghĩ: chẳng bao lâu mình sẽ có cái bụng bự. Hắn sẽ đi tắm hơi, chơi quần vợt ở Terrazas, trong sáu tháng sẽ tiêu hết mỡ và bụng hắn sẽ xẹp lại như hồi hắn mười lăm tuổi. Cử động lên, bỏ tính trì trệ, tự nhúc nhích lên. Hắn nghĩ: thể thao, như vậy mới được. Tới Công viên Miraflores rồi, Quebrada, Malecón, góc Benavides đó bác tài. Hắn xuống xe, đi bộ tới Porta, hai tay đút túi, gục đầu, hôm nay mình bị cái gì thế này? Trời vẫn u ám, bầu khí quyển còn xám hơn, và mưa bụi lất phất bắt đầu rơi: chân muỗi bám lên da hắn, mạng nhện vuốt ve. Thậm chí cũng chẳng được như thế, một cảm giác khó chịu ngấm ngầm. Ngay cả mưa cũng khốn nạn ở nước này. Hắn nghĩ: phải chi ít nhất có một trận mưa to. Người ta đang chiếu gì ở Colina, Montecarlo, Marsano? Hắn sẽ ăn trưa, một chương của Point Counter Point 2 sẽ vòng tay ôm hắn mà lôi vào giấc ngủ trưa nhầy nhụa, có lẽ họ đang chiếu một phim hình sự, như Rififi, một phim cao bồi, như Rio Grande. Nhưng Ana sẽ đánh dấu hết các phim tình cảm sướt mướt trên báo, hôm nay mình bị cái gì thế này? Hắn nghĩ: phải chi tụi kiểm duyệt cấm hết các phim của Mễ Tây Cơ, hắn sẽ đỡ cãi nhau với Ana. Rồi sau khi xem phim, làm gì nữa? Họ sẽ tản bộ dọc theo Malecón, hút thuốc dưới những chỗ trú xây xi măng trong Công viên Necochea, lắng nghe tiếng biển gào thét trong bóng đêm, họ sẽ trở lại các căn nhà tí hon, chúng ta bất hòa nhiều, cưng ơi, chúng ta cãi nhau nhiều, cưng ơi, và giữa những cái ngáp, Huxley. Hai căn phòng sẽ đầy khói và mùi dầu, hắn có đói lắm không, cưng? Chiếc đồng hồ báo thức buổi sáng, nước lạnh dưới vòi sen, tắc xi, bước giữa đám nhân viên văn phòng dọc theo Colmena, giọng của tay biên tập, hắn muốn viết về vụ ngân hàng đình công, vụ khủng hoảng đánh cá, hay Do Thái? Có lẽ đáng bỏ chút công sức đi lấy một mảnh bằng. Hắn nghĩ: đi giật lùi. Hắn thay những bức tường màu cam chói mắt, ngói đỏ, các khung cửa sổ chấn song nhỏ của những căn nhà tí hon. Cửa căn chung cư mở, nhưng con Náo không xuất hiện, con chó lai, nhảy chồm chồm, ồn ào và niềm nở. Tại sao em để cửa mở lúc em đi tới ông Tàu vậy cưng? Nhưng không, Ana kìa, chuyện gì vậy, mắt cô ấy khóc sưng húp, tóc cô ấy rối: họ bắt mất con Náo rồi, cưng.

“Người ta giật nó khỏi tay em,” Ana thổn thức. “Mấy đứa đen bẩn thỉu đó cưng à. Họ bắt nó lên xe tải. Họ cướp nó, họ cướp nó.”

Một cái hôn lên thái dương, bình tĩnh lại nào, cưng, hắn vuốt ve mặt cô, chuyện xảy ra thế nào, hắn ôm vai dìu cô vào nhà, đừng khóc, vớ vẩn.

“Em gọi anh ở La Crónica, anh không có đó.” Ana hờn dỗi. “Đồ ăn cướp, tụi đen mặt mũi ăn cướp. Em có xích nó, đủ cả. Họ túm lấy nó, vứt nó lên xe tải, họ cướp nó.”

“Anh sẽ ăn trưa rồi đi tới chuồng chó lấy nó ra.” Santiago hôn cô một lần nữa. “Nó không việc gì đâu, đừng vớ vẩn.”

“Nó đá chân, vẫy đuôi.” Cô kéo tạp dề lau mắt, thở dài. “Hình như nó hiểu, cưng. Tội nghiệp nó, tội nghiệp con vật bé bỏng.”

“Bọn họ giật nó khỏi tay em à?” Santiago hỏi. “Đồ khốn. Anh sẽ làm ầm lên.”

Hắn nhặt cái áo khoác đã ném lên ghế rồi đi một bước ra cửa, nhưng Ana giữ hắn lại: hắn nên ăn trước đã, nhanh lên, cưng. Giọng cô êm ái, má lúm đồng tiền, mắt cô ấy buồn, cô ấy xanh xao.

“Bây giờ xúp chắc nguội rồi.” Cô mỉm cười, môi run run. “Chuyện xảy ra làm em quên hết, cưng. Tội nghiệp Náo.”

Họ lẳng lặng ăn trưa nơi chiếc bàn nhỏ dựa cửa sổ nhìn ra sân sau của khu nhà: đất màu gạch, như sân quần vợt ở Terrazas, một lối đi rải sỏi quanh co, bên cạnh có các chậu cây phong lữ. Xúp đã nguội lạnh, một lớp mỡ làm sẫm mép đĩa, con tôm trông như bằng thiếc. Cô ấy đang đi đến ông Tàu ở San Martín để mua chai giấm, cưng à, thì bỗng dưng một chiếc xe tải thắng lại bên cạnh cô ấy, rồi hai đứa da đen mặt mũi như quân ăn cướp nhảy ra, bọn ăn cướp tồi tệ nhất hạng, một đứa đẩy cô, đứa kia túm sợi dây xích, rồi bọn chúng vứt nó vào chuồng và chạy mất trước khi cô hiểu chuyện. Tội nghiệp nó, tội nghiệp con vật bé bỏng. Santiago đứng lên: hắn sẽ cho họ biết tay về một hành động ngược đãi như vậy. Hắn có thấy không, hắn có thấy không? Ana lại thổn thức; hắn cũng sợ họ sẽ giết nó, cưng.

“Họ sẽ không làm gì nó đâu, cưng.” Hắn hôn lên má Ana, thoảng vị thịt sống và muối. “Anh sẽ đem nó về ngay, rồi em sẽ thấy.”

Hắn chạy bộ đến hiệu thuốc ở góc Porta và San Martín, xin dùng điện thoại và gọi cho La Crónica. Phóng viên tòa án Solorzano trả lời: làm thế quái nào anh ta biết được chuồng chó ở đâu, Zavalita.

“Họ bắt con chó của anh à?” Ông dược sĩ ngóc cái đầu lo ngại tới phía trước. “Chuồng chó ở gần Puente de Ejército. Anh nên nhanh lên, họ đã giết chết con Chihuahua của em rể tôi, một con chó rất đắt tiền.”

Hắn chạy bộ tới Larco, lên một chiếc xe khách 3 , đi một chuyến từ Paseo Colón đến Puente de Ejército giá bao nhiêu? Hắn đếm một trăm tám chục đồng trong ví. Tới Chúa nhật họ sẽ không còn một xu, khổ nỗi là Ana đã nghỉ làm ở bệnh viện, họ không nên đi xi nê tối hôm nay, tội nghiệp Náo, không viết xã luận chống bệnh dại nữa. Hắn xuống xe ở Paseo Colón, hắn thấy một chiếc tắc xi trên Plaza Bolognesi, tài xế không biết chuồng chó ở đâu, thưa ông. Một người bán cà rem dạo trên Plaza Dos de Mayo chỉ đường cho họ: xa xa trên một tấm bảng nhỏ gần dòng sông, Chuồng Chó Thành phố, nó đây rồi. Một khoảng sân rộng giữa bốn bức tường gạch sống, xập xệ, màu cứt – màu của Lima, hắn nghĩ, màu của Peru – hai bên là những lán nhà lụp xụp lẫn lộn dày đặc kéo dài mãi tận xa, cho đến khi chúng biến thành một mớ rối rắm chiếu cói, cột, ngói, tôn thiếc. Tiếng rên rỉ tắc nghẽn, xa xôi. Một căn phòng bẩn thỉu bên cạnh lối vào, tấm bảng ghi Văn phòng. Một người đàn ông hói đầu, mặc sơ mi trần, đeo kính, đang ngủ gật bên cạnh bàn làm việc ngập ngụa giấy tờ, Santiago gõ lên bàn: họ đã cướp con chó của hắn, họ đã giật nó khỏi tay vợ hắn, người đàn ông ngồi dậy, sửng sốt, thề có Chúa, hắn sẽ không để yên như vậy.

“Anh muốn gì mà tới văn phòng này la hét chửi bới hả?” Gã đầu hói dụi cặp mắt ngái ngủ và nhăn mặt. “Tôn trọng chút coi.”

“Nếu con chó của tôi gặp chuyện gì, tôi sẽ không để yên đâu.” Hắn rút thẻ nhà báo ra, nện lên bàn một lần nữa. “Và tôi cam đoan với anh là mấy đứa hành hung vợ tôi sẽ phải ân hận.”

“Bình tĩnh nào.” Gã nhìn lại tấm thẻ, ngáp, vẻ bực dọc trên mặt gã biến thành nét mệt mỏi khoái trá. “Tụi nó bắt con chó của anh mấy tiếng trước hả? Vậy thì nó phải ở trong mấy con mà xe tải mới chở về.”

Hắn đừng nên như vậy, ông bạn nhà báo, chẳng phải là lỗi của ai. Giọng gã nhạt nhẽo, mơ hồ, như cặp mắt của gã, cay đắng, như mấy nếp nhăn trên miệng gã: cũng khốn khổ khốn nạn. Tụi bắt chó được trả tiền theo số chó bắt được, đôi lúc tụi nó làm bậy, làm sao được, tất cả chỉ là vật lộn để mua chút gì cho vô miệng. Vài tiếng đập bình bịch trong sân, tiếng rên rỉ dường như thấm qua các bức vách giảm âm. Gã đầu hói cười nửa miệng, và trơ tráo, lười biếng đứng lên, vừa ra ngoài văn phòng vừa lẩm bẩm. Họ băng qua một khoảng sân, vào một cái lán có mùi nước tiểu. Hai dãy chuồng song song, chật cứng thú vật xô đẩy nhau và nhảy dựng lên tại chỗ, ngửi lưới sắt, gầm gừ. Santiago cúi xuống từng chuồng, không có ở đây, hắn nhìn kỹ phía trên mấy cái mõm nhốn nháo, mông, mấy cái đuôi cứng và run, ở đây cũng không. Gã đầu hói đi bên cạnh hắn, vẻ mặt gã lơ đãng, kéo lê bước chân.

“Nhìn xem, hết chỗ để giữ chúng rồi,” gã chợt phản đối. “Rồi báo của anh chỉ trích chúng tôi như vậy là không công bằng. Thành phố gần như chẳng cấp cho chúng tôi cái gì, chúng tôi phải làm phép lạ.”

“Tổ sư nó,” Santiago nói, “ở đây cũng không.”

“Cứ kiên nhẫn,” gã đầu hói thở dài. “Chúng tôi còn bốn lán nữa.”

Họ lại đi ra. Đất bị đào bới, cỏ dại, phân, những vũng nước hôi thối. Trong lán thứ hai, một cái chuồng chuyển động nhiều hơn các chuồng khác, lưới sắt rung lên, một khối lông trắng mịn nhảy nhót lên xuống trong đám nhấp nhô: có vẻ là nó lắm, có vẻ là nó lắm. Cái mõm, một khúc đuôi, hai con mắt đỏ chảy nước: Náo. Nó vẫn còn đeo sợi dây xích, họ không có quyền, khốn kiếp, nhưng gã đầu hói nói bình tĩnh, bình tĩnh, gã sẽ bảo tụi kia đem nó ra. Gã bỏ đi ra, bước uể oải, và một lát sau trở lại với một gã đen lai da đỏ mặc bộ áo liền quần màu xanh: xem nào, ông ấy sẽ lấy con chó trắng nhỏ đó ra, Pancras. Gã lai mở chuồng, đẩy giạt lũ thú ra, túm gáy con Náo, đưa nó cho Santiago. Tội nghiệp, nó run rẩy, nhưng hắn thả nó ra và nó lùi lại một bước, lắc mình.

“Tụi nó luôn luôn ỉa.” Gã lại cười. “Đó là cách tụi nó nói bọn tôi mừng được ra khỏi tù.”

Santiago quỳ xuống bên cạnh con Náo, gãi đầu nó, để nó liếm tay hắn. Nó run rẩy, đái nhỏ giọt, lảo đảo như say rượu, và chỉ khi ra tới ngoài nó mới bắt đầu nhảy nhót và cào mặt đất, để chạy.

“Đi theo tôi, nhìn xem tình trạng chỗ chúng tôi làm việc.” Gã nắm cánh tay Santiago, mỉm cười chua chát. “Viết lên báo của anh đi, yêu cầu thành phố tăng ngân sách cho chúng tôi.”

Dãy chuồng hôi hám và xiêu vẹo, mái tôn xám, luồng không khí ẩm thấp. Cách họ năm thước, một bóng đen đứng cạnh cái bao bố đang vật nhau với một con chó chồn, tiếng kêu phản đối của nó quá dữ tợn so với thân hình nhỏ bé trong khi nó quằn quại một cách cuồng loạn: phụ thằng kia đi, Pancras. Gã lai thấp bé chạy đến, mở bao bố, gã kia nhét gọn con chó vào bao. Họ dùng dây buộc miệng bao lại, bỏ xuống đất, và Náo bắt đầu gầm gừ, kéo sợi xích của nó, rên rỉ, chuyện gì vậy, nó nhìn, hoảng sợ, sủa khan. Hai gã đã cầm gậy trên tay, đã bắt đầu, một-hai, vừa đánh vừa hầm hừ, và cái bao nhảy nhót, tung lên, kêu rú điên cuồng, một-hai, bọn họ vừa càu nhàu vừa đánh. Santiago nhắm mắt, bực bội.

“Ở Peru chúng ta vẫn sống trong thời đại đồ đá, ông bạn.” Nụ cười mỉm vừa ngọt ngào vừa chua cay làm khuôn mặt của gã đầu hói bừng lên. “Hãy nhìn xem tình trạng chỗ chúng tôi làm việc, nói thử tôi nghe coi thế có được không.”

Cái bao lặng im, bọn họ đánh thêm vài cái nữa, ném gậy xuống đất, lau mặt, xoa tay.

“Hồi trước bọn tôi giết chúng theo kiểu Chúa muốn, bây giờ thì không đủ tiền,” gã đầu hói than phiền. “Tụi mày bảo với ông ấy, cái ông lịch sự này là phóng viên, ông ấy có thể phản đối trên báo của ông ấy.”

Gã cao hơn, trẻ hơn Pancras. Gã đi vài bước về phía họ, và cuối cùng Santiago thấy mặt gã: ối trời ơi! Hắn thả sợi xích, Náo bắt đầu chạy và sủa, và hắn mấp máy miệng: ối trời ơi!

“Một đồng một con, thưa ông,” gã lai nói. “Ngoài ra, chúng tôi phải đưa chúng ra bãi đổ rác để đốt. Chỉ một đồng, thưa ông.”

Không phải là gã, tất cả tụi da đen đều nom giống nhau, không thể là gã. Hắn nghĩ: tại sao không thể là gã? Gã lai cúi xuống, nhặt cái bao lên, đúng, đúng là gã, gã mang nó tới một góc sân, ném nó vào cùng với mấy cái bao đẫm máu khác, lắc lư quay lại trên cặp giò dài và lau trán. Đúng là gã, đúng là gã. Ê, mày, Pancras thúc khuỷu tay gã, mày đi ăn trưa đi.

“Ở đấy tụi mày than phiền, nhưng khi tụi mày theo xe tải đi bắt chó thì tụi mày khoái chí,” gã đầu hói càu nhàu. “Sáng nay tụi mày bắt con chó của ông lịch sự này, nó có dây xích và đi với bà chủ của nó, đồ ngu.”

Gã lai nhún vai, đúng là gã: tụi nó sáng hôm nay không đi theo xe tải ra, thưa sếp, bữa nay tụi nó xài gậy. Hắn nghĩ: gã. Giọng nói, thân hình là của gã, nhưng nom gã già hơn ba chục tuổi. Cũng cặp môi mỏng, cũng cái mũi tẹt, cũng mái tóc quăn. Nhưng bây giờ có thêm mấy cái bọng tím trên mí mắt, mấy nếp nhăn trên cổ, lớp men vàng lục trên hàm răng ngựa của gã. Hắn nghĩ: hàm răng hồi xưa trắng lắm. Vật đổi sao dời, gã tàn tạ làm sao. Gã gầy hơn, bẩn thỉu hơn, già hơn nhiều, nhưng đó đúng là bước đi chậm và dài của gã, đó đúng là cặp giò nhền nhện của gã. Hai bàn tay lớn của gã bây giờ chai sần, và quanh miệng gã có một viền nước bọt. Họ đã từ sân đi vào, họ đang ở trong văn phòng, con Náo cọ vào chân Santiago. Hắn nghĩ: gã không biết mình là ai. Hắn sẽ không bảo cho gã biết, hắn sẽ không nói chuyện với gã. Ai mà nhận ra mày, Zavalita, có phải dạo ấy mày mười sáu? mười tám? bây giờ mày là ông già ba chục. Gã đầu hói đặt miếng giấy than vào giữa hai tờ giấy, nguệch ngoạc vài hàng chữ chen chúc và lít nhít. Dựa vào khung cửa, gã lại liếm môi.

“Chỉ một chữ ký nhỏ ở đây thôi, ông bạn; và xin thưa thật, làm ơn giúp chúng tôi một chút, viết gì đó trên tờ La Crónica yêu cầu họ tăng ngân sách cho chúng tôi.” Gã hói nhìn gã lai. “Mày không đi ăn trưa à?”

“Ứng trước tiền cho tôi được không?” Gã tiến tới một bước và giải thích đầy vẻ tự nhiên: “Tôi cạn tiền, thưa sếp.”

“Mười đồng.” Gã hói ngáp. “Tao chỉ có bấy nhiêu.”

Gã nhận tờ giấy bạc mà không nhìn, rồi đi ra với Santiago. Xe tải, xe buýt và ô tô đang lũ lượt chạy qua cầu Puente del Ejército, gã sẽ đeo bộ mặt nào? những khối màu đất của mấy căn chòi ở Fray Martín de Porres trong sương mù, gã sẽ khởi sự bỏ chạy hay chăng? hình như là một phần của giấc mơ. Hắn nhìn vào mắt gã lai, và gã kia nhìn hắn.

“Nếu ông giết con chó của tôi, chắc tôi sẽ giết cả bọn ông,” và hắn cố mỉm cười.

Không, Zavalita, gã không nhận ra mày. Gã chăm chú lắng nghe, và cái nhìn của gã khờ dại, xa cách và kính nể. Ngoài chuyện già đi, hầu như gã còn biến thành một con thú đần độn. Hắn nghĩ: và cũng khốn khổ khốn nạn nữa.

“Tụi nó bắt con lông xù này sáng nay phải không?” Một tia sáng bất ngờ lóe lên trong mắt gã một khoảnh khắc. “Chắc là thằng đen Céspedes, thằng đó bất chấp hết. Nó vào sân sau, bẻ khóa, bất cứ chuyện gì miễn là nó kiếm được tiền.”

Họ tới cuối bậc thềm dẫn lên Alfonso Ugarte; con Náo lăn ra đất và sủa bầu trời xám tro.

“Ambrosio?” Hắn mỉm cười, do dự, mỉm cười. “Ông là Ambrosio phải không?”

Gã không khởi sự bỏ chạy, gã không nói gì. Gã nhìn với vẻ sửng sốt và ngờ nghệch, rồi mắt gã chợt có vẻ choáng váng.

“Ông không nhớ tôi à?” Hắn do dự, mỉm cười, do dự. “Tôi là Santiago, con của Don Fermín.”

Hai bàn tay to lớn giơ lên trời, cậu Santiago, cậu chủ? hai tay lơ lửng trên không trung, như thể có quyết định nên bóp cổ hay nên ôm lấy hắn, con trai của Don Fermín? Giọng gã vỡ ra vì ngạc nhiên hay cảm xúc, và gã chớp mắt, lòa đi. Dĩ nhiên, chao ơi, gã không nhận ra hắn chăng? Về phần mình, Santiago đã nhận ra gã ngay giây phút hắn thấy gã trong sân: hắn phải nói gì đây? Hai bàn tay to lớn trở nên lanh lợi, khốn khổ thằng tôi, hai tay lại tung lên không trung, cậu ấy mới trưởng thành làm sao, Chúa lành ơi, hai tay vỗ lên vai và lưng Santiago, rồi cuối cùng mắt gã cười: Tôi mừng quá, thưa cậu.

“Tôi không tin nổi cậu đã trưởng thành thế này.” Gã sờ nắn hắn, nhìn hắn, mỉm cười với hắn. “Nhìn cậu tôi không tin nổi, thưa cậu. Dĩ nhiên bây giờ thì tôi nhận ra cậu rồi. Cậu giống papa của cậu; cũng hơi có nét của Señora Zoila.”

Còn cô Teté thì sao? và hai bàn tay lớn sờ mó, cảm động? ngạc nhiên? còn ông Nổ? từ hai cánh tay Santiago tới hai vai và lưng hắn, và đôi mắt nhìn trìu mến và hồi tưởng trong khi giọng nói cố hết sức giữ tự nhiên. Tình cờ lạ không nè? Ai mà nghĩ họ sẽ gặp lại nhau bao giờ chứ! Và sau bấy nhiêu lâu, khốn khổ thân tôi.

“Chuyện này làm tôi khát,” Santiago nói. “Nào, mình đi uống một ly. Ông có biết chỗ nào quanh đây không?”

“Tôi biết chỗ tôi hay ăn,” Ambrosio nói. “La Catedral, một chỗ cho người nghèo, không biết cậu có thích không.”

“Miễn họ có bia lạnh là tôi thích,” Santiago nói. “Mình đi, Ambrosio.”

Cậu Santiago bây giờ uống bia hình như là chuyện không thể xảy ra, và Ambrosio mỉm cười, hàm răng vàng lục khỏe mạnh của gã nhe ra: thời gian bay vèo, chao ơi. Họ lên bậc thang, giữa các lô đất trống trong khu phố đầu tiên ở Alfonso Ugarte có một ga ra sơn trắng để xe Ford, và ở góc bên trái, dãy nhà kho của Sở Đường sắt Trung ương mờ nhạt vì màu xám xịt. Một chiếc xe tải chở đầy sọt che mất cánh cửa của La Catedral. Bên trong, dưới mái tôn, đám đông ăn uống ngấu nghiến ầm ĩ, chen chúc trên các băng ghế thô ráp và xung quanh mấy cái bàn cục mịch. Hai người Tàu mặc sơ mi trần phía sau quầy rượu nhìn những khuôn mặt da đồng, những nét mặt xương xẩu đang nhai và uống, và một người đàn ông nhỏ bé gốc Andes 4 đeo tạp dề tồi tàn, hối hả bưng các bát xúp bốc khói, chai, đĩa cơm. Dồi dào cảm xúc, dồi dào nụ hôn, dồi dào tình yêu ầm vang từ chiếc máy hát tự động màu sắc sặc sỡ, và cuối phòng, sau màn khói, tiếng ồn, mùi thức ăn và rượu nồng nặc, đàn ruồi lượn múa, có một bức tường thủng lỗ – đá, nhà ổ chuột, một dải sông, bầu trời màu chì – và một phụ nữ to béo mồ hôi như tắm điều khiển xoong chảo giữa tiếng vỉ nướng kêu xì xèo. Có một bàn trống bên cạnh máy hát, và giữa những vết sứt sẹo trên gỗ, ta có thể nhận ra một trái tim bị mũi tên đâm xuyên qua, tên của một phụ nữ: Saturnina.

“Tôi ăn trưa rồi, nhưng ông cứ ăn,” Santiago nói.

“Hai chai Cristal, ngon và lạnh,” Ambrosio chụm hai tay lên miệng gọi lớn. “Một bát xúp cá, bánh mì và cơm với rau hầm.”

Mày lẽ ra không nên đến, mày lẽ ra không nên nói chuyện với ông ấy, Zavalita, mày không những khốn khiếp, mày còn điên nữa. Hắn nghĩ: ác mộng sẽ trở lại. Lỗi tại mày, Zavalita, tội nghiệp papa, tội nghiệp ông già.

“Tài xế tắc xi, công nhân từ mấy xưởng nhỏ trong khu lân cận.” Ambrosio chỉ xung quanh họ như thể xin lỗi. “Họ từ mãi tận Avenida Argentina đến đây, vì thức ăn nuốt được, và quan trọng nhất là rẻ.”

Gã Andes mang bia tới, Santiago rót vào hai ly và họ uống, chúc sức khỏe cậu, thưa cậu, chúc ông, Ambrosio và có một mùi đậm đặc không thể nhận ra, làm suy nhược, buồn nôn và xóa sạch ký ức trong đầu.

“Ông kiếm được cái nghề tồi tệ quá, Ambrosio. Ông làm ở chuồng chó lâu chưa?”

“Một tháng rồi, thưa cậu, và tôi kiếm được việc nhờ bệnh chó dại, vì trước đó họ không thuê người. Tất nhiên là việc làm tồi tệ, nó vắt kiệt mình. Khuây khỏa duy nhất là lúc đi theo xe để bắt chó.”

Mùi mồ hôi, ớt và hành, nước tiểu và rác tồn đọng, và nhạc phát từ cái máy hát tự động hòa lẫn với giọng nói của tất cả mọi người, tiếng máy xe gầm rú và tiếng còi, nó vang đến tai ta khi đã bị biến dạng và đặc sệt. Các khuôn mặt cháy sém, xương gò má lồ lộ, những con mắt đờ đẫn vì nhàm chán hay vì biếng nhác vơ vẩn qua các bàn, túm tụm ở quầy rượu, chắn lối vào. Ambrosio nhận điếu thuốc Santiago mời gã, hút, ném đuôi thuốc lên sàn và dụi tắt nó dưới chân gã. Gã húp xì xụp bát xúp, nhá một mẩu cá, nhặt xương lên mút cho đến khi nó sáng loáng, lắng nghe hay trả lời hay hỏi một câu, và gã nuốt mấy mẩu bánh, nốc bia từng hơi dài rồi dùng bàn tay lau mồ hôi: thời gian nuốt chửng người ta trước khi họ biết ra, thưa cậu. Hắn nghĩ: tại sao mình không bỏ đi? Hắn nghĩ: Mình phải đi, và hắn gọi thêm bia. Hắn rót đầy hai ly, nắm chặt ly của hắn, và trong khi nói, nhớ, mơ, hay suy nghĩ, hắn nhìn vòng bọt bia lấm tấm những hố trũng, những miệng hố mở ra lặng lẽ, phun bong bóng vàng nghệ rồi biến mất vào chất nước vàng đang ấm lên trong tay hắn. Hắn uống mà không nhắm mắt, ợ, rút thuốc lá rồi chấm hút, cúi xuống vỗ về con Náo: những chuyện vừa xảy ra, Chúa ơi. Hắn nói và Ambrosio nói, mấy cái bọng trên mí mắt của gã xanh lơ, lỗ mũi phập phồng như thể gã đang chạy, như thể gã đang chết đuối, và sau mỗi hớp gã khạc nhổ, lưu luyến nhìn đàn ruồi, lắng nghe, mỉm cười, hay trở nên buồn bã hay bối rối, và mắt gã dường như đôi lúc giận dữ hay sợ hãi hay xa vắng; đôi lúc gã ho sù sụ. Mớ tóc quăn của gã có những sợi bạc, bên ngoài bộ áo liền quần gã mặc cái áo khoác chắc cũng đã có thời màu xanh và có cúc áo, và áo sơ mi có cái cổ cao quấn quanh cổ gã như sợi dây thừng. Santiago nhìn đôi giày khổng lồ của gã: vấy bùn, cong vẹo, khốn khổ khốn nạn vì thời tiết. Hắn nghe giọng gã lắp bắp, sợ hãi, tiếng được tiếng mất, thận trọng, van xin, rồi trở lại kính trọng hay nôn nóng hay dè dặt, luôn luôn thua cuộc: không phải ba mươi, bốn mươi, một trăm tuổi, hơn thế nữa. Không những gã đã xuống dốc, già cỗi, trở nên hung ác; chắc gã còn bị lao phổi nữa. Khốn nạn gấp ngàn lần Carlitos hay mày, Zavalita. Hắn sắp về, hắn phải đi, và hắn gọi thêm bia. Mày say rồi, Zavalita, mày sắp khóc. Cuộc đời không đãi ngộ con người tại đất nước này, thưa cậu, từ khi gã ra khỏi nhà hắn, gã đã trải qua hàng ngàn cuộc phiêu lưu như trong xi nê. Cuộc đời cũng không đãi ngộ hắn, Ambrosio, và hắn gọi thêm bia. Liệu hắn có sắp nôn không? Mùi chiên rán, bàn chân và nách lượn lờ xung quanh, cắn xé và bao vây, trên những cái đầu tóc thẳng hay rậm rạp, trên những cái bờm tóc bê bết và những cái cổ bẹt ghẻ lở dính sáp chải tóc, nhạc trên máy hát lắng dần rồi hào hứng lại, lắng dần rồi hào hứng lại, và giờ đây, những hình ảnh đê tiện của ký ức cũng ở đó, không thể gạt bỏ và mãnh liệt hơn những khuôn mặt no nê, những cái cằm vuông và những gò má đen nhẵn nhụi: thêm bia. Chẳng phải đất nước này là một ổ rắc rối sao, thưa cậu, chẳng phải Peru là một thứ nhức đầu hắc búa? Cậu có tin nổi không, tụi Odría 5 và tụi Aprista 6 , hồi trước ghét nhau hết sức, bây giờ là bạn thân rồi? Cha hắn sẽ nói gì về mấy chuyện này, thưa cậu? Họ trò chuyện và đôi khi hắn rụt rè, kính trọng lắng nghe Ambrosio, gã dám tuyên bố: gã phải đi, thưa cậu. Nhìn từ xa trông gã nhỏ bé và hiền lành, sau cái bàn dài là một đống chai, và cặp mắt gã say và sợ hãi. Con Náo sủa một lần, sủa một trăm lần. Một cơn lốc nội tâm, một niềm sục sôi trong tận đáy lòng hắn, một cảm giác thời gian đang ngừng trôi và hơi thở hôi hám. Họ đang nói chuyện đấy chăng? Cái máy hát ngưng chát chúa, rồi lại chát chúa. Luồng hơi nồng nặc dường như vỡ thành nhiều nhánh mùi thuốc lá, bia, da người và thức ăn thừa, luân chuyển ấm nồng trong bầu không khí nặng nề của La Catedral, rồi bỗng nhiên chúng hòa vào một mùi hôi vô địch hơn nữa: cả cha và con đều sai, papa, nó là mùi của chiến bại, papa ạ. Người ta đi vào, ăn uống, cười nói, la rống, người ta đi ra và nét mặt nhìn nghiêng xanh xao bất tận của ông Tàu ở quầy rượu. Họ nói, họ im dần, họ uống, họ hút thuốc, và khi gã Andes xuất hiện, cúi trên mặt bàn lỏng chỏng chai lọ, các bàn khác trống, cái máy hát và vỉ nướng thịt xèo xèo không còn nghe tiếng nữa, chỉ còn tiếng con Náo sủa, Saturnina. Gã Andes đếm ngón tay đen đúa của gã, và hắn thấy bộ mặt khẩn trương của Ambrosio kề đến gần hắn; cậu khó chịu à, thưa cậu? Hơi nhức đầu, rồi sẽ qua. Mày đang làm điều lố bịch, hắn nghĩ, anh đã uống khá nhiều, Huxley ạ, con Náo đây, bình an vô sự, anh đi lâu vì anh tình cờ gặp bạn. Hắn nghĩ: cưng. Hắn nghĩ: ngưng lại, Zavalita, đủ rồi. Ambrosio thò tay vào túi, và Santiago đưa tay ra: ông đừng vớ vẩn, hắn trả. Hắn lảo đảo, Ambrosio và gã Andes đỡ hắn: buông tôi ra, hắn có thể đi một mình, hắn không sao. Chúa ơi, thưa cậu, đâu có gì lạ, hắn đã uống nhiều. Hắn bước tới từng bước qua các bàn trống và đám ghế xiêu vẹo của La Catedral, đăm đăm nhìn sàn nhà loang lổ: được rồi, hết rồi. Óc hắn tỉnh táo, chân hắn hết yếu, mắt hắn sáng tỏ. Nhưng các hình ảnh vẫn ở đó. Quấn dưới chân hắn, con Náo sủa một cách nôn nóng.

“May là cậu có đủ tiền, thưa cậu. Cậu thấy khỏe thật chứ?”

“Bao tử tôi hơi nôn nao, nhưng tôi không say, bia chẳng làm gì được tôi. Đầu tôi quay cuồng vì suy nghĩ quá nhiều.”

“Bốn giờ rồi, tôi không biết phải bịa chuyện gì đây. Tối có thể mất việc, cậu không biết đâu. Nhưng dù sao vẫn cảm ơn cậu. Về bia, về bữa ăn, về buổi nói chuyện. Tôi hy vọng có thể đền bù lại cho cậu một ngày nào đó, thưa cậu.”

Họ đứng trên vỉa hè. Gã Andes vừa đóng xong cánh cửa gỗ lớn, chiếc xe tải che lối vào đã chạy đi, sương mù phủ kín mặt tiền các tòa nhà, và trong ánh sáng màu thép lạnh của buổi chiều, ngột ngạt và đồng dạng, hàng đoàn xe hơi, xe tải và xe buýt tràn ngập Puente de Ejército. Xung quanh không có ai, các khách bộ hành đằng xa như những hình bóng vô danh lẩn qua màn khói. Chúng ta từ biệt, thế thôi, hắn nghĩ, mày sẽ không bao giờ gặp lại ông ấy nữa. Hắn nghĩ: Mình chưa bao giờ gặp ông ta, mình chưa bao giờ nói chuyện với ông ta, tắm một cái, ngủ một giấc, thế là xong.

“Cậu cảm thấy khỏe thật chứ, thưa cậu? Cậu muốn tôi đi với cậu không?”

“Người không cảm thấy khỏe là ông,” hắn nói mà không mấp máy môi. “Suốt buổi chiều, bốn giờ đồng hồ này, nó làm ông cảm thấy không khỏe.”

“Cậu có tin không, tôi có tài uống rượu,” Ambrosio nói, và gã thoáng cười. Gã đứng đó, miệng hé, bàn tay hóa đá trên cằm. Gã bất động, cách Santiago một mét, ve áo gã kéo lên, và con Náo vểnh tai, nhe răng, nhìn Santiago, nhìn Ambrosio, rồi cào mặt đất, sửng sốt hay bồn chồn hay sợ hãi. Bên trong La Catedral, họ đang kéo ghế và hình như đang lau nhà.

“Ông biết rõ mồn một là tôi đang nói về chuyện gì,” Santiago nói. “Làm ơn đừng đóng trò giả ngây với tôi.”

Gã không muốn hiểu hay gã không thể hiểu, Zavalita: gã không cử động và trong mắt gã vẫn còn vẻ thách thức mù quáng cũ, vẻ ngoan cố đen tối khủng khiếp ấy.

“Nếu cậu không muốn tôi đi với cậu, thưa cậu,” gã lắp bắp nhìn xuống, thấp giọng, “cậu có muốn tôi gọi tắc xi cho cậu không?”

“Họ cần một người dọn dẹp ở La Crónica,”: và hắn cũng hạ thấp giọng. “Công việc không kinh tởm như ở chuồng chó. Tôi sẽ thu xếp để họ thuê ông mà không cần giấy tờ. Ông sẽ khá hơn nhiều. Nhưng làm ơn đừng đóng trò giả ngây nữa.”

“Được rồi, được rồi.” Mắt gã có vẻ bối rối hơn, như thể giọng gã sắp vỡ tan. “Chuyện gì vậy, thưa cậu, tại sao cậu lại như thế này?”

“Tôi sẽ cho ông nguyên tháng lương của tôi,” và giọng hắn bỗng nghẹn lại, nhưng hắn không khóc; hắn cứng rắn, mắt hắn mở rất to. “Ba ngàn năm trăm đồng. Ông xoay xở với số tiền đó được chứ?”

Gã lặng im, gã gục đầu, và như thể sự im lặng đã nới lỏng bộ máy cứng rắn, toàn thân Ambrosio tự động lùi lại một bước, gã nhún vai, và hai tay gã đưa ra phía trước lên ngang bụng, như để tự vệ hay tấn công. Con Náo gầm gừ.

“Bia làm cậu mất khôn rồi à?” gã khịt mũi, giọng gã bực bội. “Chuyện gì vậy, cậu muốn chuyện gì vậy?”

“Muốn ông đừng giả ngây nữa.” Hắn nhắm mắt và hít hơi. “Muốn mình nói chuyện thẳng thắn về Nàng Thơ, về cha tôi. Cha tôi có ra lệnh cho ông không? Bây giờ không thành vấn đề nữa, tôi chỉ muốn biết. Phải cha tôi không?”

Giọng hắn đứt ngang, và Ambrosio lại lùi thêm một bước, Santiago thấy gã co rúm và căng thẳng, mắt gã mở to sợ hãi hay giận dữ: đừng đi, lại đây. Gã đâu có trở nên hung ác, ông đâu có là đứa khờ dại, hắn nghĩ, nói đi, nói đi. Ambrosio lắc lư thân mình, vung nắm tay, như thể đe dọa hay từ giã.

“Tôi đi để cậu khỏi hối hận về điều cậu đã nói,” gã làu bàu, giọng gã đau đớn. “Tôi không cần việc làm, tôi muốn cậu biết tôi sẽ không nhận ơn huệ gì của cậu, nhất là tiền bạc của cậu. Tôi muốn cậu biết cậu không xứng đáng với người cha của cậu, tôi muốn cậu biết điều đó. Cậu cứ xuống thẳng địa ngục cho rảnh, thưa cậu.”

“Được rồi, được rồi, tôi bất cần,” Santiago nói. “Nào, đừng bỏ đi, trở lại đây.”

Có tiếng gầm gừ ngắn bên chân hắn, con Náo cũng đang nhìn: thân hình đen nhỏ bước đi sát bên hàng rào bãi đất trống, hiện rõ trên nền mấy cửa sổ sáng lấp lánh của ga ra để xe Ford, chìm vào lồng cầu thang bên cạnh cầu.

“Được rồi,” Santiago thổn thức, cúi tới, vuốt ve cái đuôi nhỏ cứng, cái mõm nôn nóng. “Bây giờ mình về, Náo.”

Hắn đứng thẳng lên, lại thổn thức, rút khăn tay lau mắt. Trong vài giây hắn không cử động, lưng hắn dựa cửa La Catedral, lại hứng cơn mưa bụi lên khuôn mặt đầy nước mắt. Con Náo cọ vào cổ chân hắn, liếm giày hắn, rên nho nhỏ, nhìn hắn. Hắn bắt đầu bước đi chậm rãi, hai tay trong túi, tới Plaza Dos de Mayo, con Náo rảo bước bên cạnh. Người ta gục dưới chân tượng đài, xung quanh họ đổ đống đầu thuốc lá, vỏ trái cây và giấy rác; ở góc đường thiên hạ tràn lên những chiếc xe buýt xập xệ mờ trong đám bụi trong khi chạy về các khu nhà ổ chuột; một viên cảnh sát đang cãi nhau với một người bán dạo, khuôn mặt của cả hai căm ghét và chán nản, giọng họ như cong cớn vì một nỗi bực tức rỗng tuếch. Hắn bước vòng quảng trường, vào Colmena gọi tắc xi: con chó của hắn có làm bẩn chỗ ngồi không đấy? Không đâu, bác tài, nó không làm bẩn ghế đâu: Miraflores, Calle Porta. Hắn vào xe, đặt Náo lên đùi hắn, lại chỗ phình lên trong áo khoác. Chơi quần vợt, bơi lội, cử tạ, lộn xộn, nghiện rượu như Carlitos. Hắn nhắm mắt, dựa đầu lên lưng ghế, tay hắn vuốt ve lưng, đôi tai, cái mũi lạnh, cái bụng run rẩy. Mày được cứu khỏi chuồng chó, Náo ạ, nhưng còn mày, Zavalita, không ai cứu mày ra khỏi cái chuồng mày vào đâu, ngày mai hắn sẽ đến thăm Carlitos trong bệnh viện và đem cho anh ta cuốn sách, không phải cuốn của Huxley. Chiếc tắc xi chạy qua các đường phố ồn ào mù mịt, trong bóng tối hắn nghe tiếng máy xe, tiếng huýt còi, tiếng nói mơ hồ. Xui quá, mày không nhận lời ăn trưa với Norwin, Zavalita. Hắn nghĩ: ông ấy giết lũ chó bằng cây gậy, còn mày giết bằng mấy bài xã luận. Ông ấy khá hơn mày, Zavalita. Hắn đã trả giá đắt hơn, hắn đã tự làm mình khốn khổ khốn nạn hơn. Hắn nghĩ: tội nghiệp papa. Chiếc tắc xi chậm lại, hắn mở mắt: Diagonal kia rồi, trong ánh đèn pha của chiếc tắc xi, nghiêng lệch, óng ánh, chen chúc xe cộ, những tấm bảng quảng cáo gắn đèn của nó đã lập lòe. Sương mù trắng xóa cây cối trong công viên, các tháp chuông nhà thờ lơ lửng trong sắc xám, tán cây sung dao động: dừng ở đây. Hắn trả tiền xe, và con Náo bắt đầu sủa. Hắn thả dây cho nó, nhìn nó phóng như hỏa tiễn vào cổng các căn nhà tí hon. Bên trong hắn nghe tiếng sủa, kéo thẳng áo khoác, cà vạt, nghe tiếng Ana hét, tưởng tượng khuôn mặt cô ấy. Hắn đi vào sân trong, cửa sổ các căn nhà tí hon đã sáng đèn, bóng Ana đang ôm con Náo và tiến lại hắn, anh đi sao lâu thế, cưng, em sốt ruột, sợ quá, cưng.

“Mình đem con vật này vào trong đi, nó sắp làm cả phố phát điên,” và hắn hôn phớt nàng. “Im, Náo.”

Hắn vào phòng tắm, trong khi tiểu và rửa mặt, hắn nghe tiếng Ana đang chơi với Náo, chuyện gì vậy cưng, sao anh đi lâu thế, ít ra cưng đã tìm được nó, cưng, và hắn nghe tiếng sủa vui mừng. Hắn đi ra, Ana đang ngồi trong phòng khách nhỏ, con Náo trong vòng tay cô ấy. Hắn ngồi xuống cạnh nàng, hôn lên thái dương nàng.

“Anh mới uống rượu.” Cô nắm áo khoác hắn, nhìn hắn, nửa vui, nửa trái ý. “Anh có mùi bia, cưng. Đừng bảo em là không phải anh mới uống bia đấy nhé?”

“Anh gặp một ông bạn biệt tăm cả trăm năm. Bọn anh đi uống bia. Anh không trốn được, cưng.”

“Để em ở đây lo phát điên.” Hắn nghe giọng trách móc, mơn trớn, thương yêu của cô. “Còn anh thì uống bia với bạn bè. Ít nhất anh cũng phải gọi em ở nhà bà người Đức chứ?”

“Không có điện thoại, bọn anh đi đến một quán rượu chui.” Ngáp, duỗi người, mỉm cười. “Vả lại, anh không thích làm phiền bà người Đức khùng điên đó mãi. Anh thấy mệt quá, anh nhức đầu kinh khủng.”

Đáng đời mày, để cô ấy lo sốt vó cả buổi chiều, và nàng xoa tay lên trán hắn, nhìn hắn, mỉm cười với hắn, dịu dàng nói với hắn, và cấu một tai: anh đáng bị nhức đầu, cưng, và hắn hôn nàng. Anh ngủ một giấc nhé, em có nên kéo màn không cưng? Ừ, hắn ngồi dậy, một giấc ngắn thôi, ngã xuống giường, bóng Ana và Náo tíu tít quanh hắn, tìm hắn.

“Tệ nhất là anh đã tiêu hết tiền của anh rồi, cưng. Anh không biết xoay xở làm sao cho đến thứ Hai đây.”

“Ồ, được mà. May là ông Tàu trên đường San Martín luôn luôn tin em, cũng may ông ấy là ông Tàu tử tế nhất thế giới.”

“Tệ nhất là mình sẽ lỡ dịp xem xi nê. Hôm nay có chiếu phim nào khá không?”

“Một phim có Marlon Brando ở Colina,” và giọng Ana xa xôi, xa xôi, vọng tới như thể truyền qua nước. “Một trong mấy phim hình sự anh thích đấy, cưng. Nếu anh muốn em có thể mượn tiền bà người Đức.”

Cô ấy hạnh phúc, Zavalita, cô ấy tha thứ hết cho mày, vì mày mang con Náo về cho cô ấy. Hắn nghĩ: lúc này cô ấy hạnh phúc.

“Em sẽ mượn tiền rồi mình đi xem xi nê, nhưng hứa với em là anh sẽ không bao giờ uống bia với bạn bè mà không nói với em đấy.” Ana cười, càng lúc càng xa dần.

Hắn nghĩ: anh hứa. Bức màn gấp một góc, và Santiago có thể thấy một mảng trời gần tối đen, và tưởng tượng, bên ngoài, tít trên cao, cơn mưa phùn khốn khổ như bao giờ đang rơi xuống các căn nhà và đám người tí hon sống trong đó, Miraflores, Lima.

——————————–
1. Một thức uống phổ biến ở Peru, gồm rượu pisco đặc thù của Nam Mỹ, vắt chanh và pha với nước gừng. (Mọi chú thích là của người dịch.)

2. Một cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1928 của Aldous Huxley.

3. Group taxi: một loại tắc xi giá tương đối rẻ, đưa đón khách dọc dường, nhưng chở được ít người hơn xe buýt.

4. Rặng núi cao kéo dài 7,000 km trên bờ biển phía Tây châu Mỹ La tinh, nơi có một nền văn minh Inca cổ xưa rực rỡ của sắc dân Quochua da đỏ, điển hình là kinh đô Machu Picchu trên đỉnh núi cao 2.400 mét trên mực nước biển.

5. Manuel Arturo Odría Amoretti (1897-1974), anh hùng quân đội Peru trong trận chiến tranh với Ecuador năm 1941. Sau vụ nổi loạn của phe Aprista, ngày 27 tháng Mười năm 1948, Odría lật đổ chính phủ của tổng thống José Bustamante và tự lên làm tổng thống. Với một chính phủ tham nhũng, Odría thực hiện một số chương trình mị dân, đàn áp phe tả và giới hạn dân quyền. Năm 1956, Odría cho tổ chức bầu cử và tuyên bố không ra tranh cử trước sự ngạc nhiên của nhiều người. Người đắc cử trong kỳ bầu cử 1956 là cựu tổng thống Manuel Prado. Năm 1963, Fernando Belaúnde đắc cử tổng thống, Odría lại liên minh với APRA để tạo khối đối lập trong quốc hội.

6. Còn gọi là APRA, Alianza Popular Revolucionaria Americana, Liên minh Cách mạng Bình dân Mỹ châu, do Víctor Raúl Haya de la Torre sáng lập năm 1924 và có ảnh hưởng đến một số đảng cánh tả ở Nam Mỹ. Trong thập niên 1950, APRA nghiêng dần về phe hữu để được luật pháp công nhận.

Trước
image
Chương 1
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!