Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 1 – Chương 10
Trước
image
Chương 10
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Cảnh sát đã lột các tấm biểu ngữ trên tường ở San Marcos, xóa những hàng chữ ghi hoan hô bãi khóa và đả đảo Odría. Trong khuôn viên trường không thấy có bóng dáng sinh viên. Cảnh sát tụ họp phía trước ngôi nhà nguyện của những người sáng lập trường, hai xe tuần cảnh đậu ở góc đường Azángaro, một đội cảnh sát dã chiến trong các khu đất trống lân cận. Santiago đi dọc theo Colmena, Plaza San Martín. Trên Jirón de la Unión cứ mỗi hai mươi mét lại có một viên cảnh sát, bình thản giữa các khách bộ hành, đeo tiểu liên trên tay, mặt nạ chống hơi cay lủng lẳng trên vai, túm lựu đạn cay dắt ở thắt lưng. Thiên hạ đang ra khỏi các cao ốc văn phòng, những kẻ ăn không ngồi rồi và bọn ăn chơi đàng điếm nhìn họ với vẻ hờ hững hoặc tò mò nhưng không sợ hãi. Trên Plaza de Armas cũng có xe tuần cảnh, và phía trước các cổng Dinh, người ta thấy lính đội mũ sắt cùng với lính gác mặc đồng phục đỏ đen. Nhưng bên kia cầu, ở Rímac, ngay cả cảnh sát giao thông cũng không có. Bọn con trai mặt mũi côn đồ, bọn côn đồ mặt mũi ho lao, đang hút thuốc dưới những cây cột đèn mốc meo trên Francisco Pizarro, các quán rượu tống ra lúc thì bọn say sưa lảo đảo và kẻ hành khất, lúc khác là tụi trẻ con rách rưới và chó hoang, Santiago len lỏi giữa đám quán xá. Khách sạn Mogollón hẹp và dài như con hẻm không lát đá trước mặt nó. Quầy tiếp tân không có ai, tiền sảnh hẹp và cầu thang tối. Trên tầng hai, bốn vạch vàng đánh dấu cửa phòng, cánh cửa quá nhỏ so với khung cửa. Hắn gõ nhẹ ba cái làm mật hiệu rồi đẩy cửa mở ra: mặt của Washington, một cái chõng có tấm chăn, một cái gối không bao, hai cái ghế, một cái bô nhỏ.

“Cảnh sát nhung nhúc dưới phố,” Santiago nói. “Họ ngờ tối nay có một cuộc biểu tình chớp nhoáng nữa.”

“Tin xấu, chúng đã bắt Martínez lai khi anh ấy ra khỏi Trường Bách khoa,” Washington nói; anh hốc hác và mắt húp, nghiêm nghị tới nỗi nom anh như một người khác. “Gia đình anh ấy đến Tổng nha Cảnh sát nhưng không được gặp anh ấy.”

Mang nhện treo trên xà nhà, chiếc bóng đèn duy nhất trên cao và ánh sáng vàng bẩn.

“Bây giờ đám Aprista không thể nói họ là kẻ duy nhất bị bắt,” Santiago nói; hắn mỉm cười, lúng túng.

“Chúng ta phải đổi chỗ,” Washington nói. “Ngay cả buổi họp tối nay cũng nguy hiểm.”

“Anh có nghĩ anh ấy sẽ khai nếu họ tra tấn anh ấy không?” Họ đã trói anh ta, và thân hình thấp chắc nịch quặn lại và bị đánh, khuôn mặt lại nhăn nhó méo xệch đi, miệng anh ta kêu rú.

“Chẳng ai biết được.” Washington nhún vai và nhìn xuống trong giây lát. “Ngoài ra, tôi không tin anh chàng trong khách sạn này. Chiều hôm nay hắn đã hỏi xem giấy tờ của tôi lần nữa. Llaque sắp đến, vậy mà tôi vẫn chưa báo được cho ông ấy về vụ Martínez.”

“Tốt nhất là thảo một kế hoạch gấp rút rồi ra khỏi chỗ này.” Santiago rút một điếu thuốc và châm hút; hắn hít vài hơi rồi lại lấy gói thuốc ra đưa cho Washington. “Liên hội tối nay vẫn cứ họp chứ?”

“Những người còn lại của Liên hội thôi. Mất mười hai đại biểu rồi,” Washington nói. “Ừ, trên nguyên tắc vẫn họp, ở Trường Y.”

“Thể nào cũng chộp lấy chúng ta ở đó cho xem,” Santiago nói.

“Có lẽ không. Chính phủ hẳn phải biết vụ bãi khóa chắc sẽ chấm dứt tối nay và sẽ để mình họp,” Washington nói. “Những người độc lập sợ rồi, họ muốn rút lui. Phe Aprista hình như cũng muốn lui.”

“Chúng ta sẽ làm gì?” Santiago hỏi.

“Đó là việc mình phải quyết định lúc này,” Washington nói. “Xem nào, tin từ Cuzco và Arequipa. Tình hình ở đó thậm chí còn tệ hơn ở đây.”

Santiago đi tới cái chõng, cầm hai lá thư lên. Bức thư đầu từ Cuzco, nét viết to thẳng của phụ nữ, chữ ký nguệch ngoạc những hình thoi. Tổ đã liên lạc với phe Aprista để thảo luận về bãi khóa tỏ tình đoàn kết, nhưng cảnh sát đã đi trước họ, thưa các đồng chí, chúng chiếm trường đại học và Liên hội đã bị giải tán; ít nhất hai mươi đồng chí bị bắt. Quần chúng sinh viên khá thờ ơ, nhưng tinh thần của các đồng chí thoát khỏi vụ đàn áp vẫn cao mặc dù có thoái trào. Gửi lời chào anh em. Lá thư gửi đi từ Arequipa được đánh máy, bằng mực chẳng đen chẳng xanh mà màu tím, và không ký tên hoặc ghi gửi tới ai. Chúng tôi đã vận động tốt trong các phân khoa và tình thế dường như thuận lợi để ủng hộ cuộc bãi khóa ở San Marcos khi cảnh sát vào trường đại học, trong số những người bị bắt có tám người của chúng ta, các đồng chí: hy vọng có thể sớm gửi đến các bạn tin tốt hơn và chúc các bạn mọi thành công.

“Ở Trujillo đề nghị của ta không thành công,” Washington nói. “Người của chúng ta chỉ có thể thuyết phục họ phê chuẩn một thư bày tỏ ủng hộ tinh thần. Nghĩa là số không.”

“Không đại học nào ủng hộ San Marcos, không nghiệp đoàn nào ủng hộ các công nhân xe điện,” Santiago nói. “Vì thế không có cách nào khác hơn là hủy bỏ cuộc bãi khóa.”

“Dù sao đi nữa ta vẫn đạt được khá nhiều,” Washington nói. “Và với các tù nhân hiện nay, chúng ta có một ngọn cờ tốt để lại phất lên bất cứ khi nào chúng ta muốn.”

Ba tiếng gõ cửa, Washington nói cứ vào, Héctor đi vào, toát mồ hôi, mặc bộ áo xám.

“Tôi cứ nghĩ mình sẽ bị trễ, vậy mà tôi là một trong những người đầu tiên đến đây.” Anh ngồi xuống ghế, dùng khăn tay lau trán. Anh hít một hơi sâu rồi thở ra như thể đang hút thuốc. “Không thể gặp được bất kỳ công nhân xe điện nào. Cảnh sát đã chiếm các trụ sở công đoàn. Chúng ta đã tới đó với hai người bên Aprista. Họ cũng đã mất liên lạc với ủy ban đình công.”

“Họ đã tóm anh lai lúc anh ta đang ra khỏi Trường Bách khoa,” Washington nói.

Héctor đứng nhìn anh, khăn tay trên miệng.

“Miễn là họ đừng đánh anh ấy và làm biến dạng…” Giọng anh và nụ cười gượng gạo của anh phai dần rồi tắt; anh lại hít một hơi sâu, rồi cất chiếc khăn tay đi. Bây giờ anh rất nghiêm nghị. “Vậy thì tối nay chúng ta không nên họp ở đây.”

“Llaque sắp đến, không có cách nào để cảnh báo cho ông ấy,” Washington nói. “Vả lại, một tiếng rưỡi nữa Liên hội sẽ họp, và chúng ta có vừa vặn đủ thời giờ để định kế hoạch.”

“Kế hoạch gì?” Héctor nói. “Những người độc lập và phe Aprista muốn hủy bỏ cuộc bãi khóa và làm thế là hợp lý nhất. Mọi việc đã hỏng, chúng ta phải cứu vãn những gì còn lại của các tổ chức sinh viên.”

Ba tiếng gõ, chào các đồng chí, cà vạt đỏ và giọng chim. Llaque nhìn xung quanh với vẻ ngac nhiên.

“Anh nói tám giờ phải không? Những người khác đâu?”

“Martínez bị bắt sáng nay,” Washington nói. “Ông nghĩ chúng ta có nên hủy bỏ buổi họp và ra khỏi đây không?”

Khuôn mặt nhỏ không rắn lại, mắt ông không tỏ vẻ hoảng hốt. Ông ta chắc đã quen với loại tin ấy, hắn nghĩ, sống trong trốn tránh và sợ hãi. Ông nhìn đồng hồ đeo tay, lặng im giây lát, suy nghĩ.

“Nếu họ bắt anh ấy sáng nay thì không nguy hiểm,” cuối cùng ông nói với nụ cười gượng lúng túng. “Phải tối nay hay có khi tới rạng sáng họ mới tra vấn anh ấy. Chúng ta có dư thời giờ, các đồng chí.”

“Nhưng tốt hơn ông nên tránh,” Héctor nói. Ông là người chịu rủi ro lớn nhất ở đây.”

“Nói nhỏ thôi, ở cầu thang tôi cũng có thể nghe các anh,” Solórzano nói từ ngưỡng cửa. “Thế là họ đã bắt anh lai. Tổn thất đầu tiên của chúng ta, tiên sư nó.”

“Anh quên ba tiếng gõ cửa rồi à?” Washington hỏi.

“Cửa mở,” Solórzano nói. “Và các anh đều nói to.”

“Sắp tám rưỡi rồi,” Llaque nói. “Còn các đồng chí kia thì sao?”

“Jacobo phải đi gặp các công nhân dệt, Aída đi tới Đại học Công giáo với một đại biểu của Khoa Giáo dục,” Washington nói. “Họ sắp đến rồi, nào chúng ta bắt đầu.”

Héctor và Washington ngồi trên chõng, Santiago và Llaque trên hai cái ghế, Solórzano trên sàn. Chúng tôi đang đợi, đồng chí Julián,Santiago nghe mà giật mình. Mày cứ quên bí danh của mày, Zavalita, quên mày là thư ký ghi chép và phải báo cáo biên bản của phiên họp trước. Hắn báo cáo nhanh, không đứng lên, thấp giọng.

“Mình chuyển qua các báo cáo đi.” Washington nói. “Làm ơn nói ngắn và vào thẳng vấn đề.”

“Trước tiên chúng ta nên tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra cho họ,” Santiago nói. “Tôi sẽ đi gọi điện thoại.”

“Trong khách sạn không có điện thoại,” Washington nói. “Anh sẽ phải tìm một hiệu thuốc tây, và không nên ra vào nhiều. Họ chỉ trễ nửa tiếng, họ sẽ đến ngay.”

Các báo cáo, hắn nghĩ, những độc thoại dài trong đó khó phân biệt khách quan và chủ quan, sự kiện và giải thích, và giải thích với rập khuôn. Nhưng tối hôm ấy họ đều nhanh chóng, súc tích và cụ thể. Solózrano: Hội Sinh viên Nông nghiệp đã bác đề nghị vì quá chính trị, tại sao San Marcos lại dính líu tới vụ đình công của công nhân xe điện? Washington: các lãnh tụ ở Trường Phổ thông nói rằng chẳng có gì để làm, nếu chúng ta bỏ phiếu, chín mươi phần trăm sẽ chống bãi khóa, chúng ta chỉ có thể bày tỏ cho các công nhân sự ủng hộ tinh thần. Héctor: liên lạc với Ủy ban Đình công của công nhân xe điện bị cắt đứt vì cảnh sát đã chiếm các trụ sở công đoàn.

“Nông nghiệp bỏ ra, Bách khoa bỏ ra, Trường Phổ thông bỏ ra, và chúng ta không biết gì bên Đại học Công giáo,” Washington nói. “Các đại học ở Cuzco và Arequipa bị chiếm đóng, và Trujillo rút lui. Tình hình ngắn gọn là như vậy. Hầu như chắc chắn có đề nghị chấm dứt bãi khóa ở Liên hội tối nay. Chúng ta có một giờ để quyết định thế đứng của mình.”

Hình như sẽ không có thảo luận, hắn nghĩ, tất cả họ đồng ý. Héctor: phong trào đã giúp chính trị hóa tập thể sinh viên, bây giờ tốt nhất là rút lui trước khi Liên hội tan biến. Solózrano: chấm dứt bãi khóa, ừ, nhưng chỉ để lập tức chuẩn bị cho một phong trào mới, mạnh hơn và điều hợp tốt hơn. Santiago: đúng, và để khởi xướng ngay một cuộc vận động trả tự do cho các sinh viên bị bắt. Washington: với kinh nghiệm chúng ta đạt được và các bài học của những ngày đấu tranh này. Chi bộ Đại học của Cahuide đã được thử lửa lần đầu, anh ta cũng ủng hộ chấm dứt bãi khóa để họ có thể tập hợp lại lực lượng.

“Tôi có vài điều muốn nói, các đồng chí,” Llaque nói, giọng ông rụt rè nhưng không chút ngập ngừng. “Khi chi bộ đồng ý ủng hộ cuộc đình công của công nhân xe điện, chúng ta đã biết mọi điều ấy.”

Chúng ta đã biết gì? Biết rằng các nghiệp đoàn là tụi chó vàng, vì các lãnh tụ lao động chân chính đều đã chết hoặc trong tù hoặc lưu vong, rằng cuộc bãi khóa sẽ dẫn tới đàn áp và có bắt bớ, và các đại học khác sẽ quay lưng lại San Marcos. Điều chúng ta không biết là gì, điều không tiên đoán được là gì, các đồng chí, nó là gì? Bàn tay nhỏ nhắn của ông đưa lên đưa xuống bên cạnh mặt mày, Zavalita, giọng nói nhỏ nhẹ của ông cương quyết, lặp đi lặp lại, thuyết phục. Đó là cuộc bãi khóa sẽ đi đến thành công này và khiến cho chính quyền phải tự lột mặt nạ để phơi bày trọn vẹn tính tàn bạo của nó dưới ánh sáng ban ngày. Rằng sự việc xấu đi chăng? Với ba trường Đại học bị chiếm đóng, với ít nhất năm mươi sinh viên và lãnh tụ lao động bị bắt giữ, sự việc xấu đi chăng? Với các cuộc biểu tình chớp nhoáng trên Jirón de la Unión và báo chí tư sản buộc phải đăng tin đàn áp, thế là xấu chăng? Lần đầu tiên một phong trào lớn rộng như thế chống lại Odría, các đồng chí, một vết nứt đầu tiên sau bấy nhiêu năm dưới chế độ độc tài vững chắc. Xấu chăng, xấu chăng? Rút lui lúc này chẳng phải là vô lí sao? Cố nới rộng và cấp tiến hóa phong trào không phải là đúng hơn sao? Các đồng chí hãy đánh giá tình hình từ quan điểm cách mạng chứ không phải từ quan điểm của một kẻ cải cách. Ông im lặng, và họ nhìn ông rồi nhìn nhau, bối rối.

“Nếu phe Aprista và những người độc lập đã đồng ý chấm dứt vụ bãi khóa, chúng ta không thể làm gì được,” cuối cùng Solózrano nói.

“Chúng ta có thể tranh đấu, các đồng chí,” Llaque nói.

Và mở cửa, hắn nghĩ, và họ đi vào. Aída bước rất nhanh đến giữa phòng, Jacobo đứng lại phía sau.

“Trễ rồi,” Washingotn nói. “Anh chị làm chúng tôi lo.”

“Jacobo nhốt tôi lại và không cho tôi đi đến Đại học Công giáo.” Nói một tràng, hắn nghĩ, như thể cô ấy đã thuộc nằm lòng điều cô sắp nói. “Anh ấy cũng không đi gặp công nhân dệt như chi bộ đã chỉ thị anh ấy. Tôi yêu cầu trục xuất anh ấy.”

“Bây giờ tôi có thể hiểu tại sao anh cứ mang cô ta trong đầu suốt những năm qua, Zavalita,” Carlitos nói.

Cô ấy đứng giữa hai cái ghế, dưới chùm ánh sáng, nắm tay siết chặt, mắt mở to, hơi thở nặng nề. Họ nhìn cô ấy mà không cử động, nuốt nước bọt, Héctor toát mồ hôi. Hơi thở nặng nề của Aída bên cạnh mày, Zavalita, bóng cô ấy chập chờn trên sàn. Cổ họng mày khô, mày cắn môi, tim mày đập nhanh.

“Được rồi, nào, đồng chí,” Washington nói, “chúng ta vừa mới…”

“Ngoài ra, anh ấy định tự tử vì tôi bảo anh ấy là tôi không muốn đi với anh ấy nữa.” Giận tím người, hắn nghĩ, mắt cô ấy mở to, lời nói tuôn ra như thể đang đốt cháy lưỡi cô ấy. “Tôi phải lừa anh ta cho tôi đến. Tôi yêu cầu trục xuất anh ta.”

“Và mặt đất nứt ra,” Santiago nói, “không phải vì cô ấy thổ lộ hết, ở đó, trước mặt mọi người. Mà vì một vụ cãi nhau như thế, Carlitos ạ, một vụ cãi nhau như thế, khóa cửa và dọa tự tử và đủ thứ.”

“Chị nói xong chưa?” cuối cùng Washington nói.

“Cho tới lúc ấy anh nghĩ rằng họ đã ngủ với nhau.” Carlitos cười. “Anh nghĩ họ nhìn vào mắt nhau, cầm tay nhau và đọc thơ Mayakovsky 1 và Nazim Himet 2 , Zavalita ạ.”

Lúc này tất cả họ ngọ nguậy tại chỗ, Héctor lau mặt, Solórzano quan sát trần nhà, tại sao anh không bước tới nói một điều gì, anh đang câm nín làm gì phía sau đó. Aída vẫn đứng bên cạnh mày, Zavalita, hai tay cô ấy không còn nắm lại mà đã mở ra, một chiếc nhẫn mạ bạc khắc tên tắt của cô ấy đeo trên ngón út, móng tay cô ấy cắt như nam giới. Santiago giơ tay, và Washington ra hiệu cho hắn nói.

“Còn chưa tới một giờ nữa là Liên hội họp, mà chúng ta vẫn chưa đi đến thỏa thuận nào.” Hoảng sợ nghĩ mình sắp mất giọng, hắn nghi. “Chúng ta sẽ phí thời giờ thảo luận các vấn đề cá nhân bây giờ hay sao?”

Hắn ngưng nói, châm điếu thuốc, que diêm lăn trên sàn, vẫn cháy, và hắn giẫm lên nó. Hắn thấy khuôn mặt của mọi ngưòi bắt đầu phục hồi lại sau cơn sửng sốt, trở nên giận dữ. Nôn nóng, nặng nhọc, hơi thở của Aída vẫn còn đó.

“Dĩ nhiên chúng ta không quan tâm đến các vấn đề cá nhân,” Washington lẩm bẩm. “Nhưng Aída đã đưa ra một việc rất nghiêm trọng.”

Một sự im lặng nhức nhối, hắn nghĩ, một sức nóng bất chợt tàn bạo và nghẹt thở.

“Tôi mặc kệ nếu hai đồng chí cãi nhau, nhốt nhau lại, hay tự tử,” Héctor nói, chiếc khăn tay áp lên miệng anh. “Nhưng tôi muốn biết chuyện gì xảy ra bên công nhân dệt, ở Đại học Công giáo. Nếu đồng chí nào là người lẽ ra phải tới đó nhưng không đi, tôi muốn nghe giải thích tại sao.”

“Đồng chí ấy vừa giải thích xong,” giọng chim thì thầm. “Để đồng chí kia trình bày, rồi chúng ta thông qua.”

Các cặp mắt nhìn ra cửa, bước chân chậm rãi của Jacobo, hình dáng của Jacobo bên cạnh hình dáng của Aída. Bộ áo vét xanh nhạt của anh nhăn nhúm, đuôi áo sơ mi thòi ra, áo khoác của anh không cài cúc, cà vạt lỏng.

“Điều Aída nói là đúng, tôi mất tinh thần.” Ngắc ngứ từng chữ, hắn nghĩ, lắc lư như say rượu. “Tôi bối rối, là dấu hiệu của yếu đuối, khủng hoảng. Có lẽ mấy ngày không ngủ vừa qua, các đồng chí. Tôi chấp nhận quyết định của chi bộ, các đồng chí.”

“Anh đã không để cho Aída đi đến Đại học Công giáo à?” Solórzano hỏi. “Có đúng là anh đã không giữ đúng hẹn với các công nhân dệt, anh định ngăn không để Aída đến họp?”

“Tôi không biết mình bị cái gì, tôi không biết tôi bị cái gì.” Cặp mắt anh ta lo sợ, hắn nghĩ, dằn vặt, và vẻ mặt anh ta như của một người điên. “Tôi xin mọi người tha thứ. Tôi muốn qua khỏi cơn khủng hoảng này, giúp tôi qua khỏi với, các đồng chí. Điều đồng chí nói, điều Aída nói là đúng. Tôi chấp nhận bất kỳ quyết định nào, các đồng chí.”

Anh ta ngưng nói, rút về phía cửa, và Santiago không còn thấy anh. Chỉ còn lại Aída, bàn tay cô ấy tím tái vì căng thẳng. Trán Solórzano nhăn lại, anh ta đã đứng lên.

“Tôi sắp nói thẳng điều tôi nghĩ.” Mặt anh biến đổi vì giận dữ, hắn nghĩ, giọng anh thất vọng. “Tôi đã bỏ phiếu ủng hộ vụ bãi khóa này vì lý lẽ của Jacobo thuyết phục tôi. Anh ấy là người hăng hái nhất, vì thế chúng ta bầu anh ấy vào Liên hội và Ủy ban Bãi khóa. Tôi phải nhớ rằng trong khi đồng chí Jacobo có hành động ích kỉ, họ đã bắt Martínez. Tôi nghĩ chúng ta nên phạt một lỗi lầm như thế bằng cách nào đó. Các liên hệ với công nhân dệt, Đại học Công giáo, vào lúc này, ồ, tại sao tôi phải nói điều tất cả chúng ta đều biết. Một điều như thế không thể tha thứ, các đồng chí.”

“Dĩ nhiên là nghiêm trọng, dĩ nhiên anh ấy đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng,” Héctor nói. “Nhưng lúc này không có thời giờ, Solórzano. Nửa tiếng nữa là Liên hội họp rồi.”

“Tiếp tục lãng phí thời giờ như thế này là điên, các đồng chí.” Giọng chim, bối rối, nôn nóng, bàn tay nhỏ của ông lơ lửng. “Chúng ta phải hoãn vấn đề này lại và trở lại vấn đề đang thảo luận.”

“Tôi đề nghị hoãn thảo luận vấn đề này cho tới buổi họp sau,” Santiago nói.

“Tôi không muốn xúc phạm ai, nhưng Jacobo không nên hiện diện ở buổi họp này,” Washington nói; anh do dự một giây rồi nói thêm: “Tôi không nghĩ có thể tin cậy anh ấy nữa.”

“Hãy bỏ phiếu cho đề nghị của tôi,” Santiago nói. “Bây giờ anh là người làm chúng ta mất thời giờ, Washington. Phải chăng anh quên vụ bãi khóa, vụ Liên hội, để mất cả đêm tranh cãi về Jacobo?”

“Thời gian đang trôi,” Llaque nhấn mạnh, van nài. “Hãy nhớ thế, các đồng chí.”

“Được rồi, chúng ta sẽ bỏ phiếu,” Washington nói. “Anh còn gì nói thêm không, Jacobo?”

Vài bước chân, hình bóng, anh ta đã rút tay ra khỏi túi và đang vặn bàn tay. Vài lọn tóc vàng phủ tai anh, mắt anh ta không tự tin và châm biếm như thường có trong lúc tranh luận, hắn nghĩ, cả bề ngoài anh biểu lộ sự thua cuộc và khiêm tốn.

“Tôi cứ nghĩ là với anh ta không có gì ngoài chi bộ và cách mạng,” Santiago nói. “Thế mà bỗng nhiên tất cả là dối trá, Carlitos. Cũng người bằng xương bằng thịt, như anh và tôi.”

“Tôi có thể hiểu tại sao các bạn nghi ngờ, tại sao các bạn không tin tôi nữa,” anh ta lắp bắp. “Tôi sẵn sàng làm tự kiểm, tôi tuân theo bất kỳ quyết định nào. Hãy cho tôi một cơ hội nữa để chứng tỏ, dù mọi chuyện đã xảy ra, các đồng chí.”

“Anh nên ra khỏi phòng trong khi chúng tôi bỏ phiếu,” Washington nói.

Santiago không nghe anh ta mở cửa; hắn biết anh đã đi ra khi ngọn đèn dao động và các hình bóng trên tường di chuyển. Hắn đứng lên, nắm tay Aída dắt nàng lại chiếc ghế. Nàng ngồi xuống. Bàn tay nàng đặt trên đầu gối, hắn nghĩ, hàng lông mi sẫm của nàng ướt, tóc nàng rối bời quanh cổ và tai nàng nghe như thể nàng lạnh. Phải chi tay mày đã đưa lên rồi hạ xuống chạm vào cái cổ ấy, hắn nghĩ, mơn trớn cái cổ ấy và vuốt thẳng mái tóc ấy, phải chi ngón tay mày quấn trong mái tóc ấy và kéo nhẹ nó rồi buông ra rồi lại kéo: ồ, Zavalita.

“Chúng ta hãy bỏ phiếu về đề nghị của Aída trước,” Washington nói. “Ai đồng ý trục xuất Jacobo khỏi chi bộ, giơ tay.”

“Tôi đã đưa ra đề nghị trước,” Santiago nói. “Đề nghị của tôi nên được bỏ phiếu trước.”

Nhưng Washington và Solorzano đã giơ tay. Mọi người quay nhìn Aída: đầu cô ấy cúi xuống, tay cô ấy bất động trên đầu gối.

“Chị không bỏ phiếu thuận cho yêu cầu của chị?” Solórzano nói, gần như hét.

“Tôi đã đổi ý,” Aída thổn thức. “Đồng chí Llaque nói đúng. Chúng ta phải hoãn thảo luận vấn đề này.”

“Không thể tưởng tượng nổi,” giọng chim nói. “Chuyện gì thế, cái gì thế?”

“Chị giễu chúng tôi phải không?” Solórzano nói. “Chị chơi trò gì thế, Aída?”

“Tôi đã đổi ý,” Aída thì thầm mà không ngửng đầu.

“Tiên sư nó,” giọng chim nói. “Chúng ta đang ở đâu, chúng ta đang chơi trò gì?”

“Chúng ra hãy chấm dứt trò đùa này,” Washington nói. “Ai ủng hộ hoãn thảo luận chuyện này lại.”

Llaque, Héctor và Santiago giơ tay, và vài giây sau Aída cũng giơ tay. Héctor cười, Solórzano đưa tay lên giữ bụng như thể anh sắp nôn, chuyện gì thế này, giọng chim lặp lại.

“Phụ nữ thật là,” Carlitos nói. “Gái điếm, cộng sản, tầng Iớp trung lưu, nông dân, họ đều có một thứ gì chúng ta không có. Có lẽ chúng ta làm kẻ đồng tính còn hơn, Zavalita. Dính líu với cái gì anh biết, chứ đừng với những sinh vật lạ ấy.”

“Vậy thì gọi Jacobo, gánh xiếc đã diễn xong,” Washington nói. “Chúng ta hãy trở lại công việc nghiêm chỉnh.”

Santiago xoay người: cánh cửa mở ra, bộ mặt luống cuống của Jacobo lao vào phòng.

“Có ba xe tuần cảnh ngoài cửa,” anh ta thì thầm. Anh ta đã nắm cánh tay Santiago. “Rất đông mật vụ, một sĩ quan.”

“Đóng cánh cửa đó lại, tiên sư nó,” giọng chim nói.

Họ cùng đứng lên lập tức. Jacobo đã đóng cánh cửa và lấy thân mình giữ nó.

“Đóng chặt nó,” Washington nói, nhìn mọi người, vấp váp. “Giấy tờ, thư từ. Giữ lấy cửa, nó không có khóa.”

Héctor, Solórzano và Llaque đi tới giúp Jacobo và Santiago giữ cửa, và tất cả họ lục lọi túi áo túi quần mình. Cúi mình trên bàn để đầu giường, Washington xé hết giấy cờ rồi bỏ vào một cái bô. Aída chuyền cho anh các sổ ghi chép, những mẩu giấy mà mọi người đưa cho cô, cô rón rén đi đi lại lại từ cửa đến giường. Cái bô đã cháy. Bên ngoài không một tiếng động; tất cả bọn họ áp sát tai lên cánh cửa. Llaque rời họ ra, tắt đèn, và trong bóng rối Santiago nghe giọng Solórzano: không phải là báo động lầm chứ? Ngọn lửa nhỏ lên xuống bập bùng trong cái bô, Santiago thấy khuôn mặt của Washington bừng lên từng chặp khi anh ta thổi lửa. Có người ho và giọng chim bảo im lặng, rồi thì hai người trong số họ cùng ho một lúc.

“Khói quá,” Héctor thì thầm, “Mình phải mở cái cửa sổ kia.”

Một cái bóng rời khỏi cánh cửa rồi với lên cửa sổ trên mái nhà, nhưng bàn tay chỉ với tới gờ mái. Washington ôm eo anh ta, đưa anh ta lên, và khi cửa sổ trên mái mở ra, một luồng hơi mát lùa vào phòng. Ngọn lửa đã tắt, lúc này Aída đang đưa cái bô cho Jacobo, và Washington lại khiêng anh lên, để anh đưa cái bô ra ngoài cửa sổ trên mái. Washington bật đèn: các bộ mặt căng thẳng, các cặp mắt trũng, những cái miệng khô. Llaque ra hiệu bảo họ rời cánh cửa, ngồi xuống. Mặt ông héo hắt, hàm răng ông lộ ra, ông già đi trong khoảnh khắc.

“Vẫn còn nhiều khói quá,” Llaque nói. “Mọi người châm thuốc đi.”

“Báo động lầm,” Solórzano thì thầm. “Minh không nghe thấy gì.”

Santiago và Héctor chuyền thuốc lá, ngay cả Aída, cô ấy không hút thuốc nhưng cũng đốt một điếu. Washington đã đứng bên cạnh cửa và đang nhìn qua lỗ khóa.

“Các anh chị không biết là các anh chị phải luôn luôn mang theo sách học của mình sao?” Llaque nói; bàn tay nhỏ của ông quơ quơ một cách kích động. “Chúng ta gặp để nói chuyện về các vấn đề đại học. Chúng ta phi chính trị, chúng ta không dính líu vào chính trị. Cahuide không hiện hữu, chi bộ không hiện hữu. Các anh chị không biết gì về bất cứ việc gì.”

“Họ đang đi lên,” Washington nói và lui khỏi cánh cửa.

Tiếng thì thầm, im lặng, lại thì thầm, và hai tiếng gõ nhẹ lên cánh cửa.

“Có người muốn gặp ông, thưa ông,” một giọng the thé nói. “Họ bảo là khẩn.”

Aída và Jacobo ở bên nhau, hắn nghĩ, anh ta quàng tay lên vai cô ấy. Washington tiến một bước tới cánh cửa, nhưng nó mở ra trước và một tia chớp chặn đứng anh: một thân người lảo đảo, quay cuồng, những người khác nhảy bổ tới, quát tháo, súng lục chĩa vào họ, có kẻ chửi bới, có người thở hổn hển.

“Các ông muốn gì?” Washington nói. “Tại sao các ông vào như…?”

“Ai có vũ khí ném xuống sàn,” một người đàn ông thấp đội mũ và thắt cà vạt xanh nói. “Giơ tay lên. Lục soát chúng.”

“Chúng tôi là sinh viên,” Washington nói. “Chúng tôi là…”

Nhưng một viên cảnh sát đã xô anh và anh im lặng. Chúng lục soát họ từ đầu đến chân, bắt họ đứng thành hàng và giơ cao tay. Ngoài đường có hai viên cảnh sát cầm súng tiểu liên và một nhóm người đứng xem. Chúng tách họ ra, chúng đẩy Santiago vào một chiếc xe tuần tiễu cùng với Héctor và Solórzano. Chỗ ngồi chật, có mùi hôi nách, người lái xe đang nói vào chiếc micro nhỏ. Chiếc xe nổ máy: cầu Đá, Tacna, Wilson, Avcnida España. Xe ngừng lại ở cổng Tổng nha Cảnh sát, một viên mật thám thường phục thì thào với lính gác và họ được lệnh đi ra. Một hành lang có những cửa nhỏ để mở, bàn làm việc, cảnh sát và nhân viên mặc thường phục, mặc sơ mi, một cầu thang, một hành lang nữa hình như có sàn lát gạch, một cánh cửa mở, đi vào, cửa đóng lại rồi có tiếng động nhẹ của chìa khóa. Một căn phòng nhỏ trông như phòng đợi của công chứng viên, với một băng ghế nhỏ sát tường. Họ im lặng, nhìn các vách tường nứt nẻ, sàn nhà sáng loáng, ngọn đèn huỳnh quang.

“Mười giờ,” Santiago nói. “Liên hội chắc đang họp.”

“Nếu không phải tất cả các đại biểu khác cũng ở đây,” Héctor nói.

Ngày mai tin tức có sẽ loan ra không, ông già của hắn có biết tin qua báo không? Mày hình dung đêm không ngủ ở nhà, Zavalita, mẹ mày khóc rên, cảnh nhớn nhác, chạy đến điện thoại, khách khứa đến thăm và Teté ngồi lê đôi mách trong xóm, lời bình phẩm của anh Nổ. Ừ, tối hôm ấy nhà như một cái nhà điên, thưa cậu, Ambrosio nói. Và Carlitos: chắc anh cảm thấy mình như một Lenin. Và bất chợt một gã lai co người rồi đá một cái: phần lớn là sợ, Carlitos ạ. Hắn rút gói thuốc lá, vừa đủ cho ba người bọn họ. Họ lặng lẽ hút thuốc, rít vào và thở khói ra cùng lúc. Khi dụi điếu thuốc, họ nghe tiếng động nhẹ của chìa khóa.

“Đứa nào trong bọn mày là Santiago Zavala?” một bộ mặt mới nói vọng từ cửa. Santiago đứng lên. “Được rồi, mày cứ ngồi xuống.”

Bộ mặt chìm vào bóng tối, lại tiếng động nhẹ.

“Nghĩa là tên anh có trong hồ sơ,” Héctor thì thầm.

“Nghĩa là họ sẽ thả ra anh trước tiên,” Solórzano thì thầm. “Tới Liên hội đi. Họ phải làm dữ. Vì Llaque và Washington, họ là hai người sẽ bị nặng nhất.”

“Anh điên à?” Santiago hỏi. “Tại sao họ thả tôi ra trước?”

“Vì gia đình anh,” Solórzano nói với một tiếng cười nhỏ. “Họ phải phản đối, phải làm dữ.”

“Gia đình tôi sẽ không động một ngón tay,” Santiago nói. “Có vẻ như vậy thì đúng hơn, khi họ biết tôi dính líu tới…”

“Anh chẳng dính líu tới cái gì cả,” Héctor nói. “Đừng quên điều đó.”

“Có lẽ với vụ bố ráp này giờ đây các đại học khác sẽ làm gì đó,” Solórzano nói.

Họ ngồi xuống băng ghế, nói chuyện, nhìn bức tường đối diện hay trần nhà. Héctor đứng lên, bắt đầu đi tới đi lui, anh nói chân anh đã tê. Solórzano dựng cao cổ áo khoác và xỏ tay vào túi: lạnh buốt nhỉ?

“Các anh có nghĩ là họ cũng mang Aída đến đây không?” Santiago hỏi.

“Chắc họ đưa cô ấy đến Chorrillos, đến nhà giam phụ nữ,” Solórzano nói. “Mới nguyên, có xà lim riêng.”

“Lãng phí thời gian một cách ngu ngốc về chuyện cãi nhau của đôi nhân tình,” Héctor nói. “Chuyện đủ nực cười.”

“Đủ làm anh khóc,” Solórzano nói. “Đủ để đưa họ đi đóng tuồng tình cảm xã hội, tìm một chân trong các phim Mễ Tây Cơ. Tôi sẽ nhốt cô, tôi sẽ tự tử, họ nên đá anh ra khỏi chi bộ, không, họ không nên. Đủ để tụt quần bọn họ xuống và cho tụi con nít tư sản đó một trận nên thân, tiên sư nó.”

“Tói cứ nghĩ họ khá hòa thuận với nhau,” Héctor nói. “Các anh có nghe họ cãi nhau bao giờ không?”

“Tôi chẳng biết gì,” Santiago nói. “Dạo này tôi ít gặp họ.”

“Bà nhà tôi cáu, và mặc xác bãi khóa với Đảng, tôi sẽ tự tử,” Solórzano nói. “Tại sao họ không đóng tuồng tình cảm? Cứt thật.”

“Các đồng chí mình cũng có chuyện tình cảm nhỏ nhặt của họ.” Héctor mỉm cười.

“Chắc họ đã khiến Martínez khai rồi,” Santiago nói. “Chắc họ đã đánh anh ấy và…”

“Cố giấu đừng để lộ ra là anh sợ,” Solórzano nói. “Nếu không giấu được còn tệ hơn nữa.”

“Chắc anh mới là người đang sợ,” Santiago nói.

“Dĩ nhiên tôi sợ,” Solórzano nói. “Nhưng tôi không tỏ ra bằng cách tái xanh.”

“Vì nếu anh tái thì cũng chả nhận ra được,” Santiago nói.

“Lợi thế của dân lai.” Solórzano cười. “Đừng nóng gáy chứ bạn.”

Héctor ngồi xuống; anh ta còn một điếu thuốc và ba người họ hút chung, mỗi lần một hơi.

“Làm sao họ biết tên tôi?” Santiago hỏi. “Tại sao gã đó vớ được?”

“Vì anh thuộc một gia đình tốt, họ sẽ làm món cật nấu rượu cho anh để anh cảm thấy như đang ở nhà,” Solórzano vừa nói vừa ngáp. “Ôi dào, tôi mệt.”

Anh ngồi bệt xuống dựa tường rồi nhắm mắt. Vóc dáng vạm vỡ của anh, làn da xám tro, cái mũi rộng của anh, hắn nghĩ, mái tóc thẳng của anh, và đó là lần đầu tiên anh bị bắt.

“Họ có nhốt mình chung với tù thường phạm không?” Santiago hỏi.

“Tôi hy vọng là không,” Hector nói. “Tối không muốn bị tụi côn đồ hãm hiếp. Nhìn đồng chí mình ngủ kìa. Anh ấy có ý hay, mình cứ tìm cách thư thới để xem có thể nghỉ ngơi được chút nào không.”

Họ dựa đầu vào tường, nhắm mắt. Một lát sau Santiago nghe có tiếng chân liền nhìn ra cửa; Héctor cũng ngồi dậy. Tiếng động khẽ, bộ mặt hồi nãy.

“Đi theo tôi, Zavala. Ừ, chỉ một mình anh.”

Người đàn ông thấp bé dẫn hắn ra, và khi hắn rời phòng, hắn nhìn thấy cặp mắt của Solórzano đang mở, đỏ ngầu. Một hành lang đầy cánh cửa, bậc thang, một lối đi lát gạch hết lên lại xuống, một người lính gác cầm súng trường phía trước một cửa sổ. Anh chàng đang đi bên cạnh hắn xỏ hai tay trong túi; những tấm bảng kim loại hắn không đọc được. Trong này, hắn nghe nói, rồi hắn còn lại một mình. Một phòng lớn, hầu như tối mịt: một cái bàn có ngọn đèn nhỏ không chụp, các bức tường trơ trụi, một tấm ảnh của Odría quấn dải khăn quàng tổng thống như đứa bé mặc tã. Hắn lùi lại, nhìn đồng hồ đeo tay, mười hai giờ rưỡi, hắn đi tới, và chân hắn yếu, mót tiểu. Một lát sau cửa mỏ, Santiago Zavala? một giọng không thấy mặt hỏi. Vâng: đây, thưa ông. Tiếng bước chân, tiếng nói, nét mặt của Don Fermín cắt qua vùng ánh sáng hình nón của ngọn đèn, cánh tay ông mở rộng, hắn nghĩ, mặt ông sát mặt mình.

“Con có sao không, Ròm? Họ có làm gì con không, Ròm?”

“Không, papa. Con không biết tại sao họ đưa con vào đây, con đâu có làm gì, papa.”

Don Fermín nhìn vào mắt hắn, ôm hắn một lần nữa, buông hắn ra một lần nữa, gượng mỉm cười và quay sang bàn nơi người kia đã ngồi xuống.

“Ông thấy nhé, Don Fermín.” Anh chỉ có thể thấy mặc gã, Carlitos, một giọng nói vô hồn, đê tiện. “Con trai ông và người thừa kế của ông đấy nhé, an toàn và lành lặn.”

“Thằng bé này chưa bao giờ chán làm cho tôi nhức đầu.” Tội nghiệp, ông cố tự nhiên và ông đóng kịch, thậm chí hài hước, Carlitos ạ. “Tôi ganh tị với anh, chẳng có đứa con nào, Don Cayo.”

“Khi người ta bắt đầu già,” đúng, Carlitos, đích thân Cayo Bermúdez, “họ sẽ muốn có người đại diện cho mình trên thế gian khi họ không còn nữa.”

Don Fermín thốt ra một tiếng cười gượng gạo, ngồi xuống một góc bàn, và Cayo Bermúdez đứng lên: chính gã, đúng gã. Một bộ mặt khô như giấy, tẻ ngắt. Don Fermín không muốn ngồi xuống à? Không, Don Cayo.

“Nhìn cái chuyện lôi thôi cậu tự chuốc lấy kìa, cậu thanh niên.” Bằng cung cách thân mật, Carlitos ạ, như thể gã hối tiếc. “Phí thời giờ vào chính trị thay vì dùng thời giờ để học.”

“Tôi không dính vào chính trị,” Santiago nói. “Tôi gặp vài người bạn thôi, chúng tôi chẳng làm gì hết.”

Nhưng Bermudez đã cúi tới mời Don Fermín thuốc lá, ông lập tức nở nụ cười giả tạo, ông vốn chỉ có thể hút Chesterfield và ghét thuốc lá đen, nhưng ông lấy một điếu Inca đưa lên miệng, Carlitos ạ. Ông hít mạnh một hơi rồi ho, mừng là đã có cái để giấu sự bối rối của ông, Carlitos, sự phiền phức khủng khiếp của ông. Bermúdez nhìn các cuộn khói, chán chường, rồi mắt gã bỗng gặp Santiago:

“Một thanh niên nổi loạn, bốc đồng cũng chẳng sao.” Như thể gã đang nói chuyện vớ vẩn ở một buổi tụ tập vui chơi, Carlitos, như thể gã đếch quan tâm đến điều gã đang nói. “Nhưng âm mưu với tụi cộng sản là chuyện khác. Cậu không biết chủ nghĩa Cộng sản bị đặt ngoài vòng pháp luật à? Thử tưởng tượng chuyện gì xảy ra nếu Luật Nội An áp dụng cho cậu?”

“Luật Nội An không áp dụng cho con nít thò lò mũi xanh không biết mình đang làm gì, Don Cayo.” Với cơn thịnh nộ bị dằn nén, Carlitos ạ, không cao giọng, kìm lại nỗi thôi thúc muốn gọi gã là đồ chó, đồ đầy tớ.

“Xin ông, thưa Don Fermín.” Như thể bị mang tiếng, Carlitos, như thể câu nói đùa của gã bị hiểu lầm. “Không áp dụng cho con nít thò lò mũi xanh, và nhất là không phải cho con trai của một người thân chính quyền như ông.”

“Santiago là một đứa khó dạy, tôi biết rất rõ.” Mỉm cười rồi đổi sang nghiêm nghị, Carlitos, giọng ông đổi theo từng lời. “Nhưng đừng phóng đại, Don Cayo. Con trai tôi không âm mưu, lại càng không âm mưu với bọn cộng sản.”

“Để cậu ấy tự nói cho chúng ta, Don Fermín.” Một cách thân mật, khúm núm, Carlitos. “Cậu ấy làm gì trong khách sạn nhỏ ở Rímac đó, chi bộ gì, Cahuide là gì. Để cậu ấy giải thích tất cả mấy cái tên gọi lắt nhắt đó.”

Gã thổi ra một cụm khói, buồn rầu ngắm các cuộn xoáy.

“Ở cái nước này thậm chí chẳng có bọn cộng sản, Don Cayo.” Thấy khó nói vì ho và giận dữ, ông thịnh nộ giẫm lên điếu thuốc của mình, Carlitos.

“Không có nhiều, nhưng họ gây phiền toái.” Như thể tôi đã ra ngoài, Carlitos ạ, hay ngay cả không có mặt ở đó. “Họ ra tờ báo nhỏ in rônêô, tờ Cahuide. Những chuyện kinh khủng về Hoa Kỳ, về Tổng thống, về tôi. Tôi có đủ một bộ sưu tập, hôm nào tôi sẽ cho ông xem.”

“Tôi không dính dáng tới chuyện đó,” Santiago nói. “Tôi không biết một người cộng sản nào ở San Marcos.”

“Chúng ta để họ chơi trò cách mạng, chơi bất kỳ cái gì họ muốn, miễn là họ đừng đi quá xa.” Như thể mọi điều chính gã đang nói làm gã chán, Carlitos. “Nhưng một vụ bãi khóa chính trị, ủng hộ công nhân xe điện, tưởng tượng xem San Marcos dính líu gì với công nhân xe điện, thật là quá đáng.”

“Cuộc bãi khóa không mang tính chính trị,” Santiago nói. “Là Liên hội kêu gọi. Tất cả sinh viên…”

“Cậu thanh niên này là đại diện của lớp cậu ấy, một đại biểu của Liên hội, một đại biểu trong Ủy ban Bãi khóa.” Không lắng nghe tôi hay nhìn tôi, Carlitos ạ, gã mỉm cười với ông già tôi như thể gã đang kể chuyện khôi hài với ông vậy. “Và hai năm nay đã là một thành viên của Cahuide, tên của tổ chức Cộng sản. Hai đứa bị bắt chung với cậu ấy có tập hồ sơ dày, tụi nó là bọn khủng bố có tên tuổi. Chúng tôi không thể làm gì khác, Don Fermín.”

“Người ta không thể bắt giữ con tôi, nó không phải là tội phạm.” Không thể nén lâu hơn nữa, Carlitos, đập bàn, cao giọng. “Tôi là một người thân chính quyền, không phải chỉ mới hôm qua mà ngay từ đầu, và người ta nợ tôi nhiều ân huệ. Tôi sẽ nói chuyện ngay với Tổng thống.”

“Don Fermín, làm ơn.” Như thể bị tổn thương, Carlitos ạ, như thể bị người bạn thân nhất của gã phản bội. “Tôi gọi ông tới để chúng ta có thể dàn xếp riêng việc này, tôi biết hơn ai hết ông là bạn tốt của chính phủ. Tôi muốn để ông biết cậu thanh niên này định làm gì, thế thôi. Dĩ nhiên cậu ấy không bị bắt. Ông có thể đưa cậu ấy về nhà ngay bây giờ, Don Fermín.”

“Cám ơn anh rất nhiều, Don Cayo.” Lại bối rối, Carlitos, lau miệng bằng chiếc khăn tay của ông, cố mỉm cười. “Đừng lo về Santiago, tôi sẽ chịu trách nhiệm đưa nó vào con đường ngay thẳng. Bây giờ, nếu anh cho phép, tôi muốn ra về. Anh có thể hình dung tình trạng của mẹ nó lúc này.”

“Dĩ nhiên, ông hãy về trấn an bà.” Khổ sở, Carlitos ạ, cố tự minh oan, cố lấy lòng. “Ồ, dĩ nhiên, tên của cậu thanh niên này sẽ không xuất hiện ở bất cứ đâu. Cậu ấy không có hồ sơ. Tôi cam đoan với ông là sẽ không có dấu vết nào về vụ này.”

“Ừ, cái đó sẽ làm hại thằng bé về sau.” Mỉm cười, gật đầu, Carlitos, cố tỏ cho gã thấy rằng ông đã làm hòa với gã. “Cám ơn, Don Cayo.”

Họ ra về. Don Fermín đi trước và thân hình nhỏ gầy của Bermúdez theo sau, bộ áo vét sọc xám của gã, bước chân của gã ngắn và nhanh. Gã không đáp lại bọn lính gác giơ tay chào và lời chào của bọn mật thám thường phục. Sân trong, mặt tiền Tổng nha, các cánh cổng, không khí tươi mát, đại lộ. Chiếc xe ở cuối bậc thềm. Ambrosio cởi mũ, mở cửa, mỉm cười với Santiago, chào cậu chủ. Bermúdez gật đầu và biến mất vào sau cửa chính. Don Fermín lên xe: về nhà, nhanh, Ambrosio. Họ ra về, chiếc xe tiến ra Wilson, rẽ qua Arequipa, tăng tốc ở mỗi góc đường, và không khí tràn vào cửa sổ, Zavalita, để hắn có thể thở, để hắn khỏi phải suy nghĩ.

“Thằng chó đẻ đó sẽ phải trả giá cho việc này.” Vẻ bực dọc trên mặt ông, hắn nghĩ, vẻ mệt mỏi trong đôi mắt ông đang nhìn thẳng phía trước. “Thằng lai đê tiện đó sẽ không làm nhục mình như thế này nữa. Mình sẽ dạy cho nó biết chỗ của nó ở đâu.”

“Lần đầu tiên tôi nghe ông chửi rủa, Carlitos,” Santiago nói. “Lăng mạ một người như vậy.”

“Nó sẽ phải trả giá cho việc này.” Trán ông nhăn lại, hắn nghĩ, một cơn thịnh nộ lạnh. “Mình sẽ dạy cho nó cách đối xử với người trên của nó.

“Con xin lỗi đã đặt ba vào hoàn cảnh khó khăn này, papa, con thề là…” Và mặt hắn lật nhanh sang bên, hắn nghĩ, cái tát làm mày câm miệng, Zavalita.

“Lần đầu tiên và là lần duy nhất ba đánh tôi,” Santiago nói. “Ông có nhớ không, Ambrosio?”

“Con cũng sẽ phải trả lời cho ba, đồ hỉ mũi chưa sạch.” Giọng ông đổi sang gầm gừ, hắn nghĩ. “Con không biết là nếu con muốn âm mưu, con phải nhạy bén hay sao? Không biết là chỉ một đứa ngốc mới bày mưu trên điện thoại ở nhà mình sao? Không biết là cảnh sát có thể nghe sao? Điện thoại bị nghe lén, đồ ngu.”

“Họ đã ghi lại ít nhất mười cuộc đối thoại của tôi với người của Cahuide, Carlitos,” Santiago nói. “Bermúdez đã cho ông nghe. Ông cảm thấy nhục, điều đó làm ông đau nhất.”

Khi đến Colegio Raimondi, họ phải đi đường vòng; Ambrosio rẽ sang Arenales, và họ im lặng cho tới góc đường Javier Prado.

“Ngoài ra, không phải vì con.” Giọng ông phiền muộn, lo lắng, hắn nghĩ, khàn. “Hắn đang theo dõi ba. Hắn lợi dụng dịp này để cho ba biết mà không nói vào mặt ba.”

“Tôi nghĩ chưa bao giờ tôi cảm thấy cay đắng như thế, cho đến lần đó ở trong nhà thổ,” Santiago nói. “Bởi họ đã bị bắt vì tôi, vì chuyện giữa Jacobo và Aída, vì tôi được thả còn họ bị nhốt, vì ông già ở trong tình trạng như thế.”

Lại đến Avenida Arequipa, hầu như vắng tanh, ngọn đèn xe và hàng cọ dừa qua nhanh, các mảnh vườn và các căn nhà tối đen.

“Vậy con là cộng sản, đúng như ba đã đoán, con không đến San Marcos để học mà để chơi trò chính trị.” Giọng ông nhỏ và cay đắng, hắn nghĩ, gay gắt, chế giễu. “Để tụi lang bạt và bọn bất mãn lôi kéo.”

“Các kỳ thi con đều đậu, papa. Con luôn đạt điểm cao, papa.”

“Ba cần quái gì nếu con là một đứa cộng sản, một đứa Aprista, một đứa vô chính phủ, hay một đứa hiện sinh?” Lại nổi giận, hắn nghĩ, vỗ đầu gối, không nhìn mình. “Nếu con là một đứa ném bom hay một tên sát nhân? Nhưng chỉ sau khi con đến tuổi hai mươi mốt. Trước lúc đó con sẽ học và chỉ học. Vâng lời, chỉ vâng lời.”

Hắn nghĩ: đấy. Mày không biết là mày sẽ làm mẹ mày lo phát điên sao? Hắn nghĩ là không. Rằng mày sẽ lôi cha mày vào chuyện nhếch nhác sao? Không, Zavalita, mày không nghĩ tới. Phố Avenida Angamos, Diagonal, Quebradạ, Ambrosio khom người trên tay lái: mày không nghĩ, mày không nghĩ đến. Vì mày quá phong lưu, mọi thứ đều có người lo cho, đúng không? Papa nuôi mày, papa cho mày quần áo mặc và trả tiền học của mày và cho mày tiền, rồi mày chơi trò chủ nghĩa Cộng sản, rồi mày âm mưu chống những người đang cho papa mày có công ăn việc làm, không phải vậy, khốn khiếp. Không phải vì cái tát, papa, hắn nghĩ, con đau vì chuyện đó. Avenida 28 de Julio, hàng cây, Avenida Larco, con sấu nhỏ, con rắn, lưỡi dao.

“Khi con kiếm được tiền và tự lập, khi con không còn dựa vào túi của papa con nữa, khi ấy thì được.” Nhẹ nhàng, hắn nghĩ, hung bạo. “Tụi cộng sản, vô chính phủ, bom, bất kỳ cái gì con muốn. Còn trong lúc này thì phải học và vâng lời.”

Hắn nghĩ: đó là cái con không thể tha thứ cho ba, papa. Ga ra để xe trong nhà, các cửa sổ sáng đèn, nét mặt nhìn nghiêng của Teté trong một cửa sổ, Siêu Não về đến rồi, mama!

“Và có phải đó là lúc anh cắt đứt với Cahuide và các bạn anh?” Carlitos hỏi.

“Con đi vào, Ròm, ba phải dọn đống rác này.” Bây giờ hối hận, hắn nghĩ, đang cố thân thiện với mình. “Rồi đi tắm. Có trời biết con mang bao nhiêu chấy rận từ Tổng nha Cảnh sát về.”

“Và cắt đứt với Trường Luật và gia đình tôi và Miraflores nữa, Carlitos ạ.”

Mảnh vườn, mama, những cái hôn, mặt bà đẫm lệ, hắn không thấy việc gì đã xảy ra cho hắn vì hắn điên rồ như thế hay sao? ngay cả bà bếp và chị người làm cũng ở đó, tiếng hét nhỏ sôi nổi của Teté: đứa con trai hoang đàng trở về, Carlitos, nếu tôi ngồi trong ấy một ngày thay vì vài giờ, họ sẽ chào mừng tôi bằng một ban kèn đồng. Anh Nổ lao xuống thang: mày làm mọi người chóng mặt, hê. Họ bắt hắn ngồi xuống trong phòng khách và vây lấy hắn, Señora Zolia vò tóc hắn và hôn lên trán hắn. Anh Nổ và Teté đang tò mò muốn chết: trong nhà lao, ở Tổng nha, hắn có gặp tụi ăn cắp, tụi giết người không? Ông già đã cố gọi cho Dinh, nhưng Tổng thống đang ngủ, nhưng ông gọi Tổng nha và cho họ một trận, Siêu Não à. Làm trứng rán, Señora Zoila bảo người nấu bếp, một cốc sữa sôcôla, à còn bánh chanh không. Hắn đâu có làm gì, mama, chuyện lầm lẫn thôi mà, mama.

“Anh ấy hãnh diện là anh ấy đã bị bắt, anh ấy cảm thấy như người hùng,” Teté nói. “Bây giờ không còn gì cản được anh ấy nữa.”

“Hình mày sẽ đăng trên El Comercio,” Nổ nói. “Với số của mày và bộ mặt côn đồ.”

“Chuyện thế nào, người ta làm gì anh trong tù?” Teté hỏi.

“Họ lột quần áo mình, bắt mình mặc đồng phục sọc và cùm chân mình,” Santiago nói. “Ngục tối nhung nhúc chuột và không có ánh sáng.”

“Thôi đi, đồ bịa,” Teté nói. “Kể cho mọi người, kể cho mọi người như thế nào.”

“Vậy là bây giờ con thấy rồi, đồ điên, con có thấy muốn đi học ở San Marcos dẫn tới hậu quả gì chưa?” Señora Zoila nói. “Con có hứa với má là năm tới con sẽ chuyển qua Đại học Công giáo không? Là con sẽ không bao giờ dính đến chính trị nữa không?”

Hắn hứa, mama, không bao giờ mama, Ho đi ngủ lúc hai giờ đêm. Santiago thay quần áo, mặc bộ đồ ngủ, tắt đèn. Cơ thể hắn cảm thấy uể oải, nóng.

“Anh không bao giờ tìm gặp những người Cahuide nữa à?” Carlitos hỏi.

Hắn kéo chăn lên cổ, nhưng giấc ngủ không đến, và lưng hắn mỏi. Cửa sổ mở, hắn thấy vài ngôi sao.

“Llaque bị tù hai năm, Washington bị đày qua Bolivia,” Santiago nói. “Những người khác được thả hai tuần sau.”

Cảm giác bồn chồn như tên trộm rình mò trong bóng đêm, hắn nghĩ, ăn năn, ganh tị, xấu hổ. Con ghét ba papa, tôi ghét anh Jacobo, tôi ghét cô Aída. Hắn cảm thấy thèm hút thuốc kinh khủng nhưng không có điếu thuốc nào.

“Họ chắc đã nghĩ anh sợ,” Carlitos nói. “Nghĩ anh đã phản bội họ, Zavalita.”

Khuôn mặt của Aída, Jacobo và Washington và Solórzano và Héctor và mặt Aída lần nữa. Hắn nghĩ: ước muốn mình được bé lại, được tái sinh, được hút thuốc. Nhưng nếu đi xin anh Nổ, hắn sẽ phải nói chuyện với anh ấy.

“Tôi sợ, theo một cách nào đó, Carlitos,” Santiago nói. “Tôi đã phản bội họ, theo một cách nào đó.”

Hắn ngồi trên giường, lục trong túi áo khoác, đứng lên và tìm khắp các bộ quần áo trong tủ. Không mặc áo khoác trong nhà hay xỏ dép hắn đi xuống chỗ chiếu nghỉ cầu thang đầu tiên và vào phòng anh Nổ. Gói thuốc và bao diêm trên bàn ngủ, anh Nổ đang ngủ úp mặt xuống tấm trải giường. Hắn đi về phòng mình. Ngồi bên cửa sổ, bồn chồn, hắn hút thuốc một cách ngon lành, gạt tàn thuốc xuống vườn. Một lát sau hắn nghe tiếng ô tô ngừng ở cửa. Hắn thấy Don Fermín đi vào, thấy Ambrosio đi về căn phòng nhỏ của gã ở phía sau. Lúc này ông chắc đang mở cửa phòng làm việc sáng đèn của ông. Hắn lần tìm đôi dép và áo khoác trong nhà rồi đi ra ngoài phòng. Từ cầu thang hắn thấy đèn sáng trong phòng làm việc. Hắn đi xuống, ngừng lại bên cạnh cửa kính: ông ngồi trên một trong những chiếc ghế bành màu xanh lục, ly whiskey trong tay ông, với cặp mắt thức khuya của ông, những sợi tóc bạc trên thái dương ông. Ông chỉ bật ngọn đèn đặt trên sàn, hắn nghĩ, như nhiều đêm khi ông ở nhà đọc báo. Hắn gõ cửa, và Don Fermín đi tới mở cửa.

“Con xin được thưa chuyện với ba một lát, papa.”

“Vào đây, ở ngoài đó con sẽ cảm lạnh.” Không còn giận, Zavalita, mừng gặp mày. “Trời ẩm quá, Ròm.”

Ông nắm cánh tay hắn, dắt hắn vào, trở lại chiếc ghế bành, Santiago ngồi xuống đối diện ông.

“Mọi người thức tới bây giờ à?” Như thể ông đã tha thứ cho mày, Zavalita, hay chưa từng cãi nhau với mày. “Nổ có lý do ngày mai khỏi đến văn phòng.”

“Cả nhà đi ngủ đã lâu rồi, papa. Con không ngủ được.”

“Không ngủ được vì quá xúc động.” Nhìn mày một cách trìu mến, Zavalita. “Ôi dào, chẳng có gì tệ lắm. Bây giờ con phải kể hết mọi chi tiết cho ba. Họ đối xử với con có thật tử tế không?”

“Có, papa, họ thậm chí không thẩm vấn con.”

“Ôi dào, vậy thì cũng đâu đến nỗi sợ lắm.” Thậm chí với một chút kiêu hãnh, Zavalita. “Con muốn nói chuyện gì với ba, Ròm?”

“Con đã nghĩ về những gì ba nói và ba nói đúng, papa.” Cảm thấy miệng mày khô bất chợt, Zavalita. “Con muốn rời nhà và tìm việc. Việc gì để con tiếp tục học được, papa.”

Don Fermín không đùa cợt, không cười. Ông giơ ly rượu, uống một ngụm, lau miệng.

“Con giận cha của con vì cha của con tát con.” Nghiêng người tới để đặt tay lên đầu gối mày, Zavalita, nhìn mày như nói mày hãy quên chuyện đó đi, mình làm hòa đi. “Ở tuổi của con mà đã là nhà cách mạng bị săn đuổi và còn gì nữa.”

Ông thẳng lưng, lấy gói Chesterfield, bật lửa của ông.

“Con không giận ba, papa. Nhưng con không thể tiếp tục sống một cách và nghĩ một cách khác. Xin cố hiểu con, papa.”

“Con không thể tiếp tục sống thế nào?” Hơi tổn thương, Zavalita, chợt buồn, mệt mỏi. “Ở đây có cái gì đi ngược với cách nghĩ của con hả Ròm?”

“Con không muốn phụ thuộc vào tiền ba phát.” Cảm thấy tay mày run, giọng mày, Zavalita. “Con không muốn bất cứ cái gì con làm liên lụy đến ba. Con muốn tự lập, papa.”

“Con không muốn nhờ vào một nhà tư bản.” Mỉm cười một cách khổ sở, Zavalita, đau đớn nhưng không ác ý. “Con không muốn sống với cha con vì cha có hợp đồng với chính quyền? Có phải vì thế không?”

“Đừng giận, papa. Đừng nghĩ con định… papa.”

“Bây giờ con đã lớn, bây giờ ba có thể tin cậy con, đúng không?” Đưa một tay tới mặt mày, Zavalita, vỗ lên má mày. “Ba sẽ giải thích cho con tại sao ba giận đến thế. Bây giờ có một số việc đang đến điểm kết thúc. Giới quân nhân, nghị sĩ, nhiều nhân vật có thế lực. Điện thoại bị nghe lén vì ba, không phải vì con. Một số việc chắc đã bị lộ ra, thằng nông dân Bermúdez đó lợi dụng con để có thể cho ba biết là nó nghi ngờ gì đó, là nó biết. Bây giờ mình phải ngưng mọi thứ, bắt đầu lại từ đầu. Vì vậy con thấy chứ, cha của con không phải là một trong những kẻ xu nịnh Odría, hoàn toàn không phải. Chúng ta sẽ loại hắn ra, chúng ta sẽ kêu gọi bầu cử. Con có thể giữ bí mật chứ? Ba sẽ không kể chuyện này cho anh Nổ, con có thể thấy ba cư xử với con như một người trưởng thành, Ròm.”

“Âm mưu của Tướng Espina hả?” Carlitos hỏi. “Cha anh cũng dính líu à? Chuyện đó chưa hề lộ ra.”

“Vì thế con nghĩ con có thể bỏ đi và mặc kệ cha con.” Ông nói với mày bằng mắt là chuyện qua rồi, mình đừng nói gì nữa, ba thương con. “Con có thể thấy liên hệ của cha với Odría là bấp bênh, con có thể thấy là con không có lý do gì để ngại ngùng.”

“Không phải vì vậy, papa. Con chậm chí không chắc là con có quan tâm đến chính trị hay không, con có là người cộng sản hay không. Con muốn tự lập để con có thể quyết định rõ hơn con sẽ làm gì, con muốn là gì.”

“Mới lúc nãy, ngồi trong xe, ba nghĩ.” Cho mày thời gian để tập trung tư tưởng, Zavalita, vẫn mỉm cười. “Con có muốn ba đưa con ra ngoại quốc một thời gian không? Mễ Tây Cơ chẳng hạn. Thi kiểm tra xong thì tháng Giêng con có thể đi học ở Mễ một hoặc hai năm. Mình sẽ tìm cách thuyết phục mẹ con. Con nghĩ sao, Ròm?”

“Con không biết, papa, con không nghĩ tới.” Nghĩ là ông đang cố mua chuộc mày, Zavalita, là ông mới bịa ra để có thêm thời giờ. “Con phải suy nghĩ thêm, papa.”

“Con còn nhiều thời giờ từ nay đến tháng Giêng.” Đứng lên, Zavalita, lại vỗ lên mặt mày. “Từ đó con sẽ thấy sự việc rõ hơn, con sẽ thấy thế giới không phải là cái thế giới nhỏ bé của San Marcos. Đồng ý chứ, Ròm? Thôi bây giờ mình đi ngủ, đã bốn giờ rồi.”

Ông uống hết ly rượu, tắt đèn, họ cùng đi lên lầu. Đến phòng ngủ của hắn, Don Fermín nghiêng người hôn hắn: con phải tin cha con, Ròm, bất kể con là gì, bất kể con làm gì, con là đứa ba thương nhất, Ròm. Hắn vào phòng và đổ sập lên giường. Hắn nằm nhìn mảnh trời trong cửa sổ cho đến bình minh. Khi trời đủ sáng, hắn đứng dậy và đi đến tủ áo. Sợi kẽm vẫn nằm ở chỗ hắn đã giấu lần trước.

“Lần trước tôi ăn cắp của chính mình là đã lâu lắm rồi, Carlitos,” Santiago nói.

Mập mạp, mõm dài, đuôi cong, con lợn đứng giữa bức ảnh của anh Nổ và Teté, bên cạnh lá cờ trường dự bị đại học của hắn. Khi hắn moi xong tiền, ông giao sữa đã ghé đến, ông bánh mì, và Ambrosio đang lau xe trong nhà để xe.

“Sau đó bao lâu anh đến làm cho La Crónica?” Carlitos hỏi.

——————————–

  1. Vladimir Mayakovsky (1893-1930), nhà thơ và kịch tác gia Xô viết.
  2. Nâzım Hikmet Ran (1901-1963), nhà thơ, kịch tác gia và tiểu thuyết gia lãng mạn cách mạng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước
image
Chương 10
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!