Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 1 – Chương 2
Trước
image
Chương 2
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Popeye Arévalo đã ở cả buổi sáng trên bờ biển Miraflores. Anh nhìn cầu thang vô ích thôi, bọn con gái hàng xóm bảo nó, Teté không đến đâu. Thật vậy, Teté không đi bơi sáng hôm đó. Bị lừa, nó về nhà trước khi mặt trời đứng bóng, nhưng lúc nó đi lên đồi trên Quebrada, nó có thể hình dung cái mũi xinh của Teté, mấy lọn tóc quăn, đôi mắt nhỏ, và nó xúc động: chừng nào em mới để ý đến anh, khi nào, Teté? Nó về tới nhà, mái tóc hoe đỏ của nó còn ướt, khuôn mặt tàn nhang nóng bừng vì nắng. Nó thấy ông Nghị sĩ đang đợi nó: đến đây, Mặt Tàn Nhang, họ chuyện gẫu một chút. Họ vào phòng làm việc, đóng cửa lại, rồi ông Nghị sĩ hỏi, nó còn muốn học kiến trúc không? Còn, papa, dĩ nhiên nó muốn. Kẹt là kỳ thi vào trường khó quá, cả đám đi thi mà chỉ có vài đứa lọt vào. Nhưng nó sẽ cố học gạo và chắc nó sẽ thi đỗ. Ông Nghị sĩ vui rằng nó đã xong trung học mà không rớt môn nào, và từ dạo cuối năm tới giờ ông đối với nó giống như một người mẹ, hồi tháng Giêng ông đã cho nó thêm tiền tiêu xài, tăng từ hai chục lên bốn chục đồng. Dù vậy Popeye cũng chẳng hy vọng gì nhiều: ái dà, Mặt Tàn Nhang, vì Trường Kiến trúc khó vào, tốt hơn đừng thử thời vận năm nay, nó có thể ghi danh lớp luyện thi và chăm chỉ học, như thế năm tới chắc chắn con sẽ thi đỗ vào trường: nó nghĩ thế nào, Mặt Tàn Nhang? Hết sẩy, papa, mặt Popeye sáng lên thêm, mắt lấp lánh. Nó sẽ học gạo, nó sẽ học chết bỏ, và sang năm nó chắc chắn sẽ thi đỗ. Popeye đã sợ một mùa hè chán chết, không bơi lội, không xem xi nê suất ban ngày, không tiệc tùng, ngày đêm đắm mình vào môn toán, lý, hóa, rồi mặc dù hy sinh nhiều như vậy mình vẫn sẽ thi rớt và sẽ hoàn toàn uổng phí kỳ nghỉ của mình. Nhưng giờ thì khỏe rồi, bãi biển Miraflores, sóng Herradura, vịnh Ancón, và những hình ảnh thật như dãy ghế gần ban nhạc ở Leuro, ở Montecarlo, ở Colina, hết sẩy như phòng khiêu vũ nơi hắn và Teté nhảy bolero, như trong phim xi nê màu sắc rực rỡ. Con có vui không? ông Nghị sĩ hỏi, và nó đáp vui lắm. Ổng thiệt tử tế, nó nghĩ khi họ vào phòng ăn, và ông Nghị sĩ nói đúng vậy, Mặt Tàn Nhang, ngay khi hết mùa hè nó sẽ phấn đấu ra trò, nó có hứa không? và Popeye thề nó sẽ phấn đấu, papa. Trong lúc ăn trưa, ông nghị trêu nó, đứa con gái nhà Zavala vẫn chưa chịu xiêu lòng với con hả, Mặt Tàn Nhang? và nó đỏ mặt: giờ mới một chút thôi, papa. Con còn quá nhỏ đừng nên có bồ, bà già của nó nói, nó nên tránh xa chuyện dại dột. Nghĩ tào lao, nó lớn rồi, ông nghị nói, vả lại, Teté là đứa con gái xinh xắn. Đừng để bị xỏ mũi, Mặt Tàn Nhang, phụ nữ thích được năn nỉ, nó mà đi tán tỉnh bà già là chuyện khó khủng khiếp, và bà già cười rũ rượi. Điện thoại reng, người quản gia chạy tới: cậu Santiago bạn của cậu, thưa cậu. Mày phải gặp tao ngay, Mặt Tàn Nhang. Lúc ba giờ ở quán Cream Rica trên Larco hả Ròm? Đúng boong ba giờ, Mặt Tàn Nhang. Thằng anh rể của con định đập cho con một trận te tua nếu con không để Teté yên phải không, Mặt Tàn Nhang? ông Nghị sĩ mỉm cười, và Popeye nghĩ hôm nay ông vui tính dữ. Đâu có, nó và Santiago là bạn thân, nhưng bà già nhăn mặt: thằng nhỏ đó hơi bất bình thường, con có nghĩ thế không? Popeye đút một thìa kem vô miệng, ai nói vậy? một cái bánh lòng trắng trứng đường nữa, biết đâu nó có thể thuyết phục Santiago rằng hai đứa hãy về nhà hắn để cùng nghe mấy đĩa nhạc, rồi gọi Teté chỉ để tán gẫu một chút, Ròm. Chính Zoila đã nói như vậy hôm chơi bài canasta bữa thứ Sáu vừa rồi, bà già khăng khăng. Santiago hồi này đang gây nhức đầu cho Zoila và Fermín quá sức, hắn gây sự cả ngày với Teté và Nổ, hắn trở nên không vâng lời rồi hắn cãi lại. Thằng Ròm đỗ đầu kỳ thi cuối năm, Popeye phản đối, ông già với bà già nó còn muốn gì nữa?

“Nó không muốn vào Đại học Công giáo 1 mà đi San Marcos,” Señora Zoila nói. “Fermín bực mình lắm.”

“Tôi sẽ làm cho nó hiểu, Zoila, bà đừng dính líu vào,” Don Fermín nói. “Nó còn ở tuổi khờ dại, bà phải biết cách dẫn dắt nó. Nếu bà cự nự nó, nó sẽ càng cứng đầu thêm.”

“Thay vì khuyên lơn ông cứ đập cho nó mấy cái rồi nó sẽ nghe ông hơn,” Señora Zoila nói. “Người không biết dạy nó là ông.”

“Nó cưới cái thằng hay tới chơi nhà,” Santiago nói. “Popeye Arévalo, Mặt Tàn Nhang Arévalo.”

“Thằng Ròm với ông già nó không hợp nhau vì họ không suy nghĩ giống nhau,” Popeye nói.

“Vậy thằng thò lò mũi xanh còn chảy dãi đó nghĩ được cái gì?” Ông nghị cười to.

“Chăm học, lấy bằng luật sư, rồi con có thể thò tay vô chính trị,” Don Fermín nói. “Đúng không, Ròm?”

“Thằng Ròm nổi khùng vì ông già nó ủng hộ Odría trong vụ nổi loạn chống Bustamante 2 ,” Popeye nói. “Nó chống quân phiệt.”

“Nó là đứa theo Bustamante hả?” ông nghị hỏi. “Vậy mà Fermín nghĩ nó là đứa thần đồng trong gia đình. Nó không thể giỏi giắn gì nếu nó ngưỡng mộ gã nhu nhược Bustamante.”

“Ông ta có thể nhu nhược, nhưng ông ta là người đứng đắn và là một nhà ngoại giao,” bà già Popeye nói. “Còn Odría là một tên lính thô lỗ và là một thằng lai.”

“Đừng quên tôi là nghị sĩ theo phe Odría,” ông nghị cười to, “vì vậy dẹp chuyện Odría lai da đỏ đi, vớ vẩn.”

“Nó có ý đi San Marcos vì nó không thích mấy ông thầy tu và vì nó muốn đi tới chỗ thiên hạ ai cũng đi,” Popeye nói. “Nó làm như vậy thật, vì nó là đứa chống đối. Nếu ông bà già nó nói nó đi San Marcos, nó sẽ nói không, nó đi Đại học Công giáo.”

“Zoila nói đúng, ở San Marcos nó sẽ mất chỗ quen biết,” bà già của Popeye nói. “Tụi con trai gia đình khá giả toàn đi Đại học Công giáo.”

“Ở Đại học Công giáo cũng có tụi da đỏ đủ để má sợ chết khiếp, mama,” Popeye nói.

“Với số tiền Fermín kiếm được bây giờ, ông ấy trở thành bạn thiết với Cayo Bermúdez, thằng nhóc chẳng cần quen biết ai hết,” ông nghị nói. “Được rồi, Mặt Tàn Nhang, con đi chơi đi.”

Popeye rời bàn, đi chà răng, chải đầu rồi ra khỏi nhà. Mới hai giờ mười lăm, tốt hơn nên đi giết thời giờ. Tụi mình không phải là bạn sao, Santiago? ê, giúp tao vụ Teté một chút chứ. Nó đi lên Larco, nhấp nháy mắt vì nắng rồi ngừng lại nhìn vào cửa hàng Casa Nelson: những đôi giày da nai của người da đỏ với quần ngắn màu nâu và áo sơ mi màu vàng, hết sẩy. Nó tới quán Cream Rica trước Santiago, ngồi xuống bàn, từ đó nó có thể thấy con đường, và gọi một ly sinh tố vanilla. Nếu nó không rủ được Santiago về nhà Santiago nghe mấy đĩa nhạc, chúng sẽ đi xem xi nê suất trưa hay đi đánh bài ở Coco Becerra, thằng Ròm muốn nói chuyện gì với nó vậy kìa. Đúng lúc ấy Santiago đi vào, mặt dài, mắt bừng bừng: ông bà già hắn đuổi Amalia rồi, Mặt Tàn Nhang à. Cửa chi nhánh ngân hàng Banco de Crédito vừa mới mở, và nhìn qua cửa sổ của Cream Rica Popeye thấy các cánh cửa xoay vòng nuốt chửng những người nãy giờ đợi trên vỉa hè. Mặt trời chiếu sáng, mấy chiếc xe buýt tốc hành chạy ngang chở đầy người, đàn ông đàn bà tranh nhau tắc xi ở góc Shell. Tại sao họ đợi cho đến bây giờ mới đuổi chị ấy, Ròm? Santiago nhún vai, ông bà già hắn không muốn hắn nghĩ rằng họ đuổi chị vì chuyên tối hôm nọ, như thể hắn ngu lắm. Hình như hắn càng ròm hơn với bộ mặt đưa đám, mái tóc đen nhánh của hắn lòa xòa trên trán. Người hầu bàn đi đến, Santiago chỉ cái ly của Popeye, vanilla luôn nha? ừ. Rốt cuộc rồi cũng chẳng tệ hại gì lắm, Popeye khích lệ hắn, chị ấy sẽ kiếm được việc khác ngay thôi mà, chỗ nào người ta cũng cần gia nhân. Santiago nhìn móng tay hắn: Amalia là người tử tế, khi anh Nổ, Teté, hay tao cáu kỉnh, chị ấy lãnh đủ mấy lời la lối và chẳng bao giờ mách bọn tao với ông bà già, Mặt Tàn Nhang à. Popeye khuấy ly sinh tố bằng ống hút, tao muốn rủ mày về nhà mày nghe mấy đĩa nhạc, mày nghĩ sao anh rể? hắn hút bọt sinh tố.

“Bà già mày than phiền với vợ ông Nghị sĩ về vụ San Marcos,” nó nói.

“Bà cứ việc kêu ca tới Hoàng đế La Mã,” Santiago nói.

“Nếu vụ San Marcos làm ông bà già bực quá thì ghi danh vô Đại học Công giáo, đâu có khác gì đối với mày?” Popeye nói. “Hay là Đại học Công giáo khó hơn?”

“Ông bà già tao đếch cần biết chuyện đó,” Santiago nói. “Ổng bả không thích San Marcos vì ở đó có mấy đứa lai, và vì có nhiều chuyện chính trị, chỉ vì lý do như vậy.”

“Mày tự mua dây buộc mình,” Popeye nói. “Mày cứ luôn luôn chống đối mọi thứ, mày đặt hết mọi thứ xuống rồi mày quan tâm nhiều quá. Đừng để đời mày cay đắng chỉ vì chuyện tào lao, Ròm.”

“Cất lời khuyên của mày lại vô túi đi,” Santiago nói.

“Đừng làm như mày thông minh lắm, Ròm,” Popeye nói. “Mày học chăm học gạo kệ mày, nhưng đâu có lý do gì để mày nghĩ mọi người khác là khờ. Tối hôm qua mày đối xử với Coco cái kiểu làm tao tự hỏi tại sao nó không giết mày.”

“Nếu tao cảm thấy không thích đi dự thánh lễ, tao chả việc gì phải tìm cớ với cái thằng giữ mả nhà thờ đó,” Santiago nói.

“Bây giờ mày còn đóng vai vô thần nữa,” Popeye nói.

“Tao không đóng vai vô thần,” Santiago nói. “Chuyện tao không ưa mấy thầy tu đâu có nghĩa là tao không tin Chúa.”

“Ở nhà mọi người nói sao về chuyện mày không đi nhà thờ?” Popeye hỏi. “Teté nói sao, chẳng hạn?”

“Vụ chị da đỏ làm tao cay đắng lắm rồi, Mặt Tàn Nhang,” Santiago nói.

“Quên vụ đó đi, đừng có ngu,” Popeye nói. “Nhắc tới Teté, tại sao sáng nay nó không ra bãi biển?”

“Nó tới Regatas Club với mấy con bạn nào đó,” Santiago nói. “Tao chẳng hiểu tại sao mày không chịu học khôn.”

“Cậu tóc đỏ, cái cậu mặt tàn nhang,” Ambrosio nói. “Con trai của Nghị sĩ Emilio Arévalo, đúng rồi. Cô ấy có cưới cậu ta không?”

“Tui không thích người tóc đỏ hay người có tàn nhang.” Teté nhăn mặt. “Anh ấy có cả hai. Eo ơi, làm tui muốn bịnh.”

“Tao bực nhất là ông bà già đuổi chị ấy là vì tao,” Santiago nói.

“Mày nên nói là vì anh Nổ,” Popeye an ủi hắn. “Mày đâu có biết yohimbina 3 là cái gì.”

Anh của Santiago bây giờ chỉ được gọi là Nổ, nhưng trước kia, hồi anh ấy quyết định chơi nổi ở Câu lạc bộ Cử tạ Terrazas, họ gọi anh là Tarzan Nổ. Anh là học viên Trường Hải quân được mấy tháng, và khi họ đuổi anh (anh nói là vì anh nện một ông chuẩn úy), anh lang bang một thời gian khá lâu, đam mê cờ bạc, nhậu nhẹt và chơi trò du đãng. Anh ló mặt ở quảng trường San Fernando, hăm he đi đến Santiago, trỏ Popeye, Toño, Coco, hay Lalo: ê, Siêu Não, đứa nào trong đám tụi nó muốn đọ sức với anh ấy. Nhưng từ khi đến làm việc ở văn phòng của Don Fermín, anh trở nên rất đúng mực.

“Tao biết nó là cái gì, nhưng tao chưa bao giờ thấy,” Santiago nói. “Mày có nghĩ là nó làm đàn bà phát điên lên không?”

“Mấy chuyện của anh Nổ,” Popeye thì thầm. “Anh ấy nói với mày là nó làm họ phát điên lên hả?”

“Đúng, nhưng nếu cậu sờ vào họ, cậu có thể biến họ thành xác chết, thưa cậu Nổ,” Ambrosio nói. “Đừng làm tôi bị rắc rối nghe. Nhớ rằng nếu papa của cậu biết được là chết tôi.”

“Anh ấy có kể cho mày một thìa là đủ cho bất cứ bà nào cũng nhào tới mày không?” Popeye thì thầm. “Mấy chuyện đó, Ròm.”

“Cái đó phải thử,” Santiago nói. “Dù cho chỉ để thấy có đúng hay không thôi, Mặt Tàn Nhang.”

Hắn lặng im, bật cười bứt rứt, và Popeye cũng cười. Chúng thúc khuỷu tay nhau, cái khó là tìm người nào để thử thuốc, hào hứng, mệt mỏi, thế thôi, cái bàn và hai ly sinh tố rung lên bần bật: tụi nó phát điên, Ròm à. Anh Nổ đã nói gì với hắn khi anh ấy đưa nó cho hắn? Nổ và Santiago hòa thuận như chó với mèo, Nổ sẽ chơi xấu Ròm bất cứ khi nào anh ấy có dịp, và Ròm sẽ chơi xấu Nổ bất cứ lúc nào hắn làm được: chắc là một đòn chơi bẩn của anh mày, Ròm à. Không phải, Mặt Tàn Nhang, anh Nổ về nhà như thiên thần ngày lễ Phục sinh, tao thắng lớn ở trường đua, và chuyện chưa từng nghe nói là trước khi đi ngủ anh ấy vào phòng Santiago để cho hắn một vài lời khuyên: tới lúc mày tự chỉnh đốn lại rồi, mày là trai tân mà không mắc cỡ sao, một thằng to đầu như mày? và anh ấy cho hắn một điếu thuốc. Đừng sợ, Nổ nói, mày có bồ không? Santiago nói láo là hắn có bạn gái, thế là Nổ lo lắng: tới lúc phá trinh mày rồi, Ròm, tới lúc thật rồi.

“Chẳng phải em cứ nằng nặc đòi anh đưa em tới nhà thổ hay sao?” Santiago nói.

“Mày có thể bị lây cái gì rồi ông già sẽ giết tao,” Nổ nói. “Vả lại, đàn ông đúng nghĩa là phải đạt được cái mình có, họ không phải trả tiền cho nó. Mày cứ làm bộ tui-biết-hết, nhưng khi đụng tới đàn bà thì mày lớ ngớ như trên cung trăng, Siêu Não à.”

“Em không làm bộ tui-biết-hết,” Santiago nói. “Em tấn công khi bị tấn công. Nào, anh Nổ, đưa em tới nhà thổ.”

“Vậy tại sao mày cãi với ông già dữ vậy? Mày phản đối mọi chuyện ổng nói, làm ổng bực.”

“Em chỉ chống ổng khi ổng bắt đầu bênh Odría và tụi quân phiệt,” Santiago nói. “Nào, anh Nổ.”

“Mà tại sao mày chống lại quân đội?” Nổ hỏi. “Odría đã làm cái chó gì mày chưa?”

“Họ lên nắm quyền bằng vũ lực,” Santiago nói. “Odría bỏ tù nhiều người.”

“Chỉ bỏ tù tụi Aprista và tụi cộng sản thôi,” Nổ nói. “Thật ra với bọn đó ông ấy làm vậy còn là nhẹ tay à nhe. Nếu là tao thì tao bắn hết tụi nó. Đất nước hỗn loạn dưới thời Bustamante, người đứng đắn không thể làm việc yên ổn được.”

“Vậy thì anh là người không đứng đắn,” Santiago nói, “vì trong thời Bustamante anh lang bang.”

“Mày muốn ăn đòn đó nghe, Siêu Não,” Nổ nói.

“Em có ý kiến của em, anh có ý kiến của anh,” Santiago nói. “Nào, đưa em tới nhà thổ.”

“Dẹp nhà thổ đi,” Nổ nói, “nhưng tao sẽ giúp mày làm nên chuyện với đàn bà.”

“Người ta bán yohimbina trong hiệu thuốc phải không?” Popeye hỏi.

“Bán lậu,” Santiago nói. “Loại này bất hợp pháp.”

“Cho một chút vô Coca-Cola, lên bánh mì kẹp xúc xích,” Nổ nói, “rồi đợi cho nó có tác dụng. Khi con nhỏ bắt đầu hơi bứt rứt, lúc đó là tùy mày.”

“Họ phải bao nhiêu tuổi anh mới được đưa cho họ, nói thí dụ thôi, anh Nổ?” Santiago hỏi.

“Mày đâu có ngu tới nỗi đưa nó cho một đứa mười tuổi,” Nổ cười. “Mày có thể đưa cho một đứa mười bốn, nhưng chỉ ít thôi. Nhưng ở tuổi đó mày cũng chẳng dễ dàng gì hơn, mày sẽ rối muốn khùng lên.”

“Thật vậy hả?” Popeye hỏi. “Anh ấy không đưa cho mày một chút muối hay đường phải không?”

“Tao thử nó bằng đầu lưỡi,” Santiago nói. “Nó chẳng có mùi gì, chỉ là một chất bột hơi cay.”

Đường phố đông người hơn, thiên hạ cố leo lên mấy chiếc tắc xi và xe buýt tốc hành chật ních. Họ không xếp hàng, họ là một đám người hỗn tạp vẫy những chiếc xe buýt bịt lưới sắt màu xanh và trắng chạy ngang mà không ngừng lại. Bỗng nhiên, trong số các thân hình, hai bóng người tí hon giống hệt nhau, hai cái đầu tóc đen: cặp sinh đôi Vallerriestra. Popeye đẩy bức rèm sang một bên và vẫy họ, nhưng họ không thấy hoặc không nhận ra nó. Họ đang sốt ruột nhịp chân, bộ mặt nhỏ tươi tỉnh và rám nắng liên tục nhìn đồng hồ của Banco de Crédito, chắc tụi nó đi xem suất hát buổi chiều ở dưới phố, Ròm à. Mỗi lần một chiếc tắc xi lại gần, họ lại đi xuống đường với vẻ cương quyết, nhưng lần nào cũng mất chỗ.

“Có lẽ tụi nó đi một mình,” Popeye nói. “Ê, mình tới suất buổi chiều với tụi nó đi, Ròm.”

“Mày khoái Teté muốn chết kia mà, đồ trở cờ?” Santiago hỏi.

“Tao chỉ chết vì Teté thôi,” Popeye nói. “Dĩ nhiên, nếu thay vì suất xi nê buổi chiều, mày muốn về nhà mày nghe mấy đĩa nhạc thì tao chịu hết mình.”

Santiago lắc đầu hờ hững: hắn có một mớ tiền, hắn sẽ mang đến cho chị da đỏ, chị ấy sống gần đây, ở Surquillo. Popeye mở mắt, cho Amalia? rồi bắt đầu cười, mày định cho chị ta món tiền tiêu vặt của mày vì ông bà già mày đuổi chị ấy phải không? Không phải tiền tiêu vặt của tao, Santiago bẻ đôi cái ống hút, hắn đã lấy một trăm đồng trong con heo đất. Popeye chỉ ngón tay lên thái dương: thẳng đường tới nhà thương điên đi, Ròm. Vì lỗi của tao mà ổng bả đuổi chị ấy, Santiago nói, cho chị ấy ít tiền thì có gì là xấu? Ngay cả nếu mày yêu chị da đỏ, Ròm, một trăm đồng là món tiền lớn, với số tiền đó mình có thể mời cặp sinh đôi đi xi nê. Nhưng lúc đó cặp sinh đôi đang chui vào một chiếc Morris màu xanh lục, và Popeye nói trễ rồi, người anh em. Santiago bắt đầu hút thuốc.

“Tao không nghĩ là anh Nổ đưa thuốc kích dục cho bạn gái của anh ấy, anh ấy bịa chuyện để ra vẻ dữ dằn thôi,” Popeye nói. “Mày có đưa thuốc kích dục cho một đứa con gái đứng đắn không?”

“Cho người yêu của tao thì không,” Santiago nói. “Nhưng cho một cô lai thì tại sao không?”

“Vậy mày định làm gì?” Popeye thì thầm. “Mày có định đưa cho người nào không hay mày định vứt nó đi?”

Hắn đã nghĩ tới chuyện vứt nó đi, Mặt Tàn Nhang ạ, và Santiago hạ giọng, đỏ mặt, rồi hắn suy nghĩ và hắn lắp bắp, đúng lúc đó hắn nảy ra một ý. Chỉ để coi nó như thế nào thôi, Mặt Tàn Nhang, coi nó nghĩ sao.

“Ngu hết cách nói, với một trăm đồng mày có thể làm một ngàn thứ chuyện,” Popeye nói. “Nhưng tùy mày, tiền của mày mà.”

“Đi với tao, Mặt Tàn Nhang,” Santiago nói. “Ngay đây, ở Surquillo.”

“Nhưng sau đó tụi mình sẽ về nhà mày nghe nhạc,” Popeye nói. “Rồi mày gọi Teté.”

“Mày đúng là thằng tán gái ngu như bò, Mặt Tàn Nhang,” Santiago nói.

“Rồi nếu ông bà già mày biết ra thì sao?” Popeye hỏi. “Còn anh Nổ nữa?”

“Ông bà già tao sẽ đi Ancón tới thứ Hai mới về,” Santiago nói. “Còn anh Nổ đã tới trang trại của một người bạn.”

“Chuẩn bị trong trường hợp nó không hợp với chị ấy, trong trường hợp chị ấy ngất xỉu,” Popeye nói.

“Mình chỉ đưa chị ấy một ít thôi,” Santiago nói. “Đừng chết nhát, Mặt Tàn Nhang.”

Một tia sáng lóe lên trong mắt Popeye, mày có nhớ hồi mình rình Amalia ở Ancón không, Ròm? Trên mái nhà mày có thể nhìn thấy phòng tắm của gia nhân, hai khuôn mặt kề nhau trong cửa sổ ở mái nhà, phía dưới là hình dáng lờ mờ, một chiếc áo choàng tắm màu đen, ngon lành, chị lai, Ròm. Cặp nam nữ ở bàn bên cạnh đứng lên, Ambrosio chỉ người đàn bà: con đó là điếm, thưa cậu, cả ngày nó ở La Catedral kiếm khách. Họ thấy cặp đó đi ra, tới Larco, thấy chúng băng qua Calle Shell. Bến xe buýt lúc này đã vắng. Những chuyến xe buýt tốc hành và tắc xi bây giờ chạy ngang trống khách. Chúng gọi người hầu bàn, chia nhau trả tiền, làm sao gã biết cô đó là điếm? Vì La Catedral vừa là tiệm ăn và quán rượu, vừa là chỗ đón khách, thưa cậu, phía sau bếp có một phòng nhỏ, họ thuê nó hai đồng một giờ. Chúng đi dọc theo Larco, nhìn tụi con gái đang ra khỏi các cửa hàng, đám đàn bà đẩy mấy cái nôi có bọn con nít đang khóc. Trong công viên Popeye mua một tờ Última Hora rồi đọc lớn tin ngồi lê đôi mách, lật qua mấy trang thể thao, và khi chúng đi ngang tiệm La Tiendecita Blanca, ê, Lalo. Trên phố Alameda Ricardo Palma chúng vò nát tờ báo và giẫm vài cái cho đến khi nó rách tan rồi bỏ trên một góc đường ở Surquillo.

“Mình chỉ cần cho Amalia phát điên rồi bảo tao cuốn xéo đi,” Santiago nói.

“Một trăm đồng là cả một gia sản,” Popeye nói. “Chị ấy sẽ tiếp mày như ông vua.”

Chúng đang ở gần Cine Miraflores, đối diện khu chợ có các sạp gỗ trải chiếu và che vải bạt làm nơi bán hoa, đồ gốm và trái cây, rồi đi vào con đường có tiếng bắn súng, tiếng ngựa phi, tiếng hô xung trận của người da dỏ, tiếng trẻ con: Tử chiến ở Arizona. Chúng ngừng lại nhìn mấy tấm bích chương: một phim cao bồi, Ròm.

“Tao hơi bồn chồn,” Santiago nói. “Tao mất ngủ tối hôm qua, chắc là vì vậy.”

“Mày bồn chồn vì mày mất tinh thần,” Popeye nói. “Mày cứ để tao, rồi sẽ chẳng việc gì đâu, đừng chết nhát, tới phút chót mày lại là đứa mất tinh thần. Thôi mình đi xi nê vậy.”

“Tao không mất tinh thần, hết rồi,” Santiago nói. “Khoan đã, để tao coi ông bà già tao đã đi chưa.”

Chiếc xe không có đó, họ đã đi. Chúng băng qua vườn, đi ngang bồn nước phun lát gạch, nếu chị ấy đi ngủ rồi thì sao, Ròm? Tụi nó sẽ gọi chị ấy dậy, Mặt Tàn Nhang. Santiago mở cửa, tiếng bật công tắc và những cái bóng biến thành mấy tấm thảm, tranh ảnh, tấm gương, bàn và gạt tàn thuốc, đèn đóm. Popeye định ngồi xuống, nhưng Santiago nói, tụi mình lên phòng tao trước. Sân trong, phòng làm việc, cầu thang có tay vịn bằng sắt. Santiago để Popeye đứng trên chiếu nghỉ cầu thang, vào phòng và mở nhạc đi, hắn sẽ gọi chị ấy. Mấy lá cờ hiệu của trường, một tấm ảnh chụp anh Nổ, một tấm nữa chụp Teté trong bộ áo đầm mặc hôm rửa tội lần đầu, đẹp, Popeye nghĩ, một con lợn tai to mõm lớn trên bàn học, nó cầm lên, có thể có bao nhiêu tiền trong đó. Nó ngồi lên giường, vặn radio đồng hồ, một bản valse của Felipe Pinglo, tiếng bước chân, Ròm: mọi thứ ổn cả, Mặt Tàn Nhang. Hắn thấy chị ấy còn thức, mang Coca-Cola lên cho tôi, và chúng cười: suỵt, chị ấy đến, có phải chị ấy không? Đúng, chị ấy đứng ở cửa kìa, ngạc nhiên, dò xét chúng với vẻ ngờ vực. Chị khoanh tay dựa cửa, bộ váy hồng và áo cánh không cúc, chị không nói gì. Vừa là Amalia vừa không phải, Popeye nghĩ, làm sao chị có thể là người mặc tạp dề xanh đi khắp nhà thằng Ròm, cầm khay hay cây chổi phủi bụi trong tay. Tóc chị lúc này rối bời, chào cậu, một đôi giày đàn ông, và mày có thể thấy chị ấy hoảng sợ: chào chị, Amalia.

“Mẹ tôi nói chị thôi việc,” Santiago nói. “Thật đáng tiếc là chị ra đi.”

Amalia rời cánh cửa, nhìn Popeye, cậu khỏe chứ, cậu chủ, nó đã mỉm cười thân thiện với chị từ vỉa hè, rồi chị quay sang Santiago: chị ra đi ngoài ý muốn, Señora Zoila đã đuổi chị. Nhưng tại sao, thưa bà, thì Señora Zoila nói vì bà muốn như vậy, xếp va li của chị ngay lập tức. Chị nói và lấy tay chải tóc cho ngay ngắn, kéo lại áo cánh. Santiago lắng nghe chị với bộ mặt bứt rứt. Chị không muốn thôi việc, thưa cậu, chị đã van xin bà chủ.

“Đặt cái mâm lên bàn,” Santiago nói. “Ở lại một lát, bọn tôi đang nghe nhạc.”

Amalia đặt chiếc mâm trên có mấy cái ly và Coca-Cola trước bức ảnh anh Nổ rồi cứ đứng cạnh bàn học, mặt chị bối rối. Chị mặc bộ đồng phục gồm áo trắng, đi đôi giày gót thấp, nhưng không đeo tạp dề hay đội mũ. Tại sao chị đứng đó? đến đây, ngồi xuống, có chỗ mà. Làm sao chị dám ngồi, rồi chị bật lên một tiếng cười nhỏ, bà chủ không thích chị vào phòng các cậu, cậu ta không biết à? Vớ vẩn, mẹ tôi không có ở nhà, giọng Santiago bỗng trở nên căng thẳng, cả hắn lẫn Popeye sẽ không tố chị, ngồi xuống, vớ vẩn. Amalia lại cười, bây giờ cậu ấy nói vậy nhưng khi cậu ấy bực mình cậu ấy sẽ tố chị, và bà chủ sẽ nổi cơn lôi đình với chị. Tôi thề là thằng Ròm sẽ không tố chị, Popeye nói, đừng để tụi tôi phải van nài chị, ngồi xuống đi. Amalia nhìn Santiago, nhìn Popeye, ngồi xuống một góc giường và lúc này mặt chị nghiêm trang. Santiago đứng lên, đi tới cái mâm, đừng để lỡ tay nghe mày, Popeye nghĩ và nhìn Amalia: chị có thích cách hát của nhóm đó không? Nó chỉ cái radio, thứ thiệt, đúng không? Chị thích, họ hát hay. Chị để hai tay lên đầu gối, chị ngồi thẳng đơ, chị nheo mắt như để nghe rõ hơn: họ là Trovadores del Norte đấy, Amalia. Santiago vẫn đang rót Coca-Cola và Popeye đang nhìn trộm hắn, bứt rứt. Amalia có biết khiêu vũ không? Điệu valse, bolero, guaracha? Amalia mỉm cười, trở nên nghiêm nghị, lại mỉm cười: không, chị không biết. Chị nhích ra mép giường, khoanh tay. Cử động của chị gượng gạo, như thể quần áo chị quá chật hay lưng chị ngứa: bóng chị bất động trên sàn nhà.

“Tôi mang cho chị món này để chi tiêu,” Santiago nói.

“Cho tôi?” Amalia nhìn mấy tờ giấy bạc, không cầm lấy. “Nhưng Señora Zoila đã trả tôi cả tháng lương rồi, thưa cậu.”

“Mẹ tôi không đưa cái này cho chị,” Santiago nói. “Cái này là tôi đưa.”

“Nhưng tại sao cậu cho tôi tiền của cậu, thưa cậu?” Gò má chị đỏ, chị bối rối nhìn Ròm. “Làm sao tôi dám nhận?”

“Đừng dấm dớ,” Santiago khăng khăng. “Nào, Amalia.”

Hắn làm gương cho chị: hắn nâng ly rồi uống. Bây giờ radio đang chơi bản “Siboney”, và Popeye đã mở cửa sổ: khu vườn, cây cối thấp ngoài đường được cột đèn ở góc phố rọi sáng, mặt bồn nước phun rung động, nền gạch lấp lánh, tao hy vọng không xảy ra chuyện gì, Ròm. Ồ, thưa cậu, chúc sức khỏe cậu, và Amalia uống một ngụm lớn, thở dài, rồi đưa cái ly vơi phân nửa ra khỏi môi chị: ngon quá, dễ chịu, lạnh. Popeye đi đến cái giường.

“Nếu chị muốn, bọn tôi có thể dạy chị khiêu vũ,” Santiago nói. “Như vậy, khi chị có bạn trai, chị có thể đi dự tiệc với anh ấy mà không phải ngồi chầu rìa.”

“Chắc chị ấy có bạn trai rồi,” Popeye nói. “Nói thật đi, Amalia, chị có bồ chưa?”

“Xem chị ấy cười kia, Mặt Tàn Nhang,” Santiago nắm cánh tay chị. “Dĩ nhiên chị có, bọn tôi đã tìm ra bí mật của chị, Amalia.”

“Chị có, chị có.” Popeye ngồi xuống bên cạnh chị, cầm tay kia của chị. “Xem cách chị cười kìa, chị quỷ quái lắm đấy nhé.”

Amalia cười rũ rượi và giật hai cánh tay, nhưng chúng không buông chị ra, làm sao chị có bồ được, cậu ơi, chị không có, chị thúc khuỷu tay để đẩy chúng ra. Santiago vòng tay quanh eo chị, Popeye đặt một tay lên đầu gối chị, và Amalia tát: đừng, thưa cậu, đừng đụng chị ấy. Nhưng Popeye tiếp tục tấn công: đồ quỷ, đồ quỷ. Có thể chị ấy đã biết khiêu vũ và đang nói dối là chưa, nào, thú nhận đi: được rồi, thưa cậu, chị nhận. Chị cầm mấy tờ giấy bạc nhăn nhúm giữa các ngón tay, chỉ để chứng tỏ cho Santiago rằng chị không muốn xin, thế thôi, rồi chị bỏ chúng vào túi bộ váy chị mặc. Nhưng chị ân hận là lấy tiền của hắn, bây giờ hắn sẽ không có tiền mua ngay cả vé xi nê suất sáng Chúa nhật.

“Đừng lo,” Popeye nói. “Nếu nó cạn túi, mình sẽ đi quyên hàng xóm rồi mời nó.”

“Các cậu đúng là bạn bè,” và Amalia mở mắt như thể nhớ ra. “Nhưng vào đi chứ, dù chỉ một phút thôi. Xin thứ lỗi cho chỗ ở tồi tàn của tôi.”

Chị không để chúng kịp từ chối, chị chạy vào nhà và chúng đi theo chị. Những đốm mỡ và bồ hóng, vài cái ghế, mấy bức tranh đạo, hai cái giường không dọn. Chúng không thể ở lại lâu lắm đâu, Amalia, chúng có hẹn. Chị gật đầu, dùng cái váy đang mặc để phủi bụi trên bàn ở giữa phòng, chỉ vài phút thôi. Một tia tinh quái lóe lên trong mắt chị, chúng cứ trò chuyện và đợi chị một lát nhé? chị sẽ đi mua đồ đãi chúng, chị sẽ quay lại ngay. Santiago và Popeye nhìn nhau ngạc nhiên, mừng rỡ, chị là một người khác, Ròm, chị ấy hóa điên rồi. Tiếng cười của chị vang khắp cả phòng, mặt chị đổ mồ hôi, và mắt chị rơi lệ, vẻ bạo dạn của chị đã lây lan làm cái giường rung lên cót két. Bây giờ chị cũng vỗ tay theo điệu nhạc: đúng, đúng chị ấy biết nhảy. Có lần chúng đưa chị tới Agua Dulce, chị đã nhảy ở chỗ ban nhạc đang chơi, Popeye nghĩ chị điên hoàn toàn. Nó đứng lên, tắt radio, mở máy hát đĩa, quay lại giường. Bây giờ nó muốn xem chị ấy nhảy, chị vui quá, chị quỷ quái lắm nhé, nào, mình nhảy, nhưng Santiago đứng lên: hắn sẽ nhảy với chị, Mặt Tàn Nhang. Mày là thằng khốn, Popeye nghĩ, mày lợi dụng vì chị ấy là người làm cho nhà mày, và nếu Teté xuất hiện thì sao? và nó cảm thấy đầu gối của nó run và muốn ra về, đồ khốn. Amalia đã đứng lên và nhảy một mình qua căn phòng, đụng bàn ghế, vụng về và nặng trịch, ngân nga, xoay vòng mê mụ, cho đến khi Santiago ôm lấy chị. Popeye dựa đầu lên cái gối, với tay tắt đèn, bóng tối, khi ấy ánh đèn đường phác họa hai bóng người. Popeye nhìn họ bồng bềnh xoay tròn, nghe giọng the thé của Amalia, và nó xỏ tay vào túi, hắn có thấy là chị biết nhảy không, thưa cậu? Khi đĩa nhạc chấm dứt và Santiago quay lại ngồi trên giường, Amalia vẫn dựa vào cửa sổ, lưng chị quay về phía chúng, đang cười: anh Nổ nói đúng, nhìn chị ấy kìa, câm mồm lại thằng khốn. Chị đang nói, hát và cười, như thể chị đã say, thậm chí chị không thấy chúng, mắt chị trợn tròn, Mặt Tàn Nhang, Santiago hơi hoảng sợ, nếu chị ấy ngất đi thì sao? Đừng nói dấm dớ, Popeye nói vào tai hắn, đưa chị ấy đến giường. Giọng nó cương quyết, khẩn trương, nó đã cương cứng, Ròm, mày cương chưa? khổ não, mê mụ: hắn cũng đã, Mặt Tàn Nhang. Chúng sẽ cởi áo quần chị, chúng sẽ vuốt ve chị: chúng sẽ nhào lên chị, Ròm. Chồm nửa người ra ngoài vườn, Amalia lắc lư chầm chậm, lẩm bẩm điều gì, và Popeye thấy hình bóng chị phác trên nền trời đen: một đĩa nhạc nữa, một đĩa nhạc nữa. Santiago đứng lên, tiếng vĩ cầm làm nền và giọng của Leo Marini, mượt như nhung, Popeye nghĩ, và nó thấy Santiago đi ra ban công. Hai cái bóng nhập vào nhau, nó đã gợi ý cho hắn tất cả chuyện này, rồi bây giờ hắn để nó ngồi không một đống, mày phải trả công cho tao về mưu mẹo này, thằng khốn. Bây giờ họ thậm chí không cử động, chị lai thấp bé và dường như đang đeo bổng trên thằng Ròm, chắc hắn đang vuốt đẹp chị, quá sức rồi, và nó tưởng tượng giọng của Santiago, chị không mệt sao? tắc nghẽn và yếu ớt và như thể chị bị nghẹt thở, chị muốn nằm xuống không? đưa chị ấy tới đây, nó nghĩ. Họ bên cạnh nó, Amalia đang khiêu vũ như người mộng du, mắt chị nhắm, hai tay thằng Ròm vuốt lên vuốt xuống, biến mất sau lưng chị, và Popeye không nhìn ra được mặt họ, hắn đang hôn chị còn nó thì làm kẻ bàng quan vô tội, quá sức rồi, cứ tự tiện đi nhé, mấy nhóc con.

“Tôi đem mấy cái ống hút này nữa,” Amalia nói. “Các cậu uống bằng cách đó phải không?”

“Chị bận tâm làm gì,” Santiago nói. “Chúng tôi sắp về.”

Chị đưa Coca-Cola và ống hút cho chúng, kéo một cái ghế lại và ngồi xuống đối diện chúng; chị đã chải đầu, đã buộc tóc và cài cúc bộ áo và đang nhìn chúng uống. Chị không uống gì.

“Đáng lẽ chị không nên tiêu tiền của chị như thế, vớ vẩn lắm,” Popeye nói.

“Đâu phải tiền của tôi, tiền cậu Santiago cho tôi.” Amalia cười. “Chỉ mời các cậu một ít thôi mà.”

Cánh cửa ra đường mở, bên ngoài bắt đầu tối dần, và thỉnh thoảng có tiếng xe điện từ đằng xa. Nhiều người đang đi ngang trên vỉa hè, tiếng nói, tiếng cười, vài khuôn mặt ngừng lại thoáng nhìn.

“Giờ này mấy xưởng máy đang tan tầm,” Amalia nói. “Xui quá, phòng bào chế của cha cậu không ở gần đây, thưa cậu. Tôi phải đi xe điện tới Avenida Argentina rồi sau đó đi xe buýt.”

“Chị sắp làm ở phòng bào chế à?” Santiago hỏi.

“Papa của cậu không cho cậu biết à?” Amalia nói. “Ừ, bắt đầu thứ Hai.”

Lúc xách va li ra khỏi nhà, chị gặp Don Fermín, chị có muốn tôi cho chị một việc làm ở phòng bào chế không? tất nhiên chị muốn, Don Fermín, bất cứ ở đâu, thế là ông gọi cậu Nổ, nói cậu ấy gọi điện bảo Carrillo cho chị việc làm: thật là hợm hĩnh, Popeye nghĩ.

“Ồ, thế thì tốt,” Santiago nói. “Chị làm ở phòng bào chế khỏe hơn nhiều.”

Popeye rút gói Chesterfield của nó ra, mời Santiago một điếu, hơi do dự, rồi mời Amalia một điếu, nhưng chị không hút thuốc, thưa cậu.

“Có lẽ chị có hút, và chị dối bọn tôi như chị đã làm hôm nọ,” Popeye nói. “Chị bảo với bọn tôi là chị không biết khiêu vũ nhưng mà chị biết.”

Nó thấy chị tái mặt, không, thưa cậu, không, nó nghe chị lắp bắp, nó cảm thấy Santiago đang cựa quậy trên ghế, và nó nghĩ mình đã hớ. Amalia đã cúi gục đầu.

“Tôi nói đùa,” nó nói, và gò má nó nóng bừng. “Chị có gì mà xấu hổ, có chuyện gì xảy ra đâu, vớ vẩn nhỉ?”

Chị lấy lại sắc mặt, giọng chị: thậm chí chị không muốn nhớ, thưa cậu. Chị cảm thấy khó chịu làm sao, ngày hôm sau mọi thứ vẫn lẫn lộn trong đầu chị và đồ vật nhảy nhót trên tay chị. Chị ngẩng mặt, nhìn chúng một cách rụt rè, một cách ganh tị, với vẻ ngạc nhiên: Coca-Cola không làm gì các cậu ấy sao? Popeye nhìn Santiago, Santiago nhìn Popeye, rồi cả hai đứa nhìn Amalia: chị đã nôn suốt đêm, cả đời chị sẽ không bao giờ uống Coca-Cola nữa. Dù vậy, chị đã uống bia mà chẳng sao, và Pasteurina, chẳng sao, và Pepsi-Cola, chẳng sao, có thể Coca-Cola đó bị hỏng rồi chăng, thưa cậu? Popeye cắn môi, lôi khăn tay ra và xì mũi ầm ĩ. Nó bóp mũi và cảm thấy dạ dày nó sắp nổ tung: đĩa nhạc đã hết, bây giờ đã đến lúc, và nó rút nhanh tay ra khỏi túi quần. Họ vẫn chìm trong ánh nhá nhem, nào nào, ngồi xuống một lát, và nó nghe Amalia: hết nhạc rồi, thưa cậu. Một giọng nói khó khăn, tại sao cậu kia tắt đèn, hơi run rẩy, các cậu nên bật đèn lại nếu không thì chị đi ra, than thở yếu ớt, như thể một giấc mơ áp đảo hay tình trạng suy nhược nào đó làm chị kiệt sức, chị không thích bóng tối, chị không thích như thế. Một hình dáng dị kỳ, thêm một cái bóng giữa những cái bóng khác của căn phòng, và chúng dường như đang giả vờ vật nhau giữa cái bàn để cạnh đầu giường và bàn học. Nó đứng lên, đi tới chỗ họ, ra vườn đi Mặt Tàn Nhang, và nó nghĩ quá lắm rồi, nó đụng phải vật gì, cổ chân nó đau, nó không đi, đem chị ấy đến giường, buông tôi ra thưa cậu. Giọng Amalia cao lên, chuyện gì vậy, thưa cậu, chị giận dữ, và lúc này Popeye đã tìm thấy vai chị, buông tôi ra, nó nên buông chị ra, và nó lôi chị, đồ gan lì, làm sao cậu chủ dám, mắt nhắm, hơi thở nặng nề, và nó lăn lên giường cùng với họ: thế đấy, Ròm. Chị cười, đừng làm tôi nhột, nhưng hai tay và đôi chân chị cứ chống chọi, và Popeye cười bứt rứt: cút ra khỏi đây, Mặt Tàn Nhang, để yên cho tao. Nó không đi, tại sao nó lại phải đi, và lúc này Santiago đang đẩy Popeye và Popeye đang đẩy hắn, tao không về, và áo quần và làn da ẩm ướt lẫn lộn nháo nhào trong bóng tối, chân cẳng, bàn tay, cánh tay và chăn màn quay cuồng. Chúng đang làm chị chết ngạt, thưa cậu, chị không thở được: cách chị cười, chị quỷ quái lắm. Đi đi, chúng nên buông chị ra, một giọng chìm đắm, một hơi thở thú vật hổn hển đều đều, chầm chậm, và bỗng nhiên suỵt, những cái xô đẩy và những tiếng kêu nhỏ, và Santiago suỵt, và Popeye suỵt: cửa ra đường, suỵt. Teté, nó nghĩ, và nó cảm thấy thân thể mình tan biến. Santiago đã chạy ra cửa sổ, còn nó không thể cử động: Teté, Teté.

“Bọn tôi phải đi đây, Amalia.” Santiago đứng lên, để cái chai trên bàn. “Cám ơn đã mời bọn tôi vào.”

“Cảm ơn cậu, thưa cậu,” Amalia nói. “Cảm ơn cậu đã đến và cái cậu mang cho tôi.”

“Thỉnh thoảng ghé nhà thăm chúng tôi nhé,” Santiago nói.

“Dĩ nhiên, thưa cậu,” Amalia nói. “Và cho tôi gửi lời thăm bé Teté.”

“Cút ra khỏi đây, đứng lên, mày còn đợi gì,” Santiago nói. “Còn chị, kéo áo lại ngay ngắn và chải đầu lại một chút, chị ngốc.”

Hắn vừa mới bật đèn lên, hắn đang vuốt thẳng tóc, Popeye nhét áo vào quần và nhìn hắn, hoảng sợ: cút ngay, ra khỏi phòng ngay. Nhưng Amalia cứ ngồi trên giường, và chúng phải nâng tấm thân nặng muốn chết của chị lên, chị lảo đảo với vẻ khờ khạo, dựa lên cái bàn cạnh đầu giường. Nhanh, nhanh, Santiago vuốt tấm vải phủ giường, Popeye chạy tới tắt máy hát, ra khỏi phòng đi, chị ngốc. Chị không thể cử động, chị lắng nghe chúng với cặp mắt đầy vẻ ngạc nhiên, và chị tuột ra khỏi tay chúng, đúng lúc đó cửa mở và chúng buông chị ra: chào mama. Popeye thấy Señora Zoila, và nó cố mỉm cười, bà mặc quần tây và đội khăn màu hồng lựu, chào bác, và cặp mắt bà mỉm cười nhìn Santiago, nhìn Amalia, và nụ cười của bà nhạt dần rồi tắt: chào papa. Phía sau Señora Zoila hắn thấy khuôn mặt đầy, bộ ria mép xám và tóc mai dài, cặp mắt cười cợt của Don Fermín, ê, Ròm, mẹ con quyết định sẽ không, ê, Popeye, bác không biết cháu ở đây. Don Fermín vào phòng, sơ mi không cổ, áo khoác mùa hè, đôi giày hở gót, và ông bắt tay Popeye, bác khỏe chứ ạ.

“Con, tại sao con chưa ngủ?” Señora Zoila hỏi. “Quá mười hai giờ rồi.”

“Tụi con đói, con đánh thức chị ấy dậy để làm bánh mì cho tụi con,” Santiago nói. “Ba má không ngủ lại Ancón à?”

“Mẹ con quên là mẹ đã mời khách đến ăn trưa ngày mai,” Don Fermín nói. “Mẹ con chợt nhớ, nếu không…”

Qua khóe mắt, Popeye thấy Amalia bưng khay trên tay đi ra, chị nhìn sàn nhà và đi thẳng, tụi nó may mắn.

“Em gái con đã ở lại nhà Vallarinos,” Don Fermín nói. “Ôi dào, dự tính nghỉ ngơi cuối tuần này của cha không thành rồi.”

“Mười hai giờ rồi à, thưa bác gái?” Popeye hỏi. “Cháu phải chạy vội đây. Bọn cháu không để ý đến thời giờ, cháu cứ nghĩ mới mười giờ.”

“Ông nghị thế nào?” Don Fermín hỏi. “Các bác đã lâu lắm không gặp ông ấy ở câu lạc bộ.”

Chị đi ra đường với chúng, ở đó Santiago vỗ vai chị và Popeye chào tạm biệt: ciao, Amalia. Chúng đi về hướng đường xe điện. Chúng vào El Triunfo mua thuốc lá; nơi ấy đã tràn ngập dân nhậu và bọn chơi bi-da.

“Một trăm đồng mà chẳng được gì, một trò khoe mẽ khá ngông,” Popeye nói. “Hóa ra tụi mình ban ơn cho chị ta, bây giờ ông già mày cho chị ấy việc làm khá hơn.”

“Dù gì, tụi mình cũng đã gây rắc rối cho chị ấy,” Santiago nói. “Tao không tiếc một trăm đồng đó.”

“Tao không muốn lải nhải chuyện này hoài, nhưng mày cạn túi rồi,” Popeye nói. “Tụi mình đã làm gì chị ấy đâu? Giờ thì mày đã cho chị ấy năm tờ hai chục rồi đừng hối hận nữa.”

Chúng đi theo đường xe điện xuống Ricardo Palma rồi vừa bước đi vừa hút thuốc dưới hàng cây trên đại lộ giữa những hàng xe.

“Mày không thấy tức cười khi chị ấy nói về Coca-Cola kiểu đó sao?” Popeye cười to. “Mày nghĩ chị ấy ngu đến thế hay chị ấy giả vờ? Tao không biết lúc nãy làm sao tao nhịn được, tao són đái vì nín cười.” “Tôi muốn hỏi ông một chuyện,” Santiago nói. “Mặt tôi có phải là cái mặt của thằng chó đẻ không?”

“Và tao định nói với mày một điều,” Popeye nói. “Mày không nghĩ chị ấy chạy đi mua Coca-Cola cho tụi mình là rặt đạo đức giả chứ? Làm như chị ấy muốn xem tụi mình có lặp lại chuyện xảy ra tối hôm nọ hay không.”

“Mày là thằng đầu óc thối tha, Mặt Tàn Nhang ạ,” Santiago nói.

“Hỏi gì kỳ cục,” Ambrosio nói. “Dĩ nhiên là không, thưa cậu.”

“Thôi được, vậy thì chị lai này là bà thánh còn tao là đứa đầu óc thối tha,” Popeye nói. “Thôi, tụi mình đi về nhà mày nghe mấy đĩa nhạc đi.”

“Anh làm chuyện đó vì tôi hả?” Don Fermín hỏi. “Vì tôi hả, một thằng đen chó đẻ khốn khổ điên rồ như anh?”

“Tôi thề là không phải, thưa cậu.” Ambrosio cười. “Cậu đang trêu tôi đấy à?”

“Teté không có nhà,” Santiago nói. “Nó đi xem phim suất sớm với mấy đứa bạn gái rồi.”

“Nghe này, đừng chó đẻ thế, Ròm,” Popeye nói. “Mày nói láo phải không? Mày đã hứa rồi, Ròm.”

“Ông muốn nói mấy thằng chó đẻ không có bộ mặt của thằng chó đẻ, Ambrosio,” Santiago nói.

——————————

1. Đại học Công giáo do hàng giáo phẩm tại địa phương sáng lập ở nhiều nước và được Giáo hoàng phê chuẩn.

2. José Luis Bustamante y Rivero (1894-1989) là luật sư và nhà ngoại giao Peru. Năm 1945, ông là ứng viên của Mặt trận Dân chủ Quốc gia (Frente Democrático Nacional) liên hiệp với phe APRA và Đảng Cộng sản ra tranh cử và đắc cử tổng thống. Ông phục hồi tự do báo chí và các quyền căn bản, và thả tù chính trị. Năm 1948, tình hình trở nên xáo trộn, giới quân nhân tổ chức đảo chính để đưa Tướng Manuel Odría lên cầm quyền. Ông sống lưu vong ở Argentina đến năm 1955 mới được về nước. Năm 1960 ông được bầu làm thành viên của Tòa án Quốc tế ở La Haye và làm chủ tịch từ 1967 đến 1969.

3. Thuốc kích dục bào chế từ vỏ một loại cây ở Phi châu.

Trước
image
Chương 2
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!