Viên Trung úy không ngáp một lần nào trong cả chuyến đi; hắn nói suốt buổi về cách mạng, vừa giải thích cho anh trung sĩ đang lái xe jeep rằng bây giờ khi Odría đã nắm quyền thì bọn Aprista sẽ phục tùng, vừa hút thứ thuốc lá có mùi cứt gà. Họ rời Lima lúc bình minh và chỉ ngừng lại một lần, ở Surco, để trình giấy đi đường cho một nhóm tuần tra canh gác rào cản trên quốc lộ. Họ vào Chincha lúc bảy giờ sáng. Ở đó không có dấu hiệu nào của cách mạng: đường phố nhộn nhịp bọn học trò, không thấy một anh lính nào nơi gác đường. Viên Trung úy nhảy xuống lề đường, vào quán ăn có bán cả cà phê tên Mi Patria, nghe trên radio cũng bản thông cáo với tiếng nhạc quân hành làm nền mà hắn nghe đã hai ngày nay. Dựa vào quầy, hắn gọi cà phê sữa và bánh mì phết pho mát. Hắn hỏi người bồi mặc áo lót có bộ mặt cáu kỉnh rằng anh ta có biết Cayo Bermúdez, một thương gia trong thị trấn hay không. Gã trợn tròn mắt, hắn sắp bắt ông ấy chăng? Ông Bermúdez đó là một tay Aprista chăng? Làm sao có chuyện đó, ông ta chẳng dính líu tới chính trị. Thế thì tốt, chính trị là dành cho tụi vô công rồi nghề, chứ người làm việc chăm chỉ thì đâu có dính vô, Trung úy đang tìm ông ta vì một việc riêng. Hắn sẽ không tìm thấy ông ấy ở đây đâu, ông ấy chẳng bao giờ tới đây. Ông ấy sống trong căn nhà nhỏ màu vàng phía sau nhà thờ. Đó là căn nhà duy nhất có màu đó, mấy nhà khác xung quanh màu trắng hay xám và cũng có một căn màu nâu. Trung úy gõ cửa, đợi, rồi nghe tiếng bước chân và một giọng hỏi ai đó.
“Ông Bermúdez có nhà không?” Trung úy hỏi.
Cánh cửa kẽo kẹt mở và một bà tiến ra: một bà da đỏ mập, bộ mặt đen đúa đầy nốt ruồi, đúng vậy thưa ông. Người ở Chincha nói phải chi ông gặp bà từ hồi xưa chứ không phải bây giờ. Vì hồi còn con gái bà ta trông không đến nỗi tệ. Khác như đêm với ngày, tôi cho ông biết, vật đổi sao dời, đúng vậy thưa ông. Tóc bà ta rối tung, tấm khăn choàng len phủ hai vai bà ta nom như cái túi vải đay.
“Ông ấy không có nhà.” Bà ta nhìn nghiêng, cặp mắt nhỏ tham lam ngờ vực. “Chuyện gì? Tôi là vợ ông ấy.”
“Ông ấy sắp về chưa?” Trung úy dò xét người đàn bà với vẻ ngạc nhiên, nghi ngờ. “Tôi đợi ông ấy được không?”
Bà ta tránh khỏi cửa. Bên trong, viên Trung úy cảm thấy buồn nôn giữa đám bàn ghế nặng nề, những cái chậu không hoa, chiếc máy may và các bức tường lốm đốm vết đen hay lỗ thủng hoặc mấy con ruồi. Người đàn bà mở của sổ, một vệt nắng rọi vào. Mọi thứ cũ mòn, trong phòng có quá nhiều đồ đạc. Thùng chất đống trong các góc, hàng chồng báo. Người đàn bà lẩm bẩm một câu cáo lỗi rồi biến vào lòng hành lang tối. Trung úy nghe tiếng một con chim hoàng yến đang ríu rít đâu đó. Bà ấy có thật là vợ ông ta không? Đúng vậy thưa ông, dĩ nhiên bà ấy là vợ ông ta, có làm lễ nhà thờ, một chuyện đã làm rúng động Chincha. Khởi đầu ra sao? Từ năm nảo năm nao, khi gia đình Bermúdez bỏ trang trại De la Flor. Gia đình gồm có Kên Kên, bà già Doña Catalina đi lễ nhà thờ, và đứa con trai, Don Cayo, hồi đó có lẽ vẫn còn đang bò. Kên Kên đã từng làm cai trong trang trại, và khi ông ta đến Chincha, thiên hạ nói là trại De la Flor đuổi ông ta vì tội ăn cắp. Ở Chincha ông trở thành kẻ cho vay nặng lãi. Ai cần tiền thì tới Kên Kên, tôi cần bây nhiêu, anh đưa tôi cái gì để bảo đảm, cái nhẫn này, cái đồng hồ này, và nếu anh không trả thì ông ta giữ món đồ, và tiền lãi của Kên Kên cao tới nỗi thiên hạ nợ ông ta nhiều tới mức họ coi như chết rồi. Đó là lý do họ gọi ông ta là Kên Kên, vâng thưa ông: ổng sống trên xác chết. Chỉ trong vài năm ông ta kiếm được khối tiền, và ông ta vớ bở khi chính phủ của Tướng Benavides 1 bắt đầu tống bọn Aprista vào tù và trục xuất họ; Trưởng khu Núñez ra lệnh, Đại úy Rascachucha nhốt bọn Aprista vào khám và đuổi gia đình họ đi, Kên Kên bán đấu giá tài sản của họ, rồi ba người chia chác với nhau. Có tiền, Kên Kên trở nên quan trọng, vâng thưa ông, ông ta thậm chí làm thị trưởng Chincha, và người ta thấy ông ta đội mũ quả dưa trên Plaza de Armas trong các buổi diễn hành vào mấy ngày lễ. Và ông vênh váo lắm. Ông bắt thằng con trai luôn luôn đi giày và không được giao du với tụi da đen. Hồi bọn họ còn nhỏ, họ chơi đá banh, ăn cắp trái cây trong vườn, Ambrosio đến thăm nhà gã và Kên Kên chẳng buồn để ý. Nhưng khi họ giàu tiền lắm của, họ đá hắn ra, và họ mắng Don Cayo nếu bắt gặp gã chơi với hắn. Hắn là gia nhân của gã à? Ồ, không thưa ông, bạn của gã, nhưng chỉ là hồi gã còn bằng cỡ này thôi. Bà đen có sạp hàng ở góc đường nơi Don Cayo sống hồi đó, gã và Ambrosio quấy phá bà rất nhiều. Rồi họ bị Kên Kên tách ra, đúng vậy thưa ông, đời mà. Don Cayo được đưa vào Trường José Pardo, và bà đen xấu hổ vì Trifulcio, bèn dắt Ambrosio với Perpetuo đến Mala, và khi họ trở về Chincha, Don Cayo luôn luôn đi với một đứa bạn học ở Trường José Pardo, thằng Miệt Núi. Ambrosio gặp gã ngoài đường, và gã không dùng cách nói chuyện thân mật nữa, chỉ xưng hô trịnh trọng. Trong các sinh hoạt ở José Pardo, Don Cayo ngâm thơ, đọc mấy bài diễn văn ngắn, cầm cờ của trường trong các buổi diễu hành. Thần đồng của Chincha, thiên hạ nói, một bộ óc của tương lai, và Kên Kên nhỏ dãi mỗi khi nói về đứa con trai của ông và nói gã sẽ tiến xa, thiên hạ nói vậy. Và gã tiến xa thật, vâng thưa ông, phải thế không?
“Bà nghĩ ông ấy đi có lâu lắm không?” Trung úy dụi điếu thuốc trong cái gạt tàn. “Bà biết ông ấy đang ở đâu không?”
“Và tôi cũng đã cưới vợ,” Santiago nói. “Ông không cưới vợ sao?”
“Đôi khi ông ấy về nhà ăn trưa rất trễ,” người đàn bà lầm bầm. “Ông muốn nhắn gì không?”
“Cậu cũng cưới vợ rồi, thưa cậu, sớm thế?”Ambrosio nói.
“Tôi sẽ đợi ông ấy,” Trung úy nói. “Tôi hy vọng ông ấy đừng đi quá lâu.”
Gã đã học năm cuối ở trường, Kên Kên sẽ gửi gã đi Lima để học làm một thằng luật sư bất lương, và thiên hạ nói Don Cayo được sinh ra để làm chuyện đó. Ambrosio sống trong khu ổ chuột ở ngoại ô Chincha hồi trước, vâng thưa ông, trên đường đi tới cái nơi là Grocio Prado sau này. Và một lần hắn tình cờ gặp gã ở đó, và biết ngay là gã đang trốn học, và tự hỏi ngay rằng con nhỏ đó là ai. Đè nó ra? Không thưa ông, nhìn nó với cặp mắt của một thằng điên. Hắn giả vờ không chú ý, đứa nhìn mấy con lợn, đứa đợi. Gã đã bỏ sách vở xuống đất, gã đang quỳ gối, mắt gã nhìn tới các lán nhà, và Ambrosio nói nhà nào, tôi tự hỏi nhà nào. Nhà Rosa, vâng thưa ông, đứa con gái của Túmula, bà bán sữa. Một đứa con gái ốm tong teo không có gì đặc biệt, hồi đó nó nom giống một con nhỏ da trắng hơn là da dỏ. Con nít có đứa sinh ra xấu xí rồi về sau đẹp ra, Rosa lúc đầu coi được rồi cuối cùng như con chó. Coi được thôi, không đẹp, không xấu, một trong những đứa mà đàn ông da trắng ban ơn huệ một lần rồi thì nếu tao từng gặp mày thì tao cũng quên béng rồi. Đầu vú nó nhỏ chưa thành hình dạng, một thân hình còn trẻ vậy thôi, nhưng bẩn tới nỗi thậm chí không thể sửa soạn cho nó đi dự thánh lễ được. Người ta thường thấy nó ở Chincha dắt con lừa chở mấy cái bình, vâng thưa ông, bán từng bầu từ nhà này qua nhà khác. Con gái của Túmula, con trai của Kên Kên, ông có thể hình dung ra vụ tai tiếng, vâng thưa ông. Kên Kên hồi ấy đã có một tiệm bán đồ gia dụng và một kho hàng, và thiên hạ kể ông ấy nói là khi thằng con từ Lima về với mảnh bằng luật sư, nó sẽ làm ra khối tiền. Doña Catalina cả ngày ở nhà thờ, bạn thân với ông linh mục, xổ số cho người nghèo, cho nhóm Hành động Thiên chúa giáo. Thế mà thằng con lảng vảng quanh đứa con gái của bà bán sữa, ai mà ngờ được. Nhưng vậy đó, vâng thưa ông. Nó bị hấp dẫn vì kiểu đi của con nhỏ hay chi chi đó, thiên hạ nói một số đứa thích có một con chó lai hơn là một con chó thuần chủng. Chắc gã nghĩ, mình sẽ xài con nhỏ, chơi nó rồi bỏ nó, và con nhỏ biết rằng thằng nhóc da trắng đang nhỏ dãi vì nó, và chắc gã nghĩ mình sẽ để gã dập mình tơi tả, chơi mình, rồi mình sẽ túm lấy nó. Sự thực là Don Cayo khờ đau khờ đớn, vâng thưa ông: anh cần gì? Viên Trung úy mở mắt, đứng bật dậy.
“Xin lỗi, tôi thiếp đi mất.” Hắn xoa tay lên mặt, ho. “Ông Bermúdez phải không ạ?”
Bên cạnh người đàn bà xấu ghê khiếp là một ông có bộ mặt khô cằn và chua chát, độ tuổi bốn mươi, mặc sơ mi trần, kẹp cái cặp dưới cánh tay. Gấu quần loe của gã che mất đôi giày. Quần của thủy thủ, viên Trung úy nghĩ vội, quần của thằng hề.
“Chính tôi,” người đàn ông nói, như thể chán chường hay bực bội. “Anh đợi tôi lâu chưa?”
“Xin ông xếp hành lý,” viên Trung úy vui vẻ nói. “Tôi đưa ông đi Lima.”
Nhưng người đàn ông không thay đổi nét mặt. Mặt gã không nở nụ cười, mắt gã không tỏ vẻ ngạc nhiên hay cảnh giác hay mừng rỡ. Cặp mắt nhìn hắn với vẻ đơn điệu dửng dưng như trước.
“Đi Lima?” gã chậm rãi hỏi, mắt gã mờ đục. “Ai muốn gặp tôi ở Lima?”
“Đại tá Espina chứ ai,” Trung uy nói bằng cái giọng có chút đắc thắng. “Bộ trưởng Công an chứ ai.”
Người đàn bà há hốc miệng, Bermúdez không chớp mắt. Gã vẫn trơ ra, rồi một nụ cười thoáng qua làm thay đổi vẻ khó chịu lơ mơ trên khuôn mặt gã, một giây sau mắt gã lại trở nên dửng dưng và chán nản. Gan ông ta dở chứng, Trung úy nghĩ, gánh phải bà vợ như vậy thì cay đắng vì đời cũng dễ hiểu. Bermúdez ném cái cặp lên bộ ghế dài.
“Ừ, đúng. Hôm qua tôi nghe nói Espina giữ một chức bộ trưởng trong Hội đồng Quân nhân.” Gã rút gói Inca, mời Trung úy một điếu thuốc hút không nổi. “Thằng Miệt Núi không cho anh biết tại sao hắn muốn gặp tôi à?”
“Chỉ nói là ông ấy cần ông gấp.” Thằng Miệt Núi ư, Trung úy nghĩ. “Và bảo tôi phải đưa ông về Lima, ngay cả nếu tôi phải gí súng vào ngực ông.”
Bermúdez buông người xuống cái ghế bành, bắt tréo chân, thổi ra một bụm khói làm mờ khuôn mặt gã, và khi khói tan, Trung úy thấy gã đang mỉm cười với hắn, như thể ông ta đang ban ơn cho mình, hắn nghĩ, như thể ông ta đang giễu cợt mình.
“Hôm nay tôi không đi khỏi Chincha được,” gã nói lơ mơ hơn. “Tôi có một vụ làm ăn phải giải quyết với một trang trại ở gần đây.”
“Nếu Bộ trưởng Công an triệu hồi ai thì người đó phải đi không thể viện cớ gì,” Trung úy nói. “Xin ông hiểu cho, ông Bermúdez.”
“Hai chiếc máy kéo mới, tiền hoa hồng khá,” Bermúdez giải thích với bầy ruồi, hoặc với mấy cái lỗ thủng, hoặc với bóng đen. “Không có thời giờ đi chơi Lima.”
“Máy kéo?” Trung úy tỏ bộ mặt tức tối. “Làm ơn suy nghĩ một chút, và đừng phí thời giờ nữa.”
Bermúdez hút một hơi thuốc, lim dim cặp mắt ti hí lạnh lùng của gã, rồi gã thong thả thở khói ra.
“Khi anh phải trả tiền hóa đơn ngập tới đây, anh phải nghĩ tới mấy cái máy kéo,” gã nói, như thể gã không nghe hay thấy hắn. “Nói với thằng Miệt Núi là vài ngày nữa tôi sẽ ghé qua.”
Trung úy nhìn gã với vẻ khiếp đảm, thích thú, bối rối: nếu sự việc cứ như thế này, hắn sẽ phải rút súng ra gí vào ngực ông, ông Bermúdez, nếu sự việc cứ như thế này người ta sẽ cười hắn. Nhưng Don Cayo như thể chẳng có chuyện gì, vâng thưa ông, trốn học và vào khu ổ chuột, và các bà chỉ trỏ gã, Rosa, họ thì thầm với nhau và cười nhạo gã, Rosita, coi ai tới kìa. Đứa con gái của Túmula rất táo bạo, vâng thưa ông. Thử tưởng tượng, con trai của Kên Kên đến đó để gặp nó, ai mà nghĩ nổi. Nó không ra nói chuyện với gã, nó co lại, nó chạy tới chỗ mấy con bạn nó, cả bọn cười, cả bọn lẳng lơ. Gã không màng chuyện đứa con gái lạnh nhạt với gã, hình như chuyện ấy còn làm gã sôi sục hơn. Con nhỏ biết cách làm bộ, đứa con gái của Túmula biết, vâng thưa ông, và khỏi cần phải nói tới mẹ của con nhỏ đó, ai cũng biết, trừ gã. Gã cam chịu hết, gã đợi, gã quay lại xóm ổ chuột, con nhỏ lai sẽ có ngày vào tròng, nghe chưa thằng đen, gã mới là đứa vào tròng, vâng thưa ông. Cậu không thấy là con đó hợm hĩnh thay vì cảm ơn cậu à, Don Cayo? Bảo nó cuốn xéo xuống âm phủ đi, Don Cayo. Nhưng gã như bị bùa yêu, cứ đuổi theo nó, và thiên hạ bắt đầu đồn đãi. Người ta đàm tiếu khắp nơi, Don Cayo. Và gã đéo cần, gã làm cái gì bụng gã bảo gã làm, và lẽ tự nhiên là bụng gã bảo gã bắt đứa con gái. Ừ, ai dám chê gã, bất cứ thằng con trai da trắng nào cũng có thể thích một con nhỏ lai, làm cái chuyện nhỏ này, và ai mà thèm để ý, vâng thưa ông, đúng không? Nhưng Don Cayo theo đuổi nó như thể là chuyện đứng đắn, thế có điên không? Và điên hơn nữa là con Rosa tự cho phép nó kiêu kỳ, đối xử với gã như rác. Hình như nó tự cho phép nó làm cao, vâng thưa ông,
“Chúng tôi đã đổ đầy xăng, tôi nói với Lima là chúng ta sẽ tới nơi khoảng ba giờ rưỡi,” Trung úy nói. “Bất cứ lúc nào ông sẵn sàng, ông Bermúdez.”
Bermúdez đã thay sơ mi và mặc áo vét xám. Gã cầm chiếc va li nhỏ, cái mũ bèo nhèo, cái kính râm.
“Hành lý của ông tất cả có thế thôi sao?” Trung úy hỏi.
“Tôi còn bốn chục túi nữa,” Bermúdez càu nhàu. “Đi, tôi muốn quay về Chincha nội trong hôm nay.”
Người đàn bà nhìn tay trung sĩ, anh ta đang kiểm tra dầu nhớt chiếc xe jeep. Bà ta đã cởi tạp dề, bộ váy chật làm nổi lên cái bụng phình và bộ mông quá khổ của bà. Thứ lỗi cho tôi, viên Trung úy đưa tay cho bà, vì đã bắt trộm chồng bà, nhưng bà ta không cười. Bermúdez đã ngồi vào ghế sau xe jeep, và bà đang nhìn ông như thể bà ghét ông ta, Trung úy nghĩ, hay như sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa. Hắn lên xe, thấy Bermúdez lơ đãng vẫy tay tạm biệt, và họ ra đi. Mặt trời thiêu đốt, đường sá vắng vẻ, một mùi phát buồn nôn từ mặt đường bốc lên, cửa sổ các căn nhà lấp lánh.
“Lần ông đến Lima cách đây lâu chưa?” viên Trung úy đang cố tỏ ra vui vẻ.
“Mỗi năm tôi đi hai ba lần vì công việc,” gã nói với vẻ lạnh nhạt, không thân thiện, kiểu giọng nói nhỏ, uể oải, máy móc, bực bội. “Tôi đại diện cho vài công ty nông nghiệp ở đây.”
“Bọn tôi không làm đám cưới, nhưng tôi cũng có một bà của tôi,” Ambrosio nói.
“Nhưng làm sao doanh nghiệp của ông không khá?” Trung úy hỏi. “Không phải các địa chủ ở đây họ giàu lắm sao? Có nhiều bông gòn lắm phải không?”
“Vậy sao?” Santiago hỏi. “Ông có cãi nhau với bà ấy không?”
“Hồi trước thì khá,” Bermúdez nói; ông ta không phải là người khó chịu nhất Peru vì vẫn còn Đại tá Espina, Trung úy nghĩ, nhưng sau Đại tá thì còn ai ngoại trừ ông này. “Với luật kiểm soát hối đoái, người trồng bông gòn đã ngưng làm những gì họ vẫn làm, và anh phải đổ mồ hôi máu chỉ để bán một cái cuốc cho họ.”
“Cô ấy chết bỏ tôi lại ở Pucallpa, thưa cậu,” Ambrosio nói, “Cô ấy để lại cho tôi một đứa con gái còn nhỏ.”
“Ôi dào, đó là lý do chúng tôi làm cách mạng,” Trung úy nói một cách khôi hài. “Bây giờ xáo trộn khắp nơi. Khi quân đội nắm quyền thì ai nấy sẽ phục tùng hết. Ông sẽ thấy sự việc sẽ khá hơn dưới tay Odría.”
“Thật sao?” Bermúdez ngáp. “Ở đây con người ta thay đổi, Trung úy, chứ sự việc thì không bao giờ đổi.”
“Ông không đọc báo à? Ông không nghe radio à?” Trung úy khăng khăng với nụ cười mỉm. “Truy quét đã bắt đầu. Tụi Aprista, tụi lưu manh, tụi cộng sản, tất cả nhốt tù hết. Sẽ không còn một đứa sâu bọ nào phất phơ ngoài đường phố.”
“Ông đi Pucallpa làm gì?” Santiago hỏi.
“Đứa khác sẽ xuất hiện,” Bermúdez gay gắt nói. “Để làm sạch tụi sâu bọ ở Peru anh sẽ phải bỏ vài trái bom và quét sạch tụi tôi ra khỏi tấm bản đồ.”
“Để làm việc, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Ý tôi là để kiếm việc.”
“Ông nói thật hay đùa đấy?” Trung úy hỏi.
“Ông già tôi có biết ông ở đó không?” Santiago hỏi.
“Tôi không thích đùa,” Bermúdez nói. “Tôi luôn luôn nói nghiêm túc.”
Chiếc xe jeep chạy qua một thung lũng, không khí có mùi tôm cua, và đằng xa có những đồi cát trơ trụi. Trung sĩ vừa nhai điếu xì gà vừa lái xe, và Trung úy đã kéo sụp mũ xuống tai: nào, thằng đen, họ sẽ uống mấy chai bia. Họ đã nói chuyện thân mật, vâng thưa ông, Ambrosio đã nghĩ gã cần mình, và tất nhiên, chắc là dính dáng đến con Rosa. Gã đã kiếm được một chiếc xe tải nhỏ, một căn nhà nông trại, và gã đã thuyết phục được tên bạn Miệt Núi của gã. Và gã cũng muốn Ambrosio giúp gã, trong trường hợp gặp rắc rối. Rắc rối chuyện gì, nói tôi nghe coi? Con nhỏ có cha hay anh em nào không? Không, chỉ có Túmula, thứ rác rưởi. Hắn muốn giúp gã, ngoại trừ chuyện đó. Hắn không sợ Túmula, Don Cayo à, hay bọn người trong khu định cư, nhưng còn papa của gã thì sao hả Don Cayo? Vì nếu Kên Kên biết ra thì Don Cayo chỉ bị ăn đòn, nhưng còn hắn thì sao? Ổng sẽ không biết đâu, thằng đen, ổng sẽ đi Lima ba ngày, và khi ổng trở về Rosa sẽ quay lại khu định cư. Ambrosio đã cả tin, vâng thưa ông, hắn bị lừa mà đi giúp gã. Vì bắt cóc một đứa con gái trong một đêm là một chuyện, làm chuyện của mình rồi thả nó ra là một chuyện, còn cưới nó là một chuyện khác, vâng thưa ông, đúng không? Con quỷ trong Don Cayo đã biến hắn và thằng Miệt Núi thành hai thằng ngốc, vâng thưa ông. Cả bọn họ, ngoại trừ Rosa và ngoại trừ Túmula. Ở Chincha thiên hạ nói rốt cuộc đứa được nhiều nhất là đứa con gái của bà bán sữa, từ chuyên cưỡi lừa đi giao sữa nó trở thành một bà mệnh phụ và con dâu của Kên Kên. Mọi người khác đều thua cuộc: Don Cayo, cha mẹ gã, ngay cả Túmula, vì bà mất con gái. Hay có lẽ Rosa là đứa đĩ thõa ranh ma. Ai mà nói được chuyện này, vâng thưa ông, chẳng đáng gì, và đứa chẳng ra gì lại trúng số và còn vớ bở nữa. Ambrosio phải làm gì à, thưa ông? Đi tới quảng trường lúc chín giờ, thế là hắn đi và đợi, rồi bọn chúng đón hắn, chúng lái xe vòng vòng và khi người ta đi ngủ, chúng đậu chiếc xe tải bên cạnh nhà ông điếc Don Mauro Cruz. Don Cayo sẽ gặp đứa con gái ở đó lúc mười giờ. Dĩ nhiên con nhỏ tới, sao nó lại không tới cơ chứ. Nó xuất hiện, Don Cayo tiến đến, tụi nó ở lại trong xe tải. Gã chắc đã nói điều gì với nó, hay chắc nó đã đoán ra chuyện gì, sự thể là bỗng nhiên đứa con gái của Túmula bắt đầu chạy, và Don Cayo hét bắt nó lại. Thế là Ambrosio chạy, bắt nó và quảy nó lên vai rồi khiêng nó về đặt ngồi trong xe tải. Đến lúc ấy thì hắn hiểu ra mánh khóe của Rosa, vâng thưa ông, khi ấy ta thấy nó giở mánh ra. Không một tiếng la, không một tiếng rên, chỉ chạy vòng vòng, vài cái cào cấu nhẹ, vài cái đấm nhẹ. Dễ nhất là bắt đầu la hét, người ta sẽ ra, nửa khu định cư sẽ nhào lên tụi nó, vâng thưa ông, đúng không? Ai nói con nhỏ sợ chết khiếp, ai nói nó mất giọng? Nó đá và cào trong khi hắn khiêng nó, và trong chiếc xe tải nó giả vờ khóc vì mặt nó đã được che đi, nhưng Ambrosio không nghe nó khóc. Thằng Miệt Núi nhấn ga, chiếc xe tải phóng ra khỏi ngõ ngang. Chúng tới nông trại, Don Cayo đi ra, còn Rosa thì không cần ai phải khiêng, nó đi thẳng vào nhà, vâng thưa ông, ông thấy chứ? Ambrosio đi ngủ, tự hỏi hôm sau Rosa sẽ nom như thế nào, và liệu nó có kể cho Túmula rồi Túmula có kể cho mama đen của hắn và mama đen của hắn có la mắng hắn không. Chẳng ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, chẳng ai biết đâu ông. Vì hôm sau Rosa không trở lại, Don Cayo cũng không, cả ngày kia, hay ngày kìa. Trong khu định cư, Túmula khóc sướt mướt, còn ở Chincha, Doña Catalina khóc sướt mướt, và Ambrosio không biết xoay đi đâu. Tới ngày thứ ba, Kên Kên trở về rồi đi báo cảnh sát, và Túmula cũng đi báo cảnh sát. Ông có thể tưởng tượng người ta ngồi lê đôi mách ra sao, vâng thưa ông. Nếu thằng Miệt Núi và Ambrosio tình cờ gặp nhau ngoài đường, chúng không nói một tiếng nào, chắc nó cũng hoảng hồn. Tui nó chỉ thò mặt ra vào tuần sau, vâng thưa ông. Gã đâu có phải làm như vậy, chẳng ai gí súng vào ngực gã nói nhà thờ hay nhà táng. Gã đã tự ý tìm ông linh mục. Người ta nói họ thấy tụi nó xuống xe đò ở Plaza de Armas, rằng gã nắm cánh tay Rosa, rằng họ thấy tụi nó đi vào nhà Kên Kên như thể tụi nó mới đi dạo về. Chắc tụi nó xuất hiện bất thình lình ở đó, với nhau, thử tưởng tượng xem, Don Cayo chắc đã rút ra tờ hôn thú rồi nói tụi con đã cưới nhau, có thể nào ông tưởng tượng nổi bộ mặt Kên Kên phải khoác lên lúc đó, vâng thưa ông, chuyện này là cái quỷ gì vậy?
“Họ đang săn lùng tụi sâu bọ ở đó hả, Trung úy?” Bermúdez chỉ khuôn viên trường đại học với nụ cười tẻ ngắt. “Chuyện gì ở San Marcos vậy?”
Các chướng ngại vật của quân đội chặn bốn góc quảng trường và có nhiều toán lính tuần tiễu đội mũ sắt, cảnh sát dã chiến và cảnh sát cưỡi ngựa. Vài tấm biểu ngữ dán lên các bức tường ở San Marcos ghi, Đả đảo độc tài, Aprismo 2 là cứu tinh duy nhất của Peru. Cửa chính của trường đại học bị đóng, mấy tấm trướng đám tang phấp phới trên các ban công, và trên mái nhà những cái đầu nhỏ nhìn các cử động của binh lính và cảnh sát. Các bức tường trong sân trường đại học vang động âm thanh lúc to lúc nhỏ giữa những tràng vỗ tay hoan hô.
“Vài đứa Aprista cố thủ trong đó từ hôm hai mươi bảy tháng Mười.” Trung úy vẫy viên sĩ quan chịu trách nhiệm ở rào chắn trên Avenida Abancay. “Tụi côn đồ trong ‘đội trâu nước’ vẫn chưa rút ra được bài học nào.”
“Tại sao người ta không bắn tụi nó?” Bermúdez hỏi. “Quân đội khởi sự dọn dẹp kiểu này đây hả?”
Một viên trung úy cảnh sát tiến đến chiếc xe jeep, giơ tay chào, nhìn tờ giấy đi đường Trung úy đưa anh ta xem.
“Tụi làm loạn đó xoay xở thế nào rồi?” Trung úy hỏi, chỉ về phía San Marcos.
“Ở đó gây rối,” viên Trung úy cảnh sát nói. “Lâu lâu tụi nó ném đá sỏi. Đi qua đi, Trung úy.”
Cảnh sát dời mấy cái giá cưa đi để dẹp đường, chiếc xe jeep đi qua Quảng trường Đại học. Trên các tấm trướng phấp phới có mấy tấm bìa trắng, Tiếc thương cho Tự do, vẽ đầu lâu và hai khúc xương bắt chéo bằng sơn đen.
“Tôi muốn bắn tụi nó, nhưng Đại tá Espina muốn bao vây cho tụi nó chết đói phải mò ra,” Trung úy nói.
“Tình hình ở các tỉnh thế nào?” Bermúdez hỏi. “Tôi nghĩ là có rắc rối ở phía Bắc. Tụi Aprista ở đó mạnh.”
“Tất cả yên hết, tụi APRA kiểm soát Peru là chuyện hoang đường,” Trung úy nói. “Ông thấy bọn lãnh tụ của tụi nó chạy vào các tòa đại sứ ngoại quốc để tị nạn rồi đó. Ông chưa bao giờ thấy một cuộc cách mạng nào hòa bình hơn, thưa ông Bermúdez. Còn vụ San Marcos có thể giải quyết trong chớp mắt nếu cấp trên muốn.”
Trên đường phố trong nội thành không có cuộc chuyển quân nào. Chỉ trên Plaza Italia mới thấy lính đội nón sắt xuất hiện lại. Bermúdez xuống xe jeep, vươn vai, đợi Trung úy, chán chường nhìn xung quanh.
“Ông đã tới Bộ bao giờ chưa?” Trung úy cố khích lệ gã. “Tòa nhà cũ, nhưng các văn phòng rất lịch sự. Phòng của Đại tá có treo tranh và các thứ.”
Tụi nó đi vào, và chưa tới hai phút sau cánh cửa mở ra, như thể bên trong có một trận động đất, Don Cayo và Rosa bò lê bò càng chạy ra, Kên Kên theo sau, vừa chửi bới một tràng vừa xông tới đánh như con bò đực, người ta nói là một cảnh đáng xem, vâng thưa ông. Ông ta không tức đứa con gái của Túmula, ông ta hình như không đánh con nhỏ, chỉ đánh thằng con của ổng thôi. Ông ta cho nó một đấm ngã lăn, cho nó một cú đá làm người nó xốc lên, và cứ như thế suốt tới Plaza de Armas. Ở đó người ta giữ ông ta lại, vì nếu không ổng sẽ giết chết nó. Ông ta không chấp nhận nó cưới vợ kiểu đó, con nít thò lò mũi xanh như nó, và nhất là cưới một đứa như vậy. Ông không bao giờ chấp nhận, dĩ nhiên, và ông không bao giờ nhìn mặt Don Cayo nữa hay cho nó một xu. Don Cayo phải tự kiếm sống cho gã và cho Rosa. Đứa mà Kên Kên nói sẽ là bộ óc lớn của tương lai giờ thậm chí còn chưa học xong trung học. Thay vì nhờ một linh mục, nếu tụi nó chỉ nhờ ông thẩm phán tòa hòa giải làm đám cưới thì Kên Kên sẽ xóa hôn thú trong chớp mắt, nhưng làm sao ông ta thương lượng được với Chúa, thưa ông? Lại còn Doña Catalina là bà già chuyên đi nhà thờ nữa. Họ có thể đã hội ý, ông linh mục chắc đã bảo họ rằng ông bà chẳng làm gì được, tôn giáo là tôn giáo, và hễ là vợ chồng thì sống với nhau tới chết. Vì thế Kên Kên chẳng còn làm gì được nữa, chỉ còn biết tuyệt vọng. Thiên hạ nói ông ta đập ông linh mục đã làm đám cưới cho tụi nó một trận, sau đó ông ta bị từ chối giải tội, và để cho ông ta sám hối họ bắt ông trả tiền xây một trong mấy tháp chuông của ngôi nhà thờ mới ở Chincha. Vì thế ngay cả tôn giáo cũng được chia phần thịt trong vụ này, vâng thưa ông. Kên Kên không bao giờ gặp lại hai đứa nữa. Hình như khi ông ta cảm thấy mình sắp chết, ông ta hỏi tao có đứa cháu nội nào không? Có lẽ nếu ông có cháu ông sẽ tha thứ cho Don Cayo, nhưng Rosa không những trở thành xấu xí kinh hoàng, vâng thưa ông, y thị còn chẳng bao giờ phình bụng. Thiên hạ nói chính vì vậy đứa con trai của ông ta sẽ không được thừa hưởng gì, Kên Kên bắt đầu tống khứ những gì ông ta có bằng cách nốc rượu và làm từ thiện, và nếu thần chết không bất thần tóm ông thì chắc ông đã cho luôn căn nhà ông có phía sau nhà thờ. Ông ta chưa kịp làm thế, không thưa ông. Tại sao gã ở với con da đỏ bằng ấy năm? Mọi người nói thế này với Kên Kên: yêu đương rồi sẽ phai, gã sẽ trả đứa con gái lại cho Túmula và ông sẽ có lại thằng con của ông. Nhưng gã không làm, tôi tự hỏi tại sao. Chẳng phải vì tôn giáo, tôi không nghĩ vậy, Don Cayo chẳng bao giờ đi nhà thờ. Để chọc giận cha của gã? Vì gã ghét Kên Kên, ông bảo thế à? Để lừa ông ấy, cho ông ấy thấy tất cả hy vọng ông ấy đã đặt vào gã sẽ tan thành khói? Tự làm khốn khổ khốn nạn đời mình để cha gã thất vọng mà chết? Ông nghĩ vì vậy à? Làm ông ấy phải chịu đau khổ với bất cứ giá nào, ngay cả tự biến mình thành rác rưởi? Ôi dào, tôi không biết, không thưa ông, nếu ông nghĩ vậy thì chắc phải vì vậy. Đừng nhìn kiểu đó, mình đang có một bữa nói chuyện thú vị mà. Ông cảm thấy không khỏe à? Ông không nói về Kên Kên và Don Cayo mà đang nói về chính ông và cậu Santiago, vâng thưa ông, đúng không? Được rồi, tôi sẽ im, ừ, tôi thấy anh đâu có nói chuyện với tôi. Tôi đâu có nói gì, không thưa ông, đừng làm như thế, đừng thưa ông.
“Pucallpa ra sao?” Santiago hỏi.
“Thị trấn nhỏ chẳng đáng gì,” Ambrosio nói. “Cậu chưa bao giờ tới đó à, thưa cậu?”
“Tôi sống cả đời mơ mộng về chuyện đi du lịch, ấy vậy mà tôi chỉ đi xa năm chục dặm, chỉ một lần,” Santiago nói. “Ít nhất ông cũng đã đi linh tinh.”
“Nó mang lại xui xẻo cho tôi, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Pucallpa chỉ mang lại rắc rối cho tôi.”
“Nghĩa là sự việc tồi tệ đối với mày,” Đại tá Espina nói. “Tệ hơn so với mấy đứa trong lớp mình. Mày không có một xu, và mày vẫn còn là một thằng nhà quê.”
“Tao không có thời giờ theo chân cả lớp,” Bermúdez bình thản nói, nhìn Espina mà không ngạo mạn, không khiêm nhường. “Nhưng mày, dĩ nhiên, mày làm khá hơn cả lớp cộng lại.”
“Đứa học trò giỏi nhất, đứa thông minh nhất, đứa chăm học nhất,” Espina nói. “Bermúdez sẽ là Tổng thống và Espina là Bộ trưởng của nó, Ông Già Đốm thường nói vậy. Nhớ chứ?”
“Ngay hồi đó mày đã muốn làm bộ trưởng, đúng vậy,” Bermúdez nói với nụ cười mỉm chua chát. “Coi kìa, bây giờ mày là bộ trưởng thật rồi. Mày chắc vui, đúng không?”
“Tao không xin nó mà cũng không kiếm nó.” Đại tá Espina giơ tay cam chịu. “Người ta ấn nó cho tao và tao nhận vì nhiệm vụ.”
“Ở Chincha thiên hạ nói mày là sĩ quan của phe Aprista, mày tới dự tiệc rượu của Haya de la Torre 3 ,” Bermúdez nói tiếp, mỉm cười nhạt nhẽo. “Rồi bây giờ, thử nghĩ mà coi, mày săn lùng tụi Aprista như sâu bọ. Thằng nhóc Trung úy mày cử đi đón tao nói như vậy. À, tiện thể, đã tới lúc mày nói cho tao biết tại sao tao được vinh hạnh quá cỡ như vầy.”
Cửa văn phòng mở ra, một ông có bộ mặt dè dặt bước vào cúi chào, tay cầm vài tờ giấy, ông ta vào được chứ, thưa ông Bộ trưởng? Nhưng khi ấy Đại tá Tiến sĩ Alcibíades ra hiệu ngăn ông ta lại, không ai được quấy rầy họ. Người đàn ông cúi chào lần nữa, thưa vâng, ông Bộ trưởng, rồi ông ta đi ra.
“Ông Bộ trưởng.” Bermúdez hắng giọng, không nuối tiếc quá khứ, hờ hững nhìn xung quanh. “Tao không tin nổi. Như là chuyện mình ngồi đây. Như cái chuyện mình đã ngoài bốn mươi.”
Đại tá Espina nhìn gã mỉm cười trìu mến, tóc hắn đã rụng nhiều, nhưng không thấy sợi bạc trong những chùm tóc còn lại, và bộ mặt màu đồng của hắn vẫn tráng kiện; hắn chậm rãi đảo mắt nhìn khắp khuôn mặt sạm nắng và biếng nhác của Bermúdez, thân hình già trước tuổi, khổ hạnh chìm trong cái ghế lớn bọc nhung đỏ.
“Mày tự làm mình khốn khổ khốn nạn với vụ cưới vợ điên khùng đó,” hắn nói với giọng thoáng ngọt ngào và cha chú. “Sai lầm lớn của đời mày, Cayo. Tao đã cảnh cáo mày, nhớ chứ.”
“Mày rủ tao tới để nói chuyện về vụ cưới vợ của tao hả?” gã hỏi mà không tức giận, không hăng hái, cùng cái giọng nhỏ nhẹ bình thường như bao giờ. “Thêm một câu nữa là tao đi về.”
“Mày vẫn vậy. Vẫn cáu kỉnh.” Espina cười. “Rosa thế nào? Tao biết tụi mày không có đứa con nào.”
“Nếu mày không thấy phiền, mình vào thẳng vấn đề,” Bermúdez nói; một thoáng mệt mỏi che phủ mắt gã, miệng gã mím chặt vì hết kiên nhẫn. Các mái nhà, gờ mái, cột ăng ten bẩn thỉu trên nền mây dày đặc trong khung cửa sổ phía sau Espina.
“Dù tụi mình không gặp nhau nhiều, mày vẫn luôn là đứa bạn thân nhất của tao.” Đại tá hầu như buồn bã nói. “Hồi mình còn nhỏ tao phục mày lắm. Cayo. Nhiều hơn mày phục tao. Tao ngưỡng mộ mày, tao thậm chí ganh tị mày.”
Bermúdez điềm tĩnh dò xét Đại tá. Điếu thuốc hắn cầm trên tay đã cháy hết, tàn rơi xuống thảm, mấy cuộn khói chạm mặt hắn rồi tan biến như sóng vỗ vào những tảng đá nâu.
“Hồi tao làm bộ trưởng cho Bustamante, cả lớp tìm đến tao, tất cả, trừ mày,” Espina nói. “Tại sao? Mày không khá khẩm gì, tụi mình như anh em. Đáng lẽ tao có thể giúp mày.”
“Tụi nó tới như bầy chó liếm tay mày hả, để xin giấy giới thiệu của mày, để đề nghị chuyện làm ăn với mày?” Bermúdez hỏi. “Vì tao không tới, chắc mày nói thằng đó ắt phải giàu lắm hay có lẽ nó chết rồi.”
“Tao biết mày còn sống nhưng gần chết đói,” Espina nói. “Đừng cắt ngang, để tao nói.”
“Chỉ là vì mày vẫn chậm chạp quá,” Bermúdez nói. “Người ta phải cạy miệng mày mới ra được chữ, giống y như hồi mày học ở José Pardo.”
“Tao muốn giúp mày,” Espina lẩm bẩm. “Nói coi tao có thể làm gì cho mày.”
“Chở tao về lại Chincha là đủ,” Bermúdez thì thầm. “Xe jeep, vé xe đò, bất cứ xe gì. Vì chuyến đi tới Lima này mà tao có thể mất một vụ làm ăn khá.”
“Mày vui với số phận của mày, mày không nề hà làm thằng già nhà quê không một xu dính túi,” Espina nói. “Mày không còn tham vọng gì nữa, Cayo.”
“Nhưng tao vẫn kiêu hãnh,” Bermúdez khô khan nói. “Tao không thích nhận ân huệ. Mày chỉ muốn nói với tao bấy nhiêu thôi hả?”
Đại tá đang nhìn gã, như thể đo lường gã hay đoán gã đang nghĩ gì, và nụ cười mỉm thân mật lấp lửng trên môi hắn biến mất. Hắn nắm chặt hai bàn tay có móng tay bóng loáng, chồm tới trước.
“Mày muốn nói cụ thể phải không, Cayo?” hắn hỏi với vẻ sôi nổi bất thần.
“Tới lúc rồi.” Bermúdez dụi điếu thuốc lá trong gạt tàn. “Mày làm tao mệt với vở tuồng tình cảm vĩ đại đó.”
“Odría cần người ông ta có thể tin cậy.” Đại tá nói từng âm tiết, như thể sự an toàn và bí mật của hắn bỗng bị đe doạ. “Mọi người ở đây theo tụi tao nhưng cũng có thể nói chẳng ai theo tụi tao. Tờ La Prensa và Hội Khuyến Nông chỉ muốn tụi tao bỏ kiểm soát hối đoái và bảo vệ tự do kinh doanh.”
“Mày sẽ làm như họ muốn, vì vậy không có vấn đề gì,” Bermúdez nói. “Đúng không?”
“Tờ El Comercio gọi Odría là Vị Cứu Tinh Của Đất Nước chỉ vì họ ghét tụi ARPA,” Đại tá Espina nói. “Họ chỉ muốn tụi tao nhốt bọn Aprista trong khám.”
“Chuyện đó làm xong rồi,” Bermúdez nói. “Chỗ đó cũng không có vấn đề, đúng không?”
“Và International, Cerro và các công ty khác chỉ muốn một chính phủ mạnh để bắt bọn nghiệp đoàn im mồm giùm họ,” Espina nói tiếp mà không lắng nghe gã. “Mỗi nhóm đều lôi kéo về phía mình, thấy không?”
“Tụi xuất cảng, tụi chống Aprista, tụi Mẽo 4 , và cả quân đội nữa.” Bermúdez nói. “Tiền và quyền. Tao không thấy Odría có lý do gì để than phiền. Ông ta còn đòi gì hơn?”
“Tổng thống biết tâm lý của tụi chó đẻ đó,” Đại tá Espina nói. “Hôm nay tụi nó ủng hộ mày, ngày mai tụi nó lụi dao vô lưng mày.”
“Kiểu tụi mày lụi dao vô lưng Bustamante.” Bermúdez mỉm cười, nhưng Đại tá không cười. “Ôi dào, miễn là mày làm cho tụi nó vui, tụi nó sẽ ủng hộ chế độ. Rồi tụi nó sẽ kiếm một ông tướng khác và vứt tụi mày ra. Peru lúc nào chẳng như vậy?”
“Lần này sẽ không như vậy,” Đại tá Espina nói. “Tụi tao sẽ thủ kỹ.”
“Nghe cũng được đó,” Bermúdez nói, cố nén cái ngáp, “nhưng tao dính dáng cái quái gì tới tất cả mấy chuyện này?”
“Tao đã nói với Tổng thống về mày.” Đại tá Espina chăm chú dò xét ảnh hưởng của những lời hắn nói, nhưng Bermúdez không đổi sắc diện; khuỷu tay gã chống trên tay ghế, mặt gã tì lên lòng bàn tay, gã lắng nghe bất động. “Tụi tao đang xét duyệt nhiều người để làm Giám đốc An ninh, rồi tên mày bật ra trong đầu và tao nói ra. Tao có làm gì ngu ngốc không?”
Hắn im lặng, vẻ bực mình hay mệt mỏi hay hoài nghi hay hối hận, miệng hắn méo mó và mắt hắn nhíu lại. Hắn ngồi yên vài giây với vẻ lơ đãng, rồi hắn tìm khuôn mặt của Bermúdez: kìa, như thuở nào, tuyệt đối im lặng, chờ đợi.
“Một chức ít được biết đến nhưng quan trọng cho an ninh của chế độ,” Đại tá nói thêm. “Tao có làm gì ngu ngốc không? Họ cảnh cáo tao, anh cần có người ở đó, như chính anh, cánh tay phải của anh. Rồi tên mày bật ra trong đầu và tao nói ra. Không nghĩ ngợi. Mày thấy đó, tao đang nói thẳng thắn với mày. Tao có làm gì ngu ngốc không?”
Bermúdez đã rút một điếu thuốc nữa ra châm hút. Gã rít một hơi, miệng gã hơi mím lại, cắn lấy môi dưới. Gã nhìn đầu điếu thuốc của nó, làn khói, cửa sổ, đống rác trên mái nhà ở Lima.
“Tao biết mày là người mà tao chọn, nếu mày muốn,” Đại tá Espina nói.
“Tao thấy là mày tin tưởng bạn học cũ của mày,” cuối cùng Bermúdez nói, giọng gã nhỏ tới nỗi Đại tá nghiêng người tới. “Chọn thằng dân tỉnh lẻ thối chí, thiếu kinh nghiệm này làm cánh tay phải của mày, đây là một vinh dự lớn, Miệt Núi à.”
“Dẹp cái mỉa mai của mày đi.” Espina gõ lốp cốp lên mặt bàn. “Cho tao biết mày nhận hay không.”
“Chuyện như thế này không thể quyết định quá nhanh,” Bermúdez nói. “Cho tao vài ngày để suy nghĩ kỹ.”
“Ngay cả nửa giờ tao cũng không cho mày, mày phải trả lời tao ngay bây giờ,” Espina nói. “Tổng thống hẹn tao trong Dinh lúc sáu giờ. Nếu mày nhận, mày đi với tao để tao có thể giới thiệu mày. Nếu không, mày có thể về Chincha.”
“Tao có thể hình dung ra các chức năng của Giám đốc An ninh,” Bermúdez nói. “Nhưng mặt khác, tao không biết nó trả lương bao nhiêu.”
“Lương căn bản và một số chi phí sinh hoạt,” Đại tá Espina nói. “Khoảng năm hay sáu ngàn đồng, tao sẽ tính. Tao biết không nhiều lắm.”
“Đủ để sống khiêm tốn.” Bermúdez nhếch mép cười. “Vì tao là thằng khiêm tốn, như vậy là đủ cho tao.”
“Vậy thì đừng nói gì nữa,” Đại tá Espina nói. “Nhưng mày vẫn chưa trả lời tao. Tao có làm gì ngu ngốc không?”
“Chỉ có thời gian mới có thể trả lời, Miệt Núi à.” Bermúdez lại nhếch mép cười.
Thằng Miệt Núi có bao giờ nhận ra Ambrosio không? Hồi Ambrosio làm tài xế cho Don Cayo, gã lên xe cả ngàn lần, vâng thưa ông, hắn đã đưa gã về nhà gã cả ngàn lần. Có lẽ gã nhận ra hắn, nhưng gã không bao giờ tỏ ra, không thưa ông. Vì dạo ấy gã là bộ trưởng, chắc gã xấu hổ vì gã đã biết Ambrosio từ hồi gã chưa là cái thá gì, gã sẽ không vui nếu Ambrosio biết gã đã dính líu vào vụ bắt cóc đứa con gái của Túmula. Chắc gã đã xoá hắn trong đầu gã để cái mặt đen ấy khỏi mang lại những kỷ niệm xấu, không thưa ông. Những lần họ gặp nhau, gã đối xử với Ambrosio như người tài xế mới gặp lần đầu. Buổi sáng, chào ông, buổi chiều, chào ông, và thằng Miệt Núi vẫn vậy. Bây giờ hắn sẽ kể vài chuyện, vâng thưa ông. Quả thật Rosa đã biến thành một mụ da đỏ mập đầy nốt ruồi, nhưng xét cho cùng câu chuyện của y thị làm ông cảm thấy thương hại cho y thị, vâng thưa ông, đúng chứ? Xét cho cùng, y thị là vợ gã, đúng không? Và gã bỏ y thị ở Chincha, và y thị chẳng được hưởng gì khi Don Cayo trở thành nhân vật quan trọng. Y thị ra sao trong suốt những năm ấy? Khi Don Cayo đến Lima, y thị ở lại trong căn nhà nhỏ màu vàng ấy, y thị chắc vẫn còn ở đó và đang biến thành bộ xương. Nhưng gã không bỏ y thị theo kiểu gã đã bỏ Senõra Hortensia, không một xu. Gã gửi tiền trợ cấp cho y thị, nhiều lần gã bảo Ambrosio, thằng đen, nhớ nhắc tao gửi tiền cho Rosa đấy. Y thị làm gì những năm đó? Ai mà biết được. Chắc y thị cũng sống như trước, một cuộc sống không bạn bè hay thân quyến. Vì từ ngày lấy chồng, y thị không bao giờ gặp lại người nào ở khu định cư nữa, ngay cả Túmula cũng không. Don Cayo chắc đã cấm, hẳn gã phải cấm. Và Túmula cứ nguyền rủa đứa con gái vì nó không tiếp bà trong nhà nó. Nhưng đó không phải lý do, không thưa ông; y thị không giao thiệp được với xã hội Chincha, không bao giờ, ai muốn chơi với đứa con gái của bà bán sữa, cho dù nó là vợ của Don Cayo và đi giày và rửa mặt mỗi ngày. Họ đều đã thấy nó cưỡi lừa và rót mấy bầu sữa. Vả lại, họ biết Kên Kên không nhận nó là con dâu. Nó không có cách nào khác ngoài tự nhốt mình trong căn phòng nhỏ Don Cayo thuê phía sau Bệnh viện San José và sống cuộc đời của một nữ tu. Y thị hầu như không bao giờ ra ngoài, vì xấu hổ, vì thiên hạ chỉ trỏ ngoài đường, hay vì sợ Kên kên, có lẽ. Rồi chắc là trở thành thói quen. Thỉnh thoảng Ambrosio gặp y thị, trong chợ hay lúc khiêng chậu ra giặt quần áo, quỳ gối trên vỉa hè. Như vậy tất cả sự sắc sảo của y thị thì được cái gì, vâng thưa ông, tất cả mánh khoé nhằm bắt một thằng nhóc da trắng. Lẽ ra y thị đã có thể danh giá hơn và gia nhập một giai cấp khá hơn, nhưng rồi lại bị bỏ rơi không bạn bè và ngay cả một người mẹ cũng không có nốt. Còn Don Cayo à, thưa ông? Ừ, gã có bạn. Mỗi thứ Bảy người ta thấy gã lai rai chút bia trong Cielito Lindo, hoặc ném đồng xu vào con cóc trong Jardín el Paraíso, và ở nhà thổ, thiên hạ nói gã luôn luôn có hai đứa trong phòng. Gã hầu như chẳng bao giờ ra ngoài với Rosa, không thưa ông, thậm chí gã đi xi nê một mình. Don Cayo làm nghề gì? Làm ở nhà kho Cruz, trong ngân hàng, trong văn phòng công chứng viên, rồi gã bán máy kéo cho các chủ trang trại. Gã sống khoảng một năm trong căn phòng nhỏ đó, khi khấm khá hơn gã dọn đến khu phía Nam thị trấn, dạo ấy Ambrosio đã là tài xế liên tỉnh và ít khi ghé về Chincha, và một lần hắn về thị trấn, người ta bảo hắn rằng Kên Kên đã chết, Don Cayo và Rosa đã tới sống với bà già đi nhà thờ. Doña Catalina chết dưới thời chính quyền Bustamante, vâng thưa ông. Khi vận may của Don Cayo thay đổi, với Odría, ở Chincha người ta nói bây giờ Rosa sẽ có một căn nhà mới và gia nhân. Chẳng có cái gì, không thưa ông. Khi ấy khách đến thăm Rosa như mưa rào. Tờ La Voz de Chincha in hình Don Cayo, gọi gã là Người Con Xuất Sắc Của Chincha, và có ai không chạy tới Rosa xin y thị vài việc vặt cho chồng tôi, một học bổng nhỏ cho con trai tôi, và em trai tôi được bổ làm giáo viên chỗ này, trưởng khu chỗ nọ. Rồi gia đình tụi Aprista và bọn thích tụi Aprista tới khóc trước y thị nhờ y thị nói với Don Cayo thả cháu tôi ra hoặc để chú tôi hồi hương. Đó là lúc đứa con gái của Túmula trả thù, vâng thưa ông, đó là lúc những đứa đã lạnh nhạt với y thị lãnh đủ. Người ta nói y thị tiếp họ ở cửa rồi cho cả bọn cùng ngớ mặt. Thằng con nhỏ của chị ở tù hả? Ồ, xui quá. Một chỗ cho con trai ghẻ của chị hả? Nó nên đi Lima để nói chuyện với chồng của y thị, bái bai. Nhưng Ambrosio chỉ biết mọi chuyện qua lời đồn, vâng thưa ông, ông không thấy là khi ấy hắn cũng đã ở Lima à? Ai đã thuyết phục hắn đi tìm Don Cayo? Mama đen của hắn, Ambrosio không muốn, hắn nói họ bảo bất cứ ai từ Chincha đến xin xỏ gã cái gì cũng đều bị đuổi đi. Nhưng gã không đuổi hắn đi, không thưa ông, gã giúp hắn, và Ambrosio biết ơn gã vì thế. Đúng, gã ghét dân Chincha, ai mà biết tại sao, ông có thể thấy gã chẳng làm chút gì cho Chincha, thậm chí gã không xây một trường học nào trong thị trấn quê hương. Thời gian trôi qua, khi người ta bắt đầu nói những điều xấu về Odría và tụi Aprista lưu vong trở lại Chincha, họ nói tên trưởng khu còn cắt đặt một cảnh sát viên ở căn nhà màu vàng để bảo vệ Rosa, ông không thấy Don Cayo bị ghét tới mức nào à? Vâng thưa ông. Hoàn toàn ngu xuẩn, từ khi gã vào chính quyền, họ không sống với nhau và họ không gặp nhau, mọi người biết nếu họ giết Rosa thì Don Cayo sẽ chẳng buồn đau gì, chuyện đó giống như ban ơn cho gã thì đúng hơn. Vì gã chẳng những không thương yêu y thị, không thưa ông, thậm chí chắc gã còn ghét y thị, vì y thị đã thành ra xấu xí quá, ông không nghĩ vậy sao?”
“Mày đã thấy ông ta tiếp đãi mày trọng thể thế nào rồi đó,” Đại tá Espina nói. “Mày đã thấy Đại tướng là loại người gì.”
“Tao phải sắp xếp đầu óc tao lại đã,” Bermúdez lẩm bẩm. “Nó giống như một nồi hổ lốn.”
“Cứ nghỉ ngơi đi,” Espina nói. “Ngày mai tao sẽ giới thiệu mày với người trong Bộ, họ sẽ giúp mày cập nhật mọi việc. Nhưng ít ra cũng cho tao biết là mày vui hay không chứ.”
“Tao không biết tao có vui hay không nữa,” Bermúdez nói. “Nó giống như say rượu ấy.”
“Được rồi, tao biết đó là cách mày cảm ơn tao.” Espina cười.
“Tao đến Lima chỉ có một túi xách này,” Bermúdez nói. “Tao cứ nghĩ là chỉ ở vài giờ thôi.”
“Mày cần tiền không?” Espina hỏi. “Ừ, đúng, bây giờ tao sẽ cho mày mượn một ít, rồi ngày mai mình sẽ bảo họ ứng trước cho mày ở phòng phát lương.”
“Ông gặp chuyện gì xui sẻo ở Pucallpa vậy?” Santiago hỏi.
“Tao sẽ tìm một khách sạn nhỏ quanh đây,” Bermúdez nói. “Ngày mai tao sẽ ghé đến sớm.”
“Cho tôi, cho tôi hả?” Don Fermín hỏi. “Hay anh làm cho anh, để nắm tôi trong tay anh, đồ quỷ quái khốn nạn?”
“Có người nghĩ ông ta là bạn tôi, ông ta sai tôi đến đó,” Ambrosio nói. “Mày tới đó, thằng đen. Toàn là nói láo, thưa cậu, đường phố dát vàng. Chuyện giễu lớn nhất thế kỷ. Ồ, phải chi tôi đã kể cho cậu.”
Espina đưa gã tới cửa văn phòng rồi bắt tay gã. Bermúdez đi ra, một tay cầm túi xách, tay kia cầm mũ. Mặt gã lơ đãng và nghiêm nghị, như thể gã đang đăm chiêu. Gã không đáp trả cái cúi người hay viên sĩ quan giơ tay chào nơi cửa vào của Bộ. Giờ tan sở rồi à? Đường sá đầy người và náo nhiệt. Gã đi lẫn vào đám đông, đi theo dòng người, gã đến, đi, trở lại các vỉa hè hẹp và chật cứng, như bị lôi theo cơn lốc hoặc bùa mê, đôi lúc dừng lại ở một góc phố hoặc một cánh cửa hoặc một cột đèn để đốt thuốc lá. Trong một quán nước tên Jirón Azángaro, gã gọi nước trà chanh, nhâm nhi chậm rãi, và khi đứng lên gã để lại tiền thưởng gấp đôi giá ly nước. Ở một hiệu sách khuất trong ngõ hẻm trên Jirón de la Unión, gã lật qua vài cuốn tiểu thuyết có bìa loè loẹt, chữ nhỏ xíu chen chúc, xem mà không thấy, cho đến khi cuốn The Mysteries of Lesbos 5 chợt bắt mắt gã. Gã mua nó rồi đi ra. Gã lang thang một lúc nữa qua đường phố nội thành, cái túi xách dưới cánh tay, cái mũ nhàu nát trong bàn tay, hút thuốc không ngừng. Trời đã tối, đường phố vắng vẻ khi gã vào Khách sạn Maury hỏi thuê một phòng. Họ đưa gã tấm thẻ, và gã cầm bút ngập ngừng vài giây ở chỗ ghi nghề nghiệp, cuối cùng gã ghi công chức. Căn phòng trên tầng ba, cửa sổ mở ra sân trong. Gã vào bồn tắm, rồi mặc quần áo lót lên giường. Gã lật qua cuốn The Mysteries of Lesbos, để mắt lướt mù mờ trên những hình ảnh đen nhỏ ken dày. Rồi gã tắt đèn. Nhưng nhiều giờ sau gã vẫn không ngủ được. Nằm thức, gã ngửa lưng, thân thể gã bất động, điếu thuốc cháy giữa hai ngón tay, thở ra lo lắng, mắt gã nhìn đăm đăm những bóng đen phía trên gã.
——————————
1. Óscar Raymundo Benavides Larrea (1876-1945), thống chế quân đội Peru, hai lần được chỉ định làm tổng thống Peru 1914-1915 và 1933-1939. Cuối năm 1939, ông giao quyền lại cho Manuel Prado, người đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử.
2. Học thuyết của phe Aprista.
3. Víctor Raúl Haya de la Torre (1895-1979). Khi theo học tại San Marcos, ông hô hào cải tổ đại học, đưa sinh viên đến với giới lao động. Sau đó ông sáng lập Universidades Populares Gonzalez Prada, mở lớp ban đêm cho công nhân. Năm 1924, ông thành lập APRA khi đang lưu đày ở Mexico. Năm 1931, ông về Peru tranh chức tổng thống nhưng bị bỏ tù, và APRA bị đặt ngoài vòng pháp luật đến 1945. Năm 1945, José Luis Bustamante đắc cử tổng thống nhờ sự ủng hộ của APRA. Năm 1948, một số đảng viên APRA gây loạn ở Callao, vì thế Manuel Odría nắm quyền và APRA lại bị cấm hoạt động, Haya de la Torre phải tị nạn trong tòa đại sứ Colombia ở Lima rồi sau đó ra khỏi nước. Ông trở lại Peru năm 1954, và APRA lại được hợp pháp năm 1956, tuy nhiên phần lớn thời gian này ông sống ở nước ngoài đến năm 1962. Năm 1979, ông làm chủ tịch Quốc hội Lập hiến và ký ban hành bản Hiến pháp trên giường bệnh trước khi chết.
4. Gringo, tiếng Tây Ban Nha, hơi mang nghĩa miệt thị, dùng để gọi chung người nước ngoài nhưng chủ yếu là Mỹ và Anh.
5. Bí ẩn của Lebos. Lebos là một hòn đảo ở Hy lạp, ngoài ra còn mang nghĩa “lesbian”, phụ nữ đồng tính luyến ái, vì những bài thơ của Sappho trong thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên. Sappho sinh ở Lesbos, và thơ của bà tràn đầy tình cảm dành cho phụ nữ.