Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 1 – Chương 4
Trước
image
Chương 4
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

“Vậy là ở Pucallpa và là lỗi của Hilario Morales, vậy là ông biết khi nào và tại sao ông làm đời ông khốn khổ khốn nạn,” Santiago nói. “Tôi sẽ trả mọi giá để biết đúng lúc nào tôi làm khốn khổ khốn nạn đời tôi.”

Cô ấy có nhớ không, cô ấy có đem cuốn sách tới không? Mùa hè sắp hết, bầu trời trông như năm giờ mà lúc này chưa tới hai giờ, và Santiago nghĩ: cô ấy có đem cuốn sách, cô ấy nhớ. Hắn cảm thấy phởn phơ khi đi tới lối vào bụi bặm lát đá có những hàng cột sứt mẻ, nôn nóng, hắn sẽ thi đỗ, cô ấy sẽ thi đỗ, lạc quan, và mày đỗ, hắn nghĩ, và cô ấy đỗ: à, Zavalita, mày thấy hạnh phúc làm sao.

“Cậu khoẻ mạnh, cậu trẻ trung, cậu có vợ,” Ambrosio nói. “Làm sao cậu có thể làm khốn khổ khốn nạn đời mình, thưa cậu?”

Một mình hay trong từng nhóm, mặt họ chúi vào các tờ giấy ghi chép của mình, bao nhiêu đứa trong số này sẽ thi đỗ? Aída đâu rồi? thí sinh đi bộ quanh sân như đám rước, họ ôn lại các tờ ghi chép, ngồi trên mấy băng ghế nứt nẻ, dựa lên mấy vách tường bẩn thỉu, họ thấp giọng hỏi nhau. Tụi con trai và con gái lai, người đứng đắn không tới đây. Hắn nghĩ: mẹ nói đúng, mama.

“Trước khi tôi rời nhà, trước khi tôi vào San Marcos, tôi trong trắng,” Santiago nói.

Hắn nhận ra vài khuôn mặt từ hôm thi viết, hắn mỉm cười: chào họ, nhưng Aída không xuất hiện, và hắn tới đứng cạnh lối vào. Hắn lắng nghe một nhóm đang ôn lại môn địa lý, hắn lắng nghe một đứa con trai, bất động, mắt cụp xuống, đang lẩm nhẩm tên các vị tổng trấn ở Peru giống như đang tụng kinh.

“Trong trắng như loại xì gà nguyên chất mà tụi rủng rỉnh tiền hút ở sân đấu bò hả?” Ambrosio cười.

Hắn thấy nàng đi vào: cũng bộ áo đầm giản dị, màu gạch, cũng đôi giày gót thấp từ hôm thi viết. Nàng mang dáng vẻ của một cô học trò chăm chỉ trong bộ đồng phục đi qua lối vào đông đúc, nàng quay qua quay lại khuôn mặt trẻ con đầy đặn của mình, không rực rỡ, không duyên dáng, không trang điểm, tìm một điều gì đó, một ai đó bằng đôi mắt người lớn rắn rỏi của nàng. Đôi môi nàng mím chặt, cái miệng nam tính của nàng mở ra, và hắn thấy nụ cười của nàng: khuôn mặt đăm chiêu trở nên dịu lại, sáng lên. Hắn thấy nàng tiến lại phía hắn: chào Aída.

“Tôi nói cần quái gì tiền và tôi nghĩ tôi có thể làm những việc lớn,” Santiago nói. “Trong trắng theo nghĩa đó.”

“Melchorita người đàn bà thánh thiện sống ở Grocio Prado, bà cho hết mọi thứ bà có rồi cả đời cầu nguyện,” Ambrosio nói. “Hồi cậu còn nhỏ, cậu muốn là thánh như bà phải không?”

“Tôi mang cho cô cuốn Out of the Night 1,” Santiago nói. “Tôi hy vọng cô thích.”

“Anh đã kể nhiều về nó cho tôi tới nỗi tôi thèm đọc muốn chết,” Aída nói. “Còn đây là cuốn tiểu thuyết của người Pháp về cuộc Cách mạng Trung Quốc.”

“Jirón Puno, Callle de Padre Jerónimo hả?” Ambrosio hỏi. “Ở đó họ bố thí tiền cho bọn da đen túng quẫn như tôi đây phải không?”

“Đó là nơi chúng tôi thi tuyển sinh năm tôi vào San Marcos,” Santiago nói. “Tôi đã yêu tụi con gái từ hồi ở Miraflores, nhưng ở Padre Jerónimo tôi mới thực sự yêu lần đầu.”

“Nó không hẳn là tiểu thuyết, đọc nó như đọc sách sử ấy,” Aída nói.

“Ô hô,” Ambrosio nói. “Rồi cô ta có yêu cậu không?”

“Mặc dù đây là cuốn tự truyện nhưng đọc lại như tiểu thuyết,” Santiago nói. “Đợi cho đến khi cô đọc tới chương ‘Đêm của những con dao dài’ về cuộc cách mạng ở Đức. Rồi cô sẽ thấy, tuyệt lắm.”

“Về một cuộc cách mạng?” Aída lật qua cuốn sách, mắt và giọng nói của nàng bây giờ đầy hoài nghi. “Nhưng ông Valtin này là cộng sản hay chống cộng?”

“Tôi không biết cô ấy yêu tôi hay không, thậm chí tôi không biết cô ấy có biết tôi yêu cô ấy hay không,” Santiago nói. “Đôi khi tôi nghĩ cô ấy biết, đôi khi tôi nghĩ cô ấy không biết.”

“Cậu không biết, cô ấy không biết, thật là rối rắm, cậu có nghĩ là những chuyện như vậy có thể bỏ lơ không, thưa cậu?” Ambrosio hỏi. “Cô gái ấy là ai?”

“Tôi báo trước cho anh là nếu ông ta chống cộng, tôi sẽ trả sách lại cho anh,” và giọng nhỏ nhẹ, rụt rè của Aída trở nên thách thức. “Vì tôi là cộng sản.”

“Cô là cộng sản?” Santiago ngạc nhiên nhìn nàng. “Cô thực sự là cộng sản?”

Cô vẫn chưa là cộng sản, hắn nghĩ, cô chỉ muốn là cộng sản thôi. Hắn cảm thấy tim mình đập mạnh, và hắn kinh ngạc: ở San Marcos mày chẳng học hành gì, Ròm, họ chỉ làm chính trị. San Marcos là một ổ Aprista và cộng sản, tất cả đám hay càu nhàu ở Peru tụ họp lại với nhau ở đó. Hắn nghĩ: tội nghiệp papa. Mày thậm chí còn chưa bước chân vào San Marcos, Zavalita, vậy mà nhìn xem mày đã tìm thấy gì.

“Thật ra tôi vừa là cộng sản vừa không là cộng sản,” Aída thú nhận. “Vì ở quanh đây anh tìm đâu ra được một người cộng sản?”

Làm sao cô ấy là người cộng sản mà thậm chí không biết ở Peru có một Đảng Cộng sản hay không? Odría chắc đã nhốt hết họ vào tù, chắc đã trục xuất hay giết chết họ. Nhưng nếu Aída đỗ kỳ thi vấn đáp và vào San Marcos, cô ấy sẽ tìm thấy ở trong trường đại học, cô ấy sẽ liên lạc với những người phái tả và nghiên cứu chủ nghĩa Marx rồi vào Đảng. Cô ấy đã nhìn mình một cách thách thức, hắn nghĩ, nào, cãi nhau với tôi đi, giọng cô ấy thật nhỏ nhẹ nhưng đôi mắt cô ấy xấc xược, bảo tôi rằng họ là người vô thần, nhiệt tình, nào, phủ nhận điều tôi nói đi, thông minh, và hắn nghĩ, mày lắng nghe cô ấy, sửng sốt và ngạc nhiên: hoàn toàn có thật, Zavalita. Hắn nghĩ: có phải mình yêu ngay lúc ấy không?

“Một cô trong lớp tôi ở Marcos,” Santiago nói. “Cô ấy nói chuyện chính trị, cô ấy tin vào cách mạng.”

“Ồ, Chúa ơi, cậu không yêu một đứa theo Aprista chứ, thưa cậu?” Ambrosio hỏi.

“Tụi Aprista hết tin vào cách mạng rồi,” Santiago nói. “Cô ấy là cộng sản.”

“Quỷ sứ ơi,” Ambrosio nói. “Địa ngục ơi.”

Các thí sinh mới đang đến Padre Jerónimo, tới lối vào, sân trong, chạy đến các tờ danh sách đính lên bảng thông báo, náo nức xem điểm của mình. Tiếng thì thầm nhộn nhịp lơ lửng xung quanh nơi ấy.

“Anh nhìn tôi như thể tôi là một thứ yêu tinh nào đó,” Aída nói.

“Nghĩ gì kỳ cục, tôi tôn trọng mọi ý kiến, vả lại, cô có tin nổi không, tôi cũng có…” Santiago lặng im, tìm chữ, lắp bắp, “cũng có tư tưởng tiến bộ.”

“À, tôi mừng cho anh,” Aída nói. “Hôm nay mình thi vấn đáp phải không? Cứ đợi mãi thế này tôi bị lẫn lộn kinh khủng, tôi không nhớ nổi những thứ mình đã học.”

“Mình có thể ôn lại một chút, nếu cô muốn,” Santiago nói. “Cô sợ môn nào nhất?”

“Lịch sử thế giới,” Aída nói. “Ừ, mình hỏi ôn nhau đi. Nhưng ôn bài trong lúc mình đi bộ ấy. Tôi học kiểu đó tốt hơn lúc ngồi xuống, còn anh thì sao?”

Họ đi qua lối vào lát gạch màu rượu chát hai bên có các lớp học, cô ấy sống ở đâu? hắn tự hỏi, có một sân nhỏ vắng người phía sau. Hắn nhắm mắt, hắn có thể hình dung căn nhà nhỏ hẹp, sạch sẽ, bàn ghế mộc mạc, và hắn có thể hình dung phố xá xung quanh, những khuôn mặt – tráng kiện, đáng kính, nghiêm trang, tỉnh táo? – của những người mặc áo quần bảo hộ lao động và áo khoác xám đi trên vỉa hè, hắn có thể nghe họ nói chuyện – mỗi người vì mọi người và mọi người vì mỗi người, dè dặt, bí mật? – và hắn nghĩ tới giới công nhân, và hắn nghĩ tới những người cộng sản, và hắn quyết định mình không theo Bustamante, mình không theo Aprista, mình là cộng sản. Nhưng khác gì nhau? Hắn không thể hỏi cô ấy, cố ấy sẽ nghĩ mình là thằng ngốc, hắn sẽ phải moi dần ở cô. Cô ấy chắc đã như thế suốt mùa hè, cặp mắt nhỏ sôi sục dán chặt vào các câu hỏi, đi tới đi lui trong căn phòng nhỏ xíu. Căn phòng chắc không sáng lắm, chắc cô ấy ngồi bên chiếc bàn nhỏ thắp ngọn đèn không chụp hoặc bên ngọn nến để ghi chép, chắc cô ấy mấp máy đôi môi, nhắm mắt, cô ấy sẽ đứng lên, và vừa đi vừa lặp lại những cái tên, ngày tháng, hằng đêm và tận tuỵ, có phải cha cô ấy làm công nhân, mẹ cô ấy làm gia nhân? Hắn nghĩ: tội nghiệp Zavalita. Họ đi rất chậm, các triều đại Ai Cập cổ, thấp giọng hỏi nhau các câu hỏi, Babylonia và Nineveh, có thể nàng đã nghe nói về chủ nghĩa Cộng sản trong nhà nàng? các lý do gây ra Thế chiến thứ nhất, nàng sẽ nghĩ gì khi nàng biết ông già hắn theo phe Odría? trận chiến ở Marne, chắc cô ấy sẽ không muốn gặp mày nữa, Zavalita: con ghét ba, papa. Chúng ta hỏi nhau các câu hỏi, nhưng cũng có thể chúng ta không hỏi nhau điều gì, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: chúng ta sẽ là bạn. Phải chăng cô ấy đã học ở một trường trung học công lập? Ừ, ở trường trung ương, còn hắn thì sao? ở Santa María, ồ, một trường cho bọn con trai nhà giàu. Ở đó có đủ loại, trường đó tệ hại, ông bà già hắn đưa hắn tới đó đâu phải lỗi tại hắn, hắn thà đi Guadalupe còn hơn, và Aída bắt đầu cười: đừng đỏ mặt, cô ấy không có thành kiến, chuyện gì xảy ra ở Verdun. Hắn nghĩ: chúng ta mong đợi nhiều thứ lớn lao ở đại học. Họ trong Đảng, họ cùng nhau đến nhà in, họ cùng nhau trốn trong trụ sở nghiệp đoàn, người ta tống họ vào tù với nhau, và người ta đày họ biệt xứ với nhau: Verdun là một trận đánh, không phải là một hiệp ước, chàng vớ vẩn ạ, và hắn nói tất nhiên, dốt thật, rồi bây giờ nàng hỏi Cromwell là ai. Hắn nghĩ chúng ta mong đợi những việc lớn lao ở chính mình.

“Khi cậu vào San Marcos và người ta cạo đầu cậu, cô Teté và cậu Nổ reo hò đầu cậu trọc lóc quả bí,” Ambrosio nói. “Papa của cậu rất mừng là cậu thi đỗ kỳ tuyển sinh, thưa cậu.”

Nàng nói về những cuốn sách và nàng mặc váy đầm, nàng biết về chính trị và nàng không là nam giới, Linh Vật, Con Gà, Con Sóc, tất cả mờ dần, Zavalita, mấy con bé ngốc nghếch xinh xắn ở Miraflores tan biến, biến mất. Khám phá ra rằng ít nhất một đứa trong bọn chúng giỏi một việc gì khác, hắn nghĩ. Không chỉ để hắn leo lên mình, không chỉ làm hắn thủ dâm khi nghĩ đến, không chỉ để hắn yêu. Hắn nghĩ: cho một việc khác kia. Cô ấy cũng sẽ vào Trường Luật và Giáo dục, mày vào Trường Luật và Văn khoa.

“Mày định dụ dỗ con trai, làm hề, hay trò gì?” Santiago hỏi. “Mày đi đâu mà son phấn trang điểm quá sức vậy hả?”

“Anh định theo chuyên ngành nào trong Văn Khoa?” Aída hỏi. “Triết học?”

“Em đi đâu em thích, việc gì đến anh?” Teté hỏi. “Ai nói gì đến anh đâu, anh có quyền gì mà nói tới em?”

“Tôi nghĩ là Văn chương,” Santiago nói. “Nhưng tôi vẫn chưa chắc.”

“Ai theo Văn chương cũng đều muốn là thi sĩ,” Aída nói. “Anh cũng vậy à?”

“Đừng cãi nhau nữa,” Señora Zoila nói. “Tụi mày như chó với mèo, đủ rồi.”

“Tôi có giấu một cuốn sổ chép thơ,” Santiago nói. “Không ai thấy, không ai biết nó. Thấy chưa? Tôi đúng là một thằng bé trong trắng.”

“Đừng đỏ mặt vì tôi hỏi anh có muốn làm thi sĩ không.” Aída cười. “Đừng tư sản như thế.”

“Họ cũng làm cậu phát điên bằng cách gọi cậu là Siêu não,” Ambrosio nói. “Trong nhà cứ cãi nhau lung tung, thưa cậu.”

“Mày đi thay cái áo đầm đó rồi rửa mặt đi,” Santiago nói. “Mày không đi đâu cả, Teté.”

“Teté đi xi nê thì có gì là xấu?” Señora Zoila hỏi. “Con khó khăn quá đáng với em con từ hồi nào vậy, con, đồ cấp tiến, đồ chống linh mục?”

“Nó đâu có đi xi nê, nó đi nhảy ở Sunset với thằng khốn Pepe Yáñez,” Santiago nói. “Con bắt gặp nó bàn tính trên điện thoại sáng nay.”

“Đi Sunset với Pepe Yáñez á?” Nổ hỏi. “Với thằng lai đó?”

“Không phải tôi muốn làm thi sĩ, tôi chỉ thích văn chương thế thôi,” Santiago nói.

“Con điên à, Teté?” Don Fermín hỏi. “Đúng không, Teté?”

“Nói láo hết, nói láo.” Teté run rẩy, mắt nó đốt sém Santiago. “Đồ khốn, đồ ngu, em ghét anh, chết đi khuất mắt.”

“Tôi cũng vậy,” Aída nói. “Trong khoa Giáo dục tôi sẽ lấy lớp Văn chương và tiếng Tây Ban Nha.”

“Con nghĩ con có thể lừa dối cha mẹ như thế à, con quỷ con?” Señora Zoila nói. “Con muốn nói gì khi bảo anh con chết đi? Con điên rồi hả?”

“Con chưa đủ lớn để đến các hộp đêm, bé con,” Don Fermín nói. “Con không đi đâu hết, tối nay, ngày mai, hay Chúa nhật cũng thế.”

“Con sẽ xé xác thằng Pepe Yáñez.” Nổ nói. “Con sẽ giết nó, papa.”

Lúc này Teté la hét khóc lóc, nó làm đổ tách trà của nó, tại sao anh không chết đi, và Señora Zoila nói con cư xử điên rồ, điên rồ, đồ lớn đùng mà hèn nhát, và Señora Zoila nói con làm bẩn tấm trải bàn rồi đó, thay vì ngồi lê đôi mách như đàn bà thì anh đi làm thơ tiên nữ của anh đi. Teté đứng lên ra khỏi bàn, vừa đi ra ngoài phòng ăn vừa tiếp tục la hét nào là thơ tiên nữ ngồi lê đôi mách của anh nào là chết đi cho rảnh, đồ khốn. Họ nghe nó lên thang lầu, đóng sầm cửa. Santiago khuấy muỗng trong cái tách cạn như thể hắn vừa mới cho thêm đường.

“Teté nói có đúng không?” Don Fermín mỉm cười. “Con làm thơ hả, Ròm?”

“Nó giấu trong cuốn sổ nhỏ phía sau bộ bách khoa, Teté và con đọc hết rồi,” Nổ nói. “Thơ tình, và cả về tụi Inca nữa. Đừng mắc cỡ, Siêu Não. Nhìn mặt nó kìa, papa.”

“Anh gần như mù chữ, vì vậy chắc là anh đọc cái gì cũng khó,” Santiago nói.

“Con đâu phải là đứa duy nhất trên thế giới biết đọc,” Señora Zoila nói. “Đừng hợm hĩnh.”

“Đi làm thơ tiên nữ của mày đi, Siêu Não,” Nổ nói.

“Hai con đã học được cái gì, ba má đưa các con tới trường tốt nhất ở Lima để làm gì?” Señora Zoila thở dài. “Các con nhục mạ nhau như tụi tài xế xe tải ngay trước mặt ba má.”

“Tại sao con không nói với ba là con làm thơ?” Don Fermín hỏi. “Con phải cho ba xem vài bài, Ròm.”

“Anh Nổ và Teté nói láo,” Santiago lắp bắp. “Đừng để ý, papa.”

Ban khảo thí có ba người, một sự im lặng sợ sệt đã phủ trùm lên nơi ấy. Bọn con trai con gái nhìn ba ông đi theo sau nhân viên tiếp tân băng qua lối vào, nhìn họ biến mất vào một phòng học. Cầu cho mình thi đỗ, cho cô ấy thi đỗ. Tiếng xì xào lại bắt đầu nổi lên, dày đặc hơn và ồn ào hơn trước. Aída và Santiago trở lại sân sau.

“Cô sẽ đỗ cao,” Santiago nói. “Cô biết hết các câu trả lời tới dấu phẩy cuối cùng.”

“Anh đừng có tin vậy, có nhiều thứ tôi chỉ biết lơ mơ,” Aída nói. “Anh mới là người sẽ thi đỗ.”

“Tôi nhồi sọ suốt mùa hè,” Santiago nói. “Nếu họ đánh trượt tôi, tôi sẽ bắn vỡ óc tôi ra.”

“Tôi phản đối hành động tự tử,” Aída nói. “Tự sát là dấu hiệu hèn nhát.”

“Chuyện tào lao của mấy ông thầy tu,” Santiago nói. “Phải can đảm lắm mới dám tự sát.”

“Tôi bất cần mấy ông thầy tu,” Aída nói, và đôi mắt nhỏ của nàng nghĩ: nào, nào, tôi thách anh. “Tôi không tin Chúa, tôi là người vô thần.”

“Tôi cũng vô thần,” Santiago lập tức nói. “Tất nhiên.”

Họ lại tiếp tục bước đi, các câu hỏi, đôi lúc họ trở nên lơ đãng, họ quên các câu hỏi và bắt đầu tán gẫu, cãi nhau: họ đồng ý, bất đồng, đùa cợt, thời gian trôi qua, và bỗng Zavala kìa, Santiago! Nhanh lên, Aída mỉm cười với hắn và chúc hắn gặp câu hỏi dễ. Hắn băng qua hai dãy thí sinh, vào phòng thi, và mày chẳng còn nhớ được gì khác nữa, Zavalita, chẳng nhớ mày gặp câu hỏi nào hay khuôn mặt những người chấm thi hay mày trả lời sao: chỉ nhớ là lúc đi ra mày vui vẻ.

“Cậu nhớ đứa con gái cậu thích, và tất cả các thứ khác bị xoá sạch,” Ambrosio nói. “Tự nhiên thôi, thưa cậu.”

Mày thích tất cả mọi thứ hôm đó, hắn nghĩ. Nơi ấy xập xệ vì cũ kỹ, khuôn mặt các thí sinh bóng như sáp đánh giày, màu đất hay sốt rét, bầu khí quyển âm ỉ lo sợ, những lời Aída đang nói. Mày cảm thấy sao, Zavalita? Hắn nghĩ: như ngày mình nhận thánh thể lần đầu.

“Ba đến là vì Santiago,” Teté bĩu môi. “Ba không tới dự buổi của con, con không thương ba nữa.”

“Lại đây, hôn ba một cái nào,” Don Fermín nói. “Ba đến vì Santiago được xếp hạng nhất, nếu con đạt điểm cao, ba cũng sẽ đến dự buổi nhận thánh thể lần đầu của con. Ba thương cả ba đứa như nhau.”

“Ba nói vậy nhưng không phải vậy,” Nổ than van. “Ba cũng không tới dự buổi nhận thánh thể lần đầu của con.”

“Mấy con cứ ganh tị thế này sẽ làm hỏng ngày của Ròm, đừng dấm dớ nữa,” Don Fermín nói. “Nào, lên xe.”

“Tới bãi biển Herradura mua nước sinh tố với bánh mì xúc xích, papa,” Santiago nói.

“Tới vòng đu quay khổng lồ, người ta vừa mới dựng xong ở trong Campo de Marte, papa,” Nổ nói.

“Mình đi Herradura.” Don Fermín nói. “Hôm nay Ròm là đứa nhận thánh thể lần đầu tiên, mình phải theo ý nó.”

Hắn chạy ra khỏi lớp, nhưng trước khi hắn tới được chỗ Aída, anh có được biết điểm ngay khi còn trong đó không, câu hỏi dài hay ngắn? hắn phải chống đỡ bọn thí sinh tấn công hắn, và Aída đón hắn với một nụ cười: nhìn mặt hắn có thể biết hắn đỗ rồi, tuyệt vời, bây giờ hắn không phải bắn vỡ óc hắn ra nữa.

“Trước khi nhặt quả bóng có câu hỏi, tôi nghĩ mình sẽ bán linh hồn để được một câu dễ,” Santiago nói. “Vì vậy nếu có quỷ sứ, tôi sẽ xuống địa ngục. Nhưng cứu cánh biện minh cho phương tiện.”

“Linh hồn với quỷ sứ đều không có, tôi thách anh, tôi đố anh dám. Và nếu anh nghĩ cứu cánh biện minh cho phương tiện thì anh là một tên Quốc xã.”

“Cô ấy có câu trả lời phủ định cho mọi thứ, cô ấy có ý kiến về mọi thứ, cô ấy cãi như thể cô ấy muốn gây sự,” Santiago nói.

“Một đứa con gái sấn sổ, thuộc loại cậu mà nói trắng là nó nói đen, cậu mà nói đen là nó nói trắng,” Ambrosio nói. “Mánh khoé để làm đàn ông sôi lên, nhưng có hiệu quả.”

“Dĩ nhiên tôi sẽ đợi cô,” Santiago nói. “Cô có muốn tôi ôn lại một số câu hỏi với cô một lát không?”

Lịch sử Ba Tư, Charlemagne, sắc dân Aztec, Charlotte Corday, các yếu tố bên ngoài làm tan rã Đế quốc Áo-Hung, sự ra đời và cái chết của Danton: hy vọng cô ấy sẽ gặp một câu hỏi dễ, hy vọng cô ấy sẽ thi đỗ. Họ trở lại sân đầu, ngồi trên băng ghế. Một đứa bán báo đến chào bán mấy tờ báo ra buổi chiều, người bên cạnh họ mua tờ El Comercio rồi một lát sau nói tụi khốn khiếp, thật quá sức. Họ quay nhìn anh ta, anh ta liền đưa họ xem hàng tít và bức ảnh một ông có ria mép. Phải chăng người ta đã bỏ tù ông ấy, trục xuất ông, hay giết ông, và ông ta là ai? Jacobo đấy, Zavalita: tóc vàng, gầy, cặp mắt xanh phẫn nộ, ngón tay anh ta chỉ bức ảnh trên báo, giọng nói lè nhè của anh ta phản kháng, Peru càng lúc càng hỏng, có một nét Andes lạ kỳ trên khuôn mặt búng ra sữa ấy, gí ngón tay tới đâu mủ chảy ra tới đó, như González Prada 2 đã nói, khuôn mặt thỉnh thoảng gặp từ xa trên đường phố ở Miraflores.

“Lại một đứa nữa trong bọn đó hả?” Ambrosio hỏi. “Chúa ơi, San Marcos là tổ phản loạn, thưa cậu.”

Một khuôn mẫu chính xác nữa của loại đó, hắn nghĩ, chống lại chính màu da của nó, chống lại giai cấp của nó, chống lại chính mình, chống lại Peru. Hắn nghĩ: hắn có còn trong trắng không, hắn có hạnh phúc không?

“Không nhiều thế đâu, Ambrosio. Chỉ vì tình cờ mà ba đứa chúng tôi gặp nhau trong ngày đầu tiên ấy.”

“Cậu chả bao giờ đưa mấy người bạn ở San Marcos về nhà,” Ambrosio nói. “Trong khi đó, cậu Popeye và các bạn cùng lớp của cậu ấy thường đến chỗ cậu uống trà.”

Mày xấu hổ sao, Zavalita? Hắn nghĩ: vì Jacobo, Héctor, Solórzano không đến thăm nhà mày và những người mày sống chung, không gặp bà già mày và nghe ông già mày, vì Aída không nghe những chuyện ngu si vui nhộn của Teté? Hắn nghĩ: hay vì ông bà già mày không nên biết mày la cà với ai, vì anh Nổ và Teté không nên thấy khuôn mặt lai vô hại của Martínez? Hắn nghĩ: sau ngày đầu tiên ấy mày bắt đầu diệt bỏ dần ông bà già mày, Popeye, Miraflores. Mày đang tách ra, Zavalita, đang vào một thế giới khác: có phải lúc ấy, có phải lúc ấy mày đóng chặt lại? Hắn nghĩ: tách ra khỏi cái gì, vào thế giới nào?

“Tụi nó hễ nghe tôi nói về Odría là tụi nó bỏ đi.” Jacobo chỉ một nhóm thí sinh đang quay đi, rồi anh ta nhìn họ với vẻ tò mò không pha lẫn mỉa mai. “Anh chị cũng sợ phải không?”

“Sợ hả?” Aída lập tức ngồi thẳng lên trên băng ghế. “Tôi nói Odría là tên độc tài và tên sát nhân, và tôi nói thế ở đây, ngoài đường, bất cứ nơi nào.”

Hắn nghĩ, trong trắng, như các cô gái trong Quo Vadis 3 , nôn nóng muốn đi xuống hầm và tiến ra đấu trường để trao thân cho nanh vuốt sư tử. Jacobo chưng hửng nghe nàng nói, nàng đã quên kỳ thi, một tên độc tài đã lên nắm quyền bằng đầu lưỡi lê, nàng đang cao giọng và vung tay, và Jacobo đang gật đầu nhìn nàng một cách tán đồng, ông ta đã bóp nghẹt các đảng phái và tự do báo chí, và giờ thì hăng lên, ra lệnh cho quân đội tàn sát ở Arequipa, rồi đâm ra say mê, bỏ tù, trục xuất và tra tấn quá nhiều người đến nỗi không ai biết bao nhiêu, và Santiago nhìn Aída và Jacobo, hắn chợt nghĩ, mày cảm thấy bị tra tấn, lưu đày, phản bội, Zavalita, và hắn cắt ngang lời nàng: Odría là tên bạo chúa tệ hại nhất trong lịch sử Peru.

“Ôi dào, chẳng biết ông ta có tệ nhất hay không,” Aída nói, ngưng lại để thở. “Nhưng ông ta là một trong những kẻ tệ nhất, chắc chắn như vậy.”

“Cứ cho ông ta thời giờ rồi cô sẽ thấy,” Santiago khăng khăng, cố gắng. “Ông ta sẽ là kẻ tệ hại nhất.”

“Ngoại trừ nền chuyên chính vô sản, mọi thứ độc tài đều như nhau,” Jacobo nói. “Về mặt lịch sử.”

“Ông có biết sự khác biệt giữa Aprismo và chủ nghĩa Cộng sản không?” Santiago hỏi.

“Mình không thể cho hắn thời giờ để trở nên kẻ tệ hại nhất,” Aída nói. “Mình phải lật đổ hắn trước lúc đó.”

“Ồ, tụi Aprista rất đông còn cộng sản thì chỉ vài đứa,” Ambrosio nói. “Còn gì khác nữa đâu?”

“Tôi không nghĩ mấy người đó bỏ đi chỗ khác vì anh chỉ trích Odría, mà vì họ đang học,” Santiago nói. “Ở San Marcos ai cũng cấp tiến cả.”

Anh ta nhìn mày như thể vừa phát hiện ra trên lưng mày có đôi cánh nhỏ, hắn nghĩ, San Marcos không còn như hồi trước nữa, như một thằng nhóc ngoan nhưng đần độn, Zavalita. Ông không biết, thậm chí ông không hiểu ngữ vựng, nhưng ông phải biết chủ nghĩa Aprismo là gì, chủ nghĩa Phát xít là gì, chủ nghĩa Cộng sản là gì, và tại sao San Marcos không còn như hồi trước nữa: vì từ sau cú đảo chính của Odría, các lãnh tụ sinh viên đã bị khủng bố và các trung tâm liên hội bị giải tán, và vì các lớp học đầy tụi chỉ điểm ghi danh làm sinh viên, và Santiago nông nổi cắt ngang anh ta: Jacobo sống ở Miraflores phải không? Hắn hình như đã thấy anh ta loanh quanh khu đó vài lần, và Jacobo đỏ mặt rồi miễn cưỡng nói ừ, và Aída bắt đầu cười: vậy ra hai đứa bọn họ ở Miraflores, vậy ra hai đứa bọn họ là mấy cậu ngoan ngoãn. Nhưng hắn nghĩ Jacobo không thích đùa. Cặp mắt xanh của anh dán chặt vào cô một cách dạy dỗ, giọng anh kiên nhẫn, giọng Andes, trôi chảy, anh giải thích rằng sống ở đâu không quan trọng, mà đáng kể là nghĩ gì và làm gì. Aída nói đều ấy đúng, nhưng cô chỉ đùa, cô nói đùa về chuyện mấy cậu ngoan ngoãn thôi, và Santiago sẽ đọc, nghiên cứu, học chủ nghĩa Marx như anh ta: ồ, Zavalita. Người tiếp tân gọi lớn tên, Jacobo đứng lên: họ đang gọi anh. Anh ta đi từ từ đến lớp học, tự tin và điềm tĩnh như cách anh ta nói, thông minh chứ nhỉ? Và Santiago nhìn Aída, rất thông minh, ngoài ra, anh ta biết rất nhiều về chính trị và Santiago quyết định mình sẽ còn biết nhiều hơn.

“Có thật là có công an chìm trà trộn trong sinh viên không?” Aída nói.

“Anh nói cứ như anh là sinh viên rồi vậy, anh có khả năng đỗ không?” Aída nói. “Nào mình ôn bài thêm.”

Nhưng khi họ vừa mới bắt đầu lại các câu hỏi và cuộc đi bộ vòng tròn, Jacobo đã ra khỏi lớp học, chậm và gầy trong bộ vét xanh sờn cũ, và anh tiến đến họ, mỉm cười vẻ thất vọng, kỳ thi là trò hề, Aída chẳng có gì phải lo, ông chủ tịch hội đồng là một nhà hoá học, ông ta biết về văn học ít hơn cả cô và tôi. Cô phải trả lời với vẻ quả quyết, ông ta chỉ đánh rớt đứa nào tỏ ra ngập ngừng. Anh ta gây cho mình ấn tượng xấu, hắn nghĩ, nhưng khi người ta gọi Aída và họ đi cùng nàng đến lớp học rồi trở lại băng ghế nói chuyện riêng với nhau, mày thích anh ta, Zavalita. Mày hết ganh tị rồi, hắn nghĩ, mình bắt đầu ngưỡng mộ anh ta. Anh ta đã học xong trung học hai năm trước, anh ta không vào San Marcos năm ngoái vì bị thương hàn, anh ta đưa ra ý kiến như người dùng rìu chẻ củi. Mày cảm thấy chóng mặt, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa duy tâm, như con thú ăn thịt đồng loại nhìn các toà nhà chọc trời, chủ nghĩa duy vật, ý thức xã hội, lúng túng, đồi bại. Khi khoẻ lại, buổi chiều anh thường đến để đi bộ quanh Trường Văn khoa, anh đến học ở Thư viện Quốc gia, anh biết tất cả và có câu trả lời cho mọi thứ và nói về đủ các chuyện, hắn nghĩ, ngoại trừ về chính anh ta. Anh đã học trường nào, gia đình anh có phải Do Thái không, anh có anh chị em nào không, anh sống ở phố nào? Anh không sốt ruột vì các câu hỏi, các câu giải thích của anh dồi dào và vô tư, Aprismo nghĩa là cải cách và chủ nghĩa Cộng sản là cách mạng. Có bao giờ anh ta quý trọng mày hay ghét mày không, hắn nghĩ, ganh tị mày như cách mày ganh tị anh ta? Anh ta sẽ học Luật và Sử, và mày bàng hoàng lắng nghe anh ta, Zavalita: mày cùng học, cùng đi tới nhà in lậu, mày cùng âm mưu, cùng làm việc, cùng chuẩn bị cuộc cách mạng. Anh ta nghĩ gì về mày, hắn nghĩ, bây giờ anh ta có thể nghĩ gì được về mày? Aída trở lại băng ghế, đôi mắt nàng lấp lánh: điểm A, nàng chán nói tới họ. Họ chúc mừng nàng, hút thuốc, đi ra phố. Xe cộ đã bật đèn chạy trên Padre Jerónimo, và một cơn gió thoảng dễ chịu thổi mát mặt họ khi họ đi trên Azángaro, nói huyên thuyên, sôi nổi, hướng đến Parque Universitario. Aída khát, Jacobo đói, Santiago đề nghị tại sao họ không ngừng lại ăn? Họ cho là ý hay, hắn nói hắn đãi, và Aída nói đúng là tư sản. Mình không đi đến quán dưới hầm ở Colmena để ăn da lợn xông khói với bánh quy, mà để nói với nhau về các dự tính của mình, hắn nghĩ, để trở thành bạn tranh luận cho đến khi khản giọng. Không bao giờ có lại sự hào hứng như thế nữa, tính hào phóng như thế nữa. Hắn nghĩ: tình bạn như thế.

“Trưa và tối là chỗ này đông nghẹt,” Jacobo nói. “Sinh viên đến đây sau giờ học.”

“Tôi phải nói với các bạn ngay chuyện này,” Santiago nắm chặt tay dưới bàn và nuốt khan. “Cha tôi là người trong chính quyền.”

Lặng im, cái nhìn trao đổi giữa Jacobo và Aída dường như bất tận, Santiago có thể nghe giây phút trôi qua và mím môi: con ghét ba, papa.

“Tôi nghĩ anh có thể là họ hàng của ông Zavala đó,” cuối cùng Aída nói, với nụ cười chia buồn đau khổ. “Nhưng có sao đâu, cha anh là một chuyện còn anh là chuyện khác.”

“Những nhà cách mạng giỏi nhất xuất thân từ giới tư sản,” Jacobo nâng cao tinh thần họ, một cách nghiêm trang. “Họ từ bỏ giai cấp của họ và đổi qua ý thức hệ của giai cấp công nhân.”

Anh ta đưa ra vài thí dụ, và hắn xúc động nghĩ, cảm ơn, Santiago kể cho họ nghe những cuộc cãi nhau của hắn với các linh mục ở trường về tôn giáo, những tranh cãi chính trị với cha hắn và bạn bè hắn trong khu phố, và Jacobo bắt đầu nhìn qua mấy quyển sách trên bàn: Man’s Fate 4 thú vị nhưng hơi lãng mạn, Out of the Night không đáng đọc, tác giả là một tên chống cộng.

“Chỉ ở phần cuối sách thôi,” Santiago phản đối, “chỉ vì Đảng từ chối giúp ông cứu vợ ông khỏi tay bọn Quốc xã.”

“Còn tệ hơn nữa,” Jacobo giải thích. “Ông ta là kẻ phản bội và là một người đa cảm.”

“Một người hễ đã đa cảm thì không thể là nhà cách mạng được à?”Aída hỏi, buồn rầu.

Jacobo ngẫm nghĩ vài giây rồi nhún vai: có thể được trong một số trường hợp.

“Nhưng bọn phản bội là thứ tệ nhất, thử nhìn APRA xem,” anh ta nói thêm. “Một người hoặc là nhà cách mạng chân chính tới cùng hoặc là hoàn toàn không.”

“Anh có phải là cộng sản không?” Aída hỏi, như thể nàng đang hỏi mấy giờ rồi, và trong một thoáng Jacobo mất bình tĩnh: má anh ửng đỏ, anh nhìn quanh, anh nấn ná bằng cách ho.

“Một cảm tình viên,” anh nói, một cách thận trọng. “Đảng bị đặt ngoài vòng pháp luật, và không dễ bắt liên lạc. Ngoài ra, để làm một người cộng sản, bạn phải nghiên cứu rất nhiều.”

“Tôi cũng là một cảm tình viên,” Aída nói, mừng rỡ. “May là mình gặp nhau.”

“Tôi cũng vậy,” Santiago nói. “Tôi không biết nhiều về chủ nghĩa Marx, nhưng tôi muốn biết thêm. Nhưng ở đâu, bằng cách nào?”

Jacobo nhìn họ, người này qua người kia, nhìn vào mắt họ, từ tốn và sâu lắng, như thể đánh giá lòng chân thành hay sự thận trọng của họ, và anh lại nhìn xung quanh rồi nghiêng người tới họ: có một hiệu sách cũ, ở đây, dưới phố. Một hôm anh khám phá ra nó, anh vào xem quanh quẩn và lật qua một số cuốn sách, rồi anh bắt gặp mấy số báo, rất cũ, rất hay, của một tạp chí anh nghĩ tên là Cultura Soviética. Sách cấm, tạp chí cấm, và Santiago có thể hình dung các hàng kệ tràn đầy những tập sách mỏng không được bán trong các hiệu sách, nhiều bộ bị cảnh sát lấy ra khỏi các thư viện. Trong bóng tối của các bức tường bị ẩm ướt gặm nhấm, qua màng nhện và nấm mốc, họ tra cứu những cuốn sách chấn động, tranh cãi và ghi chép, nhiều đêm trời tối như miệng sói, dưới ánh đèn nến tự chế, họ làm sơ yếu lý lịch, trao đổi tư tưởng, đoc, dạy nhau, từ bỏ giai cấp tư sản, tự vũ trang ý thức hệ của giai cấp công nhân.

“Trong hiệu sách đó còn tạp chí nào nữa không?” Santiago hỏi.

“Chắc còn,” Jacobo nói. “Nếu các bạn muốn, mình có thể cùng đi xem sao. Ngày mai được không?”

“Mình cũng có thể đến phòng triển lãm và viện bảo tàng,” Aída nói.

“Ừ, đúng vậy, cho tới nay tôi chưa đến một viện bảo tàng nào ở Lima.” Jacobo nói.

“Tôi cũng vậy.” Santiago nói. “Mình nên tranh thủ những ngày trước khi nhập học để đi thăm hết cả.”

“Mình có thể đến các viện bảo tàng vào buổi tối, rồi buổi chiều đi qua các hiệu sách cũ,” Jacobo nói. “Tôi biết rất nhiều hiệu sách, và đôi khi mình tìm thấy mấy thứ hay.”

“Cách mạng, sách báo, viện bảo tàng,” Santiago nói. “Ông có thấy trong trắng là gì không?”

“Tôi nghĩ trong trắng là sống không giao cấu, thưa cậu,” Ambrosio nói.

“Và xi nê nữa, một buổi chiều nào đấy đi xem một phim hay,” Aída nói. “Và nếu nhà tư sản Santiago muốn đãi mình thì cứ để anh ấy đãi.”

“Tôi sẽ không bao giờ đãi các bạn nữa, ngay cả một ly nước lã,” Santiago nó. “Ngày mai mình đi đâu, lúc mấy giờ?”

“Ồ, Ròm,” Don Fermín nói. “Vấn đáp có khó lắm không, con có nghĩ là con thi đỗ không, Ròm?”

“Mười giờ trên Plaza San Martín,” Jacobo nói. “Ở trạm xe buýt tốc hành.”

“Con nghĩ là đỗ, papa,” Santiago nói. “Bây giờ ba có thể từ bỏ hy vọng là một ngày nào đó con sẽ học ở Đại học Công giáo.”

“Lẽ ra ba nên tát tai con vì tội hỗn láo,” Don Fermín nói. “Vậy là con thi đỗ, vậy là con thành sinh viên đại học thực thụ. Lại đây, Ròm, cho ba ôm con một cái.”

Mày không ngủ, hắn nghĩ, mình chắc là Aída cũng không ngủ, Jacobo cũng không ngủ. Mọi cánh cửa mở ra, hắn nghĩ, rồi nó bắt đầu đóng lại vào lúc nào và tại sao?

“Con được toại ý, con vào San Marcos,” Señora Zoila nói. “Mẹ nghĩ con phải vui lắm.”

“Rất vui, mama,” Santiago nói. “Nhất là vì con sẽ không phải giao du với những người mực thước nữa. Má không tưởng tượng nổi con vui thế nào đâu.”

“Nếu mày muốn trở thành thằng nông dân lai, tại sao mày không đi làm đầy tớ cho rồi?” Nổ nói. “Đi chân đất, không tắm gội, nuôi chí rận, Siêu não à.”

“Điều quan trọng là Ròm đã vào đại học,” Don Fermín nói. “Đại học Công giáo thì tốt hơn, nhưng nếu đã muốn học thì ở đâu cũng học được.”

“Đại học Công giáo đâu có hay hơn San Marcos chút nào, papa,” Santiago nói. “Trường đó của mấy ông linh mục. Con không muốn học bất cứ cái gì từ mấy ông linh mục. Con ghét linh mục.”

“Rồi anh sẽ xuống thẳng địa ngục, đồ ngu.” Teté nói. “Còn ba để anh ấy lên giọng với ba như vậy, papa.”

“Con tiếc là ba có thành kiến đó, papa,” Santiago nói.

“Không phải là có thành kiến, ba không cần biết bạn học của con là da trắng, đen, hay vàng,” Don Fermín nói. “Ba muốn con học, đừng phí phạm thời giờ của con mà rồi không có sự nghiệp như anh Nổ.”

“Siêu Não lên giọng với ba rồi ba trút qua cho con,” Nổ nói. “Được lắm, papa.”

“Chính trị đâu phải là phí phạm thời giờ,” Santiago nói. “Hay phải chăng quân đội là kẻ duy nhất có quyền tham gia chính trị ở đây?”

“Đầu tiên là mấy ông linh mục rồi bây giờ tới quân đội, hai giọng điệu như nhau,” Nổ nói. “Đổi đề tài đi, Siêu Não, mày như cái đĩa hát rè.”

“Anh thật đúng giờ,” Aída nói. “Anh đang lẩm bẩm một mình, thật ngộ.” “Không ai chơi được với con,” Don Fermín nói. “Ngay cả dù mọi người trong nhà thương yêu con, con luôn đá đít gia đình.”

“Sự thực là tôi hơi điên,” Santiago nói. “Cô không sợ khi giao du với tôi à?”

“Được rồi, đừng khóc, đứng lên, tôi tin anh, anh làm việc ấy vì tôi,” Don Fermín nói. “Anh không nghĩ là thay vì giúp tôi, anh có thể chôn vùi tôi vĩnh viễn hay sao? Chúa cho anh cái đầu để làm gì, đồ quỷ tội nghiệp?”

“Anh có tin không, tôi thích người điên,” Aída nói. “Tôi chưa quyết định giữa Luật và Tâm thần học.”

“Đúng là ba để con được tự ý quá nhiều, rồi con lấn lướt,” Don Fermín nói. “Đi về phòng con, ngay lập tức, Ròm.”

“Khi ba phạt con, ba cúp tiền tiêu vặt của con, tới lượt Santiago, ba chỉ đuổi anh ấy về phòng,” Teté nói. “Kiểu gì vậy nè, papa?”

“Sự thực là không ai vui với cái mình có,” Ambrosio nói. “Ngay cả cậu, mà cậu có tất cả. Thử nhìn hoàn cảnh tôi xem.”

“Cúp tiền tiêu vặt của nó luôn, papa.” Nổ nói. “Tại sao thiên vị như vậy?”

“Tôi mừng là cô đã chọn Luật,” Santiago nói. “Kìa, Jacobo kìa.”

“Đừng xen vào khi ba đang nói với Ròm,” Don Fermín nói. “nếu các con xen vào, cả hai đứa sẽ khỏi có tiền tiêu vặt.”

——————————

1. Hồi ký xuất bản năm 1941 của Jan Valtin, tên thật là Richard Julius Herman Krebs (1905-1951).

2. Manuel Gozález Prada (1844-1918), chính trị gia Peru theo khuynh hướng vô chính phủ, nhà phê bình văn chương và là một trong những người đi đầu trong phong trào văn học hiện đại mang tính lãng mạn, tượng trưng và du dương của châu Mỹ La tinh.

3. “Thầy đi đâu vậy”, câu nói của Peter khi Jesus cáo biệt các tông đồ trong đêm trước khi bị bắt (John 13:36). Quo Vadis cũng là tên của nhiều bộ phim và tiểu thuyết chủ yếu nói về mối tình giữa một phụ nữ bộ lạc Ligia theo đạo Ki tô với một quý tộc La Mã.

4. La Condition humaine, tiểu thuyết của André Malraux năm 1933.

Trước
image
Chương 4
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!