Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 1 – Chương 6
Trước
image
Chương 6
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Có phải là vào năm thứ nhất ấy, Zavalita, mày thấy San Marcos là một ổ điếm chứ không phải là thiên đàng như mày nghĩ? Cậu đã không thích cái gì, thưa cậu? Không phải là chuyện mấy lớp học bắt đầu vào tháng Sáu thay vì tháng Tư, không phải là chuyện các giáo sư già khụ như bàn ghế, hắn nghĩ, mà là thiếu quan tâm của các bạn cùng trường khi vấn đề sách vở được nêu ra, sự biếng nhác trong mắt họ khi chủ đề là chính trị. Nông dân rất giống với những thằng bé được nuôi dưỡng tốt như chúng tôi, Ambrosio à. Các giáo sư chắc chỉ được trả đồng lương khốn nạn, Áida nói, họ chắc đã làm việc trong các bộ, dạy học ở trường tư, làm sao có thể đòi hỏi họ làm gì khá hơn. Các bạn phải hiểu tính thờ ơ của sinh viên, Jacobo nói, guồng máy đã tạo họ như thế: họ cần được khuấy động, được thấm nhuần chủ nghĩa, được tổ chức. Nhưng người cộng sản ở đâu, nhóm Aprista ở xó xỉnh nào? Tất cả trong tù, tất cả lưu vong? Những lời chỉ trích này là do bây giờ nhìn lại, Ambrosio, chứ hồi đó hắn không nhận thức được và hắn còn thích San Marcos. Chuyện gì xảy ra cho ông giáo sư cả năm chỉ dạy hết hai chương của cuốn Tổng hợp về nghiên cứu mang tính lý luận do Revista de Occidente 1 xuất bản? Theo cách nói của Husser 2 , tạm treo đấy vấn đề bệnh chó dại theo hiện tượng luận, đặt trong ngoặc đơn, tình trạng nghiêm trọng do bầy chó ở Lima gây ra: giám thị sẽ đeo loại mặt nào? Còn cái ông thầy chỉ cho bài kiểm tra chính tả, cái ông khi ra đề thi hỏi về những sai lầm của Freud thì sao?

“Các bạn nói sai, các bạn phải đọc cả tụi theo chính sách ngu dân,” Santiago nói.

“Đọc họ bằng ngôn ngữ của họ chắc là thích lắm,” Aída nói. “Tôi muốn biết tiếng Pháp, tiếng Anh, cả tiếng Đức nữa.”

“Đọc đủ thứ, nhưng với đầu óc phê bình,” Jacobo nói. “Đối với các bạn, những người tiến bộ luôn luôn có vẻ dở, và bọn suy đồi luôn luôn có vẻ hay. Đó là điều tôi phê bình các bạn.”

“Tôi chỉ nói Thép đã tôi thế đấy 3 làm tôi chán, và tôi thích Lâu đài 4 ,” Santiago phản đối. “Tôi không tổng quát hoá.”

“Bản dịch Ostrovsky chắc là dở và bản dịch Kafka chắc là hay, đừng cãi nhau nữa.” Aída nói.

Còn ông già bé nhỏ có cái bụng bự, mắt xanh và tóc dài bạc trắng giảng về các nguồn lịch sử thì sao? Ông ấy dạy hay đến nỗi làm tôi muốn qua khoa Lịch sử chứ không học Tâm lý, Aída nói, và Jacobo ừ, đáng tiếc ông ấy là học giả Hispanic 5 chứ không phải học giả bản địa. Các phòng học mấy hôm đầu chen chúc, rồi thưa vắng dần, đến tháng Chín số sinh viên tham dự chỉ còn một nửa và tìm chỗ ngồi trong lớp không còn khó nữa. Họ không cảm thấy bị lừa, chẳng phải các giáo sư không biết gì hay không muốn dạy, hắn nghĩ, họ cũng chẳng thích học nữa. Aída nói vì họ nghèo và phải đi làm, Jacobo thì nói vì họ bị nhiễm chủ nghĩa hình thức tư sản và chỉ muốn có mảnh bằng; vì để có mảnh bằng bạn không phải vào lớp hay chú tâm hay học hỏi: bạn chỉ phải chờ thôi. Ở San Marcos có vui không Ròm, tại sao con trở nên thui thủi vậy Ròm? Vui papa, họ giỏi thật papa, con đâu có thui thủi papa. Con đi ra đi vào nhà như bóng ma, Zavalita, con đóng cửa ru rú trong phòng con và không thò mặt ra với gia đình, con như con gấu, Señora Zoila nói, và anh Nổ nói mày sắp lé mắt vì đọc nhiều quá, và Teté nói tại sao anh không đi chơi với Popeye nữa, Siêu não. Vì Jacobo và Aída là đủ rồi, hắn nghĩ, vì tình bạn của họ loại trừ mọi thứ, làm phong phú và đền bù mọi thứ. Ngay đó, hắn nghĩ, phải chăng mình làm mình khốn khổ khốn nạn ngay đó?

Họ đã ghi danh học chung các môn, họ ngồi chung dãy, họ đi chung đến San Marcos hay Thư viện Quốc gia, họ khó chia tay nhau để về nhà ngủ. Họ đọc cùng cuốn sách, xem cùng phim, khích động vì cùng những tờ báo, khi họ rời trường đại học, lúc trưa và lúc chiều, họ sẽ nói chuyện hàng giờ trong El Palermo trên Colmena, tranh cãi hàng giờ trong hiệu bánh ngọt Huérfanos trên Azángaro, nói chuyện hàng giờ về tin chính trị trong một quán cà phê và tiệm bi da phía sau Dinh Công lý. Đôi khi họ chui vào một rạp xi nê, đôi khi lục lọi các hiệu sách, đôi khi cuốc bộ dài qua thành phố như một chuyến thám hiểm. Phi tính dục, thân hữu, tình bạn dường như cũng vĩnh cửu.

“Chúng tôi thấy cùng những điều quan trọng như nhau, chúng tôi ghét cùng một thứ, và chúng tôi chưa bao giờ đồng ý về bất cứ điều gì,” Santiago nói. “Như thế cũng thích.”

“Vậy tại sao hồi đó cậu cay đắng thế?” Ambrosio hỏi. “Có phải vì cô gái?”

“Tôi không bao giờ gặp cô ấy một mình.” Santiago nói. “Tôi không cay đắng; thỉnh thoảng con sâu nhỏ cồn cào một chút trong dạ dày, thế thôi.”

“Cậu muốn ăn nằm với cô ta mà không được vì có đứa kia ở đó,” Ambrosio nói. “Tôi biết ở gần người mình yêu mà chả làm được gì là như thế nào.”

“Ông có bị như vậy với Amalia không?” Santiago hỏi.

“Tôi có lần xem một phim như vậy,” Ambrosio nói.

Đại học phản ánh đất nước, Jacobo nói, hai mươi năm trước các giáo sư ấy chắc hẳn là những người tiến bộ và thích đọc, rồi thì do họ phải làm những việc khác và do môi trường, họ trở nên tầm thường và tư sản, và ở đó, dinh dính và be bé ở cuống dạ dày của hắn: con sâu nhỏ. Sinh viên cũng có lỗi, Aída nói, họ thích guồng máy; và nếu mọi người đều có lỗi thì phải chăng điều còn lại duy nhất chúng ta có thể làm là thích ứng? Santiago hỏi, và Jacobo: giải pháp là cải tổ đại học. Một vật be bé và cay gắt nằm ẩn dưới các cuộc đối thoại, bỗng dưng giữa lúc tranh cãi sôi nổi, xen vào, dẫn lạc hướng, làm xao lãng với những thoáng u sầu hay tiếc nuối. Đồng giảng dạy, đồng quản trị, đại học đại chúng, Jacobo nói: ai có khả năng thì nên đến dạy, sinh viên có thể loại bỏ các giáo sư kém, và do người dân không đến trường đại học, đại học nên đến với người dân. U sầu vì hắn ao ước nói chuyện một mình với cô ấy mà không được chăng, tiếc nuối những lần tản bộ một mình với cô ấy mà hắn đã tưởng tượng ra chăng? Nhưng nếu đại học là phản ảnh của đất nước, San Marcos sẽ không bao giờ khá chừng nào Peru còn tồi tệ như thế, Santiago nói, và Aída nói nếu muốn chữa bệnh tận gốc thì không nên nói tới cải cách đại học mà phải nói tới cách mạng. Nhưng họ là sinh viên và môi trường hành động của họ là đại học, Jacobo nói, đem lại cải cách là họ sẽ đem lại cách mạng: các bạn phải đi qua nhiều giai đoạn và đừng bi quan.

“Cậu ganh tị với bạn cậu,” Ambrosio nói. “Và ganh tị là loại thuốc độc tệ hại nhất.”

“Jacobo chắc đang trải qua cùng một cảm giác như tôi,” Santiago nói. “Nhưng cả hai chúng tôi giấu kín.”

“Cậu ta chắc cũng muốn loại bỏ cậu bằng bùa phép thôi miên để cậu ta có thể một mình với cô gái.” Ambrosio nói.

“Anh ta là bạn tốt nhất của tôi,” Santiago nói. “Tôi ghét anh ta, nhưng đồng thời tôi mến và cảm phục anh ta.”

“Các bạn không nên hoài nghi như thế,” Jacobo nói. “Được ăn cả, ngã về không là kiểu tư sản điển hình.”

“Tôi không hoài nghi,” Santiago nói. “Nhưng chúng ta nói hoài nói mãi rồi vẫn dậm chân tại chỗ.”

“Đúng vậy, cho đến nay chúng ta chưa ra khỏi lý thuyết,” Aída nói. “Chúng ta nên làm gì khác hơn là nói suông.”

“Chúng ta không thể làm một mình,” Jacobo nói. “Trước tiên chúng ta phải bắt liên lạc với những người tiến bộ ở trường đại học.”

“Mình đã ở đó hai tháng rồi mà chẳng tìm thấy một người nào,” Santiago nói. “Tôi bắt đầu tin là họ không có.”

“Họ phải thận trọng, và thế là hợp lý,” Jacobo nói. “Họ sẽ xuất hiện không sớm thì muộn.”

Và thật vậy, lén lút, ngờ vực, bí mật, từng tí một, họ lộ ra, như những cái bóng lẩn lút: họ học năm thứ nhất Văn khoa, đúng không? Giữa các giờ học họ thường ngồi trên một băng ghế trong sân của Khoa, hình như họ đang quyên tiền, hay đi bộ vòng quanh hồ nước phun trong Trường Luật, để mua nệm cho các sinh viên trong tù, và đôi khi họ cũng trao đổi vài lời với sinh viên các khoa khác hay lớp khác, những người bị nhốt ngủ trên sàn xà lim của nhà lao, và trong các lời đối thoại thoáng qua nhanh ấy, đằng sau sự ngờ vực, mở một lối vượt qua nỗi hoài nghi, trước kia chưa ai kể cho họ về vụ quyên góp à? họ nhận ra hay dường như nhận ra một sự thăm dò tế nhị về cách suy nghĩ của họ, chẳng phải là vấn đề chính trị gì, một lời ướm thận trọng, mà chỉ là một hành động nhân đạo, những dấu hiệu mơ hồ rằng người ta đang chuẩn bị cho một chuyện gì sắp đến, và ngay cả hội Ki tô thiện nguyện bình thường, hay một tiếng gọi kín đáo để họ có thể cho thấy qua cùng một mật hiệu là người ta có thể tin họ được: có thể nào họ đóng góp chỉ một đồng được không? Họ sẽ xuất hiện một mình và lén lút trong các sân của San Marcos, họ sẽ đến tán gẫu với chúng vài phút về mấy chuyện mơ hồ, họ sẽ biến mất vài ngày rồi lại chợt xuất hiện, thân mật và tránh né, cũng nét mỉm cười thận trọng trên cùng những khuôn mặt da đỏ, lai, Tàu, da đen, và cũng mấy câu nói nước đôi với giọng tỉnh lẻ của họ, với cùng những bộ áo sờn vải bạc màu và cùng đôi giày cũ, và đôi khi có một tạp chí hoặc một tờ báo hoặc một cuốn sách kẹp dưới cánh tay họ. Họ đang học gì, họ từ đâu đến, họ tên gì, sống ở đâu? Như một tia chớp trơ trụi trên bầu trời mây mù, anh chàng trong khoa Luật đó là một trong những người đã cố thủ ở San Marcos hồi cách mạng Odría, một sự tin cậy chớp nhoáng bỗng xuyên qua các cuộc đối thoại tẻ nhạt, và anh ta đã bị nhốt tù và đã tuyệt thực trong tù, làm họ phấn khởi và sôi sục, và anh ta chỉ mới được thả ra một tháng trước, và những tiết lộ những khám phá ấy, cùng với chuyện anh chàng kia đã là đại biểu của khoa Kinh tế hồi Trung tâm Liên hội và Liên trường vẫn còn sinh hoạt trước khi cảnh sát dẹp tan các tổ chức sinh viên bằng cách tống lãnh tụ của họ vào khám, đã đánh thức trong họ một niềm phấn khích khắc khoải, một nỗi tò mò mãnh liệt.

“Con về nhà trễ để khỏi phải ăn với gia đình, và khi con cho gia đình cái vinh hạnh đó thì con không mở miệng,” Señora Zoila nói. “Người ta cắt lưỡi con ở San Marcos hả?”

“Anh ta phát biểu chống Odría và chống cộng,” Jacobo nói. “Các bạn có nghĩ anh ta là một tay Aprista không?”

“Nó đóng vai im lặng để làm cho nó hay ho hơn.” Nổ nói. “Thần đồng đâu có phí thời giờ nói chuyện với kẻ ngu dốt, không đúng sao, Siêu Não?”

“Cô Teté có bao nhiêu đứa con?” Ambrosio hỏi. “Còn cậu có mấy đứa, thưa cậu?”

“Một tay Trotsky 6 thì đúng hơn, vì anh ta khen Lechín 7 ,” Aída nói. “Người ta chẳng nói Lechín là một tay Trotsky đấy sao?”

“Teté có hai đứa con, còn tôi không có con,” Santiago nói. “Tôi không muốn làm cha, nhưng có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ quyết định. Như cách mình đang sống thì có con cái làm gì?”

“Còn nữa, anh đi loanh quanh như người mộng du với cặp mắt như con cừu bị làm thịt,” Teté nói. “Anh có yêu cô nào ở San Marcos không?”

“Khi về đến nhà, ba thấy đèn trên bàn ngủ của con vẫn sáng,” Don Fermín nói. “Con đọc sách thì tốt, nhưng con cũng nên giao du một chút, Ròm.”

“Có, một cô thắt bím, đi chân đất và chỉ nói tiếng da đỏ Quechua,” Santiago nói. “Em muốn biết hả?”

“Bà già đen thường nói trời sinh voi sinh cỏ,” Ambrosio nói. “Nếu để tuỳ ý tôi, tôi sẽ nói là tôi sẽ có rất nhiều con. Bà già đen, mama tôi, có thể yên nghỉ.”

“Khi về tới nhà con hơi mệt. Vì vậy con vào phòng con, papa.” Santiago nói. “Tại sao con không ngồi nói chuyện với gia đình hả? Cả nhà không nghĩ là con điên chứ?”

“Em mới là kẻ phát điên mỗi lần nói chuyện với anh, anh bướng như con lừa ấy,” Teté nói.

“Không điên, nhưng hơi lạ.” Don Fermín nói. “Bây giờ chỉ còn ba với con, Ròm, con có thể nói thẳng với ba. Có chuyện gì làm con bận tâm không?”

“Anh chàng đó có thể trong Đảng,” Jacobo nói. “Cách diễn giải của anh ta về những gì đang xảy ra ở Bolivia rất là Marxist.”

“Không, papa,” Santiago nói. “Con chẳng sao cả, con nói thật với ba.”

“Hồi xửa hồi xưa Pancras có một đứa con trai ở Huacho, rồi một hôm vợ hắn bỏ hắn, và hắn chẳng bao giờ gặp lại mụ nữa,” Ambrosio nói. “Từ dạo ấy đến nay hắn cố tìm đứa con trai đó. Hắn không muốn chết mà không biết liệu khi lớn lên đứa con có hoá ra xấu xí như hắn không.”

“Anh chàng đó đâu có đến để dò hỏi mình mà chỉ muốn nói chuyện với cô,” Santiago nói. “Hắn chỉ nói với cô, và cứ cười chúm chím. Cô đã chinh phục được hắn, Aída.”

“Đầu óc anh dơ bẩn thật, anh đúng là tư sản.” Aída nói.

“Tôi có thể hiểu được vì ngày này qua ngày khác tôi cũng nghĩ về Amalita Hortensia,” Ambrosio nói. “Tự hỏi con bé như thế nào, nó giống ai.”

“Cô nghĩ là điều ấy chỉ xảy ra cho tụi tư sản hả?” Santiago hỏi. “Người cách mạng không bao giờ nghĩ đến phụ nữ sao?”

“Xem anh kìa, bây giờ anh cáu vì tôi gọi anh là tư sản,” Aída nói. “Đừng nhạy cảm như thế, đừng tư sản như thế. A, tôi lại lỡ lời.”

“Bọn mình đi uống cà phê đi,” Jacobo nói. “Nào, trả bằng vàng Moscow đấy 8 .”

Có phải họ là những kẻ nổi loạn đơn độc, có phải họ hoạt động trong một tổ chức bí mật nào đó, có thể một kẻ trong số họ là tên chỉ điểm không? Họ không đi đâu cùng nhau, họ ít khi xuất hiện cùng lúc, họ không biết nhau hay họ làm cho thiên hạ nghĩ là họ không biết nhau. Đôi khi dường như họ sắp tiết lộ điều gì quan trọng, nhưng họ sẽ ngừng trước khi nói ra, và những lời gợi ý và ám chỉ của họ, bộ áo sờn vải của họ và cử chỉ có tính toán của họ khơi dậy nỗi hiếu động của chúng, những mối ngờ vực, một niềm ngưỡng mộ bị kiềm nén vì hoài nghi hoặc sợ hãi. Khuôn mặt thản nhiên của họ bắt đầu xuất hiện trong các quán cà phê nơi cả ba đến sau giờ học, có phải anh ta là người đưa tin, có phải anh ta đang thăm dò địa thế? những hình bóng khiêm tốn của họ khi họ ngồi xuống bàn nơi chúng đến, vậy thì mình hãy cho họ thấy họ chẳng có lý do gì để giả vờ với mình, và ở đấy, bên ngoài San Marcos, này, Aída nói, có hai tên chỉ điểm trong lớp tụi mình, Jacobo nói, thay vì đợi bẫy, mình vạch tụi nó ra thì tụi nó chẳng chối đi đâu được, các cuộc đối thoại bắt đầu ít trên mây hơn, cả ba tự lấy cớ rằng làm luật sư thì mình sẽ leo cao trên bậc thang xã hội, Santiago nói, đôi khi lấy giọng chính trị táo bạo, Aída nói tụi ngốc thậm chí còn không biết cách nói láo. Những buổi tán gẫu sẽ bắt đầu bằng một giai thoại nào đó. Washington nói tụi nguy hiểm không phải là tụi để bị người ta tìm ra, hoặc bằng câu nói đùa hoặc câu chuyện hoặc câu hỏi, mà là tụi chỉ điểm cắc ké không xuất hiện trong hồ sơ cảnh sát, và rồi, rụt rè, ngẫu nhiên, các câu hỏi đến, không khí năm thứ nhất thế nào? có tình trạng hiếu động nào không, tụi nhỏ có chú ý đến mấy chuyện rắc rối không? đa số có quan tâm đến việc lập Trung tâm Liên hội không? càng lúc càng bí hiểm, quanh co, họ nghĩ gì về cách mạng Bolivia? Cuộc đối thoại sẽ lan man, và Guatemala nữa, họ nghĩ gì về chuyện đó? về tình hình quốc tế. Náo nhiệt, sôi nổi, ba người phát biểu ý kiến mà không hạ thấp giọng, cứ để tụi chỉ điểm nghe, cứ để tụi nó bắt, và Aída trở nên kích động, hắn nghĩ cô ấy là người nhiệt tình nhất, cô ấy để tình cảm chi phối, người cả gan nhất, hắn nghĩ, người đầu tiên táo bạo chuyển cuộc đối thoại từ Bolivia và Guatemala qua Peru: mình đang sống dưới chế độ độc tài quân phiệt, và cặp mắt vạc đêm của cô ấy lấp lánh, dù cho cuộc cách mạng Bolovia chỉ cấp tiến, và mũi cô ấy mỏng hơn, dù cho Guatemala thậm chí chưa đi xa được như cuộc cách mạng dân chủ tư sản, và hai bên thái dương của cô đập nhanh hơn, thì họ vẫn khá hơn Peru, và một lọn tóc của cô nhảy múa, bị cai trị bởi một viên tướng thối tha, và nó nảy trên trán khi cô nói, và bởi một lũ ăn cắp, và hai nắm tay nhỏ của cô nện lên bàn. Bất an, bứt rứt, cảnh giác, những cái bóng lẻn lút cắt lời Aída, đổi đề tài, hay đứng lên bỏ đi.

“Papa của cậu nói San Marcos không tốt cho cậu,” Ambrosio nói. “Vì trường đại học nên cậu hết yêu ông ấy.”

“Các bạn làm khó Washington,” Jacobo nói. “Nếu anh ta là người trong Đảng, anh ta phải cẩn thận. Đừng nói mạnh như thế về Odría trước mặt anh ta, các bạn có thể làm anh ta gặp rắc rối.”

“Cha tôi bảo ông là tôi hết yêu ông ấy à?” Santiago hỏi.

“Anh nghĩ Washington bỏ đi vì vậy hả?” Aída hỏi.

“Đó là điều ông lo nhất trong đời,” Ambrosio nói. “Tìm xem tại sao cậu hết yêu ông, thưa cậu.”

Anh học Luật năm thứ ba, anh là người Andes nhỏ nhắn, trắng trẻo và vui vẻ, nói với giọng xuề xoà, không bí ẩn, không cha chú như kẻ khác, anh là người đầu tiên họ biết tên: Washington. Luôn luôn mặc áo xám nhạt, luôn luôn để lộ mấy cái răng chó vui vẻ của anh, bằng những lời đùa cợt anh đưa vào cuộc đối thoại ở El Palermo, trong quán cà phê bi da, hay trong sân của khoa Kinh tế, một không khí thân mật không thấy ở các cuộc đối thoại bí hiểm hay rập khuôn họ thường có với những người khác. Nhưng dù với bề ngoài cởi mở của anh, anh cũng biết cách kín nhẹm. Anh là người đầu tiên đổi từ chiếc bóng lẻn lút thành một người bằng xương bằng thịt. Thành một người quen, hắn nghĩ, hầu như thành một người bạn.

“Tại sao cha tôi nghĩ như thế?” Santiago hỏi. “Cha tôi còn nói gì với ông nữa?”

“Tại sao mình không tổ chức một nhóm nghiên cứu?” Washington hỏi như không chủ định.

Họ ngưng suy nghĩ, thở, mắt họ dán chặt vào anh.

“Một nhóm nghiên cứu?” Aída hỏi rất từ tốn. “Nghiên cứu cái gì?”

“Không nói với tôi, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Ông nói với mama của cậu, anh em của cậu, bạn bè, và tôi nghe được trong lúc tôi lái xe.”

“Chủ nghĩa Marx,” Washington nói một cách tự nhiên. “Họ không dạy nó trong trường đại học thế mà nó có thể có ích cho chúng ta như một phần của kiến thức tổng quát, các bạn không nghĩ thế sao?”

“Ông biết cha tôi hơn tôi,” Santiago nói. “Kể cho tôi thêm những chuyện cha tôi thường nói về tôi đi.”

“Thế là hay nhất,” Jacobo nói. “Mình hãy tổ chức nhóm.”

“Làm sao tôi có thể biết ông hơn cậu biết,” Ambrosio nói. “Cậu nói gì lạ thế, thưa cậu.”

“Vấn đề là làm sao có sách,” Aída nói. “Trong các hiệu sách cũ mình chỉ tìm được vài số báo cũ của tờ Cultura Soviética.”

“Tôi biết cha tôi nói chuyện với ông về tôi,” Santiago nói. “Nhưng thôi, đừng kể với tôi nếu ông không muốn.”

“Các bạn có thể tìm được sách, nhưng chúng ta phải cẩn thận,” Washington nói. “Nghiên cứu chủ nghĩa Marx cũng đủ để các bạn bị ghi vào hồ sơ là người cộng sản. Ồ, các bạn biết rõ hơn tôi.”

Các nhóm nghiên cứu Marx đã ra đời như thế, họ đã bắt đầu như thế mà không biết, bắt đầu hoạt động, bắt đầu lao vào vai trò có uy tín, bí mật mà họ hằng ao ước. Nhờ thế họ khám phá ra hiệu sách xập xệ trên đường Jirón Chota và ông già Tây Ban Nha đeo kính đen với bộ râu dê trắng có những cuốn Thế kỷ XX và Lautaro 9 trong căn phòng phía sau của ông, nhờ thế họ đã mua, hăng hái lật qua cuốn ấy, cuốn sách đã đưa các cuộc thảo luận của nhóm tới mức sốt bỏng trong nhiều tuần, cuốn sách có câu trả lời cho mọi việc: Các yếu tố của Triết học, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: Georges Politzer 10 . Nhờ thế họ gặp Hector, một cái bóng lẻn lút khác cho đến lúc ấy, và biết anh chàng cao lêu nghêu, gầy nhẳng, súc tích ấy đang học Kinh tế và sống bằng nghề làm phát ngôn viên đài truyền thanh. Họ quyết định gặp nhau hai lần mỗi tuần, họ bàn về địa điểm khá lâu, cuối cùng họ chọn nhà trọ của Héctor trên Jesús María, nhiều tháng sau đó họ sẽ đến nơi ấy, mỗi chiều thứ Năm và thứ Bảy, cảm thấy mình bị theo dõi và do thám, nhìn khu phố một cách ngờ vực trước khi họ vào. Họ sẽ đến đó khoảng ba giờ, căn phòng của Héctor cũ và lớn, với hai cửa sổ rộng nhìn ra đường, trên tầng ba của nhà trọ do một bà điếc quản lý, thỉnh thoảng bà lên nói oang oang các cô cậu dùng trà không? Aída ngồi trên giường, phủ định của phủ định, hắn nghĩ, Héctor trên sàn, các bước nhảy vọt về chất, hắn nghĩ, Santiago trên cái ghế duy nhất, sự thống nhất của các mặt đối lập, hắn nghĩ, Jacobo trên bệ cửa sổ, Marx đã lật ngược Hegel, phép biện chứng không còn đi bằng cái đầu như ở Hegel nữa mà đi trên đôi chân, hắn nghĩ, và Washington luôn luôn đi trên đôi chân. Hắn nghĩ: đi thế để lớn lên, và hắn cười. Mỗi lần họ lại thay phiên nhau điểm một chương trong sách của Politzer, sau điểm sách là thảo luận, họ gặp nhau hai, ba, thậm chí bốn tiếng, họ ra về từng cặp, để lại căn phòng đầy khói và nhiệt huyết. Sau đó cả ba sẽ gặp lại, và trong một công viên nào đó, liệu Washington có thể là người của Đảng hay không? Aída hỏi, họ tiếp tục nói chuyện, liệu Héctor có thể trong Đảng hay không? Jacobo hỏi, giả thử như thế, liệu Đảng có thể nào hiện hữu hay không? Santiago hỏi, tự phê bình được làm như thế nào? và sôi nổi tranh cãi. Đó là cách họ qua năm thứ nhất, đó là cách hắn qua mùa hè, không đi ra bờ biển một lần nào, hắn nghĩ, đó là cách hắn bắt đầu năm thứ hai.

Có phải vào năm thứ hai ấy, Zavalita, khi mày thấy học chủ nghĩa Marx không thôi chưa đủ, mày còn phải tin nó? Chắc cái làm mày khốn khổ là sự thiếu niềm tin đó, Zavalita. Thiếu niềm tin vào Chúa hay sao, thưa cậu? Niềm tin để tin vào bất cứ điều gì, Ambrosio. Ý niệm về Thượng đế, ý niệm về một “thánh linh thuần khiết” đã tạo nên vũ trụ là vô nghĩa, Politzer nói, một Thượng đế bên ngoài không gian và thời gian là điều không thể hiện hữu. Mày đi loanh quanh với bộ mặt không phải bộ mặt vẫn có của mày, Santiago. Politzer nói bạn phải dự vào chủ nghĩa thần bí lý tưởng và vì thế không chấp nhận bất cứ sự chi phối khoa học nào, để tin vào một Thượng đế hiện hữu bên ngoài thời gian, nghĩa là không hiện hữu trong bất cứ khoảng khắc cụ thể nào, và hiện hữu bên ngoài không gian, nghĩa là không hiện hữu trong bất cứ địa điểm cụ thể nào. Điều tệ nhất là có những mối hoài nghi, Ambrosio, và điều kỳ diệu là nhắm mắt lại mà nói Thượng đế hiện hữu hay Thượng đế không hiện hữu rồi tin như thế. Hắn thấy đôi khi hắn đóng trò bịp bợm trong nhóm, Aída: anh ấy nói tôi tin hay tôi đồng ý, nhưng trong thâm tâm anh ấy nghi ngờ. Politzer nói những người duy vật, được trang bị các kết luận khoa học, khẳng định rằng vật chất hiện hữu trong không gian và tại một thời điểm cụ thể (trong thời gian). Nắm chặt tay, nghiến chặt răng, Ambrosio, APRA là giải pháp, và tin lấy nó. Khi ấy cuộc sống tự nó trở nên có tổ chức, và ông sẽ không cảm thấy trống rỗng nữa, Ambrosio. Gã không tin các linh mục, thưa cậu, và từ khi còn nhỏ gã không đi dự thánh lễ, nhưng gã tin vào tôn giáo và Thượng đế, chẳng phải mọi người đều phải tin vào một điều gì đó sao? Do đó vũ trụ không thể được tạo ra, Politzer kết luận, vì nó đòi hỏi Thượng đế phải có khả năng tạo ra thế giới vào một thời điểm chưa bao giờ là thời điểm (vì thời gian không hiện hữu đối với Thượng đế) và nó cũng đòi hỏi thế giới đến từ hư không: điều ấy làm anh băn khoăn lắm sao. Zavalita? Aída hỏi. Và Jacobo: nếu trong bất kỳ cảnh ngộ nào cần bắt đầu tin vào một điều gì thì tin rằng Thượng đế không hiện hữu vẫn tốt hơn là tin có hiện hữu. Santiago cũng muốn như thế, Aída, hắn muốn tin điều Politzer nói là đúng, Jacobo. Điều này làm hắn thấy bối rối là hắn có những mối hoài nghi, Aída, không thể đoan chắc, Jacobo. Chủ nghĩa bất khả tri tiểu tư sản, Zavalita, chủ nghĩa lý tưởng trá hình, Zavalita. Aída không nghi ngờ gì sao, Jacobo tin đến tận chữ cuối cùng mà Politzer đã nói sao? Nghi ngờ là tai hoạ, Aída nói, nó khiến anh tê liệt và anh không thể làm gì, và Jacobo nói, mất thời giờ đào bới loanh quanh cả đời, như thế có đúng không? tự hành hạ mình, có phải là dối trá không? thay vì hành động? Thế giới sẽ không bao giờ thay đổi, Zavalita. Để hành động anh phải tin vào một điều gì, Aída nói, mà tin vào Thượng đế đã không giúp thay đổi gì, thì Jacobo nói: tốt hơn nên tin vào chủ nghĩa Marx, nó có thể thay đổi sự việc, Zavalita. Washington nói, khắc sâu sự hoài nghi: có phương pháp cho giới công nhân chăng? Héctor nói, cắm sâu bốn nguyên tắc đầy đủ lý do cho giới công nhân chăng? Hắn nghĩ: mày nghĩ là không, Zavalita. Nhắm mắt mày lại, chủ nghĩa Marx dựa trên khoa học, siết chặt nắm tay mày, tôn giáo dựa trên ngu muội, cắm sâu chân mày xuống đất, Thượng đế không hiện hữu, nghiến răng mày, lực vận động của lịch sử là đấu tranh giai cấp, rèn luyện bắp thịt mày, khi nó tự giải phóng ra khỏi sự bóc lột tư sản, thở sâu, giai cấp vô sản sẽ giải phóng nhân loại, và tấn công: và dựng lên một thế giới phi giai cấp. Mày không thể, Zavalita, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: mày đã là, mày đang là, mày sẽ luôn luôn là, mày đến chết vẫn là một tên tiểu tư sản. Phải chăng bầu sữa, trường tư, gia đình, láng giềng mạnh mẽ hơn? hắn nghĩ. Mày thường đi dự thánh lễ, xưng tội và nhận thánh thể vào những ngày thứ Sáu đầu tháng, mày cầu nguyện mà ngay cả hồi đó cũng là dối trá, tôi không tin. Mày đến nhà trọ của bà điếc, thay đổi về lượng, khi tích luỹ lại, dẫn tới biến đổi về chất, và mày ừ ừ, tư tưởng gia duy vật vĩ đại nhất trước Marx là Diderot 11 , ừ ừ, rồi bỗng có một con sâu nhỏ: dối trá, tôi không tin.

“Chẳng ai chú ý, đó mới là điều chính,” Santiago nói. “Tôi không làm thơ, tôi tin Chúa, tôi không tin Chúa. Luôn luôn nói dối, luôn luôn giả vờ.”

“Có lẽ cậu không nên uống thêm nữa, thưa cậu,” Ambrosio nói.

“Ở trường luyện thi, ở nhà, trong khu phố, trong nhóm nghiên cứu, trong Đảng, ở La Crónica,” Santiago nói. “Cả đời tôi sống toàn làm những điều mình không tin, cả đời tôi sống giả vờ.”

“Em mừng là papa vứt sách Cộng sản của anh vào thùng rác, ha ha,” Teté nói.

“Và cả đời tôi muốn tin vào một điều gì,” Santiago nói. “Và cả đời tôi là một sự dối trá, tôi không tin vào một điều gì.”

Có phải là thiếu niềm tin không, Zavalita, không thể nào là tính rụt rè sao? Trong thùng báo cũ nơi nhà để xe, phía sau cuốn sách mới của Politzer, chất đống Việc chính của thời đại chúng ta 12 , hắn nghĩ, những cuốn sách đã được đọc và thảo luận trong nhóm, Các nguồn gốc của gia đình, xã hội và nhà nước 13 , hắn nghĩ, những cuốn sách đóng sơ sài và in chữ nhỏ, Đấu tranh giai cấp ở Pháp 14 , hắn nghĩ, bong ra khi ngón tay mày đụng đến. Anh chàng Martínez gốc da đỏ đã được quan sát, tìm hiểu, điều tra trước, rồi đưa vào nhóm, anh ta đang học ngành Dân tộc học, và sau đó là Solórzano khoa Y, rồi một cô hầu như bị bạch tạng mà họ đặt biệt hiệu là Chim. Phòng của Héctor trở nên quá nhỏ, cặp mắt của bà điếc trở nên hoảng hốt vì sự xâm lấn kinh niên, vì thế họ quyết định xoay vòng. Aída đề nghị chỗ của nàng, Chim đề nghị chỗ cô ta, rồi họ luân chuyển họp nhau ở Jesús María, trong một ngôi nhà nhỏ xây gạch đỏ bên sông Rímac, trong một căn chung cư trên Petit Thouars có giấy dán tường hình hoa huệ. Lần đầu tiên họ họp ở nhà Aída một ông khổng lồ tóc bạc niềm nở đón họ, tôi muốn giới thiệu các bạn với cha tôi, và khi ông bắt tay họ, ông trầm ngâm nhìn họ. Ông đã là thợ in và lãnh tụ nghiệp đoàn, ông bị tù trong thời Sánchez Cerro 15 , ông đã suýt chết vì một cơn đau tim. Bây giờ ông làm việc ban ngày ở xưởng in, ban đêm ông là người sửa bản in cho tờ El Comercio, và không còn dính líu vào chính trị nữa. Ông ấy có biết họ đến đây để nghiên cứu chủ nghĩa Marx không? biết, ông biết, rồi ông ấy không bận tâm sao? tất nhiên không, ông nghĩ là được.

“Quan hệ với ông già của cô như một người bạn chắc phải thích lắm,” Santiago nói.

“Ông cụ vừa là cha tôi, vừa là bạn tôi, vừa là mẹ tôi,” Aída nói. “Từ khi mẹ ruột tôi mất.”

“Để hoà thuận với ông già tôi, tôi phải giấu điều tôi nghĩ,” Santiago nói. “Ông già chẳng bao giờ đồng ý với tôi.”

“Là một ông tư sản cao sang làm sao ông ấy đồng ý được,” Aída nói.

Khi nhóm đông lên, từ tích luỹ về lượng sang bước nhảy vọt về chất, hắn nghĩ, nó đổi từ một trung tâm nghiên cứu sang một nhóm thảo luận chính trị. Đi từ phân tích các luận văn của Mariátegui 16 sang bắt bẻ các bài xã luận trên tờ La Prensa, từ chủ nghĩa duy vật lịch sử sang những hành vi tàn bạo của Cayo Bermúdez, từ chuyển hướng tư sản của APRA sang tin đồn độc địa chống lại kẻ thù tinh tế: bọn Trotsky. Họ đã nhận diện ba đứa trong bọn chúng, đã mất nhiều giờ, nhiều tuần, nhiều tháng để đoán chúng là ai, kiểm tra chúng, dò xét chúng và ghê tởm chúng: trí thức, đáng ngại, chúng tản bộ qua các sân trường ở San Marcos, miệng chúng đầy các câu trích dẫn và khiêu khích, tai biến, phi chính thống. Bọn chúng đông không? Không đông nhưng rất nguy hiểm, Washington nói, chúng có làm việc với cảnh sát không? Solórzano hỏi, chắc là có, dù sao có hay không cũng vậy, Héctor nói, vì chia rẽ, gây rối, lạc hướng và nhiễm độc còn tệ hơn chỉ điểm, Jacobo nói. Để lừa bọn Trotsky, để tránh bọn chỉ điểm, họ đã đồng ý không la cà với nhau trong trường, không ngừng lại tán gẫu khi họ gặp nhau trong hành lang. Có sự thống nhất trong nhóm, sự đồng loã, thậm chí sự đoàn kết, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: tình bạn chỉ giữa ba đứa mình. Những người kia có khó chịu vì ốc đảo mà họ tạo nên, bộ ba gan lì ấy? Họ tiếp tục cùng đi đến lớp, đến thư viện và quán cà phê, tản bộ qua các sân trường, gặp nhau riêng sau các buổi họp nhóm. Họ tán gẫu, thảo luận, tản bộ, họ đi xem xi nê và Phép lạ ở Milan 17 làm họ phấn khởi, con bồ câu trắng lúc cuối phim là bồ câu hoà bình, nhạc là bản Quốc tế ca, Vittorio de Sica chắc hẳn là một người cộng sản, và khi người ta loan báo chiếu một phim Nga ở một rạp nào trong vùng, họ hăng hái chạy đến với hy vọng tràn trề, mặc dù họ biết họ chắc sẽ xem một phim cũ nào đó với những cảnh múa ba lê dài dòng.

“Rùng mình hả?” Ambrosio hỏi. “Quặn bụng hả?”

“Giống như hồi tôi còn nhỏ, ban đêm,” Santiago nói. “Tôi thường thức giấc trong bóng tối, tôi sắp chết. Tôi không cử động được, thậm chí không bật đèn được hay khóc thành tiếng được. Tôi nằm yên đó, cuộn tròn, toát mồ hôi, run rẩy.”

“Có một người bên khoa Kinh tế có thể muốn tham gia,” Washington nói. “Phiền là nhóm mình đã đông rồi.”

“Nhưng nó từ đâu tới, thưa cậu?” Ambrosio hỏi.

Nó xuất hiện, nó đó, nhỏ xíu và lạnh giá, sền sệt. Nó sẽ vặn nhè nhẹ ở cuống dạ dày hắn, tiết ra chất nước làm ướt lòng bàn tay hắn, làm tim hắn đập nhanh hơn, rồi biến mất sau một cái rùng mình.

“Ừ, mình không nên họp đông quá,” Héctor nói. “Tốt nhất là chia thành hai nhóm.”

“Ừ, mình tách ra đi, tôi cũng nghĩ như vậy là hay nhất, tôi thậm chí còn chưa từng nghĩ đến,” Santiago nói. “Mấy tuần sau tôi thức giấc, lặp đi lặp lại như thằng ngốc, không thể, không thể.”

“Chúng ta sẽ dựa trên cơ sở nào để tách ra?” Martínez da đỏ hỏi. “Mình phải làm ngay, không thể phí thời giờ.”

“Anh ấy vội vì anh ấy đã mài cho khái niệm về giá trị thặng dư sắc như lưỡi dao cạo.” Washington cười.

“Mình có thể rút thăm,” Héctor nói.

“May rủi là một việc khá vô lý,” Jacobo nói. “Tôi đề nghị chúng ta tách ra theo thứ tự abc.”

“Dĩ nhiên, như thế hợp lý hơn và dễ hơn nhiều,” Chim nói. “Bốn người đầu vào một nhóm, còn lại là nhóm kia.”

Tim hắn chưa nhận thấy, con sâu nhỏ chưa nhảy ra. Chỉ ngạc nhiên và bối rối, hắn nghĩ, chỉ chợt cảm thấy khó chịu. Và quyết định ấy: một sai lầm. Và quyết định ấy, hắn nghĩ, một sai lầm chăng?

“Ai đồng ý với đề nghị của Jacobo, giơ tay lên,” Washington nói.

Một cảm giác khó chịu lớn dần, óc hắn mê mụ, một sự rụt rè chóng mặt làm lưỡi hắn nín lặng, tay hắn giơ lên sau người khác vài giây.

“Xong, vậy là đồng ý,” Washington nói. “Jacobo, Aída, Héctor, Martínez một nhóm, còn bốn người chúng tôi nhóm thứ hai.”

Hắn không quay đầu nhìn Aída hay Jacobo, hắn đã mất một lúc lâu mới châm điếu thuốc, quay qua Engels, mỉm cười với Solórzaro.

“Nào, Martínez, bây giờ anh có thể khoe tài,” Washington nói. “Giá trị thặng dư là chuyện gì?”

Không chỉ là cách mạng, hắn nghĩ. Lãnh đạm, ẩn khuất, còn có trái tim nữa, và một bộ óc nhỏ, cảnh giác, nhanh nhẹn, tính toán. Phải chăng anh ta đã tính trước, hắn nghĩ, hay phải chăng anh ta đã quyết định bất ngờ? Cách mạng, tình bạn, ghen tị, đố kỵ, tất cả, tất cả trộn lẫn, cả hắn nữa, Zavalita, được tạo ra từ cùng mẩu đất sét bẩn, cả Jacobo nữa, Zavalita.

“Trên thế giới chẳng có ai trong trắng,” Santiago nói. “Ừ, từ khi ấy.”

“Cậu không gặp cô gái ấy nữa?” Ambrosio hỏi.

“Tôi gặp cô ấy ít hơn, anh ta gặp riêng cô ấy hai lần mỗi tuần,” Santiago nói. “Vả lại, tôi đau vì cú chơi xấu. Không phải vì lý do đạo đức, mà vì đố kỵ. Tôi rụt rè và tôi không hề dám.”

“Cậu ta nhạy bén hơn,” Ambrosio cười. “Và cậu vẫn chưa quên cậu ta vì cú hiểm độc đó.”

Martínez da đỏ có những cử chỉ và giọng nói của một giáo viên, lặp đi lặp lại và đơn điệu, nói ngắn gọn, giá trị thặng dư là một phần của sản phẩm tước đoạt khỏi tay công nhân để gia tăng tư bản, và Santiago đăm đăm nhìn mãi khuôn mặt tròn da màu đồng của anh, lắng nghe không dứt giọng giáo viên sư phạm của anh, và nhìn quanh các điếu thuốc cháy đỏ mỗi khi những bàn tay đưa lên môi, và mặc dù nhiều thân hình chen chúc trong một chỗ tồi tàn như thế, hắn vẫn có cảm giác cô đơn ấy, sự trống rỗng ấy. Con sâu nhỏ bây giờ đang ở đó, đang nhẹ nhàng trở mình đều đều trong ruột hắn.

“Vì tôi như mấy con thú nhỏ cuộn tròn trước mối nguy hiểm rồi nằm im, đợi đạp lên hay bị cắt đầu,” Santiago nói. “Không có niềm tin lại còn thêm rụt rè thì thật giống như bị giang mai và phong hủi cùng một lúc.”

“Cậu chỉ toàn nói những điều xấu về cậu,” Ambrosio nói. “Nếu ai khác nói những điều tự cậu đang nói về cậu thì cậu sẽ không chịu.”

Phải chăng một điều tưởng như vĩnh cửu đã bị đổ vỡ, hắn nghĩ, nó làm mình tổn thương đến thế vì cô ấy chăng, vì mình, vì anh ta? Nhưng mày vẫn cứ giả vờ, Zavalita, hơn bao giờ hết, và mày đã rời buổi họp với Jacobo và Aída, và mày đã nói huyên thuyên trong lúc mày đi xuống, Engels và giá trị thặng dư, mà không cho họ có cơ hội trả lời, Politzer và Chim và Marx, liên miên và ba hoa, cắt lời họ nếu họ mở miệng, dẹp đề tài rồi gợi nó lại, vấp váp, dồi dào, lộn xộn, để cuộc độc thoại sẽ không bao giờ dứt, bịa đặt, phóng đại, dối trá, đau khổ, để đừng ai nhắc tới đề nghị của Jacobo, để đừng ai nói là bắt đầu từ thứ Bảy họ sẽ ở Petit Thouars còn hắn ở Rímac, lúc này và cũng là lần đầu tiên cảm thấy rằng họ vừa có nhau vừa không, rằng mối giao thiệp dễ thở của hồi trước đang mất đi, rằng sự hiểu biết cá nhân của hồi trước, trong khi họ băng qua Plaza de Armas, bây giờ và ở đây, thật kinh khủng, có cái gì đó cũng giả tạo và dối trá đang cô lập họ, như những cuộc nói chuyện với ông già mình, hắn nghĩ, làm họ sai lầm và bắt đầu khiến họ chống lại nhau. Họ đã xuống tới Jirón de la Unión mà không nhìn nhau, hắn nói, họ nghe. Aída có hối tiếc không, Aída có dàn xếp trước với anh ta không? và khi họ đến Plaza San Martín thì đã khá trễ, Santiago nhìn đồng hồ đeo tay của hắn, vội bắt chuyến xe buýt tốc hành, bắt tay họ rồi tất cả chạy đi, mà không hẹn nơi nào và giờ nào họ sẽ gặp vào ngày mai, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: lần đầu tiên.

Phải chăng trong những cuối tuần của năm thứ hai ấy, Zavalita, những ngày trống rỗng cuối cùng ấy trước kỳ thi cuối năm? Hắn đã tự bắt mình đọc miệt mài, làm việc miệt mài trong nhóm nghiên cứu, tin tưởng miệt mài vào chủ nghĩa Marx, gầy nhom. Trứng luộc vô ích, Señora Zoila nói, nước cam pha vô ích, và món ngô vụn điểm tâm vô ích, con biến thành bộ xương rồi có ngày con sẽ bay mất. Ăn uống cũng đi ngược lại với lý tưởng của mày hay sao, Siêu Não? Anh Nổ nói, thì mày liền nói mày không ăn vì cái mặt anh làm em hết muốn ăn, và Nổ sẽ nện mày, Siêu Não, anh ấy sẽ cho mày một trận. Họ vẫn gặp nhau, và cái đầu nhỏ sẽ xuất hiện không thể tránh khỏi khi Santiago vào lớp và ngồi xuống với họ, nó mở đường qua các mớ rối tế bào và gân cốt rồi xuất hiện, hay khi họ cùng đi uống cà phê ở El Palermo, nó xuất hiện giữa các mạch máu và xương trắng, hay một ly chicha 18 đen ở hiệu bánh ngọt Huérfanos, hay một ổ bánh mì thịt khổng lồ ở quán cà phê bi da, rồi thì sau cái đầu nhỏ cái thân hình nhỏ chua chát xuất hiện. Họ nói về lớp học và các kỳ thi sắp tới, về những chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở Trung tâm Liên hội, về những buổi thảo luận trong hai nhóm nghiên cứu của họ, về các tù nhân và chế độ độc tài của Odría, về Bolivia và Guatemala. Nhưng họ chỉ gặp nhau vì San Marcos và chính trị thỉnh thoảng mang họ lại gần nhau, hắn nghĩ, đôi khi chỉ vì tình cờ, đôi khi chỉ vì bổn phận. Hai người có gặp riêng nhau sau các buổi họp của nhóm họ không? họ có tản bộ, họ có tới viện bảo tàng và hiệu sách hoặc rạp xi nê như họ đã đi cùng với hắn trước kia? họ có thấy thiếu hắn, nghĩ về hắn, nói về hắn?

“Có một chị muốn nói với anh trên điện thoại,” Teté bảo hắn. “Chao ơi, anh bí mật quá. Chị ấy là ai vậy?”

“Nếu em nghe bên đường dây kia, anh sẽ gõ đầu em, Teté,” Santiago nói.

“Anh có thể đến nhà tôi một lát không?” Aída hỏi. “Anh không bận gì chứ, tôi không xen vào chuyện gì chứ?”

“Đừng nghĩ vậy, tôi đến ngay,” Santiago nói. “Mất khoảng nửa giờ, có thể hơn một chút.”

“Chao ơi, tôi đến ngay, chao ơi, đừng nghĩ vậy,” Teté nói. “Anh có thể đến nhà tôi một lát không? Chao ơi, giọng nhỏ nhẹ dễ thương thật.”

Sự sợ hãi và niềm hy vọng xuất hiện trong lúc đợi tắc xi ở góc Larco và José Gonzales, rối lớn dần khi chiếc xe lên tới Avenida Arequipa, và ở đấy, khổng lồ và nhớp nháp, khi hắn ngồi co ro trong góc chiếc ô tô, lưng hắn ướt sũng vì một chất lạnh giá, trong khi hắn cảm thấy càng lúc càng lạnh hơn vào buổi chiều đang tối dần ấy. Chuyện gì đã xảy ra, chuyện gì sắp xảy ra? Hắn nghĩ đã một tháng nay mình chỉ gặp nhau ở San Marcos, hắn nghĩ, cô ấy chưa bao giờ gọi điện thoại cho mình, hắn nghĩ chắc là vậy, hắn nghĩ, hắn nghĩ có lẽ vậy. Từ góc đường Petit Thouars hắn đã thấy nàng, một hình dáng nhỏ bé mờ đi trong ánh chiều tà, đang đợi hắn ở cửa nhà nàng, nàng đã bắt tay chào, và hắn đã thấy khuôn mặt xanh xao của nàng, bộ áo đầm xanh ấy, đôi mắt nghiêm nghị của nàng, chiếc váy xanh ấy, cái miệng nghiêm nghị của nàng, đôi giày đen học trò xấu xí ấy, và hắn đã cảm thấy tay nàng run rẩy.

“Xin lỗi đã điện thoại cho anh, tôi có vài điều phải nói với anh,” giọng nói khô giòn ấy dường như bất khả, hắn nghĩ, giọng nói hãi sợ ấy dường như không thể tưởng. “Mình đi tản bộ một chút nhé?”

“Không có Jacobo à?” Santiago hỏi. “Chuyện gì xảy ra?”

“Cậu có đủ tiền trả cho bằng ấy bia không?” Ambrosio hỏi.

“Chuyện phải xảy ra đã xảy ra,” Santiago nói. “Tôi nghĩ là nó đã xảy ra, và nó chỉ mới xảy ra sáng hôm ấy.”

Họ đã gặp nhau cả buổi sáng, một con sâu nhỏ như con rắn hổ mang, họ không vào lớp vì Jacobo bảo nàng là tôi có chuyện muốn nói riêng với cô, một con rắn hổ mang sắc như lưỡi dao, họ đi trên Paseo de la República, một con dao như mười con dao, họ ngồi trên băng ghế bên cạnh hồ trong Parque de la Exposicíon. Dọc theo những con đường song song ở Arequipa, xe cộ chạy qua, và một lưỡi dao nhẹ nhàng đâm vào và một lưỡi dao khác rút ra rồi từ từ trở vào, và họ đi giữa những hàng cây tối vắng, rồi một lưỡi dao khác nữa, như đâm vào một ổ bánh mì vỏ mỏng và nhiều ruột, vào tim hắn, và giọng nói nhỏ bỗng trở nên im ắng.

“Anh ấy muốn nói chuyện gì với cô một mình?” không nhìn nàng, hắn nghĩ, không hé răng. “Chuyện gì về tôi, chuyện gì chống tôi?”

“Không, không phải về anh, chuyện về tôi,” một giọng nói như tiếng mèo con rên rỉ, hắn nghĩ. “Anh ấy làm tôi ngạc nhiên, anh ấy làm tôi chẳng biết nói gì.”

“Nhưng anh ấy nói gì với cô?” Santiago lẩm bẩm.

“Nói anh ấy yêu tôi,” như tiếng rên rỉ của con Náo lúc nó còn nhỏ, hắn nghĩ.

“Khu phố số mười Arequipa, tháng Chạp, bảy giờ tối,” Santiago nói. “Bây giờ tôi biết, Ambrosio, nó ở đó.”

Hắn đã rút tay ra khỏi túi, đã đưa tay lên miệng huýt sáo và cố mỉm cười. Hắn đã thấy Aída buông tay ra không khoanh nữa, ngừng lại, do dự, tìm băng ghế gần nhất, hắn đã thấy cô ấy ngồi xuống.

“Đến bây giờ cô mới thấy à?” Santiago hỏi. “Cô nghĩ tại sao anh ấy đề nghị chia nhóm cách đó?”

“Vì chúng ta làm gương xấu, vì chúng ta gần như là một phe cánh riêng và những người khác có thể bực tức, và tôi tin anh ấy,” một giọng nhỏ bất an, hắn nghĩ. “Mà như thế sẽ không thay đổi gì, mặc dù mình khác nhóm nhưng cả ba đứa mình sẽ tiếp tục như cũ. Và tôi tin anh ấy.”

“Anh ấy muốn đi riêng với cô,” Santiago nói. “Ai trong vị thế của anh ấy cũng làm như vậy.”

“Nhưng anh giận và không tìm chúng tôi,” lo lắng và nhất là buồn khổ, hắn nghĩ. “Và mình không gặp nhau nữa, và mọi chuyện không như trước nữa.”

“Tôi không giận, mọi chuyện vẫn như trước,” Santiago nói. “Chỉ có điều tôi biết Jacobo muốn đi riêng với cô thế nhưng tôi là kẻ cản đường. Nhưng mình vẫn là bạn như trước kia.”

Ai khác đang nói, hắn nghĩ, không phải mày. Bây giờ giọng nói hơi mạnh hơn, tự nhiên hơn, Zavalita: không phải là hắn, không thể. Hắn hiểu, hắn giải thích, hắn góp ý từ chỗ đứng cao trung lập, và nghĩ không phải là mình. Hắn là thứ nhỏ bé và bị ngược đãi, là thứ co ro dưới giọng nói ấy, là thứ lẻn ra rồi chạy trốn. Không phải kiêu hãnh, hay tức giận, hay bẽ mặt, hắn nghĩ, ngay cả ghen tị cũng không phải. Hắn nghĩ: đó là rụt rè. Nàng lắng nghe hắn, bất động, nàng nhìn hắn với một vẻ mặt hắn không thể và không muốn giải đoán, rồi nàng bỗng đứng lên và họ im lặng đi nửa khu phố, trong khi mấy lưỡi dao cứ tiếp tục mổ xẻ, dai dẳng, lặng lẽ.

“Tôi không biết phải làm gì, tôi cảm thấy lúng túng, tôi hoài nghi,” cuối cùng Aída nói. “Vì vậy tôi gọi cho anh, tôi chợt nghĩ anh có thể giúp tôi.”

“Và tôi bắt đầu nói về chính trị,” Santiago nói. “Hiểu ý tôi không?”

“Dĩ nhiên,” Don Fermín nói. “Rời khỏi nhà và Lima, biến mất. Tôi không nghĩ cho tôi đâu, đồ quỷ sứ đáng thương, tôi đang nghĩ cho anh.”

“Nhưng anh nói vậy nghĩa là gì,” cô ấy như thể sửng sốt, gã nghĩ, sợ hãi.

“Theo nghĩa là tình yêu rất có thể làm người ta trở thành một kẻ theo chủ nghĩa cá nhân,” Santiago nói. “Và khi ấy họ đặt tình yêu quan trọng hơn bất cứ điều gì, kể cả cách mạng.”

“Nhưng anh là người đã nói hai điều ấy không xung khắc nhau,” cô ấy rít lên, hắn nghĩ, thì thầm. “Bây giờ anh nghĩ nó xung khắc à? Làm sao anh có thể chắc là anh sẽ không bao giờ yêu?”

“Tôi không tin gì cả, tôi không biết gì cả,” Santiago nói. “Chỉ muốn bỏ đi, trốn thoát, biến mất.”

“Nhưng đi đâu, thưa ông?” Ambrosio nói. “Ông không tin tôi, ông đá tôi ra, thưa ông.”

“Vậy thì không phải là cô nghi ngờ, cô cũng yêu anh ấy,” Santiago nói. “Có lẽ trong trường hợp của cô và Jacobo, nó không xung khắc. Vả lại, anh ấy là anh chàng tốt.”

“Tôi biết anh ấy là người tốt,” Aída nói. “Nhưng tôi không biết tôi có yêu anh ấy không.”

“Tất nhiên là có, tôi cũng nhận thấy,” Santiago nói. “Và không chỉ một mình tôi, mọi người trong nhóm. Cô nên bằng lòng anh ta, Aída.”

Mày khăng khăng Zavalita, anh ta là một người rất tốt, mày dai dẳng lắm Zavalita, Aída yêu anh ta, mày hỏi gặng, họ rất thân nhau rồi mày lặp lại mày trở lại chuyện đó, và cô ấy lặng im nghe nơi cửa nhà cô, khoanh tay, cô đang cân nhắc sự ngu xuẩn của Santiago chăng? đầu cô cúi xuống, cô đang đo lường sự hèn nhát của Santiago chăng? hai chân cô chụm lại. Cô ấy có thật sự muốn lời khuyên ấy chăng, hắn nghĩ, phải chăng cô ấy biết mày yêu cô ấy và muốn tìm xem mày có dám nói ra không? Cô ấy sẽ nói gì nếu mình nói ra, hắn nghĩ, mình sẽ nói gì nếu cô ấy nói ra. Hắn nghĩ: ồ, Zavalita.

Hay phải chăng một ngày hoặc một tuần hoặc một tháng sau khi gặp Aída và Jacobo tay trong tay đi trên Colmena, họ khám phá ra rằng Wahington, thật vậy, là người liên lạc mà họ đã ao ước? Trong nhóm hầu như không có lời bình phẩm nào, chỉ có một câu đùa của Washington, hai đứa tụi nó xây tổ uyên ương nhỏ trong nhóm kia, thật là một mối tình nhỏ lặng lẽ, chỉ một câu bình phẩm phớt qua của Chim: thật là một cặp xứng đôi vừa lứa. Không có thời giờ cho những việc khác: các cuộc bầu cử trong đại học đã gần kề, và họ họp mỗi ngày, họ bàn về các ứng cử viên họ sẽ đưa ra Trung tâm Liên hội, những liên kết họ sẽ chấp nhận và các liên danh họ sẽ ủng hộ, và các truyền đơn cùng bích chương họ sẽ làm, rồi một hôm Washington triệu tập hai nhóm để gặp ở nhà của Chim, và anh ta vào căn phòng khách nhỏ bên sông Rímac: anh ta có một thứ hoàn toàn chấn động. Cahuide 19 , hắn nghĩ. Hắn nghĩ: Tổ chức của Đảng Cộng sản Peru. Họ chen chúc nhau, khói thuốc lá làm mờ những tờ giấy in rônêô chuyền từ tay này sang tay khác, làm cay ngứa mắt họ, Cahuide, họ say sưa đọc, Tổ chức, hiện giờ và quá khứ, của Đảng Cộng sản Peru, và họ nhìn khuôn mặt da đỏ cường tráng đội mũ len, quàng poncho 20 , đi xăng đan, và nắm tay chiến đấu của ông giơ lên, và một lần nữa búa liềm giao nhau bên dưới hàng tít. Họ đã đọc lớn, bình phẩm, thảo luận, đã hỏi dồn dập Washington nhiều câu, đã mang nó về nhà. Hắn đã quên nỗi uất ức của hắn, sự thiếu niềm tin của hắn, tâm trạng hoang mang của hắn, tính rụt rè của hắn, lòng ghen tị của hắn. Ông không là một huyền thoại, ông không biến mất vì nền độc tài: ông hiện hữu. Bất chấp Odría, cả nơi đây nam nữ, bất chấp Cayo Bermúdez, cũng đã bí mật tụ tập và thành lập chi bộ, bất chấp bọn chỉ điểm và lưu đày biệt xứ, họ in Cahuide, bất chấp tù ngục và tra tấn, họ đang chuẩn bị cuộc cách mạng. Washington biết họ là ai, họ hoạt động thế nào, họ ở đâu, và hắn nghĩ anh ta sẽ kết nạp mình, hắn nghĩ, anh ta sẽ kếp nạp mình, tối hôm ấy, trong lúc hắn tắt ngọn đèn trên bàn ngủ, một điều gì liều lĩnh, nhưng hào phóng, nôn nóng, cháy bỏng trong bóng tối và tiếp tục cháy trong các giấc mơ của hắn, phải chăng nó đã có ở đó?

——————————–
1. Tạp chí Phương Tây, sáng lập năm 1923, khá phổ biến trong giới đại học, thường đăng những bài về văn hóa, triết học và khoa học bằng tiếng Tây Ban Nha.
2. Edmund Husserl (1859-1938), triết gia Đức, được xem là người sáng lập trường phái hiện tượng học, tác giả nhiều bộ sách như Philosaphie der Arithmetik (1891), Logische Untersuchungen (1900-01).
3. Tác phẩm nổi tiếng của Nikolai Ostrovsky (1904-1936).
4. The Caslte của Franz Kafka (1883-1924).
5. Chữ dùng chung cho những gì thuộc về Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha.
6. Leon Trotsky (1879-7940), nhà cách mạng Bolshevik và lý thuyết gia Marxist, cùng Lenin lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong thập niên 1920, ông chống lại Stalin, bị trục xuất khỏi đảng, phải sống lưu vong và trở thành lãnh tụ khối Đệ tứ Quốc tế.
7. Juan Lechín Oquendo (1914-2001), lãnh tụ nghiệp đoàn và đảng viên Đảng Công nhân Cách mạng ở Bolivia. Ông làm phó tổng thống Bolivia từ 1960 đến 1964.
8. Ám chỉ sự kiện năm 1936 chính phủ Đệ nhị Cộng hoà Tây Ban Nha chở 72% dự trữ vàng trong ngân hàng quốc gia qua Liên Xô vài tháng trước khi nội chiến Tây ban Nha bùng nổ.
9. Lãnh tụ da đỏ ở Nam Mỹ chống lại thực dân Tây Ban Nha hồi thế kỷ 16.

10. Georges Politzer (1903-1942), lý thuyết gia Marxism người Pháp gốc Hungary, tác giả cuốn Principes Élémentaires de Philosophie xuất bản sau khi ông bị Phát xít Đức xử bắn.
11. Denis Diderot (1713-1784), triết gia Pháp có ảnh hưởng mạnh đến các trào lưu tư tưởng trong thời Khai sáng. Ông là một trong các biên tập viên chính của bộ Encyclopédie hồi thế kỷ 18.
12. Bài viết của Vladimir Ilyich Lenin năm 1918.
13. Tác phẩm của Friedrich Engels, xuất bản năm 1884.
14. Tác phẩm của Karl Marx viết năm 1850.
15. Luis Miguel Sánchez Cerro (1889-1933), sĩ quan cao cấp trong quân đội Peru. Tổ chức đảo chính năm 1930, lật đổ chính quyền độc tài của Augusto Leguía, rồi lên làm tổng thống Peru từ 1931 đến 1933.
16. José Carlos Mariátegui La Chira (1894-1930), nhà báo, triết gia Peru, chủ trương cách mạng xã hội ở Châu Mỹ La tinh phải dựa trên điều kiện địa phương, không máy móc áp dụng công thức của châu Âu.
17. Miracolo a Milano (1951), phim của đạo diễn Ý Vittorio de Sica, kể về một nhóm dân nghèo trong thời hậu chiến ở Milan.
18. Một loại thức uống phổ thông ở Châu Mỹ La tinh, thường làm từ ngô, có thể có chất cồn hay không.
19. Tên một vị anh hùng người da đỏ Inca, hy sinh trong trận chiến chống lại Tây Ban Nha năm 1536.
20. Tấm chăn thủng lỗ ở giữa để chui đầu qua, mặc như áo choàng không tay, rất phổ biến ở châu Mỹ La tinh.

Trước
image
Chương 6
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!