Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 1 – Chương 7
Trước
image
Chương 7
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

“Ổng bị bắt vì ăn cắp hay vì giết người hay vì người ta tóm ổng vì chuyện đứa khác làm,” Ambrosio nói. “Bà đen nói tao hy vọng nó chết trong tù. Nhưng người ta thả ổng ra, rồi tôi gặp ổng. Tôi chỉ thấy ổng một lần trong đời, thưa ông.”

“Tụi nó có bị hỏi cung chưa?” Cayo Bermúdez hỏi. “Tất cả tụi Aprista? Bao nhiêu đứa có hồ sơ?”

“Coi chừng, ông ấy đến,” Trifulcio nói. “Coi chừng, ông ấy đang đi xuống.”

Giữa trưa, mặt trời chiếu thẳng xuống cát, một con kên kên mắt đỏ như máu, lông đen, đang bay trên những đụn cát bất động, lượn từng vòng nhỏ xuống, đôi cánh nó gập lại, mỏ nó sẵn sàng, một rung động nhẹ mơ hồ trên sa mạc.

“Mười lăm đứa trong hồ sơ,” Cảnh sát trưởng nói. “Chín đứa Aprista, ba đứa cộng sản, ba đứa tình nghi. Mười một đứa kia không có hồ sơ. Chưa, Don Cayo, tụi nó chưa bị hỏi cung.”

Một con kỳ đà? Hai bàn chân nhỏ điên cuồng, một cơn bão cát nhỏ, thẳng hàng, một mồi thuốc súng cháy lên, một mũi tên hung hãn vô hình. Con chim săn mồi vỗ nhẹ cánh sát mặt đất, dùng mỏ bắt nó, bốc nó lên, xử tử nó trong lúc bay ngược lên không trung, ngấu nghiến nó một cách khéo léo trong lúc vươn lên qua bầu trời trong và ấm của mùa hè, mắt con chim nhắm lại vì những mũi tên vàng mặt trời đang bắn tới nó.

“Cho hỏi cung tụi nó ngay lập tức,” Cayo Bermúdez nói. “Mấy đứa bị thương có khá hơn chưa?”

“Chúng tôi nói chuyện như hai người xa lạ ngờ vực nhau,” Ambrosio nói. “Một đêm ở Chincha, nhiều năm trước. Sau đó tôi không bao giờ nghe gì về ổng nữa, thưa cậu.”

“Hai đứa sinh viên phải đưa qua Bệnh viện Cảnh sát, Don Cayo,” Cảnh sát trưởng nói. “Cảnh sát không bị gì, chỉ vài vết bầm.”

Nó tiếp tục vừa bay lên vừa tiêu hóa, kiên trì và trong bóng râm, và khi nó sắp hòa tan trong ánh nắng, nó xòe đôi cánh, lượn một vòng lớn huy hoàng, một cái bóng không hình dáng, một vết nhỏ di chuyển qua những mặt cát trắng gợn sóng bất động, những mặt cát vàng bất động: một khuôn viên quây đá, vách tường, cửa sổ có chấn song sắt, những sinh vật trần trùng trục gần như không cử động hoặc nằm trong bóng râm của một gờ mái thiếc phập phồng, một chiếc xe jeep, mấy cây cọc, mấy cây cọ dừa, một dải nước, một đường nước rộng, những túp lều, các ngôi nhà, xe cộ, các quảng trường có cây cối.

“Chúng tôi để lại một đại đội ở San Marcos và chúng tôi đang sửa lại cánh cửa đã bị xe tăng húc đổ,” Cảnh sát trưởng nói. “Chúng tôi cũng để lại một chi đội ở Trường Y. Nhưng không có vụ toan tính biểu tình nào, Don Cayo.”

“Đưa tôi mấy hồ sơ đó để trình cho Bộ trưởng,” Cayo Bermúdez nói.

Nó xòe đôi cánh cân đối đen như mực, nghiêng thân mình, lượn một cách uy nghiêm và lại bay trên các ngọn cây, đường nước, mặt cát bất động, nó từ từ lượn vòng trên tấm thiếc lấp lánh, vẫn nhìn, nó xuống hơi thấp hơn, dửng dưng với tiếng rì rào, tiếng nói chuyện ham hố, sự im lặng chiến lược theo sau theo thứ tự đó trong khuôn viên chữ nhật có tường và chấn song bốn bề, chỉ chăm chú tới cái gờ tôn gợn sóng phản chiếu ánh nắng tới nó, và nó tiếp tục lượn xuống – phải chăng nó bị vì những tia sáng cuồng loạn đó quyến rũ, bị sự rực rỡ làm cho mê mẩn?

“Mày ra lệnh chiếm San Marcos hả?” Đại tá Espina hỏi. “Mày, không hỏi ý tao?”

“Một ông đen lớn khổng lồ với mái tóc bạc, đi như khỉ dã nhân,” Ambrosio nói. “Ông ấy muốn biết ở Chincha có đàn bà hay không, moi chút tiền của tôi. Tôi không nhớ rõ ông ấy lắm, thưa ông.”

“Trước khi mình nói về San Marcos, kể cho tao nghe về chuyến đi của mày coi,” Bermúdez nói. “Chuyện trên mạn Bắc thế nào?”

Nó thận trọng duỗi đôi chân xám ra – thử sức chống đỡ, nhiệt độ, sự hiện diện của tấm thiếc? nó gấp cánh, đậu xuống, nhìn rồi đoán, song đã quá trễ: những viên đá ghim vào bộ lông nó, làm gãy xương nó, nứt mỏ nó, và tiếng kim loại vang lên khi những viên đá lăn dọc trên tấm thiếc rơi trở xuống sân.

“Ổn thỏa hết, nhưng tao muốn biết liệu mày có điên hay không,” Đại tá Espina nói. “ ‘Đại tá, họ đã chiếm trường đại học, Đại tá, cảnh sát dã chiến trong San Marcos,’ vậy mà tao, Bộ trưởng Công an, không biết gì hết. Mày điên hả, Cayo?”

Con chim săn mồi quằn quại chết tức khắc, trượt xuống mái nhà xám chì nhuốm hồng, tới mép, rơi xuống, và những bàn tay đói bắt lấy nó, tranh giành nó, nhổ lông nó, và có những tiếng cười, tiếng chửi bới, và một bếp lửa đã cháy lách tách bên cạnh bức tường gạch sống.

“Thằng cầm đầu có mắt hay không?” Trifulcio hỏi. “Đứa nào biết là biết, để coi đứa nào muốn nghi ngờ tao và coi nó định làm gì.”

“Cái mụn nhọt đó ở San Marcos được chọc thủng trong vài giờ mà chẳng ai chết,” Bermúdez nói. “Và thay vì cám ơn tao, mày hỏi tao có điên không. Như vậy không công bằng, Miệt Núi à.”

“Bà già đen cũng không bao giờ gặp lại ông ấy sau tối hôm đó,” Ambrosio nói. “Bà coi như ông ấy bẩm sinh xấu xa, thưa cậu.”

“Nước ngoài sẽ phản đối, chính phủ đâu có muốn chuyện đó,” Đại tá Espina nói. “Mày không biết là Tổng thống muốn tránh mấy vụ rắc rối hả?”

“Cái mà chính phủ không muốn là có một tổ âm mưu lật đổ ngay trong trung tâm Lima,” Bermúdez nói, “Trong vài ngày cảnh sát có thể rút ra, San Marcos sẽ mở cửa và mọi thứ sẽ êm.”

Gã chăm chỉ nhai miếng thịt gã đã chiếm được bằng nắm đấm, cánh tay và bàn tay gã đang cháy, làn da đen của gã có những vết xước tím, và ngọn lửa nướng chiến lợi phẩm của gã còn bốc khói. Gã ngồi xổm xuống trong góc râm bên cạnh tấm thiếc, mắt gã lim dim vì mặt trời chói chang hay để hưởng thêm cái khoái cảm đang dâng trong hai hàm và đang tiến tới hốc vòm miệng rồi lưỡi và cổ họng gã, nơi những mẩu lông bám vào thịt cháy sém cào qua một cách thích thú.

“Nói cho cùng, trong chuyện đó mày không có quyền, và quyết định lẽ ra nên tùy theo Bộ trưởng chứ không phải mày,” Đại tá Espina nói. “Nhiều nước đã không công nhận chính phủ của mình. Tổng thống chắc giận lắm.”

“Coi chừng, đoàn người đang tới,” Trifulcio nói. “Coi chừng, họ kìa. “

“Hoa Kỳ đã công nhận mình, cái đó mới quan trọng,” Bermúdez nói. “Đừng lo về Tổng thống, Miệt Núi à. Tao đã nói với ông ta tối hôm qua trước khi tao hành động.”

Bọn kia đang bước dưới ánh mặt trời giết người, làm hòa mà không thù oán, quên là họ vừa mới chửi bới nhau, xô đẩy và đấm đá để chiếm con mồi nhàu nát, hoặc họ duỗi dài sau mấy bức tường, ngủ vùi, bẩn thỉu, chân đất, miệng há, hung bạo vì buồn chán, đói, hay sức nóng, cánh tay trần gác trên mắt.

“Họ đến tìm ai?” Trifulcio hỏi. “Họ sắp đánh ai?”

“Tôi chưa bao giờ nghĩ ổng sẽ làm gì tôi,” Ambrosio nói. “Cho tới tối hôm đó. Tôi không giận ổng, thưa ông, mặc dù tôi không ưa ổng lắm. Và tối hôm đó tôi cảm thấy thương hại cho ổng hơn bất kỳ điều gì khác.”

“Tao hứa với Tổng thống là sẽ không có ai chết, và tao giữ lời,” Bermúdez nói. “Đây là hồ sơ cảnh sát của mười lăm đứa bị bắt. Mình sẽ dọn sạch San Marcos, rồi các lớp học có thể bắt đầu lại. Mày không hài lòng hả, Miệt Núi?”

“Không phải thương hại vì ổng bị tù, cậu hiểu đó, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Mà vì ổng nom như kẻ ăn mày. Không giày, móng chân dài thế này, hai cánh tay đầy ghẻ, mặt ổng không ghẻ nhưng bẩn thỉu. Tôi kể thật đó.”

“Mày làm như không có tao,” Đại tá Espina nói. “Tại sao mày không hỏi ý tao?”

Don Melquíades đi dọc hành lang, có hai tên lính gác đi hộ tống, và một ông cao lớn theo sau cầm chiếc mũ rơm phe phẩy trong ngọn gió nóng hực, vành mũ và chóp mũ lay động như làm bằng giấy mỏng, ông mặc bộ vét trắng, đeo cà vạt xanh, và áo sơ mi còn trắng hơn. Họ đã dừng lại, Don Melquíades đang nói chuyện với khách lạ và chỉ cho ông ta về phía sân.

“Vì có rủi ro,” Bermúdez nói. “Chúng có thể có vũ khí, chúng có thể đã khởi sự nổ súng. Tao không muốn có máu trên đầu mày, Miệt Núi à.”

Ông ta không là luật sư, chưa có đứa vô lương tâm nào mặc bảnh bao đến thế, và ông ta cũng không ở trong giới quan chức, vì chẳng phải hôm nay họ cho bọn chúng món xúp mì, chẳng phải họ bắt bọn chúng quét sạch xà lim và nhà xí theo kiểu họ vẫn làm mỗi khi có kiểm tra hay sao? Nhưng nếu ông ta không là luật sư hay viên chức chính phủ, ông ta là ai?

“Nó có thể hại đến tương lai chính trị của mày, và tao đã giải thích chuyện đó cho Tổng thống,” Bermúdez nói. “Tao sẽ quyết định, tao sẽ gánh trách nhiệm. Nếu có hậu quả gì, tao sẽ từ chức và thằng Miệt Núi sẽ khỏi mang tội.”

Gã ngừng gặm mẩu xương nhỏ bóng loáng mà gã đang cầm trong hai bàn tay to lớn, ngồi cứng nhắc, hơi cúi đầu, cặp mắt sửng sốt của gã nhìn hành lang: Don Melquíades vẫn đang ra hiệu, vẫn đang chỉ về phía gã.

“Nhưng sự việc hóa ra tốt cả, và bây giờ công trạng về phần mày,” Đại tá Espina nói. “Tổng thống sẽ nghĩ là thằng được tao giới thiệu có gan hơn tao.”

“Ê, mày, Trifulcio!” Don Melquíades gọi lớn. “Mày không thấy tao đang gọi mày hả? Mày còn đợi cái gì?”

“Tổng thống biết nhờ mày mà tao mới có việc này,” Bermúdez nói. “Ông ta biết mày chỉ cần nhăn mặt là tao sẽ nói cám ơn vì mọi thứ rồi lại về đi bán máy kéo.”

“Ê, mày!” bọn gác vừa quát, vừa vẫy tay. “Ê, thằng kia!”

“Ba con dao bấm và vài chai bom xăng, chẳng có lý do gì để bực bội,” Bermúdez nói. “Tao đã cho thêm vài khẩu súng lục, vài con dao và mấy quả đấm sắt cho tụi nhà báo.”

Gã đứng lên, chạy băng qua sân, làm tung một đám bụi, ngừng lại cách Don Melquíades vài bước. Mấy đứa kia thò đầu tới nhìn và giữ im lặng. Những đứa đang đi đã đứng yên, những đứa đang ngủ ngồi xổm dậy quan sát, và mặt trời như chất lỏng.

“Mày cũng gọi báo chí tới hả?” Đại tá Espina hỏi. “Mày không biết là Bộ trưởng ký thông cáo, Bộ trưởng họp báo hay sao?”

“Nào, Trifulcio, khiêng cái thùng đó lên, Don Emilio Arévalo muốn xem mày khiêng,” Don Melquíades nói. “Đừng làm tao bẽ mặt, tao đã nói là mày làm được.”

“Tao đã gọi báo chí để mày có thể nói chuyện với tụi nó,” Bermúdez nói. “Đây là báo cáo chi tiết, hồ sơ, vũ khí cho tụi chụp hình, tao đã gọi tụi nó vì nghĩ tới mày, Miệt Núi à.”

“Tôi đâu có làm gì, thưa ông.” Trifulcio chớp mắt và kêu lớn, rồi đợi và lại kêu lớn. “Đâu có. Tôi hứa danh dự, Don Melquíadez.”

“Được rồi, bỏ qua đi,” Đại tá Espina nói. “Nhưng nhớ là tao muốn dọn sạch vụ San Marcos sau khi dã dàn xếp xong vụ rắc rối của nghiệp đoàn.”

Đen đúa, tròn trĩnh, cái thùng nằm ở chân hành lang, bên dưới Don Melquíades, bọn gác và người khách lạ mặc áo quần trắng. Dửng dưng hay quan tâm hay thở phào, mấy đứa kia nhìn cái thùng và Trifulcio hoặc trao đổi những cái liếc chế giễu.

“Vụ San Marcos chưa dọn sạch, và bây giờ là lúc dẹp nó,” Bermúdez nói. “Hai mươi sáu đứa mà mình có thuộc nhóm xung kích khuấy động, nhưng phần lớn bọn lãnh tụ vẫn còn tại đào, và bây giờ mình phải tóm chúng.”

“Đừng giả ngố nữa, khiêng cái thùng đó lên,” Don Melquíades nói. “Tao biết mày chưa làm gì. Nào, khiêng nó lên cho ông Arévalo thấy mày.”

“Nghiệp đoàn quan trọng hơn San Marcos, tụi nó mới là bọn mà mình phải dẹp,” Đại tá Espina nói. “Tụi nó chưa lên tiếng, nhưng APRA mạnh trong đám công nhân, chỉ lóe lên một tia lửa nhỏ là nổ liền.”

“Nếu tôi ỉa trong xà lim của tôi thì là vì tôi bị bệnh,” Trifulcio nói. “Tôi nhịn không nổi, Don Melquíades. Tôi hứa danh dự.”

“Mình sẽ dẹp nó,” Bermúdez nói. “Mình sẽ dọn dẹp hết mọi thứ cần dọn dẹp, Miệt Núi à.”

Người khách lạ bắt đầu cười, Don Melquíades bắt đầu cười, tiếng cười vang ra trong sân. Người khách lạ nghiêng người qua lan can, thò tay vào túi rút ra một vật sáng đưa cho Trifulcio xem.

“Mày có đọc tờ La Tribuna chưa, tờ báo lậu?” Đại tá Espina hỏi. “Những chuyện kinh khủng chống quân đội, chống tao. Mình phải ngăn không cho lưu hành tờ báo dơ bẩn đó.”

“Một đồng, chỉ để khiêng cái thùng đó sao, thưa ông?” Trifulcio chớp mắt rồi bắt đầu cười. “Dĩ nhiên, tại sao không, thưa ông vâng!”

“Dĩ nhiên người ta nói về ổng ở Chincha, thưa ông,” Ambrosio nói. “Nói là ổng đã cưỡng hiếp một đứa con gái nhỏ tuổi, ăn cắp, giết người trong một vụ ẩu đả. Ổng không thể nào làm tất cả mấy thứ kinh khủng đó. Nhưng ổng chắc đã làm một số chuyện, vì nếu không tại sao ổng bị tù lâu như vậy?”

“Bọn nhà binh tụi mày vẫn còn nghĩ về APRA của hai chục năm trước,” Bermúdez nói. “Bọn lãnh tụ đó bây giờ già và thối nát, tụi nó hết muốn chết rồi. Sẽ không có vụ nổ nào nữa, sẽ không có cuộc cách mạng nào nữa. Rồi tờ báo nhỏ đó sẽ biến mất, tao hứa với mày như vậy.”

Gã giơ hai tay lên mặt (bây giờ đã có nếp nhăn trên mí mắt, quanh cổ và bên cạnh đám tóc mai quăn xám của gã), và gã nhổ nước bọt lên tay vài lần rồi xoa, rồi tiến một bước tới cái thùng. Gã chạm nó, sờ nó, áp cặp chân dài và cái bụng tròn và bộ ngực rộng của gã sát vào cái thùng rắn chắc rồi ôm chặt nó, một cách âu yếm, bằng hai cánh tay dài của gã.

“Tôi không bao giờ gặp lại ông ấy, nhưng tôi nghe người ta nhắc tới ổng một lần,” Ambrosio nói. “Họ thấy ông ấy trong các thị trấn của địa hạt hồi bầu cử 1950, vận động cho Nghị sĩ Arévalo. Dán bích chương, phát truyền đơn. Vận động cho ứng cử viên Don Emilio Arévalo, bạn của papa cậu, thưa cậu.”

“Tôi có cái danh sách nho nhỏ cho ông, Don Cayo, chỉ có ba cảnh sát trưởng và tám trưởng khu trong số những người do Bustamante bổ nhiệm đã từ chức,” Tiến sĩ Alcibíades nói. “Mười hai cảnh sát trưởng và mười lăm trưởng khu gửi điện tín chúc mừng Đại tướng đã nắm quyền. Đám còn lại lặng im; chắc họ muốn được tái bổ nhiệm nhưng không dám hỏi.”

Gã nhắm mắt, và khi gã khiêng cái thùng lên, các mạch máu trên cổ và thái dương gã phồng ra, làn da mặt dạn dày của gã trở nên ẩm ướt, và đôi môi dày của gã biến thành màu tím. Cong người lại, gã đỡ sức nặng bằng cả thân người, và một bàn tay to lớn vụng về thò xuống dọc bên hông thùng, thế là thùng được nâng lên thêm một chút. Gã lảo đảo tiến tới hai bước mang theo khối nặng, kiêu hãnh nhìn lên lan can, rồi hất mạnh cái thùng xuống đất.

“Miệt Núi nghĩ họ sẽ từ chức tập thể, và ông ấy rất chi là muốn bắt đầu bổ nhiệm cảnh sát trưởng và trưởng khu,” Cayo Bermúdez nói. “Ông thấy đấy, Tiến sĩ, Đại tá có hiểu người dân Peru của mình đâu.”

“Một con bò đực thứ thiệt, Melquíades, anh nói đúng, không tưởng tượng nổi ở tuổi của hắn.” Người khách lạ mặc áo trắng ném đồng tiền lên không và Trifulcio bắt nó trên đường bay. “Nói nghe coi, mày bao nhiêu tuổi?”

“Ông ấy nghĩ họ đều như ông ấy, người trọng danh dự,” Tiến sĩ Alcibíades nói. “Nhưng ông nói cho tôi nghe xem, Don Cayo, tại sao tụi cảnh sát trưởng và trưởng khu đó vẫn cứ trung thành với lão Bustamante dấm dớ? Lão sẽ không bao giờ ngóc đầu lên nữa.”

“Tôi không biết chắc.” Trifulcio cười, thở hổn hển, lau mặt. “Tôi đã sống lâu lắm rồi. Lâu hơn ông, thưa ông.”

“Tái bổ nhiệm những đứa đã gửi điện ủng hộ và cả tụi làm thinh luôn, sau này chúng ta sẽ thay êm hết cả bọn,” Bermúdez nói. “Cám ơn mấy đứa đã từ chức vì các đóng góp của tụi nó, và bảo Lozano cho tụi nó vào hồ sơ.”

“Đây là một loại mày thích, Hipólito,” Ludovico nói. “Ông Lozano có lời tiến cử đặc biệt cho hắn.”

“Lima vẫn tràn ngập truyền đơn lậu,” Đại tá Espina nói. “Chuyện gì vậy, Cayo?”

“Tờ Tribuna lậu in ở đâu và ai in nó, một, hai, ba,” Hipólito nói. “Nhớ nghe, mày là loại người tao thích.”

“Mấy tờ báo phản loạn này phải biến mất ngay lập tức,” Bermúdez nói. ”Anh hiểu không, Lozano?”

“Mày xong chưa, thằng đen?” Don Melquíades hỏi. “Cẳng mày chắc đang cháy, đúng không, Trifulcio?”

“Mày không biết là ai hay ở đâu à?” Ludovico hỏi. “Vậy làm sao mày có tờ Tribuna trong túi mày lúc mày bị bắt ở Vitarte, hả tía?”

“Tôi xong chưa hả?” Trifulcio cười đau khổ. “Xong chưa hả, Don Melquíades?”

“Ngay sau khi tôi đến Lima, tôi gửi tiền cho bà già và thỉnh thoảng đi thăm bà,” Ambrosio nói. “Rồi im bặt. Bà chết mà không biết tôi đang làm gì. Đó là một trong những điều làm tôi áy náy, thưa ông.”

“Người ta bỏ nó vô túi mày mà mày không biết hả?” Hipólito hỏi. “Nhưng chuyện đó dấm dớ lắm, tía à. Rồi nhìn cái quần bó sát mày đang mặc kìa, rồi dầu chải tóc của mày nữa. Thậm chí mày cũng không phải là một đứa Aprista, thậm chí mày không biết La Tribuna in ở đâu và ai in nó hả?”

“Mày quên là hôm nay mày ra hả?” Don Melquíades hỏi. “Hay bây giờ mày quen ở đây tới nỗi mày không muốn ra?”

“Tôi biết bà già đã chết qua một người ở Chincha, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Hồi tôi còn làm cho papa của cậu.”

“Không, thưa ông, tôi không quên, thưa ông.” Trifulcio chộn rộn hai chân, chà xát hai tay. “Tuyệt đối không, Don Melquíades.”

“Thấy chưa? Hipólito nổi điên, rồi mày nhìn coi mày bị chuyện gì. Tốt hơn mày nên nhớ lại cho nhanh,” Ludovico nói. “Nhớ nhé, mày là loại hắn thích.”

“Tụi nó không trả lời, tụi nó nói láo, tụi nó đổ cho nhau,” Lozano nói. “Nhưng chúng tôi không ngủ, Don Cayo. Cả đêm chúng tôi không chợp mắt. Chúng tôi sẽ dẹp mấy tờ truyền đơn đó, tôi hứa với ông.”

“Đưa ngón tay mày cho tao. Được rồi, bây giờ đánh dấu X,” Don Melquíades nói. “Xong rồi, Trifulcio, bây giờ lại được tự do. Mày tin hổng nổi phải không?”

“Nước này đâu có văn minh, nó dã man và ngu dốt,” Bermúdez nói. “Đừng ngồi quanh quẩn, đi tìm cái tôi cần biết ngay lập tức.”

“Nhưng thử nhìn xem tía ốm ra sao, tía ơi,” Hipólito nói. “Tía chắc không ngờ là dù cho tía mặc áo khoác và sơ mi tui cũng có thể đếm xương sườn của tía, thưa tía.”

“Mày nhớ ông Arévalo không, cái ông cho mày một đồng để khiêng cái thùng ấy?” Don Melquíades hỏi. “Ông ấy là chủ trang trại bự. Mày muốn làm việc cho ông ấy không?”

“Ai, ở đâu? Một, hai, ba,” Ludovico nói. “Mày muốn tụi tao tiếp tục thế này suốt dêm hả? Lỡ Hipólito lại phát điên lên thì sao?”

“Dĩ nhiên tôi muốn, Don Melquíades,” Trifulcio trả lời với cái đầu, hai bàn tay và cặp mắt của gã. “Ngay bây giờ hay bất cứ lúc nào ông muốn, thưa ông.”

“Tía sẽ bầm dập mình mẩy, mà như vậy thì tui đau lòng lắm,” Hipólito nói, “vì tui càng lúc càng khoái tía, tía ơi.”

“Ông ấy cần người cho cuộc vận động bầu cử của ông ấy, vì ông ấy là bạn của Odría và ông ấy sẽ là nghị sĩ,” Don Melquíades nói. “Ông ấy sẽ trả lương hậu hĩnh cho mày. Nắm lấy cơ hội này đi, Trifulcio.”

“Tía thậm chí không nói cho tụi tôi biết tên tía là gì, tía ơi,” Ludovico nói. “Hay có lẽ tía cũng không biết, có lẽ tía cũng đã quên.”

“Đi nhậu cho say, thăm gia đình mày, đi chơi điếm tí tỉnh,” Don Melquíades nói. “Rồi thứ Hai trình diện ở trang trại của ông ấy, trên đường rời Ica. Cứ hỏi bất kỳ ai, người ta sẽ chỉ cho mày.”

“Hai hòn đậu phụng của tía vẫn nhỏ xíu như vậy hay vì tía sợ?” Hipólito hỏi. “Và tui khó thấy con chim nhỏ của tía, thưa tía. Hay cũng vì tía sợ?

“Dĩ nhiên tôi sẽ nhớ, thưa ông, tôi còn muốn gì hơn nữa?” Trifulcio nói. “Tôi không biết làm sao để cảm ơn ông đã giới thiệu tôi với ông ấy, thưa ông.”

“Để nó yên, Hipólito, nó hết nghe được mày rồi,” Ludovico nói. “Mình tới văn phòng ông Lozano. Để nó yên, Hipólito.”

Người lính gác vỗ lên lưng gã, tốt, Trifulcio, rồi đóng cổng lại, cho tới lần sau hay không bao giờ gặp nữa, Trifulcio. Gã bước nhanh về phía trước, qua vùng bụi bặm mà gã biết rất rõ, nơi gã có thể thấy từ khu xà lim khang trang hơn, và chẳng mấy chốc gã đến hàng cây mà gã cũng nhớ trong ký ức, rồi khi ấy gã đi theo một khúc đường mới cho đến khi gã tới mấy cái lán ở ngoại thành, ở đó thay vì dừng lại gã bước nhanh chân. Gã đi như chạy qua các túp lều và những hình người, trong khi họ nhìn gã với vẻ ngạc nhiên hay dửng dưng hay sợ hãi.

“Và không phải vì tôi là đứa con trai hư hỏng hoặc không thương bà, bà già đen xứng đáng lên thiên đàng, cũng y như ông, thưa ông,” Ambrosio nói. “Bà còng lưng nuôi dạy tôi. Nhưng cuộc đời không cho người ta thời giờ, ngay cả để nghĩ đến mẹ mình.”

“Tụi tôi bỏ nó vì Hipólito quá tay, nó bắt đầu nói sảng rồi nó ngất xỉu, thưa ông Lozano,” Ludovico nói. “Tôi nghĩ thằng Trinidad López không phải một tên Aprista đâu, có khi nó thậm chí còn chẳng biết mình là gì ấy chứ. Nhưng nếu ông muốn, chúng tôi sẽ đánh thức nó và tiếp tục, thưa ông.”

Gã tiếp tục đi tới, càng lúc càng vội và man dại hơn, không định được phương hướng trên những con đường lát đá đầu tiên mà đôi chân trần của gã đang giẫm lên một cách điên cuồng, đi càng lúc càng sâu hơn vào thành phố, dài hơn nhiều, rộng hơn nhiều, khác quá nhiều so với thành phố mà mắt gã còn nhớ. Gã bước đi không định hướng, không hấp tấp, cuối cùng gã ngồi phịch xuống một băng ghế dưới bóng râm của mấy cây cọ trên một quảng trường. Ở góc phố có một cửa hàng, đàn bà và trẻ con đi vào, vài đứa con trai đang ném đá một ngọn đèn đường, và mấy con chó đang sủa. Lặng lẽ, dần dần, gã bắt đầu khóc mà không biết.

“Chú anh đề nghị tôi gọi anh, Đại úy, và tôi cũng muốn gặp anh,” Cayo Bermúdez nói. “Chúng ta dù sao cũng là đồng nghiệp, đúng không? Và chắc chắn chúng ta sẽ có ngày phải làm việc chung.”

“Bà tốt, bà làm việc vất vả, bà không bao giờ bỏ thánh lễ,” Ambrosio nói. “Nhưng bà có cách của bà, thưa cậu. Chẳng hạn, bà không bao giờ đánh tôi bằng tay, chỉ dùng gậy. Bà bảo tôi, ‘Để mày đừng giống như cha mày’.”

“Tôi đã nghe tên ông, ông Bermúdez,” Đại úy Paredes nói. “Chú tôi và Đại tá Espina rất xem trọng ông, họ nói toàn bộ việc bố trí này có kết quả là nhờ ông.”

Gã đứng lên, rửa mặt nơi đài phun nước trên quảng trường, hỏi hai người đàn ông chỗ nào gã có thể đón xe đò đi Chincha và tốn bao nhiêu. Thỉnh thoảng gã ngừng lại nhìn các bà và những thứ đã thay đổi quá nhiều, gã đi đến một quãng trường khác đầy kín xe cộ. Gã hỏi, mặc cả, xin xỏ, rồi lên một chiếc xe tải đợi hai tiếng trước khi khởi hành.

“Mình đừng nói tới công trạng vì anh sẽ bỏ xa tôi,” Cayo Bermúdez nói. “Tôi biết anh đã dính sâu với cách mạng bằng cách dàn hàng các sĩ quan, anh đã khiến an ninh quân đội cuốn theo. Tôi nhờ chú của anh cho biết. Anh không chối được.”

Gã đứng suốt cuộc hành trình, bám bên hông xe tải, ngửi và nhìn cát, bầu trời, biển xuất hiện rồi biến mất sau các đồi cát. Khi chiếc xe tải đến Chincha, gã mở to mắt và quay đầu nhìn láo liên, sửng sốt vì những sự thay đổi. Gió thoảng mát, không còn mặt trời, trên quảng trường các ngọn cọ nhảy múa và thì thầm khi gã bước đi bên dưới, xúc động, nôn nao, dẫu vẫn vội vàng.

“Phần về cách mạng là đúng hoàn toàn, và không cần phải khiêm tốn,” Đại úy Paredes nói. “Nhưng về phần an ninh quân đội, tôi chỉ làm việc cho Đại tá Molina, thưa ông Bermúdez.”

Nhưng đường đến xóm định cư ổ chuột xa và quanh co, vì trí nhớ phản lại gã và gã cứ phải hỏi người ta đường tới Grocio Prado. Gã đến đó lúc trời tối và phố đã lên đèn, và khu định cư không còn là đám lán lều nữa mà là một nhóm nhà xây vững chắc, và thay vì các cánh đồng bông vải bắt đầu ở mép rìa như hồi xưa thì bây giờ lại là các căn nhà của một khu định cư nữa. Nhưng túp lều vẫn như cũ và cánh cửa mở, và hắn nhận ra ngay Tomasa: mập mạp, đen, đang ngồi ăn dưới đất, phía bên phải một bà khác.

“Đại tá Molina là người đầu tàu, nhưng anh là người giữ cho bánh xe quay,” Bermúdez nói. “Tôi biết việc đó cũng từ chú của anh, Đại úy.”

“Ước mơ của bà là trúng vé số, thưa ông,” Ambrosio nói. “Một lần ông bán cà rem ở Chincha trúng số, bà nói có lẽ Chúa sẽ cho nơi này trúng nữa, thế là bà góp mua vé số bằng món tiền bà không có. Bà mang vé số đến Đức mẹ Đồng trinh, thắp nến cho vé số. Thậm chí bà chẳng trúng được lô an ủi, thưa ông.”

“Tôi có thể hình dung Bộ này dưới thời Bustamante ra sao, bọn Aprista đầy khắp và phá hoại trật tự hàng ngày,” Đại úy Paredes nói. “Nhưng chuyện đó chẳng giúp được gì cho tụi quỷ.”

Gã nhảy xổ vào, vừa đấm ngực vừa gầm gừ, rồi đứng giữa hai người, người khách lạ hét lên và làm dấu thánh giá. Tomasa co lại dưới đất, nhìn gã, rồi nét sợ hãi trên mặt bà bỗng biến mất. Không nói, không đứng lên, tay bà nắm chặt chỉ gã cánh cửa túp lều. Nhưng Trifulcio không ra, gã bắt đầu cười, gã khoái chí ngồi xuống đất và bắt đầu gãi nách.

“Ít nhất nó giúp bọn chúng không lưu lại dấu vết nào, hồ sơ an ninh vô dụng,” Bermúdez nói. “Bọn Aprista hủy hồ sơ. Chúng tôi đang tổ chức lại mọi thứ, và tôi muốn nói với anh về việc ấy, Đại úy. An ninh quân đội có thể giúp chúng tôi rất nhiều.”

“Vậy anh là tài xế của ông Bermúdez,” Ludovico nói. “Hân hạnh gặp anh, Ambrosio. Vậy anh sẽ giúp chúng tôi đôi chút trong vấn đề xóm ổ chuột.”

“Không có vấn đề gì, dĩ nhiên chúng ta phải cộng tác,” Đại úy Paredes nói. “Bất cứ khi nào ông cần tin tức gì, tôi sẽ cung cấp, thưa ông Bermúdez.”

“Mày đến làm gì, ai đưa mày đến, ai mời mày?” Tomasa gầm lên. “Mày trông như đứa sống ngoài vòng pháp luật, mày trông đúng là cái thứ mày. Mày không thấy bạn tao mới nhìn thấy mày là bỏ chạy hả? Mày ra hồi nào?”

“Tôi muốn thứ khác hơn, Đại úy,” Bermúdez nói. “Tôi muốn được xem toàn bộ hồ sơ chính trị bên an ninh quân đội. Có một bản sao của nó.”

“Tên nó là Hipólito và nó là đứa khờ nhất của tất cả mấy đứa khờ trong đám nhân viên,” Ludovico nói. “Nó sẽ quay lại ngay. Tôi sẽ giới thiệu anh. Nó không có trong danh sách công chức, và chắc nó sẽ chẳng bao giờ được vào biên chế. Tôi thì hy vọng một ngày nào đó may mắn được vào biên chế. Này, Ambrosio, chắc là anh trong biên chế, đúng không?”

“Hồ sơ của chúng tôi không ai được đụng đến, nó được phân loại mật,” Đại úy Paredes nói. “Tôi sẽ trình với Đại tá Molina về dự tính của ông, nhưng ông ấy cũng không thể quyết định. Tốt nhất là Bộ trưởng Công an gửi yêu cầu sang Bộ trưởng Chiến tranh.”

“Bạn mày bỏ chạy như thể tao chính là quỷ sứ.” Trifulcio cười. “Nghe đây, Tomasa, cho tao ăn món đó một chút. Tao có thể xực cả một con ngựa.”

“Đó đúng là cái mình phải tránh, Đại úy ạ,” Bermúdez nói. “Bản sao hồ sơ đó nên đưa cho Giám đốc Công an mà cả Đại tá Molina lẫn Bộ trưởng Chiến tranh đều không biết. Tôi nói như thế có rõ không?”

“Công việc mệt chết người, Ambrosio,” Ludovico nói. “Giờ này qua giờ khác làm anh khản tiếng, mất sức khỏe, rồi có đứa nào đó trong biên chế ghé đến, nó chửi anh, và ông Lozano dọa cắt lương anh. Ai cũng thấy mệt chết người, ngoại trừ thằng trâu ngựa Hipólito đó. Anh muốn tôi kể lý do cho anh không?”

“Tôi không thể đưa cho ông một bản sao các hồ sơ tối mật mà không cho cấp trên tôi biết,” Đại úy Paredes nói. “Hồ sơ năm cuộc đời và tương lai của từng sĩ quan và hàng ngàn dân thường. Giống như vàng trong Ngân hàng Trung ương, thưa ông Bermúdez.”

“Ừ, rồi anh sẽ phải biến đi, nhưng bây giờ bình tĩnh lại, rồi uống một ly đi đã, đồ quỷ sứ,” Don Fermín nói. “Bây giờ kể cho tôi chuyện gì xảy ra. Đừng khóc lóc nữa.”

“Đúng vậy, Đại úy, dĩ nhiên mấy hồ sơ đó đáng giá như vàng,” Bermúdez nói. “Và chú của anh cũng biết. Vấn đề phải giới hạn trong vòng những người chịu trách nhiệm về an ninh thôi. Không, không phải là chuyện xúc phạm đến Đại tá Molina…”

“Vì sau nửa giờ làm việc với một đứa, bỗng nhiên bùm, thằng Hipólito trâu ngựa đó nó nổi hứng,” Ludovico nói. “Tinh thần anh xuống thấp, anh chán. Nó thì không, bùm, nó hứng chí. Anh sẽ gặp nó, anh sẽ thấy.”

“Vấn đề là thăng thưởng cho ông ấy,” Bermúdez nói. “Cho ông ấy chỉ huy một đơn vị, một biệt đội. Rồi sẽ không ai cãi cọ chuyện anh là người hiển nhiên nhất để thế chỗ của Đại tá Molina chịu trách nhiệm an ninh. Khi ấy mình sẽ kín đáo họp hai sở lại, Đại úy ạ.”

“Không một đêm, không một phút,” Tomasa nói. “Mày sẽ không ở lại đây một phút nào. Mày cút ngay, Trifulcio.”

“Ông nắm chú tôi trong túi ông, ông bạn Bermúdez ạ,” Đại úy Paredes nói. “Ông chỉ mới biết chú tôi được sáu tháng, thế mà bây giờ ông ấy tin ông hơn là tin tôi. Tất nhiên tôi nói đùa, Cayo. Đã tới lúc mình gọi nhau bằng tên riêng rồi phải không?”

“Tụi nó nói láo không phải vì tụi nó can đảm, Ambrosio, mà vì tụi nó sợ,” Ludovico nói. “Cứ thử xem có bao giờ anh moi được cái gì của một trong mấy đứa tụi nó ra không. Ai là đầu đảng của mày? Ông nọ bà kia, tên nó là gì. Mày theo tụi Aprista bao lâu rồi? Tôi đâu có theo. Vậy thì làm sao mày nói ông nọ bà kia và thằng tên gì đó là lãnh tụ của mày? Họ đâu phải. Mệt chết luôn, tin tôi đi.”

“Chú của anh biết sự sống còn của chính phủ tùy thuộc vào an ninh,” Bermúdez nói. “Bây giờ mọi người hoan hô, nhưng chẳng bao lâu thì kéo co và giành giật quyền lợi sẽ bắt đầu, và vì vậy mọi việc sẽ tùy thuộc vào bên an ninh làm gì để trung lập hóa những kẻ tham vọng và căm tức.”

“Tao không định ở lại, tao chỉ tạt ngang thôi,” Trifulcio nói. “Tao sẽ làm việc cho một ông nhà giàu gốc lca tên là Arévalo. Tao nói thật đấy, Tomasa.”

“Tôi biết chuyện đó rất rõ,” Đại úy Paredes nói. “Khi không còn tụi Aprista, Tổng thống sẽ có kẻ thù ngay trong chính phủ.”

“Mày là cộng sản, mày là Aprista phải không? Tôi không theo Aprista, tôi không theo cộng sản,” Ludovico nói. “Mày chết nhát, ông bạn, tụi tao chưa đụng tới mày mà mày đã nói dối. Như vậy hàng giờ, suốt đêm như vậy, Ambrosio. Và việc đó làm Hipólito hứng chí, anh có thể thấy nó là loại người nào chứ?”

“Vì vậy chúng ta phải nhìn xa,” Bermúdez nói. “Phần tử nguy hiểm nhất hôm nay là giới dân sự, ngày mai sẽ là quân đội. Anh có thấy tại sao các hồ sơ được giữ bí mật như thế không?”

“Mày thậm chí không buồn hỏi Perpetuo chôn ở đâu hay Ambrosio còn sống hay chết,” Tomasa nói. “Mày quên là mày có con hả?”

“Bà là một người đàn bà vui vẻ, yêu cuộc sống, thưa ông,” Ambrosio nói. “Tội nghiệp bà, ràng buộc với một gã có thể làm chuyện đó với chính con trai của gã. Nhưng cũng tự nhiên thôi, nếu hồi đó bà già không yêu ổng thì đâu có tôi ở đây hôm nay. Vì thế là tốt cho tôi.”

“Mày phải có một căn nhà, Cayo, mày không thể cứ ở khách sạn,” Đại tá Espina nói. “Ngoài ra, mày thật vô lý khi không dùng chiếc xe cấp cho chức Giám đốc Công an của mày.”

“Tao không cần biết về đứa chết,” Trifulcio nói, “Nhưng tao muốn gặp Ambrosio. Nó có sống với mày không?”

“Sự thật là tao chưa bao giờ làm chủ một chiếc xe, vả lại đi tắc xi thì tiện lợi,” Bermúdez nói. “Nhưng mày nói đúng, Miệt Núi, tao sẽ dùng xe. Chắc nó gỉ sét hết rồi.”

“Ngày mai Ambrosio sẽ đi tìm việc ở Lima,” Tomasa nói. “Mày muốn gặp nó làm gì?”

“Tôi không tin nổi thằng Hipólito như vậy, nhưng mà đúng thế, Ambrosio,” Ludovico nói. “Chính mắt tôi thấy, đâu có ai kể cho tôi.”

“Mày đừng nên khiêm tốn quá, cứ dùng đặc quyền của mày,” Đại tá Espina nói. “Mày đóng cửa làm việc trong này mười lăm tiếng một ngày, nhưng mà công việc đâu phải là mọi thứ trên đời. Thỉnh thoảng ăn chơi một chút, Cayo.”

“Chỉ tò mò muốn thấy nó ra sao,” Trifulcio nói. “Tao gặp Ambrosio rồi tao hứa sẽ ra đi, Tomasa.”

“Lần đầu tiên họ giao riêng cho hai đứa tao một thằng gốc Vitarte,” Ludovico nói. “Không có ai trong biên chế ở đó để chửi rủa tụi tao, không đủ người. Và lần đó tao thấy, Ambrosio.”

“Dĩ nhiên tao sẽ chơi, Miệt Núi, nhưng trước tiên tao phải làm cho xong nhiều việc,” Bermúdez nói. “Rồi tao sẽ kiếm một căn nhà để sống tiện nghi hơn.”

“Ambrosio đang làm tài xế đường dài ở đây” Tomasa nói. “Nhưng ở Lima nó sẽ khá hơn, vì vậy tao mới đẩy nó đi.”

“Tổng thống rất hài lòng về mày, Cayo,” Đại tá Espina nói. “Ông ấy cám ơn tao vì đã tiến cử mày nhiều hơn là vì tất cả những gì tao đã giúp ông ấy hồi cách mạng, mày tưởng tượng thử coi.”

“Nó đánh thằng đó, rồi nó bắt đầu toát mồ hôi, đánh nó thêm rồi toát mồ hôi thêm, và rồi nó đánh nhiều tới nỗi thằng đó bắt đầu nói sảng,” Ludovico nói. “Rồi tao bỗng thấy dây kéo quần của nó phồng lên như quả bong bóng. Tao thề, Ambrosio.”

“Thằng đang đi tới phía này, cái thằng lớn xác đó,” Trifulcio nói. “Có phải nó là Ambrosio không?”

“Mày đánh làm gì, mày làm nó dở khùng dở điên rồi, mày đưa nó lên cõi tiên rồi,” Ludovico nói. “Nó thậm chí đâu có nghe, Ambrosio. Hồ hởi phấn khởi, như quả bong bóng. Đúng y như tao đang kể cho mày, tao thề. Chẳng bao lâu mày sẽ gặp nó, tao sẽ giới thiệu mày với nó.”

“Hy vọng của chúng tôi bây giờ là cộng tác với các ông để chúng ta có thể ra khỏi mối nguy này,” Don Fermín nói.

“Tao nhận ra mày liền,” Trifulcio nói. “Đến đây, Ambrosio, ôm tao một cái coi, cho tao ngó mày một chút coi.”

“Chính phủ đang gặp nguy?” Đại tá Espina hỏi. “Ông đùa đấy à, Don Fermín? Nếu cách mạng không thuận buồm xuôi gió, làm sao ai có thể…?”

“Lẽ ra tui đến đón ba,” Ambrosio nói. “Nhưng tui thậm chí không biết là ba ra tù.”

“Fermín nói đúng, Đại tá,” Emilio Arévalo nói. “Không có gì thuận buồm xuôi gió nếu bầu cử không diễn ra và Tướng Odría không trở lại nắm quyền, được xức dầu và phong thánh bằng lá phiếu của toàn dân Peru.”

“Ít nhất mày không đuổi tao ra như Tomasa,” Trifulcio nói. “Tao cứ nghĩ mày là một thằng nhỏ, vậy mà mày già gần bằng thằng bố da đen của mày rồi đó.”

“Bầu cử là chuyện hình thức, nếu ông muốn, Đại tá,” Don Fermín nói. “Nhưng là một hình thức cần thiết.”

“Mày gặp nó xong rồi, bây giờ cút đi,” Tomasa nói. “Ngày mai Ambrosio đi, nó phải thu xếp đồ đạc của nó.”

“Và để có bầu cử, đất nước phải yên bình, nghĩa là tụi Aprista phải bị dẹp hết,” Tiến sĩ Ferro nói. “Nếu không, bầu cử có thể nổ tung vào mặt mình như quả bom.”

“Mình kiếm chỗ nhậu đi, Ambrosio,” Trifulcio nói. “Mình sẽ nói chuyện chút ít rồi mày có thể về thu xếp tay nải của mày.”

“Ông không nói tiếng nào, ông Bermúdez,” Emilio Arévalo nói. “Hình như chính trị làm ông chán.”

“Mày muốn cho thằng con mày mang tiếng xấu hả?” Tomaso hỏi. “Có phải vì vậy mày muốn thiên hạ thấy mày đi với nó ngoài đường không?”

“Đâu phải là hình như, tôi chán nó thật,” Bermúdez nói. “Vả lại, tôi chẳng hiểu gì về chính trị. Đừng cười, thật đấy. Vì vậy tôi thà lắng nghe thôi.”

Họ cùng đi trong bóng tối, qua phố xá quanh co và những lối rẽ đột ngột, giữa những túp lều cỏ tranh và đây đó một căn nhà gạch, nhìn qua các ô cửa sổ và thấy bên ánh nến và ngọn đèn các hình dáng lờ mờ vừa ăn vừa tán gẫu. Có mùi đất, mùi phân, mùi nho.

“Ôi dào, đối với một người không biết gì về chính trị, ông làm Giám đốc An ninh rất khá,” Don Fermín nói. “Một ly nữa chứ, Don Cayo?”

Họ đi ngang một con lừa đang nằm ngoài đường, mấy con chó khuất bóng sủa họ. Họ cao gần bằng nhau, họ cùng đi trong im lặng, bầu trời đã trong, tiết trời nóng, không một ngọn gió thoảng. Người đàn ông đang nghỉ trên ghế xích đu đứng dậy khi ông ta thấy họ vào quán rượu vắng, mang bia cho họ rồi lại ngồi xuống. Họ cụng ly trong ánh nhá nhem, vẫn không nói với nhau.

“Về cơ bản, hai điều,” Tiến sĩ Ferro nói. “Thứ nhất, duy trì nhóm đã nắm quyền. Thứ nhì, tiếp tục dẹp mạnh tay. Đại học, nghiệp đoàn, nội các. Rồi thì bầu cử và phục vụ đất nước.”

“Tôi thích là gì trên đời à, thưa cậu?” Ambrosio hỏi. “Dĩ nhiên là một người giàu có.”

“Vậy là ngày mai mày đi Lima,” Trifulcio nói. “Mày làm gì ở đó?”

“Cậu thì cậu thích hạnh phúc, phải không cậu?” Ambrosio hỏi. “Tôi cũng vậy, dĩ nhiên, nhưng đối với tôi, giàu có và hạnh phúc là một.”

“Vấn đề chỉ là cho vay và mượn nợ,” Don Fermín nói. “Hoa Kỳ sẵn sàng giúp một chính phủ có thể duy trì trật tự, đó là lý do họ ủng hộ cách mạng. Bây giờ họ muốn bầu cử, mình phải cho họ cái họ muốn.”

“Đi tìm việc ở đó,” Ambrosio nói. “Ở thủ đô có thể kiếm được nhiều tiền hơn.”

“Tụi Mẽo tin vào hình thức, mình phải hiểu họ,” Emilio Arévalo nói. “Họ hài lòng với Đại tướng và họ chỉ yêu cầu phải duy trì các hình thức dân chủ. Nếu Odría là tổng thống được dân bầu, họ sẽ mở vòng tay với chúng ta và cho chúng ta mọi khoản tín dụng chúng ta cần.”

“Mày làm tài xế được bao lâu rồi?” Trifulcio hỏi.

“Nhưng trên hết chúng ta phải đưa ra Mặt trận Yêu nước Toàn quốc hay Phong trào Phục hưng hay bất kỳ cái tên nào đó,” Tiến sĩ Ferro nói. “Vì vậy điều quan trọng là phải có cương lĩnh, và vì vậy tôi nhấn mạnh đến nó nhiều như thế.”

“Hai năm trong nghề,” Ambrosio nói. “Hồi đầu tui là đứa giúp việc, thỉnh thoảng lái phụ. Rồi tui là tài xế xe tải thường trực và cho tới nay tui lái xe đò quanh đây, từ quận này sang quận khác.”

“Một cương lĩnh quốc gia và yêu nước khả dĩ kết hợp mọi lực lượng mạnh,” Emilio Arévalo nói. “Kỹ nghệ, thương mại, công nhân, nông dân. Dựa trên ý tưởng đơn giản nhưng hiệu quả.”

“Vậy mày là đứa nghiêm chỉnh, một đứa làm việc chăm chỉ,” Trifulcio nói. “Tomasa nói đúng khi không muốn thiên hạ thấy mày đi với tao. Mày nghĩ mày có tìm được việc ở Lima không?”

“Chúng ta cần một cái gì để nhắc cho người ta nhớ tới công thức tuyệt vời của Thống chế Benavides,” Tiến sĩ Ferro nói. “Trật tự, Hòa bình và Việc làm. Tôi đã nghĩ tới Y tế, Giáo dục, Việc làm. Quý vị nghĩ thế nào?”

“Ba có nhớ bà bán sữa Túmula, đứa con gái bà ấy không?” Ambrosio hỏi. “Nó cưới con trai của Kên Kên. Ba nhớ Kên Kên không? Tui giúp con trai ông ta trốn đi với nó.”

“Dĩ nhiên, việc ứng cử của Đại tướng phải được phát động ở cấp cao nhất,” Emilio Arévalo nói. “Mọi ngành phải công bố như thể tự ý.”

“Kên Kên, thằng cho vay cắt cổ, thằng là thị trưởng á?” Trifulcio hỏi. “Ừ, tao nhớ nó.”

“Sẽ công bố, Don Emilio,” Đại tá Espina nói. “Đại tướng ngày càng được cảm tình của công chúng. Chỉ vài tháng nữa người ta sẽ thấy sự thanh bình chúng ta đang có bây giờ trái với tình trạng rối loạn của đất nước vào cái thời tụi Aprista và tụi Cộng sản còn lộng hành.”

“Con trai của Kên Kên hiện là người trong chính quyền, bây giờ nó làm lớn,” Ambrosio nói. “Có thể nó sẽ giúp tui tìm việc ở Lima.”

“Hay là anh với tôi đi uống riêng với nhau một ly, Don Cayo?” Don Fermín đề nghị. “Anh không nhức đầu vì bài diễn văn của ông bạn Ferro sao? Ông ta luôn luôn làm tôi say sóng.”

“Nếu nó làm lớn, nó chắc sẽ không muốn dính líu gì với mày,” Trifulcio nói. “Nó sẽ ngó lơ mày.”

“Rất hân hạnh, thưa ông Zavala,” Bermúdez nói. “Vâng, Tiến sĩ Ferro nói nhiều. Nhưng ông có thể thấy ông ta giàu kinh nghiệm.”

“Đem cho nó món quà nhỏ để lấy lòng nó,” Trifulcio nói. “Cái gì nhắc nó nhớ tới quê nhà cho nó cảm động.”

“Quá giàu kinh nghiệm, ông ta đã ở trong mọi chính phủ suốt hai mươi năm qua,” Don Fermín nói. “Lối này, xe tôi đằng kia.”

“Tui sẽ đem cho nó vài chai rượu vang,” Ambrosio nói. “Còn bây giờ ba định làm gì? Ba về nhà chứ?”

“Bất kỳ thứ nào ông uống,” Bermúdez nói. “Vâng, thưa ông Zavala, whiskey, cũng được.”

“Tao nghĩ là không, mày thấy mẹ mày đón tao ra sao rồi đó,” Trifulcio nói. “Nhưng thế không có nghĩa Tomasa là con mụ xấu.”

“Tôi chưa bao giờ thích chính trị vì tôi chưa bao giờ hiểu nó là chuyện gì,” Bermúdez nói. “Hoàn cảnh đẩy tôi dính vào chính trị khi tôi đã lớn tuổi.”

“Bả nói ba bỏ rơi bả rất nhiều lần,” Ambrosio nói. “Ba chỉ về nhà để lấy tiền mà tiền đó bả đầu tắt mặt tối như con la mới kiếm được.”

“Tôi cũng ghét chính trị, nhưng mình đâu làm sao được,” Don Fermín nói. “Khi những người chăm làm đứng ngoài, phó mặc chuyện chính trị cho các chính khách thì đất nước khốn khổ.”

“Đàn bà hay phóng đại, và dù sao Tomasa cũng là đàn bà,” Trifulcio nói. “Tao sắp làm ở Ica, nhưng tao sẽ thỉnh thoảng trở lại gặp bà ấy.”

“Có thật là anh chưa bao giờ đến đây?” Don Fermín hỏi. “Espina đang bóc lột anh, Don Cayo. Buổi diễn khá hay, anh sẽ thấy. Đừng nghĩ tôi là dân sống về đêm. Rất hiếm khi.”

“Còn ở đây thế nào?” Trifulcio hỏi. “Mày chắc biết, ở tuổi này mày nên biết nhiều. Đàn bà, nhà thổ. Nhà thổ ở đây ra sao?”

Cô ta mặc bộ áo dạ hội trắng, bó sát, hơi lóng lánh, vẽ nên những đường nét của tấm thân một cách gọn gàng và sinh động như thể cô khỏa thân. Một bộ áo, cùng màu với làn da, dài chấm đất và làm cô đi những bước ngắn như dế nhảy.

“Có hai chỗ, một đắt, một rẻ,” Ambrosio nói. “Tui nói đắt nghĩa là hai chục đồng, ở chỗ rẻ ba có thể chỉ cần ba đồng. Nhưng tụi nó dở lắm.”

Đôi vai cô trắng, tròn, mềm, và sắc trắng của nước da tương phản với màu đen của mái tóc chảy xuống lưng. Cô mím môi với niềm khao khát trễ tràng, như thể cô sắp cắn cái micro nhỏ mạ bạc, cặp mắt to của cô lấp lánh và luôn nhìn bao quát các bàn.

“Một Nàng Thơ xinh chứ nhỉ?” Don Fermín nói. “Ít nhất là so với mấy bộ xương ra nhảy trước đó. Nhưng giọng cô ta chẳng giúp cô ta được mấy.”

“Tao không muốn dắt mày theo hay muốn mày đi với tao, vả lại, tao biết tốt nhất là thiên hạ đừng thấy mày đi với tao,” Trifulcio nói. “Nhưng tao muốn thả bộ tới đó, chỉ để xem sao. Chỗ rẻ ở đâu?”

“Xinh lắm, vâng, một thân hình đẹp, một khuôn mặt đẹp,” Bermúdez nói. “Và tôi nghĩ giọng cô ta không dở lắm.”

“Gần đây,” Ambrosio nói. “Nhưng cảnh sát hay lảng vảng quanh đó vì tụi nó hay đánh lộn.”

“Để tôi nói cho anh biết, con nhỏ đó coi bộ rất đàn bà nhưng thật ra không phải đâu,” Don Fermín nói. “Cô ta thích đàn bà.”

“Tao không lo chuyện đó, vì tao quen gặp tụi cớm và quen đánh lộn rồi.” Trifulcio cười. “Nào, trả tiền bia rồi mình đi.”

“Vậy sao?” Bermúdez nói. “Một phụ nữ xinh như thế. Thật vậy sao?”

“Tui muốn đi với ba, nhưng xe đò đi Lima khởi hành lúc sáu giờ,” Ambrosio nói, “Mà đồ đạc của tui còn vứt lung tung.”

“Vậy là anh không có con, Don Cayo,” Don Fermín nói. “Ồ, anh đã tránh được rất nhiều rắc rối đấy. Tôi có ba đứa, bây giờ tụi nó bắt đầu làm Zoila và tôi nhức đầu.”

“Mày có thể bỏ tao ở cửa rồi đi,” Trifulcio nói. “Dắt tao đi đường nào không ai thấy mình, nếu mày muốn.”

“Hai cậu và một cô?” Bermúdez hỏi. “Đã trưởng thành?”

Họ lại đi ra phố và bầu trời đêm sáng hơn. Vầng trăng soi cho họ thấy các ổ gà trên đường, vết bánh xe lún, đá sỏi. Họ đi qua các hẻm vắng, Trifulcio quay đầu láo liên, quan sát mọi thứ, chú ý mọi thứ; Ambrosio xỏ tay trong túi, đá mấy viên sỏi.

“Con trai vào hải quân thì tương lai gì?” Don Fermín hỏi. “Số không. Nhưng thằng Nổ cứ đòi và tôi dùng ảnh hưởng của mình để đưa nó vào. Rồi bây giờ anh thấy đấy, họ tống nó ra. Nó lười học, vô kỷ luật. Tệ nhất là rốt cuộc nó sẽ chẳng có sự nghiệp gì. Dĩ nhiên, tôi có thể vận động để người ta nhận nó lại. Nhưng không, tôi không muốn có một đứa con trai trong hải quân. Tôi thà để nó làm việc cho tôi.”

“Mày chỉ có bấy nhiêu hả, Ambrosio?” Trifulcio hỏi. “Chỉ có hai chục đồng? Chỉ hai chục đồng, vậy mà mang tiếng là tài xế?”

“Tại sao ông không gửi cậu ấy đi du học?” Bermúdez hỏi. “Có thể khi thay đổi môi trường thằng bé sẽ đứng đắn lại.”

“Nếu tui còn đồng nào thì tui đã đưa luôn cho ba,” Ambrosio nói. “Ba chỉ cần hỏi là tui đưa cho ba. Tại sao ba rút con dao đó ra? Ba đâu cần phải vậy. Nè, về nhà rồi tui sẽ đưa thêm cho ba. Nhưng cất nó đi, tui sẽ cho ba thêm năm chục nữa. Nhưng đừng dọa tui. Tui vui lòng giúp ba, đưa thêm cho ba. Nào, mình về nhà.”

“Đâu có được, vợ tôi chết mất,” Don Fermín nói. “Để thằng Nổ một thân một mình ở nước ngoài à? Zoila không chịu đâu. Nó là đứa được bà ấy nuông chiều đâm hư hỏng.”

“Không, tao không về,” Trifulcio nói. “Thế này là đủ. Và đây là mượn nợ, tao sẽ trả lại mày hai chục đồng của mày vì tao đã có việc làm ở Ica. Mày sợ vì tao rút dao ra phải không? Tao đâu có làm gì mày, mày là con tao. Rồi tao sẽ trả lại mày, tao hứa với mày.”

“Còn cậu thứ nhì của ông có khó đối phó như vậy không?” Bermúdez hỏi.

“Tui không muốn ba trả lại tui, tui cho ba,” Ambrosio nói. “Tui không sợ. Ba không cần rút dao ra, tui thề. Ba là ba của tui, tui sẽ đưa cho ba nếu ba hỏi. Về nhà, tui thề tui sẽ cho ba thêm năm chục đồng.”

“Không, thằng Ròm trái ngược với thằng Nổ,” Don Fermín nói. “Đứng đầu lớp, đoạt tất cả phần thưởng cuối năm. Anh phải kìm nó lại để nó đừng học chăm quá. Một thằng nhỏ rất khá, Don Cayo ạ.”

“Chắc mày nghĩ tao tệ hơn những gì Tomasa đã kể cho mày,” Trifulcio nói. “Nhưng tao chỉ khơi khơi rút dao ra thế thôi, ừ, tao sẽ không làm gì mày, ngay cả nếu mày không cho tao đồng nào. Rồi tao sẽ trả lại mày, lời hứa danh dự, tao sẽ trả lại mày hai chục đồng của mày, Ambrosio.”

“Tôi có thể thấy cậu thứ hai là con cưng của ông,” Bermúdez nói. “Cậu ấy định theo ngành nào?”

“Được rồi, ba cứ trả lại cho tui nếu ba muốn,” Ambrosio nói. “Thôi bỏ qua chuyện này đi, tui đã quên rồi. Ba không muốn tới nhà sao? Tui sẽ cho ba năm chục nữa, tui hứa.”

“Nó vẫn còn học năm cuối trung học và chuyện đó nó chưa biết,” Don Fermín nói. “Không phải nó là đứa con cưng của tôi, tôi yêu cả ba đứa như nhau. Chỉ có điều là Santiago làm tôi cảm thấy hãnh diện. Ôi dào, anh hiểu mà.”

“Mày chắc nghĩ tao là con chó, một đứa thậm chí cướp của con nó, một đứa rút dao ra dọa con nó,” Trifulcio nói. “Tao thề với mày đây là tao mượn nợ.”

“Ông làm tôi nghe mà hơi ganh tị, Zavala ạ,” Bermúdez nói. “Dù cho đủ chuyện nhức đầu, làm một người cha chắc phải có gì đó để đền bù.”

“Nhưng được rồi, tui nghĩ chỉ tình cờ xảy ra như vậy, và ba sẽ trả lại cho tui,” Ambrosio nói. “Ba làm ơn quên chuyện đó đi.”

“Anh sống ở Maury đúng không?” Don Fermín nói. “Nào, tôi sẽ thả anh xuống đó.”

“Mày không xấu hổ vì tao hả?” Trifulcio hỏi. “Nói thật cho tao nghe.”

“Thôi, cám ơn nhiều lắm, tôi thích đi bộ, Maury ở gần đây,” Bermúdez nói. “Tôi rất vui được gặp ông, ông Zavala.”

“Ba nghĩ cái gì vậy, tui phải xấu hổ vì cái gì chứ?” Ambrosio hỏi. “Nào, mình sẽ cùng đi vào nhà thổ nếu ba muốn.”

“Mày làm gì ở đây?” Bermúdez hỏi. “Mày tới đây làm gì?”

“Thôi đừng, đi sắp xếp hành lý của mày đi, mày đừng nên để người ta thấy mày đi với tao,” Trifulcio nói. “Mày là thằng con tốt, tao hy vọng mọi việc sẽ êm xuôi cho mày ở Lima. Tin tao đi, tao sẽ trả lại mày, Ambrosio.”

“Người ta chỉ tôi từ chỗ này qua chỗ khác, họ bảo tôi đợi ở đây hàng giờ, Don Cayo,” Ambrosio nói. “Tôi đã định trở về Chincha, thưa ông.”

“Nói chung, tài xế cho Giám đốc Công an phải là người của Sở Cảnh sát, Don Cayo,” Tiến sĩ Alcibíades nói. “Vì lý do an ninh. Nhưng tùy ông thôi.”

“Tôi đến tìm việc, Don Cayo,” Ambrosio nói. “Tôi chán lái chiếc xe đò cũ xộc xệch rồi. Tôi nghĩ biết đâu ông có thể giúp tôi tìm việc.”

“Vâng, tôi thích thế này, bác sĩ,” Bermúdez nói. “Tôi đã biết anh chàng đen này nhiều năm, và tôi tin tưởng anh ta hơn một tay cha căng chú kiết nào đó bên cảnh sát. Nó đang ở ngoài cửa, ông làm ơn lo cho việc này được chứ?”

“Tôi rành nghề lái xe, và tôi sẽ quen đường phố Lima ngay, Don Cayo,” Ambrosio nói. “Ông cần tài xế? Hay quá, Don Cayo.”

“Được, tôi sẽ lo việc này,” Tiến sĩ Alcibíades nói. “Tôi sẽ bảo họ cho anh ta vào sổ lương của Quận hoặc thu nhận anh ta hoặc bất kỳ việc gì cần. Rồi hôm nay tôi sẽ bảo họ lấy xe cho ông.”

“Tốt, vậy thì mày được nhận,” Bermúdez nói. “Mày may mắn, Ambrosio, mày đến đúng lúc.”

Trước
image
Chương 7
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!