Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 1 – Chương 8
Trước
image
Chương 7
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

 

Hiệu sách nằm trong một tòa nhà có ban công, bạn đi vào qua một lối đi không rõ ràng, rồi từ đó bạn có thể thấy nó co cụm phía sau, có chấn song và vắng vẻ. Santiago đến trước chín giờ, xem qua các kệ sách ở lối vào, lật qua mấy cuốn sách sờn cũ vì thời gian, mấy tờ tạp chí phai màu. Ông già đội chiếc mũ nồi có mớ tóc mai bạc dửng dưng nhìn hắn, hắn nghĩ thầm ông cụ Matías thân mến, rồi ông bắt đầu nhìn hắn qua khóe mắt, và cuối cùng ông đi tới hắn: hắn đang tìm gì? Một cuốn sách về Cách mạng Pháp. À, ông cụ mỉm cười, đằng này. Đôi khi là Henri Barbusse 1 sống ở đây phải không, hay Don Bruno Bauer 2 có đến chưa? đôi khi sờ cánh cửa theo một cách nào đó, và đôi khi lẫn lộn một cách khôi hài, Zavalita. Ông dẫn hắn đến một căn phòng ngập ngụa các chồng báo, mạng nhện lóng lánh và sách chất đống sát mấy bức tường đen. Ông chỉ chiếc ghế đu, hắn nên ngồi xuống, ông phát âm hơi có giọng Tây Ban Nha, đôi mắt nhỏ hoạt bát, chòm râu dê rất trắng: hắn không bị theo dõi chứ? Anh phải rất cẩn thận, mọi việc đều tùy vào giới trẻ.

“Ông ấy bảy mươi tuổi mà vẫn thuần khiết, Carlitos à,” Santiago nói. “Người duy nhất tôi biết ở tuổi đó.”

Ông cụ nháy mắt trìu mến rồi quay lại sân trong. Santiago đọc lướt qua các tạp chí Lima cũ, Variedades và Mundial, hắn nghĩ mình đã để riêng ra những tờ có bài của Mariátegui hay Vallejo 3 .

“Dĩ nhiên, hồi đó người Peru có thể đọc Vallejo và Mariátegui trên báo,” Carlitos nói. “Bây giờ người ta đọc tụi mình, Zavalita, thế là bước giật lùi.”

Một lúc sau hắn thấy Jacobo và Aída đi vào. Chưa phải là con sâu nhỏ hay con rắn hay lưỡi dao, nó là cây đinh ghim lún vào rồi biến mất. Hắn thấy họ thì thầm bên cạnh các hàng kệ cũ kỹ, thấy nét vô tư và niềm vui trên khuôn mặt Jacobo, thấy họ tách ra khi Matías đi tới họ, rồi thấy nụ cười của Jacobo biến mất và một nếp cau mày chăm chú xuất hiện, nét nghiêm trang trừu tượng, khuôn mặt anh ta tỏ ra với thế giới đã mấy tháng nay. Anh ta mặc bộ vét nâu dạo này ít khi thay, áo sơ mi nhăn nhúm, chiếc cà vạt thắt lỏng. Washington đùa rằng anh ta đã tự cải trang làm người vô sản, anh nghĩ anh ra chỉ cạo râu mỗi tuần một lần và không đánh giày, Solórzano cười, sẽ có ngày Aída bỏ anh ta.

“Bí mật như vậy vì đó là ngày chúng tôi sẽ không còn đùa chơi nữa,” Santiago nói. “Sự việc sắp bắt đầu thành hiện thực, Carlitos.”

Phải chăng lúc đó là đầu năm thứ ba ở San Marcos, Zavalita, giữa lúc hắn khám phá về Cahuide và hôm ấy? Từ việc đọc và thảo luận tới việc phân phát những tờ in rônêô ở đại học, từ nhà trọ của bà điếc tới căn nhà nhỏ ở Rímac đến hiệu sách của Marias, từ những trò chơi nguy hiểm tới sự nguy hiểm có thật: ngày ấy. Hai nhóm đã không kết hợp lại nữa, hắn chỉ gặp Jacobo và Aída ở San Marcos, các nhóm khác đang hoạt động, nhưng nếu họ hỏi Washington, anh ta sẽ trả lời rằng hãy giữ mồm giữ miệng và sẽ mỉm cười. Một buổi sáng anh ta gọi họ: vào lúc đó giờ đó, ở chỗ ấy chỗ nọ, chỉ ba người họ. Họ sẽ gặp một người của Cahuide, họ có thể hỏi ông ta bất kỳ câu hỏi gì họ muốn, thổ lộ bất kỳ mối hoài nghi nào họ có thể có, hắn nghĩ tối hôm ấy mình cũng không ngủ. Thỉnh thoảng Matías ở sân trong sẽ nhướng mắt và mỉm cười với họ, trong căn phòng phía sau họ hút thuốc, lật qua các tạp chí, cứ nhìn riết ngõ vào, nhìn phố xá.

“Anh ấy nói chín giờ, bây giờ là chín rưỡi,” Jacobo nói. “Ông ta chắc không đến.”

“Aída thay đổi rất nhiều từ khi cô ấy bắt đầu đi với Jacobo,” Santiago nói. “Cô ấy đùa giỡn, cô ấy nom hạnh phúc. Ngược lại, anh ta trở nên nghiêm trang và thôi chải đầu hay thay đổi y phục. Anh ta sẽ không cười với Aída nếu có ai đang nhìn, anh ta hầu như không bao giờ nói một tiếng với cô ấy trước mặt chúng tôi. Anh ta ngượng vì hạnh phúc, Carlitos.”

“Chỉ vì ông ta là người cộng sản không có nghĩa ông ta không còn là người Peru.” Aída cười. “Ông ấy sẽ đến lúc mười giờ, mình đợi xem.”

Mười giờ kém mười lăm: một khuôn mặt như chim nơi lối vào, bước ngắn nhảy nhót, da vàng như trang giấy ố, bộ áo vét xộc xệch trên người, một chiếc cà vạt nhỏ màu hồng lựu. Họ thấy ông nói chuyện với Matías, nhìn xung quanh, đi đến. Ông vào phòng, mỉm cười với họ, xin lỗi tôi đến trễ, một bàn tay gầy nhỏ, chiếc xe buýt ông đi bị hỏng, và họ đứng nhìn nhau, lúng túng.

“Cám ơn vì đã đợi.” Giọng ông cũng rất mỏng, hắn nghĩ. “Cahuide gửi lời chào thân ái, các đồng chí.”

“Lần đầu tiên tôi nghe chữ các đồng chí, Carlitos, anh có thể hình dung Zavalita và trái tim đa cảm của hắn,” Santiago nói. “Tôi chỉ biết nom de guerre 4 của ông ta là Llaque; tôi mới gặp ông ta vài lần. Ông ta thuộc Chi bộ Công nhân của Cahuide, tôi chưa bao giờ ra ngoài Chi bộ Đại học. Anh có thể tưởng tượng, một trong những kẻ trong trắng ấy.”

Sáng hôm ấy chúng tôi không biết rằng Llaque đã là một sinh viên luật trong thời cách mạng Odría, hắn nghĩ, không biết rằng ông đã là một nạn nhân của vụ cảnh sát tấn công vào San Marcos, rằng ông đã bị tra tấn và đày qua Bolivia, và ở La Paz 5 ông đã bị tù sáu tháng, ông đã bí mật trở về Peru: chỉ thấy ông nom như một con chim nhỏ, sáng hôm ấy giọng nói mỏng manh của ông tóm tắt lịch sử Đảng cho họ, và họ nhìn ông khi ông liên tục xoay tròn bàn tay gầy vàng vọt của ông, như thể ông bị chuột rút, và cứ nhìn ra sân và đường phố qua khóe mắt. Đảng do José Carlos Mariátegui sáng lập, và ngay khi thành lập đã lớn mạnh và tổ chức các nhóm và thu phục được nhiều thành phần trong giai cấp công nhân, ông muốn cho chúng ta thấy chúng ta được tin tưởng, hắn nghĩ, và ông không giấu chúng ta sự thực là đảng luôn luôn nhỏ bé hoặc sự yếu kém của đảng so với APRA, và đó là thời hoàng kim của Đảng, thời của tạp chí Amauta và tờ báo Labor và tổ chức công đoàn và đưa sinh viên đến các cộng đồng người da đỏ. Khi Mariátegui chết năm 1930, Đảng đã rơi vào tay bọn phiêu lưu và cơ hội, cụ Matías chết và họ phá đổ tòa nhà trên đường Chota rồi xây một khối vuông có cửa sổ, hắn nghĩ, bọn đó đã đi con đường vụng về tách rời đảng khỏi quần chúng, vì thế quần chúng chịu ảnh hưởng của APRA, còn Đồng chí Llaque thì ra sao, Zavalita? Bọn phiêu lưu như Ravines 6 thì trở thành tay sai của chủ nghĩa đế quốc và giúp Odría lật đổ Bustamante, có thể nào ông ta đã trở thành một kẻ phản bội, mệt mỏi vì cuộc chiến đấu khó nhọc và ngột ngạt, có thể nào ông ta lấy vợ sinh con và làm việc trong một bộ nào đó? hay bọn cơ hội như Terrero thì trở thành tụi cuồng tín tôn giáo, năm nào cũng đóng bộ áo thầy tu đỏ tía mà kéo cây thánh giá trong Đám rước Chúa Mầu nhiệm, hay phải chăng ông ta vẫn tiếp tục và vẫn nói bằng giọng nhỏ như chim với các nhóm sinh viên khi ông không ở trong tù? Phản bội và đàn áp hầu như quét sạch Đảng, và nếu ông ta vẫn tiếp tục thì ông thân Xô viết hay thân Trung Quốc hay là một trong những người theo Castro đã chết trong chiến tranh du kích hay ông đã đổi theo Trotsky? và khi Bustamante nhậm chức năm 1945, Đảng đã có lại tính hợp pháp và bắt đầu tái xây dựng và đấu tranh trong tầng lớp công nhân chống lại chủ nghĩa cải cách APRA, có thể nào ông ta đã đi Moscow hay Bắc Kinh hay Havana? nhưng sau vụ đảo chính quân sự của Odría, Đảng lại bị tan vỡ, có thể nào ông ta bị buộc tội là kẻ theo Stalin hay xét lại hay phiêu lưu? toàn bộ Ủy ban Trung ương và hàng chục lãnh tụ và chiến sĩ và cảm tình viên bị tù và lưu đày, một số bị giết chết, ông ta có nhớ mày không, Zavalita, sáng hôm ấy ở chỗ của Matías, tối hôm ấy ở Khách sạn Mogollón? và các tổ còn tồn tại sau vụ đắm tàu vĩ đại ấy đã từ từ, cần cù tập hợp lại thành Tổ chức Cahuide, xuất bản tờ truyền đơn ấy và gồm Chi bộ Đại học và Chi bộ Công nhân, các đồng chí ạ.

“Ông muốn nói Cahuide chỉ có vài sinh viên, chỉ có vài công nhân?” Aída nói.

“Chúng ta hoạt động dưới những điều kiện khó khăn, đôi khi nỗ lực của nhiều tháng bị uổng phí vì một đồng chí rơi rụng.” Ông kẹp điếu thuốc giữa móng tay ngón trỏ và ngón cái, hắn nghĩ, mỉm cười một cách rụt rè. “Nhưng mặc dù bị đàn áp, chúng ta vẫn lớn mạnh.”

“Và tất nhiên, ông ta thuyết phục được anh, Zavalita,” Carlitos nói.

“Ông ấy làm tôi tin rằng ông ấy tin điều ông ấy đang nói với chúng tôi,” Santiago nói. “Ngoài ra, anh có thể thấy ông ấy thích việc ông ấy đang làm.”

“Quan điểm của Đảng ra sao về việc thống nhất hành động với các tổ chức ngoài vòng pháp luật khác?” Jacobo hỏi. “Với APRA, với phe Trotsky?”

“Ông ấy không do dự, ông ấy có niềm tin,” Santiago nói. “Hồi đó tôi vẫn ganh tị với những người có niềm tin mù quáng vào một điều gì, Carlitos.”

“Chúng ta sẽ sẵn sàng cộng tác với APRA chống lại độc tài,” Llaque nói. “Nhưng phe Aprista không muốn cho ai có lý do gọi họ là những kẻ cực đoan, và họ làm mọi cách để chứng tỏ chủ nghĩa chống cộng của họ. Bọn Trotsky có không quá mười tên đâu, và bọn họ rất có thể là mật thám cho cảnh sát.”

“Đó là điều tốt nhất đối với một người, Ambrosio à,” Santiago nói. “Tin vào điều mình nói, thích điều mình làm.”

“Tại sao APRA đã trở thành bọn thân đế quốc lại vẫn được dân chúng ủng hộ?” Aída hỏi.

“Vì thói quen và vì sự mị dân của họ và vì những liệt sĩ Aprista,” Llaque nói. “Nhất là vì cánh hữu ở Peru. Họ không hiểu APRA không còn là kẻ thù của họ nữa mà là đồng minh của họ, và họ tiếp tục khủng bố nó, vì thế nó có uy tín đối với dân chúng.”

“Đúng, sự ngu xuẩn của cánh hữu đã làm APRA thành một đảng lớn,” Carlitos nói. “Nhưng nếu cánh tả chưa bao giờ vượt qua được vai trò làm kẻ cùng cảnh ngộ với dân thì đó không phải vì APRA mà vì cánh tả thiếu người có khả năng.”

“Người có khả năng như anh và tôi không dính líu vào,” Santiago nói. “Chúng ta hài lòng với việc chỉ trích những người thiếu khả năng đang dính líu. Anh nghĩ có đúng không, Carlitos?”

“Tôi không nghĩ vậy, và vì thế tôi không bao giờ thảo luận chuyện chính trị,” Carlitos nói. “Anh buộc tôi thảo luận với cái thú khổ hạnh ghê tởm mỗi đêm của anh, Zavalita.”

“Bây giờ đến lượt tôi đặt câu hỏi, các đồng chí,” Llaque mỉm cười, như thể e thẹn. “Các anh chị có muốn gia nhập Cahuide không? Các anh chị có thể làm cảm tình viên, các anh chị không phải vào Đảng ngay.”

“Tôi muốn vào Đảng ngay,” Aída nói.

“Không việc gì mà vội, các anh chị cứ từ từ suy nghĩ cho kỹ,” Llaque nói.

“Chúng tôi đã có quá đủ thời giờ suy nghĩ trong nhóm,” Jacobo nói. “Tôi cũng muốn gia nhập.”

“Tôi muốn tiếp tục làm cảm tình viên,” con sâu nhỏ, lưỡi dao, con rắn. “Tôi đã có một số hoài nghi, tôi muốn nghiên cứu thêm trước khi tôi gia nhập.”

“Tốt, đồng chí, đừng gia nhập chừng nào anh chưa loại bỏ hết các nghi ngờ của anh,” Llaque nói. “Là cảm tình viên anh cũng có thể đóng một vai trò rất hữu ích.”

“Lúc ấy mới lộ ra là Zavalita không còn trong trắng nữa, Ambrosio,” Santiago nói. “Jacobo và Aída trong trắng hơn Zavalita.”

Còn nếu mày gia nhập hôm ấy thì sao, Zavalita? hắn nghĩ. Phải chăng nhiệt tình tranh đấu sẽ lôi mày theo, càng lúc càng dấn sâu vào hơn, mày có sẽ trở thành một kẻ có niềm tin, một kẻ lạc quan, một kẻ trong trắng khác, bí hiểm và anh hùng? Mày sẽ có một cuộc sống khó khăn, Zavalita, như Jacobo và Aída chắc phải có, hắn nghĩ, vào tù ra khám vài lần, làm những việc nặng nhọc và bị đuổi việc, và thay vì những bài xã luận chống chó dại trên La Crónica, mày sẽ viết cho những trang in nghèo nàn của Unidad, khi có đủ tiền và khi cảnh sát không ngăn mày, hắn nghĩ, viết về các tiến bộ khoa học trên quê hương của phe xã hội, về chiến thắng của nghiệp đoàn thợ làm bánh của liên danh cách mạng Lurín đối với bọn Aprista chủ bại thân giới chủ, hay viết trên những trang in còn xấu hơn nữa của Bandera Roja, chống chủ nghĩa xét lại Xô viết và bọn phản bội Unidad, hắn nghĩ, hay có lẽ mày sẽ rộng lượng hơn và sẽ gia nhập một nhóm nổi loạn rồi mơ mộng và hành động rồi thất bại trong các hoạt động du kích và mày sẽ vào tù, như Hector, hắn nghĩ, hay chết thối rữa trong rừng rậm, như Martínez lai, hắn nghĩ, và gần như lén lút đi dự các đại hội thanh niên, hắn nghĩ, Moscow, mang những lời chúc mừng anh em đến các buổi họp báo, hắn nghĩ, Budapest, hay được huấn luyện quân sự, hắn nghĩ, Havana hoặc Bắc Kinh. Tốt nghiệp luật sư, lập gia đình, cố vấn cho một nghiệp đoàn, một dân biểu, mày sẽ tệ hại hơn hay cũng thế hay hạnh phúc hơn? Hắn nghĩ: ồ, Zavalita.

“Không phải vì ghê tởm tín điều, mà là phản xạ của một đứa con nít chủ trương vô chính phủ rẻ tiền không thích làm theo lệnh,” Carlitos nói. “Nhưng trong tận cùng sâu thẳm, anh sợ cắt đứt với những người ăn ngon mặc đẹp và thơm tho.”

“Nhưng tôi ghét những người ấy, tôi vẫn ghét họ,” Santiago nói. “Đó là điều duy nhất mà tôi biết chắc, Carlitos.”

“Thế thì đó là tinh thần mâu thuẫn, điểm yếu anh mang trên vai,” Carlitos nói. “Lẽ ra anh nên theo văn chương và mặc kệ cách mạng, Zavalita.”

“Tôi biết rằng nếu mọi người đều muốn khôn ngoan và hoài nghi, Peru sẽ tiếp tục khốn nạn mãi mãi,” Santiago nói. “Tôi biết cần có những người giáo điều, Carlitos ạ.”

“Bọn giáo điều hay bọn khôn ngoan, Peru vẫn cứ khốn nạn,” Carlitos nói. “Đất nước này khởi đầu kém và sẽ chấm dứt kém. Như tụi mình, Zavalita.”

“Tư bản như tụi mình?” Santiago hỏi.

“Bọn tục tĩu như tụi mình,” Carlitos nói. “Chúng ta đều sắp nổ tung và sùi bọt mép, như Becerrita. Chúc sức khỏe anh, Zavalita.”

“Nhiều tháng, nhiều năm mơ gia nhập Đảng, thế mà khi có cơ hội, tôi chùn bước,” Santiago nói. “Tôi không bao giờ hiểu nổi, Carlitos.”

“Bác sĩ, bác sĩ, tôi có cái gì cứ nhộn nhạo trong tôi và tôi không biết nó là gì,” Carlitos nói. “Nó là cái rắm điên dại, thưa bà, bà có bộ mặt như cái mông đít, và cái rắm khốn khổ chẳng biết phải ra đường nào. Cái làm đời anh đảo lộn là một cái rắm điên dại, Zavalita.”

Anh chị có thề dâng hiến đời mình cho sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội và giai cấp công nhân không? Llaque hỏi, và Aída và Jacobo nói tôi thề, trong khi Santiago đứng nhìn; rồi họ lấy bí danh.

“Đừng cảm thấy bị bỏ rơi,” Llaque bảo Santiago. “Cảm tình viên và chiến sĩ đều có chỗ đứng ngang nhau trong Chi bộ Đại học.”

Ông bắt tay họ, tạm biệt các đồng chí, họ nên ra về sau ông mười phút. Buổi sáng mây mù và ẩm lúc họ rời hiệu sách của Matías và đi vào Bransa trên Colmena để uống cà phê.

“Tôi hỏi anh một câu được không?” Aída nói. “Tại sao anh không gia nhập? Anh có nghi ngờ gì?”

“Tôi đã có lần nói với các bạn,” Santiago nói. “Tôi vẫn chưa được thuyết phục về một vài việc. Tôi muốn…”

“Anh vẫn chưa tin là Chúa không hiện hữu chăng?” Aída cười.

“Không ai có quyền tranh cãi về quyết định của anh ấy,” Jacobo nói. “Để cho anh ấy có thời giờ.”

“Tôi không tranh cãi việc ấy, nhưng tôi sẽ nói với anh một điều,” Aída vừa nói vừa cười. “Anh sẽ không bao giờ gia nhập, rồi khi anh học xong ở San Marcos anh sẽ quên hết cách mạng, và anh sẽ làm luật sư cho Dầu khí Quốc tế và là hội viên của Club Nacional.”

“Anh có một điều an ủi là lời tiên tri ấy không thành,” Carlitos nói. “Anh không là luật sư cũng chẳng là hội viên của Club Nacional, anh không là kẻ vô sản và cũng chẳng là tay tư sản, Zavalita. Chỉ là một cục cứt đáng thương đâu đó ở giữa.”

“Cậu Jacobo và cô Aída ấy về sau thế nào?” Ambrosio hỏi.

“Họ cưới nhau, tôi chắc họ có con, đã nhiều năm tôi không gặp họ,” Santiago nói. “Tôi biết Jacobo còn sống khi tôi đọc trên báo thấy anh ta bị bắt hay vừa được thả.”

“Anh vẫn còn ghen với anh ta,” Carlitos nói. “Tôi sẽ cấm anh nói chuyện đó với tôi lần nữa, nó làm hại anh hơn là rượu làm hại tôi. Vì đó là thói nghiện ngập của anh, Zavalita: anh chàng Jacobo ấy, cô Aída ấy.”

“Tin trên tờ La Prensa sáng nay ghê quá,” Señora Zoila nói. “Họ không nên in những chuyện tàn ác như vậy.”

Ghen vì Aída? Hết rồi, hắn nghĩ. Vì việc khác, Zavalita? Hắn sẽ phải gặp anh ta, nói với anh ta, tìm hiểu xem cuộc sống hy sinh ấy đã làm anh ta tốt hơn hay xấu hơn. Hắn nghĩ: tìm hiểu để biết lương tâm anh ta có yên ổn không.

“Má cả ngày than phiền về tội ác, thế rồi má đọc trang đó trước tiên,” Teté nói. “Má thật là buồn cười, mama.”

Chắc anh ta không cảm thấy cô đơn, ít ra là như thế, hắn nghĩ, nhưng được nhân dân bao quanh, tháp tùng, bảo vệ. Hắn nghĩ hắn cảm thấy vật nhỏ ấm áp và dinh dính ấy trong các buổi thảo luận với nhóm với tổ và chi bộ.

“Thêm một đứa nhỏ nữa bị thằng quỷ sứ bắt cóc và cưỡng hiếp hả?” Don Fermín hỏi.

“Từ hôm ấy chúng tôi càng ít gặp nhau hơn trước,” Santiago nói. “Nhóm chúng tôi trở thành tổ, vì thế chúng tôi càng bị xa cách nhau. Ở các buổi họp chi bộ chúng tôi có người khác xung quanh.”

“Ông còn tệ hơn báo,” Señora Zoila nói. “Ông không nên nói kiểu đó trước mặt Teté.”

“Nhưng có bao nhiêu người và họ làm cái quỷ gì?” Carlitos hỏi. “Tôi chưa hề nghe nói tới Cahuide dưới thời Odría.”

“Má nghĩ con còn mười tuổi hay sao, mama?” Teté hỏi.

“Tôi chưa bao giờ biết có bao nhiêu người,” Santiago nói. “Nhưng chúng tôi làm một số việc chống Odría, ít nhất là ở đại học.”

“Không ai kể cho ba nghe bản tin kinh khủng đó là gì à?” Don Fermín hỏi.

“Ở nhà có biết anh dính dấp vào chuyện gì không?” Carlitos hỏi.

“Nó bán con của nó!” Señora Zoila nói. “Ông có bao giờ nghe chuyện gì kinh khủng như vậy chưa?”

“Tôi cố tránh gặp và nói chuyện với gia đình,” Santiago nói. “Liên hệ giữa tôi với gia đình ngày càng xấu.”

Nhiều ngày, nhiều tuần không mưa ở Puno, hạn hán đã phá hủy mùa màng, sát hại gia súc, làng mạc trống vắng, nhiều người da đỏ lác đác trên cảnh vật khô cằn, phụ nữ da đỏ cõng con trên lưng bước ngang những luống cày nứt nẻ, thú vật hấp hối mắt còn mở, và các hàng tít và phụ đề xuất hiện với dấu chấm hỏi theo sau.

“Họ thương con, nhưng nhất là họ đói, mama,” Santiago nói. “Nếu họ bán con thì chắc là để khỏi chết đói.”

Buôn bán nô lệ giữa Puno và Juliaca có phải là hậu quả của hạn hán không?

“Ngoài việc thảo luận các bài xã luận trên báo và đọc sách Marxist anh còn làm gì?” Carlitos hỏi.

Phụ nữ da đỏ bán con mình cho du khách à?

“Họ không biết đứa con là gì, gia đình là gì, tội nghiệp, họ mộc mạc quá,” Señora Zoila nói. “Nếu không đủ ăn thì đừng nên có con.”

“Chúng tôi phục hồi lại Trung tâm Liên hội, Liên hội Đại học,” Santiago nói. “Jacobo và tôi được bầu làm đại diện cho lớp chúng tôi.”

“Ba không nghĩ là con sẽ trách chính phủ vì trời không mưa ở Puno,” Don Fermín nói. “Odría đang cố giúp mấy người nghèo đó. Hoa Kỳ đã biếu tặng một khoản lớn. Người ta đang gửi cho họ thực phẩm, quần áo.”

“Các cuộc bầu cử là một thành công cho chi bộ,” Santiago nói. “Tám đại biểu Cahuide từ khoa Văn, Luật và Kinh tế. Tụi Aprista có nhiều đại biểu hơn, nhưng nếu chúng tôi bỏ phiếu giống nhau, chúng tôi có thể kiểm soát các trung tâm. Những người phi chính trị không được tổ chức nên chúng tôi dễ tách họ ra.”

“Đừng nói với ba lần nữa là quà tặng của tụi Mẽo chỉ làm đầy túi của những người theo. Odría,” Don Fermín nói. “Odría đã yêu cầu ba nắm ủy ban chịu trách nhiệm phân phối đồ cứu trợ.”

“Nhưng mọi thỏa thuận giữa chúng tôi và tụi Aprista đều phải trả giá bằng những trận cãi nhau và đấu tranh không dứt,” Santiago nói. “Suốt một năm cuộc sống của tôi toàn là họp, ở trung tâm, ở chi bộ, và họp bí mật với tụi Aprista.”

“Chắc nó sẽ nói là ba cũng đang ăn cắp, papa,” Nổ nói. “Siêu Não nghĩ tất cả những ai đáng kính trọng ở Peru đều là kẻ bóc lột và tên ăn cắp.”

“Lại thêm một tin nữa trên La Prensa viết theo yêu cầu của má, mama,” Teté nói. “Hai người chết trong nhà tù Cuzco, và khi khám nghiệm tử thi, người ta thấy dây giày và đế giày trong bụng họ.”

“Tại sao anh quá cay đắng vì chuyện mất tình bạn với cặp đó?” Carlitos hỏi. “Anh không có bạn khác trong Cahuide hay sao?”

“Má có nghĩ là họ ăn đế giày vì họ ngu dốt không, mama?” Santiago hỏi.

“Cái thằng hỗn láo này chỉ chưa làm một chuyện là bảo tôi khờ rồi tát tôi một cái, Fermín,” Señora Zoila nói.

“Tôi là bạn với mọi người trong Cahuide, nhưng là tình bạn trong công việc,” Santiago nói. “Chúng tôi không bao giờ nói những chuyện riêng tư. Tình bạn với Jacobo và Aída đã trở thành sâu đậm.”

“Chẳng phải con vẫn luôn lải nhải rằng báo chí toàn nói láo hay sao?” Don Fermín nói. “Tại sao báo phải nói láo mỗi khi họ nói về các dự án của chính phủ, còn khi đăng một câu chuyện kinh khủng như thế thì lại nói thật?”

“Cứ đến bữa là anh làm mọi người ăn mất ngon,” Teté nói. “Bộ anh cứ phải luôn tìm cách cãi nhau hả, Siêu Não?”

“Nhưng tôi cho ông biết một điều,” Santiago nói. “Tôi chưa bao giờ tiếc là đã học ở San Marcos thay vì đi Đại học Công giáo.”

“Đây là một bài trong La Prensa,” Aída nói. “Đọc đi để mà nôn mửa.”

“Vì nhờ San Marcos, tôi không trở thành một sinh viên kiểu mẫu, một đứa con kiểu mẫu, hoặc một luật sư kiểu mẫu, Ambrosio,” Santiago nói.

“Hạn hán đã tạo ra tình thế sôi sục ở miền Nam,” Aída nói, “một nồi hầm tuyệt vời để tạo kẻ kích dộng. Đọc tiếp đi, các anh chưa thấy hết đâu.”

“Vì trong nhà thổ mình gần với thực tế hơn trong tu viện, Ambrosio ạ,” Santiago nói.

“Các đồn lính sẽ cảnh giác, nông dân chịu thiệt hại sẽ bị canh chừng sát sao,” Aída nói. “Họ lo về hạn hán vì có thể có nổi dậy, chứ không phải vì người da đỏ đang chết đói. Anh có bao giờ thấy chuyện gì như vậy chưa?”

“Vì nhờ San Marcos tôi làm khốn nạn đời tôi,” Santiago nói. “Và ở đất nước này một kẻ không làm khốn nạn đời mình thì sẽ làm khốn nạn người khác. Tôi không hối tiếc, Ambrosio.”

“Chính vì chúng là thứ rác rưởi bẩn thỉu nên mấy tờ báo này là tác nhân kích thích lớn,” Jacobo nói. “Nếu các bạn cảm thấy nản lòng, các bạn chỉ cần mở bất kỳ tờ báo nào ra là sẽ có lại lòng căm ghét đối với bọn tư sản Peru.”

“Thế thì anh có thể nói là với sự vẽ vời tục tĩu của mình chúng ta đang kích thích những đứa nổi loạn mười tám tuổi,” Carlitos nói. “Vậy thì đừng để lương tâm anh làm phiền anh quá, Zavalita. Xem kìa, mặc dù gián tiếp, anh vẫn đang giúp các bạn cũ của anh.”

“Anh đang chế giễu, nhưng rất có thể đúng,” Santiago nói. “Mỗi lần tôi viết điều gì làm tôi tởm, tôi đều cố làm bài báo kinh tởm hết sức mình. Tình cờ, hôm sau một thằng bé đọc bài và thấy buồn nôn và, ôi dào, rồi cũng có chuyện.”

Trên cánh cửa có dấu hiệu mà Washington đã nói đến. Bụi bặm phủ kín chữ “Cửa hàng” viết nguệch ngoạc, nhưng hình cái bàn, cây gậy bi da, ba trái banh bi da nổi bật rất rõ, và bên trong cũng có tiếng các trái banh vọng ra: đây rồi.

“Bây giờ hóa ra Odría là quý tộc.” Don Fermín cười. “Con có đọc tờ El Comercio không? Ông ta là dòng dõi nam tước, vân vân và vân vân, và nếu ông ta muốn ông ta có thể nhận tước hiệu của mình.”

Santiago đẩy cửa mở rồi đi vào: sáu bàn bi da, giữa nỉ xanh và ánh sáng trần trụi trên trần, các khuôn mặt tan biến vào làn khói thuốc; một mạng dây treo lửng lơ trên bàn, người chơi ghi điểm bằng gậy bi da.

“Vụ đình công của công nhân xe điện dính dáng gì đến việc anh bỏ nhà đi?” Carlitos hỏi.

Hắn đi qua phòng chơi, rồi một phòng khác chỉ có một bàn đang chơi, rồi sân trong đầy thùng rác. Phía sau, bên cạnh cây vả có một cánh cửa nhỏ đóng kín. Gõ hai tiếng, hắn đợi, rồi hai tiếng nữa, cửa mở ra lập tức.

“Odría không biết là khi cho phép nịnh hót kiểu đó ông ta đã tự biến mình thành trò cười ở Lima,” Señora Zoila nói. “Nếu ông ta là quý tộc thì mình là cái gì?”

“Nhóm Aprista chưa đến,” Héctor nói. “Mời vào, các đồng chí ở đây cả rồi.”

“Cho đến lúc ấy việc của chúng tôi còn ở mức sinh viên,” Santiago nói. “Quyên góp cho các sinh viên trong tù, thảo luận ở các trung tâm, phân phát tài liệu và truyền đơn Cahuide. Vụ đình công xe điện đưa chúng tôi tiến tới những việc lớn hơn.”

Hắn đi vào và Héctor đóng cửa. Căn phòng cũ hơn và bẩn hơn các phòng bi da. Bốn bàn bi da đã được đẩy sát vào tường để có thêm chỗ. Các đại biểu của Cahuide phân tán quanh phòng.

“Odría có lỗi gì nếu có người viết một bài nói ông ta là quý tộc?” Don Fermín hỏi. “Bọn nhạy bén sẽ nghĩ ra bất kỳ cái gì để kiếm chút tiền. Ngay cả ngụy tạo ra phả hệ!”

Washington và Martínez lại đang đứng nói chuyện gần cửa, Solórzano ngồi trên bàn xem qua một tờ tạp chí, Aída và Jacobo hầu như biến mất trong một góc tối, Chim đã tự ngồi thoải mái trên sàn, và Héctor đang nhòm ra sân qua các khe nứt trên cánh cửa.

“Vụ đình công của công nhân xe điện là phi chính trị, nhưng để đòi tăng lương,” Santiago nói. “Nghiệp đoàn gửi thư tới Liên hội San Marcos yêu cầu sinh viên ủng hộ. Trong chi bộ chúng tôi nghĩ đây là cơ hội lớn cho chúng tôi.”

“Tụi Aprista đã được dặn là đến từng người một, nhưng họ bất cần biết về chuyện an ninh,” Washington nói. “Họ sẽ đến một băng như họ vẫn làm.”

“Vậy thì gọi anh chàng đó rồi bảo hắn kiểm tra tước vị của nhà mình luôn,” Señora Zoila nói. “Odría quý tộc, mình chỉ cần có vậy.”

Vài phút sau họ đến, cả một nhóm, đúng như Washington đã sợ, năm trong số hơn hai mươi đại biểu Aprista: Santos Vivero, Arévalo, Ochoa, Huamán và Saldívar. Họ chen lẫn vào với phe Cahuide, mọi người quyết định cử Saldívar chủ tọa buổi họp mà không cần bỏ phiếu. Mặt gã gầy, bàn tay xương xẩu, mái tóc bạc cho gã một vẻ đáng tin cậy. Như thông lệ, trước khi bắt đầu, họ trao đổi mấy câu nói đùa, những lời bình phẩm châm biếm.

“Trong chi bộ chúng tôi đồng ý cố có một vụ bãi khóa ở San Marcos để ủng hộ các công nhân xe điện,” Santiago nói.

“Bây giờ tôi có thể hiểu tại sao các bạn lo lắng về an ninh đến thế,” Santos Vivero bảo Washington. “Vì các bạn là tất cả những người đỏ đuôi còn lại trong nước, và nếu tụi cớm đến bắt chúng ta thì chủ nghĩa Cộng sản sẽ biến mất ở Peru. Trong khi đó năm người chúng tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả rộng lớn của Phong trào Aprismo Peru.”

“Bất kỳ ai ngã vào đó sẽ không chết chìm trong nước, mà trong biển cả của trưởng giả tư sản,” Washington nói.

Héctor vẫn gác bên cạnh cửa; họ đều nói thấp giọng, tiếng thì thầm liên tục, tiếng rù rì, rồi bỗng một tiếng cười nổi lên, một câu cảm thán.

“Các đại biểu từ chi bộ không thể quyết định bãi khóa, chúng tôi chỉ có tám phiếu trong Liên hội,” Santiago nói. “Nhưng chúng tôi có thể bãi khóa nếu có phiếu của phe Aprista. Chúng tôi họp với họ trong một cửa hiệu bi da. Chuyện đã bắt đầu ở đó, Carlitos.”

“Tôi không tin mấy tay này sẽ ủng hộ bãi khóa,” Aída thì thầm với Santiago. “Họ bị chia rẽ. Mọi việc tùy thuộc Santos Vivero, nếu anh ta đồng ý thì cả đám sẽ theo anh ta. Như con cừu vậy mà, bất cứ cái gì chủ nói đều hay.”

“Đó là lần tranh cãi lớn đầu tiên trong Cahuide,” Santiago nói. “Tôi chống lại bãi khóa; người lãnh đạo nhóm ủng hộ là Jacobo.”

“Được rồi, các bằng hữu.” Saldívar vỗ tay hai cái. “Đến gần hơn, chúng ta sắp bắt đầu.”

“Không phải chỉ là để đi ngược với Jacobo,” Santiago nói. “Tôi không nghĩ chúng tôi được sinh viên ủng hộ; tôi nghĩ nó sẽ thất bại. Nhưng tôi thuộc thiểu số nên ý kiến được thi hành.”

“Bằng hữu là thứ dùng cho các anh,” Washington cười. “Chúng ta đều ở chung chỗ, nhưng đừng gộp lẫn chúng ta với nhau, Saldívar.”

“Những buổi họp ấy với phe Aprista giống như mấy trận bóng đá giao hữu,” Santiago nói. “Bắt đầu họp với cái ôm nhưng đôi khi kết thúc là đấm đá.”

“Được rồi, vậy thì các bằng hữu và các đồng chí,” Saldívar nói. “Đến gần hơn đi, nếu không tôi đi xem xi nê.”

Vòng người bao quanh anh ta, tiếng cười và tiếng thì thầm tắt dần. Bất thần dùng vẻ nghiêm nghị như đám tang, Saldívar tóm tắt các lý do của buổi họp: các bằng hữu, tối nay ở Liên hội họ sẽ thảo luận thỉnh nguyện thư ủng hộ của các công nhân xe điện, để quyết định liệu chúng ta có thể cùng đưa ra một đề nghị hay không, các đồng chí. Jacobo giơ tay.

“Chúng tôi sẽ thực tập các buổi họp ấy trong chi bộ như một màn múa ba lê,” Santiago nói. “Thay phiên nhau, mỗi người phát triển một lý luận khác nhau, luôn luôn đánh đổ bất cứ ý kiến trái ngược nào.”

Cà vạt anh ta lỏng, tóc anh ta không chải, anh ta nói thấp giọng: vụ đình công là dịp rất tốt để nắm lấy nhận thức của sinh viên. Hai tay anh ta thả bên thân mình: để phát triển liên minh sinh viên-công nhân. Nhìn Saldívar một cách rất nghiêm nghị: để đề xướng một phong trào có thể đưa tới các đòi hỏi như trả tự do cho các sinh viên trong tù và ân xá chính trị. Anh ta ngưng nói và Huamán giơ tay.

“Tôi đã chống ý bãi khóa vì cùng lý do Huamán đưa ra, anh ta theo phe Aprista,” Santiago nói. “Nhưng vì chi bộ đã đồng ý bãi khóa, tôi phải bảo vệ nó chống lại Huamán. Cái đó gọi là nguyên tắc tập trung dân chủ, Carlitos.”

Huamán nhỏ người và hòa nhã, chúng ta mất ba năm sau vụ đàn áp để tái xây dựng các trung tâm và Liên hội San Marcos, cử chỉ anh ta tao nhã, làm sao chúng ta có thể khởi sự một vụ bãi khóa vì những nguyên do nằm ngoài đại học và có thể bị chính cơ sở sức mạnh của chúng ta bác bỏ? và anh ta nói với một tay trên ve áo còn tay kia vẫy nhẹ như con bướm, nếu cơ sở của chúng ta bác bỏ việc bãi khóa, chúng ta sẽ mất sự tin cậy của sinh viên, giọng anh ta giả tạo, bóng bẩy, đôi lúc rít lên, và không chỉ thế mà còn bị đàn áp và các trung tâm và Liên hội sẽ bị giải tán trước khi có thể hoạt động.

“Tôi biết kỷ luật Đảng phải như thế,” Santiago nói. “Tôi biết nếu không sẽ hỗn loạn. Tôi không tự biện hộ đâu, Carlitos.”

“Đừng sa lầy vào chi tiết, Ochoa,” Saldívar nói. “Đừng thảo luận lạc đề.”

“Đúng vậy, đúng vậy,” Ochoa nói. “Tôi hỏi: Liên hội San Marcos có đủ mạnh để đối đầu với chế độ độc tài không?”

“Muốn nói gì thì nói đi, chúng ta không còn nhiều thời giờ,” Héctor nói.

“Và nếu không đủ mạnh rồi quyết định bãi khóa,” Ochoa nói, “thái độ của Liên hội sẽ là gì? Đó là câu hỏi của tôi.”

“Tại sao anh không làm điều khiển chương trình ‘Câu hỏi hai chục ngàn đồng’ của Kolynos 7 ?” Washington hỏi.

“Nó có trở thành một hành động khiêu khích hay không?” Ochoa không nao núng. “Tôi hỏi một câu, và tôi có câu trả lời xây dựng: đúng, nó sẽ trở thành. Là cái gì hả? Một sự khiêu khích.”

“Giữa các buổi họp ấy tôi bất chợt cảm thấy mình sẽ không bao giờ là một người cách mạng, một chiến sĩ thật sự,” Santiago nói. “Bất chợt, khổ sở, buồn nôn, một cảm giác phí phạm thời gian kinh khủng.”

“Người lãng mạn trẻ không muốn thảo luận,” Carlitos nói. “Hắn muốn các hành động mang tính anh hùng ca, bom đạn, nổ súng, tấn công đồn quân sự. Những chất liệu từ trong tiểu thuyết, Zavalita.”

“Tôi biết anh băn khoăn nếu phải phát biểu bảo vệ cuộc bãi khóa,” Aída nói. “Nhưng anh có một an ủi là tất cả phe Aprista chống nó. Và không có họ thì Liên hội sẽ bác bỏ đề nghị của chúng ta.”

“Người ta nên bào chế ra một viên thuốc, một thứ thuốc nhét đít để chữa các bệnh hoài nghi, Ambrosio,” Santiago nói. “Thử nghĩ xem nó hay lắm, ông nhét nó vào, thì kìa: tôi tin.”

Hắn giơ tay và bắt đầu nói trước khi Saldívar cho phép hắn: cuộc bãi khóa sẽ củng cố các trung tâm, nó sẽ kích động các đại biểu, cơ sở sinh viên sẽ ủng hộ chúng ta, vì chẳng phải sinh viên đã tỏ sự ủng hộ họ bằng cách bầu ra họ hay sao? Hắn giữ hai tay trong túi và bấu chặt móng tay.

“Giống y như mỗi thứ Năm tôi kiểm tra lương tâm mình trước khi xưng tội,” Santiago nói. “Phải chăng tôi mơ thấy các phụ nữ khỏa thân vì tôi đã muốn mơ về họ, hay vì quỷ sứ đã muốn như vậy và tôi không cản được? Trong bóng tối họ là kẻ xâm lấn hay là khách được mời?”

“Anh nói sai, anh có yếu tố của một kẻ đấu tranh,” Carlitos nói. “Nếu tôi phải bảo vệ các ý tưởng trái với ý mình thì tôi chỉ phát ra được tiếng be be, ủn ỉn, hay chíp chíp.”

“Anh đang làm gì bên La Crónica?” Santiago hỏi. “Dạo này chúng ta đang làm gì mỗi ngày, Carlitos?”

Santos Vivero giơ tay, anh ta đã lắng nghe các lời phát biểu với vẻ hơi băn khoăn, và trước khi nói, anh ta nhắm mắt rồi ho như thể anh ta vẫn còn hoài nghi.

“Tình thế đảo ngược vào phút chót,” Santiago nói. “Có vẻ như Aprista đã chống bãi khóa, và sẽ không có cuộc bãi khóa nào cả. Có lẽ mọi việc lẽ ra đã khác, khi ấy lẽ ra tôi sẽ không làm việc ở La Crónica, Carlitos.”

Anh ta nghĩ rằng, thưa các bằng hữu và các đồng chí, điều cơ bản lúc này không phải là đấu tranh để cải tổ đại học, mà là đấu tranh chống độc tài. Và một cách đấu tranh hiệu quả cho các quyền tự do của con người, để thả tù nhân, để người lưu đày được trở về, để hợp pháp hóa các đảng phái, các bằng hữu và các đồng chí ạ, là tạo nên liên minh công nhân-sinh viên, hoặc như một triết gia lớn đã nói, một liên minh giữa người lao động tay chân và người lao động tinh thần.

“Nếu anh lại trích dẫn Haya de la Torre, tôi sẽ đọc cho anh bản Tuyên ngôn Cộng sản,” Washington nói. “Tôi có ngay đây.”

“Anh như một cô điếm già đang nghĩ về thời thanh xuân của cô ta, Zavalita,” Carlitos nói. “Chúng ta cũng khác nhau chỗ đó. Điều đã xảy ra cho tôi hồi còn niên thiếu đã bị xóa đi, và tôi cầm chắc rằng điều quan trọng nhất đối với tôi sẽ xảy ra vào ngày mai. Dường như anh đã ngừng sống lúc anh mười tám tuổi.”

“Đừng cắt lời anh ta, anh ta có thể đổi ý,” Héctor thì thầm. “Anh không thấy anh ta ủng hộ bãi khóa hay sao?”

Đúng, nó có thể là một cơ hội tốt, vì các bằng hữu trên xe điện đang bày tỏ lòng can đảm và ý chí đấu tranh, và nghiệp đoàn của họ không toàn là bọn chó vàng. Các đại biểu không nên mù quáng chạy theo cử tri của mình, các đại biểu nên chỉ cho họ hướng đi: thức tỉnh họ dậy, các bằng hữu và các đồng chí, đẩy họ vào hành dộng.

“Sau khi Santos Vivero nói, tụi Aprista lại bắt đầu nói và chúng tôi lại nói,” Santiago nói. “Chúng tôi rời hiệu bi da với sự nhất trí, và tối hôm ấy Liên hội phê chuẩn một vụ bãi khóa vô thời hạn để tỏ sự đồng tình với công nhân xe điện. Tôi bị bắt đúng mười ngày sau đó, Carlitos.”

“Cuộc thử lửa đầu tiên của anh,” Carlitos nói. “Hay đúng hơn, giấy khai tử của anh, Zavalita.”

——————————–

  1. Henri Barbusse (1873-1935), tiểu thuyết gia, đảng viên đảng Cộng sản Pháp.
  2. Bruno Bauer (1809-1882), triết gia, sử gia, nhà thần học người Đức.
  3. César Abraham Vallejo Mendoza (1892-1938), nhà thơ Peru, có khuynh hướng siêu thực và xã hội.
  4. Bí danh.
  5. Thủ đô Bolivia.
  6. Eudocio Ravines (1897-1978), lãnh tụ cộng sản Peru, tác giả cuốn La Gran Estafa, viết về những quyết định trong thập niên 1930 của Quốc tế Cộng sản 3 đối với phong trào cộng sản ở Mỹ la tinh.
  7. Công ty đa quốc gia chuyên sản xuất sản phẩm về vệ sinh răng miệng.
Trước
image
Chương 7
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!