Một tuần kia, khi Amalia không còn mơ thấy Trinidad nữa, chị nghĩ bây giờ mình khá hơn lúc ở nhà Señora Zoila, hơn khi ở phòng bào chế. Tại sao chị cảm thấy hài lòng như thế khi sống trong căn nhà nhỏ ở San Miguel? Nó nhỏ hơn nhà của Señora Zoila, cũng hai tầng, tao nhã, và mảnh vườn, nó được chăm sóc kỹ, thật kỹ. Người làm vườn mỗi tuần đến một lần và tưới cỏ, tỉa các bụi phong lữ, cây nguyệt quế và cây leo đã bò lên mặt tiền như đàn nhện. Trong lối vào có gắn một tấm kính, một cái bàn nhỏ chân dài trên đặt một lọ sứ, thảm màu ngọc bích trong phòng khách nhỏ, những chiếc ghế màu hổ phách và trên sàn có mấy cái đệm gác chân. Amalia thích quầy rượu: những chai rượu có nhãn màu, những con thú nhỏ bằng sứ, mấy cái hộp đựng xì gà gói giấy bóng kính từng điếu một. Và cả tranh ảnh nữa: người đàn bà che mạng nhìn ra vòng đấu bò Acho, bầy gà đá ở Coliseo. Bàn phòng ăn rất lạ, nửa tròn, nửa vuông, và những chiếc ghế lưng cao nhìn như phòng xưng tội. Trong tủ bát đĩa có đủ thứ: đĩa, đồ bạc, hàng đống khăn bàn, bộ tách uống trà, ly cốc lớn nhỏ cao thấp, và ly uống rượu vang. Trên bàn ở các góc nhà, những lọ hoa luôn luôn có hoa tươi – Amalia thay hoa hồng, Carlota hôm nay mua hoa lay ơn, Amalia hôm nay cắm lay ơn – không gian có mùi thật dễ chịu, và buồng chứa thức ăn nom như mới được sơn trắng. Và những cái lon nom buồn cười, hàng ngàn lon nắp đỏ có hình Vịt Donald, Siêu Nhân và Chuột Mickey. Đủ thứ trong buồng chứa thức ăn: bánh quy, nho khô, khoai tây chiên, thạch trơn tuột, mấy thùng bia, whiskey, nước khoáng. Trong tủ lạnh khổng lồ có ê hề rau và sữa đóng chai. Nhà bếp lát gạch men đen trắng, mở ra sân sau có những hàng dây phơi quần áo. Nơi đó là mấy căn phòng của Amalia, Carlota và Símula, phòng vệ sinh và nhà tắm nhỏ của họ, vòi sen và bồn tắm của họ.
° ° °
Kim đâm qua óc gã, búa nện lên thái dương gã. Gã mở mắt và đập lên cái nút trên đồng hồ báo thức: cơn tra tấn đã qua. Gã nằm bất động, nhìn quả cầu lân quang. Đã bảy giờ mười lăm. Gã cầm điện thoại nối với cổng vào, bảo đưa xe đến lúc tám giờ. Gã đi tới phòng tắm, đứng dưới vòi sen hai mươi phút, cạo râu rồi mặc quần áo. Cảm giác khó chịu trong đầu gã tăng theo nước lạnh, kem chải răng hòa thêm vị ngọt vào chất đắng trong miệng gã. Gã sắp nôn? Gã nhắm mắt và như thể thấy những ngọn lửa xanh nhỏ đốt cháy ruột gan, máu lưu chuyển đậm đặc dưới làn da gã. Gã cảm thấy các bắp thịt thắt lại, tai gã ù. Gã mở mắt: ngủ thêm. Gã xuống phòng ăn, gạt quả trứng luộc và bánh mì nướng ra, uống tách cà phê đen một cách ghê tởm. Gã thả hai viên thuốc tiêu Alka– Seltzer vào cốc nước vơi, và trong lúc gã nuốt chất nước có ga ấy, gã ợ. Trong phòng làm việc gã hút hai điếu thuốc trong lúc sắp xếp cặp. Gã đi ra và bọn cảnh sát gác ở cửa giơ tay lên miếng lưỡi trai trên nón. Buổi sáng trời trong, mặt trời chiếu sáng các mái nhà ở Chaclacayo, các mảnh vườn và mấy bụi cây dọc bờ sông nom rất xanh. Gã hút thuốc trong khi đợi Ambrosio lấy xe ra khỏi nhà để xe.
° ° °
Santiago trả tiền hai chiếc bánh nhân thịt nóng và Coca-Cola rồi đi ra, Jirón Carabaya sáng rực. Cửa sổ trên chiếc xe điện tuyến đường Lima– San Miguel phản chiếu các bảng quảng cáo, và bầu trời cũng đỏ, như thể Lima đã đổi thành địa ngục thật. Hắn nghĩ: đống cứt đang biến thành đống cứt thật. Vỉa hè đầy những con kiến ăn mặc chỉnh tề, khách bộ hành tràn ra đường phố và đi giữa xe cộ. Điều tệ nhất là kẹt trong phố đúng lúc các văn phòng thả người ra, Señora Zoila nói mỗi lần bà đi mua sắm về, mệt mỏi, càu nhàu, và Santiago cảm thấy dạ dày nôn nao: đã một tuần. Hắn đi vào ô cửa cũ; một lối vào rộng rãi, những cuộn báo nặng dựa các bức tường lem luốc bồ hóng. Mùi mực, cũ kỹ, mùi bệnh viện. Ở cổng, người gác cửa mặc áo xanh tiến tới hắn: Ông Vallejo? Tầng hai, phía sau, chỗ ghi Phòng Biên tập. Hắn lo lắng đi lên, cầu thang rộng kẽo kẹt như bị chuột và mối gặm từ bao nhiêu đời. Có lẽ chổi chưa bao giờ quét tới đó. Nhờ Señora Lucía chịu khó ủi bộ vét của hắn thì được tích sự gì, phí một đồng để đánh giày. Đấy phải là phòng biên tập: cửa mở, chẳng có ai trong đó. Hắn ngừng lại: cặp mắt háo hức, ngây thơ, hắn thăm dò văn phòng trống trơn, những chiếc máy đánh chữ, giỏ mây đựng rác, bàn làm việc, mấy bức ảnh chụp treo trên tường. Họ làm việc ban đêm và ngủ ban ngày, hắn nghĩ, một nghề khá phóng túng, khá lãng mạn. Hắn giơ tay gõ một cách thận trọng.
° ° °
Cầu thang từ phòng khách đến tầng hai có thảm đỏ đóng đinh vàng, và trên tường có mấy đứa bé da đỏ vừa thổi quena 1 vừa lùa bầy lạc đà không bướu. Phòng tắm lấp lánh gạch men, bồn rửa mặt và bồn tắm màu hồng, Amalia có thể thấy toàn thân của chị trong tấm gương. Nhưng xinh nhất là phòng ngủ của bà chủ, trong mấy ngày đầu chị cứ tìm cớ lên đó và nhìn nó hoài không chán. Thảm màu xanh biển, giống như màn cửa bên ban công, nhưng hấp dẫn chị nhất là cái giường, thật rộng, thật thấp, chân giường hình cá sấu và tấm trải giường màu đen có con thú màu vàng phun lửa. Và tại sao nhiều gương thế? Chị khó quen với hình ảnh Amalia trùng trùng điệp điệp, thấy chính mình cứ lặp đi lặp lại như thế, chiếu như thế từ gương trên bàn trang điểm tới gương trên tấm bình phong, từ gương trên tủ áo (lắm áo đầm, áo cánh, quần, khăn đội đầu, giày) tới cái gương vô dụng treo trên trần, con rồng xuất hiện trong gương như thể bị nhốt trong chuồng. Chỉ có một bức hình, và mặt chị bừng cháy lần đầu tiên chị thấy nó. Señora Zoila sẽ chẳng bao giờ treo một phụ nữ lõa lồ ôm chặt vú với vẻ trơ tráo như thế trong phòng ngủ của bà, lồ lộ hết cả với vẻ trơ trẽn như thế. Nhưng ở đây mọi thứ đều táo bạo, bắt đầu từ chi tiêu hoang đàng. Tại sao họ mua nhiều thế ở các cửa hàng thực phẩm? Vì bà chủ tổ chức tiệc tùng nhiều lắm, Carlota bảo chị, bạn của ông chủ là những người quan trọng, họ phải được chăm sóc kỹ. Bà chủ như triệu triệu phú, bà không lo về tiền bạc. Amalia đã xấu hổ khi chị thấy hóa đơn Símula mang về. Bà ta ăn bớt của chủ quá chừng trong chi tiêu hàng ngày, và bà chủ nói như thể chẳng có gì sai, chị tiêu tất cả bằng ấy? ừ được, và bà sẽ nhận lại số tiền thừa mà không buồn đếm.
° ° °
Trong khi chiếc xe chạy trên xa lộ chính, gã đọc báo, gạch dưới các câu, ghi chú bên lề. Mặt trời biến mất khi họ đến Vitarte, bầu khí quyển xám trở nên mát hơn khi họ tới gần Lima. Lúc tám giờ ba mươi lăm chiếc xe ngừng lại ở Plaza Italia, Ambrosio xuống xe chạy tới mở của cho gã: Ludovico sẽ ở Club Cajamarca lúc bốn rưỡi, Ambrosio. Gã đi vào Bộ, các bàn làm việc trống trơn, chỗ tụi thư ký làm việc cũng không có ai. Nhưng Tiến sĩ Alcibíades đã ngồi ở bàn làm việc của ông ta, đọc qua mấy tờ báo với cây bút chì đỏ trên tay. Ông ta đứng dậy, chào ông, Don Cayo, và gã đưa ông ta một xấp giấy: gửi mấy bức điện này ngay, Tiến sĩ. Gã chỉ dãy bàn thư ký, mấy bà đó không biết là lẽ ra họ phải có mặt lúc tám rưỡi hả, và Tiến sĩ Alcibíades nhìn đồng hồ trên tường: mới tám rưỡi, Don Cayo. Gã đã bỏ đi. Gã vào văn phòng của gã, cởi áo ngoài, nới lỏng cà vạt. Giấy tờ công văn đặt trên cuốn sổ nháp: báo cáo của cảnh sát ở bên trái, điện tín và thông cáo ở giữa, thư từ và đơn ở bên phải. Gã dùng chân kéo giỏ rác tới, bắt đầu với mấy cái báo cáo. Gã đọc, ghi chép, phân loại, xé bỏ. Lúc gã sắp đọc xong đám giấy tờ thì điện thoại reng: Tướng Espina, Don Cayo, ông tới rồi chứ? Ừ, ừ, gã đến rồi, Tiến sĩ, cho tôi nói chuyện với ông ấy.
Người đàn ông tóc trắng nở một nụ cười thân thiện với hắn và mời hắn ngồi: nào, cậu Zavala, hẳn nhiên Clodomiro đã nói với ông ta. Trong mắt ông có một tia đồng lõa, trên tay ông có vật gì vui thú và nhờn bóng, bàn làm việc của ông sạch tươm. Ừ, Clodomiro và ông ta là ban thân từ hồi đi học; ngoài ra cha của hắn là Fermín, đúng không? ông ta chưa bao giờ biết ông, ông ấy trẻ hơn chúng tôi nhiều, và ông ta lại mỉm cười: thế là cậu gặp khó khăn ở nhà? Ừ, Clodomiro đã kể cho ông ta. Ôi dào, thời buổi này, người trẻ muốn độc lập.
“Vì vậy tôi phải có việc làm,” Santiago nói. “Bác Clodomiro của tôi nghĩ có lẽ ông…”
“Anh gặp may.” Ông Vallejo gật đầu. “Chúng tôi tình cờ đang tìm người phụ giúp thêm cho cột tin địa phương.”
“Tôi không có nhiều kinh nghiệm, nhưng tôi sẽ làm mọi cách để học nhanh,” Santiago nói. “Tôi nghĩ nếu tôi có việc ở La Crónica thì có lẽ tôi vẫn có thể đi học Luật.”
“Từ hồi làm ở đây tôi không thấy nhiều ký giả còn tiếp tục việc học lắm đâu,” ông Vallejo nói. “Tôi phải báo trước cho anh về một số việc, trong trường hợp anh không biết. Nghề báo là nghề trả lương mạt nhất. Một nghề cũng dẫn nhiều đến cay đắng nhất.”
“Từ trước tôi vẫn thích nó, thưa ông,” Santiago nói. “Tôi vẫn nghĩ rằng nó là một nghề tiếp xúc gần nhất với cuộc sống.”
“Tốt, tốt.” Ông Vallejo xoa tay lên mái tóc trắng như tuyết của ông, gật gù với cặp mắt rộng lượng. “Tôi biết trước kia anh chưa làm báo, chúng ta thử xem rồi sẽ ra sao. Bây giờ tôi muốn biết qua về năng lực của anh.” Ông trở nên rất nghiêm nghị, khoác lên một giọng hơi giả tạo: “Một vụ cháy ở Casa Wiese. Hai người chết, thiệt hại năm triệu đồng, lính cứu hỏa làm việc suốt đêm để dập tắt ngọn lửa. Cảnh sát đang điều tra để tìm xem đó là tai nạn hay một hành động tội phạm. Chỉ hai trang đánh máy. Trong phòng biên tập có rất nhiều máy, cứ dùng bất cứ máy nào.”
Santiago gật đầu. Hắn đứng lên, đi vào phòng biên tập, và khi hắn ngồi xuống bàn đầu tiên, hai tay hắn bắt đầu toát mồ hôi. Cũng may là không có ai ở đó. Chiếc máy đánh chữ Remington trước mặt hắn nom như một cỗ quan tài nhỏ, Carlitos. Nó đúng là cỗ quan tài, Zavalita.
Bên cạnh phòng ngủ của bà chủ là phòng làm việc: ba cái ghế bành nhỏ, một ngọn đèn, một tủ sách. Ông chủ sẽ đóng cửa lại và ở trong ấy mỗi khi ông đến thăm căn nhà nhỏ ở San Miguel, và nếu ông ta có khách thì không được gây bất kỳ tiếng động nào, ngay cả Señora Hortensia cũng sẽ đi xuống phòng khách, tắt radio, và nếu có điện thoại gọi bà sẽ không nói chuyện. Mới đầu Amalia còn ngạc nhiên, nếu họ làm như thế thì ông chủ phải là khó tính lắm. Tại sao bà chủ có tới ba người hầu nếu ông chủ chỉ thỉnh thoảng mới đến? Bà đen Símula, mập, tóc bạc, lặng lẽ, và làm chị mất cảm tình. Ngược lại, chị kết bạn ngay với cô con gái của bà ấy là Carlota, cao gầy, ngực lép, tóc quăn, rất dễ thương. Bà chủ có ba người hầu không phải vì bà cần họ, Carlota bảo chị, mà để bà có chỗ để tiêu số tiền ông chủ cho bà. Ông ấy giàu lắm phải không? Carlota mở to cặp mắt vốn đã to: rất giàu, ông ấy là người trong chính phủ, ông ấy là bộ trưởng. Đó là lý do khi Don Cayo đến ngủ đêm, hai anh cảnh sát sẽ xuất hiện ở góc đường, và anh tài xế với một người nữa ngồi trong xe bên cạnh cửa đợi ông ấy cả đêm. Làm sao một bà trẻ trung xinh đẹp như thế lại có thể đi với một ông chỉ cao tới tai bà ấy khi bà ấy đi giày cao gót? Ông ta đáng tuổi cha bà ấy, ông ta xấu xí, thậm chí ông ta mặc áo quần cũng chẳng đẹp. Mày có nghĩ là bà chủ yêu ông ta không, Carlota? Làm sao bà ấy có thể yêu ông ta, bà ấy có vẻ yêu tiền của ông ta thì đúng hơn. Ông ta phải có rất nhiều tiền để chu cấp cho bà ấy một căn nhà như thế, và mua cho bà ấy đủ thứ quần áo, nữ trang giày dép. Đẹp như thế, sao bà ấy không bắt được ông ta cưới bà? Nhưng Señora Hortensia hình như chả cần lắm chuyện cưới hỏi, cứ thế này là bà vui. Hình như bà chẳng bao giờ mong ông chủ đến. Dĩ nhiên, khi ông xuất hiện, bà cật lực chăm sóc ông, và khi ông chủ gọi điện nói tôi đến ăn tối với vài người bạn, bà sẽ suốt ngày cắt đặt công việc cho Símula, trông coi Amalia và Carlota lau chùi căn nhà không một vết dơ. Nhưng khi ông chủ đi là bà sẽ không nhắc tới ông nữa, bà chẳng bao giờ gọi điện thoại cho ông, và hình như bà rất vui, rất vô tư lự, rất gắn bó với các bạn gái của bà, tới nỗi Amalia nghĩ thậm chí bà chẳng nghĩ đến ông. Ông chủ chẳng giống chút nào với Don Fermín, người mà ta chỉ cần nhìn là biết ông có dòng dõi, có tiền. Don Cayo rất nhỏ con, mặt dai nhách, tóc vàng như sợi thuốc lá vụn, cặp mắt trũng sâu nhìn lạnh lùng xa cách, các nếp nhăn trên cổ, cái miệng gần như không có môi, hàm răng cáu vàng vì hút thuốc, vì ông luôn luôn có điếu thuốc trên tay. Ông gầy đến nỗi phía trước bộ áo vét của ông gần đụng phía sau. Khi Símula không nghe thấy họ, chị và Carlota rất thích giễu về ông: tưởng tượng ông trần truồng, bộ xương nhỏ làm sao, cẳng tay cẳng chân bé xíu. Ông hiếm bao giờ thay đổi bộ vét, cà vạt ông thắt xấu tệ xấu hại, móng tay ông bẩn. Ông chẳng bao giờ chào hay từ biệt, khi họ chào ông, ông đáp lại bằng một tiếng gừ gừ và không nhìn đến họ. Ông hình như luôn bận rộn, lo lắng, vội vàng, ông đốt thuốc lá bằng điếu thuốc ông sắp dụi, và mỗi khi nói chuyện điện thoại ông chỉ nói có, không, ngày mai, được, và khi bà chủ nói đùa với ông, ông chỉ hơi nhăn gò má, thế là ông cười đấy. Có thể ông có vợ rồi chăng, đời sống bên ngoài của ông như thế nào? Amalia hình dung ông sống với một bà già rất ngoan đạo luôn luôn mặc áo tang.
“A lô, a lô?” Giọng của Tướng Espina lặp lại. “A lô, Alcibíades hả?”
“Ai đó?” gã nói nhỏ nhẹ. “Miệt Núi hả?”
“Cayo hả? Ồ, rốt cuộc.” Giọng của Espina vui vẻ một cách cay nghiệt. “Tao gọi mày từ hôm kia mà không có cách nào gặp mày. Ở Bộ không, ở nhà không. Tao hy vọng mày không cố tình tránh tao, Cayo.”
“Mày đã cố gọi tao à?” Gã cầm bút chì trên tay phải, vẽ một vòng tròn. “Lần đầu tiên tao nghe đấy Miệt Núi.”
“Mười lần, Cayo. Tao nói gì, mười lần hả? ít nhất mười lăm lần.”
“Tao sẽ kiểm lại xem tại sao tụi nó không nhắn lại cho tao.” Vòng tròn thứ hai, song song với vòng trước. “Nói tao nghe chuyện gì, Miệt Núi à, tao sẵn sàng phục vụ mày.”
Ngập ngừng, một tiếng ho bứt rứt, tiếng Espina thở đứt quãng:
“Tụi mật vụ thường phục phía trước nhà tao nghĩa là sao, Cayo?” Hắn giấu tâm trạng bực bội của hắn bằng cách nói chậm, nhưng thế lại càng tệ hơn. “Để bảo vệ hay để dò xét tao hay vì cái quỷ gì?”
“Là một cựu bộ trưởng, mày có ít nhất một đứa gác cửa do chính phủ trả lương, Miệt Núi à.” Gã vẽ xong vòng tròn thứ ba, ngừng lại, đổi giọng. “Tao không biết gì về chuyện đó, bạn hiền à. Họ chắc đã quên là mày không cần bảo vệ nữa. Nếu thằng đó làm mày bực mình, tao sẽ rút nó đi.”
“Nó không làm tao bực mình, nó làm tao ngạc nhiên,” Espina khô khan nói. “Nói thẳng tao nghe, Cayo. Có phải thằng đó ở đó có nghĩa là chính phủ hết tin tao rồi phải không?”
“Đừng nói dấm dớ, Miệt Núi à. Nếu chính phủ không tin mày thì tin ai?”
“Đúng vậy, đúng vậy.” Giọng Espina chậm, vấp váp, rồi lại chậm. “Tại sao tao không ngạc nhiên chứ, Cayo. Mày chắc nghĩ là tao già quá rồi không nhận ra một thằng mật thám thường phục khi tao gặp nó.”
“Đừng bực mình lên vì chuyện ngu xuẩn.” Vòng tròn thứ năm: nhỏ hơn các vòng khác, với một chỗ hơi lõm. “Mày nghĩ tụi tao cho mật thám theo mày hả? Chắc là một thằng Don Juan nào đó mê con người làm của mày thôi.”
“Ôi dào, nó nên biến khỏi chỗ này, vì tao đang bực mình, mày biết rõ mà.” Bây giờ giận dữ, hơi thở nặng nề. “Tao có thể điên tiết lên tống cho nó một viên đạn. Tao muốn báo trước cho mày nếu như lỡ xảy ra.”
“Đừng phí đạn cho loài kên kên.” Gã sửa lại vòng tròn, làm cho nó lớn hơn, tròn hơn, bây giờ nó to bằng các vòng kia. “Tao sẽ kiểm lại ngay hôm nay. Chắc Lozano định nịnh tao bằng cách đặt một đứa mật vụ coi chừng nhà mày. Tao sẽ bảo nó rút đi, Miệt Núi à.”
“Được rồi, về cái vụ bắn thì tao nói chơi thôi.” Bây giờ bình tĩnh hơn, cố nói đùa. “Nhưng mày có thể hiểu vì sao chuyện này khiến tao nổi điên, Cayo.”
“Mày là thằng Miệt Núi ngờ vực và vô ơn,” gã nói. “Người ta đã cho một đứa gác nhà mày khi tụi ăn cắp nhan nhản như vậy rồi, mày còn đòi cái gì nữa. Được rồi, quên hết đi. Gia đình mày ra sao? Hôm nào mình đi ăn trưa với nhau đi.”
“Khi nào tùy mày, bây giờ tao rảnh rang thời giờ,” Hắn thấy giọng của chính hắn hơi cộc lốc, do dự, như thể ngượng vì tự thấy giọng mình cáu kỉnh. “Mày mới là đứa không có nhiều thời giờ, đúng không? Từ hồi tao rời Bộ, mày chưa gọi cho tao lần nào. Đã ba tháng rồi.”
“Mày nói đúng, Miệt Núi à, nhưng mày biết ở đây ra sao.” Tám vòng tròn: năm vòng thẳng một hàng, ba vòng phía dưới; gã bắt đầu vòng thứ chín, một cách cẩn thận. “Tao đã định gọi mày mấy lần. Tuần sau, chuyện gì xảy ra cũng mặc kệ. Giữ gìn sức khỏe nhá, Miệt Núi.”
Gã gác máy trước khi Espina nói xong câu tạm biệt, nhìn chín vòng tròn trong giây lát, xé tờ giấy và ném vào giỏ rác.
“Tôi mất một giờ mới xong,” Santiago nói. “Tôi viết lại hai trang ấy bốn năm lần, tôi sửa dấu chấm câu bằng tay trước mặt Vallejo.”
Ông Vallejo đọc chăm chú, cây bút chì lơ lửng trên tờ giấy, ông gật đầu, ông đánh một dấu thập nhỏ, ông hơi mấp máy môi, một dấu thập nữa, tốt tốt, ngôn ngữ đơn giản và chính xác, ông trấn an hắn bằng cái nhìn khoan dung, như thể đã khá lắm rồi. Chỉ là…
“Nếu anh không qua kỳ thử thách, anh sẽ quay lại tổ ấm và bây giờ anh là một thằng Miraflores điển hình.” Carlitos cười. “Tên anh sẽ có trong các cột của giới thượng lưu như ông anh của anh.”
“Tôi hơi lo, thưa ông,” Santiago nói. “Tôi có nên viết lại từ đầu không?”
“Becerrita thử thách tôi,” Carlitos nói. “Có một chỗ làm còn trống ở trang tin cảnh sát. Tôi không bao giờ quên.”
“Đừng lo, không tệ lắm.” Ông Vallejo lắc cái đầu trắng, nhìn hắn với cặp mắt thân thiện nhạt màu. “Chỉ là anh sẽ phải tiếp tục học nghề nếu anh đến làm việc với chúng tôi.”
“Một thằng khật khùng đi vào nhà thổ ở Huatica trong cơn say điên dại và đâm bốn cô, mụ tú bà và hai thằng đĩ đực,” Becerrita làu bàu. “Một cô điếm chết. Hai trang trong mười lăm phút.”
“Cảm ơn ông nhiều lắm, ông Vallejo,” Santiago nói. “Tôi không biết nói gì để cảm ơn ông.”
“Tôi có cảm tưởng ông ấy đái lên tôi,” Carlitos nói. “Ô, Becerrita.”
“Đơn giản chỉ là vấn đề sắp xếp các sự kiện tùy theo mức quan trọng của chúng và cũng là tiết kiệm chữ.” Ông Vallejo đánh số vài câu rồi trả tờ giấy lại cho hắn. “Anh phải bắt đầu bằng mấy người chết, anh bạn trẻ.”
“Tất cả bọn mình đều nói xấu về Becerrita, bọn mình đều ghét ông ấy,” Santiago nói. “Còn bây giờ cả bọn mình chỉ nói về ông ấy, cả bọn yêu ông ấy và đều muốn ông ấy sống lại. Vô lý.”
“Điều gì bắt mắt nhất, điều gì hấp dẫn sự chú ý của người ta,” ông Vallejo nói thêm. “Cái đó làm người đọc quan tâm đến bản tin. Có lẽ vì tới một ngày nào đó chúng ta đều phải chết.”
“Ông ấy là kẻ đích thực nhất trong làng báo ở Lima,” Carlitos nói. “Rác rưởi loài người thăng hoa lên đến sức mạnh tối đa của nó, một khuôn mẫu hoàn hảo. Ai mà không nhớ ông ấy với lòng cảm mến, Zavalita?”
“Thế mà tôi lại đặt mấy chuyện chết chóc xuống cuối, tôi thật ngu,” Santiago nói.
“Anh biết ba câu ấy là gì không?” Ông Vallejo nhìn hắn một cách láu lỉnh. “Anh nên biết người Mỹ gọi là nó câu dẫn, họ là những nhà báo sắc bén nhất thế giới.”
“Ông ấy cho anh một bài học đầy đủ,” Carlitos nói. “Mặt khác, Becerrita mắng tôi, anh viết bằng bàn chân, anh được giữ lại chỉ vì tôi chán thử người mới rồi.”
“Tất cả các sự kiện quan trọng tóm tắt trong ba câu đầu tiên, trong câu dẫn,” ông Vallejo nói một cách trìu mến. “Hay là: hai người chết và năm triệu đồng thiệt hại là tổn thất cho đến nay do vụ cháy tối hôm qua tiêu hủy một phần lớn Casa Wiese, mộc trong các tòa nhà chính trong khu buôn bán ở Lima; lính cứu hỏa đã dập tắt được ngọn lửa sau tám giờ chiến đấu cam go. Anh thấy chưa?”
“Cố làm thơ sau khi anh đã đặt các công thức ấy vào đầu,” Carlitos nóì. “Người ta phải điên mới đi làm việc cho một tờ báo nếu họ thích văn chương, Zavalita.”
“Rồi anh có thể thêm mắm muối vào bản tin,” ông Vallejo nói. “Nguồn gốc vụ cháy, nỗi khổ của công nhân, phát biểu của người làm chứng, vân vân.”
“Tôi không bao giờ làm thơ nữa sau khi em gái tôi giễu tôi là thằng ngốc,” Santiago nói. “Tôi mừng được làm ở La Crónica, Carlitos ạ.”
Trong khi ấy, khác biệt làm sao, Señora Hortensia. Ông ta xấu xí làm sao còn bà ấy đẹp làm sao, ông ta nghiêm nghị làm sao còn bà ấy vui tươi làm sao. Bà ấy không kiêu kỳ như Señora Zoila lúc nào cũng có vẻ như đang nói từ trên ngai, ngay cả khi bà ấy cao giọng, bà ấy cũng không làm chị cảm thấy như một kẻ thấp hèn. Bà ấy nói với chị mà không kiểu cách, như thể bà đang nói với cô Queta. Và bà quả thật đã làm những việc phóng túng. Không thấy ngượng trong một số việc. Có lần bà nói thói xấu của tôi chỉ là rượu và thuốc men, nhưng Amalia nghĩ thói xấu duy nhất của bà là sạch sẽ. Nếu bà thấy một chút bụi trên thảm, Amalia, quét bụi! một cái gạt tàn thuốc có đầu thuốc là như thể bà thấy con chuột, Carlota, bẩn thỉu thế này! Bà tắm khi thức dậy và khi đi ngủ, và tệ nhất là bà cũng muốn họ phí cuộc đời trong nước. Sau hôm Amalia đến căn nhà nhỏ ở San Miguel, lúc chị mang thức ăn sáng lên giường bà, bà chủ nhìn chị từ trên xuống: chị tắm chưa? Chưa, thưa bà, Amalia ngạc nhiên nói, khi ấy bà tỏ ý ghê tởm như một cô bé, đi tắm ngay, ở đây chị phải tắm mỗi ngày. Rồi nửa giờ sau, khi răng Amalia đánh lập cập dưới tia nước, cửa phòng tắm mở ra và bà chủ mặc áo choàng xuất hiện, một bánh xà phòng trên tay. Amalia cảm thấy thân thể chị bừng cháy, tắt vòi nước, không dám với lấy áo quần, đứng gục đầu, nhăn nhó. Chị ngượng vì tôi à? bà chủ cười. Không, chị lắp bắp, và bà chủ lại cười: chị tắm mà không có xà phòng, đúng như tôi đoán; đây, xoa xà phòng đi. Và trong khi Amalia xoa xà phòng – thỏi xà phòng tuột khỏi tay chị ba lần, chị xoa mạnh đến nỗi da chị nóng rát – bà chủ vẫn còn đứng đó, nhịp ngón chân, thích thú thấy chị bối rối, bây giờ hai cái tai nhỏ của chị, bây giờ hai bàn chân nhỏ của chị, bà ra lệnh với vẻ vui thích, nhìn chị sống sượng như cuộc đời. Được rồi, chị phải tắm và kỳ cọ mỗi ngày như thế, và bà mở cửa đi ra, nhưng rồi lại thong thả nhìn Amalia một cái: chị chẳng có gì để xấu hổ, dù cho chị gầy, chị không đến nỗi tệ lắm. Bà đi ra và có một tiếng cười lớn nữa bên ngoài.
Señora Zoila có làm như vậy không? Chị cảm thấy nôn nao, mặt chị nóng bỏng. Cài hết cúc bộ đồng phục lên, đừng mặc váy ngắn như thế. Lát sau, khi họ lau chùi phòng khách, Amalia kể lại cho Carlota, và nó đảo con mắt: bà chủ như vậy, bà ấy không ngượng bất kỳ chuyện gì, bà ấy cũng vào xem nó tắm, để xem nó có dùng nhiều xà phòng không. Nhưng không chỉ thế, bà bắt nó bôi phấn dưới nách nữa, để nó đừng toát mồ hôi. Mỗi buổi sáng, còn ngái ngủ, nằm dài, câu chào buổi sáng của bà chủ là chị đã tắm chưa? chị có dùng chất khử mùi không? Và cũng giống như bà thân mật về những việc như vậy, bà chẳng để ý nếu họ nhìn thấy bà. Một buổi sáng Amalia thấy giường bà trống và nghe tiếng nước chảy trong phòng tắm: tôi có nên để lại bữa ăn sáng của bà trên bàn ngủ không, thưa bà? Không, mang vào đây cho tôi. Chị đi vào và bà chủ trong bồn tắm, đầu bà dựa trên cái gối, mắt bà nhắm. Căn phòng đầy hơi nước, mọi thứ ấm áp, và Amalia ngừng ở cửa, nhìn với vẻ tò mò, với vẻ hoài nghi thân hình trắng trẻo dưới nước. Bà chủ mở mắt: tôi đói lắm, mang vào đây. Bà từ từ ngồi dậy trong bồn tắm rồi đưa tay với lấy cái khay. Trong bầu không khí mờ hơi nước Amalia thấy đôi vú của bà xuất hiện, đẫm những hạt nước nhỏ, đầu vú sậm. Chị không biết nhìn đi đâu hay làm gì, và bà chủ (với cặp mắt vui tươi bà bắt đầu uống nước trái cây, phết bơ lên miếng bánh nướng) bất chợt thấy chị đứng như phỗng đá bên cạnh bồn tắm. Chị đứng há miệng làm gì ở đó? và với giọng chế nhạo, chị không thích à? Thưa bà, tôi, Amalia lẩm bẩm, lùi lại, và bà chủ cười to: cứ đi đi, chị có thể thu dọn khay sau. Liệu Señora Zoila có cho phép chị vào trong khi bà đang tắm không? Bà ấy thật khác, thật không biết xấu hổ, thật dễ chịu. Chúa nhật đầu tiên trong căn nhà nhỏ ở San Miguel, để tạo ấn tượng tốt chị hỏi bà, tôi đi dự thánh lễ một lúc được không? Bà chủ lại bật cười: cứ đi đi, nhưng coi chừng đừng để ông linh mục hiếp chị, đồ chuột nhắt nhà thờ. Bà ấy chẳng bao giờ đi lễ, về sau Carlota bảo chị, chúng tôi cũng không đi nữa. Đó là lý do không có một Thánh Tâm Chúa Jesus nào trong căn nhà nhỏ ở San Miguel, một Thánh Rose xứ Lima 2 nào. Một thời gian ngắn sau đó chị cũng thôi đi lễ.
Có tiếng gõ cửa, gã nói cứ vào, và Tiến sĩ Alcibíades đi vào.
“Tôi không có nhiều thời giờ, bác sĩ,” gã nói, chỉ đống cắt từ báo mà Alcibíades mang trên tay. “Có gì quan trọng không?”
“Tin từ Buenos Aires, Don Cayo. Tờ nào cũng đăng.”
Gã với tay lật qua các mẩu cắt báo. Alcibíades đã đánh dấu các hàng tít bằng mực đỏ – La Prensa đăng “Biến cố chống Peru ở Buenos Aires”; La Crónica đăng “Nhóm Aprista ném đá Tòa đại sứ Peru ở Argentina”; El Comercio đăng “Aprista làm nhục và xé cờ Peru”, và ông ta đã đánh dấu chỗ cuối bản tin bằng mấy mũi tên.
“Tất cả đều đăng tin điện của Ansa 3 ,” gã ngáp.
“United Press, Associated Press 4 và các hãng tin khác đã cắt bỏ tin này khỏi các bản điện báo của họ theo như chúng ta yêu cầu,” Tiến sĩ Alcibíades nói. “Bây giờ họ sẽ phản đối vì Ansa được tin sốt dẻo trước. Ansa không được cho chỉ thị nào, vì như ông…”
“Được rồi,” gã nói. “Gọi cho tôi, tên của anh chàng ở Ansa là gì? Tallio, phải không? Bảo hắn đến lập tức.”
“Vâng, Don Cayo,” Tiến sĩ Alcibíades nói. “Ông Lozano hiện đang đợi bên ngoài.”
“Bảo anh ta vào và đừng để ai quấy rầy chúng tôi,” gã nói. “Khi Bộ trưởng đến, bảo ông ấy là tôi sẽ đến văn phòng ông ấy lúc ba giờ. Tôi sẽ ký công văn sau. Thế thôi, Tiến sĩ.”
Alcibíades đi ra, và gã mở ngăn kéo trên cùng của bàn làm việc. Gã lấy ra một chai nhỏ và nhìn nó một lúc với vẻ không vui. Gã lấy ra một viên thuốc, liếm ướt rồi nuốt.
“Ông làm nhà báo đã được bao lâu, thưa ông?” Santiago hỏi.
“Khoảng ba mươi năm, thử nghĩ xem.” Mắt ông Vallejo lơ đãng đi vào vực thời gian, tay ông hơi run. “Tôi bắt đầu bằng cách mang các bài viết từ phòng biên tập sang máy in. Ồ, tôi chẳng có gì để than phiền. Đây là một nghề bạc bẽo, nhưng cũng có chút thỏa mãn.”
“Điều họ làm ông ấy hài lòng nhất là bắt ông ấy từ chức,” Carlitos nói. “Tôi vẫn ngạc nhiên là một người như Vallejo lại làm báo. Ông ấy thật hòa nhã, thật vô tội, thật đứng đắn. Không thể nào, ông ấy gặp kết thúc không đẹp là phải.”
“Anh sẽ chính thức bắt đầu làm việc vào đầu tháng.” Ông Vallejo nhìn tấm lịch Esso trên tường. “Thứ Ba tuần sau, đúng vậy. Nếu anh muốn biết qua công việc, trước đấy anh có thể đến xem phòng biên tập vào ban đêm.”
“Anh muốn nói để làm nhà báo, điều kiện đầu tiên không phải là biết câu dẫn?” Santiago hỏi.
“Không, mà phải là một đứa cục súc, hay ít ra là phải biết cách cư xử như một đứa cục súc.” Carlitos vui vẻ gật đầu. “Tôi hết phải cố gắng rồi. Anh vẫn còn phải cố một tí, Zavalita.”
“Năm trăm đồng một tháng chẳng là bao,” ông Vallejo nói. “Trong khi anh tập sự. Về sau anh sẽ lãnh nhiều hơn.”
Khi ra khỏi La Crónica, hắn đi ngang một ông ở lối vào có bộ ria mép mỏng như sợi chỉ và đeo chiếc cà vạt óng ánh, Hernández ngưòi viết tít, hắn nghĩ, nhưng khi đến Plaza San Martín hắn đã quên buổi phỏng vấn với Vallejo: bác ấy có tìm hắn không, nhắn tin lại, đang đợi hắn? Không, khi hắn vào nhà trọ, Señora Lucía chỉ chào hắn. Hắn đi xuống hành lang tối để gọi điện thoại cho bác Clodomiro.
“Việc tiến triển tốt, thưa bác, đầu tháng cháu khởi sự làm. Ông Vallejo tử tế lắm.”
“À, bác mừng, Ròm,” bác Clodomiro nói. “Bác thấy là cháu đang vui.”
“Vui lắm, thưa bác. Bây giờ cháu có thể trả lại món tiền bác đã cho cháu vay.”
“Chẳng có gì vội.” Bác Clodomiro ngập ngừng. “Cháu có nghĩ là nên gọi cho cha mẹ cháu không? Cha mẹ sẽ không yêu cầu cháu về nhà nếu cháu không muốn, bác đã nói với cháu rồi. Nhưng cháu không thể để mặc cha mẹ cháu như thế, không tin tức gì.”
“Cháu sẽ gọi ngay, thưa bác. Cháu muốn đợi vài ngày nữa. Bác đã bảo với cha mẹ cháu là cháu khỏe, chẳng có gì phải lo.”
“Anh luôn luôn kể về cha anh và chưa bao giờ nói về mẹ anh,” Carlitos nói. “Bà cụ không cuống cuồng lên về việc anh bỏ nhà đi hay sao?”
“Bà cụ chắc đã khóc hết nước mắt, tôi nghĩ vậy, nhưng bà cũng chẳng đi tìm tôi,” Santiago nói. “Bà không muốn mất cái lý do để thấy bà là người bị đọa đày.”
“Anh muốn nói là anh vẫn còn ghét bà,” Carlitos nói. “Tôi nghĩ anh đã thôi rồi chứ.”
“Tôi cũng đã nghĩ vậy,” Santiago nói. “Nhưng anh thấy đấy, bất chợt tôi nói ra điều gì đó thì hóa ra lại không phải thế.”
——————————–
(1) Một loại sáo sáu lỗ của người da đỏ Andes.
(2) Santa Rosa de Lima (1586-1617), sinh tại Lima, người đầu tiên của Châu Mỹ được Giáo hội Vatican phong thánh năm 1671.
(3) Agenzia Nazionale Stamp Associata, hãng tin đặt trụ sở ở La mã.
(4) Hai hãng tin quốc tế đặt trụ sở tại Hoa Kỳ.