Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 2 – Chương 2
Trước
image
Chương 12
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Cuộc sống của Señora Hortensia thật khác biệt. Lộn xộn như thế, thối nát như thế. Bà thức dậy rất trễ. Amalia thường mang bữa ăn sáng lên cho bà lúc mười giờ, cùng với tất cả mấy tờ báo và tạp chí chị có thể tìm thấy ở sạp báo nơi góc đường, nhưng sau khi uống nước trái cây, cà phê và ăn miếng bánh mì nướng, bà chủ sẽ cứ nằm trong giường, đọc hoặc nghỉ ngơi, và bà không bao giờ xuống nhà dưới trước mười hai giờ. Sau khi Símula duyệt qua các món chi tiêu với bà, bà chủ sẽ sửa soạn một ít thức uống, đậu phụng hay lát khoai rán, đặt vài đĩa nhạc, rồi bắt đầu gọi điện thoại. Chẳng vì lý do gì, chỉ vì, giống như mấy cú điện thoại của cô Teté với các bạn gái của cô: mày có thấy con nhỏ dân Chile sắp đi làm ở Embassy Club không, Quetita? tờ Última Hora họ nói Lula béo phì mười ký lô, Quetita, họ tố cáo China lăng nhăng với thằng chơi trống bongo, Quetita. Bà hay gọi nhất là cho cô Queta, kể mấy chuyện đùa tục tĩu với cô, nói huyên thuyên về tất thảy mọi người, cô Queta chắc cũng kể chuyện của cô và cũng huyên thuyên. Và miệng thôi là miệng. Trong mấy ngày đầu ở căn nhà nhỏ tại San Miguel chị nghĩ chị đang mơ, có thật Polla sắp cưới thằng đồng tính đó không, Quetita? con ngốc Paqueta đó sắp hói rồi, Quetita: những chữ thô tục nhất và cười như thể chúng chẳng là gì. Đôi khi tiếng chửi rủa vọng tới nhà bếp và Símula bèn đóng cửa. Lúc đầu Amalia sửng sốt, về sau chị sẽ chết vì cười và chạy đến buồng chứa thức ăn dể nghe coi bà đang ngồi lê đôi mách chuyện gì với cô Queta hay cô Carmincha hay cô Lucy hay Señora Ivonne. Khi bà ngồi xuống ăn trưa, bà chủ đã uống hai hay ba ly rượu và đỏ ửng, mắt bà lấp lánh yêu tinh, hầu như luôn luôn vui vẻ: mày còn trinh hả, con đen? và Carlota ngẩn người, cái miệng rộng há ra, không biết trả lời sao; chị có anh bồ nào không, Amalia? nghĩ gì kỳ cục, thưa bà, và bà chủ cười: nếu chị không có một anh bồ thì chắc chị có hai, Amalia.

° ° °

Hắn có cái gì làm gã không ưa hắn? Bộ mặt nhờn của hắn, cặp mắt lợn nhỏ xíu của hắn, nụ cười bợ đỡ của hắn? Phải chăng cái mùi của một thằng cảnh sát chìm, một đứa chỉ điểm, nhà thổ, hôi nách, bệnh lậu? Không, không phải. Vậy thì là gì? Lozano đã ngồi xuống cái ghế da và đang sắp xếp tỉ mỉ giấy tờ và sổ ghi chép theo thứ tự trên cái bàn làm việc nhỏ. Gã nhặt cây bút chì, bao thuốc của gã, rồi ngồi xuống một ghế khác.

“Ludovico làm việc thế nào?” Lozano mỉm cười, nghiêng người tới. “Ông có hài lòng với nó không, Don Cayo?”

“Tôi không có nhiều thời giờ, Lozano.” Chính là giọng của hắn. “Làm ơn càng vắn tắt càng tốt.”

“Dĩ nhiên, Don Cayo.” Giọng của một con điếm già, hay một thằng chồng về hưu bị cắm sừng. “Ông muốn bắt đầu từ đâu, Don Cayo?”

“Công nhân xây dựng.” Gã đốt một điếu chuốc, nhìn hai bàn tay mũm mĩm hăng hái lật qua mấy tờ giấy. “Kết quả bầu cử.”

“Liên danh Espinoza đắc cử với đa số lớn, không có rắc rối nào,” Lozano nói với một nụ cười toe toét. “Nghị sĩ Parra có mặt ở buổi ra mắt nghiệp đoàn mới. Họ cho ông ta một tràng pháo tay thật to, Don Cayo.” “Liên danh của tụi đuôi đỏ có bao nhiêu phiếu?”

“Hai mươi bốn so với hơn hai trăm.” Bàn tay Lozano làm một cử chỉ khinh bỉ, miệng hắn mím lại căm phẫn. “Hừ, số không.”

“Tôi hy vọng anh không nhốt hết mấy đứa đối lập của Espinoza.”

“Chỉ có mười hai đứa thôi, Don Cayo. Mấy đứa đuôi đỏ nổi tiếng và tụi Aprista. Bọn chúng vận động cho liên danh của Bravo. Tôi nghĩ bọn chúng không nguy hiểm.”

“Mấy bữa nữa thả tụi nó ra,” gã nói. “Tụi đuôi đỏ trước, rồi tới tụi Aprista. Mình phải dựng lên sự kình địch đó.”

“Vâng, Don Cayo,” Lozano nói; rồi vài giây sau, hãnh diện: “Ông chắc đã đọc báo. Bầu cử được tổ chức rất hòa bình, liên danh phi chính trị đắc cử một cách dân chủ.”

° ° °

Gã chưa bao giờ hoàn toàn làm việc với họ, thưa ông. Chỉ mấy lần ngắn hạn, khi Don Cayo đi xa và đưa gì qua cho ông Lozano mượn. Làm việc gì à, thưa ông? Ồ, việc này một chút việc kia một chút. Trước tiên phải làm ở khu ổ chuột. Ông Lozano nói, đây là Ludovico, đây là Ambrosio, họ gặp nhau như vậy. Họ bắt tay, ông Lozano giải thích mọi việc cho họ, rồi họ đi nhậu ở một quán rượu trên Avenida Bolivia. Có trục trặc gì không? Không, Ludovico nghĩ là dễ. Ambrosio là dân mới, đúng không? Người ta cho mượn gã, gã là tài xế.

“Tài xế của ông Bermúdez?” Ludovico hỏi, điếng người. “Cho tôi ôm anh một cái, cho tôi chúc mừng anh.”

Họ thân nhau liền, thưa ông, Ludovico đã làm Ambrosio cười khi kể cho gã về Hipólito, một đứa nữa trong bộ ba, cái đứa hóa ra là thằng hơi bị khờ. Bây giờ Ludovico là tài xế cho Don Cayo và Hipólito phụ cho nó. Khi đêm xuống họ lên chiếc xe tải, Ambrosio lái và họ đậu xe cách xa khu ổ chuột vì ở đó sình lầy. Họ tiếp tục cuốc bộ, đập ruồi, lún trong bùn, rồi hỏi quanh và tìm thấy nhà của thằng đó. Một bà mập nom như Tàu mở cửa và nhìn họ với vẻ ngờ vực: họ muốn nói chuyện với ông Calancha được không? Hắn từ trong tối tiến ra: mập, chân không giày, mặc áo lót.

“Ông là sếp sòng khu định cư này?” Ludovico hỏi.

“Hết chỗ nhận thêm người rồi.” Thằng cha nhìn họ thương hại, thưa ông. “Tụi tao đầy nghẹt rồi.”

“Chúng tôi phải thưa chuyên với ông về một việc khẩn,” Ambrosio nói. “Mình vừa đi vừa nói chuyện được không?”

Thằng cha đứng nhìn họ mà không trả lời, rồi cuối cùng mời vào, họ có thể nói chuyện ngay ở đây. Không, thưa ông, phải nói riêng. Được, tùy mấy anh. Họ bước đi trong gió, Ambrosio và Ludovico hai bên Calancha.

“Ông gặp rắc rối to và chúng tôi đến để cảnh cáo ông,” Ludovico nói. “Vì lợi ích của ông.”

“Tôi không hiểu mấy anh đang nói cái gì,” hắn nói bằng giọng yếu ớt.

Ludovico rút mấy điếu thuốc vấn, mời hắn một điếu, mồi thuốc cho hắn.

“Thưa ông, tại sao ông đi lung tung nói người ta đừng tới buổi mít tinh ở Plaza de Armas hôm hai mươi bảy tháng Mười?” Ambrosio hỏi.

“Thậm chí đi lung tung nói xấu về Tướng Odría,” Ludovico nói. “Như vậy nghĩa là gì?”

“Ai bịa chuyện kể cho các anh như vậy?” Như thể hắn bị cấu, thưa ông, rồi ngay lập tức hắn nịnh nọt. “Các ông là cảnh sát phải không? Hân hạnh được làm quen với các ông.”

“Nếu tụi tôi là cảnh sát thì tụi tôi đâu có đối xử tử tế với ông như vậy,” Ludovico nói.

“Ai dám bảo là tôi phát ngôn gì chống chính phủ, còn nói gì tới chống Tổng thống,” Calancha phản đối. “Sao vậy, cái khu định cư này dược đặt tên là 27 tháng Mười để vinh danh ông ấy mà.”

“Vậy thì tại sao ông khuyên người ta đừng đi mít tinh, thưa ông?” Ambrosio nói.

“Mọi chuyện đều lộ ra ở cái cõi đời nhỏ xíu này,” Ludovico nói. “Cảnh sát bắt đầu nghĩ ông là tên phản loạn.”

“Đâu có vậy, chuyện tầm bậy.” Một diễn viên khá, thưa ông. “Để tôi giải thích hết cho các ông.”

“Vậy là tốt, người có đầu óc chỉ cần nói chuyện là hiểu nhau,” Ludovico nói.

Hắn kể cho chúng một câu chuyện đẫm nước mắt, thưa ông. Nhiều đứa trong đám họ mới từ trên núi xuống và thậm chí không biết nói tiếng Tây Ban Nha, bọn họ đã định cư trên miếng đất đó mà không làm hại tới ai, khi cuộc cách mạng của Odría xảy ra, họ đã đặt tên khu định cư là 27 tháng Mười để người ta đừng đưa cớm tới áp bức họ, họ biết ơn Odría vì ông ấy đã không đuổi họ ra khỏi chỗ đó. Mấy tụi này không như hai ông – hắn nịnh bợ tụi tôi, thưa ông – hay như hắn, nhưng người nghèo không có học thức, họ đã bầu hắn làm Chủ tịch Khu xóm vì hắn biết đọc và hắn xuất thân là dân miền biển.

“Chuyện đó thì dính líu gì?” Ludovico hỏi. “Ông định làm cho tụi tôi cảm thấy thương hại hả? Không nhằm nhò gì đâu, Calancha.”

“Nếu bây giờ chúng tôi dính đến chính trị thì người đến sau Odría sẽ đưa cớm xuống đuổi chúng tôi ra khỏi chỗ này,” Calancha giải thích. “Mấy ông thấy không?”

“Cái câu ‘tụi tới sau Odría’ tôi nghe có mùi phản loạn,” Ludovico nói. “Anh có thấy vậy không, Ambrosio?”

Thằng đó giật mình và điếu thuốc rơi khỏi miệng hắn. Hắn cúi xuống nhặt, Ambrosio nói bỏ đi, đây nè, một điếu mới keng nè.

“Tôi đâu có muốn vụ đó xảy ra, riêng phần tôi, tôi hy vọng là ông ấy ngồi đấy mãi,” hôn ngón tay gã, thưa ông. “Nhưng Odría có thể chết và một kẻ thù của ông ấy có thể lên nắm quyền rồi nói là tụi ở 27 tháng Mười hay đi dự mấy buổi mít tinh của ông ấy. Rồi họ đưa cớm xuống đàn áp bọn tôi, thưa ông.”

“Bỏ qua chuyện tương lai đi, nghĩ tới việc gì tốt cho ông đi,” Ludovico nói. “Chuẩn bị người của ông sẵn sàng cho ngày hai mươi bảy tháng Mười.”

Gã vỗ vai hắn, nắm cánh tay hắn như bạn: mình nói chuyện vui ghê, Calancha. Vâng, thưa ông, dĩ nhiên, thưa ông.

“Xe buýt sẽ đón họ lúc sáu giờ,” Ludovico nói. “Tôi muốn mọi người ở đó, người già, đàn bà, trẻ con. Xe buýt sẽ chở họ về. Rồi ông có thể tổ chức tiệc tùng nhậu nhẹt nếu ông muốn. Sẽ có đồ uống thả dàn. Xong cả chứ, Calancha?”

Dĩ nhiên, dĩ nhiên, và Ludovico cho hắn hai chục đồng để bù cho vụ phiền phức đã làm bộ tiêu hóa của hắn nôn nao, Calancha. Khi ấy hắn cám ơn họ trối chết, thưa ông.

° ° °

Cô Queta hầu như luôn luôn đến sau bữa ăn trưa, cô ấy là người thân thiết nhất, đẹp nữa, nhưng không cách gì đẹp bằng Señora Hortensia. Quần dài, áo cánh bó sát trễ cổ, khăn đội đầu sặc sỡ. Đôi khi bà chủ và cô Queta đi chơi trên chiếc ô tô nhỏ màu trắng của cô Queta đến tối mới trở về. Khi họ ở nhà, họ nói điện thoại suốt buổi chiều và luôn luôn là những chuyện ngồi lê đôi mách và trêu chọc như thường lệ. Cả căn nhà sẽ bị lây câu chuyện ồn ào của bà chủ và cô Queta, tiếng cười của họ vọng vào gian bếp, và Amalia và Carlota chạy đến buồng chứa thức ăn để nghe các trò đùa họ bày ra. Họ sẽ nói với chiếc khăn tay trên miệng, ghé sát vào điện thoại, đổi giọng nói. Nếu một ông trả lời; anh là chàng tử tế và em thích anh, em yêu anh, nhưng anh thậm chí không đoái hoài tới em, anh có muốn đến nhà em tối nay không? Em là bạn của vợ anh. Nếu là một bà; chồng bà đang lừa dối bà, gian díu với em gái bà, chồng bà rồ dại vì tôi nhưng đừng lo, tôi sẽ không cướp chồng bà vì lưng ông ấy có quá nhiều mụn nhọt, chồng bà sắp chơi đểu bà lúc năm giờ ở Los Claveles, với ai thì bà biết. Lúc đầu hễ nghe họ nói là Amalia đắng miệng, về sau chị chết vì cười. Tất cả bạn gái của bà chủ đều là diễn viên, Carlota kể cho chị, họ làm việc trên radio, trong các hộp đêm. Tất cả họ đều đẹp, cô Lucy, tươi mát, cô Carmincha, gót giày rất cao, cô mà họ gọi là China là một cô trong ban Bim Bam Bum. Và một hôm, hạ thấp giọng, muốn tôi kể bí mật cho chị nghe không? Bà chủ hồi trước cũng là ca sĩ, Carlota đã tìm thấy một đĩa nhạc có ảnh của bà trong phòng ngủ của bà, rất chi là thanh lịch và để lộ hết. Amalia lục lọi bàn ngủ, tủ áo, bàn trang điểm, nhưng chị không tìm thấy đĩa nhạc. Nhưng chắc phải là đúng, bà chủ không là ca sĩ thì là gì nữa, thậm chí bà có giọng tốt mà. Họ nghe bà hát khi bà đang tắm, khi bà vui họ sẽ xin bà, thưa bà, xin bà cho nghe “Caminito” hay “Noche de Amor” bay “Rosas Rojas para Ti”, và bà sẽ thỏa mãn ý muốn của họ. Trong mấy buổi tiệc nhỏ bà không bao giờ để phải van nài khi người ta yêu cầu bà hát. Bà sẽ chạy đến đặt một đĩa hát, cầm một cái ly hay một con búp bê trên kệ làm như micro rồi đứng giữa phòng mà hát, khách sẽ hoan hô bà như điên. Bây giờ chị thấy chưa, hồi trước bà là ca sĩ, Carlota thì thầm với Amalia.

° ° °

“Nhà máy dệt,” gã nói. “Hôm qua buổi thảo luận về bản yêu sách bị cắt ngang. Tối qua giới chủ đến nói với Bộ trưởng Lao động là có đe dọa đình công, toàn bộ sự việc có động cơ chính trị.”

“Tôi xin lỗi, Don Cayo, không phải như vậy,” Lozano nói. “Ông biết đấy, nhà máy dệt vẫn là ổ Aprista. Vì vậy người ta đã dẹp kỹ ở đó. Nghiệp đoàn có thể hoàn toàn đáng tin cậy. Tổng thư ký Pereira, ông biết ông ta, luôn luôn cộng tác.”

“Nói với Pereira ngay hôm nay,” gã cắt ngang hắn. “Bảo ông ta, đe dọa đình công sẽ chỉ là de dọa, mình không thể có một vụ đình công lúc này. Họ phải chấp nhận sự hòa giải của Bộ.”

“Mọi thứ được giải thích hết ở đây, Don Cayo, xin phép ông.” Lozano nghiêng người tới, rút nhanh ra một tờ từ đống giấy trên bàn. “Một lời de dọa, thế thôi. Một thủ đoạn chính trị, không phải để dọa giới chủ, mà để nghiệp đoàn khôi phục lại uy tín với đoàn viên. Ban lãnh đạo hiện nay đã gặp nhiều chống đối, đây là để công nhân trở lại với…”

“Mức tăng lương do Bộ đề nghị là công bằng,” gã nói. “Pereira nên thuyết phục người của ông ta, cuộc thảo luận bản yêu sách đó phải ngưng. Nó đang tạo ra tình hình căng thẳng ở đó, và căng thẳng dễ đưa tới kích động.”

“Pereira nghĩ là chỉ cần Bộ Lao động chấp nhận điểm số hai trong bản liệt kê, ông ta có thể…”

“Giải thích cho Pereira là ông ta được trả tiền để tuân lệnh, không phải để suy nghĩ,” gã nói. “Ông ta được đặt ở đó để làm sự việc ổn thỏa, không phải để làm nó phức tạp vì suy nghĩ của ông ta. Bộ đã có một số nhượng bộ từ giới chủ, bây giờ nghiệp đoàn phải chấp nhận hòa giải. Bảo với Pereira là sự việc phải được dàn xếp trong bốn mươi tám tiếng.”

“Vâng, Don Cayo,” Lozano nói. “Rất đúng, Don Cayo.”

° ° °

Nhưng hai ngày sau ông Lozano lên cơn thịnh nộ, thưa ông: thằng ngốc Calancha khốn kiếp không đến dự buổi họp ủy ban và không chường mặt ra, chỉ còn ba hôm nữa là tới ngày hai mươi bảy và nếu khu ổ chuột không dẫn xác đến, Plaza de Armas sẽ không đông. Calancha là thằng đầu sỏ, họ phải dạy hắn cách nhượng bộ, cúng hắn tới năm trăm đồng. Ông thấy đấy, hắn đã lừa họ, thưa ông, hóa ra nó là một đứa chó chết láu cá đạo đức giả. Họ lên chiếc xe tải, đến nhà hắn và không buồn gõ cửa. Ludovico dùng tay đấm văng miếng thiếc xuống: bên trong có ngọn nến đang cháy, Calancha và người đàn bà nom như người Tàu đang ăn, xung quanh có khoảng mười đứa nhóc đang khóc.

“Mời ông ra,” Ambrosio nói. “Mình phải nói chuyện.”

Người đàn bà nom như người Tàu nhặt một khúc cây và Ludovico bắt đầu cười. Calancha mắng bà ta, giật khúc cây khỏi tay bà, các ông thứ lỗi cho nó, một diễn viên phi thường, thưa ông, nó tức vì các ông vào mà không gõ cửa. Hắn đi ra với họ, tối hôm ấy hắn chỉ mặc có cái quần và nồng nặc mùi rượu. Ngay khi họ khuất khỏi căn nhà, Ludovico tát nhẹ vào mặt hắn, và Ambrosio thêm một cú nữa, cũng không nặng lắm, để hắn mất tinh thần. Hắn thật là nhặng xị, thưa ông: hắn nhào xuống đất, đừng giết tôi, chắc có hiểu lầm.

“Mày là đồ bòn rút chó đẻ,” Ludovico nói. “Tao sẽ cho mày hiểu lầm.”

“Thưa ông, tại sao ông không làm điều ông đã hứa?” Ambroslo hỏi.

“Tại sao mày không tới dự buổi họp ủy ban khi mà Hipólito đã lo dàn xếp xe buýt?” Ludovico hỏi.

“Nhìn mặt tôi coi, nhìn nó coi. Nó có vàng không?” Calancha khóc lóc. “Thỉnh thoảng hễ bị hành là tôi nằm liệt, tôi bệnh liệt giường. Ngày mai tôi sẽ tới họp. Dàn xếp xong hết rồi.”

“Nếu người ở đây không đi dự mít tinh là lỗi của mày,” Ambrosio nói.

“Và mày sẽ bị bắt,” Ludovico nói. “Người ta làm gì với tụi tù chính trị, ô, mama.”

Hắn thề thốt với họ, lấy má nó ra mà thề, rồi Ludovico lại đánh hắn, và Ambrosio bồi thêm, lần này hơi mạnh hơn.

“Chắc mày sẽ nói sao mà vô lý vậy, nhưng mấy cái tát đó là tốt cho mày” Ludovico nói. “Mày không thấy là tụi tao không muốn mày bị bắt hả, Calancha?”

“Đây là cơ hội cuối cùng của mày đó nhe,” Ambrosio nói.

Hắn thề, lấy má nó ra thề, hắn thề với bọn tôi, thưa ông, đừng đánh tôi nữa.

“Nếu tất cả dân miền núi đi tới quảng trường và công việc ổn thỏa, mày sẽ có ba trăm đồng, Calancha,” Ludovico nói. “Giữa ba trăm hay bị bắt, mày có thể quyết định cái nào tốt hơn cho mày.”

“Nhiều quá, tôi đâu có muốn tiền bạc.” Thật là đồ xảo trá, thưa ông. “Tôi làm vì Tướng Odría chứ đâu có lý do nào khác.”

Họ bỏ hắn đó trong khi hắn thề thốt và hứa hẹn. Một đứa cả đẫn như vậy có giữ lời không, Ambrosio? Hắn giữ lời, thưa ông: hôm sau Hipólito đi giao biểu ngữ cho họ, Calancha đã gặp gã trước mặt toàn ủy ban, và Hipólito thấy hắn đang hứa hẹn với người của hắn, và hắn cộng tác ngon lành hết chỗ chê.

° ° °

Bà chủ cao hơn Amalia, thấp hơn cô Queta, tóc đen thẫm, làn da như thể bà chưa bao giờ ra nắng, cặp mắt xanh, cái miệng đỏ, hàm răng nhỏ đều của bà luôn luôn cắn vào môi theo kiểu lả lơi. Bà ấy có thể bao nhiêu tuổi? Carlota nói trên ba mươi, Amalia nghĩ hai mươi lăm. Từ eo lên thân thể bà vậy vậy thôi, nhưng phần dưới các đường cong thì thật là. Đôi vai hơi đưa ra phía sau, hai vú đứng thẳng, eo như con gái. Nhưng hông bà làm ấm lòng, trên to dưới thắt, và chân bà thon thon, cổ chân gầy gầy và bàn chân như của cô Teté. Bàn tay cũng nhỏ, các móng tay dài, luôn luôn sơn cùng màu với đôi môi. Khi bà mặc áo cánh và quần dài mọi thứ hiển hiện ra, phần trên của bộ áo trang nhã rơi khỏi vai bà, để lộ nửa tấm lưng và nửa bộ ngực của bà. Bà ngồi xuống, bắt tréo chân, váy bà chạy lên trên đầu gối, và từ buồng chứa thức ăn, náo nức như đàn gà, Carlota và Amalia sẽ bình phẩm về mấy con mắt của khách dõi theo cặp chân và đường viền cổ áo của bà chủ. Mấy ông già tóc bạc, mập ú, họ nghĩ tới đủ thứ mánh khóe, cầm ly whiskey của họ từ dưới sàn nhà lên, cúi người tới để búng tàn thuốc, để đưa con mắt họ lại gần và nhìn một cái. Bà không tỏ vẻ khó chịu, thậm chí bà còn khiêu khích họ bằng cách ngồi như vậy. Ông chủ không ghen à? Amalia nói với Carlota, bất cứ ai cũng sẽ nổi giận nếu thiên hạ trở nên thân mật như thế với quý bà của mình. Và Carlota nói, tại sao ông ta phải ghen vì bà? bà chỉ là nhân tình của ông ta. Lạ thật, ông chủ có thể già và xấu xí, nhưng hình như ông không có một sợi tóc ngu nào trên đầu, và ông thật điềm đạm khi khách khứa, lúc này hơi bốc, bắt đầu buông tuồng suồng sã với bà chủ. Chẳng hạn, họ khiêu vũ và hôn lên cổ bà hay vuốt ve lưng bà, và cách họ ôm chặt bà. Bà chủ sẽ cười khúc khích, tát đùa một kẻ lỗ mãng, vui vẻ đẩy ông ta xuống ghế, hoặc tiếp tục nhảy với ông ta như thể chẳng có gì xảy ra, cứ để ông ta đi quá xa. Don Cayo không bao giờ nhảy. Ngồi trên ghé, ly rượu trong tay, ông tán gẫu với khách, hay nhìn trò đỏm dáng lả lơi của bà chủ bằng bộ mặt trơ trơ. Một ông mặt đỏ nói to rằng một ngày nào đó anh phải cho tôi mượn mỹ nhân của anh một cuối tuần ở Paracas chứ, Don Cayo? và ông chủ nói bà ấy là của ông, thưa Đại tướng, và bà chủ nói xong cả thôi, đưa em đến Paracas, em là của anh. Carlota và Amalia chết vì cười khi nghe những lời nói đùa và nhìn trò lẳng lơ đó, nhưng Símula không để họ nhìn trộm lâu, bà sẽ vào buồng chứa thức ăn mà đóng cửa, hoặc bà chủ sẽ xuất hiện, đôi mắt lấp lánh, gò má ửng đỏ, lệnh cho họ đi ngủ. Từ giường ngủ Amalia có thể nghe tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng kêu ré, tiếng chạm ly, và sẽ cuộn tròn dưới chân, thao thức, bồn chồn, cười một mình. Sáng hôm sau chị và Carlota phải làm gấp ba. Hàng đống đầu thuốc lá và chai lọ, bàn ghế bị đẩy sát tường, ly cốc vỡ. Họ sẽ dọn dẹp, nhặt nhạnh, sắp xếp lại để khi bà chủ xuống bà sẽ không giật mình kêu ồ, bừa bộn quá, bẩn thỉu quá. Ông chủ sẽ ngủ lại khi có tiệc. Ông sẽ ra đi rất sớm, Amalia thấy ông, vàng vọt và mắt có bọng, băng nhanh qua vườn, đánh thức hai anh chàng ngủ qua đêm trong chiếc xe chờ ông, chắc ông phải trả lương cao lắm cho họ để họ ngủ qua đêm như thế, và ngay khi chiếc xe đi khỏi thì mấy anh cảnh sát ở góc đường cũng đi. Những ngày ấy bà chủ sẽ thức dậy rất muộn. Símula sẽ làm một đĩa sò xốt hành thêm rất nhiều ớt và một ly bia lạnh. Bà sẽ xuất hiện trong chiếc áo choàng tắm, mắt bà sưng và đỏ, sẽ ăn trưa rồi đi ngủ lại, đến chiều bà sẽ rung chuông gọi Amalia mang lên cho bà nước khoáng với vài viên Alka-Seltzer.

° ° °

“Olave,” gã nói, thổi ra một bụm khói. “Người anh gửi đi Chiclayo đã trở về chưa?”

“Sáng nay, Don Cayo.” Lozano gật đầu. “Mọi việc đã lo xong. Đây là báo cáo của Thống đốc, đây là bản sao biên bản của cảnh sát. Ba đứa cầm đầu đang nằm tù ở Chiclayo.”

“Aprista?” Gã thổi ra một bụm khói nữa và thấy Lozano đang cố nén hắt xì.

“Chỉ có tên Lanza là chắc thôi, một tên lãnh tụ Aprista già. Hai đứa kia còn trẻ, chưa có hồ sơ.”

“Đưa chúng về Lima và bắt chúng thú tội, cả tội nặng lẫn nhẹ. Một vụ đình công như vậy ở Olave không chỉ được tổ chức khơi khơi. Nó cần thời gian chuẩn bị, và cần có tụi nhà nghề. Trong trang trại đã bắt đầu làm việc lại chưa?”

“Sáng nay, Don Cayo,” Lozano nói. “Thống đốc bảo tôi trên điện thoại. Mình để lại một chi đội nhỏ ở Olave vài ngày, mặc dù Thống đốc cam đoan với mình là…”

“San Marcos.” Lozano ngậm miệng và tay hắn đưa nhanh tới bàn, nhặt lên ba, bốn tờ giấy rồi đưa cho gã. Gã đặt nó lên tay ghế mà không nhìn.

“Tuần này không có gì, Don Cayo. Mấy nhóm nhỏ họp, tụi Aprista mất tổ chức hơn bao giờ hết, tụi đuôi đỏ hơi tích cực hơn. Ồ vâng, chúng ta đã xác định được một nhóm Trotsky mới. Hội họp, thảo luận, chẳng có gì. Tuần sau sẽ có bầu cử ở Trường Y. Liên danh Aprista có thể thắng.”

“Các đại học khác.” Gã thổi khói ra, và lần này Lozano hắt hơi.

“Cũng vậy, Don Cayo, các nhóm nhỏ hội họp, đấu đá nội bộ, chẳng có gì. Ồ vâng, nguồn tin của mình ở Đại học Trujillo cuối cùng đã hoạt động. Đây, thư báo số ba. Chúng ta đã có hai phần tử cài ở đó…”

“Chỉ có thư báo thôi hả?” gã hỏi. “Không có truyền đơn, tờ rơi, báo in rônêô nào à?”

“Dĩ nhiên là có, Don Cayo.” Lozano cầm cặp của hắn lên, mở ra, rút ra một tập hồ sơ với vẻ đắc thắng. “Truyền đơn, tờ rơi, ngay cả thông báo đánh máy của Trung tâm Liên hội. Mọi thứ, Don Cayo.”

“Chuyến đi của Tống thống,” gã nói. “Anh đã nói với Cajamarca chưa?”

“Mọi chuẩn bị đã bắt đầu,” Lozano nói. “Thứ Hai tôi sẽ đi, và sáng thứ Tư tôi sẽ báo cáo chi tiết cho ông, để thứ Năm ông có thể đi xem các dàn xếp về an ninh. Nếu ông bằng lòng như thế, Don Cayo.”

“Tôi đã quyết định người của anh sẽ đi tới Cajamarca bằng đường bộ. Họ sẽ đi thứ Năm, bằng xe buýt, để đến đó thứ Sáu. Chúng ta không muốn máy bay rớt rồi không kịp thời giờ cử người thay.”

“Đường bộ trên rặng núi thì tôi không biết, nhưng xe buýt nguy hiểm hơn máy bay,” Lozano đùa cợt, nhưng gã không mỉm cười và Lozano lập tức nghiêm lại. “Ý rất hay, Don Cayo.”

“Để hết giấy tờ này lại cho tôi.” Gã đứng lên và Lozano lập tức bắt chước gã. “Ngày mai tôi sẽ trả lại cho anh.”

“Vậy thì tôi sẽ không làm mất thì giờ của ông nữa, Don Cayo.” Lozano đi theo gã tới bàn làm việc, cái cặp khổng lồ của hắn kẹp dưới tay.

“Khoan đã, Lozano.” Gã châm một điếu thuốc nữa, rít một hơi, lim dim mắt. Lozano đang đối diện gã, chờ đợi, mỉm cười. “Đừng bòn thêm tiền của bà già Ivonne nữa.”

“Xin lỗi ông, Don Cayo?” Gã thấy hắn chớp mắt, bối rối, tái xanh.

“Tôi bất chấp nếu anh kiếm vài đồng với mấy con nhỏ làng chơi ở Lima,” gã nói một cách thân mật, mỉm cười, “nhưng để Ivonne yên, và nếu bao giờ bà ấy gặp rắc rối thì giúp bà ấy. Ivonne là người tốt, hiểu chứ?”

Khuôn mặt béo phị đã đẫm mồ hôi, cặp mắt lợn ti hí đang lo lắng cố mỉm cười. Gã mở cửa cho hắn, vỗ vai hắn, ngày mai gặp lại anh, Lozano, rồi đi trở lại bàn làm việc của gã. Gã cầm điện thoại lên: bác sĩ gọi cho tôi số của Nghị sĩ Landa. Gã nhặt mấy tờ giấy Lozano đã để lại, cất vào cặp của gã. Một lát sau điện thoại reng.

“A lô, Don Cayo?” Giọng vui vẻ của Landa. “Tôi vừa định gọi anh.”

“Nghị sĩ thấy chưa, có một thứ gọi là thần giao cách cảm,” gã nói. “Tôi đã có một số tin vui cho ông.”

“Tôi biết, tôi biết, Don Cayo.” Ồ vui quá, đồ chó đẻ. “Tôi biết, Olave sáng nay đã bắt đầu làm việc lại. Anh không biết tôi mang ơn anh biết bao nhiêu vì anh đã lo cho vụ này.”

“Chúng tôi đã bắt bọn cầm đầu,” gã nói. “Mấy đứa đó sẽ khỏi gây rắc rối trong một thời gian dài nữa.”

“Nếu thu hoạch bị đình lại thì là tai họa cho toàn quận hạt,” Nghị sĩ Landa nói. “Anh có rảnh không, Don Cayo? Tối nay anh có bận việc gì không?”

“Đến ăn tối với tôi ở San Miguel,” gã nói. “Những người ái mộ ông cứ hỏi tới ông.”

“Hay lắm, khoảng chín giờ được chứ?” Tiếng cười nhỏ của Landa. “Tốt, Don Cayo. Vậy thì gặp lại anh sau.”

Gã gác máy rồi quay số. Hai, ba tiếng reng, tới tiếng thứ tư mới có một giọng ngái ngủ: a lô?

“Tôi mời Landa đến ăn tối nay,” gã nói. “Gọi cả Queta nữa. Và bảo Ivonne là tụi nó sẽ không bòn tiền bà ấy nữa. Ngủ lại đi.”

° ° °

Sáng sớm ngày hai mươi bảy gã đã đi với Hipólito và Ludovico đến lấy xe buýt và xe vận tải, Ludovico nói tao lo, nhưng Hipólito nói sẽ chẳng có gì trục trặc. Từ xa họ thấy người từ khu ổ chuột đã tập trung lại, đang đợi, đông tới nỗi ông không thấy mấy cái lán, thưa ông. Họ đang đốt rác, tro và mấy con kên kên đang bay. Ủy ban đến để gặp họ. Calancha xun xoe chào họ vồn vã, tôi đã nói với các ông rồi mà, thấy chưa? Hắn bắt tay, giới thiệu họ với mấy người khác, họ cởi mũ, ôm nhau. Họ đã treo ảnh Odría trên mái nhà và trên cửa, và họ đều có biểu ngữ. CÁCH MẠNG PHỤC HƯNG MUÔN NĂM, ODRÍA MUÔN NĂM, KHU ĐỊNH CƯ ỦNG HỘ ODRÍA, Y TẾ, GIÁO DỤC, VIỆC LÀM. Người ta nhìn họ và trẻ con bám lấy chân họ.

“Tụi nó đừng mang mấy bộ mặt đưa đám này tới Plaza de Armas,” Ludovico nói.

“Khi đến lúc tụi nó sẽ hớn hở lên thôi,” Calancha nói, rất gian xảo, thưa ông.

Họ đưa người lên xe buýt và xe tải, đủ loại người, nhưng đông vượt trội là đàn bà và dân miền núi, họ phải đi thành mấy lượt. Quảng trường hầu như đầy người tự ý đến, rồi thì người từ những khu ổ chuột khác và từ các trang trại. Từ nhà thờ có thể thấy một biển đầu người, biểu ngữ và hình ảnh lơ lửng trên đầu. Họ đưa nhóm người từ khu ổ chuột đến chỗ ông Lozano đã dặn. Có quý bà và quý ông trong mấy cửa sổ của Tòa Thị chính, trong các cửa hiệu, Club de la Unión, Don Fermín chắc hẳn cũng ở đó, đúng không, thưa ông? và Ambrosio chợt thấy, một trong những người trên ban công đó là ông Bermúdez. Mấy con cá tiên đồng đó cắn đuôi nhau, Hipólito cười chỉ hồ nước phun, và Ludovico nói mày biết thừa đi rồi, đồ lại cái: họ vẫn trêu Hipólito như thế và hắn chẳng bao giờ giận, thưa ông. Họ bắt đầu khuấy động dân chúng, bắt họ hò la và thổi kèn. Họ cười, lắc đầu, Ludovico nói hăng hái lên nào, Hipólito chạy quanh như con chuột từ nhóm này qua nhóm khác, vui vẻ hơn lên, to hơn lên. Các ban nhạc đến, họ chơi điệu valse và marinera, cuối cùng ban công trên Dinh mở ra và Tổng thống tiến ra cùng với đông đảo quý ông và giới quân nhân, và người ta bắt đầu vui nhộn. Rồi, khi Odría nói về cách mạng, Peru, họ hăng lên cả. Họ tự hò la, khi bài diễn văn chấm dứt có rất nhiều tiếng hoan hô. Tôi có giữ lời hay không? Calancha hỏi họ ở khu ổ chuột lúc mặt trời lặn. Họ cho hắn ba trăm đồng, và giờ tới lượt hắn vì họ phải nhậu lai rai với nhau. Rượu và thuốc lá phát ra, rất nhiều thằng say đi lang bang. Họ uống mấy ly pisco 1 với Calancha, rồi Ludovico và Ambrosio ra về, để lại Hipólito trong khu ổ chuột.

“Ông Bermúdez chắc phải hài lòng, hả Ambrosio?”

“Ông ấy chả có cách gì khác hơn là hài lòng, Ludovico.”

“Mày có thể thu xếp cho tao làm lái xe với mày thay vì thằng Hinostroza được không?”

“Làm cho Don Cayo là việc cực nhất trên đời, Ludovico. Thằng Hinostroza muốn điên vì cứ thức đêm thức hôm hoài.”

“Nhưng thêm năm trăm đồng, Ambrosio. Ngoài ra, họ có thể cho tên tao vào biên chế. Ngoài ra mình sẽ đi chung, Ambrosio.”

Vì thế Ambrosio đã nói với Don Cayo, thưa ông, để gã nhận Ludovico vào thay cho Hinostroza, và Don Cayo cười: bây giờ tới cả mày cũng có người để tiến cử, thằng đen.

——————————-

  1. Một loại rượu mạnh, chưng cất từ nho do người Tây Ban Nha đến định cư trong vùng Pisco ở Peru sản xuất từ hồi thế kỷ 16.

Trước
image
Chương 12
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!