Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 2 – Chương 3
Trước
image
Chương 13
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Ngày hôm sau bữa tiệc Amalia gặp ngạc nhiên lớn. Chị đã nghe ông chủ đi xuống thang, chị đã vào phòng khách, nhìn qua rèm cửa lá sách và thấy chiếc xe ra đi, rồi cớm ở góc đường ra về. Khi ấy chị lên tầng hai, gõ nhẹ lên cánh cửa, tôi có thể lấy máy đánh bóng được chứ, thưa bà? rồi chị mở cửa và rón rén đi vào. Nó kìa, bên cạnh bàn trang điểm. Ánh sáng nhàn nhạt từ cửa sổ rọi lên bốn chân con cá sấu, bức bình phong, tủ áo, mọi thứ khác nằm trong bóng tối và hơi ấm phảng phất. Trong lúc đi tới bàn trang điểm chị không nhìn giường ngủ, cho đến khi chị quay lại, kéo cái máy đánh bóng. Chị sững người: có cả cô Queta nữa. Một phần tấm trải giường và chăn đã tuột xuống thảm, cô Queta đang ngủ, quay về phía chị, một tay trên đùi, tay kia buông thõng xuống, và cô ấy trần truồng, trần truồng. Bây giờ chị cũng thấy trên cái lưng đen của cô Queta có một cái vai trắng, một cánh tay trắng, mái tóc đen nhánh của bà chủ, bà đang ngủ bên kia giường, tấm trải che trên người. Chị cứ đi tiếp, sàn nhà dường như phủ đầy gai, nhưng trước khi ra, lòng tò mò không cưỡng nổi khiến chị nhìn: một bóng nhạt, một bóng sậm, cả hai thật yên tĩnh, nhưng một điều gì lạ lùng và có vẻ nguy hiểm đang từ giường tiến ra, và chị thấy con rồng bay ra khỏi tấm kính trên trần. Chị nghe một trong hai người lẩm bẩm trong giấc ngủ và chị hoảng sợ. Chị khép cửa, thở nhanh. Trên thang lầu chị bắt đầu cười, chị vào tới bếp, tay che miệng để nén tiếng cười. Carlota, Carlota, cô Queta ở trên đó trong giường với bà chủ, rồi chị thấp giọng và nhìn ra vườn sau, hai người họ chẳng mặc gì, hai người họ trần như nhộng. Ồ, cô Queta vẫn thường ngủ lại mà, và Carlota chợt ngưng ngáp rồi cũng thấp giọng, cả hai không mặc gì, cả hai trần như nhộng? Suốt buổi sáng lúc họ dọn dẹp các phòng, thay nước trong lọ và giũ thảm, họ hích khuỷu tay nhau, ông chủ đã ngủ trên ghế dài trong phòng làm việc à? cười chết mất, dưới gầm giường à? và bất chợt một đứa ràn rụa nước mắt và đứa kia vỗ lưng, chuyện gì đã xảy ra, kiểu như vậy rồi họ còn làm trò gì nữa? Cặp mắt to của Carlota nom như hai con ruồi trâu, Amalia cắn tay để khỏi cười. Símula bắt gặp họ như vậy khi bà đi chợ về, tụi mày bị cái gì vậy, không, họ vừa nghe một chuyện rất khôi hài trên radio. Bà chủ và cô Queta đi xuống lúc trưa, họ ăn sò và ớt, uống bia lạnh. Cô Queta mặc cái áo khoác của bà chủ, nó quá nhỏ đối với cô. Họ không gọi điện thoại, họ nghe đĩa nhạc và tán gẫu, cô Queta ra về lúc trời chập tối.

° ° °

Ông Tallio đang ở đây, Don Cayo, có nên đưa ông ấy vào không? Ừ, Tiến sĩ. Một lúc sau cửa mở: gã nhận ra mái tóc quăn vàng của hắn, bộ mặt không râu, hồng hào của hắn, bước đi nhún nhảy của hắn. Gã nghĩ, ca sĩ ôpêra, cong như sợi bún, thái giám.

“Mừng được gặp ông, ông Bermúdez.” Hắn đi vào, vừa đưa tay ra vừa mỉm cười, để xem mày vui được bao lâu. “Tôi hy vọng ông nhớ tôi, năm ngoái tôi đã…”

“Hẳn nhiên, chúng ta đã nói chuyện ngay ở đây chứ gì?” Gã chỉ hắn tới cái ghế Lozano đã ngồi, rồi ngồi xuống đối diện hắn. “Anh hút thuốc chứ?”

Hắn nhận, vội vàng rút bật lửa của hắn ra, cúi đầu.

“Tôi đã định tới gặp ông mấy hôm nay, ông Bermúdez.” Hắn bồn chồn, xoay trở trong ghế như thể hắn có giun sán. “Vậy là cứ như thể…”

“Ý định của anh đã được chuyển đến tôi,” gã nói. Gã mỉm cười và thấy Tallio đang gật đầu và mở miệng, nhưng gã không để hắn kịp nói: gã đưa hắn chồng báo đã cắt. Một cử chỉ ngạc nhiên cường điệu, gã lật qua chồng báo một cách rất nghiêm trang, gật đầu. Sao, tốt, đọc đi, làm cho tao tin là mày đang đọc, đồ chuột bọ khốn kiếp.

“Ồ vâng, tôi thấy rồi, rắc rối ở Buenos Aires, đúng không?” cuối cùng hắn nói, không còn bồn chồn nữa, không xoay qua xoay lại nữa, “Chính phủ có thông cáo gì về vụ này không? Tất nhiên chúng tôi sẽ gửi nó đi ngay.”

“Tất cả mọi tờ báo đều đăng tin của Ansa, anh bỏ xa các hãng thông tấn khác,” gã nói. “Anh ăn đứt họ rồi.”

Gã mỉm cười và thấy Tallio đang mỉm cười, không còn vui vẻ nữa, chỉ để tỏ ra là biết cách cư xử, đồ thái giám, hai gò má hắn hồng hào hơn bao giờ, tao sẽ biến mày thành món quà cho thằng Robertito.

“Chúng tôi nghĩ tốt nhất không nên gửi tin đó cho báo chí,” gã nói. “ Tụi Aprista ném đá tòa đại sứ của chính nước mình là việc ghê gớm. Tại sao in nó ở đây?”

“Ồ, thật ra tôi ngạc nhiên rằng chỉ có bức điện của Ansa được in.” Hắn nhún vai, giơ ngón tay trỏ lên. “Chúng tôi gộp nó vào các thông báo của chúng tôi vì tôi không nhận được chỉ thị gì về nó cả. Tin tức do Sở Thông tin cung cấp, thưa ông Bermúdez. Tôi hy vọng mình đã không làm gì sai.”

“Tất cả các hãng thông tấn đều ém nhẹm nó trừ Ansa,” gã nói, buồn rầu. “Mặc dù chúng tôi có mối liên hệ mật thiết với ông, ông Tallio.”

“Bản tin từ đây đi ra cùng với các tất cả tin khác, ông Bermúdez.” Bây giờ mặt đỏ, bây giờ thật sự ngạc nhiên, bây giờ không chút màu mè. “Tôi chẳng nhận được chỉ thị nào, lưu ý nào. Tôi muốn ông gọi Tiến sĩ Alcibíades, tôi muốn làm rõ ràng việc này ngay bây giờ.”

“Sở Thông tin đâu có phân loại tốt hay xấu.” Gã dụi điếu thuốc, điềm tĩnh đốt điếu khác. “Sở chỉ ghi nhận các thông báo gửi tới cho nó thôi, ông Tallio.”

“Nhưng chỉ cần Tiến sĩ Alcibíades yêu cầu là tôi sẽ ém bản tin, tôi luôn luôn làm như vậy.” Bây giờ lo âu, nôn nóng, lúng túng. “Ansa đâu có chút xíu lợi lộc gì khi loan đi mấy chuyện làm cho chính phủ lâm vào tình thế khó khăn. Nhưng chúng tôi đâu có là thầy bói, ông Bermúdez.”

“Chúng tôi đâu có đưa chỉ thị,” gã nói, chú ý tới hình thù của làn khói thuốc, mấy chấm trắng trên cà vạt của Tallio. “Chúng tôi chỉ đề nghị một cách thân thiện, và cũng rất ít khi, là đừng công bố các bản tin không vui cho đất nước.”

“Vâng, tất nhiên, tất nhiên tôi biết, ông Bermúdez.” Bây giờ tao tóm được nó đúng như mày muốn, Robertito. “Tôi luôn luôn làm đúng theo từng chữ đề nghị của Tiến sĩ Alcibíades. Nhưng lần này đâu có gợi ý nào, đâu có đề nghị nào. Tôi xin ông…”

“Chính phủ không muốn lập một hệ thống kiểm duyệt chính thức là để khỏi làm hại tới các hãng thông tấn, chính vì lý do đó,” gã nói.

“Nếu ông không gọi Tiến sĩ Alcibíades thì việc này sẽ không bao giờ rõ, ông Bermúdez.” Chai thuốc mỡ của mày, tiến lên, Robertito. “Để ông ấy giải thích cho ông, để ông ấy giải thích cho tôi. Ông làm ơn. Tôi chẳng hiểu gì trong chuyện này, ông Bermúdez.”

° ° °

“Để tôi gọi,” Carlitos nói, rồi bảo người bồi bàn: “Hai bia Đức, loại lon ấy.”

Anh ta đã dựa vào bức tường dán đầy trang bìa tờ The New Yorker. Ánh phản chiếu làm sáng mái tóc quăn của anh, cặp mắt anh to, khuôn mặt anh sạm đen vì bộ râu hai ngày chưa cạo, cái mũi đỏ của anh, của một gã say, hắn nghĩ, một người bị cảm lạnh.

“Bia đó đắt không?” Santiago hỏi. “Tôi hơi cạn tiền.”

“Tôi đãi, tôi mới nhận một khoản ứng trước của bọn khốn đó,” Carlitos nói. “Đi với tôi đến đây tối nay là đủ chết thanh danh một anh chàng đứng đắn như anh, Zavalita.”

Các trang bìa rực rỡ, khôi hài, nhiều màu. Hầu hết các bàn còn trống, nhưng phía bên kia chấn song ngăn đôi quán có những tiếng thì thầm; ở quầy rượu một ông mặc sơ mi đang uống bia. Khuất trong bóng tối có người đang chơi dương cầm.

“Tôi tiêu hết tiền lương ở đây,” Carlitos nói. “Tôi cảm thấy cái hang này như là nhà mình.”

“Đây là lần đầu tôi đến Negro-Negro,” Santiago nói. “Nhiều nghệ sĩ và nhà văn đến đây phải không?”

“Nghệ sĩ và nhà văn thất bại,” Carlitos nói. “Hồi tôi còn là thằng nhóc, tôi thường đến đây như bà già ngoan đạo đến nhà thờ. Từ góc đó tôi thường nhìn trộm, lắng nghe, khi tôi thấy một nhà văn tim tôi cứ rộn lên. Tôi muốn gần với các thiên tài, tôi muốn lây họ.”

“Tôi biết anh cũng là nhà văn,” Santiago nói. “Anh đã xuất bản thơ.”

“Tôi định làm nhà văn, tôi định xuất bản thơ,” Carlitos nói. “Thế rồi tôi vào làm La Crónica và đổi nghề.”

“Anh có thích báo chí hơn văn chương không?” Santiago hỏi.

“Tôi thích rượu nhất.” Carlitos cười. “Báo chí không phải là một nghề, mà là thất vọng, chẳng bao lâu nữa anh sẽ biết.”

Anh nhún vai, những hình vẽ và hí họa và nhan đề bằng Anh ngữ ở chỗ anh dựa đầu, và nét nhăn làm méo mó khuôn mặt anh, Zavalita, nắm tay anh siết chặt. Hắn chạm tay anh: anh thấy không khỏe? Carlitos ngồi thẳng lại, dựa đầu lên tường.

“Chắc lại là chỗ loét bao tử của tôi.” Giờ thì anh có một thằng người nộm bên một vai và tòa nhà chọc trời bên vai kia. “Chắc do thiếu rượu. Vì dù tôi nom như say nhưng cả ngày tôi chưa uống gì.”

Người duy nhất mày còn lại đang nằm bệnh viện với chứng mê sảng của dân nghiện rượu, Zavalita. Ngày mai mày nên đi gặp anh ấy, Carlitos, mày nên mang cho anh ấy một cuốn sách.

“Tôi đã đến đây và cảm thấy như mình đang ở Paris,” Carlitos nói. “Tôi nghĩ một ngày nào đó mình sẽ đến Paris, và bùm, thiên tài, như thể phép thần thông. Nhưng tôi chưa bao giờ đến đó, Zavalita, và bây giờ tôi bị chứng quặn bao tử như bà đẻ. Anh sắp sửa là gì khi anh lưu lạc đến La Crónica?”

“Luật sư,” Santiago nói. “Không, một nhà cách mạng, tôi muốn nói là một người cộng sản.”

“Cộng sản và ký giả ít ra cũng còn hợp, còn nhà thơ thì lạc điệu với nhà báo,” Carlitos nói, và bắt đầu cười: “Người cộng sản? Họ đuổi việc tôi vì tôi là cộng sản. Nếu không là cộng sản tôi đã không làm báo mà chắc đang làm thơ.”

“Ông có biết chứng mê sảng của người nghiện rượu là gì không?” Santiago hỏi. “Khi ông đã không muốn biết thì không ai có thể vượt ông, Ambrosio.”

“Là người cộng sản tôi sẽ làm cái quái gì,” Carlitos nói. “Tức cười nhất là như vậy, sự thật là tôi chưa bao giờ biết tại sao họ đuổi tôi. Nhưng họ làm cho tôi nhếch nhác, và bây giờ tôi là thằng say bị bệnh loét dạ dày. Chúc sức khỏe, cậu bé đứng đắn, chúc sức khỏe, Zavalita.”

° ° °

Cô Queta là bạn thân nhất của bà chủ, người hay đến căn nhà nhỏ ở San Miguel nhất, người không bao giờ bỏ lỡ các buổi tiệc. Cao, chân dài, tóc đỏ, Carlota thường bảo là nhuộm, làn da màu quế, thân hình hấp dẫn hơn Señora Hortensia, quần áo của cô cũng vậy, rồi cách cô nói năng và trò khôi hài của cô khi cô uống rượu. Cô là người sống động nhất trong các buổi tiệc, một người táo bạo lúc khiêu vũ, cô thật sự chiều khách, cô không bao giờ ngừng khiêu khích họ. Cô sẽ lẻn ra phía sau họ, vò đầu họ, kéo tai họ, để họ ngồi lên đùi cô, một người táo tợn. Nhưng cô là người làm buổi tối náo nhiệt bằng sự điên rồ của cô. Lần đầu tiên cô thấy Amalia, cô đứng nhìn chị với một nụ cười rất lạ, rồi cô xem xét chị và nhìn chị mà nghĩ bụng, Amalia nghĩ cô ta bị cái gì vậy, mình bị cái gì vậy. À ra chị là Amalia lừng lẫy, rốt cuộc tôi cũng gặp chị. Lừng lẫy vì cái gì, thưa bà? Kẻ chiếm đoạt con tim, kẻ tàn phá đàn ông, cô Queta cười to, Amalia đóa hoa nồng nàn. Điên điên nhưng thật tử tế. Khi cô không chơi trò bịp bợm trên điện thoại với bà chủ, cô kể chuyện đùa. Cô đi vào với cặp mắt tươi cười tai quái, tôi có hàng ngàn chuyện mới, nhóc tì ơi, và ở nhà bếp Amalia sẽ nghe cô huyên thuyên, ngồi lê đôi mách, giễu cợt mọi người. Cô cũng lừa Carlota và Amalia làm họ ớ miệng và đỏ mặt. Nhưng cô rất tốt, mỗi khi cô bảo họ ra cửa hiệu của ông Tàu để mua hàng, cô đều cho họ một hay hai đồng. Một hôm vào ngày nghỉ cô cho Amalia lên chiếc xe nhỏ màu trắng của cô rồi cô lái chở chị đến bến xe điện.

  • • •

“Alcibíades đích thân gọi điện thoại tới văn phòng ông để yêu cầu đừng gửi mẩu tin đó tới các tòa báo.” Gã thở dài, cười nhạt. “Nếu tôi chưa tìm hiểu chuyện này thì tôi đã không làm phiền ông, ông Tallio.”

“Nhưng đâu có thể nào.” Bộ mặt hồng hào của hắn khốn quẫn vì bối rồi, lưỡi hắn bỗng ngay đơ. “Gọi văn phòng tôi, thưa ông Bermúdez? Nhưng thư ký của tôi đưa tôi toàn là… Đích thân Tiến sĩ Alcibíades? Tôi không hiểu làm sao…”

“Họ không nhắn lại cho ông à?” gã giúp hắn, không mỉa mai. “Ồ, tôi đoán là như vậy. Chắc là Alcibíades nói với một trong các biên tập viên.”

“Một trong các biên tập viên?” Không còn một nét cười tự tin, phấn khởi nào của lúc nãy. “Nhưng đâu có thể nào, thưa ông Bermúdez. Tôi rối bời lên hết cả, tôi rất tiếc. Ông có biết biên tập viên nào không, thưa ông? Tôi chỉ có hai người, thôi được, tôi chỉ có thể nói là tôi cam đoan với ông chuyện này sẽ không xảy ra nữa.”

“Tôi ngạc nhiên vì chúng tôi luôn luôn có liên hệ tốt với Ansa,” gã nói. “Đài phát thanh Quốc gia và Sở Thông tin mua toàn bộ các bản tin của ông. Chuyện đó tốn tiền chính phủ, như ông biết rõ.”

“Tất nhiên, ông Bermúdez.” Bây giờ tức giận đi, rồi ca bài cải lương của mày đi, ca sĩ ôpêra. “Xin cho phép tôi dùng điện thoại của ông được chứ? Tôi sẽ tìm cho ra ngay bây giờ ai đã nhận tin nhắn của Tiến sĩ Alcibíades. Chuyện này sẽ rõ ngay lập tức, thưa ông Bermúdez.”

“Ngồi xuống, đừng lo chuyện đó.” Gã mỉm cười với hắn và mời hắn điếu thuốc, châm thuốc cho hắn. “Chúng tôi có kẻ thù khắp nơi, chắc trong văn phòng ông có người không ưa chúng tôi. Ông có thể điều tra sau, ông Tallio.”

“Nhưng hai biên tập viên đó là hai đứa…” Buồn rầu, với vẻ bi hài. “Thôi được, hôm nay tôi sẽ làm rõ việc này. Tôi sẽ yêu cầu trong tương lai Tiến sĩ Alcibíades luôn luôn nói chuyện thẳng với tôi.”

“Ừ, như thế là tốt nhất,” gã nói; gã ngẫm nghĩ, quan sát như thể vì tình cờ những mẩu cắt báo đang nhảy múa trong tay Tallio. “Điều đáng buồn là nó gây một ít rắc rối cho tôi. Tổng thống, Bộ trưởng sẽ hỏi tôi tại sao chúng tôi lại mua các bản tin của một hãng thông tấn gây nhức đầu cho chúng tôi. Và vì tôi là người chịu trách nhiệm về hợp đồng với Ansa, ông cứ tưởng tượng đi.”

“Chính vì vậy mà tôi bận tâm, ông Bermúdez.” Và thật là đúng, chắc mày ước gì mày đang ở xa chỗ này cả dặm. “Đứa nào đã tiếp chuyện Tiến sĩ sẽ bị đuổi ngay hôm nay, thưa ông.”

“Vì sự việc như thế này không tốt cho chính phủ,” gã nói, như thể đang nghĩ thành tiếng và với vẻ u sầu. “Kẻ thù sẽ lợi dụng khi một mẩu tin như vậy xuất hiện trên báo kiểu đó. Họ gây rắc rối cho chúng tôi thế là đủ rồi. Bạn bè mà cũng gây rắc rối cho chúng tôi thì thật không đúng, ông có nghĩ thế không?”

“Việc này sẽ không xảy ra nữa, ông Bermúdez.” Hắn rút chiếc khăn tay màu xanh nhạt ra, giận dữ lau bàn tay. “Ông có thể cầm chắc như vậy. Ông có thể cầm chắc như vậy, ông Bermúdez.”

° ° °

“Tôi ngưỡng mộ chút cặn còn lại của nhân tính.” Carlitos lại cúi gập người như bị đâm vào bụng. “Cột tin cảnh sát đã làm tôi đồi bại, như anh thấy.”

“Đừng uống thêm nữa,” Santiago nói. “Mình nên về.”

Nhưng Carlitos đã ngồi thẳng lại và mỉm cười.

“Uống đến lon bia thứ hai là hết nhói và tôi thấy khỏe, anh vẫn chưa biết tôi đâu. Đây là lần đầu tiên mình uống với nhau phải không?” Ừ, Carlitos, hắn nghĩ, đây là lần đầu. “Anh quá nghiêm, Zavalita, anh làm xong việc rồi anh cuốn gói. Anh không bao giờ đến uống với bọn trôi giạt chúng tôi. Có phải anh sợ chúng tôi sẽ làm anh đồi bại?”

“Tôi chỉ vừa đủ sống với đồng lương,” Santiago nói. “Nếu tôi đi nhà thổ với các anh, tôi sẽ không đủ trả tiền thuê nhà.”

“Anh sống một mình à?” Carlitos hỏi. “Tôi nghĩ anh là đứa con ngoan trong gia đình. Anh không có họ hàng gì sao? Anh bao nhiêu tuổi? Anh chỉ mới là thằng nhóc thôi phải không?”

“Nhiều câu hỏi cùng lúc,” Santiago nói. “Tôi có gia đình, ừ, nhưng tôi sống một mình. Này, làm sao các anh say sưa và đi nhà thổ với số tiền anh kiếm được? Tôi không hiểu nổi.”

“Bí mật nghề nghiệp,” Carlitos nói. “Nghệ thuật sống nợ, tránh né chủ nợ. Và tại sao anh không đi nhà thổ, anh có người yêu à?”

“Anh sắp hỏi tôi cũng thủ dâm phải không?” Santiago nói.

“Nếu anh chưa có người yêu và anh không đi nhà thổ, tôi hình dung anh phải thủ dâm,” Carlitos nói. “Trừ phi anh là một kẻ đồng tính.”

Anh lại cúi gập người, và khi ngồi thẳng dậy mặt anh hoàn toàn méo mó. Anh dựa mái tóc quăn lên các trang bìa tạp chí, nhắm mắt một lúc, rồi lục lọi trong túi, lấy ra một món đưa lên mũi và hít sâu. Anh ngồi im, đầu ngửa ra như thế, miệng hé mở, với vẻ mặt say sưa an bình. Anh mở mắt, nhìn Santiago một cách giễu cợt.

“Để ru ngủ mấy con dao trong bụng tôi. Đừng ra vẻ ngạc nhiên, tôi đâu có giảng đạo.”

“Anh định làm tôi ngạc nhiên à?” Santiago hỏi. “Anh phí thời giờ của anh. Một kẻ say, một kẻ nghiện, tôi biết từ lâu, mọi người trong tòa báo kể cho tôi. Tôi không phê phán người khác về những việc như vậy.”

Carlitos mỉm cười với hắn một cách trìu mến và mời hắn điếu thuốc.

“Tôi đã có ấn tượng xấu về anh vì tôi nghe anh được thuê nhờ có người giới thiệu, và vì anh không la cà với chúng tôi. Nhưng tôi đã lầm, tôi thích anh, Zavalita.”

Anh nói chậm, mặt anh càng lúc càng thanh thản, và cử chỉ của anh càng lúc càng kiểu cách và chậm chạp.

“Có lần tôi hít ma túy, nhưng nó làm tôi phát bệnh.” Nói láo đấy, Carlitos. “Tôi nôn ọe và dạ dày tôi đảo lộn.”

“Anh vẫn chưa cay đắng, và anh đi làm ở La Crónica đã được ba tháng rồi, đúng không?” Carlitos mơ màng nói, như thể anh đang cầu nguyện.

“Ba tháng rưỡi,” Santiago nói. “Tôi vừa mới hết thời gian thử thách. Thứ Hai họ cho tôi ký hợp đồng.”

“Tôi cảm thấy tiếc cho anh,” Carlitos nói. “Bây giờ anh có cả cuộc đời trước mặt làm nhà báo. Nàv, dịch sát lại để đừng ai nghe được. Tôi sẽ kể cho anh một bí mật Iớn. Thi ca là điều vĩ đại nhất, Zavalita.”

° ° °

Lần ấy cô Queta đến căn nhà nhỏ ở San Miguel vào giữa trưa. Cô bay vào như một trận bão khi Amalia mở cửa cho cô, lúc đi ngang qua cô cấu má chị, và chị nghĩ mình bay bổng như diều. Señora Hortensia xuất hiện trên đầu cầu thang, và cô Queta hôn gió bà: em đến nghỉ một lát, cưng, bà già Ivonne đang tìm em mà em thiếu ngủ muốn chết. Mày được ái mộ quá, bà chủ cười, lên đây, cưng. Họ vào phòng ngủ, và một lát sau bà chủ gọi to, mang bia lạnh cho bọn tôi. Amalia bưng khay lên, và từ cửa chị thấy cô Queta gục trên giường chỉ mặc cái quần lót. Váy đầm, giày và vớ dài của cô ở trên sàn, và cô đang hát, cười và nói một mình. Bà chủ như bị cô Queta lây, vì mặc dù buổi sáng bà chưa uống gì, bà cũng cười, hát và đùa cợt với cô Queta từ cái ghế đẩu bên cạnh bàn trang điểm. Cô Queta đấm lên cái gối, tập thể dục, mái tóc đỏ của cô che phủ mặt, trong mấy tấm gương cặp chân dài của cô trông như chân con rết khổng lồ. Nhìn thấy cái khay cô liền ngồi xuống, ồ, cô khát quá, cô uống một hơi hết nửa ly, ồ, ngon quá. Rồi thình lình cô nắm lấy cổ tay Amalia, lại đây lại đây, nhìn chị với vẻ ma mãnh, đừng bỏ tôi. Amalia nhìn bà chủ, nhưng bà đang láu lỉnh nhìn cô Queta, như đang nghĩ xem cô định làm gì, rồi bà cũng cười. Nghe này, chị kiếm được mấy của ngon, cưng, và cô Queta giả vờ đe bà chủ, chị đang lừa dối tôi với con này, phải không? và bà chủ bật cười: ừ, chị với nó đang lừa dối em. Nhưng chị không biết con nhỏ ngây thơ này đang lừa dối chị với ai, cô Queta cười. Tai Amalia bắt đầu ù, cô Queta lắc cánh tay chị và bắt đầu hát, mắt đổi mắt, cưng, răng đổi răng, rồi cô nhìn Amalia và nửa đùa nửa thật? nói cho tôi xem Amalia, buổi sáng sau khi ông chủ ra đi em có đến an ủi con nhỏ này không? Amalia không biết nên khó chịu hay nên cười. Thỉnh thoảng có, rồi chị lắp bắp và chắc chị đã nói điều gì buồn cười. Ồ, đồ quỷ, cô Queta nổ tung, nhìn bà chủ, và bà chủ đang chết vì cười, tao sẽ cho mày mượn nó, nhưng săn sóc nó cẩn thận cho tao, thế là cô Queta đẩy Amalia một cái làm chị ngồi lên giường. May là bà chủ đứng dậy, chạy đến, vừa cười vừa giằng co với cô Queta cho tới khi cô buông chị ra: đi đi, ra khỏi đây, Amalia, con điên này sẽ làm chị hư hỏng. Amalia ra khỏi phòng, tiếng cười của cả hai đuổi theo chị, và chị vừa xuống thang vừa cười, nhưng hai chân chị run, và khi vào bếp chị nghiêm và giận dữ. Símula đang cọ bồn rửa bát, ngân nga: chuyện gì vậy. Và Amalia: không có gì, họ say và họ định làm tôi ngượng.

° ° °

“Thật đáng tiếc là việc này xảy ra đúng lúc hợp đồng với Ansa sắp hết hạn.” Qua làn khói gã tìm cặp mắt của Tallio. “Ông có thể tưởng tượng rồi sẽ khó mà thuyết phục Bộ trưởng cho gia hạn hợp đồng.”

“Tôi sẽ trình với ông ấy, tôi sẽ giải thích với ông ấy.” Ô kìa: rõ ràng, phiền muộn, lo âu. “Tôi sắp sửa nói với ông về việc gia hạn hợp đồng. Thế mà bây giờ, với chuyện lộn xộn vô lý này. Tôi sẽ giải thích mọi việc với Bộ trưởng, ông Bermúdez ạ.”

“Tốt hơn là đừng nói gì với ông ấy cho đến khi ông ấy hết giận.” Gã mỉm cười và chợt đứng lên. “Dù sao đi nữa, tôi sẽ cố làm rõ mọi việc.”

Bộ mặt sữa hồng hào trở lại, hy vọng, ba hoa, hắn bước bên cạnh gã tới cửa, gần như khiêu vũ.

“Đứa biên tập viên đã nói chuyện với Tiến sĩ Alcibíades sẽ bị đuổi khỏi hãng hôm nay.” Hắn mỉm cười, ngọt giọng, lanh lợi. “Ông biết đó, gia hạn thêm hợp đồng là chuyện sống chết của Ansa. Tôi không biết làm sao cảm ơn ông, ông Bermúdez.”

“Tuần sau hết hạn phải không? Ồ, hẹn với Alcibíades đi. Tôi sẽ cố lấy chữ ký của Bộ trưởng sớm.”

Gã đưa tay tới nắm cửa nhưng không mở. Tallio ngập ngừng, hắn đã bắt đầu đỏ bừng lại. Gã đang đợi, mắt nhìn hắn không rời, đợi hắn thu lấy can đảm mà nói điều gì.

“Về bản hợp đồng, ông Bermúdez.” Mày hình như đang ăn cứt, đồ thái giám. “Cùng điều kiện như năm ngoái. Tôi muốn nói, tôi nói tới…”

“Công sức của tôi?” gã nói, và thấy vẻ bối rối, vẻ lúng túng, nụ cười khó nhọc của Tallio; gã gãi cằm và khiêm tốn nói thêm: “Lần này sẽ không tốn của ông mười, mà hai mươi phần trăm, ông bạn Tallio ạ.”

Gã thấy hắn hơi hé miệng, trán hắn nhăn rồi phẳng lại trong một giây; gã thấy hắn đã hết mỉm cười và đang gật đầu với cái nhìn bỗng dưng xa xăm.

“Chi phiếu rút tiền mặt ở một ngân hàng New York; thứ Hai tuần sau đích thân mang nó đến cho tôi.” Mày đang tính toán, Caruso. “Ông biết việc giấy tờ ở Bộ lúc nào chả lâu lắc. Để xem chúng tôi có thể làm xong trong hai tuần hay không.”

Gã mở cửa, nhưng khi Tallio tỏ cử chỉ đau khổ, gã đóng lại. Gã vừa đợi vừa mỉm cười.

“Tốt lắm, thật là tuyệt nếu có thể làm xong trong hai tuần, ông Bermúdez.” Giọng hắn trở nên khàn, hắn buồn. “Còn chuyện, à, ông không nghĩ hai mươi phần trăm là hơi cao sao?”

“Cao?” Gã hơi nhướn mắt như thể gã không hiểu, nhưng gã hồi lại lập tức, với cử chỉ thân thiện. “Đừng nói nữa. Quên hết đi. Bây giờ xin phép ông, tôi có nhiều việc phải làm.”

Gã mở cửa, tiếng máy đánh chữ lách tách, bóng Alcibíades xa xa, ở bàn làm việc của ông ta.

“Không có gì trục trặc, mọi việc đều ổn,” Tallio thốt lên, tuyệt vọng vẫy cánh tay. “Không có gì trục trặc đâu, thưa ông Bermúdez. Thứ Hai lúc mười giờ, được chứ?”

“Tốt,” gã nói, gần như đẩy hắn. “Vậy thì cho tới thứ Hai.”

Gã đóng cửa và lập tức thôi mỉm cười. Gã đi tới bàn làm việc, ngồi xuống, lấy cái lọ nhỏ trong ngăn kéo bên phải ra, nhả nước bọt đầy miệng trước khi gã bỏ viên thuốc lên đầu lưỡi. Gã nuốt, nhắm mắt một lúc, hai tay gã vuốt thẳng cuốn sổ ghi chép. Một lát sau Alcibíades đi vào.

“Thằng Ý cáu kỉnh quá, Don Cayo. Tôi hy vọng là hôm đó đứa biên tập viên có mặt ở hãng thông tấn lúc mười một giờ. Tôi đã bảo hắn là tôi gọi lúc đó.”

“Dù sao hắn cũng sẽ đuổi nó,” gã nói. “Để một đứa ký tuyên ngôn làm việc ở một hãng thông tấn là không đúng. Ông đã nhắn lời tôi với Bộ trưởng chưa?”

“Ông ấy đợi ông lúc ba giờ, Don Cayo,” Tiến sĩ Alcibíades nói.

“Được, bảo Thiếu tá Paredes là tôi sẽ ghé gặp anh ấy. Tôi sẽ đến đó khoảng hai mươi phút nữa.”

° ° °

“Tôi đến La Crónica chẳng chút hăng hái gì, chỉ vì tôi phải kiếm tiền,” Santiago nói. “Nhưng bấy giờ tôi nghĩ so với tất cả các việc khác có lẽ nó là việc đỡ tệ nhất.”

“Đã ba tháng rưỡi mà anh vẫn chưa tỉnh ngộ à?” Carlitos hỏi. “Như vậy cũng đủ nhốt anh vào chuồng rồi đem anh đi trình diễn ở gánh xiếc, Zavalita.”

Không, mày đã không tỉnh ngộ, Zavalita: sáng nay tân Đại sứ Brazil là Tiến sĩ Hernando de Magalhāes trình ủy nhiệm thư, tối hôm qua trong buổi họp báo Giám đốc Du lịch tuyên bố tôi lạc quan về tương lai ngành du lịch của đất nước, Hội Entre Nous lại làm lễ kỷ niệm ngày thành lập với bữa tiệc chiêu đãi chọn lọc, đông người tham dự. Nhưng mày thích thứ rác đó, Zavalita, mày ngồi xuống trước máy đánh chữ và mày vui. Không còn cẩn thận chi tiết như khi mày viết các bài ngắn, hắn nghĩ, lòng tin tưởng mãnh liệt khi mày sửa chữa, xé bỏ và viết lại nhiều trang trước khi đưa nó cho Arispe.

“Mất bao lâu thì anh vỡ mộng với nghề báo?” Santiago hỏi.

Những bài viết ngắn và những khung nhỏ mà sáng hôm sau mày sẽ náo nức tìm đọc trong tờ La Crónica mua tại sạp báo cạnh nhà trọ ở Barranco. Mày sẽ hãnh điện đưa cho Señora Lucía xem: tôi viết bài này đấy bà.

“Một tuần sau khi tôi tới La Crónica.” Carlitos nói. “Ở hãng thông tấn tôi không làm báo, mà thư ký đánh máy thì đúng hơn. Tôi có một lịch trình làm việc không nghỉ, tới hai giờ tôi về, và tôi có thể dành cả buổi chiều để đọc và ban đêm để viết. Nếu họ không đuổi tôi, văn chương sẽ không mất một nhà thơ lớn, Zavalita.”

Mày bắt đầu làm lúc năm giờ, nhưng mày đến phòng biên tập sớm hơn nhiều, và từ ba giờ rưỡi mày đã nhìn đồng hồ trong nhà trọ, nôn nóng đi lên xe điện, hôm nay họ có giao cho mình đi lấy tin ở ngoài không? một bài phóng sự? một vụ phỏng vấn? đến rồi ngồi ở bàn làm việc đợi Arispe gọi mày: viết tin này trong mười dòng, Zavalita. Không bao giờ còn hăng hái như vậy nữa, hắn nghĩ, ước muốn làm được việc này việc nọ, mình sẽ tự kiếm được một tin sốt dẻo và họ sẽ khen mình, không bao giờ còn dự tính như vậy nữa, họ sẽ thăng chức mình. Trục trặc chuyện gì vậy, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: khi nào, tại sao.

“Tôi chưa bao giờ biết tại sao, một buổi sáng thằng đồng tính đó vào hãng thông tấn mà bảo tôi mày phá hoại hãng, đồ cộng sản,” và Carlitos cười chầm chậm. “Ông nói nghiêm túc đấy chứ?”

“Quá là nghiêm túc, tiên sư mày,” Tallio nói. “Mày có biết chuyện phá hoại của mày làm mất của tao bao nhiêu tiền không?”

“Nó sẽ làm ông mất cái tên mẹ của ông nếu ông chửi tôi hay cao giọng với ông một lần nữa,” Carlitos nói, đầy phấn khởi. “Tôi thậm chí không nhận được tiền kết thúc hợp đồng. Rồi ngày sau đó tôi qua La Crónica và ngay tại đó tôi tìm thấy nấm mồ thơ, Zavalita.”

“Tại sao anh không bỏ nghề ký giả?” Santiago hỏi. “Anh lẽ ra có thể tìm được một loại việc khác.”

“Anh dính vào rồi là không thể bước ra, nó là bãi sa lầy,” Carlitos nói, như thể đang xa xôi hoặc thiếp ngủ. “Anh cứ lún dần, lún dần. Anh ghét nó nhưng anh không tự mình thoát ra được. Anh ghét nó và anh bỗng sẵn sàng làm bất cứ điều gì chỉ để có một tin sốt dẻo. Thức suốt đêm, tới những chỗ không thể tưởng tượng. Nó là chứng nghiện, Zavalita.”

“Tôi đã ngán tới đây rồi, nhưng họ sẽ không ngăn được tôi, ông biết tại sao không?” Santiago nói. “Vì bằng cách này hay cách khác tôi sẽ học xong luật, Ambrosio.”

“Tôi không chọn cột tin cảnh sát, chỉ vì là Arispe không chịu nổi tôi trong trang tin địa phương nữa, hay Maldonado trong tin quốc ngoại cũng vậy,” Carlitos đang nói, xa, xa xăm. “Chỉ có Becerrita chịu nhận tôi làm việc cho ông ấy. Cột tin cảnh sát, cái tệ nhất của mọi cái tồi tệ. Đúng cái tôi thích. Cặn bã, môi trường của tôi, Zavalita.”

Rồi anh lặng im, ngồi bất động mỉm cười, nhìn vào khoảng không. Khi Santiago gọi người hầu bàn, anh đứng lên và trả tiền. Họ đi ra, Santiago phải nắm cánh tay anh vì anh va vào bàn và tường. Hành lang dưới mái vòm trống vắng, một dải trời xanh nhạt đang trườn lên mái Plaza San Martín.

“Lạ là Norwin không ghé qua,” Carlitos kể lể một cách dịu dàng êm ả. “Một trong những đứa trôi dạt giỏi nhất, một phần cặn bã hoành tráng nhất. Một ngày nào đó tôi sẽ giới thiệu anh với hắn, Zavalita.”

Anh lảo đảo, dựa vào một trong các cây cột của hành lang dưới mái vòm, mặt anh lem luốc, bộ râu không cạo, mũi anh bốc lửa, mắt anh vui một cách bi thảm. Hẹn ngày mai, chắc nhé, Carlitos.

Trước
image
Chương 13
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!