Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 2 – Chương 4
Trước
image
Chương 14
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Khi từ hiệu thuốc trở về với hai cuộn giấy vệ sinh, chị đối mặt với Ambrosio ở cổng dành cho người làm. Đừng nom nghiêm trọng như vậy, gã nói, tôi không tới đây để gặp cô. Và chị nói: tại sao anh đến đây gặp tôi, giữa mình không có chuyện gì. Cô không thấy chiếc xe à? Ambrosio hỏi, Don Fermín ở trên đó với Don Cayo. Amalia hỏi, Don Fermín, Don Cayo? Ừ, tại sao chị ngạc nhiên. Chị không biết tại sao, nhưng chị ngạc nhiên, họ khác nhau quá, chị cố hình dung Don Fermín có mặt ở một trong mấy bữa tiệc và dường như không thể nghĩ nổi.

“Tốt hơn đừng để ông ấy thấy cô,” Ambrosio nói. “Ông ấy có thể kể với Don Cayo là cô bị đuổi ra khỏi nhà ông ấy hay cô bỏ phòng bào chế, và Señora Hortensia có thể đuổi cô luôn.”

“Anh chỉ không muốn Don Cayo biết anh là người đã đưa tôi đến đây,” Amalia nói.

“Ôi dào, lại còn thế nữa,” Ambrosio nói. “Nhưng không phải vì tôi, mà vì cô. Tôi đã kể cho cô là Don Cayo ghét tôi từ khi tôi bỏ ông ta qua làm cho Don Fermín. Nếu ông ta biết cô biết tôi, cô cũng sẽ tiêu tùng.”

“Trời, anh trở thành người tốt quá,” chị nói. “Bây giờ anh lo cho tôi thế đấy.”

Họ nói chuyện bên cổng người làm, và Amalia cứ nhìn để xem Símula hay Carlota có ra hay không. Chẳng phải Ambrosio đã bảo chị là Don Fermín và Don Cayo không còn nhìn nhau như trước kia nữa sao? Ừ, từ khi Señor Cayo bắt giữ cậu Santiago, họ hết còn là bạn nữa; nhưng họ có chuyện làm ăn với nhau, và chắc đó là lý do bây giờ Don Fermín đến San Miguel. Amalia ở đây có vui không? Có, rất vui, chị làm việc nhàn hơn trước và bà chủ rất tốt. Vậy cô nợ tôi đấy, Ambrosio nói, nhưng chị cắt ngang câu đùa của gã: tôi đã trả anh từ lâu lắm rồi, anh đừng bao giờ quên. Và chị đổi đề tài, mọi người ở Miraflores thế nào? Señora Zoila rất tốt, cậu Nổ có bạn gái là á hậu Peru, cô Teté bây giờ là thiếu nữ rồi, và cậu Santiago không về nhà từ hồi cậu ấy bỏ đi. Không được nhắc đến tên cậu ấy trước mặt Señora Zoila vì bà sẽ khóc. Và bỗng nhiên: San Miguel tốt cho em, em hóa ra một cô gái xinh xắn. Amalia không cười, chị nhìn gã với tất cả vẻ giận dữ chị có thể thu góp được.

“Chúa nhật là ngày em được nghỉ phải không?” gã nói. “Anh đợi em ở bến xe điện đằng kia, lúc hai giờ. Em đến nha?”

“Đừng mơ mộng hão,” Amalia nói. “Giữa hai đứa mình có cái gì để mình đi chơi với nhau?”

Chị nghe tiếng động trong bếp và đi vào nhà mà không nói lời chia tay với Ambrosio. Chị vào buồng chứa thức ăn để nhìn trộm: Don Fermín đang tạm biệt Don Cayo. Cao, tóc bạc, rất ư thanh lịch trong bộ áo xám, và chị nhớ lại ngay lập tức tất cả những gì đã xảy ra từ khi chị thấy ông lần cuối, Trinidad, ngõ hẻm ở Mirones, Bệnh viện Phụ sản, và chị cảm thấy nước mắt tuôn ra. Chị đi vào phòng tắm để rửa mặt. Bây giờ chị giận Ambrosio, giận chính mình vì đã ngừng lại nói chuyện với gã như thể giữa họ có chuyện gì, vì đã không bảo gã là bộ anh nghĩ vì anh cho tôi biết họ cần người làm cho nên tôi đã quên, tôi đã tha thứ cho anh sao? Tôi ước gì anh chết cho rồi, chị nghĩ.

° ° °

Gã thắt chặt cà vạt, mặc áo khoác ngoài, cầm lấy cặp và rời văn phòng. Gã đi ngang mấy viên thư ký với bộ mặt lơ đãng. Xe đậu bên cạnh cửa, Bộ Chiến tranh, Ambrosio. Họ mất mười lăm phút để băng qua khu nội thành. Gã xuống xe trước khi Ambrosio kịp mở cửa cho gã, đợi tôi ở đấy. Lính tráng giơ tay chào, một hành lang, cầu thang, một viên sĩ quan mỉm cười. Trong phòng đợi của Sở Tình báo một viên đại úy với bộ ria mép mỏng đang chờ gã: Thiếu tá ở trong văn phòng, thưa ông Bermúdez, xin vào thẳng. Paredes đứng lên khi hắn thấy gã vào. Trên bàn làm việc có ba chiếc điện thoại, một lá cờ nhỏ, một cuốn sổ ghi chép màu xanh lục; trên các vách tường có mấy tấm bản đồ, bản quy hoạch thành phố, một bức ảnh của Odría và một tấm lịch.

“Espina gọi tôi để than phiền,” Thiếu tá Paredes nói. “Nếu anh không rút cái thằng ở cửa đi, tôi sẽ bắn nó. Ông ấy điên tiết.”

“Tôi đã ra lệnh rút mật thám,” gã nói, nới lỏng cà vạt. “Ít nhất là hắn biết bây giờ hắn bị trông chừng.”

“Tôi xin nói một lần nữa là chỉ phí thời giờ,” Thiếu tá Paredes nói. “Trước khi bị cho thôi, ông ấy đã được thăng chức. Ông ấy khởi sự âm mưu để làm gì chớ?”

“Vì không làm Bộ trưởng nữa nên lòng kiêu hãnh của hắn tổn thương,” gã nói. “Không, hắn sẽ không âm mưu một mình, hắn ngu lắm không một mình được. Nhưng họ có thể dùng hắn. Bất kỳ ai cũng có thể nhét ngón tay vào miệng gã Miệt Núi.”

Thiếu tá Paredes nhún vai, làm một cử chỉ hoài nghi. Hắn mở tủ, lấy ra một phong bì đưa cho gã. Gã lơ đãng lật qua mấy tờ giấy, mấy bức ảnh.

“Nhất cử nhất động của ông ấy, mọi cuộc nói chuyện điện thoại của ông ấy,” Thiếu tá Paredes nói. “Chẳng có gì khả nghi. Ông ấy dùng thời giờ để tự an ủi qua khóa quần, như ông thấy. Ngoài nhân tình ở Breña, ông ấy có thêm một bà nữa, ở Santa Beatriz.”

Gã cười, lẩm bẩm vài tiếng, và gã có thể nhìn thấy họ ngay: mập mạp, đỏ da thắm thịt, vú vê thỗn thện, từng đứa một tiến ra với niềm vui đồi trụy trong mắt. Gã cất giấy tờ và hình ảnh vào phong bì rồi đặt lên bàn.

“Hai cô nhân tình, chơi xúc xắc ở Câu lạc bộ Quân đội, một hai bữa nhậu mỗi tuần, ông ấy sống như vậy,” Thiếu tá Paredes nói. “Anh chàng Miệt Núi là người hết xài, tin tôi đi.”

“Nhưng có đông bạn bè trong quân đội, nhiều sĩ quan nợ hắn ân huệ,” gã nói. “Tôi có cái mũi của chó săn. Cứ theo tôi, cho tôi thêm một ít lâu nữa.”

“Được, nếu ông nhất quyết, tôi sẽ cho tụi nó theo dõi ông ấy thêm vài ngày nữa,” Thiếu tá Paredes nói. “Nhưng tôi biết là phí thời giờ.”

“Mặc dù hắn đã về hưu và ngu, một ông tướng là một ông tướng,” gã nói. “Tôi muốn nói hắn nguy hiểm hơn tất cả bọn Aprista và tụi đuôi đỏ cộng lại.”

° ° °

Hipólito là đứa cục súc, đúng vậy, thưa ông, nhưng hắn cũng có tình cảm, Ludovico và Ambrosio biết ra chuyện ấy hồi ở Porvenir. Họ vẫn có chút thời giờ, và họ sắp đi nhậu thì Hipólito xuất hiện và nắm tay mỗi đứa: hắn mời họ đi làm một ngụm. Họ tới hầm rượu ở Avenida Bolivia, Hipólito gọi ba cốc rượu mạnh, rút điếu thuốc vấn của hắn ra châm lửa, bàn tay hắn run run. Ông có thể thấy hắn bồn chồn, thưa ông, hắn cười bơ phờ, lưỡi liếm khắp miệng như con thú khát nước, nhìn ra phía sau, và đáy mắt hắn rộn ràng. Ludovico và Ambrosio nhìn nhau như nói thằng này đau ốm gì vậy ta.

“Mày hình như đang có vấn đề, Hipólito,” Ambrosio nói.

“Mày bị bệnh lậu ở nhà thổ nào phải không, người anh em?” Ludovico hỏi.

Hắn lắc đầu, không, nốc cạn cốc của hắn, gọi ông Tàu cho một chầu nữa. Vậy thì trục trặc chuyện gì, Hipólito? Hắn nhìn họ, phà khói vào mặt họ, cuối cùng hắn quyết định thổ lộ bí mật, thưa ông: hắn bị bực bội vì chuyện trời ơi đất hỡi ở Porvenir. Ambrosio và Ludovico cười. Đâu có gì, Hipólito, mấy bà già điên sẽ khởi sự chạy khi nghe tiếng còi đầu tiên, chuyện đó dễ nhất trên đời, người anh em. Hipólito nốc cạn cốc thứ hai và mắt hắn lồi ra. Hắn không sợ, hắn biết chữ “sợ” nghĩa là gì, nhưng hắn chưa bao giờ cảm thấy, hắn đã từng là thằng đấm bốc.

“Xéo đi, mày đừng bắt đầu kể với tụi tao về chuyện đấm đá của mày nữa chứ?” Ludovico nói.

“Chuyện này riêng tư,” Hipólito nói một cách rầu rĩ.

Tới lượt Ludovico trả tiền một chầu nữa, và ông Tàu nhận thấy họ đang tống hết tốc lực, nên bèn để cái chai lại trên quầy. Tối hôm qua hắn không ngủ được vì vụ trời ơi đất hỡi đó, tụi mày có thể tưởng tượng là gì. Ambrosio và Ludovico nhìn nhau như nói nó hóa điên hay sao? Nói toạc ra cho tụi tao nghe, Hipólito, họ là bạn nhau vì vậy mà. Hắn ho, hắn vừa định nói nhưng hắn đổi ý, thưa ông, giọng hắn vướng ở cuối câu nhưng hắn buông lỏng ra: một chuyện gia đình, một chuyện riêng tư. Rồi không nhặng xị nữa, hắn trút ra một câu chuyện thương tâm, thưa ông. Mẹ hắn đan chiếu và có sạp hàng ở chợ Parada, hắn lớn lên ở Porvenir, sống ở đó, nếu ông có thể gọi đó là sống. Hắn đã rửa và đánh bóng xe, chạy việc vặt, dỡ hàng xe tải ở chợ, nhặt từng xu với tất cả sức mình, đôi khi thò tay vào chỗ lẽ ra hắn không nên thò vào.

“Thiên hạ gọi dân Porvenir là gì?” Ludovico cắt ngang hắn. “Dân Lima là Liman, dân Bajo el Puente là Bajopontine, còn dân xứ Porvenir là gì?”

“Mày đếch thèm nghe chuyện tao đang kể,” Hipólito giận dữ nói.

“Đâu có, ngưòi anh em,” Ludovico vỗ lưng hắn. “Câu hỏi đó tao bỗng dưng nghĩ ra. Tao xin lỗi, kể tiếp đi.”

Mặc dù đã nhiều năm hắn chưa trở về đó, nhưng trong này, và hắn chạm tay lên ngực, thưa ông, Porvenir vẫn là quê nhà đối với hắn: vả lại, đó là nơi hắn bắt đầu đấm bốc. Nhiều bà già ở Parada biết hắn, một số bà sẽ nhận ra hắn, có lẽ.

“Ồ, giờ thì tao hiểu rồi,” Ludovico nói. “Đâu có lý do gì để mày buồn bực, ai mà nhận ra mày sau bằng ấy năm? Vả lại, họ thậm chí sẽ không thấy mặt mày đâu, đèn đóm ở Porvenir bết bát, tụi côn đồ cứ ném đá làm vỡ bóng đèn đường. Đâu có gì mà lo, Hipólito.”

Hắn đứng đó suy nghĩ, liếm môi như con mèo. Ông Tàu mang muối và chanh đến, Ludovico thấm muối lên đầu lưỡi và vắt nửa quả chanh vào miệng, nốc cạn cốc của gã và thốt lên rằng rượu đã tăng phẩm chất. Hắn bắt đầu nói qua chuyện khác, nhưng Hipólito im lặng, nhìn sàn nhà, quầy rượu, suy nghĩ.

“Không,” gã chợt nói. “Tao không bực vì người ta nhận ra tao. Tao bực vì toàn bộ cái chuyện trời ơi đất hỡi ấy.”

“Tại sao vậy mày?” Ludovico nói. “Dọa mấy bà già sợ không hay hơn là dọa tụi sinh viên chẳng hạn hay sao? Mấy bả chỉ la hét rồi nhảy choi choi, Hipólito. Ồn ào đâu có làm hại ai.”

“Nếu tao phải đập một trong mấy bà đã nuôi tao hồi tao còn nhỏ thì sao?” Hipólito vừa nói vừa nện xuống bàn, bực tức hết sức, thưa ông.

Ambrosio và Ludovico như muốn nói mày lại dở trò em bé mè nheo. Nhưng ôi chao, người anh em, nếu họ nuôi mày thì họ là người tốt, là mấy bà ngoan đạo, thượng tôn pháp luật, mày nghĩ là họ dính dáng tới mấy vụ đấu đá chính trị hả? Nhưng Hipólito. Hắn không chịu tin, hắn lắc đầu như nói tụi mày không thuyết phục được tao đâu.

“Hôm nay tao làm chuyện này, nhưng tao không khoái,” cuối cùng hắn nói.

“Mày nghĩ có đứa khoái chuyện này hả?” Ludovico hỏi.

“Tao khoái,” Ambrosio vừa nói vừa cười. “Đối với tao nó giống như một kỳ nghỉ, một chuyện phiêu lưu.”

“Đó là vì mày thỉnh thoảng mới nhúng tay,” Ludovico nói. “Mày sống khỏe vì làm tài xế cho sếp lớn, và chuyện này chỉ là trò chơi đối với mày. Cứ đợi cho đến khi đá chẻ đôi đầu mày ra, giống như tao có lần bị ấy.”

“Chừng đó hãy kể cho tụi tao nghe là mày vẫn khoái,” Hipólito nói.

May mắn cho gã là chưa bao giờ có chuyện gì xảy ra cho gã, thưa ông.

° ° °

Làm sao gã dám? Vào những ngày chị nghỉ, chị không đi thăm bà dì ở Limoncillo hay Señora Rosario ở Mirones, chị đi chơi với Anduvia và María, hai ngưòi hầu gái trong khu phố. Vì gã đã giúp chị có việc làm này, không lẽ gã nghĩ chị đã quên hay sao? Họ sẽ đi bộ, đi xem xi nê, một hôm Chúa nhật họ đến sân Colisco để xem vũ dân tộc. Chỉ vì mày nói chuyện với gã là đủ cho gã nghĩ mày đã tha thứ gã rồi sao? Đôi khi chị đi chơi với Carlota, nhưng hiếm khi, vì Símula muốn chị đưa nó về nhà trước khi trời tối. Mày lẽ ra không nên đối xử tốt với gã như vậy, đồ ngu. Símula sẽ làm họ phát điên với những lời căn dặn của bà khi họ ra đi, và với các câu hỏi của bà khi họ trở về. Chắc chắn chị sẽ cho gã leo cây hôm Chúa nhật, đi suốt từ Miraflores tới đây vô ích, ồ, chị sẽ cho gã một vố. Tội nghiệp Carlota, Símula sẽ không để nó thò mũi ra đường nhiều, bà ấy cố làm cho nó sợ đàn ông. Cả tuần chị nghĩ gã sẽ đợi chị, đôi khi nó làm chị tức giận khiến chị phát run, đôi khi làm chị cười. Nhưng chắc gã sẽ không đến, chị đã bảo gã đừng có mơ tưởng hão huyền, và gã sẽ tự nhủ là tại sao mình đến. Hôm thứ Bảy chị ủi bộ váy xanh sáng chói Señora Hortensia đã cho chị, ngày mai chị đi đâu? Carlota hỏi chị, chị tới bà dì của chị. Chị nhìn vào gương và rủa mình; mày đã nghĩ tới chuyện đi, đồ ngu. Không, chị sẽ không đi. Chúa nhật đó, lần đầu tiên, chị đi đôi giày cao gót chị vừa mới mua và xỏ vòng đeo tay chị đã trúng trong một cuộc xổ số. Trước khi đi chị bôi một chút son môi.

Chị dọn bàn nhanh chóng, gần như không ăn trưa, đi lên phòng bà chủ để ngắm mình trong tấm gương soi được toàn thân. Chị đi thẳng đến Khách sạn Bertoloto, đi qua nó, rồi trên Costanera chị cảm thấy tức giận và ngứa ngáy cả người: kìa gã ở bến xe điện, đang vẫy. Chị nghĩ hay mình quay lại, chị nghĩ mày sẽ không nói năng gì với gã. Gã mặc bộ vét nâu, sơ mi trắng, cà vạt đỏ, nhét chiếc khăn tay trong túi áo ngoài.

“Anh đang cầu nguyện là em sẽ không cho anh leo cây,” Ambrosio nói. “Em đến anh mừng lắm.”

“Tôi đến để đi xe điện,” chị nói, tức giận, quay lưng lại gã. “Tôi đi tới nhà dì tôi.”

“Tốt,” Ambrosio nói. “Mình đi chung xuống phố.”

° ° °

“Tôi quên một chi tiết,” Thiếu tá Paredes nói. “Espina rất hay gặp ông bạn Zavala của ông.”

“Chuyện đó chẳng có nghĩa gì,” gã nói. “Họ là bạn đã nhiều năm. Espina nhượng quyền cung cấp tiếp liệu quân đội cho phòng bào chế của ông ấy.”

“Có một vài điều về ông lớn đó mà tôi không thích,” Thiếu tá Paredes nói. “Tôi thỉnh thoảng để mắt tới ông ấy. Ông ấy đã họp với tụi Aprista.”

“Nhờ mấy đứa Aprista trọng yếu đó mà ông ấy biết nhiều chuyện, và nhờ ông ấy mà tôi biết về họ,” gã nói. “Zavala không có vấn đề. Anh chỉ phí thời giờ với ông ấy.”

“Tôi chưa bao giờ tin lòng trung thành của ông lớn đó,” Thiếu tá Paredes nói. “Ông ta theo chính phủ để làm ăn. Hoàn toàn vì lợi thôi.”

“Chúng ta đều theo chính phủ vì lợi; điều quan trọng là để cho những người như Zavala có lợi khi đi theo chính phủ.” Gã mỉm cười. “Chúng ta có thể xem qua vụ Cajamarca chứ?”

Thiếu tá Paredes gật đầu. Hắn nhấc một trong ba chiếc điện thoại lên và ra lệnh. Hắn nghĩ ngợi một lúc.

“Thoạt đầu tôi nghĩ ông chỉ đóng vai một người hoài nghi,” hắn nói. “Bây giờ tôi tin ông đúng là vậy. Ông không tin vào bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai, Cayo.”

“Tôi không được trả lương để tin, tôi được trả lương để làm việc.” Gã lại mỉm cười. “Và tôi đang làm tốt, đúng không?”

“Nếu ông chỉ dính vào vì lợi, sao ông không nhận những đề nghị khác tốt hơn cả hàng ngàn lần mà Tổng thống đã đề cập với ông?” Thiếu tá Paredes cười. “Ông thấy nhé, ông là một người hoài nghi, nhưng không nhiều như ông muốn nghĩ.”

Gã thôi mỉm cười và nhìn Thiếu tá Paredes một cách đăm chiêu.

“Có lẽ vì chú của anh đã cho tôi một cơ hội không ai cho tôi,” gã nói, nhún vai. “Có lẽ vì tôi không thấy ai có thể phục vụ chú anh trong việc này giống như tôi. Hay có lẽ vì tôi thích việc này, tôi không biết.”

“Tổng thống quan tâm đến sức khỏe của ông và tôi cũng thế,” Thiếu tá Paredes nói. “Trong ba năm ông già đi mười tuổi. Chứng loét dạ dày của ông thế nào?”

“Lành rồi,” gã nói. “Tôi không phải uống sữa nữa, tạ ơn Chúa.”

Gã với lấy gói thuốc lá trên bàn làm việc, châm một điếu và ho sù sụ.

“Ông hút bao nhiêu điếu một ngày?” Thiếu tá Paredes hỏi.

“Hai hoặc ba gói,” gã nói. “Nhưng thuốc đen, không phải thứ rác rưởi anh hút.”

“Tôi không biết thứ nào đưa ông chầu trời trước.” Thiếu tá Paredes cười. “Thuốc lá, loét dạ dày, thuốc kích thích, tụi Aprista, hay một tay sĩ quan bất mãn nào đó như anh chàng Miệt Núi. Hay hậu cung của ông.”

Gã thoáng mỉm cười. Có tiếng gõ cửa, viên đại úy có bộ ria mỏng đem một tập hồ sơ vào: bản chụp đã sẵn sàng, Thiếu tá. Paredes trải bản đồ lên bàn: những dấu đỏ và xanh ở các giao lộ, một lằn đen đậm vạch hình chữ chi dọc theo nhiều phố và chấm dứt ở một quảng trường. Họ cúi trên tấm bản đồ một lúc. Những điểm nguy hiểm, Thiếu tá Paredes nói, những chỗ tập trung quân lính, đường di chuyển, cây cầu sắp được khánh thành. Gã ghi chép trong một cuốn sổ nhỏ, hút thuốc, hỏi mấy câu bằng giọng đều đều của gã. Họ trở lại ghế ngồi.

“Ngày mai tôi đi Cajamarca với Đại úy Ríos để xem xét lần cuối các phòng bị về an ninh,” Thiếu tá Paredes nói. “Về phía chúng tôi không có vấn đề gì, bộ phận an ninh hoạt động như bộ máy đồng hồ. Người của ông thế nào?”

“Tôi không lo chuyện an ninh,” gã nói. “Tôi lo là lo chuyện khác.”

“Buổi tiếp tân của ông ấy à?” Thiếu tá Paredes hỏi. “Ông nghĩ họ sẽ làm chuyện khó coi à?”

“Ông Nghị sĩ và các đại biểu đã hứa đưa đầy người đến quảng trường,” gã nói. “Nhưng anh biết các lời hứa như vậy là thế nào mà. Chiều nay tôi sẽ gặp ủy ban tiếp tân. Tôi đã mời họ đến Lima.”

“Bọn dân miền núi đó là bọn vô ơn nếu tụi nó không dang rộng vòng tay đón ông ấy,” Thiếu tá Paredes nói. “Ông ấy xây cho tụi nó một con đường, một cây cầu. Trước kia thậm chí có ai nhớ là có một Cajamarca?”

“Cajamarca luôn là ổ của bọn Aprista,” gã nói. “Chúng ta đã dọn dẹp một số, nhưng chuyện bất ngờ có thể xảy ra.”

“Tổng thống nghĩ chuyện đi sẽ thành công,” Thiếu tá Paredes nói. “Ông ấy nói ông đã cam đoan với ông ấy là sẽ có bốn chục ngàn người ở buổi mít tinh và không có rắc rối.”

“Sẽ có người, và sẽ không có rắc rối nào,” gã nói. “Nhưng mấy chuyện đó làm tôi già. Chứ chẳng phải loét da dày hay thuốc lá.”

° ° °

Họ trả tiền cho ông Tàu, đi về, và khi họ tới sân thì buổi họp đã bắt đầu, thưa ông. Ông Lozano giận dữ nhìn họ và chỉ đồng hồ. Có khoảng năm chục đứa ở đó, tất cả mặc thường phục, một số đang cười như bọn ngốc và thật là hôi hám. Thằng này trong biên chế, thằng này là một đứa làm thuê như tao, thằng kia trong biên chế, Ludovico chỉ bọn chúng, và một ông thiếu tá cảnh sát đang nói, bụng bự, hơi lắp bắp, ông ta cứ lặp lại “vì vậy”. Vì vậy có cảnh sát dã chiến ở vòng ngoài, vì v-v-vậy cũng có xe tuần cảnh, vì vậy l-l-lính thiết bị nấp trong m-m-một số nhà để xe và các t-t-trang trại. Ludovico và Ambrosio nhìn nhau như nói g-g-giễu dở quá, thưa ông, nhưng Hipólito cứ giữ bộ mặt đưa đám. Rồi khi ấy ông Lozano tiến ra, tất cả tuyệt đối im lặng nghe ông ta.

“Nhưng điểm chính là làm sao cho cảnh sát không phải can thiệp,” ông nói. “Ông Bermúdez đã yêu cầu đặc biệt như vậy. Và cũng không có súng nổ.”

“Ông ta đem sếp lớn ra vì mày có mặt ở đây,” Ludovico nói với Ambrosio. “Để mày về nói lại với ông ấy.”

“Vì vậy đó là lý do họ không phát súng, chỉ có d-d-dùi cui và vũ khí c-c-cá nhân các loại.”

Tiếng ậm ự trong dạ dày, trong cổ họng, tiếng chân nổi lên, họ thảy đều phản đối nhưng không mở miệng, thưa ông. Im lặng, Thiếu tá nói, nhưng người dàn xếp sự việc một cách khôn khéo lại là ông Lozano.

“Các anh là hạng cừ nhất, các anh đâu có cần đạn để dẹp một nhúm bà điên. Nếu sự việc trở nên thô bạo, cảnh sát dã chiến sẽ hành động.” Rất thông minh, ông ta nói đùa: “Ai sợ, giơ tay.” Không đứa nào. Và ông nói: “Tốt, vì nếu không các anh sẽ phải trả lại rượu.” Cười. Và ông: “Tiếp tục chỉ thị của anh đi, Thiếu tá.”

“Vì v-v-vậy là hiểu rồi, và trước khi nhận vũ khí, hãy nhìn kỹ m-m-mặt nhau để các anh khỏi đánh l-l-lầm nhau.”

Họ cười, vì lịch sự, chứ câu đùa không khôi hài, và ở chỗ phát vũ khí họ phải ký biên nhận. Người ta đưa cho họ dùi cui, quả đấm sắt và xích xe đạp. Họ quay lại sân, trộn lẫn với nhau, một số đã nhậu nhẹt tới mức nói không nổi. Ambroslo gạ chuyện với họ, họ từ đâu tới, phải chăng họ được chọn bằng cách rút thăm. Không, thưa ông, họ đều là bọn tình nguyện. Mong được nhận thêm vài đồng, nhưng một số sợ lỡ ra có chuyện gì xảy ra cho họ. Họ hút thuốc, đùa nghịch, giả vờ đánh nhau bằng dùi cui. Họ cứ như thế cho tới khoảng sáu giờ khi Thiếu tá tới bảo họ là xe buýt đã đến. Trên quảng trường ở Porvenir phân nửa ở lại với Ludovico và Ambrosio, ở chính giữa, bên cạnh mấy cái xích đu. Hipólito đưa nữa kia đến gần rạp xi nê. Chia thành từng nhóm ba bốn đứa, họ đi vào khu giải trí. Ambrosio và Ludovico nhìn mấy cái ghế đu quay, chắc là tốc váy đàn bà dữ há? Không, thưa ông, ông chẳng thấy được cái gì đâu, ánh sáng không đủ. Bọn kia đang mua kem Ý, khoai lang nghiền, hai đứa đã đem theo chai rượu bỏ túi của tụi nó và đang uống bên cạnh vòng đu quay. Ludovico nói coi bộ Lozano đã nhận sai chỉ thị. Họ đã ở đó nửa giờ mà chẳng có dấu hiệu gì.

° ° °

Họ ngồi chung trên xe điện và Ambrosio trả tiền vé xe cho chị. Chị quá giận vì đã đến, giận tới nỗi chị không thèm nhìn gã. Ambrosio nói tại sao em giận quá chừng vậy. Mặt chị sát cửa sổ, Amalia nhìn Avenida Brasil, xe cộ, rạp hát Beverly. Đàn bà có tâm địa tốt và trí nhớ kém, Ambrosio nói, nhưng em thì ngược lại, Amalia. Hôm đó họ gặp nhau ngoài đường và gã bảo chị tui biết một chỗ ở San Miguel ngưòi ta đang tìm người làm việc nhà, khi ấy họ đã chẳng nói chuyện vui vẻ đấy sao? Chị thấy Bệnh viện Cảnh sát, vòng đua Magdalena Vieja. Và hôm nọ ở cổng dành cho người làm, họ đã chẳng nói chuyện vui vẻ đấy sao? Trường Salesian, Plaza Bolognesi. Bây giờ em có thằng khác hả, Amalia? Và đúng lúc ấy có hai mụ lên xe, ngồi đối diện bọn họ, họ nom có vẻ thuộc loại không đứng đắn và họ bắt đầu nhìn Ambrosio sỗ sàng hết cỡ. Họ đi chơi chung một lần như bạn bè thân thiết thì có gì là sai trái? Cười với gã, liếc và tán tỉnh, rồi bỗng nhiên, nhìn hai mụ, không thèm nhìn gã, miệng chị bật ra mà không biết: được rồi, mình đi đâu? Ambrosio nhìn chị với vẻ ngạc nhiên, gãi đầu rồi cười: đúng là đàn bà. Họ đi tới Rímac, vì Ambrosio phải gặp một người bạn. Họ tìm thấy anh ta trong một quán ăn nhỏ trên Calle Chiclayo, đang ăn cơm gà.

“Để tao giới thiệu mày với bạn gái của tao, Ludovico,” Ambrosio nói.

“Đâu có,” Amalia nói. “Chúng tôi chỉ là bạn.”

“Ngồi xuống,” Ludovico nói. “Uống bia với tao.”

“Ludovico và anh đã từng làm việc chung cho Don Cayo, Amalia,” Ambrosio nói. “Anh lái xe còn anh ấy lo cho ông ta. Nhiều đêm mệt đừ, phải không, Ludovico?”

Trong quán ăn chỉ có đàn ông, một số nom dễ sợ, và Amalia cảm thấy không thoải mái. Mày làm gì ở đây, chị nghĩ, tại sao mày ngu như vậy. Họ nhìn chị qua đuôi mắt, nhưng họ chẳng nói gì. Có lẽ họ sợ hai gã to lớn đang ngồi cùng chị, vì Ludovico cũng cao và khỏe như Ambrosio. Ngoài vẻ xấu xí quá sức, mặt gã còn bị rỗ và răng gã hở. Hai thằng đang nói chuyện với nhau, hỏi thăm về bạn bè, và chị thấy chán. Nhưng Ludovico bỗng nện bàn: đúng rồi, họ sẽ đi tới sân đấu bò Acho, hắn sẽ đưa họ vào. Hắn đưa họ vào, không qua lối vào dành cho công chúng mà qua một ngõ hẹp, và mấy anh cảnh sát chào Ludovico như một người bạn cũ. Họ ngồi trong khu Shade, tít trên cao, nhưng vì không đông người lắm nên khi con bò thứ hai tiến ra họ đi xuống dãy ghế thứ tư. Có ba anh đấu bò, nhưng ngôi sao là Santa Cruz, nhìn một anh da den mặc quần áo đấu bò nom kỳ cục. Mày ủng hộ nó vì nó là anh em máu mủ của mày, Ludovico trêu Ambrosio, và gã không khó chịu, ừ, và vì nó có gan. Anh ta gan thật: anh ta xoay tròn, quỳ xuống, quay lưng lại con bò. Chị chỉ xem đấu bò trên xi nê và chị nhắm mắt, chị thét lên khi con bò húc ngã một anh tập sự, chị nói mấy người đấu bò thật dã man, nhưng với con bò cuối cùng của Santa Cruz chị cũng vẫy khăn tay như Ambrosio, và bảo họ hoan hô anh ta. Chị vui lúc rời Acho, ít ra chị đã xem cái gì mới. Thật là ngớ ngẩn nếu phí phạm ngày nghỉ của chị để giúp Señora Rosario phơi quần áo, nghe bà dì than phiền về người ở trọ của bà, hay cuốc bộ khắp nơi với Anduvia và María mà chẳng có chỗ nào để đi. Họ uống chicha đen ở lối vào sân Acho, rồi Ludovico chia tay. Họ đi bộ đến Paseo de Aguas.

“Em có thích đấu bò không?” Ambrosio hỏi.

“Thích,” Amalia nói. “Nhưng tàn nhẫn với thú vật quá nhỉ?”

“Nếu em thích, lần khác mình có thể quay lại,” Ambrosio nói.

Chị sắp sửa trả lời gã là đừng mơ mộng hão, nhưng chị nghĩ lại và ngậm miệng rồi nghĩ đồ con ngốc. Chị chợt thấy rằng đến nay đã hơn ba năm, gần bốn năm, từ khi chị đi chơi với Ambrosio lần cuối, và chị bỗng cảm thấy buồn. Ambrosio hỏi bấy giờ em muốn làm gì? Đi tới nhà bà dì của chị ở Limoncillo. Gã làm gì suốt những năm ấy? Lúc khác em đi cũng được, Ambrosio nói, bây giờ mình đi xi nê. Họ đến một rạp ở Rímac, để xem một phim cướp biển, và trong bóng tối chị thấy mắt mình đẫm lệ. Có phải mày đang nhớ đến những lần mày hay đi xi nê với Trinidad, đồ con ngốc? Khi mày sống ở Mirones và mày cả ngày cả tháng chẳng làm gì, chẳng nói gì, thậm chí chẳng nghĩ gì? Không, chị đang nhớ đến chuyện trước đó nữa, những Chúa nhật họ gặp nhau ở Surquillo, và những đêm họ bí mật gặp nhau trong căn phòng nhỏ bên cạnh ga ra để xe và chuyện xảy ra. Chị lại cảm thấy tức giận, nếu gã đụng tới mình thì mình sẽ móc mắt gã, mình sẽ giết gã. Nhưng Ambrosio thậm chí chẳng thử làm thế, và khi họ đi ra gã mời chị ăn quà. Họ đi dọc theo Plaza de Armas, nói đủ thứ chuyện trừ chuyện hồi trước. Chỉ đến khi họ đợi xe điện gã mới nắm cánh tay chị: anh không phải là thứ em nghĩ đâu, Amalia. Và anh cũng chẳng là thứ anh nghĩ, Queta nói, anh là thứ anh làm, chị Amalia đáng thương đó làm tôi cảm thấy tội nghiệp. Buông tôi ra không thì tôi la lên đó, Amalia nói, và Ambrosio buông chị ra. Nhưng họ không cãi nhau, Amalia, anh chỉ yêu cầu em quên chuyện đã xảy ra. Chuyện đó lâu quá rồi, Amalia. Xe điện tới, họ lặng im đi về San Miguel. Họ xuống xe ở trạm gần Trường Canonesas và trời đã tối. Em đã có một người khác, thằng thợ dệt, Ambrosio nói, anh thì không có ai khác. Rồi một lát sau, gần đến góc nhà, với một giọng uất ức: em đã làm anh khổ nhiều, Amalia. Chị không trả lời gã, chị bắt đầu chạy. Ở cửa nhà, chị quay nhìn: gã đứng lại ở góc đường, nửa người khuất trong bóng tối của hàng cây nhỏ không nhánh. Chị vào nhà, cố giữ mình đừng tỏ ra đa cảm, tức giận vì cảm thấy mình đa cảm.

° ° °

“Còn cái ổ sĩ quan ở Cuzco thì sao?” gã nói.

‘Ngay khi danh sách đệ trình lên quốc hội, Đại tá Idiáquez sẽ được thăng chức,” Thiếu tá Paredes nói. “Là cấp tướng ông ấy sẽ không thể ở lại Cuzco, và không có ông ấy thì cái ổ đó sẽ tan tác. Họ chưa làm gì cả; họ hội họp, họ nói chuyện.”

“Đem Idiáquez ra khỏi chỗ đó không đủ,” gã nói. “Còn chỉ huy trưởng, và tụi đại úy lắt nhắt thì sao? Tôi không hiểu tại sao tụi nó chưa bị giải tán. Bộ trưởng Chiến tranh cam đoan với tôi là tuần này sẽ bắt đầu thuyên chuyển.”

“Tôi đã nói với ông ấy một chục lần, trình ông ấy xem các báo cáo một chục lần,” Thiếu tá Paredes nói. “Vì vấn đề dính đến các sĩ quan có uy thế nên ông ấy muốn từ từ.”

“Vậy thì Tổng thống phải can thiệp,” gã nói. “Sau chuyến đi của ông ấy tới Cajamarca, việc đầu tiên là phá vỡ cái ổ nhỏ đó. Họ có bị theo dõi chặt chẽ không?”

“Ông cứ tưởng tượng đi,” Thiếu tá Paredes nói. “Thậm chí tôi biết họ ăn tối món gì.”

“Khi mình ít ngờ nhất thì có đứa sẽ đặt một triệu đồng lên bàn trước mặt họ, rồi mình sẽ có một cuộc lật đổ trong tay,” gã nói. “Họ phải bị giải tán và đưa đi các đơn vị xa càng sớm càng tốt.”

“Idiáquez mang ơn chính phủ rất nhiều,” Thiếu tá Paredes nói. “Bọn đó luôn làm Tổng thống thất vọng ghê gớm. Ông ấy sẽ bực lắm khi biết Idiáquez đang khuấy động các sĩ quan chống lại ông ấy.”

“Ông ấy sẽ bực hơn nếu ông ấy thấy họ nổi dậy,” gã nói; gã đứng lên, lấy mấy tờ giấy trong cặp ra đưa cho Thiếu tá Paredes. “Xem cái này coi anh có hồ sơ nào về những người trong đó không.”

Paredes đi theo gã tới cửa, nắm cánh tay giữ gã lại khi gã sắp ra về.

“Còn cái tin ở Argentina sáng nay, làm sao nó qua mặt ông?”

“Nó không qua mặt tôi,” gã nói. “Tụi Aprista ném đá tòa đại sứ Peru là một tin tốt. Tôi đã nói với Tổng thống, và ông ấy đồng ý là nên để tin tức loan ra.”

“Ồ, đúng,” Thiếu rá Paredes nói. “Các sĩ quan ở đây đọc nó đều thấy căm phẫn.”

“Anh thấy tôi lo liệu mọi việc thế nào chứ?” gã nói. “Ngày mai gặp anh.”

° ° °

Nhưng trong chốc lát Hipólito đã đến chỗ họ, mặt hắn rất buồn, thưa ông: họ kìa, với biểu ngữ và đủ thứ. Họ đã vào từ một góc quảng trường, và họ tiến tới như những kẻ bàng quan tò mò. Bốn đứa cầm một tấm bảng chữ đỏ, một nhóm nhỏ đi phía sau, Ludovico nói là bọn cầm đầu, bọn này sai khiến tụi kia hò la, và tụi kia kéo dài nửa khu phố. Người từ khu giải trí cũng lại gần để nhìn họ. Họ đang hò la, nhất là mày đứa đi đầu, chẳng ai hiểu hò la cái gì, và có các bà già, bà trẻ, con nít, nhưng không có đàn ông, Hipólito nói đúng như ông Lozano bảo. Rất đông bím tóc, rất đông váy dài, rất đông mũ nón. Dân này tin vào đám rước này, Ludovico nói: có ba người chắp tay như đang cầu nguyện, thưa ông. Khoảng hai trăm hay ba trăm hay bốn trăm, và cuối cùng họ vào hết quảng trường.

“Bánh mì bơ, mày thấy chưa?” Ludovico nói.

“Có lẽ bánh mì thiu với bơ mốc,” Hipólito nói.

“Mình vô giữa tụi nó rồi cách tụi nó ra,” Ludovico nói. “Tụi tao sẽ nắm đầu, còn mày giữ cái đuôi.”

“Tao hy vọng cái đuôi quất nhẹ hơn cái đầu húc,” Hipólito nói, cố đùa cợt, thưa ông, nhưng không thấm. Hắn kéo cao cổ áo rồi đi gom nhóm đùa hắn lại. Đám đàn bà đi vòng quảng trường và tụi nó đi theo họ, ở phía sau và cách biệt. Khi họ tới bên vòng đu quay, Hipólito lại xuất hiện: tao nghĩ lại rồi, tao muốn về. Tao thích mày lắm nhưng tao thích tao hơn, Ludovico nói. Tao cảnh cáo mày là tao sẽ làm thịt mày, đồ lại cái. Cái tát vào mặt đó đã nâng cao tinh thần hắn, thưa ông: hắn nhìn đầy giận dữ, bỏ đi. Họ đã gom người của họ lại, đã khuấy động họ bằng lời nói, và đã len lỏi vào đám biểu tình. Đám đàn bà được tập trung lại bên cạnh vòng đu quay, bọn có biểu ngữ đang đối diện tụi kia. Thình lình một trong mấy đứa cầm đầu leo lên một bục cao và bắt đầu diễn thuyết. Người ta chen nhau tới đông thêm, họ bị dồn cứng vào đó, nhạc từ vòng đu quay đã ngưng, nhưng ông không nghe được bà ta đang nói gì. Tụi đàn ông đang len vào, vỗ tay, mấy bà ngu ngốc tránh lối cho tụi tôi, Ludovico nói, và ở phía bên kia người của Hipólito cũng lẻn vào. Họ đang vỗ tay, ôm nhau, hoan hô hay lắm, một số bà nhìn họ lạ lùng, nhưng các bà khác nói vào đây vào đây, bắt tay họ, mình đâu có lẻ loi. Ambrosia và Ludovico nhìn nhau như nói đừng rời nhau trong cái đám lộn xộn này, bạn hiền. Tụi nó đã cắt họ làm hai nhóm, tụi nó đã lao vào họ như cái nêm, ngay chính giữa. Tụi nó đã bắt đầu chửi bới, thổi còi, Hipólito cầm loa, đả đảo bọn phá rối! Tướng Odría muôn năm! đả đảo kẻ thù của nhân dân! dùi cui, roi, Odría muôn năm! Cảnh hỗn loạn khủng khiếp, thưa ông. Bọn phá rối, người đàn bà trên bục hét, nhưng tiếng ồn ào át giọng bà ta, và xung quanh Ambrosio các bà đang la hét và xô đẩy. Ra khỏi đây ngay, Ludovico bảo họ, các bà bị lừa, đi về nhà, và lúc ấy một bàn tay thình lình chộp lấy hắn, và hắn có cảm tưởng như bà ta đang lột một miếng da cổ hắn, về sau Ludovico kể lại với Ambrosio, thưa ông. Chừng đó gậy gộc và dây xích vào cuộc, quất và thụi, và khi đó một triệu bà bắt đầu gầm rống và đấm đá. Ambrosio và Ludovico sát cánh, một đứa trượt chân và đứa kia giúp nó đứng lên, một đứa ngã và đứa kia nâng nó dậy. Bầy gà mái đã biến thành gà đá, Ludovico nói, lão ngốc Hipólito nói đúng. Vì họ đã thực sự tự vệ, thưa ông. Tụi nó đánh họ gục, và họ nằm tại chỗ, như chết, nhưng trên mặt đất họ nắm chân chúng rồi lôi chúng ngã. Chúng tiếp tục đá, chồm dậy, chửi rủa rền vang như súng nổ. Mình chỉ có vài đứa, một thằng trong bọn nói, đem cảnh sát dã chiến đến, nhưng Ludovico, tiên sư nó, không! Chúng lại xông tới họ và đẩy lùi họ, hàng rào quanh vòng đu quay đổ xuống và một đống bà điên đổ theo. Một số tự lết ra được, và bây giờ thay vì Odría muôn năm bọn chúng quát đéo mẹ mày, đồ đĩ, chửi họ, và cuối cùng đám đi đầu bị tan tác thành nhiều nhóm nhỏ nên chúng dễ dàng đuổi theo họ. Chúng sẽ chọn một trong hai hoặc ba bà, đập cho bà ta một trận, rồi chọn một bà khác và đập cho bà ta một trận, và Ambrosio và Ludovico thậm chí còn bỡn cợt về mấy khuôn mặt đẫm mồ hôi của các bà. Lúc đó tiếng súng vang lên, thưa ông, tiên-sư-thằng-mặt– dạn-mày-dày đã bắn súng, Ludovico nói. Không phải ở đây, mà ở phía sau. Cái đuôi đã tụ tại và đang ngọ nguậy, thưa ông. Chúng đến giúp giải tán. Một đứa tên Soldevilla đã bắn, tụi nó mười đứa dồn tao vào góc, tụi nó định móc mắt tao, nó đâu có bắn chết ai, nó bắn chỉ thiên. Nhưng Ludovico vẫn cứ điên tiết: thằng khốn nào cho mày cây súng lục? Và Soldevilla: súng này không phải của đội, súng của tao. Mày cũng cứ chết cha mày, Ludovico nói, tao sẽ làm báo cáo cho mày mất tiền thưởng. Khu giải trí vắng ngắt, mấy tên điều khiển vòng đu quay, roi ngựa, hỏa tiễn đang run lẩy bẩy trong chòi của tụi nó, mấy mụ gypsy trong lều cũng vậy. Chúng điểm danh và thiếu mặt một đứa, thưa ông. Chúng tìm thấy nó ngủ bên cạnh một mụ khốn kiếp đang khóc. Mấy đứa trong bọn nổi điên, mày làm cái gì, đồ điếm, và chúng nhào vào mụ. Tên hắn là Iglesias, hắn là dân Ayacucho, miệng hắn toác ra, hắn đứng lên như kẻ mộng du, cái gì, cái gì. Được rồi, Ludovico nói với những đứa đang đập con mụ, xong hết rồi. Chúng lên xe buýt bên cạnh quán rượu, không đứa nào nói, mệt chết bỏ. Khi xuống xe chúng bắt đầu hút thuốc, nhìn mặt nhau, tao bị đau ở đây, con vợ tao sẽ không bao giờ tin tao bị vết cào này vì tai nạn lúc làm việc. Tốt, khá lắm, ông Lozano nói, các anh xong việc rồi, bây giờ đi băng bó lại. Nghề đó đại loại như vậy, không nhiều thì ít, thưa ông.

Trước
image
Chương 14
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!