Suốt tuần Amalia cứ trầm ngâm, lơ đãng. Chị nghĩ gì thế, Carlota hỏi, và Símula nói người nào cười một mình là người đang nghĩ xem mình đã làm gì trái, và Señora Hortensia ê chị ở đâu vậy, xuống lại trần gian đi chứ. Chị không tức gã nữa, chị không giận mình vì đã đi chơi với gã nữa. Mày ghét gã thế mà gã lại dụ dỗ được mày, tại sao mày điên như vậy. Một đêm chị mơ thấy là Chúa nhật, chị đi chơi, chị chạm trán gã ở trạm xe điện, gã đang đợi chị. Nhưng Chúa nhật đó Carlota và Símula phải đi dự một buổi đặt tên thánh và ngày nghỉ của chị là thứ Bảy. Chị đi đâu bây giờ? Chị đi gặp Gertrudis, đã mấy tháng rồi chị không gặp chị ấy. Chị đến phòng bào chế lúc thợ đang đi ra, và Gertrudis dắt chị về nhà ăn trưa. Đồ khốn vô ơn, lâu quá rồi còn gì, Gertrudis nói, chị ta đã đến Mirones biết bao nhiêu lần nhưng mà Señora Rosario không biết địa chỉ nơi mày đang làm việc, kể cho tao nghe xem mày sống thế nào. Chị định kể cho chị ta là chị đã gặp lại Ambrosio, nhưng chị đổi ý, hồi trước chị đã chửi bới gã quá chừng. Họ hẹn nhau Chúa nhật sau. Chị trở về San Miguel khi trời còn sáng và lên giường nằm. Sau những chuyện gã đối xử với mày, mày vẫn còn nghĩ về gã, đồ ngu. Ban đêm chị mơ về Trinidad. Hắn sỉ nhục chị và cuối cùng hắn cảnh cáo chị, cáu tiết: Tui đợi cô khi cô chết. Chúa nhật Símula và Carlota đi sớm, và một lúc sau bà chủ cũng đi với cô Queta. Chị rửa các món đồ bạc, ngồi trong phòng khách, bật radio. Toàn là đua ngựa với bóng đá, và khi chị bắt đầu chán thì có tiếng gõ ở cửa bếp. Đúng, chính gã.
“Bà chủ của em không có nhà?” Với cái mũ và bộ đồng phục tài xế màu xanh của gã.
“Anh cũng sợ cả bà chủ hả?” Amalia, hỏi, nghiêm nghị.
“Don Fermín bảo anh chạy một số việc rồi anh lấy chút thời giờ qua gặp em một lúc,” gã nói, mỉm cười với chị, như thể gã đâu có nghe chị hỏi. “Anh để xe ở góc đường. Anh hy vọng Señora Hortensia không nhận ra nó.”
“Hay là quá nhiều thời giờ trôi qua rồi thì anh sẽ sợ Don Fermín hơn,” Amalia nói.
Nụ cười biến mất trên mặt gã, gã tỏ cử chỉ uể oải rồi đứng nhìn chị, không biết làm gì. Gã trật mũ ra phía sau và cố gắng mỉm cười: gã đang liều chịu nghe chửi là để đến gặp em, thế mà coi em đón anh như vậy đó, Amalia. Chuyện gì đã xảy ra thì đã xảy ra rồi, Amalia, bây giờ đã xóa bỏ hết rồi. Chị nên coi như hai người vừa mới gặp nhau, Amalia.
“Anh nghĩ anh sẽ làm lại y như vậy đối với tôi nữa hả?” Amalia nghe mình run rẩy nói. “Anh lầm rồi.”
Gã không để chị kịp lùi lại, gã đã nắm lấy cổ tay chị và nhìn vào mắt chị, chớp mắt. Gã không định ôm chị, thậm chí gã không lại gần. Gã giữ chị một lúc, vẻ mặt lạ lùng, rồi buông chị ra.
“Mặc dù có thằng thợ dệt, mặc dù anh đã không gặp em mấy năm nay, với anh em vẫn là người yêu của anh,” Ambrosio nói khàn khàn, và Amalia cảm thấy tim chị ngừng đập. Chị nghĩ gã sắp khóc, mình sắp khóc. “Cho em biết, anh vẫn yêu em như trước.”
Gã lại đứng nhìn chị, và chị lùi vào rồi đóng cửa. Chị thấy gã do dự giây lát; rồi gã kéo thẳng mũ và bỏ đi. Chị vào lại phòng khách và thoáng thấy gã quẹo ở góc đường. Ngồi bên cạnh radio, chị xoa cổ tay mình, sửng sốt vì chị không cảm thấy tức giận. Có thật không, gã vẫn còn yêu chị thật không? Không, nói láo. Có thể gã đã yêu chị lại chăng, vào cái hôm họ tình cờ gặp nhau ngoài đường ấy? Bên ngoài không một tiếng động, màn cửa khép, ánh nắng xanh từ vườn rọi vào. Nhưng giọng gã hình như thành thật, chị nghĩ, vặn radio đài này sang đài khác. Không có kịch tình cảm xã hội, toàn là đua ngựa với bóng đá.
° ° °
“Đi ăn trưa đi,” gã bảo Ambrosio khi xe ngừng trong Plaza San Martín. “Một tiếng rưỡi nữa quay lại.”
Gã vào quầy rượu ở Khách sạn Bolívar và ngồi gần cửa. Gã gọi một cốc rượu gin 1 và hai gói Inca. Bàn bên cạnh có ba ông đang nói chuyện và gã nghe câu được câu chăng những chuyện đùa họ đang kể. Gã đã hút hết một điếu và cốc rượu đã vơi khi gã nhìn qua của sổ thấy ông đang băng ngang Colmena.
“Tôi xin lỗi đã làm anh đợi,” Don Fermín nói. “Tôi chơi cờ, và Landa, anh biết ông Nghị sĩ ấy mà, ông ấy hễ đã nắm con xúc xắc trong tay là không bao giờ buông ra. Landa vui lắm, vụ đình công ở Olave đã được dàn xếp.”
“Ông từ Club Nacional đến à?” gã hỏi. “Các ông bạn đầu sỏ chính trị của ông không bày mưu tính kế gì chứ?”
“Chưa.” Don Fermín mỉm cười, và chỉ cốc rượu, bảo người bồi một cốc cùng loại. “Ho hen gì vậy, anh bị cảm à?”
“Thuốc lá,” gã nói, lại hắng giọng. “Ông thế nào? Cậu con trai hư hỏng của ông còn làm ông nhức đầu không?”
“Thằng Nổ hả?” Don Fermín bốc một nắm đậu phụng. “Không, nó đứng đắn ra rồi và biết cư xử ở văn phòng. Đứa làm tôi lo bây giờ là đứa thứ hai.”
“Cậu ta cũng thích ăn chơi à?” gã hỏi.
“Nó muốn tới cái ổ rắc rối San Marcos thay vì Đại học Công giáo.” Don Fermín nhấm nháp rượu, tỏ cử chỉ khó chịu. “Nó nói xấu các linh mục, giới quân nhân, đủ mọi thứ, chỉ để làm mẹ nó và tôi giận.”
“Tụi con trai đứa nào cũng có một chút nổi loạn,” gã nói. “Tôi nghĩ hồi xưa thậm chí tôi cũng vậy.”
“Tôi không hiểu nổi, Don Cayo,” Don Fermín nói, trở nên nghiêm nghị. “Hồi trước nó là đứa rất đúng mực, nó luôn có điểm cao nhất, thậm chí còn ngoan đạo. Rồi bây giờ nó không tin gì hết, toàn theo ý bốc đồng của nó. Tôi chỉ còn đợi nó hóa ra một đứa cộng sản, một đứa vô chính phủ, đại loại như vậy.”
“Khi ấy cậu ta bắt đầu làm tôi nhức đầu.” Gã mỉm cười. “Nhưng này, nếu tôi có đứa con trai tôi nghĩ tôi thà cho nó học ở San Marcos còn hơn. Ở đó có nhiều thứ mình không vừa lòng, nhưng nó đúng là đại học hơn, ông không nghĩ vậy sao?”
“Chẳng phải chỉ vì họ chơi trò chính trị ở San Marcos,” Don Fermín nói với vẻ lơ đãng. “San Marcos còn mất thế đứng nữa, không còn như trước. Bây giờ chỗ đó là ổ của tụi lai. Thằng Ròm quen biết với loại người gì ở đó không biết?”
Gã nhìn ông không nói và thấy ông chớp mắt rồi cúi xuống, lúng túng.
“Không phải tôi chống những người có hai dòng máu.” Mày hiểu đấy chứ, đồ chó đẻ. “Ngược lại, tôi luôn luôn rất dân chủ. Nhưng tôi muốn Santiago có một tương lai xứng đáng với nó. Và ở nước này tất cả vẫn là vấn đề quen biết, anh biết đấy.”
Họ uống xong, gọi đợt hai. Chỉ có Don Fermín nhặt đậu phụng, ô liu, khoai chiên. Gã uống và hút thuốc.
“Tôi thấy có một vụ đấu thầu mới, một khúc đường mới của Xa lộ Liên Mỹ,” gã nói, “Công ty của ông cũng tham dự chứ?”
“Chúng tôi bây giờ đã bận hết sức với đường Pacasmayo rồi,” Don Fermín nói. “Đôi khi cắn miếng to là nhai mắc nghẹn. Phòng bào chế làm mất nhiều thời giờ của tôi, nhất là hiện giờ chúng tôi bắt đầu thay các dụng cụ cũ. Tôi muốn thằng Nổ học và đỡ bớt một số việc cho tôi trước khi tôi mở rộng công ty xây dựng.”
Họ nói lan man về dịch cúm, vụ Aprista ném đá vào Tòa Đại sứ Peru ở Buenos Aires, mối đe dọa đình công ở hãng dệt, thời trang váy dài hay váy ngắn, cho đến khi cốc rượu cạn.
° ° °
“Inocencia nhớ cháu thích món tôm hầm nên bà nấu cho cháu món ấy.” Bác Clodomiro nháy mắt với hắn. “Tội nghiệp bà cụ không nấu ngon như trước nữa. Bác định đưa cháu đi ăn hiệu, nhưng bác để tùy ý bà cho bà khỏi buồn.”
Bác Clodomiro rót cho hắn một ly vermouth 2 . Căn chung cư nhỏ của ông ở Santa Beatriz thật gọn, thật sạch, cụ Inocencia thật giỏi, Zavalita. Cụ đã nuôi cả hai, cụ dùng cách đối xử quen thuộc với họ, một lần cụ kéo tai ông già của cháu trước mặt cháu: lâu lắm rồi mày mới đến gặp anh mày, Fermín. Bác Clodomiro nhấp một ngụm rồi lau môi. Thật gọn gàng, luôn luôn mặc áo gi lê, cổ và tay áo sơ mi được hồ cứng, cặp mắt nhỏ của ông sinh động, dáng ông nhỏ, lảng tránh, bàn tay ông bồn chồn. Hắn nghĩ: bác có biết không, bác có thể biết không? Nhiều tháng, nhiều năm mày đã không đến gặp ông, Zavalita. Mày phải đến, mình phải đến.
“Ông có nhớ bác Clodomiro lớn hơn papa bao nhiêu tuổi không, Ambrosio?” Santiago hỏi.
“Cháu không nên hỏi tuổi của người già.” Bác Clodomiro cười. “Năm tuổi, Ròm. Fermín năm mươi hai, vậy nếu cháu tính ra thì bác sắp sáu mươi rồi.”
“Nhưng ba cháu nom già hơn,” Santiago nói. “Bác vẫn giữ vẻ trẻ trung, thưa bác.”
“Ôi dào, bác đây mà gọi là trẻ đấy.” Bác Clodomiro mỉm cười. “Có lẽ vì bác chưa bao giờ cưới vợ. Rốt cuộc cháu đã đi thăm bố mẹ cháu chưa?”
“Chưa, thưa bác,” Santiago nói. “Nhưng cháu sẽ đi, cháu hứa với bác là cháu sẽ đi.”
“Lâu lắm rồi, Ròm, quá lâu rồi,” bác Clodomiro quở trách hắn với cặp mắt tươi sáng. “Bao nhiêu tháng rồi? Bốn tháng, năm tháng?”
“Bố mẹ sẽ làm ầm ĩ với cháu, mama sẽ la lối bắt cháu về.” Hắn nghĩ: sáu tháng rồi. “Cháu sẽ không về, thưa bác, bố mẹ phải hiểu như vậy.”
“Nhiều tháng không gặp bố mẹ cháu, anh em cháu dù sống trong cùng thành phố.” Bác Clodomiro lắc đầu không tin. “Nếu cháu là con của bác, bác sẽ đi tìm cháu, bác sẽ đánh đòn cháu vài cái rồi đem cháu về nhà ngay hôm sau.”
Nhưng ông không đi tìm mày, Zavalita, hay đánh đòn mày, hay bắt mày về. Tại sao, papa?
“Bác không muốn khuyên cháu, bây giờ cháu là người lớn rồi, nhưng cháu cư xử không đúng, Ròm. Muốn sống một mình là đủ điên rồi, nhưng dù sao thì. Còn không chịu nhìn bố mẹ là sai, Ròm. Cháu làm Zoila cuống quýt cả lên. Và mỗi lần ba cháu đến hỏi bác nó ra sao, nó làm gì, bác thấy ba cháu càng thiểu não hơn.”
“Nếu ba đến tìm cháu thì cũng chẳng được việc gì,” Santiago nói. “Ba có thể dùng vũ lực bắt cháu về nhà một trăm lần rồi cháu sẽ lại bỏ nhà một trăm lần.”
“Ba cháu không hiểu, bác không hiểu,” bác Clodomiro nói. “Cháu bực mình vì ba đưa cháu ra khỏi Tổng nha Cảnh sát à? Cháu muốn ba để mặc cháu bị nhốt với tụi điên khác à? Chẳng phải ba cháu luôn luôn chiều ý cháu sao? Chẳng phải ba cháu đã chiều chuộng mà làm hư cháu hơn Teté, hơn Nổ? Nói thật với bác xem nào, Ròm, Cháu cưỡng lại Fermín vì việc gì?”
“Chuyện khó giải thích, thưa bác. Lúc này cháu không nên về nhà là tốt hơn. Một thời gian ngắn nữa cháu sẽ đi, cháu hứa.”
“Đừng vớ vẩn nữa,” bác Clodomiro nói. “Cả Zoila lẫn Fermín đều không phản đối cháu làm ở La Crónica. Điều duy nhất làm ba má lo lắng là cháu sẽ bỏ học vì cháu đi làm. Ba má không muốn cả đời cháu chỉ là một kẻ làm công ăn lương như bác.”
Ông mỉm cười không có vẻ cay đắng, rồi lại rót đầy hai cốc rượu. Giọng mỏi mòn của Inocencia nói món hầm sắp xong, và bác Clodomiro trìu mến lắc đầu, tội nghiệp bà cụ gần như lòa rồi, Ròm ạ.
° ° °
Thật sống sượng, thật trơ tráo, Gertrudis Lama nói, lại còn đi tìm mày sau những chuyện gã đã hại mày? kinh tởm. Và Amalia nói kinh tởm.
Nhưng gã như vậy, ngay từ đầu gã đã là như vậy. Và Gertrudis: mày nói gì, gã như thế nào? Gã cứ từ từ, gã làm mọi việc thành ra bí ẩn. Gã tìm cớ vào buồng chứa thức ăn, vào các phòng, ra sân khi có mặt Amalia. Thoạt tiên gã không nói gì với chị bằng miệng, nhưng gã nói bằng mắt, và chị sợ là Señora Zoila hay bọn trẻ con hiểu ra và chú ý tới mấy cái nhìn. Lâu lắm gã mới lấy được can đảm để nói linh tinh với chị, và Gertrudis gã nói linh tinh cái gì? em đẹp và trẻ, em có khuôn mặt xuân thì, và chị hoảng sợ vì đó là lần đầu tiên chị đi làm. Nhưng dù vậy, chẳng bao lâu chị bình tĩnh. Gã có thể sống sượng, nhưng gã thông minh, hay đúng hơn là một tên chết nhát: gã sợ người trong nhà hơn tôi sợ, Gertrudis. Thậm chí gã không để bị các gia nhân khác bắt gặp, gã trêu chị, nhưng khi bà bếp hay có người làm kia xuất hiện là gã cuốn gói. Nhưng khi chỉ một mình họ, gã sẽ đi từ miệng sang bàn tay ve vãn, và Gertrudis cười còn mày làm sao? Amalia sẽ tát gã, một lần tát rất mạnh. Em làm gì anh chịu hết, em đánh anh giống như hôn, gã nói dóc như vậy, Gertrudis. Gã xoay xở để có cùng ngày nghỉ với chị, tìm ra nơi chị ở, và một hôm Amalia thấy gã đi tới đi lui trước nhà bà dì của chị ở Surquillo, còn mày ở trong mừng rỡ nhìn trộm nó, Gertrudis cười. Không, bực mình. Gã được lòng bà bếp và con nhỏ người làm kia, họ nói ảnh cao ghê, khỏe ghê, khi gã mặc đồng phục xanh họ rùng mình và dậm dật như vậy. Nhưng chị thì không, Gertrudis, đối với Amalia thì gã cũng giống như mọi người khác. Gertrudis nói nếu không vì vẻ bề ngoài của nó thì làm sao nó bắt được mày. Chắc vì mấy món quà gã hay giấu trong giường chị. Lần đầu tiên gã đến rồi bỏ một gói nhỏ trong tạp dề của chị, chị trả lại mà không mở, nhưng sau đó – đồ ngu, phải không Gertrudis? – chị nhận, và ban đêm chị nghĩ không biết hôm nay gã cho mình cái gì. Gã hay để quà dưới chăn, trời biết gã vào phòng lúc nào, một cái vòng đeo tay, mấy chiếc khăn tay, Gertrudis nói vì vậy mày là bồ của nó rồi. Chưa. Một hôm khi dì chị không có nhà ở Surquillo, gã xuất hiện, chị đi ra – đồ ngu, phải không? Họ tán gẫu ngoài đường, ăn đá lạnh với nhau, và tuần sau, vào ngày chị nghỉ, họ đi xi nê. Ở đó hả? Gertrudis hỏi. Ừ, chị để gã ôm chị, hôn chị. Từ đấy chắc gã nghĩ gã có quyền hay gì đó, gã thử lợi dụng lúc họ một mình, Amalia phải bỏ chạy. Gã ngủ bên cạnh nhà để xe, phòng gã lớn hơn phòng các cô người làm, có buồng tắm riêng và đủ thứ, rồi một đêm, và Gertrudis hỏi cái gì, cái gì. Chủ nhà đi vắng, cô Teté và cậu Santiago có lẽ đã ngủ, cậu Nổ đã mặc đồng phục về lại Trường Hải quân – cái gì, cái gì – và chị, tôi thật ngu, đã nghe lời gã, con ngốc đã đi tới phòng gã. Tự nhiên thôi, gã lợi dụng, và Gertrudis nói vậy là ở đó, chết vì cười. Gã làm chị khóc, Gertrudis ạ, cảm thấy đủ thứ sợ, đủ thứ đau. Nhưng cũng đêm hôm đó Amalia đã bắt đầu thất vọng, cũng đêm hôm đó gã đã làm nhục chị, và Gertrudis hahaha, hahaha, và Amalia đừng vớ vẩn, không phải vì vậy, đừng nghĩ bậy, chị làm tôi xấu hổ. Vậy thì mày thất vọng vì cái gì? Gertrudis hỏi. Họ đã tắt đèn, nằm trên giường, gã an ủi chị, nói dóc với chị, gã không hề nghĩ gã sẽ thấy tôi là gái trinh, hôn hít chị, rồi họ nghe có tiếng nói ở cửa, chủ đã về nhà. Gertrudis thấy đó, vì vậy đó Gertrudis. Làm sao chị có thể lâm vào tình cảnh đó, làm sao? Cái gì, hồi nào. Hai tay gã ướt mồ hôi, trốn đi, trốn đi, và gã đẩy chị, chui xuống gầm giường, đừng nhúc nhích, gã sợ muốn khóc, một thằng bự con như gã, Gertrudis, im đi, rồi gã bỗng bịt miệng chị một cách giận dữ, làm như tôi sắp hét lên hay sao ấy, Gertrudis. Chỉ đến khi họ nghe chủ nhà băng qua vườn vào trong nhà gã mới buông chị ra, rồi khi đó gã mới giả vờ, vì em, để họ không bắt được em, mắng chửi em, đuổi em. Và nói họ phải rất cẩn thận, Señora Zoila nghiêm lắm. Hôm sau chị cảm thấy lạ lùng làm sao, Gertrudis, cứ thấy muốn cười, cảm thấy buồn, vui, và xấu hổ khi chị bí mật đi giặt vết máu trên mấy tấm trải giường, ồ tôi không biết tại sao tôi kể cho chị mấy chuyện này, Gertrudis. Và Gertrudis: vì mày đã quên Trinidad rồi, nhỏ ơi, vì bây giờ mày đang chết vì thằng Ambrosio đó một lần nữa, Amalia.
° ° °
“Sáng nay tôi gặp tụi Mẽo,” cuối cùng Don Fermín nói. “Họ tệ hơn cả Thánh Thomas. Họ đã có mọi bảo đảm an ninh, nhưng họ cứ đòi nói chuyện với anh, Don Cayo.”
“Chung quy là vấn đề mấy triệu thôi,” gã nói một cách rộng lượng. “Họ sốt ruột là có lý.”
“Tôi không bao giờ hiểu được tụi Mẽo, anh không thấy họ có vẻ giống tụi con nít hay sao?” Don Fermín nói cũng với giọng thản nhiên, hầu như lãnh đạm. “Hơi mọi rợ nữa. Họ gác chân lên bàn làm việc, cơi áo ngoài bất cứ ở đâu. Mấy người tôi nói chuyện đâu phải vô danh tiểu tốt gì, tôi nghĩ là toàn nhân vật quan trọng. Đôi khi tôi cảm thấy muốn cho họ cuốn sách của Carreño về phép xã giao.”
Gã nhìn ra cửa sổ phía Colmena thấy mấy chiếc xe điện đang chạy tới lui, lắng nghe tiếng đùa cợt bất tận của mấy ông bàn bên cạnh.
“Toàn bộ đã sắp đặt xong,” gã bỗng nói. “Tối hôm qua tôi ăn tối với Bộ trưởng Phát triển. Giá trúng thầu sẽ đăng trên Công Báo vào thứ Hai hay thứ Ba. Nói với các bạn ông là họ đã trúng hợp đồng, họ ngủ yên được rồi.”
“Người chung vốn với tôi, không phải bạn tôi,” Don Fermín mỉm cười phản đối. “Anh làm bạn với tụi Mẽo liệu có được không? Chúng ta không giống với tụi thô bỉ đó, Don Cayo.”
Gã không nói gì. Hút thuốc, gã đợi Don Fermín đưa tay tới cái đĩa nhỏ đựng đậu phụng, đưa cốc gin lên miệng, uống, lau môi bằng miếng khăn giấy rồi nhìn vào mắt gã.
“Có đúng là anh không muốn mấy cổ phần đó không?” Ông nhìn gã ngoảnh mắt đi, chợt chú ý tới cái ghế trống đối diện gã. “Họ có đòi tôi thuyết phục anh, Don Cayo. Và thật vậy, tôi không biết tại sao anh không nhận nó.”
“Vì tôi không biết gì về chuyện làm ăn,” gã nói. “Tôi đã nói với ông là trong suốt hai mươi năm kinh doanh tôi chưa bao giờ làm được vụ nào khá cả.”
“Cổ phần phát cho người cầm nó, một thứ an toàn nhất, kín đáo nhất trên thế giới.” Don Fermín mỉm cười với gã một cách thân thiện. “Nó có thể bán với giá gấp đôi trong một thời gian ngắn, nếu anh không muốn giữ. Tôi hy vọng anh đừng nghĩ anh nhận mấy cổ phần đó là không thích đáng.”
“Từ lâu rồi tôi biết cái gì là thích đáng hay không thích đáng.” Gã mỉm cười. “Chỉ là nó có hợp với tôi hay không thôi.”
“Cổ phần sẽ không làm tốn của nhà nước một xu nào, chỉ tốn của tụi Mẽo thô bỉ thôi.” Don Fermín mỉm cười. “Anh đang ban ơn cho họ, và họ trả ơn anh là hợp lý. Mấy cổ phần đó giá trị hơn một trăm ngàn tiền mặt nhiều, Don Cayo ạ.”
“Tôi là người khiêm tốn, một trăm ngàn là quá lớn đối với tôi.” Gã lại mỉm cười, một trận ho làm gã ngưng nói một lúc. “Để họ cho ông Bộ trưởng Phát triển, ông ấy là doanh nhân. Tôi thì lấy cái gì tôi cầm và đếm được. Cha tôi là người cho vay tiền, Don Fermín, và ông ấy thường nói như vậy. Tôi thừa hưởng ý đó từ ông ấy.”
“Ôi dào, mỗi người có phận mình,” Don Fermín nói, nhún vai. “Tôi sẽ lo gửi tiền vào, hôm nay sẽ có chi phiếu.”
Họ im lặng một lúc cho đến khi người bồi tới dọn cốc và mang thực đơn ra. Don Fermín gọi món xúp nhẹ và cá, còn gã gọi bít tết và xà lách. Trong khi bồi đang dọn bàn, gã lơ đãng nghe Don Fermín nói về cách giảm cân mà không phải nhịn ăn đăng trong Selecciones del Reader’s Digest 3 tháng này.
° ° °
“Mọi người không bao giờ mời bác đến nhà,” Santiago nói. “Họ luôn luôn đối xử với bác như thể họ giỏi hơn bác.”
“Ôi dào, nhờ cháu bỏ nhà đi mà bây giờ bác với họ mới gặp nhau nhiều hơn.” Bác Clodomiro mỉm cười. “Dù cho chỉ vì lợi ích của họ, họ thường đến gặp bác để biết tin cháu. Không chỉ Fermín, cả Zoilita nữa. Đã đến lúc sự xa cách vô lý giữa họ và bác phải chấm dứt.”
“Sự xa cách ấy từ đâu đến, thưa bác?” Santiago hỏi. “Bọn cháu hầu như chẳng bao giờ gặp bác.”
“Từ sự ngu xuẩn của Zoilita,” như thể ông đang nói những lời dễ thương, hắn nghĩ, những thói điên rồ dễ thương của Zollita. “Ảo tưởng thượng lưu của mẹ cháu, Ròm. Tất nhiên, bác biết bà là một phụ nữ cao quý, một mệnh phụ từ trong máu. Nhưng bà luôn luôn xa cách với gia đình ta vì nhà ta nghèo và chẳng có dòng dõi gì. Bà tiêm nhiễm thói đó cho Fermín.”
“Và bác có thể tha thứ cho họ,” Santiago nói. “Papa cả đời xúc phạm bác vậy mà bác để yên.”
“Cha cháu rất sợ sự tầm thường,” Bác Clodomiro bật cười. “Chắc chú ấy nghĩ nếu chú ấy với bác gặp nhau thường thì chú ấy sẽ bị bác tiêm nhiễm. Chú ấy luôn luôn có tham vọng, từ ngày còn bé. Chú ấy luôn luôn muốn là một ông nào đó. Ôi dào, chú ấy phải như vậy, chuyện đó cháu chẳng trách ai được. Cháu nên hãnh điện nữa ấy chứ. Vì Fermín đã đạt được những cái chú ấy đang có bằng cách làm việc chăm chỉ. Gia đình Zoilita có thể đã giúp chú ấy sau đó, nhưng khi họ cưới nhau thì chú ấy đã có địa vị tốt. Trong khi bác của cháu chết dần chết mòn trong các chi nhánh tỉnh của Banco de Crédito.”
“Bác luôn luôn nói về bác như một người tầm thường, nhưng cháu không nghĩ trong thâm tâm bác thực sự tin như vậy,” Santiago nói. “Và cháu cũng không tin như vậy. Bác có thể không có tiền, nhưng bác sống một cuộc sống vừa ý.”
“Vừa ý không phải là hạnh phúc,” bác Clodomiro nói. “Điều mà cha cháu sợ cho đời bác, hồi trước bác thấy là vô cớ, nhưng bây giờ bác hiểu. Vì đôi khi bác chợt nghĩ thì thấy mình không thể tìm thấy một kỷ niệm quan trọng nào hết. Văn phòng, nhà, nhà, văn phòng. Những chuyện lắt nhắt vớ vẩn, những việc đều đều, thế thôi. Ôi dào, đừng để mình bị buồn nào.”
Cụ Inocencia vào gian phòng khách nhỏ: bữa ăn đã bày trên bàn, họ vào được rồi. Đôi dép của cụ, tấm khăn choàng của cụ, cái tạp dề quá lớn đối với thân hình bé nhỏ còi cọc của cụ, giọng nói mệt mỏi của cụ. Một đĩa tôm hầm đang bốc khói ở chỗ ngồi của hắn, nhưng ở chỗ của bác hắn chỉ có cà phê và một miếng bánh kẹp thịt.
“Buổi tối bác chỉ ăn được bấy nhiêu,” bác Clodomiro nói. “Nào, ăn ngay đi kẻo nguội.”
Thỉnh thoảng Inocencia đi vào nói với Santiago, thế nào, ngon không? Cụ nâng mặt hắn trong tay, cháu lớn lắm rồi, cháu là thanh niên giỏi giắn lắm rồi, và khi cụ đi ra, bác Clodomiro nháy mắt: tội nghiệp Inocencia, nồng hậu với cháu, với mọi người là thế, tội nghiệp bà cụ.
“Cháu tự hỏi tại sao bác Clodomiro của cháu không bao giờ lập gia đình,” Santiago nói.
“Tối nay cháu thả hết các câu hỏi của cháu ra,” bác Clodomiro nói, không cay đắng. “Ôi dào, bác sai lầm khi sống mười lăm năm ở các tỉnh, nghĩ là bằng cách ấy bác sẽ tiến thân nhanh hơn trong ngân hàng. Ở các thị trấn nhỏ ấy bác không thể tìm được cô nào thích hợp.”
“Đừng nhắng lên, ông ấy như thế thì đã sao?” Santiago nói. “Chuyện ấy có thể xảy ra ngay cả trong những gia đình tốt nhất, Ambrosio.”
“Và khi bác về đến Lima thì tình thế đổi ngược, các cô thấy bác chả đáng gì.” Bác Clodomiro cả cười. “Sau khi ngân hàng đuổi bác, bác phải làm lại từ đầu ở Bộ với đồng lương khốn khổ. Vì thế bác ở độc thân. Nhưng đừng nghĩ bác không có chuyện vui của bác đâu nhé cháu.”
“Khoan hẵng cháu, đừng đứng lên vội,” Inocencia gọi to từ bên trong. “Vẫn còn món tráng miệng.”
“Cụ không thấy hay nghe rõ nữa, thế mà tội nghiệp, cụ làm việc cả ngày,” bác Clodomiro thì thào. “Vài lần bác định tìm một cô để cụ có thể nghỉ ngơi. Tuyệt đối không, cụ nổi cơn tam bành, nói vậy là bác muốn tống khứ cụ đi. Cụ bướng như con lừa. Cụ sẽ lên thẳng thiên đàng, Ròm ạ.”
° ° °
Mày điên, Amalia nói, mình đã không tha thứ cho gã và sẽ không tha thứ, chị ghét gã. Certrudis hỏi họ có cãi nhau nhiều không? Không nhiều và thường cãi nhau vì gã là đứa hèn nhát, nếu gã không hèn thì họ đã hòa thuận lẫy lừng. Họ gặp nhau vào những ngày họ được nghỉ, đi xi nê, tản bộ, ban đêm chị sẽ đi chân đất băng qua vườn và ở lại với Ambrosio một giờ, hai giờ. Tất cả rất tốt đẹp, ngày cả các cô người làm khác cũng không nghi ngờ gì. Và Gertrudis: khi nào mày biết gã có con bồ khác? Buổi sáng chị thấy gã đang lau xe và nói chuyện với cậu Nổ. Amalia đang nhìn gã qua khóe mắt trong lúc chị cho quần áo vào chậu giặt, thì chị bỗng thấy gã bối rối và nghe gã nói với cậu Nổ: tôi ư, thưa cậu? Nói gì vậy, gã có thể thích con đó sao? có cho không gã cũng chẳng thèm, thưa cậu. Chỉ vào tôi, Gertrudis à, biết tôi đang lắng nghe. Amalia cảm thấy muốn buông rơi quần áo, chạy đến cào gã. Tối hôm ấy chị vào phòng gã chỉ để bảo gã là tôi nghe anh nói gì rồi, anh nghĩ anh là ai, tưởng Ambrosio sẽ xin tha thứ. Nhưng gã không, Gertrudis, gã không, không một chút nào: ê, thôi đi, cút ra khỏi đây. Chị lúng ta lúng túng trong bóng tối, Gertrudis. Chị không ra, tại sao anh đối xử với tôi như vậy, tôi đã làm gì, cho đến khi gã ra khỏi giường và đóng cửa. Tức lắm, Gertrudis, ghét cay ghét đắng. Amalia đã bắt đầu khóc, anh tưởng tôi không nghe anh nói gì với cậu ấy về tôi à? và bây giờ tại sao anh xua đuổi tôi, tại sao anh đối xử với tôi như vậy. Cậu ấy bắt đầu nghi ngờ, gã lắc vai chị, thật là dữ tợn, đừng bao giờ thò chân vào phòng tôi nữa, thật là tuyệt vọng, Gertrudis: đừng bao giờ nữa, hiểu chưa? cút ra khỏi đây. Tức giận, hoảng sợ, điên cuồng, gã ấn chị dựa vách tường. Không phải vì ông chủ và bà chủ, đừng tìm cớ, Amalia cố nói, anh có người khác, nhưng gã lôi chị ra cửa, đẩy chị ra rồi đóng cửa lại: đừng bao giờ nữa, hiểu chưa. Và mày vẫn tha thứ cho nó, và mày vẫn yêu nó, Gertrudis bảo, và Amalia nói chị điên à? Chị ghét gã. Con kia là ai? Chị không biết, chị chưa hề gặp nó. Xấu hổ, nhục nhã, chị chạy về phòng chị, khóc nức nở đến nỗi bà bếp thức giấc mà đi đến chị, Amalia phải giả vờ chị đang có kinh, nó thường làm tôi đau lắm. Rồi từ đó không bao giờ nữa? Không bao giờ nữa. Tất nhiên, gã đã cố thân thiện, để anh giải thích, mình vẫn đi chơi chung nhé, nhưng chỉ gặp nhau ở ngoài thôi. Đạo đức giả, đồ hèn, đồ nói láo, đồ chết tiệt, giọng Amalia cao lên và gã hoảng sợ dông mất. Gertrudis nói ít ra nó không làm mày có bầu. Và Amalia: tôi không nói với gã nữa cho tới sau này, mãi sau này. Họ đi ngang qua nhau trong nhà, gã chào và chị sẽ quay đầu đi chỗ khác, chào Amalia và chị làm như có con ruồi bay ngang. Có lẽ không phải là nó viện cớ, Gertrudis nói, có lẽ gã sợ họ bắt gặp tụi mày rồi đuổi cả hai, có lẽ gã không có con bồ nào khác. Và Amalia: chị nghĩ vậy hả? Bằng chứng là sau nhiều năm gã gặp mày ngoài đường rồi giúp mày tìm việc, Gertrudis nói, nếu không tại sao gã tìm mày, mời mày đi chơi. Có lẽ gã vẫn luôn yêu chị, có lẽ trong khi mày sống với Trinidad thì gã héo hon vì mày, nghĩ về mày, có lẽ gã thật sự hối tiếc về những gì gã đã làm với mày. Chị nghĩ vậy hả? Amalia nói, chị nghĩ vậy hả?
° ° °
“Anh mất khối tiền vì cái thái độ đó,” Don Fermín nói. “Thật vô lý khi anh hài lòng với số tiền nhỏ nhoi ấy, vô lý khi anh giữ tiền chết gí trong ngân hàng.”
“Ông vẫn cứ muốn tôi dự vào thế giới kinh doanh.” Gã mỉm cười. “Không, Don Fermín, tôi đã học bài học của tôi rồi. Không bao giờ lặp lại.”
“Mỗi lần anh kiếm được hai chục hay năm chục ngàn đồng, người khác kiếm gấp ba số đó,” Don Fermín nói. “Như vậy không công bằng, vì anh là người quyết định công việc. Còn phần kia, khi nào anh quyết định đem đầu tư vào gì đó? Tôi đã đề nghị với anh bốn hay năm thứ mà bất kỳ ai cũng sẽ nhảy vào.”
Gã nghe ông với nụ cười lịch sự trên môi, nhưng mắt gã chán ngắt. Miếng bít tết đã nằm trên bàn mấy phút mà gã chưa đụng đến.
“Tôi đã giải thích cho ông rồi.” Gã cầm dao nĩa lên, ngồi nhìn chúng. “Khi chính phủ này chấm dứt, tôi sẽ là người ôm bộ bát đĩa vỡ.”
“Vậy thì càng có thêm lý do để bảo đảm cho tương lai của anh,” Don Fermín nói.
“Mọi người sẽ nhảy xổ lên tôi, và kẻ đầu tiên là những kẻ trong chính quyền,” gã nói, chán nản nhìn miếng thịt, món xà lách. “Như thể nếu ném bùn lên tôi là họ giữ cho mình sạch. Tôi phải là thằng ngốc mới đầu tư một xu ở đất nước này.”
“Trời, hôm nay anh bi quan thật, Don Cayo.” Don Fermín đẩy chén xúp của ông sang một bên, người bồi mang món cá của ông đến. “Có người sẽ nghĩ là Odría sắp đổ bất cứ lúc nào.”
“Chưa,” gã nói. “Nhưng không có chính quyền nào tồn tại vĩnh viễn, ông biết điều đó. Vả lại, tôi không có tham vọng. Khi tất cả những việc này chấm dứt, tôi sẽ sống im lặng ở nước ngoài, để chết êm ả.”
Gã nhìn đồng hồ đeo tay, cố cắt vài miếng thịt. Gã uể oải nhai, nhấm nháp nước khoáng, rồi cuối cùng gã gọi người bồi mang đĩa đi.
“Tôi có hẹn với Bộ trưởng lúc ba giờ mà lúc này đã hai giờ mười lăm rồi. Mình không còn một chuyện nhỏ nào khác để thảo luận nữa sao, Don Fermín?”
Don Fermín gọi cà phê cho cả hai, mồi điếu thuốc lá. Ông rút một bao thư trong túi ra đặt lên bàn.
“Tôi đã chuẩn bị một bản đề nghị cho anh để anh có thể nghiên cứu lúc nhàn rỗi, Don Cayo. Một giấy chủ quyền đất ở vùng Bagua. Họ là các kỹ sư trẻ, năng động, không ngại công việc vất vả. Họ muốn mang bò vào, anh sẽ thấy. Đơn bị kẹt ở Bộ Nông nghiệp đã sáu tháng nay.”
“Ông đã ghi số đơn chưa?” Gã cất phong bì vào cặp mà không nhìn.
“Ghi cả ngày toàn bộ thủ tục này bắt đầu và tất cả các ban ngành đã đi qua,” Don Fermín nói. “Lần này tôi không lợi lộc gì trong vụ này. Họ là những người tôi muốn giúp. Bạn bè.”
“Tôi không thể hứa với ông điều gì nếu chưa xem qua,” gã nói. “Ngoài ra, tôi không quen nhiều ở Bộ Nông nghiệp. Dù sao đi nữa tôi cũng sẽ cho ông biết.”
“Tất nhiên, mấy anh chàng này sẽ chấp nhận các điều kiện của anh,” Don Fermín nói. “Tôi giúp họ chỉ vì tình bạn, nhưng anh chẳng có lý do gì để bị làm phiền không công vì những người anh không biết.”
“Tất nhiên,” gã nói mà không mỉm cười. “Tôi chỉ bị chính phủ làm phiền không công thôi.”
Họ im lặng uống cà phê. Khi người bồi mang giấy tính tiền đến, cả hai cùng rút ví ra, nhưng Don Fermín trả. Họ cùng đi ra Plaza San Martín.
“Tôi đoán anh rất bận với chuyến đi của Tổng thống đến Cajamarca,” Don Fermín nói.
“Vâng, hơi bận. Tôi sẽ gọi cho ông khi vấn đề này xong,” gã nói, bắt tay. “Xe tôi kia. Tôi sẽ gặp lại ông sau, Don Fermín.”
Gã vào xe, ra lệnh đi tới Bộ, nhanh. Ambrosio lái vòng Plaza San Martín, đến Parque Unviversitario, xuống Abancay. Gã xem qua bao thư Don Fermín vừa đưa gã, và thỉnh thoảng mắt gã quay đi, dán lên gáy Ambrosio: thằng lại cái không muốn con nó giao du với tụi lai, chắc hắn không muốn nó bị lây tính xấu. Chắc đó là lý do hắn mời bọn Arévalo hay Landa đến nhà hắn, mời cả tụi Mẽo mà hắn gọi là thô bỉ, mời mọi người trừ gã. Gã cười, lấy một viên thuốc trong túi và nhấm nước bọt trong miệng: chắc hắn không muốn vợ con hắn bị lây tính xấu.
° ° °
“Cháu đã hỏi bác cả đêm, bây giờ đến lượt bác,” bác Clodomiro nói. “Công việc của cháu ở La Crónica thế nào?”
“Bây giờ cháu đang học cách lượng định các bài viết của mình,” Santiago nói. “Lúc đầu bài cháu viết hoặc dài quá hoặc ngắn quá. Cháu cũng đã quen làm việc ban đêm và ngủ ban ngày.”
“Đó cũng là một điều làm Fermín kinh hãi,” bác Clodomiro nói. “Chú ấy nghĩ cháu sẽ đau ốm vì thời khóa biểu như vậy. Và cháu sẽ bỏ trường. Cháu có đến lớp thật chứ?”
“Không, cháu nói dối,” Santiago nói. “Từ khi bỏ nhà cháu không trở lại trường. Đừng kể với papa, thưa bác.”
Bác Clodomiro ngừng đung đưa trên ghế, hai bàn tay nhỏ nhắn của ông khua lên lo lắng, mắt ông ngạc nhiên.
“Đừng hỏi cháu tại sao, cháu cũng chẳng giải thích được,” Santiago nói. “Đôi khi cháu nghĩ là vì cháu không muốn gặp các bạn đã bị giữ lại ở Tổng nha Cảnh sát khi papa đưa cháu ra. Khi khác thì cháu biết không phải lý do ấy. Cháu không thích ngành luật, hình như nó ngớ ngẩn đối với cháu, cháu không tin nó, thưa bác. Tại sao cháu cần mảnh bằng cơ chứ?”
“Fermín nói đúng, bác đã làm hại cháu rất nhiều,” bác Clodomiro nói, buồn bã. “Bây giờ cháu có chút tiền trong túi nên cháu không muốn học.”
“Ông Vallejo bạn của bác chưa bao giờ kể cho bác là bọn cháu được trả lương bao nhiêu à?” Santiago cười. “Không, thưa bác, thực ra cháu không có tiền trong túi. Cháu có thời giờ, cháu có thể đến lớp. Nhưng nó lấn át cháu, chỉ nghĩ đến việc đi vào trường cũng làm cháu buồn mửa.”
“Cháu không thấy là cháu có thể phải sống cả đời như một người làm công ăn lương nhỏ mọn nữa à?” Bác Clodomiro lo lắng nói. “Một đứa như cháu, Ròm, thông minh như thế, học giỏi như thế.”
“Cháu không thông minh và cháu chẳng là trò giỏi, đừng lặp lại điều papa nói, thưa bác,” Santiago nói. “Thật ra là cháu hoang mang. Cháu biết cháu không muốn làm gì, nhưng cháu không biết cháu thích gì. Và cháu không muốn là luật sư hay giàu có hay là người quan trọng, thưa bác. Cháu không muốn là ở tuổi năm mươi cháu giống như papa, như bạn của papa. Bác hiểu được không, thưa bác?”
“Bác hiểu được là cháu loạn trí rồi,” bác Clodomiro nói, mặt ông phiền muộn. “Bác hối hận là đã gọi cho Vallejo, Ròm. Bác cảm thấy mình hoàn toàn chịu trách nhiệm.”
“Nếu cháu không đi làm ở La Crónica, cháu sẽ làm một việc khác,” Santiago nói. “Rồi kết quả vẫn như vậy.”
Có như vậy không, Zavalita? Không, chắc sẽ khác, chắc bác Clodomiro đáng thương chịu một phần trách nhiệm. Đã mười giờ, hắn phải về. Hắn đứng lên.
“Khoan đã, bác phải hỏi cháu một việc mà Zoilita cứ hỏi bác,” bác Clodomiro nói. “Mỗi lần gặp bác thím ấy cứ tra hỏi bác khủng khiếp. Ai giặt áo quần của cháu, ai khâu cúc cho cháu?”
“Bà ở nhà trọ lo cho cháu rất kỹ,” Santiago nói. “Mẹ cháu khỏi phải lo.”
“Còn những ngày nghỉ của cháu?” Bác Clodomiro hỏi. “Cháu gặp ai, cháu đi đâu? Cháu có đi chơi với bọn con gái không? Zoilita mất ngủ cũng vì việc ấy. Cháu có dan díu gì với một trong mấy đứa con gái ấy, những việc đại loại như vậy.”
“Cháu sẽ chẳng dan díu với ai, bác cứ bảo cho mẹ cháu yên tâm.” Santiago cười. “Bảo với mẹ là cháu tốt, cháu ngoan. Chẳng bao lâu cháu sẽ về gặp gia đình, cháu sẽ về thật đấy.”
Họ đi vào bếp và thấy Inocencia đang ngủ trên chiếc ghế đu của bà. Bác Clodomiro càu nhàu với bà, rồi cả hai giúp bà vào phòng trong lúc bà ngủ gật. Ở cửa ngoài bác Clodomiro ôm Santiago. Thứ Hai tuần sau cháu đến ăn tối chứ? Vâng, thưa bác. Hắn lên tắc xi trên Avenida Arequipa, và ở Plaza San Martín hắn tìm Norwin giữa đám bàn ghế trong Zela Bar. Anh ta vẫn chưa đến, và sau khi đợi một lát hắn đi gặp anh ở Jirón de la Unión. Anh đang đứng ở cửa La Prensa nói chuyện với một biên tập viên khác của tờ Última Hora.
“Chuyện gì vậy?” Santiago hỏi. “Mình hẹn ở Zela lúc mười giờ phải không?”
“Nghề này là nghề khốn nạn nhất trên đời, tin chắc như vậy đi, Zavalita,” Norwin nói. “Họ lấy hết người viết của tôi, tôi phải tự mình viết trám. Có một vụ cách mạng, một vụ việc ngu xuẩn. Để tôi giới thiệu anh với Castelano, một đồng nghiệp.”
“Cách mạng?” Santiago hỏi. “Ở đây?”
“Một vụ đảo chính bất thành, đại khái như vậy,” Castelano nói. “Hình như Espina cầm đầu, ông tướng ấy hồi trước là Bộ trưởng Công an.
“Không có thông báo chính thức nào, và bọn khốn đó lấy người của tôi để đi đào bới chi tiết,” Norwin nói. “Ôi dào, kệ xác nó, mình đi uống vài ly đi.”
“Khoan đã, tôi muốn biết,” Santiago nói. “Đi với tôi đến La Crónica.”
“Họ sẽ bắt anh làm và anh sẽ mất ngày nghỉ của anh,” Norwin nói. “Mình cứ đi uống, rồi khoảng hai giờ mình sẽ ghé lại đó rủ Carlitos.”
“Nhưng chuyện xảy ra thế nào?” Santiago hỏi. “Tin tức ra sao?”
“Chẳng có tin tức gì, chỉ là đồn đãi,” Castelano nói. “Chiều hôm nay họ khởi sự bắt người. Họ nói là ở Cuzco và Tumbes. Nội các đang họp trong Dinh.”
“Người ta gọi tất cả phóng viên vào chỉ để làm cho họ khốn khổ thôi,” Norwin nói. “Họ sẽ không được đăng bất kỳ cái gì trong bất cứ trường hợp nào trừ bản thông báo chính thức, và họ biết như vậy.”
“Thay vì đến Zela tại sao mình không tới chỗ mụ Ivonne?” Castelano hỏi.
“Ai nói Tướng Espina có dính líu trong vụ này?” Santiago hỏi.
“Được rồi, tới Ivonne, rồi ở đó mình có thể gọi Carlitos đến gặp tụi mình,” Norwin nói. “Ở nhà thổ đó anh sẽ biết nhiều chi tiết về âm mưu này hơn ở La Crónica, Zavalita. Mà xét cho cùng thì quan trọng quái gì tới anh? Anh quan tâm đến chính trị lắm à?”
“Tôi chỉ tò mò thôi,” Santiago nói. “Vả lại tôi chỉ có bốn chục, mà chỗ của Ivonne đắt quá.”
“Làm việc cho La Crónica anh chẳng nên lo chuyện đó.” Castelano cười rộ. “Là đồng nghiệp của Becerrita, ở đó anh được ghi nợ không có giới hạn.”
——————————–