Ambrosio không ló mặt ở San Miguel suốt cả tuần kế tiếp, nhưng một tuần sau Amalia thấy gã đợi chị ở cửa hiệu của ông Tàu trên góc đường. Gã đã lẻn đi, chỉ một chốc lát, để gặp em, Amalia. Họ không cãi nhau, họ nói chuyện vui vẻ. Họ hẹn nhau Chúa nhật. Trời ơi, em đã thay đổi, gã bảo chị khi gã ra về, em đẹp quá chừng.
Có thật là chị đẹp ra nhiều đến vậy không? Carlota bảo chị là chị có tất cả mọi thứ mà đàn ông thích, bà chủ trêu chị cũng những câu như vậy, đám cảnh sát ở khu phố đều mỉm cười, mấy anh tài xế của ông chủ đều nhìn, ngay cả anh làm vườn, anh bán hàng ở cửa hiệu thực phẩm và thằng bé bán báo thò lò mũi xanh cũng cứ tán tỉnh chị: có lẽ đúng. Ở trong nhà, chị tự nhìn mình trong mấy tấm gương của bà chủ, với ánh gian xảo trong mắt chị: ừ, đúng. Chị có da có thịt ra, chị mặc áo quần đẹp hơn, điều này nhờ bà chủ, bà ấy tốt quá. Bà cho chị mọi thứ bà không mặc nữa, nhưng không phải kiểu như là lấy nó đi cho khuất mắt tôi, mà với lòng yêu mến. Bộ váy đầm này không vừa tôi nữa, mặc thử xem, và bà chủ sẽ đi đến, phải nâng chỗ này cao lên, dúm một tí chỗ này vào, mấy cái tua này không hợp với chị. Bà luôn luôn bảo chị cọ sạch móng tay, chải đầu, giặt tạp dề, đàn bà mà không chịu tự săn sóc mình thì khổ thân. Không phải kiểu bà nói với gia nhân, Amalia nghĩ, bà khuyên mình như thể mình ngang hàng với bà. Một lần bà chủ đưa chị đi cắt tóc ngắn kiểu con trai, khi chị có mụn, bà tự tay bôi kem của bà thế là trong một tuần mặt chị đẹp và sạch ra, lần khác chị đau răng, bà tự đưa chị đến nha sĩ ở Magdalena, cho chị chữa răng, và không trừ tiền lương của chị. Señora Zoila có bao giờ đối xử với chị như thế, lo lắng cho chị như thế? Không ai như Señora Hortensia. Điều quan trọng nhất đối với bà là mọi thứ sạch sẽ, là phụ nữ phải xinh và đàn ông phải đẹp trai. Đó là điều đầu tiên bà muốn biết về một người nào, có xinh thế nọ thế kia không, ông ta nom ra sao? Và một điều chắc chắn là bà không bao giờ tha thứ cho ai xấu xí. Cái kiểu bà chế giễu cô Maclovia vì hàm răng thỏ của cô, ông Gumucio vì cái bụng của ông, một bà mà họ gọi là Paqueta vì cặp lông mi và móng tay và vú giả của bà ta, và Señora Ivonne vì bà ấy già. Bà và cô Queta chế giễu Sẽnora Ivonne quá! Tóc bà ấy nhuộm nhiều đến nỗi hói trụi, một lần hàm răng giả của bà ấy rơi ra lúc ăn trưa, mấy mũi tiêm làm bà ấy nhăn nheo hơn thay vì trẻ ra. Họ nói nhiều về bà đến nỗi Amalia tò mò, và một hôm Carlota bảo chị, bà ấy kìa, bà ấy là người đến chung với cô Queta. Chị đi ra để nhìn bà ấy. Họ đang dùng nước trong phòng khách. Señora Ivonne đâu có già hay xấu lắm, nói thế là không đúng. Và tao nhã thế kia, nữ trang thế kia, mọi thứ trên người bà lấp lánh. Khi bà ra về, bà chủ vào bếp: quên chuyện mụ già đã đến đây đi nhé. Bà giơ ngón tay doạ họ, cười: nếu Cayo biết bà ấy đến đây, tôi sẽ giết cả ba.
° ° °
Từ lối cửa gã thấy khuôn mặt nhỏ quắt queo của Tiến sĩ Arbeláez, gò má đỏ xương xẩu của ông, mắt kính trễ trên mũi.
“Xin lỗi tôi đến trễ, Tiến sĩ.” Bàn làm việc của mày quá to đối với mày, khốn kiếp. “Tôi có hẹn ăn trưa vì công việc, thứ lỗi cho tôi.”
“Anh đến đúng lúc, Don Cayo.” Tiến sĩ Arbeláez mỉm cười với gã mà không cảm xúc. “Xin mời ngồi. “
“Tôi nhận thư báo của ông hôm qua, nhưng tôi không đến sớm hơn được.” Gã kéo một chiếc ghế, đặt cái cặp của gã lên đầu gối. “Chuyến đi của Tổng thống đến Cajamarca làm mất hết thời giờ của tôi mấy ngày qua.”
Phía sau cặp kính, con mắt cận thị và thù nghịch của Tiến sĩ Arbeláez biểu đồng tình.
“Đó là một việc nữa tôi muốn chúng ta bàn tới, Don Cayo.” Ông mím miệng, không giấu vẻ khó chịu. “Hôm kia tôi đã yêu cầu Lozano cung cấp tin tức về việc chuẩn bị, và hắn bảo tôi là anh đã ban chỉ thị không được đưa cho ai.”
“Tội nghiệp Lozano,” gã nói ra vẻ thương hại. “Tôi chắc ông đã mắng anh ta một trận.”
“Không, không mắng,” Tiến sĩ Arbeláez nói. “Tôi đã ngạc nhiên đến nỗi không nghĩ gì tới mắng mỏ.”
“Lozano tội nghiệp có năng lực nhưng không sáng dạ lắm.” Gã mỉm cười. “Công tác chuẩn bị về an ninh vẫn còn đang được nghiên cứu, thưa Tiến sĩ, nó chẳng đáng làm ông mất thời giờ. Tôi sẽ cho ông biết mọi việc ngay khi chúng tôi hoàn tất các chi tiết.”
Gã châm một điếu thuốc. Tiến sĩ Arbeláez đưa gã cái gạt tàn. Ông đang nghiêm nghị nhìn gã, tay ông khoanh lại, giữa tấm lịch để bàn và bức ảnh chụp một phụ nữ tóc bạc với ba đứa nhỏ đang mỉm cười.
“Anh có thời giờ đọc thư báo không, Don Cayo?”
“Tất nhiên, Tiến sĩ. Tôi đã đọc rất kỹ.”
“Vậy chắc anh đồng ý với tôi,” Tiến sĩ Arbeláez khô khan nói.
“Tôi rất tiếc phải nói là tôi không đồng ý,” gã nói. Gã ho, xin lỗi và hút thêm một hơi. “Quỹ an ninh là bất khả xâm phạm. Tôi không thể cho phép cả mấy triệu đồng đó mất khỏi tay tôi. Xin ông hiểu tôi, tôi rất tiếc.”
Tiến sĩ Arbeláez đứng nhanh lên. Ông đi vài bước trước bàn làm việc, kính của ông nhảy nhót trên tay.
“Tất nhiên tôi trông đợi như vậy.” Giọng ông không nóng nảy, cũng không tức giận, nhưng ông tái đi thấy rõ. “Tuy nhiên, thư báo viết rõ, Don Cayo. Chúng ta phải thay thế tất cả xe tuần tiễu hư hỏng vì cũ, chúng ta phải bắt đầu công việc ở mấy đồn cảnh sát tại Tacna và Moquegua vì những chỗ đó hiện sắp sụm rồi, bất cứ ngày nào. Hàng ngàn thứ bị đình hoãn, lại còn các cảnh sát trưởng và trưởng khu đang làm tôi phát điên với các cú điện thoại và điện tín của họ. Anh muốn tôi lấy mấy triệu tôi đang cần ở đâu? Tôi đâu phải là phù thủy, Don Cayo, tôi đâu có làm được phép lạ.”
Gã gật đầu, rất nghiêm nghị. Tiến sĩ Arbeláez đứng trước mặt gã, đang chuyền cái kính đeo mắt từ tay này qua tay kia.
“Không có cách nào dùng các khoản khác của ngân sách sao?” gã nói. “Bộ trưởng Ngân khố…”
“Ông ấy không cho chúng ta thêm một xu nào nữa, anh biết chuyện đó rất rõ.” Tiến sĩ Arbeláez cao giọng. “Trong mỗi buổi họp nội các ông ấy đều nói chi tiêu của Bộ Công an quá cao, và anh đang giữ độc quyền một nửa kinh phí của chúng ta cho…”
“Tôi không độc quyền thứ gì, Tiến sĩ.” Gã mỉm cười. “An ninh cần tiền, ông muốn cái gì nữa. Tôi không thể làm việc nếu họ cắt quỹ an ninh của tôi đi một xu. Tôi rất tiếc, Tiến sĩ à.”
° ° °
Có những thứ việc lắt nhắt khác nữa, thưa ông, nhưng họ làm, chứ không phải Ambrosio. Tối hôm đó ông Lozano nói mình đi ra đi, gọi Hipólito, và Ludovico hỏi đi bằng xe chính phủ ạ, thưa ông? Không, đi chiếc Ford cũ. Về sau họ kể lại cho gã, thưa ông, và nhờ vậy Ambrosio biết ra: theo dõi mấy đứa, ghi lại ai đi vào nhà, bắt bọn Aprista khai những gì chúng biết, nhờ vậy Hipólito biết Ambrosio đã kể cho hắn bằng cách nào, thưa ông, hay có lẽ Ludovico tự bịa ra. Khi trời tối Ludovico đến nhà ông Lozano, lấy chiếc Ford, đón Hipólito, tụi nó đi xem phim hình sự ở Rialto, và lúc chín rưỡi chúng đợi ông Lozano ở Avenida España. Và mỗi thứ Hai đầu tháng tụi nó đi với ông Lozano để thu lệ phí hàng tháng, thưa ông, tụi nó nói ông ta bảo như vậy. Tất nhiên, ông ta đeo kính đen đi ra và ngồi thu lu trong ghế sau. Ông ta đưa thuốc lá cho chúng, nói đùa với chúng, về sau Hipólito bình phẩm rằng hồi nó làm cho ông ta tính tình ông ta thật là tử tế, và Ludovico nói mày sẽ nói vậy khi ông ấy bảo tụi mình làm cho ông ấy. Lệ phí hàng tháng, món tiền ông ta moi từ tất cả các nhà thổ và ổ hút ở Lima, khá mượt, đúng vậy không, thưa ông? Họ bắt đầu trên đường Chosica, căn nhà nhỏ ẩn sau quán ăn bán gà. Mày đi ra, ông Lozano bảo Ludovico, nếu không thằng Pereda sẽ giữ tao lại một tiếng để nghe chuyện của nó, và bảo Hipólito trong khi đó mình lái vòng vòng. Ông ta làm kín đáo, thưa ông, chắc ông ta nghĩ Don Cayo không biết gì, về sau khi Ludovico đi làm với Ambrosio, hắn kể cho Don Cayo để kiếm điểm với ông ấy thì mới hóa ra Don Cayo đã biết hết. Chiếc Ford nổ máy, Ludovico đợi cho nó biến mất rồi đẩy cổng mở ra. Có nhiều xe đang xếp hàng, tất cả chỉ để đèn đậu bật sáng, rồi vừa đi vừa va vấp mấy tấm cản xe trong khi cố nhìn mặt các cặp, hắn lại chỗ cánh cửa có tấm bảng. Vì có cái gì mà Don Cayo không biết, thưa ông. Một người bồi đi ra và nhận ra hắn, đợi một chút, và Pereda ra ngay, chuyện gì đây, ông Lozano đâu? Ông ấy bên ngoài, nhưng ông ấy đang vội lắm, Ludovico nói, vì vậy ông ấy không vào. Tao phải nói chuyện với ông ấy, Pereda nói, việc rất quan trọng. Nhờ đi chung với ông Lozano để thu lệ phí hàng tháng, Ludovico và Hipólito biết nghề đĩ điếm Lima, tụi nó nói ở đây mình là vua nghề đĩ, ông có thể tưởng tượng chúng lợi dụng tình thế ra sao, thưa ông. Họ bước tới cổng, đợi chiếc xe Ford, Ludovico lại ngồi sau tay lái, và Pereda lên phía sau: đi, ông Lozano nói, mình ở đây không được. Nhưng đứa hoang dại thật sự là Hipólito, thưa ông, Ludovico chủ yếu là có tham vọng: hắn muốn tiến thân, nghĩa là muốn một ngày nào đó họ đưa hắn vào biên chế. Ludovico lái xuống xa lộ và đôi lúc nhìn Hipólito còn Hipólito nhìn lại hắn như nói Pereda là một thằng bợ đít có tầm cỡ, mấy câu chuyện gã đang kể cho ông ta. Nhanh lên, tao không có thời giờ, ông Lozano nói, việc gì quan trọng vậy. Tại sao họ để hắn ép họ, thưa ông? Thằng ấy thằng nọ ghé qua đây tuần này, thưa ông, nó-tên-gì, hắn đưa một bà nào đó tới, và ông Lozano nói tao biết rất rõ là mày biết hết mọi người ở Peru, việc gì mà quan trọng? Vì không lẽ hắn không thấy là mấy ổ hút và nhà thổ đều được phép của Tổng nha sao, thưa ông? Pereda đổi giọng, và Ludovico và Hipólito nhìn nhau, bây giờ rên rỉ sẽ bắt đầu. Ông kỹ sư đã phải chi nặng lắm, thưa ông Lozano, tiền công, hóa đơn, tháng này họ không còn tiền mặt. Vì vậy hoặc là họ kiếm ra đủ tiền hoặc là ông rút giấy phép của họ hay phạt họ: họ không có cách nào khác, thưa ông. Ông Lozano gầm gừ và Pereda như cọng bún: nhưng ông kỹ sư không quên lời hứa của ông ấy, thưa ông Lozano, ông ấy đã để lại tấm chi phiếu ghi lùi ngày này, đâu có vấn đề gì phải không, ông Lozano? Và Ludovico và Hipólito như thể nói đây xin mời nghe chửi bới. Có vấn đề với tao, vì tao không nhận chi phiếu, ông Lozano nói, ông kỹ sư có hai mươi bốn tiếng để thu xếp vì ông ta sẽ bị đóng cửa; mình thả Pereda xuống, Ludovico. Và Ludovico và Hipólito nói thậm chí trong việc gia hạn thẻ căn cước của mấy con điếm nó cũng có phần chia chác, thưa ông. Trên đường về Pereda giải thích, viện cớ này cớ khác, và ông Lozano không nói một lời. Hai mươi bốn tiếng, Pereda, không hơn một phút, ông ta nói khi họ về tới nơi. Rồi sau đó: một thằng keo kiệt như nó làm tao sưng hòn dái. Và Ludovico và Hipólito như đang nói với nhau thằng Pereda làm tối nay mình mất vui, nó làm ông ấy nổi cáu với tụi mình. Đó là lý do Don Cayo nói nếu khi nào Lozano bỏ ngành cảnh sát, ông ta sẽ trở thành thằng ma cô, thưa ông: đấy mới là nghề thật của ông ta.
° ° °
Sáng thứ Bảy điện thoại reo hai lần, bà chủ tới trả lời song không có ai trên đường dây. Tụi nó chơi xỏ tao, bà chủ nói, nhưng buổi chiều điện thoại lại reo, Amalia a lô, a lô? và cuối cùng chị nhận ra giọng hoảng hốt của Ambrosio. Vậy ra anh là người gọi, chị vừa cười vừa bảo gã, chẳng có ai ở nhà, cứ nói. Gã không thể đi chơi với chị Chúa nhật này và cả Chúa nhật sau nữa, gã phải đưa Don Fermín đi Ancón. Không sao, Amalia nói, bữa khác vậy. Nhưng lại có sao, tối thứ Bảy chị thao thức không ngủ được. Chuyện đi Ancón có thật không? Chúa nhật chị đi chơi với María và Anduvia. Họ tản bộ trong Parque de la Reserva, mua kem và ngồi trên cỏ tán gẫu cho đến khi mấy ông lính đến và họ phải đi. Không thể là vì gã có hẹn hò với con nào khác chăng? Họ đi xi nê ở Azul; họ đang vui và cảm thấy an toàn, họ có ba người, họ để hai anh chàng mua vé cho họ. Không thể nào vào lúc này gã đang ở trong một rạp khác với ai chăng? Nhưng tới nửa phim thì hai thằng định lợi dụng, và các cô chạy ra khỏi Azul, hai thằng phía sau la trả tiền lại cho tụi tao, đồ lừa gạt! may mắn họ gặp một anh cớm đuổi tụi nó đi. Không thể là vì gã đã chán chuyện chị cứ nhắc đi nhắc lại cho gã là gã đã cư xử tệ ra sao chăng? Suốt tuần Amalia, María và Anduvia nói chuyện về hai thằng đó, rồi đứa này tới đứa kia đâm ra sợ, tụi nó sẽ đến, tụi nó đã tìm ra chỗ tụi mình sống, tụi nó sẽ giết mày, tụi nó sẽ giết, cười rũ rượi cho đến khi Amalia bắt đầu run và chạy về nhà. Nhưng ban đêm chị vẫn nghĩ như cũ: gã sẽ không đến gặp chị nữa chăng? Chúa nhật sau chị đi thăm Señora Rosario ở Mirones. Celeste đã bỏ đi với một thằng rồi ba ngày sau quay về một mình, mặt dài thưỡn. Señora Rosario nói hắn quất nó tới khi tóe máu, và nếu thằng đó làm nó có bầu tao sẽ giết nó. Amalia ở lại đến khi trời tối, cảm thấy trong hẻm buồn hơn bao giờ. Chị thấy mấy vũng nước đọng, hàng đàn ruồi, mấy con chó trơ xương, và chị ngạc nhiên nghĩ chị đã có lần muốn sống suốt đời trong hẻm sau khi đứa con nhỏ của chị và Trinidad chết. Tối hôm ấy chị thức giấc trước khi hừng sáng: mày thiết tha gì nếu gã không đến nữa, đồ ngu, càng tốt cho mày. Nhưng chị khóc.
° ° °
“Trong trường hợp đó tôi buộc phải gặp Tổng thống, Don Cayo.” Tiến sĩ Arbeláez đeo kính lên, khuy bạc lấp lánh trên cổ tay áo cứng của chiếc sơ mi. “Tôi đã cố giữ liên hệ tốt với anh, tôi chưa bao giờ yêu cầu anh giải thích chuyện tiền nong, tôi đã để Sở An ninh phớt lờ tôi hoàn toàn trong một ngàn việc. Nhưng anh đừng quên tôi là Bộ trưởng và anh dưới quyền tôi.”
Gã gật đầu, mắt gã dán chặt lên đôi giày. Gã ho, chiếc khăn tay che miệng gã. Gã ngửng mặt, như thể cam chịu một điều làm gã buồn.
“Ông sẽ phí thời giờ làm phiền Tổng thống,” gã nói hầu như rụt rè. “Tôi đã mạn phép giải thích vấn đề với ông ấy. Tất nhiên tôi không dám từ chối yêu cầu của ông mà không được Tổng thống ủng hộ.”
Gã thấy bàn tay ông nắm chặt, tuyệt đối bất động, nhìn gã với vẻ ghét cay ghét đắng ghê gớm và rõ rệt.
“Vậy là anh đã trình với Tổng thống.” Quai hàm ông run, môi ông, giọng ông. “Chắc chắn anh đã trình bày sự việc theo quan điểm của anh. Tất nhiên.”
“Tôi sẽ nói thẳng với ông, thưa Tiến sĩ,” gã nói, không mỉa mai, không quan tâm. “Tôi là Giám đốc An ninh vì hai lý do. Thứ nhất, vì Đại tướng yêu cầu tôi. Thứ hai, vì ông ấy chấp nhận các điều kiện của tôi: cho tôi tùy ý sử dụng tất cả số tiền cần thiết và không phải báo cáo việc làm của tôi cho bất cứ ai ngoại trừ cá nhân ông ấy. Ông thứ lỗi cho tôi đã nói thẳng, nhưng sự việc là như vậy.”
Gã nhìn Arbeláez, chờ đợi. Đầu ông quá to so với thân mình, cặp mắt nhỏ cận thị của ông từ từ nhìn kỹ gã, từng li từng tí. Gã thấy ông mỉm cười, vì cố gắng nên miệng ông biến dạng.
“Tôi không nghi ngờ công việc của anh, tôi biết là xuất sắc, Don Cayo.” Ông nói với vẻ giả tạo, hơi thở nặng nề, miệng ông mỉm cười, mắt ông đay nghiến gã không ngừng. “Nhưng có những vấn đề phải được giải quyết và anh phải giúp tôi. Ngân sách an ninh quá cao.”
“Vì chi tiêu của chúng ta quá cao,” gã nói. “Để tôi trình cho ông, thưa Tiến sĩ.”
“Tôi cũng tin chắc là anh dùng khoản tiền của anh với tinh thần trách nhiệm cao,” Tiến sĩ Arbeláez nói. “Chỉ là…”
“Chi phí để có các lãnh tụ nghiệp đoàn trung thành, mạng lưới chỉ điểm trong các khu lao động, đại học và hành chính.” Gã kể lể trong khi lấy một tập hồ sơ trong cặp ra đặt lên bàn. “Chi phí tổ chức mít tinh, chi phí để khám phá các hoạt động của kẻ thù của chính phủ ở đây và ở nước ngoài.”
Tiến sĩ Arbeláez không nhìn tập hồ sơ; ông vừa lắng nghe gã vừa mơn trớn khuy tay áo, cặp mắt nhỏ của ông vẫn từ từ căm ghét gã.
“Chi phí xoa dịu bọn bất mãn, những kẻ ganh tị, bọn tham vọng mỗi ngày mỗi đông lên ngay trong chính phủ,” gã kể lể. “Thanh bình không phải chỉ là vấn đề của dùi cui, Tiến sĩ à, nó cũng phải làm bằng tiền. Ông nhăn mặt và ông có quyền nhăn mặt. Tôi lo tất cả những việc bẩn thỉu này, ông thậm chí không phải biết đến. Cứ nhìn qua mấy hồ sơ này rồi sau đó cho tôi biết theo ông liệu ông có thể tiết kiệm mà không làm hại đến an ninh hay không.”
° ° °
“Nhưng ông có biết tại sao Don Cayo chịu để ông Lozano giở trò ma mãnh của ông ta ở các ổ hút và nhà thổ không, thưa ông?” Ambrosio hỏi.
Nói chưa xong đã làm liền, ông Lozano đã mất vui: đứa nào trong nước này cũng định khôn lỏi, đây là lần thứ ba thằng Pereda bày đặt chuyện chi phiếu. Ludovico và Hipólito, im lặng, nhìn nhau qua khóe mắt: tiên sư nó, làm như ông ấy mới sinh ra hôm qua. Tụi nó làm giàu bằng cách khai thác thú ăn chơi của người ta chưa đủ, tụi nó còn định bóc lột ông ta nữa. Tụi nó đừng hòng thoát, luật pháp sẽ thi hành với tụi nó, rồi coi mấy cái ổ hút đó đi đâu. Họ đã đến khu đang xây cất Claveles, họ đến nơi rồi.
“Đi ra, Ludovico,” ông Lozano nói. “Đem thằng Thọt ngoài đó lại cho tao.”
“Vì nhờ giao du với mấy ổ hút và nhà thổ, ông Lozano biết hết sự đời và các phép thần thông,” Ambrosio nói. “Ít ra hai đứa đó nói là như vậy. “
Ludovico chạy tới bức tường. Không có xếp hàng: xe cộ cứ chạy quanh khu phố cho đến khi một đứa đi ra, khi ấy họ sẽ đậu trước cổng, ra hiệu đèn, người ta sẽ mở cửa ra cho xe lái vào. Mọi thứ bên trong tối om; bóng các chiếc xe đi vào nhà để xe, tia sáng dưới các cánh cửa, hình dáng những người bồi mang bia.
“Ê, Ludovico,” Melequías Thọt nói. “Uống bia chứ?”
“Không có thời giờ, người anh em,” Ludovico nói. “Ông ấy đang đợi ngoài kia.”
“Ôi dào, tôi không biết chính xác họ tìm thấy gì, thưa ông,” Ambrosio nói. “Bà nào dối chồng và với ai, ông chồng nào dối vợ và với ai. Tôi hình dung đại khái như thế.”
Melequías khập khiễng đi tới vách tường rồi cởi áo ngoài, nắm cánh tay Ludovico: làm cây gậy cho tao để tao đi nhanh hơn, người anh em. Suốt trên đường tới Xa lộ Liên Mỹ hắn nói không ngừng, hắn luôn luôn như vậy, và vẫn cùng một chuyện: mười lăm năm trong ngành của hắn. Và không chỉ là một thằng làm phụ, Ludovico, mà trong biên chế, và kể về tụi côn đồ đã dùng dao cho cái cẳng của hắn đi đời dạo ấy.
“Và tin tức đó rất hữu ích cho Don Cayo, ông có nghĩ vậy không, thưa ông?” Ambrosio nói. “Biết chuyện riêng tư như vậy của người ta, ông ấy nắm họ trong lòng bàn tay, ông có nghĩ vậy không?”
“Mày nên cảm ơn tụi côn đồ đó, Melequías,” Ludovico nói. “Nhờ tụi nó mày mới có chỗ làm nhỏ nhoi êm ái này ngay đây để mày nhét đầy túi.”
“Mày đừng tin, Ludovico.” Ho nhìn xe cộ rì rào lướt qua trên Xa lộ Liên Mỹ, không thấy bóng dáng chiếc Ford. “Tao nhớ anh em trong nghề. Hy sinh, ừ, nhưng đời là vậy. Mày biết đó người anh em, mày cứ coi chỗ này như nhà bất cứ lúc nào mày muốn. Miễn tiền phòng, miễn tiền phục vụ, ngay cả miễn tiền rượu cho mày, Ludovico. Kìa, xe tới.”
“Hai đứa đó nghĩ ông Lozano tống tiền bằng tin tức ông ta nhận được từ ổ hút,” Ambrosio nói. “Nghĩ ông ta cũng được chia chác để thiên hạ có thể tránh rắc rối. Một người hợp với loại làm ăn đó, đúng không, thưa ông?”
“Tao hy vọng mày không đến kể lể cho tao chuyện buồn nào nữa, Thọt,” ông Lozano nói. “Vì tao đang bực.”
“Đâu có vậy,” Melequías Thọt nói. “Đây là bao thư gửi tới ông với lòng tôn kính của sếp, thưa ông Lozano.”
“Coi đó, vậy mới phải chớ.” Ludovico và Hipólito như thể muốn nói hắn đã làm ông ta hiền lại hết cỡ. “Còn chuyện kia, Thọt, đối tượng có xuất hiện ở đây không?”
“Ông ấy đến hôm thứ Tư,” Thọt nói. “Trong cùng chiếc xe như lần trước, thưa ông Lozano.”
“Tốt, Thọt,” ông Lozano nói. “Tốt lắm, Thọt.”
“Tôi có nghĩ vậy là xấu không à?” Ambrosio hỏi. “Ôi dào, thưa ông, về một mặt nào đó dĩ nhiên là xấu, đúng không? Nhưng việc cảnh sát, việc chính trị chẳng bao giờ sạch sẽ lắm. Làm việc với Don Cayo ông sẽ hiểu ra, thưa ông.”
“Nhưng có một rủi ro, thưa ông Lozano.” Ludovico và Hipólito: nó lại quấy ông ta. “Không, tôi không quên cách làm cho máy chạy, anh chàng ông gửi đến đã lắp đặt máy hoàn hảo. Chính tay tôi bật máy.”
“Vậy thì mấy cuộn băng đâu?” ông Lozano hỏi. “Hình ảnh đâu?”
“Mấy con chó ăn mất rồi, thưa ông.” Hipólito và Ludovico không nhìn nhau, tụi nó méo miệng, gù lưng. “Tụi nó ăn mất nửa cuốn băng, tụi nó xé mấy tấm hình. Cái gói để trên đầu tủ lạnh, thưa ông Lozano, mấy con chó…”
“Đủ rồi, Thọt, đủ rồi,” ông Lozano gầm lên. “Mày đâu có là thằng khờ, mày là cái gì khác, mày thật hết nước nói, Thọt. Mấy con chó hả? Mấy con chó ăn mất hả?”
“Mấy con chó bự khổng lồ, thưa ông,” Melequías Thọt nói. “Ông sếp nuôi chúng, mấy con chó đói, tụi nó ăn bất kỳ cái gì tụi nó gặp, thậm chí tụi nó ăn thịt người nếu ông ấy không coi chừng. Nhưng đối tượng chắc chắn sẽ trở lại và…”
“Đi gặp bác sĩ đi,” ông Lozano nói. “Phải có một loại chữa trị nào đó, thuốc tiêm, cái gì đó, phải có cách chữa cho chuyện ngu xuẩn như vậy. Mấy con chó, Jesus ơi, mấy con chó ăn mất. Thôi, Thọt. Đi đi, đừng tự trách mày, bây giờ cút đi. Tới Meiggs Extension, Ludovico.”
“Vả lại, không phải chỉ ông Lozano lợi dụng,” Ambrosio nói. “Don Cayo không lợi dụng sao, theo một cách khác? Hai đứa đó nói trong ngành mọi người trong biên chế đều nhận hối lộ cách này hay cách khác, từ cao nhất xuống tới thấp nhất. Vì vậy giấc mơ lớn của Ludovico là trở thành nhân viên trong biên chế. Ông đừng nghĩ ai cũng thành thật và đứng đắn như ông, thưa ông.”
“Lần này mày ra, Hipólito,” ông Lozano nói. “Để tụi nó bắt đầu biết mày, vì một thời gian nữa tụi nó sẽ không còn thấy cái mặt của Ludovico nữa.”
“Ông nói vậy là sao, ông Lozano?” Ludovico hỏi.
“Đừng giả ngây, mày biết quá rõ tại sao,” ông Lozano nói. “Vì mày sắp làm cho ông Bermúdez, đúng y như mày muốn phải không?”
° ° °
Giữa tuần sau, Amalia đang lau chùi mặt lò sưởi thì chuông reng. Chị đi mở cửa và gặp mặt Don Fermín. Đầu gối chị run, chị chỉ có thể lắp bắp chào.
“Don Cayo có nhà không?” Ông không đáp lời chào của chị, ông vào phòng khách hầu như không nhìn chị. “Làm ơn nói với ông ấy là Zavala đang ở đây.”
Ông không nhận ra mày, chị đoán, nửa sợ, nửa uất ức, và đúng lúc ấy bà chủ xuất hiện trên cầu thang; mời vào, Fermín, mời ngồi, Cayo đang trên đường tới, ông ấy vừa mới gọi, ông uống gì không? Amalia đóng cửa, lẻn vào buồng chứa thức ăn và nhìn trộm. Don Fermín đang xem đồng hồ đeo tay, mắt ông nôn nóng và mặt ông lo lắng, bà chủ mời ông một ly whiskey. Cayo bị chuyện gì vậy, ông ấy luôn luôn đúng giờ, tôi nghĩ ông không thích có mặt tôi, ông bồn chồn quá, bà chủ nói, tôi sắp giận đấy. Họ đối xử với nhau thân mật như vậy, Amalia sửng sốt. Chị đi ra cổng dành cho người làm, băng qua vườn, và Ambrosio đã đi hơi xa khỏi căn nhà. Gã chào chị với bộ mặt khiếp sợ: ông ấy thấy em không, ông ấy có nói chuyện với em không?
“Ông ấy thậm chí không nhận ra tôi,” Amalia nói. “Tôi thay đổi dữ vậy hả?”
“Vậy là tốt, vậy là tốt.” Ambrosio hít một hơi sâu như thể hồi sinh; gã lắc đầu, vẫn không yên, rồi nhìn căn nhà.
“Luôn luôn bí mật, luôn luôn sợ,” Amalia nói. “Tôi có thể thay đổi, nhưng anh vẫn vậy.”
Nhưng chị nói với một nụ cười để gã thấy chị không giận gã, thấy chị đang trêu, và chị nghĩ gặp gã mày mừng quá, đồ ngu. Lúc này Ambrosio cũng cười và hai tay gã ra hiệu cho chị hiểu là tụi mình thoát hiểm rồi, Amalia ơi. Gã lại gần chị và bất chợt gã cầm tay chị: Chúa nhật này họ đi chơi được không, họ có thể gặp nhau ở bến xe điện lúc hai giờ được không? Được, vậy thì Chúa nhật.
“Vậy là Don Fermín và Don Cayo lại làm bạn với nhau,” Amalia nói. “Vậy là bây giờ Don Fermín sẽ trở lại. Một ngày nào đó ông ấy sẽ nhận ra tôi.”
“Ngược lại, bây giờ họ đúng là kẻ thù,” Ambrosio nói. “Don Cayo đang phá chuyện làm ăn của Don Fermín vì ông ấy là bạn của ông tướng nào đó định làm cách mạng.”
Lúc gã đang kể cho chị thì họ thấy chiếc xe đen của Don Cayo quẹo ở góc đường, ông ta kìa, chạy đi, và Amalia quay vào nhà. Carlota đang đợi chị trong bếp, cặp mắt to của nó điên vì tò mò; có phải chị biết anh tài xế của ông đó không, họ nói chuyện gì, anh ta nói gì với chị, anh ta đẹp trai quá hả? Chị nói dối với nó, rồi bà chủ gọi chị: mang cái khay này lên phòng làm việc, Amalia. Chị đi lên, mấy cái ly và gạt tàn thuốc nhảy múa, run rẩy, chị nghĩ thằng ngốc Ambrosio đã lây cái sợ của gã cho chị, mình sẽ nói gì nếu ông ấy nhận ra mình. Nhưng ông không nhận ra chị: cặp mắt Don Fermín nhìn chị một giây mà không thấy chị rồi quay đi. Ông đang ngồi nhịp bàn chân, nôn nóng. Chị đặt khay lên bàn làm việc rồi đi ra. Họ đóng cửa nói chuyện riêng nửa tiếng. Họ tranh cãi, mày có thể nghe giọng họ trong bếp, lớn tiếng, và bà chủ vào đóng cửa buồng chứa thức ăn để họ khỏi nghe. Từ bếp chị thấy xe của Don Fermín ra về, khi ấy chị đi lên dọn khay. Bà chủ và ông chủ đang nói chuyện trong phòng khách. To tiếng thế, bà chủ nói, và ông chủ: đồ chuột bọ ấy định bỏ chạy khi hắn nghĩ tàu chìm, bây giờ hắn phải trả giá và hắn không thích thế. Ông ta có quyền gì gọi Don Fermín là chuột bọ? ông ấy là người đáng kính hơn và tử tế hơn ông ta, Amalia nghĩ. Ông ta chắc ganh tị với ông ấy, và Carlota hỏi mình, ai vậy, họ nói chuyện gì?
° ° °
“Tôi cũng nhận việc này vì Tổng thống yêu cầu tôi,” Tiến sĩ Arbeláez nói, dịu giọng, và gã nghĩ tốt, chúng ta làm hòa đi. “Tôi đang cố làm một số việc tích cực và…”
“Mọi việc tích cực trong bộ này là do ông làm, thưa Tiến sĩ,” gã nói một cách mạnh mẽ. “Tôi lo mặt tiêu cực. Không, tôi không nói đùa, đúng vậy. Tôi cam đoan với ông là tôi đang phục vụ ông rất nhiều, miễn cho ông khỏi phải làm gì liên quan tới công tác cảnh sát hàng ngày.”
“Tôi không có ý xúc phạm anh, Don Cayo,” cằm của Tiến sĩ Arbeláez không còn run nữa.
“Tôi không bị xúc phạm, thưa Tiến sĩ,” gã nói. “Tôi muốn cắt các khoản chi ấy trong ngân sách an ninh. Ngặt là tôi không thể. Chính ông sẽ thấy.”
Tiến sĩ Arbeláez cầm tập hồ sơ lên rồi đưa cho gã.
“Cầm lấy, anh không phải đưa cho tôi chứng từ, tôi tin anh mà không cần bằng chứng.” Ông cố mỉm cười, gần như không hé môi.
“Chúng ta sẽ tìm xem có cách gì để sửa mấy chiếc xe tuần tiễu và bắt đầu tu sửa ở Tacna và Moquegua không.”
Họ bắt tay, nhưng Tiến sĩ Arbeláez không đứng lên tiễn gã ra cửa. Gã đi thẳng đến văn phòng mình và Tiến sĩ Alcibíades theo gã vào.
“Ông Thiếu tá và Lozano vừa mới ra về, Don Cayo.” Ông đưa gã một bao thư. “Hình như có tin xấu từ Mễ Tây Cơ.”
Hai trang đánh máy, sửa bằng tay, ghi chú ngoài lề với nét chữ bồn chồn. Tiến sĩ Alcibíades đốt thuốc lá trong khi gã đọc, chậm rãi.
“Vậy là âm mưu đang thành hình.” Gã nới lỏng cà vạt, gấp mấy tờ giấy và cất lại vào bao thư. “Thiếu tá và Lozano có vẻ khẩn trương không?”
“Tụi Aprista hội họp ở Trujillo và Chiclayo, Lozano và ông Thiếu tá nghĩ nó có liên quan tới tin nhóm lưu vong đang chuẩn bị rời Mễ Tây Cơ,” Tiến sĩ Alcibíades nói. “Họ đi nói với Thiếu tá Paredes rồi.”
“Tôi hy vọng mấy con chim này về nước để mình có thể bắt chúng,” gã vừa nói vừa ngáp. “Nhưng chúng sẽ không về. Đây là lần thứ mười hay mười một rồi Tiến sĩ à, đừng quên. Nói với Thiếu tá và Lozano là ngày mai mình sẽ gặp nhau. Không vội.”
“Người từ Cajamarca gọi để xác nhận buổi họp lúc năm giờ, Don Cayo.”
“Ừ, tốt.” Gã lấy một bao thư trong cặp ra đưa cho ông. “Ông tìm hiểu xem vấn đề này ra sao? Nó là tờ giấy nhân quyền sở hữu đất ở Bagua. Đích thân ông làm, Tiến sĩ.”
“Làm ngay ngày mai, Don Cayo.” Tiến sĩ Alcibíades lật qua hồ sơ, gật đầu. “Vâng, thiếu bao nhiêu chữ ký, có báo cáo gì, tôi sẽ tìm. Được, Don Cayo.”
“Chẳng bao lâu mình sẽ nhận được tin là số tiền dành cho vụ âm mưu đã biến mất.” Gã mỉm cười, nhìn vào bao thư của Thiếu tá và Lozano. “Chẳng bao lâu bọn cầm đầu sẽ tố cáo nhau là phản bội và ăn cắp. Đôi khi mấy việc như vậy cứ xảy ra mãi làm ông chán, phải không?”
Tiến sĩ Alcibíades gậr đầu và lịch sự mỉm cười.
“Tại sao tôi nghĩ ông rất thật thà và đứng đắn ư?” Ambrosio hỏi. “Xin đừng hỏi tôi mấy câu khó như vậy, thưa ông.”
“Có thật là người ta sẽ bổ nhiệm tôi làm cho ông Bermúdez không, ông Lozano?” Ludovico hỏi.
“Mày vui tưng bừng kìa,” ông Lozano nói. “Việc đó mày thu xếp đâu vào đấy với thằng Ambrosio rồi phải không?”
“Tôi không muốn ông nghĩ là tôi không muốn làm với ông, thưa ông Lozano,” Ludovico nói. “Sự thể là thằng đen và tôi trở thành bạn thân, và nó cứ bảo tôi tại sao mày không xin thuyên chuyển và tôi nói không, tao thích làm với ông Lozano. Có lẽ Ambrosio tự nó xin, thưa ông.”
“Được rồi.” Ông Lozano bắt đầu cười. “Một bước tiến cho mày, và tao nghĩ mày muốn tiến thân cũng đúng.”
“Ồ, bắt đầu từ cách ông nói chuyện với người ta,” Ambrosio nói. “Ông không sỉ nhục người ta ngay khi họ quay lưng lại như Don Cayo. Ông không trịch thượng với ai, ông nói điều tốt về người ta, ông lịch sự.”
“Tao nói tốt về mày với Bermúdez,” ông Lozano nói. “Mày làm được việc, mày có gan, mọi thứ thằng đen nói về mày là đúng. Mày sẽ không giận tao. Mày biết, chỉ cần tao nói mày không phải thằng khá đâu là Bermúdez sẽ nghe lời cố vấn của tao. Vì vậy trong vụ lên chức này mày nợ tao cũng nhiều như nợ thằng bạn đen của mày.”
“Dĩ nhiên, thưa ông Lozano,” Ludovico nói. “Tôi không biết cách nào cám ơn ông, thưa ông. Tôi không biết cách nào trả ơn ông, tôi nói thật.”
“Tao biết cách,” ông Lozano nói. “Bằng cách ăn ở cho phải phép, Ludovico.”
“Ông cứ gọi là tôi đến, sẵn sàng theo lệnh ông bất cứ cái gì ông muốn, ông Lozano.”
“Và bằng cách cất cái lưỡi của mày vô túi nữa,” ông Lozano nói. “Mày chưa bao giờ đi với tao trong chiếc xe Ford, mày không biết tiền lệ phí hàng tháng là cái gì. Mày có thể trả ơn tao bằng cách đó, hiểu không?”
“Tôi thề là ông không cần phải bảo tôi điều đó, ông Lozano,” Ludovico nói. “Tôi thề là không cần thiết. Ông nghĩ tôi là cái gì?”
“Mày biết nếu một ngày nào đó mày muốn vào biên chế thì chuyện đó là tùy tao,” ông Lozano nói. “Hay nếu mày không bao giờ muốn vào biên chế, Ludovico.”
“Và cả cách ông đối xử với người ta nữa,” Ambrosio nói. “Thật thanh lịch, luôn nói điều tử tế với họ, những điều hiểu biết. Mỗi khi ông nói chuyện với người ta tôi đều nghe, thưa ông.”
“Hipólito và thằng Cigüeña Lai tới kìa,” Ludovico nói.
Bọn họ vào chiếc xe Ford, và Ludovico vui vì tin thuyên chuyển của hắn tới nỗi tao lái nhầm đường, về sau hắn kể cho Ambrosio vậy. Cigüeña Lai lặp lại mấy chuyện thường lệ của nó.
“Ống nước vỡ làm tốn nhiều tiền, thưa ông Lozano. Ngoài ra, tụi tôi càng ngày càng ít khách. Dân Lima không chơi bời nữa, tụi tôi sắp vỡ nợ rồi.”
“Ôi dào, nếu làm ăn bết bát như vậy thì mày sẽ không cự nự nếu ngày mai tao đóng cửa mày,” ông Lozano nói.
“Ông nghĩ mấy chuyện đó tôi bịa ra để khỏi phải trả lệ phí cho ông, thưa ông Lozano,” Cigüeña Lai phản đối. “Nhưng không bịa đâu, đây nè, ông biết chuyện này thiêng liêng đối với tôi. Tôi chỉ kể mấy chuyện rắc rối của tôi với ông như một người bạn, ông Lozano, để ông biết nó là rắc rối gì.”
“Và cả cách ông đối xử với tôi nữa,” Ambrosio nói. “Cách ông lắng nghe tôi, cách ông hỏi tôi, cách mình nói chuyện với nhau. Lòng tin ông đặt nơi tôi. Cả đời tôi đã thay đổi từ hồi tôi đến làm việc cho ông, thưa ông.”