Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 2 – Chương 7
Trước
image
Chương 17
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Chúa nhật, Amalia sửa soạn mất một tiếng, và ngay cả Símula luôn luôn khô khan cũng trêu chị Chúa nhân từ ơi, sửa soạn như vậy để đi chơi. Ambrosio đã có mặt ở bến xe điện khi chị đến nơi, gã bóp tay chị mạnh tới nổi Amalia xuýt xoa. Gã cười, vui vẻ, bộ vét xanh, sơ mi trắng toát như răng gã, chiếc cà vạt nhỏ có đốm đỏ và trắng: em cứ làm gã giật mình, Amalia, bây giờ gã vẫn đang tự hỏi em có cho anh leo cây không. Xe điện đến, vắng phân nửa, và trước khi chị ngồi xuống, Ambrosio rút khăn tay phủi bụi chỗ ngồi. Ghế sát cửa sổ cho hoàng hậu, gã vừa nói vừa cúi người thấp xuống. Phấn khởi nhỉ, gã thay đổi quá, và chị bảo gã: khi anh không sợ họ bắt gặp tôi với anh thì anh đổi khác. Và gã vui vì gã đang nghĩ tới mấy lúc khác, Amalia. Người soát vé nhìn họ, thích thú, với xấp vé cầm tay, và Ambrosio đuổi ông ta đi, hỏi ông cần gì chúng tôi nữa không? Amalia nói anh làm ông ấy sợ, và gã ừ, lần này không có ai chen vào giữa họ, ông soát vé không, anh thợ dệt không. Gã nghiêm nghị nhìn vào mắt chị: anh cư xử có tệ không, anh có bỏ theo bà nào khác không? Cư xử tệ là khi bỏ người đàn bà của mình để theo đứa khác, Amalia, mình cãi nhau vì em không hiểu anh đang yêu cầu em điều gì. Giá chị đừng bông lông quá, đừng hợm quá thì lẽ ra họ đã có thể tiếp tục gặp nhau bên ngoài, rồi gã định quàng tay qua vai chị nhưng Amalia gỡ ra: buông tôi ra, anh cư xử tệ, và có tiếng cười. Xe điện đã đầy người. Họ im lặng một lúc rồi gã đổi đề tài: họ sẽ ghé qua gặp Ludovico một phút, Ambrosio phải nói chuyện với hắn, rồi họ sẽ đi riêng và làm bất kỳ cái gì Amalia muốn. Chị kể cho gã là Don Cayo và Don Fermín to tiếng trong phòng làm việc, và sau đó ông chủ nói Don Fermín là đồ chuột bọ. Ông ta là đồ chuột thì đúng hơn, Ambrosio nói, đã là bạn bè thân như vậy, vậy mà bây giờ ông ta đang định phá sập tiệm mấy vụ làm ăn của ông ấy. Vào tới nội thành họ lấy xe buýt đến Rímac và đi bộ hai dãy phố. Đây rồi, Amalia, trên Calle Chiclayo. Chị đi theo gã đến cuối một hành lang, thấy gã rút chìa khóa ra.

“Anh nghĩ tôi điên hả?” chị nói, nắm cánh tay gã. “Bạn anh đâu có ở đây. Chỗ này trống trơn.”

“Ludovico sẽ tới sau,” Ambrosio nói. “Mình nói chuyện trong lúc đợi nó.”

“Mình vừa đi vừa nói,” Amalia nói. “Tôi không vào đó.”

Họ cãi nhau trong sân lát đá lầy lội, bọn trẻ con ngưng chạy chơi đến nhìn họ, cho tới khi Ambrosio mở cửa rồi bắt chị đi vào, vừa đẩy chị vừa cười. Amalia thấy mọi thứ tối om vài giây cho đến khi Ambrosio bật đèn.

° ° °

Gã rời văn phòng lúc năm giờ kém mười lăm, và Ludovico đã ở trong xe, ngồi bên cạnh Ambrosio. Tới Paseo Colón, Club Cajamarca. Gã im lặng và nhắm mắt suốt quãng đường, ngủ nữa, ngủ nữa. Ludovico tháp tùng gã đến cửa câu lạc bộ: hắn có nên vào không, Don Cayo? Không, đợi ở đây. Khi lên thang lầu gã thấy một thân hình cao lớn xuất hiện trên đầu thang, cái đầu bạc của Nghị sĩ Heredia, và gã mỉm cười: có lẽ bà Heredia ở đây. Họ đã đến đủ cả, gã bắt tay Nghị sĩ, đi đúng giờ là phép lạ đối với dân Peru. Gã vào, buổi họp tổ chức trong phòng tiếp tân. Đèn sáng, các tấm gương có khung mạ vàng trên những bức tường cổ xưa, các bức ảnh mấy cụ già run lẩy bẩy có ria mép, đám đàn ông túm tụm nhau, ngưng thì thầm khi thấy họ vào: không, không có bà nào. Các đại biểu tiến đến, họ giới thiệu gã cho nhau: tên và họ, bắt tay, ông khỏe chứ, chào ông, gã nghĩ bà Heredia và Hortensia, Queta, Maclovia? gã nghe xin tùy ý ông, rất vui, và gã thoáng thấy các bộ gi lê cài cúc, cổ áo cứng, khăn tay thẳng đứng thò ra khỏi túi áo ngoài, các gò má hồng hào, và những người bồi mặc áo khoác trắng mời thức uống, món khai vị. Gã nhận một ly nước ngọt có vị cam và nghĩ thật là đạo mạo, thật trắng, những bàn tay được chăm sóc rất kỹ này, những cung cách của một phụ nữ quen ra lệnh, và gã nghĩ Queta đen quá, thô quá, tục tằn quá, quen hầu hạ quá.

“Nếu ông muốn, chúng ta có thể bắt đầu ngay, Don Cayo,” Nghị sĩ Heredia nói.

“Vâng, thưa Nghị sĩ,” bà ấy và Queta, ừ, “bất cứ khi nào ông muốn.”

Những người bồi sắp xếp ghế, các ông ngồi xuống cầm ly cốc tai pisco, họ phải có đến hai mươi người, gã và Nghị sĩ Heredia ngồi đối diện họ. Nào, họ tụ họp cả ở đây để chuyện trò thân mật về cuộc viếng thăm Cajamarca của Tổng thống, Nghị sĩ nói, thành phố mà mọi người hiện diện rất yêu mến, và gã nghĩ: cô ấy có thể là người làm của bà ta. Ừ, cô ấy là người làm của bà ta, Nghị sĩ nói đấy là một lý do để hân hoan gấp ba lần cho người dân ở Cajamarca, không phải ở đây mà là ở căn nhà trang trại chắc bà ta có ở Cajamarca, Nghị sĩ nói vì vinh dự được ông đến thăm vùng của chúng ta, một căn nhà trang trại đầy bàn ghế cũ và các hành lang dài và phòng ngủ trải thảm len vicuña 1 dày để bà ấy uể oải nằm trong lúc chồng bà chu toàn bổn phận nghị sĩ của ông ở thủ đô, Nghị sĩ nói và vì ông ấy sẽ khánh thành một cây cầu mới và đoạn đường xa lộ đầu tiên, một căn nhà đầy tranh ảnh và gia nhân, nhưng cô hầu gái được bà ta ưa thích chắc là Quetita, Quetita của bà ta. Nghị sĩ Heredia đứng lên: trên hết, là một dịp cho dân chúng Cajamarca tỏ lòng biết ơn đến Tổng thống về những công trình công ích rất quan trọng đối với khu vực và quốc gia. Ghế và tay chuyển động như sắp sửa hoan hô, nhưng Nghị sĩ đã nói tiếp, Quetita chắc là người đã bưng bữa ăn sáng tới giường và nghe những thổ lộ của bà và giữ các bí mật của bà: vì thế Ủy ban Tiếp tân này được bổ nhiệm, bao gồm, và qua khóe mắt gã thấy họ mỉm cười hay đỏ mặt khi họ nghe tên mình được xướng lên. Mục đích của buổi họp này là để phối hợp chương trình do chính nhà nước đặt ra cho chuyến viếng thăm của Tổng thống, và Nghị sĩ quay sang nhìn gã: Cajamarca là một nơi hiếu khách và nhớ ơn, Don Cayo, Odría sẽ được chào đón xứng đáng với các thành quả của ông ấy trên cương vị người đứng đầu sứ mạng cao cả của đất nước. Gã không đứng lên; một nụ cười mơ hồ, gã cám ơn Nghị sĩ Heredia cao quý, đoàn đại biểu quốc hội ở Cajamarca về các nỗ lực quên mình của họ để cuộc viếng thăm được thành công, ở cuối phòng phía sau bức màn mỏng dập dờn hai bóng người động cỡn ngả xuống bên nhau không một tiếng động trên tấm nệm nhồi lông êm ái, các thành viên của Ủy ban Tiếp tân đã có nhã ý đến Lima để trao đổi ý kiến, và lập tức tiếng cười trơ tráo bị ức chế bật ra và hai cái bóng ôm lấy nhau lăn lộn thành một hình thể duy nhất trên tấm trải giường màu trắng dưới bức màn; gã cũng tin rằng cuộc viếng thăm sẽ thành công, thưa quý vị.

“Xin lỗi cho tôi được cắt lời,” đại biểu Saravia nói. “Tôi chỉ muốn cho ông biết rằng Cajamarca sẽ làm hết sức mình để tiếp đón Tướng Odría.”

Gã mỉm cười, gật đầu, chắc chắn như thế, nhưng có một chi tiết gã muốn lấy ý kiến của những người hiện diện, thưa kỹ sư Saravia: buổi mít tinh ở Plaza de Armas, nơi Tổng thống sẽ phát biểu. Vì lý tưởng nhất sẽ là, gã ho, dịu giọng lại, để buổi mít tinh được hoàn thành một cách, gã tìm chữ, sao cho Tổng thống khỏi cảm thấy thất vọng. Buổi mít tinh sẽ thành công chưa từng thấy, Don Cayo, Nghị sĩ cắt lời gã, và có tiếng thì thầm tán đồng, những cái gật đầu, và phía sau bức màn là những tiếng bị tắc nghẽn, tiếng cọ xát và tiếng hổn hển nhỏ, tiếng tấm vải trải giường sột soạt và tay và miệng và làn da tìm nhau và đến với nhau.

° ° °

Ông Santiago, tiếng gõ cửa lại nổi lên, ông Santiago, và hắn mở mắt, xoa mạnh tay lên mặt rồi đi ra mở cửa, uể oải vì ngái ngủ: Señora Lucía.

“Tôi đánh thức ông ạ? Tôi xin lỗi, nhưng ông có nghe radio không, có biết chuyện gì đang xảy ra không?” Bà ta ấp úng, mặt bà kích động, mắt bà hoảng hốt. “Một vụ tổng đình công ở Arequipa, người ta nói Odría có thể bổ nhiệm nội các quân sự. Chuyện gì vậy, ông Santiago?”

“Chả có gì, Señora Lucía,” Santiago nói. “Đình công sẽ kéo dài một hai ngày rồi sẽ chấm dứt, rồi các ông ở Liên minh sẽ về Lima và mọi việc tiếp tục như cũ. Đừng lo.”

“Nhưng một số người chết, có người bị thương.” Đôi mắt nhỏ của bà lấp lánh như thể nó đã đếm người chết, đã thấy người bị thương. “Ở rạp Arequipa. Liên minh tổ chức mít tinh và phe Odría vào, rồi đánh nhau và cảnh sát ném bom. Tờ La Prensa đăng tin, ông Santiago. Chết, bị thương. Có cách mạng không, ông Santiago?”

“Không, thưa bà,” Santiago nói. “Vả lại, tại sao bà sợ? Nếu có cách mạng thì bà cũng chẳng việc gì.”

“Nhưng tôi không muốn tụi Aprista trở lại,” Señora Lucía nói, sợ hãi. “Ông có nghĩ họ sẽ lật đổ Odría không?”

“Liên minh chẳng dính líu gì tới Aprista.” Santiago cười. “Họ là bốn ông triệu phú hồi trước là bạn của Odría và bây giờ bất hòa với ông ấy. Anh em bà con thân thuộc đánh nhau thôi. Thật ra, Aprista trở lại hay không thì can hệ gì với bà?”

“Họ là bọn vô thần, cộng sản,” Señora Lucía nói. “Phải không?”

“Không, thưa bà, họ chẳng vô thần cũng chẳng cộng sản,” Santiago nói. “Họ hữu khuynh hơn bà và họ ghét cộng sản hơn bà. Nhưng đừng lo, họ sẽ không trở lại và Odría vẫn còn ngồi một thời gian nữa.”

“Ông lúc nào cũng đùa, ông Santiago,” Señora Lucía nói. “Xin lỗi đã đánh thức ông, tôi nghĩ là nhà báo ông có nhiều tin hơn. Bữa ăn trưa sắp xong.”

Señora Lucía đóng cửa và hắn vươn vai. Trong lúc tắm hắn cười một mình: những hình dáng lặng lẽ sống về đêm xâm nhập qua các cửa sổ căn nhà cũ kỹ ở Barranco, Señora Lucía thức giấc hét lên, bọn Aprista! mất vía, sợ chết cứng, bà ôm con mèo kêu meo meo của bà mà nhìn bọn xâm lấn mở các tủ áo, rương hòm và chạn bát đĩa rồi lấy đi mớ giẻ rách bụi bặm của bà, những cái chăn thủng của bà, những bộ áo quần mối ăn của bà: bọn Aprista, bọn vô thần, bọn cộng sản! Chúng đang trở lại lấy cắp tài sản của những người đứng đắn như Señora Lucía, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: tội nghiệp Señora Lucía, phải chi bà biết rằng theo mẹ tôi thì bà cũng chẳng là người đứng đắn. Hắn mặc sắp xong áo quần khi Señora Lucía quay lại: bữa trưa đã dọn xong. Món xúp đậu và củ khoai cô đơn đó, một gã thủy thủ đắm tàu trong đĩa nước xanh, hắn nghĩ, món rau héo với những lát đế giày mà Señora Lucía gọi là thịt bò hầm. Radio đồng hồ đã bật, Señora Lucía đang lắng nghe, ngón tay trỏ để trên môi: mọi hoạt động ở Arequipa ngưng lại, đã có một cuộc biểu tình ở Plaza de Armas và các lãnh tụ Liên minh một lần nữa đòi Bộ trưởng Chính phủ từ chức, ông Cayo Bermúdez, họ nói ông là người chịu trách nhiệm về các biến cố nghiêm trọng đêm hôm trước tại Nhà hát Thành phố, chính phủ kêu gọi hãy bình tĩnh và cảnh cáo là sẽ không tha thứ bất kỳ rối loạn nào. Hắn thấy chứ, hắn thấy chứ, ông Santiago?

“Chắc bà nói đúng, chắc Odría sẽ đổ,” Santiago nói. “Các đài phát thanh thường không dám loan những tin như vậy.”

“Nếu Liên minh lên nắm quyền thay vì Odría, tình hình có tốt hơn không?” Señora Lucía hỏi.

“Họ sẽ cũng như vậy hoặc tệ hơn, thưa bà,” Santiago nói. “Nhưng không có giới quân nhân và không có Cayo Bermúdez thì có lẽ sẽ không lộ liễu như vậy.”

“Ông cứ nói đùa,” Señora Lucía nói. “Ông thậm chí chẳng xem chính trị là nghiêm túc.”

“Và ông già vào Liên minh khi nào?” Santiago hỏi. “Ông không dính líu à? Ông không giúp các cuộc biểu tình do Liên mình tổ chức chống Odría sao?”

“Khi tôi làm cho Don Cayo thì không, và khi tôi làm cho papa của cậu thì không,” Ambrosio nói. “Tôi không bao giờ dính líu tới chính trị, thưa cậu.”

“Bây giờ tôi phải đi,” Santiago nói. “Tôi sẽ gặp lại bà sau, thưa bà.”

Hắn ra đường và đến lúc ấy hắn mới thấy mặt trời, một mặt trời lạnh mùa đông đã làm hồi sinh bụi phong lữ trong mảnh vườn nhỏ xíu. Một chiếc xe đậu bên kia nhà trọ và Santiago đi ngang nó mà không nhìn, nhưng hắn mơ hồ nhận thấy chiếc xe nổ máy và lái đi bên cạnh hắn. Hắn quay lại nhìn: ê, Ròm. Anh Nổ đang mỉm cười với hắn từ phía sau tay lái, mặt anh có nét của một đứa trẻ mới nghịch và không biết mình sẽ được khen hay bị mắng. Hắn mở cửa xe, bước vào, và lúc này anh Nổ nồng nhiệt vỗ lưng hắn, trời ơi mày thấy tao tìm ra mày nè, và anh cười với vẻ thích thú bồn chồn, nhờ có Chúa.

“Làm thế quái nào anh tìm ra nhà trọ?” Santiago hỏi.

“Động não ghê lắm, Siêu Não.” Nổ vỗ trán, cười to, nhưng anh không giấu được cảm xúc của anh, hắn nghĩ, sự bối rối của anh. “Tao mất một thời gian dài, nhưng cuối cùng tao cũng tìm ra mày, Ròm.”

Đóng bộ áo vàng nhạt, chiếc sơ mi màu kem, cà vạt xanh lục nhạt, và anh có vẻ sạm nắng, tráng kiện và khỏe mạnh, và mày nhớ mày chưa thay áo đã ba ngày, Zavalita, mày không đánh giày cả tháng, và bộ vét của mày chắc chắn đã nhăn nhúm và hoen bẩn, Zavalita.

“Muốn tao kể làm sao tao tìm ra mày không, Siêu Não? Tao trụ ở trước La Crónica đêm này qua đêm khác. Ông bà già nghĩ tao đi chơi lu bù, trong khi tao đợi để đi theo mày. Hai lần tao nhầm mày với người khác ra khỏi tắc xi trước mày. Nhưng hôm qua tao bắt được mày và thấy mày vào nhà. Tao phải nói là tao hơi lo, Siêu Não.”

“Anh nghĩ tôi sẽ ném đá anh à?” Santiago hỏi.

“Không phải ném đá, nhưng tao nghĩ mày sắp khùng,” và anh đỏ mặt. “Vì mày gàn dở như vậy nên không ai biết mày ra làm sao cả, quỷ thần ơi. Tao mừng là mày cư xử như một thằng đàng hoàng, Siêu Não.”

  • • •

Căn phòng lớn và bẩn thỉu, vách tường nứt nẻ và hoen ố, một cái giường không dọn, quần áo đàn ông treo trên mấy cái móc đóng đinh lên tường. Amalia thấy một tấm màn, một gói Inca trên bàn ngủ, một chậu rửa nứt nẻ, một cái gương nhỏ, mùi nước tiểu và ngột ngạt, và chị thấy mình đang khóc. Tại sao gã đưa chị đến đây? chị lẩm bẩm, và luôn luôn nói dối, thấp hèn tới mức chị không nghe nổi, nói tụi mình đi gặp bạn anh đi, gã muốn lừa chị, lợi dụng, cho chị cái đá đít như lần trước. Ambrosio đã ngồi xuống cái giường bừa bộn, và qua những giọt nước mắt đầm đìa, Amalia thấy gã lắc đầu, em không hiểu anh. Chị khóc vì cái gì? gã đang âu yếm nói, có phải vì anh đẩy em không? nhìn chị với vẻ ăn năn và rầu rĩ, em làm rùm beng ở ngoài đó vì cứng đầu không chịu vào, Amalia, cả xóm sẽ tới hỏi chuyện gì, lát nữa Ludovico sẽ nói sao. Gã đã châm một điếu thuốc lấy trên bàn ngủ và bắt đầu chậm rãi quan sát chị, bàn chân chị, đầu gối chị, gã nhìn thong thả lên thân hình chị, và khi lên tới mắt chị gã mỉm cười với chị, và chị cảm thấy nóng và xấu hổ: mày là đồ con gái ngu ngốc. Chị cố hết sức làm bộ mặt khó chịu. Ludovico sẽ đến đây bất cứ giây phút nào, Amalia, hắn sẽ đến và họ sẽ ra đi, anh có làm gì em đâu? và chị nói anh nên coi chừng nếu anh làm. Đến đây, Amalia, ngồi xuống, mình nói chuyện một lát. Chị sẽ không ngồi xuống, mở cửa đi, chị muốn đi ra. Và gã: em có khóc khi thằng thợ dệt dắt em về nhà nó không? Mặt chị trở nên cay đắng và Amalia nghĩ gã ghen, gã nổi giận, và chị cảm thấy nỗi tức giận của chị tan biến. Anh ta không như anh, chị nói, nhìn sàn nhà, và anh ta không xấu hổ vì tôi, bụng nghĩ gã sẽ đứng lên đánh mày, anh ta sẽ không đuổi tôi ra vì sợ mất việc, nghĩ nào cứ đứng lên đi, đến đây đánh tao đi, anh ta đặt tôi lên trên hết, chị nghĩ đồ con gái ngu, mày hy vọng gã sẽ hôn mày. Gã méo mó miệng, mắt gã lồi ra, gã buông điếu thuốc xuống sàn rồi giày xéo nó. Amalia có tự ái của chị, anh sẽ không lừa tôi hai lần, và gã nhìn chị khắc khoải: nếu thằng đó chưa chết anh thề với em là anh sẽ giết nó, Amalia. Bây giờ quả thật gã sắp dám đây, gã sắp rồi đây. Ừ, gã chồm lên, và cả đứa nào ngáng đường gã cũng chồm lên, và chị thấy gã kiên quyết tiến tới, giọng gã hơi khàn: vì em là của anh, em sẽ là của anh. Chị không cử động, chị để gã ôm vai chị, chừng ấy chị dùng hết sức đẩy gã và thấy gã vừa lảo đảo vừa cười, Amalia, Amalia, và lại cố nắm lấy chị. Họ đang làm như vậy, chạy quanh, đẩy nhau, kéo nhau, thì cửa mở và cái mặt của Ludovico nom buồn rười rượi.

° ° °

Gã dụi điếu thuốc, mồi một điếu khác, bắt tréo chân, những người đang lắng nghe nghiêng đầu tới để khỏi bỏ sót một lời nào, và gã nghe giọng mệt mỏi của chính mình: ngày hai mươi sáu đã được công bố là ngày lễ, các hiệu trưởng mấy trường công và trường tư đã nhận chỉ chị đưa học trò đến quảng trường, như vậy sẽ bảo đảm có đông người, và bà Heredia sẽ xem mít tinh từ một ban công của Tòa Thị chính, rất cao, rất nghiêm, rất trắng, rất thanh lịch, và trong khi đó gã ở căn nhà trong trang trại, đang thuyết phục cô người làm: một ngàn, hai ngàn, ba ngàn đồng, Quetita? Nhưng dĩ nhiên gã mỉm cười và liếc mắt thấy họ đều mỉm cười, đây không phải là chuyện Tổng thống nói chuyện với học trò, và cô người làm sẽ nói được, ba ngàn, đợi đây, cô sẽ giấu gã phía sau bức bình phong. Gã cũng đã tính rằng đám công chức sẽ tham dự, nhưng số đó không nhiều, và gã ở đó, bất động, nấp trong bóng tối, đợi, nhìn các tấm thảm len vicuña, mấy bức hình và cái giường rộng có màn trướng. Gã ho, không bắt tréo chân nữa: ngoài ra người ta đã tổ chức tuyên truyền. Các bản tin trên báo chí địa phương và trên radio, ô tô và xe vận tải gắn loa phóng thanh sẽ đi khắp thành phố phát truyền đơn và như thế sẽ thu hút thêm nhiều người, và gã đếm từng phút, từng giây, cảm thấy xương cốt gã tan biến và những giọt nước lạnh như đá chảy xuống lưng rồi thì cuối cùng: bà ta kìa, bà ta đến kìa. Nhưng, và gã nghiêng người tới nhìn bọn đàn ông chen chúc nhau với vẻ cảm thông và khiêm tốn, vì Cajamarca là trung tâm nông nghiệp, hy vọng là khối người chính ở buổi mít tinh sẽ từ nông thôn đến, và điều này tùy thuộc vào quý ông. Gã sẽ thấy bà ta, cao, trắng, thanh lịch, nghiêm nghị, bà ta sẽ vào và lướt qua tấm thảm len vicuña, và gã sẽ nghe bà nói tôi mệt quá và bà sẽ gọi Quetita của bà. Tôi xin phép, Don Cayo, Nghị sĩ Heredia nói, Don Remigio Saldívar, Chủ tịch Ủy ban Tiếp tân và là một trong các nhân vật tiêu biểu nhất của những người có liên quan tới nông nghiệp ở Cajamarca, ông ấy có vài điều muốn nói về buổi mít tinh, và gã thấy một người đàn ông lực lưỡng, da sạm như con kiến, nghẹt thở vì cái cổ bạnh, đứng lên trong hàng ghế thứ nhì. Và kìa Quetita sẽ đến và bà sẽ bảo cô là tôi mệt, tôi muốn đi ngủ, phụ tôi, và cô sẽ giúp bà, sẽ từ từ cởi áo quần bà, và gã sẽ nhìn, cảm thấy từng lỗ chân lông trên cơ thể gã ấm dần, hàng triệu miệng núi lửa nhỏ xíu trên da gã bắt đầu nổ tung. Xin quý vị thứ lỗi cho tôi, tất cả quý vị và nhất là ông, ông Bermúdez, Don Remigio Saldívar hắng giọng, hắn là con người hành động, không nói dài dòng, đúng vậy, tôi không thể nói giỏi như Heredia Bọ chét, và ông Nghị sĩ khúc

khích và tiếng cười vỡ òa. Gã há miệng, nhăn mặt, và bà ấy kia, trắng, lõa lồ, nghiêm nghị, thanh lịch, bất động, trong khi Quetita sẽ quỳ dưới chân bà nhẹ nhàng cởi vớ dài của bà, và họ vừa cười vừa hoan hô tài hùng biện của Don Remigio Saldívar về sự thiếu hùng biện của ông ta, và gã nghe vào thẳng vấn đề đi Remigio, đúng là Don Remigio của Cajamarca: cô sẽ chầm chậm cuộn nó lại, và gã sẽ thấy bàn tay của cô người làm, thật to, thật đen, thật thô, xuống dần, xuống dần trên đôi chân thật trắng, thật trắng, và Don Remigio Saldívar khoác một vẻ thầy tu: về vấn đề hiện tại, ông muốn nói cho họ biết là gã không nên lo, thưa ông Bermúdez, họ đã nghĩ đến, đã thảo luận và đã dùng mọi biện pháp cần thiết. Bây giờ bà sẽ nằm xuống giường, và gã thấy rõ bà, trắng và hoàn hảo nằm sau bức màn, và gã sẽ nghe bà nói mày cũng cởi quần áo luôn đi Quera, đến đây Quetita. Thậm chí không cần tụi học trò hay công chức làm gì, đông người quá sẽ không nhét vừa quảng trường, thưa ông Bermudez: tốt hơn nên để học trò đi học và công chức đi làm. Quetita sẽ cởi quần áo và bà nói nhanh lên, nhanh lên, và đôi giày của cô sẽ rơi xuống không một tiếng động trên tấm thảm len vicuña. Don Remigio Saldívar phác một cử chỉ hăng hái: chúng tôi sẽ cung cấp người cho buổi mít tinh chứ không phải chính phủ, dân xứ Cajamarca muốn Tổng thống có ấn tượng tốt về vùng của chúng tôi. Lúc này Quetita sẽ chạy, bay, cánh tay dài của cô sẽ kéo và tách các bức màn, và thân hình to lớn đen cháy của cô sẽ lặng lẽ ngã xuống tấm trải giường: hãy nhớ như thế, ông Bermúdez. Ông đã đổi giọng vui vẻ và kiểu cách quê mùa của ông sang giọng nghiêm kiêu hãnh và cử chỉ long trọng, và tất cả lắng nghe: cộng đồng nhà nông đã cộng tác một cách hoành tráng trong việc chuẩn bị, và cả giới doanh gia và chuyên môn nữa, hãy nhớ như thế. Và gã sẽ từ sau bức màn đi ra rồi đến gần hơn, thân thể gã sẽ như một ngọn đuốc, gã sẽ đi đến bức màn, gã sẽ nhìn và tim gã sẽ nhức nhối: hãy nhớ rằng chúng ta sẽ có bốn chục ngàn người trong quảng trường, hoặc nhiều hơn. Họ sẽ nằm dưới mắt gã, ôm nhau, ngửi nhau, đẫm mồ hôi nhau, quấn quít nhau, và Don Remigio Saldívar ngưng lại để rút một điếu thuốc và tìm hộp diêm, nhưng đại biểu Azpilcueta đã mồi thuốc cho ông: vấn đề không phải là người, hoàn toàn không phải, thưa ông Bermúdez, mà là chuyên chở, như ông ta đã giải thích với Heredia Bọ chét, tiếng cười, và gã tự động há miệng và nhăn trán. Họ không thể lo liệu đủ số xe tải họ cần để đưa người từ các trang trại đến và về, và Don Remigio Saldívar phà ra một miệng khói làm mặt ông ta trắng chợt: chúng tôi đã tìm được hơn hai chục chiếc xe buýt và xe vận tải, nhưng họ cần nhiều hơn. Gã cúi người tới trên ghế: ông không phải lo phần ấy, ông Saldívar, họ không thể trông cậy vào mọi phương tiện. Bàn tay đen và bàn tay trắng, cái miệng môi dày và cái miệng môi mỏng, núm vú thô ráp và cặp đùi trong suốt với những đường gân xanh, lông tóc đen thẳng và lông tóc xoăn vàng: chỉ huy trưởng quân đội sẽ cung cấp tất cả xe vận tải họ cần, thưa ông Saldívar, và ông ta nói tuyệt vời, ông Bermúdez, đó là điều chúng tôi cần, nếu họ có phương tiện vận chuyển, họ sẽ làm quảng trường đông nghẹt chưa từng thấy trong lịch sử Cajamarca. Và gã: ông có thể hoàn toàn trông cậy điều đó, thưa ông Saldívar. Nhưng cũng còn một vấn đề khác gã muốn nói với họ.

° ° °

“Anh làm em ngạc nhiên, em còn không kịp bực tức nữa,” Santiago nói.

“Ông già đang trốn,” Nổ nói, trở nên nghiêm nghị. “Ông già của Popeye đem ông về trang trại của ông ấy. Tao đến cho mày hay.”

“Đang trốn?” Santiago hỏi. “Vì vụ rắc rối ở Arequipa?”

“Thằng khốn Bermúdez cho theo dõi nhà mình trong một tháng nay.” Nổ nói. “Mật vụ theo dõi ông già ngày đêm. Popeye phải lẻn đưa ông ra trong xe của nó. Ôi dào, tao đoán họ không nghĩ đến việc tìm ổng trong trang trại của Arévalo đâu. Ông già muốn mày biết, trong trường hợp có gì xảy ra.”

“Bác Clodomiro kể với em là ông già đã gia nhập Liên minh, ổng đã cắt đứt với Bermúdez,” Santiago nói. “Nhưng em không biết sự việc nghiêm trọng đến thế.”

“Mày đã thấy chuyện gì xảy ra ở Arequipa,” Nổ nói. “Dân Arequipa không lùi bước. Một vụ tổng đình công cho đến khi Bermúdez từ chức. Họ sẽ tống khứ gã, tiên sư nó. Tưởng tượng mà coi, ông già đã chuẩn bị hết các thứ để đi tới buổi mít tinh đó. Arévalo thuyết phục ông đừng đi vào phút chót.”

“Nhưng em không hiểu.” Santiago nói. “Cha của Popeye cũng bỏ Odría à? Không phải ông ấy vẫn là lãnh tụ khối Odría trong thượng viện sao?”

“Chính thức thì vậy,” Nổ nói. “Nhưng bên dưới ông ấy cũng chán mứa bọn đầu cứt đó. Ông ấy đối xử rất tốt với ông già. Tốt hơn mày, Siêu Não. Với bao nhiêu rắc rối ông già phải trải qua lần này, mày vẫn đi gặp ổng.”

“Ba bị ốm à?” Santiago hỏi. “Bác Clodomiro không…”

“Không ốm, nhưng dây thòng lọng quanh cổ ổng,” Nổ nói. “Sau cú mày chơi khăm ổng bằng cách bỏ nhà ra đi, mày không biết là ổng đã gặp chuyện còn tệ hại hơn hả? Thằng chó đẻ Bermúdez đó nghĩ ổng dính líu vào âm mưu của Espina và bắt đầu phá ổng.”

“Ồ phải rồi, vụ đó,” Santiago nói. “Bác Clodomiro kể cho em là gã đã lấy lại môn bài bán hàng của phòng bào chế trong mấy cửa hàng quân đội.”

“Chuyện đó không nhằm nhò gì, tệ nhất là vụ làm ăn với công ty xây dựng,” Nổ nói. “Họ không cho mình thêm một cắc bạc nào, họ ngưng tất cả các lệnh chi và mình cứ phải trả tín dụng thư. Rồi họ yêu cầu công việc phải tiếp tục cùng tiến độ, và dọa kiện mình vi phạm hợp đồng. Một trận đấu chết bỏ chống ông già, để nhận chìm ổng. Nhưng ông già là dân chiến, ông sẽ không chịu thua, ổng ngon lành như vậy mà. Ổng gia nhập Liên mình và…”

“Em mừng là ông già đã chống lại chính phủ,” Santiago nói. “Em mừng là anh không còn theo Odría nữa.”

“Mày nói là mày mừng vì mình đang tiến đến chỗ phá sản.” Nổ mỉm cười.

“Kể cho em về mama, Teté đi,” Santiago nói. “Bác Clodomiro nói nó đang cặp bồ với Popeye đúng không?”

“Người vui vì mày bỏ nhà đi là bác Clodomiro.” Nổ cười, “Viện cớ mang tin mày, bác ló tới nhà mình mỗi tuần ba lần. Ừ, nó đang đi với Mặt Tàn Nhang, ông bà già không kìm chặt cương nó nữa, ổng bả thậm chí để nó đi ăn tối với hắn mấy bữa thứ Bảy. Tao nghĩ tụi nó rồi sẽ làm đám cưới.”

“Mama chắc phải mừng lắm,” Santiago nói. “Má đã nhắm đám đó từ khi Teté mới đẻ mà.”

“Được rồi, bây giờ mày nói tao nghe coi,” Nổ nói, cố ra bộ vui vẻ, nhưng đỏ mặt. ”Khi nào mày ngưng cái trò ngu ngốc này, khi nào mày trở về sống ở nhà?”

“Em sẽ không bao giờ về sống ở nhà đâu anh Nổ,” Santiago nói. “Mình nên đổi đề tài.”

“Tại sao mày sẽ không bao giờ về sống ở nhà?” giả vờ ngạc nhiên, Zavalita, định làm mày tin là anh ấy không tin. “Ông bà già đã làm gì mày để mày không muốn sống với ổng bả? Đừng đóng trò thằng khùng nữa chứ mày.”

“Mình đừng cãi nhau,” Santiago nói. “Thay vì vậy giúp em một việc đi. Chở em tới Chorrillos, em phải đến đón một đồng nghiệp, tụi em đi công tác chung.”

“Tao không đến để cãi nhau với mày, nhưng không ai hiểu nổi mày,” Nổ nói. “Mày nổi cơn lên rồi bỗng dưng đang đêm bỏ đi trong khi chẳng ai làm gì mày, mày không chường mặt ra nữa, mày gây sự với mọi người trong nhà chỉ vì mày thích như vậy. Làm thế quái nào mày nghĩ ai có thể hiểu nổi mày hả, tiên sư nó?”

“Đừng hiểu, cứ đưa em tới Chorrillos, em trễ rồi,” Santiago nói. “Anh có thời giờ chứ?”

“Được rồi,” Nổ nói. “Được rồi, Siêu Não, tao đưa mày đi.”

Anh nổ máy xe và vặn radio. Họ đang đưa tin về vụ đình công ở Arequipa.

° ° °

“Xin lỗi, tao không muốn làm phiền mày, nhưng tao phải lấy quần áo, tao sắp phải đi xa ngay.” Và bộ mặt và giọng Ludovico cay đắng như thể đó là một chuyến đi xuống mồ. “Chào chị, Amalia.”

Không nhìn chị, như thể Amalia là một thứ Ludovico đã thấy trong phòng hắn cả đời, Amalia cảm thấy xấu hổ kinh khủng. Ludovico đã quỳ xuống bên cạnh giường lôi ra một cái va li. Hắn bắt đầu nhét quần áo đang treo ở móc trên tường vào va li. Thậm chí hắn chẳng buồn ngạc nhiên khi thấy mày, đồ con gái ngu, hắn biết mày ở đây, Ambrosio chắc đã mượn phòng để, chuyện họ phải gặp nhau là nói láo, Ludovico chỉ tình cờ ghé qua thôi. Ambrosio hình như bồn chồn. Gã đã ngồi xuống giường và hút thuốc trong khi nhìn Ludovico sắp xếp áo và tất vớ vào va li.

“Họ đem mày tới chỗ này, họ đưa mày tới chỗ kia.” Ludovico càu nhàu một mình. “Đời kiểu gì vậy nè?”

“Mày đi đâu?” Ambrosio hỏi.

“Arequipa,” Ludovico lẩm bẩm. “Tụi Liên minh sắp biểu tình chống chính phủ ở đó và coi bộ sẽ rắc rối. Với đám dân miền núi đó mày làm sao biết được, bắt đầu là biểu tình rồi chấm dứt là cách mạng.”

Hắn ném một cái áo lót lên va li và thở dài, chán nán. Ambrosio nhìn Amalia và nháy mắt, nhưng chị quay đi.

“Mày cười vì mày đang ngồi chỗ ngon,” Ludovico nói. “Mày trải qua hết rồi và thậm chí không muốn nhớ tới mấy đứa tụi tao còn đang trong ngành. Tao muốn thấy mày ở địa vị của tao, Ambrosio.”

“Đừng nghĩ như vậy, người anh em,” Ambrosio nói.

“Họ lẽ ra nên gọi mày vào ngày nghỉ của mày, máy bay cất cánh lúc năm giờ.” Hắn quay đầu lại đau khổ nhìn Ambrosio và Amalia. “Mày thậm chí không biết đi bao lâu hay chuyện gì sẽ xảy ra ở đó.”

“Chẳng có chuyện gì xảy ra đâu, và mày sẽ được biết Arequipa,” Ambrosio nói. “Cứ coi đây là một chuyến đi chơi, Ludovico. Mày đi với Hipólito phải không?”

“Ừ,” Ludovico vừa nói vừa đóng va li. “Ồ, chao ơi, hồi mình làm cho Don Cayo, thiệt khỏe biết mất, suốt đời tao sẽ hối tiếc là đã thuyên chuyển.”

“Nhưng đó là lỗi của mày,” Ambrosio cười. “Không phải mày hay than vãn là mày không có thời gian làm bất cứ việc gì sao? Không phải mày và Hipólito xin thuyên chuyển sao?”

“Ôi dào, cứ tự nhiên như ở nhà,” Ludovico nói, và Amalia không biết nhìn đi đâu. “Giữ chìa khóa nè. Khi đi mày có thể đưa cho Doña Carmen ở cổng.”

Hắn buồn bã vẫy chào ở cửa rồi ra đi. Amalia cảm thấy tức giận trào lên khắp người, và Ambrosio đã đứng dậy đi tới song ngừng lại nửa chừng khi thấy vẻ mặt chị.

“Anh ta biết tôi ở đây, anh ta không ngạc nhiên khi thấy tôi.” Mắt chị, hai tay chị đe dọa gã. “Anh nói láo là anh đợi anh ta, anh mượn phòng để…”

“Hắn không ngạc nhiên vì anh đã bảo hắn em là người yêu của anh,” Ambrosio nói. “Bộ anh không được đến đây với người yêu mỗi khi anh muốn à?”

“Tôi không phải là người yêu của anh bây giờ, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ,” Amalia quát. “Anh lừa tôi về chuyện bạn anh, anh mượn…”

“Ludovico với anh như anh em ruột, chỗ này như nhà anh,” Ambrosio nói. “Đừng vớ vẩn, anh muốn làm gì ở đây cũng được.”

“Chắc anh ta nghĩ là tôi không biết xấu hổ, anh ta thậm chí không bắt tay hay nhìn tôi. Chắc anh ta nghĩ là…”

“Chắc nó không bắt tay vì nó biết anh ghen,” Ambrosio nói. “Chắc nó không nhìn em để khỏi chọc giận anh. Đừng vớ vẩn, Amalia.”

° ° °

Người bồi xuất hiện mang theo một cốc nước, và gã phải ngừng nói vài giây. Gã uống nước, ho: chính phủ muốn cho thấy là chính phủ hài lòng với mọi người ở Cajamarca, nhất là quý ông trong Ủy ban Tiếp tân, vì những nỗ lực của họ làm cho cuộc viếng thăm trở thành trọng đại, và gã có thể quyết định và thấy một chuỗi thay thế bất ngờ dưới bức màn: nhưng tất cả những việc ấy đòi hỏi nhiều tốn kém và sẽ không hợp lý nếu như, ngoài chuyện mất thời giờ ra, người ta lại còn lo chuyến đi của Tổng thống sẽ khiến họ cũng phải tốn một số tiền. Im lặng trở nên nổi bật và gã có thể nghe tiếng thính giả nín thở, bắt được lòng tò mò, sự ngờ vực trong mắt họ đang nhìn gã đăm đăm: bà ta và Hortensia, bà ta và Maclovia, bà ta và Carmincha, bà ta và China. Gã lại ho, hơi nhăn mặt: vì thế gã có chỉ thị từ Bộ đưa một số tiền cho Ủy ban tùy ý sử dụng để giảm bớt phí tổn cho họ, và hình dáng của Don Remigio Saldívar bỗng bao trùm căn phòng, bà ta và Hortensia: khoan đã, ông Bermúdez. Da thịt quấn quít vào nhau và quấn quít vào tấm trải giường với bức màn, lông tóc đen xoắn vào nhau rồi lại xổ tung ra, và gã cảm thấy trong miệng gã một đống nước bọt ấm và đặc như tinh dịch. Khi Ủy ban được thành lập, Cảnh sát trưởng đã đề nghị ông ta đóng góp cho chi phí tiếp tân, và Don Remigio Saldívar làm một cử chỉ hoành tráng và kiêu kỳ, và khi ấy chúng tôi đã kiên quyết từ chối lời đề nghị. Nhiều tiếng thì thào tán thành, niềm kiêu hãnh tỉnh lẻ và thách thức hiện trên mặt họ, và gã mở miệng, nhíu mắt: nhưng mang người từ nông thôn lên thì sẽ tốn tiền của họ, thưa ông Saldívar, họ tốn cho bữa yến tiệc và các buổi tiếp tân là tốt rồi, nhưng không nên trả các chi phí khác, và gã sẽ nghe tiếng xì xào phật lòng, các cử chỉ khiển trách, và Don Remigio Saldívar kiêu căng mở vòng tay: họ sẽ không nhận một xu, thế thôi. Họ sẽ vinh danh Tổng thống bằng tiền túi của họ, họ đã nhất trí, ngân quỹ họ quyên được đã quá đủ, Cajamarca không cần ai giúp đỡ để tỏ lòng kính trọng Odría, thế thôi. Gã đứng lên, gật đầu, và những cái bóng tan biến như khói: gã sẽ không khăng khăng, gã không muốn xúc phạm họ, gã nhân danh Tổng thống cảm ơn họ về lòng nghĩa hiệp ấy, sự hào phóng ấy. Nhưng gã vẫn không thể ra về vì những người bồi đã chạy vào phòng mang theo đồ ăn nhẹ và thức uống. Gã hòa lẫn với mọi người, lấy một ly nước ngọt có vị cam, vừa nói đùa vừa nhăn mặt. Để ông có thể biết dân Cajamarca, ông Bermúdez ạ, và Don Remigio Saldívar dắt gã tới chỗ một ông tóc bạc có cái mũi khổng lồ: Tiến sĩ Lanusa, ông ta đã đặt làm mười lăm ngàn lá cờ đuôi nheo bằng tiền túi của mình, ngoài việc tặng cho ngân quỹ Ủy ban một số tiền như mọi người khác, ông Bermúdez ạ. Và đừng nghĩ ông ấy tặng để cho xa lộ sẽ tình cờ chạy ngang trước trang trại ông ấy, đại biểu Azpilcueta cười. Họ hoan hô lời bình phẩm, ngay cả Tiến sĩ Lanusa cũng cười, ồ, thật là miệng lưỡi Cajamarca. Không thể chối cãi là quý vị làm những việc có quy mô lớn, gã nghe chính gã nói. Và ông nên giữ cho lá gan của ông được tốt, ông Bermúdez, gã trộm thấy đại biểu Mendieta nháy mắt sau ly bia, ông sẽ thấy người ta săn sóc ông thế nào. Gã nhìn đồng hồ đeo tay, trễ thế rồi à? Gã xin lỗi nhưng gã phải đi. Những bộ mặt, những bàn tay, tạm biệt, hân hạnh được gặp ông. Nghị sĩ Heredia và đại biểu Mendieta tháp tùng gã tới cầu thang, ở đó một người đàn ông đen đúa nhỏ bé râu rậm đang đợi với cặp mắt kính nể. Kỹ sư Lama, Don Cayo, và gã nghĩ cần việc à, cần một lời tiến cử, một vụ làm ăn? một thành viên Ủy ban Tiếp tân và nhà nông học hàng đầu trong quận, ông Bermúdez ạ. Chào ông, tôi có thể giúp ông điều gì. Một đứa cháu trai, xin ông thứ lỗi vì đưa việc này ra vào lúc này, mẹ nó điên khùng và cứ khư khư thế. Gã trấn an ông ta bằng nụ cười, lấy sổ ghi chép trong túi ra, cậu ta đã làm gì? Họ đã hy sinh rất nhiều để cho nó học đại học Trujillo, thưa ông, chắc ở đó nó đã nghe xúi dại, chắc nó đã giao du với các phần tử xấu, trước kia nó chưa bao giờ dính dáng tới chính trị. Tốt, thưa kỹ sư, gã sẽ đích thân lo vụ này, tên cậu ta là gì, cậu ta bị giữ ở Trujillo hay ở Lima? Gã xuống thang và đèn đường trên Paseo Colón đã bật. Ambrosio và Ludovico đang tán gẫu và hút thuốc gần cửa. Họ ném điếu thuốc khi thấy gã: tới San Miguel.

° ° °

“Rẽ phải ở góc đường đầu tiên,” Santiago vừa nói vừa chỉ tay. “Nhà màu vàng đó, căn nhà cũ. Đúng rồi, ở đây.”

Hắn nhấn chuông, thò đầu vào và thấy Carlitos ở đầu cầu thang mặc quần ngủ, khăn tắm trên vai: tôi sẽ xuống ngay, Zavalita. Hắn quay lại xe.

“Nếu anh vội thì bỏ em lại đây, anh Nổ. Bọn em có thể đi tắc xi đến Callao. La Crónica trả tiền đi lại mà.”

“Tao sẽ chở mày,” Nổ nói. “Tao nghĩ từ nay mình sẽ gặp nhau lại phải không? Teté cũng muốn gặp mày. Tao nghĩ tao có thể dắt nó theo, hay mày cũng giận cả Teté?”

“Dĩ nhiên là không,” Santiago nói. “Em chẳng giận ai, ngay cả ông bà già. Chẳng bao lâu em sẽ ghé qua gặp mọi người. Em chỉ muốn mọi người quen với việc em sẽ tiếp tục sống một mình.”

“Mọi người sẽ không bao giờ quen, và mày biết rất rõ.” Nổ nói. “Mày làm đời mọi người cay đắng. Đừng tiếp tục trò vớ vẩn này nữa, Siêu Não.”

Nhưng anh ngưng nói vì Carlitos ở đó, nhìn chiếc xe một cách khó hiểu, bộ mặt của Nổ. Santiago mở cửa cho anh ta: vào đi, vào đi, tôi muốn giới thiệu anh với anh tôi, anh ấy sẽ chở mình. Ngồi phía trước, Nổ nói, có chỗ rộng rãi cho ba người. Anh nổ máy, chạy theo đường xe điện, và không ai nói một hồi. Nổ mời họ thuốc lá, và hắn nghĩ Carlitos nhìn hai anh em qua khóe mắt, và thăm dò bảng đồng hồ mạ kền, đệm ghế mới nguyên, vẻ thanh lịch của Nổ.

“Mày thậm chí không thấy là chiếc xe này mới,” Nổ nói.

“Đúng vậy,” Santiago nói. “Ông già bán chiếc Buick rồi à?”

“Không, chiếc này của tao.” Nổ thổi móng tay cái phù. “Tao mua trả góp. Tao sắm nó chưa tới một tháng nay. Mày định làm gì ở Callao?”

“Phỏng vấn Giám đốc Quan thuế,” Santiago nói. “Carlitos và em đang viết loạt bài về buôn lậu.”

“Ồ, thú vị nhỉ,” Nổ nói; rồi một lát sau: “Mày có biết là từ khi mày bắt đầu đi làm, nhà mình được giao La Crónica mỗi ngày không? Nhưng ở nhà không bao giờ biết mày viết cái gì? Tại sao mày không ký tên vào bài biết? Làm cách đó thì người ta biết tới mày.”

Cặp mắt của Carlitos chế giễu và ngạc nhiên, Zavalita, mày có cảm giác bứt rứt. Nổ lái qua Barranco, Miraflores, rẽ xuống Avenida Pardo và đi theo Xa lộ Duyên hải. Họ nói chuyện nhát gừng, thiếu tự nhiên, chỉ Santiago và Nổ, Carlitos nhìn họ qua khóe mắt, với vẻ mặt bí ẩn và mỉa mai.

“Làm nhà báo chắc thú vị lắm,” Nổ nói. “Tao chẳng bao giờ làm nổi, đến thư từ tao còn không viết được nữa mà. Nhưng mày thì như cá gặp nước, Santiago.”

Periquito đang đợi họ ở gần cửa sở quan thuế, máy ảnh trên vai, chiếc xe tải của tòa báo cách xa một tí.

“Hôm nào tao sẽ ghé đón mày cũng giờ này,” Nổ nói. “Với Teté, được chứ?”

“Ừ,” Santiago nói. “Cảm ơn đã cho đi nhờ xe, anh Nổ.”

Nổ lưỡng lự giây lát, miệng anh hé mở, nhưng anh không nói gì mà chỉ vẫy tay. Họ nhìn chiếc xe đi qua các vũng nước đọng giữa những viên đá lát đường.

“Hắn là anh của anh thật hả?” Carlitos lắc đầu không tin. “Gia đình anh phải giàu nứt đố đổ vách, đúng không?”

“Theo anh Nổ thì họ sắp vỡ nợ,” Santiago nói.

“Tôi thích sắp vỡ nợ như vậy,” Carlitos nói.

“Tôi đợi đã nửa tiếng rồi, đồ lười biếng ăn hại,” Periquito nói. “Các anh nghe tin chưa? Một nội các quân nhân, vì vụ rắc rối ở Arequipa. Dân Arequipa đã loại Bermúdez ra. Odría tàn cuộc rồi.”

“Đừng vội mừng,” Carlitos nói. “Tàn cuộc của Odría và bắt đầu của cái gì?”

——————————–

  1. Một loại lạc đà không bướu ở Nam Mỹ, cho len rất mịn và đắt tiền vì ba năm mới có thể xén lông một lần.

Trước
image
Chương 17
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!