Bà chủ có yêu Don Cayo không? Không nhiều lắm. Bà đã không khóc vì ông, nhưng khóc vì ông đã bỏ đi và để bà trắng tay: bùm, lỡ vận. Lỗi tại chị, cô Queta nói, cô đã bảo bà nhiều lần, ít nhất cũng phải bắt ông ta mua cho chị chiếc ô tô, ít nhất một căn nhà đứng tên chị. Nhưng trong những tuần đầu ấy, cuộc sống ở San Miguel ít thấy thay đổi; buồng chứa thức ăn và tủ lạnh vẫn đầy ngập như xưa, Símula tiếp tục tính tiền gian lận với bà chủ, cuối tháng họ nhận đầy đủ tiền lương. Chúa nhật ấy, ngay khi họ gặp nhau ở Bertoloto, họ bắt đầu nói về bà chủ. Bây giờ bà ấy sẽ ra sao, Amalia nói, ai sẽ giúp bà ấy. Và gã: bà ta là người sắc sảo, bà ta sẽ kiếm được bao tiền khác trước khi gà gáy ba lần. Đừng nói về bà ấy như vậy, Amalia nói, em không thích. Họ đi xem một phim của Argentina, và khi ra khỏi rạp Ambrosio nói tiếng lóng Argentina và đổi giọng: khùng, Amalia cười, và bất chợt khuôn mặt Trinidad hiện ra. Họ vào căn phòng nhỏ ở Calle Chiclayo, cởi quần áo, khi ấy một bà khoảng bốn mươi đeo cặp lông mi giả đến tìm Ludovico. Vẻ mặt bà ta trở nên buồn khi Ambrosio bảo bà là hắn đi Arequipa chưa về. Người đàn bà bỏ đi, và Amalia chế nhạo cặp lông mi của bà ta, và Ambrosio nói hắn thích mấy bà già hoang đàng. À này, Ludovico có chuyện gì vậy? Gã hy vọng hắn không bị chuyện gì tệ lắm, tội nghiệp nó đâu có thích đi chút nào. Họ ăn vặt dưới phố và cuốc bộ đến khi trời tối. Ngồi trên băng ghế trên Paseo de la República, họ tán gẫu, nhìn xe cộ chạy ngang. Gió thoảng, Amalia nép vào gã và Ambrosio quàng tay quanh chị: em có muốn có một căn nhà nhỏ riêng của em và anh làm chồng em không, Amalia? Chị nhìn gã ngạc nhiên. Chẳng bao lâu sẽ tới lúc họ có thể cưới nhau và có con, Amalia, gã đang để dành tiền cho việc ấy. Thật không? Họ sẽ có một căn nhà, con cái? Hình như quá xa vời, quá khó, và nằm ngửa trên giường của chị, Amalia cố hình dung chị sống với gã, nấu ăn cho gã và giặt áo quần của gã. Chị không thể. Nhưng tại sao không, đồ vớ vẩn? Chẳng phải người ta cưới nhau hàng ngày đấy sao, tại sao không phải là mày với gã?
Ông chủ bỏ đi chắc đã một tháng, một hôm bà chủ vào nhà như cơn lốc: xong rồi, Quetita, tuần sau bắt đầu ở chỗ thằng mập, hôm nay bà sẽ bắt đầu tập dượt. Bà phải săn sóc bề ngoài của bà, tập thể dục, tắm hơi. Bà đi hát ở hộp đêm thật đấy chứ, thưa bà? Dĩ nhiên, như hồi trước. Bà đã có thời lừng danh, Amalia, tôi bỏ sự nghiệp theo thằng ăn bám đó, bây giờ bà sẽ làm lại. Nào, để tôi cho chị xem, bà nắm cánh tay chị, họ chạy lên lầu, và trong phòng làm việc bà lấy ra một cuốn sổ có các mảnh báo cắt, cuốn số chị đã rất muốn xem, Amalia nghĩ, xem này, xem này. Bà cho chị xem, hãnh diện: mặc áo dạ hội dài, mặc áo tam, tóc búi cao, trên sân khấu, như Hoàng hậu, đang hôn gió. Và nghe báo nói đây nè, Amalia: bà đẹp, bà có giọng nồng cháy, bà đạt thành công này sang thành công khác. Căn nhà trở nên rối ren, bà chủ chỉ toàn nói về tập luyện, và bà ăn kiêng, buổi trưa uống nước bưởi và ăn một miếng bít tết nhỏ, buổi tối xà lách không dầu giấm, tôi đói muốn chết nhưng có làm sao đâu, đóng cửa sổ cửa cái lại, nếu tôi cảm lạnh trước hôm ra mắt thì tôi chết, bà sẽ bỏ hút thuốc, thuốc lá là chất độc cho ca sĩ. Một hôm Amalia nghe bà than phiền với cô Queta: thậm chí không đủ trả tiền thuê nhà, thằng mập là đồ bần tiện. Xét cho cùng, Quetita, điểm chính là cơ hội, bà sẽ thu hút lại khán giả của bà rồi bà sẽ đòi hỏi, Bà ra khỏi nhà đi tới chỗ thằng mập khoảng chín giờ, mặc quần và đội khăn, mang một va li nhỏ, rồi trở về lúc bình minh, còn nguyên son phấn dày cộm. Mối lo chính của bà bây già là nặng cân hơn là sạch sẽ. Bà đọc báo bằng kính lúp, nghe người ta nói về tôi nè, Amalia! và bà sẽ tức giận nếu họ nói điều gì tốt về người khác: con chó cái đó trả tiền cho tụi nó, nó mua họ.
Một thời gian sau các bữa tiệc nhỏ bắt đầu lại. Amalia nhận ra trong đám khách có vài lão già lịch sự thường đến hồi còn ông chủ, nhưng phần lớn bây giờ là người khác: trẻ hơn, ăn mặc không đẹp bằng, không có ô tô nhưng vui nhộn, ôi chao những chiếc nơ, ôi chao màu sắc rực rỡ, dân hát xướng. Carlota rỉ tai. Bà chủ vui muốn chết, tối nay có tiệc bản xứ, Amalia! Bà bảo Símula làm gà nấu ớt hoặc cơm vịt, món cá ướp hoặc xà lách khoai tím làm món khai vị, và bà bảo ra cửa hiệu mua bia. Bà không còn khóa cửa buồng chứa thức ăn nữa, bà không còn bảo họ đi ngủ nữa. Amalia nhìn các trò tinh nghịch, các trò điên rồ, bà chủ đi từ cánh tay này qua cánh tay khác, các bạn gái của bà cũng thế, bà để người ta hôn, và bà là người say nhất. Nhưng dù vậy, lúc chị thấy một gã ra khỏi phòng tắm ngày hôm sau bữa tiệc, Amalia cảm thấy xấu hổ và thậm chí hơi tức giận. Ambrosio nói đúng, bà là người sắc sảo. Trong một tháng bà đã bắt được một gã khác, một tháng sau lại một gã khác. Một người sắc sảo, đúng, nhưng rất tốt với chị, và vào những hôm chị nghỉ Ambrosio hỏi chị, bà chủ thế nào rồi, chị nói láo với gã, rất buồn từ khi ông chủ bỏ đi, để gã khỏi nghĩ xấu về bà.
Chị nghĩ bà sẽ chọn ai? Carlota lắp bắp. Đúng, bà chủ có nhiều người để chọn: mỗi ngày có tràn ngập các cú điện thoại, đôi khi hoa gửi đến với tấm thiệp nhỏ bà chủ sẽ đọc cho cô Queta qua điện thoại. Bà chọn một người hay đến hồi còn ông chủ, một người Amalia đã nghĩ là có lăng nhăng với cô Queta. Đáng tiếc thật, một lão già, Carlota nói. Nhưng một lão giàu có, cao và vạm vỡ. Với bộ mặt hồng hào và mái tóc trắng của lão, gọi lão là ông Urioste hình như không đúng, mà phải là ông nội, papa, Carlota cười. Cách cư xử rất thanh lịch, nhưng khi lão say lão mất tự chủ và mắt lão lồi ra, rồi lão nhào vào phụ nữ. Lão ngủ lại một lần, hai lần, ba lần, rồi từ đó lão thường thức dậy vào buổi sáng trong căn nhà nhỏ ở San Miguel, và lão đi khoảng chín giờ trong chiếc xe to màu gạch đỏ của lão. Người quen cũ bỏ mày để theo tao, bà chủ vừa cười vừa nói, và cô Queta cười: vắt kiệt lão đi, gái ơi. Họ thích thú chế nhạo lão già tội nghiệp. Lão còn làm được với chị không, gái? Không, nhưng như vậy tốt hơn, vì như vậy chị đỡ thiếu chung thủy với em, Quetita. Không ngờ gì nữa, bà đi với lão hoàn toàn vì lý do tài chính. Ông Urioste không làm họ ghét và sợ như Don Cayo, thật ra còn đáng kính, và thậm chí đáng mến khi ông đi xuống thang lầu với hai gò má phúng phính sáng ngời và cặp mắt mệt mỏi, rồi ông bỏ vài đồng vào túi áo tạp dề của Amalia. Ông hào phóng hơn Don Cayo, quý phái hơn. Vì thế khi vài tháng sau ông không đến nữa, Amalia ngẫm nghĩ, ông ấy đúng, chả lẽ chỉ vì ông là một ông già mà ông nên để mình bị lừa dối hay sao? Ông biết ra vụ Pichón, ông đã lên cơn ghen rồi cuốn gói, bà chủ bảo cô Queta, hắn ta sẽ trở lại ngay, ngoan như con cừu, nhưng ông chẳng bao giờ trở lại.
Bà chủ còn buồn không? Một hôm Chúa nhật Ambrosio hỏi chị. Amalia nói sự thật cho gã: bà hết buồn rồi, bà đã có nhân tình, cãi nhau với ông ta, và bây giờ bà đang ngủ với các ông khác. Chị nghĩ gã sẽ nói em thấy chưa, chẳng phải anh đã bảo em rồi sao? và có lẽ bắt chị đừng làm ở đó nữa. Nhưng gã chỉ nhún vai: bà ta đang kiếm ăn sòng phẳng, để bà ta yên. Chị cảm thấy muốn trả lời là nếu em cũng làm như vậy thì anh có màng đến không? nhưng chị kìm lại. Họ gặp nhau mỗi Chúa nhật, họ đến căn phòng của Ludovico, đôi khi họ đụng hắn, và hắn sẽ mời họ đi ăn quà vặt hay uống bia. Anh bị tai nạn à? Amalia hỏi han hôm đầu tiên chị thấy hắn băng bó khắp người. Tụi Arequipa gây tai nạn cho tôi, hắn cười, bây giờ khỏe rồi, hồi trước tôi bết bát hơn. Hình như anh ta vui vẻ, Amalia bình phẩm với Ambrosio, và gã: vì nhờ vụ ăn đòn đó nên họ cho nó vào biên chế, Amalia, bây giờ nó làm cảnh sát nhiều tiền hơn và nó là nhân vật quan trọng.
Vì bà chủ ít khi ở nhà, cuộc sống thanh thản hơn. Buổi chiều chị hay ngồi với Carlota và Símula nghe kịch tình cảm xã hội, đĩa hát. Một buổi sáng, lúc mang điểm tâm lên cho bà chủ, chị gặp một khuôn mặt trong hành lang làm chị nghẹt thở. Carlota, chị chạy vội xuống, hào hứng, Carlota, một anh trẻ, một anh thật đẹp trai, và chị nói khi chị thấy anh ta, tao rã rời, Carlota. Bà chủ và ông ta xuống trễ, Amalia và Carlota nhìn ông ta, sững sờ, nín thở, ông ta có bề ngoài làm dạ dày mình nôn nao. Bà chủ hình như cũng bị thôi miên. Uể oải quá chừng, âu yếm quá chừng, phù hoa và ve vãn quá chừng, bà dùng cái nĩa của bà chạm lên môi ông ta, bà đóng vai em bé, bà vò tóc ông ta, bà thì thầm vào tai ông, cưng, mình, anh yêu. Amalia không nhận ra bà, thật dịu dàng, và vẻ nhìn ấy, và giọng nói nhỏ ấy.
Ông Lucas trẻ tới nỗi ngay cả bà chủ nom cũng già bên cạnh ông ta, đẹp trai tới nỗi Amalia cảm thấy ấm cả người khi ông ta nhìn chị. Da sậm, hàm răng rất trắng, mắt to, bước đi như thể ông ta làm chủ thế giới. Với ông ta thì đâu có phải là vì lý do tiền bạc, Amalia bảo Ambrosio, ông Lucas không có một xu. Ông ta là người Tây Ban Nha, ông hát cùng chỗ với bà chủ. Tụi tôi gặp nhau rồi tụi tôi yêu nhau, bà chủ cúi mắt thú nhận với Amalia. Bà yêu ông, bà vẫn còn yêu ông. Thỉnh thoảng ông chủ và bà chủ chơi đùa, hát song ca, Amalia và Carlota nói họ sẽ cưới nhau, có con, bà chủ nom hạnh phúc quá.
Nhưng ông Lucas đến sống ở San Miguel rồi thì giương móng vuốt ra. Hầu như ông chẳng bao giờ ra khỏi nhà trước khi trời tối, và cả ngày ông nằm trên chiếc ghế dài bọc nệm gọi thức uống, cà phê. Ông chẳng thích món ăn nào, ông chê bai đủ thứ, và bà chủ cãi nhau với Símula. Ông đòi những món lạ, gazpacho 1 là cái quái gì, Amalia nghe Símula càu nhàu, lần đầu tiên chị nghe bà chửi rủa. Ấn tượng tốt trong ngày đầu tiên phai nhạt, và ngay cả Carlota cũng bắt đầu ghét cay ghét đắng ông. Ngoài tính bốc đồng, ông còn sống sượng. Ông tùy tiện tiêu tiền của bà chủ, ông bảo đi mua và nói hỏi Hortensia đưa tiền, bà ấy là nhà băng của tôi. Ngoài việc ấy ra, tuần nào ông cũng mở tiệc, ông thích tiệc tùng. Một tối Amalia thấy ông hôn miệng cô Queta. Làm sao cô ấy lại làm thế, là bạn thân của bà chủ, bà chủ sẽ làm gì nếu bà bắt gặp ông? Chẳng làm gì cả, bà sẽ tha thứ cho ông. Bà đã yêu điên dại, bà chấp nhận ông mọi điều, chỉ cần một tí lời yêu đương của ông là thái độ bực tức của bà sẽ biến mất, bà sẽ trẻ lại. Và ông lợi dụng. Các chủ nợ đến mang theo hóa đơn ông Lucas đã mua hàng, và bà chủ trả tiền hoặc bà bịa chuyện với họ rồi bảo lần khác quay lại. Đấy là lần đầu tiên Amalia nhận ra bà chủ có khó khăn vì tiền. Nhưng ông Lucas thì không, càng ngày ông mua sắm càng nhiều. Ông diện áo quần thanh lịch đi chơi, cà vạt sặc sỡ, bộ vét đặt may, đôi giày da lộn. Đời ngắn ngủi, cưng ơi, ông cười, em phải sống nó chứ, cưng ơi, rồi ông mở vòng tay. Em bé cưng, bà nói. Làm sao như thế được, Amalia nghĩ, ông Lucas đã biến bà thành con mèo con ngoan ngoãn. Chị nhìn bà đi đến ông chủ, đầy thương mến, quỳ nơi chân ông, tựa đầu lên đầu gối ông, và chị không tin nổi. Chị nghe bà nói thương em nghe cưng, trìu mến van xin ông tình yêu, vì cô nhân tình già của cưng yêu cưng lắm, và chị không tin nổi, không tin nổi.
Trong sáu tháng ông Lucas ở San Miguel, sự sung túc biến mất dần. Buồng chứa thức ăn cạn, tủ lạnh chẳng còn gì ngoài sữa và rau ăn trong ngày, tiệm rượu ngưng giao hàng. Rượu whiskey trơ thành quá khứ, nay thì trong các bữa tiệc họ uống pisco và nước gừng, và ăn qua loa thay vì chuẩn bị các món ăn bản xứ. Amalia kể chuyện này cho Ambrosio thì gã mỉm cười: thằng oắt con ma cô, thằng Lucas đó. Lần đầu tiên bà chủ dành xem sổ sách chi tiêu, Amalia cười trong bụng khi thấy cái mặt Símula lúc bà bị hỏi số tiền lẻ còn thừa. Và một hôm đẹp trời Símula tuyên bố bà và Carlota thôi làm. Đi Huacho, thưa bà, họ sẽ mở một hiệu nhỏ bán thức ăn. Nhưng đêm trước khi họ đi, thấy Amalia buồn, Carlota an ủi chị: nói láo đó, họ đâu có đi Huacho, mình vẫn còn gặp nhau mà. Símula đã tìm được một chỗ dưới phố, bà sẽ làm đầu bếp và Carlota là người giúp việc. Chị cứ nên đi, Amalita, mama em nói nhà này đang vỡ nợ. Chị nên đi không? Không, bà chủ quá tốt. Chị ở lại và cứ thuyết phục mình là thay vào đó nếu chị nấu ăn chị sẽ có thêm năm chục đồng. Từ đó ông chủ và bà chủ hầu như chẳng bao giờ ăn ở nhà, mình ra ngoài ăn, cưng. Vì em không biết nấu, ông ấy không nuốt trôi món ăn của em, Amalia kể cho Ambrosio, tốt thôi. Nhưng công việc nhiều gấp ba: dọn dẹp, phơi phóng, làm giường, rửa bát đĩa, quét nhà, nấu ăn. Căn nhà nhỏ không còn ngăn nắp và sáng sủa nữa. Amalia có thể thấy qua mắt bà chủ là bà khổ sở thế nào nếu một tuần trôi qua mà không xịt nước mảnh sân, ba bốn ngày mà không quét bụi phòng khách. Bà cho ông làm vườn nghỉ việc thế là các bụi phong lữ héo úa và bãi cỏ khô cằn. Từ khi ông Lucas sống trong nhà, cô Queta không còn ngủ lại nữa, nhưng cô vẫn ghé qua, đôi khi với một bà ngoại quốc, Señora Ivonne, bà ta chế nhạo bà chủ và ông Lucas: đôi uyên ương, cặp nhân tình thế nào. Một hôm, khi ông chủ đã đi chơi, Amalia nghe cô Queta cãi nhau với bà chủ: nó làm chị khánh tận, nó là đứa bòn rút, chị phải bỏ nó. Chị chạy vào buồng chứa thức ăn, bà chủ đang nghe cô ấy, co người trong chiếc ghế bành, rồi bỗng dưng bà ngẩng mặc lên và bà khóc. Bà biết hết, Quetita, và Amalia nghĩ chị cũng sắp khóc, nhưng bà làm được gì, Quetita, bà yêu anh ấy, đây là lần đầu tiên trong đời bà thật sự yêu. Amalia ra khỏi buồng chứa thức ăn, về phòng chị rồi khóa cửa. Khuôn mặt Trinidad kìa, lúc gã đau ốm, lúc họ bắt gã, lúc gã chết. Chị sẽ không bao giờ bỏ đi, chị sẽ ở lại với bà chủ mãi mãi.
Nhà này sập tiệm, ừ, và ông Lucas sống trên đống đổ nát ấy như con kên kên sống trên đống rác. Ly cốc và bình lọ vỡ không được thay, nhưng ông sẽ khoe bộ vét mới. Bà chủ kể chuyện buồn với những người đòi nợ của cửa hàng và hiệu giặt, nhưng vào ngày sinh nhật của ông, ông xuất hiện với chiếc nhẫn, và trong dịp Giáng sinh ông già Noel cho ông cái đồng hồ đeo tay. Ông chưa bao giờ buồn hay giận: người ta vừa khai trương một hiệu ăn mới ở Magdalena, mình đi chứ, cưng? Ông thường thức dậy muộn rồi an tọa trong phòng khách đọc báo. Amalia nhìn ông, một thằng nhóc đẹp trai, tươi cười, trong bộ áo choàng ngủ màu rượu vang, chân đặt trên chiếc ghế dài bọc nệm, mồm ngân nga, và chị ghét ông: chị nhớ vào bữa điểm tâm của ông, cho tóc vào súp của ông, trong giấc mơ chị thấy ông bị bánh xe lửa cắt thành nhiều khúc.
Một buổi sáng, từ cửa hàng về, chị gặp bà chủ và cô Queta đang mặc quần dài đi ra, cầm mấy cái túi nhỏ. Họ đi tắm hơi, họ sẽ không về ăn trưa, chị nên mua bia cho ông chủ. Họ đi và một lát sau Amalia nghe tiếng chân; ông đã thức, chắc ông muốn ăn điểm tâm. Chị lên lầu, và ông Lucas mặc áo khoác, đeo cà vạt đang vội vàng xếp quần áo của ông vào va li. Ông sắp đi tỉnh, Amalia, ông đi hát cho các rạp hát, đến thứ hai ông sẽ trở về, và ông nói như thể ông đã đi du lịch, ca hát. Đưa Hortensia tờ giấy này, Amalia, bây giờ gọi tắc xi cho tôi. Amalia há miệng nhìn ông. Cuối cùng chị rời phòng mà không nói gì. Chị gọi tắc xi, mang va li của ông chủ xuống, tạm biệt Amalia, thứ hai gặp lại chị. Chị vào nhà và ngồi trong phòng khách, bực tức. Phải chi Doña Símula và Carlota ở đây khi chị đưa thư cho bà chủ. Chị không làm được gì cả buổi sáng, chỉ nhìn đồng hồ và suy nghĩ. Đến năm giờ, chiếc xe nhỏ của cô Queta ngừng bên cửa. Mặt chị gí sát vào màn cửa, chị nhìn họ đến gần, tươi mát quá chừng, trẻ trung quá chừng, như thể không những họ đã sụt cân mà còn trở lại mấy tuổi sau khi tắm hơi, và chị mở cửa rồi chân chị bắt đầu run. Vào đây, gái, bà chủ nói, uống cà phê, và họ đi vào rồi ném túi xách lên chiếc ghế dài. Chuyện gì vậy, Amalia. Ông chủ đi xa, thưa bà, và tim chị đập mạnh, ông để thư lại trên lầu. Bà không đổi sắc, bà không cử động. Bà nhìn chị rất lặng lẽ, rất nghiêm nghị, cuối cùng miệng bà hơi run. Đi xa? Lucas đi xa? Và trước khi Amalia kịp trả lời, bà quay người đi lên lầu, cô Queta theo sau. Amalia cố lắng nghe. Bà đã không khóc hay bà đang khóc rất nhỏ. Chị nghe tiếng động, tiếng lục lọi, giọng cô Queta: Amalia! Cửa tủ áo mở toang, bà chủ đang ngồi trên giường. Hắn có nói sẽ về không, Amalia? Cô Queta đâm thủng chị bằng cặp mắt của cô. Có, thưa cô, và chị không dám nhìn bà chủ, ông sẽ về hôm thứ Hai, và chị thấy mình đang lắp bắp. Hắn muốn bỏ đi với con nào, cô Queta nói, hắn thấy hắn bị trói buộc vì chị ghen tuông, gái ạ, hắn sẽ quay về hôm thứ Hai xin chị tha thứ cho hắn. Chị xin Queta, bà chủ nói, làm ơn đừng giả ngây. Hắn cuốn gói đi càng tốt, cô Queta quát tháo, chị thoát khỏi con quỷ hút máu, và bà chủ đưa tay trấn an cô: bàn giấy, Queta, bà không dám nhìn. Bà thổn thức, che mặt, và cô Queta chạy đến mở các ngăn kéo, lục lọi, ném thư từ, chai lọ và chìa khóa lên sàn, chị có thấy hắn lấy cái hộp nhỏ màu đỏ không, Amalia? Và Amalia lồm cồm bò xuống nhặt nhạnh, Chúa ơi, cô ơi, chị có thấy hắn lấy đồ nữ trang của bà chủ không? Không, thật vậy, họ sẽ gọi cảnh sát, hắn không ăn cắp được của chị đâu, gái, họ sẽ bắt hắn, hắn sẽ trả lại. Bà chủ nức nở to hơn, và cô Queta bảo Amalia đi pha một tách cà phê đặc, nóng. Khi chị bưng khay quay lại, run rẩy, cô Queta đang nói trên điện thoại: bà biết nhiều người, Señora Ivonne, nhờ họ tìm hắn, nhờ họ bắt hắn. Bà chủ ở trong phòng cả buổi chiều nói chuyện với cô Queta, và khi đêm xuống Señora lvonne đến. Hôm sau hai anh ở sở cảnh sát xuất hiện, một anh là Ludovico. Gã giả và không biết Amalia. Cả hai hỏi câu này sang câu khác về ông Lucas, rồi cuối cùng họ trấn an bà chủ: bà sẽ lấy lại đồ nữ trang của bà, chỉ vài ngày nữa thôi.
Những ngày ấy buồn, về sau Amalia nghĩ sự việc trước đó đã tệ, nhưng từ ấy mọi việc càng tệ hơn. Bà chủ nằm trên giường, xanh xao,tóc rối tung, và bà chỉ ăn vài bát súp. Tới ngày thứ ba cô Queta đi. Bà có muốn tôi mang nệm của tôi lên phòng bà không, thưa bà? Không, Amalia, chị cứ ngủ trong phòng riêng của chị. Nhưng Amalia ngủ trên ghế dài trong phòng khách, quấn mình trong chăn của chị. Trong bóng tối, chị cảm thấy mặt chị ướt. Chị ghét Trinidad, Ambrosio, cả đám họ. Chị ngủ gật rồi thức dậy, chị buồn tiếc, chị sợ, và một lần chị thấy ánh sáng trong hành lang. Chị đi tới, áp tai lên cánh cửa, chị không nghe gì, liền mở cửa. Bà chủ nằm dài trên giường, không đắp chăn, mắt bà mở: bà gọi tôi, thưa bà? Chị lại gần, thấy cái ly đổ, mắt bà chủ trợn trắng. Chị chạy ra đường la hét. Bà đã tự tử, và chị nhấn chuông nhà bên cạnh, bà đã tự tử, và chị đá lên cánh cửa. Một ông mặc áo choàng tắm đến, một bà đang tát vào mặt bà chủ, họ ấn bụng bà, họ muốn bà nôn, họ gọi điện thoại. Gần sáng xe cứu thương đến.
Bà chủ nằm Bệnh viện Loayza một tuần. Hôm chị vào thăm bà, Amalia gặp bà với cô Queta, cô Lucy và Señora Ivonne. Xanh và gầy, nhưng cam chịu hơn. Đây là cứu tinh của tôi, bà chủ đùa. Làm sao mình nói với bà là không còn gì ăn cả? chị nghĩ. May mắn, bà chủ nhớ: cho chị ấy ít tiền để chi tiêu, Quetita. Chủ nhật ấy chị đi gặp Ambrosio ở bến xe và đưa gã về nhà. Gã đã biết bà chủ định tự tử, Amalia. Làm sao gã biết? Vì Don Fermín trả tiền bệnh viện. Don Fermín? Ừ, bà đã gọi ông, và ông là người hào hoa, thấy bà trong tình cảnh đó là ông thương cảm cho bà nên ông đã giúp bà. Amalia làm thức ăn cho gã rồi sau đó họ nghe radio. Họ lên giưòng trong phòng bà chủ, và Amalia bị một trận cười không ngớt. Vậy mấy tấm gương là dành cho chuyện ấy, vậy là cái gì, bà chủ đúng là con quỷ cái, và Ambrosio phải lay vai chị và mắng chị, khó chịu vì tiếng cười của chị. Gã không nói về căn nhà nhỏ và chuyện cưới nhau nữa, nhưng họ hòa thuận với nhau, gã và chị, họ không bao giờ cãi nhau. Họ cứ lặp đi lặp lại: xe điện, căn phòng nhỏ của Ludovico, xi nê, thỉnh thoảng đi nhảy. Một hôm Chúa nhật Ambrosio dính vào vụ đánh nhau trong một quán ăn bên xứ sở Barrios Altos vì mấy đứa say vào la hét APRA muôn năm! và gã Đả đảo! Bầu cứ sắp đến, trên Plaza San Martín người ta đang mít tinh. Dưới phố đầy bích chương, xe gắn loa phóng thanh. Hãy bầu cho Prado, quý vị biết ông ấy! họ nói trên đài phát thanh, truyền đơn, họ ca Lavalle là người Peru muốn! với nhạc valse, hình ảnh, và Amalia thích điệu polka trong bài “Tiến lên cùng Belaúnde” 2 ! Phe Aprista đã trở lại, ảnh của Haya de la Torre in trên báo, và chị nhớ Trinidad. Chị có yêu Ambrosio không? Có, nhưng với gã không như với Trinidad, với gã không có nỗi đau khổ ấy, niềm vui ấy, sự nồng nhiệt ấy như với Trinidad. Tại sao anh muốn Lavalle thắng? chị hỏi gã, và gã nói vì Don Fermín ủng hộ ông ta. Với Ambrosio mọi thứ đều yên bình, một lần chị chợt nghĩ mình chỉ là hai người bạn ngủ với nhau. Nhiều tháng trôi qua chị không đi thăm Señora Rosario, nhiều tháng trôi qua chị không gặp Gertrudis Lama hay bà dì của chị. Trong tuần chị cứ cất mọi việc đã xảy ra vào đầu chị, đến Chủ nhật chị sẽ kể với Ambrosio, nhưng gã dè dặt tới nỗi đôi khi chị tức giận. Cô Teté thế nào? khỏe, còn Señora Zoila? khỏe, cậu Santiago đã về nhà chưa? chưa, họ có nhớ cậu ấy lắm không? có, nhất là Don Fermín. Còn gì nữa, còn gì nữa? Chả còn gì nữa. Đôi khi trêu chọc, chị làm gã sợ: em sẽ đến thăm Señora Zoila, em sẽ kể cho Señora Hortensia về chuyện của mình. Gã sẽ sùi bọt mép: nếu em đi em sẽ hối tiếc, nếu em kể cho bà ấy, mình sẽ không bao giờ gặp lại nhau nữa. Tại sao lại giấu, tại sao lại giữ bí mật, tại sao lại xấu hổ? Gã lạ lùng, gã điên, gã có cách của gã. Nếu Ambrosio chết, mày có cảm thấy buồn giống như hồi Trinidad? Gertrudis có lần hỏi chị. Không, chị sẽ khóc vì gã, nhưng sẽ không như tận thế, Gertrudis. Chắc vì mình không sống chung, chị nghĩ. Có lẽ nếu chị giặt áo quần của gã, nấu ăn cho gã và săn sóc gã khi gã ốm đau, sự việc sẽ khác.
Señora Hortensia về lại San Miguel chỉ còn da bọc xương. Áo quần bà rộng thùng thình, mặt bà hóp, mặt bà không sáng như trước. Cảnh sát không tìm lại được đồ nữ trang của bà hay sao, thưa bà? Bà chủ cười bơ phờ, họ sẽ chẳng bao giờ tìm được, và mắt bà ướt lệ. Lucas khôn ranh hơn cảnh sát. Bà vẫn yêu hắn, tội nghiệp. Sự thật là bà chẳng còn gì nhiều, Amalia, bà đã bán chúng đi vì hắn, cho hắn. Đàn ông thật dại dột, hắn đâu cần phải ăn cắp của bà, Amalia, hắn chỉ cần hỏi bà là được. Bà chủ đã thay đổi. Chuyện xấu đến với bà hết việc này sang việc khác, và bà dửng dưng, nghiêm nghị, lặng lẽ. Prado thắng, thưa bà, APRA phản lại Lavalle và bầu cho Prado và Prado thắng, đài phát thanh nói thế. Nhưng bà chủ không nghe chị: tôi mất việc rồi, Amalia, thằng mập không ký lại hợp đồng với tôi. Bà nói mà không tức giận, như thể đó là chuyện bình thường nhất trên đời. Rồi vài hôm sau bà nói với cô Queta, nợ nần sắp ngập đầu tao. Hình như bà chẳng sợ cũng chẳng quan tâm. Amalia không biết phải bịa chuyện gì khi ông Poncio đến thu tiền thuê nhà: bà không có nhà, bà đi vắng, ngày mai, thứ Hai. Trước kia ông Poncio toàn là tán tỉnh và có duyên; bây giờ ông là con chó rừng: ông đỏ mặt tía tai, ho, nuốt. À bà ta không có ở nhà hả? Ông đẩy Amalia rồi quát tháo Señora Hortensia, bịp bợm đủ rồi! Từ trên đầu thang bà chủ nhìn ông như thể ông là con gián nhỏ: ông có quyền gì mà la lối như vậy, báo Paredes là lúc khác tôi sẽ trả. Bà không trả và Đại tá Paredes nạo tôi, ông Poncio quát tháo, chúng tôi sẽ tống cổ bà ra khỏi đây bằng pháp luật. Tôi sẽ đi chừng nào tôi muốn đi, bà chủ nói mà không la lối, và ông ta quát chúng tôi hạn cho bà đến thứ Hai nếu không chúng tôi sẽ có biện pháp. Sau đó Amalia lên lầu, nghĩ chắc bà giận lắm. Nhưng không, bà bình tĩnh, nhìn lên trần nhà với cặp mắt sền sệt. Hồi còn Cayo, Paredes từ chối không lấy tiền nhà, Amalia, mà bây giờ thì đổi khác như thế. Bà nói với vẻ bơ phờ kinh khủng, như thể bà đang ở rất xa hay đang thiếp ngủ. Họ phải dọn đi, không có cách nào khác, Amalia. Những ngày ấy đầy bối rối. Bà chủ đi sớm về trễ, tôi xem hàng trăm nhà mà cái nào cũng đắt quá, bà gọi một ông rồi một ông khác, hỏi họ một món tiền, một món nợ, rồi gác điện thoại và méo miệng: bọn vô ơn bạc nghĩa. Hôm dọn nhà, ông Poncio ghé qua và đóng cửa ở với bà chủ trong căn phòng nhỏ hồi trước của Don Cayo. Cuối cùng bà chủ đi xuống và bảo bọn tài xế xe tải mang bàn ghế phòng khách và quầy rượu trở lại vào nhà.
Dù không có mấy bộ bàn ghế ấy thì căn chung cư ở Magdalena Vieja cũng chẳng thấy thiếu gì, nó nhỏ hơn căn nhà nhỏ ở San Miguel. Thậm chí có quá nhiều đồ đạc, và bà chủ bán cái bàn làm việc, mấy chiếc ghế bành, mấy tấm gương và tủ đựng ly tách. Căn chung cư nằm trên tầng hai của tòa nhà màu xanh lục, có một phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm, gian bếp, cái hiên nhỏ, và một phòng cho người làm có buồng tám nhỏ. Chung cư còn mới, và một khi đã sửa sang lại thì cũng khá xinh xắn.
Chủ nhật đầu tiên chị gặp Ambrosio trên Avenida Brasil ở trạm xe Quân y viện, họ cãi nhau. Tội nghiệp bà chủ, Amalia bảo gã, bà gặp khó khăn, họ lấy mất bàn ghế của bà, ông Poncio thật là thô bỉ, và Ambrosio nói anh mừng. Cái gì? Ừ, bà ta là đồ chó cái. Cái gì? Bà ta ăn bám người khác, bà ta cứ xin tiền Don Fermín và ông ấy đã giúp bà ta rất nhiều, bà ta không biết điều. Bỏ bà ta đi, Amalia, tìm nhà khác. Amalia nói tôi sẽ bỏ anh trước. Họ cãi nhau độ một giờ và chỉ tạm hòa hoãn. Được rồi, họ sẽ không nói về bà ta nữa, Amalia, không đáng để mình cãi nhau vì cái bà điên đó.
Với sổ đen vay nợ và tiền bán một số đồ dùng, bà chủ không đến nỗi quá khó khăn trong lúc tìm việc làm. Cuối cùng bà có được một việc ở một chỗ tên La Laguna ở Barranco. Một lần nữa bà lại bắt đầu nói đến chuyện bỏ thuốc, và mỗi sáng bà thức dậy mặt còn nguyên son phấn. Bà không bao giờ nhắc đến ông Lucas, chỉ có cô Queta đến thăm bà. Bà không như ngày trước. Bà không nói đùa, bà không còn tính dí dỏm, nét duyên dáng, vẻ vô tư lự, vẻ hạnh phúc như hồi xưa. Bây giờ bà nghĩ nhiều về tiền. Quiñoncito điên lên vì chị đấy, gái ơi, song bà thậm chí không muốn nhìn hắn, Quetita, hắn chẳng có một xu. Rồi một thời gian sau bà bắt đầu đi chơi với các ông, nhưng bà không bao giờ cho họ vào nhà, bà bắt họ đợi ở cửa hay ngoài đường trong lúc bà sửa soạn. Amalia nghĩ bà xấu hổ không muốn cho họ thấy bây giờ bà sống ra sao. Bà thường thức giấc là tự pha ly pisco với nước gừng. Bà nghe radio, đọc báo, gọi điện thoại cô Queta, và uống hai ba ly. Bà nom không còn đẹp và tao nhã như trước.
Nhiều ngày, nhiều tuần trôi qua như thế. Khi bà chủ thôi hát ở La Laguna, hai ngày sau Amalia mới biết. Bà chủ ở nhà một thứ Hai và một thứ Ba, tối đó bà cũng không đi hát sao, thưa bà? Bà sẽ không trở lại La Laguna nữa, Amalia, họ bóc lột bà, bà sẽ tìm một việc khá hơn. Nhưng mấy ngày sau đó bà hình như chẳng nôn nóng tìm việc khác. Bà nằm trên giường, màn cửa khép, nghe radio trong bóng tối. Bà thức dậy bơ phờ rồi tự pha một ly pisco với nước gừng, và khi Amalia vào phòng ngủ chị thấy bà bất động, cái nhìn đăm đăm mờ trong khói, giọng bà yếu và cử chỉ bà mệt mỏi. Khoảng bảy giờ bà bắt đầu son phấn và sơn móng tay, chải tóc, và khoảng tám giờ cô Queta sẽ đón bà bằng chiếc ô tô nhỏ của cô. Bà về lúc bình minh, hết hơi, say khướt, mệt mỏi đến nỗi đôi khi bà thức Amalia dậy để giúp bà cởi quần áo. Xem bà đang gầy đi thế này, Amalia nói với cô Queta, bảo bà ăn nhiều hơn cô ạ, bà sẽ mắc bệnh. Cô Queta bảo bà, nhưng bà chẳng thèm chú ý đến cô. Bà ơi phải mang y phục của bà đến cô thợ may trên Avenida Brasil để bóp lại. Mỗi ngày bà đưa Amalia tiền trong ngày và trả lương chị đúng hạn, bà lấy tiền ở đâu ra? Chưa có ông nào ngủ lại căn chung cư Magdalena. Chắc bà làm chuyện của bà ở nơi khác. Khi bà chủ bẩt đầu làm việc ở Montmartre, bà không còn nói đến bỏ hút thuốc hay lo chuyện gió lùa nữa. Bây giờ bà thậm chí cóc cần để ý đến ca hát. Cách bà trang điểm thật thê thảm. Và giữ nhà gọn và sạch không làm bà quan tâm, hồi xưa bà thường kích động khi bà quẹt ngón tay lên bàn mà thấy bụi, Và bà không để ý nếu mấy cái gạt tàn đầy mẩu thuốc lá, buổi sáng bà không hỏi chị đã tắm chưa, chị đã bôi chất khử mùi chưa? Căn chung cư nom bừa bộn, nhưng Amalia đâu có thời giờ để làm hết. Ngoài ra, bây giờ dọn dẹp mệt hơn nhiều. Bà chủ lây tính lười biếng của bà cho em, chị bảo Ambrosio. Thấy bà chủ như thế này thật tức cười, sao mà nhếch nhác, cô Queta, có phải vì bà vẫn chưa quên ông Lucas? Ừ, cô Queta nói, và cũng vì rượu và thuốc an thần làm bà cứ ngật ngừ.
Một hôm có tiếng gõ cửa. Amalia mở cửa và gặp Don Fermín. Lần ấy ông cũng không nhận ra chị: Hortensia đang đợi tôi. Ông đã già đi quá từ sau lần gặp cuối, tóc bạc, mắt trũng sâu. Bà chủ bảo chị đi mua thuốc lá, và hôm Chúa nhật, khi Amalia hỏi Ambrosio rằng Don Fermín đến để làm gì, gã tỏ vẻ khinh miệt: đem tiền cho bà ta, cái bà khốn kiếp đó đã biến ông ấy thành người dễ bị mắc lừa. Bà chủ làm gì anh mà anh ghét bà ấy dữ vậy? Chẳng làm gì Ambrosio, nhưng bà ấy hút máu Don Fermín, lợi dụng lòng tốt của ông, bất kỳ ai khác cũng sẽ bảo bà ta cút xéo đi. Amalia nổi giận: anh xía vào làm gì, có phải chuyện của anh đâu? Tìm việc khác đi, gã khăng khăng, em không thấy bà ta đang chết đói sao? bỏ bà ta đi.
Đôi khi bà chủ biến mất hai hoặc ba ngày, và khi về bà nói tôi đi xa, Amalia. Paracas, Cuzco, Chimbote. Từ cửa sổ Amalia thay bà xách va li vào xe của mấy ông. Một số ông chị biết qua giọng nói, trên điện thoại, và chị cố đoán họ ra sao, họ bao nhiêu tuổi. Một sáng sớm, chị nghe tiếng nói, chị đi nhìn trộm và thấy bà chủ trong phòng khách với một ông, đang cười và uống rượu. Rồi chị nghe cửa đóng và nghĩ họ vào phòng ngủ. Nhưng không, người đàn ông đã đi, và khi chị hỏi bà chủ có muốn ăn trưa không, bà nằm trên giường mặc nguyên y phục, nét lạ lùng trong mắt bà. Bà cứ nhìn chị với nụ cười nhỏ lặng lẽ, và Amalia hỏi bà có cảm thấy khỏe không? Im lặng, hoàn toàn im lặng, như thể toàn thân bà đã chết, ngoại trừ đôi mắt đang nhìn mông lung. Chị chạy đến gọi điện thoại và đợi, run rẩy, đợi tiếng cô Queta: bà lại tự tử, bà đang trên giường, bà không nghe, bà không nói, và cô Queta quát im mồm, đừng sợ, nghe tôi đây. Cà phê đậm, đừng gọi bác sĩ, cô ấy sẽ đến ngay. Uống đi rồi bà sẽ cảm thấy khỏe hơn, thưa bà, Amalia thút thít, cô Queta sắp đến. Im lặng, câm, điếc, nhìn đăm đăm, vì thế chị nâng đầu bà và đưa tách lên môi bà. Bà ngoan ngoãn uống, hai dòng nước nhỏ chảy xuống cổ bà. Như thế, thưa bà, uống hết, rồi chị vuốt đầu bà và hôn tay bà. Nhưng khi cô Queta đến, thay vì cảm thấy thương hại, cô bắt đầu chửi. Cô bảo chị đi mua dầu xoa bóp, bắt bà chủ uống thêm cà phê, cô và Amalia cùng cởi y phục của bà, xoa trán và thái dương bà. Trong khi cô Queta mắng bà, chị là đồ ngu, chị là đồ điên, chị không biết chị đang làm gì, bà chủ dần dần khỏe lại. Bà mỉm cười, chuyện gì nhặng xị thế, bà cử động, và cô Queta bực mình, tôi đâu có phải là vú em của chị, chị bế tắc, nếu chị muốn tự tử thì làm cho lẹ chứ đừng làm từ từ. Tối hôm ấy bà chủ không đi Montmartre, nhưng bà hoàn toàn khỏe lúc thức dậy ngày hôm sau.
Một buổi sáng, sau hôm xảy ra vụ rắc rối ấy, Amalia từ cửa hiệu trở về chỉ thấy một chiếc xe tuần cảnh đậu bên cạnh cửa tòa nhà. Một viên cảnh sát và một anh công an thường phục đang cãi nhau với bà chủ trên vỉa hè. Cứ để tôi gọi một cú điện thoại, bà chủ nói, nhưng họ nắm cánh tay bà, đẩy bà vào xe rồi đi. Chị đứng trên vỉa hè, sợ đến nỗi cảm thấy không muốn vào. Chị gọi cô Queta nhưng cô không có ở nhà; chị gọi suốt buổi chiều và cô không trả lời. Chắc họ cũng đã bắt cô tới trạm cảnh sát, chắc họ cũng sẽ đến bắt cả chị nữa. Các cô người làm và hàng xóm ghé đến xem chuyện gì xảy ra, người ta đưa bà đi đâu. Tối hôm ấy chị không chợp mắt nổi: họ đang đến, họ sẽ bắt mày đi. Ngày hôm sau cô Queta xuất hiện và có vẻ kinh hoàng khi Amalia kể sự việc cho cô. Cô chạy tới điện thoại: làm gì đi, Señora Ivonne, họ đâu có thể giữ chị ấy trong tù được, hoàn toàn là lỗi của Paqueta, cả cô Queta cũng bực tức, hoảng sợ. Cô đưa Amalia mười đồng: họ tưởng nhầm bà chủ dính líu đến một chuyện xấu nào đấy, cảnh sát hoặc ký giả chắc sẽ đến, chị về gia đình chị vài ngày đi. Mắt chị đẫm lệ và chị nghe cô lẩm bẩm tội nghiệp Hortensia. Chị đi đâu đây, chị đi đâu. Chị đi đến chỗ bà dì, bây giờ bà đang trông coi một nhà trọ ở Chacra Colorada. Bà chủ đi xa, thưa dì, bà ấy cho cháu nghỉ vài ngày. Bà dì càu nhàu vì chị đã mất biệt khá lâu, rồi nhìn chị, nhìn chị mãi. Cuối cùng bà giữ mặt chị và săm soi mắt chị: mày nói láo, bà ta đuổi mày vì biết mày có bầu. Chị chối, chị không có bầu, chị phản đối, chị có bầu với ai. Nhưng nhỡ dì chị đúng thì sao, nhớ vì thế mà chị mất kinh? Chị quên phắt bà chủ, cảnh sát, chị sẽ nói gì với Ambrosio, gã sẽ nói gì. Hôm Chủ nhật chị đến bến xe gần Quân y viện, lẩm bẩm cầu nguyện. Chị bắt đầu kể cho gã về chuyện của bà chủ, nhưng gã đã biết. Bà ta đã về nhà, Amalia, Don Fermín đã nói với một số bạn và họ thả bà ta ra. Nhưng tại sao họ bắt bà chủ? Chắc bà ta đã làm điều gì bậy, điều gì xấu, và gã đổi đề tài: Ludovico đã cho gã mượn phòng cả đêm. Dạo này họ không gặp Ludovico nhiều nữa, Ambrosio bảo chị hình như hắn sắp cưới vợ và đang nói tới việc mua một căn nhà trong khu mới xây Villacampa, Ludovico hồi này lên hương thật, phải không Amalia? Họ đi đến một quán ăn nhỏ ở Rímac và gã hỏi chị tại sao em không ăn. Chị không đói, chị đã ăn trưa một bụng. Tại sao chị không nói chuyện? Chị đang nghĩ về bà chủ, ngày mai em sẽ đi gặp bà sớm. Ngay khi họ vào căn phòng nhỏ, chị lấy hết can đảm nói: bà dì của em nói em có thai. Gã ngồi xuống giường nghe cái phịch. Bà dì của em nghĩ ngợi cái cứt gì vậy, gã lắc cánh tay chị, chị có thai hay không? Có, chị nghĩ chị có thai, rồi chị bắt đầu khóc. Thay vì dỗ chị, Ambrosio bắt đầu nhìn chị như thể chị bị phong hủi và có thể lây cho gã. Không thể được, gã lặp lại, không thể được, và giọng gã lắp bắp. Chị chạy ra khỏi phòng. Ambrosio bắt kịp chị ngoài đường. Bình tĩnh, đừng khóc, bàng hoàng, gã đi với chị đến bến xe, rồi gã nói anh đâu có ngờ, đừng nghĩ anh điên, em làm anh chẳng biết nói gì. Trên Avenida Brasil gã tạm biệt chị, hẹn Chúa nhật sau, Amalia nghĩ: gã sẽ không đến nữa.
Señora Hortensia không giận: chào Amalia. Bà vui vẻ ôm chị, tôi cứ nghĩ chị sợ mất vía và sẽ không trở lại. Bà nghĩ gì kỳ vậy, thưa bà. Tôi biết, bà chủ nói, chị là bạn tốt, Amalia, một người bạn thiệt tình. Tụi nó định cài cho bà dính vào một vụ bà không làm, tụi nó là như vậy, con khốn Paqueta là như vậy, tụi nó đều như vậy hết. Nhiều ngày, nhiều tuần trở lại như trước, mỗi ngày mỗi tệ hơn một chút vì khó khăn tiền bạc. Một hôm một ông mặc đồng phục gõ cửa. Ông ta muốn gặp ai? Nhưng bà chủ đi ra đón ông ta, chào anh, Richard, và Amalia nhận ra ông ta. Ông là người đã vào nhà sáng sớm hôm nọ, chỉ có khác là bây giờ ông đội mũ phi công và mặc áo khoác xanh đính khuy vàng. Ông Richard là phi công cho hãng máy bay Panagra, cả đời ông du lịch, tóc mai bạc, một lọn tóc vàng trên trán ông, phương phi, mặt tàn nhan, giọng Tây Ban Nha pha Anh khiến mày cười. Amalia nghĩ ông tử tế. Ông là người đầu tiên vào căn chung cư, người đầu tiên ngủ lại. Ông đến Lima vào thứ Năm, từ phi trường đến trong bộ đồng phục xanh, đi tắm, nghỉ ngơi một lát, rồi họ đi chơi, trở về lúc bình minh, làm ồn rầm rầm rồi ngủ đến trưa. Thỉnh thoảng ông Richard ở lại Lima hai ngày. Ông thích vào bếp, đeo tạp dề của Amalia rồi nấu ăn. Chị và bà chủ vừa cười vừa nhìn ông rán trứng, nấu mì Ý, pizza. Ông là người hay đùa, vui tính, và bà chủ rất hòa thuận với ông. Tại sao bà không cưới ông Richard, thưa bà? Ông ấy thật tử tế. Señora Hortensia cười: ông ấy đã có vợ và bốn đứa con rồi, Amalia.
Cứ thế trong khoảng hai tháng, thế rồi một lần ông Richard đến hôm thứ Tư thay vì thứ Năm. Bà chủ đóng cửa tối om, ly rượu của bà để trên bàn ngủ. Ông Richard hãi hùng gọi Amalia. Đừng hoảng hốt như thế, chị trấn an ông, đâu có gì, rồi sẽ qua, tại thuốc của bà thôi. Nhưng ông Richard nói tiếng Anh, mặt đỏ vì ngạc nhiên, rồi ông tát bà chủ mấy cái làm xước da bà, và bà chủ nhìn họ như thể họ không có ở đó. Ông Richard vào phòng khách, trở lại, gọi điện thoại, cuối cùng ông đi ra và đưa một ông bác sĩ về, bác sĩ tiêm cho bà một mũi. Khi bác sĩ ra về, ông Richard vào bếp và nom ông như con tôm: đỏ ké khắp người, tức giận, ông bắt đầu nói tiếng Tây Ban Nha rồi đổi qua tiếng Anh. Thưa ông, chuyện gì vậy, tại sao ông la hét, tại sao ông chửi bới tôi. Ông vung vẩy tay, và Amalia nghĩ ông sắp đánh mình, ông ta hóa điên rồi. Và lúc ấy bà chủ xuất hiện: anh có quyền gì mà lớn tiếng, anh có quyền gì mà la Amalia. Bà bắt đầu cãi nhau với ông vì đã gọi bác sĩ, bà quát tháo ông và ông quát tháo bà, và họ cứ quát tháo trong phòng khách, đồ mẽo cứt, đồ cứt xen vào việc người khác, ầm ĩ, một cái tát, và Amalia điên dại cầm cái chảo đi vào nghĩ bụng ông ta sẽ giết cả hai. Ông Richard đã bỏ đi, và bà chủ đang đứng ở cửa chửi ông. Khi ấy chị không kìm lại được nữa, chị cố nâng tập dề lên, nhưng vô ích, chị đã nôn hết lên sàn nhà. Khi bà chủ nghe tiếng nôn, bà chạy đến. Vào phòng tắm, đừng sợ, mọi việc ổn cả. Amalia súc miệng, quay lại phòng khách với miếng vải ướt và cái giẻ lau, và trong khi chị lau chị nghe bà chủ cười. Chẳng có lý do gì để sợ, đồ vớ vẩn, bà đã định bỏ thằng ngốc đó từ lâu, và Amalia xấu hổ muốn chết. Nhưng bất chợt bà chủ im lặng. Khoan đã, bà mỉm nụ cười bà vẫn có hồi thời xa xưa, đồ nhóc tì quỷ quyệt, đến đây, đến đây. Chị cảm thấy mình đỏ bừng mặt, chị không có bầu đấy chứ? chóng mặt, không, thưa bà, nghĩ gì kỳ vậy. Nhưng bà chủ nắm cánh tay chị: đồ con nhỏ ngốc, rõ ràng chị có bầu. Không bực mình, không ngạc nhiên, cười. Không, thưa bà, làm sao chị có bầu được, và chị cảm thấy đầu gối chị run. Chị bắt đầu khóc, ồ, thưa bà. Đồ nhóc tì quỷ quyệt, bà chủ âu yếm nói. Bà mang cho chị cốc nước, bắt chị ngồi xuống, ai mà nghĩ cho nổi. Vâng, chị có bầu, thưa bà, từ hồi đó tới giờ chị cảm thấy bết lắm: khát, buồn nôn, cảm thấy dạ dày chị bay đi đâu mất tiêu. Chị khóc ầm ĩ và bà chủ dỗ chị, tại sao chị không nói với tôi, đồ ngốc, đâu có gì sai trái đâu, tôi sẽ đưa chị đến bác sĩ, lẽ ra chị không nên làm việc nhiều quá. Chị cứ khóc và bỗng: vì gã, thưa bà, gã nói bà ấy sẽ đuổi em ra. Chị chưa biết tôi hay sao, đồ ngốc, Señora Hortensia mỉm cười, chị nghĩ tôi sẽ đuổi chị à? Và Amalia: thằng tài xế đó, thằng Ambrosio bà biết mà, cái thằng mang tin đến San Miguel cho bà ấy. Gã không muốn ai biết, cái kiểu của gã vậy. Chị khóc ầm ĩ và kể cho bà, thưa bà, trước kia gã đã có một lần cư xử tệ và bây giờ gã còn tệ hơn. Từ khi biết về đứa bé gã trở nên rất lạ lùng, gã không muốn nói đến nó, cứ hễ Amalia kể cho gã nghe chị bị nôn nhiều là gã đổi đề tài, Amalia nói nó đang cử động nè thì gã nói hôm nay anh không ở lâu với em được, anh có việc phải làm. Bây giờ chị chỉ gặp gã rất ngắn mỗi Chúa nhật, lúc nào gã cũng bận việc, và bà chủ mở to mắt. Ambrosio hả? vâng, gã không đưa chị đến căn phòng nhỏ nữa, gã tài xế của Fermín Zavala hả? vâng, gã mua vài món cho chị ăn rồi lại phải đi, chị đã chơi với hắn bấy nhiêu năm? và bà nhìn chị, lắc đầu, đoạn nói ai mà nghĩ ra được. Gã điên, một đứa khùng dở, lúc nào cũng bí ẩn, thưa bà, gã xấu hổ vì chị, và bây giờ như lần trước gã sẽ bỏ rơi chị. Bà chủ bắt đầu cười và lắc đầu, ai mà nghĩ ra được. Rồi, bây giờ nghiêm nghị, chị có yêu hắn không, Amalia? Có, gã là chồng chị, nếu bây giờ gã biết tôi kể hết cho bà rồi thì gã sẽ bỏ chị, thưa bà, thậm chí gã có thể giết tôi. Chị khóc và bà chủ mang một cốc nước khác tới cho chị rồi ôm chị: hắn sẽ không biết chị đã kể cho tôi, hắn sẽ không bỏ chị. Họ tiếp tục nói chuyện, và bà chủ trấn an chị, hắn sẽ không bao giờ biết, đồ dấm dớ. Chị đã đến bác sĩ chưa? Chưa, chị ngu lắm, Amalia. Mấy tháng rồi? Bốn, thưa bà. Hôm sau chính bà đưa chị đến bác sĩ, ông ta khám và nói cái thai của chị tốt. Tối hôm ấy cô Queta ghé qua và bà chủ nói trước mặt Amalia, chị này có bầu, mày nghĩ thế nào. Ồ vậy hả? Cô Queta nói như thể chả có gì ngạc nhiên. Giá như mày biết với ai, bà chủ cười, nhưng khi bà thấy bộ mặt của Amalia, bà đưa ngón tay lên miệng: bà không thể nói được, gái ơi, bí mật.
Bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra? Chẳng có gì cả, bà sẽ không đuổi chị. Bà chủ đã đưa chị đi bác sĩ, và muốn chị săn sóc lấy mình, đừng cúi người, đừng bôi sáp nóng, đừng nhặt cái đó lên. Bà chủ tốt, và chị cảm thấy nhẹ nhõm là đã có người để kể. Nhưng nếu Ambrosio biết ra thì sao? Thì đã sao, vì dù sao hắn cũng sẽ bỏ chị, đồ con gái ngu. Nhưng gã không bỏ chị, mỗi Chúa nhật gã đều ló mặt. Họ nói chuyện. ăn uống, và Amalia nghĩ mọi thứ họ nói nghe giả dối làm sao, thiếu thành thật làm sao. Vì họ nói đủ mọi chuyện trừ chuyện đó. Họ không về căn phòng nhỏ, họ tản bộ hay đi xem xi nê và đến tối gã đưa chị đến bến xe Quân y viện. Chị có thể thấy gã lo lắng, nhiều lúc mặt gã lơ đãng, và chị nghĩ nhưng tại sao anh lại hành động như vậy, đã có bao giờ chị yêu cầu gã cưới chị chưa, hay là hỏi xin tiền gã? Một hôm Chúa nhật, lúc ra khỏi rạp xi nê, chị nghe giọng cộc lốc của gã: em cảm thấy thế nào, Amalia? Khỏe, chị nói và cúi nhìn mặt đất, có phải gã hỏi vì đứa bé? Chị nghe gã nói khi thằng bé sinh ra, em sẽ không thể tiếp tục làm việc. Tại sao không, Amalia nói, anh nghĩ em sẽ làm gì, làm sao em sống. Và Ambrosio: anh sẽ phải lo hết. Gã không nói gì thêm cho đến khi họ tạm biệt. Anh sẽ lo hết? chị nghĩ một cách mơ hồ, xoa bụng, gã lo hết? Có phải gã muốn nói sống chung, căn nhà nhỏ?
Tháng thứ năm, thứ sáu. Bây giờ chị cảm thấy rất nặng nề, chị hay phải ngưng giữa lúc làm việc để thở, lúc nấu nướng cho tới khi cơn bốc hỏa qua đi. Rồi một hôm bà chủ nói mình dọn nhà. Đi đâu, thưa bà? Tới Jesús María, căn chung cư này đắt quá. Vài người đến xem bàn ghế và thảo luận giá cả, họ trở lại với một chiếc xe tải nhỏ và lấy đi mấy cái ghế, bàn ăn, thảm, đĩa hát, tủ lạnh, bếp. Hôm sau Amalia cảm thấy thắt ngực khi chị thấy ba cái va li và mười bó chứa tất cả vật dụng của bà chủ. Tại sao mày buồn khi bà chẳng thiết tha, đừng ngớ ngẩn. Nhưng chị buồn. Bà không thấy buồn khi gần như chẳng còn gì sao, thưa bà? Không, Amalia, chị biết tại sao không? Vì không bao lâu nữa bà sẽ đi khỏi nước này. Tôi sẽ mang chị ra ngoại quốc với tôi nếu chị muốn, Amalia, rồi bà cười. Bà ấy làm sao thế? Tâm trạng vui vẻ bỗng dưng ấy, các dự tính ấy, lòng hăng hái của bà chủ ở đâu đến? Amalia lạnh mình khi chị thấy căn chung cư nhỏ ở General Garzón. Không những nó nhỏ quá, mà còn cũ kỹ quá, xấu xí quá! Phòng khách kiêm phòng ăn bé xíu, phòng ngủ cũng thế, gian bếp và buồng tắm nom như lấy ra từ căn nhà đồ chơi. Phòng của người làm rất hẹp, chỉ đủ chỗ cho cái giường. Hầu như không có bàn ghế và mà có cái nào thì lại cọc cạch quá. Cô Queta hồi xưa sống ở đây hả, thưa bà? Ừ, và Amalia không tin nổi, với chiếc ô tô nhỏ màu trắng cô Queta có và cách ăn mặc thanh lịch của cô, chị cứ nghĩ cô Queta sống khá hơn nhiều. Rồi bây giờ cô Queta đã dọn đi đâu? Đến một căn chung cư ở Pueblo Libre, Amalia.
Sau khi họ dọn đến Jesús María, tinh thần và thói quen của bà chủ khá hơn. Bà thức dậy sớm, bà ăn khá hơn, bà ra ngoài nhiều, bà nói chuyện. Và bà nói về chuyến đi của bà: Mễ Tây Cơ, bà sắp đi Mễ Tây Cơ, Amalia, và bà sẽ không bao giờ quay lại. Cô Queta đến gặp bà, và từ gian bếp ngộp thở Amalia nghe họ nói ngày này qua đêm khác về cùng một chuyện: bà sẽ bỏ đi, bà sẽ đi xa. Đúng, Amalia nghĩ, bà sẽ ra đi, và chị hối tiếc. Vì mày mà tao đâm ra chả hiểu làm sao, chị vừa sờ bụng vừa nói, chuyện gì tao cũng khóc, chuyện gì cũng làm tao buồn, mày làm tao đâm ra vớ vẩn. Nhưng mà khi nào bà đi xa, thưa bà? Sớm, Amalia. Nhưng cô Queta không tin bà lắm, Amalia nghe cô nói: đừng mơ mộng hão, Hortensia, đừng nghĩ chuyện gì cũng dễ xong, chị đang lún sâu đó. Có chuyện gì lạ đang xảy ra, nhưng chuyện gì, chuyện gì. Chị hỏi cô Queta, và cô bảo chị rằng đàn bà là bọn dại dột, Amalia: hắn gọi bà đến vì hắn cần tiền, và mụ Hortensia ngu ngốc đó sẽ mang tiền cho hắn, và khi hắn có tiền trong tay, hắn lại sẽ bỏ bà. Ông Lucas hả, cô Queta? Tất nhiên, chứ còn ai nữa. Amalia nghĩ chị sắp ngất xỉu. Bà đến với ông ta? Ông ta bỏ bà, ông ta ăn cắp của bà, thế mà bà đến với ông ta? Nhưng chị không có nhiều thời giờ để nghĩ về bà chủ hay bất kỳ việc gì khác, chị cảm thấy quá mệt. Hồi có bầu lần đầu tiên chị không cảm thấy sự mệt mỏi ấy, sự nặng nề ấy, to quá: sáng buồn ngủ chiều buồn ngủ, và từ cửa hàng về chị phải đi nằm. Chị đã mang một cái ghế đẩu vào bếp và chị ngồi để nấu nướng. Mày mập thù lù, chị nghĩ.
Mùa hè, Ambrosio phải đưa gia đình Zavala đi Ancón, và Amalia chỉ thỉnh thoảng gặp gã một hôm Chúa nhật. Chuyến đi Ancón phải chăng là nói láo, một cớ để dần dần tránh xa chị? Vì gã lại còn cư xử lạ lùng nữa. Amalia sẽ đi gặp gã ở Avenida Arenales với một ngàn chuyện để kể cho gã, thế mà gã hắt nước lạnh vào chuyện của chị. Vậy là bà chủ muốn đi Mễ Tây Cơ hả, trở lại với thằng ma cô đó? tốt, thì ra chỗ mới vừa vặn với người lùn? ôi dào. Anh không nghe em nói, có, anh nghe, anh đang nghĩ cái gì, chả nghĩ gì ráo. Mình bất cần, Amalia nghĩ, mình không yêu gã nữa. Bà dì của chị đã bảo chị là khi bà chủ của cháu đi thì cháu đến đây ở, Señora Rosario đã bảo chị nếu lâm cảnh đầu đường xó chợ thì cô cứ xem đây như là nhà, và Gertrudis cũng nói như vậy. Một hôm chị bảo gã, nếu anh tiếc là đã đề nghị với em, tốt nhất anh quên nó đi và đeo cái mặt khác lên, em đâu có đòi anh cái gì. Và gã ngạc nhiên, anh đề nghị gì với em? Sống chung, chị nói. Và gã: ồ, chuyện đó, đừng lo, Amalia. Làm sao chị có thể thân thiện, có thể đi chơi với gã nữa? Một lần chị đếm tất cả những lời Ambrosio nói hôm Chúa nhật đó, không tới một trăm. Phải chăng gã đợi cho chị đẻ đứa con rồi bỏ chị? Không, Amalia sẽ bỏ gã trước. Chị sẽ tìm việc ở một nhà khác, không bao giờ gặp gã nữa, chị sẽ trả thù cho sướng khi gã đến khóc lóc và xin tha thứ: đi ra, tôi không cần anh, cút đi.
Chị càng ngày càng mập, và bà chủ nói suốt ngày về chuyến đi của bà, nhưng khi nào bà sẽ đi? Bà không biết chính xác khi nào, nhưng sẽ đi sớm, Amalia. Một đêm chị nghe bà to tiếng cãi nhau với cô Queta. Chị đau nhức đến nỗi không ngồi dậy nghe trộm: tôi khổ quá, ai cũng đá bà, tôi không có lý do gì nghĩ tới ai khác. Chị sẽ làm chị nhếch nhác, cô Queta bảo bà, bây giờ chị mới bị đá thật, đồ khùng. Một buổi sáng, đi chợ về chị thấy một chiếc ô tô ở cửa: Ambrosio. Chị vừa đi tới vừa nghĩ đã đến để nói gì với chị, nhưng gã chào chị bằng cách đưa một ngón tay lên môi: suỵt, đừng vào, đi đi. Don Fermín trên lầu với bà chủ. Chị đến ngồi ở một công viên nhỏ nơi góc phố: gã sẽ không bao giờ thay đổi, gã là thằng hèn nhát suốt đời. Chị ghét gã, gã làm chị tởm, Trinidad khá hơn cả ngàn lần. Khi chị thấy chiếc xe đi khuất chị vào nhà, và bà chủ giống như con thú hoang. Bà chửi rủa, hút thuốc, xô đẩy ghế, và khi bà thấy Amalia, chị đứng đó nhìn tôi như đứa ngốc làm gì, đi vào bếp. Chị vào phòng mình đóng cửa lại, uất ức. Bà chưa bao giờ chửi mắng mình, chị nghĩ. Chị thiếp ngủ. Khi chị đi ra phòng khách, bà chủ không còn ở đó. Bà trở về lúc đêm xuống, xin lỗi đã to tiếng với chị. Bà căng thẳng quá, Amalia, mấy thằng chó đẻ làm bà nổi cơn tam bành. Cứ đi ngủ, đừng lo bữa ăn tối.
Tuần đó chị cảm thấy tệ hơn. Bà chủ ra ngoài cả ngày hoặc nói chuyện một mình trong phòng bà, với tâm trạng khủng khiếp. Sáng thứ Năm khi chị cúi tới nhặt cái khăn, chị cảm thấy như xương xốt mình gãy và chị ngã xuống sàn. Chị cố đứng lên mà không được. Chị lết đến máy điện thoại: tới lúc rồi, tới lúc rồi, cô Queta, bà chủ không có ở đây, đau, chân ướt, tôi sắp chết. Một ngàn năm sau bà chủ và cô Queta vào căn chung cư, và chị thấy họ như trong giấc mơ. Họ gần như khiêng chị xuống thang, đưa chị vào chiếc ô tô nhỏ rồi chở chị đến Bệnh viện Phụ sản: đừng sợ, thằng bé chưa sinh đâu, họ sẽ đến thăm chị, họ sẽ quay lại, cứ bình tĩnh, Amalia. Những cơn đau càng lúc càng dồn dập, có mùi nhựa thông làm chị buồn nôn. Chị cố cầu nguyện mà không được, chị sắp chết. Họ đặt chị lên chiếc xe, và một bà già cổ có lông đang vừa cởi áo quần chị vừa mắng chị. Chị nghĩ tới Trinidad trong khi cảm thấy bắp thịt mình như xé ra và một con dao đâm vào chị giữa hông và vai.
Khi chị tỉnh dậy, chị cảm thấy toàn thân mình như một vết thương toác miệng, như than hồng đang bốc khói trong dạ dày chị. Chị không còn sức để kêu, chị nghĩ mình chết rồi. Những quả bóng âm ấm làm nghẽn cuống họng chị và chị không nôn được. Dần dần chị bắt đầu nhận ra căn phòng đầy giường, các khuôn mặt phụ nữ, trần nhà thật cao và bẩn. Chị đã mê sảng ba ngày rồi, bà bên phải chị nói, và bà bên trái: người ta cho chị ăn qua ống. Chị được phép lạ cứu sống, một y tá nói, và cả con bé của chị nữa. Bác sĩ đến khám chị: cẩn thận đừng có con nữa, tôi chỉ có thể làm phép lạ cho mỗi bệnh nhân một lần thôi. Khi ấy một bà xơ rất tử tế mang đến cho chị một cái bọc đang cựa quậy: nhỏ xíu, đầy tóc, con bé nhắm mắt. Chị hết còn cảm thấy khát nước hay đau đớn gì nữa, và chị ngồi thẳng trên giường cho nó bú. Chị cảm thấy nhột nơi đầu vú và bắt đầu cười như mụ điên. Bà bên trái hỏi chị, chị không có gia đình à? Và bà bên phải: may mà người ta cứu chị, mấy người không có gia đình bị đưa qua nghĩa địa công. Không có ai đến thăm chị à? Không. Một bà rất trắng có mái tóc đen và cặp mắt to không đến à? Không. Một cô cao, đẹp người, tóc đỏ cũng không? Không, chẳng có ai. Nhưng tại sao, làm sao. Họ cũng không gọi vào để hỏi thăm chị à? Phải chăng họ xử sự như vậy, phải chăng họ bỏ chị ở đây rồi không quay lại, không hỏi han? Nhưng chị không giận hay cảm thấy hối tiếc. Chị nhột khắp người và cái bọc nhỏ thì cứ hăm hở, nó muốn bú thêm. Các bà đó không đến sao? Và chị chết vì cười: mày bú mạnh quá làm gì, có còn gì nữa đâu, đồ vớ vẩn.
Đến ngày thứ sáu bác sĩ nói chị khỏe rồi, tôi sẽ cho chị ra viện. Cẩn thận, ca mổ làm chị yếu lắm đó, nghỉ ít nhất một tháng. Và đừng có con cái gì nữa, chị đã biết rồi đấy. Chị ngồi dậy và cảm thấy chóng mặt. Chị gầy, vàng, mắt trũng sâu. Chị từ biệt các bà bên cạnh và bà xơ, đi từng bước chậm chạp ra đường, và ở cửa một anh cảnh sát gọi tắc xi cho chị. Miệng bà dì chị run rẩy khi bà thấy chị xuất hiện ở Chacra Colorada với đứa bé gái trên tay. Họ ôm nhau, cùng khóc. Bà chủ quá tệ, không gọi điện hỏi han hay đến thăm cháu à? Vâng, sự thể như vậy, và chị ngốc quá, cứ giúp bà ấy và không muốn bỏ bà ấy đi. Và thằng kia cũng không xuất hiện? Gã cũng không, thưa dì. Khi nào cháu thấy khỏe hơn mình sẽ đi đến cảnh sát, bà dì nói, họ sẽ bắt nó nhận đứa bé và cho cháu tiền. Căn nhà có ba phòng, bà dì ngủ một phòng, khách trọ của bà ở trong hai phòng kia, họ có bốn người. Một cặp vợ chồng già cả ngày nghe radio và nấu nướng trên cái bếp di động làm khói đầy nhà; ông ta là nhân viên bưu điện mới về hưu. Hai người kia là dân vùng Ayacucho, một anh bán cà rem ở D’Onofrio và anh kia là thợ may. Họ không ăn trong nhà trọ, ban đêm họ đến ca hát ở Quechua. Bà dì kê một cái giường trong phòng bà và Amalia ngủ với bà. Chị gần như không ra khỏi giường suốt một tuần, mỗi lần đứng lên là chị buồn nôn. Chị không thấy chán. Chị chơi với Amalita, nhìn nó, thì thầm vào tai nó: họ sẽ đi thu tiền của cái bà vô ơn bạc nghĩa đó và bảo bà ta là tôi không làm cho bà nữa, nếu thằng hạ cấp kia một ngày nào chường mặt nó ra, thôi chào, chúng tôi không cần anh. Dì chị nói dì có thể tìm cho cháu việc làm trong một cửa hàng của mấy người bạn dì ở Breña.
Một tuần sau chị khỏe lại, và bà dì cho chị vay tiền vé xe buýt: lấy tới đồng xu cuối của bà ta nhé, Amalia. Chị nghĩ bà ta sẽ gặp mình rồi xin lỗi, bà sẽ yêu cầu mình ở lại. Đừng có ngu lần nữa. Chị đến General Garzón với đứa bé trên tay, và ở cửa tòa nhà chị gặp Rita, cô người làm què chân ở tầng trệt. Chị mỉm cười với cô ta, và nghĩ mình mắc chứng gì hay sao, đứa này mắc chứng gì vậy: chào chị, Rita. Cô ta há miệng nhìn chị, như thể sẵn sàng bỏ chạy. Tôi thay đổi nhiều đến nỗi chị không nhận ra tôi sao? Amalia cười, tôi ở trên tầng hai, Amalia đây. Họ thả chị ra hả? Rita hỏi, họ đã bắt chị hả? Cảnh sát, bắt tôi? Nếu họ thấy tôi với chị, họ không bắt tôi chứ? Rita nói, hoảng hốt, họ không bắt cô ta luôn chứ? Cô ta chỉ còn chờ có thế, họ đã quát tháo cô, hỏi cô về cuộc sống của bà ấy và các chuyện kỳ bí khác, và cô bên kia cũng bị như vậy, cả người trên tầng ba, cả người trên tầng bốn nữa, hỏi một cách thô lỗ, chị ta đâu, chị ta đi đâu, chị ta trốn ở đâu, tại sao con Amalia đó biến mất. Một cách thô lỗ, chửi bới, đe dọa, thú nhận đi nếu không tụi tao bắt mày. Như thể chúng tôi biết cái gì vậy, Rita nói. Cô bước lại gần Amalia và thấp giọng, họ tìm thấy chị ở đâu, họ nói gì với chị, Amalia đã khai với họ là ai giết bà ấy rồi phải không? Nhưng Amalia đã dựa vào tường và đang lắp bắp giữ lấy nó, giữ lấy nó. Rita giữ lấy Amalita, chuyện gì vậy, chị có cái gì vậy, họ làm gì chị. Cô đưa chị vào bếp nơi tầng trệt. May là chủ không ở nhà, ngồi xuống, uống cốc nước. Bị giết? Amalia lặp lại, và Rita đang ôm Amalita trong tay, đừng la lớn như vậy, đừng run như vậy, Señora Hortensia bị giết? Rita đi nhìn ra ngoài cửa sổ, cô đã khóa cửa, cuối cùng cô trả đứa bé lại, im lặng, cả phố nghe chị đấy. Nhưng chị ở đâu, làm sao chị không biết, báo nào cũng đăng, đâu đâu cũng có ảnh bà chủ của chị, họ không nói chuyện ấy ở Bệnh viện Phụ sản à, chị không nghe radio à? Và Amalia cảm thấy như răng chị đánh lập cập, lên cơn sốt, Rita, nước trà, bất cứ cái gì, Rita pha một tách cà phê cho chị. Chị đã thoát rồi, chị còn muốn gì hơn, cô nói, cảnh sát, ký giả, họ đến gõ cửa rồi hỏi, họ đi rồi thì người khác đến, họ đều muốn biết chị ở đâu, chắc chị phải biết gì đó vì chị bỏ đi, chắc chị đã làm gì đó vì chị bỏ trốn, may là họ không tìm thấy chị, Amalia. Chị nhấp cà phê từng ngụm nhỏ, chị nói ừ, cám ơn Rita nhiều lắm rồi đu đưa Amalita đang khóc. Chị sẽ đi, chị sẽ trốn, ừ, chị sẽ không bao giờ quay lại, và Rita: nếu họ bắt được chị họ sẽ đối xử với chị tệ hơn đối xử với bọn tôi, chỉ có Chúa biết họ sẽ làm gì chị. Amalia đứng lên, cám ơn lần nữa, rồi ra đi. Chị nghĩ chị sắp ngất, nhưng khi chị đến góc đường thì cơn buồn nôn đã hết, và chị đi nhanh, ôm chặt Amalita vào ngực để người ta đừng nghe tiếng nó khóc. Một chiếc tắc xi, nó không dừng, một chiếc nữa, và chị cứ rảo bước, họ là cảnh sát, ông đó, ông kia sắp túm lấy chị khi ông ta đi ngang, và cuối cùng một chiếc dừng lại. Bà dì chị càu nhàu khi chị xin tiền trả tắc xi. Lẽ ra cháu có thể đi xe buýt về, dì đâu có là triệu phú. Chị vào phòng ngủ đóng cửa lại. Chị lạnh đến nỗi lấy chăn của bà dì ra đắp, và chỉ đến khi trời tối chị mới thôi giả vờ ngủ và trả lời: không, bà chủ không có đó, thưa dì, bà ấy đi xa. Vâng, dĩ nhiên chị sẽ trở lại đòi tiền; dĩ nhiên chị sẽ không để bị ăn cướp, thưa dì. Và chị nghĩ: mình phải gọi điện thoại. Chị mở ví bà dì, lấy một đồng và đi đến cửa hiệu ở góc đường. Chị chưa quên số, chị nhớ nó rất rõ. Nhưng giọng của cô gái mà chị không biết trả lời: không, chẳng có cô Queta nào sống ở đó cả. Chị lại gọi và một ông: cô ta không có ở đó, họ không biết cô ta, họ mới dọn vào, có lẽ cô ta là người thuê trước kia. Chị dựa vào một thân cây để lấy lại hơi thở. Chị cảm thấy sợ quá, chị nghĩ thế giới đã đảo điên. Đó là lý do bà đã không đến Bệnh viện Phụ sản, đó là vụ sát nhân họ đang nói đến trên radio và chị là người họ đang tìm. Họ sẽ bắt chị, tra hỏi chị, đánh chị, giết chị như họ đã giết Trinidad.
Cả mấy ngày chị không ra khỏi nhà, giúp bà dì dọn dẹp. Chị không mở miệng, chị nghĩ họ đã giết bà, bà đã chết. Tim chị ngưng đập mỗi khi có người ở cửa. Đến ngày thứ ba chị đi với dì đến giáo xứ để làm lễ rửa tội cho Amalita, và khi linh mục hỏi tên gì, chị trả lời: Amalita Hortensia. Ban đêm chị thức trắng, ôm Amalita, cảm thấy trống rỗng, tội lỗi, hãy tha thứ cho tôi vì đã nghĩ xấu về bà, làm sao chị biết được, thưa bà, nghĩ mình lo không biết cô Queta ra sao. Nhưng đến ngày thứ tư chị phục hồi: mày bắng nhắng về việc này quá, tại sao sợ như thế, đồ ngu. Chị sẽ đi đến cảnh sát, chị đã vào Bệnh viện Phụ sản, cứ kiểm xem, họ sẽ thấy là đúng và họ sẽ để chị yên. Không: họ sẽ chửi mắng chị, họ sẽ không tin chị. Khi mặt trời lặn bà dì bảo chị đi mua đường, và khi chị đang rẽ ở góc phố một dáng người rời cột đèn rồi bước tới trước chị, Amalia rú lên: anh đợi em đã mấy tiếng rồi, Ambrosio nói. Chị ngã vào người gã, không nói nên lời. Cứ thế, chị nuốt nước mắt và đờm dãi, mặt chị trên ngực gã, và Ambrosio an ủi chị. Thiên hạ nhìn kìa, đừng khóc, gã tìm chị đã ba tuần nay, thằng con của gã ra sao? Con bé gái, chị nức nở, ừ, nó sinh ra khỏe mạnh. Ambrosio rút khăn tay của gã ra lau mặt chị, bắt chị xì mũi, đưa chị vào một quán cà phê. Họ ngồi vào bàn phía sau. Gã quàng tay quanh chị, để chị khóc trong lúc gã vỗ vỗ sau lưng chị. Được rồi, được rồi, Amalia, đủ rồi. Phải chăng chị khóc vì Señora Hortensia? Ừ, và vì chị cảm thấy cô đơn quá, sợ hãi quá. Cảnh sát đang tìm em, như thể chị có biết chuyện gì, Ambrosio. Và vì chị nghĩ gã đã bỏ chị. Và làm sao gã biết mà đi tìm chị ở Bệnh viện Phụ sản được, vớ vẩn, có lẽ nào gã biết, có lẽ nào gã đoán được không? Gã đã đến đợi chị trên Arenales và em không đến, khi tin về bà chủ đăng trên báo, anh đi tìm em như thằng điên, Amalia. Gã đã đến căn nhà dì em sống hồi trước, ở Surquillo, và từ đó người ta chỉ anh đến Balconcillo, rồi từ đó đến Chacra Colorada, nhưng họ chỉ biết tên đường, không biết số nhà. Gã đã đến, hỏi khắp nơi, mỗi ngày, nghĩ chị sẽ đi ra, anh sẽ tìm ra em. Tốt quá, rốt cuộc anh gặp rồi, Amalia. Còn cảnh sát thì sao? Amalia hỏi. Em đừng đi, gã nói. Gã đã hỏi Ludovico, và hắn nghĩ họ sẽ nhốt em ít nhất một tháng, thẩm vấn, kiểm tra mọi việc. Tốt nhất là họ đừng thấy mặt chị, tốt hơn chị nên rời Lima một thời gian cho đến khi tụi tao quên chị ấy. Và làm sao chị đi, Amalia bĩu môi, chị sẽ đi đâu. Và gã: với anh, đi cùng. Chị nhìn vào mắt gã: ừ, Amalia. Hẳn nhiên gã đã quyết định. Gã nhìn chị rất nghiêm nghị, bộ em nghĩ anh sẽ để họ bắt em dù chỉ một ngày thôi sao? giọng gã rất nghiêm nghị, ngày mai họ sẽ đi. Còn công việc của anh? Khỏi cần lo việc ấy, gã sẽ tự làm việc một mình, họ sẽ bỏ đi. Chị cứ nhìn gã, cố tin, nhưng chị không tin nổi. Sống chung? Ngày mai? Trên vùng núi, Ambrosio nói, và ghé sát mặt lại: sau một thời gian họ sẽ quay lại khi người ta đã quên em. Chị lại cảm thấy mọi thứ lộn tùng phèo: Ludovico kể cho anh phải không? Nhưng tại sao người ta tìm chị, chị đã làm gì, chị có biết cái gì đâu? Ambrosio ôm chị: chẳng việc gì xảy ra cả, ngày mai họ sẽ ra đi bằng xe lửa, rồi họ sẽ đi xe đò. Chẳng ai tìm chị trên vùng núi. Gã ngồi sát vào chị, có phải gã làm mấy việc này vì gã yêu chị không, Ambrosio? Dĩ nhiên, đồ ngốc, tại sao em nghĩ anh không yêu em? Trên vùng núi có một người họ hàng của Ludovico, gã sẽ đi làm cho ông ta, ông ta sẽ giúp họ. Chị sững sờ vì sợ và ngạc nhiên. Đừng nói gì với bà dì của em, chị sẽ không nói, không ai được biết, không ai biết. Có thể nguy hiểm, chị nói vâng, tất nhiên, vâng. Chị có biết bến xe Desamparados ở đâu không? Biết, chị biết. Gã đi với chị đến góc đường, đưa chị tiền tắc xi, viện bất cứ cớ gì để đi nhé, và chị phải đến thật kín đáo. Suốt đêm mắt chị thao láo, chị nghe tiếng thở của bà dì và tiếng ngáy mệt mỏi từ căn phòng của cặp vợ chồng già. Hôm sau chị nói với bà dì, cháu về nhà bà chủ đòi tiền. Chị gọi tắc xi và khi chị đến Desamparados, Ambrosio hầu như không để mắt đến Amalita Hortensia, Nó đó hả? Ừ. Gã đưa chị vào bến xe, ngồi đợi trên băng ghế giữa những người dân miền núi mang theo mấy cái bao. Gã đã mang hai chiếc vali to trong khi mình thậm chí chẳng có cái khăn mùi soa, Amalia nghĩ. Chị không cảm thấy vui khi bỏ đi, sống với gã; chị cảm thấy lạ.
——————————–