Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 4 – Chương 1
Trước
image
Chương 24
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

“Bim Bam Bum?” Ambrosio nói. “Tôi chưa bao giờ xem họ. Tại sao cậu hỏi tôi, thưa cậu?”

Hắn nghĩ: Ana, Gá bạc, Bim Bam Bum, tình yêu dữ dội của Carlitos và China, cái chết của ông già, sợi tóc bạc đầu tiên: hai, ba, mười năm, Zavalita. Phải chăng cái bọn khốn ở Última Hora là kẻ đầu tiên khai thác Gá bạc thành tin tức? Không, đó là bọn ở La Prensa. Đó là một loại cá độ mới, thoạt tiên các tay chơi cá ngựa bám vào số cá cặp mỗi ngày. Nhưng một hôm Chúa nhật, một anh thợ xếp chữ bắt trúng chín trong số mười con ngựa về nhất và thắng một trăm đồng Gá bạc. La Prensa phỏng vấn anh ta: anh ta mỉm cười giữa đám họ hàng, nâng cốc chúc mừng khắp cái bàn chất đầy chai rượu, quỳ gối trước ảnh Chúa Thần thông. Tuần kế tiếp giải Gá bạc tăng gấp đôi, và Última Hora đăng trên trang nhất ảnh hai thương gia Ica đang phởn phơ giơ cao tấm vé trúng, rồi tuần sau một ngư phủ ở Callao thắng bốn trăm ngàn đồng, thắng một mình, anh ta chột mắt trong một vụ đánh nhau ở quán rượu hồi trẻ. Giải thưởng tiếp tục tăng và các báo bắt đầu săn người thắng giải. Arispe chọn Carlitos phụ trách mục tin Gá bạc, và sau ba tuần La Crónica chẳng lấy được tin sốt dẻo nào: Zavalita, anh phải nhận, Carlitos chẳng chạm chân được đến quả bóng. Hắn nghĩ: nếu không có Gá bạc thì sẽ không có tai nạn, và mày có thể vẫn còn độc thân, Zavalita. Nhưng hắn thích việc được giao; chẳng phải làm gì nhiều, nhờ loại việc linh động ấy, hắn có thể liên tục ăn cắp giờ bên ngoài tòa báo. Vào những đêm thứ Bảy hắn phải đứng nhìn ở trụ sở chính của Hội Đua ngựa để kiểm xem tiền cá cược leo cao đến bao nhiêu, và sáng sớm thứ Hai đã biết là một hoặc nhiều người thắng Gá bạc và vào phòng vé nào đã bán tấm vé thắng giải. Rồi cuộc săn tìm kẻ may mắn bắt đầu. Vào những buổi thứ Hai và thứ Năm, văn phòng tràn ngập các cú điện thoại của bọn mách nước nhiễu sự, và hắn phải đi tới đi lui trên chiếc xe tải nhỏ với Periquito để kiểm chứng các tin đồn.

“Vì cái bà son phấn tùm lum đằng kia kìa,” Santiago nói. “Bà ấy nom như một cô trong ban Bim Bam Bum, cái cô tên Ada Rosa.”

Viện cớ đi tìm người có thể thắng giải Gá bạc, mày có thể tránh xa tòa báo, Zavalita, đi xi nê, đến Patio hoặc Bransa và uống cà phê với mấy đứa ở báo khác, hoặc đi với Carlitos đến các buổi diễn tập của dàn nữ hợp xướng mà ông bầu Pedrito Aguirre đang tập hợp lại và có China múa trong đó. Hắn nghĩ: Bim Bam Bum. Cho đến lúc ấy hắn chỉ yêu thích, hắn nghĩ, nhưng từ nay hắn bị nhiễm, bị say vì China. Vì cô ấy hắn đã quảng cáo cho Bim Bam Bum, viết những bài ngẫu hứng mang tính nghệ thuật-ái quốc để chen vào trang giải trí: tại sao chúng ta phải hài lòng với các cô ca hợp xướng người Cuba và Chile vốn chỉ là ca sĩ hạng hai, trong khi ở Peru có các cô đủ khả năng giữ địa vị ngôi sao? Vì cô ấy hắn kiên quyết đắm mình vào sự lố bịch: họ chỉ cần một cơ hội và sự ủng hộ của công chúng, đó là vấn đề thể diện quốc gia, mọi người hãy đến buổi khai mạc của ban Bim Bam Bum. Với Norwin, với Solórzano, với Periquito, họ đến Teatro Monumental để xem các buổi diễn tập, và China kìa, Zavalita, thân hình ngựa non của cô với cái mông dữ dội, khuôn mặt láu lỉnh nổi bật, cặp mắt tinh quái, giọng khàn khàn của cô. Từ hàng ghế trống gần ban nhạc giữa bụi bặm và bọ chét, họ xem cô cãi nhau với biên đạo múa Tabarín lại cái, và họ theo cô vào cơn lốc người quay cuồng trên sân khấu, chóng mặt vì điệu mambo, rumba, guaracha và subi: cô ấy hay nhất trong đám Carlitos, hoan hô Carlitos. Khi Bim Bam Bum bắt đầu xuất hiện trong các rạp và hộp đêm, ảnh của China sẽ xuất hiện ít nhất một lần mỗi tuần trong các cột báo ca nhạc, với lời chú thích ca tụng cô lên tận mây xanh. Đôi khi sau buổi trình diễn Santiago theo Carlitos và China đi ăn ở El Parral, nhậu ở một quán tối tăm nào đó. Dạo ấy hai người khá hòa thuận, và một đêm ở Negro-Negro, Carlitos nắm cánh tay Santiago: bọn tôi đã vượt qua thử thách gay gắt, Zavalita, ba tháng không bão tố, một ngày gần đây tôi sẽ cưới cô ấy. Và một đêm khác, say: đây là những tháng hạnh phúc, Zavalita. Nhưng rồi họ lại cãi nhau khi ban Bim Bam Bum tan vỡ và China bắt đầu múa ở El Pingỳino, một hộp đêm do Pedrito Aguirre khai trương dưới phố. Ban đêm, khi họ rời La Crónica, Carlitos lôi Santiago qua các vòm lối đi ở Plaza San Martín, dọc Ocoña, đến hầm rượu trang trí tối tăm nhớp nháp ở El Pingỳino, Pedrito Aguirre không tính tiền vào cửa của họ, bán bia cho họ theo giá vốn và nhận ký nợ. Từ quầy rượu họ nhìn bọn hải tặc lão luyện của cuộc sống về đêm ở Lima khởi sự xông lên thuyền của các cô trong dàn hợp xướng. Bọn chúng nhắn qua người hầu bàn, mời các cô tới ngồi ở bàn của chúng. Đôi khi, lúc họ đến, China đã ra về và Pedrito Aguirre thân thiện vỗ lưng Carlitos: cô ấy thấy không được khỏe, cô ấy đã về với Ada Rosa, cô ấy được tin là mẹ cô ấy nằm bệnh viện. Khi khác họ thấy cô ngồi ở cái bàn thắp nến phía sau đang lắng nghe tiếng cười của một tay trùm phóng đãng nào đó, thu mình trong bóng tối bên cạnh một lão già thanh lịch có tóc mai bạc, nhảy trong vòng tay ôm chặt của một anh chàng đẹp trai. Và bộ mặt tiu nghỉu của Carlitos: hợp đồng của cô ấy đòi hỏi cô ấy phải giúp vui cho khách Zavalita ơi, hoặc trong tình thế này mình đi nhà thổ Zavalita ơi, hoặc tôi tiếp tục gặp cô ấy chỉ vì thói khổ dâm Zavalita ơi. Từ đó tình yêu giữa Carlitos và China trở lại nhịp điệu tàn sát hồi trước, giải hòa và tan vỡ, tai tiếng và ẩu đả công khai. Giữa những lúc tạm ngưng chuyện tình lãng mạn với Carlitos, China khoe mình với bọn luật sư triệu phú, bọn thượng lưu mới lớn có bộ mặt của bọn vô lại, bọn doanh gia xơ gan. Cô ta thu nhận hết mấy thằng mới miễn là bọn họ có gia đình, Beccerrita cay độc nói, cô ta không có khuynh hướng làm điếm nhưng thích là kẻ ngoại tình. Nhưng các cuộc mạo hiểm ấy chỉ kéo dài vài ngày, cuối cùng China luôn luôn gọi La Crónica. Trong phòng biên tập có những nụ cười châm biếm, những cái nháy mắt phản trắc trên máy đánh chữ, trong khi Carlitos mắt trũng sâu, mặt dán vào điện thoại, mấp máy môi với vẻ hèn mọn và hy vọng. China khiến anh hoàn toàn khánh tận, anh đi vay tiền khắp nơi, và chủ nợ thậm chí ló mặt đến tòa báo mang theo giấy ký nợ của anh. Ở Negro-Negro họ không cho anh thiếu nợ nữa, hắn nghĩ: anh ta chắc đã nợ mày ít nhất cả ngàn đồng, Zavalita. Hắn nghĩ: hai mươi ba, hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi. Kỷ niệm nổ tung như bong bóng Teté thường thổi bằng kẹo cao su, phù du, như các câu chuyện về Gá bạc, giấy mực viết về nó đã bị thời gian xóa bỏ, Zavalita, vô dụng, như những tờ giấy ném vào giỏ mây đựng rác ban đêm.

“Chiêu đãi viên có hạng, cô đó,” Ambrosio nói. “Tên cô ta là Margot, cô ta là gái điếm nổi tiếng. Mỗi ngày cô ta đều ghé qua La Catedral.”

° ° °

Queta đang gạ thằng Mẽo uống đẹp: ly whiskey này sang ly whisky khác cho gã, còn ly của cô là rượu mùi (thật ra là nước trà pha loãng). Tôi tìm ra cho cô một mỏ vàng, Robertito bảo cô, cô đã có giấy tính tiền mười hai ly. Queta chỉ hiểu lõm bõm câu chuyện thằng Mẽo đang kể cho cô cùng với tiếng cười và điệu bộ giễu nhại. Vụ cướp ở ngân hàng hoặc cửa hiệu hoặc xe lửa mà gã đã chứng kiến trong đời hay trên xi nê hay đọc trong tạp chí, và câu chuyện làm cô vui nhộn đến khát nước mà không biết tại sao. Nụ cười trên mặt cô, một tay cô ôm cái cổ tàn nhang của gã, Queta ngẫm nghĩ lúc họ khiêu vũ: mười hai ly, thế thôi sao? Và đúng lúc ấy Ivonne xuất hiện phía sau bức màn ở quầy rượu, bừng bừng thuốc bôi mắt và son phấn đỏ. Bà nháy mắt với cô và bàn tay móng bạc của bà gọi cô. Queta ghé môi vào cái tai có lông tơ vàng: em sẽ quay lại ngay, cưng, đợi em, đừng bỏ đi với ai. Cái gì, qué, em nói gì? Gã nói, mỉm cười, và Queta âu yếm bóp cánh tay gã: một phút thôi, em sẽ quay lại ngay, Ivonne đang đợi cô trong hành lang với bộ mặt như ngày hội: một nhân vật rất quan trọng, Quetita.

“Ông ta đang ở trong phòng khách với Malvina.” Bà kiểm soát lại mái tóc của cô, son phấn của cô, bộ áo của cô, đôi giày của cô. “Ông ta cũng muốn cô ra đó.”

“Nhưng tôi kẹt,” Queta vừa nói vừa chỉ ra quầy rượu. “Thằng đó…”

“Ông ta ngồi bên phòng khách thấy cô, ông ta thích cô,” Mắt Ivonne lấp lánh. “Cô đâu có biết là cô may mắn lắm.”

“Còn thằng ngoài đó, thưa bà?” Queta khư khư. “Nó uống nhiều với cả…”

“Cô đeo găng vàng vào như để tiếp ông vua,” Ivonne khao khát thì thầm. “Làm sao cho khi ra khỏi đây ông ta vui, thích cô. Khoan đã, để tôi chỉnh trang lại cho cô, tóc cô rối tung rồi.”

Tiếc quá, Queta nghĩ trong khi ngón tay Ivonne luồn qua tóc cô. Rồi sau đó, trong lúc họ đi dọc hành lang cô nghĩ, một chính trị gia, một quân nhân, một nhà ngoại giao? Cửa phòng khách mở, khi đi vào cô thấy Malvina đang ném quần lót của nó lên sàn. Cô khép cửa, nhưng cửa lại mở ra ngay, Robertito bưng khay đi vào; hắn lướt qua thảm, cúi gập người, bộ mặt láng nhẵn của hắn gấp nếp thành nụ cười nhăn nhó đê tiện, kính chào. Hắn đặt khay lên cái bàn nhỏ, đi ra lưng vẫn không thẳng, và khi ấy Queta nghe gã.

“Cả cưng nữa, cưng, cả cưng nữa. Cưng không nóng à?”

Một giọng vô cảm, hơi khan, hơi bạo ngược và say.

“Vội vàng thế, cưng.” Cô nói, tìm mắt gã, nhưng cô không thấy. Gã đang ngồi trên chiếc ghế không tay, dưới ba bức ảnh nhỏ, hơi khuất trong bóng tối ở góc phòng, nơi ánh sáng ngọn đèn ngà voi không chiếu tới.

“Một không đủ cho ông ấy, ông ấy thích một cặp,” Malvina cười. “Cưng đói, phải không, cưng? Cưng biết cách mà.”

“Ngay bây giờ,” gã ra lệnh, mạnh mẽ nhưng lạnh lùng. “Cả cô nữa, ngay bây giờ. Cô không nóng muốn chết à?”

Không, Queta nghĩ, và cô thấy tiếc thằng Mẽo ở quầy rượu, khao khát. Trong lúc cởi váy, cô thấy Malvina đã trần truồng: một thân hình ấm áp có da có thịt trong tư thế muốn khêu gợi dưới ánh đèn và đang lẩm bẩm nói một mình. Nó hình như hơi căng thẳng, và Queta nghĩ: nó mập ra. Không hợp với nó, ngực nó chảy, chả bao lâu nữa bà già sẽ đưa nó đi tắm hơi ở Virrey.

“Nhanh lên, Quetita,” Malvina vừa vỗ nhẹ cô vừa cười. “Ông bốc đồng chịu hết nổi rồi.”

“Mày muốn nói là ông bất lịch sự,” Queta lẩm bẩm, chậm rãi cuộn vớ xuống. “Bạn mày thậm chí không chào nữa mà.”

Nhưng gã không muốn đùa cợt hay chuyện trò. Gã lặng im, lắc lư trên ghế bằng một chuyển động ám ảnh và đơn điệu cho đến khi Queta thoát y xong. Như Malvina, cô đã cởi váy, áo ngoài và nịt vú, nhưng không cởi quần lót. Cô gấp y phục một cách chậm rãi rồi đặt lên ghế.

“Các cô như vậy hay hơn, mát hơn nhiều,” gã nói, giọng nhỏ cau có mang vẻ chán chường lạnh lùng và sốt ruột. “Đến đây, rượu bớt lạnh rồi.”

Họ cùng đi đến ghế, và trong khi Malvina cười gượng gạo ngồi lên đầu gối gã, Queta có thể nhìn thấy bộ mặt gầy và xương xẩu của gã, cái miệng chán chường, cặp mắt bé xíu lạnh băng của gã. Cô nghĩ, năm chục tuổi. Nép sát vào gã, Malvina rên ư ử một cách khôi hài: cô ta lạnh, sưởi ấm em đi nào, yêu em tí đi nào. Một gã bất lực đầy thù hận, Queta nghĩ, một tên thủ dâm đầy căm ghét. Gã đã vòng cánh tay qua Malvina, nhưng mắt gã vẫn không một chút thèm khát nhìn cô từ trên xuống dưới trong khi cô đứng đợi bên chiếc bàn nhỏ. Cuối cùng cô cúi xuống, cầm hai ly lên đưa cho gã và Malvina. Rồi cô cầm ly của mình mà uống, nghĩ, chắc là một dân biểu, một tên cảnh sát trưởng.

“Có cả chỗ cho cô đó,” gã ra lệnh, trong lúc gã uống. “Mỗi đầu gối một cô, để các cô đừng đánh nhau.”

Cô cảm thấy gã đang kéo tay mình, và khi cô buông mình xuống họ, cô nghe Malvina kêu lên, ồ, mày thúc trúng xương tao, Quetita. Lúc này họ sát bên nhau, chiếc ghế lắc lư như quả lắc đồng hồ, và Queta cảm thấy tởm, bàn tay gã đẫm mồ hôi. Bàn tay xương xẩu, bé xíu, và trong khi Malvina đã cười khá thoải mái hoặc đang giả vờ rất giỏi, đùa cợt và cố hôn miệng gã, Queta cảm thấy những ngón tay nhanh, ướt, nhớp nháp mân mê ngực cô, lưng, bụng và chân cô. Cô bắt đầu cười và bắt đầu ghét gã. Gã đang vuốt ve cả hai một cách có phương pháp và dai dẳng, mỗi tay một thân người, nhưng gã vẫn không mỉm cười, và gã nhìn người này qua người kia, câm nín, với vẻ xa vắng và trầm ngâm.

“Cái ông thô lỗ này không thú vị lắm,” Queta nói.

“Bây giờ mình lên giường,” Malvina rít lên, cười. “Cưng cứ làm kiểu này là bọn em sưng phổi đó.”

“Tôi đâu dám với cả hai cô, nhiều quá tôi không kham nổi,” gã lẩm bẩm, nhẹ nhàng đẩy họ ra khỏi ghế. Rồi gã ra lệnh: “Trước tiên các cô phải vui lên một chút. Nhảy múa một chút.”

Gã sẽ bắt tụi mình như thế này suốt đêm, Queta nghĩ, mặc xác gã, cô muốn quay lại với thằng Mẽo. Malvina đã bỏ ra, tì đầu gối lên tường, đang cắm điện máy hát đĩa. Queta cảm thấy bàn tay lạnh xương xẩu lại kéo cô về phía gã, cô nghiêng đến, đưa đầu, hé môi: nhớp nháp, sắc nhọn, một vật nồng nặc mùi thuốc lá đen và rượu truyền qua răng lợi cô, đè bẹp lưỡi cô rồi rút lui, để lại một bãi nước bọt đắng trong miệng cô. Rồi bàn tay đẩy cô ra khỏi ghế một cách thô lỗ: xem các cô nhảy có giỏi hơn các cô hôn không. Queta cảm thấy tức giận tràn lên, nhưng nụ cười của cô nở ra, thay vì mím lại. Malvina đi tới phía họ, cầm tay Queta, kéo cô ra thảm. Họ nhảy một bài guaracha, xoay tròn và hát, đầu ngón tay họ lướt lên người nhau. Rồi một bài bolero, dính chặt nhau. Gã là ai? Queta thì thầm vào tai Malvina. Ai mà biết, Querita, một trong mấy thằng chó đẻ.

“Tỏ ra yêu đương thêm một chút,” gã chậm rãi nói nhỏ, và giọng gã đổi khác; nó ấm cúng hơn và gần như tiếng người. “Để thêm một chút tấm lòng vào.”

Malvina bật lên tiếng cười sắc và giả tạo của nó, rồi bắt đầu nói lớn, bé cưng, mama, và háo hức cọ xát vào Queta, cô đã ôm eo nó và đang lắc nó. Chiếc ghế lại bắt đầu chuyển động, lúc này nhanh hơn trước, thất thường và có tiếng lò xo kín đáo, và Queta nghĩ thế chứ, bây giờ gã sẽ lên đến tột đỉnh. Cô tìm miệng Malvina và trong khi họ hôn nhau, cô nhắm mắt để khỏi bật cười. Và đúng lúc đó tiếng đạp thắng xe hơi rít lên nhói tai át đi tiếng nhạc. Họ buông nhau ra, Malvina che tai, nói tụi say rượu ồn ào quá. Nhưng không phải đụng xe, sau tiếng thắng gắt ken két chỉ có tiếng cửa xe, và cuối cùng tiếng chuông cửa. Chuông rè như bị kẹt.

“Không sao, các cô bị gì vậy,” gã nói với vẻ tức giận đần độn. “Cứ nhảy tiếp.”

Nhưng đĩa hát đã hết, Malvina đi thay đĩa. Họ lại ôm nhau, bắt đầu nhảy, và cửa bỗng đập vào tường như bị đá tung. Queta thấy hắn: đen, to, vạm vỡ, bóng loáng như bộ vét xanh hắn mặc, làn da nửa xi đánh giày nửa sô cô la, mái tóc kéo thẳng băng. Đứng giữa cửa, bàn tày to cầm nắm cửa, mắt hắn trắng và to tướng, hắn nhìn cô. Ngay cả khi gã kia nhảy ra khỏi ghế và sải hai bước qua thảm hắn vẫn không ngừng nhìn cô.

“Mày đang làm cái quái gì ở đây?” gã hỏi, đứng trước thằng đen, nắm tay nhỏ của gã siết chặt như thể gã sắp đánh hắn. “Mày không xin phép khi vào phòng hả?”

“Tướng Espina đang ở bên ngoài, Don Cayo.” Hắn dường như thoái lui, hắn buông nắm cửa, hắn nhìn gã một cách hèn nhát, miệng lắp bắp. “Trong xe ông ấy. Ông ấy muốn ông xuống, việc rất khẩn.”

Malvina mặc nhanh váy, áo ngoài, xỏ giày, và Queta vừa mặc lại áo quần vừa nhìn ra cửa. Qua lưng của gã thấp bé, cô thoáng gặp cặp mắt của thằng đen: sợ hãi, đần độn.

“Bảo nó là tao xuống ngay,” gã lẩm bẩm. “Mày đừng bao giờ vào phòng như vậy nữa, trừ phi mày muốn có ngày ăn đạn.”

“Xin lỗi, Don Cayo.” Thằng đen gật đầu, bước lui. “Tôi không suy nghĩ, họ bảo tôi là ông ở đây. Tôi xin lỗi.”

Hắn biến mất trong hành lang và gã đóng cửa. Gã quay qua họ và ánh sáng của ngọn đèn rọi gã từ đầu đến chân. Mặt gã nứt nẻ, một tia lóe cáu kỉnh và thối rữa trong cặp mắt ti hí của gã. Gã lấy vài tờ giấy bạc trong ví ra đặt lên ghế. Gã đi lại phía họ, thắt lại cà vạt.

“Để an ủi các cô vì tôi phải đi,” gã lẩm bẩm một cách thô lỗ. Và gã ra lệnh cho Queta: “Tôi sẽ cho người đến đón cô ngày mai. Khoảng chín giờ.”

“Vào giờ đó tôi không đi được,” Queta nói nhanh, liếc nhìn Malvina.

“Cô sẽ thấy là cô đi được,” gã nói một cách khô khan. “Khoảng chín giờ, chuẩn bị sẵn sàng đi.”

“Vậy là cưng vứt em vào thùng rác hả cưng?” Malvina cười, ngoái nhìn mấy tờ giấy bạc trên ghế. “Vậy tên cưng là Cayo. Cayo gì?”

“Cayo Đầu Cứt.” gã nói trên đường ra cửa mà không quay lại. Gã đi ra và đóng sầm cửa.

° ° °

“Ở nhà vừa gọi cho anh, Zavalita,” Solórzano nói khi anh ta thấy hắn đi vào văn phòng. “Việc khẩn. Ừ, tôi nghĩ đó là về cha anh.”

Hắn chạy đến bàn làm việc đầu tiên, quay số, những tiếng reng dài, nhói tai, một giọng miền núi xa lạ: ông chủ không có nhà, không có ai ở nhà. Họ lại thay quản gia lần nữa, và người này không biết mày là ai, Zavalita.

“Santiago đây, con trai của ông chủ,” gã nhắc lại, cao giọng. “Cha tôi bị gì? Ông ấy ở đâu?”

“Bệnh,” người quản gia nói. “Ông ấy trong bệnh viện. Không biết bệnh viện nào thưa ông.”

Hắn vay Solórzano mười đồng rồi gọi tắc xi. Khi vào Bệnh viện Hoa Kỳ hắn thấy Teté đang gọi điện thoại ở bàn: một thằng không phải anh Nổ đang ôm vai nó, và chỉ đến khi lại gần hắn mới nhận ra Popeye. Họ thấy hắn, Teté gác máy.

“Bây giờ ba đã đỡ hơn, bây giờ ba đã đỡ hơn.” Mắt nó đẫm lệ, giọng nó nức nở. “Nhưng lúc nãy tụi em cứ nghĩ ba đang hấp hối, Santiago.”

“Tụi tao gọi mày đã một giờ trước, Ròm,” Popeye nói. “Ở nhà trọ của mày, ở La Crónica. Tao định lấy xe tao đi tìm mày.”

“Nhưng không phải lần đó,” Santiago nói. “Ông chết trong lần đau tim thứ nhì, Ambrosio. Một năm rưỡi sau.”

Lúc đó là giờ uống trà. Don Fermín về nhà sớm hơn thường lệ, ông cảm thấy không khỏe, ông sợ mình bị cúm. Ông đã uống trà nóng, một hớp cognac, và quấn mình trong chăn ở phòng làm việc, đọc Selecciones del Reader’s Digest, trong khi Teté và Popeye đang nghe mấy đĩa nhạc nơi phòng khách, tụi nó nghe tiếng động, Santiago nhắm mắt: tấm thân nặng nề nằm sấp trên thảm, khuôn mặt bất động, nhăn nhó vì đau đớn hay sợ hãi, tấm chăn và tờ tạp chí trên sàn. Tiếng hét chắc của mama, sự hỗn loạn chắc đã bao trùm. Họ quấn ông trong chăn, đưa ông lên xe của Popeye, đem ông đến bệnh viện. Bác sĩ nói mặc dù quý vị đã di chuyển ông một cách rất phũ song ông đã chống lại chứng nhồi máu cơ tim khá tốt. Ông cần nghỉ ngơi hoàn toàn, nhưng bây giờ không còn lý do gì để sợ. Señora Zoila đang trong hành lang bên ngoài phòng, bác Clodomiro và anh Nổ đang trấn an bà. Mẹ hắn đưa má cho hắn hôn, nhưng không nói tiếng nào, và nhìn Santiago như thể đang quở trách hắn điều gì.

“Bây giờ ba tỉnh rồi,” bác Clodomiro nói. “Khi y tá đi ra, cháu có thể gặp ba.”

“Chỉ một chút thôi,” Nổ nói. “Bác sĩ không muốn ba nói chuyện.”

Căn phòng lớn có các bức tường màu vàng chanh, phòng ngoài có màn cửa vẽ hoa, và ông, Zavalita, trong bộ áo ngủ lụa màu đỏ hạt lựu. Ngọn đèn trên bàn ngủ tỏa lên giường một ánh mờ trang nghiêm. Nét xanh xao trên mặt ông, mái tóc bạc rối trên thái dương ông, giọt lệ của con thú hoảng sợ trong mắt ông. Nhưng khi Santiago cúi xuống hôn ông, ông mỉm cười: cuối cùng cũng tìm được con, Ròm, ông cứ nghĩ sẽ không còn gặp mày nữa.

“Người ta cho con vào với điều kiện là ba không nói, papa.”

“Hết sợ rồi, cám ơn Chúa,” Don Fermín thì thào: bàn tay ông đã rút ra khỏi tấm trải giường, đã nắm lấy cánh tay Santiago. “Mọi thứ ổn cả chứ, Ròm? Nhà trọ, việc làm của con?”

“Ổn hết cả, papa,” hắn nói. “Nhưng xin ba đừng nói.”

“Tôi cảm thấy nghẹn ngang đây, thưa cậu.” Ambrosio nói. “Một người như ông không nên chết.”

Hắn ở trong phòng một lúc lâu, ngồi bên mép giường, nhìn bàn tay dày, rậm lông đặt trên đầu gối hắn. Don Fermín đã nhắm mắt, ông đang thở sâu. Ông không nằm gối, đầu ông đặt lên một bên nệm, và hắn có thể thấy cái cổ có ngấn của ông và mấy đốm bạc trên râu ông. Chốc lát sau cô y tá mang giày trắng tiến vào ra hiệu cho hắn đi ra. Señora Zoila, bác Clodomiro và anh Nổ đang ngồi ở phòng ngoài; Teté và Popeye đang đứng thì thầm bên cửa.

“Hồi trước là chính trị, bây giờ là phòng bào chế và văn phòng,” bác Clodomiro nói. “Chú ấy làm việc vất vả quá, chuyện không thể tránh khỏi.”

“Ba muốn nắm rõ mọi thứ, ba không thèm chú ý tới con,” Nổ nói. “Con chán chẳng muốn xin ba cai quản công việc, nhưng hết cách rồi. Bây giờ ba buộc phải nghỉ ngơi.”

“Ông ấy căng thẳng thần kinh,” Señora Zoila cay đắng nhìn Santiago. “Không chỉ việc văn phòng, còn thằng nhóc này nữa. Ông ấy chết vì muốn biết tin về mày và bao nhiêu lần van nài mày về nhà.”

“Đừng la như bà điên, mama,” Teté nói. “Ba có thể nghe mẹ đấy.”

“Mày không để ông ấy sống yên ổn vì mày cáu giận ông ấy,” Señora Zoila nức nở. “Mày làm cuộc sống của cha mày cay đắng, đồ thằng mặt dày.”

Y tá ra khỏi phòng, và khi đi ngang cô thì thào quí vị nói nhỏ giùm cho. Señora Zoila lấy khăn tay lau mắt, và bác Clodomiro cúi xuống bà, biểu lộ nỗi hối tiếc và quan tâm. Họ im lặng, nhìn nhau. Rồi Teté và Popeye lại bắt đầu thì thầm. Mọi người đã thay đổi quá, Zavalita, bác Clodomira già quá rồi. Hắn mỉm cười với ông, và bác hắn buồn rầu cười đáp lại. Bác đã teo tóp, nhăn nheo, tóc bác hầu như rụng hết, chỉ còn vài sợi trắng lưa thưa trên đầu. Anh Nổ đã là một người đàn ông; trong cử chỉ của anh, cách anh ngồi xuống, trong giọng nói của anh có một vẻ tự tin người lớn, một sự thanh thản hình như cả về thể xác lẫn tinh thần cùng lúc, và cái nhìn của anh cương nghị một cách điềm tĩnh. Anh ấy đứng đó, Zavalita: khỏe mạnh, sạm nắng, bộ đồ xám, giày vớ đen, cổ tay áo trắng sạch, cà vạt xanh đậm với cái ghim cài nhã nhặn, một góc khăn trắng lộ lên túi ngực áo ngoài. Và Teté, đang thấp giọng nói chuyện với Popeye. Tụi nó nắm tay nhau, nhìn vào mắt nhau. Bộ váy hồng của nó, hắn nghĩ, vòng cổ áo mở rộng xuống tới eo nó. Ngực nó đã thấy có, đường cong trên hông nó đã có thể nhận ra, chân nó dài và yểu điệu, cổ chân nó gầy, bàn tay nó trắng. Mày không giống như họ nữa, Zavalita, mày bây giờ là nông dân rồi. Hắn nghĩ: bây giờ con biết tại sao mẹ tức giận đến thế ngay khi vừa gặp con, mama. Hắn không cảm thấy đắc thắng, cũng không vui, chỉ nôn nóng muốn về. Y tá rón rén đến nói với họ rằng giờ thăm đã hết. Señora Zoila sẽ ngủ ở bệnh viện, anh Nổ đưa Teté về nhà. Popeye mời bác Clodomiro đi xe hắn, nhưng ông sẽ đi xe khách, xe thả ông xuống ngay trước nhà ông, như thế phiền hà quá, cảm ơn cháu.

“Bác mày luôn luôn như vậy.” Popeye nói; họ chậm rãi thả bộ về hướng phố lúc đêm vừa xuống. “Bác ấy không bao giờ muốn đi nhờ xe về nhà hoặc có ai đến đón.”

“Bác ấy không thích làm phiền ai hoặc nhờ vả ai,” Santiago nói. “Bác ấy là người rất giản dị.”

“Ừ, một người rất tốt,” Popeye nói, “Bác ấy đã sống khắp đất nước Peru, đúng không?”

Còn đây là Popeye, Zavalita: mặt tàn nhang, đỏ, tóc vàng dựng đứng, cũng vẻ nhìn thân thiện, khỏe mạnh như trước. Nhưng nặng nề hơn, cao hơn, tự tin hơn về thể xác của mình và về thế giới. Áo sơ mi kẻ ô của nó, hắn nghĩ, áo len mềm khoác ngoài của nó với khuỷu tay và ve áo viền da, cái quần nhung kẻ của nó, đôi giày hở gót của nó.

“Tụi tao bị một cú sợ kinh khủng vì ông già mày.” Nó đang lái xe một tay, tay kia vặn radio. “May là không xảy ra ngoài đường.”

“Mày đã nói chuyện như một người trong gia đình,” Santiago xen vào, mỉm cười. “Tao không biết mày đi với Teté, Mặt Tàn Nhang à.”

“Cô ấy không nói gì với mày sao?” Popeye thốt lên. “Ít nhất đã hai tháng rồi, Ròm. Mày hoàn toàn mất liên lạc với mọi việc.”

“Tao không về nhà lâu rồi,” Santiago nói. “Nhưng tao mừng cho hai đứa mày.”

“Em mày đã làm tao khổ sở.” Popeye cười. “Từ hồi đi học, nhớ không? Nhưng bền chí là được, như mày thấy.”

Họ ngừng ở Tambo, trên Avenida Arequipa, gọi hai ly cà phê, nói chuyện mà không ra khỏi xe. Họ ôn lại những kỷ niệm chung, nhìn lại đời họ. Nó vừa mới lấy xong bằng kiến trúc sư, hắn nghĩ, nó đã bắt đầu làm cho một công ty lớn, trong khi đó nó và một số đồng nghiệp dự tính mở công ty riêng. Còn mày thì sao, Ròm, mọi việc của mày thế nào, mày dự tính gì?

“Tao ổn,” Santiago nói. “Tao chẳng có dự tính gì. Chỉ ở lại làm cho La Crónica.”

“Khi nào mày lấy bằng luật sư bất lương?” Popeye hỏi với một tiếng cười thận trọng. “Mày hợp với nghề đó.”

“Tao nghĩ chẳng bao giờ tao có bằng đâu,” Santiago nói. “Tao không thích luật.”

“Nói riêng giữa mày với tao, chuyện đó làm ba mày buồn lắm,” Popeye nói. “Ông hay tới nói với Teté và tao, mấy con khuyên nó ráng học xong mảnh bằng. Ừ, ông kể hết với tao. Tao rất hợp với ông già mày, Ròm. Ông và tao thành bạn. Ông là người vô cùng tử tế.”

“Tao không muốn là tiến sĩ gì cả.” Santiago đùa. “Ở xứ này ai cũng là tiến sĩ hết.”

“Và mày vẫn muốn khác mọi người.” Popeye cười. “Y như hồi mày còn nhỏ, Ròm. Mày không thay đổi chút nào.”

Họ rời Tambo, nhưng trước khi Santiago xuống xe, họ ngồi tán gẫu một lát trên Avenida Tacna đối diện với tòa nhà báo La Crónica màu trắng đục. Họ phải gặp nhau thường hơn, Ròm ạ, nhất là bây giờ mình trên thực tế là anh em rể. Popeye đã muốn tìm hắn nhiều lần, nhưng không gặp mày ở đâu cả, người anh em. Nó sẽ kể với mấy người trong khu phố, họ cứ hỏi thăm mày luôn, Ròm, và hôm nào họ có thể ăn trưa với nhau. Mày không gặp ai trong lớp mình à, Ròm? Hắn nghĩ: lớp học. Những con thú nhỏ bây giờ đã là hổ báo, Zavalita. Kỹ sư, luật sư, giám đốc. Một số chắc đã lập gia đình, hắn nghĩ, tụi nó chắc đã có nhân tình.

“Tao ít gặp người ta vì tao sống cuộc đời cú đêm, Mặt Tàn Nhang, vì tờ báo. Tao đi ngủ lúc bình minh và thức dậy khi tới giờ đi làm.”

“Một cuộc sống thật lang bạt, Ròm,” Popeye nói. “Chắc là hoang đàng lắm, đúng không? Nhất là một thằng trí thức như mày.”

“Cậu cười gì,” Ambrosio nói. “Tôi nghĩ cậy ấy nói đúng về cha cậu.”

“Không phải việc ấy,” Santiago nói. “Tôi đang cười vào bộ mặt trí thức của tôi.”

Hôm sau hắn thấy Don Fermín đang ngồi đọc báo trên giường. Ông sinh động, thở dễ dàng, da dẻ hồng hào trở lại. Ông ở trong bệnh viện một tuần, và ngày nào hắn cũng đến gặp ông, nhưng luôn luôn có mặt người khác. Những người trong gia tộc hắn đã không gặp nhiều năm, họ nhìn hắn với vẻ ngờ vực. Đứa con lạc loài, đứa đã bỏ nhà đi, đứa đã làm Zoilita cay đắng, đứa có một việc làm xoàng xĩnh nhỏ mọn ở tòa báo đây sao? Không nhớ nổi tên của các chú bác cô dì ấy, Zavalita, khuôn mặt những người anh em họ ấy; mày chắc đã đi ngang họ ngoài đường nhiều lần mà không nhận ra họ. Lúc ấy là tháng Mười một và trời bắt đầu hơi ấm hơn khi Señora Zoila và anh Nổ đưa Don Fermín đi New York để khám tổng quát. Mười ngày sau họ về gia đình đi nghỉ hè ở Ancón. Mày đã không gặp họ gần ba tháng, Zavalita, nhưng mày nói chuyện với ông già mỗi tuần trên điện thoại. Tới cuối tháng Ba họ về lại Miraflores, và Don Fermín đã hồi phục, mặt ông sạm nắng và nom khỏe mạnh. Chúa nhật đầu tiên hắn lại về ăn trưa ở nhà, hắn thấy Popeye hôn Señora Zoila và Don Fermín. Teté được phép đi nhảy với nó mỗi thứ Bảy ở nhà hàng trong Khách sạn Bolívar. Hôm sinh nhật mày Teté với anh Nổ và Popeye đến đánh thức mày ở nhà trọ, và ở toàn thể gia đình với các gói quà đang đợi mày. Hai bộ vét, Zavalita, giày, khuy tay áo, trong một phong bì nhỏ tấm chi phiếu một ngàn đồng mà mày tiêu hết trong nhà thổ với Carlitos. Còn gì khác đáng nhớ, Zavalita, còn gì khác ngoài tiếp tục sinh tồn?

° ° °

“Lúc đầu còn trôi giạt,” Ambrosio nói. “Rồi tôi làm tài xế, và cậu sẽ phải bật cười, thưa cậu, thậm chí tôi làm chủ một nửa nhà tang lễ.”

Mấy tuần đầu ở Pucallpa chị khổ sở. Chẳng phải vì nỗi buồn không thể khuyên giải của Ambrosio mà vì ác mộng. Tấm thân trắng, trẻ và đẹp, như hồi còn ở San Miguel, hiện ra từ bóng tối xa xôi, chập chờn, và chị quỳ gối trong căn phòng nhỏ hẹp của chị ở Jesús María, bắt đầu run rẩy. Nó trôi bồng bềnh, lớn lên, lơ lửng trên không, xung quanh có vầng hào quang vàng óng, và chị thấy vết thương lớn đỏ tía nơi cổ bà chủ và cặp mắt cáo buộc của bà: mày giết tao. Chị thức dậy trong nỗi kinh hoàng, bám lấy tấm thân ngủ say của Ambrosio, nằm thức đến sáng. Lúc khác chị bị cảnh sát mặc đồng phục xanh lục đuổi theo, và nghe tiếng huýt còi của họ, tiếng những đôi giày to của họ: mày giết bà ta. Họ không bắt chị, suốt đêm dài họ vươn tay về phía chị trong khi chị lùi dần và toát mồ hôi.

“Đừng nói với anh về bà chủ nữa,” Ambrosio đã bảo chị, mặt gã như mặt con chó bị đòn roi hôm nọ đến. “Anh cấm.”

Ngoài ra, ngay từ đầu chị đã cảm thấy nghi ngờ thị trấn nóng bức và lừa đảo ấy. Thoạt tiên họ sống trong một nơi tràn lan nhện và gián – Khách sạn Pucallpa – gần quảng trường xây dở dang, nhìn từ cửa sổ có thể thấy bến tàu neo đậu ghe xuồng, tàu lớn và sà lan nhấp nhô trên mặt nước sông bẩn thỉu. Mọi thứ thật xấu xí, mọi thứ thật nghèo nàn. Ambrosio nhìn Pucallpa bằng con mắt lãnh đạm, như thể họ chỉ tạm ở đó, và một hôm chị than phiền về sức nóng ngột ngạt, gã mới mơ hồ bình phẩm: nóng như ở Chincha, Amalia. Họ ở khách sạn một tuần. Rồi họ thuê một căn cabin mái rơm gần bệnh viện. Trong vùng có rất nhiều nhà tang lễ, thậm chí có một nhà tên là Công ty Quan tài Hài nhi chuyên cung cấp quan tài trắng nhỏ cho trẻ con.

“Tội nghiệp người bệnh nghèo trong bệnh viện,” Amalia nói. “Thấy xung quanh nhiều nhà quàn lắm, chắc họ lúc nào cũng nghĩ là họ sắp chết.”

“Ở đó họ có thứ ấy nhiều nhất,” Ambrosio nói. “Nhà thờ và nhà quàn. Cậu có thể chóng mặt vì đủ các tôn giáo họ có ở Pucallpa, thưa cậu.”

Nhà xác cũng đối diện nhà thương, cách căn cabin vài bước. Amalia đã cảm thấy rùng mình hôm đầu tiên khi chị thấy tòa nhà bê tông ảm đạm với cái bờm kên kên trên mái. Căn cabin rộng và phía sau có bãi đất cỏ dại mọc kín. Hôm họ dọn vào, người chủ, Alandro Pozo, đã nói họ có thể trồng trọt ở đó, làm mảnh vườn nhỏ. Bốn phòng nền đất và vách tường bạc màu. Đến cả tấm nệm cũng không có sao? Họ sẽ ngủ ở đâu? Nhất là Amalita Hortensia, chấy rận sẽ cắn con bé. Ambrosio vỗ túi quần sau: họ sẽ mua thứ gì họ cần. Chiều hôm ấy họ xuống phố mua một cái giường, một tấm nệm, một cái nôi nhỏ, nồi niêu, bát đĩa, một cái bếp rời, vài tấm màn nhỏ, và khi Amalia thấy Ambrosio cứ chọn thêm hàng, chị hốt hoảng: đủ rồi, anh dùng hết cả tiền. Nhưng gã không đáp, cứ tiếp tục bảo người bán hàng đang hân hoan ở cửa hàng Wong: cái này nữa, cái kia, vải dầu.

“Anh lấy đâu ra lắm tiền thế?” Một đêm Amalia hỏi gã.

“Tôi đã để dành suốt bằng ấy năm,” Ambrosio nói. “Để lập cơ nghiệp và làm ăn, thưa cậu.”

“Thế thì anh nên vui mới phải,” Amalia nói. “Nhưng anh không vui. Anh khổ sở vì đã bỏ Lima mà đi.”

“Anh sẽ không có ai là sếp nữa, bây giờ anh là chủ chính mình,” Ambrosio nói. “Dĩ nhiên là anh vui, đồ vớ vẩn.”

Nói láo, về sau gã mới bắt đầu vui. Trong suốt mấy tuần đầu ở Pucallpa gã rất trầm ngâm, hầu như chẳng bao giờ nói, mặt gã cực kỳ lo lắng. Nhưng dù vậy, ngay từ đầu gã rất tốt với chị và Amalita Hortensia. Sau hôm họ đến đó, gã ra khỏi khách sạn và mang một gói về. Cái gì vậy? Áo quần cho cả hai Amalia. Quần áo của chị quá rộng, nhưng Ambrosio thậm chí không mỉm cười khi gã thấy chị biến mất trong bộ áo chùng vẽ hoa đổ dài qua vai chị và chạm đến cổ chân. Gã đã tới Công ty Vận chuyển Morales ngay khi đến Pucallpa, nhưng Don Hilario đang ở Tingo María và mười ngày nữa mới về. Trong lúc ấy họ làm gì, Ambrosio? Họ tìm nhà, và từ nay cho đến trước ngày hắn sẽ phải lại bắt đầu đổ mồ hôi, họ sẽ vui chơi, Amalia. Họ đã không vui gì nhiều, chị vì những cơn ác mộng, còn gã thì chắc vì nhớ Lima, mặc dù họ đã cố vui, tiêu một nắm tiền. Họ đã đi xem người da đỏ Shipido, họ đã ăn hàng tấn cơm chiên, tôm rán và mằn thắn rán trong các nhà hàng Tàu trên Calle Comercio, họ đã đi thuyền trên Ucayali, du lịch tới Yarinacocha, đã đi xem xi nê mấy đêm ở Cine Pucallpa. Mấy cuốn phim nhấp nháy vì cũ, và đôi khi Amalita Hortensia khóc thét trong bóng tối và người ta quát mang nó ra. Đưa con bé cho anh, Ambrosio nói, và gã dỗ nó nín bằng cách cho nó bú ngón tay của gã.

Dần dần, Amalia quen với mọi việc, dần dần mặt Ambrosio vui hơn. Họ đã bỏ nhiều công sức vào căn cabin, Ambrosio mua sơn về quét vôi trắng mặt trước và các vách tường, còn chị cạo sạch sàn nhà. Buổi sáng họ cùng ra ngôi chợ nhỏ để mua thức ăn, và họ học cách phân biệt các ngôi nhà thờ họ đi ngang: Báp-tít, Cơ đốc Phục lâm, Công giáo, Tin mừng, Ngũ tuần. Họ đã bắt đầu nói chuyện lại với nhau: anh thật lạ, đôi khi em nghĩ có một Ambrosio khác chui vào người anh, Ambrosio thật đã ở lại Lima. Sao vậy, Amalia? Vì nỗi buồn của gã, bộ mắt căng thẳng của gã, và cặp mắt của gã bất chợt quay đi và lơ đãng như con thú. Em điên rồi, Amalia, thằng ở lại Lima là thằng Ambrosio giả. Ở đây gã cảm thấy khỏe, vui với mặt trời này, Amalia, bầu trời mây mù dưới đó làm gã chán nản. Chị hy vọng là đúng, Ambrosio. Ban đêm, họ làm giống như họ đã thấy dân sống ở đó làm, họ cũng đi ra ngồi bên cạnh đường mà hưởng không khí mát mẻ từ dòng sông thổi đến, rồi tán gẫu, để lũ ếch nhái và dế bò trong cỏ ru ngủ. Một buổi sáng Ambrosio cầm dù về: đây, để Amalia khỏi kêu ca về mặt trời nữa. Thế là chị chỉ cần đeo mấy cuộn uốn tóc rồi đi ra khỏi nhà để nom giống như một bà dân vùng núi, Amalia. Các cơn ác mộng ngày càng cách xa nhau, biến mất, và cả nỗi sợ hãi mỗi khi chị thấy một anh cảnh sát cũng biến mất. Cách chữa là cứ bận rộn suốt, nấu nướng, giặt quần áo của Ambrosio, săn sóc Amalita Hortensia, trong khi gã cố biến miếng đất trồng thành mảnh vườn. Chân đất, khởi sự từ sáng sớm, Ambrosio nhổ cỏ dại hàng giờ, nhưng cỏ lại mọc lại nhanh và mạnh hơn trước. Đối diện căn cabin của họ là căn nhà sơn xanh và trắng với mảnh vườn đầy cây ăn trái. Một buổi sáng Amalia đi hỏi ý bà hàng xóm, và Señora Lupe niềm nở tiếp chị, bà là vợ của một ông có nông trại trên thượng nguồn sông và ông ta rất hiếm khi xuất hiện. Dĩ nhiên bà ta sẽ hết sức giúp chị. Bà ta là người bạn đầu tiên và tốt nhất mà họ có ở Pucallpa, thưa cậu. Doña Lupe đã dạy Ambrosio cách dọn cỏ và trồng cây cùng một lúc, khoai lang ở đây, sắn ở đây, khoai tây ở đây. Bà cho họ một số hạt giống và dạy Amalia cách nấu món chuối chiên với cơm, sắn và cá mà mọi người ở Pucallpa đều ăn.

Trước
image
Chương 24
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!