Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 4 – Chương 2
Trước
image
Chương 25
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

“Cậu nói thế nghĩa là gì, cậu vì tai nạn mà lấy vợ à, thưa cậu?” Ambrosio cười. “Cậu muốn nói là cậu bị bắt buộc à?”

Chuyện bắt đầu từ một trong những đêm trắng dại dột đó, nhờ một thứ phép lạ, đêm đã biến thành một loại tiệc tùng. Norwin gọi La Crónica nói anh ta đợi họ ở El Patio, và sau giờ làm việc, Santiago và Carlitos đến gặp anh ta. Norwin muốn đi nhà thổ, Carlitos muốn tới El Pingỳino, họ tung đồng xu sấp ngửa và Carlitos thắng. Họ đang đợi đưa đám tang à? Hộp đêm thê lương và ít khách. Pedrito Aguirre ngồi với họ và mua bia cho họ. Khi màn trình diễn thứ hai chấm dứt, người khách cuối cùng ra về, thì đột ngột, bất ngờ, các cô trong chương trình và các cậu trong ban nhạc cùng mấy anh bồi rượu đều tụ lại vui vẻ bên bàn tròn. Họ bắt đầu đùa cợt, nâng ly, kể các giai thoại và trêu chọc, và bỗng nhiên cuộc sống hình như hạnh phúc, sinh động, tự phát và vui thú. Họ uống, hát, bắt đầu khiêu vũ, và bên cạnh Santiago, China và Carlitos im lặng sát bên nhau, nhìn vào mắt nhau như thể họ vừa mới khám phá ra tình yêu. Đến ba giờ sáng họ vẫn còn ở đó, say sưa và yêu nhau, hào phóng và ba hoa, và Santiago cảm thấy hắn yêu Ada Rosa. Cô ấy kìa, Zavalita: thấp, mông to, đen. Bàn chân ngón quặp của cô ta, hắn nghĩ, chiếc răng vàng của cô ta, hơi thở hôi của cô ta, tiếng chửi của cô ta.

“Một tai nạn thật sự,” Santiago nói. “Một tai nạn xe cộ.”

Norwin là kẻ đầu tiên biến mất, với một cô trong ban hát khoảng bốn mươi tuổi có kiểu tóc quái dị. China và Carlitos rủ rê Ada Rosa đi với họ. Họ gọi tắc xi đến chung cư của China ở Santa Beatriz. Ngồi bên cạnh tài xế, Santiago để một bàn tay lơ đãng lên đầu gối Ada Rosa. Cô ngồi phía sau, lơ mơ ngủ bên cạnh China và Carlitos, họ đang hôn nhau dữ dội. Trong căn chung cư họ uống hết bia trong tủ lạnh và nghe các đĩa nhạc và khiêu vũ. Khi ánh nắng xuất hiện nơi cửa sổ, China và Carlitos đóng cửa phòng ngủ, để Santiago và Ada Rosa một mình trong phòng khách. Ở El Pingỳino họ đã hôn nhau, ở đây họ vuốt ve nhau và cô đã ngồi lên đùi hắn, nhưng bây giờ khi hắn định cởi áo cô, Ada Rosa giận dữ đứng lên rồi bắt đầu la hét và sỉ nhục hắn. Thôi được, Ada Rosa, đừng cãi nhau, mình đi ngủ. Hắn đặt mấy tấm nệm ghế bành lên sàn, ngã xuống rồi ngủ. Khi hắn thức giấc, qua các đám mây xanh lơ hắn thấy Ada Rosa cuộn tròn như bào thai ngủ trên ghế dài, mặc nguyên quần áo. Hắn lảo đảo vào phòng tắm, khó chịu vì gan mật nặng nề và xương cốt nhức mỏi, hắn thò đầu vào dưới nước lạnh. Hắn ra khỏi nhà: mặt trời làm mắt hắn nhức và chảy nước. Hắn uống một tách cà phê đen ở một quán rẻ tiền trên Petit Thouars, rồi với cơn buồn nôn mơ hồ lúc tăng lúc giảm, hắn đi xe khách tới Miraflores và đi một chuyến nữa tới Barranco. Đồng hồ Tòa Thị chính chỉ đúng ngọ. Señora Lucía đã để mẩu giấy nhắn lại trên giường hắn: gọi La Crónica, rất khẩn. Arispe có điên mới nghĩ hắn sẽ gọi ông ta, Zavalita. Nhưng ngay lúc sắp lên giường, hắn nghĩ lòng tò mò của hắn sẽ không cho hắn ngủ thế là hắn mặc đồ ngủ đi xuống để gọi điện thoại.

“Cậu không hạnh phúc với vợ cậu à?” Ambrosio hỏi.

“Trời, trời,” Arispe nói. “Một giọng tử tế từ bên kia nấm mồ, ông bạn quý.”

“Tôi dự tiệc và hiện vẫn còn say,” Santiago nói. “Tôi đã không chợp mắt được chút nào.”

“Anh có thể ngủ trên đường,” Arispe nói. “Bắt tắc xi đến đây ngay. Anh sẽ đi Trujillo với Periquito và Darío, Zavalita.”

“Trujillo?” Một chuyến đi xa, hắn nghĩ, rốt cuộc đi xa, dù chỉ là đến Trujillo. “Có thể nào tôi đi hơi…”

“Thật ra anh đã đi rồi,” Arispe nói. “Có tin chắc chắn, một người thắng một triệu rưỡi giải Gá bạc, Zavalita.”

“Được, tôi sẽ tắm nhanh rồi đến ngay,” Santiago nói.

“Tối nay anh có thể gọi điện thoại kể câu chuyện cho tôi,” Arispe nói. “Dẹp việc tắm táp đi, đến đây ngay, chỉ có bọn lợn như Becerrita mới dùng nước.”

“Không phải, tôi có hạnh phúc” Santiago nói. “Chỉ mỗi một điểm là thật ra tôi không phải là người quyết định. Tôi thụ động trong hôn nhân, như công việc, như mọi thứ đã xảy ra cho tôi. Chưa bao giờ có việc gì do chính tôi làm. Tuồng như tôi là sản phẩm của những việc ấy thì đúng hơn.”

Hắn vội vàng mặc quần áo, nhúng ướt đầu một lần nữa, chạy xuống thang. Anh tài xế tắc xi phải đánh thức hắn khi họ đến La Crónica. Buổi sáng nắng ráo, chút hơi nóng dễ chịu chui vào lỗ chân lông, ru ngủ bắp thịt và ý chí. Arispe đã để lại chỉ dẫn và tiền xăng, tiền ăn và tiền khách sạn. Mặc dù mày cảm thấy không khỏe và buồn ngủ, mày cảm thấy vui vì chuyến đi, Zavalita. Periquito ngồi bên cạnh Darío, và Santiago duỗi ra ghế sau rồi thiếp ngủ gần như lập tức. Hắn thức giấc khi họ vào Pasamayo. Bên phải có các đụn cát và những ngọn đồi dốc màu vàng, bên trái là biển xanh chói lọi và vách đứng càng lúc càng cao, trước mặt là xa lộ vất vả leo lên sườn núi trơ trụi. Hắn ngồi dậy đốt thuốc lá; Periquito đang lo lắng nhìn xuống vực thẳm.

“Các khúc quanh Pasamayo làm mấy tay chết nhát như anh tỉnh ngủ.” Darío cười.

“Chậm lại,” Periquito nói. “Và vì mày không có con mắt sau gáy, tốt hơn mày đừng quay đầu nói chuyện.”

Darío đang lái nhanh, nhưng gã tự tin. Ở Pasamayo ít có xe, đến Chancay họ ngừng lại để ăn trưa ở bến xe vận tải bên cạnh đường. Họ khởi hành trở lại và Santiago vẫn cố ngủ mặc dù xe lắc lư, lắng nghe họ nói chuyện.

“Vụ Trujillo này gần như là ba xạo,” Periquito nói. “Mấy thằng đầu cứt cả đời cứ cho tin láo.”

“Một triệu rưỡi đồng cho một người,” Darío nói. “Trước đây tôi không tin Gá bạc, nhưng tôi sẽ bắt đầu chơi.”

“Đổi một triệu rưỡi thành đàn bà rồi hãy nói chuyện với tao,” Periquito nói.

Mấy ngôi làng thiếu sinh khí, lũ chó hung hăng chạy ra nhe răng đón xe, những chiếc xe vận tải đậu bên đường, các cánh đồng mía lác đác. Lúc họ qua cột cây số 48, Santiago ngồi thẳng lên và hút một điếu nữa. Đoạn đường thẳng băng, hai bên là bãi cát phẳng. Chiếc xe vận tải không làm họ ngạc nhiên; họ thấy nó lấp lánh từ xa ở đầu một con dốc, và họ nhìn nó đến gần, chậm chạp, nặng nề, to lớn, với những thùng tròn buộc dây phía sau. Một con khủng long, Periquito nói, ngay lúc ấy Darío đạp mạnh thắng và vặn tay lái, vì ở đúng điểm họ sắp chạy ngang chiếc xe tải có một hố lở rộng bằng nửa con đường. Bánh xe lún vào cát, dưới sườn xe có tiếng bị nghiến, lái thẳng lại! Periquito hét lớn và Darío cố gắng, hắn nghĩ thôi rồi, tiên sư nó. Bánh xe lún xuống, thay vì leo lên mép nó trượt dài, và chiếc xe cứ chạy tới, chúi tới như con quái vật cho đến khi bị sức nặng của chính nó lật nó lăn tròn như quả bóng. Một tai nạn diễn ra trong phim quay chậm, Zavalita. Hắn nghe một tiếng kêu hay hắn kêu, một thế giới méo mó, nghiêng ngả, một lực ném mạnh hắn tới phía trước, một đêm đen có những vì sao. Không rõ bao lâu mọi thứ lặng yên, tối tăm, đau đớn và nóng. Thoạt tiên hắn nếm thấy vị đắng, và dù đã mở mắt nhưng phải mất một lúc sau hắn mới nhận ra là hắn đã bị văng khỏi xe và nằm dài trên mặt đất, và vị chát là cát trong miệng hắn. Hắn cố đứng lên, cơn chóng mặt làm mờ mắt hắn, và hắn lại ngã xuống. Rồi hắn cảm thấy ai nắm tay chân hắn nhấc lên, và kìa, trong cảnh trí của giấc mơ dài mờ ảo có những khuôn mặt lạ và xa xôi, một cảm giác thanh bình sáng lạn và vô tận. Có phải như thế không, Zavalita? Có phải là sự im lặng không hỏi han, sự thanh thản không hoài nghi hay hối tiếc? Mọi thứ mờ nhạt, mơ hồ và xa lạ, và hắn cảm thấy chính hắn được đặt lên một vật mềm đang di chuyển. Hắn ở trong xe, nằm trên ghế sau, hắn nhận ra giọng của Periquito và Darío, và hắn thấy một ông mặc áo nâu.

“Anh thấy thế nào, Zavalita?” Giọng Periquito hỏi.

“Say,” Santiago nói. “Nhức dầu.”

“Anh may mắn đó,” Periquito nói. “Cát giữ chiếc xe lại. Lăn một vòng nữa là nó nghiến nát anh rồi.”

“Đó là một trong vài việc quan trọng đã từng xảy đến với tôi, Ambrosio,” Santiago nói. “Ngoài ra, đó là dịp tôi gặp cô gái bây giờ là vợ tôi.”

Hắn lạnh, không bị đau đớn gì, nhưng hắn vẫn ngật ngừ. Hắn nghe tiếng nói chuyện và tiếng thì thào, tiếng máy, nhiều máy khác, và khi hắn mở mắt, họ đặt hắn lên chiếc băng ca lăn. Hắn thấy đường phố và bầu trời bắt đầu tối, hắn đọc thấy hàng chữ La Maison de Santé trên mặt tiền tòa nhà họ đang vào. Họ đưa hắn lên một phòng trên tầng hai, Periquito và Darío giúp cởi áo quần hắn. Khi hắn được đắp chăn lên đến cằm, hắn nghĩ mình sẽ ngủ một ngàn giờ. Trong cơn mê ngủ, hắn trả lời câu hỏi của một ông đeo kính mặc tạp dề màu trắng.

“Bảo Arispe đừng in gì, Periquito.” Hắn không nhận ra giọng mình. “Đừng để cha tôi biết việc này.”

“Một cuộc gặp gỡ lãng mạn,” Ambrosio nói. “Cô ấy chiếm được tình yêu của cậu bằng cách chữa cho cậu phải không?”

“Bằng cách lén đem thuốc lá cho tôi thì đúng hơn,” Santiago nói.

° ° °

“Tối nay của mày, Quetita,” Malvina nói. “Mày nom đúng là bà hoàng.”

“Tài xế sẽ đến đón cô.” Robertito nháy mắt. “Như hoàng hậu, Quetita.”

“Đúng, mày vừa mới trúng xổ số,” Malvina nói.

“Cả tôi và tất cả bọn mình nữa,” Ivonne vừa nói vừa đi ra với một nụ cười tinh quái. “Một cặp găng vàng, Quetita.”

Lúc nãy, khi Quetita đang sửa soạn, Ivonne đã đến giúp cô làm đầu và đích thân trông nom y phục cô: thậm chí bà còn cho cô mượn chuỗi hạt hợp với vòng đeo tay của cô. Mình có trúng xổ số không? Queta ngẫm nghĩ, ngạc nhiên vì không thích thú hoặc vui hay thậm chí tò mò. Cô đi ra và nơi cửa nhà cô hơi giật mình: cũng cặp mắt bạo dạn và sửng sốt hôm qua. Nhưng gã đen nhìn thẳng cô chỉ vài giây; hắn cúi đầu, lẩm bẩm chào, vội vàng mở cửa chiếc xe đen, lớn và khổ hạnh như xe tang. Cô bước vào mà không đáp lời chào của gã, và cô thấy một tên nữa ở phía trước bên cạnh tài xế. Cũng cao, cũng khỏe, cũng mặc áo xanh.

“Nếu cô lạnh và muốn tôi đóng cửa sổ…” gã đen lẩm bẩm, bây giờ gã ngồi sau tay lái, và cô thoáng thấy tròng trắng trong đôi mắt to của gã.

Chiếc xe lên đường về hướng Plaza Dos de Mayo, rẽ xuống Alfonso Ugarte tới Bolognesi, chạy dọc theo Avenida Brasil, rồi khi họ đi dưới hàng cột đèn, Queta nhận thấy hai con thú nhỏ tham lam vẫn ở trong kính chiếu hậu, đang nhìn cô. Gã kia đã bắt đầu hút thuốc và không quay lại nhìn cô hay thậm chí không ngó trộm trong kính suốt chuyến đi. Bây giờ gần đến Malecón, họ vào Magdalena Nueva trên một con đường ngang, theo sau tuyến xe điện tới San Miguel, và mỗi lần cô nhìn kính, Queta thấy chúng: bốc cháy, lẩn trốn.

“Trên mặt tôi có con khỉ hả?” cô nói, nghĩ thằng ngốc này sắp tông xe. “Sao anh cứ nhìn tôi?”

Hai cái đầu phía trước quay lại rồi trở về chỗ, giọng gã đen thốt lên bối rối khôn kham, hắn à? xin lỗi, cô đang nói với hắn à? và Queta nghĩ mày sợ Cayo Đầu Cứt quá sức. Chiếc xe đi lối này lối kia rồi xuống các phố nhỏ, tối, yên tĩnh ở San Miguel, và cuối cùng ngừng lại. Cô thấy mảnh vườn, căn nhà nhỏ hai tầng, một cửa sổ có màn cửa để ánh sáng lọc qua. Gã đen đi ra mở cửa. Gã kìa, bàn tay màu tro của gã trên tay nắm cửa, đầu cúi một cách hèn hạ, cố mở miệng. Ở đây à? Queta lẩm bẩm. Các ngôi nhà nhỏ giống hệt nhau, căn này nối tiếp căn kia trong ánh mờ, phía sau những bụi cây nhỏ dọc theo lối đi u ám. Hai viên cảnh sát ở góc đường đang nhìn chiếc xe, và gã ngồi bên trong xe ra hiệu như nói cho họ là bọn tao dây. Căn nhà không lớn, không thể là nhà của gã, Queta nghĩ: chắc là nhà gã dùng cho những trò bẩn thỉu của gã.

“Tôi không có ý làm phiền cô,” gã đen lắp bắp, với giọng lẩn tránh và hèn mọn, “tôi không nhìn cô. Nhưng nếu cô nghĩ là tôi nhìn cô thì tôi rất lấy làm tiếc.”

“Đừng sợ, tôi sẽ không kể cho Cayo Đầu Cứt đâu.” Queta cười. “Tôi chỉ không thích kẻ sàm sỡ.”

Cô đi qua mảnh vườn, mùi hoa ẩm ướt, và khi rung chuông cô nghe tiếng nói, tiếng nhạc từ bên kia cánh cửa. Đèn bên trong làm cô chớp mắt. Cô nhận ra hình dáng gầy, nhỏ của người đàn ông, bộ mặt nhàu nát của gã, cái miệng chán chường và cặp mắt vô hồn của gã: mời vào, mời vào. Cảm ơn đã đưa xe đến đón tôi, cô nói, và im lặng: ở đó có một bà đang nhìn cô với nụ cười tò mò, phía trước quầy rượu đầy chai lọ. Queta không cử động, hai tay cô buông thõng hai bên thân mình, bất chợt bối rối.

“Đây là Queta lừng danh.” Cayo Đầu Cứt đã đóng cửa, đã ngồi xuống, lúc này gã và người đàn bà đang quan sát cô. “Mời vào, Queta lừng danh. Đây là Hortensia, bà chủ nhà.”

“Tôi cứ nghĩ họ già nua xấu xí nhà quê,” người đàn bà rít lên nheo nhéo, và dù bối rối Queta vẫn nghĩ, trời ơi, bà ta say hay sao. “Hay ông nói dối tôi, Cayo?”

Bà ta lại cười, cường điệu và vô duyên, và gã đàn ông với nụ cười yếu ớt, nửa miệng, chỉ chiếc ghế: ngồi xuống, cô sẽ mệt vì đứng. Cô tiến tới như đi trên băng giá hay sáp trơn, sợ trượt chân ngã, rồi lâm vào một tâm trạng thậm chí còn bối rối hơn, và cô ngồi xuống mép ghế, cứng nhắc. Một lần nữa cô lại nghe tiếng nhạc cô đã quên hoặc lúc nãy nó đã ngừng; đó là bài tango của Gardel và bộ máy hát đĩa để trong tủ gỗ gụ. Cô thấy người đàn bà đứng lên lảo đảo, và thấy các ngón tay vụng về ngập ngừng của bà xoay xở với cái chai và mấy cái ly ở cuối quầy rượu. Cô ngắm kỹ bộ váy lụa bó sát lóng lánh của bà, sắc trắng trên vai và cánh tay bà, mái tóc đen như than, bàn tay lấp lánh, nét mặt nghiêng của bà, và vẫn bối rối, cô nghĩ bà giống bà ta quá, họ giống nhau quá. Người đàn bà mang hai ly tiến đến cô, dáng đi như thể bà ta không có xương, và Queta quay đi nơi khác.

“Cayo bảo tôi là cô ta rất đẹp và tôi nghĩ là bịa.” Bà ta nhìn cô từ chân lên rồi do dự, nhìn cô từ trên xuống với cặp mắt tươi cười long lanh của con mèo được nuông chiều, và khi bà ta nghiêng tới đưa ly cho cô, cô ngửi thấy mùi nước hoa nồng sắc của bà. “Nhưng đúng thật, Queta lừng danh đẹp lắm.”

“Nâng ly, Queta lừng danh,” Cayo Đầu Cứt lạnh lùng ra lệnh. “Thử xem một ly có nâng cao tinh thần cô lên không.”

Một cách máy móc, cô đưa ly lên miệng, nhắm mắt uống. Cái nóng cuồn cuộn, mắt cô ngưa ngứa, và cô nghĩ whiskey không pha. Nhưng cô uống một ngụm lớn nữa rồi rút một điếu trong bao thuốc người đàn ông mời cô. Gã châm thuốc cho cô, và lúc này Queta thấy người đàn bà ngồi cạnh cô đang mỉm cười suồng sã. Cố gắng, cô cũng mỉm cười.

“Bà trông giống như…” cô lấy can đảm nói và thoáng nghĩ là sai lầm, một cảm nghĩ lố bịch lầy nhầy, “Giống như một ca sĩ nào đó.”

“Ca sĩ nào?” Người đàn bà khuyến khích cô, mỉm cười, nhìn Cayo Đầu Cứt qua khóe mắt rồi lại nhìn cô. “Như?”

“Vâng,” Queta nói; cô nhấp một ngụm nữa và thở sâu. “Như Nàng Thơ, người dạo trước hay hát ở Embassy Club. Tôi thấy bà ta vài lần và…”

Cô ngừng nói vì người đàn bà cười. Mắt bà ta sáng ngời, long lanh và mê mụ.

“Nàng Thơ đó là ca sĩ tồi,” Cayo Đầu Cứt phát biểu, gật đầu. “Cô có nghĩ thế không?”

“Tôi không nghĩ vậy,” Queta nói. “Bà ấy hát hay, nhất là những bài bolero.”

“Anh thấy chưa? Ha ha!” người đàn bà bật cười, chỉ Queta, nhăn mặt với Cayo Đầu Cứt. “Anh thấy tôi phí thời giờ với anh ra sao chưa? Thấy anh hủy hoại sự nghiệp của tôi chưa?”

Không thể được, Queta nghĩ, và cảm giác lố bịch ấy lại đến với cô. Nó làm mặt cô nóng bừng, cô cảm thấy muốn bỏ chạy, đập vỡ đồ đạc. Cô uống một ngụm cạn ly của mình, cảm thấy cháy cổ và ấm dạ dày. Rồi cảm giác ấm dễ chịu trong người giúp cô tìm lại được chút tự chủ.

“Tôi biết là bà, tôi nhận ra bà,” cô nói, cố mỉm cười. “Chỉ là…”

“Chỉ vì cô đã uống xong,” người dàn bà thân thiện nói. Bà ta đứng lên như ngọn sáng, lắc lư chầm chậm, rồi vui vẻ nhìn cô, hân hoan, khoan khoái. “Tôi quý cô vì điều cô đã nói. Thấy chưa, Cayo, thấy chưa?”

Trong khi người đàn bà lảo đảo tiến lại quầy rượu, Queta quay sang Cayo Đầu Cứt. Gã đang uống một cách nghiêm nghị, nhìn qua phòng ăn, hình như gã đắm mình vào những suy nghĩ riêng tư và nghiêm trọng, rất xa nơi ấy, và cô nghĩ vô lý, cô nghĩ tao ghét mày. Khi người đàn bà đưa cô ly whiskey, cô nghiêng người tới và thấp giọng nói với bà: làm ơn cho tôi biết ở đâu…? Ừ, dĩ nhiên, đi theo tôi, tôi sẽ chỉ chỗ cho cô. Gã không nhìn họ. Queta theo sau người đàn bà lên lầu, bà ta nắm chặt tay thang và ngập ngừng dò từng bước trước khi đặt chân xuống, và cô chợt nghĩ bà ta sắp làm nhục mình, bây giờ chỉ còn hai người, bà ta sẽ đuổi cô ra. Và cô nghĩ: bà ta sẽ đề nghị đưa mình tiền để mình ra về. Nàng Thơ mở cửa, dẫn cô vào mà không mỉm cười nữa, Queta lẩm bẩm nhanh một lời cảm ơn. Nhưng không phải phòng tắm mà là phòng ngủ, một thứ phòng ngủ trên xi nê hoặc trong giấc mơ: những tấm gương, thảm dày, những tấm gương, một bức bình phong, tấm vải trải giường màu đen thêu một con thú màu vàng đang phun lửa, nhiều tấm gương nữa.

“Đằng kia, phía sau,” giọng say rượu, bất an của người đàn bà phía sau cô, không thù nghịch. “Cánh cửa đó.”

Cô vào phòng tắm, khóa cửa, thở một cách lo lắng. Tất cả trò này nghĩa là gì, trò gì thế này, bọn người này nghĩ gì? Cô nhìn vào tấm gương phòng tắm; khuôn mặt cô, đậm son phấn, vẫn còn vẻ nhìn sửng sốt, bực tức, ngạc nhiên. Cô mở nước để giả cách rồi ngồi trên mép bồn tắm. Đối với gã Nàng Thơ là…? Gã đã đưa cô đến để…? Nàng Thơ có biết không? Cô chợt nghĩ họ đang nhìn trộm cô qua lỗ khóa, cô đi đến cửa, quỳ xuống nhìn qua cái lỗ nhỏ: một vòng thảm, bống tối. Cayo Đầu Cứt, cô phải ra khỏi nơi này, cô muốn ra khỏi nơi này, Nàng Thơ Đầu Cứt. Cô cảm thấy tức giận, lúng túng, nhục nhã, buồn cười. Cô ở lại bên trong một lúc nữa, rón rén trên gạch men trắng, bị bao trùm trong ánh sáng xanh của ngọn đèn ống lân quang, cố ổn định suy nghĩ sôi sục trong đầu, nhưng cô càng lúng túng thêm. Cô kéo nước bồn cầu, sửa lại tóc trước gương, hít một hơi rồi mở cửa. Người đàn bà đã nằm chéo trên giường, và Queta thoáng cảm thấy sao lãng, nhìn thân hình nằm ngửa bất động, da trắng quá, đối nghịch với tấm trải giường đen nhánh bóng loáng. Nhưng người đàn bà đã mở mắt nhìn về phía cô. Bà ta nhìn cô chậm rãi, quan sát cô với vẻ thư thái chậm rãi, kéo dài, không mỉm cười, không khó chịu. Một vẻ nhìn vừa thích thú vừa trầm ngâm, dưới cặp mắt say rượu sáng như gương của bà.

“Làm ơn cho tôi biết tôi làm gì ở đây?” cô mạnh mẽ hỏi, kiên quyết tiến vài bước đến giường.

“Ôi dào, chỉ còn thiếu nước là cô nổi giận thôi.” Nàng Thơ mất vẻ nghiêm trang, cặp mắt lấp lánh của bà thích thú nhìn cô.

“Tôi không giận, tôi chỉ không hiểu.” Queta cảm thấy mình bị phản chiếu, bắn ra tứ phía, tung lên, rơi xuống, bị tất cả các tấm gương ấy tấn công. “Cho tôi biết tại sao họ đưa tôi đến đây.”

“Đừng vớ vẩn nữa, nói chuyện với tôi một cách thân mật đi nào,” người đàn bà thì thầm; bà ta hơi cử động trên giường, co giãn người như con sâu đất, và Queta thấy bà đã cởi giày, rồi cô thoáng thấy những móng chân sơn qua đôi vớ dài của bà. “Cô biết tên tôi là Hortensia. Nào, ngồi xuống đây, đừng dấm dớ nữa.”

Bà nói với cô không ghét bỏ cũng không thân thiện, giọng bà hơi lảng tránh và êm đềm vì rượu, và bà cứ nhìn dán vào cô. Như thể đánh giá mình, Queta nghĩ, buồn nôn, như thể… Cô do dự một thoáng rồi ngồi lên mép giường, mọi lỗ chân lông trên cơ thể cô báo động. Hortensia đang dựa đầu trên tay, dáng điệu của bà buông thả và mềm mại.

“Cô biết rất rõ tại sao,” bà nói, không giận, không cay đắng, với một chút dâm đãng chế giễu trong mắt mà bà cố giấu, và Queta nghĩ gì thế? Đôi mắt bà to, xanh, lông mi có vẻ thật và che mờ mí mắt; môi bà dày, ướt, cổ bà mượt và dài, có thể cảm thấy các mạch máu xanh mỏng. Cô không biết nghĩ gì, nói gì, gì thế? Hortensia ngả ra, cười như thể không kìm dược, lấy cánh tay che mặt, duỗi người một cách khao khát, rồi chợt với tay nắm lấy cổ tay Queta: cô biết rất rõ tại sao. Như một khách hàng, cô nghĩ, hoảng sợ không cử động, như thể, nhìn những ngón tay trắng sơn móng đỏ như máu trên làn da mờ của bà, và giờ đây Hortensia đang đăm đăm nhìn cô, giờ đây không giấu giếm nữa, giờ đây thách thức.

“Tôi nên về là hơn,” cô nghe mình nói, lắp bắp, nhỏ nhẹ và ngạc nhiên. “Bà muốn tôi ra về, phải không?”

“Để tôi kể cho cô một điều.” Bà vẫn nắm cô, bà đã đến gần cô hơn, giọng bà đã trầm đặc hơn, và Queta cảm thấy hơi thở của bà. “Tôi sợ là cô già, xấu, sợ là cô bẩn thỉu.”

“Bà có muốn tôi ra về không?” Queta lắp bắp một cách khờ dại, cố thở, nhớ đến các tấm gương. “Có phải tôi được đưa đến đây để…?”

“Nhưng cô không như vậy,” Hortensia thì thầm và áp mặt bà lại gần hơn nữa, và Queta nhìn thấy niềm vui cáu kỉnh trong mắt bà, cử động của miệng bà dường như tỏa khói. “Cô đẹp và trẻ. Cô xinh và sạch.”

Bà đưa tay kia ra nắm lấy cánh tay kia của Queta. Bà nhìn cô một cách táo bạo, chế giễu, hơi xoay người để ngồi dậy, thì thầm cô phải dạy cho tôi, bà ngửa người ra rồi nằm đó nhìn lên cô, đôi mắt bà mở, hân hoan, bà mỉm cười và mê sảng nói, xưng hô thân mật với tôi ngay đi, nếu họ lên giường với nhau thì đâu thể nào cô xưng hô với bà một cách trịnh trọng, phải không? không buông cô ra, dịu dàng ép cô nghiêng tới, để cố áp lên người bà. Dạy cho bà? Queta nghĩ, tôi dạy cho bà? nhượng bộ, cảm thấy nỗi lúng túng của cô biến mất, bật cười.

“Tốt,” một giọng phía sau cô hạ lệnh, nó đang bắt đầu bước ra khỏi nỗi chán chường. “Rốt cuộc các cô cũng trở thành bạn.”

° ° °

Hắn thức dậy, đói cồn cào; đầu hắn không còn nhức, nhưng hắn cảm thấy nhói sau lưng và bị co rút. Căn phòng nhỏ, lạnh và trơ trụi, cửa sổ mở ra hành lang có những hàng cột, các bà xơ và y tá đi ngang đó. Họ mang bữa ăn sáng cho hắn, và hắn ăn ngấu nghiến.

“Làm ơn đừng ăn luôn cái đĩa,” y tá nói. “Tôi sẽ lấy cho một ổ bánh nữa nếu anh muốn.”

“Và thêm cà phê nữa, nếu được,” Santiago nói. “Từ trưa hôm qua đến giờ tôi chưa ăn gì.”

Y tá mang thêm cho hắn một phần ăn sáng rồi ở lại phòng, nhìn hắn ăn. Cô ấy kìa, Zavalita, ngăm đen, gọn gàng, trẻ trung trong bộ đồng phục trắng phẳng phiu, đôi vớ trắng, mái tóc ngắn kiểu con trai và chiếc mũ được hồ cứng, đứng bên cạnh giường với đôi chân thon và thân hình người mẫu mảnh khảnh của cô, mỉm cười lộ hàm răng thèm khát của cô.

“Hóa ra anh là nhà báo à?” Đôi mắt cô sinh động và láo xược, và giọng cô hơi chế nhạo. “Làm sao anh bị lộn nhào?”

“Ana,” Santiago nói. “Ừ, rất trẻ. Trẻ hơn tôi năm tuổi.”

“Tuy không có cái gì bị gãy nhưng mấy chỗ sưng u của anh đôi khi làm cho người ta hơi khờ.” Cô y tá cười. “Vì vậy họ giữ anh lại để theo dõi.”

“Đừng làm cho tôi xuống tinh thần như vậy,” Santiago nói. “Khuyến khích tôi đi chứ.”

“Tại sao ý nghĩ làm cha lại khiến cậu băn khoăn?” Ambrosio hỏi. “Nếu mọi người ở Peru đều nghĩ như vậy thì đất nước sẽ không còn ai, thưa cậu.”

“Vậy là anh làm cho La Crónica?” cô ta lặp lại; một tay cô đặt trên cửa như sắp đi, nhưng cô đứng đó đã năm phút. “Nghề báo chắc thú vị lắm phải không?”

“Mặc dù tôi phải thú nhận là tôi cũng hoảng khi biết mình sắp làm cha,” Ambrosio nói. “Mất một thời gian cậu mới quen được, thưa cậu.”

“Đúng vậy, nhưng nó cũng có điểm xấu, người ta có thể nứt sọ bất cứ lúc nào,” Santiago nói. “Cô có thể giúp tôi việc này. Cô có thể nhờ ai đi mua thuốc lá được không?”

“Bệnh nhân không được phép hút thuốc,” cô nói. “Anh phải chịu vậy trong khi đang ở đây. Như thế tốt hơn, anh sẽ thải hết chất độc ra.”

“Tôi thèm thuốc muốn chết,” Santiago nói. “Đừng nhỏ nhen. Mua hộ tôi mấy điếu. Một điếu thôi cũng được.”

“Vợ cậu nghĩ gì?” Ambrosio nói. “Vì cô ấy chắc chắn muốn có con. Đàn bà thích làm mẹ.”

“Anh trả công tôi bằng gì?” cô hỏi. “Anh có in ảnh tôi trên báo của anh không?”

“Tôi chắc vậy,” Santiago nói. “Nhưng Ana là người tốt và chiều tôi.”

“Nếu bác sĩ biết ra, ông ấy sẽ giết tôi,” cô y tá nói với vẻ đồng lõa. “Hút lén và bỏ đầu thuốc vào bô.”

“Ôi trời, thuốc Country,” Santiago vừa nói vừa ho. “Cô hút thứ rác rưởi này à?”

“Trời ơi, còn kén cá chọn canh nữa,” cô vừa cười vừa nói. “Tôi không hút thuốc. Tôi đi ra rồi ăn cắp cho anh để anh tiếp tục giữ thói nghiện ngập của anh.”

“Lần sau ăn cắp một điếu Nacional Presidente, rồi tôi hứa tôi sẽ in ảnh cô trên trang xã hội,” Santiago nói.

“Tôi đã ăn cắp của bác sĩ Franco,” cô nói, nhăn mặt. “Cầu Chúa đừng để anh rơi vào tay ông ấy. Ông ấy là người khó chịu nhất ở đây, lại còn ngu ngốc nhất nữa. Ông ấy chỉ cho thuốc nhét hậu môn.”

“Ông bác sĩ Franco đáng thương này đã làm gì cô?” Santiago hỏi. “Ông ấy tán tỉnh cô phải không?”

“Nghĩ tầm bậy, ông già hết hơi rồi.” Trên má cô hiện lên hai lúm đồng tiền, tiếng cười của cô nhanh và sắc, giản dị. “Ông ấy chắc trên trăm tuổi rồi.”

Cả buổi sáng họ đưa hắn từ phòng này sang phòng khác, chụp quang tuyến X và thử nghiệm; ông bác sĩ lờ mờ đêm hôm trước đã hỏi anh gần như cảnh sát thẩm vấn. Hiển nhiên chẳng có gì bị gẫy, nhưng ông ta không yên tâm vì những cái đau nhói dó, anh bạn trẻ, họ sẽ xem phim quang tuyến nói gì. Đến trưa Arispe ghé qua và đùa cợt với hắn: ông che tai và làm dấu trừ tà, Zavalita, ông hình dung hắn đã bị trù ếm. Ông biên tập gửi lời thăm, anh nên ở lại bệnh viện đến khi khỏi, tòa báo cũng sẽ trả mọi khoản phụ phí miễn là anh đừng đặt tiệc ở Khách sạn Bolívar. Anh thật không muốn báo cho gia đình à, Zavalita? Không, ông già sẽ hoảng, chẳng đáng đâu, hắn không bị gì mà. Buổi chiều Periquito và Darío đến; họ chỉ bị bầm vài chỗ và họ vui. Họ được hai ngày nghỉ và tối hôm đó họ cùng nhau đi dự tiệc. Một lúc sau Solórzano, Milton và Norwin đến, và khi tất cả ra về, China và Carlitos xuất hiện như thể vừa mới được cứu khỏi một vụ đắm tàu, tái nhợt và trìu mến tâng tiu.

“Nhìn mặt hai anh chị kìa,” Santiago nói. “Anh chị chắc đã cuồng nhiệt suốt từ tối hôm nọ cho đến hôm nay.”

“Ừ,” China vừa nói vừa ngáp không che đậy; cô ngồi phịch lên chân giường rồi cởi giày. “Tôi không biết hôm nay thứ mấy hoặc thậm chí lúc này là mấy giờ.”

“Tôi không đến La Crónica đã hai ngày rồi,” Carlitos nói, vàng vọt, mũi anh đỏ, mắt anh đục và hạnh phúc. “Tôi gọi cho Arispe bịa là tôi bị loét bao tử hành hạ, rồi ông ấy kể cho tôi về tai nạn. Tôi không đến sớm hơn để khỏi gặp người nào của tòa báo hết.”

“Ada Rosa gửi lời thăm.” China cười lớn. “Nó chưa đến gặp anh à?”

“Đừng nói với tôi về Ada Rosa,” Santiago nói. “Tối hôm đó cô ta biến thành con báo.”

Nhưng China cắt lời hắn bằng tràng cười xối xả: họ biết rồi, chính cô ta đã kể cho họ chuyện gì xảy ra. Ada Rosa là như vậy, cô ta khêu gợi người khác rồi rút lui vào phút cuối, một đứa ưa trêu chọc, điên rồ. China cười ngặt nghẽo, vỗ tay như con hải cẩu. Môi cô bôi son hình trái tim, kiểu tóc bới cao hoa mỹ tạo cho khuôn mặt cô một vẻ hung hãn kiêu kỳ, và mọi thứ ở cô đêm hôm ấy dường như thái quá hơn bao giờ: cử chỉ của cô, các đường cong của cô, những nốt ruồi của cô. Và Carlitos đang đau khổ vì vậy, hắn nghĩ, nỗi thống khổ của anh, sự thanh thản của anh, tất cả tùy thuộc vào đó.

“Cô ta bắt tôi ngủ trên thảm,” Santiago nói. “Người tôi không nhức vì tai nạn mà vì sàn cứng trong nhà chị.”

Carlitos và China ở lại tán gẫu khoảng một tiếng, và ngay khi họ đi ra, cô y tá vào. Cô có nụ cười ranh mãnh lởn vởn trên môi, một cái nhìn tinh quái.

“Ối dà, ối dà, các bạn gái của anh thật là,” cô nói trong lúc sắp xếp mấy cái gối. “María Antonieta Pons mới ở đây không phải là một người trong ban Bim Bam Bum hay sao?”

“Đừng kể với tôi là cô cũng đã xem Bim Bam Bum đấy nhé,” Santiago nói.

“Tôi đã xem ảnh của họ,” cô nói; rồi bật lên một tiếng cười nhỏ ranh mãnh. “Có phải Ada Rosa cũng là một người trong Bim Bam Bum không?”

“À, cô nghe trộm chúng tôi.” Santiago cười. “Chúng tôi có dùng nhiều chữ bậy lắm không?”

“Nhiều lắm, nhất là cô María Antonieta Pons đó. Tôi phải bịt tai lại,” cô y tá nói. “Còn người bạn nhỏ của anh, người bắt anh ngủ trên sàn ấy, cô ta có cái miệng thùng rác như vậy không?”

“Thậm chí còn tệ hơn cô này,” Santiago nói. “Cô ta chẳng là gì đối với tôi, cô ta chẳng cho tôi lăn lên lăn xuống.”

“Với cái mặt nhỏ thánh thiện đó, chẳng ai nghĩ anh là dân hoang đàng,” cô nói, phá lên cười.

“Ngày mai họ sẽ cho tôi xuất viện chứ?” Santiago hỏi. “Tôi không thích ở lại đây thứ Bảy và Chúa nhật đâu.”

“Anh không thích có mặt tôi sao?” cô hỏi. “Tôi sẽ ở lại với anh, anh còn muốn gì hơn nữa. Cuối tuần này tôi trực. Nhưng bây giờ tôi thấy anh giao du với các cô ca hát, tôi không tin anh nữa.”

“Cô ghét các cô ca hát chỗ nào?” Santiago hỏi. “Họ không là đàn bà như người khác à?”

“Họ thế à?” cô nói, mắt cô lấp lánh. “Các cô ca hát như thế nào, họ làm gì? Kể cho tôi với, anh biết họ rõ lắm mà.”

Bắt đầu như thế, tiếp tục như thế, Zavalita: đùa cợt, trêu ghẹo. Mày nghĩ cô ấy tán tỉnh ghê thật, may là có cô ấy ở đây, cô ấy giúp giết thời giờ, mày nghĩ tiếc quá phải chi cô ta xinh hơn. Tại sao lại là cô ấy, Zavalita? Cô ấy cứ vào phòng, mang thức ăn, và cô sẽ ở lại tán gẫu cho tới khi y tá trưởng hay bà xơ đến, khi ấy cô sẽ kéo lại tấm trải giường hoặc nhét nhiệt kế vào miệng mày rồi ra vẻ nhà nghề một cách khôi hài. Cô ấy cười, cô ấy thích trêu mày, Zavalita. Không thể biết nỗi tò mò khủng khiếp của cô về mọi chuyện là thành thật hay mưu mẹo – làm sao người ta trở thành nhà báo, làm nhà báo thì như thế nào, các bài báo được viết ra sao – không thể biết tính bông lơn của cô là vô tư và vui đùa hay cô ta thật ra đã nhắm mày, hay mày chỉ đang giúp cô ta giết thời giờ theo cách của cô ta đối với mày. Cô sinh tại Ica, cô sống gần Plaza Bolognesi, cô vừa học xong trường y tá mấy tháng trước, cô đang tập sự ở La Maison de Santé. Cô hay nói và sốt sắng, cô lén lút mang thuốc lá cho hắn và cho hắn mượn báo. Hôm thứ Sáu bác sĩ nói các thử nghiệm không thỏa đáng, và bác sĩ chuyên môn sẽ khám hắn. Ông bác sĩ chuyên môn tên là Mascaró, sau khi hờ hững liếc các phim quang tuyến ông ta nói không tốt, chụp lại. Carlitos xuất hiện lúc chiều tối thứ Bảy với một gói trên tay, không say và rất buồn: ừ, họ đã cãi nhau một trận, lần này là xong luôn. Anh ta mang theo thức ăn Tàu, Zavalita, họ sẽ không đuổi anh ta ra chứ? Cô y tá mang cho họ vài cái đĩa và muỗng nĩa, tán gẫu với họ và thậm chí thử một ít cơm chiên. Khi giờ thăm đã hết, cô để Carlitos ở lại lâu hơn và đề nghị giúp anh lẻn ra.

Carlitos cũng mang theo rượu trong cái chai nhỏ không nhãn, và khi uống tới lần thứ nhì anh bắt đầu chửi La Crónica, China, Lima và thế giới, và Ana nhìn anh gai mắt. Lúc mười giờ cô bắt anh ra về. Nhưng cô quay lại dọn đĩa, và khi đi ra cô nháy mắt với hắn ở cửa: hy vọng là anh nằm mơ về tôi. Cô đi ra và Santiago nghe được tiếng cười của cô trong tiền sảnh. Đêm thứ Hai bác sĩ chuyên môn xem các phim quang tuyến mới và thất vọng nói anh khỏe mạnh hơn tôi. Ana nghỉ làm hôm ấy. Mày đã để lại thư nhắn cho cô ấy ở bàn làm việc, Zavalita. Cảm ơn rất nhiều về mọi việc, hắn nghĩ, hôm nào tôi sẽ gọi điện cho cô.

° ° °

“Nhưng gã Don Hilario đó như thế nào?” Santiago hỏi. “Tôi muốn hỏi ngoài việc hắn là một thằng ăn cắp.”

Ambrosio trở về hơi căng thẳng sau khi nói chuyện lần đầu tiên với Don Hilario Morales. Thoạt tiên ông ta ra vẻ ngạo mạn, gã kể cho Amalia, ông ta thấy màu da anh và nghĩ anh không có một xu dính túi. Không biết rằng Ambrosio sắp đề nghị chuyện làm ăn giữa hai người ngang hàng, ông ta nghĩ gã đến để xin việc lắt nhắt gì đó. Nhưng có thể người ta mệt vì đi từ Tingo María về, Ambrosio, có thể vì vậy ông ta không tiếp anh đàng hoàng. Có thể, Amalia: điều đầu tiên ông ta làm khi thấy Ambrosio là bảo gã, ồm ộp như con cóc và tuôn ra một tràng chửi bới, là chiếc xe vận tải ông ta mang từ Tingo María về đã ngừng tám lần vì mấy chỗ đường xói lở sau trận bão, và chuyến đi, tiên sư nó, mất ba mươi lăm tiếng. Người nào khác thì lẽ ra đã chủ động nói nào, tôi khao anh một chầu bia, nhưng Don Hilario thì không, Amalia; mặc dù trong vụ này, Ambrosio đã bẫy ông ta. Có thể người ta không thích uống bia, Amalia an ủi gã.

“Một ông khoảng năm mươi, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Ông ta lúc nào cũng xỉa răng.”

Don Hilario tiếp gã trong văn phòng bẩn thỉu cũ kỹ của ông trên Plaza de Armas, thậm chí không mời gã ngồi. Ông để gã đứng đợi trong khi ông đọc lá thư của Ludovico mà Ambrosio đã đưa cho ông, và chỉ sau khi đọc xong ông mới chỉ cái ghế, không niềm nở, với vẻ miễn cưỡng. Ông nhìn gã từ trên xuống dưới, rồi cuối cùng hạ cố mở miệng: thằng ranh Ludovico ra sao?

“Bây giờ khá, thưa ông,” Ambrosio nói. “Sau khi bằng ấy năm mơ được vào biên chế, cuối cùng nó thành công. Nó đang leo cao và bây giờ nó là phó Ban Điều tra Án mạng.”

Nhưng Don Hilario hình như không phấn khởi về tin này chút nào, Amalia. Ông ta nhún vai, ông dùng móng tay út cạo cái răng đen, móng này ông để rất dài, phun nước bọt, rồi lẩm bẩm ai mà hiểu nổi nó. Vì mặc dù Ludovico là cháu ông, nhưng nó ngu ngốc bẩm sinh và là một đứa thất bại.

“Và là ngựa giống, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Ba cái nhà ở Pucallpa, mỗi nhà có một bà riêng và cả ba nhà, nhà nào cũng một đàn con.”

“Ôi dào, nói xem tôi giúp anh được gì,” rốt cuộc Don Hilario lẩm bẩm. “Anh đến Pucallpa làm gì?”

“Tìm việc, như Ludovico nói trong thư,” Ambrosio nói.

Don Hilario bật cười khàn khàn như con vẹt, người rung lên bần bật.

“Anh điên rồi à?” ông ta vừa nói vừa miệt mài cạo răng. “Tìm việc đâu không tìm, chui đến đây tìm. Anh không thấy mấy đứa tụi nó đi lên đi xuống ngoài đường thọc tay trong túi hả? Tám chục phần trăm dân ở đây thất nghiệp, việc làm không có. Trừ phi anh muốn đi làm với cái xẻng trong nông trại nào đó hoặc làm phu công nhật cho quân đội đang xây xa lộ. Nhưng không dễ đâu, với lại mấy việc đó đâu có cho anh đủ ăn. Ở đây không có tương lai. Quay về Lima càng nhanh càng tốt.”

Ambrosio muốn bảo ông ta là tiên sư ông, Amalia, nhưng gã kềm lại, mỉm cười thân mật, và lúc đó gã đưa ông ta vào bẫy: ông có muốn đi chỗ nào uống bia không, thưa ông? Trời nóng, tại sao họ không vừa nói chuyện vừa uống cái gì mát, thưa ông. Gã làm ông ta ngạc nhiên vì lời mời đó, Amalia, ông ta nhận ra rằng Ambrosio không như ông ta nghĩ. Họ đi đến Calle Comercio, lấy một bàn nhỏ ở El Gallo de Oro, gọi hai bia ướp lạnh.

“Tôi không đến để xin việc ông, thưa ông,” Ambrosio nói sau ngụm đầu tiên. “Mà để đề nghị làm ăn với ông.”

Don Hilario uống chậm, chăm chú nhìn gã. Ông đã để kính lên bàn, gãi cái gáy nhiều nếp nhăn nhờn mỡ, phun nước bọt xuống đường, nhìn mặt đất khô ngấm nước bọt của ông ta.

“À há,” ông ta chậm rãi nói, gật đầu, và như thể đang nói với bầy ruồi đang vo ve. “Nhưng muốn làm ăn anh cần vốn, anh bạn.”

“Tôi biết, thưa ông,” Ambrosio nói. “Tôi có ít tiền để dành. Tôi muốn xem liệu ông có thể giúp tôi đầu tư vào cái gì kha khá chăng. Ludovico nói vói tôi chú Hilario của tao là cáo già trong chuyện làm ăn.”

“Anh lại bẫy ông ta chỗ đó,” Amalia vừa cười vừa nói.

“Ông ta biến thành người khác,” Ambrosio nói. “Ông ta bắt đầu đối xử với anh như người.”

“Ồ, thằng Ludovico,” Don Hilario nói the thé, bỗng nhiên tỏ ra tốt bụng. “Nó nói sự thật với anh hoàn toàn. Có người sinh ra làm phi công, người khác làm ca sĩ. Tôi sinh ra là để kinh doanh.”

Ông ta mỉm cười một cách tinh quái với gã: gã đến với ông ta là khôn, ông ta sẽ dẫn dắt cho gã. Họ sẽ tìm chỗ nào làm ra được chút tiền. Rồi từ trên trời rơi xuống: mình đi nhà hàng Tàu đi, ông ta bắt đầu đói, anh nghĩ sao? Bỗng dưng mượt như nhung, có thấy thiên hạ như vậy bao giờ chưa, Amalia?

“Ông ta sống ở cả ba nhà cùng lúc,” Ambrosio nói. “Về sau tôi biết ông ta còn có một bà vợ và đàn con ở Tingo María nữa, tưởng tượng coi, thưa cậu.”

“Nhưng anh vẫn chưa nói cho em biết là anh đã để dành được bao nhiêu,” Amalia đánh bạo hỏi.

“Hai chục ngàn đồng,” Don Fermín nói. “Ừ, của anh, cho anh. Nó sẽ giúp anh làm lại từ đầu, giúp anh biến mất, tội nghiệp đồ quỷ. Đừng khóc, Ambrosio. Nào, đi đi. Chúa ban phước lành cho anh, Ambrosio.”

“Ông ta đãi anh một bữa căng bụng và bọn anh uống sáu chai bia,” Ambrosio nói. “Ông ta trả hết, Amalia.”

“Trong kinh doanh, điều đầu tiên phải biết là anh dính tới cái gì,” Don Hilario nói. “Giống như trong chiến tranh. Anh phải biết mình cần đưa lực lượng nào vào mặt trận.”

“Lực lượng của tôi ngay lúc này là mười lăm ngàn đồng,” Ambrosio nói. “Tôi còn nữa ở Lima, và nếu việc làm ăn hợp ý tôi, tôi có thể lấy số tiền đó sau.”

“Số đó không nhiều lắm,” Don Hilario trầm ngâm, hai ngón tay tham lam trong miệng. “Nhưng có thể làm được vài chứ.”

“Với nhiều gia đình như vậy tôi chẳng ngạc nhiên nếu ông ta là đứa ăn cắp,” Santiago nói.

Ambrosio muốn có cái gì liên hệ tới Công ty Vận chuyển Morales, thưa ông, vì gã là tài xế, đó là nghề của gã. Don Hilario mỉm cười, Amalia thì khuyến khích gã. Ông ta giải thích là công ty ra đời năm năm trước với hai chiếc xe khách, rồi bây giờ nó có hai chiếc vận tải nhỏ chở hàng hóa và ba xe chở hành khách, chạy tuyến đường Tingo María-Pucallpa. Công việc vất vả, Ambrosio: xa lộ là thảm họa, nó phá bánh xe và máy. Nhưng như gã có thể thấy, ông ta đã xoay xở làm ăn được.

“Tôi đang nghĩ đến một chiếc xe tải nhỏ, cũ. Tôi đã đặt tiền cọc, phần còn lại tôi sẽ trả hết khi tôi đi làm.”

“Dẹp vụ đó đi, vì anh sẽ cạnh tranh với tôi,” Don Hilario nói, khúc khích cười thân thiện.

“Mọi việc chưa có gì xong xuôi,” Ambrosio nói. “Ông ta nói mình mới tiếp xúc lần đầu. Ngày mai mình sẽ nói chuyện lại.”

Hôm sau họ gặp nhau, và hôm sau và hôm sau nữa, mỗi lần về lại căn cabin Ambrosio căng thẳng và có mùi bia, nói lão Don Hilario này hóa ra là dân nhậu! Đến cuối tuần họ đi đến thỏa thuận, Amalia: Ambrosio sẽ lái một chiếc xe đò của Công ty Vận chuyển Morales với lương căn bản là năm trăm đồng cộng với mười phần trăm tiền vé, và gã sẽ là người chung phần với Don Hilario trong một vụ kinh doanh nhỏ chắc ăn. Và thấy gã đang ngập ngừng, Amalia hỏi vụ kinh doanh nhỏ gì?

“Công ty Quan tài Hài nhi,” Ambrosio nói, hơi say. “Bọn anh đã mua nó với giá ba chục ngàn, Don Hilario nói giá rẻ mạt. Anh thậm chí không phải nhìn người chết, ông ta sẽ trông coi nhà quàn và đưa anh phần tiền lời của anh mỗi sáu tháng. Tại sao em nhăn mặt, chuyện gì trục trặc vậy?”

“Chắc không có gì trục trặc, nhưng em cảm thấy kỳ lạ,” Amalia nói. “Nhất là vì người chết là trẻ con.”

“Mình cũng sẽ đóng hòm cho người già,” Ambrosio nói. “Don Hilario nói đó là việc bảo đảm nhất vì người ta ai cũng phải chết. Mình sẽ lấy phân nửa tiền lời. Ông ta sẽ trông coi và không nhận tiền công. Anh còn muốn gì hơn nữa, phải không?”

“Vậy là bây giờ anh sẽ đi Tingo María đều đều,” Amalia nói.

“Ừ, và anh sẽ không thể để mắt vào việc kinh doanh,” Ambrosio đáp. “Em sẽ phải mở mắt cho to, đếm tất cả số quan tài khiêng ra. Mình ở ngay bên cạnh cũng tốt. Em có thể để mắt trông mà không phải ra khỏi nhà.”

“Được rồi,” Amalia nói. “Nhưng nó làm em cảm thấy kỳ lạ.”

“Nhìn chung, trong nhiều tháng liền tôi không làm gì khác ngoài nổ máy xe, đạp thắng, nhấn ga,” Ambrosio nói. “Tôi lái một thứ cổ lỗ sĩ nhất thế giới nằm trên bánh xe, thưa cậu. Tên nó là Tia Chớp Rừng Xanh.”

Trước
image
Chương 25
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!