Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 4 – Chương 3
Trước
image
Chương 26
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

“Thế thì cậu là người đầu tiên lập gia đình, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Cậu làm gương cho anh em của cậu.”

Từ La Maison de Santé hắn đi về nhà trọ ở Barranco để cạo râu và thay y phục rồi đến Miraflores. Mới ba giờ chiều, nhưng hắn thấy xe của Don Fermín đậu ở cửa ngoài. Người quản gia đón hắn với bộ mặt nghiêm trọng: ông chủ và bà chủ lo vì cậu không đến ăn trưa hôm Chúa nhật, thưa cậu chủ. Teté và anh Nổ không có đó. Hắn thấy Señora Zoila đang xem truyền hình trong căn phòng nhỏ bà đã sửa lại dưới cầu thang để làm chỗ chơi bài canasta mỗi thứ Năm cho bọn trẻ.

“Cũng đến lúc rồi nhỉ,” bà lẩm bẩm, nhưng vầng trán nhăn. “Con đến để xem mọi người còn sống không hả?”

Hắn cố phá vỡ sự bẳn gắt của bà bằng cách nói đùa – mày đang vui, Zavalita, được thả ra sau khi bị nhốt trong bệnh viện mà – nhưng bà tiếp tục mắng hắn, trong khi bà không cưỡng được mà tiếp tục liếc xem vở kịch tình cảm xã hội: họ đã sửa soạn đón hắn hôm Chúa nhật, Teté và Popeye và anh Nổ và Cary đã đợi con đến ba giờ chiều, con nên chu đáo hơn với cha con, cha không khỏe. Biết rằng ông đếm từng ngày cho đến lúc ông có thể gặp mày, hắn nghĩ, biết ông buồn thế nào khi mày không tới. Hắn nghĩ: ông đã nghe lời các bác sĩ, ông không đến văn phòng, ông đang nghỉ ngơi, mày nghĩ ông hoàn toàn bình phục. Và dù vậy chiều hôm ấy mày có thể thấy ông chưa hồi phục, Zavalita. Ông đang ngồi trong phòng làm việc, một mình, một cái chăn trên đầu gối, nơi chiếc ghế bành thường lệ. Ông lật qua tờ tạp chí, và khi ông thấy Santiago vào ông mỉm cười với hắn với sự bực tức trìu mến. Da ông vẫn sạm nắng hè, đã già, mặt ông có tật co giật kỳ lạ, và như thể trong vài ngày ông đã mất mười ký. Ông không đeo cà vạt, mặc áo ngoài bằng vải nhung kẻ, và những cụm lông bạc ló ra khỏi cổ áo sơ mi để hở của ông. Santiago ngồi xuống bên cạnh ông.

“Ba nom khỏe lắm, papa,” hắn nói, hôn ông. “Ba cảm thấy thế nào?”

“Khỏe hơn, nhưng mẹ con và anh Nổ làm ba cảm thấy mình vô dụng,” Don Fermín than phiền. “Mọi người chỉ để ba đến văn phòng một tí rồi bắt ba ngủ và lêu bêu ở đây như người tàn phế.”

“Chỉ đến khi nào ba hoàn toàn bình phục thôi,” Santiago nói. “Khi ấy ba có thể tha hồ, papa.”

“Ba đã cảnh cáo mọi người là ba chỉ chịu cái lề thói lỗi thời này cho đến cuối tháng,” Don Fermín nói. “Đến đầu tháng, ba sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Ngay lúc này ba thậm chí chẳng biết công việc thế nào.”

“Để anh Nổ trông nom công việc, papa,” Santiago nói. “Anh ấy làm được phải không?”

“Ừ, nó làm khá,” Don Fermín gật đầu nói. “Nó hầu như điều khiển mọi việc. Nó nghiêm chỉnh, nó có một cái đầu khá trên hai vai. Chỉ là ba không thể cam chịu làm xác ướp.”

“Ai mà nghĩ được anh Nổ hóa ra lại là một nhà kinh doanh tài giỏi.” Santiago cười. “Hóa ra anh ấy bị đuổi khỏi Học viện Hải quân lại là may.”

“Đứa không ổn là con, Ròm,” Don Fermín nói với cùng giọng trìu mến và hơi mệt mỏi. “Hôm qua ba ghé qua nhà trọ của con, Señora Lucía kể với ba là con không ngủ ở nhà đã mấy ngày.”

“Con đi Trujillo, papa.” Ông đã hạ thấp giọng, hắn nghĩ, làm một cử chỉ như thể nói chỉ giữa ba với con, mẹ con không biết gì. “Họ cử con đi săn tin. Con bị đưa đi vội và không kịp cho ba biết.”

“Con quá lớn rồi, ba không thể mắng con hoặc khuyên bảo con được nữa,” Don Fermín nói, với sự mềm mỏng vừa trìu mến vừa buồn. “Vả lại, ba biết sẽ vô ích.”

“Ba không thể nào nghĩ là con cố tình sống một cuộc sống bê bối, papa,” Santiago mỉm cười nói.

“Ba đã nhận được những báo cáo đáng ngại từ lâu rồi,” Don Fermín nói mà không thay đổi sắc diện. “Con đã có mặt ở các quán rượu, hộp đêm. Và không phải mấy chỗ tốt nhất ở Lima. Nhưng vì con quá nhạy cảm, ba đã không dám hỏi gì con, Ròm.”

“Thỉnh thoảng con đi, như mọi người,” Santiago nói. “Ba biết con không phải loại thích chè chén, papa. Ba không nhớ hồi con còn nhỏ mama cứ phải bắt con đi dự các buổi tiệc sao?”

“Còn nhỏ?” Don Fermín cười. “Bây giờ con cảm thấy già lắm rồi à?”

“Ba đừng nên chú ý tới lời đồn của thiên hạ,” Santiago nói. “Con có thể là nhiều thứ, nhưng không phải loại đó, papa.”

“Ba cũng nghĩ như vậy, Ròm,” Don Fermín nói sau một lúc ngập ngừng lâu. “Thoạt tiên ba nghĩ cứ để nó vui chơi một chút, thậm chí có thể tốt cho nó. Nhưng bây giờ quá nhiều lần người ta đến kể cho ba là chúng tôi gặp nó ở đây, ở kia, uống rượu, với hạng người xấu nhất.”

“Con không có thời giờ hay tiền để chè chén,” Santiago nói.

“Chuyện vô lý, papa.”

“Ba không biết nên nghĩ gì, Ròm.” Ông hóa ra nghiêm nghị, Zavalita, giọng ông trở nên trầm trọng. “Con đi từ cực này sang cực kia, khó hiểu con quá. Xem nào, ba nghĩ thà thấy con rốt cuộc trở thành cộng sản còn hơn là đứa say rượu và trác táng.”

“Con chẳng phải thứ nào, papa, ba cứ yên chí,” Santiago nói. “Đã nhiều năm rồi con chẳng biết chính trị là gì. Con đọc hết tờ báo, ngoại trừ tin chính trị. Con không biết ai là bộ trưởng hay ai là nghị sĩ. Con thậm chí bảo họ đừng đưa con đi săn tin chính trị.”

“Con nói thế với sự oán giận kinh khủng,” Don Fermín lẩm bẩm. “Có phải vì đã không xả thân đi ném bom nên con mới bực bội đến thế? Đừng trách ba chuyện ấy. Ba chỉ cho con một lời khuyên, thế thôi, và nhớ là con đã chống lại ba cả đời con. Nếu con không trở thành cộng sản thì đó là vì trong thâm tâm con không chắc lắm về nó.”

“Ba nói đúng, papa,” Santiago nói. “Chẳng có gì làm con bực mình, con không bao giờ nghĩ về mấy thứ đó. Con chỉ cố trấn an ba. Chẳng phải cộng sản cũng chẳng phải đứa chơi bời, đừng lo chuyện đó.”

Họ nói về những việc khác giữa bầu không khí ấm áp của sách vở và các ngăn kệ gỗ trong phòng làm việc, nhìn mặt trời lặn, tan loãng trong sương mù đầu đông, lắng nghe tiếng của vở kịch tình cảm xã hội xa xa, và dần dần, Don Fermín thu lấy can đảm nhắc lại đề tài muôn thuở và lặp lại nghi lễ dã diễn ra nhiều lần: về sống ở nhà, lấy xong bằng luật, đi làm cho ba.

“Ba biết con không thích ba nói tới chuyện ấy.” Đó là lần cuối cùng ông cố gắng, Zavalita. “Ba biết ba có thể đẩy con tách xa gia đình một lần nữa nếu ba nói tới chuyện ấy.”

“Đừng nói lẩm cẩm, papa,” Santiago nói.

“Bốn năm không đủ sao, Ròm?” Phải chăng từ đó ông cam chịu, Zavalita? “Con tự làm hại mình chưa đủ sao, con làm tổn thương mọi người chưa đủ sao?”

“Nhưng con ghi danh rồi, papa,” Santiago nói. “Năm nay…”

“Năm nay con sẽ nói rất nhiều, y như mấy năm qua.” Hay ông đang ấp ủ tới lúc tận cùng cay đắng, một cách bí mật, niềm hy vọng mày sẽ trở về, Zavalita? “Ba hết tin con rồi, Ròm. Con ghi danh, nhưng con không thò chân đến trường hay đi thi.”

“Mấy năm qua con rất bận,” Santiago khăng khăng. “Nhưng bây giờ con sẽ bắt đầu đi học. Con đã lập thời khóa biểu hết rồi, để con có thể đi ngủ sớm và…”

“Con đã quen thức khuya, quen với đồng lương nhỏ nhoi tầm thường của con, với bạn chơi bời của con trong tòa báo, đời con là thế.” Không giận, không cay đắng, Zavalita, với nỗi đau đớn dịu dàng. “Làm sao ba có thể không nhắc lại với con là không được, Ròm? Con không phải đứa mà con đang cố gắng tự chứng tỏ. Con không thể tiếp tục là một kẻ tầm thường, con ạ.”

“Ba phải tin con, papa,” Santiago nói. “Con thề lần này là thật. Con sẽ đi học, con sẽ đi thi.”

“Bây giờ ba không yêu cầu vì con, mà vì ba.” Don Fermín nghiêng người tới, đặt tay ông lên cánh tay hắn. “Chúng ta hãy thu xếp một thời khóa biểu để con đi học, rồi thì con sẽ kiếm nhiều tiền hơn là ở La Crónica. Đã tới lúc con phải biết hết mọi việc. Ba có thể ngã ra chết bất cứ lúc nào, khi ấy con và anh Nổ sẽ phải tiếp tục các việc ở văn phòng. Ba của con cần con, Santiago.”

Ông không giận hay hy vọng hay nôn nóng như những lần khác, Zavalita. Ông chán nản, hắn nghĩ, ông lặp lại những câu tiêu biểu theo thông lệ hay theo thói quen khó bỏ, như một người đặt số dự trữ cuối cùng vào tay bài cuối cùng, biết rằng ông cũng sẽ thua lá bài ấy. Mắt ông có ánh ngã lòng và hai tay ông nắm chặt nhau dưới chăn.

“Con chỉ làm vướng chân ba ở văn phòng thôi, papa,” Santiago nói. “Sẽ là trở ngại thật sự cho ba và anh Nổ. Con sẽ cảm thấy ba trả lương ân huệ cho con. Ngoài ra, đừng nói chuyện ngã ra chết nữa. Chính ba nói với con là ba chưa bao giờ cảm thấy khỏe hơn.”

Don Fermín cúi đầu vài giây, rồi ông ngẩng mặt lên mỉm cười, một cách cam chịu: thôi được, ông không muốn thử lòng kiên nhẫn của hắn nữa bằng cách cứ nhắc đi nhắc lại một điều mãi, Ròm. Hắn nghĩ: chỉ muốn nói với con rằng lúc sung sướng nhất đời ba là một ngày kia con bước qua cánh cửa đó rồi nói với ba là con bỏ việc ở tòa báo, papa. Nhưng ông ngưng nói vì Señora Zoila đã vào, đẩy một chiếc xe nhỏ có bánh mì nướng và trà. Ôi dào, vở kịch tình cảm xã hội rốt cuộc đã hết, và bà bắt đầu nói về Popeye với Teté. Hắn nghĩ bà lo Popeye muốn làm đám cưới vào năm tới nhưng Teté vẫn còn trẻ con, bà khuyên chúng đợi thêm một thời gian ngắn nữa. Bà mẹ già của con chưa muốn làm bà ngoại, Don Fermín đùa. Còn anh Nổ và cô bồ của anh ấy thì sao, mama? À, Cary rất xinh, dễ mến, nó sống ở La Punta, nó nói được tiếng Anh. Và rất nghiêm trang, rất đứng đắn. Tụi nó cũng đang định làm đám cưới sang năm.

“Ít nhất thì dù con điên rồ đủ thứ nhưng con vẫn chưa tới chỗ đó,” Señora Zoila thận trọng nói. “Mẹ nghĩ chắc không phải con đang nghĩ tới việc lập gia đình, đúng không?”

“Nhưng con chắc có bạn gái,” Don Fermín nói. “Nó là ai? Kể cho ba má nghe đi. Ba má sẽ không nói gì với Teté để nó khỏi làm con phát điên.”

“Con đâu có papa,” Santiago nói. “Con thề là không có.”

“Nhưng con nên có, con còn đợi gì?” Don Fermín nói. “Con đâu có muốn rốt cuộc làm ông già độc thân như bác Clodomiro.”

“Teté lập gia đình vài tháng sau tôi,” Santiago nói. “Anh Nổ thì hơn một năm sau.”

° ° °

Mình biết gã đến, Queta nghĩ. Nhưng cô không thể tưởng tượng gã dám. Lúc đó sau nửa đêm, hết cử động nổi. Malvina đã say và Robertito đang toát mồ hồi. Thấp thoáng trong bóng mờ, ngây ngất vì khói thuốc và điệu cha-cha-cha, các cặp đang lắc lư tại chỗ. Thỉnh thoảng Queta có thể thoáng nghe tiếng cười trơ trẽn của Malvina ở những chỗ dọc theo quầy rượu hay bên phòng khách nhỏ hay trong các phòng trên lầu. Gã đứng trong khung cửa, to lớn và sợ hãi, với chiếc áo ngoài sọc nâu lớn và cà vạt đỏ, mắt gã láo liên. Tìm mày, Queta nghĩ, thích thú.

“Bà không cho phép tụi đen vào trong này,” Martha nói bên cạnh cô. “Đuổi nó ra, Robertito.”

“Nó là tay chân của Bermúdez,” Robertito nói. “Tôi sẽ đi xem. Bà sẽ quyết định.”

“Đuổi nó ra, bất kể nó là ai,” Martha nói. “Nó sẽ làm chỗ này mang tiếng. Đuổi nó ra khỏi đây.”

Thằng nhóc có hàng ria mép mờ và bộ áo vét đắt tiền đã mời cô ta nhảy ba lần liên tiếp mà không nói một tiếng với cô, hắn đã trở lại với Queta và cố đau khổ nói mình đi lên chứ? Ừ, trả tôi tiền phòng rồi lên, số mười hai, cô sẽ lấy chìa khóa. Cô len qua đám người đang nhảy, đối diện gã đen và nhìn mắt gã: bừng cháy, sợ hãi. Gã muốn gì, ai bảo gã đến đây? Gã quay đi, rồi lại nhìn cô, và cô chỉ nghe tiếng chào.

“Señora Hortensia,” gã thì thầm, giọng ngượng ngùng, đưa mắt đi nơi khác. “Bà ấy đang đợi cô gọi bà ấy.”

“Tôi đang bận.” Bà ta không bảo gã đến, gã không biết cách nói láo, mày đến vì tao. “Bảo bà ta ngày mai tôi sẽ gọi.”

Cô quay đi, lên lầu, và trong lúc cô hỏi Ivonne chìa khóa phòng số mười hai, cô nghĩ gã sẽ bỏ đi nhưng gã sẽ quay lại. Gã sẽ đợi cô ngoài đường, có ngày gã sẽ theo cô, cuối cùng gã sẽ thu hết can đảm và sẽ tiến đến, run rẩy. Nửa tiếng sau cô xuống thì thấy gã đang ngồi ở quầy rượu, quay lưng lại các cặp trong phòng khách. Gã đang uống, nhìn các hình người có bộ ngực phồng mà Robertito đã phác trên tường bằng phấn màu; cặp mắt trắng của gã trợn tròn trong bóng tối, sáng và đe dọa, móng của bàn tay cầm ly bia dường như phát sáng. Gã dám, Queta nghĩ. Cô không cảm thấy ngạc nhiên, cô bất cần. Nhưng Martha thì không, cô ta đang nhảy và càu nhàu mày thấy không? lúc Queta đi ngang cô, bây giờ họ để tụi đen vào. Cô chào tạm biệt thằng mặc vét ở cửa, quay lại quầy rượu và Robertito đang mang một ly bia nữa cho gã đen. Vẫn còn nhiều thằng chưa có cặp, đứng tụ lại với nhau, đang nhìn, và không nghe tiếng Malvina nữa. Cô băng ngang sàn nhảy, một bàn tay véo mông cô, cô mỉm cười không ngừng lại, nhưng trước khi cô đến quầy, một khuôn mặt sưng húp với cặp mắt kèm nhèm và hàng lông mày rậm chen vào: mình nhảy đi.

“Cô ấy đang cặp với tôi, thưa ông,” giọng tắc nghẽn của gã đen lẩm bẩm; gã đang ở cạnh cây đèn và cái chụp đèn có các ngôi sao xanh chạm vào vai gã.

“Tôi đến trước.” Thằng kia lưỡng lự, nhìn tấm thân dài bất động. “Nhưng thôi được, mình đừng tranh nhau vì cô ta.”

“Tôi không cặp với hắn, tôi cặp với ông,” Queta nói, cầm tay hắn ta. “Nào, mình nhảy.”

Cô lôi hắn lên sàn nhảy, cười thầm, nghĩ phải bao nhiêu ly bia gã mới lấy đủ can đảm? Cô nghĩ tao sẽ dạy cho mày một bài học, mày sẽ thấy, mày sẽ thấy. Cô nhảy và cảm thấy đứa nhảy chung với mình vấp, không theo được điệu nhạc, và cô thấy cặp mắt kèm nhèm mất tự chủ đang nhìn gã đen, gã vẫn đứng, lúc này đang chăm chú xem các bức vẽ trên tường và người trong các góc phòng. Bản nhạc ngưng và người đàn ông muốn rút lui. Hắn không sợ thằng đen chứ? họ có thể nhảy một bài nữa. Thôi, trễ rồi, hắn phải đi. Queta cười, buông hắn ra, tới ngồi trên cái ghế đẩu bên quầy rượu và ngay lập tức gã đen tới cạnh cô. Không nhìn gã, cô cảm thấy mặt gã bối rối, đôi môi dày của gã mở ra.

“Tới phiên tôi chưa?” gã nặng nề nói. “Bây giờ mình nhảy được chưa?”

Cô nhìn vào mặt gã, nghiêm nghị, và thấy gã lập tức cúi đầu.

“Nếu tôi kể cho Cayo Đầu Cứt thì chuyện gì sẽ xảy ra?” Queta hỏi.

“Ông ấy đâu có ở đây,” gã lắp bắp, không nhìn lên, không cử động. “Ông ấy đi về miền Nam rồi.”

“Và chuyện gì xảy ra nếu khi hắn về, tôi kể cho hắn là anh đến và muốn dính dáng với tôi?” Queta kiên nhẫn hỏi tới.

“Tôi không biết,” gã đen hạ giọng nói. “Chắc là chẳng có gì. Hoặc ông ấy sẽ đuổi tôi. Hoặc ông ấy sẽ cho người bắt tôi hay chuyện gì đó tệ hơn.”

Gã ngẩng lên nhìn nhanh, như thể van nài phỉ nhổ tôi đi nếu cô muốn, nhưng đừng kể với ông ta, Queta nghĩ, rồi gã quay mắt đi. Vậy thì chuyện cái bà điên kia bảo gã đến đây là nói láo phải không?

“Nói thật,” gã đen nói; gã ngập ngừng một thoáng rồi nói thêm, vẫn gục đầu, “Nhưng bà ấy không bảo tôi ở lại.”

Queta bắt đầu cười và gã đen ngước mắt lên: bừng cháy, trắng dã, hy vọng, sửng sốt. Robertito đi đến và hỏi thầm Queta qua cặp môi bĩu lại; cô bảo hắn bằng cái nhìn mọi thứ đều ổn cả.

“Nếu anh muốn nói chuyện với tôi, anh phải gọi một thứ gì,” cô nói rồi gọi. “Cho tôi rượu mùi.”

“Mang rượu mùi lại cho cô này,” gã đen lặp lại. “Cho tôi ly lúc nãy.”

Queta thấy nụ cười nửa miệng của Robertito khi hắn quay đi, cô thoáng thấy Martha ở bên kia sàn nhảy, nhìn cô căm phẫn qua vai bạn nhảy của cô ta, cô thấy những cặp mắt kích động và chỉ trích của bọn đàn ông còn lẻ loi trong góc đang dán mắt nhìn cô và gã đen. Robertito mang bia và ly trà loãng ra, và khi đi hắn nháy mắt với cô như bảo cô rằng tôi tiếc cho cô hoặc đừng trách tôi.

“Tôi biết,” gã đen lầm bầm, “cô không ưa tôi chút nào.”

“Không phải vì anh da đen, tôi cần quái gì chuyện đó,” Queta nói. “Mà vì anh là đầy tớ của thằng Cayo Đầu Cứt đáng tởm đó.”

“Tôi không là đầy tớ của ai,” gã đen bình tĩnh nói. “Tôi chỉ là tài xế của ông ta.”

“Tay sai của hắn,” Queta nói. “Anh chàng trong xe với anh có phải là cảnh sát không? Anh cũng là cảnh sát phải không?”

“Đúng, Hinostroza là cảnh sát,” gã đen nói. “Nhưng tôi chỉ là tài xế của ông ta.”

“Nếu anh muốn, anh có thể đi kể với Cayo Đầu Cứt là tôi nói hắn tởm lắm.” Queta mỉm cười.

“Ông ta sẽ không thích,” gã chậm rãi nói, với vẻ khôi hài nể trọng. “Don Cayo rất kiêu. Tôi sẽ không kể với ông ta, cô cũng không kể với ông ta là tôi đến, thế là chúng ta huề.”

Queta bật cười lớn: bừng cháy, trắng dã, ham hố, thở phào nhưng vẫn bất an và sợ hãi. Tên gã là gì? Ambrosio Pardo và gã biết tên cô là Queta.

“Có đúng Cayo Đầu Cứt và bà già Ivonne bây giờ đang làm ăn chung không?” Queta hỏi. “Bây giờ ông chủ của anh cũng làm chủ tất cả chỗ này phải không?”

“Làm sao tôi biết?” gã lẩm bẩm; và khăng khăng, với vẻ cương quyết nhỏ nhẹ, “Ông ta không phải là ông chủ của tôi, ông ta là người thuê tôi.”

Queta uống một hớp trà lạnh, làm mặt ghê tởm, đổ nhanh hết cả ly xuống sàn, lấy ly bia uống một ngụm nhỏ trong khi cặp mắt của Ambrosio ngạc nhiên quay về phía cô.

“Tôi sẽ nói với anh một điều,” Queta nói. “Tôi ỉa lên ông chủ của anh. Tôi không sợ hắn. Tôi ỉa lên Cayo Đầu Cứt.”

“Ngay cả nếu cô có bị tiêu chảy thì cũng đừng,” gã cả gan thì thầm. “Mình đừng nên nói về Don Cayo, chuyện này đang tới chỗ nguy hiểm.”

“Anh đã bao giờ lên giường với bà điên Hortensia đó chưa?” Queta hỏi và thấy nỗi kinh hoàng bỗng nở ra trong cặp mắt gã đen.

“Làm sao có chuyện đó dược,” gã lắp bắp, sửng sốt. “Đừng lặp lại câu đó dù là nói dùa.”

“Vậy làm sao anh dám muốn lên giường với tôi?” Queta hỏi, tìm mắt gã.

“Vì cô,” Ambrosio lắp bắp, và giọng gã đứt ngang; gã đặt ly bia xuống, bối rối. “Cô có muốn một cốc rượu mùi nữa không?”

“Bao nhiêu bia mới đủ cho anh lấy can đảm?” Queta hỏi, thích thú.

“Nhiều lắm, tôi đếm không hết.” Queta nghe gã cười khẩy, nói bằng giọng thân mật hơn. “Không chỉ bia, mà cả capitanes. Tối hôm qua tôi cũng đến, nhưng tôi không vào. Hôm nay tôi vào vì bà chủ sai việc tôi.”

“Thôi được,” Queta nói. “Gọi cho tôi cốc rượu mùi nữa rồi về. Tốt hơn anh đừng trở lại nữa.”

Ambrosio đưa mắt ra hiệu cho Robertito: một rượu mùi nữa ông. Queta thấy Robertito đang cố nín cười, và từ xa, khuôn mặt Ivonne và Malvina đang tò mò nhìn cô.

“Dân da đen giỏi khiêu vũ, tôi hy vọng anh cũng thế,” Queta nói. “Để tôi dành cho anh vinh dự nhảy với tôi một lần duy nhất trong đời anh.”

Gã giúp cô xuống khỏi ghế đẩu. Lúc này gã nhìn vào mắt cô với vẻ biết ơn như con chó và gần như sắp khóc. Gã choàng hờ cánh tay quanh cô và không thử sán lại gần. Không, gã không biết nhảy, hoặc gã không thể, gã chỉ hơi cử động và không biết nhịp. Queta cảm thấy những ngón tay sành sỏi trên lưng cô, cánh tay gã ôm cô với sự giữ gìn đầy sợ hãi.

“Đừng ôm tôi chặt quá,” cô bỡn cợt, thích thú “Nhảy như người ta đi nào.”

Nhưng gã không hiểu và thay vì sán đến gần hơn, gã hơi lùi lại vài phân, lẩm bẩm. Đúng là thằng hèn nhát, Queta nghĩ, thoảng như có cảm tình. Trong khi cô xoay, ngân nga, múa tay trên không và đổi bước, gã vụng về lắc lư tại chỗ, vẻ mặt gã có nét vui nhộn như những chiếc mặt nạ ngày hội hóa trang mà Robertito treo trên trần nhà. Họ trở lại quầy rượu và cô gọi một cốc rượu mùi nữa.

“Anh đến đây là ngu lắm,” Queta thân thiện nói. “Ivonne hoặc Robertito hoặc bất kỳ ai cũng sẽ kể cho Cayo Ðầu Cứt và anh chắc sẽ gặp rắc rối.”

“Cô nghĩ vậy sao?” gã thì thầm, nhìn xung quanh với vẻ ngu ngốc. Thằng ngốc đáng thương đã suy đoán mọi việc trừ việc đó, Queta nghĩ, mày làm gã mất vui tối nay.

“Dĩ nhiên,” cô nói. “Anh không thấy bọn họ đều run rẩy trước mặt hắn giống như anh sao? Anh không thấy hình như bây giờ hắn là người chung vốn với Ivonne sao? Anh ngu tới mức không thấy à?”

“Tôi muốn lên lầu với cô,” gã lắp bắp: mắt gã cháy bừng, lấp lánh trên khuôn mặt da chì, trên cái mũi bẹt lỗ mũi nở rộng, đôi môi gã hé mở, hàm răng trắng bóng, giọng gã thốt lên sợ hãi. “Được không?” Và càng sợ hơn: “Tốn bao nhiêu?”

“Anh phải làm việc cả tháng mới có thể lên giường với tôi.” Queta mỉm cười và thương hại nhìn gã.

“Nếu tôi có,” gã kèo nài. “Nếu chỉ một lần. Được không?”

“Được với giá năm trăm đồng,” Queta nói, mỉm cười xem xét gã, khiến gã cụp mắt xuống. “Thêm tiền phòng là năm chục. Anh thấy đó, ngoài tầm túi tiền của anh.”

Tròng trắng mắt gã trợn lên một giây, môi gã mím lại, nghiến chặt. Nhưng bàn tay to lớn đưa lên chỉ Robertito một cách đáng thương, hắn đang ở cuối quầy: anh chàng đó nói giá là hai trăm.

“Giá của mấy cô kia. Tôi có giá riêng của tôi,” Queta nói. “Nhưng nếu anh có hai trăm anh có thể lên lầu với bất cứ cô nào trong đám đó. Ngoại trừ Martha, cô mặc áo vàng. Cô ta không thích dân đen. Ôi dào, trả tiền rồi đi đi.”

Cô thấy gã rút tiền trong ví, trả cho Robertito và nhận lại tiền lẻ với vẻ mặt hối hận và trầm ngâm.

“Bảo bà điên là tôi sẽ gọi cho bà ta,” Queta thân mật nói. “Đi đi, lên giường với một trong mấy cô kia, họ tính hai trăm. Đừng sợ, tôi sẽ nói với Ivonne và bà ta sẽ không kể gì với Cayo Đầu Cứt.”

“Tôi không muốn lên giường với bất cứ cô nào trong số họ,” gã lẩm bẩm. “Thà tôi ra về.”

Cô theo gã đến mảnh vườn nhỏ bên cạnh lối vào, và ở đó, gã bỗng ngừng lại, quay người, và trong ánh đỏ quạch của ngọn đèn đường, Queta thấy gã lưỡng lự, ngước mắt, cúi mắt rồi ngước mắt, cố uốn lưỡi cho đến khi bập bẹ thành tiếng: gã vẫn còn hai trăm.

“Nếu anh tiếp tục kèo nài, tôi sẽ nổi cáu,” Queta nói. “Đi đi. Anh đi đi.”

“Hôn một cái được không?” gã nghẹn lời, bối rối. “Được không?”

Gã quơ hai cánh tay dài như sắp đu lên cây, xỏ một tay vào túi, rút nhanh ra và Queta thấy nắm tiền. Cô thấy tiền đặt vào tay cô mà cô không biết làm sao nó đã nằm đó, nhăn nhúm và nhàu nát giữa các ngón tay cô. Gã liếc nhìn vào trong, rồi cô thấy gã nghiêng cái đầu nặng nề của gã và cảm thấy một con cá bú nhớp nháp trên cổ họng cô. Gã ôm cô dữ dội nhưng không định hôn miệng cô, và ngay khi gã cảm thấy cô chống cự, gã lùi lại.

“Được, cũng đáng,” cô nghe gã nói, mỉm cười, và cô nhận thấy hai hòn than trắng đang nhảy múa trong hốc mắt gã. “Một ngày nào tôi sẽ có năm trăm đồng đó.”

Gã mở cổng rồi đi ra, Queta đứng lại một giây ngạc nhiên nhìn hai tờ bạc xanh đang nhảy múa giữa các ngón tay mình.

° ° °

Bản nháp viết ra rồi ném vào giỏ rác, hắn nghĩ, nhiều tuần nhiều tháng là bản nháp thế rồi ném đi… Kia kìa, Zavalita, khung cảnh bất biến của phòng biên tập với những chuyện bẻm mép và lời đồn đại cứ tái diễn, những buổi nói chuyện xoáy lốc với Carlitos trong Negro-Negro, những lần lẻn lút đến chơi các quầy rượu hộp đêm. Bao nhiêu lần Carlitos và China thành bạn, cãi nhau rồi làm hòa? Khi nào những bữa nhậu say linh đình của Carlitos trở thành một bữa nhậu đơn độc kinh niên? Trong những ngày nhớp nhúa ấy, những tháng nhầy nhụa ấy, những năm lỏng toẹt ấy trượt khỏi ký ức hắn, chỉ còn một sợi chỉ rất mỏng để bám vào. Hắn nghĩ: Ana. Họ đi chơi với nhau một tuần sau khi Santiago rời La Maison de Santé, họ đến Cine San Martín để xem một phim có hai tài tử Columba Domínguez và Pedro Armendáriz rồi ăn xúc xích ở một nhà hàng Đức trên Colmena; thứ Năm tuần sau, món thịt bò xay hầm với ớt băm và đậu ở Cream Rica trên Jirón de la Unión rồi xem phim đấu bò ở Excelsior. Rồi mọi việc vỡ ra manh mún và trở nên lẫn lộn, Zavalita, uống trà gần Dinh Công lý, tản bộ qua Parque de la Exposición, cho đến mùa đông, trong màn sương mỏng và sương mù nhớp nháp, mối quan hệ vô thưởng vô phạt làm nên bằng những thực đơn rẻ tiền, mấy vở tuồng Mễ Tây Cơ và những câu chơi chữ ấy bỗng mơ hồ trở nên cố định. Neptuno kìa, Zavalita: khung cảnh tối mờ của những nhịp bước như giấc mơ, những cặp xúi gở khiêu vũ trong bóng tối, những ngôi sao nhỏ phát sáng trên các bức tường, mùi rượu và ngoại tình. Mày lo về khoản tiền phải trả, mày uống chậm như một đứa bủn xỉn, mày tính toán. Ở đó mày hôn lần đầu, nhờ sự thiếu ánh sáng thúc đẩy cho, hắn nghĩ, âm nhạc và hình bóng cảm nhận nhau trong bóng tối: anh yêu em, Anita. Ở đó mày ngạc nhiên vì cảm thấy cơ thể cô ấy ngả vào thân mày, em cũng yêu anh, Santiago, ở đó niềm háo hức trẻ con của miệng cô và sự thèm khát đã nuốt chửng mày. Họ hôn lâu trong lúc khiêu vũ, họ tiếp tục hôn ở bàn, và trong tắc xi, khi hắn đưa cô về, Ana để ngực mình được mơn trớn mà không phản đối. Suốt đêm không một lời lém lỉnh, hắn nghĩ. Đó là mối tình thiếu sinh khí và nửa giấu giếm, Zavalita. Ana khăng khăng đòi mày đến nhà cô ấy ăn trưa và mày chẳng bao giờ đến được, mày phải viết bài, có buổi họp, tuần sau, hôm khác. Một buổi tối Carlitos tình cờ gặp họ trong Haití ở Plaza de Armas, anh ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy họ nắm tay nhau và Ana dựa lên vai Santiago. Đó là lần cãi nhau đầu tiên của họ, Zavalita. Tại sao anh không giới thiệu cô với gia đình anh, tại sao anh không muốn gặp gia đình em, tại sao anh thậm chí không nói gì với bạn thân nhất của anh, anh ngượng vì đi chơi với em hay sao? Họ ở cửa La Maison de Santé, trời lạnh và mày cảm thấy chán: bây giờ anh biết tại sao em thích các vở tuồng Mễ Tây Cơ thống thiết đến như thế, Anita. Cô xoay người và đi vào bệnh viện mà không nói lời tạm biệt.

Những ngày đầu sau lần cãi nhau ấy, hắn cảm thấy bứt rứt mơ hồ, một nỗi nhớ lặng lẽ. Yêu, Zavalita? Thế thì mày chưa bao giờ yêu Aída, hắn nghĩ. Hoặc phải chăng con sâu trong ruột mà mày đã cảm thấy nhiều năm về trước là tình yêu? Hắn nghĩ: vậy thì với Ana chưa bao giờ là tình yêu, Zavalita. Hắn bắt đầu đi chơi lại với Carlitos, Milton, Solórzano và Norwin: một đêm hắn nói đùa với họ về chuyện tình của hắn với Ana và bịa chuyện là họ sẽ ngủ với nhau. Rồi một hôm, trước khi đến tòa báo, hắn xuống xe buýt ở trạm gần Dinh Công lý và xuất hiện ở bệnh viện. Không dự tính, hắn nghĩ, như thể tình cờ. Họ làm hòa trên lối vào, giữa người qua kẻ lại, mà thậm chí không chạm tay nhau, nói trong bí mật, nhìn vào mắt nhau. Anh sai rồi, Anita, em mới là đứa sai, Santiago, em không biết anh đã buồn như… Anita, còn em khóc mỗi… Santiago. Họ lại gặp nhau lúc đêm xuống trong một quán Tàu với bọn say và sàn nhà lát gạch rải mạt cưa, và họ nói chuyện hàng giờ mà không buông tay trên hai tách cà phê chẳng đụng đến. Nhưng mày lẽ ra nên nói trước với cô ấy, Santiago, làm sao cô ấy biết là mày không hòa thuận với gia đình mày, và hắn lại kể với cô, đại học, nhóm bạn, La Crónica, mối quan hệ hòa nhã căng thẳng với cha mẹ và anh em hắn. Mọi thứ, trừ nói về Aída, Zavalita, ngoại trừ về Ambrosio, về Nàng Thơ. Tại sao mày kể cho cô ấy câu chuyện đời mày? Từ ấy họ gặp nhau hầu như mỗi ngày, và một tuần hoặc một tháng sau họ đã ân ái, một đêm, nơi căn lán trọ qua đêm trong khu Margaritas. Thân thể cô, gầy đến nỗi mày có thể đem xương lưng cô ấy, đôi mắt sợ hãi của cô, nỗi ngượng ngùng của cô và sự bối rối của mày khi khám phá ra cô ấy là gái trinh. Hắn sẽ không bao giờ đưa em đến đây nữa Anita, hắn yêu em Anita. Từ ấy họ ân ái trong căn nhà trọ ở Barranco, mỗi tuần một lần vào buổi chiều khi Doña Lucía đi thăm viếng các nơi. Tình yêu sợ hãi lo âu mỗi thứ Tư, Ana khóc lóc hối hận mỗi lần cô dọn lại giường, Zavalita.

Don Fermín lại thỉnh choảng xuất hiện ở văn phòng, và Santiago ăn trưa với họ mỗi Chúa nhật. Señora Zoila đã cho phép Popeye và Teté tuyên bố đính hôn, và Santiago hứa đến dự tiệc. Hôm ấy thứ Bảy, ngày nghỉ của hắn ở La Crónica, Ana trực. Hắn đưa bộ áo bảnh bao nhất của hắn đi giặt, hắn đánh bóng giày, mặc áo sơ mi sạch, và lúc tám giờ rưỡi tắc xi đưa hắn đến Miraflores. Tiếng người nói và tiếng nhạc tràn qua bức tường bao bọc mảnh vườn rồi vào đường phố, các cô người làm quàng khăn đứng trên ban công hàng xóm nhìn vào bên trong nhà. Xe đậu hai bên đường, một số trên vỉa hè, và mày đi sát tường, tránh cửa, bỗng nhiên không nhất quyết, không thấy thôi thúc muốn rung chuông hoặc bỏ đi. Qua cửa ga ra để xe hắn thấy một góc vườn: một cái bàn nhỏ trải khăn trắng, một người quản gia đứng gác, các cặp đang tán gẫu quanh hồ bơi. Nhưng đa số khách ở trong phòng khách và phòng ăn, ta có thể thấy hình dáng họ qua màn cửa sổ. Nhạc và tiếng nói chuyện từ bên trong vọng ra. Hắn nhận ra mặt của bà dì đó, cô em họ này, và các khuôn mặt nom ma quái. Thình lình bác Clodomiro xuất hiện và ra ngồi trên ghế xích đu trong vườn, một mình. Bác kìa, bàn tay đặt trên đầu gối, nhìn các cô đi giày cao gót, các cậu đeo cà vạt đang bắt đầu tiến đến cái bàn trải khăn trắng. Họ đi ngang bác và bác háo hức mỉm cười với họ. Bác đang làm gì ở đây, bác Clodomiro, tại sao bác đến một nơi không ai biết bác, nơi những người biết bác không thích bác? Phải chăng để cho thấy mặc dù họ lạnh nhạt với bác, bác vẫn là một thành viên trong gia đình, bác có một gia đình? hắn nghĩ. Hắn nghĩ: dù sao đi nữa, gia đình có quan trọng đối với bác không, bác có yêu cái gia đình không yêu bác không? Hay là niềm cô đơn còn tệ hơn nỗi nhục nhã, thưa bác? Hắn đã quyết định không vào, nhưng hắn không bỏ đi. Một chiếc xe ngừng ở cửa, và hắn thấy hai cô gái bước ra, tay giữ lấy tóc đợi người lái đậu xe xong thì đi cùng. Mày biết anh ta, hắn nghĩ: Tony, cũng lọn tóc lòa xòa trên trán, cũng tiếng cười như con vẹt. Cả ba vừa đi vào nhà vừa cười, và có cảm giác vô lý là họ đang cười mày, Zavalita. Lúc ấy nỗi khao khát man dại muốn gặp Ana bỗng nổi lên. Từ cửa hiệu ở góc đường, hắn giải thích cho Teté qua điện thoại là hắn không thể ra khỏi La Crónica được: ngày mai hắn sẽ đến, ôm thằng em rể một cái cho anh. Ồ, anh lúc nào cũng làm người ta cụt hứng, Siêu Não, làm sao anh có thể giở trò như vậy với họ được. Hắn gọi Ana, đi gặp cô, và họ nói chuyện một lúc ở lối vào La Maison de Santé.

Vài ngày sau cô gọi cho La Crónica với giọng ngập ngừng: cô có tin xấu cho anh, Santiago. Hắn đợi cô ở quán ăn Tàu và thấy cô đến quấn trong cái áo choàng khoác ngoài bộ đồng phục, mặt cô dài: nhà cô sắp dọn đi Ica, cưng. Cha cô được bổ nhiệm làm giám đốc khu học chính ở đó, có lẽ cô sẽ tìm được việc ở Bệnh viện Công nhân ở đó. Điều ấy hình như không nghiêm trọng lắm đối với mày, Zavalita, và mày an ủi cô ấy: mày sẽ đi gặp cô ấy mỗi tuần, cô ấy cũng có thể đến đây, Ica cũng gần.

° ° °

Ngày đầu tiên gã đi làm tài xế cho Công ty Vận chuyển Morales, trước khi đi Tingo María, Ambrosio chở Amalia và Amalita Hortensia đi một vòng nhỏ qua các đường phố xóc nảy của Pucallpa trong chiếc xe vận tải nhỏ màu xanh móp méo vá víu khắp chỗ, mấy tấm chắn bùn và hai thanh cản buộc dây thừng để chúng khỏi chào tạm biệt khi gặp một ổ gà nào đấy.

“So sánh với mấy chiếc xe tôi đã lái ở đây thì nó là thứ đáng khóc thương,” Ambrosio nói. “Dù vậy, những tháng tôi lái Tia Chớp Rừng Xanh là những tháng hạnh phúc, thưa cậu.”

Tia Chớp Rừng Xanh trang bị ghế băng gỗ và chứa được mười hai hành khách nếu nhồi nhét họ lại với nhau. Từ ấy cuộc sống lười biếng của mấy tuần đầu đã được thay bằng một sinh hoạt đều đặn: Amalia cho gã ăn, để thức ăn trưa của gã trong ngăn đựng đồ vật trên xe, và Ambrosio mặc áo thun, đội mũ lưỡi trai, mặc cái quần rách và đi đôi xăng đan đế cao su, gã lên đường đi Tingo María lúc tám giờ sáng. Từ khi gã lái đường xa, Amalia trở lại theo đạo sau ngần ấy năm, một phần do Doña Lupe thúc đẩy, bà cho chị mấy tấm ảnh thánh để treo tường và lôi chị đi dự lễ Chúa nhật. Nếu không bị lũ lụt và máy xe dừng hỏng, Ambrosio thường đến Tingo María lúc sáu giờ chiều; gã ngủ trên tấm nệm đặt dưới quầy văn phòng Vận chuyển Morales và hôm sau gã ra đi lúc tám giờ để về Pucallpa. Nhưng thời khóa biểu ấy ít khi giữ đúng, gã luôn luôn bị kẹt trên đường và có những chuyến đi mất cả ngày. Máy móc nó mệt, Amalia, nó cứ ngừng để lấy lại sức. Gã về đến nhà bụi đất phủ từ đầu tới ngón chân và mệt muốn chết. Gã ngã phịch lên giường, và trong khi chị làm bữa ăn tối cho gã, gã hút thuốc, kê một cánh tay làm gối, yên bình, mệt nhoài, kể cho chị về những mẹo chữa máy của gã, về các hành khách gã chở, và những tờ hóa đơn gã sẽ đưa cho Don Hilario. Và gã thích nhất, Amalia, là những vụ cá độ với Pantaleón. Nhờ những vụ cá cược ấy chuyến đi đỡ chán, mặc dù hành khách sợ đái ra quần. Pantaleón lái Người Hùng Xa Lộ, một chiếc xe đò của Công ty Vận chuyển Pucallpa, kình địch với Công ty Vận chuyển Morales. Họ khởi hành cùng lúc và họ đua, không chỉ để thắng mười đồng đặt cược, mà trên hết là chạy trước và đón khách đi từ làng này sang làng khác, di chuyển giữa các nông trại dọc đường.

“Mấy hành khách đó đâu có mua vé,” gã bảo Amalia, “họ đâu có là khách của Công ty Vận chuyển Morales mà là của Vận chuyển Ambrosio Pardo.”

“Nếu có ngày Don Hilario biết ra thì sao?” Amalia hỏi gã.

“Mấy ông sếp biết chuyện,” Pantaleón đã giải thích cho gã, Amalia. “Và họ làm ngơ vì họ trả đũa bằng cách trả lương chết đói cho mình. Đứa ăn cắp lấy của đứa ăn cắp thì chẳng chết ai, người anh em, mày biết hết mấy chuyện này.”

Ở Tingo María, Pantaleón kiếm được một bà góa không biết hắn có vợ và ba con ở Pucallpa, nhưng đôi khi hắn không đến nhà bà góa mà đi ăn với Ambrosio trong một quán rẻ tiền tên La Luz del Día, và đôi khi sau đó tới nhà thổ có mấy bộ xương tính giá ba đồng. Ambrosio đi với hắn vì tình bạn, gã sẽ không hiểu nổi tại sao Pantaleón thích mấy bà đó, gã sẽ không dính gì tới họ ngay cả nếu họ trả tiền cho gã. Thật sao, Ambrosio? Thật, Amalia: thấp bé, bụng mỡ, xấu xí. Vả lại, khi đến nơi gã mệt tới nỗi ngay cả nếu gã muốn lừa dối chị, thể xác của gã cũng sẽ chẳng đáp ứng, Amalia.

Mấy ngày đầu Amalia rất nghiêm chỉnh rình Quan tài Hài nhi. Không có gì thay đổi từ khi nhà quàn đổi chủ. Don Hilario chẳng bao giờ đến đó; nhân viên cũ lúc trước vẫn ở đó, thằng bé có bộ mặt bệnh hoạn cả ngày ngồi trên hiên ngớ ngẩn nhìn mấy con kên kên đang phơi nắng trên mái bệnh viện và nhà xác. Căn phòng duy nhất của nhà quàn chứa đầy quan tài, đa số nhỏ và màu trắng. Quan tài thô nhám, mộc mạc, chỉ thỉnh thoảng có một cái được bào và đánh bóng. Tuần đầu bán một quan tài. Một ông chân đất, không áo khoác nhưng đeo cà vạt đen và có bộ mặt đầy vẻ đau thương đi vào Quan tài Hài nhi và một lúc sau đi ra mang theo cái hộp nhỏ trên vai. Ông đi ngang Amalia và chị Làm dấu thánh giá. Tuần thứ nhì chẳng bán được gì; tuần thứ ba hai cái, một cho trẻ con và một cho người lớn. Có vẻ làm ăn không ra gì, Amalia. Ambrosio đã bắt đầu bồn chồn.

Sau mộc tháng Amalia trở nên lơ đãng với việc canh chừng. Chị sẽ không ở cả đời bên trong cửa căn cabin ôm Amalita Hortensia trên tay, nhất là vì rất hiếm khi có quan tài được mang đi. Chị làm bạn với Doña Lupe, họ thường tán gẫu hàng giờ, họ ăn trưa và ăn tối chung, thả bộ quanh công viên, dọc theo Calle Comercio, bên cạnh bên tàu. Vào những ngày thật nóng họ mặc áo ngủ xuống sông bơi rồi ăn đá bào ở quán kem Wong. Ambrosio nghỉ Chúa nhật: gã ngủ suốt buổi sáng và sau khi ăn trưa gã thường đi với Pantaleón vào sân vận động xem đá bóng trên đường đi Yarinacocha. Ban đêm họ thường đưa Amalita Hortensia cho Señora Lupe giữ rồi đi xi nê. Người trên đường đã biết họ và chào họ. Doña Lupe ra vào căn cabin như thể bà là chủ; một lần bà bắt gặp Ambrosio trần truồng, đang dội nước tắm trong sân sau, và Amalia chết vì cười. Họ cũng đến nhà Doña Lupe mỗi khi họ muốn, họ mượn đồ dùng của nhau. Khi ông chồng của Doña Lupe đến Pucallpa, ban đêm ông hay ra ngồi bên vệ đường với họ để hít thở không khí. Ông lớn tuổi, chỉ mở miệng nói về nông trại nhỏ của ông và món nợ của ông với Ngân hàng Ruộng đất.

“Em nghĩ bây giờ em hạnh phúc,” một hôm Amalia nói với Ambrosio. “Em đã quen với nơi này. Và anh hình như không cáu kỉnh như hồi đầu.”

“Em có thể thấy em đã quen với nó,” Ambrosio đáp. “Em đi chân đất khắp nơi với cây dù, em là gái rừng rồi. Ừ, anh cũng hạnh phúc.”

“Hạnh phúc vì em không nghĩ đến Lima nhiều lắm nữa,” Amalia nói. “Em gần như không còn mơ thấy bà chủ nữa, em gần như không bao giờ nghĩ đến cảnh sát.”

“Khi cô mới đến đây, tôi nghĩ làm sao cô ấy có thể sống với hắn ta,” một hôm Doña Lupe nói. “Bây giờ tôi có thể nói với cô là cô may mắn mới có anh ta. Tất cả đàn bà trong xóm sẽ muốn có anh ta làm chồng, dù anh ta đen đúa.”

Amalia cười: đúng vậy, gã đối xử rất tốt với chị, hơn hồi ở Lima nhiều, và thậm chí gã tỏ vẻ trìu mến với Amalita Hortensia. Tinh thần gã dạo này trở nên rất vui vẻ, và chị không lần nào cãi nhau với gã từ khi họ sống ở Pucallpa.

“Hạnh phúc, nhưng chỉ có hạn,” Ambrosio nói. “Thứ không êm xuôi là tiền, thưa cậu.”

Ambrosio đã nghĩ là nhờ số tiền phụ trội gã kiếm được mà Don Hilario không biết, họ sẽ đủ trang trải trong tháng. Nhưng không, trước tiên là chả có bao nhiêu hành khách, thứ nữa Don Hilario đưa ra ý là nên chia đôi chi phí sửa chữa giữa công ty và tài xế. Don Hilario điên rồi, Amalia, nếu gã chấp nhận chi hết sạch lương của gã. Họ cãi nhau và cuối cùng Ambrosio trả mười phần trăm tiền sửa chữa. Nhưng Don Hilario đã trừ mười lăm phần trăm trong tháng thứ nhì, và khi cái bánh xe dự phòng bị mất cắp, ông ta muốn Ambrosio trả tiền mua cái mới. Thật vô lý quá, Don Hilario, làm sao ông có thể nghĩ như vậy chứ. Don Hilario nhìn gã đăm đăm: anh đừng nên than phiền, có nhiều chuyện để nói về gã, chẳng phải gã đã lượm mấy đồng sau lưng ông ta sao? Ambrosio chẳng biết nói gì, nhưng Don Hilario bắt tay gã: lại là bạn. Họ bắt đầu trang trải hàng tháng bằng tiền vay và ứng trước mà Don Hilario miễn cưỡng đưa. Pantaleón thầy họ đang gặp khó khăn, đã khuyên họ ngưng thuê nhà và đến sống trong khu định cư rồi xây một căn cabin gần chỗ của tao.

“Không, Amalia,” Ambrosio nói. “Trong khi anh đi đường, anh không muốn em ở một mình với tụi ăn không ngồi rồi trong khu định cư. Vả lại, ở đó em không thể trông chừng Quan tài Hài nhi.”

Trước
image
Chương 26
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!