Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 4 – Chương 4
Trước
image
Chương 27
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

 

“Sự khôn ngoan của phụ nữ,” Carlitos nói. “Giá như Ana nghĩ tới thì sự việc đáng lẽ đã không thành ra tốt đến thế cho cô ấy. Nhưng cô ấy chẳng suy nghĩ, phụ nữ chẳng bao giờ tính trước mấy chuyện này. Họ để bản năng dẫn dắt họ và nó chẳng bao giờ làm họ thất vọng, Zavalita.” Phải chăng cảm giác băn khoăn vô hại, lúc có lúc không lại xuất hiện khi Ana dọn đi Ica, Zavalita, tình trạng bồn chồn dìu dịu làm mày ngạc nhiên trên xe buýt khi mày tính còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến Chúa nhật? Hắn đã phải đổi hẹn ăn trưa ở nhà cha mẹ sang thứ Bảy. Chúa nhật hắn sẽ ra đi rất sớm trên chiếc xe khách ghé ngang để đón hắn tại nhà trọ. Hắn sẽ ngủ suốt chuyến đi, hắn ở lại với Ana tới khi đêm xuống, rồi hắn trở về. Những chuyến đi hàng tuần ấy làm hắn khánh tận, hắn nghĩ, bây giờ Carlitos luôn luôn trả tiền bia ở Negro-Negro. Phải chăng là tình yêu, Zavalita?

“Cứ làm cheo ý riêng của anh, cứ làm theo ý riêng của anh,” Carlitos nói. “Cứ làm theo ý riêng của cả hai người, Zavalita.”

Cuối cùng hắn gặp cha mẹ của Ana. Cha cô là một ông Huancaya mập mạp, nói ríu rít, cả đời ông dạy sử và tiếng Tây Ban Nha ở các trường trung học công lập, còn mẹ cô là một phụ nữ lai vui tính, sốt sắng. Họ có một căn nhà gần sân lát đá vụn của Học khu, họ tiếp hắn với lòng hiếu khách ồn ào và cảm động. Ở đó diễn ra những buổi ăn trưa thừa mứa họ bắt mày phải ăn hôm Chúa nhật, những cái nhìn đau khổ giữa mày với Ana, tự hỏi khi nào các món ăn sẽ ngưng mang ra. Khi ăn xong, hắn và Ana tản bộ qua những đường phố thẳng và luôn luôn có nắng, đi xem xi nê để ôm nhau, giải khát trên quảng trường, về nhà tán gẫu và hôn những cái hôn vội trong phòng khách nhỏ đầy đồ gốm da đỏ. Đôi khi Ana đến ở cuối tuần với họ hàng, và họ có thể ân ái vài giờ trong một khách sạn nhỏ nào đó dưới phố.

“Tôi biết anh không hỏi ý kiến tôi,” Carlitos nói. “Đó là lý do tôi không nói.”

Lần đó là một trong những chuyến đi nhanh của Ana đến Lima, buổi chiều tàn bên cạnh lối vào Cine Roxy. Cô cắn môi, hắn nghĩ, mũi cô phập phồng, mắt cô sợ hãi, cô lắp bắp: em biết anh cẩn thận, cưng, em cũng luôn luôn cẩn thận, cưng, em không biết việc gì có thể đã xảy ra, cưng. Santiago nắm cánh tay cô, và thay vì xem xi nê, họ vào quán. Họ nói chuyện khá bình tĩnh, và Ana đã chấp nhận sự kiện là sẽ không thể sinh nó ra. Nhưng mắt cô dẫm lệ, cô nói nhiều về việc cô sợ cha mẹ, rồi buồn rầu và cay đắng nói lời tạm biệt.

“Tôi không hỏi anh vì tôi đã biết câu trả lời là gì,” Santiago nói. “Đừng cưới vợ.”

Trong hai ngày Carlitos đã biết tên của một bà, và Santiago đi gặp bà trong căn nhà gạch đổ nát ở Barrios Altos. Bà ta chắc nịch, bẩn thỉu và ngờ vực, bà ta cộc cằn đuổi hắn: anh lầm lắm, anh bạn trẻ, bà ta không gây tội ác. Một tuần bực tức chạy khắp nơi, miệng đắng và sợ hãi liên tục, những buổi nói chuyện sôi nổi với Carlitos và những buổi bình minh nằm thức ở nhà trọ: cô ấy là y tá, cô ấy biết đủ thứ bà mụ, bác sĩ, cô ấy không muốn, cô ấy đang giăng bẫy hắn. Cuối cùng Norwin tìm được một bác sĩ có ít bệnh nhân, và sau nhiều lần thoái thác quỷ quyệt, ông ta nhận. Ông ta đòi một ngàn rưỡi, và Santiago, Carlitos và Norwin mất ba ngày mới gom đủ. Hắn gọi điện thoại cho Ana: tất cả xong rồi, đã thu xếp, cô ấy nên đến Lima càng sớm càng tốt. Dùng giọng nói để cô ấy thấy mày đang đổ lỗi cho cô ấy, hắn nghĩ, và mày không tha thứ cho cô ấy.

“Ừ, phải như vậy, nhưng hoàn toàn vì ích kỷ,” Carlitos nói. “Chẳng phải vì anh mà vì tôi. Tôi sẽ không có ai kể những chuyện rắc rối của họ cho tôi nghe nữa, không có ai để cùng ngắm mặt trời mọc trong hầm rượu nữa. Cứ làm theo cách riêng của anh, Zavalita.”

Hôm thứ Năm có người từ Ica đến để lại lá thư của Ana ở nhà trọ tại Barranco: cưng có thể ngủ yên. Nỗi buồn nặng nề ngạt thở của những con chữ cỡ 9, hắn nghĩ, cô ấy đã thuyết phục được một bác sĩ và mọi việc đã xong, phim Mễ Tây Cơ, mọi việc rất đau rất buồn, bây giờ cô nằm liệt giường và đã phải bịa hàng ngàn điều nói láo để mama và papa không biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng ngay cả những lỗi chính tả cũng làm mày cảm động, Zavalita. Hắn nghĩ: điều làm cô ấy vui mừng trong nỗi buồn của cô ấy là cô đã cất đi được mối lo lớn khỏi lưng mày, anh yêu. Cô ấy đã khám phá ra mày không yêu cô ấy, rằng cô ấy chỉ là món đồ chơi cho mày, cô ấy không kham nổi ý nghĩ đó vì cô ấy yêu mày, cô ấy sẽ không gặp mày nữa, thời gian sẽ giúp cô quên mày. Thứ Sáu và thứ Bảy đó mày cảm thấy nhẹ nhõm nhưng không vui, Zavalita, và ban đêm sự buồn bực đến cùng với cảm giác hối hận yên bình. Không phải con sâu nhỏ, hắn nghĩ, không phải lưỡi dao. Hôm Chúa nhật, trong chiếc xe khách đi Ica, hắn đã không chợp mắt.

“Anh đã quyết định lúc anh nhận thư, đồ khổ dâm,” Carlitos nói.

Từ quảng trường hắn bước nhanh tới nỗi hụt hơi khi đến nơi. Mẹ cô mở cửa, mắt bà chớp chớp đầy xúc cảm: Anita ốm, đau bụng lắm, cô ấy làm họ sợ. Bà đưa hắn vào phòng khách, và hắn phải đợi một lúc đến khi mẹ cô quay lại bảo hắn lên lầu. Hắn có cảm giác choáng váng dịu dàng khi thấy cô trong bộ áo ngủ màu vàng, hắn nghĩ, xanh xao, đang chải đầu vội vã khi hắn vào. Cô buông cái lược, chiếc gương soi; cô bắt đầu khóc.

“Không phải lúc nhận thư, mà đúng lúc ấy,” Santiago nói. “Chúng tôi gọi mẹ cô ấy, chúng tôi nói với bà, và ba chúng tôi mừng buổi đính hôn bằng cà phê và bánh mứt.”

Họ sẽ làm đám cưới ở Ica, không khách khứa hay tiệc tùng, họ sẽ trở về Lima và sống trong nhà trọ cho đến khi tìm được một căn chung cư rẻ. Biết đâu Ana có thể tìm được việc trong bệnh viện, lương cả hai sẽ đủ nếu họ thắt lưng buộc bụng: thế đấy, Zavalita?

“Bọn tôi sẽ làm cho anh bữa tiệc chia tay độc thân đáng ghi vào lịch sử báo chí ở Lima,” Norwin nói.

° ° °

Cô đi trang điểm lại trong căn phòng nhỏ của Malvina, rồi cô xuống lầu, và khi đi ngang phòng khách nhỏ cô gặp Martha, giận dữ: bây giờ bất kỳ ai người ta cũng cho vào, chỗ này biến thành đống cứt. Bất kỳ ai có thể trả tiền đều được vào đây, Flora nói, cứ hỏi bà Ivonne là mày sẽ thấy, Martha. Queta thấy gã đi qua cửa tiến đến quầy rượu, thấy từ phía sau, như lần đầu, trên chiếc ghế đẩu, khoác bộ vét đậm, mái tóc quăn của gã bóng láng, khuỷu tay gã để trên quầy. Robertito đang mang bia cho gã. Gã là người đến đầu tiên mặc dù đã quá chín giờ, và bọn người đàn bà đang tán gẫu xung quanh máy hát đĩa, giả vờ không thấy gã. Cô tiến lại quầy, vẫn chưa biết gặp gã ở đó có làm cô khó chịu hay không.

“Ông này hỏi tìm cô,” Robertito nói với nụ cười châm biếm. “Tôi nói với ông ấy là có phép lạ ông ấy mới tìm thấy cô, Quetita,”

Robertito lướt đi như mèo tới đầu quầy bên kia, Queta quay nhìn gã. Không như than đá, không sự hãi, không như con chó: thay vào đó là nôn nóng. Miệng gã ngậm và nhóp nhép như đang nhai cái gì: vẻ mặt gã không khúm núm hay kính trọng hay ngay cả hòa nhã, chỉ mãnh liệt.

“Vậy là anh sống lại với đời,” Queta nói. “Tôi không nghĩ bọn tôi sẽ có bao giờ gặp lại anh ở dây.”

“Tôi có trong ví,” gã lẩm bẩm nhanh. “Mình đi lên chứ?”

“Trong ví?” Queta bắt đầu mỉm cười, nhưng gã vẫn rất nghiêm, quai hàm ngậm chặt của gã đập rộn ràng. “Anh bị cái gì thế?”

“Mấy tháng qua đã lên giá rồi sao?” gã hỏi, không mỉa mai nhưng với giọng bâng quơ, vẫn vội vàng. “Lên giá bao nhiêu?”

“Anh đang cáu,” Queta nói, ngạc nhiên vì gã và vì cô không bực mình với những thay đổi cô thấy ở gã. Gã đeo cà vạt đỏ, mặc sơ mi trắng, áo len đan; gò má và cằm gã sáng hơn hai bàn tay lặng lẽ trên quầy rượu. “Xử sự kiểu gì vậy? Từ dạo ấy đến nay anh bị cái gì vậy?”

“Tôi muốn biết cô có lên lầu với tôi không,” lúc này gã nói với giọng bình tĩnh chết người. Nhưng trong mắt gã vẫn có sự vội vã man dại. “Có thì mình lên, không thì tôi về.”

Điều gì đã thay đổi quá nhiều như thế trong một thời gian rất ngắn? Không phải vì gã gầy hơn hay béo hơn, không phải vì gã trở nên láo xược, Gã như tức giận, Queta nghĩ, nhưng không vì mình hay vì ai, mà với chính gã.

“Hay anh sợ?” cô nói, đùa bỡn. “Anh hết là gia nhân của Cayo Đầu Cứt, bây giờ anh có thể đến đây bất cứ lúc nào anh thích. Hay Bi Vàng cấm anh đi chơi đêm?”

Gã không nổi giận, gã không bực mình. Gã chớp mắt một cái và không nói gì trong vài phút, chậm rãi, trầm ngâm, tìm lời.

“Nếu tôi đến đây phí công thì tôi nên ra về là hơn,” cuối cùng gã nói, nhìn vào mắt cô mà không sợ hãi. “Cứ nói ngay cho tôi biết.”

“Mua cho tôi một ly.” Queta leo lên một chiếc ghế đẩu rồi dựa vào tường, bây giờ cô tức tối. “Tôi nghĩ tôi có thể gọi whiskey.”

“Cô có thể gọi bất cứ thứ thứ gì cô muốn, nhưng lên lầu,” gã nhẹ nhàng nói, rất nghiêm. “Mình lên, hay cô muốn tôi về?”

“Anh học thói xấu của Bi Vàng,” Queta khô khan nói.

“Cô muốn nói là không,” gã lẩm bẩm, đứng lên khỏi chiếc ghế đẩu. “Thế thì chào cô.”

Nhưng bàn tay của Queta giữ gã lại khi gã đã quay đi nửa vòng. Cô thấy gã ngừng lại, quay người nhìn cô lặng lẽ với cặp mắt thúc giục. Tại sao? cô nghĩ, ngạc nhiên và tức giận, phải chăng vì tò mò, phải chăng vì…? Gã đợi như pho tượng. Năm trăm, cộng sáu chục tiền phòng cho một lần, cô nghe và không nhận ra giọng của chính mình, phải chăng vì…? gã có hiểu không? Và gã hơi gật đầu: gã hiểu. Cô bảo gã đưa tiền phòng, bảo gã đi lên và đợi cô ở phòng số mười hai, và khi gã khuất trên thang lầu, Robertito leng keng chiếc chìa khóa nhỏ trên mặt quầy, nụ cười ác hiểm, buồn vui lẫn lộn trên khuôn mặt láng của hắn. Queta ném tiền vào tay hắn.

“Ôi chao, ôi chao, Quetita, tôi không tin nổi mắt mình,” hắn ta chậm rãi nói, với niềm vui thấm thía, nheo mắt. “Vậy là cô chăm lo cho chàng đen.”

“Đưa tôi chìa khóa,” Queta nói. “Và đừng nói với tôi, đồ lại cái, anh biết tôi không nghe thấy anh.”

“Từ dạo cô nhập vào gia đình Bermúdez cô sấn sổ quá,” Robertito vừa nói vừa cười. “Cô không đến đây thường, và mỗi khi đến cô đối xử với chúng tôi như con chó, Quetita.”

Cô giật chiếc chìa khóa. Ở giữa cầu thang cô gặp Malvina đang cười rũ rượi đi xuống: thằng đen năm ngoái kìa, Queta. Cô ta chỉ lên lầu, và mắt cô bỗng sáng lên, ái dà, gã đến vì mày, và cô vỗ tay. Nhưng chuyện gì vậy, Quetita.

“Thằng cứt Robertito,” Queta nói. “Tao hết chịu nổi tính xấc láo của nó nữa rồi.”

“Chắc nó ghen, đừng chú ý tới nó.” Malvina cười. “Bây giờ mọi người đều ghen với mày, Quetita. Càng tốt cho mày, đồ vớ vẩn.”

Gã đang đợi bên cạnh cửa phòng số mười hai. Queta mở cửa, gã đi vào và ngồi xuống một góc giường. Cô khóa cửa, đi tới giá rửa tay, kéo màn, bật đèn rồi thò đầu vào phòng. Cô thấy gã, lặng lẽ, nghiêm nghị dưới bóng đèn có cái chụp phồng, đen đủi trên tấm trải giường màu hồng.

“Anh đợi tôi cởi quần áo cho anh hả?” cô cáu kỉnh hỏi. “Đến đây để tôi rửa ráy cho anh.”

Cô thấy gã đứng lên rồi đi tới, mắt gã không rời cô, cái nhìn của gã đã mất nét tự tin và vội vàng mà mang vẻ ngoan ngoãn của lần đầu. Khi gã đến trước cô, gã xỏ tay vào túi bằng một cử dộng nhanh và hầu như hấp tấp, như thể gã nhớ ra điều gì quan trọng. Gã đưa nắm bạc cho cô, đưa bàn tay từ tốn và hơi ngượng ngùng, trả trước cho cô phải không? như thể gã đưa cô lá thư mang tin xấu: đây, cô cứ đếm.

“Anh thấy chưa, tính bốc đồng này tốn của anh khối tiền,” Queta nói, nhún vai. “Ôi dào, chuyện của anh, anh biết. Cởi quần ra, để tôi rửa ráy cho anh.”

Gã dường như hơi lưỡng lự. Gã đi đến cái ghế một cách thận trọng làm lộ sự bối rối của gã, và Queta từ chỗ giá rửa ráy thấy gã ngồi xuống, cởi giày, áo ngoài, áo len, quần, rồi gấp tất cả lại cực kỳ chậm rãi. Gã tháo cà vạt. Gã tiến đến cô, đi từng bước thận trọng như trước, cặp chân dài căng thẳng của gã cử động nhịp nhàng dưới áo sơ mi trắng. Khi đến bên cạnh cô, gã cởi quần đùi, và sau khi cầm quần trong tay một tích tắc, gã ném nó lên ghế, hụt. Trong khi cô nắm chặt dương vật của gã, xoa xà phòng và rửa ráy nó, gã không thử sờ cô. Cô cảm thấy gã cứng đơ bên cạnh cô, hông gã cọ xát lên cô, thở sâu và đều. Cô đưa gã giấy vệ sinh để tự lau khô, và gã lau một cách kỹ càng, như thể gã muốn lần lữa.

“Bây giờ đến lượt tôi,” Queta nói. “Ra đợi tôi.”

Gã gật đầu, cô thấy vẻ trầm tĩnh kín đáo trong mắt gã, một nét ngượng ngùng thoáng qua. Cô kéo màn, và trong khi đổ nước nóng vào chậu cô nghe thấy tiếng chân của gã sải bước đều đặn trên sàn gỗ, và tiếng giường kẽo kẹt khi gã ngồi lên nó. Thằng cứt đã lây nỗi buồn của nó cho mình, cô nghĩ. Cô rửa ráy, lau khô, đi vào phòng, và khi đi ngang giường cô thấy gã nằm ngửa, cánh tay gã gác lên mắt, vẫn mặc áo sơ mi, nửa người gã trần truồng dưới vòng sáng hình nón, cô liên tưởng đến phòng giải phẫu, một thân hình đang đợi lưỡi dao mổ. Cô cởi váy và áo ngoài, rồi để nguyên giày lên giường; gã vẫn bất động. Cô nhìn bụng gã: bên dưới đám lông rối, màu đen chỉ hơi nổi lên trên làn da, bóng loáng vì nước rửa ban nãy, và dương vật nhỏ nằm xìu giữa hai chân gã. Cô đi tắt các ngọn đèn. Cô quay lại nằm bên cạnh gã.

“Vội vàng lên lầu để nộp cho tôi cái anh không có,” cô nói khi thấy gã không làm một cử dộng nào. “Thế này thôi sao?”

“Cô đối xứ không đúng với tôi,” giọng gã nói, nặng nề và hèn nhát. “Thậm chí cô không giả vờ. Tôi đâu phải là thú vật. Tôi có tự ái của tôi.”

“Cởi áo anh ra và dừng dấm dớ nữa,” Queta nói. “Anh nghĩ anh làm tôi tởm à? Với anh hay với Hoàng đế La Mã, tôi đều xem như nhau, đồ đen.”

Cô cảm thấy gã ngồi dậy, cảm thấy cử động ngoan ngoãn của gã trong bóng tối, nhìn thấy trong không trung mảnh áo sơ mi trắng gã ném lên ghế, lộ ra trong những vệt sáng lọt qua cửa sổ. Tấm thân trần truồng lại rơi xuống bên cạnh cô. Cô nghe tiếng thở của gã khích động hơn, ngửi thấy nỗi thèm khát của gã, cảm thấy gã đang sờ cô. Cô nằm ngửa, mở vòng tay, và khoảnh khác sau đón nhận da thịt đè nghiến, đẫm mồ hôi của gã trên thân thể cô. Gã háo hức thở bên tai cô, bàn tay ẩm ướt của gã lướt trên da cô, và cô cảm thấy dương vật của gã nhẹ nhàng xâm nhập cô. Gã cố cởi nịt vú của cô, và cô giúp gã bằng cách lăn nghiêng qua, Cô cảm thấy cái miệng ướt của gã trên cổ và vai mình, nghe gã thở hổn hển và chuyển động; cô kẹp hai chân quanh người gã và xoa lưng gã, đôi mông đẫm mồ hôi của gã. Cô để gã hôn miệng nhưng cô cắn hàm răng lại. Cô nghe gã lên đến tột đỉnh với những tiếng rên ngắn, hổn hển. Cô đẩy gã ra, và cảm thấy gã lăn qua như một xác chết. Cô xỏ giày trong bóng tối, đi đến chậu rửa, rồi khi trở lại phòng bật đèn, cô thấy gã lại nằm ngửa, cánh tay gã gác lên mặt.

“Tôi đã mơ chuyện này khá lâu,” cô nghe gã nói khi cô đeo nịt vú.

“Bây giờ anh tiếc năm trăm đồng của anh,” Queta nói.

“Cô nói gì, tiếc?” Cô nghe gã cười, vẫn giấu cặp mắt. “Chưa bao giờ tiêu đồng tiền đáng như vậy.”

Trong khi cô mặc váy, cô lại nghe gã cười, và vẻ thật thà trong tiếng cười của gã làm cô ngạc nhiên.

“Tôi có đối xử tệ với anh thật không?” Queta hỏi. “Đâu phải vì anh mà vì Robertito. Hắn luôn luôn làm tôi cáu.”

“Tôi hút thuốc như thế này có được không?” gã hỏi. “Hay là bây giờ tôi phải về?”

“Anh muốn hút ba điếu cũng được,” Queta nói. “Nhưng trước tiên hãy đi rửa ráy đã.”

° ° °

Một buổi tiễn đưa sẽ đi vào lịch sử: bắt đầu lúc giữa trưa ở Rinconcito Cajamarquino với món ăn trưa bản xứ, tham dự chỉ có Carlitos, Norwin, Solórzano, Periquito, Milton và Darío; đến chiều họ lôi hắn tới rất nhiều quán rượu, và lúc bảy giờ có tiệc rượu với nhóm bướm đêm và ký giả của các báo khác trong căn chung cư của China (cô và Carlitos đã làm hòa lại, trong một thời gian); Carlitos, Norwin và Santiago, chỉ ba người, sẽ kết thúc ngày hôm ấy ở nhà thổ. Nhưng chiều hôm trước ngày định làm tiệc tiễn đưa, lúc đêm xuống, khi Carlitos và Santiago trở về văn phòng sau khi ăn ở căng tin của La Crónica, họ thấy Becerrita đổ gục trên bàn làm việc, bật lên một tiếng chửi tuyệt vọng. Tấm thân nhỏ mập mạp to ngang của ông đổ xuống, các biên tập viên chạy đến. Họ vực ông dậy: mặt ông nhăn nhó trong nỗi bực dọc vô tận và da ông tím ngắt. Họ bôi rượu cồn lên người ông, nới lỏng cà vạt của ông, quạt cho ông. Ông nằm, hai lá phổi bị sung huyết, thiếu sinh khí và thở ra khò khè từng chập. Arispe và hai người viết khác thuộc trang tin cảnh sát đưa ông đến bệnh viện trên chiếc xe tải nhỏ; hai giờ sau họ gọi để báo là ông đã chết vì đột quỵ. Arispe viết lời cáo phó đóng khung đen: Chết trong lúc làm việc, hắn nghĩ. Các ký giả cột tin hình sự viết phác thảo tiểu sử và lời phân ưu: tinh thần năng động của ông, đóng góp của ông cho sự phát triển của ngành báo chí Peru, một người tiên phong trong việc viết tin hình sự và tin thời sự, một phần tư thế kỷ trong các chiến hào nghề báo.

Thay vì tiệc của bọn độc thân, mày có một đêm bên cạnh người chết, hắn nghĩ. Tối hôm sau họ đến nhà Becerrita trên một hẻm sâu trong Barrios Altos, ngồi thức với ông. Một đêm bi hài, Zavalita, trò hề rẻ tiền. Các ký giả trang hình sự buồn rầu, và có nhiều bà thở dài bên cạnh quan tài trong căn phòng khách nhỏ ấy, bàn ghế thảm thương và mấy tấm ảnh chụp cũ hình bầu dục tối lại vì dải ruy băng đen. Khoảng sau nửa đêm một bà mặc áo tang và một thằng bé đi vào như gáo nước lạnh, giữa những tiếng thì thầm lo lắng: quỷ thần ơi, bà vợ khác của Becerrita; quỷ thần ơi, thằng con nữa của Becerrita. Tiếng cãi nhau bắt đầu, những lời lăng mạ trộn lẫn với tiếng khóc lóc giữa gia đình chủ nhà và những người mới đến. Những kẻ hiện diện phải can thiệp, điều đình, trấn tĩnh các gia đình kình địch. Hai người đàn bà dường như ngang tuổi, hắn nghĩ, họ có cùng khuôn mặt, và thằng bé giống y mấy đứa con trai trong nhà. Cả hai gia đình vẫn đứng canh dối diện hai bên quan tài, nhìn nhau căm ghét qua xác chết. Suốt đêm mấy ông ký giả tóc dài từ thời xa xưa lang thang qua nhà, những nhân vật lạ lùng mặc bộ áo sờn chỉ và quấn khăn choàng, rồi hôm sau, vào lúc chôn cất là một tập hợp quái dị gồm những thân quyến thê lương và bọn côn đồ cùng các khuôn mặt sống về đêm, cảnh sát và mật thám mặc thường phục cùng các cô điếm già về hưu với cặp mắt than khóc nhòe nhoẹt. Arispe dọc diễn văn, rồi một nhân viên trong Ban diều tra, và khi ấy họ khám phá ra rằng Becerrita làm việc cho cảnh sát đã hai mươi năm. Khi họ rời nghĩa trang, ngáp và đau nhức xương cốt, Carlitos, Norwin và Santiago ăn trong phòng ăn trưa ở Santo Cristo, gần Học viện Cảnh sát, gọi món bánh ngô nhồi thịt hấp, ủ rũ vì bóng ma của Becerrita cứ trở đi trở lại trong lúc nói chuyện.

“Arispe hứa với tôi là ông ấy sẽ không đăng gì, nhưng tôi không tin ông ta,” Santiago nói. “Anh lo việc đó, Carlitos. Đừng để thằng thích đùa nào giở trò.”

“Ở nhà không sớm thì muộn cũng sẽ biết anh cưới vợ,” Carlitos nói. “Nhưng được rồi, tôi sẽ lo vụ đó.”

“Tôi thà để họ biết từ tôi, hơn là qua báo,” Santiago nói. “Tôi sẽ nói với ông bà già sau khi tôi từ Ica về. Tôi không muốn rắc rối gì trước tuần trăng mật.”

Tối hôm ấy, buổi tối trước đám cưới của hắn, Santiago và Carlitos đã nói chuyện một lúc trong Negro-Negro sau giờ làm việc. Họ đùa cợt, họ nhớ những lần họ đã đến nơi này, cùng vào giờ này, ở cùng cái bàn này, và anh ta hơi tiu nghỉu, Zavalita, như thể mày sẽ đi biệt không về. Hắn nghĩ: tối hôm ấy anh ta không say, không hít ma túy. Ở nhà trọ mày ngồi yên hàng giờ hút thuốc cho đến bình minh, Zavalita, nhớ khuôn mặt sửng sốt của Señora Lucía khi mày báo tin cho bà, cố hình dung cuộc sống sẽ ra sao trong căn phòng nhỏ với một người nữa, liệu cuộc sống ấy có không quá cẩu thả và ngạt thở, gia đình mày sẽ phản ứng thế nào. Khi mặt trời lên, hắn cẩn thận thu xếp túi xách của hắn. Hắn trầm ngâm nhìn căn phòng nhỏ, cái giường, kệ sách nhỏ. Xe khách ghé đón hắn lúc tám giờ. Señora Lucía trong bộ áo choàng tắm đi ra tiễn hắn, vẫn còn sững sờ vì ngạc nhiên, ừ, bà thề với hắn bà sẽ không nói gì với papa hắn, và bà đã ôm hắn mà hôn lên trán hắn. Hắn đến Ica lúc mười một giờ sáng, và trước khi đến nhà Ana, hắn gọi Khách sạn Huacachina để nhắc lại mình đã giữ phòng từ trước. Bộ áo sậm màu hắn lấy từ hiệu giặt hôm trước đã nhăn nhúm trong va li, và mẹ của Ana ủi lại cho hắn. Một cách miễn cưỡng, cha mẹ Ana đã làm điều hắn yêu cầu: không khách khứa. Hắn nghĩ Ana đã căn dặn trước với cha mẹ là chỉ với điều kiện đó mày mới đồng ý làm đám cưới trong nhà thờ. Lúc bốn giờ họ đi đến Tòa Thị chính, rồi đến nhà thờ, rồi một tiếng sau họ đi ăn ở Khách sạn Du khách. Bà mẹ thì thầm với Ana, người cha uống rượu và nối các câu chuyện lại với nhau, trong tâm trạng rất buồn. Và Ana kìa, Zavalita: bộ áo đầm trắng của cô, khuôn mặt hạnh phúc của cô. Khi họ sắp lên tắc xi để đưa họ đến Huacachina, mẹ cô bật khóc. Ba ngày trăng mật bên vịnh nước xanh hôi hám, Zavalita. Những lần đi bộ qua đồi cát, hắn nghĩ, những buổi nói chuyện vớ vẩn với các cặp vợ chồng mới cưới khác, những giấc ngủ trưa kéo dài, những ván bóng bàn Ana luôn luôn thắng.

° ° °

“Tôi đếm từng ngày cho đủ sáu tháng,” Ambrosio nói. “Thế rồi, sau đúng sáu tháng, tôi ghé đến ông ấy rất sớm.”

Một hôm, bên dòng sông, Amalia nhận ra chị đã quen với Pucallpa hơn chị nghĩ. Họ đi bơi với Doña Lupe, và trong khi Amalita Hortensia ngủ dưới chiếc dù cắm trong cát, hai người đàn ông đi đến. Một người là cháu của chồng Doña Lupe, người kia là anh đi chào hàng mới đến Huánuco ngày hôm trước. Tên anh ta là Leoncio Paniagua, anh ta ngồi xuống bên cạnh Amalia. Anh ta kể với chị rằng anh ta đã đi cùng khắp Peru vì công việc, và kể cho chị sự giống nhau và khác biệt giữa Huancayo, Cerro de Pasco, Ayacucho. Hắn đang định làm le với mình về những chuyến du hành của hắn, Amalia nghĩ, cười thầm. Chị để anh ta ra vẻ nhà du lịch thế giới một hồi lâu, rồi cuối cùng chị báo anh ta: tôi từ Lima đến. Từ Lima đến? Leoncio Paniagua không tin: vì chị nói chuyện như người ở đây, chị có giọng ê a, lại còn cách nói và đủ thứ.

“Anh chưa mất trí chứ?” Don Hilario ngạc nhiên nhìn gã. “Chuyện làm ăn tiến triển tốt, nhưng nói một cách thuận lý, cho tới nay toàn là lỗ vốn. Anh nghĩ sau sáu tháng vẫn còn tiền lời á?”

Về đến nhà Amalia hỏi Doña Lupe điều Leoncio Paniagua nói với chị có đúng không: đúng, dĩ nhiên là đúng, chị nói năng cứ như thiếu nữ rừng xanh, cô nên hãnh diện. Amalia nghĩ những người chị biết ở Lima sẽ ngạc nhiên biết mấy nếu họ có thể nghe chị nói: bà dì của chị, Señora Rosario, Carlota và Símula. Nhưng chị đâu có thấy bất kỳ thay đổi nào trong cách chị nói, Doña Lupe, và Doña Lupe mỉm cười tinh quái: anh chàng xứ Huánuco đang tán tỉnh cô đó, Amalia. Ừ, Doña Lupe, và tưởng tượng thử coi, thậm chí anh ta đã mời chị đi xi nê, nhưng tất nhiên Amalia không nhận lời. Thay vì ngứa tai gai mắt, Doña Lupe mắng chị: ô hay, đồ vớ vẩn. Lẽ ra cô nên nhận lời. Amalia còn trẻ, chị có quyền vui chơi, bộ chị không nghĩ là Ambrosio đã tha hồ làm gì tùy ý trong những đêm gã ở Tingo María sao? Amalia lẽ ra phải là người ngứa tai gai mắt.

“Ông ta cầm giấy tờ duyệt qua sổ sách kế toán với anh,” Ambrosio nói. “Ông ta làm anh chóng mặt với mấy con số đó.”

“Thuế, lệ phí, tiền hoa hồng cho tụi luật sư bất lương thảo giấy chuyển nhượng.” Don Hilario cứ lục lọi các hóa đơn rồi đưa cho anh, Amalia. “Tất cả rõ rành rành. Anh hài lòng chứ?”

“Không hẳn, Don Hilario,” Ambrosio nói. “Tôi khá túng bấn và cứ hy vọng có được chút gì, thưa ông.”

“Và đây là tiền trả cho thằng khờ,” Don Hilario kết luận. “Tôi không lấy tiền công quản lý việc làm ăn nhưng anh đâu có muốn tự tôi đứng bán quan tài, phải không? Và tôi cho rằng anh sẽ không nói tôi đã trả cho nó nhiều quá. Một trăm mỗi tháng là rẻ mạt, ngay cả trả cho thằng khờ.”

“Vậy thì việc làm ăn không khá như ông nghĩ, thưa ông,” Ambrosio nói.

“Nó đang khá hơn.” Don Hilario lúc lắc cái đầu như nói cố lên nào, cố hiểu. “Lúc mới đầu toàn lỗ lã. Rồi bắt đầu khá dần và tiền bắt đầu thu vào.”

Không lâu sau, một đêm Ambrosio vừa từ Tingo María trở về và đang rửa mặt trong phòng phía sau nơi họ để chậu rửa trên con ngựa gỗ, Amalia thấy Leoncio Paniagua xuất hiện ở góc cabin, tóc chải gọn gàng và đeo cà vạt: anh ta đến tận đây. Chị suýt làm rơi Amalita Hortensia. Bối rối, chị chạy ra vườn và lom khom giữa hàng cây, bế đứa bé sát vào ngực. Anh ta sắp đi vào, anh ta sẽ đụng mặt Ambrosio. Ambrosio sẽ giết anh ta. Nhưng chị không nghe gì đáng ngại: chỉ có tiếng Ambrosio huýt sáo, tiếng vỗ nước, tiếng dế gáy trong bóng đêm. Cuối cùng chị nghe Ambrosio hỏi bữa ăn tối của gã. Chị vào nhà run rẩy nấu nướng, và thậm chí một hồi lâu sau mọi thứ vẫn cứ rơi khỏi tay chị.

“Và sáu tháng sau, đúng một năm, tôi ghé ông ta rất sớm,” Ambrosio nói. “Don Hilario? Ông đừng nói với tôi là vẫn chưa có lời lãi gì?”

“Làm sao có lời được, buôn bán bết bát,” Don Hilario nói. “Tôi muốn nói cho anh biết đúng y như vậy.”

Hôm sau, Amalia rất giận đi đến nhà Doña Lupe để bảo bà: thử tưởng tượng coi, trơ tráo làm sao, thử tưởng tượng coi chuyện gì xảy ra nếu Ambrosio… Doña Lupe che miệng chị, bảo chị là tôi biết hết. Anh chàng xứ Huánuco đã đến nhà bà thổ lộ tâm tình với bà, Señora Lupe: từ khi tôi gặp Amalia, tôi thành một người khác, bạn của bà không giống bất kỳ ai trên thế gian. Anh ta đâu có định đi vào nhà cô, Amalia, anh ta đâu có ngu như vậy, anh ta chỉ muốn thấy cô từ xa. Cô vừa mới chinh phục được một người, Amalia, cô vừa mới làm cho anh chàng xứ Huánuco điên vì cô, Amalia. Chị cảm thấy rất lạ: vẫn tức giận, nhưng bây giờ cũng hãnh diện. Chiều hôm ấy chị ra bãi sông nhỏ suy nghĩ nếu anh ta nói năng một chút xíu gì với mình thì mình sẽ chửi anh ta. Nhưng Leoncio Paniagua không nói bóng gió xa gần một chút xíu nào với chị; rất đứng đắn, anh ta dọn cát cho chị ngồi, anh ta mời chị ăn một cây kem, và khi chị nhìn vào mắt anh ta, anh ta cúi mắt, rụt rè và thở dài.

“Ừ, như anh đã nghe, tôi đã nghiên cứu rất kỹ,” Don Hilario nói. “Tiền chỉ nằm đó đợi mình nhặt. Chỉ cần bơm một chút tiền vốn vào.”

Leoncio Paniagua đến Pucallpa mỗi tháng, chỉ ở vài ngày, và Amalia dần dần thích cách anh ta cư xử với chị, tính rụt rè kinh khủng của anh ta. Chị dần dần quen thấy anh ta ở bãi sông bốn tuần một lần, mặc sơ mi cài cổ, đi đôi giày nặng trịch, trịnh trọng và mồ hôi nhễ nhại, lau khuôn mặt ướt bằng chiếc khăn tay màu. Anh ta không bao giờ bơi, anh ta ngồi giữa Doña Lupe và chị, họ tán gẫu, và khi họ xuống nước, anh ta chăm sóc Amalita Hortensia. Chẳng việc gì xảy ra, anh ta chẳng bao giờ nói gì vơi chị; anh ta toàn nhìn chị, thở dài, và việc cả gan nhất anh ta dám làm là nói thật tiếc ngày mai tôi phải rời Pucallpa, hoặc cả tháng nay tôi cứ nghĩ đến Pucallpa, hoặc chẳng hiểu sao tôi thích đến Pucallpa quá. Anh ta rụt rè khủng khiếp, phải không, Doña Lupe? Và Doña Lupe: không, thật ra anh ta là kẻ mơ mộng.

“Chuyện làm ăn lớn mà ông ấy nghĩ đến là mua một nhà quàn nữa, Amalia,” Ambrosio nói. “Nhà Kiểu mẫu.”

“Cái có tiếng nhất, nó sẽ lấy hết khách hàng của mình,” Don Hilario nói. “Đừng nói năng gì nữa. Lấy món tiền anh có ở Lima rồi mình sẽ độc quyền, Ambrosio.”

Sau vài tháng và để làm vui lòng Doña Lupe hơn là anh ta, chị đi xa nhất là đến một nhà hàng Tàu rồi đi xi nê với Leoncio Paniagua. Họ đi lúc trời tối, qua các con đường vắng, tới quán ăn ít người nhất, và vào rạp sau khi phim đã bắt đầu và ra trước khi phim chấm dứt. Leoncio Paniagua ý tứ hơn bao giờ hết, chẳng những anh ta không định lợi dụng lúc một mình với chị, mà anh ta gần như không nói tiếng nào suốt cả buổi tối. Anh ta nói vì anh ta quá cảm động, Amalia, anh ta nói anh ta thụt lưỡi vì anh ta quá sung sướng. Nhưng có thật là anh ta thích chị đến thế không, Doña Lupe? Thật, Amalia: những đêm anh ta ở Pucallpa, anh ta hay ghé qua cabin của Doña Lupe rồi nói chuyện hàng giờ không dứt về cô và thậm chí còn khóc. Nhưng tại sao anh ta không bao giờ nói gì với chị, Doña Lupe? Vì anh ta là kẻ mơ mộng, Amalia.

“Tôi gần như không đủ ăn mà ông lại còn hỏi thêm mười lăm ngàn nữa.” Don Hilario đã tin điều bịa đặt anh nói với ông ta, Amalia. “Dù có điên tôi cũng không dính tới một vụ làm ăn nhà quàn khác nữa, không, thưa ông.”

“Đâu phải nhà quàn khác, cũng cái cũ, nhưng lớn hơn, và cơ hội chỉnh trang lại nó toàn bộ,” Don Hilario khăng khăng. “Cứ nghĩ lại cho kỹ rồi anh sẽ thấy tôi nói đúng.”

Và một lần, hai tháng trôi qua mà anh chàng xứ Huánuco không xuất hiện ở Pucallpa. Amalia hầu như đã quên anh ta, một buổi chiều chị thấy anh ta ngồi trên băng ghế bên sông, áo ngoài và cà vạt gấp cẩn thận trên một tờ báo và một món đồ chơi cho Amalita Hortensia trong tay. Anh ta đang làm gì thế? Và anh ta run rẩy như bị sốt rét: anh ta sẽ không trở lại Pucallpa nữa, chị có thể nói chuyện riêng với anh ta một lát dược không? Doña Lupe đã tránh đi chỗ khác với Amalita Hortensia, và họ nói chuyện gần hai tiếng. Anh ta không còn làm người đi chào hàng nữa, anh ta đã thừa hưởng một cửa hiệu nhỏ của ông chú, và đó là điều anh ta đến để nói với chị. Chị thấy anh ta có vẻ sợ hãi, nói quanh co lắm và lắp bắp lắm, yêu cầu chị đi với anh ta, cưới anh ta, chị thậm chí cảm thấy hơi áy náy khi nói với anh ta là anh ta điên, Doña Lupe. Bây giờ cô thấy anh ta thật lòng thương cô và không chỉ lăng nhăng qua đường, Amalia. Leoncio Paniagua không khư khư, anh ta im lặng, như thằng ngốc, và khi Amalia khuyên anh quên chị đi và tìm một người đàn bà khác ở Huánuco, anh ta lắc đầu buồn bã và thì thầm không bao giờ. Chàng ngốc thậm chí làm chị cảm thấy bực mình, Doña Lupe. Chiều hôm ấy chị thấy ta lần cuối, lảo đảo băng qua công viên trên đường đến khách sạn nhỏ anh ta trọ giống như đứa say rượu.

“Và khi chúng tôi kẹt tiền nhất, Amalia biết cô ấy có thai,” Ambrosio nói. “Họa vô đơn chí, thưa cậu.”

Nhưng tin ấy làm gã sung sướng: Amalia Hortensia có bạn chơi, một đứa con trai của rừng rú. Tối hôm ấy Pantaleón và Doña Lupe đến căn cabin và họ uống bia đến quá nửa đêm: Amalia có thai, họ nghĩ sao. Họ đã trải qua một thời gian khá hạnh phúc, Amalia bị buồn nôn và làm những chuyện điên rồ: chị khiêu vũ một mình, ca hát, nói bậy. Hôm sau chị thức giấc, yếu ớt và nôn mửa, và Ambrosio làm chị cảm thấy xấu hổ: đứa bé sẽ ra đời làm đứa say rượu sau khi em tắm cho nó một trận tối hôm qua, Amalia.

“Nếu bác sĩ đã nói cô ấy có thể chết thì tôi đã cho cô ấy phá thai,” Ambrosio nói. “Ở đó dễ mà, có cả đống bà già biết đủ thứ lá để phá thai. Nhưng không, cô ấy cảm thấy khỏe và đó là lý do chúng tôi chẳng lo lắng gì.”

Một hôm thứ Bảy, hồi chị có thai tháng đầu, Amalia đi với Doña Lupe đến Yarinacocha chơi một ngày. Suốt buổi sáng họ ngồi dưới mái che nhìn ra vịnh chỗ thiên hạ đang bơi, con mắt mặt trời tròn đang cháy trên bầu trời trong như pha lê. Buổi trưa họ mở tay nải ra ăn dưới một ngọn cây, và khi ấy họ nghe hai bà đang uống nước ngọt nói xấu về Hilario Morales: hắn thế này, hắn thế nọ, hắn gian dối, hắn ăn cắp, nếu trời có mắt thì đáng lẽ hắn đã chết hay vào tù. Chắc chỉ là tin đồn, Doña Lupe nói, nhưng tối hôm ấy Amalia kể cho Ambrosio.

“Anh đã nghe những chuyện về ông ta còn tệ hơn, và không chỉ ở đây, mà cả ở Tingo María nữa,” Ambrosio nói với chị. “Điều anh không hiểu nổi là tại sao ông ta không giở mánh khóe của ông ta ra để cơ sở làm ăn của mình bắt đầu có lời.”

“Vì ông ta chắc chắn đang giở mánh ra với anh, đồ khờ,” Amalia nói.

“Cô ấy làm tôi nghi ngờ,” Ambrosio nói. “Cô nàng tội nghiệp có cái mũi của con chó săn, thưa cậu.”

Từ đó về sau, mỗi đêm khi gã từ Pucallpa trở về, ngay cả trước khi phủi bụi đường đỏ quạch, gã nôn nóng hỏi Amalia: bao nhiêu cái lớn, bao nhiêu cái nhỏ? Gã chép hết mọi thứ đã bán vào một cuốn sổ, và mỗi ngày gã trở về mang theo những chuyện lừa đảo mới mà gã đã nghe về Don Hilario và Tingo María và Pucallpa.

“Nếu mày nghi ngờ ông ta dữ như vậy, tao có ý kiến,” Pantaleón nói với gã. “Bảo ông ta trả lại tiền của mày rồi mình sẽ cùng làm cái gì đó.”

Sau thứ Bảy đó ở Yarinacocha, chị canh chừng cực kỳ cẩn thận các khách hàng của Quan tài Hài nhi. Lần có thai này hoàn toàn không giống lần trước chút nào, thậm chí cũng chẳng giống lần đầu tiên, Doña Lupe: không buồn nôn, không ói mửa, ngay cả không khát nước, gần như vậy Chị không mất sức, chị có thể làm việc nhà khỏe như trước. Một buổi sáng chị đến bệnh viện với Ambrosio và phải đứng xếp hàng dài. Họ giết thời giờ bằng trò chơi đoán có bao nhiêu kên kên họ thấy đang sưởi nắng trên các mái nhà lân cận, và khi đến lượt họ, Amalia hầu như đã thiếp ngủ. Bác sĩ khám chị rất nhanh rồi nói mặc quần áo vào, thai tốt, hai tháng sau trở lại. Amalia đã mặc xong quần áo và chỉ khi sắp ra về chị mới nhớ:

“Thưa bác sĩ, Bệnh viện Phụ sản ở Lima họ nói với tôi là tôi có thể chết nếu tôi lại có em bé.”

“Vậy thì chị lẽ ra nên chú ý và ngừa trước,” bác sĩ càu nhàu; nhưng khi ông ta thấy chị hoảng sợ, ông cười gượng. “Đừng sợ, tự săn sóc mình cho kỹ thì sẽ chẳng xảy ra gì cả.”

Một thời gian ngắn sau, lại sáu tháng nữa trôi qua, trước khi đến văn phòng của Don Hilario, Ambrosio đã gọi chị lại với cặp mắt quỷ quái: đến đây, anh có bí mật này. Cái gì vậy? Gã sắp nói với ông ta là gã không muốn chung vốn làm ăn với ông ta hay làm tài xe cho ông ta nữa, Amalia, ông ta cứ giữ lấy Tia Chớp Rùng Xanh và Quan tài Hài nhi tùy ý ông ta. Amalia nhìn gã ngạc nhiên và gã: anh đã giấu chuyện này để cho em ngạc nhiên, Amalia. Gã và Pantaleón dã bàn kế hoạch từ bấy lâu nay, họ đã có một dự tính rất tốt. Họ sẽ làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của Don Hilario, Amalia, buồn cười nhất là chỗ đó. Có một chiếc xe vận tải nhỏ, cũ đang bán, Pantaleón đã tháo tung nó ra và lau chùi nó tới tận ruột: nó chạy được. Người ta chịu bán nó giá tám chục ngàn và sẽ nhận ba chục ngàn tiền đặt cọc, phần còn lại trả dần. Pantaleón sẽ đòi tiền kết thúc hợp đồng của hắn, và gã sẽ làm trời làm đất để đòi lại cho kỳ được số tiền mười lăm ngàn của gã, rồi họ sẽ chung phần mỗi người một nửa, chia nhau lái, rồi tính rẻ hơn và lấy khách của hai công ty Morales và Pucallpa.

“Toàn là mơ mộng,” Ambrosio nói. “Tôi cố làm lại điều lẽ ra tôi nên bắt đầu từ hồi mới đến Pucallpa.”

 

Trước
image
Chương 27
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!