Họ từ Huacachina về thẳng Lima trên chiếc ô tô của một cặp mới cưới khác. Señora Lucía thở dài đón họ ở của nhà trọ, và sau khi ôm Ana xong bà lau nước mắt bằng mép tạp dề. Bà đã cắm hoa trong phòng, giặt màn cửa, thay tấm vải trải giường, và mua một chai vang porto 1 để chúc mừng hạnh phúc của họ. Khi Ana khởi sự mở va li, bà gọi riêng Santiago ra và đưa hắn một bao thư với nụ cười bí ẩn: cô em nhỏ của hắn mới ghé đến đưa thư hôm qua. Chữ viết tay Miraflores của Teté, Zavalita, đồ quỷ sứ, gia đình đã biết vụ cưới vợ của anh! cú pháp vụng về thô lỗ của nó, và lại còn đọc thấy trên báo nữa! Mọi người giận anh lắm (anh tin không nổi phải không, Siêu Não) và mong gặp chị dâu của em muốn chết. Họ nên chạy ngay về nhà, cả nhà tìm anh sáng đêm vì họ mong gặp chị ấy muốn chết. Anh thật là thằng điên, Siêu Não, và Teté hôn một ngàn cái.
“Đừng tái mét như thế.” Ana cười. “Họ đã biết ra thì có khác gì đâu, bộ mình sẽ bí mật sống chung à?”
“Không phải vậy,” Santiago nói. “Chỉ là, ôi dào, em nói dúng, anh cư xử ngu ngốc.”
“Tất nhiên là anh ngốc.” Ana lại cười. “Gọi về nhà cho xong, hay nếu anh muốn thì mình đi gặp họ. Làm như họ là yêu tinh không bằng ấy, cưng.”
“Ừ, mình nên làm cho xong,” Santiago nói. “Anh sẽ nói tối nay mình đến.”
Con sâu đất ngưa ngứa trong người hắn, hắn xuống lầu để gọi điện thoại và ngay khi hắn nói a lô? hắn nghe tiếng kêu đắc thắng của Teté: Siêu Não gọi điện thoại, papa! Giọng nó một thôi một hồi, nhưng sao anh lại làm như vậy, đồ điên khùng! nỗi phởn phơ của nó, anh cưới vợ thật không? Cưới ai, đồ điên? tâm trạng nôn nóng của nó, hồi nào thế nào ở đâu, tiếng khúc khích của nó, nhưng tại sao thậm chí anh không nói với mọi người là anh có người yêu, các câu hỏi của nó, anh bắt cóc chị dâu của em phải không, họ trốn đi cưới nhau phải không, chị ấy chưa tới tuổi lập gia đình phải không? Kể cho em nghe, nào, kể hết đi.
“Trước tiên để cho anh có dịp nói,” Santiago nói. “Anh không trả lời mọi thứ cùng một lúc dược.”
“Tên chị ấy là Ana?” Teté lại thốt lên. “Chị ấy nom ra sao, chị ấy ở đâu, họ của chị ấy là gì, em có biết chị ấy không, chị ấy bao nhiêu tuổi?”
“Này, có lẽ em nên hỏi cô ấy tất cả mấy câu đó,” Santiago nói. “Tối nay cả gia đình có ở nhà không?”
“Tại sao lại là tối nay, đồ ngu?” Teté kêu lên. “Đến ngay lập tức. Anh không thấy mọi người tò mò muốn chết hay sao?”
“Bọn anh sẽ ghé đến khoảng bảy giờ,” Santiago nói. “Để ăn tối, được rồi. Thôi đến rồi gặp lại, Teté.”
Cô ấy đã sửa soạn trang điểm cho buổi viếng thăm ấy kỹ hơn hôm đám cưới, Zavalita. Cô ấy đi đến thợ làm tóc, nhờ Doña Lucía giúp ủi áo ngoài, thử hết váy đầm và giày của cô ấy, rồi cứ nhìn đi nhìn lại trong gương, và mất một tiếng để trang điểm với sơn móng tay. Hắn nghĩ: tội nghiệp cô bé gầy gò. Cô ấy tự tin suốt buổi chiều, trong lúc sửa soạn mọi thứ và quyết định nên mặc gì, mỉm cười suốt buổi, hồi về Don Fermín và Señora Zoila và anh Nổ và Teté, nhưng đến khi trời tối, khi cô bước trước mặt Santiago, bộ này nom thế nào, cưng, anh thích bộ kia hơn phải không, cưng? cô ấy đã quá ba hoa, vẻ thoải mái của cô ấy quá giả tạo, và thoáng có nét khổ não trong mắt cô. Trên tắc xi trên đường đến Miraflores, cô ấy im lặng và nghiêm nghị, nét băn khoăn in trên miệng cô.
“Mọi người sẽ xem xét em như xem một ông từ Hỏa tinh đến phải không?” cô chợt nói.
“Một bà từ Hỏa tinh thì đúng hơn,” Santiago nói. “Em để ý làm gì?”
Nhưng cô ấy để ý, Zavalita. Khi hắn rung chuông, hắn cảm thấy cô nắm chặt cánh tay hắn, thấy cô dùng tay kia giữ mái tóc. Vô lý, họ làm gì ở đây, tại sao họ phải chịu trải qua cuộc kiểm tra này: mày cảm thấy tức giận, Zavalita. Teté mặc áo như đi dự tiệc đứng ở cửa, nhảy tưng tưng. Nó hôn Santiago, ôm hôn Ana, kêu réo lung tung, và cặp mắt nhỏ của Teté, rồi khoảnh khắc sau là cặp mắt nhíu của anh Nổ và cặp mắt của cha mẹ hắn, quan sát cô, nhìn cô từ trên xuống, một cuộc khám nghiệm tử thi. Giữa tiếng cười, tiêng kêu ré và những cái ôm của Teté, có cặp mắt ấy. Teté nắm cánh tay hai người, băng qua vườn với họ, nói chuyện không dứt, lôi họ theo cơn lốc cảm thán các câu hỏi han và lời chúc mừng của nó trong khi vẫn ném những cái liếc nhanh không thể tránh khỏi qua khóe mắt về phía Ana đang vấp váp. Cả gia đình tụ họp trong phòng khách. Phiên tòa, Zavalita. Kìa: có cả Popeye, có cả Cary, hôn thê của anh Nổ, tất cả trong bộ áo dự tiệc. Năm cặp súng trường, hắn nghĩ, tất cả nhắm bắn Ana cùng lúc. Hắn nghĩ: khuôn mặt của mama. Mày đã không biết rõ mama lắm, Zavalita, mày nghĩ bà sẽ tự chế hơn, thoải mái hơn, dè dặt hơn. Nhưng bà không giấu vẻ khó chịu hay nỗi kinh ngạc hay sự thất vọng của bà: chỉ có sự thịnh nộ của bà, trước tiên và nửa chừng. Bà là người cuối cùng đi đến chỗ họ, như một kẻ ăn năn kéo lê xiềng xích, đỏ mặt. Bà hôn Santiago, lẩm bẩm điều gì mày không nghe rõ – môi bà run, hắn nghĩ, mắt bà mở to – rồi cổ hết sức bà quay sang Ana, cô đang mở vòng tay. Nhưng bà không ôm cô, bà không mỉm cười với cô; bà nghiêng người tới và chỉ chạm phớt má Ana rồi lập tức lùi lại: chào Ana. Mặt bà càng cứng rắn hơn, bà quay sang Santiago và Santiago nhìn Ana: cô chợt đỏ mặt, và bây giờ Don Fermín cố cứu vãn tình thế. Ông chạy đến Ana, thế đây là con dâu của ông, ông lại ôm lấy cô, đây là bí mật mà Ròm đã giấu mọi người. Anh Nổ ôm Ana với nụ cười của con hà mã và vỗ lên lưng Santiago, thốt lên cộc lốc đúng là mày giữ bí mật. Anh cũng đôi lúc có vẻ mặt lúng túng và đưa đám giống như Don Fermín mỗi khi ông thoáng bất cẩn để lộ nét mặt của ông và quên mỉm cười. Chỉ có Popeye hình như vui và thoải mái. Nhỏ nhắn, tóc vàng, giọng nhỏ như chim và bộ váy nhiễu, Cary đã bắt đầu hỏi với tiếng cười nhỏ ngây thơ lạc lõng trước khi họ ngồi xuống. Nhưng Teté đã cư xử khá, Zavalita, nó đã làm chuyện phi thường để lấp khoảng trống bằng những mẩu đối thoại, làm ngọt thứ thức uống đắng mama đã cố ý hay vô tình mời Ana trong suốt hai tiếng đó. Bà nói với cô chỉ một lần, và khi Don Fermín, mừng rỡ một cách lo âu, mở chai sâm banh và khi món khai vị dọn ra, bà quên chuyện cho Ana đĩa phó mát viên và tăm. Và bà vẫn cứng nhắc và không tỏ thái độ – môi bà vẫn run, mắt bà mở to và nhìn đăm đăm – trong khi Ana bị Cary và Teté truy hỏi, đã giải thích, phạm lỗi lầm và tự mâu thuẫn, làm sao và khi nào họ cưới nhau. Riêng tư, không có ai tham dự, không có tiệc cưới, đồ điên khùng, Teté nói, và Cary giản dị làm sao, chu đáo làm sao, và chị nhìn anh Nổ. Thỉnh thoảng, như thể nhớ ông nên làm gì, Don Fermín hơi giật mình thoát khỏi sự im lặng, nghiêng người tới trên ghế rồi nói vài lời trìu mến với Ana. Nom ông bứt rứt làm sao, Zavalita, nét tự nhiên ấy, vẻ thân mật ấy khó cho ông làm sao. Món khai vị được mang thêm ra, Don Fermín rót sâm banh vòng thứ nhì, và trong vài giây họ uống rượu, sự căng thẳng tạm ngớt. Santiago thấy qua khóe mắt sự cố gắng của Ana khi nuốt những món Teté chuyền qua cô, và cô cố hết sức đáp lại những câu nói đùa – càng lúc càng rụt rè hơn, giả tạo hơn – mà Popeye đang kể cho cô. Dường như bầu khí quyển sắp bốc lửa, hắn nghĩ, một ngọn lửa sắp bùng lên giữa nhóm người. Không nao núng, dai dẳng, lành mạnh, Cary cứ mỗi lúc mỗi xen vào. Chị mở miệng, em học trường nào, Ana? và bầu khí quyển đậm đặc hơn, María Parado de Bellido là trường công phải không? và đổ thêm dầu vào lửa, ồ, cô ấy học y tá! làm mặt mẹ hắn càng run rẩy méo mó, không như mấy bà già tình nguyện mà là một nghề? Vậy thì em biết tiêm, Ana, vậy là em đã làm việc tại La Maison de Santé, tại Bệnh viện Công nhân ở Ica. Mẹ của mày, Zavalita, đang chớp mắt, cắn môi, ngọ nguậy trong ghế như đang ngồi trên ổ kiến. Cha của mày, mắt ông nhìn mũi giày, lắng nghe, ngẩng đầu rồi cố mỉm cười với mày và Ana. Thu mình trong ghế, một miếng bánh mì nướng với cá trích nhảy múa trên mấy ngón tay, Ana nhìn Cary như cô học trò sợ hãi nhìn người chấm thi. Một lúc sau cô đứng lên, đi đến Teté thì thầm vào tai nó giữa sự im lặng rùng mình. Dĩ nhiên, Teté nói, đi với em. Họ đi ra, biến mất trên thang lầu, và Santiago nhìn Señora Zoila. Bà chưa nói điều gì, Zavalita. Trán bà nhăn lại, môi bà run, bà đang nhìn mày. Mày nghĩ bà bất cần sự có mặt của Popeye và Cary ở đây, hắn nghĩ, bà chịu không nổi, bà sẽ không thể chịu nổi.
“Con không thấy xấu hổ sao?” Giọng bà cứng rắn và trầm, mắt bà đỏ lên, bà vừa vặn tay vừa nói. “Cưới vợ bí mật như vậy? Làm xấu hổ cha mẹ, anh em?”
Don Fermín vẫn cúi đầu, chăm chú nhìn giày ông, và nụ cười của Popeye đông cứng, nó nom như thằng ngốc. Cary nhìn từ người này sang người khác, nhận thấy rằng có điều gì đang xảy ra, mắt chị hỏi chuyện gì vậy, và anh Nổ khoanh tay, nghiêm khắc nhìn Santiago.
“Bây giờ không phải lúc, mama,” Santiago nói. “Nếu con biết má bực mình như vậy, lẽ ra con không đến.”
“Chẳng thà một ngàn lần mày không đến,” Señora Zoila nói, cao giọng. “Mày nghe tao không? Mày nghe tao không? Một ngàn lần không thấy mày còn hơn là thấy mày cưới vợ như vậy, đồ mất trí.”
“Im đi, Zoila.” Don Fermín đã nắm cánh tay bà, Popeye và anh Nổ đang lo sợ nhìn ra thang lầu, Cary đã há miệng. “Làm ơn.”
“Ông không thấy nó cưới ai sao?” Señora Zoila nức nở. “Ông không biết sao, ông không thấy sao? Làm sao tôi chấp nhận được, làm sao tôi thấy con mình cưới một đứa có thể là gia nhân của nó được?”
“Zoila, đừng ngốc.” Ông cũng xanh tái, Zavalita, ông cũng hoảng sợ. “Bà đang nói dại dột. Con bé có thể nghe bà. Nó là vợ của Santiago, Zoila.”
Giọng của papa khàn và lắp bắp, Zavalita, cố gắng của ông và của anh Nổ để xoa dịu mama khi bà la hét và thổn thức. Mặt Popeye nổi tàn nhang và đỏ sẫm, Cary co người trong ghế như thể gió Nam cực đang thổi.
“Má sẽ không bao giờ gặp cô ấy nữa, nhưng bây giờ êm lại đi, mama,” cuối cùng Santiago nói. “Con sẽ không để má làm nhục cô ấy. Cô ấy chưa làm gì má và…”
“Nó chưa làm gì tao, chưa làm gì tao?” Señora Zoila gầm lên, cố thoát ra khỏi Don Fermín và anh Nổ. “Nó dụ dỗ mày, nó xúi giục mày, vậy mà con bé trèo cao đó chưa làm gì tao?”
Một vở tuồng Mễ Tây Cơ, hắn nghĩ, một trong loại phim má thích. Hắn nghĩ: chỉ thiếu các mariachi 2 và charro 3 , má yêu. Cuối cùng anh Nổ và Don Fermín đã gần như lôi Señora Zoila vào phòng làm việc, và Santiago đứng lên. Mày nhìn thang lầu, Zavalita, mày đang định vị phòng tắm, tính toán khoảng cách: ừ, cô ấy đã nghe. Đã bao năm mày không có sự căm phẫn ấy, cơn thịnh nộ thần thánh ấy kể từ những ngày dính với Cahuide và cách mạng, Zavalita. Từ bên trong, tiếng than vãn của mẹ hắn vọng ra, giọng nói sầu não và trách móc của cha hắn. Một lúc sau anh Nổ quay lại phòng khách, đỏ mặt, tức giận không thể tưởng.
“Mày làm mama động kinh.” Anh ấy nổi giận, hắn nghĩ, anh Nổ nổi giận, tội nghiệp anh Nổ nổi giận. “Không ai ở đây có thể sống yên ổn vì những trò ma mãnh điên khùng của mày, hình như mày không làm gì giỏi hơn là làm ông bà già giận phát điên.”
“Đừng, anh Nổ,” Cary nói líu nhíu, đứng lên. “Anh Nổ, đừng, đừng.”
“Được rồi, cưng,” Nổ nói. “Chỉ vì thằng khùng này luôn luôn làm chuyện trái. Papa sức khỏe đang kém rồi thằng này…”
“Em có thể chịu mama một số việc, nhưng anh thì không,” Santiago nói. “Anh thì không, anh Nổ, em báo trước cho anh.”
“Mày cảnh cáo tao?” Nổ nói, nhưng Cary và Popeye đã nắm lấy anh và kéo anh lại: cậu đang cười gì, thưa cậu? Ambrosio hỏi. Mày không cười, Zavalita, mày nhìn thang lầu và mày nghe qua vai giọng tác nghẽn của Popeye: mọi người đừng nổi nóng, ê, xong cả rồi, ê. Có phải cô ấy đang khóc và có phải vì thế cô ấy chưa xuống, mày nên lên lầu tìm hay nên đợi? Cuối cùng họ xuất hiện trên đầu thang, và Teté nhìn như thể trong phòng khách có ma có quỷ, nhưng em xử sự rất khéo, cưng, hắn nghĩ, khá hơn María Félix 4 trong phim nọ, khá hơn Libertad Lamarque trong phim kia. Cô chậm rãi xuống lầu, nắm tay thang, chỉ nhìn Santiago, và khi đến trước hắn, cô điềm tĩnh nói:
“Trễ rồi phải không? Bây giờ mình phải về, phải không cưng?”
“Ừ,” Santiago nói. “Mình có thể gọi tắc xi bên cạnh quảng trường.”
“Tụi tao sẽ đưa mày về,” Popeye nói, gần như hét. “Mình đưa anh chị ấy về, Teté nhé?”
“Tất nhiên,” Teté lắp bắp. “Mình đi rong một chút.”
Ana chào ra về, bước ngang anh Nổ và Cary mà không bắt tay, rồi đi nhanh ra sân, Santiago theo sau, hắn không chào tạm biệt. Popeye nhảy vội tới trước họ để mở cổng ra đường và để Ana đi qua; rồi nó chạy như đang bị ai đuổi và mang xe của nó lại, rồi nhảy ra để mở cửa cho Ana: tội nghiệp Mặt Tàn Nhang. Thoạt tiên họ không nói gì. Santiago bắt đầu hút thuốc, Popeye bắt đầu hút thuốc, Ana ngồi cứng đơ trên ghế, nhìn ra cửa sổ.
“Ana này, gọi điện thoại cho em,” Teté nói với giọng vẫn còn đau khổ, khi họ tạm biệt ở cửa nhà trọ. “Em có thể giúp chị tìm chung cư, mọi thứ.”
“Ừ, tất nhiên,” Ana nói. “Em có thể giúp chị tìm chung cư. Ừ, tất nhiên.”
“Hôm nào bốn đứa mình nên đi chơi chung, Ròm,” Popeye nói, mỉm cười toét miệng và chớp mắt liên tiếp. “Đi ăn, đi xi nê. Bất cứ lúc nào mày muốn, ông anh.”
“Ừ, tất nhiên,” Santiago nói. “Hôm nào tao gọi điện thoại cho mày, Mặt Tàn Nhang.”
Vào đến phòng Ana bắt đầu khóc tức tưởi đến nỗi Doña Lucía qua hỏi chuyện gì. Santiago dỗ dành nàng, vuốt ve nàng, giải thích với nàng, và cuối cùng Ana lau khô nước mắt. Rồi cô ấy bắt đầu phản đối và chửi họ: cô ấy sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa, cô ấy ghê tởm họ, cố ấy ghét họ. Santiago đồng ý với nàng: ừ cưng, tất nhiên, cưng. Cô ấy không biết tại sao đã không xuống lầu và tát cho bà già đó, bà già ngu ngốc đó: ừ cưng. Dù cho bà ấy là mẹ anh, dù cho bà ấy lớn tuổi hơn, để bà ấy biết gọi cô là hạng trèo cao thì sẽ lãnh hậu quả gì, để bà ấy thấy: dĩ nhiên cưng.
° ° °
“Xong rồi,” Ambrosio nói. “Tôi rửa ráy xong rồi, bây giờ tôi sạch rồi.”
“Được,” Queta nói. “Chuyện gì vậy? Tôi không có mặt ở bữa tiệc nhỏ đó phải không?”
“Không,” Ambrosio nói. “Ban đầu định là tiệc nhỏ nhưng rồi không phải. Có chuyện gì đó xảy ra rồi rất nhiều khách không đến. Chỉ có ba bốn người với ông ấy. Bà chủ tức lắm, bà ấy nói tụi nó làm tôi mất mặt.”
“Bà điên tưởng Cayo Đầu Cứt mở mấy bữa tiệc nhỏ đó để cho bà ấy vui chơi,” Queta nói. “Gã mở tiệc để làm vui lòng bồ bịch của gã.”
Cô duỗi dài trên giường, nằm ngửa như gã, lúc này cả hai đã mặc áo quần, cả hai hút thuốc. Họ gạt tàn thuốc vào hộp diêm rỗng gã giữ trên ngực; ánh đèn hình nón chiếu trên chân họ, mặt họ khuất trong bóng tối. Không nghe tiếng nhạc hoặc tiếng nói chuyện; chỉ có tiếng đồng hồ kèn kẹt hoặc thỉnh thoảng có tiếng xe chạy ầm ầm ngoài đường.
“Tôi đã nhận ra mấy bữa tiệc nhỏ đó đều có lý do đằng sau,” Ambrosio nói. “Cô nghĩ đó là lý do duy nhất ông ta nuôi nhân tình à? Để bà ấy giải trí cho các bạn của ông ta à?”
“Đâu phải chỉ như vậy.” Queta cười khục khặc và mỉa mai, nhìn cụm khói cô đang thở ra. “Vì bà điên cũng đẹp và bà ta chấp nhận các thói trụy lạc của gã. Chuyện gì xảy ra vậy?”
“Cô cũng chấp nhận các thói ấy,” gã nói một cách tôn trọng, không quay đầu nhìn cô.
“Tôi chấp nhận nó à?” Queta chậm rãi hỏi; cô đợi vài giây trong lúc dụi điếu thuốc của mình rồi lại cười, cũng với tiếng cười chậm rãi, châm biếm. “Cả anh nữa, đúng không? Anh đến đây vài giờ tốn kém cho anh lắm, phải không?”
“Tôi tốn nhiều tiền ở nhà thổ hơn,” Ambrosio nói; và gã nói thêm, như thể bí mật, “Cô không tính tôi tiền phòng.”
“Ôi dào, gã tiêu tốn hơn anh rất nhiều, anh không thấy sao?” Queta nói. “Tôi không giống bà ta. Bà điên không làm vì tiền, hay vì lo cho lợi ích của bà ta. Cũng chẳng phải vì bà ta yêu gã, tất nhiên. Bà ta làm vì bà ta ngây thơ. Tôi giống như đệ nhị phu nhân của Peru, Quetita. Các ông đại sứ, các ông bộ trưởng đến đây. Tội nghiệp bà điên. Bà ta hình như không biết là họ đến San Miguel như họ đi đến nhà thổ. Bà ta nghĩ họ là bạn của bà ta, họ đến vì bà ta.”
“Don Cayo biết,” Ambrosio lẩm bẩm. “Ông ta nói tụi nó không xem tao như ngang hàng, tụi chó đẻ đó. Ông ta thường nói với tôi nhiều lần hồi tôi còn làm cho ông ta. Và họ nịnh bợ ông ta vì họ phải nịnh bợ.”
“Gã là đứa nịnh bợ họ,” Queta nói, rồi hỏi luôn, “Chuyện gì vậy, làm sao lại xảy ra? Tối hôm đó, bữa tiệc đó.”
“Tôi đã thấy ông ấy ở đó vài lần,” Ambrosio nói, rồi giọng gã hơi đổi: như một cử chỉ co cụm thoáng qua. “Chẳng hạn tôi biết ông ấy dùng lối xưng hô thân mật với bà chủ. Từ khi bắt đầu làm việc cho Don Cayo, tôi thường thấy mặt ông ấy. Tôi đã gặp ông ấy đâu như hai chục lần. Nhưng tôi nghĩ ông ấy chưa lần nào thấy tôi. Cho đến bữa tiệc đó, lần đó.”
“Tại sao họ cho anh vào?” Quetita dường như lơ đãng. “Họ có cho anh dự các bữa tiệc khác không?”
“Chỉ một lần, đúng lần đó,” Ambrosio nói. “Ludovico ốm và Don Cayo cho hắn về ngủ. Tôi ở trong xe, biết là mình phải ngồi suốt đêm, rồi khi ấy bà chủ ra bảo tôi đến giúp.”
“Bà điên ấy à?” Queta vừa hỏi vừa cười. “Giúp?”
“Giúp thật, họ đã đuổi cô người làm hoặc cô ta đã bỏ đi hoặc chuyện gì đó,” Ambrosio nói. “Giúp bưng bát đĩa, mở rượu, lấy thêm đá lạnh. Tôi chưa bao giờ làm mấy việc đó, cô tưởng tượng xem.” Gã ngừng nói rồi cười. “Tôi giúp, nhưng tôi không khá lắm. Tôi làm vỡ hai cái ly.”
“Những ai ở đó?” Queta hỏi. “China, Lucy, Carmincha? Tại sao không ai trong số họ nhận ra?”
“Tôi không biết tên của họ,” Ambrosio nói. “Không, không có phụ nữ. Chỉ có ba bốn ông. Và ông ấy, tôi đã quan sát ông ấy khi tôi bưng đĩa thức ăn thức uống và đá lạnh vào. Ông ấy đang uống, nhưng ông ấy không ngã ngựa như mấy người kia. Ông ấy không say. Hoặc ông ấy không để lộ ra.”
“Ông ta tao nhã, mái tóc bạc hợp với ông ta,” Queta nói. “Hồi nhỏ chắc ông ta đẹp trai. Nhưng ông ta có vẻ khó chịu. Ông ta nghĩ ông ta là vua.”
“Không,” Ambrosio cả quyết. “Ông ấy chẳng làm gì điên rồ, ông ấy không đi quá trớn. Ông ấy uống rượu thế thôi. Tôi quan sát ông ấy. Không, ông ấy không kênh kiệu chút nào. Tôi biết ông ấy, tôi biết.”
“Nhưng cái gì làm anh chú ý?” Queta hỏi. “Cách ông ta nhìn anh có gì lạ?”
“Chẳng có gì lạ,” Ambrosio lẩm bẩm, như thể xin lỗi. Giọng gã nhỏ lại, gần gũi và trầm. Gã chậm rãi giải thích: “Ông ấy chắc đã nhìn tôi trước đó cả trăm lần, nhưng bỗng nhiên tôi cảm thấy như ông ấy đang nhìn tôi. Không như nhìn vách tường nữa. Cô hiểu không?”
“Bà điên chắc ngã bổ ngửa, bà ấy đâu có nhận thấy,” Queta lơ đãng nói. “Bà ấy rất ngạc nhiên khi biết ra là anh sẽ đi làm cho ông ta. Bà ấy có ngã bổ ngửa không?”
“Tôi vào phòng khách và lập tức tôi thấy ông ấy đã bắt đầu nhìn tôi,” Ambrosio thì thào. “Mắt ông ấy nửa cười, nửa sáng. Như thể ông ấy đang nói gì với tôi, cô thấy không?”
“Và anh vẫn chưa nhận ra?” Queta nói. “Tôi đánh cuộc với anh là Cayo Đầu Cứt đã nhận thấy.”
“Tôi nhận ra rằng nhìn tôi cách ấy là kỳ lạ,” Ambrosio lẩm bẩm. “Kín đáo. Ông ấy nâng ly để Don Cayo nghĩ ông ấy sắp nhấp một ngụm, và tôi nhận ra không phải lý do đó. Ông ấy để mắt nhìn tôi, và không rời mắt cho đến khi tôi ra khỏi phòng.”
Queta bắt đầu cười, và gã lập tức ngừng nói. Gã không cử động, đợi cho cô ngưng cười. Lúc này cả hai lại hút thuốc, nằm ngửa lưng, và gã đặt tay lên đầu gối cô. Gã không vuốt ve, gã để tay nằm đó, bình thản. Trời không nóng, nhưng mồ hôi toát ra trên da chỗ cánh tay trần của họ chạm nhau. Dưới hành lang có tiếng nói. Rồi tiếng máy xe rền rĩ. Queta nhìn đồng hồ trên bàn ngủ. Hai giờ.
“Ở một trong những lần nhìn đó tôi hỏi ông có muốn thêm đá lạnh không,” Ambrosio lẩm bẩm. “Những người khách kia đã về, bữa tiệc gần như tàn, ông ấy là người duy nhất còn lại. Ông ấy không trả lời tôi. Ông ấy nhắm mắt rồi mở mắt một cách buồn cười khó giải thích. Nửa thách thức, nửa làm trò đùa, cô thấy chứ?”
“Và anh vẫn chưa bắt được ý?” Queta khư khư. “Anh ngu lắm.”
“Tôi ngu,” Ambrosio nói. “Tôi nghĩ ông ấy giả vờ say, tôi nghĩ chắc ông ấy say và muốn giễu cợt tôi. Tôi đã uống vài ly trong bếp và nghĩ chắc mình cũng say, rồi chỉ nghĩ như vậy thôi. Nhưng lần sau tôi vào, tôi nói không phải, ông ấy bị cái gì. Lúc đó chắc hai ba giờ sáng, làm sao tôi biết. Chắc tôi vào để trút một cái gạt tàn thuốc. Lúc đó ông ấy nói với tôi.”
“Ngồi xuống một chút,” Don Fermín nói. “Uống với bọn tôi.”
“Đó không phải là lời mời, mà đúng hơn là mệnh lệnh,” Ambrosio lẩm bẩm. “Ông ấy không biết tên tôi. Mặc dù ông ấy đã nghe Don Cayo nói hàng trăm lần, ông ấy không biết, về sau ông ấy kể với tôi.”
Queta bắt đầu cười, gã im lặng đợi. Một quầng sáng rọi đến cái ghế và chiếu sáng bộ y phục rối tung của gã. Khói thuốc trải phẳng ra bên trên họ, lan ra, tách thành từng cuộn nhịp nhàng vụng trộm. Hai chiếc xe chạy nhanh qua nối tiếp nhau như đang đua.
“Còn bà ấy thế nào?” Queta hỏi, lúc này hầu như không cười nữa. “Hortensia thì sao?”
Mắt Ambrosio láo liên cực kỳ bối rối: Don Cayo hình như không phật ý cũng không ngạc nhiên. Hắn thoáng nhìn gã một cách nghiêm nghị rồi gật đầu ừ với gã, cứ làm như ông ấy bảo, ngồi xuống. Cái gạt tàn thuốc nhảy múa một cách ngớ ngẩn trong bàn tay đưa cao của Ambrosio.
“Bà ấy đã thiếp ngủ,” Ambrosio nói. “Nằm dài trong ghế bành. Chắc bà ấy đã uống nhiều. Tôi cảm thấy không ổn, ngồi trên mép ghế. Lạ, ngượng, dạ dày nôn nao.”
Gã xoa tay, và rốt cuộc, với vẻ long trọng kiểu cách, nói như thế này đây mà không nhìn ai rồi uống. Queta quay sang nhìn vào mặt gã: mắt gã nhắm, môi gã mím lại, và gã đang toát mồ hôi.
“Với nhịp độ này anh sẽ phát chán vì chúng tôi.” Don Fermín bắt đầu cười. “Nào, uống một ly nữa.”
“Vờn anh như mèo vờn chuột,” Queta lẩm bẩm tức tối. “Tôi thấy anh thích như vậy. Làm con chuột. Để họ giẫm lên anh, đối xử tệ với anh. Nếu tôi không xử tệ với anh thì anh đã không gom góp tiền để lên đây kể chuyện rắc rối của anh cho tôi. Chuyện rắc rối của anh? Vài lần đầu thì tôi nghĩ vậy, bây giờ hết rồi. Chuyện gì xảy đến cho anh anh cũng thích cả mà.”
“Ngồi đó như người ngang hàng, uống rượu,” gã nói cũng với giọng mơ hồ, mờ nhạt, xa xôi. “Don Cayo hình như không câu nệ, hoặc ông ấy giả vờ thế. Và ông ấy không để tôi ra về, cô biết không?”
“Anh đi đâu vậy, ở lại,” Don Fermín đùa cợt, ra lệnh đến lần thứ mười. “Ở lại đó, anh định đi đâu?”
“Ông ấy khác với mọi lần trước tôi gặp,” Ambrosio nói. “Những lần trước ông ấy không thấy tôi. Cả trong cách ông ấy nhìn và nói chuyện. Ông ấy nói không dứt, về mọi thứ dưới ánh mặt trời, rồi bỗng nhiên ông ấy nói một chữ bậy. Ông ấy, dường như có học thức đàng hoàng đến thế, có bề ngoài của một… “
Gã lưỡng lự và Queta hơi quay đầu để quan sát gã: bề ngoài của cái gì?
“Của một người lịch sự,” Ambrosio nói rất nhanh. “Của một ông tổng thống, làm sao tôi biết được.”
Queta bật lên một tiếng cười nhỏ, tò mò và xấc xược thú vị, duỗi người, và khi cô nhúc nhích hông, cô cọ vào gã: lập tức cô thấy bàn tay của Ambrosio trở nên sinh động trên đầu gối cô, thò lên váy cô và nôn nóng tìm đùi cô, cô cảm thấy cánh tay gã áp sát vào cô, vuốt ve xuống lên, lên xuống. Cô không mắng gã, không ngăn gã, và cô lại nghe tiếng cười nhỏ thú vị của chính mình.
“Ông ta xoa dịu anh bằng rượu,” cô nói. “Còn bà điên, bà ấy thì sao?”
Thỉnh thoảng bà ấy cứ ngẩng mặt, như thể ngoi lên khỏi mặt nước, nhìn quanh phòng bằng cặp mắt hoang dại, ướt át, mộng du, bà ấy cầm ly đưa lên miệng rồi uống, lẩm bẩm cái gì không rõ, rồi lại chìm xuống. Còn Cayo Đầu Cứt, gã thì sao? Ông ta uống đều, tham gia nói chuyện từng tiếng nhát gừng, và cư xử như thể Ambrosio ngồi đó uống với họ là chuyện tự nhiên nhất trên đời.
“Sự việc xảy ra như thế,” Ambrosio nói: tay gã dịu lại, trở về đầu gối của cô. “Mấy ly rượu làm tôi bớt rụt rè, tôi chống đỡ được cái nhìn ngấp nghé của ông ấy và đối đáp những câu nói đùa của ông. Vâng, tôi thích uống whiskey, thưa ông, dĩ nhiên không phải lần đầu tôi uống whiskey, thưa ông.”
Nhưng bây giờ Don Fermín không nghe gã nói hay dường như vậy: ông đã có hình ảnh của gã trong mắt ông, Ambrosio nhìn họ và gã thấy chính mình, cô thấy không? Queta gật đầu, và bỗng nhiên Don Fermín nốc cạn chỗ còn lại trong ly rượu của ông rồi đứng lên: ông ấy mệt, Don Cayo, tới giờ về. Cayo Bermúdez cũng đứng lên.
“Để Ambrosio đưa ông về, Don Fermín,” hắn nói, đưa nắm tay lên ngăn cái ngáp. “Đến mai tôi mới cần xe.”
“Nghĩa là hắn không chỉ biết,” Queta nói, cựa quậy. “Dĩ nhiên, dĩ nhiên, Nghĩa là Cayo Đầu Cứt đã tính trước hết mọi thứ.”
“Tôi không biết,” Ambrosio cắt ngang, lăn qua, giọng gã chợt bối rối, nhìn cô. Gã ngập ngừng, ngả người lại. “Tôi không biết ông ta có biết không, ông ta có tính trước không. Tôi muốn biết. Ông ta nói ông ta cũng không biết. Cô, ông ta có…?”
“Bây giờ hắn biết, tôi chỉ biết đến thế.” Queta cười. “Nhưng cả bà điên lẫn tôi đều không moi ra được là hắn có tính trước hay không. Khi hắn muốn, hắn sẽ câm như hến.”
“Tôi không biết,” Ambrosio lặp lại. Giọng gã chìm sâu rồi lại ngoi lên yếu ớt và mơ hồ. “Ông ấy cũng không biết. Đôi khi ông ấy nói có, ông ta phải biết; khi khác nói không, có lẽ ông ta không biết. Tôi đã gặp Don Cayo rất nhiều lần, và ông ta không tỏ ra điều gì để tôi nói là ông ta biết.”
“Anh khờ khạo hết sức,” Queta nói. “Dĩ nhiên bây giờ hắn biết. Bây giờ ai mà không biết?”
Gã đi theo họ ra đường, ra lệnh cho Ambrosio ngày mai lúc mười giờ, bắt tay Don Fermín rồi trở vào nhà, băng ngang vườn. Trời sắp hừng sáng, những dải xanh mỏng ló qua bầu trời, và tụi cảnh sát ở góc đường lẩm bẩm chào bằng giọng khàn khàn vì thức suốt đêm và hút quá nhiều thuốc lá.
“Rồi lúc đó là chuyện tức cười,” Ambrosio thì thào. “Ông ấy không ngồi phía sau như thông lệ, mà ngồi cạnh tôi. Lúc đó tôi mới nghi ngờ, nhưng tôi không tin nổi. Không tin nổi, nhất là trường hợp một người như ông ấy.”
“Nhất là trường hợp một người như ông ta,” Queta chậm rãi nói với vẻ khinh miệt. Cô quay sang: “Tại sao anh hèn hạ vậy…?”
“Tôi nghĩ chỉ là tỏ sự thân mật với tôi,” Ambrosio thì thào. “Tôi cư xử ngang hàng với anh trong kia, bây giờ tôi vẫn cư xử như vậy. Tôi nghĩ đôi khi ông ấy thích xuề xòa, quan hệ thân mật với người ta. Không, tôi không biết tôi nghĩ cái gì.”
“Ừ,” Don Fermín nói, cẩn thận đóng cửa và không nhìn gã. “Mình đi Ancón.”
“Tôi nhìn khuôn mặt ông ấy, và hình như nó vẫn như vậy, thanh lịch, đúng mực,” Ambrosio càu nhàu nói. “Tôi hoảng lắm, cô biết đấy. Ông bảo Ancón, thưa ông?”
“Ừ, Ancón.” Don Fermín gật đầu, nhìn ra ánh sáng mờ nhạt trên bầu trời ngoài cửa sổ. “Anh có đủ xăng không?”
“Tôi biết chỗ ông ấy ở, một lần tôi đã đưa ông ấy từ văn phòng của Don Cayo về nhà,” Ambrosio càu nhàu. “Tôi nổ máy xe, và tới Avenida Brasil tôi lấy can đảm hỏi ông ấy. Ông không về nhà ở Miraflores à, thưa ông?”
“Không, tôi đi Ancón,” Don Fermín nói, lúc này nhìn thẳng phía trước; nhưng một lát sau ông quay sang nhìn gã và ông ấy trở thành một người khác, cô biết không? “Anh sợ đi Ancón một mình với tôi chăng? Anh sợ trên đường có gì xảy ra cho anh chăng?”
“Và ông ấy bắt đầu cười,” Ambrosio thì thầm. “Và tôi cũng cười, nhưng không thành tiếng. Không thành tiếng nổi. Tôi quá hoảng, khi ấy tôi biết.”
Queta không cười: cô quay lại, chống trên khuỷu tay, và cô nhìn gã. Gã vẫn nằm ngửa, không cử động, gã đã ngưng hút thuốc, và bàn tay gã nằm chết trên đầu gối của cô. Một chiếc ô tô chạy ngang, một con chó sủa. Ambrosio nhắm mắt và phồng mũi thở. Ngực gã lên xuống chầm chậm.
“Có phải là lần đầu?” Queta hỏi. “Trước đó anh có ai không?”
“Ừ, tôi sợ,” gã càu nhàu. “Tôi lái lên Brasil, theo Alfonso Ugarte, băng qua Puente del Ejército, và cả hai chúng tôi im lặng. Ừ, lần đầu. Đường phố không một bóng người. Tôi phải mở đèn pha trên xa lộ vì sương mù. Tôi bồn chồn tới nỗi bắt đầu lái nhanh hơn. Thình lình kim chỉ sáu mươi, bảy mươi, cô biết không? Như vậy. Nhưng tôi không tông phải cái gì.”
“Đèn đường đã tắt,” Queta thoáng lơ đãng nói, rồi quay lại. “Anh cảm thấy thế nào?”
“Nhưng tôi không đụng, tôi không đụng,” gã lặp lại một cách dữ dội, bóp chặp đầu gối cô. “Tôi cảm thấy mình tỉnh táo, tôi cảm thấy… nhưng tôi có thể đạp thắng.”
Bỗng nhiên, như thể một chiếc xe vận tải, một con lừa, một cái cây, một người không biết từ đâu xuất hiện trên mặt đường ướt át, chiếc xe trượt dài, rít lên dữ dội rồi hất qua hất lại, chạy ngoằn ngoèo, nhưng nó không ra khỏi đường. Lắc lư, rít bánh, chiếc xe lấy lại thăng bằng ngay khi có vẻ sắp lộn vòng, và lúc này Ambrosio đã chậm lại, run rẩy.
“Cô có nghĩ là khi thắng lại, xe trượt đã làm ông ấy buông tôi ra không?” Ambrosio càu nhàu, ngập ngừng. “Bàn tay ông ấy nằm ngay đó, như thế này.”
“Ai bảo anh ngừng,” giọng của Don Fermín nói. “Tôi bảo đi Ancón.”
“Và bàn tay ông ấy, ngay đó,” Ambrosio thì thào. “Tôi suy nghĩ không được, và tôi lại lái đi, tôi không biết. Tôi không biết. Cô biết chứ? Rồi thình lình kim lại chỉ sáu mươi, bảy mươi. Ông ấy không buông tôi ra. Bàn tay ông ấy vẫn như thế này.”
“Ông ta nắm mạng anh ngay khi ông ta gặp anh,” Queta lẩm bẩm, nằm ngửa lại. “Nhìn một cái là ông ta biết anh sẽ tiêu tùng nếu người ta đối xử tệ hại với anh. Ông ta nhìn anh và thấy nếu ai được lòng anh thì sẽ điều khiển anh dễ như bỡn.”
“Tôi nghĩ tôi sẽ tông xe và tôi lái nhanh hơn,” Ambrosio càu nhàu, hổn hển. “Tôi lái nhanh hơn, cô biết không.”
“Ông ta thấy anh chết vì sợ,” Queta nói một cách khô khan, không thương xót. “Thấy anh sẽ không làm gì, thấy là ông ta có thể làm bất cứ điều gì ông ta muốn với anh.”
“Tôi sắp tông xe, tôi sắp tông xe.” Ambrosio hổn hển. “Rồi tôi nhấn bàn đạp sâu hơn. Ừ, tôi sợ, cô biết không.”
“Anh sợ vì anh hèn,” Queta khinh miệt nói. “Vì ông ta da trắng còn anh thì không, vì ông ta giàu còn anh thì không, Vì anh quen để thiên hạ muốn làm gì anh thì làm.”
“Và trong đầu tôi chỉ nghĩ như vậy,” Ambrosio lẩm bẩm, kích động hơn. “Nếu ông ấy không buông ra, tôi sẽ tông xe. Và bàn tay ông ấy đây, như thế này, thấy không? Cứ như thế đến tận Ancón.”
° ° °
Ambrosio từ Công ty Vận chuyển Morales trở về với bộ mặt làm Amalia nghĩ ngay là sự việc không ổn rồi. Chị không hỏi gì gã. Chị thấy gã bước ngang chị mà không nhìn, đi ra vườn, ngồi xuống cái ghế không có mặt ghế, cởi giày, châm thuốc lá, quẹt que diêm một cách cáu kỉnh, rồi bắt đầu nhìn cỏ với cặp mắt sát nhân.
“Lần đó không có bánh bao hay bia bọt gì cả,” Ambrosio nói. “Tôi vào văn phòng ông ta và lập tức ông ta làm tôi khựng lại với cái nhìn như nói là kệ xác mày, thằng đen.”
Chưa hết, ông ta còn đưa ngón trỏ bàn tay phải cắt ngang cổ rồi giơ lên thái dương: bùm, Ambrosio. Nhưng vẫn mỉm cười với khuôn mặt bạnh và cặp mắt lồi quỷ quyệt. Ông ta quạt bằng tờ báo: tệ hại mày ơi, thua lỗ hết. Họ gần như không bán được cái quan tài nào và hai tháng vừa qua ông ta đã phải móc túi để trả tiền thuê nhà, cũng như tiền thù lao còm cho thằng khờ và tiền họ đã nợ đám thợ mộc: hóa đơn đây, Ambrosio lật qua mà không nhìn, Amalia, và ngồi xuống phía đối diện bàn làm việc: ông nói cho gã cái tin dễ sợ quá, Don Hilario.
“Còn tệ hơn dễ sợ,” ông ta thừa nhận. “Thời buổi tệ đến nỗi người ta thậm chí không dám chết.”
“Tôi chỉ muốn nói một điều, Don Hilario,” một lát sau Ambrosio nói, với niềm kính trọng hoàn toàn. “Nào, ông nói đúng, dĩ nhiên. Dĩ nhiên việc kinh doanh ít lâu rồi sẽ có lời.”
“Chắc chắn,” Don Hilario nói. “Thế giới thuộc về kẻ nào có kiên nhẫn.”
“Nhưng tôi đang túng tiền và vợ tôi sắp sinh đứa nữa,” Ambrosio nói tiếp. “Vì vậy dù có muốn tôi cũng không thể kiên nhẫn.”
Một nụ cười bí hiểm và ngạc nhiên trùm lên khuôn mặt Don Hilario trong khi ông ta tiếp tục một tay quạt còn tay kia bắt đầu xỉa răng: hai đứa nhằm nhò gì, bí quyết là có được một tá, như ông ta vậy, Ambrosio.
“Vì vậy tôi sẽ để ông làm chủ hết Quan tài Hài nhi,” Ambrosio giải thích. “Tôi muốn lấy lại phần của tôi. Để tự làm ăn lấy, thưa ông. Có lẽ tôi sẽ may mắn hơn.”
Tới lúc đó ông ta bắt đầu cười rúc rích, Amalia, và Ambrosio lặng im, như thể tập trung để giết cái gì ở kế bên: cỏ, cây, Amalita Hortensia, bầu trời. Gã không cười. Gã nhìn Don Hilario cựa quậy trong ghế, quạt ào ào, và gã rất nghiêm trang căng thẳng đợi cho ông ta ngưng cười.
“Anh nghĩ đó là trương mục tiết kiệm hả?” cuối cùng ông ta nạt nộ, lau mồ hôi trên trán, rồi lại cười vang lên. “Anh tưởng anh có thể bỏ tiền vào rồi rút ra bất cứ lúc nào anh thích hả?”
“Cục tác, cục tác, ò ó o,” Ambrosio nói. “Ông ta kêu lên, ông ta cười sặc sụa, ông ta đỏ lên vì cười, ông ta mệt nhoài vì cười. Và anh bình thản đợi.”
“Nếu không là ngu ngốc, không là bịp bợm thì tôi không biết là gì.” Don Hilario đập bàn, đỏ mặt và ướt đẫm. “Nói cho tôi nghe coi anh nghĩ tôi là hạng người gì. Thằng ngu, thằng khờ, tôi là hạng người gì?”
“Trước tiên ông cười, rồi ông nổi giận,” Ambrosio nói. “Tôi không biết ông bị cái gì, thưa ông.”
“Khi tôi cho anh biết việc làm ăn thua lỗ, anh nghĩ thua lỗ là cái gì?” Ông ta bắt đầu nói một cách khó hiểu, Amalia, và ông ta nhìn Ambrosio thương hại. “Nếu anh và tôi mỗi người bỏ ra mười lăm ngàn lên chiếc ghe, rồi ghe chìm xuống sông thì cái gì chìm theo ghe?”
“Quan tài Hài nhi đâu có chìm,” Ambrosio phát biểu. “Nó bự thù lù ngay đó đối diện nhà tôi.”
“Anh muốn bán nó, chuyển nhượng nó hả?” Don Hilario hỏi. “Tôi mừng lắm, ngay bây giờ. Có điều là trước tiên anh phải tìm một đứa dễ xơi nào đó sẵn lòng nhận lấy cái xác chết. Đâu có ai chịu trả lại cho anh ba chục ngàn tụi mình đã bỏ vào, ngay cả đứa mất trí cũng không chịu. Ai chịu nhận lấy nó như món quà biếu và sẵn lòng lo cho thằng khờ và trả tiền thợ mộc.”
“Ông muốn nói là tôi sẽ không bao giờ thấy lại một xu của số tiền mười lăm ngàn đồng tôi đã đưa ông?” Ambrosio nói.
“Tìm ai ít nhất chịu trả lại cho tôi số tiền tôi đã ứng trước cho anh,” Don Hilario nói. “Một ngàn hai trăm đồng ngay bây giờ, hóa đơn đây. Hay là anh đã quên rồi?”
“Tới cảnh sát, làm đơn kiện ông ta,” Amalia nói. “Để họ bắt ông ta trả lại số tiền của anh.”
Chiều hôm ấy, trong khi Ambrosio hút hết điếu này sang điếu khác trên cái ghế không mặt ngồi, Amalia cảm thấy sự sôi sục khó xác định ấy, sự trống vắng chua chát ở cuống dạ dày vào dạo khổ cực nhất của chị với Trinidad: phải chăng vận rủi lại đến với chị một lần nữa ở đây? Họ lặng lẽ ăn và Doña Lupe qua tán gẫu, nhưng khi bà thấy họ trầm trọng quá, bà đã ra về ngay. Ban đêm, trên giường, Amalia hỏi gã, anh định làm gì. Gã chưa biết, Amalia, gã đang suy nghĩ. Hôm sau Ambrosio rời nhà rất sớm mà không mang theo thức ăn trưa cho chuyến đi. Amalia cảm thấy buồn nôn, và khi Doña Lupe đến, khoảng mười giờ, bà thấy chị đang oẹ. Lúc chị đang kể cho bà chuyện đã xảy ra khi Ambrosio về: chuyện gì vậy, gã không đi Tingo à? Không, Tia Chớp Rừng Xanh đang sửa trong ga ra. Gã đi ra ngồi trong vườn, suy nghĩ cả buổi sáng. Đến trưa Amalia gọi gã vào ăn trưa, và khi họ đang ăn thì ông ta đi vào, gần như chạy. Ông ta đến trước mặt Ambrosio, gã thậm chí không nghĩ tới chuyện đứng lên: Don Hilario.
“Sáng nay anh phao tin láo xược khắp thị trấn.” Mặt đỏ tía tai vì tức giận, Doña Lupe, cao giọng đến nỗi Amalita Hortensia thức dậy khóc. “Phao tin ngoài phố là Hilario Morales ăn cắp tiền của anh.”
Amalia cảm thấy cơn buồn nôn mỗi sáng trở lại. Ambrosio không nhúc nhích: tại sao gã không đứng dậy, tại sao gã không trả lời ông ta? Cứ nguyên như vậy, gã cứ ngồi, nhìn người đàn ông mập nhỏ bé đang gầm thét.
“Ngoài chuyện ngu ngốc, anh không tin người và anh nói ba hoa,” la hét, la hét. “Anh kể cho thiên hạ là anh sẽ tố tôi với cảnh sát hả? Được, tung hê ra hết đi. Đứng lên, đi, ngay bây giờ.”
“Tôi đang ăn,” Ambrosio lẩm bẩm rất nhỏ. “Ông muốn tôi đi đâu, thưa ông.”
“Tới cảnh sát,” Don Hilario gầm lên. “Để làm cho rạch ròi trước mặt ông Thiếu tá. Để coi ai nợ ai, đồ vô ơn.”
“Đừng như vậy, Don Hilario,” Ambrosio van nài ông ta. “Thiên hạ nói láo với ông. Làm sao ông tin được mấy chuyện ngồi lê đôi mách như vậy. Mời ông ngồi, thưa ông, để tôi mang bia cho ông.”
Amalia nhìn Ambrosio, kinh ngạc: gã đang mỉm cười với ông ta, mời ông ta ngồi ghế. Chị đứng bật dậy, chạy ra vườn rồi nôn lên cây sắn. Từ chỗ đó chị nghe Don Hilario: ông ta không thích uống bia bọt gì cả, ông ta đến để làm rõ vài chuyện, gã nên đứng lên, mình đi gặp Thiếu tá. Và giọng Ambrosio càng lúc càng yếu và bợ đỡ: làm sao ông ấy có thể ngờ vực gã, thưa ông, gã chỉ than vãn về vận rủi của gã, thưa ông.
“Vậy thì trong tương lai đừng hăm dọa hay nói lung tung nữa,” Don Hilario nói, hơi bình tĩnh lại. “Cứ liệu hồn, ở đó mà đi loanh quanh bôi xấu danh giá tôi.”
Amalia thấy ông ta xoay người, đi ra cửa, quay lại và quát một lần cuối: ông ta không muốn nhìn thấy gã ở chỗ làm nữa, ông ta không muốn có một đứa vô ơn như gã làm tài xế, thứ Hai gã ghé qua nhận lương. Ừ, lại cồn cào nữa. Nhưng chị cảm thấy tức giận vì Ambrosio hơn là giận Don Hilario, và chị chạy vào phòng.
“Tại sao anh để mình bị đối xử như vậy, tại sao anh khúm núm? Tại sao anh không ra cảnh sát rồi làm đơn kiện?”
“Vì em,” Ambrosio nói, buồn rầu nhìn chị. “Nghĩ tới em. Em quên sớm vậy sao? Em không nhớ tại sao mình ở Pucallpa sao? Anh không đến cảnh sát vì em, anh khúm núm vì em.”
Chị bắt đầu khóc, xin gã tha thứ, và ban đêm chị lại nôn.
“Ông ta trả cho tôi sáu trăm đồng tiền chấm dứt hợp đồng,” Ambrosio nói. “Với số tiền đó chúng tôi xoay xở được một tháng, tôi không biết xoay thế nào. Tôi tìm việc suốt một tháng. Ở Pucallpa tìm vàng dễ hơn
——————————–