Trò Chuyện Trong Quán La Catedral

Phần 4 – Chương 6
Trước
image
Chương 29
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

Trong mấy tháng đầu tiên sau khi kết hôn, không gặp cha mẹ và anh em, gần như không nghe gì về họ, mày có hạnh phúc không, Zavalita? Những tháng thiếu thốn nợ nần, hắn nghĩ, nhưng mày đã quên họ và không bao giờ quên những lúc khốn khó. Hắn nghĩ: chắc mày đã hạnh phúc, Zavalita. Hầu như hạnh phúc đó là sự đơn điệu đi cùng với thắt lưng buộc bụng, là sự vắng mặt kín đáo của tính cả quyết và phấn khởi và tham vọng, hầu như hạnh phúc là sự tầm thường nhạt nhẽo trong mọi việc. Ngay cả làm tình, hắn nghĩ. Ngay từ đầu, nhà trọ thiếu tiện nghi đối với họ. Doña Lucía cho phép Ana dùng gian bếp với điều kiện đừng cản trở công việc của bà, vì thế Ana và Santiago phải ăn trưa và ăn tối rất sớm hoặc rất trễ. Rồi Ana và Doña Lucía bắt đầu cãi nhau về phòng tắm và tấm ván ủi, việc dùng chổi quét bụi và chổi quét nhà, chuyện màn cửa và tấm vải trải giường bị mòn nhẵn. Ana thử quay lại La Maison de Santé, nhưng không có việc, và họ phải xoay xở hai hay ba tháng trước khi cô tìm được việc làm nửa buổi ở Bệnh xá Delgado. Khi ấy họ bắt đầu tìm một căn chung cư. Khi hắn từ La Crónica về, Santiago thường thấy Ana còn thức, đang tìm trong các mục quảng cáo, và trong lúc hắn thay quần áo, cô kể cho hắn những việc cô làm và những lần đi bộ của cô. Hạnh phúc của cô ấy, Zavalita, là đánh dấu các mục quảng cáo, gọi điện thoại, hỏi han và mặc cả, đi xem năm sáu chỗ sau khi cô từ bệnh xá ra về. Và dù vậy, chính Santiago lại là người tình cờ khám phá ra các căn nhà tí hon ở Porta. Hắn đi phỏng vấn một người sống trên phố Benavides, và khi lên tới Diagonal thì hắn thấy nó. Các căn nhà ấy: mặt tiền đỏ nhạt, những căn nhà tí hon nhỏ nhắn vây quanh một vuông đất nhỏ rải sỏi, cửa sổ có song sắt và bệ đỡ các chậu cây phong lữ. Một tấm bảng ghi: chung cư cho thuê. Họ đã ngần ngại, tám trăm là số tiền lớn. Nhưng họ đã ngán ngẩm vì sự bất tiện của nhà trọ và vì những lần cãi nhau với Doña Lucía nên họ nhận thuê. Dần dần họ bắt đầu lấp đầy các căn phòng nhỏ trống trải bằng mớ bàn ghế rẻ tiền mà họ mua trả góp.

Nếu Ana làm ca sáng ở Bệnh xá Delgado, khi Santiago thức dậy vào buổi trưa hắn sẽ thấy bữa điểm tâm đã sẵn sàng đợi được hâm nóng. Hắn sẽ ngồi đọc cho đến giờ ra tòa báo hay đi lấy tin đâu đó, và Ana sẽ về khoảng ba giờ. Họ ăn trưa, hắn lại đi làm lúc năm giờ và trở về nhà lúc hai giờ sáng. Ana sẽ lật qua một tờ tạp chí, nghe radio, hay chơi bài với láng giềng, bà người Đức có những sứ mạng bí mật quái gở (hôm nay bà là mật thám của Cảnh sát quốc tế, hôm sau là chính trị gia lưu vong, lúc khác là đại diện của một tập đoàn Âu châu đến Peru làm một điệp vụ bí mật), bà sống một mình và những hôm đẹp trời bà sẽ mặc bộ áo tắm ra phơi nắng trên vuông đất. Và thông lệ ngày thứ Bảy, Zavalita, ngày nghỉ của mày. Họ sẽ thức dậy muộn, ăn trưa ở nhà, đi xem xi nê suất trưa ở một rạp gần đó, thả bộ dọc theo Malecón hay qua Công viên Necochea hay trên Avenida Pardo (mình nói chuyện gì? hắn nghĩ, mình nói gì?), luôn luôn đến những nơi hiển nhiên vắng vẻ để khỏi tình cờ gặp anh Nổ hay ông bà già hay Teté, khi đêm xuống họ sẽ ăn trong một quán rẻ tiền (Colinita, hắn nghĩ, cuối tháng ở Cambrinus), đến khuya họ lại lao vào một rạp xi nê, phim mới chiếu nếu họ xoay xở có tiền. Lúc đầu họ chọn phim khá cân bằng, một phim Mễ Tây Cơ buổi chiều, một phim trinh thám hay cao bồi buổi tối. Bây giờ hầu như toàn phim Mễ, hắn nghĩ. Phải chăng mày đã bắt đầu nhượng bộ để mọi việc với Ana được êm xuôi hay vì mày cũng chẳng thiết tha nữa, Zavalita? Thỉnh thoảng thứ Bảy họ đi Ica để ở cả ngày với cha mẹ Ana. Họ không đi thăm ai và họ cũng chẳng có khách, họ không có bạn.

Mày đã không quay lại Negro-Negro với Carlitos, Zavalita, mày đã không quay lại để xoay xở xem một buổi diễn không mất tiền ở các hộp đêm hay quay lại nhà thổ. Họ không hỏi hắn, họ không kèo nài, và một hôm họ bắt đầu trêu hắn: anh đã là một công dân chính trực, Zavalita, anh đã trở thành một nhà tư sản tốt. Ana có hạnh phúc không, có không, em hạnh phúc không, Anita? Một đêm giọng nàng trong bóng tối lúc họ làm tình: anh không rượu chè, anh không theo gái, dĩ nhiên em hạnh phúc, cưng. Một hôm Carlitos đến văn phòng say hơn mọi lần; anh đến ngồi trên bàn làm việc của Santiago và lặng lẽ nhìn hắn, với bộ mặt giận dữ: bây giờ họ chỉ gặp nhau và nói chuyện trong nấm mồ này, Zavalita. Vài ngày sau, Santiago mời anh đến ăn trưa ở căn nhà tí hon. Mang cả China theo, Carlitos, nghĩ xem cô ấy sẽ nói gì, Ana sẽ làm gì: không, China và anh ta đã cắt đứt. Anh đến một mình, bữa ăn trưa hôm ấy căng thẳng và thiếu thoải mái, toàn chuyện dối trá. Carlitos cảm thấy bứt rứt, Ana nhìn anh ta với vẻ ngờ vực và câu chuyện tàn lụi ngay khi vừa nói ra. Từ đó về sau Carlitos không quay lại chỗ của họ nữa. Hắn nghĩ: tôi thề tôi sẽ đến gặp anh.

Thế giới nhỏ bé, nhưng Lima rộng và Miraflores lớn vô tận, Zavalita: sáu tháng, tám tháng sống trong cùng một quận mà không tình cờ gặp ông bà già hay anh Nổ hay Teté. Một đêm ở tòa báo, khi Santiago viết sắp xong bài thì có người chạm vai hắn: ê, Mặt Tàn Nhang. Họ ra uống cà phê ở Colmena.

“Teté và tao làm đám cưới hôm thứ Bảy, Ròm,” Popeye nói. “Vì vậy tao đến gặp mày.”

“Tao biết rồi, tao có đọc trên báo,” Santiago nói. “Mừng mày, Mặt Tàn Nhang.”

“Teté muốn mày làm nhân chứng trong buổi lễ ở tòa,” Popeye nói. “Mày đồng ý chứ? Và Ana với mày phải đến dự tiệc cưới.”

“Mày nhớ cảnh hôm đó ở nhà chứ,” Santiago nói. “Tao chắc mày biết là tao đã không gặp gia đình từ dạo ấy.”

“Mọi việc đã hàn gắn xong, bọn tao cuối cùng thuyết phục được bà già mày.” Bộ mặt hồng hào của Popeye sáng lên với nụ cười lạc quan và tình thân gia đình. “Bà cụ cũng muốn mày đến. Và ông già mày, tao không phải kể với mày chuyện đó. Họ đều muốn gặp hai đứa mày và giải hòa một lần cho xong. Rồi mày thấy họ sẽ đối xử với Ana bằng tình mến thương sâu đậm.”

Họ đã xá tội cho cô ấy, Zavalita. Ông già chắc đã xót xa mỗi ngày suốt mấy tháng đó về chuyện tại sao Ròm không đến, về chuyện mày phải khó chịu và uất ức ra sao, chắc ông đã quở mắng và trách móc mama hàng trăm lần, và nhiều đêm chắc ông đã đến ngồi trong xe trên Avenida Tacna để nhìn mày ra khỏi La Crónica. Họ chắc đã nói chuyện, cãi nhau, và mama chắc đã khóc cho đến khi họ quen với việc mày đã có vợ và cưới ai. Hắn nghĩ: cho đến khi mình, họ tha thứ cho em, Anita. Mình tha thứ cho cô ta vì đã dụ dỗ và cướp thằng Ròm, mình tha thứ cho cô ta vì là gái quê: cô ta có thể đến.

“Đến dự vì Teté, và nhất là vì ông già mày,” Popeye kèo nài. “Mày biết ổng thương mày lắm, Ròm. Và ngay cả vì anh Nổ nữa, chao ơi. Mới chiều nay anh ấy bảo tao là Siêu Não nên bắt đầu cư xử như người lớn mà đến dự.”

“Tao vui lòng được làm nhân chứng cho Teté, Mặt Tàn Nhang à.” Anh Nổ cũng đã tha thứ cho em, Anita: cám ơn, anh Nổ. “Mày phải cho tao biết tao phải ký cái gì và ở đâu.”

“Và tao mong cả hai đứa mày sẽ thường xuyên đến nhà tao, mày đến chứ?” Popeye nói. “Mày không có lý do gì để giận Teté và tao, tụi tao chẳng làm gì mày, phải không? Tụi tao thấy Ana rất tốt.”

“Nhưng tụi tao sẽ không đi dự đám cưới, Mặt Tàn Nhang,” Santiago nói. “Tao không giận ông bà già hay anh Nổ. Tao chỉ không muốn cảnh như lần trước xảy ra nữa.”

“Đừng cứng đầu chứ mày,” Popeye nói. “Bà già mày có thành kiến cũng như mọi người, nhưng trong thâm tâm bà là người rất tốt. Đến dự đám cưới cho Teté mừng, Ròm.”

Popeye đã bỏ hãng nơi nó làm từ hồi tốt nghiệp, công ty nó thành lập cùng với ba đồng nghiệp cũng đang tiến triển tốt, Ròm, họ đã có vài khách hàng. Nhưng nó rất bận, không phải vì nghề kiến trúc hay thậm chí vì vợ chưa cưới của nó – nó vui vẻ thúc khuỷu tay mày, Zavalita – mà vì chính trị: thật phí thì giờ, phải không Ròm?

“Chính trị?” Santiago chớp mắt hỏi. “Mày dính dáng tới chính trị hả, Mặt Tàn Nhang?”

“Belaúnde vì mọi người.” Popeye cười, khoe cái huy hiệu trên ve áo ngoài của nó. “Mày không biết à? Thậm chí tao nằm trong Tiểu ban Hành động Đại chúng. Mày chắc đã đọc báo.”

“Tao chẳng bao giờ đọc tin chính trị,” Santiago nói. “Tao chẳng biết gì cả.”

“Belaúnde là thầy tao ở đại học,” Popeye nói. “Tụi tao sẽ hốt phiếu kỳ bầu cử sắp tới. Ông ta là một người hay lắm, người anh em.”

“Còn ông già mày nói sao?” Santiago mỉm cười. “Ông ấy còn là nghị sĩ của phe Odría không?”

“Gia đình tao là một gia đình dân chủ,” Popeye cười. “Đôi khi tụi tao cãi nhau với ông già, nhưng trên căn bản thân thiện. Mày không ủng hộ Belaúnde sao? Mày đã thấy người ta gọi tụi tao là bọn cánh tả, chỉ lý do đó thôi là đủ để mày ủng hộ ông kiến trúc sư. Hay mày vẫn còn là cộng sản?”

“Hết rồi,” Santiago nói. “Tao chẳng là gì cả, và tao không muốn nghe gì về chính trị. Nó làm tao chán.”

“Bết quá, Ròm,” Popeye thân mật trách hắn. “Nếu ai cũng nghĩ như vậy thì nước này sẽ không bao giờ thay đổi.”

Tối hôm ấy, trong khu nhà tí hon, Ana chăm chú lắng nghe Santiago kể, mắt cô lấp lánh vì tò mò: dĩ nhiên họ sẽ không đi dự dám cưới, Anita. Dĩ nhiên cô không đi, nhưng hắn nên đi, cưng, cô ấy là em hắn. Vả lại, chắc họ sẽ nói Ana không cho hắn đến, họ sẽ càng ghét cô hơn nữa, hắn phải đi. Sáng hôm sau, trong khi Santiago còn ngủ, Teté xuất hiện ở khu nhà tí hon: đầu nó quấn mấy cuộn tóc lộ ra từ dưới tấm khăn lụa trắng, mảnh mai, mặc quần dài và hạnh phúc. Như thể nó gặp mày mỗi ngày, Zavalita: nó cười rũ rượi nhìn mày nhóm bếp để hâm bữa sáng, nó xem xét hai căn phòng nhỏ bằng kính hiển vi, lục lọi sách vở, thậm chí kéo nước bồn cầu để xem thế nào. Nó thích hết mọi thứ: cả khu nhà nom như xây cho búp bê, các căn nhà nhỏ màu đỏ giống hệt nhau, mọi thứ nhỏ tí, xinh quá.

“Đừng làm tung đồ đạc lên, bà chị dâu của em sẽ giận anh,” Santiago nói. “Ngồi xuống nói chuyện một lát.”

Teté ngồi lên trên tủ sách thấp, nhưng nó cứ háo hức nhìn quanh. Nó có yêu Popeye không? Dĩ nhiên, đồ ngu, bộ anh nghĩ nó cưới anh ấy mà không yêu à? Tụi nó sẽ sống với cha mẹ Popeye một thời gian ngắn, cho đến khi xây xong tòa nhà mà ông bà già của Mặt Tàn Nhang cho tụi nó một căn làm quà đám cưới. Tuần trăng mật của tụi nó? Trước tiên đi Mễ Tây Cơ, rồi đi Mỹ.

“Anh hy vọng em sẽ gửi bưu thiếp cho anh,” Santiago nói. “Cả đời anh mơ đi du lịch, thế mà cho đến nay anh đi xa nhất chỉ đến Ica.”

“Anh thậm chí không gọi cho mama hôm sinh nhật của má, anh làm nước mắt chảy lênh láng,” Teté nói. “Nhưng em muốn Chúa nhật này anh với Ana sẽ đến nhà.”

“Anh làm nhân chứng cho em là được rồi,” Santiago nói. “Bọn anh sẽ không đi nhà thờ và bọn anh sẽ không đến nhà.”

“Đừng vớ vẩn, Siêu Não,” Teté vừa nói vừa cười. “Em sẽ thuyết phục Ana và em sẽ cho anh thấy, ha ha. Rồi anh xem, em sẽ rủ được Ana đến tiệc mừng cô dâu của em và mọi thứ.”

Thật vậy, chiều hôm ấy Teté quay lại, Santiago chia tay họ lúc hắn đi đến La Crónica, nó và Ana tán gẫu như hai người bạn lâu năm. Đến tối Ana cười toe toét đón hắn: họ gặp nhau cả buổi chiều và Teté thật tử tế, thậm chí nó đã thuyết phục cô ấy. Họ giải hòa với gia đình hắn một lần cho xong chẳng phải là hơn sao, cưng?

“Không,” Santiago nói. “Tốt hơn là không. Đừng nói tới chuyện đó nữa.”

Nhưng suốt những ngày còn lại trong tuần lễ đó họ cãi nhau sáng đêm về cùng một chuyện, cưng đã thấy muốn đi chưa, họ sẽ đi chứ? Ana đã hứa với Teté là họ sẽ đi, cưng, và tối thứ Bảy lúc đi ngủ họ vẫn còn cãi nhau. Sáng sớm Chúa nhật, Santiago đi gọi điện thoại từ dược phòng ở góc đường Porta và San Martín.

“Anh chị bận gì vậy?” Teté hỏi. “Ana đồng ý đến lúc tám giờ để giúp em. Anh có muốn anh Nổ đến đón anh không?”

“Bọn anh không đến,” Santiago nói. “Anh gọi để chúc mừng em và đừng quên gửi bưu thiếp, Teté.”

“Bộ anh nghĩ là em sẽ quỳ gối xuống năn nỉ hả, đồ ngu?” Teté nói. “Vấn đề của anh là anh có quá nhiều mặc cảm. Dẹp chuyện ngu ngốc của anh lại ngay lập tức rồi đến đây, bằng không em sẽ không bao giờ nói chuyện với anh nữa, Siêu Não.”

“Nếu em tức giận, em sẽ nom xấu xí, em phải đẹp để chụp ảnh,” Santiago nói. “Hôn em một ngàn cái, khi nào về thì đến gặp bọn anh, Teté.”

“Đừng cư xử như hoàng tử bé được nuông chiều nên cái gì cũng bực mình,” Teté vẫn cố nói. “Nào, đưa Ana đến. Mọi người đã nấu món tôm hầm cho anh, đồ ngu.”

Trước khi về lại khu nhà tí hon, hắn đi đến hiệu bán hoa trên Larco đặt mua một bó hồng cho Teté. Anh chị Santiago và Ana chúc mừng cho cả hai đứa, hắn nghĩ. Ana uất ức và không nói tiếng nào với hắn cho đến khi trời tối.

° ° °

“Không phải vì lý do tiền bạc?” Queta hỏi. “Vậy thì tại sao, vì anh sợ?”

“Đôi lúc,” Ambrosio nói. “Đôi lúc vì tôi hối tiếc thì đúng hơn. Vì biết ơn, vì kính trọng. Thậm chí tình bạn, vẫn giữ khoảng cách. Tôi biết cô không tin tôi, nhưng đúng vậy. Hứa danh dự.”

“Anh không bao giờ cảm thấy xấu hổ sao?” Queta hỏi. “Với thiên hạ, với bạn bè của anh. Hay là anh nói với họ y như anh đang nói với tôi?”

Cô thấy gã mỉm cười hơi cay đắng trong bóng nhá nhem; cửa sổ hướng ra đường mở nhưng lặng gió, và tấm thân trần của gã bắt đầu toát mồ hôi trong bầu không khí ngột ngạt lẫn hôi hám của căn phòng. Queta hơi nhích ra để gã không cọ vào cô.

“Bạn bè của tôi ở quê, không đứa nào sống ở đây,” Ambrosio nói. “Chỉ có bạn qua đường, như thằng bây giờ là tài xế cho Don Cayo, hoặc Hipólito, thằng kia, đứa cận vệ của ông ta. Tụi nó không biết. Và ngay cả nếu tụi nó biết tôi cũng chẳng bận tâm. Đối với tụi nó thì hình như chẳng có gì là xấu, cô biết đấy. Tôi đã kể cho cô chuyện Hipólito với đám tù, cô không nhớ à? Tại sao tôi lại xấu hổ với tụi nó làm gì?”

“Anh chưa bao giờ xấu hổ với tôi à?” Queta hỏi.

“Cả cô cũng không,” Ambrosio nói. “Cô sẽ không ngồi lê đôi mách mấy chuyện đó.”

“Tại sao không?” Queta nói. “Anh đâu có trả tiền cho tôi để giữ bí mật của anh.”

“Vì cô không muốn họ biết tôi đến đây,” Ambrosio nói. “Vì lý do đó cô sẽ không ngồi lê đôi mách.”

“Nếu tôi kể cho bà điên chuyện anh nói với tôi thì sao?” Queta hỏi. “Anh sẽ làm gì nếu tôi kể cho mọi người?”

Gã cười nhẹ và nhã nhặn trong bóng tối. Gã nằm ngửa hút thuốc, và Queta thấy các vòng khói nhỏ quyện lẫn trong không khí. Không có tiếng người, không có xe chạy ngang, thỉnh thoảng có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ trên bàn ngủ rồi chìm mất, để rồi một lát sau lại nghe thấy.

“Tôi sẽ không bao giờ quay lại,” Ambrosio nói. “Và cô mất một khách hàng tốt.”

“Tôi gần như mất ông khách đó rồi.” Queta cười. “Trước kia anh thường đến một hai tháng một lần. Còn bây giờ bao lâu rồi? Năm tháng? Lâu hơn. Chuyện gì vậy? Có phải vì Bi Vàng?”

“Gặp cô chỉ một chút là mất hai tuần làm việc của tôi,” Ambrosio giải thích. “Tôi đâu có thể hưởng thú vui đó thường được. Vả lại, cô cũng chẳng ở đây nhiều. Tháng này tôi đến ba lần mà không gặp cô lần nào.”

“Ông ta sẽ làm gì anh nếu ông ta biết anh đến đây?” Queta hỏi. “Bi Vàng.”

“Ông ấy không như cô nghĩ,” Ambrosio nói rất nhanh, với giọng nghiêm nghị. “Ông ấy không phải là kẻ thâm hiểm, ông ấy không bạo ngược. Ông ấy đúng là người lịch sự, tôi đã nói với cô rồi.”

“Ông ta sẽ làm gì?” Queta khăng khăng. “Nếu một hôm tôi gặp ông ta ở San Miguel và kể cho ông ta là Ambrosio lấy tiền của ông rồi tiêu cho tôi?”

“Cô chỉ biết một mặt của ông ấy, vì thế cô rất sai lầm về ông ấy,” Ambrosio nói. “Ông ấy còn một mặt khác. Ông ấy không phải kẻ bạo ngược, ông ấy tốt, ông ấy lịch sự. Ông ấy khiến người ta cảm thấy kính trọng ông ấy.”

Queta cười càng lớn hơn rồi nhìn Ambrosio: gã đang châm một điếu thuốc nữa, và ngọn lửa nhỏ thoáng qua của que diêm cho cô thấy cặp mắt thỏa mãn và vẻ nghiêm nghị của gã, thanh thản, và mồ hôi lấp lánh trên trán gã.

“Ông ta cũng biến anh thành kẻ kính trọng ông ta,” cô nói nhỏ. “Không phải vì ông ta trả lương hậu hĩnh cho anh hay vì anh sợ. Anh thích ở bên cạnh ông ta.”

“Tôi thích là tài xế cho ông ấy,” Ambrosio nói. “Tôi có phòng riêng, tôi kiếm được nhiều tiền hơn hồi trước, và mọi người đối xử đàng hoàng với tôi.”

“Và khi ông ta tuột quần rồi bảo anh làm nhiệm vụ.” Queta cười. “Anh cũng thích phải không?”

“Không phải như cô nghĩ,” Ambrosio chậm rãi lặp lại. “Tôi biết cô tưởng tượng chuyện gì. Không đúng, không như vậy.”

“Còn khi anh thấy tởm thì sao?” Queta hỏi. “Đôi lúc tôi cũng thấy tởm, nhưng kệ xác nó, tôi dạng chân ra rồi thì cũng vậy hết. Còn anh thì sao?”

“Đôi lúc làm mình cảm thấy thương hại,” Ambrosio thì thào. “Tôi cũng vậy, ông ấy cũng vậy. Cô tưởng là xảy ra mỗi ngày. Không, thậm chí mỗi tháng một lần cũng không. Chỉ khi ông ấy có chuyện rắc rối. Tôi đoán được, tôi thấy ông ấy lên xe và tôi nghĩ có chuyện rắc rối rồi. Ông ấy tái nhợt, mắt trũng sâu, giọng ông ấy kỳ lạ. Ông ấy nói đưa tôi tới Ancón. Hoặc mình đi Ancón, hoặc đi Ancón. Tôi đoán được. Suốt chuyến đi không nói một tiếng. Nếu cô thấy mặt ông ấy, cô sẽ nói có người thân ông ấy chết hay có ai nói với ông ấy là tối nay ông sẽ chết.”

“Chuyện gì xảy ra với anh, anh cảm thấy gì?” Queta hỏi. “Khi ông ta bảo anh đưa tôi đi Ancón.”

“Cô có cảm thấy tởm khi Don Cayo bảo cô đến San Miguel tối nay không?” Ambrosio hỏi bằng giọng rất thấp. “Khi bà chủ gọi cô đến?”

“Hết rồi.” Queta cười. “Bà điên là bạn tôi, tụi tôi là bồ bịch. Thay vào đó tụi tôi cười hắn. Anh có nghĩ là vật tế thần tới rồi nè, anh có cảm thấy anh ghét ông ta không?”

“Tôi nghĩ tới những gì sẽ xảy ra khi chúng tôi đến Ancón, và tôi cảm thấy khó chịu,” Ambrosio than thở và Queta thấy gã sờ lên bụng. “Khó chịu ở đây, nó bắt đầu nhộn nhạo. Nó làm tôi sợ, làm tôi cảm thấy hối tiếc, làm tôi tức giận. Chắc là tôi hy vọng hôm nay chúng tôi chỉ nói chuyện thôi.”

“Chúng tôi nói chuyện?” Queta cười. “Có khi nào ông ta đưa anh đến đó chỉ để nói chuyện không?”

“Ông ấy đi vào với bộ mặt đưa đám, kéo màn cửa rồi tự rót rượu,” Ambrosio trầm giọng nói. “Tôi biết có điều gì gặm nhấm bên trong ông ấy, ngấu nghiến ông ấy. Ông ấy kể cho tôi, cô biết đấy. Tôi thậm chí thấy ông ấy khóc, cô biết đấy.”

“Nhanh lên, đi tắm đi, mặc cái này vào hả?” Queta kể lể, nhìn gã. “Ông ta làm gì, ông ta bắt anh làm gì?”

“Mặt ông ấy cứ càng lúc càng tái, còn giọng ông ấy căng thẳng,” Ambrosio lẩm bẩm. “Ông ấy ngồi xuống, nói ngồi xuống. Ông ấy hỏi chuyện tôi, nói chuyện với tôi. Ông ấy khơi chuyện để chúng tôi tán gẫu.”

“Ông ta có nói với anh về đàn bà không, ông ta có nói chuyện tục tĩu với anh không, có cho anh xem hình, tạp chí không?” Queta nói tiếp. “Tôi chỉ dạng chân ra. Còn anh thì sao?”

“Tôi kể cho ông ấy những chuyện về tôi,” Ambrosio rên rỉ. “Về Chincha, về hồi tôi còn nhỏ, về mẹ tôi. Về Don Cayo, ông ấy khiến tôi kể nhiều chuyện cho ông ấy, ông hỏi tôi đủ thứ. Ông ấy làm tôi cảm thấy như bạn của ông ấy, cô biết đấy.”

“Ông ta làm anh hết sợ, ông ta làm anh cảm thấy thoải mái,” Queta nói. “Mèo vờn chuột. Còn anh thì sao?”

“Ông ấy bắt đầu nói về chuyện làm ăn của ông ấy và các thứ, về các mối lo của ông ấy,” Ambrosio lẩm bẩm. “Uống rượu liên miên. Tôi cũng vậy. Và suốt buổi tôi có thể thấy qua khuôn mặt của ông ấy điều gì đang ngấu nghiến, điều gì đang gặm nhấm ông ấy.”

“Có phải lúc đó anh dùng cách xưng hô suồng sã với ông ta?” Queta hỏi. “Trong những lúc đó anh có dám không?”

“Tôi không dùng cách xưng hô suồng sã với cô, mặc dù tôi đã đến cái giường này hai năm rồi, đúng không?” Ambrosio lầm bầm. “Ông ấy kể hết mọi thứ làm ông lo lắng, chuyện làm ăn, chuyện chính trị, chuyện con cái. Ông ấy cứ nói liên miên và tôi biết trong bụng ông có chuyện gì. Ông ấy nói với tôi là ông xấu hổ, ông ấy kể với tôi, cô biết đấy.”

“Ông ta bắt đầu khóc vì cái gì?” Queta hỏi. “Vì anh không…?”

“Đôi khi ông ấy tiếp tục hàng giờ như vậy,” Ambrosio càu nhàu. “Ông ấy nói, tôi nghe, tôi nói, ông ấy nghe. Và cứ uống cho đến khi tôi cảm thấy không uống thêm được giọt nào nữa.”

“Vì anh không hứng?” Queta hỏi. “Chỉ khi uống rượu anh mới hứng phải không?”

“Nhờ cái ông ấy cho vào rượu,” Ambrosio lầm bầm. Giọng gã càng lúc càng nhỏ, cho đến khi hầu như tắt hẳn, và Queta nhìn gã: gã đã gác cánh tay lên mặt như một người nằm ngửa phơi nắng trên bãi biển. “Lần đầu tiên tôi bắt gặp, ông ấy hiểu là tôi đã thấy. Ông ấy hiểu là tôi ngạc nhiên. Ông bỏ cái gì vào đó?”

“Không, cái này là vỏ cây yohimbina,” Don Fermín nói. “Xem này, tôi cũng bỏ vào ly của tôi. Không có gì cả, nâng ly, nào uống cạn.”

“Đôi lúc không phải là rượu, không yohimbina, không gì cả,” Ambrosio lầm bầm. “Ông ấy biết, tôi biết ông ấy biết. Cặp mắt ông ấy làm mình muốn khóc, giọng ông ấy. Uống, uống. Tôi đã thấy ông ấy bật khóc, cô biết đấy. Ông ấy nói đi đi, cút đi, rồi tự nhốt trong phòng. Tôi có thể nghe ông ấy nói một mình, gào thét. Ông ấy điên lên vì xấu hổ, cô biết đấy.”

“Ông ta có tức giận anh không, ông ta có giở trò ghen tuông không?” Queta hỏi. “Ông ta có nghĩ…?”

“Không phải lỗi tại anh, không phải lỗi tại anh,” Don Fermín rên rỉ. “Cũng không phải lỗi tại tôi. Một người đàn ông lẽ ra không nên hứng tình vì một người đàn ông khác, tôi biết.”

“Ông ấy quỳ xuống, cô biết đấy,” Ambrosio rên rỉ. “Than vãn, đôi khi suýt khóc. Để cho tôi là tôi đi, ông ấy nói, để cho tôi là điếm đi, Ambrosio. Cô thấy không? Ông ấy tự sỉ nhục, ông ấy đau khổ. Để tôi sờ anh, để tôi hôn nó, quỳ gối, với tôi, cô thấy không? Tệ hơn một cô điếm, cô thấy không?”

Queta cười chậm rãi, lăn ngửa ra và thở dài.

“Anh cảm thấy tội nghiệp cho ông ta vì vậy,” cô lẩm bẩm với vẻ giận dữ buồn nản. “Tôi cảm thấy tội nghiệp cho anh hơn.”

“Đôi lúc thậm chí không xảy ra khi ấy, thậm chí không xảy ra khi ấy,” Ambrosio rên rỉ. “Tôi nghĩ ông ấy sắp lên cơn thịnh nộ, ông ấy sắp hóa điên, ông ấy sắp… Nhưng không, không. Đi đi, cút đi, ông nói, anh nói đúng, để tôi yên, hai giờ nữa anh quay lại, một giờ nữa.”

“Còn lúc anh có thể ban ân huệ cho ông ta thì sao?” Queta hỏi. “Ông ta có vui không, ông ta có móc ví và…?”

“Ông ấy cũng ngượng,” Ambrosio rên rỉ. “Ông ấy vào phòng tắm, tự nhốt bên trong và không đi ra. Tôi vào phòng tắm khác, tắm, xoa xà phòng khắp người. Có nước nóng và đủ mọi thứ. Tôi quay lại thì ông ấy vẫn chưa ra. Ông ấy tắm rửa hàng giờ, bôi nước hoa. Ông ấy tái nhợt lúc bước ra, không nói gì. Đi ra xe, ông ấy nói, tôi sẽ xuống ngay. Cho tôi xuống dưới phố, ông ấy nói, tôi không muốn mình về nhà cùng lúc. Ông ấy xấu hổ, thấy không?”

“Còn ghen tuông thì sao?” Queta hỏi. “Ông ta nghĩ anh không bao giờ đi chơi với đàn bà à?”

“Ông ấy không bao giờ hỏi tôi chuyện đó,” Ambrosio nói, lấy tay ra khỏi mặt. “Hoặc hỏi tôi làm gì trong ngày nghỉ của tôi hay bất cứ điều gì, chỉ nghe những gì tôi kể cho ông. Nhưng tôi biết ông ấy sẽ cảm thấy gì nếu ông biết tôi đi chơi với đàn bà. Không ghen tuông, cô không thấy sao? Vì xấu hổ, sợ người ta biết. Ông ấy sẽ không làm gì tôi, ông ấy sẽ không tức giận. Ông ấy sẽ nói, đi đi, cút đi, thế thôi. Tôi biết ông ấy thế nào. Ông ấy không phải loại người sỉ nhục cô, ông ấy không biết cách đối xử tệ với kẻ khác. Ông ấy sẽ nói không sao, anh đúng, nhưng đi đi, cút đi. Ông ấy sẽ đau khổ và chỉ thế thôi, cô thấy không? Ông ấy là người lịch sự, không như cô nghĩ.”

“Bi Vàng làm tôi tởm hơn cả Cayo Đầu Cứt,” Queta nói.

° ° °

Tối hôm ấy, vào tháng thứ tám, chị cảm thấy đau lưng và Ambrosio vừa miễn cưỡng vừa ngái ngủ xoa bóp cho chị. Chị thức giấc với cảm giác cháy bỏng và mê mụ đến nỗi khi Amalita Hortensia bắt đầu càu nhàu chị đã bật khóc, khổ sở vì ý nghĩ phải ngồi dậy. Trong khi ngồi trên giường, chị thấy những vết bẩn màu sô cô la trên nệm.

“Cô ấy nghĩ đứa bé đã chết trong bụng,” Ambrosio nói. “Cô ấy nghi ngờ điều gì đó, vì cô ấy bắt đầu khóc và bắt tôi đưa cô ấy đến bệnh viện. Đừng sợ, em sợ cái gì.”

Họ đứng xếp hàng như thông lệ, nhìn đàn kên kên trên mái nhà xác, và bác sĩ bảo Amalia chị vào ngay lập tức. Ông ấy tìm thấy gì, thưa bác sĩ? Họ sẽ phải dùng thuốc thúc đẻ, bà ơi, bác sĩ giải thích. Ông nói thúc đẻ nghĩa là gì, bác sĩ? và ông ta không nói, bà ơi, chẳng có gì nghiêm trọng.

“Cô ấy ở lại đó,” Ambrosio nói. “Tôi mang các thứ cho cô ấy, tôi để Amalita Hortensia lại cho Doña Lupe, tôi đi lái chiếc xe cọc cạch. Đến chiều tối, tôi trở về thăm cô ấy. Cánh tay và một bên mông của cô ấy tím hết vì bị tiêm quá nhiều.”

Họ đưa chị vào phòng bệnh: võng và giường sát nhau tới nỗi người đến thăm phải đứng ở chân giường vì không đủ chỗ để lại gần bệnh nhân. Suốt buổi sáng Amalia ngó ra cửa sổ lớn có song sắt, nhìn các túp lều của khu định cư mới mọc lên phía sau nhà xác. Doña Lupe đã bê Amalita Hortensia đến thăm chị, nhưng một cô y tá bảo bà đừng mang con bé đến nữa. Chị nhờ Doña Lupe ghé qua cabin mỗi khi có dịp để xem Ambrosio có cần gì, và Doña Lupe nói dĩ nhiên, bà cũng nấu ăn cho gã.

“Một cô y tá bảo tôi là có vẻ họ sẽ phải giải phẫu,” Ambrosio nói. “Có nghiêm trọng lắm không? Không. Họ lừa tôi, cậu thấy không, thưa cậu?”

Mấy mũi tiêm làm hết đau và cơn sốt đã hạ, nhưng chị cứ làm vấy bẩn giường suốt ngày với mấy đốm nhỏ màu sô cô la, y tá đã thay băng vệ sinh cho chị ba lần. Hình như họ sẽ phải giải phẫu, Ambrosio bảo chị. Chị hoảng sợ: không, chị không muốn họ giải phẫu. Như thế mới tốt, đồ vớ vẩn. Chị bắt đầu khóc và tất cả bệnh nhân nhìn chị.

“Cô ấy nom sầu khổ đến nỗi tôi bắt đầu bịa chuyện,” Ambrosio nói. “Bọn anh sẽ mua chiếc xe vận tải đó, Panta và anh, hôm nay bọn anh đã quyết định. Cô ấy thậm chí chẳng lắng nghe tôi. Mắt cô ấy to, như thế này.”

Chị thức suốt đêm vì một bệnh nhân cứ ho sù sụ, và hoảng sợ vì một người khác cứ cử động trên võng bên cạnh chị và chửi bới một bà nào đó trong giấc ngủ. Chị năn nỉ, chị khóc lóc, và bác sĩ nghe chị: cứ tiêm, cứ thuốc, bất cứ cái gì, nhưng đừng mổ tôi, lần trước chị đã đau lắm, thưa bác sĩ. Buổi sáng họ mang mấy cốc cà phê cho tất cả bệnh nhân trong phòng, trừ chị. Y tá đến, không nói một tiếng, tiêm cho chị một mũi. Chị bắt đầu năn nỉ cô ta gọi bác sĩ, chị phải nói chuyện với ông ấy, chị sẽ thuyết phục ông ấy, nhưng y tá không thèm chú ý đến chị: bộ chị nghĩ họ sẽ giải phẫu chị vì họ thích à, đồ vớ vẩn? Rồi với một cô y tá khác, cô ta kéo giường chị ra cửa phòng bệnh và họ chuyển chị qua cáng, và khi họ bắt đầu lăn cáng, chị ngồi dậy hét gọi chồng chị. Các cô y tá đi ra, bác sĩ đến, khó chịu: chuyện gì ầm ĩ thế này, chuyện gì vậy. Chị năn nỉ ông, kể với ông về Bệnh viện Phụ sản, những thứ chị đã trải qua, và bác sĩ gật đầu: được, tốt, cứ bình tĩnh. Như thế cho đến sáng y tá vào: chồng chị đây, khóc thế đủ rồi.

“Cô ấy nắm lấy tôi,” Ambrosio nói. “Đừng cho họ mổ, em không muốn họ mổ. Cho đến khi bác sĩ hết kiên nhẫn. Hoặc là chúng tôi được phép của ông bà, hoặc là ông đem bà ấy ra khỏi đây. Tôi phải làm sao, thưa cậu?”

Họ cố thuyết phục chị, Ambrosio và một bà y tá già, già hơn và tử tế hơn cô đầu tiên, bà ta trìu mến nói với chị, bảo chị như thế là tốt cho chị và tốt cho em bé. Cuối cùng chị nói thôi được, và nói chị sẽ bằng lòng. Khi ấy họ đặt chị lên cáng đẩy đi. Ambrosio theo sau chị đến cửa một phòng khác, nói gì đó mà chị gần như không nghe thấy.

“Cô ấy đánh hơi thấy, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Nếu không tại sao cô ấy tuyệt vọng đến thế, sợ hãi đến thế.”

Mặt Ambrosio khuất đi và họ đóng cửa. Chị thấy bác sĩ đang mặc cái tạp dề và nói với một ông khác mặc đồ trắng, đội cái mũ nhỏ và đeo mặt nạ. Hai người y tá đã khiêng chị ra khỏi xe và đặt chị nằm lên một cái bàn. Chị xin họ nâng đầu chị lên, nằm như thế chị ngộp thở, nhưng thay vì làm vậy họ nói với chị là ừ, được rồi, bây giờ im lặng, được rồi. Hai ông mặc áo trắng tiếp tục nói chuyện và các y tá đi xung quanh chị. Họ bật ngọn đèn trên mặt chị, sáng đến nỗi chị phải nhắm mắt, và một lúc sau chị cảm thấy họ tiêm cho chị một mũi nữa. Rồi chị thấy mặt bác sĩ rất gần mặt chị và nghe ông ta bảo chị bắt đầu đếm, một, hai, ba. Trong khi chị đếm, chị cảm thấy giọng chị tắt dần.

“Đã thế mà tôi vẫn phải làm việc,” Ambrosio nói. “Họ đưa cô ấy vào phòng và tôi ra khỏi bệnh viện, nhưng tôi đến nhà Doña Lupe và bà bảo tội nghiệp, làm sao anh không ở lại cho đến khi mổ xong. Vì thế tôi quay lại bệnh viện, thưa cậu.”

Đối với chị hình như mọi thứ chuyển động êm ả và chị cũng thế, như thể chị đang bềnh bồng trên mặt nước, dù vậy chị không nhận ra khuôn mặt rầu rĩ của Ambrosio và Doña Lupe bên cạnh mình. Chị cố hỏi họ là mổ xong chưa? bảo họ tôi không thấy đau đớn gì, nhưng chị không có sức để nói.

“Thậm chí không có chỗ để ngồi,” Ambrosio nói. “Đứng đó, hút hết mớ thuốc tôi có. Rồi Doña Lupe đến, bà ấy cũng đợi thế mà họ vẫn chưa mang cô ấy ra khỏi phòng.”

Chị không cử động, đối với chị hình như một cử động nhỏ nhất cũng đủ làm bao nhiêu mũi kim đâm vào chị. Chị không cảm thấy đau đớn, mà chỉ cảm thấy nỗi sợ đau nặng nề toát mồ hôi cùng lúc với nỗi bạc nhược, và chị có thể nghe, như thể họ đang nói trong bí mật hay ở xa, rất xa, giọng của Ambrosio, của Doña Lupe, và ngay cả giọng của Señora Hortensia: sinh chưa, con trai hay con gái?

“Cuối cùng một cô y tá đẩy cửa ra, tránh ra,” Ambrosio nói. “Cô ta bỏ đi rồi trở lại mang theo vật gì. Chuyện gì vậy? Cô ta lại đẩy tôi rồi một lúc sau một cô khác đi ra. Chúng tôi không cứu được đứa bé, cô ta nói, nhưng có khả năng chúng tôi cứu được người mẹ.”

Hình như Ambrosio đang khóc và Doña Lupe đang cầu nguyện, hình như người ta xoay tròn xung quanh họ và nói chuyện với họ. Có ai khom trên người chị, môi ông ta gần mặt chị. Họ nghĩ cô sắp chết, chị nghĩ, họ nghĩ cô chết rồi. Chị cảm thấy rất ngạc nhiên và rất buồn cho mọi người.

“Có khả năng cứu được cô ấy cũng có nghĩa là có khả năng cô ấy sẽ chết,” Ambrosio nói. “Doña Lupe bắt đầu quỳ xuống cầu nguyện. Tôi đi đến dựa vào tường, thưa cậu.”

Chị không thể bảo việc này cách việc kia bao lâu, và vẫn nghe họ nói, nhưng bây giờ những quãng im lặng kéo dài cũng có thể nghe thấy, cũng làm ồn. Chị vẫn cảm thấy chị đang bồng bềnh, cảm thấy chị đang chìm xuống nước một chút rồi nổi lên rồi lại chìm và bỗng thấy khuôn mặt của Amalita Hortensia. Chị nghe: chùi chân trước khi vào nhà.

“Rồi bác sĩ đi ra và đặt tay lên chỗ này của tôi,” Ambrosio nói. “Chúng tôi đã làm mọi cách để cứu vợ ông, nhưng Chúa không muốn và bao nhiêu điều khác tôi không biết nữa, thưa cậu.”

Chị thấy hình như họ sắp kéo chị xuống, chị sắp chìm, và chỉ nghĩ mình sẽ không nhìn, mình sẽ không nói, chị sẽ không cử động và như thế chị sẽ tiếp tục nổi bồng bềnh. Chị nghĩ làm sao mình có thể nghe mấy chuyện đã xảy ra trong quá khứ, đồ ngu? và chị trở nên sợ hãi và lại cảm thấy rất đau.

“Chúng tôi thức canh xác cô ấy ở bệnh viện,” Ambrosio nói. “Tất cả tài xế của công ty Morales và Pucallpa đến, ngay cả thằng khốn Don Hilario cũng đến chia buồn.”

Chị cảm thấy càng lúc càng đau hơn trong khi chị chìm, và chị cảm thấy mình đang chìm xuống, vừa chìm vừa xoay tròn đến chóng mặt và chị biết những điều chị đang nghe đã ở lại bên trên, và điều duy nhất chị có thể làm trong lúc chị chìm, trong lúc chị rơi xuống là chịu đựng cái đau khủng khiếp ấy.

“Chúng tôi chôn cô ấy trong một cái quan tài của Quan tài Hài nhi,” Ambrosio nói. “Chúng tôi phải trả không rõ bao nhiêu cho nghĩa trang. Tôi không có số tiền ấy. Các tài xế quyên góp và thậm chí thằng khốn Don Hilario cũng góp. Và cùng hôm tôi chôn cô ấy, bệnh viện gửi người đến thu tiền. Chết hay không vẫn phải trả tiền. Trả bằng cái gì, thưa cậu?”

Trước
image
Chương 29
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 7
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!