“Như thế nào, thưa cậu?” Ambrosio hỏi. “Ông có đau nhiều không trước khi…?”
Đã một thời gian qua sau lần đầu tiên Carlitos bị mê sảng vì nghiện rượu, Zavalita. Một đêm anh ta tuyên bố trong văn phòng thành phố, với vẻ cương quyết: tôi bỏ rượu một tháng. Không ai tin anh, nhưng Carlitos tỉ mỉ theo đúng việc cai rượu tự nguyện của anh và bốn tuần không đụng đến một giọt rượu. Mỗi ngày anh gạch một số trong tờ lịch trên bàn làm việc của mình và vẫy vẫy nó với vẻ thách thức: mười ngày, mười sáu ngày. Đến cuối tháng anh tuyên bố: bây giờ đến lượt tôi trả thù. Tối hôm đó anh bắt đầu uống khi ra khỏi chỗ làm, thoạt tiên với Norwin và Solórzano trong các hầm rượu xập xệ dưới phố, rồi anh tình cờ gặp mấy phóng viên thể thao đang mừng sinh nhật của một người nào đó trong quán rượu, và đến sáng anh uống ở chợ Parada với bọn lạ mặt, về sau chính anh kể tụi nó ăn cắp ví và đồng hồ của anh. Sáng hôm ấy họ gặp anh ở văn phòng của Última Hora và La Prensa, đang cố mượn tiền, và khi đêm xuống Arispe thấy anh ngồi ở bàn của Zela Bar trên đường Portal, mũi anh như quả cà chua và mắt anh lờ đờ, uống rượu một mình. Ông ngồi xuống với anh, nhưng ông không nói chuyện được với anh. Anh ta không say, Arispe kể với họ, mà là ngâm trong rượu. Tối hôm ấy anh thò mặt tới tòa soạn, bước đi cực kỳ cẩn thận và nhìn thẳng xuyên qua đồ vật. Anh có mùi thiếu ngủ, một tổng hợp khôn tả, và gương mặt anh có một vẻ bứt rứt run rẩy, một vẻ bừng bừng trên làn da gò má, thái dương, trán và cằm: tất cả rộn ràng. Không trả lời các câu bình phẩm, anh trôi bồng bềnh đến bàn làm việc rồi đứng đó, nhìn máy đánh chữ cái vẻ lo âu. Thình lình anh cố hết sức khiêng nó lên khỏi đầu, và không nói một lời, buông nó ra: một tiếng ầm lớn, Zavalita, tiếng loảng xoảng của các phím chữ và đinh ốc. Khi họ đến giữ lấy anh, anh bắt đầu chạy, phát ra những tiếng gầm gừ: anh ném tung giấy, đá đổ giỏ rác, vấp lên ghế. Hôm sau anh bị đưa vào nhà thương lần đầu. Từ đó đến nay bao nhiêu lần nữa, Zavalita? Hắn nghĩ: ba lần.
“Hình như không,” Santiago nói. “Hình như ông chết trong lúc ngủ.”
Lúc ấy là một tháng sau đám cưới của anh Nổ và Cary, Zavalita. Ana và Santiago nhận tin báo và thiệp mời, nhưng họ không dự hay gọi điện thoại hay gửi hoa. Popeye và Teté thậm chí chẳng cố thuyết phục họ. Bọn nó đến khu nhà tí hon vài tuần sau khi đi tuần trăng mật về, và không buồn giận gì. Bọn nó kể huyên thuyên chi tiết chuyến đi của chúng đến Mễ Tây Cơ và Mỹ, rồi sau đó họ lên xe của Popeye đi một vòng và ghé uống sinh tố ở Herradura. Họ tiếp tục gặp nhau rất thường trong năm đó, ở khu nhà tí hon và đôi lúc ở San Isidro khi Popeye và Teté dọn vào căn chung cư của tụi nó. Mày biết tất cả tin tức qua tụi nó, Zavalita: anh Nổ đính hôn, chuyện sửa soạn đám cưới, chuyến đi Âu châu sắp tới của cha mẹ hắn. Popeye để hết tâm trí vào chính trị. Nó sẽ tháp tùng Belaúnde trong chuyến đi của ông ta đến các tỉnh và Teté sắp sinh em bé.
“Anh Nổ làm đám cưới vào tháng Hai, và ông già chết tháng Ba,” Santiago nói. “Ông và mama sắp đi Âu châu thì ông chết.”
“Vậy thì ông chết ở Ancón?” Ambrosio hỏi.
“Ở Miraflores,” Santiago nói. “Mùa hè đó họ không đi Ancón vì đám cưới của anh Nổ. Tôi nghĩ họ chỉ đi Ancón vào cuối tuần.”
Một thời gian ngắn sau khi họ nuôi con Náo, Zavalita. Một buổi chiều Ana từ Bệnh xá Delgado về với cái hộp đựng giày nhúc nhích: cô ấy mở hộp và Santiago thấy cái gì trắng nho nhỏ nhảy ra: người làm vườn đã hết sức trìu mến cho cô đến nỗi cô không thể từ chối, cưng ơi. Lúc đầu nó gây phiền phức, là nguyên nhân cãi nhau. Nó tè trong phòng khách, trên giường, trong phòng tắm, và khi Ana cố dạy nó làm phận sự bên ngoài nhà, bằng cách đét đít nó hay chà xát mũi nó vào đống phân và nước tiểu, Santiago tới bênh nó và họ cãi nhau, và khi nó bắt đầu nhai sách, Santiago sẽ đánh nó còn Ana bênh nó và họ cãi nhau một trận. Một thời gian sau nó biết: nó sẽ cào cửa đòi ra đường khi nó muốn tè, và nó sẽ giật nảy mình khi nhìn kệ sách. Những ngày đầu nó ngủ trên mấy cái giẻ cũ trong bếp, nhưng đến đêm nó lại tru và tới rên rỉ bên cửa phòng ngủ, vì thế rốt cuộc họ dọn một góc cho nó bên cạnh giá để giày. Dần dần nó chiếm được quyền leo lên giường. Sáng hôm ấy nó chui vào giỏ mây đựng quần áo rồi cố leo ra, Zavalita, và mày nhìn nó. Nó đứng lên, bám hai chân trước trên mép giỏ, nó tì hết sức nặng của nó ra phía trước và cái giỏ mây bắt đầu đu đưa rồi cuối cùng lật nhào. Sau vài giây không nhúc nhích, nó vẫy đuôi rồi chạy trốn, và đúng lúc ấy có tiếng gõ trên cửa sổ và khuôn mặt của Popeye.
“Ông già mày, Ròm,” giọng tắc nghẽn, Zavalita, nặng nề, chắc nó đã chạy suốt từ xe của nó đến. “Anh Nổ vừa mới gọi cho tao.”
Mày đang mặc áo ngủ, mày không tìm thấy quần đùi, chân mày vướng trong quần, và trong khi mày viết mấy chữ cho Ana, tay mày bắt đầu run, Zavalita.
“Nhanh lên,” Popeye đứng ở cửa nói. “Nhanh lên, Ròm.”
Họ đến Bệnh viện Hoa Kỳ cùng lúc với Teté. Nó không ở nhà lúc Popeye nhận cú điện thoại, nó đi nhà thờ, và một tay nó cầm tin nhắn của Popeye, tay kia cầm tấm khăn choàng và cuốn sách kinh. Họ mất vài phút đi tới lui qua các hành lang cho đến khi rẽ ở một góc, họ thấy anh Nổ. Hóa trang, hắn nghĩ: chiếc áo ngủ màu đỏ và trắng, quần không cài cúc, áo ngoài khác màu, và anh ấy không đi tất. Anh đang ôm vợ, Cary khóc, và có một bác sĩ đang mấp máy môi với vẻ tang tóc. Anh bắt tay mày, Zavalita, và Teté bắt đầu khóc òa. Ông đã chết trước khi họ đưa ông đến bệnh viện, bác sĩ nói, chắc ông đã chết sáng hôm ấy khi mẹ anh thức dậy thấy ông nằm cứng đờ bất động, miệng há. Họ nói ông chết trong lúc ngủ, ông không đau đớn. Nhưng anh Nổ tin chắc là khi anh, Cary và người quản gia đưa ông vào xe, ông vẫn còn sống, anh vẫn thấy tim đập. Mama đang trong phòng cấp cứu, và khi mày vào phòng, họ đang tiêm một mũi an thần cho bà: bà đang nói mê sảng và khi mày ôm bà, bà rú lên. Chốc lát sau bà thiếp ngủ, và tiếng rú lớn nhất là của Teté. Rồi họ hàng bắt đầu đến, rồi Ana, và mày, Popeye và anh Nổ đã lo thu xếp mọi việc suốt buổi chiều, Zavalita. Xe tang, hắn nghĩ, những lo liệu với bên nghĩa trang, cáo phó trên báo. Rồi mày lại giải hòa với gia đình, Zavalita, từ đó đến nay mày không có vụ cãi nhau nào. Anh Nổ nức nở giữa các vụ dàn xếp, hắn nghĩ, anh ấy có thuốc an thần trong túi và anh cứ nuốt như kẹo. Khi trời tối họ về nhà, và mảnh vườn, các căn phòng, phòng làm việc đã đầy người. Mama đứng lên trông nom việc chuẩn bị thức canh xác. Bà không khóc, bà không trang điểm, và nom bà cực kỳ xấu. Xung quanh bà có Teté và Cary, dì Eliana và dì Rosa, và cả Ana nữa, Zavalita. Hắn nghĩ: cả Ana nữa. Người ta tiếp tục đến, suốt đêm dài có người đến rồi đi, thì thầm, hút thuốc, và những tràng hoa đầu tiên. Bác Clodomiro ngồi suốt đêm bên cạnh quan tài, câm nín, cứng nhắc, với khuôn mặt nhợt nhạt như sáp, và rốt cuộc khi mày đến gặp ông, bình minh đã ló dạng. Kính mờ và mày không nhìn ra mặt ông, hắn nghĩ: chỉ có bàn tay ông trên ngực, bộ áo trang nhã nhất của ông, và tóc ông đã được chải.
“Tôi không gặp ông đã hơn hai năm,” Santiago nói. “Từ khi tôi cưới vợ. Điều làm tôi buồn nhất không phải là ông chết. Tất cả chúng ta đến một ngày nào đó cũng phải chết, đúng không, Ambrosio? Tôi buồn là ông chết mà nghĩ rằng tôi tuyệt giao với ông.”
Chôn cất vào hôm sau, lúc ba giờ chiều. Suốt buổi sáng, điện tín, điếu tang, thiệp phân ưu, đồ cúng và vòng hoa đến, và trên báo chí có các bài đóng khung đen. Rất nhiều người đến, ừ, Ambrosio, thậm chí có một phụ tá của Tống thống, và khi họ vào nghĩa trang, có lúc người tháp tùng quan tài là một thành viên trong nội các thuộc phe của Prado, một nghị sĩ phe Odría, một lãnh tụ APRA và một người theo phe Belaúnde. Bác Clodomiro, anh Nổ và mày đứng ở cổng nghĩa trang hơn một giờ nhận lời chia buồn, Zavalita. Hôm sau Ana và Santiago đến nhà ở cả ngày. Mama ở trong phòng bà, thân quyến vây quanh, và khi bà thấy họ đến, bà đã ôm hôn Ana và Ana ôm hôn bà, rồi cả hai đều khóc. Hắn nghĩ: thế gian được tạo ra như thế, Zavalita. Hắn nghĩ: phải chăng nó được tạo ra như thế? Bác Clodomiro ghé qua lúc sẩm tối và ngồi trong phòng khách với Popeye và Santiago: đầu óc ông hình như để ở nơi khác, ông lạc trong suy nghĩ của riêng ông, và khi họ hỏi ông điều gì, ông hầu như trả lời, nhát gừng nghe không rõ. Ngày hôm sau, dì Eliana đưa mama về nhà dì ở Chosica để tránh khách khứa.
“Từ khi ông chết tôi không có trận cãi nhau nào với gia đình nữa,” Santiago nói. “Tôi không gặp họ thường lắm, nhưng dù vậy, ngay cả cách xa, chúng tôi vẫn hòa thuận với nhau.”
° ° °
“Không,” Ambrosio lặp lại. “Tôi không đến để cãi nhau.”
“Thế thì tốt, vì nếu anh đến để gây sự, tôi sẽ gọi Robertito, ở đây hắn là người biết đánh nhau,” Queta nói. “Nói ngay cho tôi biết là anh đến đây làm quái gì, nếu không thì cút đi.”
Họ không trần truồng, họ không nằm trên giường, đèn trong phòng không tắt. Từ bên dưới có thể nghe vọng lên vẫn tiếng nhạc pha lẫn tiếng nói ở quầy rượu và tiếng cười trong phòng khách nhỏ. Ambrosio ngồi trên giường, Queta thấy gã bọc trong cột ánh sáng hình nón, lặng im và mạnh mẽ trong bộ áo vét xanh với đôi giày mũi nhọn màu đen và chiếc áo sơ mi cổ trắng hồ cứng. Cô thấy sự bất động tuyệt vọng của gã, nỗi thịnh nộ cuồng dại ẩn sâu trong mắt gã.
“Cô biết rất rõ, vì bà ấy.” Ambrosio nhìn thẳng vào cô mà không chớp mắt. “Cô đáng lẽ có thể làm gì đó nhưng cô không làm. Cô là bạn của bà ấy.”
“Này, tôi có đủ thứ để lo rồi,” Queta nói. “Tôi không muốn nói chuyện đó, tôi đến đây để kiếm tiền. Nào, cút đi, và nhất là đừng quay lại nữa. Đừng đến đây và đừng đến chung cư của tôi.”
“Đáng lẽ cô phải làm gì đó,” giọng bướng bỉnh của Ambrosio lặp lại, cứng rắn và rõ ràng. “Vì lợi ích của chính cô.”
“Vì lợi ích của chính tôi?” Queta nói. Cô dựa vai lên cửa, thân hình cô hơi cong, tay cô chống nạnh.
“Tôi muốn nói vì lợi ích của bà ấy,” Ambrosio lẩm bẩm. “Không phải cô kể với tôi rằng bà ấy là bạn cô, mặc dù bà ấy điên nhưng cô thích bà ấy hay sao?”
Queta đi vài bước, ngồi xuống cái ghế độc nhất trong phòng, đối diện gã. Cô bắt tréo chân, điềm tĩnh nhìn gã, và gã chống lại cái nhìn của cô mà không hạ thấp mắt, lần đầu tiên.
“Bi Vàng bảo anh đến,” Queta chậm rãi nói. “Tại sao ông ta không bảo anh đến bà điên? Tôi không dính dáng gì tới việc này. Bảo với Bi Vàng đừng bắt tôi dính líu vào mấy vụ rắc rối của ông ta. Bà điên là bà điên, tôi là tôi.”
“Không ai bảo tôi cả, ông ấy thậm chí không biết tôi biết cô,” Ambrosio nói rất chậm, nhìn cô. “Tôi đến để mình có thể nói chuyện. Như bạn.”
“Như bạn?” Queta nói. “Cái gì làm anh nghĩ anh là bạn tôi?”
“Nói với bà ta, bảo cho bà ta nên biết điều,” Ambrosio lẩm bẩm. “Bảo cho bà ta thấy là bà ta đã cư xử rất tồi. Bảo cho bà ta là ông ấy đã hết tiền, việc làm ăn của ông ấy đang sa sút. Khuyên bà ta nên quên hẳn ông ấy đi.”
“Bi Vàng lại cho người bắt bà ấy nữa phải không?” Queta hỏi. “Thằng khốn đó định làm gì bà ấy nữa?”
“Ông ấy không đưa bà ta vào tù, ông ấy đem bà ta ra,” Ambrosio nói, không lớn tiếng, không cử động. “Ông ấy giúp bà ta, ông ấy trả tiền bệnh viện cho bà ta, ông ấy cho bà ta tiền. Không vì bổn phận, chỉ vì thương hại. Ông ấy sẽ không cho bà ta nữa. Bảo bà ta là bà ta đã cư xử rất tồi. Đừng hăm dọa ông ấy nữa.”
“Đi đi, cút đi,” Queta nói. “Để Bi Vàng và bà điên tự dàn xếp chuyện của họ với nhau. Tôi chẳng liên can gì. Anh cũng không, anh đừng dây dưa vào.”
“Khuyên bà ta vài câu,” giọng Ambrosio lặp lại cộc lốc, sắc nhọn. “Nếu bà ta tiếp tục hăm dọa ông ấy thì bà ta sẽ gặp khốn.”
Queta cười và nghe tiếng khúc khích gắng gượng và bồn chồn của chính mình. Gã đang nhìn cô với vẻ cương quyết điềm tĩnh, với cặp mắt sôi sục cuồng dại kiên định. Họ im lặng, nhìn nhau, mặt họ cách nhau vài bước.
“Anh có chắc là ông ta không bảo anh đến không?” cuối cùng Queta hỏi. “Bi Vàng sợ bà điên đáng thương đó phải không? Ông ta đã gặp bà ấy, ông ta biết tình trạng của bà ấy. Anh cũng biết tình trạng bà ấy. Anh cũng có người rình rập ở đó nữa phải không?”
“Ừ,” Ambrosio nói bằng giọng khàn khàn. Queta nhìn gã chụm hai đầu gối lại rồi gù lưng xuống, nhìn gã ấn các ngón tay vào giữa hai chân. Giọng gã rạn vỡ. “Tôi không làm gì bà ta, không phải việc của tôi. Và Amalia đang giúp bà ta, cô ấy bênh bà ta trong mọi chuyện. Bà ta không có lý do gì để kể với ông ấy chuyện đó.”
“Chuyện gì xảy ra?” Queta hỏi. Cô hơi nghiêng tới phía gã. “Bà ấy kể cho Bi Vàng về anh và Amalia phải không?”
“Kể cô ấy là người yêu của tôi, kể chúng tôi gặp nhau mỗi Chúa nhật đã mấy năm rồi, kể là tôi làm cô ấy có bầu.” Giọng Ambrosio rạn vỡ và Queta nghĩ gã sắp khóc. Nhưng gã không khóc: chỉ có giọng gã khóc, mắt gã khô ráo và mờ đục, mở rất lớn. “Bà ta đã cư xử không đúng chút nào.”
“Ôi dào,” Queta nói, ngồi thẳng dậy. “Vì vậy anh đến đây, vì vậy anh nổi cáu. Giờ thì tôi biết tại sao anh đến rồi.”
“Nhưng tại sao?” giọng Ambrosio vẫn đau khổ. “Nghĩ là bà ta có thể thuyết phục ông ấy bằng cách đó sao? Nghĩ là bà ta có thể moi thêm tiền của ông ấy bằng cách đó sao? Tại sao bà ta làm một chuyện xấu như vậy?”
“Vì bà điên đáng thương đó điên thật sự,” Queta thì thầm. “Anh không biết à? Vì bà ấy muốn đi khỏi nơi này, vì bà ấy phải bỏ đi. Không phải vì bà ấy xấu. Chính bà ấy không biết bà ấy đang làm gì.”
“Nghĩ là nếu tôi kể cho ông ấy thì ông ấy sẽ khốn khổ khốn nạn,” Ambrosio nói. Gã gật đầu, nhắm mắt một lúc. Gã mở mắt ra. “Việc ấy sẽ làm khổ ông ta, sẽ đốn gục ông ta. Vì nghĩ như vậy.”
“Vì thằng chó đẻ Lucas đó, cái thằng bà ấy yêu, cái thằng đang ở Mễ Tây Cơ,” Queta nói. “Anh không biết chuyện đó. Nó viết thư bảo bà ấy đến, mang theo tiền, mình sẽ làm đám cưới. Bà ấy tin nó, bà ấy điên. Bà ấy không biết làm gì nữa, không phải vì bà ấy xấu.”
“Ừ,” Ambrosio nói. Gã hơi giơ tay lên rồi lại ấn mạnh vào giữa hai chân, quần gã nhăn nhúm. “Bà ta làm ông ấy tổn thương, bà ta làm ông ấy đau khổ.”
“Bi Vàng phải hiểu bà ấy,” Queta nói. “Mọi người đã cư xử khốn nạn với bà ấy. Cayo Đầu Cứt, Lucas, mọi người bà ấy đã tiếp trong nhà bà ấy, tất cả những kẻ bà ấy đã chăm sóc và…”
“Ông ấy, ông ấy à?” Ambrosio gầm lên, và Queta im lặng. Cô sẵn sàng cặp giò để đứng lên chạy, nhưng gã không nhúc nhích. “Ông ấy cư xử tệ à? Cô làm ơn nói cho tôi biết ông ấy làm gì có lỗi? Ông ấy nợ bà ta cái gì? Ông ấy có bổn phận phải giúp bà ta không? Không phải ông ấy đã cho bà ta rất nhiều tiền rồi sao? Vậy mà với người duy nhất tử tế với bà ta, bà ta làm điều tệ như vậy. Nhưng bây giờ hết rồi, hết cả rồi. Tôi muốn cô nói với bà ta.”
“Tôi đã nói,” Queta lẩm bẩm. “Anh đừng dính dấp vào, dính vào anh sẽ là người thua thiệt. Khi tôi biết Amalia đã kể với bà ấy là cô ta có thai, tôi đã cảnh cáo bà ấy. Cẩn thận đừng kể với cô ta là Ambrosio… cẩn thận khi kể với Bi Vàng là Amalia… Đừng gây sự gì, đừng dính dấp vào. Rồi sự việc bỗng xảy ra, bà ấy không cố tình thâm hiểm, bà ấy muốn mang tiền cho thằng Lucas. Bà ấy điên.”
“Và ông ấy chưa bao giờ làm gì bà ta, chỉ vì ông ấy tốt và giúp bà ta,” Ambrosio lẩm bẩm. “Đối với tôi, bà ta kể về tôi cho Amalia cũng chẳng sao. Nhưng đừng làm việc đó với ông ấy. Như vậy là độc ác, không gì khác hơn là độc ác.”
“Bà ấy kể cho người yêu của anh cũng chẳng sao,” Queta nói, nhìn gã. “Bi Vàng mới quan trọng, anh chỉ lo cho thằng lại cái. Anh còn tệ hơn hắn ta. Cút khỏi đây ngay.”
“Bà ta gửi một lá thư cho vợ ông ấy,” Ambrosio rên rỉ, và Queta thấy gã gục đầu, xấu hổ. “Cho vợ ông ấy. Chồng bà thế này thế nọ, chồng bà và thằng tài xế của ông ta, cứ hỏi ông ta cảm thấy gì lúc thằng đen… hai trang như vậy. Cho vợ ông ấy. Nói cho tôi nghe coi tại sao bà ta làm một chuyện như vậy?”
“Vì bà ấy điên,” Queta nói. “Vì bà ấy muốn đi Mễ Tây Cơ và không biết làm gì để có thể đến đó.”
“Bà ta gọi điện thoại cho ông ấy ở nhà,” Ambrosio gầm lên rồi ngẩng đầu nhìn Queta, và cô thấy trong mắt gã phảng phất nét điên dại, sự sôi sục câm nín. “Họ hàng anh, bạn bè anh, con cái anh sắp nhận lá thư như vậy. Cùng lá thư như vợ anh. Nhân viên của anh. Người duy nhất đối xử tử tế, người duy nhất giúp bà ta mà không cần lý do.”
“Vì bà ấy tuyệt vọng,” Queta lặp lại, cao giọng. “Bà ấy cần cái vé máy bay để bà ấy có thể đi. Để ông ta cho bà ấy, để…”
“Ông ấy đã cho bà ta hôm qua,” Ambrosio càu nhàu. “Anh sẽ là trò cười, tôi sẽ làm anh phá sản, tôi sẽ siết anh. Ông ấy đích thân mang đến cho bà ta. Không chỉ tiền vé. Bà điên đó muốn một trăm ngàn nữa. Thấy không? Cô nói với bà ta đi. Bà ta không nên quấy rầy ông ấy nữa. Bảo bà ta đó là lần cuối.”
“Tôi sẽ không nói thêm một tiếng nào với bà ấy,” Queta lẩm bẩm. “Tôi bất cần, tôi không muốn nghe thêm nữa. Bà ấy và Bi Vàng cứ giết nhau đi, nếu họ muốn. Tôi không muốn liên can vào việc rắc rối nào. Có phải anh làm điều này vì Bi Vàng đã đuổi anh? Anh đưa ra những lời hăm dọa này để thằng lại cái tha thứ cho anh vì vụ Amalia phải không?”
“Đừng giả vờ cô không hiểu,” Ambrosio nói. “Tôi không đến đây để cãi nhau, mà đến để mình nói chuyện. Ông ấy không đuổi tôi, ông ấy không bảo tôi đến đây.”
“Lẽ ra anh nên cho tôi biết chuyện đó ngay từ đầu,” Don Fermín nói. “Tôi có yêu một cô, chúng tôi sắp có con, tôi muốn cưới cô ấy. Lẽ ra anh nên kể hết cho tôi, Ambrosio.”
“Thế thì càng tốt cho anh,” Queta nói. “Không phải anh bí mật gặp cô ta suốt bấy lâu nay vì anh sợ Bi Vàng à? Ôi dào, thế thì đây. Bây giờ ông ta biết và ông ta đã không đuổi anh. Bà điên không làm thế vì độc ác. Anh đừng dây dưa với vụ này nữa, cứ để nó tự dàn xếp.”
“Ông ấy không đuổi tôi, ông ấy không tức giận, ông ấy không chửi bới tôi,” Ambrosio nói giọng khàn đặc. “Ông ấy tội nghiệp cho tôi, ông ấy tha thứ tôi. Cô không thấy là bà ta không được làm gì xấu đối với một người như ông ấy hả? Cô không thấy hả?”
“Chắc anh đã khốn khó lắm, Ambrosio, chắc anh ghét tôi lắm,” Don Fermín nói. “Phải giấu việc người yêu của anh bằng ấy năm. Bao lâu, Ambrosio?”
“Làm tôi cảm thấy mình như thứ cùng đinh mạt hạng, làm tôi cảm thấy mình không biết là thứ gì.” Ambrosio rên rỉ, đập mạnh lên giường, và Queta giật mình đứng nhỏm dậy.
“Anh nghĩ là tôi sẽ giận anh à, đồ quỷ tội nghiệp?” Don Fermín nói. “Không, Ambrosio. Đưa người yêu của anh ra khỏi căn nhà đó, có con với nhau. Anh vẫn có việc làm ở đây đến khi nào anh muốn. Và quên Ancón và các thứ đi, Ambrosio.”
“Ông ta biết cách vờn anh,” Queta lẩm bẩm, đi nhanh ra cửa. “Ông ta biết anh là thứ gì. Tôi sẽ không nói gì với Hortensia. Anh đi mà bảo với bà ấy. Và cầu Chúa cứu mạng anh nếu anh lại đặt chân đến đây lần nữa hay đến nhà tôi.”
“Được rồi, tôi về, và đừng lo, tôi không có ý định quay lại,” Ambrosio lẩm bẩm, đứng lên. Queta đã mở cửa và tiếng ồn từ quầy rượu vọng vào ầm ĩ. “Nhưng tôi yêu cầu cô lần cuối. Nói với bà ta, bảo cho bà ta cư xử hợp lý. Bảo bà ta để yên ông ấy một lần cho xong, hử?”
° ° °
Gã chỉ ở lại làm tài xế chiếc xe đò hạng bét thêm ba tuần nữa, vừa bằng thời gian chiếc xe cọc cạch còn chạy được. Nó chết hẳn trong một sáng đi Yarinacocha, sau khi máy móc ợ khói và run lên cầm cập trong cái chết tức thì. Họ mở nắp máy, bộ máy đã bỏ cuộc. Chiếc xe đáng thương, ít nhất nó cũng sống được tới lúc này, Don Calixto chủ xe nói. Và với Ambrosio: khi nào cần tài xế tôi sẽ liên lạc với anh. Hai ngày sau, Don Alandro Pozo, chủ đất, xuất hiện ở căn cabin, rất ư vui vẻ: ừ, ông ta đã biết anh mất việc, vợ anh chết, anh đang gặp khó khăn. Ông ta rất tiếc, Ambrosio, nhưng đây đâu phải là trợ cấp xã hội, anh phải dọn đi. Don Alandro đồng ý lấy cái giường, cái nôi nhỏ, cái bàn và cái bếp dầu để trừ tiền thuê còn thiếu, và Ambrosio bỏ tất cả những thứ còn lại vào mấy thùng rồi đem qua nhà Doña Lupe. Khi thấy gã quá chán nản, bà pha cho gã một tách cà phê: ít nhất anh không phải lo về Amalita Hortensia, tạm thời nó sẽ ở với bà. Ambrosio đi đến căn chòi của Pantaleón, hắn chưa từ Tingo về. Hắn về đến nơi lúc hoàng hôn và thấy Ambrosio đang ngồi trên bậc cửa nhà hắn, hai chân gã lún trong đất bùn. Hắn cố nâng tinh thần gã: dĩ nhiên gã có thể ở với hắn cho đến khi gã tìm được việc. Gã có tìm được việc không, Panta? À, nói thật, ở đây khó, Ambrosio, tại sao mày không thử tìm chỗ khác? Hắn khuyên gã đi Tingo hoặc Huánuco. Nhưng Ambrosio cảm thấy không ổn nếu ra đi quá sớm sau khi Amalia chết, thưa cậu, ngoài ra, làm sao gã có thể một mình lo cho Amalita Hortensia trên đời này. Vì thế gã đã cố ở lại Pucallpa. Hôm nay gã giúp bốc dỡ tàu bè, hôm khác gã quét mạng nhện và giết chuột trong kho hàng Wong, và thậm chí còn chùi rửa tẩy uế nhà xác, nhưng tất cả chỉ đủ tiền thuốc lá. Nếu không có Panta và Doña Lupe gã đã chết đói. Vì thế bấm gan bấm bụng, một hôm gã xuất hiện ở chỗ của Don Hilario, không phải để đánh nhau, thưa cậu, mà để năn nỉ ông ta. Gã khốn khổ khốn nạn quá rồi, thưa ông, ông có thể giúp được gã không.
“Tôi đã có đủ tài xế tôi cần,” Don Hilario nói với nụ cười đau khổ. “Tôi không thể đuổi ai để nhận anh vào.”
“Vậy thì đuổi thằng khờ ở Quan tài Hài nhi, thưa ông,” Ambrosio xin ông ta. “Dù cho chỉ để tôi làm người gác.”
“Tôi đâu có trả tiền cho thằng khờ, tôi chỉ cho nó ngủ ở đó,” Don Hilario giải thích cho gã. “Tôi có điên mới đuổi nó đi. Một hai ngày nữa anh sẽ tìm được việc rồi tôi có thể tìm đâu ra một thằng khờ khác không tốn của tôi một cắc nào?”
“Ông ta để lộ bí mật, thấy không?” Ambrosio nói. “Vậy thì mấy cái phiếu trả tiền một trăm mỗi tháng ông ta đưa tôi xem, tất cả số tiền đó đi đâu?”
Nhưng gã chẳng nói gì với ông ta: gã lắng nghe, gật đầu, lẩm bẩm xui xẻo quá. Don Hilario an ủi gã bằng một cái vỗ lưng, và khi gã chào ra về, cho gã mười đồng uống nước, Ambrosio. Gã đi ăn ở phòng ăn trên Calle Comercio và mua một cái núm vú giả cho Amalita Hortensia. Ở nhà Doña Lupe gã nhận thêm một tin xấu: mấy người ở bệnh viện lại đến, Ambrosio. Nếu gã không đi nói chuyện với họ, họ sẽ tố cáo gã với cảnh sát. Gã đến bệnh viện và cái bà ở văn phòng quở mắng gã vì đã trốn. Bà ta mang các giấy tính tiền ra rồi giải thích cho gã đây là các món tiền gì.
“Như chuyện đùa,” Ambrosio nói. “Gần hai ngàn đồng, tưởng tượng xem. Hai ngàn để họ giết người.”
Nhưng ở đó gã cũng chẳng nói gì: gã lắng nghe với bộ mặt trầm trọng, gật đầu. Thế thì sao? Người đàn bà xòe hai bàn tay. Khi ấy gã kể cho bà ta về tình cảnh eo hẹp gã đang mắc phải, gã phóng đại thêm để bà ta thông cảm. Bà ta hỏi gã, anh có an sinh xã hội không? Ambrosio không biết. Trước kia gã làm việc ở đâu? Một thời gian ngắn làm tài xế chiếc xe đò hạng bét và trước đó làm cho Công ty Vận chuyển Morales.
“À ra thế,” bà ta nói. “Hỏi Don Hilario số an sinh xã hội của anh. Với số đó anh có thể đến văn phòng hành chánh lấy thẻ của anh rồi quay lại đây. Anh chỉ phải trả một phần tiền.”
Gã đã biết việc gì sẽ xảy ra, nhưng gã đi kiểm lại mưu mẹo của Don Hilario lần thứ nhì: ông ta tặc lưỡi vài cái, nhìn gã như đang nghĩ mày thậm chí ngu hơn bộ dạng của mày.
“An sinh xã hội gì?” Don Hilario hỏi. “Cái đó là cho nhân viên chính thức.”
“Tôi không là tài xế chính thức à?” Ambrosio hỏi. “Vậy thì tôi là cái gì, thưa ông?”
“Làm sao anh có thể là tài xế chính thức khi anh không có bằng lái chuyên chở,” Don Hilario giải thích cho gã.
“Tất nhiên tôi có,” Ambrosio nói. “Đây là cái gì, nếu không là bằng lái?”
“Ồ, nhưng anh đâu có cho tôi biết, vậy thì đâu phải lỗi của tôi,” Don Hilario đáp. “Vả lại, tôi không ghi tên anh là để giúp anh. Nhờ nhận tiền mặt và không có tên trong sổ lương mà anh tiết kiệm được các khoản khấu trừ.”
“Nhưng ông khấu trừ của tôi mỗi tháng,” Ambrosio nói. “Khoản đó không phải là tiền an sinh xã hội sao?”
“Khoản đó là tiền hưu bổng,” Don Hilario nói. “Nhưng vì anh bỏ công ty nên anh mất quyền lợi. Luật pháp là như vậy, phức tạp khủng khiếp.”
“Những trò lừa dối không phải là cái làm cho tôi bực nhất, nhưng tôi bực vì ông ta nói với tôi mấy chuyện khờ khạo như chuyện bằng lái chẳng hạn,” Ambrosio nói. “Cậu làm ông ta thiệt hại nặng nhất ở chỗ nào? Tất nhiên ở chỗ dính líu tới tiền bạc. Tôi phải trả thù ông ta ở chỗ đó.”
Hôm đó là thứ Ba và để mọi việc tiến hành ổn thỏa, gã phải đợi đến Chủ nhật. Buổi chiều gã ngồi với Doña Lupe, ban đêm với Pantaleón. Amalita Hortensia sẽ ra sao nếu một ngày nào đó có chuyện gì xảy ra cho gã, Doña Lupe, nếu gã chết chẳng hạn? Chẳng sao, Ambrosio, nó sẽ ở với bà, nó đã như con gái của bà, đứa con bà luôn luôn mơ ước. Buổi sáng gã hay đi tới bãi sông bên cạnh bến tàu hoặc đi bộ quanh quảng trường, tán gẫu với bọn người trôi dạt. Chiều thứ Bảy gã thấy Tia Chớp Rừng Xanh vào Pucallpa; rền rĩ, bụi bặm, đầu xe đuôi xe buộc xuống và nhảy tưng tưng, chiếc xe đi tới Calle Comercio làm tung một đám bụi rồi đậu trước văn phòng nhỏ của Công ty Vận tải Morales. Tài xế bước ra, hành khách bước ra, họ bốc dỡ hành lý và Ambrosio, chân đá mấy viên sỏi ở góc đường, đợi cho tài xế lên lại Tia Chớp Rừng Xanh và nổ máy: ừ, anh ta lái nó tới ga ra để xe của López. Gã đến nhà Doña Lupe và ở lại cho đến nửa đêm chơi với Amalita Hortensia, nó đã lạ gã tới nỗi gã bế nó lên là nó khóc. Gã xuất hiện ở ga ra lúc tám giờ và chỉ có vợ của López ở đó: gã đến lấy chiếc xe, thưa bà, Don Hilario cần xe. Bà ta thậm chí không nghĩ đến việc hỏi gã là anh trở lại làm việc cho Công ty Morales hồi nào? Bà ta chỉ tay tới một góc bãi đậu xe: xe ở đó. Tất cả đầy đủ, xăng, dầu, mọi thứ, ừ.
“Tôi nghĩ hay mình cho nó lao xuống một vực núi ở đâu đó,” Ambrosio nói. “Nhưng tôi thấy như thế là dại cho nên tôi lái nó đến tận Tingo. Tôi đón vài hành khách dọc đường, vậy là đủ cho tôi tiền xăng.”
Khi đến Tingo María sáng hôm sau, gã do dự một lát rồi lái đến ga ra của Itipaya: cái gì đây, mày quay lại làm việc cho Don Hilario rồi hả?
“Tôi ăn cắp đó,” Ambrosio nói. “Để bù lại những cái ông ta đã ăn cắp của tôi. Tôi đến bán nó cho ông.”
Thoạt tiên Itipaya ngạc nhiên, rồi ông ta bật cười: mày điên rồi hả, người anh em?
“Ừ,” Ambrosio nói. “Ông mua không?”
“Xe ăn cắp à?” Itipaya cười. “Tao làm gì với nó? Ai cũng biết Tia Chớp Rừng Xanh, Don Hilario chắc đã báo cáo nó mất tích.”
“Ôi dào,” Ambrosio nói. “Vậy thì tôi lái nó xuống vực. Ít nhất tôi trả được thù.”
Itipaya gãi đầu: như vậy là điên. Họ cãi nhau gần nửa tiếng. Nếu gã định lái nó xuống vực thì tốt hơn nên để nó phục vụ một mục đích gì hữu ích hơn. Nhưng ông ta không thể đưa gã nhiều lắm: ông ta sẽ phải tháo tung nó ra hết, bán từng bộ phận, sơn lại vỏ xe và một ngàn thứ khác. Bao nhiêu, Itipaya, nói đi? Vả lại cũng rủi ro chứ mày. Bao nhiêu, nói đi?
“Bốn trăm,” Ambrosio nói. “Ít hơn tiền một chiếc xe đạp cũ. Vừa đủ cho tôi đi Lima, thưa cậu.”