“Tôi không muốn làm phiền cậu gì cả,” Ambrosio nói. “Nhưng trễ lắm rồi, thưa cậu.”
Còn gì nữa, Zavalita, còn gì nữa? Buổi nói chuyện với anh Nổ, hắn nghĩ, thế thôi. Sau cái chết của Don Fermín, Ana và Santiago bắt đầu ăn trưa với Señora Zoila mỗi ngày Chúa nhật, và ở đó họ cũng gặp anh Nổ và Cary, Popeye và Teté, nhưng khi Señora Zoila quyết định đi Âu châu với dì Eliana, dì sẽ cho cô con gái lớn của dì đi học ở Thụy Sĩ và đi một vòng qua Tây Ban Nha, Ý và Pháp trong hai tháng, bữa ăn trưa gia đình chấm dứt rồi sau đó không bắt đầu lại hoặc liệu có bao giờ bắt đầu lại không, hắn nghĩ: thời gian làm thay đổi nhiều điều quá, Ambrosio, nâng ly, Ambrosio. Señora Zoila trở về ít buồn nản hơn, sạm nắng vì mùa hè Âu châu, khỏe lại, tay bà đầy nặng quà biếu và miệng bà đầy chuyện. Chưa đầy một năm bà đã hoàn toàn hồi phục, Zavalita, bà tìm lại cuộc sống quảng giao bận rộn, các buổi chơi bài canasta, các buổi viếng thăm, các bộ phim tình cảm và các buổi uống trà. Ana và Santiago đến thăm bà ít nhất mỗi tháng một lần, và bà thường hay cắt ngắn buổi viếng thăm để ăn, và quan hệ của họ từ ấy xa cách nhưng nhã nhặn, giao hữu thì hơn là thân thiết, bây giờ Señora Zoila tiếp Ana bằng sự thân mật thận trọng, một tình mến yêu cam chịu và mỏng manh. Bà không quên cô ấy khi phân phát những món quà lưu niệm Âu châu của bà, Zavalita, bà cũng có quà cho cô ấy: một cái khăn choàng Tây Ban Nha, hắn nghĩ, một cái áo ngoài bằng lụa xanh của Ý. Các hôm sinh nhật và kỷ niệm, Ana và Santiago sẽ ghé qua sớm và nhanh chóng ôm bà trước khi khách đến, và có vài đêm Popeye và Teté xuất hiện ở khu nhà tí hon để tán gẫu hoặc chở họ đi một vòng. Anh Nổ và Cary thì không bao giờ, Zavalita, nhưng trong mùa Vô địch Bóng đá Nam Mỹ anh ấy gửi cho mày một vé ngồi ở khán đài giữa làm quà. Mày cần tiền nên bán lại nửa giá, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: chúng ta rốt cuộc đã tìm được công thức để hòa thuận. Giữ khoảng cách, Zavalita, với nụ cười mỉm, với các câu đùa: điều đó quan trọng đối với cậu ấy, thưa cậu, tôi xin lỗi. Tối rồi.
Cuộc đối thoại xảy ra khá lâu sau khi Don Fermín chết, một tuần sau khi hắn chuyển từ mục tin địa phương sang trang xã luận của La Crónica, Zavalita, vài ngày trước khi Ana mất việc ở bệnh xá. Họ tăng lương mày năm trăm đồng, đổi ca làm việc của mày từ tối qua sáng, bây giờ mày hầu như chẳng bao giờ thấy Carlitos, Zavalita, hôm đó mày tình cờ gặp anh Nổ từ nhà Señora Zolia đi ra. Họ đứng trên vỉa hè nói chuyện một lúc: ngày mai họ ăn trưa chung được không, Siêu Não? Được, anh Nổ. Chiều hôm ấy bỗng dưng mày nghĩ, mà chẳng buồn tò mò, anh ấy muốn gì nhỉ. Và quá ngọ hôm sau anh Nổ ghé qua đón Santiago ở khu nhà tí hon. Lần đầu tiên anh ấy đến đó, anh ấy vào kìa, Zavalita, và mày nhìn thấy anh qua cửa sổ, do dự, gõ cửa nhà bà người Đức, mặc bộ vét màu xám nhạt và áo gi lê, sơ mi màu hoàng yến, cổ áo rất cao. Và cái nhìn của bà Đức ăn tươi nuốt sống anh Nổ từ đầu đến chân trong khi bà chỉ qua cửa nhà mày: bên đó, phòng C. Và anh Nổ đặt chân vào căn nhà nhỏ thấp bé lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, Zavalita. Anh ấy vỗ lưng mày, ê Siêu Não, và nhìn quanh hai căn phòng nhỏ với vẻ thoải mái tươi cười.
“Mày tìm được cái ổ lý tưởng, Ròm.” Anh nhìn cái bàn nhỏ, kệ sách, miếng vải chỗ con Náo ngủ. “Đúng là căn chung cư cho một cặp lang bạt như mày và Ana.”
Họ đi ăn trưa trong nhà hàng Suizo ở Herradura. Những người bồi bàn và quản lý biết tên của anh Nổ, trao đổi vài câu vui đùa với anh rồi lượn quanh, niềm nở và sốt sắng, và anh Nổ nhất quyết bảo hắn thử món cốc tai dâu, món đặc biệt của nhà hàng, Ròm, ngọt và mạnh. Họ ngồi ở bàn trông ra kè biển: họ thấy biển động, bầu trời nhiều mây mùa đông, và anh Nổ đề nghị món xúp Lima để khai vị, rồi món gà hay vịt ướp ăn với cơm.
“Tao sẽ chọn món tráng miệng,” Nổ nói khi người bồi bàn cầm danh sách các món họ gọi đi khỏi. “Bánh kếp với bánh flăng. Một món sau khi nói chuyện làm ăn.”
“Mình sắp nói chuyện làm ăn hả?” Santiago hỏi. “Em hy vọng anh sẽ không bảo em đến làm với anh. Làm ơn đừng làm hỏng bữa ăn trưa của em.”
“Tao biết khi mày nghe chữ làm ăn là mày sợ phát rét, đồ lang bạt.” Nổ cười. “Nhưng lần này mày không né nổi đâu, chỉ một chút nữa thôi. Tao đưa mày tới đây để xem liệu mấy món đậm đà và bia lạnh có làm thuốc dễ nuốt hơn hay không.”
Anh lại cười, bây giờ hơi giả tạo, và trong khi anh cười, tia nhìn bứt rứt ấy đã xuất hiện trong mắt anh, Zavalita, cái chấm sáng bồn chồn ấy: ồ, Ròm, mày là đồ lang bạt khốn kiếp, anh nói hai lần, ồ, Ròm, mày là đồ lang bạt khốn kiếp. Không dở điên dở khùng, phản bội giai cấp, đầy mặc cảm hoặc cộng sản nữa, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: một thứ trìu mến hơn, mơ hồ hơn, có thể là bất kỳ thứ gì, Ròm, đồ lang bạt khốn kiếp, Zavalita.
“Vậy thì cho em viên thuốc ngay đi,” Santiago nói. “Trước món xúp.”
“Mày bất cần mọi chuyện, đồ lang bạt,” Nổ nói, ngưng cười, giữ nguyên vầng hào quang tươi tỉnh trên khuôn mặt cạo láng; nhưng trong đáy mắt vẻ bồn chồn vẫn còn đó, tăng thêm, và vẻ lo lắng hiện ra, Zavalita. “Suốt mấy tháng sau khi ông già chết, mày vẫn không nghĩ tới chuyện hỏi han gì về việc làm ăn ông để lại.”
“Em tin tưởng anh,” Santiago nói. “Em biết anh sẽ giữ vững tên tuổi của gia đình trong giới kinh doanh.”
“Ôi dào, bây giờ mình nói chuyện nghiêm chỉnh.” Nổ chống khuỷu tay lên bàn, cằm tựa trên bàn tay, rồi thì cái ánh bồn chồn ấy, cái chớp mắt liên tục của anh, Zavalita.
“Nói nhanh lên.” Santiago nói. “Em báo trước, khi món xúp mang ra là ngưng nói chuyện làm ăn.”
“Nhiều vấn đề còn dở dang, hợp lý thôi,” Nổ nói, hơi thấp giọng. Anh nhìn các bàn còn trống xung quanh, ho rồi ngập ngừng nói, chọn từng lời một cách ngờ vực. “Di chúc chẳng hạn. Phức tạp khủng khiếp, mình phải đi qua rất nhiều thủ tục cho hợp lệ. Mày sẽ phải đến công chứng viên để ký cả xấp giấy tờ. Trên nước này mọi việc đều gặp rắc rối quan liêu kinh khủng, đủ loại giấy tờ, mày biết đấy.”
Tội nghiệp anh chàng không những bối rối, bứt rứt, hắn nghĩ, anh ấy còn sợ nữa. Phải chăng anh đã cực kỳ cẩn thận chuẩn bị cho buổi nói chuyện ấy, cố đoán các câu hỏi của mày, tưởng tượng mày sẽ hỏi và yêu cầu gì, tiên đoán mày sẽ dọa dẫm gì? Phải chăng anh đã có một kho vũ khí gồm các câu trả lời và giải thích và chứng minh? Hắn nghĩ: anh rụt rè quá, anh Nổ. Thỉnh thoảng anh im lặng nhìn ra cửa sổ. Đã tháng Mười một mà người ta vẫn chưa dựng mái che và không có người tắm trên bãi biển; vài chiếc xe chạy dọc theo Malecón, đây đó những nhóm người tản bộ sát bên biển động mờ xám. Những ngọn sóng cao, ầm ĩ dội vào xa xa và quét lên suốt bãi biển, và những con vịt trắng lặng lẽ lượn trên bọt sóng.
“Ôi dào, như thế này,” Nổ nói. “Ông già muốn công việc đâu vào đấy, ổng sợ lại bị một cú đau tim như lần đầu. Mình chỉ mới bắt đầu thì ổng chết. Chỉ mới bắt đầu. Ý định là để tránh thuế di sản, chuyện giấy tờ khốn kiếp. Mình mới bắt đầu làm sao cho sự việc có bộ mặt hợp pháp, đặt các công ty dưới tên tao qua các hợp đồng chuyển nhượng giả, vân vân. Mày đủ thông minh để thấy tại sao. Ý định của ông già không phải là để hết việc làm ăn cho tao hoặc đại loại như vậy. Chỉ để tránh phức tạp. Ông già và tao định chuyển nhượng hết, đồng thời vẫn giữ quyền lợi của mày và Teté đâu vào đấy. Và tất nhiên của mama nữa.”
Anh Nổ mỉm cười và Santiago cũng mỉm cười. Họ vừa mang xúp ra, Zavalita, đĩa xúp bốc khói, và hơi nước trộn lẫn với sự căng thẳng bất ngờ vô hình ấy, bầu khí quyển đầy chi tiết nhỏ nhặt nặng nề ấy đã trùm lên bàn.
“Ông già có ý kiến hay,” Santiago nói. “Đặt mọi thứ dưới tên anh để tránh phức tạp là rất hợp lý.”
“Không phải tất cả mọi thứ,” Nổ nói rất nhanh, mỉm cười, hơi giơ cao tay. “Chỉ có phòng bào chế, công ty. Chỉ việc kinh doanh. Không có căn nhà hay căn chung cư ở Ancón. Ngoài ra, mày phải hiểu việc chuyển nhượng chỉ là giả tạo. Các công ty đứng tên tao không có nghĩa là tao sẽ giữ hết. Phần của mama và phần của Teté đã thu xếp xong.”
“Vậy thì mọi thứ ổn thỏa,” Santiago nói. “Chuyện làm ăn xong rồi, bây giờ bắt đầu món xúp. Nom có vẻ ngon quá, anh Nổ.”
Mặt anh ấy kìa, Zavalita, vẻ xốn xang của anh, cái chớp mắt của anh, vẻ hoài nghi kín đáo, vẻ nhẹ nhõm bứt rứt của anh, và vẻ sống động của bàn tay anh với lấy bánh mì, bơ, và rót bia vào ly của mày.
“Tao biết tao làm mày chán vì mấy chuyện này,” Nổ nói. “Nhưng mình không thể nhùng nhằng thêm. Mình cũng phải chấn chỉnh tình trạng của mày nữa.”
“Tình trạng của em có vấn đề gì?” Santiago hỏi. “Làm ơn đưa em lọ ớt.”
“Căn nhà và căn chung cư sẽ đứng tên mama, dĩ nhiên,” Nổ nói. “Nhưng bà không muốn dính dấp gì với căn chung cư, bà nói bà sẽ không bao giờ đặt chân đến Ancón nữa. Chuyện hơi bất thường. Tao đã thỏa thuận với Teté. Tao đã mua cổ phần lẽ ra là của nó trong phòng bào chế và các công ty khác. Như thể nó hưởng phần gia tài của nó vậy, thấy không?”
“Em thấy,” Santiago nói. “Đó là lý do em chán đến phát sợ mấy chuyện này, anh Nổ.”
“Như vậy chỉ còn lại mày.” Nổ cười, không nghe hắn nói, và chớp mắt. “Mày cũng là người cầm nến trong vụ chôn cất này, dù cho mày chán ngán. Đó là chuyện mình phải bàn tới. Tao đã nghĩ là mình có thể đi tới thỏa thuận như đã có với Teté. Mình sẽ tìm hiểu phần của mày, và vì mày chán ghét việc kinh doanh, tao sẽ mua phần của mày.”
“Nhét phần của em vào đít anh đi, rồi để em ăn xong món xúp,” Santiago vừa nói vừa cười, nhưng anh Nổ nhìn mày một cách rất nghiêm nghị, Zavalita, và mày cũng phải nghiêm nghị. “Em đã nói rõ với ông già là em sẽ không bao giờ gí mũi vào việc kinh doanh của ông, vì thế cứ bỏ qua tình trạng của em và phần của em. Em đã tự mình từ bỏ quyền thừa kế khi em dọn ra ngoài sống, anh Nổ. Vậy thì không cổ phần, không bán buôn, và như vậy là chấm dứt ổn thỏa toàn bộ vấn đề, được chứ?”
Anh ấy chớp mắt dữ dội, Zavalita, nỗi lúng túng cục súc hung hãn của anh ấy: anh đang giơ cái thìa lên, một dòng xúp loãng đo đỏ chảy ngược xuống đĩa, vài giọt bắn lên khăn trải bàn. Anh nhìn mày, nửa ngạc nhiên nửa chán nản, Zavalita.
“Dẹp trò dại dột của mày đi,” cuối cùng anh nói. “Mày bỏ nhà, nhưng mày vẫn là con của ông già, phải không? Tao bắt đầu nghĩ mày mất trí rồi.”
“Ừ, em mất trí,” Santiago nói. “Em không có phần nào, mà nếu có em cũng không muốn một xu nào trong tiền bạc của ông già, được chứ, anh Nổ?”
“Mày không muốn có cổ phần à?” Nổ hỏi. “Được rồi, còn một cách khác. Tao đã thảo luận với Teté và mama và cả hai đồng ý. Mình sẽ cho căn chung cư ở Ancón mang tên mày.”
Santiago bật cười và đập tay lên bàn. Một người bồi đến hỏi họ cần gì, ồ, tôi xin lỗi. Anh Nổ nghiêm nghị và hình như lại tự kiềm chế được, vẻ bứt rứt đã biến mất khỏi mắt anh, và bây giờ anh nhìn mày với vẻ bề trên trìu mến, Zavalita.
“Vì mày không muốn có cổ phần, đó là cách hợp lý nhất,” Nổ nói. “Cả hai đồng ý. Mama không muốn đặt chân tới đó, bà có ý ghét Ancón. Teté và Popeye đang xây một căn nhà ở Santa María. Popeye bây giờ đang làm ăn rất khá, mày biết Belaúnde là tổng thống mà. Còn tao thì bận công việc đến nỗi không thể nào có điều kiện hưởng một chuyến nghỉ hè. Vì vậy căn chung cư… “
“Tặng nó cho người nghèo,” Santiago nói. “Chấm hết, anh Nổ.”
“Mày không phải dùng nó nếu mày chán ghét Ancón,” Nổ nói. “Bán nó rồi mua một căn ở Lima, như vậy mày sẽ sống khá hơn.”
“Em không muốn sống khá hơn,” Santiago nói. “Nếu anh không ngưng lại, mình sẽ cãi nhau.”
“Đừng cư xử như con nít,” Nổ nói tiếp, với vẻ thành thật, hắn nghĩ. “Mày bây giờ là người lớn, mày có gia đình, mày có trách nhiệm. Đừng tự đặt mày vào mức lố bịch đó.”
Bây giờ anh ấy đã cảm thấy bình tĩnh và yên tâm, Zavalita, bây giờ giây phút xấu đã qua, nỗi sửng sốt, bây giờ anh ấy có thể khuyên mày và giúp mày rồi ngủ yên. Santiago mỉm cười với anh và vỗ lên cánh tay anh: chấm hết, anh Nổ. Người quản lý sốt sắng đến và lo lắng hỏi có gì trục trặc với món xúp không: không, ngon lắm, và họ ăn vài thìa đầy để thuyết phục ông ta là họ nói thật.
“Mình đừng cãi nhau nữa,” Santiago nói. “Mình đã cãi nhau suốt đời, và bây giờ mình hòa thuận, không đúng sao, anh Nổ? Ôi dào, cứ giữ như thế. Nhưng đừng bao giờ đưa vấn đề này ra với em nữa, được chứ?”
Mặt anh khó chịu, chưng hửng, hối tiếc, mỉm cười yếu ớt, Zavalita, và anh nhún vai, nhăn mặt sững sờ hay rốt cuộc thương xót, rồi lặng yên một lúc. Họ chỉ ăn qua loa món vịt với cơm, và anh Nổ quên món bánh kếp với bánh flăng. Nhà hàng mang phiếu tính tiền ra, anh Nổ trả, và trước khi vào xe họ hít đầy phổi mùi không khí mặn và ấm, trao đổi vài câu bình phẩm vô vị về sóng nước, và một vài cô gái đi ngang và chiếc xe ô tô thể thao gầm rú ở cuối đường. Trên đường tới Miraflores họ không nói một tiếng nào. Khi họ về đến khu nhà tí hon, khi Santiago đã một chân bên ngoài xe, anh Nổ nắm cánh tay hắn.
“Tao không bao giờ hiểu mày, Siêu Não,” và lần đầu tiên trong ngày hôm ấy giọng anh thành thật như thế, hắn nghĩ, cảm động như thế. “Mày muốn làm cái quái gì trên đời? Tại sao tự mày làm mọi thứ để bản thân mày khốn khổ khốn nạn?”
“Vì em là đứa khổ dâm.” Santiago mỉm cười với anh. “Tạm biệt, anh Nổ, em gửi lời chào bà già và Cary.”
“Tùy mày, cứ giữ lấy cái điên khùng của mày,” Nổ nói, cũng mỉm cười. “Tao chỉ muốn mày biết là nếu khi nào mày cần gì…”
“Em biết, em biết,” Santiago nói. “Bây giờ anh về đi để em có thể ngủ một giấc ngắn. Tạm biệt, anh Nổ.”
Nếu mày không kể với Ana chắc mày sẽ tránh được rất nhiều lần cãi nhau, hắn nghĩ. Một trăm lần, Zavalita, hai trăm lần. Lòng kiêu hãnh làm khốn mày phải không? hắn nghĩ. Hắn nghĩ: thấy chồng em kiêu hãnh chưa, cưng, hắn không nhận thứ gì của họ, cưng, hắn bảo họ cút đi với các cổ phần và nhà cửa của họ, cưng. Mày nghĩ cô ấy sẽ khâm phục mày chăng, Zavalita, mày có muốn cô ấy khâm phục mày không?
Cô ấy sẽ nôn vào mày, hắn nghĩ, cô ấy sẽ trách móc mày mỗi lần họ tiêu hết đồng lương của hắn trước cuối tháng, mỗi lần họ phải xin ông Tàu cho thiếu nợ hoặc mượn tiền bà người Đức. Tội nghiệp Anita, hắn nghĩ. Hắn nghĩ: tội nghiệp Zavalita.
“Trễ quá chừng rồi, thưa cậu,” Ambrosio lại khăng khăng.
° ° °
“Đi thêm một chút nữa thì tới,” Queta nói, và nghĩ: công nhân đông quá. Phải chăng là giờ tan xưởng? Ừ phải, cô đã chọn đúng giờ đông nhất. Tiếng còi và làn sóng người hỗn độn tràn xuống đường phố. Chiếc tắc xi chậm chạp nhích theo, né tránh người, vài khuôn mặt gí sát cửa sổ nhìn cô. Họ huýt sáo với cô, nói ngon lành, ồ má ơi, làm bộ mặt tục tĩu. Các xí nghiệp nối tiếp hẻm phố, các hẻm phố nối tiếp xí nghiệp, và Queta thấy phía trên đám đầu người các mặt tiền lát đá, mái nhà lợp tôn, các cột khói từ ống khói. Thỉnh thoảng xa xa có vườn cây ăn trái bị đường phố cắt ngang: đây rồi. Chiếc tắc xi ngừng lại, cô bước ra. Tài xế nhìn vào mắt cô với nụ cười châm biếm trên môi.
“Tại sao cười?” Queta hỏi. “Bộ tôi có hai cái đầu hả?”
“Đừng giận,” người tài xế nói. “Với cô thì chỉ mười đồng.”
Queta trả tiền rồi quay lưng lại. Khi đẩy cánh cửa nhỏ trên bức tường màu hồng mờ nhạt, cô nghe tiếng xe tắc xi chạy đi. Trong vườn không có ai. Cô gặp Robertito ngồi trên chiếc ghế bành bằng da trong phòng đợi, hắn đang sơn móng tay. Hắn nhìn cô bằng cặp mắt đen của hắn.
“Ồ, chào Quetita,” hắn nói với giọng hơi chế giễu. “Tôi biết hôm nay cô đến. Bà đang đợi cô.”
Thậm chí không hỏi thăm hay bây giờ cô có khỏe hơn không, Queta nghĩ, thậm chí không bắt tay. Cô đi vào quầy rượu và trước mặt cô là bộ móng tay nhọn sơn bạc của Señora Ivonne, chiếc nhẫn tỏa sáng rực rỡ và cây bút bi bà đang ghi địa chỉ trên chiếc bao thư.
“Chào bà,” Queta nói. “Mừng được gặp lại bà.”
Señora Ivonne mỉm cười với cô, không nồng nhiệt, trong khi lặng lẽ quan sát cô từ đầu đến chân.
“Ôi dào, cô lại quay về đây,” cuối cùng bà nói. “Tôi khó tưởng tượng những điều cô đã trải qua.”
“Khá tệ,” Queta nói, rồi im lặng, và có thể cảm thấy những mũi tiêm nhói trên cánh tay cô, cái lạnh lẽo của dụng cụ thăm dò giữa hai chân cô, có thể nghe tiếng đàn bà cãi nhau tục tĩu xung quanh cô, và có thể thấy người hộ lý trong bệnh viện với mái tóc cứng dựng đứng đang cúi xuống nhặt cái bô.
“Cô có gặp bác sĩ Zegarra không?” Señora Ivonne hỏi. “Ông ta có cho cô giấy chứng nhận không?”
Queta gật đầu. Cô rút mẩu giấy gấp đôi trong ví ra đưa cho bà. Trong vòng một tháng mày khánh tận, cô nghĩ, mày bôi son trét phấn gấp ba lần và thậm chí mày nhìn không rõ được nữa. Señora Ivonne đang chăm chú đọc tờ giấy và, với rất nhiều cố gắng, giơ nó lên gần như ngay trên cặp mắt nhíu của bà.
“Tốt, bây giờ cô khỏe mạnh.” Señora Ivonne lại kiểm tra cô từ trên xuống rồi tỏ cử chỉ thất vọng. “Nhưng gầy như cây sào. Cô phải mập mạp lại, tôi sẽ phải làm cho gò má cô hồng hào lên. Tạm thời thì, cởi bộ quần áo cô đang mặc ra. Ngâm nó cho kỹ. Cô có mang gì theo để thay không? Bảo Malvina cho cô mượn. Ngay lập tức, cô đừng mang đầy vi trùng mà đứng loanh quanh đây. Bệnh viện là ổ vi trùng.”
“Tôi sẽ có lại căn phòng hồi trước không, thưa bà?” Queta hỏi và nghĩ tao sẽ không nổi giận, tao sẽ không cho mày niềm vui đó.
“Không, căn cuối,” Señora Ivonne nói. “Và nhớ tắm nước nóng. Xoa thật nhiều xà phòng vào, nhớ ra.”
Queta gật đầu. Cô đi lên tầng hai, nghiến chặt răng, nhìn mà không thấy cũng tấm thảm cũ màu đỏ hạt lựu ấy với cùng những vết bẩn ấy và cùng những đốm cháy vì thuốc lá và diêm quẹt ấy. Trên đầu thang cô gặp Malvina, nó mở vòng tay: Quetita! Họ ôm nhau, hôn nhau lên má.
“Mày khỏe hẳn ra, thật tuyệt, Quetita,” Malvina nói. “Tao muốn đi thăm mày, nhưng bà già làm tao sợ. Tao gọi mày rất nhiều lần, nhưng họ bảo tao là chỉ những người trả tiền mới được dùng điện thoại. Mày có nhận được mấy gói quà của tao không?”
“Cảm ơn mày nhiều lắm, Malvina,” Queta nói. “Cái tao cảm ơn mày nhất là thức ăn. Món ăn ở đó thật kinh khủng.”
“Tao mừng là mày trở về,” Malvina lặp lại, mỉm cười với cô. “Khi mày bị cái vụ đê tiện đó tao tức lắm, Quetita. Trần gian đầy tụi khốn nạn. Khá lâu rồi mình không gặp nhau, Quetita.”
“Một tháng,” Queta thở dài. “Đối với tao như mười tháng, Malvina.”
Cô thay quần áo trong phòng Malvina, đi vào phòng tắm, đổ đầy bồn rồi hụp vào nước. Cô đang xoa xà phòng lên người thì thấy cửa mở, và một cái mặt nghiêng nhìn trộm vào, bóng của Robertito: hắn vào được không, Quetita?
“Không, không được vào,” Queta càu nhàu. “Đi ra, cút đi.”
“Cô khó chịu vì tôi nhìn cô trần truồng à?” Robertito cười. “Cô khó chịu phải không?”
“Ừ,” Queta nói. “Tôi không cho phép anh. Đóng cửa lại.”
Hắn cười, bước vào rồi đóng cửa: vậy thì hắn sẽ ở lại, Quetita, hắn luôn luôn đi ngược dòng. Queta chìm xuống bồn nước lên tới cổ. Nước đen và sủi bọt.
“Trời ơi, cô bẩn quá, cô làm đen cả nước,” Robertito nói. “Bao lâu rồi cô không tắm?”
Queta cười: từ khi cô vào bệnh viện, một tháng! Robertito hếch mũi và tỏ vẻ ghê tởm: úi chà, đồ con lợn. Rồi hắn mỉm cười thân thiện và đi vài bước tới bồn tắm: trở lại đây cô có mừng không? Queta gật đầu: dĩ nhiên cô mừng. Mặt nước trở nên xáo động và đôi vai xương xẩu của cô nổi lên.
“Anh có muốn tôi kể bí mật cho anh không?” cô nói, chỉ tay về phía cánh cửa.
“Kể đi, kể đi,” Robertito nói. “Tôi mê chuyện ngồi lê đôi mách lắm.”
“Tôi sợ bà già sẽ đuổi tôi,” Queta nói. “Vì thói sợ vi trùng của bà ấy.
“Cô sẽ phải tới một động hạng hai, cô sẽ phải xuống cấp,” Robertito nói. “Cô sẽ làm gì nếu bà ấy đuổi cô đi?”
“Tôi sẽ phơi thây,” Queta nói. “Hạng hai hay hạng ba hay trời biết động nào.”
“Bà là người tốt,” Robertito nói. “Bà bảo vệ việc làm ăn của bà chống lại sóng gió và bà ấy đúng. Bà ấy đối xử tốt với cô, cô biết xưa nay bà ấy thường không nhận lại những người bị nặng như cô.”
“Vì tôi đã giúp bà ấy kiếm được rất nhiều tiền,” Queta nói. “Vì bà ấy cũng nợ tôi rất nhiều.”
Cô ngồi thẳng dậy và đang xoa xà phòng lên vú. Robertito chỉ nó: úi chà, nó thõng xuống kìa, Quetita, cô gầy quá. Cô gật đầu: cô đã mất mười lăm ký trong bệnh viện, Robertito. Thế thì cô phải mũm mĩm ra, Quetita, nếu không cô sẽ không chinh phục được món bở nào.
“Bà già nói tôi gầy như cây sào,” Queta nói. “Ở bệnh viện tôi gần như chẳng ăn gì, chỉ ăn mấy gói đồ Malvina gửi đến cho tôi.”
“Bây giờ cô có thể trả thù.” Robertito cười. “Ăn như lợn.”
“Bao tử của tôi chắc đã teo lại,” Queta nói, nhắm mắt và chìm xuống bồn tắm. “Ồ, nước nóng này thật tuyệt.”
Robertito bước đến, dùng khăn tắm lau khô mép bồn nước rồi ngồi xuống. Hắn bắt đầu nhìn Queta bằng một vẻ láu lỉnh tươi cười và hiểm độc.
“Cô có muốn tôi kể bí mật cho cô không?” hắn nói, thấp giọng và mở to mắt, ngạc nhiên vì sự táo bạo của chính hắn. “Cô có muốn tôi kể không?”
“Ừ, kể hết chuyện ngồi lê đôi mách trong nhà cho tôi,” Queta nói. “Chuyện mới nhất là gì?”
“Tuần trước bà và tôi đi thăm người cũ của cô.” Robertito đưa một ngón tay lên môi, lông mi hắn chớp lia lịa. “Tôi muốn nói là người cũ của người cũ của cô. Tôi phải nói cho cô là gã cư xử như đồ cục súc.”
Queta mở mắt và ngồi thẳng lên trong bồn tắm: Robertito lau mấy giọt nước rơi trên quần hắn.
“Cayo Đầu Cứt?” Queta nói. “Tôi không tin. Gã ở Lima này hả?”
“Gã đã trở về Peru,” Robertito nói. “Hóa ra gã có căn nhà ở Chaclacyo có hồ bơi và đủ thứ. Và hai con chó to bằng con hổ.”
“Anh nói láo,” Queta nói, nhưng cô thấp giọng vì Robertito ra hiệu cho cô đừng nói lớn như thế. “Gã đã trở về thật sao?”
“Một căn nhà đẹp, xây đúng ngay giữa một khu vườn khổng lồ,” Robertito nói. “Tôi không muốn đi. Tôi bảo bà, chuyện tào lao, bà sẽ thất vọng, nhưng bà không thèm nghe tôi. Vẫn nghĩ tới chuyện làm ăn của bà với gã. Gã có vốn, gã biết tôi đối xử đàng hoàng với người chung vốn, bọn tôi là bạn. Nhưng gã đối xử với chúng tôi như hai đứa ăn xin rồi đuổi chúng tôi ra. Người cũ của cô, Quetita, người cũ của người cũ của cô. Gã đúng là đồ cục súc.”
“Gã sẽ ở lại Peru chứ?” Queta hỏi. “Gã có dính vào chính trị nữa không?”
“Gã nói gã chỉ ghé qua.” Robertito nhún vai. “Cô có thể tưởng tượng gã phải nặng túi cỡ nào. Một căn nhà như vậy, chỉ để tạt qua. Gã đang sống ở Mỹ. Gã vẫn y nguyên như trước, tôi cho cô biết. Già, xấu xí và đê tiện.”
“Gã có hỏi gì về…?” Queta nói. “Chắc gã đã nói gì với anh phải không?”
“Về Nàng Thơ à?” Robertito nói. “Đồ cục súc, tôi cho cô biết, Quetita. Bà đã nói với gã về cô ấy, chúng tôi cảm thấy rất hãi hùng về việc đã xảy ra cho kẻ đáng thương, gã chắc đã nghe. Và gã chẳng buồn chớp mắt. Gã nói tôi không cảm thấy tệ hại lắm, tôi biết bà điên sẽ đi đến kết thúc thảm hại. Rồi gã hỏi về cô, Quetita. Ừ, ừ. Tội nghiệp, cô ấy đang trong bệnh viện, tưởng tượng mà coi. Và cô nghĩ gã nói gì nào?”
“Nếu gã nói như vậy về Hortensia, tôi có thể tưởng tượng gã sẽ nói gì về tôi,” Queta nói. “Nào, đừng bắt tôi tò mò đợi.”
“Bảo với nó, nói phòng xa, là tôi sẽ không cho nó một xu, là tôi đã cho nó đủ rồi.” Robertito cười. “Là nếu cô đến gặp gã để định tống tiền gã thì đó là lý do gã có hai con chó Đan Mạch. Đúng từng chữ, Quetita, hỏi bà là biết. Nhưng đừng hỏi, ngay cả đừng nhắc tới gã với bà, khi trở về bà bực tức lắm, gã đối xử với bà tệ đến nỗi bà không bao giờ muốn nghe tên gã nữa.”
“Sẽ có ngày gã phải trả giá,” Queta nói. “Mày không thể đê tiện cỡ đó mà sống vui vẻ như vậy.”
“Gã có thể, gã có tiền là nhờ như vậy,” Robertito nói. Hắn lại bắt đầu cười và hơi nghiêng tới gần Queta hơn. Hắn thấp giọng: “Cô có biết gã nói gì khi bà đề nghị một vụ làm ăn nhỏ với gã không? Gã cười vào mặt bà. Bà nghĩ tôi muốn kinh doanh nhà thổ hả, Ivonne? Bây giờ gã chỉ thích làm ăn đứng đắn. Rồi ngay sau đó gã bảo chúng tôi là các người biết lối ra, tôi không muốn thấy mặt các người quanh đây nữa. Đúng mấy chữ đó, tôi thề. Cô điên à, cô cười cái gì?”
“Không,” Queta nói. “Đưa tôi cái khăn tắm, lạnh rồi và tôi đang cóng.”
“Tôi sẽ lau khô cô, nếu cô muốn,” Robertito nói. “Tôi luôn sẵn sàng phục vụ cô, Quetita. Nhất là bây giờ cô vui vẻ hơn. Cô không cáu kỉnh như lúc trước.”
Queta đứng lên, bước ra khỏi bồn tắm và nhón chân đi tới, nước nhỏ trên sàn gạch nứt nẻ. Cô quấn một cái khăn quanh eo và một cái nữa trên vai.
“Không có bụng, và chân cô vẫn đẹp.” Robertito cười. “Cô có định đi tìm người cũ của người cũ của cô không?”
“Không, nhưng nếu bao giờ tôi tình cờ gặp gã thì gã sẽ hối,” Queta nói. “Vì những điều gã đã nói với anh về Hortensia.”
“Cô sẽ không bao giờ tình cờ gặp gã,” Robertito nói. “Bây giờ gã ở trên cô rất cao.”
“Tại sao anh đến kể mấy chuyện này cho tôi?” Queta bỗng hỏi, ngưng lau người. “Nào, cút đi, cút ra khỏi đây.”
“Chỉ để xem cô phản ứng thế nào,” Robertito cười. “Đừng tức giận. Để cô thấy tôi là bạn của cô, tôi sẽ kể cho cô một bí mật khác. Cô có biết tại sao tôi vào không? Vì bà bảo tôi xem cô có tắm thật không.”
° ° °
Gã từ Tingo María đến bằng những chặng ngắn, để phòng ngừa: trên một chiếc xe vận tải đến Huánuco, gã ngủ một đêm ở đó, rồi đi xe đò đến Huancayo, từ đó đến Lima bằng xe lửa. Khi gã băng ngang rặng Andes, độ cao làm gã buồn nôn và trống ngực đánh ầm ầm, thưa cậu.
“Tôi rời Lima mới hơn hai năm rồi tôi trở lại,” Ambrosio nói. “Nhưng đổi khác nhiều. Người cuối cùng tôi có thể nhờ giúp đỡ là Ludovico. Nó đã đưa tôi đi Pucallpa, nó giới thiệu tôi với họ hàng nó, Don Hilario, thấy không? Và nếu tôi không thể tới gặp nó thì tôi có thể tới ai?”
“Cha tôi,” Santiago nói. “Tại sao ông không tới ông ấy, làm sao ông không nghĩ đến?”
“Ôi dào, không phải tôi không nghĩ đến,” Ambrosio nói. “Cậu phải biết, thưa cậu…”
“Tôi không hiểu,” Santiago nói. “Chẳng phải ông đã nói là ông ngưỡng mộ cha tôi lắm hay sao, chẳng phải ông đã nói là cha tôi rất quý mến ông? Cha tôi sẽ giúp ông. Ông không nghĩ đến sao?”
“Tôi sẽ không gây rắc rối gì cho papa của cậu, chính vì lý do là tôi rất kính trọng ông,” Ambrosio nói. “Hãy nhớ ông là ai và tôi là ai, thưa cậu. Tôi kể với ông là tôi đang đào tẩu à, tôi là thằng ăn cắp, cảnh sát đang tìm tôi vì tôi bán một chiếc xe vận tải không phải của tôi?”
“Ông tin cha tôi hơn là tin tôi, đúng không?” Santiago hỏi.
“Một người, dù khốn nạn đến mấy, cũng có lòng kiêu hãnh của mình,” Ambrosio nói. “Don Fermín nghĩ tốt về tôi. Tôi là rác rưởi, cặn bã, cậu thấy chứ?”
“Tại sao ông tin tôi?” Santiago hỏi. “Tại sao ông không xấu hổ khi kể với tôi chuyện chiếc xe vận tải?”
“Chắc là vì tôi không còn chút lòng kiêu hãnh nào,” Ambrosio nói. “Nhưng hồi đó tôi còn. Vả lại, cậu đâu có phải là papa của cậu, thưa cậu.”
Bốn trăm đồng của Itipaya hết sạch vì chuyến đi, và trong ba ngày đầu ở Lima gã không có miếng ăn nào. Gã lang thang vô định, tránh xa khu phố buôn bán, cảm thấy lạnh xương mỗi khi gặp cảnh sát và duyệt qua trong đầu những cái tên rồi loại bỏ đi: Ludovico, khỏi nghĩ tới; Hipólito chắc vẫn ở tỉnh hay đã quay lại làm với Ludovico. Hipólito, khỏi nghĩ tới, khỏi nghĩ tới nó. Gã không nghĩ đến Amalia hay Amalita Hortensia hay Pucallpa: chỉ nghĩ đến cảnh sát, chỉ nghĩ đến ăn, chỉ nghĩ đến hút thuốc.
“Tưởng tượng xem, tôi chưa bao giờ dám xin ăn,” Ambrosio nói. “Nhưng tôi dám xin hút.”
Khi đã chịu hết nổi, gã sẽ chặn bất cứ ai trên đường lại để xin thuốc lá. Gã đã làm đủ mọi thứ, miễn là không phải việc ổn định và họ không đòi giấy tờ: bốc dỡ xe tải ở Porvenir, đốt rác, bắt chó mèo chạy rông cho thú dữ của gánh xiếc Cairoli, dọn dẹp ống cống, và thậm chí gã làm cho một ông mài dao. Đôi khi, trên bến tàu Callao, gã làm thay giờ cho một công nhân bốc vác trong biên chế, và mặc dù phải chia một phần lớn cho người ta, gã còn đủ để ăn hai hoặc ba ngày. Một hôm có người mách mối cho gã: phe Odría cần nhiều người dán bích chương. Gã đến nơi, suốt đêm bôi keo khắp đường phố khu buôn bán, nhưng người ta chỉ cho họ ăn uống. Trong mấy tháng trôi giạt ấy, đói cồn cào, cuốc bộ và làm những việc vặt kéo dài một hai ngày, gã gặp Pancras. Lúc đầu gã ngủ trong chợ Parada, dưới mấy chiếc xe tải, trong rãnh, trên các kiện hàng trong kho, cảm thấy được bảo vệ, trốn tránh giữa đám hành khất và bọn lang bạt ngủ ở đó, nhưng một đêm gã nghe nói thỉnh thoảng cảnh sát tuần tra đến hỏi giấy tờ. Vì thế gã bắt đầu đi vào thế giới khu ổ chuột. Gã biết rõ hết, ngủ đêm nay chỗ này, đêm khác chỗ khác, đến khi gã gặp Pancras trong một khu tên là La Perla và gã ở lại đó. Pancras sống một mình và dọn chỗ cho gã trong cái chòi của hắn.
“Người đầu tiên tốt với tôi sau bấy nhiêu lâu,” Ambrosio nói. “Không cần biết tôi là ai hoặc vì lý do gì. Thằng đen đó có trái tim vàng, tôi cho cậu biết.”
Pancras đã làm ở chuồng chó nhiều năm, và khi họ thành bạn, một hôm hắn đưa gã đến gặp người cai: không, không nhận người làm. Nhưng một thời gian sau họ gọi gã. Chỉ một điều họ hỏi giấy tờ của gã: thẻ cử tri, thẻ quân dịch, giấy khai sinh? Gã phải bịa láo: tôi làm mất. Ồ, ôi dào, miễn bàn, không giấy tờ thì khỏi làm việc. Úi chà, đừng vớ vẩn, Pancras bảo gã, ai mà nhớ chiếc xe tải đó, cứ đưa cho hắn giấy tờ của mày. Gã sợ, gã không nên, Pancras, và gã tiếp tục kín đáo làm những việc vặt. Khoảng thời gian đó gã trở về quê quán, Chincha, thưa cậu, lần cuối cùng. Để làm gì? Nghĩ là gã có thể làm giấy khác, làm phép rửa tội lần nữa với một ông linh mục nào đó dưới cái tên khác, và thậm chí cũng vì tò mò, để xem thị trấn bây giờ ra sao. Tuy vậy gã hối tiếc mình đã về. Gã rời La Perla sớm với Pancras, và họ chia tay trên Dos de Mayo. Ambrosio bước dọc theo Colmena tới Parque Universitario. Gã đi xem giá vé xe đò và mua một vé trên chiếc khởi hành lúc mười giờ, vì thế gã có thời giờ mua một cốc cà phê và tản bộ loanh quanh. Gã nhìn vào các cửa kính hiệu buôn trên Avenida Iquitos, cố quyết định có nên mua một cái áo sơ mi mới hay không để gã trở về Chincha nom bảnh bao hơn lúc gã ra đi mười lăm năm trước. Nhưng gã chỉ còn một trăm đồng và gã nghĩ thôi đừng. Gã mua một ống bạc hà, và suốt chuyến đi gã cảm thấy mùi thơm mát trên lợi, răng, mũi và vòm miệng gã. Nhưng trong dạ dày gã cảm thấy nôn nao: những người nhận ra gã sẽ nói gì khi họ thấy gã như vậy. Họ chắc đã thay đổi rất nhiều, một số chắc đã chết, kẻ khác chắc đã dọn đi khỏi thị trấn, thành phố chắc thay đổi nhiều đến nỗi gã thậm chí không nhận ra. Nhưng ngay khi xe ngừng trên Plaza de Armas, mặc dù mọi thứ nhỏ hơn và thấp hơn, gã nhận ra nó hết: mùi không khí, màu băng ghế và mái nhà, gạch lát hình tam giác trên vỉa hè bên cạnh nhà thờ. Gã cảm thấy rầu rĩ, buồn nôn, xấu hổ. Thời gian không trôi qua, gã chưa rời Chincha, ở đó, quanh góc phố, là văn phòng nhỏ của Công ty Vận chuyển Chincha, nơi gã bắt đầu sự nghiệp làm tài xế. Ngồi trên băng ghế gã hút thuốc, nhìn quanh, ừ, một thứ đã thay đổi: các khuôn mặt. Gã nôn nóng quan sát các ông các bà, và gã cảm thấy tim đập mạnh khi gã thấy một hình người mỏi mệt, đi chân đất tiến đến, đầu đội mũ rơm và dùng cây gậy mò mẫm đường: lão mù Rojas! Nhưng không phải lão, đó là một người mù bạch tạng, còn trẻ, anh ta đến ngồi xổm dưới cây dừa. Gã đứng lên, khởi sự bước đi, và khi đến khu ổ chuột, gã thấy một số đường đã được tráng nhựa và người ta đã xây mấy căn nhà nhỏ có vườn trong đó cỏ mọc héo úa. Phía sau, chỗ mương nước dọc theo đường đến Grocio Prado, bây giờ có một biển lều lán. Gã đi tới lui qua các ngõ hẻm bụi bặm của khu ổ chuột mà không nhận ra một khuôn mặt nào. Rồi gã ra nghĩa trang, nghĩ mộ của bà già đen chắc nằm cạnh mộ Perpetuo. Nhưng không, và gã không dám hỏi người gác nơi chôn bà. Gã trở về trung tâm thị trấn lúc hoàng hôn, thất vọng, quên việc làm lễ rửa tội mới và giấy tờ, và đói. Trong nhà hàng cà phê tên Mi Parria, bây giờ đặt tên Victoria và có hai cô hầu bàn thay vì Don Rómulo, gã gọi bít tết và hành tây, ngồi bên cạnh cửa, nhìn đăm đăm ra phố, cố nhận một vài khuôn mặt: tất cả đã khác. Gã nhớ một điều Trifulcio đã bảo gã tối hôm ấy ngay trước khi gã đi Lima, trong lúc họ bước đi trong bóng tối: tao đang ở Chincha vậy mà tao cảm thấy như không phải, tao nhận ra mọi thứ nhưng cũng có thể nói tao không nhận ra cái gì. Bây giờ gã đã hiểu ông muốn nói gì với gã. Gã lang thang qua thêm vài khu: Trường José Pardo, Bệnh viện San José, Rạp hát Thành phố, chợ đã được đổi mới một chút. Mọi thứ như cũ nhưng nhỏ hơn, mọi thứ như cũ nhưng thấp hơn, chỉ có người là khác: gã hối tiếc là gã đã về, thưa cậu, gã đã bỏ đi tối hôm ấy, thề là tôi sẽ không bao giờ trở lại. Ở đây gã đã cảm thấy đủ khốn nạn rồi, thưa cậu, và hôm ấy ở đó, ngoài cảm giác mình khốn nạn, gã cảm thấy mình già khủng khiếp. Rồi khi mối lo sợ bệnh chó dại chấm dứt, ông sẽ hết việc ở chuồng chó phải không, Ambrosio? Phải, thưa cậu. Ông sẽ làm gì? Làm những gì gã đã làm trước khi người cai bảo Pancras gọi gã đến và bảo gã, thôi được, phụ tụi cao một tay trong vài ngày mặc dù mày không có giấy tờ. Gã sẽ làm chỗ này chỗ kia, có lẽ một thời gian sau lại bùng lên bệnh chó dại nữa và họ lại gọi đến gã, rồi sau đó chỗ này chỗ kia, rồi sau đó, ôi dào, sau đó gã sẽ chết, chẳng phải như thế sao, thưa cậu?