1956
Mùa đông năm 1956, khi Kya lên mười, ba ngày càng ít tập tễnh bước vào cái lán. Nhiều tuần trôi qua mà chẳng có chai whiskey nào trên sàn, không tấm thân nào nằm dài ra giường lớn, không có xu nào vào những thứ hai. Kya cứ mong đợi thấy ba khập khiễng bước giữa rừng cây, xách theo túi rượu nhỏ. Một kỳ trăng rằm, rồi một kỳ nữa đi qua kể từ khi con bé thấy ông lần cuối.
Cây sung dầu và hồ đào giương cành trơ trụi trên nền trời mờ xỉn, và cơn gió không ngơi rút cạn từng mẩu niềm vui mà mặt trời mùa đông có thể gieo lên vùng ảm đạm này. Thứ gió vô dụng, khô khốc trên vùng đất ven biển không thể ráo khô.
Ngồi trên bậc thềm trước nhà, con bé nghĩ ngợi. Một trận ẩu đả vì ván xì phé có thể kết thúc trong cảnh ba bị đánh bầm dập và ném xuống đầm lầy trong đêm lạnh ướt mưa. Hoặc có lẽ ông chỉ uống tới say mèm, lang thang vào rừng, và ngã ụp mặt xuống đầm lầy tù đọng.
“Mình nghĩ ông đi biệt luôn rồi.”
Con bé cắn môi cho đến khi miệng trắng bệch. Cảm giác này không như nỗi đau khi má đi mất – thực ra, con bé khó mà nhớ tiếc ông cho được. Nhưng còn lại tuyệt đối một mình là một cảm giác mênh mông đến dội vang, rồi mấy người có chức trách chắc chắn sẽ hay biết và tới bắt nó nữa. Con bé phải giả vờ, kể cả với Jumpin’, rằng ba vẫn còn ở đó.
Và sẽ chẳng có tiền vào thứ hai nữa. Con bé đã rải mấy đô cuối cùng ra xài suốt nhiều tuần, sống bằng cháo bột ngô, vẹm luộc và thỉnh thoảng là trứng còn sót của lũ gà mái thả rông. Số tạp phẩm còn lại chỉ là vài que diêm, chút bột ngô thừa và miếng xà bông nhỏ. Một nắm diêm Blue Tips không thể qua nổi một mùa đông. Không có chúng con bé không thể nấu bột ngô cho chính nó, lũ gà và mòng biển.
“Mình không biết làm sao sống mà không có bột ngô nữa.”
Ít nhất, con bé nghĩ, dù cho bận này ba biến mất tới xó xỉnh nào, ông cũng đã đi bộ. Kya có chiếc thuyền.
Dĩ nhiên con bé phải tìm cách khác để kiếm thức ăn, nhưng lúc này nó đẩy suy nghĩ đó vào một góc sâu trong trí. Sau một bữa tối gồm vẹm luộc mà nó đã học cách nghiền thật nhão và trét lên bánh quy mặn, con bé lật giở những cuốn sách yêu quý của má, giả vờ đọc truyện cổ tích chơi. Đã lên mười mà nó vẫn chưa biết đọc.
Rồi ngọn đèn dầu hỏa chập chờn, yếu đi, và tắt ngóm. Trong phút chốc vẫn có một hình tròn mờ mờ của thế giới xung quanh, và sau đó là tối mịt. Con bé bật ra một tiếng ồ. Ba luôn mua dầu hỏa và châm đầy đèn nên Kya không nghĩ nhiều tới nó. Cho đến khi tối mịt.
Con bé ngồi đó vài giây, cố gắng nặn ra ánh sáng từ chỗ dầu còn lại, nhưng gần như chẳng có gì. Rồi cái khối tròn tròn là chiếc tủ Frigidaire cùng khung cửa sổ bắt đầu hiện hình trong bóng tối lờ mờ, thế là con bé mò mẫm dọc bàn bếp cho đến khi tìm thấy một mẩu nến cụt. Thắp nó lên sẽ mất một que diêm và chỉ còn vỏn vẹn năm que nữa. Thế nhưng bóng tối là thứ ngay-tức-thời.
Xoẹt. Con bé quẹt diêm, thắp nến, và bóng tối lui vào các góc. Nhưng con bé đã thấy nó đủ để biết mình cần ánh sáng, và dầu hỏa sẽ tốn tiền. Kya mở miệng thở dốc. “Có lẽ mình phải đi ra thị trấn nộp mình cho chính quyền. Ít nhất họ cũng cho mình thức ăn và đưa mình tới trường học.”
Nhưng sau khi suy nghĩ một phút, nó nói, “Không, mình không thể bỏ lũ mòng biển, con diệc, cái lán. Đồng lầy là gia đình duy nhất mình có.”
Ngồi trong chút ánh sáng cuối cùng từ mẩu nến, con bé có một ý tưởng.
Sáng hôm sau sớm hơn thường lệ, nó thức dậy khi nước đang ròng, xỏ cái quần yếm vào rồi ra ngoài với một cái xô, con dao móng vuốt và mấỵ túi vải bố rỗng. Ngồi chồm hỗm trong bùn, nó nhặt những con vẹm nằm dọc mé nước như má đã dạỵ, và sau bốn giờ lom khom cùng quỳ mọp, nó đã có hai túi vải bố đầỵ.
Mặt trời chầm chậm kéo lên từ lòng biển khi con bé lái thuyền qua sương dày tới trạm Xăng và Mồi của Jumpin’. Ông đứng dậy khi nó lại gần.
“Xin chào, cô Kya, cháu muống chút xăng hả?”
Nó rụt đầu. Chưa từng nói với ai lời nào kể từ chuyên cuối cùng tới tiệm Piggìy Wiggìy, và tiếng nói lẩn tránh nó. “Có lẽ một chút xăng. Nhưng còn tùy. Cháu nghe nói ông mua vẹm, và cháu có một ít ở đây. Ông có thể trả cháu tiền mặt và thêm chút xăng không ạ?” Nó chỉ vào mấy cái túi.
“Đúng rồi cô bé, chắc chắn có thể. Chúng còn tươi chớ?”
“Cháu đào chúng chước bình minh. Mới đây thôi.”
“Ừ, vậy được. Ta có thể trả cháu năm mươi xu một túi và một bình xăng đầy cho túi còn lại.”
Kya khẽ mím cười. Tiền con bé tự kiếm hẳn hoi. “Cảm ơn ông” là tất cả những gì nó nói.
Khi Jumpin’ đổ đầy bình, Kya bước vào cửa hàng nhỏ xíu của ông trên bến. Chưa bao giờ chú ý nhiều tới nó vì toàn mua đồ ở Piggìy, nhưng giờ con bé thấy ngoài mồi và thuốc lá, ông còn bán diêm, mỡ lợn, xà bông, cá mòi, xúc xích Vienna, bột ngô, bánh quy mặn, giấy vệ sinh và dầu hỏa. Gần như tất cả những gì con bé cần trên thế giới đều có ở đây. Xếp dài trên kệ là năm lọ gần bốn lít đựng đầy kẹo một xu – kẹo quế Red Hot, kẹo cứng tròn và kẹo caramel Sugar Daddy. Có vẻ có nhiều kẹo ở đây hơn trên toàn thế giới.
Với số tiền bán vẹm, con bé mua diêm, một cây nến và bột ngô. Dầu hỏa và xà bông phải chờ một túi vải bố nữa. Con bé phải cố hết sức mới không mua một que Sugar Daddy thay vì cây nến.
“Một tuần ông mua bao nhiêu túi?” Nó hỏi.
“Chà, giờ chúng ta bắt đầu lập thỏa thuận mua báng hả?” Ông vừa hỏi vừa bật cười theo kiểu đặc trưng – miệng mím lại, đầu ngửa ra sau. “Ta mua khoảng hai mươi câng cho hai ba ngày. Nhưng nhớ này, mấy người khác cũng mang vẹm tới. Nếu cháu mang chúng lại mà ta đã có rồi thì cháu bị loại. Tới trước thì bán được trước. Không có cách nào khác.”
“Dạ. Cảm ơn ông, vậy cũng được. Tạm biệt, ông Jumpin’.” Rồi con bé nói thêm, “A, nhân tiện, ba cháu gửi lời hỏi thăm ông.”
“Vậy hả, được rồi. Cháu cũng gửi lời từ ta há, nếu cháu vui lòng. Tạm biệt cháu, cô Kya.” Ông cười tươi khi con bé lái đi. Chính nó cũng suýt mỉm cười. Tự mua xăng và đồ dùng chắc chắn đã biến nó thành người lớn. Lát sau ở cái lán, trong khi lôi đống đồ ra, con bé thấy một bất ngờ màu đỏ và vàng dưới đáy túi. Chưa quá lớn để ăn một que Sugar Daddy mà Jumpin’ đã thả vào đó, nhỉ.
Để tới trước mấy người bắt vẹm khác, Kya ra đồng lầy bằng nến hoặc ánh trăng – cái bóng của nó rung rung trên cát lấp loáng ướt – và nhặt vẹm giữa khuya muộn. Con bé thêm hàu vào mớ vẹm bắt được và thỉnh thoảng ngủ gần những rãnh nước dưới ánh sao để tới chỗ Jumpin’ cùng tia sáng đầu ngày. Tiền bán vẹm hóa ra còn đáng tin cậy hơn số tiền phát thứ hai trước nay, và con bé thường thắng mấy người bắt vẹm khác.
Con bé thôi lui tới Piggìy, nơi cô Singìetary luôn hỏi sao nó không tới lớp. Sớm muộn họ cũng sẽ túm Kya, lôi nó vào trường. Con bé sống bằng đồ dùng từ chỗ Jumpin’ và có nhiều vẹm hơn số nó có thể ăn hết. Chúng cũng không tệ khi trút vào bột ngô, nghiền ra nhuyễn nhừ. Chúng không có mắt để nhìn con bé như con cá dạo nọ.