1960
Trong nhiều ngày, Tate không trở lại để dạy đọc. Trước khi có trò chơi lông vũ, sự cô đơn đã trở thành một bộ phận tự nhiên nối liền cơ thể Kya, như một cánh tay. Giờ đây nó mọc rễ bên trong và chèn lên ngực con bé.
Một buổi chiều muộn, Kya mặc kệ và đi thuyền ra ngoài. “Mình không thể cứ ngồi chờ mãi.”
Thay vì đậu ở bến Jumpin’, nơi nó sẽ bị trông thấy, con bé giấu thuyền trong một vũng nhỏ ngay phía nam chỗ đó và cầm một túi vải bố, đi bộ xuôi lối mòn râm mát tới Phố Da màu. Suốt ngày, một cơn mưa nhẹ đã lâm thầm rơi, và giờ khi vầng dương xuống sát chân trời, khu rừng bốc lên một màn sương lững lờ tràn qua những khoảng rùng thưa mọng nước. Kya chưa bao giờ tới Phố Da màu, nhưng biết nó ở đâu và cho rằng mình có thể tìm thấy nhà của Jumpin’ và Mabel khi tới đó.
Con bé mặc quần jean và một chiếc áo hồng nhận từ Mabel. Trong túi vải bố là hai hũ mứt mâm xôi lỏng nó tự làm để đáp lại lòng tốt của hai vợ chồng họ. Nhu cầu đuợc ở gần ai đó, cơ hội trò chuyện với một người bạn là phụ nữ đã thôi thúc con bé tìm tới Phố Da màu. Nếu Jumpin’ chưa về nhà, có lẽ nó có thể ngồi lại và trò chuyện chốc lát với Mabel.
Khi tới gần một khúc quanh trên đường, Kya nghe những tiếng nói vọng tới chỗ nó. Con bé dừng lại, chăm chú lắng nghe. Nhanh chân, nó bước khỏi lối mòn vào rừng rậm và nấp sau một bụi hương đào. Một phút sau, hai thằng con trai da trắng mặc quần yếm nhếch nhác đi vòng qua khúc quanh, cầm theo đồ câu cá và một dây cá trê dài bằng tay con bé. Kya đông cứng sau bụi rậm và chờ đợi.
Một trong hai thằng trồ dọc lối đi. “Nhình kia kìa.”
“Chúng ta hông may sao. Đây một thằng mọi đi dề Phố Mọi.” Kya nhìn xuôi con đường và ở đó, đang đi bộ về nhà buổi tối, chính là Jumpin’. Ở khá gần, ông chắc chắn đã nghe bọn chúng, nhưng ông chỉ cúi đầu, bước vào rừng tránh chúng và đi tiếp.
Có chuyện gì với ông ấy vậy, sao ông không làm gì? Kya giận điên. Con bé biết mọi là một từ rất xấu – biết vì ba đã dùng nó như tiếng chửi thề. Jumpin’ có thể đập đầu hai thằng vào nhau, dạy chúng một bài học. Nhưng ông chỉ cắm cúi bước cho nhanh.
“Một thằng mọi dà đi vào phố. Cẩn thận, thằng mọi, đừng té hố.” Chúng chế nhạo Jumpin’ trong khi ông dán mắt vào ngón chân mình. Một trong hai thằng cúi xuống, lượm một cục đá và liệng nó vào lưng Jumpin’. Nó đập bốp vào dưới vai ông. Ông hơi chúi người, rồi đi tiếp. Hai thằng cười rộ khi ông khuất sau khúc quanh, rồi lượm thêm đá đuổi theo ông.
Kya lén lút luồn trong bụi rậm vượt lên trước bọn chúng, mắt dán vào mấy cái nón nhấp nhô trên các cành cây. Nó thụp xuống ở một chỗ cây bụi mọc dày sát lối đi, nơi mà vài giây nữa hai thằng sẽ rảo qua cách nó chỉ một bước. Jumpin’ đã ở phía trước, khuất ngoài tầm mắt. Con bé xoắn cái túi đựng mứt sao cho lớp vải vặn chặt và gút lại quanh mấy cái hủ. Khi bọn con trai bước ngang bụi rậm, con bé vung cái túi nặng quất bốp vào sau đầu thằng gần nhất. Thằng này đổ ụp về phía trước và té đập mặt. Hú và rít lên lanh lảnh, con bé chạy về phía thằng còn lại, sẵn sàng đập luôn đầu nó, nhưng thằng ranh đã chạy mất. Con bé lủi vào rừng khoảng năm mươi thước và nhìn ra cho đến khi thằng đầu tiên lồm cồm đứng dậy, ôm đầu văng tục.
Cầm cái túi đựng mứt, con bé quay lại thuyền của nó và lái về nhà. Nghĩ rằng nó hẳn không bao giờ ghé thăm nữa.
******
NGÀY HÔM SAU, khi nghe tiếng thuyền Tate bình bịch qua con kênh, Kya chạy ra phá nước và đứng trong bụi rậm, nhìn cậu bước khỏi thuyền, ba lô cầm tay. Nhìn quanh, cậu cất tiếng gọi nó và con bé chậm rãi bước ra, mặc quần jean vừa khít và chiếc áo trắng có hàng nút lộn xộn đủ kiểu.
“Chào Kya. Xin lỗi vì anh không thể tới sớm hơn. Phải phụ cha anh, nhưng chúng ta sẽ giúp em biết đọc ngay thôi mà.”
“Chào anh, Tate.”
“Ngồi đây nhé.” Tate chỉ vào một gốc sồi dưới bóng râm dày đặc quanh phá nước. Từ ba lô, cậu lôi ra một cuốn sách mỏng, cũ phai có bảng chữ cái và một tập giấy viết kẻ dòng. Bằng bàn tay chậm rãi nắn nót, cậu viết vài con chữ giữa các dòng kẻ, a A, b B, bảo con bé làm theo, và kiên nhẫn với nỗ lực le-lưỡi của con bé. Trong khi Kya viết, cậu đọc thành tiếng những chữ cái. Nhẹ nhàng, chậm rãi.
Con bé nhớ vài chữ từ Jodie và má nhưng không biết gì về cách ghép chúng thành từ.
Sau vài phút, cậu lên tiếng, “Thấy không, em viết được một từ rồi đó.”
“Ý anh là sao?”
“C-a-b. Em có thể viết từ cab.”
“Cab là gì?” Con bé hỏi. Tate biết mình không nên cười.
“Đừng lo nếu em chưa biết. Cứ tiếp đi. Chẳng bao lâu em sẽ viết được một từ em biết.”
Lát sau cậu bảo, “Em phải luyện bảng chữ cái thêm nhiều nữa. Phải mất một thời gian mới nắm được, nhưng em có thể đọc một chút rồi. Để anh chỉ em.” Cậu không có sách tập đọc ngữ pháp, nên cuốn sách đầu tiên của con bé là quyển Niên giám xứ cát của Aldo Leopold cậu mượn từ cha. Cậu chỉ vào dòng đầu tiên và bảo con bé đọc cho cậu. Từ đầu tiên là There và con bé phải xem lại bảng chữ cái rồi tập đọc từng âm, nhưng cậu rất kiên nhẫn, giải thích cách phát âm đặc biệt của phụ âm th, và khi cuối cùng cũng đọc được, Kya vung tay lên cười to. Tươi cười, cậu nhìn con bé.
Chậm chạp, Kya tháo gỡ từng từ một của câu: ‘“Một số người có thể sống mà không có những cái hoang dã bên mình, và một số người không thể.”
“Ồ,” con bé thốt lên. “Ồ.”
“Em đọc được rồi đó, Kya. Sẽ không bao giờ có lúc nào em không biết đọc nữa.”
“Hông chỉ có thế.” Con bé nói nhỏ, gần như thì thầm. “Em hông biết ngôn từ có thể chứa đựng nhiều điều đến vậy. Em không biết một câu có thể đầy ắp như thế.”
Cậu mỉm cười. “Đó là một câu rất hay. Không phải câu từ nào cũng chứa đựng nhiều như vậy.”
******
NHỮNG NGÀY TIẾP THEO, ngồi trên gốc sồi dưới bóng râm hoặc trên bờ biển dưới ánh nắng, Tate dạy Kya đọc chữ, những từ ngữ hát về bầy ngỗng và lũ sếu, hiện hữu khắp xung quanh họ. “Nếu như không còn tiếng nhạc của ngỗng thì sao?”
Xen kẽ giữa những lúc phụ việc cho cha hoặc ném bóng chày với các bạn, Tate đến chỗ Kya nhiều lần một tuần và giờ đây, bất kể đang làm gì – nhổ cỏ vườn, cho gà ăn, tìm vỏ sò – con bé luôn lắng tai nghe, chờ tiếng thuyền của Tate rền vang trên kênh nước.
Trên bờ biển một hôm nọ, đang đọc xem bữa trưa của chim bạc má mũ đen gồm có những gì, con bé hỏi cậu, “Anh sống với gia đình anh ở Vũng Barkley à?”
“Anh sống với cha. Ừ, ở Barkley.”
Kya không hỏi phải chăng gia đình cậu từng có nhiều người nữa, giờ đã không còn. Mẹ cậu hẳn cũng đã rời xa cậu. Một phần trong con bé muốn chạm vào tay cậu, một ước muốn lạ lùng, nhưng ngón tay nó không làm theo. Thay vì vậy, nó ghi nhớ những mạch máu xanh xanh phía trong cổ tay Tate, cũng tinh xảo như đường gân vẽ phác trên cánh ong bắp cày.
******
BUỔI TỐI, ngồi tại bàn bếp, con bé ôn lại bài dưới ngọn đèn dầu hỏa, ánh sáng dìu dịu thấm qua cửa sổ cái lán và chạm lên những cành sồi thấp là đà. Nguồn sáng duy nhất trong hàng dặm dài bóng đêm ngoài những chấm sáng dịu êm của đom đóm.
Cẩn thận, con bé viết và đọc từng từ lần nữa rồi lần nữa.
Tate bảo từ dài đơn giản là những từ ngắn nối lại – nên con bé không sợ chúng, nhào vào học ngay Kỷ Pieitocene bên cạnh từ ngồi. Học đọc là thời gian vui nhất Kya từng có. Nhưng con bé không hiểu tại sao Tate lại đề nghị dạy thứ rác rưởi da trắng nhà nghèo như mình, tại sao ban đầu cậu lại tìm tới, mang theo những chiếc lông vũ tuyệt đẹp. Nhưng con bé không hỏi, sợ rằng sẽ làm cậu nghĩ tới chuyện đó, xui cậu rời đi.
Giờ đây, cuối cùng Kya cũng có thể dán nhãn tất cả những mẫu vật quý giá. Con bé cầm từng chiếc lông vũ, chú côn trùng, từng vỏ sò hoặc bông hoa, tìm cách đánh vần tên chúng trong sách của má, rồi cẩn thận viết cái tên lên những hình vẽ trên túi giấy nâu của nó.
******
“TIẾP THEO HAI MƯƠI CHÍN LÀ SỐ MẤY?” Con bé hỏi Tate một ngày nọ.
Cậu nhìn Kya. Cô bé biết nhiều điều về thủy triều và ngỗng tuyết, đại bàng và những vì sao hơn hầu hết mọi người, nhưng lại không thể đếm tới ba mươi. Cậu không muốn làm cô bé tủi thẹn nên không tỏ ra ngạc nhiên. Cô bé cực kỳ giỏi đọc ánh mắt.
“Ba mươi,” cậu tự nhiên đáp. “Đây, anh sẽ chỉ em các số và chúng ta sẽ làm vài phép tính đơn giản. Dễ lắm. Anh sẽ mang cho em vài cuốn sách về chúng.”
Con bé đụng đâu đọc đó – hướng dẫn sử dụng trên túi bột, ghi chép của Tate, và truyện trong những cuốn cổ tích mà nhiều năm qua nó vẫn giả vờ đọc. Rồi một tối con bé ồ một tiếng nhỏ, và lấy ra quyển Kinh thánh cũ trên kệ. Ngồi ở bàn, con bé cẩn thận lật những trang giấy mỏng tới trang có họ tên người trong gia đình. Nó thấy tên mình ở cuối cùng: Cô Catherine Danielle Clark, 10 tháng Mười, 1945. Rồi, đi ngược lên danh sách, nó đọc tên thật của các anh chị:
Cậu Jeremy Andrew Clark, 2 tháng Một, 1939. “Jeremy,” con bé đọc lên. “Jodie, em chưa bao giờ nghĩ anh là Cậu Jeremy.”
Cô Amanda Margaret Clark, 17 tháng Năm, 1937. Kya chạm lên cái tên bằng những ngón tay. Lặp đi lặp lại vài lần.
Con bé đọc tiếp. Cậu Napier Murphy Clark, 4 tháng Tư, 1936. Kya nói khẽ, “Murph, tên anh là Napier.”
Ở trên cùng, người lớn nhất, Cô Mary Helen Clark, 19 tháng Chín, 1934. Con bé vuốt tay lên những cái tên lần nữa, chúng gọi những gương mặt hiện về trước mắt nó. Nhạt nhòa, nhưng con bé có thể thấy tất cả bọn họ ngồi chen chúc quanh bàn, ăn món hầm, chuyền nhau bánh mì ngô, thậm chí còn cười giỡn. Kya tự thẹn vì đã quên tên anh chị, nhưng giờ khi đã tìm thấy họ, con bé sẽ không bao giờ để mất họ nữa.
Phía trên tên những đứa con, Kya đọc được: Ông Jackson Henry Clark kết hôn cùng Cô Julienne Maria Jacques, 12 tháng Sáu, 1933. Trước giờ phút đó con bé chưa bao giờ biết tên đầy đủ của ba má.
Kya ngồi thừ vài phút với quyển Kinh thánh mở trên bàn. Gia đình con bé ở ngay trước mặt.
Thời gian đảm bảo những đứa con chẳng bao giờ biết cha mẹ chúng ngày còn trẻ. Kya sẽ không bao giờ thấy anh chàng Jake đẹp trai nghênh ngang bước vào một quán nước ở Asheville hồi đầu năm 1930, nơi anh bắt gặp Maria Jacques, một người đẹp với những lọn tóc xoăn đen óng và đôi môi đỏ mọng, vốn từ New Orleans ghé lại. Qua một ly sữa lắc, anh kể với cô rằng gia đình anh sở hữu một đồn điền và hết trung học, anh sẽ học làm luật sư và sống trong một biệt thự có hàng cột.
Thế nhưng khi khủng hoảng thêm trầm trọng, ngân hàng đã bán đấu giá đất của nhà Clark, làm họ chới với, và cha Jake kéo anh khỏi trường học. Họ chuyển xuống cuối đường, tới một căn nhà gỗ thông nhỏ mà trước đó không lâu là chỗ ở của nô lệ. Jake làm việc trên đồng thuốc lá, gom lá rụng thành đống với những người đàn ông và phụ nữ da đen, trẻ con quấn trên lưng họ bằng những chiếc khăn sặc sỡ.
Một đêm hai năm sau đó, không nói lời tạm biệt, Jake bỏ đi trước rạng đông, có thể vác theo mình bao nhiêu quần áo đẹp và báu vật gia đình là mang đi hết – bao gồm chiếc đồng hồ quả quýt vàng của ông cố và chiếc nhẫn kim cưong của người bà. Anh đi nhờ xe tới New Orleans và tìm thấy Maria đang sống vói gia đình trong một căn nhà trang nhã gần hồ nước. Họ là hậu duệ của một thương nhân người Pháp, chủ sở hữu một nhà máy giày.
Jake đem cầm hết của gia truyền và mua vui cho Maria ở những nhà hàng đẹp đẽ treo rèm nhung đỏ, bảo với cô rằng anh sẽ mua cho cô cái biệt thự có cột kia. Khi anh quỳ xuống dưới một cây mộc lan, cô đồng ý lấy anh, và họ kết hôn vào năm 1933 trong một buổi lễ nhà thờ nhỏ, gia đình cô đứng im lặng.
Đến lúc này, tiền đã cạn, anh nhận một công việc từ cha vợ trong nhà máy giày. Jake tưởng mình sẽ được cho làm quản lý, nhưng ông Jacques, một người đàn ông không dễ bị lừa, khăng khăng bắt Jake học nghề từ cấp thấp nhất đi lên như tất cả nhân công khác. Thế là Jake chật vật ngồi cắt đế giày.
Anh và Maria sống trong một căn hộ ga-ra nhỏ trang bị vài món của hồi môn hoành tráng của cô trộn lẫn với bàn ghế chợ trời. Anh đăng ký học ban đêm để hoàn thành trung học nhưng thường cúp để đánh bài, và nồng nặc mùi whiskey, đến muộn mới về nhà với người vợ mới. Chỉ sau ba tuần, giáo viên đã đuổi anh khỏi lớp.
Maria van nài anh thôi rượu, năng nổ làm việc để cha cô thăng chức cho anh. Thế nhưng những đứa trẻ bắt đầu ra đời và việc rượu chè không bao giờ dừng lại. Từ năm 1934 đến 1940, họ có bốn đứa con nhỏ và Jake chỉ được lên chức một lần.
Cuộc chiến tranh với Đức cào bằng tất cả, khiến ai cũng như ai. Rút về cùng một màu quân phục như mọi người, Jake có thể giấu nỗi hổ thẹn, một lần nữa tỏ ra kiêu hãnh.
Thế nhưng một tối, đang ngồi trong hố cá nhân lầy lội ở Pháp, có người hét lên rằng trung sĩ của họ bị bắn và đang nằm chảy máu cách hai mươi thước. Chỉ là những cậu trai, lẽ ra họ nên ngồi trên ghế chờ đến lượt ra đánh bóng chày, lo ngại về vài quả bóng ném mạnh. Vậy mà họ lập tức xông ra, vội vàng cứu người bị thương – chỉ một người vẫn ngồi nguyên chỗ.
Jake co rúm trong góc, sợ đến nỗi không dám động đậy, nhưng một khẩu súng cói nổ tung sáng lóa ngay ngoài hố, làm xương chân trái anh vỡ nát thành nhiều mảnh. Khi những người lính khác đổ nhào vào hầm trở lại, kéo theo viên trung sĩ, họ tưởng Jake bị trúng đạn trong khi giúp giải cứu đồng đội như mọi người. Anh được tuyên bố là người hùng. Sẽ không bao giờ có ai biết cá. Ngoại trừ Jake.
Với một huân chương và một lệnh cho xuất ngũ vì lý do thương tật, anh được trả về nhà. Quyết tâm không làm việc ớ nhà máy giày nữa, Jake chỉ ở lại New Orleans vài đêm. Với Maria im lặng đứng cạnh bên, anh bán hết đồ nội thất và những món đồ bạc đẹp đẽ của cô, rồi gom hết cả nhà lên tàu lửa và chuyển họ tới Bắc Carolina. Từ một người bạn, anh phát hiện cha mẹ mình đã chết, dọn đường cho kế hoạch mới của Jake.
Anh thuyết phục Maria rằng tới sống trong căn nhà nhỏ cha anh xây làm nơi nghỉ dưỡng câu cá trên bờ Bắc Carolina sẽ là một khởi đầu mới. Họ không phải trả tiền thuê và Jake có thế học hết trung học. Anh mua một thuyền câu nhỏ ở Vũng Barkley và lái qua hàng dặm kênh lạch đồng lầy với cả gia đình cùng đồ đạc chất đống quanh họ – vài hộp nón để vắt vẻo trên cùng. Khi họ cuối cùng cũng vào phá nước, nơi cái lán xập xệ với lưới rỉ sét ngồi thu lu dưới tán sồi, Maria siết chặt đứa con nhỏ nhất là Jodie trong tay và cố cầm nước mắt.
Anh quả quyết với cô, “Đừng lo lắng gì hết. Tôi sẽ sửa sang nó lại liền.”
Nhưng Jake chẳng bao giờ sửa nhà hay học xong trung học. Không lâu sau khi tới đó, anh bắt đầu thường xuyên đi nhậu và đánh bài ở Swamp Guinea, cố gắng quên đi hố cá nhân ngày xưa trong men rượu.
Maria làm tất cả những gì có thể để tạo dựng một mái nhà. Cô mua khăn trải từ chỗ bán đồ si về làm thảm lót sàn và tậu một bồn tắm thiếc; cô giặt quần áo dưới vòi nước ngoài sân và tự mày mò học cách làm vườn, nuôi gà.
Không lâu sau khi tới đó, mặc những bộ đồ đẹp nhất của họ, cô lặn lội đưa bọn trẻ tới Vũng Barkley để ghi danh vào trường. Thế nhưng Jake nhạo báng khái niệm giáo dục và thường xuyên bảo Murph với Jodie cúp học đi bắt cá hoặc sóc làm bữa tối.
Jake chỉ đưa Maria đi một chuyến thuyền duy nhất dưới trăng, kết quả của nó là đứa con cuối cùng của họ, một bé gái tên Catherine Danielle Clark; về sau gọi là Kya vì lần đầu được hỏi, con bé đã nói đó là tên mình.
Thảng hoặc, khi tỉnh táo, Jake lại mơ về việc học xong trung học, tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả gia đình, nhưng cái bóng của hố quân sự phủ lên tâm trí anh. Từng có thời tự tin và kiêu ngạo, đẹp mã và khỏe khoắn, anh không còn mang nổi trên mình cái gã đàn ông mà anh đã trở thành, và nốc một ngụm từ túi rượu. Hòa vào những cuộc ẩu đả, rượu chè và chửi rủa bọn chui nhủi đồng lầy là việc dễ nhất Jake từng làm trong cuộc đời anh.