Xa Ngoài Kia Nơi Loài Tôm Hát

Chương 17 – Bước qua ngưỡng cửa
Trước
image
Chương 18
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
Tiếp

1960

Một ngày trong mùa hè học đọc, khi con bé lái thuyền tới chỗ Jumpin’, ông chợt nói, “Này, cô Kya, có một chuyện khác nữa. Mấy gã nào đó đang quanh quẩn khắp nơi dò hỏi về cháu.”

Con bé nhìn thẳng vào ông thay vì chếch sang bên. “Là ai ạ, họ muốn gì?”

“Ta tinh là họ tới từ Dịch vụ Xả hội(*). Họ hỏi han đủ thứ. Ba cháu còn ở với cháu hông, má cháu ở đâu, mùa thu này cháu có tới trường chứ. Và khi nào cháu tới đây nữa; họ đặc biệt muốn biết cháu tới đây vào những giờ nào.”

“Ông đã nói gì với họ rồi, Jumpin’?”

(*)Dịch vụ Xã hội: Social Services, mà ông Jumpin’ nói là Sochul Services.

“Ờ, ta cố hết sức làm họ thôi chú ý tới cháu. Bảo họ rằng ba cháu ổn cả, vẫn ra ngoài câu cá quài.” Ông phá lên cười, ngửa cổ ra. “Rồi ta bảo ta chẳng bao dờ biết lúc nào cháu tới. Nào, đừng lo lắng gì hết, cô Kya. Jumpin’ này sẽ cho bọn họ đi săn dẽ giun(*) nếu họ còn mò lại.”

(*) Ý chỉ việc tìm kiếm vô vọng, không có kết quả.

“Cảm ơn ông.” Sau khi đổ đầy bình xăng, Kya lái thẳng về nhà. Từ giờ nó phải cảnh giác hơn nữa, có lẽ cần tìm chỗ nào đó trong đồng lầy để trốn một thời gian đến khi họ từ bỏ.

Cuối buổi chiều hôm đó, khi Tate tấp vào bờ, thân thuyền nghiến lên cát lạo xạo, con bé nói, “Chúng ta có thể gặp ở đâu đó khác goài chỗ này không?”

“Chào Kya, rất vui được gặp em.” Tate chào nó, vẫn ngồi nguyên ở chỗ cầm lái.

“Anh nghĩ sao?”

“Từ đó là ngoài, không phải goài, và lịch sự thì phải chào người ta trước khi hỏi nhờ họ gì đó.”

“Thỉnh thoảng anh cũng nói goài vậy.” Con bé cãi lại, hơi tủm tỉm cười.

“Ừ, chúng ta đều có cái miệng mộc lan (*) vì là dân Bắc Carolina, nhưng cũng phải cố gắng chứ.”

(*) Nguyên văn là magnolia mouth, ý chỉ người có cách nói nặng chất giọng miền Nam nước Mỹ.

 “Buổi chiều vui vẻ, anh Tate.” Con bé nói, hơi nhún gối chào. Tate thoáng nhận thấy chút bướng bỉnh và nghịch ngợm trong đó. “Rồi, giờ chúng ta có thể gặp nhau ở đâu đó khác chỗ này không anh? Làm ơn đi mà.”

“Được chứ, chắc vậy, nhưng tại sao thế?”

“Ông Jumpin’ nói người của Dịch vụ Xã hội đang tìm em. Em sợ họ sẽ bắt em như một con cá hồi, rồi tống em vào nhà nhận con nuôi hay dì đó.”

“Chà, vậy chúng ta nên trốn thật xa ngoài kia, nơi loài tôm hát. Chứ anh thấy rất tội mấy cặp cha mẹ dám nhận nuôi em.” Cả gương mặt của Tate toát lên ánh cười.

“Ý anh là sao, nơi loài tôm hát? Má em cũng từng nói vậy.” Kya nhớ má luôn khuyến khích nó khám phá đồng lầy: “Đi xa đến chùng nào còn có thể – xa thật xa ngoài kia nơi loài tôm hát.”

“Nghĩa là xa trong rừng rậm nơi các loài vật còn hoang dã, vẫn cư xử như loài hoang dã. Nào, chúng ta có thể gặp ở đâu, em có gợi ý gì?”

“Có chỗ một lần em tìm thấy, một căn nhà gỗ đổ nát. Khi anh biết chỗ rẽ rồi, anh có thể đi thuyền tới đó; em có thể đi bộ từ đây.”

“Vậy được rồi, lên đây. Lần này em chỉ đường cho anh; lần sau chúng ta gặp ờ đó.”

“Nếu đã ra đó em sẽ xếp một chồng đá cạnh cọc buộc thuyền này.” Kya chỉ một chỗ trên bờ. “Nếu không, em còn ở trong này và sẽ đi ra khi nghe thuyền anh tới.”

Đôi bạn thong thả lướt chậm qua đồng lầy, rồi quành về phía nam băng khoảng biển rộng, ra xa thị trấn. Con bé dập dềnh trên mũi, gió thốc sượt qua má và cù man mát bên tai. Khi cả hai tới một vũng nhỏ, con bé chỉ Tate đi xuôi lạch nước ngọt hẹp té giăng những bụi rậm thấp là đà. Nhiều lần con lạch dường như co lại và cụt lối, nhưng Kya ra hiệu cứ đi tiếp, không sao, và họ xộc qua nhiều lùm bụi nữa.

Cuối cùng đôi bạn đi vào một quãng đồng rộng, nơi dòng nước chảy qua cạnh một căn nhà gỗ một gian cũ kỹ, đã đổ sụp một phía. Những khúc gỗ oằn xuống, nhiều khúc nằm lăn lóc dưới đất như mớ que gỗ trong bộ đồ chơi nhặt que. Mái nhà, vẫn gác trên nửa bức tường, đổ dốc tù bên tường cao xuống bên tường thấp như chiếc nón đội lệch. Tate đậu thuyền trên bãi bùn và đôi bạn im lặng đi tới trước cánh của mở toác.

Bên trong tối tăm và sực mùi nước tiểu chuột. “Chà, anh hy vọng em không định sống ở đây – cả cái thứ này có thể sụp xuống đầu em đó.” Tate đẩy bức tường. Nó có vẻ đủ vững chãi.

“Đây chỉ là chỗ ẩn nấp. Em có thể giấu chút thức ăn phòng khi phải trốn một thời gian.”

Tate quay sang nhìn Kya khi mắt cả hai quen dần với bóng tối.

“Kya, em có bao giờ nghĩ tới chuyện trở lại trường học chưa? Nó đâu có giết em, và họ có thể để mặc em nếu em làm thế.”

“Họ hẳn đã biết em ở một mình, và nếu em đi, họ sẽ bắt em, tống em vào một cái nhà nào đó. Dù sao em cũng quá lớn cho trường học rồi. Họ xếp em vào đâu bây giờ, lớp một sao?” Mắt con bé trợn to trước ý nghĩ phải ngồi trong cái ghế bé xíu, vây quanh là bọn con nít có thể đánh vần các chữ và đếm tới năm mươi.

“Gì chứ, bộ em định sống một mình trong đồng lầy mãi mãi à?”

“Tốt hơn là đi làm con nuôi nhà người ta. Ba từng nói ông sẽ giao tụi em cho một nhà như vậy nếu tụi em hư đốn. Bảo là họ ác lắm.”

“Không đâu. Không phải ai cũng vậy. Hầu hết là những người tốt bụng thích trẻ con.” Cậu nói.

“Ý anh là anh thà làm con nuôi hơn sống ở đồng lầy hả?” Con bé hồi vặn, tay chống nạnh, cằm hếch lên.

Cậu im lặng một phút. “Chậc, hãy lấy vài cái mền ra đây, cả diêm nữa phòng khi trời lạnh. Có lẽ thêm vài hộp cá mòi. Món đó để dùng được hoài. Nhưng đừng giữ thức ăn tươi, chúng sẽ dụ gấu tới.”

“Em hông sợ gấu.”

“Anh không sợ gấu.”

******

NHỮNG NGÀY HÈ CÒN LẠI, Kya và Tate mở lớp học đọc ở căn nhà đổ nát. Đến giữa tháng Tám cả hai đã đọc hết “Niên giám xứ cát”, và mặc dù không đọc được tất cả các từ, con bé vẫn hiểu gần trọn nội dung. Aldo Leopold dạy con bé rằng những bãi bồi ngập nước là vùng mở rộng sống của sông, sông sẽ lấy chúng lại bất cứ khi nào nó muốn. Ai sống trên bãi bồi chỉ đang chờ sông quay lại. Con bé học được lũ ngỗng đi đâu vào mùa đông và ý nghĩa âm nhạc của loài chim này. Ngôn từ mềm mại của ông, nghe tựa như thơ, dạy con bé rằng đất chứa đầy sự sống và là một trong những nguồn của cải quý giá nhất địa cầu; rằng rút cạn vùng ngập nước sẽ làm đất đai hàng dặm xung quanh khô khốc, giết chết cây cối và muông thú cùng nguồn nước. Một vài hạt giống sẽ ngủ vùi trong đất khô hàng thập kỷ, đợi chờ, và khi nước cuối cùng cũng về nhà, mầm sẽ bật tung mặt đất, mở hé gương mặt tươi non. Những điều kỳ diệu và kiến thức đời sống mà con bé sẽ chẳng bao giờ học được ở trường. Những sự thật ai cũng nên biết, vậy mà vì lý do gì đó, mặc dù bày ra khắp mọi nơi, dường như chúng lại bị vùi trong bí mật như những hạt giống nọ.

Đôi bạn gặp nhau ở căn nhà gỗ vài lần một tuần, nhưng hầu hết mọi đêm con bé ngủ trong lán của mình hoặc trên bờ cát với lũ mòng biển. Trước mùa đông Kya phải gom củi đốt, nên lấy đó làm nhiệm vụ, nó khuân về hàng đống củi từ khắp gần xa và chất chúng tương đối gọn giữa hai cây thông. Củ cải trong vườn chỉ vừa cao vượt bụi cúc vàng anh; nhưng con bé có nhiều rau cải hơn mức nó và lũ hươu có thể ăn hết. Kya đã thu hoạch phần cuối cùng của vụ gieo trồng cuối hạ và cất bí rợ dài cùng củ dền dưới bóng mát của bậc thềm gạch ván trước nhà.

Nhưng suốt quãng thời gian này, con bé vẫn lắng tai canh chừng tiếng chiếc xe chở người tới bắt nó. Thỉnh thoảng việc lắng nghe trở nên mệt mỏi và đáng sợ, thế nên con bé đi tới căn nhà gỗ và ngủ đêm trên đất, quấn mình trong cái mền thừa. Con bé canh thời gian bắt vẹm và xông khói cá để Tate có thể mang chúng tới chỗ Jumpin’ và lấy đồ tiếp tế về cho nó. Giữ cho vùng bụng dưới của nó bớt lộ ra.

******

“NHỚ HỒI MỚI ĐỌC CÂU ĐẦU TIÊN CHỨ, em nói là một vài từ ngữ chứa đựng rất nhiều điều?” Tate lên tiếng vào một ngày kia, khi họ đang ngồi trên bờ lạch.

“Dạ, em nhớ, sao cơ?”

“À, đúng như vậy, đặc biệt là thơ. Ngôn từ trong thơ không chỉ nói lên điều gì đó. Chúng còn khuấy động cảm xúc. Thậm chí làm em bật cười.”

“Má từng đọc thơ, nhưng em không nhớ bài nào hết.”

“Nghe cái này nè; một bài của Edward Lear.” Cậu lấy ra một bao thư gấp lại và đọc:

         “Rồi Ngài Nhện Cẳng Dài,

         Và Ngài Ruồi Rời Rã

         Ùa xuống biển sủi bọt

         Và bật lên tiếng la;

         Họ thấy chiếc thuyền nhỏ;

         Buồm màu xám với hồng;

         Rồi bơi thuyền vượt sóng,

         Ra bờ xa mênh mông.”

Mỉm cười, con bé nói, “Nó tạo ra nhịp điệu như sóng vỗ.”

Sau đó Kya bước vào giai đoạn khoái làm thơ, thích thú bắt vần đặt câu trong lúc lái thuyền qua đồng lầy hay tìm nhặt vỏ sò – những đoạn thơ đơn giản, ê a và ngây ngô hết mực. “Giẻ cùi lam mẹ bay lên từ cành cây; nếu có cơ hội, mình cũng sẽ bay.” Chúng làm con bé bật cười to, lấp đầy vài phút cô đơn của ngày dài đơn độc.

Cuối một buổi chiều nọ, khi đang ngồi đọc ở bàn bếp, con bé nhớ ra cuốn thơ của má và lục lọi khắp nơi cho đến lúc tìm ra. Tập giấy đã sờn, bìa từ lâu đã không còn, các trang được giữ lại với nhau bằng hai cọng thun xơ xác. Kya cẩn thận tháo thun ra và lật giở từng trang giấy, đọc những ghi chép của má bên lề. Cuối cùng có một danh sách các trang má yêu thích nhất.

Kya lật ra một bài của James Wright:

         Đột nhiên lạc lối và lạnh lẽo

         Khoảnh sân quen trở nên trơ trụi

         Tôi chỉ muốn được ôm vào lòng

         Con tôi, đứa trẻ đang học nói

         Cười vui, dễ bảo hay nghênh ngông…

         Vầng dương cây cỏ đều bỏ đi

         Chỉ có chúng tôi là ở lại

         Mẹ anh vẫn hát trong ngôi nhà

         Giữ cho bữa tối được nóng ấm

         Chúa biết bà yêu thương chúng tôi

         Như địa cầu vẫn luôn sâu thẳm

Và bài này của Galway Kinnell.

         Tôi đã lo lắng quan tâm…

         Tôi đã trải lòng

         Bằng những lời nhu mì nhất mà tôi biết được.

         Và giờ…

         Thật nhẹ nhõm vì mọi thứ đã qua đi:

         Chỉ còn lại niềm thương xót

         Cho khao khát được sống nhiều hơn…

         … Tạm biệt.

Kya chạm lên những lời đó như thể chúng là một thông điệp, như thể má đã đặc biệt gạch dưới chúng để con gái của bà có ngày đọc được dưới ánh lửa dầu hỏa lờ mờ và cảm hiểu từng lời. Vậy không nhiều, không phải một mẩu giấy viết tay nhét dưới cùng ngăn đựng vớ, nhưng vẫn là một cái gi đó. Con bé cảm nhận được những từ ngữ ghì chặt một ý nghĩa lớn lao, nhưng không giằng ra được. Nếu có bao giờ trở thành nhà thơ, nó sẽ thể hiện thông điệp thật rõ ràng.

******

SAU KHI TATE BẮT ĐẦU năm cuối cấp vào tháng Chín, cậu không thể tới chỗ Kya thường xuyên nữa, nhưng mỗi lần đến, cậu lại mang cho nó mấy cuốn giáo khoa bị bỏ ở trường. Cậu không nói câu nào rằng sách sinh học ở trình độ quá cao với Kya, nên con bé trầy trật cày qua những chương mà nó sẽ chỉ thấy sau bốn năm cắp sách tới trường. “Đừng lo,” Tate bảo, “em sẽ hiểu thêm một chút với mỗi lần đọc lại.” Và đúng là như thế.

Khi ngày ngắn dần, đôi bạn lại gặp nhau gần lán nhà con bé vì không có đủ ánh ngày để tới căn nhà gỗ học đọc. Cả hai luôn học ngoài trời, nhưng khi một cơn gió dữ thốc qua sáng nọ, Kya đã đốt lửa lò sưởi củi trong nhà. Chưa từng có ai bước qua ngưỡng cửa cái lán kể từ khi ba biến mất hơn bốn năm về trước, và mời bất cứ ai vào cũng có vẻ là điều không tưởng. Chỉ trừ Tate.

Muống ngồi trong bếp cạnh lò sưởi không?” Con bé hỏi khi cậu kéo thuyền lên bờ phá.

“Có chứ.” Cậu đáp, biết mình không nên tỏ ra lời mời này là chuyện gì to tát cả.

Ngay sau khi bước vào hiên, cậu dành gần hai mươi phút khám phá và xuýt xoa trước số lông vũ, vỏ sò, xương và tổ chim của con bé. Khi đôi bạn cuối cùng cũng ngồi vào bàn, Kya kéo ghế của mình gần sát cậu, cánh tay và cùi chỏ hai người suýt chạm nhau. Chỉ để cảm thấy cậu gần bên nó.

Trong lúc Tate quá bận phụ cha, ngày lê thê trôi từ đầu đến cuối. Một buổi tối muộn, Kya lần đầu tiên lấy ra một tiểu thuyết từ kệ sách của má, quyển Rebecca của Daphne du Maurier, và đọc về tình yêu. Một hồi sau con bé gấp sách lại và đi tới tủ áo. Nó mặc vào chiếc váy hai dây của má và xúng xính đi lại quanh phòng, vung vẩy váy, xoay tròn trước tấm gương. Mái tóc dày và hông của nó lắc lư, con bé mường tượng Tate mời nó khiêu vũ. Tay cậu trên eo nó. Như thể con bé là quý cô de Winter trong sách.

Đột ngột con bé dừng phắt lại và gập người, cười khúc khích. Rồi đứng lặng.

******

“LÊN ĐÂY, CÔ BÉ.” Mabel gọi to vào một chiều nọ. “Ta có vài thứ cho cháu này.” Jumpin’ thường mang những thùng đồ tới cho Kya, nhưng khi Mabel xuất hiện, thường sẽ có cái gì đó đặc biệt.

“Lại lấy đồ của cháu đi. Ta sẽ đổ xăng cho cháu,” Jumpin’ bảo, thế là Kya nhảy lên cầu tàu.

“Nhìn nè, cô Kya.” Mabel vừa nói vừa giơ lên một bộ váy màu đào với lớp chiffon phủ lên phần chân váy điểm hoa, món trang phục đẹp nhất mà Kya từng thấy, xinh hơn váy của má nữa. “Chiếc váy này rất hợp với một nàng công chúa như cháu.” Bà giơ nó ra trước mặt Kya, con bé chạm vào nó và mỉm cười. Rồi quay ngược lại phía Jumpin’, Mabel cúi người với chút khó khăn và cầm lên một chiếc áo ngực trắng từ thùng đồ đạc.

Kya nghe nóng hết cả người.

“Nào, cô Kya, đừng xấu hổ bé cưng. Bây giờ cháu sắp cần cái này rồi đó. Và cháu này, nếu có bất cứ điều gì cần nói với ta, bất cứ thứ gì cháu không hiểu, hãy cho Mabel biết nhé. Cháu nghe chưa?”

“Dạ rồi. Cảm ơn bà, Mabel.” Kya nhét cái áo ngực vào sâu trong thùng, dưới mấy cái quần jean và áo thun, một túi đậu mắt đen và một hũ đào ngâm ngọt.

Vài tuần sau, đang mải ngắm bồ nông lượn bay và bắt mồi dưới biển, thuyền nhấp nhô trên sóng, bụng Kya đột nhiên quặn lại. Con bé chưa bao giờ say sóng, và cái này khác với mọi cơn đau nó từng nếm trải qua. Nó kéo thuyền lên bờ tại bãi Point và ngồi trên cát, chân gập sang bên như cánh chim. Cơn đau trở nên dữ dội hơn và Kya cau mặt, khẽ bật ra một tiếng rên. Hẳn là nó sắp đi tiêu chảy.

Đột nhiên nó nghe tiếng động cơ kêu rền và thấy thuyền của Tate cắt qua sóng bạc. Cậu hướng vào ngay khi thấy nó và cho thuyền chạy vào bờ. Con bé phun ra vài tiếng chửi của ba. Nó luôn thích gặp Tate, nhưng không phải khi nó có thể cần chạy vào rừng sồi bất cứ lúc nào vì tiêu chảy. Sau khi kéo thuyền lên để cạnh thuyền nó, Tate ngồi phịch xuống cát cạnh cô bạn nhỏ.

“Chào Kya. Em đang làm gì đó? Anh vừa định tới chỗ em này.”

“Chào anh, Tate. Rất vui được gặp anh.” Con bé cố tỏ vẻ bình thường, nhưng bụng nó quặn thắt.

“Có chuyện gì vậy?” Cậu hỏi.

“Ý anh là gì?”

“Trông em không ổn lắm. Chuyện gì vậy?”

“Em nghĩ mình bệnh rồi. Bụng em quặn lại dữ lắm.”

“Ồ.” Tate nhìn ra biển cả. Sục ngón chân trần của cậu vào cát.

“Có lẽ anh nên đi” Con bé nói, đầu cúi gằm.

“Có lẽ anh nên ở lại cho đến khi em thấy đỡ. Rủi đâu em không thể tự về nhà?”

“Em có thể phải vào trong rừng. Em có thể ói ra.”

“Có lẽ. Nhưng anh không nghĩ vậy giúp được gì.” Cậu nói nhỏ.

“Ý anh là sao? Anh đâu biết em bị gì chứ.”

“Cảm giác này có khác với những lần đau bụng thường không?”

“Có.”

“Em gần mười lăm rồi, đúng chứ?”

“Phải. Nhưng cái đó liên quan gì?”

Cậu lặng im một lúc. Di di hai bàn chân, sủi mấy ngón chân xuống cát sâu hơn nữa. Tránh nhìn con bé, cậu trả lời, “Nó có thể là, em biết đó, chuyện xảy ra với con gái tuổi em. Nhớ không, vài tháng trước anh có đưa cho em một tờ thông tin về nó. Cái tờ gấp đi cùng với mấy quyển sinh học.” Tate đưa mắt nhìn qua con bé một cái, mặt cậu nóng rực, và lập tức quay đi.

Kya cụp mắt xuống khi toàn thân ửng đỏ. Dĩ nhiên rồi, không có người má nào thủ thỉ cho nó biết cả, nhưng tờ thông tin của trường mà Tate mang tới có giải thích vài điều. Thời điểm của con bé đã đến, và nó đây, ngồi trên bãi biển, trở thành một phụ nữ ngay trước mặt một cậu con trai. Nỗi xấu hổ và hoảng hốt dâng đầy trong nó. Con bé biết làm gì bây giờ? Chính xác thì chuyện gì sẽ xảy ra? Sẽ có bao nhiêu máu đây? Kya mường tượng máu thấm vào cát xung quanh. Nó ngồi im lặng khi con đau dữ dội cào xé trong bụng.

“Em tự về nhà được không?” Tate hỏi, vẫn không nhìn con bé.

“Em nghĩ là được.”

“Sẽ ổn thôi, Kya. Con gái ai cũng qua vụ này khỏe re cả. Em đi về trước đi. Anh sẽ theo sau để đảm bảo em về tới nhà.”

“Anh không cần làm vậy đâu.”

“Đừng lo về anh. Đi đi nào.” Tate đứng dậy và bước tới thuyền cậu, không nhìn Kya. Cậu lái đi và chờ cách bờ một quãng xa cho đến khi con bé lái thuyền men bờ biển vào con kênh về nhà. Ở tít phía sau, cậu chỉ là một chấm nhỏ, đi theo cho đến khi con bé tới được phá nước. Đứng trên bờ, nó vẫy tay chào cậu thật nhanh, mặt cúi xuống, không nhìn vào mắt cậu.

Cũng như đã từng học cách làm hầu hết mọi thứ, Kya tự mình học cách trở thành một phụ nữ. Thế nhưng sớm tinh mơ hôm sau, con bé đã đi thuyền lại chỗ Jumpin’. Mặt trời nhợt nhạt lửng lơ trong màn sương dày đặc khi nó lại gần bến và tìm kiếm Mabel, biết rằng ít có khả năng bà ở đó. Quả vậy, chỉ có Jumpin’ bước ra chào.

“Chào cô Kya. Chưa cháu lại cần xăng rồi hả?”

Vẫn ngồi trên thuyền, Kya khẽ đáp, “Cháu cần gặp Mabel.”

“Ta rất tiếc cháu à, Mabel hông có đây hôm nay. Ta có thể giúp cháu chứ?”

Đầu cúi gằm, con bé nói, “Cháu cần gặp Mabel dữ lắm. Gặp liền.”

“Được rồi.” Jumpin’ nhìn qua vịnh nhỏ ra biển và thấy không còn thuyền nào đang tới. Ai cần xăng vào bất kỳ giờ nào trong ngày và tất cả mọi ngày kể cả Giáng sinh đều có thể trông vào Jumpin’ – ông chưa từng bỏ một ngày nào trong suốt năm mươi năm nay, ngoại trừ cái hôm thiên thần bé bỏng của họ, Daisy, qua đời. Ông không thể rời vị trí canh gác của mình. “Cháu chờ đây nhé, cô Kya, ta sẽ chạy lên chên một chút, tìm đứa nhỏ nào đi gọi Mabel lại. Có thuyền nào tới, cháu cứ bảo ta sẽ về liền.”

“Cháu sẽ làm vậy. Cảm ơn ông.”

Jumpin’ chạy vội đi và biến mất trong khi Kya chờ đợi, cứ vài giây lại trông ra vịnh một lần, sợ một thuyền khác tới. Nhưng chẳng bao lâu ông đã trở lại, nói rằng mấy đứa nhỏ nào đó đi tìm Mabel rồi; Kya chỉ cần “chờ một tí” thôi.

Jumpin’ bận bịu tháo xếp mớ hộp thuốc lá nhai trên kệ và lăng xăng làm đủ thứ. Kya ở nguyên trong thuyền. Cuối cùng Mabel cũng chạy vội lên ván cầu, chúng lẩy bẩy dưới bước chạy của bà như có một chiếc dương cầm đang được đẩy trên đó. Mang một túi giấy, bà không hô vang tiếng chào như thường lệ mà đứng trên cầu tàu trước Kya, nói thầm thì, “Chào buổi sáng, cô Kya, chuyện này là xao vậy, cháu gái? Có gì không ổn hả, bé cưng?”

Kya cúi đầu xuống thấp hơn, lẩm nhẩm gì đó Mabel không nghe được.

“Cháu ra khỏi thuyền được không, hay ta nên vào trong với cháu?”

Kya không trá lời nên Mabel, nặng gần chín chục cân, bước một chân rồi nốt chân còn lại lên chiếc thuyền nhỏ, nó phàn nàn bằng cách đụng vào cọc chống cầu. Bà ngồi xuống băng ghế chính giữa, đối diện Kya ở đuôi thuyền.

“Nào, cháu, cho ta biết có chuyện gì đi.”

Hai người chụm đầu vào nhau, Kya thi thào gì đó, rồi Mabel kéo Kya sát vào bộ ngực đầy đặn của bà, ôm chầm và đu đưa cô gái nhỏ. Thoạt đầu Kya cứng đờ ra, không quen buông mình vào những cái ôm như vậy, nhưng điều này không làm nản chí Mabel, và cuối cùng Kya xụi người ụp vào sự êm ái của những chiếc gối đó. Sau một lúc, Mabel ngồi thẳng lại và mở túi giấy nâu.

“Chà, ta đã đoán được là chuyện gì nên mang cho cháu vài món nhỏ.” Và tại đó, ngồi trên chiếc thuyền đậu ở bến Jumpin’, Mabel giải thích tường tận chi tiết cho con bé.

“Nào, cô Kya, đây hông phải chuyện đáng xấu hổ. Nó hông phải lời nguyền như người ta nói; đây là khởi đầu của mọi sự sống, và chỉ có người phụ nữ mới làm được thôi. Giờ cháu là một phụ nữ rồi, bé à.”

******

KHI KYA NGHE TIẾNG THUYỀN TATE vào chiều hôm sau, con bé nấp vào bụi mâm xôi rậm rạp và nhìn theo cậu. Có người biết tới con bé cũng đủ lạ rồi, nhưng giờ Tate biết đến cả chuyện cá nhân và riêng tư nhất trong đời nó. Cứ nghĩ tới là gò má Kya nóng ran. Con bé sẽ trốn cho đến khi cậu đi hẳn.

Khi Tate tấp vào bờ phá và bước xuống thuyền, cậu cầm theo một chiếc hộp trắng cột dây. “Này! Kya, em đâu rồi?” Cậu gọi. “Anh đem bánh nhỏ từ tiệm Parker tới đây.”

Đã nhiều năm Kya chưa được ăn bất cứ thứ gì như bánh ngọt. Tate lấy từ dưới thuyền lên vài cuốn sách, và Kya từ từ bước ra khỏi bụi rậm sau lưng cậu.

“Ồ, em đây rồi. Nhìn cái này nè.” Cậu mở chiếc hộp và ở đó, được xếp gọn gàng là những chiếc bánh nhỏ xinh xắn, mỗi chiếc cỡ sáu phân vuông, phủ kem vani với một bông hồng xíu xiu gắn trên cùng. “Nào, ăn đi.”

Kya cầm một cái lên và vẫn không nhln Tate, cắn vào chiếc bánh. Rồi nhét phần còn lại vào miệng. Liếm những ngón tay.

“Nè.” Tate để chiếc hộp cạnh cây sồi của họ. “Cứ ăn thỏa thích. Bắt đầu nhé. Anh có mang tới một cuốn sách mới đây.” Và thế là xong. Đôi bạn đi vào bài học, không bao giờ nói tiếng nào về vụ việc kia.

******

MÙA THU ĐANG ĐẾN; những cây thường xanh có thể không hay biết nhưng sung dâu đã nhận ra. Chúng khoe hàng ngàn chiếc lá óng vàng trên bầu trời màu xám đá phiến. Cuối một chiều, sau buổi học, Tate nấn ná lại trong khi lẽ ra phải đi rồi, cậu và Kya ngồi trên một gốc cây trong rừng rậm. Con bé cuối cùng cũng hỏi câu nó muốn hỏi từ nhiều tháng trước. “Tate, em rất cảm ơn anh vì đã dạy em đọc và vì tất cả những gì anh đã cho em. Nhưng sao anh làm vậy? Anh không có bạn gái hay ai đó như vậy à?”

“Không – chậc, thỉnh thoảng cũng có. Anh từng có một cô bạn gái, nhưng không phải lúc này. Anh thích ở trong sự tĩnh lặng ngoài đây và anh thích cách em hứng thú hết mực với đồng lầy, Kya. Hầu hết mọi người không để ý gì tới nó trừ lũ cá. Họ nghĩ nó là đất hoang, nên được rút nước và phát triển canh tác. Người ta không hiểu rằng hầu hết sinh vật biển – cả những con họ vẫn ăn – cần đến đồng lầy.”

Cậu không nói cậu thấy tội con bé vì chỉ có một mình, rằng cậu biết bọn trẻ đã đối xử với nó thế nào mấy năm nay; rằng dân làng gọi nó là Con bé Đồng lầy và bịa đủ thứ chuyện về nó. Lén lút ra cái lán của con bé, chạy qua bóng tối và đập lên cửa, đã trở thành một truyền thống thường xuyên, lễ kết nạp cho bọn con trai thành những người đàn ông. Việc đó nói lên điều gì về người đàn ông chứ? Một vài thằng đã cá xem ai là kẻ đầu tiên bóc tem con bé. Những chuyện khiến cậu lo lắng và tức giận.

Thế nhưng đó không phải là lý do chính khiên cậu để lại lông vũ cho Kya trong rừng, hay tại sao cậu cứ tới tìm con bé. Những lời khác Tate không nói ra là cảm xúc của cậu dành cho con bé, có vẻ nhập nhằng giữa tình thương dịu dàng cho một cô em không còn nữa và tình yêu nồng cháy đối với một cô gái. Cậu không tự mình gỡ rối được, nhưng cậu chưa bao giờ bị đợt sóng nào mạnh hơn đánh úp. Cảm xúc dữ dội vừa đau đớn vừa êm ái.

Chọc một cọng cỏ xuống lỗ kiến, cuối cùng con bé cũng hỏi, “Má anh đâu rồi?”

Một cơn gió tha thẩn lướt qua rừng cây, khẽ lung lay cành lá. Tate không trả lời.

“Anh không phải nói gì đâu.” Con bé bảo.

“Bất cứ điều gì.”

“Anh không phải nói gì hết.”

“Mẹ và em gái anh mất trong một vụ đâm xe ở Asheville. Em gái anh tên là Carianne.”

“Ôi. Em rất tiếc, anh Tate. Em chắc là má anh tốt bụng và xinh đẹp lắm.”

“Ừ. Cả hai người họ đều như vậy.” Cậu nói với mặt đất giữa hai đầu gối. “Anh chưa bao giờ nói về chuyện đó. Với bất kỳ ai.”

Em cũng vậy, Kya nghĩ. Con bé nói ra, “Má của em bỏ đi vào một ngày kia và không quay lại nữa. Hươu mẹ luôn luôn trở về.”

“Ừm, ít ra em có thể hy vọng má em trở lại. Mẹ của anh chắc chắn sẽ không về.”

Cả hai im lặng một lúc, rồi Tate nói tiếp. “Anh nghĩ…” Nhưng cậu dừng lại, quay đi.

Kya nhìn cậu, nhưng cậu cứ nhìn chăm chăm xuống đất. Im lặng.

Con bé gặng hỏi, “Gì cơ? Anh nghĩ gì? Anh có thể nói với em mọi thứ.”

Nhưng cậu vẫn không tiếp tục. Với sự kiên nhẫn sinh ra từ thông cảm, con bé chờ.

Cuối cùng, thật khẽ khàng, cậu thổ lộ, “Anh nghĩ họ tới Asheville mua quà sinh nhật cho anh. Có một kiểu xe đạp mà anh thích, muốn có nó. Western Auto không có mẫu đó, nên anh nghĩ họ tới Asheville để mua chiếc xe đạp tặng anh.”

“Vậy không có nghĩa đó là lỗi của anh.” Con bé quả quyết.

“Anh biết, nhưng cảm giác như là lỗi của anh vậy.” Tate đáp. “Anh thậm chí không nhớ kiểu xe đạp đó là gì.”

Kya nghiêng người lại gần cậu hơn, không đủ để chạm. Thế nhưng con bé có một cảm giác – như thể không gian giữa bờ vai cả hai đã dịch chuyển. Con bé tự hỏi Tate có cảm thấy thế không. Nó muốn nghiêng vào gần hơn, chỉ vừa đủ để cánh tay họ khẽ đụng nhau. Để được chạm. Và tự hỏi liệu Tate có nhận thấy.

Và ngay khoảnh khắc đó, gió mạnh lên, và hàng ngàn hàng ngàn lá sung dâu vàng bứt khỏi nguồn sống của chúng rồi xõa tuôn khắp bầu trời. Lá thu không rụng rơi, chúng chao lượn. Chúng dành thời gian nhẩn nha trong phút giây này, cơ hội duy nhất cho chúng vút bay. Phản chiếu ánh nắng, chúng xoay tròn, chao liệng và chấp chới trong luồng gió.

Tate bật dậy từ gốc cây và thách con bé, “Để xem em bắt được bao nhiêu chiếc lá trước khi chúng chạm đất!” Kya đứng phắt lên, và cả hai nhún nhảy qua màn lá rụng, tay rướn thẳng ra, chụp những chiếc lá trước khi chúng rơi xuống hẳn. Cười vang, Tate bổ tới một chiếc lá chỉ cách mặt đất vài phân, chụp lấy nó và lộn vòng, giơ cao chiến lợi phẩm của cậu. Kya vung tay, tung hết những chiếc lá nó đã cứu vào trong gió. Khi con bé ùa chạy qua mưa lá, chúng vướng vào mái tóc nó như vàng ròng.

Rồi khi con bé xoay người lại, nó đâm vào Tare mới đứng lên, và cả hai đông cứng, nhìn chăm chăm vào đôi mắt của nhau. Cả hai thôi cười. Cậu nắm lấy vai con bé, ngập ngừng một giây, rồi hôn lên môi Kya khi những chiếc lá lả tả rơi và nhảy múa quanh đôi bạn trẻ.

Con bé không biết gì về hôn nên giữ đầu và môi cứng đờ. Họ tách ra và sững nhìn nhau, tự hỏi cái vừa rồi từ đâu ra và làm gì tiếp nữa. Cậu nhẹ nhàng nhặt một chiếc lá từ tóc con bé và thả nó rơi xuống đất. Tim con bé đập loạn. Trong tất cả những tình yêu nó biết từ gia đình thất thường của nó, không cái nào cho cảm giác thế này.

“Giờ em có phải là bạn gái anh không?” Con bé hỏi.

Cậu mỉm cười. “Em có muốn vậy không?”

“Có.”

“Có lẽ em còn trẻ quá.” Cậu đáp.

“Nhưng em biết về lông vũ. Em cá là mấy cô gái khác không biết gì về lông vũ đâu.”

“Vậy được rồi, thế nhé.” Rồi cậu hôn Kya lần nữa. Lần này con bé nghiêng đầu sang bên và môi mềm đi. Và lần đầu tiên trong cuộc đời, trái tim Kya đầy ắp.

Trước
image
Chương 18
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!