1952
Vài ngày sau sinh nhật, một mình chân trần bước trên bùn, Kya cúi xuống, ngắm một con nòng nọc đang mọc ra chân. Đột ngột con bé đứng phắt dậy. Một chiếc ô tô vừa xộc tung lớp cát sâu cuối đường nhà họ. Chưa bao giờ có ai lái xe tới chốn này. Rồi tiếng rì rầm trò chuyện của hai người – một nam một nữ – thoảng tới qua cành lá. Kya phóng tới bụi cây, nơi nó có thể thấy người vừa tới mà vẫn có đường trốn chạy. Như Jodie từng dạy ngày ấy.
Một phụ nữ từ trong xe bước ra, chân đi giày cao gót trên cát hơi loạng choạng, cũng như má. Chắc họ là người từ trại mồ côi tới bắt con bé.
Chắc chắn mình có thể chạy vượt cái bà đó. Bả sẽ té dập mủi trong đôi giày kia. Kya đứng yên và nhìn người phụ nữ bước tới cửa.
“A lô, có ai ở nhà không? Tôi là người đón học sinh vắng mặt đây. Tôi tới để đưa Catherine Clark tới trường.”
Cái này đáng chú ý đấy. Kya ngồi im thít. Con bé khá chắc là mình phải tới trường khi lên sáu. Giờ họ đã tới, trễ mất một năm rồi.
Con bé không có chút ý niệm gì về cách nói chuyện với tụi con nít khác, càng không phải với một giáo viên, nhưng nó muốn học đọc và muốn biết số gì tiếp theo hai mươi chín.
“Catherine, bé ơi, nếu con nghe thì ra đây nhé. Đó là luật rồi, bé à; con phải tới trường. Nhưng ngoài ra thì con sẽ thích trường học đó. Con sẽ được một bữa trưa miễn phí mỗi ngày. Cô nghĩ hôm nay họ có món bánh nướng nhân thịt gà vỏ giòn rụm.”
Cái này nghe hấp dẫn quá. Kya đang rất đói. Bữa sáng nó đã nấu cháo ngô khuấy thêm bánh quy mặn vì không có chút muối nào. Một điều con bé đã học được về cuộc sống: ta không thể ăn cháo ngô mà thiếu muối. Kya chỉ được ăn bánh nướng nhân thịt gà vài lần trong đời, nhưng vẫn như thấy được lớp vỏ vàng ruộm đó, ngoài giòn rụm, trong dẻo mềm. Con bé vẫn nếm được vị nước thịt beo béo, như thể miếng thịt tròn đầy lắm. Chính cái bụng tự làm theo ý nó đã xui Kya đứng bật dậy giữa đám lá cọ.
“Xin chào cô bé, cô là Culpepper. Con đã lớn và sẵn sàng đến trường học rồi nhỉ?”
“Dạ,” Kya đáp, đầu cúi thấp.
“Không sao, con có thể đi chân không, các bạn nhỏ khác cũng vậy, nhưng vì là con gái, con phải mặc váy. Con có đầm hay váy không bé cưng?”
“Dạ có.”
“Được rồi, hãy đi diện cho con đẹp lên nào.”
Cô Culpepper theo Kya đi qua cửa hiên, phải bước qua một dãy tổ chim mà nó đá xếp dọc theo những tấm ván. Trong phòng ngủ, Kya mặc vào bộ váy duy nhất vừa vặn, chiếc váy yếm kẻ ô mà một quai đeo được gắn lại bằng một chiếc kim băng.
“Được rồi bé, trông con ổn rồi.”
Cô Culpepper chia tay ra. Kya tròn mắt nhìn bàn tay đó. Con bé đã nhiều tuần không chạm vào người khác, cả đời chưa từng đụng vào người lạ. Thế nhưng nó đặt bàn tay nhỏ xíu của minh vào tay cô Culpepper và được dắt xuống lối đi, đưa tới chiếc Ford Crestliner do một người đàn ông trầm lặng đội mũ phớt xám cầm lái. Ngồi ô ghế sau, Kya không mỉm cười và không cảm thấy minh như chú gà con nấp dưới cánh mẹ.
Vũng Barkley có một trường học cho người da trắng. Học trò từ lóp một tới lóp mười hai đi đến một tòa nhà gạch hai tầng ở đầu đường ngược lại với đồn cảnh sát trên Phố Main. Bọn trẻ da đen có trường học riêng, một khối nhà xi măng một tầng gần Phố Da màu.
Khi con bé được đưa vào văn phòng nhà trường, người ta tìm thấy tên nó nhưng không thấy ngày sinh trong hồ sơ của hạt, thế là họ cho nó vào lớp hai, dù nó chưa từng tới trường ngày nào trong đời. Dù sao đi nữa, họ nói, lớp một cũng quá đông rồi, và lớp mấy có khác biệt gì đâu với dân đồng lầy, vốn chỉ chường mặt lên trường vài tháng, có lẽ, rồi sau chẳng ai thấy mặt nữa. Khi hiệu trưởng dẫn nó đi dọc một hành lang rộng vang vọng tiếng chân, mồ hôi túa ra trên chân mày con bé. Ông mở cửa một phòng học và khẽ đẩy nó vào.
Áo sơ mi kẻ ca rô, váy dài, giày, rất nhiều giày, mấy bàn chân trần, và bao nhiêu con mắt – tất cả nhìn chằm chằm Kya. Con bé chưa bao giờ thấy nhiều người đến vậy. Đâu chừng cả tá. Giáo viên, chính cô Arial mà ba đứa con trai đi giúp, dẫn Kya tới một bàn gần cuối lớp. Con bé có thể để đồ của mình vào ngăn tủ, nó được dặn thế, nhưng Kya có đồ đạc gì đâu.
Cô giáo bước trớ lại trước lớp và gọi, “Catherine, hãy đứng dậy và cho cả lớp biết tên đầy đủ của em nào.”
Bụng con bé cồn lên.
“Nào, em thân mến, đừng sợ.”
Kya đứng dậy. “Cô Catherine Danielle Clark,” con bé đáp, vì đó là cái mà má từng bảo là tên đầy đủ của nó.
“Em đánh vần chó cho lớp nghe được không?”
Nhìn chằm chằm xuống đất, Kya đứng im. Jodie và má đã dạy nó vài con chữ. Nhưng con bé chưa từng đánh vần từ nào thành tiếng cho người khác nghe.
Căng thẳng nhộn nhạo trong bụng nó; nhưng con bé vẫn cố. “O-h-c.”
Tiếng cười bật ra dọc các dãy ghế.
“Suyt! Im lặng nào, các em!” Cô Arial cao giọng nhắc. “Chúng ta không bao giờ được cười, mấy đứa nghe không, chúng ta không bao giờ cười nhạo lẫn nhau. Mấy đứa biết điều hơn thế.”
Kya ngồi xuống thật nhanh trên chiếc ghế cuối phòng, cố gắng biến mất như một con bọ vỏ cây hòa lẫn vào tấm thân sần sùi xói rãnh của cây sồi. Dẫu câng thẳng vậy nhưng khi cô giáo tiếp tục bài giảng, con bé vẫn chồm về trước, chờ được nghe số nào nối tiếp hai mươi chín. Nãy giờ cò Arial toàn nói về ngữ âm gì đó, và đám học trò, miệng mở thành hình chữ o, lặp lại những tiếng ah, aa, o và u của cô, cả bọn rền rỉ như lũ bồ câu vậy.
Khoảng mười một giờ, mùi bơ ấm đượm của men bánh mì ổ nhỏ và bột bánh nướng tỏa khắp các hành lang và len lỏi vào phòng. Bụng Kya nhói lên cồn cào, và khi cả lóp cuối cùng cũng xếp thành một hàng diễu vào căn tin, miệng của con bé đã ứ đầy nước. Bắt chước người khác, nó nhặt một cái khay, một chiếc dĩa nhựa xanh lá và muỗng nĩa. Một cửa sổ lớn có quầy phục vụ mớ vào bếp, và bày ra trước mặt con bé là một chảo tráng men khổng lồ đựng bánh nướng thịt gà với lưới bột giòn đan dọc ngang trên mặt, nước thịt nóng hổi xèo xèo. Một phụ nữ da đen cao ráo, tươi cười và gọi vài đứa trẻ bằng tên thay vì họ, thả phụp một phần bánh bự lên dĩa của nó, rồi một cô áo hồng thêm vào bơ và một ổ bánh mềm. Con bé nhận phần pudding chuối và hộp sữa nhỏ màu trắng đỏ rồi đặt lên khay.
Kya quay vào khu vực chỗ ngồi, hầu hết các bàn đã đầy nhóc tụi nhỏ nói cười rôm rả. Nó nhận ra Chase Andrews và nhóm bạn ở đó, mấy thằng cưỡi xe đạp suýt húc nó văng khỏi vỉa hè, thế nên con bé quay đầu đi chỗ khác và ngồi vào một bàn trống. Nhiều lần liên tục, đôi mắt Kya cứ phản chủ và đánh về phía bọn con trai kia, những gương mặt duy nhất nó biết. Thế nhưng chúng cũng như tất cả những người khác, chỉ phớt lờ nó.
Kya nhìn chăm chăm vào phần bánh đầy ụ thịt gà, cà rốt, khoai tây và đậu Hà Lan nhỏ. Bột bánh vàng ruộm ngả nâu phủ ở trên. Vài đứa con gái, mặc váy dài nhiều lóp phồng lên, lần lần tiến lại. Một đứa cao ngỏng, gầy gò, mái tóc hoe vàng, một đứa tròn trĩnh có cặp má phinh phính. Kya tự hỏi làm sao tụi này có thể trèo cây hay lên thuyền khi mặc váy xống lùng phùng thế. Dám chắc không thể lội bắt ếch, thậm chí chẳng thể thấy chân mình.
Khi chúng lại gần, Kya dán chặt mắt vào khay của nó. Con bé biết nói gì nếu chúng ngồi vào chỗ cạnh bên? Thế nhưng hai đứa con gái lướt qua, ríu rít như chim, và tới ngồi với bạn của chúng ở bàn khác. Với cả cơn đói cồn cào trong bụng, vậy mà con bé thấy miệng mình khô khốc, nuốt cũng khó khăn. Thế nên sau khi ăn vài miếng nhỏ, con bé uống cạn sữa, nhồi nhét nhiều bánh nướng nhất có thể vào hộp sữa đó, cẩn thận để không ai trông thấy, rồi dùng khăn giấy quấn quanh hộp với bánh mì mềm.
Phần còn lại của ngày, nó chẳng hề mở miệng. Ngay cả khi giáo viên hỏi nó câu gì, con bé cũng ngồi im thít. Kya cho rằng đúng ra phải là nó học hỏi họ, đâu phải họ học hỏi nó. Tự dưng lại đưa thân ra cho người ta cười nhạo làm gì? nó nghĩ vậy.
Khi tiếng chuông tan lớp vang lên, con bé được bảo rằng xe buýt sẽ thả nó xuống cách ngõ nhà ba dặm vì chạy xa hơn nữa thì đường cát lắm, và rằng sáng nào nó cũng phải đi bộ ra chỗ đón xe. Trên đường về, trong lúc chiếc xe buýt lắc lư trên mấy vết lún sâu và đi qua những vạt miên man cỏ đầm nước mặn, có tiếng ê a vang lên từ đằng trước: “CÔ Catherine Danielle Clark!” Cao-gầy-tóc-vàng và Tròn-tròn- má-phính, hai đứa con gái hồi trưa, gọi váng lên, “Mày ở đâu, con gà nước? Nón mày đâu, con chuột đồng lầy?”
Cuối cùng, chiếc xe cũng dừng lại ở một điểm không tên không số, nơi gặp nhau của nhiều lối mòn rối bung dẫn vào rừng. Bác tài gạt cần cho cửa mở và Kya lủi ra, cắm đầu chạy một mạch gần nửa dặm, thở hồng hộc, rồi đi bộ suốt tới ngõ nhà. Nó không dừng lại ở cái lán mà chạy qua bãi cọ lùn ra phá nước, xuôi lối mòn len lỏi giữa rùng sồi dày đặc đầy che chở ra tới biển. Khi con bé xộc ra bờ biển trụi trơ, biển dang ra vòng tay rộng mở, gió thốc tung mái tóc bím lòa xòa khi Kya dừng bước ngay mép sóng. Nó chực khóc và đã vậy cả ngày.
Giữa tiếng ầm ào của những con sóng dập dồn, Kya cất tiếng gọi lũ chim. Biển cả hát tông nam trầm, mòng biển ca giọng nữ cao. Rít và kêu thất thanh, chúng lượn vòng trên đồng lầy và bờ cát khi con bé ném vỏ bánh nướng và bánh mì mềm ra đất. Chân thõng xuống, đầu ngó nghiêng, chúng đáp xuống.
Một vài chú chim mổ khẽ vào giữa mấy ngón chân con bé, và nó cười to vì nhật cho tới khi nước mắt chảy trào, rồi cuối cùng những tiếng nức nở lớn, khàn bật ra từ chỗ ứ nghẹn dưới cổ họng Kya. Khi bánh trong hộp hết veo, nó không nghĩ mình có thể chịu nổi cơn đau nữa, sợ rằng lũ chim cũng sẽ bỏ lại nó như tất cả mọi người. Nhưng bầy mòng biển ngồi xuống trên bờ biển quanh nó và như mọi khi, tiếp tục bận rộn rỉa đôi cánh xám dài. Thế nên con bé cũng ngồi xuống và ước chi có thể ôm chúng lên trong tay, mang về hiên nhà ngủ cùng với nó. Kya tưởng tượng cả đám lúc nhúc trong giường nó, một đống mềm mịn những cơ thể phủ lông ấm áp cùng nhau rúc dưới mền.
Hai ngày sau, nghe tiếng chiếc Ford Crestliner nghiến cát, nó vội chạy vào đồng lầy, dậm bước thật mạnh trên bãi cát, in dấu chân rõ như ban ngày, rồi nhón chân đi vào nước, không chừa dấu vết, sau đó quành lại chạy về hướng khác. Khi tới chỗ bùn lầy, con bé chạy lòng vòng, tạo ra một nùi rối rắm các đầu mối. Và lúc tới nơi đất cứng, nó nhẹ nhàng vụt qua, nhẩy thoăn thoắt từ bụi cỏ sang que cây, chẳng để lại vết tích gì.
Họ cứ cách hai ba hôm lại đến, liên tục vài tuần liền, người đàn ông đội mũ phớt truy đuổi và tìm kiếm, nhưng thậm chí chẳng bao giờ tới được gần nó. Rồi một tuần kia chẳng ai tới nữa. Chỉ có tiếng quang quác quạ kêu. Con bé buông thõng tay hai bên, giương mắt nhìn con đường trống.
Kya không trở lại trường một ngày nào trong đời. Con bé quay về ngắm lũ diệc và lượm lặt vỏ sò, nơi nó nghĩ mình có thể học được gì đó. “Mình đă có thể gù như bồ câu,” nó tự bảo bản thân. “Và giỏi hơn bọn họ nhiều lắm. Ngay cả với đống giày đẹp đẽ của họ.”
MỘT BUỔI SÁNG, vài tuần sau ngày con bé đến trường, mặt trời chói chang nóng đến trắng lòa khi Kya trèo lên pháo đài cây của anh nó bên bờ biển và dõi mắt tìm tàu buồm treo cờ đầu lâu xương chéo. Chứng tỏ rằng trí tướng tượng nảy mầm trong vùng đất cô đơn nhất, con bé hét, “Hô! Hô, lũ hải tặc, hô!” Vung kiếm của mình lên, nó nhảy từ trên cây xuống tấn công. Đột nhiên một cơn đau nhói xuyên qua bàn chân phải, chạy như lửa bỏng lên cang chân nó. Gối quy xuống, con bé ngã qua một bên và rít lên. Nó thấy một cái đinh dài rỉ sét đâm sâu vào lòng bàn chân mình. “Ba!” nó hét. Nó cố nhớ xem tối qua ông có về không. “Cứu con, ba,” nó kêu to, nhưng không có ai đáp lại. Nhanh hết sức, nó thò tay xuống và giật cái đinh ra, thét to để khỏa lấp cơn đau đớn.
Kya quờ tay trên cát trong những cử động vô nghĩa, miệng khẽ rên. Cuối cùng, nó ngồi dậy và nhìn xuống lòng bàn chân mình. Gần như không có máu, chỉ có cái lỗ bé xíu của một vết thương nhỏ, sâu hoắm. Lúc đó nó sực nhớ tới bệnh phong đòn gánh. Bụng con bé thắt lại và người lạnh toát. Jodie từng kể nó nghe về một thằng bé đạp phải đinh rỉ và không chích uốn ván. Hàm của thằng nhỏ cứng ngắc, khép chặt đến nỗi không thể mở miệng ra. Rồi sống lưng nó bẻ ưỡn ra sau như một cánh cung, nhưng chẳng ai làm được gì ngoài đứng đó nhìn thằng bé chết vì người bị bẻ vặn vẹo.
Jodie nói rất rõ một điểm: ta phải được chích ngừa trong vòng hai ngày sau khi đạp đinh, không thì ngỏm. Kya không biết tí gì về việc làm sao để được chích.
“Mình phải làm dì đó. Chắc chắn sẽ co cứng chết nếu chờ ba.” Mồ hôi hột hột tuôn xuống mặt con bé, nó cà nhắc băng qua bãi biển, cuối cùng đi vào bóng sồi mát quanh nhà.
Má từng ngâm các vết thương trong nước muối và đắp bùn trộn đủ loại nước thuốc lên trên. Không có muối trong nhà bếp nên Kya tập tễnh vào rừng, đi tới chỗ một dòng nước lợ thường trở nên mặn chát khi triều xuống, ven bờ lấp lánh thứ tinh thể trắng lóa. Con bé ngồi trên bờ, vừa nhúng bàn chân vào nước muối đồng lầy, vừa liên tục cử động miệng: mở, ngậm, mở, ngậm, giả vờ ngáp, làm động tác nhai, bất cứ thứ gì hòng ngăn hàm cứng lại. Sau gần một giờ, nước ròng đủ để nó dùng tay đào một lỗ trong bùn đen rồi nhẹ nhàng sục chân vào tầng đất mềm mịn. Không khí ở đây mát mẻ và tiếng kêu của đại bàng cho nó biết phương hướng.
Đến chiều muộn, con bé đã rất đói nên về lại cái lán. Phòng của ba vẫn trống trơn và chắc hẳn ông không về trong nhiều giờ nữa. Không có bột ngô nhưng sục sạo quanh nhà, nó tìm thấy một hộp thiếc cũ nhóp nháp chứa mỡ đặc Crisco, chấm lấy một chút mỡ trắng và trét lên một cái bánh quy mặn. Ban đầu nó nhấm từng mẩu nhỏ, rồi ăn thêm hẳn năm cái.
Kya nhẹ nhàng chui vào giường nó trên hiên, lắng tai chờ tiếng thuyền ba. Đêm tới giằng xé và chọc thủng, giấc ngủ chỉ đến từng mẩu vụn, nhưng con bé hẳn đã thiếp đi lúc gần sáng vì nó bừng tỉnh khi mặt trời đã rọi thẳng mặt. Vội vàng, nó mở miệng; vẫn còn được. Con bé lê bước đi đi về về giữa hồ nước lợ và cái lán cho tới khi, nhờ theo dõi mặt trời, nó biết hai ngày đã qua đi. Kya mở và ngậm miệng lại. Có lẽ nó đã thoát được.
Đêm đó, rúc trong tấm trải nệm, bàn chân đóng bùn quấn trong miếng vải vụn, con bé tự hỏi liệu nó có tỉnh dậy và thấy mình đã chết. Không, nó nhớ, sẽ không dễ vậy: lưng nó sẽ ưỡn cong; tay chân vặn vẹo.
Vài phút sau, con bé nghe nhói ở phần lưng dưới và bật dậy. “Ôi không, ôi không. Má, má ơi.” Cảm giác ở lưng lặp lại khiến nó lặng đi. “Chỉ là bị ngứa,” nó lẩm bẩm. Cuối cùng, thật sự kiệt lực, nó thiếp đi, không mở mắt cho tới khi lũ bồ câu rủ rỉ giữa đám sồi.
Kya tới hồ nước hai lần mỗi ngày trong suốt một tuần, sống bằng bánh quy mặn với Crisco, và ba chẳng về nhà lần nào suốt thời gian đó. Đến ngày thứ tám, con bé có thể xoay xoay bàn chân mà không nghe cứng, và cái đau đã lui về bề mặt. Nó nhảy một điệu jig, bước thật nhẹ chân, và kêu lên, “Mình làm được rồi, mình làm được rồi!”
Sáng hôm sau, con bé ra bãi biển tìm thêm hải tặc.
“Việc đầu tiên mình sẽ làm là lệnh cho thủy thủ đoàn lượm hết mớ đinh.”
SÁNG NÀO CON BÉ CŨNG THỨC SỚM, vẫn chờ nghe tiếng nấu nướng lách cách loảng xoảng của má. Món ăn sáng má thích nhất là trứng bóc từ đám gà nhà, cà chua chín đỏ xắt ra, và bánh ngô chiên làm bằng cách đổ hỗn hợp bột ngô, nước và muối lên lớp mỡ nóng đến độ bột phồng lên, rìa ngoài chiên thành viền ren giòn rụm. Má nói ta chiên không đúng cách nếu không nghe tiếng lốp bốp từ phòng bên cạnh, và cả đời Kya đã nghe tiếng bánh ngô lốp bốp trong dầu khi thức giấc. Ngửi mùi khói xanh, nóng ấm hấp dẫn. Thế mà giờ nhà bếp im ắng, lạnh tanh, và Kya trượt xuống nệm rồi lẻn ra phá nước.
Nhiều tháng trôi qua, trời nhẹ chuyển mình vào đông, kiểu mùa đông miền nam vẫn vậy. Mặt trời, ấm như một tấm chăn, quấn lấy vai Kya, dỗ nó vào sâu hon trong đồng lầy. Thảng hoặc con bé nghe những tiếng động của đêm mà nó chưa biết là gì, hoặc giật bắn minh vì sét đánh gần quá, nhưng mỗi khi nó vấp ngã, chính mặt đất đỡ nó. Cho tới khi cuối cùng, tại một khoảnh khắc không mong đợi, cái đau trong tim thấm qua, trôi tuột đi như nước xuyên vào cát. Vẫn còn đó, nhưng sâu thăm thẳm. Kya áp bàn tay lên mặt đất đang thở, ẩm ướt, và đồng lầy trở thành người mẹ của nó.