1952
Một buổi sáng, ba, đã cạo râu nhẵn nhụi và mặc chiếc áo sơ mi cài kín cổ nhăn nhúm, đi vào nhà bếp và nói ông sẽ bắt xe buýt Trailways đi Asheville để thảo luận vài vấn đề với quân đội. Ông cho rằng mình còn vài thương tật người ta nợ chưa chi trả, ông phải đi làm cho ra lẽ và sẽ không về trong ba hoặc bốn ngày. Trước đây ông chẳng bao giờ nói Kya biết công chuyện của ông là gì, ông đi đâu, hay chừng nào ông về nhà, thế nên đứng đó trong bộ quần yếm ngắn cũn, con bé trợn mắt nhìn ông, im thít.
“Tao tinh chắc mày điếc và đần như tất cả mấy đứa dở hơi.” Ông nói, để cánh cửa hiên đằng sau đóng sập lại.
Kya nhìn ông lê bước trên lối mòn, chân trái quặt sang bên rồi ra trước. Mấy ngón tay nó bấu chặt vào nhau. Có lẽ tất cả bọn họ đều sẽ rời bỏ nó, từng người một mất hút cuối lối nhỏ này. Khi ba tới đường cái và bất thần nhìn lại, nó vung tay lên và vẫy thật mạnh. Một cố gắng để níu giữ ông. Ba giơ tay lên trong động tác chào nhanh, kiểu như muốn gạt đi. Nhưng vậy vẫn là một cái gì đó. Vẫn nhiều hơn việc má đã làm.
Từ nhà, con bé lững thững bước ra phá, nơi nắng sớm bắt được ánh lấp lánh trên hàng trăm đôi cánh chuồn chuồn. Những cây sồi và bụi cây dày bao quanh khoảng nước sâu, trùm lên nó bóng tối như hang động, và con bé dừng lại khi thấy thuyền của ba buộc bập bềnh ở đó. Nếu Kya đi thuyền vào đồng lầy và ba phát hiện, ông sẽ quất nó bằng dây nịt. Hoặc bằng mái chèo ông để bên cửa hiên; cái “gậy chào đón”, Jodie gọi vậy.
Có lẽ khao khát vươn ra xa hơn đã kéo con bé về phía chiếc thuyền – một xuồng máy bằng kim loại, đáy phẳng, dáng cong lên mà ba dùng đi câu cá. Kya đã ra ngoài trên chiếc thuyền đó cả đời mình, thường là cùng với Jodie. Thỉnh thoảng thằng anh cho nó lái. Con bé thậm chí còn biết lối đi qua một số con kênh và của sông rối rắm uốn lượn xuyên máng chắp vá đất và nước, nước và đất, cuối cùng ra biển. Bởi vì dù biển ở ngay bên kia hàng cây bao quanh lán, cách duy nhất để đến đó bằng thuyền là đi về hướng ngược lại, vào trong đất liền, và luồn lách qua hàng dặm mê cung kênh rạch mà cuối cùng cũng vòng trở lại đại dương.
Vậy nhưng chỉ mới lên bảy và là con gái, Kya chưa bao giờ lấy thuyền đi một mình. Con thuyền bập bềnh ở đó, được buộc bằng dây cotton vào một gốc cây đã đốn thân. Bùn xám, dụng cụ câu cá cú sờn, và mấy lon bia bị bẹp một nửa rải đầy lòng thuyền. Bước lên, con bé nói, “Phải kiểm tra xăng như anh Jodie bảo, để ba không biết mình lấy nó.” Rồi Kya chọc một cọng sậy đứt vào binh xăng hoen rỉ. “Đủ để đi một quãng ngắn, mình nghĩ thế.”
Như bất cú tên trộm giỏi nào, nó nhln quanh quất rồi giật sợi dây tuột khỏi gốc cây, và đẩy thuyền tiến lên bằng mái chèo duy nhất. Đám mây chuồn chuồn lặng lẽ tách ra trước mặt con bé.
Không cưỡng lại được thôi thúc, Kya kéo dây khởi động và giật mình lùi lại khi máy nổ, phát tiếng lụp bụp và ợ ra khói trắng nhờ. Nắm lấy cần lái, con bé đẩy nó quá xa, và con thuyền ngoặt qua thật gắt, động cơ rít lên chói lói. Kya vội buông cần, giơ tay lên, và thuyền dần êm lại, nhẹ trôi và khẽ rù rù.
Khi gặp rắc rối, hãy buông tay thôi. Trở lại thảnh thơi.
Cho thuyền tăng tốc, lần này nhẹ nhàng hơn, con bé lái vòng tránh cây bách già đã đổ và phụt, phụt, phụt qua đống cành vụn của ổ hải ly. Rồi nín thở, nó lái về phía cửa vào phá nước khuất sau bụi mâm xôi rậm rạp. Hụp xuống né mấy cành mọc thấp của những thân cây khổng lồ, Kya chầm chậm len qua hơn chín mươi thước um tùm bụi rậm, nhẹ nhàng như lũ rùa tuột xuống nước tù những khúc gỗ trôi. Một thảm bèo cám lềnh bềnh phủ lên mặt kênh màu xanh như mái che rợp lá trên đầu, tạo thành một đường hầm lục bảo. Cuối cùng, đám cây cối rẽ ra, và Kya trượt vào một không gian của ngọn cỏ vươn cao với bầu trời vòi vợi, và tiếng chim lanh lảnh vút trời. Khung cảnh mà một chú chim non sẽ thấy, con bé nghĩ, khi chú cuối cùng cũng mổ vỏ chui ra.
Kya lướt đi thong thả, con bé là một chấm nhỏ xíu trên thuyền, hết quay bên này lại ngó bên kia khi những cửa sông vô tận tách ra và đan lại trước mắt nó. Cứ đi về bên trái tại mọi ngả rẽ ra, Jodie đă dặn. Con bé gần như không đụng vào cần lái, đưa thuyền trôi nhẹ trên nước, để tiếng động phát ra thật nhỏ. Khi nó vòng qua một đám sậy, một chú hươu cái đuôi trắng với đứa con mới sinh dịp xuân rồi đang đứng tóp nước. Đầu chúng ngẩng phắt lên, vẩy những giọt nhỏ qua không khí. Kya không dừng lại vì như thế thì chúng sẽ bỏ chạy, một bài học con bé học được khi quan sát lũ gà rừng: nếu ta hành xử như kẻ săn mồi, chúng sẽ hành xử như con mồi. Cứ để mặc chúng, chậm rãi đi tiếp. Nó lững thững trôi qua, và mấy chú hươu đứng im như cây thông cho đến khi Kya biến mất sau lùm cỏ nước mặn.
Con bé đi vào một nơi có những phá nước tăm tối nơi thắt lại của rừng sồi, và nhớ rằng có một con kênh ở phía xa chảy ra một cửa sông rộng lớn. Vài lần con bé đụng phải ngõ cụt, phải quành về để đi ngả khác. Nó ghi lại hết những cột mốc trong trí nhớ để có thể trở lại. Cuối cùng, cửa sông phơi ra trước mắt con bé, mặt nước trải dài mênh mông đến nỗi nó thâu hết cẩ bầu trời và mọi đám mây.
Triều đang rút dần, con bé biết vậy nhờ đường mép nước dọc bờ kênh. Khi triều xuống đủ, bất kỳ lúc nào kể từ giờ, vài kênh lạch sẽ cạn nước và thuyền Kya sẽ vướng phải lòng kênh rồi mắc cạn. Nó phải quay về trước lúc đó.
Khi con bé vòng qua một đám cỏ cao, hốt nhiên mặt biển – xám xịt, nghiêm khắc và rung lên tùng nhịp không ngừng – bỗng trờ nên cau có. Những con sóng ập vào nhau, bị nhấn chìm trong chính làn bọt trắng của chúng, rồi vỡ tan thành muôn mảnh trên bờ với những tiếng ầm ầm vang động – năng lượng tìm kiếm một bãi đổ bộ. Rồi chúng xẹp xuống thành lưỡi bọt êm ả, chờ đợt trào dậy tiếp theo.
Ngọn sóng bạc khiêu khích con bé, thách nó xông qua vách sóng và đi vào biển, nhưng không có Jodie, dũng khí của nó lung lay. Dù sao cũng đến lúc quay lại rồi. Mây tích báo hiệu sấm sét hiện ra cuồn cuộn phía tây bầu trời, tạo thành những cây nấm xám khổng lồ căng như muốn vỡ.
Không có người nào nữa, chẳng có cả những chiếc thuyền thấp thoáng xa xa, nên thật ngạc nhiên khi nó trở lại cửa sông và thấy ở đó, gần bụi cỏ đồng lầy, là một cậu bé ngồi cầu trên một chiếc xuồng tả tơi khác. Lối con bé đi qua sẽ chỉ cách cậu sáu thước. Lúc này, mọi thứ ở Kya đều toát lên cái vẻ đứa trẻ đầm lầy – tóc bị gió thổi rối bời, má bết bụi loang lổ vệt gió.
Hết xăng hay gặp bão cũng không làm con bé hoảng như gặp người lạ, đặc biệt là con trai. Má đã dặn mấy chị của nó coi chừng bọn họ; nếu ta trông có vẻ hấp dẫn, họ sẽ biến thành dã thú. Mím môi lại thật chặt, con bé nghĩ, Mình làm gì bây giờ? Mình phải đi quan sát anh ta.
Từ khóe mắt, Kya thấy cậu bé nọ khá gầy, những sợi tóc xoăn vàng nhét dưới chiếc nón bóng chày đỏ. Lớn hơn nó, mười một tuổi, có lẽ mười hai. Mặt con bé nghiêm lại khi tới gần đó, nhưng cậu mỉm cười với nó, ấm áp và cởi mở, tay chạm lên rìa nón như quý ông chào một quý cô xinh đẹp vận đầm dài trang trọng và đội bon-nê. Kya gật đầu nhè nhẹ rồi nhìn về phía trước, đẩy cần gạt tăng tốc và đi qua cậu.
Tất cả những gì con bé nghĩ được lúc này là trở lại vùng quen thuộc, nhưng chắc hẳn ở đâu đó nó đã rẽ sai đường, vì khi đến chuỗi phá nước thứ hai, nó không tìm thấy con kênh dẫn về nhà nữa. Chạy vòng vòng, gần sát những cây sồi với bụi hương đào, con bé tìm mải miết. Cảm giác hoảng hốt chầm chậm dâng lên. Bây giờ bờ cỏ, bãi cát và khúc quanh trông giống hệt nhau. Kya tắt máy và đứng lên ngay giữa thuyền, giữ thăng bằng với hai chân giạng rộng, cố gắng nhìn qua đám sậy nhưng không được. Nó ngồi xuống. Lạc lối, rối bời. Sắp hết xăng. Bão đang tới.
Trộm mấy từ của ba, con bé rủa anh nó vì đã bỏ đi. “Chết tiệt, Jodie! Xịt ra lửa rồi té vô đó đi. Anh cứ xịt ra lửa rồi té vô đó.”
Con bé thút thít một tiếng khi chiếc thuyền trôi trên dòng chảy nhẹ. Những đám mây dần lấn lướt mặt trời, trôi đi nặng nề nhưng lặng lẽ trên cao, xô đẩy bầu trời và lôi bóng tối phủ lên mặt nước trong trẻo. Bão có thể tới bất cứ lúc nào. Tệ hơn, nếu Kya lang thang quá lâu, ba sẽ biết nó lấy thuyền. Con bé tiến về trước; có lẽ nó có thể tìm cậu trai nọ.
Vài phút đường lạch đưa tới một khúc quanh và cửa sông ở ngay phía trước, bên kia là cậu bé trên thuyền. Bầy diệc bạch bay vút lên, một hàng những lá cờ trắng chấp chới trên nền mây xám cuồn cuộn. Kya ghim ánh mắt vào cậu. Sợ tới gần, cũng sợ không tới. Cuối cùng, con bé băng qua cửa sông.
Cậu ngẩng nhìn khi nó tiến lại.
“Chào,” cậu nói.
“Chào.” Con bé nhìn qua vai cậu vào đám sậy.
“Nhóc đi đâu vậy?” cậu hỏi. “Không phải ra biển, anh hy vọng thế. Bão đang tới.”
“Không,” nó đáp, nhìn xuống nước.
“Nhóc có sao không?”
Cổ họng con bé nghẹn lại, chặn tiếng thổn thức. Nó gật đầu nhưng không nói nên lời.
“Nhóc bị lạc hả?”
Nó gật lần nữa. Sẽ không khóc như một đứa con gái.
“Ừ. Anh cũng lạc suốt,” cậu nói và mỉm cười. “Này, anh biết nhóc. Nhóc là em gái của Jodie Clark.”
“Đã từng thôi. Ảnh đi rồi.”
“Ừ, nhưng nhóc vẫn là em của…” Rồi cậu bỏ lửng câu nói.
“Làm sao anh biết em?” Con bé ném một cái nhìn nhanh, thẳng vào mắt cậu.
“A, anh từng câu cá với Jodie vài bận. Anh có thấy em mấy lần. Lúc đó em nhỏ xíu. Em tên Kya, phải không?”
Có người biết tên nó. Con bé ngạc nhiên. Cảm thấy được neo vào chỗ nào đó, và được giải phóng khỏi cái gì đó.
“Dạ. Anh biết nhà em? Đường về từ chỗ này?”
“Anh nghĩ mình biết. Dù sao cũng tới giờ rồi.” Cậu gật đầu về phía những tảng mây. “Đi theo anh.” Cậu thu dây câu, cấc đồ vào hộp rồi nổ máy thuyền mình. Vừa băng qua cửa sông cậu vừa vẫy vẫy, và con bé lái theo. Cho thuyền chạy chậm, cậu tiến thẳng về con kênh bên phải, ngoái nhìn để đảm bảo Kya có rẽ theo và tiếp tục đi tới. Ở khúc quanh nào cậu cũng làm vậy cho tới chỗ phá nước cây sồi. Khi cậu đi vào con kênh mờ tối hướng về nhà con bé, Kya nhận ra chỗ nó đã rẽ nhầm và chẳng bao giờ phạm sai lầm đó nữa.
Cậu trai dẫn lối cho Kya – ngay cả khi con bé vẫy tay ra hiệu nó đã biết đường – băng qua phá nước của nó, tới tận bờ nơi cái lán ngồi thụp giữa rừng. Con bé cho thuyền chạy tới cây thông già ngập nước và cột lại. Thuyền cậu giạt xa khỏi thuyền nó, dập dềnh trên đường rẽ nước đôi ngược của hai thuyền.
“Nhóc ổn rồi hén?”
“Dạ.”
“Ừ, bão sắp tới rồi, anh nên dọt thôi.”
Con bé gật đầu, rồi nhớ lại lời má dặn. “Cảm ơn anh.”
“Được rồi, vậy nhé. Tên anh là Tate, phòng khi nhóc gặp lại anh.”
Con bé không trả lời nên cậu nói, “Tạm biệt.”
Khi cậu trai đi xa, mưa chậm rãi rớt hạt lộp độp lên bờ phá và Kya nói, “Trời sẽ mưa xối xả ếch bò; cái anh đó sẽ ướt nhẹp.”
Con bé cúi xuống bình xăng và chọc vào đó một cọng sậy làm que đo, không quên chụm tay che miệng bình để nước mưa không nhỏ vào. Nó có thể không biết đếm tiền nhưng vẫn biết chắc là không thể để nước lọt vào xăng.
Xăng thấp quá. Ba xẻ biết. Mình phải vác một cái bình tới Sing Oil chước khi ông dề.
Con bé biết người chủ, ông Johnny Lane, luôn gọi cả nhà nó là thứ rác rưởi đầm lầy, nhưng có phải đối phó với ông ta, cơn bão và con sóng cũng đáng lắm, bởi vì tất cả những gì nó nghĩ tới lúc này là trở lại không gian của cỏ, trời và nước ngoài kia. Một mình, nó đã hoảng sợ, nhưng cái đó đã thành nỗi phấn khích râm ran. Ngoài ra còn một cái gì khác nữa. Sự điềm tĩnh của cậu trai. Con bé chưa tùng biết ai nói chuyện hay cử động vững vàng như vậy. Thật chắc chắn và dễ dàng. Chỉ cần ở gần cậu, thậm chí không gần lắm, con bé cũng nhẹ bớt căng thẳng. Lần đầu tiên kể từ khi má và Jodie bỏ đi, nó mới thở được mà không nghe đau nhói; cảm thấy một cái gì khác ngoài cơn đau. Con bé cần chiếc thuyền này và cậu trai đó.
CÙNG BUỔI CHIỀU NỌ, cầm tay lái xe đạp, Tate Walker thả bước qua thị trấn, gật đầu chào cô Pansy ở tiệm năm xu một hào rồi đi ngang Western Auto tới mũi cầu tàu. Cậu quét mắt qua mặt biển tìm thuyền câu tôm của cha, chiếc The Cherry Pie, và phát hiện màu sơn đỏ thắm của nó phía xa, cánh lưới rộng dập dềnh trên sóng. Khi thuyền lại gần, được hộ tống bởi đám mây mòng biển của riêng nó, Tate vẫy tay và cha cậu, một người đàn ông to lớn có bờ vai như núi, mái tóc đỏ dày và bộ râu rậm, vung tay lên không. Scupper, như cách mọi người trong làng vẫn gọi ông, ném dây cho Tate buộc thuyền lại, rồi cậu nhảy lên thuyền giúp đội của cha dỡ mẻ tôm.
Scupper vò rối tóc Tate. “Sao rồi con trai? Cảm ơn con đã ghé lại.”
Tate mỉm cười, gật đầu. “Dạ có gì đâu.” Hai cha con và đội thuyền bận rộn chạy tới chạy lui, chất tôm vào thùng thưa, khiêng chúng lên cầu tàu, í ới gọi nhau làm vài ly bia ở quán Dog-Gone, hỏi Tate về trường học. Cao hơn một cánh tay so với người khác, Scupper xốc lên ba thùng một lượt, khiêng chúng qua cầu ván rồi trở lại lấy thêm. Nắm tay ông như tay gấu, khớp đốt ngón tay trầy xước và nứt nẻ. Trong chưa đầy bốn mươi phút, boong thuyền đã được xịt nước, lưới buộc lại, dây cột chặt.
Scupper bảo các bạn thuyền rằng hôm khác sẽ cụng ly với họ; ông phải sửa chữa chút trước khi về nhà. Trong buồng lái, ông để một đĩa than 78 phát giọng ca Miliza Korjus lên cái máy hát buộc vào quầy rồi vặn tiếng lên. Ong cùng Tate đi xuống và chui vào buồng máy, ở đó Tate đưa đồ nghề cho cha còn ông bôi dầu các bộ phận và siết bu-lông chặt lại dưới ánh sáng lờ mờ của một bóng đèn. Trong lúc đó, tiếng hát opera du dương, cao vút bay bổng lên tròi.
Ông sơ của Scupper, di cư tới từ Scotland, đã bị đắm tàu ngoài khơi Bắc Carolina vào những năm 1760 và là người duy nhất sống sót. Ông đã bơi vào đất liền, lên bờ biển Outer Banks, tìm một người vợ và trở thành cha của mười ba đứa trẻ. Nhiều người có thể truy nguồn gốc của họ về cái ông Walker đó, nhưng hai cha con Scupper và Tate chẳng nói gì mấy với người ngoài. Không thường tham gia dã ngoại ngày chủ nhật chén xà lách gà và trứng nhồi với bà con họ hàng, không như khi mẹ và em gái Tate còn ở đó.
Cuối cùng, trong hoàng hôn ngả xám, Scupper vỗ vai Tate. “Xong hết rồi. Về nhà ăn tối thôi.”
Họ đi ngược cầu tàu, xuôi Phố Main, rồi ra một con đường quanh co về nhà họ, một căn nhà hai tầng có lóp ván gỗ tuyết tùng bợt bạt mưa gió xây hồi những năm 1800. Viền cửa sổ trắng đã được sơn mới, và thảm cỏ trải rộng gần tới biển được cắt tỉa gọn gàng. Thế nhưng những cây đỗ quyên và bụi hồng cạnh nhà lại ủ ê trong cỏ dại.
Cởi bỏ đôi ủng vàng tại tiền sảnh, Scupper hỏi, “Con ngán burger chưa?”
“Không bao giờ ngán burger hết ạ.”
Tate đứng tại bàn bếp, bốc những nắm thịt mềm nặn thành miếng dẹt rồi để chúng lên dĩa. Mẹ và em gái cậu, Carianne, cả hai đều đội nón bóng chày, đang mỉm cười với cậu từ bức ảnh treo bên cửa sổ. Carianne thích cái nón Atlanta Crackers đó cực kỳ, đi đâu cô bé cũng đội nó.
Tate ngoảnh mặt khỏi bức ảnh, bắt đầu xắt cà và khuấy đậu hầm. Nếu không phải vl cậu, lúc này họ sẽ ở đây. Mẹ phết mỡ lên một con gà, Carianne cắt bánh ml nhỏ.
Như thường lệ, Scupper chiên thịt hơi khét, nhưng miếng nào miếng nấy cũng mọng nước bên trong và dày như một cuốn danh bạ điện thoại thành phố. Đói ngấu nên hai cha con im lặng ăn trong một lúc, rồi Scupper hỏi Tate về trường học.
“Môn sinh học khá hay, con thích nó, nhưng tụi con đang học thơ ở lớp Anh ngữ. Không thể nói là con khoái nó lắm. Mỗi đứa tụi con phải đọc to một bài. Cha từng ngâm mấy bài thơ, nhưng con không nhớ chúng.”
“Cha có một bài cho con đây, con trai.” Scupper gợi ý. “Bài cha thích nhất – ‘Lễ hỏa táng Sam McGee’ của Robert Service. Từng đọc cho cả nhà nghe. Là bài mẹ con thích nhất. Lần nào cha đọc nó mẹ cũng bật cười, không chán bao giờ.”
Tate cúi xuống khi nghe nhắc đến mẹ, đẩy đẩy mấy hạt đậu vòng vòng.
Scupper tiếp tục. “Đừng coi thơ là cái chỉ dành cho bọn ẻo lá. Dĩ nhiên là có mấy bài thơ tình sướt mướt, nhưng cũng có bài tếu tếu, dí dỏm, nhiều bài về thiên nhiên, thậm chí cả chiến tranh. Toàn bộ ý nghĩa của chúng là chúng làm con cảm thấy một điều gì đó.” Cha Tate đã nhiều lần bảo cậu rằng định nghĩa về một người đàn ông là người khóc mà không xấu hổ, đọc thơ bằng cả trái tim, cảm nhận được opera trong tàm hồn, và làm việc cần làm để bảo vệ một người phụ nữ. Scupper bước ra phòng khách và nói vọng lại, “Cha từng thuộc nằm lòng gần hết cả bài, nhưng không còn nữa. Nhưng đây, cha đọc cho con.” Ông ngồi vào bàn và bắt đầu ngâm. Khi ông đọc tới đoạn này:
“Và Sam ngồi đó, nhẹ nhàng thư thái, ở giữa
là lò lửa thét gầm;
Ông nở nụ cười có thể thấy từ xa cả dặm, và ông nói,
‘Làm ơn khép cửa lại.
Trong này ổn lắm, nhưng tôi rất sợ bạn sẽ để len vào cái lạnh với bão giông…
Kể từ khi rời Plumtree ở mãi tận Tennessee, đây là lần đầu tiên tôi được ấm.’ ”
Scupper và Tate cười khẽ.
“Mẹ con lúc nào cũng bật cười ở chỗ đó.”
Họ mỉm cười, nhớ lại. Ngồi lặng một phút. Rồi Scupper nói ông sẽ dọn rửa trong khi Tate làm bài tập về nhà. Trong phòng cậu, lướt qua những cuốn thơ để chọn bài đọc trước lóp, Tate tìm được một bài của Thomas Moore:
“…cô đã đến Hồ ở Đầm lầy Ảm đạm
Nơi đêm trường, bên ngọn đèn đom đóm,
Cô khua mái chèo đưa xuồng trắng trôi xuôi.
Và ngọn đèn đom đóm của cô, tôi sẽ thấy sớm thôi,
Cũng như tiếng mái chèo khua nước;
Yêu thương dài lâu là cuộc đời ta có được,
Và tôi sẽ giấu nàng trong cây bách ấy,
Khi tiếng bước chân của cái chết cận kề.”
Lời thơ làm cậu nghĩ tới Kya, em gái Jodie. Cô nhóc trông quá nhỏ bé và đơn độc giữa dải đồng lầy rộng lớn. Cậu tưởng tượng chính em mình lạc lõng ngoài đó. Cha cậu nói đúng – những bài thơ khiến ta cảm nhận một điều gì.