1952
Tối hôm đó, sau khi được cậu trai câu cá dẫn lối qua đồng lầy đưa về nhà, Kya ngồi bắt chéo chân trên cái giường ngoài hiên. Sương mờ từ trận mưa xối xả thấm qua tấm lưới hiên chắp vá, mơn man mặt con bé. Nó nghĩ về cậu trai. Ân cần mà mạnh mẽ, như Jodie vậy. Hồi này con bé chỉ thi thoảng mới nói chuyện với ba và ít hơn nữa, là với cô tính tiền ở Piggly Wiggly, cô Singletary, người mà gần đây đã bắt đầu dạy Kya sự khác nhau giữa đồng hai mươi lăm xu, năm xu với một hào – đồng một xu thì con bé đã biết. Nhưng cô Singletary cũng có khi tò mò nhiều chuyện.
“Mà này, cháu cưng, tên cháu là dì vậy? Sao mẹ cháu không tới nửa? Không thấy cô ấy từ hồi củ cải trổ ra.”
“Má bận rất nhiều việc nhà nên sai cháu đi chợ.”
“Ừ, cháu yêu, nhưng cháu chẳng bao giờ mua đủ cho cả nhà cháu.”
“Cô biết đó, cháu phải đi thôi. Má cần số bột này liền.”
Mỗi khi có thể, Kya tránh cô Singletary và tới chỗ cô tính tiền còn lại, cô này chẳng tỏ ra chút hứng thú nào ngoài bảo rằng con nít không nên đi chợ với chân không. Con bé định đáp là nó không định nhặt nho bằng ngón chân nó. Dù sao thì ai mà mua nổi nho chứ?
Càng ngày Kya càng chẳng nói chuyện với ai ngoài bầy mòng biển. Con bé tự hỏi liệu nó có thể giao kèo với ba sao đó để được dùng thuyền. Ra ngoài đồng lầy, nó có thể nhặt lông chim với vỏ sò và biết đâu thi thoảng gặp cậu trai nọ. Con bé chưa bao giờ có bạn, nhưng nó cảm thấy một người bạn cũng có lúc cần đến, có sức hấp dẫn. Cả hai có thể bơi thuyền đi loanh quanh các cửa sông, khám phá khu đầm. Cậu trai có thể chỉ coi nó là đứa con nít, nhưng cậu biết đường đi lối lại chốn đồng lầy và có thể dạy nó.
Ba không có ô tô. Ông dùng thuyền để đi câu, để vào phố, để lèo lái qua đầm lầy tới Swamp Guinea, một quán bar kiêm sòng poker tàn tạ nối với đất liền bằng cây cầu ván ọp ẹp chạy xuyên đám cỏ đuôi mèo. Dựng nên từ ván ghép thô dưới một mái che bằng thiếc, quán lộn xộn đủ thứ đồ người ta bỏ đại vào, sàn mấp mô cao thấp khác nhau tùy mấy chân gạch xương xẩu như cẳng gà chống lên bao nhiêu trên đầm nước. Khi ba tới đó hay chỗ nào khác nữa, ông dùng thuyền, chỉ thảng hoặc mới đi bộ, vậy việc gì ông lại cho nó mượn?
Nhưng ba vẫn để các anh nó dùng thuyền khi ông không xài tới, chắc vì họ bắt cá làm bữa tối. Con bé không khoái gì việc câu cá, nhưng chắc nó có thể đổi bằng thứ gì khác, cho rằng đó là cách để nói chuyện được với ông. Có thể là nấu ăn, làm thêm việc nhà, cho đến khi má trở lại.
Mưa tạnh dần. Một hạt riêng lẻ rơi xuống đâu đó, lay động một chiếc lá như cái phẩy nhẹ của tai mèo. Kya bật dậy, dọn sạch bên trong tủ, chùi sàn bếp ván ép ố bẩn, và cạo lóp bột cháo đóng dày hàng tháng trên lò củi. Sáng sớm hôm sau, nó giặt đống khăn trải giường của ba, vốn nồng nặc mùi mồ hôi và rượu, rồi vắt chúng lên tán cọ. Con bé dọn cả phòng của các anh nó, không lớn hơn là bao so với một buồng nhỏ để đồ, vừa phủi bụi vừa quét tước. Vớ dơ hầy chất đống ở trong cùng tủ chứa và mấy cuốn truyện tranh vàng ố để bừa cạnh hai tấm nệm bấn trên sàn. Con bé cố lục lại trong trí gương mặt các anh, những bàn chân đi cùng đống vớ, nhưng chi tiết cứ nhòe nhoẹt. Cả khuôn mặt Jodie cũng mờ dần; Kya thoáng thấy được cặp mắt anh, rồi chúng trôi tuột đi, nhắm lại.
Sáng hôm sau, ôm theo cái bình cỡ bốn lít, con bé rảo bước xuôi dải đường cát tới tiệm Piggly mua diêm, xương ống và muối. Chừa lại hai hào. “Không mua sữa được, phải mua xăng.”
Nó dừng chân ớ trạm xăng Sing Oil ngay ngoài Vũng Barkley, cái trạm đứng giữa một cụm thông, vây quanh là mấy chiếc xe tải rỉ sét và ô tô cọc cạch để trên mớ bê tông khối.
Ông Lane đã thấy Kya đi tới. “Cúc khỏi đây, con nhải ăn mày. Thứ rác rưởi đồng lầy.”
“Cháu có tiền đây ông Lane. Cháu cần xăng và dầu cho thuyền máy của ba.” Con bé giơ ra hai hào, hai đồng năm xu và năm xu lẻ.
“Hừ, chả bõ công ta với mớ tiền còm cõi đó, nhưng thôi đưa đây.” Ông với tay lấy cái bình chứa vuông móp méo.
Con bé cảm ơn, ông Lane lại gầm gừ lần nữa. Số đồ dùng và xăng nặng hơn qua từng dặm đường về, và phải một hồi lâu con bé mới tới nhà. Cuối cùng, dưới bóng cây trùm lên phá nước, nó đổ xăng vào bình chứa trên thuyền rồi cọ thuyền bằng giẻ và cát ướt cho đến khi bề mặt kim loại bên hông lộ ra qua lớp bùn cáu ghét.
VÀO NGÀY THỨ TƯ KỂ TỪ LÚC BA ĐI, con bé bắt đầu ngóng đợi. Đến cuối buổi chiều, nỗi sợ lạnh toát dâng lên và hơi thở của nó cạn đi. Nó lại ở đây nữa rồi, nhìn xuống con đường nhỏ. Ba tệ là vậy nhưng nó vẫn cần ông trở về. Cuối cùng lúc trời nhá nhem, ông xuất hiện, bước giữa những vết lún trên cát. Con bé chạy vào bếp và bày ra món ra-gu gồm cải bẹ, xương ống và bột ngô. Nó không biết làm nước xốt thịt nên đã rót nước hầm xương – lều bều mỡ trắng – vào một lọ mứt rỗng. Mấy cái dĩa sứt mẻ không cái nào giống cái nào, nhưng con bé đã bày nĩa bên trái, dao bên phải như má từng chỉ. Rồi nó đợi, tựa sát vào tủ lạnh như một con cò bị cán dẹp trên đường.
Ba đập cửa tung ra sập vào tường và băng qua phòng khách tới phòng ngủ trong ba bước, không buồn gọi con bé hay nhìn vào bếp. Vậy cũng bình thường. Con bé nghe ông để vali xuống đất, kéo mở ngăn tủ. Chắc chắn ông sẽ nhận ra tấm trải giường mới và sàn nhà sạch sẽ. Nếu không phải cặp mắt thì cái mũi ông sẽ phát giác ra.
Sau vài phút ông lại đi ra, bước thẳng vào bếp và nhìn bàn ăn bày sẵn cùng những tô món ăn bốc khói. Ông thấy con bé đứng tựa vào tủ lạnh, và cả hai chằm chằm nhìn nhau như thể trước đó chưa bao giờ thấy người kia.
“Quỷ ơi, con gái, đống này là xao đây? Có vẻ mày đả lớn rồi nhở. Bếp núc và đủ thứ.” Ông không mỉm cười, nhưng nét mặt ông bình tĩnh. Ông chưa cạo mặt, mớ tóc đen chưa gội xòa xuống thái dương trái. Nhưng ông tỉnh táo; con bé biết những dấu hiệu.
“Dạ ba. Con cũng có làm bánh mì ngô, nhưng nó không ra.”
“Chà, tao cám ơn. Con gái ngoan dữ. Tao mệt muốn chết và đói ngấu như heo.” Ông kéo một chiếc ghế ra và ngồi xuống, nên con bé làm theo. Trong im lặng, họ lấy thức ăn vào dĩa và gỡ những miếng thịt dai từ số xương ống ít ỏi. Ông cầm lên một khúc xương và hút phần tủy, nước mỡ ươn ướt trên má lún phún râu. Gặm sạch xương cho đến khi chúng láng trơn như dây lụa.
“Thứ này ngon đức bánh kẹp lá cải để lạnh,” ông nhận xét.
“Con ước đã làm được bánh mì ngô. Có lẽ nên cho nhiều soda hơn, ít trứng lại.” Kya không tin nổi là nó đang tiếp tục trò chuyện, nhưng không thể ngừng. “Má làm bánh đó thiệt ngon, nhưng chắc là con không để ý chi tiết…” Rồi nghĩ rằng mình không nên nói tới má, con bé nín lặng.
Ba đẩy dĩa của ông về phía nó. “Còn đủ cho một miếng nữa hông?”
“Dạ ba, còn nhiều.”
“A, và thảy mấy miếng bánh mì đó dô món hầm nửa. Tao muốn chắm nước, và cá là thứ bánh đó dùng được, mềm xốp như bánh bông lan ngô.”
Con bé mỉm cười một mình khi múc ra dĩa cho ba. Ai mà ngờ họ sẽ nhờ bánh mì ngô mà trò chuyện được.
Nhưng bây giờ sau khi nghĩ lại, con bé sợ rằng nếu nó xin được mượn thuyền, ba sẽ nghĩ nó nấu nướng dọn dẹp chỉ để xin xỏ, mà ban đầu thì vậy thật, nhưng giờ dường như có chút khác. Nó thích ngồi lại cùng ăn bữa cơm như một gia đinh. Nhu cầu được trò chuyện với ai đó thật là thúc bách.
Vậy nên con bé không tự nhắc tới chiếc thuyền mà ướm hỏi, “Thỉnh thoảng con có thể đi câu cá với ba không?”
Ông phá lên cười sằng sặc, nhưng nghe ra sự ân cần. Lần đầu tiên ông cười kể từ khi má và mây đứa con trước bỏ đi. “Vậy mày muống đi câu hả?”
“Dạ ba, con muốn.”
“Mày là con gái,” ông nói, nhìn xuống dĩa, gặm xương.
“Dạ ba, con là con gái của ba.”
“Chậc, thỉnh thoảng tao có thể đưa mày ra ngoài.”
Buổi sáng hôm sau, khi nghiêng ngả chạy trên đường cát, hai tay dang thẳng, Kya thổi phì phì tạo ra âm thanh ươn ướt từ môi, nước miếng phun ra. Con bé tưởng tượng nó cất mình lên và lượn qua đồng lầy tìm tổ, rồi vút bay song song với đại bàng. Ngón tay biến thành những sợi lông dài mượt, xòe rộng trên nền trời, gom gió về dưới thân mình nó: Rồi đột ngột, con bé bị giật về mặt đất bởi tiếng ba hú gọi từ chỗ đậu thuyền. Đôi cánh vỡ vụn, dạ dày quặn thắt; ba hẳn đã đoán được con bé lén dùng nó. Chưa gì Kya đã cảm giác được mái chèo đập vào mông và phía sau cẳng chân mình. Con bé biết cách trốn, chờ đến khi ba xỉn, và ông sẽ chẳng bao giờ tìm ra nó. Nhưng nó đã chạy giữa đường, phơi ra trong tầm mắt, và ba đang đứng kia với đủ thứ dây và cọc, ra hiệu cho nó tới gần. Con bé đi lại, im thít, sợ hãi. Mớ dụng cụ câu cá đang bày đầy ra, một túi rượu ngô nhét dưới chỗ ngồi của ba.
“Dô đi” là tất cả những gì ông nói. Con bé bắt đầu bày tỏ niềm vui hay sự biết ơn, nhưng vẻ không cảm xúc của ông khiến nó nín lặng khi bước lên mũi thuyền và ngồi xuống ghế kim loại hướng về phía trước. Ba nó kéo cần gạt và họ tiến dọc con kênh, hụp né mớ cành lá um tùm khi nhẹ trôi dọc ngang luồng lạch, Kya ghi nhớ những thân cành gãy và gốc cây già như biển chỉ đường. Tới một khoảng nước tù, ba tắt máy thuyền và ra hiệu cho con bé ngồi vào ghế giữa.
“Nào, bới ít giun từ cái lon đi,” ông bảo, một điếu thuốc cuộn bằng tay vắt vẻo ở khóe miệng. Ông dạy con bé cách bắt mồi, quăng câu và cuốn dây. Dường như ông vặn người thành những bộ dáng kỳ quặc để tránh va quẹt con bé. Họ chỉ nói chuyện câu cá; không bao giờ đánh liều động tới đề tài khác, cũng không cười nhiều, nhưng trong chỗ quan tâm chung thì họ cũng ổn. Ông có nhấp chút rượu nhưng bận tay nên không uống nữa. Về cuối ngày, mặt trời thở dài, nhạt dần thành màu bơ, và có thể họ không nhận ra nhưng cuối cùng vai họ cũng buông xuôi và cổ thả lỏng.
Kya thầm mong mình không câu dính cá, nhưng nó chợt nghe dây giật và kéo lên một con cá tráp to, loang loáng ánh lam bạc. Ba nó chồm ra chụp cho vào lưới rồi ngồi xuống lại, vỗ gối bồm bộp và hú lên thích thú, một cảnh mà con bé chưa thấy bao giờ. Kya cười tươi và hai cha con nhìn thẳng vào mắt nhau, khép kín một vòng tròn.
Trước khi bị ba nó treo lên, con cá tráp giãy bành bạch trong lòng thuyền và Kya phải trông về một chuỗi bồ nông xa xa, ngắm nghía hình thù mây lơ lửng, bất cứ việc gì để tránh nhìn vào cặp mắt cá chết dần, trợn nhìn một thế giói không có nước, miệng há ra hóp lấy hóp để thứ không khí vô dụng. Nhưng đó là cái giá con bé và con cá phải trả để có chút mẩu gia đình này. Có lẽ thế thì không đáng với con cá, nhưng đành vậy.
Họ đi thuyền ra ngoài lần nữa vào ngày kế tiếp, và trong phá nước tối thẫm, Kya phát hiện nổi trên mặt nước là những chiếc lông ngực mềm mại của một con cú sùng. Cong vút lèn ở hai đầu, chúng lững lờ trôi như những chiếc thuyền màu cam nhỏ xíu. Con bé vớt chúng lên và cho vào túi. Lát sau, Kya tìm thấy một tổ chim ruồi bỏ trống bện vào một nhánh cây chìa ra, và nhét nó vào dưới mũi thuyền an toàn.
Tối đó, ba nấu bữa ăn có cá chiên – tẩm bột ngô và tiêu đen – dùng chung với cháo ngô và rau cải. Khi Kya dọn rửa sau đó, ba đi vào bếp, xách theo chiếc ba lô ông được phát hồi Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đứng gần cửa, ông thảy mạnh nó lên một cái ghế. Nó trượt xuống sàn đánh bịch, làm con bé giật thót và quay phắt lại.
“Nghĩ là mày có thể dùng nó đựng mớ lông vũ, tổ chim và đủ thứ mày lụm về.”
“A,” Kya thốt lên. “Dạ, cảm ơn ba.” Nhưng ông đã bước ra ngoài cửa hiên. Con bé cầm lên chiếc ba lô cũ sờn, làm bằng vải bạt chắc chắn dùng được suốt đời và phủ đầy túi nhỏ cùng ngăn chứa bí mật. Dây kéo cực chắc. Con bé nhìn ra cửa sổ. Ba chưa bao giờ cho nó cái gì.
TẤT CẢ NHỮNG NGÀY TRỜI TRỞ ẤM GIỮA DÒNG và mọi ngày xuân, ba và Kya đều ra khỏi nhà, đi thật xa ngược xuôi bờ biển, quăng câu, kéo dây và bắt cá. Dù ở cửa sông hay lạch nước, con bé cũng đưa mắt tìm cậu trai tên Tate và thuyền cậu, hy vọng gặp lại. Thỉnh thoảng nó nghĩ về cậu, muốn cả hai trở thành bạn nhưng không biết làm thế nào kết thân hay thậm chí làm sao để tìm người. Rồi cứ như thế, một buổi sáng thuyền họ vòng qua một khúc quanh, và cậu đang câu ở đó, gần như đúng ngay chỗ con bé gặp lần đầu. Lập tức cậu nhăn răng cười và vẫy tay. Không kịp nghĩ, con bé vung tay lên và vẫy lại, gần như mỉm cười. Rồi buông tay nhanh chẳng kém khi ba nhìn nó kinh ngạc.
“Một người bạn của Jodie, trước khi ảnh bỏ đi,” nó giải thích.
“Mày phải coi chừng dâng ở quanh đây,” ông bảo. “Rừng đày lũ da trắng rác rưởi. Bọn người ở chốn này gần như toàng thứ vô lại.”
Con bé gật đầu. Muốn ngoảnh nhìn cậu trai nhưng không làm vậy. Rồi lo sợ cậu sẽ nghĩ nó khó gần.
Ba tường tận đồng lầy như một con diều hâu biết rõ cánh đồng của nó: làm sao để săn, để trốn, để dọa cho kẻ xâm phạm khiếp sợ. Và những câu hỏi mắt tròn xoe của Kya thúc ông giải thích về mùa ngỗng, thói quen của cá, làm sao để đoán thủy triều từ con sóng và đọc thời tiết từ những đám mây.
Có vài ngày con bé gói theo bữa tối trong ba lô và họ chén bánh mì ngô giòn, món mà nó đã gần nấu thạo, với hành tây xắt sợi, trong khi mặt trời lặn đứng lại trên đầm. Thảng hoặc, ba bỏ quên túi rượu ở nhà và họ uống trà từ những lọ mứt.
“Nhà tao không phải lúc nào cũng ngoèo, mày biết không,” ba buột miệng khi họ ngồi dưới bóng sồi một ngày nọ, đang quăng càu qua phá nước nâu vo ve đám côn trùng bay là đà.
“Họ có đất, đất màu mỡ, trồng thuốc lá và bong và đại loại vậy. Ở gần Asheville ấy. Bà nội mày đội bon-nê to như bánh xe bò và mặc đầm dài. Bọn tao sống trong một ngôi nhà có hiêng chạy hết một dòng quanh, cao hai tầng. Nó đã lắm, hết sức đã.”
Bà. Môi Kya hé ra. Ở đâu đó, nó đang có hoặc từng có một người bà. Bà giờ ở đâu? Kya khao khát muốn hỏi chuyện gì đã xảy ra với mọi người. Nhưng nó sợ.
Ba tự động kể tiếp. “Rồi mọi thứ đổ bể ráo. Hầu hết thời gian đó tao là một thằng nhỏ nên không rành lắm, nhưng có vụ Khủng hoảng, bong bị mọt phá, tao không biết tất cả, rồi mọi thứ mất hết. Thứ duy nhứt còn lại là nợ, cả đống nợ.”
Với những chi tiết sơ sài trên, Kya chật vật hình dung quá khứ của ba. Không có gì về hồi xưa của má. Ba sẽ nổi điên nếu có người nhắc tới cuộc sống của họ trước khi Kya được sinh ra. Con bé biết gia đình mình từng sống ở đâu đó rất xa đồng lầy, gần những người ông người bà khác, nơi má đã mặc những bộ váy mua ở cửa hàng có dãy nút nhỏ đẹp như ngọc, có ruy băng bằng xa-tanh với viền ren. Sau khi họ chuyển vào cái lán, má cất những chiếc váy trong rương, cứ vài năm lại lấy ra một chiếc, lột nó làm áo khoác mặc làm việc vì không có tiền mua đồ mới nữa. Giờ thì số áo xống đẹp đẽ đó cùng câu chuyện của chúng đã không còn, cháy rụi trong đống lửa ba đốt lên sau khi Jodie đi khỏi.
Kya và ba quăng câu vài lần nữa, dây câu của họ vút qua đám bụi phấn lơ lửng trên mặt nước lặng, và con bé nghĩ câu chuyện tới đó là hết, nhưng ba nói tiếp, “Ngày nào đó tao xẻ đưa mày tới Asheville, cho mày thấy mảnh đất từng là của chúng ta, đúng ra đả là của mày.”
Sau một lúc ông giật dây. “Nhìn kia kìa, nhóc cưng, tao bắt được cho chúng ta con cá lớn, bự như Alabamee vậy!”
Trở lại lán, họ chiên cá và bánh ngô viên “mập như chứng ngỗng”. Rồi con bé bày bộ sưu tập của nó ra, cẩn thận gắn côn trùng lên mấy miếng các-tông và đính những chiếc lông lên tường phòng ngủ thành một bức tranh mềm, lay động. Lát sau nó nằm trên giường ngoài hiên lắng nghe tiếng thông reo. Con bé nhắm mắt, rồi mở ra trao tráo. “Nhóc cưng,” ba đã gọi nó như vậy.