Shimamura tự hỏi không biết mặt trời đã mọc chưa, vì tuyết bỗng sáng rực thêm nữa trong gương, chẳng khác gì ở đó có một đám cháy băng giá. Bị sấp bóng, màu đen của mái tóc người đàn bà trẻ hình như không sâu như trước, mà lại ẩn hiện những sắc thái của màu tím.
Có lẽ để tránh bị tuyết làm tắc, nước ở các phòng tắm được tháo đi theo một đường rãnh chạy sát tường quán trọ. Ở đằng trước lối vào nước chảy loang ra thành một vũng rộng giống như một cái ao nhỏ. Trên những tấm lát dẫn đến cửa, một con chó đen to đang uống nước. Một dãy những thanh trượt tuyết chắc hẳn vừa được lấy ở kho ra hong đang chờ khách mượn. Ở đó thoang thoảng mùi mốc, mùi này rất dịu và như hơi ngọt bởi làn hơi ở vũng nước nóng bốc lên. Những đám tuyết từ trên các cành bá hương rơi xuống mái nhà tắm tạo thành những khối bẹt chẳng ra hình thù gì, gần như di động, gần như ấm áp.
Khoảng cuối năm, con đường biến mất hẳn dưới tuyết, ngập lút trong các đống tuyết. Để đến được các buổi dạ hội, cô phải đi một đôi ủng cao bằng cao su, phải mặc ở ngoài kimono một chiếc “quần miền núi” xấu xí và thêm một tấm áo choàng nặng nề, lại còn phải trùm khăn để bảo vệ mặt. Lúc này, tuyết đã dày hơn ba mét và suốt mùa đông sẽ vẫn như thế. Cô đã nói với anh tất cả những điều đó và Shimamura nhớ lại những lời khi anh đi xuống làng theo con đường ban sáng, lúc trời mới rạng, cô đã chăm chú nhìn từ cửa sổ căn phòng quán trọ.
Có những chiếc khăn phơi trên sợi dây chăng cao bên lề đường.
Phía dưới, anh trông thấy toàn cảnh núi non và ở xa xa, những đỉnh núi đầy tuyết lấp lóa dịu dàng trong ánh sáng. Những cây tỏi trong vườn vẫn chưa bị tuyết vùi lấp hẳn.
Bọn trẻ trong làng đang chơi trượt tuyết trên cánh đồng.
Khi con đường đi vào khoảng giữa các ngôi nhà, Shimamura nghe như có tiếng mưa lâm thâm và anh trông thấy những que băng sáng bóng viền quanh các mái chìa, như những hình thêu tinh tế lóng lánh.
– Này, – một giọng nói cất lên đằng sau anh, – nhân thể ông quét hộ cả mái nhà tôi được không?
Đó là một người đàn bà đi tắm về, khăn mặt buộc trên đầu, đang ngước đôi mắt chói nắng để nói với người đàn ông quét tuyết trên một mái nhà. Shimamura đoán đây là một người phục vụ về làng trước để chuẩn bị cho mùa trượt tuyết. Lối vào bên cạnh là một quán cà phê 7: một ngôi nhà cũ, mái đã trĩu xuống, với một cửa sổ sơn đã bong vì mưa nắng.
Phần lớn lợp bằng gỗ, có chẹn đá, các mái nhà trông như những dãy giống nhau, các hòn đá song song với con đường: những hòn đá to tròn và nhẵn, trắng xóa những tuyết ở phía bóng râm và sáng loáng ở phía có nắng, đen như mực, chúng bóng loáng không hẳn vì ướt, mà chủ yếu vì chúng được bào nhẵn bởi băng giá, gió mưa.
Những mái chìa kéo dài gần tới mặt đất biểu thị tâm hồn các xứ sở phương Bắc có lẽ còn hơn cả những hòn đá trên mái.
Bọn trẻ chơi đùa ở rãnh nước, chúng đập vỡ băng ở đó ném ra đường, có lẽ chúng thích thú vì các mảnh băng vụn tung tóe lên lấp lánh trong nắng. Shimamura đứng ở chỗ có nắng ấm nhìn chúng chơi một lúc lâu, anh không ngờ băng lại dày đến thế.
Dựa lưng vào tường đá, một con bé chừng mười hai, mười ba tuổi đứng đan, tách biệt khỏi những đứa khác. Phía dưới chiếc “quần miền núi” rộng thùng thình bằng vải thô, anh thấy chân nó đi guốc, không có tất, da chân nó đỏ tím và nứt nẻ vì lạnh. Cạnh nó, ngồi ngoan ngoãn trên đống củi là một bé gái khoảng hai tuổi đang mắm môi, mắm lợi đưa hai cánh tay bé xíu ra căng mớ len xám xỉn, sợi len như có màu tươi hơn và ấm hơn ở quãng giữa cánh tay của đứa nhỏ và bàn tay của đứa lớn.
Dưới đó bảy, tám nhà anh nghe thấy tiếng bào của bác thợ mộc đang làm việc ở xưởng làm các thanh trượt tuyết. Bên kia đường có dám sáu cô geisha đang tán gẫu ở tít sâu dưới mái chìa. “Chắc thế nào cũng có Komako trong đám kia”, Shimamura nghĩ. Anh biết tên người đàn bà trẻ sáng nay, do một bà phục vụ ở quán trọ nói.
Đúng là Komako có ở đó thật. Cô cũng nhận ra anh từ xa: mặt cô lập tức nghiêm lại, khác hẳn các cô khác. “Cô sắp đỏ bừng mặt đây”, Shimamura tự nhủ trong khi chân vẫn bước, “chắc chắn mặt cô sắp đỏ kinh khủng lắm, nếu không làm được ra vẻ như không có chuyện gì…” Vừa nghĩ tới đó, anh đã thấy đúng là cô đỏ bừng mặt thật. Giá cô quay đi thì phải, nhưng cô lại nhìn theo anh như cô không thể cưỡng lại bản thân cô, mặc dù mắt cô ngượng nghịu cụp xuống đầy khó nhọc.
Shimamura cũng cảm thấy nóng ran hai má. Anh rảo bước chân và Komako lập tức theo gót anh.
– Lẽ ra anh đừng… Anh đi qua vào giờ này thật khó xử cho em quá.
– Khó xử cho ai? Em không thấy anh cũng rất khó xử khi bọn em giăng hàng để tóm lấy anh trên đường? Làm sao anh đi tiếp được? Bọn em bao giờ cũng làm như thế à?
– Vâng, có lẽ thế… Cứ vào các buổi chiều.
– Em đỏ mặt lên và chạy theo anh, anh thấy như vậy còn khó xử hơn.
– Ồ không! Có gì mà khó xử hơn?
Cô nói rõ ràng, nhưng mặt cô lại đỏ bừng lần nữa. Cô dừng lại, đưa tay ôm lấy thân cây hồng bên lề đường.
– Em nghĩ em có thể mời anh đến nhà em; nên em mới chạy theo anh.
– Nhà em ở gần đây?
– Vâng, gần lắm.
– Anh đồng ý, nếu em cho anh đọc nhật ký của em.
– Em định sẽ đốt đi trước khi em chết đấy.
– Mà này, trong nhà em có một người ốm phải không?
– Sao anh biết?
– Hôm qua, em ra ga đón ông ta, em choàng một cái áo xanh, đúng không? Anh đi cùng chuyến với ông ta, gần như đối diện với ông ta trên tàu. Người đàn bà trẻ cùng đi với ông ta, chăm sóc ông ta vô cùng trìu mến, vô cùng dịu dàng… có phải vợ ông ta không? Hay đó là một cô nào ở đây đi đưa ông ta về? Hay đó là một người ở Tokyo? Sự chăm sóc chu đáo của cô ấy… Đối với ông ta, cô ấy như một người mẹ. Điều đó gây cho anh một ấn tượng mạnh.
– Tại sao tối qua anh không nói gì? Tại sao anh kín đáo thế?- Komako hỏi với một vẻ xúc động đột ngột.
– Đó là vợ ông ta?
Cô chưa nghĩ đến chuyện trả lời, vì cô còn đang bận tâm với câu hỏi của chính cô.
– Nhưng tại sao hôm qua anh lại không nói nhỉ?… Tính nết anh lạ thật đấy.
Cái giọng thô bạo ấy ở một người đàn bà khiến Shimamura không ưng chút nào. Cả trong hoàn cảnh, cả trong những việc anh làm đều không có điều gì biện bạch được cho giọng điệu ấy của cô. Đó là một nét trong bản chất sâu sắc của cô mà cô để lộ ra chăng? Tuy nhiên, anh cũng phải công nhận rằng câu hỏi lặp lại của cô đã động chạm tới một điểm nhạy cảm trong ánh sáng này, hình ảnh Komako trong gương, màu đỏ của má cô trên nền tuyết trắng rõ ràng đã làm anh nghĩ tới hình ảnh người đàn bà trẻ trên tàu, hình phản chiếu của nàng trong tấm kính cửa sổ toa tàu.
Tại sao anh lại không nói gì về chuyện ấy nhỉ?
Trong lúc đó họ vẫn bước tiếp.
– Có một người ốm ở nhà em cũng không sao, vì không ai vào phòng em bao giờ, – vừa nói, Komako vừa đi vào lối qua một bờ tường thấp.
Ở bên phải là một khu vườn nhỏ phủ tuyết, bên trái là một dãy cây hồng ven bức tường ngăn. Đằng trước nhà có lẽ là một vườn cảnh và trong cái ao sen nhỏ trên bờ xếp những mảnh băng đã bị đập vỡ có những con cá to màu đỏ tung tăng bơi lội. Ngôi nhà trông cũng cũ kĩ và nứt nẻ, như cái thân rỗng của một cây dâu già. Tuyết đọng từng mảng trên mái nhà bị gồ lên bởi những thanh xà cong queo khiến phần mái che như được trang trí.
Chỗ lối vào bằng đất nên lạnh cóng. Shimamura được dẫn tới chân một cái thang trước khi mắt anh quen với bóng tối đột ngột. Một cái thang thật, đưa lên một căn phòng áp mái thực sự.
– Đây là phòng nuôi tằm, – Komako giải thích. – Anh có ngạc nhiên không?
– Lên cái thang này, em say rượu luôn mà chưa ngã gãy cổ lần nào là may lắm đấy!
– Em bị ngã rồi. Nhưng nói chung, hôm nào uống rượu quá nhiều, em chui vào kotatsu dưới nhà và ngủ luôn ở đó.
Vừa nói cô vừa luồn tay vào kotatsu của cô xem đủ ấm không, rồi cô lập tức xuống dưới kiếm lửa. Shimamura tò mò, quan sát căn phòng, anh thấy chỉ có một cửa sổ nhỏ ở hướng nam, nhưng giấy bịt ở cửa sổ khá mới, nên nắng vẫn lọt vào phòng được. Các mặt vách đều được dán rất khéo khiến căn phòng giống như một chiếc hòm cũ bằng giấy. Phía trên đầu là mái, không có trần và mái nhà dốc tuột xuống ngang cửa sổ gây một cảm giác buồn bã cô đơn. Bất giác Shimamura tự hỏi không biết bên kia lớp vách của căn phòng bé xíu, chót vót giữa không trung này là cái gì và anh cảm thấy khó chịu như thể anh đang ở trên một cái ban công kín mít lơ lửng giữa trời. Sàn gỗ và các vách ngăn tuy cũ kĩ nhưng cực kỳ sạch sẽ.
Và bỗng anh buồn cười khi nghĩ rằng ánh sáng xuyên thấu vào cơ thể sống động của Komako trong căn phòng nuôi tằm này cũng như nó xuyên thấu vào thân những con tằm trong và mờ.
Tấm phủ lò sưởi kotatsu cũng được làm bằng loại vải bông kẻ sọc dùng để may những chiếc “quần miền núi”. Cái tủ nhiều ngăn khá đẹp, đóng bằng gỗ quý, có vân và nhẵn bóng, anh nghĩ có lẽ đó là một thứ đồ kỉ niệm những năm cô ở Tokyo. Ngược lại, chiếc bàn trang điểm tầm thường lại tương phản hẳn, rất quê kệch, trong khi cái hộp đựng đồ khâu vá của cô lại màu đỏ lộng lẫy, toát lên vẻ sâu thẳm và ấm áp đầy quyến rũ của những đồ sơn mài cao cấp. Trên vách, có một cái giá gồm nhiều ngăn nhỏ chồng lên nhau ở tấm rèm mỏng bằng vải len nhẹ, chắc cô dùng để đựng sách.
Chiếc kimono cô mặc tối qua treo trên vách, hai tà áo mở ra để lộ lớp lụa đỏ tươi của áo trong.
Komako nhanh nhẹn trèo lên thang, đem theo một xẻng than nóng.
– Than này lấy ở phòng người ốm đây, – cô nói. – Nhưng anh yên tâm: người ta bảo lửa diệt hết các loại vi trùng.
Cô cúi xuống cời than hồng, cô cúi thấp đến nỗi mái tóc vừa được cô chải lại cẩn thận gần như quét vào lò sưởi kotatsu. “Đó là con bà dạy nhạc, anh ta bị lao ruột, – cô giải thích, – anh ta về nhà chỉ cốt để chết!”. Nhưng anh ta không sinh ra ở đây. Nói đúng hơn, đây là nhà của mẹ anh ta. Bà tiếp tục dạy múa ở vùng biển ngay cả khi bà đã thôi làm geisha. Nhưng khoảng năm bốn mươi tuổi, bà bị liệt và chính là để chừa bệnh mà bà trở về khu suối nước nóng. Con trai bà vốn say mê máy móc từ nhỏ, đã ở lại học việc tại nhà một người chữa đồng hồ. Về sau, anh ta lên tận
Tokyo để vừa làm vừa học buổi tối, nhưng do quá vất vả, nên sức khỏe anh ta suy sụp.
Anh ta mới tròn hai mươi lăm tuổi.
Những điều này Komako đã nói hết cho Shimamura không chút ngập ngừng. Nhưng tại sao cô lại không nói một lời về cô gái cùng đi với người ốm? Và tại sao cô không hề giải thích về sự có mặt của chính cô trong ngôi nhà này.
Dẫu sao, nghe cô nói, Shimamura vẫn cứ cảm thấy ngượng nghịu. Anh có cảm giác từ trên cái ban công chơi vơi của cô, cô nói vang ra khắp bốn phương.
Lúc đang bước ra cửa, anh thoáng thấy màu trắng mờ của một vật mà trước khi bước vào ban nãy anh không để ý, đó là cái hộp đựng đàn samisen có kích thước rất lạ. Nó rõ ràng là rộng hơn và dài hơn bình thường, anh khó tưởng tượng nổi Komako lại đem một thứ cồng kềnh thế này đến các buổi dạ hội. Vừa lúc, có ai đó đẩy cánh cửa sẫm màu dẫn vào phía trong.
– Komako, em bước qua hộp đàn được không?
Một giọng nói cất lên hỏi, đó là một giọng cảm động, có âm sắc trong và đẹp đến não lòng: giọng của Yoko, không thể nào quên đối với Shimamura kể từ khi anh nghe thấy nàng gọi ông trưởng ga, trong đêm tối ở nhà ga lúc tàu dừng lại khi vừa ra khỏi đường hầm.
– Được em cứ tự nhiên!
Nhẹ nhàng, Yoko bước qua hộp đàn và ra cửa ngoài, tay cầm một cái bô bằng thủy tinh. Nàng thoáng liếc xéo Shimamura rồi lập tức đi ngay với những bước chân êm nhẹ trên nến đất.