Sáng hôm sau, khi thức giấc, Shimamura thấy Komako chống khuỷu tay trên lò sưởi kotatsu đang vẽ linh tinh trên bìa một tờ tạp chí cũ.
– Em không thể về được, – cô bảo anh. – Em thức giấc khi cô hầu đem than hồng vào lò sưởi. Trời đã sáng rõ, ánh nắng đã rực rỡ ở cửa. Tối qua em uống hơi nhiều quá nên em ngủ say như chết.
– Mấy giờ rồi?
– Đã tám giờ.
– Tốt, chúng ta đi tắm đi, – Shimamura nói và nhảy khỏi giường.
– Em không đi đâu: ai đó có thể trông thấy em ở lối vào.
Thái độ của cô hết sức nhún nhường, cả giọng nói của cô cũng vậy.
Đi tắm về, Shimamura thấy cô đang chăm chú dọn dẹp trong phòng, một chiếc khăn buộc rất duyên dáng trên mái tóc. Cô tỉ mẩn lau bụi ở các chân bàn và gờ lò sưởi hibachi 9 rồi bằng bàn tay luôn khéo léo và nhẹ nhàng của mình, cô cời cho than cháy hồng lên.
Shimamura ngồi thoải mái, hai chân trong lò sưởi kotatsu và hút thuốc một cách uể oải. Khi tàn thuốc lá rơi xuống, Komako lấy một chiếc khăn tay gom hết lại và đem cho anh một cái gạt tàn.
Anh cười vang, tiếng cười vui vẻ buổi sớm mai. Komako cười theo.
– Nếu em có một người chồng, – anh bảo cô, – em sẽ luôn theo sau anh ta để mà chê trách.
– Ồ! Không! Nhưng anh ta rất có thể sẽ chế giễu em khi thấy em gấp gọn cả quần áo bẩn của em. Em không thể làm khác: bản tính em nó thế.
– Hình như ta có thể biết tất cả về một người đàn bà nếu nhìn vào ngăn tủ quần áo của người đó.
Họ ăn sáng khi ánh nắng tươi vui rọi vào căn phòng.
– Ngày hôm nay đẹp quá. – Cô thốt lên. – Lẽ ra em phải về nhà để đánh đàn samisen mới đúng: thời tiết thế này, tiếng đàn nghe hay tuyệt.
Cô ngước mắt nhìn bầu trời trong veo như pha lê. Xa xa, trên các ngọn núi, tuyết trông như một lớp kem mềm mại được bao phủ một làn khói nhẹ.
Shimamura, sau những điều anh đã được bà tẩm quất cho biết, liền yêu cầu cô chơi đàn luôn ở đây, trong căn phòng của anh.
Komako lập tức gọi điện về nhà bảo đem cho cô các bản nhạc, cây đàn và vài thứ quần áo để thay.
Vậy là ngôi nhà cũ trông thấy hôm qua có cả điện thoại, Shimamura lười nhác nghĩ. Và trong tâm tưởng, anh lại như thấy đôi mắt, cái nhìn của một cô gái khác: cô Yoko trẻ trung.
– Cô gái sẽ mang đến đây cho em những thứ em cần?
– Rất có thể.
– Còn con trai bà dạy nhạc, đó là chồng chưa cưới của em?
– Trời? Anh nghe nói bao giờ vậy?
– Hôm qua.
– Anh kỳ lạ thật… Biết từ hôm qua, mà sao anh không nói gì với em?
Hôm qua gần như cô cũng nói những lời ấy, nhưng hôm nay, giọng cô không còn khiêu khích nữa, ngược hẳn lại, giọng cô chuyển sang thoải mái, lại thêm một nụ cười rất tươi trên môi cô nữa.
– Nếu ít bận tâm về việc tôn trọng em, anh nói những chuyện đó sẽ dễ dàng hơn, – Shimamura nói.
– Còn em, em lại muốn biết tận cùng ý nghĩ của anh. À! Đó chính là lý do vì sao em không thích những người ở Tokyo.
– Em đừng đổi đề tài câu chuyện. Em chưa trả lời câu hỏi của anh.
– Em không định lảng tránh trả lời. Anh tin những điều người ta nói với anh?
– Ừ.
– Anh lại nói dối rồi. Anh không tin, có phải không?
– Nói đúng ra, anh không tin hoàn toàn. Tuy nhiên, câu chuyện khẳng định em đi làm geisha để có tiền trả chi phí chữa bệnh.
– Y hệt trong một cuối tiểu thuyết rẻ tiền. Nhưng không phải thế đâu. Chưa bao giờ em là vợ chưa cưới của anh ấy, mặc dù hình như mọi người muốn tin như vậy. Em làm geisha cũng không phải để giúp đỡ bất kỳ ai. Nhưng em chịu ơn mẹ anh ấy rất nhiều, nên đương nhiên em làm tất cả những gì em có thể làm.
– Em nói khó hiểu quá.
– Thôi được, để em kể đầu đuôi câu chuyện anh nghe. Không có gì khó hiểu cả. Đúng là có một dạo bà mẹ anh ấy cho rằng giá bọn em lấy nhau thì tốt. Nhưng đó chỉ là một ý nghĩ mà chưa bao giờ bà nói ra một lời nào. Em và anh ấy cũng đoán già đoán non về ý nghĩ ấy của bà và rốt cuộc toàn bộ câu chuyện dừng lại ở đó. Không có gì khác nữa. Đầu đuôi là thế.
– Tóm lại, đó là một tình bạn tuổi thơ.
– Đúng vậy. Thêm nữa, bọn em sống mỗi người một nơi. Tuy nhiên, anh ấy là người duy nhất tiễn em ra ga khi em lên Tokyo học nghề geisha. Em có ghi sự việc này ở trang đầu cuốn nhật ký đầu tiên của em.
– Nhưng nếu cuộc sống không tách hai người ra, anh tin chắc là hai người đã lấy nhau.
– Chưa chắc đâu anh ạ.
– Chắc quá đi chứ.
– Về phía anh ấy, anh chẳng phải lo. Anh ấy còn sống được mấy nữa đâu.
– Theo em, em không ngủ ở nhà có phải là một sai lầm không?
– Sai lầm chính là anh đã hỏi em câu ấy. Vả lại, một người sắp chết ngăn sao được em hành động như em thích?
Shimamura không biết trả lời thế nào. Nhưng tại sao Komako lại hoàn toàn không nói gì đến Yoko? Yoko mà anh đã trông thấy trên tàu luôn chăm sóc người ốm như mẹ chăm con; tình cảm của nàng ra sao nhỉ, nếu chính nàng là người đem tới cho Komako một chiếc kimono và cây đàn cùng các bản nhạc, trong khi Komako lại có những mối liên hệ nào đó với người đàn ông mà nàng đưa về đây.
Như đã nhiều lần, Shimamura lại bâng khuâng trong những ý nghĩ mơ hồ.
– Komako! Komako!
Trầm, sâu, nhưng lại trong trẻo, đó là giọng nói rất tuyệt của Yoko.
– Cám ơn em, rất cám ơn em! – Komako nói và ra ngay phòng ngoài. – Em đem các thứ này đến một mình thôi à? Chắc nặng lắm nhỉ.
Không chờ đợi, Yoko quay người đi ngay.