Khi Komako ôm đàn lên thử gẩy một hợp âm, sợi dây thanh bị đứt luôn. Chỉ cần nhìn cô thay dây và chỉnh âm, Shimamura đã thấy rõ cô sử dụng cây đàn rất thành thạo. Cô mở trên lò sưởi kotatsu một gói lớn bên trong có các bản nhạc: những tập bài hát in theo lối phổ thông, bên cạnh là khoảng hai mươi tập phương pháp cổ xưa của Kineya Yashichi và những bản đàn bè hiện đại để tự học, mà Shimamura tò mò cầm lên xem.
– Em học đàn theo những tài liệu này à?
– Biết làm cách nào khác được? Ở đây chẳng ai có thể dạy em chơi đàn samisen.
– Bà dạy nhạc chủ nhà em ở thì sao?
– Bà ấy bị liệt.
– Bà có thể hướng dẫn em bằng lời nói được chứ?
– Bà không nói được. Chỉ có bàn tay trái là bà ấy còn dùng được đôi chút để sửa cho các học sinh học múa. Bà rất khổ sở khi nghe người khác đánh đàn samisen sai mà không làm gì được.
– Đúng là em đành phải học đàn samisen theo những phương pháp viết ra đi này à?
– Em đọc nhạc giỏi lắm.
– Quả thật anh tin rằng người xuất bản những khúc nhạc này sẽ vô cùng sung sướng khi biết một geisha thực sự – chứ không phải một kẻ tài tử – lại học đàn theo sách của ông ta để hành nghề ở vùng núi này.
– Ở Tokyo lẽ ra em trở thành vũ nữ, cho nên em phải học múa rất nhiều: nào tập, nào nghe giảng, đủ thứ. Còn đàn samisen, em chỉ học một chút, thêm thắt thôi. Và nếu em có quên những kiến thức sơ đẳng đó, thì ở đây cũng không ai đủ năng lực dạy lại cho em. Bởi vậy em mới có những tài liệu này.
– Còn các bài hát?
– Em không thích hát chút nào. Tất nhiên em có học được vài làn điệu truyền thống khi em tập múa và em hát cũng tàm tạm, nhưng còn những bài hát mới, em phải theo những gì em nghe được áng chừng ở đài, cho nên chắc không đúng lắm. À, mà nếu anh nghe em hát, thể nào anh cũng chế giễu em. Thêm nữa, khi em hát cho người quen thân, bao giờ em hát cũng hỏng. Giọng em tốt hơn nhiều nếu em hát trước những người lạ: nó sẽ vững hơn và vang hơn.
Cô thoáng do dự, cụp mắt xuống hơi ngượng ngùng, rồi ngẩng lên, ánh mắt chờ đợi, như cô muốn nói với anh rằng cô đã sẵn sàng và anh chỉ còn một việc là hát bài gì anh muốn.
Shimamura vô cùng bối rối vì khốn thay, anh hoàn toàn không biết hát. Là người chuyên về sân khấu và nghệ thuật múa, anh rất sành về nhạc Naganta và thuộc lòng gần hết các vở kịch diễn ở Tokyo. Nhưng chưa bao giờ anh học hát và theo quan niệm của anh, lối hát ê a “các bài thơ dài” thuộc về sự ngân nga theo nhịp của sân khấu và phù hợp với diễn xuất của các diễn viên hơn là với nghệ thuật thân mật để giải trí của geisha.
– Ông khách của tôi khó tính lắm phải không? – Komako nửa đùa nửa thật, môi cô hơi bĩu ra trông thật dễ thương trong lúc cô ôm cây đàn vào lòng, rồi với cái nhìn nghiêm trang, trong phút chốc cô như biến thành người khác, mắt cô chỉ chăm chăm vào bản nhạc ở trước mặt.
– Đây là bài em tập từ mùa thu, – cô nói.
Rồi cô bắt đầu chơi, đó là tác phẩm của Kanjincho.
Lập tức Shimamura cảm thấy như bị nhiễm điện, anh rùng mình và nổi da gà lên đến tận má. Anh tưởng như những nốt nhạc đầu tiên đã khoét một cái hốc trong ruột gan anh, tạo ở đó một khoảng trống cho tiếng đàn tinh khiết và trong sáng âm vang. Đó là một cái gì cao hơn sự ngạc nhiên, đó là sự sững sờ như anh bị một cú đòn giáng trúng đầu. Bị cuốn theo một cảm giác gần như sùng kính, gần như bị ngập chìm trong biển cả những luyến tiếc, cảm động, hụt hẫng, không thể chống cự, anh chỉ còn một cách là để mặc cho sức mạnh cuốn đi, một cách vui sướng, theo ý Komako. Cô có thể muốn làm gì anh thì làm.
Thế là thế nào nhỉ? Và nói cho cùng, đây chỉ là một cô geisha miến núi, một phụ nữ còn chưa đầy hai mươi tuổi, lẽ nào cô lại có tài đến thế? Căn phòng này không lớn, nhưng phải chăng cô chơi đàn đầy kiêu hãnh như cô đang ở một sân khấu lớn? Vẫn còn chịu tác động mạnh của chất thơ quyến rũ của vùng núi, Shimamura thả hồn mơ mộng. Komako tiếp tục cho dây đàn ngân nga, đoạn thì khoan thai kĩ lưỡng, đoạn thì lướt nhanh dồn dập mà những chỗ khó chơi chỉ có vẻ tẻ nhạt lúc ban đầu. Nhưng dần dần, chính cô cũng chìm đắm trong mê say thần diệu. Tiếng hát bạo dạn của cô khiến Shimamura chóng mặt, anh cố cưỡng lại vì không biết tiếng nhạc sẽ kéo anh đến tận đâu, thành thử anh đành làm ra vẻ dửng dưng, uể oải, tựa đầu lên một bàn tay.