Xứ Tuyết

Phần 20
Trước
image
Chương 20
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
Tiếp

Shimamura tự hỏi không biết con côn trùng đã chết chưa. Anh lấy tay gạt gạt lên sợi của lưới muỗi nhưng nó không động đậy. Khi anh đập lên mắt lưới một cái, nó rơi xuống như một chiếc lá khô, chậm và nhẹ buông rơi, lúc lên lúc xuống, trước khi chạm đất.
Đối diện, trước những hàng cây bá hương thẳng tắp, vô số chuồn chuồn lượn bay trong gió, bị cuốn hút bởi vị hương quả bồ công anh. Và những dòng nước thác vọt tung tóe như tràn ra từ trên đầu những nhánh bá hương dài nhất.
Những thảm hoa thếp bạc mà mùa thu đã trải lên dốc núi, khiến anh ngắm hoài không chán mắt.
Từ nơi tắm về, trên lối ra vào, anh gặp một trong những phụ nữ Bạch Nga bán hàng rong. “Tận nơi đèo heo hút gió này mà vẫn gặp những người đàn bà này ư?” Anh ngạc nhiên và tiến đến gần. Một người đàn bà khoảng tứ tuần. Hẳn thế, gương mặt nhăn nheo và đầy bụi, nhưng làn da mịn, trắng ngần, đẹp, hiện ra ở ngực, ngấn cổ để hở, ở cánh tay và bàn tay.
Shimamura hỏi:
– Chị từ đâu tới?
– Từ đâu? Từ đâu tới ư? – Chị ta lặp lại một cách bối rối, chẳng biết trả lời ra làm sao. Chị lần mò trong các tay nải hàng: những mặt hàng Nhật Bản rẻ tiền, son phấn, lược và trâm cài đầu chẳng đáng giá là bao.
Chiếc áo dài của chị có vẻ như một chiếc khăn trải giường, chẳng sạch sẽ gì, quấn quanh thân, chẳng còn vẻ gì xống áo Tây phương nữa, trái lại, có chút nào đó giống vẻ Nhật Bản. Nhưng chị lại đi giầy ngoại. Vợ chủ quán đến gần chàng để xét nét người đàn bà Nga vừa đi ra, rồi bước cùng Shimamura vào văn phòng. Trước đám than sưởi hồng, một người đàn bà quay lưng lại, khi từ biệt để đi ra, lấy tay nâng vạt áo dài kimono lễ phục màu đen. Shimamura nhận ra đó là một geisha, anh nhớ là đã chụp ảnh cô cùng với Komako cho quảng cáo. Cả hai đều đi sky, vận quần áo thụng miền núi ra ngoài bộ kimono dạ hội. Cô không còn trẻ nữa, nhưng cái dáng đầm đậm khiến cô có vẻ dễ tính và dễ mến.
Chủ quán đang nướng những chiếc bánh ngọt đầy đặn hình thoi dài trên than hồng, quay về phía Shimamura:
– Ông dùng một chiếc. Đây là bánh cô geisha ăn mừng được mãn hạn giao kèo, mang đến đây.
– Cô ấy bỏ nghề ư?
– Vâng.
– Cô ấy có vẻ nền nã đấy nhỉ?
– Ai cũng mến cô ấy. Hôm nay cô ta đi chào từ biệt mọi người.
Thổi phù phù lên chiếc bánh nóng, Shimamura cắn sâu vào. Vỏ cứng bên ngoài chiếc bánh vỡ ra hơi chua, rồi để lại trong miệng chàng một mùi mốc.
Ngoài cửa sổ, những trái hồng chín cây, ánh lên trong nắng chiều – thứ màu đỏ rực rỡ như ánh lửa của đám cháy đang chiếu lên tận khúc tre treo chiếc móc sắt treo nồi ở phía trên lò than.
– Chà! Những bó gì dài thế kia?
Shimamura thốt lên. Anh trông thấy trên con đường nhỏ, dốc, những bà già đang đi xuống, mang trên lưng những bó dài lớn bằng hai thân người, bóng nó đè trùm nặng trĩu, tưởng mọp xuống đất.
– Cỏ lau xứ này đấy, – chủ quán nói, – cỏ kaya.
– Cỏ kaya thật à?
– Vâng! Để khai trương những trạm nước suối nóng, sở hỏa xa cho cất những quán hàng kiểu thôn dã mà nơi phòng trà thì lợp bằng cỏ kaya ở đất núi chúng tôi. Một người nào đó ở Tokyo đã mua lại trọn gói.
– Cỏ kaya thật sao? – Hơn một lần Shimamura ngạc nhiên, thầm thì. – Có phải chính loại cỏ đã thếp bạc lên núi non? Tôi cứ ngỡ là hoa!
Bởi, thứ đầu tiên đập vào mắt anh khi từ xe lửa bước xuống là tấm áo choàng trắng bằng bạc lộng lẫy, lóng lánh dưới mặt trời tít tự trên cao trong núi, sáng ánh, tưởng chừng đó chính là từng đợt sóng của ánh thu tuôn trào lên mặt đất. Niềm vui nhen lên từ cảnh sắc tuyệt vời, lại như có điều gì đó làm anh thấy ngây ngất, thứ tiếng tự chào mừng đón hỏi: “Chao ơi! Mình đã ở đây thật rồi!” Vậy mà những ống cỏ dài, khi nhìn thật gần, anh lại như thấy khác lạ. Làm sao tin được đó chính là loại cây kỳ diệu của tấm thảm thần kỳ đó. Chúng được xiết chặt thành bó lớn, một đầu trùm che hẳn nửa người những người vác nó, đầu kia trĩu dài trên đám sỏi đường, quệt vào cả những bông lau dài đanh rắn.
Chàng bước vào phòng thì trời tối xẩm. Cái vệt sáng mờ trong phòng khách đợi, giúp chàng nhìn thấy, trên nền sơn then của chiếc giá áo, con ngài bụng lặc lè đang đẻ những chùm trứng.
Chàng nghe thấy tiếng côn trùng xập xè ở chiếc đèn lồng, dưới mái hiên. Khúc nhạc đều đều của hàng ngàn con không dứt lúc mặt trời lặn.
Komako đến hơi chậm.
Cô dừng một lát trên ngưỡng cửa, đăm đắm nhìn Shimamura:
– Anh còn đến đây làm gì? Tại sao anh lại đến một nơi như thế này?
– Để gặp lại em!
– Anh đâu thật lòng như thế. Đám người Tokyo rất hay nói dối, vì thế em không sao chịu nổi họ.
Khi yên chỗ, giọng dịu lại, cô tiếp:
– Em sẽ chẳng tiễn ai ra ga nữa đâu! Em làm sao nói gì được khi thấy anh ra đi!
– Lần này, anh đi, sẽ không báo trước cho em đâu!
– Không phải thế. Em muốn nói là em chẳng muốn đi cùng anh ra ga.
– Còn anh ta, bây giờ ra sao?
– Dĩ nhiên, anh ta chết rồi!
– Đúng cái lúc em ở lại với anh ấy à?
– Chuyện đó chẳng đáng bận tâm. Em nào ngờ cuộc ra đi đã khiến em điên đảo đến thế.
Shimamura lặng lẽ gật đầu.
– Mười bốn tháng hai, anh ở đâu? Em chờ mong anh mãi. Nhưng phút này thì em biết phải tin lời hứa của anh ra sao rồi!
Mười bốn tháng hai là ngày “Săn chim”, một ngày hội của trẻ thơ để biểu đạt tâm hồn của xứ tuyết này. Tất cả bọn nhóc ở làng, mười ngày trước lễ hội, nhét tuyết đầy vào những chiếc dép rơm, nén cho đến khi chặt cứng, để xắt ra thành những tảng dài chừng vài gang tay, xây một lâu đài tuyết, cao tới mười bộ, mỗi cạnh dài mười tám bộ. Bà con ở thung lũng này ăn Tết Nguyên đán vào những ngày đầu tháng hai Dương lịch. Cửa ngoài của mỗi nhà, dịp ấy vẫn còn trang hoàng đám dây dợ tết bằng rơm, để đến ngày Mười bốn, đám trẻ thu lấy, chất lên đốt thành lửa ăn mừng trước Lâu Đài Tuyết. Đung đưa và hò la, nhảy vòng tròn trên mái, trước ánh lửa hồng, hát vang bài “Săn chim” rồi tiếp đó, chúng thắp nến chơi thâu đêm trong Lâu Đài. Chúng lại nhảy vòng tròn trên mái mà ca hát đến tận sáng mười lăm tháng hai Dương lịch mới kết thúc lễ hội “Săn chim”.
Bởi ngày hội rơi đúng vào lúc nhiều tuyết nhất, Shimamura đã hứa với Komako trở lại đúng dịp đó để dự hội.
– Em đã xin nghỉ phép ở nhà em vào tháng hai. Em đã hăng hái trở lại đây, tin chắc rằng anh sẽ trở lại vào ngày Mười bốn. Biết thế, em ở lại chăm sóc cho bà!
– Ai ốm thế?
– Bà giáo dạy nhạc, ở vùng biển, bà bị viêm phổi. Bức điện đến khi em đang ở nhà và em đã đến săn sóc bà ấy!
– Bà ấy đã bình phục chưa?
– Chưa!
– Anh thật có lỗi! Shimamura buột miệng, không rõ là lời an ủi hay ăn năn về việc thất hứa?
Komako khẽ nghiêng đầu nghe chàng. Cô dùng chiếc khăn tay phủi bụi trên bàn. “Ở đây côn trùng lắm quá!”, cô nói. Cái phủi của cô làm rơi cả đám côn trùng nhỏ có cánh xuống sàn nhà. Quanh đèn, vô số bướm đêm còn đang bay loạn xạ. Trên tấm lưới kim loại ở cửa sổ, đầy chặt những con bướm các loại như đang bơi trong ánh trăng mờ mờ.
– Trời, cái dạ dày của em. – Cô gái rên rẩm xoa tay lên bụng và ngả đầu vào gối Shimamura. – Dạ dày em đau quá!
Những đám côn trùng mảnh mai, nhỏ xíu như đám muỗi bám lên làn da cổ ngấn phấn của cô. Shimamura tận mắt thấy nhiều con lăn ra chết.
Anh thấy bờ vai nàng tròn hơn, gáy nàng dầy lên hơn năm trước. Chàng nghĩ rằng nàng đang bước vào tuổi hăm mốt. Một hơi nóng từ nàng hình như truyền vào gối anh.
– Komako, em hãy liếc sang phòng Trà Hoa xem. Cái đám người trong văn phòng quán trọ xem ra có vẻ thỏa mãn lắm!
– Kiểu cách ấy, em chẳng thèm để mắt. Em vừa nghỉ ngơi xong ở chỗ Kikyuu, đang định làm một giấc nghỉ trưa thì có người đến nói rằng, quán trọ gọi điện thoại bảo em về. Em chẳng muốn đi chút nào. Chiều hôm trước, ở chỗ Kikyuu đã có một bữa tiệc tiễn đưa và em đã uống quá nhiều rượu. Ở văn phòng, họ chỉ cười, không cho biết ai đang ở đó. Em lên phòng và gặp anh! Một năm trôi qua rồi đấy. Phải chăng anh là loại người cả năm mới được gặp một lần?
– Người ta vừa cho anh một trong những chiếc bánh mà cô ta đã mang tới!
– Cho anh?
Komako đứng vụt dậy lộ ra gò má đỏ ửng nơi cô áp vào gối anh.
Nàng có dáng trẻ thơ.
Cô gái geisha cũ Kikyuu này, chính Komako đã vừa tiễn cô trên xe lửa cho đến tận ga thứ hai. Nàng thuật lại:
– “Buồn quá”. Ngày trước, bọn em chơi với nhau thân thiết lắm. Giờ đây, mọi thứ đều đổi khác. Mỗi người trở nên ích kỉ hơn. Vừa có nhiều geisha mới, mà chẳng cô nào ăn ý với cô nào cả. Kikyuu sẽ làm em nhớ nhiều. Không có cô ta, ở đây, làm việc gì cho nên hồn. Cô cũng kiếm được nhiều tiền nhất trong bọn em. Chủ cô cũng rất mến cô. Nhưng giao kèo đã hết, thế là Kikyuu trở về quê quán.
– Cô về lấy chồng hay mở một quán trọ, một tiệm ăn riêng? – Shimamura hỏi.
– Chuyện riêng của cô buồn lắm! – Cô ta lấy phải anh chồng không ra gì, vì thế mới đến đây, – Komako bắt đầu kể rồi lại ngừng, ý chừng định xem nên kể đến đâu để khỏi mang tiếng là quá tọc mạch. Trong thoáng chốc, cô đưa mắt nhìn xuống những thửa ruộng bậc thang ở sườn núi, dưới ánh trăng. Cô hỏi: – Ngôi nhà mới ở ngay lưng chừng dốc, anh có biết không?
– Có phải là một tiệm ăn không? Nếu anh không lầm thì tiệm mang tên là Kikumura.
– Vâng, đúng thế. Đáng lý tiệm về tay Kikyuu, đến phút chót cô ta lại đổi ý. Chuyện đó rùm beng lên ở đây một dạo. Cô ấy được một Mạnh Thường Quân xây cho ngôi nhà; nhưng khi mọi việc đâu vào đấy cô ta vứt bỏ hết. Cô ta yêu một người và muốn cưới. Nhưng người ấy đã ra đi và bỏ rơi cô. Làm sao cứ hay sinh chuyện khi mà ta say mê ai đó! Rõ ràng là cô không thể quay lại với vị Mạnh Thường Quân cũ, để giành cái tiệm ăn mà cô vừa từ chối. Những chuyện vừa xảy ra, nếu cô ở lại thì cũng ngượng. Cách duy nhất là ra đi, để bắt đầu lại từ con số không. Kikyuu tội nghiệp! Mỗi lần nghĩ đến, nẫu cả ruột. Rồi cũng có nhiều người khác xen vào cuộc đời của cô ta, nhưng làm sao mình biết cho hết được.
– Những thằng đàn ông ư? Độ bao nhiêu thằng? Năm hay nhiều hơn thế?
Komako thú nhận, gượng cười, mặt ngoảnh đi chỗ khác:
– Đó chính là điều em cũng tự hỏi. Kikyuu nào có mạnh mẽ gì cho cam. Cô cũng yếu đuối lắm.
– Với một thể tạng như thế, nào ai biết được cô ấy liệu làm được điều gì hơn.
– Em đâu nói thế, nhưng sao nhỉ! Thật là rồ dại khi cứ đi yêu ai đó mà họ tỏ ra chẳng thích mình.
Komako trả lời vội vã, mắt nhìn xuống sàn, lơ đãng chải một lọn tóc của mái đầu trước khi cài lại chiếc lược trang sức trên búi tóc cao.
– Cô ấy ra đi, dù sao với em, cũng chẳng dễ dàng gì.
– Nhưng cái tiệm ăn thì đến đâu rồi?
– Vợ người xây cất nó đến sử dụng chứ ai!
– Hay, hay tuyệt! Người vợ chính thức đứng ra điều hành tiệm ăn của người tình chồng mình.
– Còn cách nào khác được! Tất cả đều sẵn sàng khai trương. Thế là bà vợ phải đem con đến ở.
– Thế còn ngôi nhà của bà ấy thì sao?
– Bà mẹ bà ấy trông nom, hình như thế. Ông khách làng chơi vốn là một người làm ruộng, nhưng lại thích ăn chơi. Lão ta là một dạng người hấp dẫn đấy!
– Anh cũng mường tượng thế! Nhiều tuổi không?
– Trái lại, còn trẻ! Khoảng chừng ba mươi hoặc băm hai tuổi.
– Vậy thì người tình lại già hơn vợ ông ta ư?
– Không, họ bằng tuổi nhau, chừng hăm sáu!
– Và bà vợ không muốn thay tên tiệm ăn. Anh cho rằng chữ Kiku trong cái tên Kikumura chắc là thấy tên cô ấy, Kikyuu…
– Vâng, quảng cáo rồi. Muộn rồi!
Thấy Shimamura nâng cổ áo kimono lên, Komako ra đóng cửa sổ.
– Kikyuu, anh biết rồi đấy. Chính cô ấy báo cho em biết hôm nay anh đang có mặt ở đây. Em gặp cô ấy ở văn phòng, khi cô ấy đến để từ biệt.
– Cô ấy có nói gì với em không?
– Chẳng nói gì cả!- Anh thử nghĩ xem, em đang cảm nhận gì ở đây nào? – Komako vừa nói vừa đến mở ô cửa sổ mà cô vừa đóng lại và ngồi phắt lên thành cửa như muốn lao vào khoảng không.
Shimamura, sau một phút yên lặng, nhận ra những ngôi sao nơi này không giống sao trời Tokyo:
– Hình như sao đang bơi ngang bầu trời.
– Đêm nay thì không. Trăng sáng quá, – Komako quả quyết, một lát sau, cô lại thêm, – mùa đông này nhiều tuyết quá, thật dễ sợ.
– Phải, anh cũng nghĩ thế, có lúc xe lửa không vận hành được.
Komako tiếp:
– Rút cục, em khiếp hãi. Đường xá không lưu thông nổi cho đến tháng năm, lâu hơn mọi năm một tháng. Và cái nhà sàn xứ tuyết gần chỗ trượt tuyết, anh biết không? Tuyết lở đã lăn cả vào Lầu Một. Ở tầng trệt, những người đang ở đó, cứ tưởng là lũ chuột đói tràn vào bếp vì nghe thấy những tiếng động lạ. Nhưng chuột bọ quái gì đâu, khi họ lên lầu thì lầu đầy ắp tuyết, cửa ra vào, cửa sổ văng đi đâu mất. May đó mới là một cơn tuyết lăn, chứ chưa phải là trận sụt tuyết. Nhưng đài phát thanh đã rùm beng lên làm cho dân trượt tuyết khiếp hãi, do đó khách khứa năm nay thưa thớt. Em đã quyết không đi trượt tuyết nữa. Đôi sky của em, em đã biếu người ta hồi cuối năm. Mà em mới dùng nó ít bận, độ vài ba lần chi đó. Em có thay đổi nhiều không anh?
– Sau cái: chết của bà giáo dạy nhạc, em đã làm gì?
– Anh lại muốn biết những chuyện dính dáng đến người khác ư? Em trở lại đây và em chờ anh suốt tháng hai.
– Khi em về miền biển, sao chẳng viết cho anh một lá thư nào?
– Ồ, em không thể, em làm sao viết được loại thư mà vợ anh có thể đọc được. Em không táo gan đến như thế, cũng như là em không thể mượn cớ người ta nghe mình mà nói dối được.
Nghe những lời bộc bạch của cô, Shimamura chỉ còn nước cúi đầu xuống. Ngôn từ buột khỏi miệng Komako như thác nước.
– Tắt đèn đi có hơn không, anh? Dễ thường anh lại định để cái đám côn trùng vây đến!
Phía sau nàng, trăng sáng rực rỡ, rõ đến cả vành tai của nàng.
Trăng tuôn ánh sáng vào phòng khiến những chiếc chiếu cũng loáng lên thứ màu hồ thủy lạnh.
– Không! Để em về nhà em, anh ơi.
– Em vẫn như xưa, chẳng thay đổi gì!
Shimamura ngẩng lên. Anh nhận ra vẻ xa lạ nào đó rồi dò xét kỹ gương mặt cau có ấy.
– Từ lúc em mới đến, ai cũng luôn bảo rằng em chẳng thay đổi gì, lúc đó, em mới mười sáu tuổi. Và dù, cuộc đời chẳng có gì thay đổi, thì ít ra, năm tháng cũng từng trôi đi chứ.
Sắc diện hồng hào của cô dễ khiến nhận ra cô có thời thơ ấu ở miền núi, nhưng trên làn phấn mịn màng của cô geisha, ánh trăng ngời chiếu lên như thể vân trai:
– Anh đã biết em dọn nhà đi nơi khác chưa?
– Chưa. Vậy ra em vẫn ở trong buồng nằm ư?
– Từ lúc bà giáo dạy nhạc mất hả? Và bây giờ em mới thật sự ở trong ca quán của geisha.
– Một ca quán của geisha?
– Nói thế cũng được. Cửa tiệm có bán thuốc lá và kẹo bánh, em là cô geisha duy nhất ở đó. Nhưng em vẫn đang vướng trong giao kèo, lần này thì chắc là khá hơn: nếu em đọc sách muộn về đêm, em phải thắp đèn sáp để cho chủ đừng nghĩ rằng em xài phí điện 11.
Shimamura bật cười, đặt tay lên vai Komako.
– Chắc là anh biết…Nhà có công tơ điện, em đâu dám thắp tốn nhiều.
– Anh biết. Anh biết mà!
– Nhưng họ đối với em cũng khá lịch sự. Họ luôn tỏ ra tử tế, đến nỗi em không tin nổi là họ đã mướn mình làm geisha. Khi con khóc, bà mẹ đặt luôn ra ngoài để nó khỏi gây phiền cho em. Trừ chỗ ngủ cũng cần tươm tất hơn chút nữa. Các thứ khác thì chẳng chê trách được điều gì. Mọi thứ đều sắp sẵn cho em, khi em về muộn, nhưng nệm thì nào có được ngay ngắn, cứ xô lệch. Khăn trải giường thì chẳng phẳng phiu gì khiến em bực mình. Nhưng, họ vẫn luôn tỏ ra lịch sự với mình, chẳng lẽ mình lại tự tay đi làm giương cho mình ư!
– Vậy là nếu em có một căn nhà riêng, em cứ vùi đầu vào các việc nội trợ sao?
– Ai cũng bảo thế. Có bốn đứa trẻ lau nhau, mọi thứ trong nhà lộn tùng phèo hết. Em cứ sắp xếp hết thứ này đến thứ khác suốt ngày, rồi đâu lại hoàn đây ngay lập tức. Nhưng biết làm sao. Em làm sao mà đổi tính đổi nết được. Với em, mọi thứ càng sạch, càng ngăn nắp thì càng hay. Đó cũng là một nhu cầu, anh biết đấy.
– Anh hiểu!
– Anh hiểu cái gì, nói em nghe nào. – Giọng cô gấp gáp, căng thẳng. – Nếu anh hiểu em thì quả là dễ cho em. Nhưng anh thấy đấy, anh không thể hiểu được em đâu. Anh lại dối em rồi! Quả là giàu của mà chẳng giàu lòng. Anh chẳng biết tí gì cả, chẳng hiểu quái gì cả! Giọng cô trầm xuống và tiếp:
– Sao có lúc em cảm thấy cô đơn đến thế? Nhưng em là đứa ngu đần. Thôi, anh trở về Tokyo ngay ngày mai đi.
Shimamura vặn lại:
– Em châm chọc anh dễ thôi! Nhưng làm sao anh cắt nghĩa nổi cho em tình cảm của anh như thế nào?
– Khó ở chỗ nào nhỉ! – Giọng nàng buồn bã. – Chỉ tiếc rằng anh chẳng thể làm được thôi.
Mắt nhắm nghiền, Komako dường như quẩn quanh với câu hỏi. Anh ấy có hiểu mình không nhỉ? Liệu anh có hiểu đúng mình không, có cư xử đúng với thân phận mình hiện nay không? Và có lẽ cô đã cho rằng cô nên nói tiếp:
– Anh cứ trở lại, dù một năm một lần cũng được. Hứa với em rằng chừng nào em còn ở đây, mỗi năm anh sẽ trở về…Cô nói thêm rằng, cô đã ký giao kèo đúng bốn năm.
– Khi em ở nhà, chẳng bao giờ em nghĩ em đã trở thành geisha, – nàng thú nhận, – ngay cả đôi giầy trượt tuyết, em cũng cho trước khi đi. Rút cục, thuốc lá, em cũng không hút nữa.
– Em nhắc đến làm anh nhớ ra là em từng nghiện thuốc ghê lắm!
– Thuốc họ mời em ấy mà, em đều bỏ vào tay áo kimono, tối về nhà em, em có đủ loại thuốc.
Shimamura nói tiếp:
– Bốn năm, đằng đẵng ra đấy chứ nhỉ? Cũng trôi nhanh thôi mà.
Khi cô lại gần, Shimamura ôm cô vào lòng và kinh ngạc:
– Người em nóng quá!
– Em vẫn thường thế đây mà!
– Về đêm, anh nghĩ là trời bắt đầu trở lạnh.
– Thấm thoắt đã năm năm, từ khi em đặt chân tới đây, em tự hỏi làm sao mình có thể sống ru rú ở xó rừng này, nhất là trước khi có đường xe lửa. Tính ra từ lần đầu tiên anh tới đây, cũng được hai năm rồi!
Khoảng hai năm ấy, Shimamura đã đến với cô ba lần, lần nào chàng cũng thấy có sự đổi mới trong đời Komako.
Bên ngoài, những con sệt sành đã bắt đầu cọ cánh inh ỏi.
– Ớớc gì cái lũ sệt sành kêu nhỏ đi một chút!- Komako nói và ngoảnh mặt đi.
Những con bướm trên lưới cửa sổ đã bay đi ngay từ khi ngọn gió bấc đầu tiên thổi tới.
Shimamura biết rõ rằng cô đã nhắm mắt, dù hàng mi dầy của cô làm cho anh tưởng mắt cô vẫn còn mở hé. Để thật yên tâm, anh vẫn cúi tận nơi để nhìn cho rõ.
Giọng Komako cất lên!
– Em mập ra từ khi em bỏ hút thuốc!
Anh cũng đã thấy eo của cô to ra. Mỗi lúc gần nhau, Shimamura đã tìm thấy ngay cái thế giới thân mật và gần gũi, mặc dù đã xa nhau lâu ngày, mà khi xa cô anh lại thấy nó biến mất tăm rất huyền bí, không thể nào gợi ra nổi.
Hai tay ôm lấy vú, Komako nói:
– Một bên to, một bên nhỏ, anh này!
Shimamura đùa cợt:
– Có lẽ cũng do cái tật quen của “hắn”: lúc nào cũng ấp một bên.
– Anh nói làm gì những điều gớm ghiếc thế. – Komako nói gấp.
Shimamura tự nhủ, anh đã gặp lại nàng vẫn đúng như con người nàng như thuở xưa. Anh tiếp:
– Lần sau em chỉ cần bảo hắn, không được một bên trọng, một bên khinh như thế!
– Không được thiên vị? Có thật là em phải bảo hắn không được thiên vị? – Komako dịu dàng nghiêng xuống tìm mặt chàng.
Dù rằng phòng ở Lầu Một, nhưng tưởng chừng như chỗ nào cũng có cóc làm tổ. Anh trông thấy mấy con nhảy ra, kêu lên, tiếng khá to và kéo dài, và các con khác thay phiên nhau mà kêu không dứt.
Lúc đi tắm về, cô trao đổi những điều sâu kín với anh, giọng nói êm đềm, dáng thoải mái. Cô kể cả những chuyện lần đầu tiên đi khám sức khỏe, lần ấy – tưởng như mọi sự cũng như lúc tập nghề geisha – cô đã để ngực trần vào khám. Người thầy thuốc đã phá lên cười nhạo và cô đã khóc òa lên. Những chuyện đại loại như thế, Shimamura cứ nêu câu hỏi để gợi chuyện.
– Em thường là cũng đúng ngày nhé: mỗi lần đều khớp y là một tháng thiếu hai ngày.
– Vậy thì, anh nghĩ, em không hề vắng mặt trong bất cứ buổi dạ hội nào?
Cô tắm thường xuyên ở suối, ham chuộng những hiệu quả thâm nhập bền bỉ của nước nóng; mỗi ngày cô đi bộ khoảng bốn cây số để dự những cuộc gặp mặt ở những suối cũ hay suối mới, vả lại, hiếm có những dạ hội ở miền núi kéo dài cho đến khuya. Những thứ ấy tạo cho cô một cơ thể lành mạnh, đầy sức lực, dù cho thân hình phải đóng khung trong bộ áo cổ truyền thường thấy ở các geisha: háng thì hẹp nhưng bụng thì lại cồn lên. Có chút gì đó nao lòng khi Shimamura cảm động nghĩ rằng vì người đàn bà này mà anh phải lặn lội từ xa đến đây.
– Em tự hỏi liệu em có con được không nhỉ? – Cô tâm sự với anh, như thể ngỏ ý muốn hỏi anh rằng, chung thủy với một người đàn ông thôi, liệu có giống như lấy chồng không?
Và shimamura lần đầu tiên nghe cô nói về “người đàn ông duy nhất” trong đời mình. Cô quen hắn ta từ khi mười sáu tuổi, cô bộc bạch, điều đó khiến Shimamura hiểu rằng giờ đây cô ít cưỡng lại anh, sự buông thả khiến anh hơi ngỡ ngàng từ đó.
Cô giải thích, cô chẳng hề cảm thấy quyến luyến “người ấy” cả xác thịt lẫn tình cảm, và có lẽ mọi chuyện xảy ra đều gốc gác từ việc cô gầy mòn đi ở miền biển, ngay sau cái chết của người đã hoàn lương cho cô.
Shimamura nhận xét:
– Ở với nhau được năm năm, hẳn không thể là mối liên hệ giản đơn. Đó là một khế ước.
– Đã hai lần, em có thể dứt bỏ được “người ấy”. Đó là khi em đến đây làm geisha và em chuyển nhà sau cái chết của bà giáo dạy nhạc. Nhưng em không có gan làm chuyện đó, em không quyết đoán được.
“Người ấy” ở miền biển, cô nói, nên giữ cô ở lại đó cũng hơi khó. Do đó, hắn ta đã gửi Komako cho bà giáo dạy nhạc, khi bà ta quyết định trở về đất núi này. – Hắn ta cũng hào hiệp, – Komako nói tiếp. Hắn lúc nào cũng tỏ ra tử tế và cảm mến em và em cũng ân hận rằng mình không thể yêu hắn được, không thể để hồn và xác thuộc về hắn.
Cô cho biết hắn hơn cô rất nhiều tuổi và họa hoằn mới đến thăm cô.
– Nếu như cuộc đời em hẩm hiu thì em dễ dứt bỏ hắn. Thật lòng, em đã thường tự nhủ thế.
– Chuyện đó chẳng bao giờ có!
– Chung quy là em không dám. Tính nết em nào có như người ta, em lại quá yêu thân xác mình. Nếu em muốn, em cũng có thể rút bớt một nửa giao kèo bốn năm, nhưng thôi đành thế, em chẳng muốn vậy. Anh nghĩ mà xem, nếu muốn kiếm tiền, bao nhiêu mà em chẳng kiếm được. Nhưng em chỉ cần cho người chủ em ký giao kèo khỏi hụt vốn khi hạn bốn năm vừa mãn. Hoàn trả cả vốn lẫn lãi, thuế má, tiền phí tổn, em tính vừa khớp cho em mỗi tháng và em chẳng tội gì mà kiếm thêm. Buổi dạ hội nào trốn được, em lỉnh về nhà. Dĩ nhiên quán trọ có thể cho gọi em, nhưng họ chỉ phiền đến em khi có một khách quen, đặc biệt đòi đến riêng em thôi. Nếu em có những sở thích ngông cuồng, thì kiếm chác thêm với em cũng dễ thôi, nhưng em chỉ làm việc như em đã nói. Thế là quá đủ, vì em đã hoàn lại một nửa số tiền trong vòng có một năm. Em lại còn có những khoản tiêu riêng ước chừng ba mươi yên mỗi tháng. Một tháng với một trăm yên, em có đủ mọi thứ. – Nàng nói tiếp cho rõ hơn là ngay tháng trước, tháng thu nhập kém nhất trong năm, cô geisha kém nhất so với đồng nghiệp, cũng thu được sáu mươi yên, trong khi cô, với chín mươi buổi tiếp khách, đã kiếm được nhiều hơn tất cả các cô geisha khác. Mỗi lần tiếp khách cô đều được một món cố định nên bổng lộc của cô tăng theo tỉ lệ những ngày hội mà cô tham gia. Cô có thể dự hết buổi tiệc này sang buổi tiệc khác, nếu cô thích. Các cô geisha ở trạm nước nóng, chưa một cô nào phải gia hạn giao kèo vì nợ tiền chủ cả.

Trước
image
Chương 20
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!