Shimamura ở lại, lạnh run. Anh đứng dậy, mở cửa sổ, vứt con bướm chết ra ngoài. Anh chợt nhìn thấy Komako say mèm, chơi trò ăn thua gì đó với một khách làng chơi. Cúi xuống hầu như mất thăng bằng, cô muốn đặt hết món tiền cược. Bên ngoài, trời đầy mây. Shimamura bước xuống, đi tắm.
Với một giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng, giọng nói của tình mẹ con, nàng nói với bé gái để cởi áo và tắm cho nó. Giọng nói của người mẹ trẻ, hiền dịu và âu yếm, lại càng hiền hậu hơn, khi nàng cất tiếng hát:
Bé ơi, kia kìa
Ba gốc cây lê
Ba cây gỗ bách
Là sáu phải không?
Dưới có tổ quạ,
Trên là tổ chim
Một trăm thước nhé
Là về nghĩa trang…
Hakamiri,
Itchô, Itchô, ya.
Đó chỉ là một bài đồng dao, bọn bé gái thường hát khi chơi banh, nhưng Yoko đã hát cái điệu hát để chơi hết sức sống động khiến Shimamura tự hỏi phải chăng nàng Yoko này anh gặp trong mơ, chẳng hề là nàng Yoko anh gặp trong phòng.
Nàng vẫn tiếp tục nói nựng với đứa bé, mặc quần vào cho nó, rồi cô cháu dắt nhau rời khỏi phòng tắm, khiến Shimamura vẫn còn như thấy vang ngân một lúc sau đó cái giọng nói như những tiếng sáo du dương đưa lại.
Trên sàn nhà bóng nhẵn của hành lang cũ kĩ có hộp đàn samisen của một geisha nào bỏ lại: Shimamura thoáng tưởng đó là chiếc quan tài nhỏ của thu tứ muộn màng chìm trong sự yên lặng của đêm khuya. Shimamura cúi xuống để đọc tên người chủ cây đàn, chợt Komako bước vào từ nơi có tiếng va chạm của cốc chén.
– Anh làm gì thế?
– Ban đêm, cô ấy có ở lại không? – Shimamura hỏi.
– Ai? Cô ấy ư? Sao anh đần thế? Có phải đi đến đâu là chúng em cứ phải kéo theo đủ mọi thứ! Những thứ ấy phải để lại quán trọ ngày này sang ngày khác.
Cô cười trả lời, nhưng ngay tức khắc cô đã nhắm nghiền mắt và gương mặt lộ đầy vẻ đau đớn.
– Anh đưa em về nhà nhé, được không anh?
– Em đâu có cần về, phải không?
– Cần đấy, em phải về! Các cô kia đã đi cho các buổi khác. Họ đã đi trước cả rồi. Họ cũng chẳng nói gì được em, vì em ở đây lâu, vì em có việc. Nhưng thể nào cũng có lời ra tiếng vào, nếu như họ đi tắm qua, ghé nhà rủ em đi mà chẳng thấy ma nào cả.
Mặc dù đang say rượu, cô vẫn lẹ bước trên đường làng.
– Con bé Yoko, thế mà anh làm cho nó khóc được à?- Cô trách.
– Cô ta có vẻ hơi trái tính.
– Nhận xét người ta như thế, anh thích lắm sao?
– Nhưng chính là em đã bảo cô ấy thế đây chứ? Và nhớ đến lời em đã bảo, cô ấy mới khóc, thật tình, anh cho là cô ấy cảm kích hơn là đau khổ.
– Thế ư? Như thế còn hơn.
– Hơn nữa chỉ chưa đầy mười phút, cô đi tắm, lại còn hát rất hay.
– Bao giờ cô ấy cũng thích hát khi tắm.
– Cô ấy dặn đi dặn lại anh phải săn sóc em cho chu đáo.
– Con bé thật dở hơi. Nhưng việc gì anh phải kể cho em nhỉ?
– Sao lại không? Động nói chuyện đến cô ấy y như là em giãy lên như đỉa phải vôi.
– Anh có thích chiếm lấy cô ấy không?
– Đấy, rõ ràng nhé! Anh chẳng nói gì mà em cứ gây gổ mãi.
– Em nói nghiêm chỉnh đấy, – Komako tha thiết, – mỗi lần gặp cô ấy em cảm thấy như có gánh nặng oằn lên vai, mà em không hất ra được, chẳng hiểu như vậy có đúng không. Nếu quả anh đã vấn vương với cô, thì đây là dịp anh hiểu rõ thêm là em định nói gì?
Nói đoạn, Komako đặt tay lên vai anh, ngả người ra và vội vã nói:
– Không, không? Không phải thế…Nếu cô ấy rơi vào tay một người như anh, có lẽ cô ấy chẳng khùng điên đâu. Gánh nặng, liệu anh có trút bỏ hộ em được không?
– Chẳng lẽ em cứ thích châm chọc mãi?
– Anh tưởng là em say, ăn nói lung tung đấy à? Đâu phải thế? Nếu em biết cô ấy có người để nhờ cậy được, thì em cứ phó mặc sống cho qua ngày ở xó rừng này, thế cũng nhàn xác lắm rồi.
– Thôi đủ rồi đây!
– Mặc xác em! Cô bỏ đi như chạy và đâm sầm vào cánh cửa nhà mình đang đóng chặt.
– Chắc là người ta tưởng em không về nữa.
– Chẳng hề chi. Em mở được.
Cánh cửa cũ kĩ kêu cót két, cô nhấc nó khỏi rãnh và mở ra.
– Anh vào nhà em chơi nhé?
– Em quên cả giờ giấc rồi sao?
– Cần quái gì. Mọi người đã ngủ rồi.
Shimamura đứng yên, lưỡng lự.
– Nếu không, để em đưa anh về quán trọ.
– Anh về một mình được mà, khỏi phiền em.
– Thế nhưng anh chưa vào thăm phòng em ở.
Họ bước vào nhà, qua ngưỡng cửa của gian nhà mà trên những tấm đệm mỏng trải ngang trải dọc các thành viên trong gia đình đang ngủ yên: những dáng người thu lu trong đống nệm cũ bạc phếch, dệt bằng thứ vải bông thô, dưới chụp đèn đỏ quạch nằm ngổn ngang như người bố, người mẹ và năm sáu đứa con, đứa lớn nhất mới chừng mười sáu tuổi. Dù cảnh trước mắt gợi lên cái cực khổ lầm than, nhưng từ đó lại thấy một sức sống mãnh liệt như muốn bùng ra vội bị hãm lại.
Hơi thở nóng ấm của những người đang ngủ khiến Shimamura lùi ngay lại, định quay ra, nhưng Komako đã nhẹ nhàng đóng cửa, tiến sâu vào trong nhà mà chẳng cả thèm bước nhẹ.
Shimamura vội theo sau, thận trọng bước qua những chiếc gối và đầu đám trẻ con đang ngủ. Tim anh thắt lại trong cơn bối rối lạ kỳ.
– Chờ em một chút, em lên lấy đèn xuống.
– Không sao đâu em ạ. Cảm ơn!
Anh bước lên cầu thang tối om. Quay lại, anh thoáng nhìn thấy quầy bán bánh kẹo ngay phía sau nơi gia đình đang ngủ.
Những tấm chiếu cũ trải kín bốn gian phòng sơ sài ở trên lầu.
– Một người ở như em thì hơi rộng, – Komako nói. – Các vách ngăn các phòng đã được kéo ra, cách rất xa những tấm cửa trượt làm bằng giấy đã vàng ố, trông ra hành lang, tấm nệm nơi Komako nằm trông nhỏ nhoi và đơn chiếc. Căn trong cùng chất những đồ đạc cũ kĩ, những vật dụng lâu đời, chắc là của gia đình dưới nhà.
Trên những chiếc mắc dựa vào vách ngăn, treo thành dãy những bộ kimono mặc đi phố của Komako. Shimamura nhìn toàn bộ nơi ở này, tưởng chừng đó là một hang chồn hay hang cáo.
Komako thả mình trên chiếc giường nhỏ, đưa cho Shimamura một chiếc gối độc nhất. Rồi cô khẽ nghiêng người trước gương:
– Ôi, sao lại đỏ lên thế này? Em uống nhiều thế kia à?
Cô sờ soạng loáng thoáng trên chiếc tủ.
– Đây này, tập nhật ký của em!
– Cũng đồ sộ đấy chứ, – vừa nói Shimamura nhắc thử cả chồng xem có nặng không!
Cô mở một hộp bìa cứng, bên trong đầy thuốc lá.
– Em cứ nhét vào tay áo hoặc đai lưng khi họ mời thuốc, đôi khi có điếu nhầu nát, nhưng không sao, nguyên vẹn cả. Bù lại, em có đủ các loại thuốc lá nhé, thứ gì cũng có!
Vừa nói cô vừa lắc lắc hộp thuốc để Shimamura chọn 1 thứ anh chuộng. Xin lỗi, nhưng em không có diêm, em không xài diêm, từ khi bỏ hút thuốc.
– Không sao, cám ơn em. Còn chuyện may vá thế nào?
– Em cũng thử may vá kiếm thêm một chút, nhưng tất cả các du khách đến thưởng thức mùa lá phong, nào có thì giờ. Nói rồi, cô cúi xuống dẹp chiếc áo khâu dở trước mặt tủ sang một bên.
Chiếc tủ áo có những vân gỗ trang nhã, hộp đồ khâu bằng sơn mài đỏ thắm, trang trọng, có lẽ được giữ từ thời Komako ở Tokyo, khiến họ có cảm giác như ở trong gian nhà kho chẳng khác gì chiếc hòm làm bằng giấy. Nhưng, trong căn phòng này, loại phòng thảm hại có chút gì đó quê kệch ở lầu một, trông chúng lại có vẻ đáng thương.
Anh nhìn lên cái dây treo rủ xuống từ trần cao xuống tận chiếc gối của cô.
– Thứ này để em tắt đèn khi nằm trên giường đọc sách, – cô giải thích và kéo thử cho anh xem.
Mặc dù cô thủ vai chủ nhà hết sức hoàn hảo, duyên dáng, niềm nở, cô vẫn không giấu nổi sự bối rối ngượng ngừng.
– Em ở như thế này trông có vẻ tạm bợ như chú cáo trong truyện truyền kỳ của chúng ta vậy: những thứ sang trọng trở thành hoang đường trong cái cảnh nghèo này.
– Vâng, quả là thế.
– Vậy mà em định ở đây suốt cả bốn năm à?
– Cũng được gần một năm rồi. Các năm sau cũng qua nhanh thôi.
Shimamura càng cảm thấy khó chịu. Nói gì nữa nhỉ? Dường như anh nghe thấy cả tiếng thở của gia đình phía dưới nhà đang ngủ.
Anh đứng dậy định kết thúc cuộc viếng thăm.
Qua khung cửa chưa kịp khép lại khi anh bước ra, Komako ngó trời.
– Có lẽ tuyết sắp rơi, – cô nói, – thế là đã hết mùa lá phong.
Rồi nàng cũng bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà, đọc trong đêm những câu thơ rút trong một vở kịch Kabuki:
Chúng mình hòa với núi non
Tuyết rơi. Những lá phong còn day dưa.