Xứ Tuyết

Phần 29
Trước
image
Chương 29
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
Tiếp

Cửa sổ khuôn vào màu bầu trời xám quánh những búi tuyết rơi thẳng xuống như những đóa hoa đơn trắng trong sự yên tĩnh hài hòa và êm đềm, có chút gì siêu nhiên. Shimamura để cho hình ảnh đó xâm chiếm, tâm tư thì trống rỗng sau một đêm không ngủ.
Các nghệ nhân tuồng Noh đang khua trống con.
Anh hồi niệm đến buổi mai tuyết rơi, vào những ngày cuối năm và mắt anh hướng tới chiếc gương. Những bông đơn trắng lạnh lẽo vẫn đang rơi vẽ lên những hào quang, nhảy múa quanh dáng của Komako, áo kimono để mở, đang lấy khăn lau cổ.
Một lần nữa, Shimamura ngây ngất ngắm làn da mát rượi, lành mạnh, trắng đến tinh khiết, gợi đến sự sạch bóng của những đồ giặt phơi ngoài trời. Không, đâu phải là ảo giác khi nghĩ rằng cô là một người đàn bà dễ bị xúc động bởi những câu nói tầm thường của anh. Chính điều ấy đã khiến lòng anh buồn thấm thía.
Núi non vừa lúc trước có vẻ như bị đẩy dần xa bởi sắc màu ảm đạm của mùa thu, đã sống động và ngời sáng lên trong tuyết.
Những cây bá hương phủ một làn voan trắng mỏng nổi lên trên nền tuyết, dù không hề trộn vào nhau vẫn tạo thành một khối sẫm, mà cây nào cây nấy hiện ra với dáng nét riêng biệt rõ ràng.
Thế là tuyết đã kéo ra từng sợi và cũng như chính tuyết đã dệt những sợi thành tấm vải. Rồi chính tuyết lại giặt tẩy cho nó sạch bong ra. Tất cả sự tạo thành, bắt đầu và kết thúc trong tuyết. “Vải chijimi 15 chỉ sinh ra khi có tuyết, có thể nói, tuyết là mẹ đẻ của chijimi”, như ai đó đã viết trước đây lâu lắm.
Bàn tay của những người đàn bà trong Xứ Tuyết này, làm việc triền miên trong những tháng dài tuyết phủ mùa đông, kéo sợi, dệt thành những tấm vải gai mỏng, thứ cây được thu hoạch từ những thửa ruộng chênh vênh đầu núi. Shimamura sành sỏi về loại vải ấy sục tìm trong các cửa hàng lâu đời ở Tokyo những miếng vải đã trở thành khan hiếm, để may những bộ kimono mùa hè. Mối quan hệ với giới múa đã giúp anh khám phá được cửa hàng chuyên may y phục cổ cho tuồng Noh và anh đã giao kèo với chủ tiệm phải may cho anh đầu tiên, khi anh có trong tay tấm vải chijimi chính phẩm.
Người ta kể lại rằng, xa xưa, vào dịp hội chợ chijimi thường khai trương vào mùa xuân, lúc tuyết tan, chính là lúc người ta dỡ đi những cánh cửa sổ kép của mùa đông, người từ khắp nơi đổ xô tới để mua thứ vải nổi tiếng ấy. Những khách buôn giàu có ở các đô thị quan trọng như Edo, Nagoya hay Osaka, cũng đã giữ chỗ trước ở những quán trọ theo truyền thống. Các cô gái từ khắp nẻo của xứ sở, từ các lũng cao cũng trẩy hội xuống đem theo sản phẩm lao động của sáu tháng cuối cùng trong năm; đem theo cả không khí của ngày hội, nườm nượp những sạp hàng vải chen với những mặt hàng khác, đủ loại, những hàng của các hội chợ, những trò diễn…trai gái chen chúc nhau từng đám, vào hội tưng bừng. Những mặt hàng vải trưng bày đều đính theo nhãn gì ghi tên và địa chỉ của cô gái đã dệt thành, bởi có một cuộc chấm giải để khen thưởng cho mặt hàng nào đẹp nhất. Đó cũng là một cơ hội để kén chồng.
Những thiếu nữ, học dệt từ tấm bé, thường hoàn thành những sản phẩm tuyệt tác ở tuổi mười bốn đến hai mươi bốn. Tiếp theo, với hoa tay của mình, các cô sẽ tạo ra giá trị của vải chijimi, mà thường phẩm chất đâu có được bằng nhau. Bởi thế sự thi tài đã xảy ra giữa các cô. Họ dồn nghệ thuật cho công việc đầy hứng thú và say đắm trong những tháng mà tuyết như đã giam lỏng họ, nghĩa là từ tháng mười, khi bắt đầu kéo sợi, cho đến tuần trăng thứ hai là tháng phải xong việc tẩy vải cho thật trắng trên những cánh đồng cỏ, những ô vườn phủ đầy tuyết.
Một vài bộ áo kimono của Shimamura được may từ các tấm vải dệt do những bàn tay của các cô gái ấy, có thể từ giữa thế kỉ trước và anh vẫn có thói quen giữ những bộ áo cổ xưa, đã qua bao nhiêu hơi người, chẳng dễ dàng chút nào. Anh chỉ cần nghĩ đến công phu miệt mài lao động của những cô gái miền núi, tức thì anh phải cho đi tẩy chúng, theo đúng truyền thống, tận nơi xứ tuyết, nơi khai sinh ra loại vải quý và những cô gái dệt vải trinh trắng đã sống. Chỉ riêng nghĩ đến sợi gai trắng, trải dài trên tuyết, hòa với tuyết để hồng lên dưới ánh mặt trời mọc, Shimamura đã có cảm giác được thanh lọc mạnh mẽ đến nhường nào. Không những anh tin chắc những bộ kimono của mình đã trút lại đây những vết bẩn, vết cáu nhơ của mùa hè, mà chính anh, chính con người anh cũng như được tắm gội. Nói cho ra nhẽ thì đó cũng là thứ tình cảm chủ nghĩa chẳng có gì là vững chắc, bởi lẽ anh đã đưa cho một hiệu giặt là ở Tokyo nhận giặt tẩy từ đầu, nên anh cũng chẳng lấy gì làm chắc chắn rằng những bộ kimono kia được tuyết tẩy trắng theo lối cổ truyền.
Việc tẩy trắng bằng tuyết từ đời này sang đời khác vẫn do các thợ chuyên nghiệp đảm nhận: những người thợ dệt không làm việc này. Người ta tẩy trắng ngay khi vải chijimi trắng dệt xong thành từng tấm, trong khi đó thì những vải màu được dệt màu ngay trên khung cửi, cho đến lúc hoàn thành cả tấm. Mùa tốt nhất để làm việc này là vào tháng giêng và tháng hai âm lịch.
Đồng cỏ và vườn thời kỳ này đầy tuyết, chỗ nào cũng hình thành những xưởng giặt tẩy.
Họ nhúng sợi hoặc vải trong một thứ nước tro một đêm.
Sáng mai giũ trong nước cho thật sạch, người ta phơi vải suốt ngày trên tuyết, rồi lại cứ như thế, tiếp ngày này sang ngày khác. Theo sự khám phá của anh trong một cuốn sách vừa đọc gần đây, cái cảnh tẩy trắng vải bằng tuyết trọn vẹn, được ấp ủ trong ánh nắng hồng dịu của ban mai, đẹp đến không bút nào tả nổi: “Cư dân ở miền nam – tác giả viết tiếp – đều đổ đến để thăm”. Và khi màu trắng đã đạt đến mức hoàn hảo, thì xuân về: đó chính là ký hiệu riêng báo hiệu mùa xuân của Xứ Tuyết.
Mà, trạm nước nóng lại ở ngay trên xứ sở của vải chijimi, phía xuôi của thác nước, nơi thung lũng bắt đầu trải rộng ra, gần đến nỗi, Shimamura tưởng ở ngay bên cửa sổ. Dọc theo chiều dài thung lũng, dọc những thôn xóm có họp hội chợ chijimi, nay đều thành nhà ga theo con đường xe lửa. Ở thời đại công nghiệp, đó vẫn là nơi nổi tiếng về vải sợi.
Bởi chưa hề đến Xứ Tuyết vào giữa hè, mặc những bộ kimono gai mùa hè, hoặc giữa mùa đông, lúc thứ vải chijimi mà anh ưa thích được dệt thành, Shimamura chẳng đả động gì đến chuyện này với Komako. Liệu Komako có biết gì hơn anh chăng? Vả lại, Shimamura nào phải là loại người có sáng kiến đi nghiên cứu một thời kỳ của nghề dệt truyền thống trong dân gian.
Nhưng khi anh nghe giọng Yoko làm sống lại bài hát thời thơ ấu trong lúc tắm, anh vụt có ý nghĩ các cô gái ở thời xa xưa, cùng một lúc, cũng cất tiếng hát trong lúc chăm chú vào công việc, khom mình trên khung dệt, đưa thoi chạy vun vút qua giữa hai làn sợi. Dường như giọng hát của Yoko bắt theo nhịp những động tác của các cô thợ dệt đang hiện ra trong sự tưởng tượng của anh.
Sợi gai của đất núi óng như một thứ tơ chế từ lông thú, chỉ có thể kéo sợi, chàng nghĩ, trong mùa ẩm ướt của tuyết vào mùa đông Xứ Tuyết với những đêm dài là mùa thích hợp cho các công việc của người thợ dệt. Và những người hiểu biết về thời cổ, thường hay giải thích rằng, đây là kết quả hài hòa của những luật trao đổi của ánh sáng và bóng đêm. Sự mịn màng đặc sắc của loại vải có được là nhờ dệt trong cái giá lạnh của mùa đông, lưu giữ đến tận cái nóng khắc nghiệt của mùa hè. Vẫn chính Komako, chính cô cũng được hình thành từ cái nguyên lý tạo hóa ấy: Komako, gắn bó với anh khá mãnh liệt với vẻ tươi tắn của tâm hồn và sự cuồng nhiệt gợi cảm của thể xác cô.
Tuy nhiên tất cả tình yêu của người đàn bà Xứ Tuyết đã tiêu tan cùng cô, không để lại dấu vết trên cõi đời này được như là dấu vết của thứ vải chijimi. Bởi vì, dù thứ vải rất đỗi mỏng manh, sản phẩm của mỹ nghệ, như vải chijimi, cũng giữ bằng được chất vải, màu sắc sống động có tới nửa thế kỉ, còn lâu mới rách sờn, nếu được giữ gìn cẩn thận. Và, Shimamura suy diễn lơ đãng về tính bất ổn của sự thâm giao của con người cùng sự nổi trôi, không được bằng cuộc đời của một mảnh vải. Và anh vấp phải bất thình lình hình ảnh Komako trở thành người mẹ: Komako cho ra đời những đứa con của một người cha khác không phải là anh, anh đưa mắt lạc lõng nhìn ra bốn xung quanh. Chắc hẳn, vâng, chắc rằng chuyện đó quả là mệt mỏi.

Trước
image
Chương 29
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!