Anh em nhà Karamazov

Chương 5 – Bên giường Iliusa
Trước
image
Chương 68
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
  • Chương 51
  • Chương 52
  • Chương 53
  • Chương 54
  • Chương 55
  • Chương 56
  • Chương 57
  • Chương 58
  • Chương 59
  • Chương 60
  • Chương 61
  • Chương 62
  • Chương 63
  • Chương 64
  • Chương 65
  • Chương 66
  • Chương 67
  • Chương 68
  • Chương 69
  • Chương 70
  • Chương 71
  • Chương 72
  • Chương 73
  • Chương 74
  • Chương 75
  • Chương 76
Tiếp

Căn phòng mà gia đình ông đại úy về hưu Xneghiriov ở thì chúng ta đã biết, lúc này căn phòng ấy chật chội ngột ngạt vì người đến quá đông. Lần này mấy cậu bé ngồi bên Iliusa, mặc dù tất cả chúng nó, cũng như Xmurov, sẵn sàng không chịu nhận rằng Aliosa đã dàn hoà chúng với Iliusa và đưa chúng đến, nhưng sự thể đúng là như thế.

Tất cả nghệ thuật của anh trong trường hợp này là anh đưa chúng đến lần lượt từng đứa một, không có thói “nũng nịu kiểu bê con”, dường như hoàn toàn tình cờ. Điều đó làm cho Iliusa vợi bớt đau khổ rất nhiều. Thấy bọn chúng trước kia thù địch với mình, giờ đây thân thiện gần như trìu mến và thông cảm với mình, nó cảm động lắm. Chỉ thiếu có Kraxotkin, sự vắng mặt ấy làm nó trĩu nặng trong lòng.

Nếu trong những kỷ niệm cay đắng của Iliusa có cái gì cay đắng nhất thì chính là toàn bộ sự việc đã xảy ra với Kraxotkin, trước đây người bạn duy nhất bênh vực nó, vậy mà hồi nọ nó đã rút dao đâm bạn. Cả thằng Xmurov khá tinh khôn cũng nghĩ như vậy (nó là người trước tiên đến làm lành với Iliusa). Nhưng còn Kraxotkin, khi Xmurov nói xa xôi với nó ông anh muốn đến gặp nó “về một việc” thì nó ngắt lời và chặn đường liền, bảo Xmurov nhắn ngay với “Karamazov” rằng bản thân nó biết phải hành động thế nào, nó chẳng cần ai khuyên bảo và nếu nó đến thăm người ốm thì nó biết nên đến lúc nào, vì nó có “ý định riêng”. Việc đó xảy ra hai tuần trước chủ nhật này. Đấy là lý do vì sao anh không đến Kraxotkin như đã định. Tuy vẫn chờ đợi, song anh bảo Xmurov đến gặp Kraxotkin lần nữa, rồi lần nữa.

Nhưng cả hai lần Kraxotkin đều từ chối một cách hết sức nóng nảy và gay gắt, bảo nói lại với anh rằng nếu anh đến gặp nó thì nó sẽ không bao giờ đến Iliusa cả và anh đừng làm rầy nó nữa.

Thậm chí cho đến ngày cuối cùng đó, chính Xmurov cũng không biết rằng Kolia đã quyết định đến Iliusa sáng hôm ấy, mãi chiều hôm trước, khi chia tay với Xmurov, Kolia mới đột ngột gay gắt bảo Xmurov sáng hôm sau đợi nó ở nhà, nó sẽ cùng Xmurov đến nhà Xneghiriov, nhưng Xmurov không được nói cho ai biết, vì nó muốn đến một cách bất ngờ. Xmurov tuân lời Xmurov ước ao Kraxotkin sẽ đem con Bọ dừa bị mất tích đến, sở dĩ như vậy vì có lần Kraxotkin đã buông lời: “Bọn chúng nó là đồ con lừa thì mới không tìm nổi con chó, nếu như nó còn sống”. Khi Xmurov thấy có dịp, nói xa xôi với Kraxotkin điều phỏng đoán của mình về con chó thì Kraxotkin bỗng tức điên lên: “Tao là thứ đồ con lừa hay sao mà đi chạy lồng khắp thành phố tìm chó của người khác, khi tao đã có con Chuông rền của tao? Vả lại liệu có thể mơ tưởng rằng con chó đã nuốt phải chiếc kim găm mà vẫn còn sống không? Thói uỷ mị bê con, có vậy thôi!”

Trong lúc đó, Iliusa đã hai tuần hầu như không rời khỏi giường, nó nằm trong góc nhà, bên những bức tượng thánh.

Nó không đi học ngay từ hôm gặp anh và cắn ngón tay anh. Cũng từ hôm ấy nó ốm, tuy vậy khoảng một tháng thỉnh thoáng nó vẫn còn đi lại được trong phòng và ở phòng ngoài, thỉnh thoảng còn dậy khỏi giường. Cuối cùng nó hoàn toàn kiệt lực, đến nỗi không có bố giúp thì không thể đi lại được. Ông bố lo cho nó, thậm chí bỏ hẳn rượu, gần như hoá điên vì lo sợ con trai sẽ chết, và nhiều lần, đặc biệt sau những lần dìu con đi trong phòng rồi lại đỡ nó nằm xuống giường, ông chạy ra phòng ngoài, đến một góc tối, tì trán vào tường, khóc nức lên từng hồi giật dội, cố nén tiếng khóc để Iliusa khỏi nghe thấy.

Trở lại phòng, thường thường ông lại kiếm cách gì giải khuây và an ủi thằng con yêu quý của mình, kể với nó những chuyện cổ tích, chuyện tiếu lâm hay làm điệu bộ nhại lại những người kỳ cục mà ông đã gặp, thậm chí bắt chước những con vật, chúng sủa hay rống buồn cười thế nào. Nhưng Iliusa rất không thích bố làm điệu bộ nhố nhăng và đóng trò hề. Tuy thằng bé cố không tỏ ra khó chịu, nhưng nó đau lòng ý thức được rằng bố nó bị hạ nhục trong xã hội, và luôn luôn nó bị ám ảnh nhớ tới “bó xơ mướp” và “ngày phán xét cuối cùng”. Ninochka, cô chị liệt chân, trầm lặng và hiền lành của Iliusa cũng không ưa bố làm trò (còn Varvara Nikolaevna thì đã về Peterburg tiếp tục học), ngược lại bà mẹ dở người thì rất thích thú và cười thật lòng khi ông chồng diễn trò hay làm những điệu bộ buồn cười gì đó. Chỉ có những lúc đó bà mới được an ủi, còn thì bà cứ càu nhàu và than khóc rằng bây giờ mọi người đều quên bà, chẳng ai tôn trọng bà, toàn làm bà bực mình v.v… và v.v… Nhưng mấy ngày cuối cùng này bà đột nhiên thay đổi hẳn. Bà thường nhìn Iliusa nằm trong góc nhà và nghĩ ngợi. Bà bắt đầu im lặng, trầm lắng nhiều hơn, và nếu có khóc thì khóc khe khẽ, để khỏi ai nghe thấy. Ông đại úy nhận thấy sự thay đổi đó ở vợ, lòng băn khoăn chua xót. Lúc đầu bọn trẻ đến thăm Iliusa chỉ làm bà bực tức nhưng rồi tiếng ồn ào vui vẻ và những chuyện chúng kể khiến bà thích thú, rốt cuộc bà mến chúng đến nỗi nếu chúng không đến nữa thì có lẽ bà buồn lắm. Khi bọn trẻ kể chuyện hay chơi đùa, bà cười và vỗ tay. Có những đứa bà gọi đến và hôn chúng. Bà mến nhất Xmurov.

Còn về ông đại úy thì việc bọn trẻ đến nhà đem lại niềm vui sướng hân hoan và thậm chí hy vọng rằng bây giờ Iliusa sẽ hết buồn và có lẽ sẽ mau bình phục hơn.

Mặc dù rất lo sợ cho Iliusa, cho đến phút chót, không lúc nào ông hồ nghi về việc con trai ông sẽ đột nhiên bình phục. Ông sùng kính đón tiếp các vị khách nhỏ tuổi, quanh quẩn bên bọn trẻ, chiều chuộng chúng, sẵn sàng cõng chúng trên lưng, thậm chí đã toan cõng thực, nhưng Iliusa không ưa trò chơi ấy, vì thế trò đó bị bỏ. Ông mua quà bánh cho chúng, hạt dẻ, bánh bằng, pha trà, làm bánh kẹp nhân. Cần nói rõ ràng suốt thời gian ấy ông không hề túng tiền. Ông đã nhận hai trăm rúp của Ekaterina Ivanovna, đúng như Alecxei đoán trước. Sau đó, biết tỉ mỉ hơn về hoàn cảnh nhà họ và về bệnh tình của Iliusa, nàng đích thân đến thăm, làm quen với cả gia đình, thậm chí làm cho cả bà vợ dở khôn dở dại của ông đại úy cũng mê nàng. Từ đó, sự hào hiệp của nàng không hề giảm đi, còn ông đại úy, khiếp sợ nghĩ tới việc thằng con ông chết, đâm ra quên hẳn khí khái trước kia và chịu nhận của ban ơn. Suốt thời gian đó, bác sĩ Gherxenstube, theo lời mời của Ekaterina Ivanovna, cứ một ngày lại đến thăm người ốm một cách chu đáo, nhưng sự chữa chạy của ông chẳng mấy hiệu nghiệm, còn thằng bé phát khiếp lên vì phải uống thuốc của ông. Nhưng hôm ấy, tức là sáng chủ nhật, ở nhà ông đại úy người ta đang chờ một bác sĩ mới từ Moskva về, ở Moskva ông là người danh tiếng. Ekaterina Ivanovna chi một món tiền lớn mời ông từ Moskva về, không phải để chữa cho Iliusa, mà nhằm một mục đích khác sau đây sẽ có dịp nói đến, nhưng bởi vì ông đã tới, nên nàng yêu cầu ông thăm bệnh cả cho Iliusa và ông đại úy đã được báo trước. Ông không hề có linh cảm gì về việc Kolia Kraxotkin sẽ đến, tuy từ lâu ông đã mong muốn cậu ta sẽ đến, Iliusa của ông đau khổ nhớ mong cậu ta. Đúng lúc Kraxotkin mở cửa bước vào, ông đại úy và bọn trẻ đang xúm xít bên giường người ốm, xem con chó nhỏ xíu mới lọt lòng mẹ hôm qua, nhưng ông đại úy đã đặt mua trước đó một tuần để giải khuây cho Iliusa và an ủi nó, vì nó mong nhớ con Bọ dừa đã mất tích và hẳn là đã chết, Iliusa đã nghe nói từ ba ngày trước đó rằng nó sẽ được tặng một con chó con, không phải là loại chó bình thường, mà là chó nòi Milan thực sự (điều đó cố nhiên là hết sức quan trọng), và vì tế nhị, tuy nó tỏ ra vui thích về món quà tặng, nhưng mọi người, cả ông bố và các cậu bé, đều thấy rõ ràng con chó mới có lẽ chỉ càng làm nó dầu lòng nhớ tới con Bọ dừa bất hạnh đã bị nó hành hạ. Con chó con nằm và ngọ nguậy cạnh nó, và nó mỉm cười đau đớn, đưa bàn tay héo quắt, mảnh mai, nhợt nhạt vuốt ve con vật, thậm chí thấy rõ ràng nó thích con chó, nhưng… vẫn không có Bọ dừa, vẫn không phải là Bọ dừa, giá như có cả Bọ dừa và con chó con thì thật là hạnh phúc trọn vẹn!

– Kraxotkin! – Một thằng bé reo lên, nó là người đầu tiên nhìn thấy Kolia bước vào. Cảnh xúc động trông thấy, bọn trẻ giãn ra, dừng hai bên giường, thành thử bỗng nhiên nhìn thấy toàn bộ thân hình Iliusa. Ông đại úy đâm bổ tới đón Kolia.

– Xin mời, xin mời, quý hóa quá! – ông lắp bắp nói với Kraxotkin. – Iliusa, ngài Kraxotkin đến thăm con đây này…

Nhưng Kraxotkin lập tức bắt tay ông già, tỏ ra rất biết lễ phép xã giao lịch sự. Nó tức thì chào hỏi bà vợ ông đại uý trước hết, bà ta đang ngồi trong ghế bành (lúc ấy bà ta hết sức bực bội và cằn nhằn về việc bọn trẻ che lấp giường Iliusa, khiến bà không thấy con chó con), và nó quệt chân một cách hết sức lễ độ trước mặt bà, rồi quay về phía Nikolai, nó cúi chào cô ta như thi lễ với một phu nhân. Kiểu lễ độ ấy khiến bà đại úy cảm thấy thích thú lạ thường.

– Nhìn thấy ngay là một chàng trẻ tuổi có giáo dục. – Bà lớn tiếng nói vừa giang hai tay ra. – Chứ không như những đứa kia: đứa nọ cưỡi lên đứa kia mà vào.

– Mẹ nó ơi, sao lại nói thế, đứa nọ cưỡi lên đứa kia là thế nào?

– Ông đại úy ấp úng nói, tuy giọng dịu dàng, nhưng hơi lo ngại cho “mẹ nó”.

– Đúng thế chứ sao. Ở phòng ngoài đứa nọ ngồi lên vai đứa kia, cứ nghễu nghện thế mà vào một nhà tử tế. Khách khứa gì mà vậy?

– Nhưng ai vào như vậy kia chứ, bà nó ơi, ai kia chứ?

– Thì hôm nay đấy, thằng này cưỡi lên thằng này này, còn thằng này cưỡi lên thằng này này…

Nhưng Kolia đã dừng bên giường Iliusa. Thằng bé ốm tái mét đi. Nó nhỏm dậy trên giường và chăm chú nhìn Kolia. Kolia đã hai tháng nay không nhìn thấy thằng bạn nhỏ trước kia của mình và dừng lại, hết sức sửng sốt: nó không thể tưởng tượng nổi nó lại thấy một khuôn mặt nhỏ gầy rộc và vàng ệch như thế, cặp mắt rực lên trong cơn sốt và dường như to ra ghê gớm, đôi tay gầy guộc. Ngạc nhiên và đau xót, nó nhận thấy Iliusa thở gấp và khó nhọc, môi héo quắt đi. Nó bước một bước về phía bạn đưa tay ra và hầu như bối rối, thốt lên:

– Thế nào, bạn thân mến… sức khỏe ra sao?

Nhưng nó nghẹn lời, không đủ sức tỏ ra suồng sã, mặt nó bỗng giật dội, mép nó run run. Iliusa mỉm cười đau đớn, vẫn chưa đủ sức thốt lên lời. Kolia bỗng giơ một tay lên và đưa tay vuốt tóc Iliusa, không rõ để làm gì.

– Không đê-ến nô-ỗi nào! – Nó lý nhí nói, không hẳn là hưởng ứng câu nói của bạn, tuồng như không biết mình nói như thể để làm gì. Cả hai cùng im lặng một lát.

– Mày có con chó mới đấy à? – Kolia bỗng hỏi bằng giọng hết sức thờ ơ.

– Ừ ừ! – Iliusa dài giọng thì thầm đáp, thở hổn hển.

– Mũi đen là chó dữ lắm, loại chó xích. – Kolia nhận xét với vẻ trịnh trọng và dứt khoát, như thể mọi việc chính là ở con chó và cái mũi đen của nó. Nhưng cái chính là nó vẫn gắng hết sức kìm nén tình cảm để khỏi oà khóc như “đứa trẻ”, và vẫn chưa nén được – Khi nào nó lớn lên thì phải xích nó lại thôi, tao biết mà.

– Con chó sẽ to lắm đấy! – một đứa trong bọn trẻ kêu lên.

– Hẳn rồi, giống chó Milan mà, phải to thế này này, bằng con bê ấy – Mấy tiếng cùng nói.

– Bằng con bê, bằng con bê thực sự. – Đại úy bật dậy. – Tôi cố ý tìm một con như thế, thật dữ, mà mẹ nó cũng cực to, và cực dữ, cao như thế này này… Cậu ngồi xuống đi ngồi xuống giường Iliusa đây này, không thì ngồi xuống chiếc ghế này này. Xin mời vị khách quý, vị khách mong đợi từ lâu… Cậu đến với Alecxei Fedorovich à?

Kraxotkin ngồi lên giường, dưới chân Iliusa. Tuy dọc đường có lẽ nó đã chuẩn bị mở đầu câu chuyện bằng giọng suồng sã, nhưng bây giờ thì nó mất hẳn đầu mối.

– Không… tôi đến với con Chuông rền… Bây giờ tôi có con chó như thế, Chuông rền. Cái tên Xlav. Nó đang đợi… tôi huýt sáo là nó lao như bay vào ngay. Tao cũng có con chó, – nó bỗng quay lại với Iliusa, – này, mày vẫn nhớ con Bọ dừa chứ? – Nó bỗng hỏi một câu như roi quất vào Iliusa.

Mặt Iliusa méo hẳn đi. Nó đau khổ nhìn Kolia. Aliosa đứng bên cửa, chau mày và lén gật đầu với Kolia ra hiệu bảo nó đừng nói về Bọ dừa, nhưng nó không muốn để ý đến.

– Bọ dừa… Ở đâu kia? – Iliusa hỏi bằng giọng đau đớn.

– Này, chú em, Bọ dừa của chú đi đời rồi! Bọ dừa của chú mất tích rồi!
Iliusa im lặng, nhưng chăm chú nhìn Kolia lần nữa. Aliosa bắt được cái nhìn của Kolia, lại gật đầu lia lia với nó, nhưng nó đưa mắt đi nơi khác, ra vẻ bây giờ vẫn không nhận thấy điều đó.

– Nó chạy đi mất tích. Nuốt miệng bánh như thế mà không toi mạng sao được?

Kolia nói xẵng giọng một cách tàn nhẫn, trong lúc đó nó dường như nghẹn thở. – Nhưng tao có con Chuông rền. Cái tên Xlav… Tớ đem nó đến cho cậu xem…

– Không, đừng! – Iliusa bỗng thốt lên.

– Không, không, cần phải thế, nhất định cậu phải xem. Cậu sẽ khuây khoả. Tớ chủ tâm đem nó đến… cũng lông xù như con kia.

– Thưa bà, cho phép tôi gọi con chó của tôi vào chứ? – Nó bỗng nói với bà Xneghiriova, coi bộ xúc động không thể hiểu nổi.

– Không nên, đừng! – Iliusa kêu lên, giọng run run, chua xót, mắt nó đầy vẻ trách móc.

– Kể thì… – ông đại úy ngồi trên cái rương bên tường bật dậy, cậu nên để… lúc khác… – ông nói ấp úng, nhưng Kolia vẫn nhất quyết làm gấp, đột nhiên nó gọi Xmurov: “Xmurov, mở cửa ra!” và Xmurov vừa mở cửa thì nó thổi một tiếng còi. Chuông rền lao vụt vào phòng.

– Nhảy lên, Chuông rền, làm trò đi! Làm trò đi! – Kolia bật dậy, lớn tiếng nói, và con chó đứng lên bằng hai chân sau, vươn thẳng trước giường Ilius, tiếp đó xảy ra một việc không ai ngờ: Iliusa giật mình và bỗng gắng sức vươn về phía trước, cúi tới gần Chuông rền, dường như lặng đi, nhìn con chó.

– Đây là.… Bọ dừa! – Nó bỗng kêu lên bằng giọng run run vì đau khổ và vui sướng.

– Thế mày tưởng là con chó nào? – Kraxotkin sang sảng nói với giọng sung sướng, cúi xuống gần con chó, ôm lấy và nhấc nó tới gần Iliusa.

– Nom này, bạn thân mến, thấy chứ, chột một mắt, tai trái rách, đúng những đặc điểm mà cậu đã kể với tớ. Căn cứ vào những đặc điểm ấy mà tớ đã lùng ra nó! Tớ tìm được từ hồi ấy kia, nhanh thôi. Nó là con chó vô chủ mà, chẳng phải của ai cả!

Kraxotkin giải thích, quay quanh về phía đại úy, vợ ông ta, về phía Aliosa, rồi lại quay về phía Iliusa. – Nó ở sân sau nhà Fedotov, nằm ẹp ở đấy, nhưng họ không cho nó ăn, nó là con chó hoang, bỏ làng chạy đi… Tớ đã tìm thấy nó… Này bạn ạ, như vậy là hồi ấy nó không nuốt mẩu bánh của đằng ấy. Nó mà nuốt thì chắc chắn là đã chết rồi, chắc chắn là như thế. Như vậy là nó đã kịp khạc ra, có thế bây giờ nó mới còn sống chứ. Còn đằng ấy thì không để ý rằng nó đã khạc ra. Nó khạc ra được, nhưng vẫn bị kim đâm vào lưỡi, vì thế lúc ấy nó rít lên. Nó chạy và kêu ăng ẳng, còn đằng ấy lại tưởng nó nuốt hẳn. Nó sủa toáng lên là phải thôi, vì da miệng chó mềm lắm… mềm hơn da người, mềm hơn nhiều! – Kolia la lên với giọng cuồng nộ mặt bốc nóng, hớn hở.

Iliusa không nói được nên lời. Nó nhìn Kolia bằng cặp mắt to như lồi hẳn ra, mồm há hốc, mặt trắng bệch như mảnh vải, Kolia không ngờ gì hết, nếu nó biết giây phút như thế có thể làm cho bạn đau khổ và ảnh hưởng tai hại đến sức khỏe của người ốm thì dứt khoát nó không bày ra cái trò vừa làm. Nhưng trong phòng có lẽ chỉ một mình Aliosa hiểu điều đó. Còn về đại úy thì ông như biến thành đứa con nít.

– Bọ dừa! Thế ra đấy là Bọ dừa à? – ông la lên bằng giọng sung sướng. – Iliusa, đây là Bọ dừa, Bọ dừa của con! – ông hầu như phát khóc.

– Thế mà tôi đoán không ra! – Xmurov kêu lên một cách chua xót. Hoan hô Kraxotkin, tôi đã bảo rằng anh ấy sẽ tìm được Bọ dừa, quả đúng là anh ấy đã tìm được.

– Tìm được rồi! – Một đứa nữa reo lên và vỗ tay.

– Thôi đi, thôi đi. – Kraxotkin gào át tất cả mọi người. – Tôi sẽ kể cho mọi người nghe sự việc đã diễn ra như thế nào, đúng như đã diễn ra! Tôi tìm được nó, đem nó về nhà, giấu luôn đi, khoá cửa nhốt trong nhà, không để ai trông thấy cho đến tận hôm nay. Chỉ có Xmurov nhìn thấy cách đây hai tuần, nhưng tôi cả quyết với nó rằng đấy là Chuông rền, nó không đoán ra, còn trong thời gian chờ đợi, tôi dạy nó làm đủ các trò, hãy xem nó biết làm những trò gì! Bạn thân mến, tớ dạy nó để khi đưa nó đến cho đằng ấy thì nó đã được huấn luyện, mượt mà: đây này, bạn ạ, con Bọ dừa của bạn bây giờ như thế đấy! Ở đây có miếng thịt bò nào không, tôi sẽ cho nó diễn một trò khiến mọi người cười vỡ bụng kia, chẳng lẽ một mẩu thịt bò cũng không có ư?

Ông đại úy lao vụt qua phòng ngoài, chạy đến bếp nhà chủ, nơi người ta nấu ăn cho cả gia đình ông. Kolia không để mất thời gian vàng ngọc, vội vã thét bảo Chuông rền: “Giả chết đi!”. Con vật bỗng xoay một vòng, nằm ngửa ra bất động, bốn chân chỏng gọng. Bọn trẻ cười, Iliusa nhìn, vẫn với nụ cười đau khổ như trước, chỉ có bà mẹ là thích nhất cái trò chó giả chết. Bà cười phá lên, búng ngón tay gọi:

– Chuông rền! Chuông rền!

– Không khi nào nó đứng lên đâu, không khi nào! – Kolia la lên, – cho dù cả bàn dân thiên hạ có gào thét nó cũng không đứng lên, còn tôi chỉ gọi to một tiếng là nó chồm lên ngay! – Chuông rền!

Con chó chồm lên và bắt đầu nhảy nhót, vui sướng kêu ứ. Đại úy chạy vào, tay cầm miếng thịt bò nấu.

– Không nóng chứ! – Kolia hỏi với vẻ thành thạo, cầm lấy miếng thịt. – Không, không nóng, chó không ưa đồ nóng.

Mọi người xem đây, Iliusa, xem đây này, xem đi bạn thân mến, sao bạn không xem? Tớ đưa nó đến cho bạn mà bạn không xem.

– Trò mới này là như sau: con chó đứng không nhúc nhích, mũi hếch lên, miếng đùi bò ngon lành đặt ngay trên mũi nó. Con chó khốn khổ không động đậy, phải mang miếng thịt trên mũi, đứng cho đến bao giờ chủ ra lệnh, đứng im không động cựa dù là nửa tiếng. Nhưng Chuông rền chỉ phải chịu đựng có một phút thôi.

– Nuốt đi! – Kolia quát lên, và trong nháy mắt miếng thịt bay từ mũi vào mồm nó. Người xem tất nhiên tỏ ra ngạc nhiên hoan hỉ.

– Chẳng lẽ suốt thời gian qua anh không đến đây chỉ cốt để dạy con chó thôi? – Aliosa kêu lên với giọng trách móc.

– Chính thế. – Kolia lớn tiếng trả lời một cách hết sức chất phác. – Tôi muốn cho nó ra mặt với tất cả sự huy hoàng.

– Chuông rền! Chuông rền! – Iliusa búng mấy ngón tay gầy guộc của mình, gọi con chó.

– Việc gì phải thế! Để tớ bảo nó tự nhảy lên giường đằng ấy, lại Chuông rền! – Kolia đập tay xuống giường Iliusa, và Chuông rền lao như tên bắn tới chỗ Iliusa, Iliusa ôm lấy đầu nó bằng cả hai tay, còn Chuông rền lập tức liếm má nó. Iliusa áp mình vào nó, nằm duỗi dài trên giường, giấu mặt vào bộ lông xù của nó.

– Trời ơi, trời ơi! – Viên đại úy kêu lên.

Kolia lại ngồi ghé xuống giường Iliusa, Iliusa, tớ có thể cho đằng ấy xem một vật nữa. Tớ đem đến cho đằng ấy một khẩu thần công nhỏ. Nhớ chứ, hồi ấy tớ đã nói với đằng ấy về khẩu thần công nọ, đằng ấy bảo: “A, ước gì tôi được xem nhỉ!”. Bây giờ tớ đem đến đây này.

Kolia hối hả rút trong túi xách tay của mình ra khẩu đại bác nhỏ xíu bằng đồng đen. Nó vội vã, bởi vì chính nó rất hạnh phúc: lúc khác có lẽ nó sẽ chờ cho hiệu quả do Chuông rền gây ra qua đi, nhưng bây giờ thì nó hối hả, chàng cần e dè gì nữa: “Mày vui sướng như thế, tao sẽ đem lại cho mày niềm vui sướng lớn lao hơn nữa!” Bản thân nó rất say sưa.

– Tớ đã xem cái vật này ở nhà ông viên chức Morozov, lấy cho đằng ấy đấy, bạn ạ, cho cậu đấy. Ông ta để không đấy thôi, chẳng dùng làm gì cả, tớ đổi cho ông ta một cuốn sách, cuốn sách lấy ở tủ sách của bố tớ: “Người họ hàng của Mahomet hay sự ngu ngốc bổ ích”. Cuốn sách 100 tuổi, nội dung táo tợn, ra ở Moskva, khi chưa có kiểm duyệt, mà Morozov rất thích sưu tầm sách cổ. Ông ta còn cảm ơn là đằng khác…

Kolia cầm khẩu súng giở ra trước mặt mọi người. Iliusa nhỏm dậy, tay phải vẫn ôm lấy Chuông rền, khâm phục nhìn món đồ chơi. Hiệu quả đạt đến mức cao nhất khi Kolia tuyên bố rằng nó có thuốc súng và có thể bắn ngay bây giờ, “miễn là không làm phiền bà và cô”. “Bà nó” đòi đưa món đồ chơi lại gần hơn để bà xem, điều đó được thực hiện ngay lập tức. Bà rất thích khẩu đại bác bằng đồng đen có bánh xe và bắt đầu kéo nó chạy trên đùi mình. Người ta xin phép bà cho bắn, bà hoàn toàn đồng ý, mặc dù chẳng hiểu người ta định làm gì. Kolia cho xem thuốc súng và đạn chì. Đại úy, vốn còn là quân nhân, tự tay nạp súng, đổ một ít thuốc súng vào, còn chì thì ông để bắn phát sau.

Khẩu súng đặt trên sàn, nòng chĩa vào khoảng trống, nạp ba viên đạn nhỏ và đánh diêm châm. Một tiếng nổ rất to.

Bà vợ ông đại uý giật mình, nhưng lập tức phá lên cười sung sướng. Bọn trẻ nhìn với vẻ nghiêm trang lặng lẽ, nhưng đại úy nhìn Iliusa, vui sướng hơn ai hết. Kolia cầm khẩu súng lên và lập tức đưa tặng cho Iliusa cùng với đạn và thuốc súng.

– Đấy là tặng cho cậu, cho cậu! Tớ đã chuẩn bị từ lâu. – Nó nhắc lại lần nữa, hoàn toàn hạnh phúc.

– A, hãy cho tôi! Không, tốt hơn là hãy cho tôi khẩu súng! – Bà mẹ bắt đầu cầu xin như đứa trẻ nhỏ. Mặt bà lộ vẻ đau khổ vì sợ người ta không tặng cho bà. Kolia bối rối, đại úy lo lắng không yên.

– Mẹ nó ơi, mẹ nó ơi! – ông đến gần bà, – khẩu súng là của bà, của bà, nhưng hãy để cho nó thuộc về Iliusa đã, vì nó là quà tặng cho Iliusa mà, nhưng rồi đằng nào nó cũng là của bà, Iliusa bao giờ cũng để cho bà chơi chung thôi mà, nó sẽ là đồ chơi chung của hai mẹ con…

– Không, tôi không muốn nó là đồ chơi chung, không, nó phải là của tôi, chứ không phải của Iliusa. – Bà mẹ nói tiếp, đã sắp oà khóc.

– Mẹ ơi, mẹ lấy đi, mẹ cứ lấy đi! – Iliusa bỗng kêu lên. – Kraxotkin, tôi tặng nó cho mẹ tôi được chứ? – Nó bỗng nói với Kraxotkin với vẻ van vỉ, như sợ Kraxotkin mếch lòng vì nó đem khẩu súng tặng người khác.

Được quá đi chứ! – Kraxotkin lập tức đồng ý và cầm lấy khẩu súng từ tay Iliusa, cúi mình hết sức lễ độ đưa cho bà mẹ. Bà ta oà khóc vì cảm kích.

– Iliusa yêu quý, thế là con yêu mẹ lắm đấy! – Bà kêu lên, giọng cảm kích và lại đẩy khẩu súng lăn trên đùi mình.

– Bà nó ơi, cho tôi hôn tay bà nào. – ông chồng lao bổ tới và lập tức thực hiện ý định.

– Nếu trên đời còn người trẻ tuổi dễ thương nào nữa thì đấy là chú bé dễ thương này! – Bà mẹ biết ơn vừa nói vừa trỏ Kraxotkin.

– Rồi tớ sẽ đem thuốc súng đến cho cậu, Iliusa ạ, muốn bao nhiêu cũng có. Bây giờ chúng tớ tự làm lấy thuốc súng.

Borovikov biết công thức: hai mươi tư phần diêm kêu, mười phần lưu huỳnh và sáu phần than gỗ phong, nghiền lẫn với nhau, đổ nước vào, ngào thành một cục mềm, lọc qua miếng da lừa, thế là thành thuốc súng.

– Xmurov có nói với tôi về thuốc súng của anh, có điều ba tôi bảo đấy không phải là thuốc súng thực sự. – Iliusa đáp.

– Sao lại không phải là thực sự? – Kolia đỏ mặt. – Thuốc vẫn cháy đấy chứ. Nhưng, tớ không biết…

– Không, tôi có nói gì đâu. – ông đại úy bỗng bật dậy, vẻ biết lỗi. – Của đáng tội, tôi có nói rằng thuốc súng thực sự thành phần không phải như vậy, nhưng không sao, như vậy cũng được.

– Tôi không biết. Ông biết rõ hơn chứ. Chúng tôi để nó trong cái hộp bằng da đựng sáp rồi đốt, nó cháy rất tốt, chỉ còn lại ít bồ hóng. Nhưng đấy chỉ là bột nhào, nếu lọc qua miếng da thì còn tốt hơn… Tuy nhiên, ông biết rõ hơn, còn tôi không biết đâu. Thằng Bunkin bị bố đánh vì thuốc súng của chúng ta, đằng ấy có nghe nói chuyện ấy chứ? – Nó bỗng nói với Iliusa.

– Tôi có nghe nói. – Iliusa đáp. Nó nghe Kolia, vẻ hết sức thích thú và khoái trá.

– Chúng tớ chế ra cả một chai thuốc súng, nó để dưới gầm giường. Bố nó nhìn thấy. Ông ấy bảo thuốc có thể nổ.

Thể là ông ấy đánh nó liền. Ông ấy định mách nhà trường về tớ. Bây giờ ông ấy không cho nó chơi với tớ, không đứa nào được bố mẹ cho chơi với tớ. Xmurov cũng bị cấm không được chơi với tớ, tớ đâm ra nổi tiếng khắp nơi, người ta bảo tớ là “thằng bạt mạng”. – Kolia cười khinh bỉ. – Tất cả bắt đầu từ vụ đường sắt.

– A, chúng tôi có nghe nói về vụ đó của cậu! – Đại úy kêu lên. Nằm ở đó cậu cảm thấy thể nào nhỉ? Cậu không sợ tí gì khi đoàn tàu chạy qua à? Cậu có khiếp đảm không?

Đại úy rất mực xun xoe trước Kolia.

– Chẳng sợ lắm! – Kolia trả lời uể oải. – Gây tai tiếng cho tôi nhiều nhất là con ngỗng chết tiệt nọ. – Kraxotkin lại quay về phía Iliusa. Tuy trong lúc thuật chuyện, nó làm ra vẻ khinh thị, nhưng vẫn không tự chủ được và dường như vẫn luống cuống.

– A, tôi có nghe nói cả về con ngỗng ấy! – Iliusa cười, hớn hở. -Tôi có nghe kể, nhưng tôi không hiểu, có thật anh phải ra toà không?

– Mọi chuyện hết sức dớ dẩn, hết sức nhỏ nhặt mà theo thói quen người ta thổi phồng nó lên thành con voi. – Kolia mở đầu với thái độ buông tuồng. – Lần ấy tớ đi qua khu chợ, đúng lúc người ta lùa ngỗng đến. Tớ dừng lại, nhìn đàn ngỗng, bỗng một gã trai ở đây, Vasniakov, hiện giờ làm thuê ở tiệm Plotnikov, nhìn tớ và bảo: “Sao cứ trân mắt ra mà nhìn ngỗng vậy?”. Tớ nhìn hắn: một khuôn mặt ngốc nghếch, tròn trĩnh, một gã trai chừng hai mươi tuổi này, tôi không khinh nhân dân đâu nhé. Tôi yêu nhân dân… Chúng ta lạc hậu so với nhân dân, đấy là một tiêu đề anh cười tôi thì phải, anh Karamazov?

– Không, Chúa Trời phù hộ, tôi rất chú ý nghe cậu đây. – Aliosa đáp với vẻ rất là hồn nhiên, và Kolia đa nghi phút chốc trở nên phấn chấn.

– Lý luận của tôi sáng rõ và đơn giản thôi. Anh Karamazov ạ. – Kolia lập tức lại vui sướng nói. – Tôi tin vào nhân dân và bao giờ cũng vui sướng đem lại sự công bằng cho họ, nhưng hoàn toàn không nuông chiều họ, đấy là sine qua…(1). À tôi đang nói chuyện con ngỗng. Tôi quay về phía thằng ngốc ấy và trả lời nó: “Tôi đang tự hỏi con ngỗng này nghĩ gì nhỉ?”. Nó nhìn tôi một cách hết sức ngớ ngẩn: “Con ngỗng nghĩ gì ấy à?” – “Thế này này, – tôi nói, – chiếc xe kia chở đầy thóc. Thóc trong bao vãi ra, con ngỗng vươn cổ dưới bánh xe mổ thóc, anh thấy chứ? ” – “Thấy quá đi chứ, – hắn nói” – “Thế này nhé, – tôi nói, – bây giờ ta đẩy cái xe đi một chút, xem bánh xe có nghiến đứt cổ con ngỗng hay không?” – “Tất nhiên là sẽ nghiến đứt, – hắn nói” – và cười toác miệng, mặt nhòe đi trong nụ cười.

– “Ta làm đi chứ hả, tôi nói – nào” – “Làm thôi! – hắn nói”.

Chúng tôi chẳng mất công sức gì lắm: hắn lén đến gần dây cương, còn tôi đứng bên để lùa con ngỗng. Lúc ấy gã mugich, không để ý, mải nói chuyện với ai đó, thành thử tôi không phải lùa ngỗng: con ngỗng tự nó vươn cổ ra mổ thóc ngay dưới bánh xe. Tôi nháy mắt với gã trai, gã kéo dây cương, và cr-a-ac, cái cổ ngỗng bị nghiến đứt đôi! Lúc ấy mấy người nông dân ở đấy trông thấy chúng tôi và la lên: “Mày cố ý làm như vậy!” – “Không, không phải là cố ý!” – “Không phải là cố ý!”. Thế là họ la gào ầm ỹ: “Đưa đến ông thẩm phán tập tụng!”. Họ lôi cả tôi đi: “Mày cũng lại có mặt ở đây, mà mày tiếp tay với nó, cả chợ biết mày!” Không hiểu sao quả thật cả chợ biết tôi. – Kolia nói thêm với giọng tự ái. – Tất cả chúng tôi đến quan thẩm phán tập tụng. Gã trai kia nhát gan khóc ằm lên, quả là gã khóc gào lên như đàn bà. Gã chăn ngỗng la lên: “Bằng cách này nó có thể đè chết bao nhiêu ngỗng cũng được!”. Ờ, tất nhiên có người làm chứng. Quan thẩm phán xử xong liền bồi thường cho gã chăn ngỗng một rúp, còn con ngỗng thì gã trai lấy về. Quan thẩm phán bảo từ sau không được như thế nữa. Còn gã trai vẫn cứ khóc gào lên như đàn bà: “Không phải tại tôi, – gã nói, – đấy là nó xui tôi”, – và hắn trỏ vào tôi. Tôi hoàn toàn thản nhiên trả lời rằng tôi tuyệt nhiên không xúi hắn, tôi chỉ bày tỏ ý nghĩ chung chung và đưa ra ý định phác thảo. Quan thẩm phán tập tụng Nogerov mỉm cười và lập tức tự giận mình đã mỉm cười: “Tôi sẽ viết cho nhà trường của cậu để từ nay cậu đừng có lao vào những việc như thế nữa, mà phải để tâm lo chuyện sách vở học hành”. Ông không viết về trường, ông nói đùa thế thôi, nhưng sự việc quả nhiên lan ra và đến tai các thầy giáo. Tai các vị ấy dài lắm. Thầy Kolbaxinikov phản ứng rất dữ dội, nhưng thầy Dardanelov lại bênh tôi. Hiện giờ thầy Kolbaxinikov căm giận tất cả chúng tôi như con lừa xanh. Iliusa cậu có nghe nói ông ta đã lấy vợ chứ, ông ta lấy của nhà Mikhailov một ngàn rúp hồi môn, cô vợ mặt như cái thớt, xấu như ma lem. Bọn học sinh lớp ba làm luôn bài vè rất buồn cười, rồi tớ sẽ đem đến cho đằng ấy. Tớ không nói gì về Dardanelov: thầy là người hiểu biết, có kiến thức vững chắc. Những người như thế tớ kính trọng, không phải vì thầy bảo vệ tớ…

– Nhưng anh đã chơi thầy một vố về việc ai sáng lập thành Troa! – Xmurov chen vào, lúc ấy nó rất tự hào về Kraxotkin. Nó rất thích câu chuyện về con ngỗng.

– Chơi một vố à? – Đại úy đỡ lời với vẻ trịnh trọng nịnh nọt. – Về việc ai sáng lập thành Troa à? Chúng tôi có nghe nói về chuyện ấy. Hồi ấy Iliusetrka còn kể với tôi…

– Ba ạ, cái gì anh ấy cũng biết, anh ấy giỏi hơn tất cả bọn con! – Iliusa phụ hoạ. – Bây giờ anh ấy giả bộ đấy thôi, anh ấy đứng đầu về tất cả các môn… Ilusa nhìn Kolia với vẻ hạnh phúc vô biên.

– Chuyện về Troa là chuyện vớ vẩn, chuyện vặt vãnh. Tôi thì tôi coi đó là chuyện phù phiếm. – Kolia đáp với vẻ khiêm tốn mà vẫn tự phụ. Nó đã hoàn toàn lấy được giọng nói như nó muốn, nhưng vẫn hơi lo ngại: nó cảm thấy bị kích động mạnh, chẳng hạn nó kể về con ngỗng quá hăm hở, trong khi đó, Aliosa vẫn im lặng suốt thời gian kể chuyện, nghiêm nghị, và chú bé giầu tự ái dần dần bắt đầu cảm thấy uất giận trong lòng: “Anh ta im lặng phải chăng vì khinh ta, cho rằng ta muốn được anh ta khen ngợi? Nếu anh ta dám có ý nghĩ như vậy thì ta…”

– Tôi coi đấy là vấn đề hoàn toàn vô ích. – Nó xẵng giọng nói lần nữa với vẻ tự phụ…

– Tôi biết ai đã sáng lập thành Troa. – Một đứa bỗng lên tiếng, hoàn toàn bất ngờ, cho đến giờ nó chưa hề nói gì, im lặng và rõ ràng là bẽn lẽn, nó là một thằng bé rất kháu, khoảng mười một tuổi, họ là Kartasov. Nó ngồi ngay cạnh cửa. Kolia nhìn nó với vẻ ngạc nhiên và trịnh trọng. Số là câu hỏi: “Ai sáng lập thành Troa?” đã trở thành một điều bí mật, muốn biết được thì phải đọc cuốn sách của Xmaragdov. Nhưng ngoài Kolia, chẳng ai có Xmangdov. Có lần, nhân lúc Kolia quay đi nơi khác, Kanasov đã lén giở vội cuốn sách của Xmaragdov nằm giữa những sách khác của bạn và gặp đúng chỗ nói về những người sáng lập Troa.

Chuyện ấy xảy ra khá lâu rồi, nhưng nó vẫn ngượng ngùng, không dám công khai nói ra rằng nó biết ai sáng lập Troa, vì e rằng có chuyện gì xảy ra và Kolia sẽ làm nó mắc cỡ. Bây giờ không hiểu sao nó không nén được và nói ra. Nó đã muốn nói ra từ lâu rồi.

– Thế ai sáng lập ra? – Kolia quay về phía nó với vẻ cao ngạo, nhưng nhìn mặt thằng bé nó đoán ra rằng thằng này biết thật sự và tất nhiên đã chuẩn bị đón mọi hậu quả. Trong không khí chung có thể nói là có cảm giác bất hoà.

– Troa do Tepkr, Dardan, Ilius và Trox lập ra. – Thằng bé nói luôn một mạch và lập tức mặt đỏ bừng, đỏ đến nỗi nhìn mà thương hại. Nhưng tất cả bọn trẻ nhìn nó chằm chằm, nhìn cả một phút, rồi mọi con mắt nhìn nó đều đổ dồn về phía Kolia.

Vẻ lạnh lùng miệt thị, Kolia vẫn nhìn từ đầu đến chân thằng bé táo tợn.

– Nhưng họ lập nên thành đó như thế nào kia chứ? – Cuối cùng nó hạ cố lên tiếng. – Nói chung thế nào là sáng lập một thành phố hay một quốc gia? Họ làm gì: đi đặt tìm viên gạch chăng?

Tiếng cười rộ lên. Thằng bé phạm lỗi mặt đang hồng thành đỏ úa. Nó im lặng, chỉ chực khóc. Kolia bắt nó chịu đựng tình trạng ấy chừng một phút nữa.

– Muốn nói về những biến cố lịch sử như sự thành lập một quốc gia thì trước hết phải hiểu như thế nghĩa là gì. – Nó nghiêm khắc nói, ra giọng răn dạy. – Tuy nhiên, tớ chẳng coi những chuyện đàn bà ấy có gì quan trọng, và nói chung tớ rất không coi trọng lịch sử thế giới.

Nó bỗng nói thêm một cách thờ ơ, lần này là nói với tất cả mọi người.

– Đấy là lịch sử thế giới à? – Đại úy bỗng hỏi với giọng có phần sợ hãi.

– Vâng, lịch sử thế giới. Sự nghiên cứu một loạt nhưng điều ngu ngốc của con người… và chỉ thế thôi. Tôi chỉ tôn trọng toán học và các khoa học tự nhiên, – Kolia ra vẻ ta đây và thoáng nhìn Aliosa: ở đây nó chỉ e ngại ý kiến của anh thôi. Nhưng Aliosa vẫn im lặng và nghiêm trang như trước. Nếu như lúc này Aliosa nói điều gì thì sự việc sẽ chấm dứt ở đấy, nhưng Aliosa im lặng, mà “sự im lặng của anh có thể mang tính chất miệt thị”, vì thế Kolia nổi cáu thật sự.

– Bây giờ lại đến những ngôn ngữ cổ điển ấy: chỉ là sự điên rồ, không hơn… Hình như anh lại không đồng ý với tôi phải không, Karamazov?

– Tôi không đồng ý. – Aliosa mỉm cười dè dặt.

– Nhưng ngôn ngữ cổ điển, nếu anh biết hết ý kiến của tôi về chúng thì đấy là một biện pháp cảnh sát, chúng được lập nên chỉ nhằm mục đích ấy. – Kolia bắt đầu lại thở hổn hển. – Chúng được lập nên chỉ vì chúng tẻ ngắt, vì chúng làm cùn nhụt khả năng. Đã sẵn tẻ nhạt rồi thì phải làm thế nào để càng tẻ nhạt hơn nữa. Đã ngu xuẩn thì phải làm thế nào để càng ngu xuẩn hơn nữa. Thế là người ta nghĩ ra các thứ ngữ cổ điển. Đấy là ý nghĩ đầy đủ của tôi về chúng, và tôi hy vọng rằng tôi sẽ không bao giờ thay đổi ý nghĩ ấy, – Kolia dứt lời một cách gay gắt. Mỗi bên má nó nổi lên một điểm màu hồng.

– Đấy là sự thật! – Xmurov vẫn chăm chú nghe, bỗng lên tiếng tán đồng bằng giọng lanh lảnh và quả quyết – Thế mà anh là người đứng đầu lớp về tiếng Latin! – Một đứa trong đám trẻ bỗng thốt lên.

– Đúng đấy, ba ạ, anh ấy nói thế, nhưng anh ấy là người đứng đầu lớp về tiếng Latin đấy. – Ilusa cũng nói.

– Thế là thế nào? – Kolia thấy cần thiết phải tự vệ, tuy nó rất thích lời ca ngợi. – Tiếng Latin tôi học thuộc lòng, bởi vì cần phải như thế, bởi vì tôi đã hứa với mẹ rằng sẽ học xong giáo trình, mà tôi cho rằng đã bắt tay vào việc gì thì phải làm cho tốt, nhưng trong thâm tâm tôi khinh bỉ sâu sắc môn học cổ điển và tất cả cái trò ti tiện ấy… Anh có đồng ý không, anh Karamazov?

– Nhưng tại sao lại là “ti tiện”? – Aliosa lại mỉm cười.

– Này anh ạ, các tác phẩm cổ điển đều được dịch ra mọi thứ tiếng, thành thử chẳng cần biết tiếng Latin mới nghiên cứu được các tác giả cổ điển, mà đấy chỉ là biện pháp cảnh sát, và cốt để làm cùn nhụt khả năng của người ta. Thế không phải là ti tiện thì là gì?

– Ai dạy cho cậu những điều ấy? – Cuối cùng Aliosa ngạc nhiên kêu lên.

– Thứ nhất là chính tôi có thể hiểu được, chẳng cần ai dạy cả. Thứ hai, điều tôi vừa nói với anh về các nhà cổ điển đã được dịch ra thì chính Kolbaxinikov đã nói với toàn thể học sinh lớp ba…

– Bác sĩ đã đến! – Ninochka bỗng kêu lên, suốt từ đầu đến giờ cô vẫn im lặng. Thực vậy, chiếc xe ngựa của bà Khokhlakova tới gần cổng nhà. Đại úy chờ đợi bác sĩ suốt buổi sáng, đâm bổ ra cổng đón ông. Bà vợ lấy lại tư thế và ra bộ trịnh trọng. Aliosa tới gần Iliusa và sửa lại chiếc gối cho nó. Ninochka trong chiếc ghế bành của mình lo lắng nhìn Aliosa sửa lại chăn gối cho ngay ngắn.

Chúng bạn vội vã từ biệt ra về, một số đứa hẹn ngày mai lại đến. Kolia gọi Chuông rền, con chó từ trên giường nhảy xuống.

– Tôi không về đâu, tôi không về đâu! – Kolia hối hả nói với Iliusa. – Tôi sẽ chờ ở phòng ngoài và khi bác sĩ ra về thì tôi sẽ lại vào với con Chuông rền.

Bác sĩ vào phòng, đây là một người dáng bộ quan trọng, mặc chiếc áo choàng lông gấu, có bộ râu ria dài, thẫm màu, cầm cạo nhẵn bóng. Bước qua ngưỡng cửa, ông đột ngột dừng lại, dường như sững sờ: chắc hẳn ông cảm thấy mình vào nhầm chỗ: “Cái gì thế? Tôi đứng ở đâu thế này?”. Ông lẩm bẩm, không bỏ áo choàng lông và không cất bỏ chiếc mũ lưỡi trai lông sư tử biển có lưỡi trai cũng bằng da sư tử biển. Nhà đông người, cảnh nghèo nàn của căn buồng, quần áo lót treo trên sợi dây chăng trong góc nhà. Đại úy cúi gập mình trước mặt bác sĩ.

– Dạ đúng đây đấy ạ, đúng nhà đây. – ông nói lúng búng với giọng xun xoe. – Dạ đúng nhà đấy ạ, ông hạ cố đến nhà tôi…

– Xneghiriov phải không? – ông bác sĩ nói to, giọng trịnh trọng. – ông là ông Xneghiriov phải không?

– Dạ, chính tôi.

– A!

Bác sĩ một lần nữa khinh bỉ nhìn “khắp căn phòng” và cởi chiếc áo lông. Mọi người đều nhìn thấy tấm huân chương quan trọng sáng lóe trên cổ ông. Đại úy đỡ lấy chiếc áo lông còn bác sĩ bỏ mũ lưỡi trai.

– Người ốm đâu? – ông lớn tiếng hỏi bằng giọng hách dịch.

Chú thích:

(1) Tiếng Latin: điều kiện tất nhiên

Trước
image
Chương 68
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
  • Chương 23
  • Chương 24
  • Chương 25
  • Chương 26
  • Chương 27
  • Chương 28
  • Chương 29
  • Chương 30
  • Chương 31
  • Chương 32
  • Chương 33
  • Chương 34
  • Chương 35
  • Chương 36
  • Chương 37
  • Chương 38
  • Chương 39
  • Chương 40
  • Chương 41
  • Chương 42
  • Chương 43
  • Chương 44
  • Chương 45
  • Chương 46
  • Chương 47
  • Chương 48
  • Chương 49
  • Chương 50
  • Chương 51
  • Chương 52
  • Chương 53
  • Chương 54
  • Chương 55
  • Chương 56
  • Chương 57
  • Chương 58
  • Chương 59
  • Chương 60
  • Chương 61
  • Chương 62
  • Chương 63
  • Chương 64
  • Chương 65
  • Chương 66
  • Chương 67
  • Chương 68
  • Chương 69
  • Chương 70
  • Chương 71
  • Chương 72
  • Chương 73
  • Chương 74
  • Chương 75
  • Chương 76
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!