Người ở bên tay trái của tôi

Chương 3
Trước
image
Chương 4
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

Mấy hôm sau, trong tiết sinh hoạt lớp buổi chiều, lúc tôi đang đọc <Vây thành> thì người bên trái dùng khuỷu tay khẽ huých cánh tay tôi. Tôi ngẩng đầu, thấy Trương Dịch khẽ mỉm cười.

Nụ cười của cậu ấy đơn thuần và sạch sẽ, tựa như tia nắng rực rỡ cuối xuân, mang theo lực xuyên thấu chiếu rọi khắp mọi nơi.

“Cái này, trả cậu.” Cậu ấy đẩy quyển sách được bọc trong bọc sách qua, có bốn góc đều nhau, góc nào cũng cứng cáp và thẳng thớm.

Tôi lật lật trang bìa ra, là quyển <Thế giới bình thường> tập 1 của tôi.

“Không cần khách sáo.” Tôi mỉm cười, sau đó bắt đầu cảm thấy ảo não: Vì sao tôi không có nụ cười ngọt ngào như Hạ Vi Vi nhỉ?

“Tiếp theo.” Cậu ấy vươn tay, bàn tay mở ra ở trước mặt tôi, ngón tay thon dài, ngón trỏ còn dán một cái urgo.

“Tay cậu sao vậy?” Tôi theo bản năng hỏi nhiều thêm một câu.

“Chơi bóng, bị thương.” Cậu ấy không để bụng liếc một cái, tay vẫn mở như cũ: “Sách, cậu hứa cho tôi mượn rồi mà.”

“Trương Dịch, cậu đọc sách nhanh như thế, không ảnh hưởng đến việc học bài sao? Ba mẹ cậu mặc kệ à?” Tôi nghi ngờ cấu tạo đại não của người với người khác nhau. Nếu không tại sao tôi đọc sách ngoại khoá thì bị coi là hết thuốc chữa, còn cậu ấy đọc thì được coi là đọc nhiều sách vở?

“Làm bài tập xong rồi, đọc sách chỉ tính là thư giãn thôi.” Giọng cậu ấy bình tĩnh: “Học sinh ai cũng vậy, chỉ cần cậu học giỏi, một tốt che trăm xấu.” Cậu ấy dừng một chút: “Khi còn học cấp hai, tôi cực mê đọc truyện, đến lúc thi thì xếp thứ 3 từ dưới đếm lên. Về nhà mẹ tôi dùng chổi lông gà đánh tôi 12 phát, đánh đến khi sau lưng nở hoa tưng bừng mới thôi.”

Tôi hít hà một hơi.

12 phát, cậu ấy nhớ rõ vậy luôn.

Cậu ấy dùng tay mô tả lại: “Cái chổi lông gà “bụp” một cái rồi gãy luôn.”

Tôi nói không nên lời. Có lẽ, tôi chỉ không muốn thừa nhận: Nếu mẹ cũng đánh tôi, chắc tôi không đến mức như ngày hôm nay. Thất bại thảm hại như vậy, rối tinh rối mù, hết đường xoay xở.

Nhưng mà, vì sao mẹ tôi không hề quan tâm thành tích của tôi một chút nào chứ?

Nỗi oán hận tựa như một con giun đất, lặng lẽ lớn lên trong lòng tôi, uốn lượn nhẹ nhàng.

Rốt cuộc vẫn nhịn không được hỏi: “Sau đó thì sao?”

“Sau đó ——” Cậu ấy dừng lại, ánh mắt sáng ngời trở nên mơ hồ: “Sau này tôi trở thành con ngoan trò giỏi trong miệng mọi người, thi cử đứng nhất, đoạt giải này nọ, mẹ không còn quản tôi nữa.”

“Rốt cuộc vẫn thỏa hiệp.” Tôi liếc cậu ấy một cái.

“Có nhiều lúc thỏa hiệp không hẳn là thua cuộc.” Cậu ấy giải thích, tay vẽ trên bàn không theo quy tắc nào, ánh lên dưới nắng chiều.

“Ồ ——” Tôi đáp lại.

“Trở thành học sinh giỏi, đối với cậu thì chẳng khó chút nào.” Cậu ấy nhìn sách giáo khoa trên tay, giọng nói trầm thấp và nhẹ nhàng.

“Nghe giống những lời cằn nhằn của bà ngoại tôi thật.” Tôi nói đùa.

“Thật mà, cậu thông minh như vậy, nên cho bản thân một cơ hội chứ.” Cậu ấy vẫn không tức giận.

Thông minh ư? Từ khi bước chân vào tiểu học năm lên 7, cái tính từ này càng ngày càng cách xa tôi. Cơ hội? Cơ hội là gì cơ?

“Trở thành con ngoan trò giỏi được mọi người công nhận, giải tỏa áp lực, làm điều cậu muốn, không phải không có những cơ hội này. Thật ra như cuốn sách này nói, tự do là tự do có kỷ luật, kỷ luật là kỷ luật có tự do, trên thế giới này chuyện gì cũng có quy tắc riêng của nó.”

Triết lý quá, từ miệng cậu ấy nói ra, nghe cứ bị nhịu kiểu gì ấy.

Tôi im lặng, mặc dù cảm thấy cô gái thông minh cậu ấy đang nói đến không phải là mình, nhưng tôi không khỏi suy nghĩ: Có lẽ tôi có thể cân nhắc đề nghị của cậu ấy thử xem?

“Đi ngược lại những quy tắc đã được mọi người công nhận, có thể thành công nhưng chưa chắc đã vui vẻ. Đôi khi thỏa hiệp một chút có thể sẽ nhận được những bất ngờ không lường trước được…” Cậu ấy nhìn tôi: “Đủ mạnh mẽ, sẽ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.”

Đáy lòng có thứ gì đó nổ “bùm” một tiếng, những mảnh vỡ khơi dậy lớp bụi cũ kĩ.

Tôi chợt nhận ra, thật ra lời cậu ấy nói không hề sai.

Nhưng lại cảm thấy xấu hổ: Sao tôi phải nghe lời cậu ấy chứ?

Mang theo vài phần chỉ điểm, vài phần dạy bảo, một chút trưởng thành, đôi phần từng trải, ngay từ ban đầu chúng tôi đã không cùng một loại người.

Điều đó có nghĩa là, dù có thế nào đi chăng nữa cũng sẽ vĩnh viễn không tương phùng?

Lòng tôi chợt thắt lại, ngực cứ tưng tức, phập phồng theo hơi thở, rất khó chịu.

“Chẳng phải cậu muốn mượn sách à? Nhớ trả đúng hạn.” Tôi đẩy cuốn <Thế giới bình thường> tập 2 ra trước mặt cậu ấy, cậu ấy hơi ngây ra một lúc rồi mới nhận.

Tôi thuận tay tháo bọc sách cuốn tập 1 ra rồi nhét vào tay cậu ấy: “Không cần phải bọc mới đâu, cái này vẫn dùng được.”

Cậu ấy sững sờ, sau đó cầm lấy bọc sách, dùng ngón trỏ dán urgo miết lấy góc bìa sách rồi lau từng chút một.

“Bọc sách kỹ vậy, cẩn thận cứ như con gái ấy.” Tôi lên tiếng phá vỡ bầu không khí đông cứng.

Cậu ấy bật cười, vươn tay ra cầm cuốn tập 2 lên rồi bọc lại: “Tôi còn tưởng cậu chê tôi làm chuyện thừa thãi.”

Tôi lườm cậu ấy một cái: “Làm gì có, người ta giữ gìn sách giúp tôi tôi cảm ơn còn không kịp.”

Cuối cùng chúng tôi nhìn nhau cười.

Loáng thoáng thấy Hạ Vi Vi ngẩng đầu nhanh chóng liếc chúng tôi một cái, ánh mắt phức tạp, sau đó lập tức cúi đầu tiếp tục làm bài tập.

Tôi vờ như không thấy gì cả.

Suy nghĩ của con trai luôn luôn khác với con gái.

Ví dụ như, con trai thích đọc <Ngược xuôi năm nghìn năm>, <Lăng Phong Tuyết>, <Mười chiến lược kinh doanh thương hiệu hàng đầu thế giới>,…

Mà hình như tôi cũng nhớ rằng ngoài tôi ra các bạn nữ trong trường chẳng ai đọc mấy cuốn này cả. Bọn họ chỉ hào hứng, vội vã tìm kiếm những cuốn truyện ngôn tình trên giá sách của tôi. Nhưng mà điều này sao có thể xảy ra chứ?

Dùng đầu ngón chân để nghĩ cũng biết: Cha mẹ có thể mua cho tôi các tác phẩm về tình yêu nổi tiếng như <Cuốn theo chiều gió>, <Anna Karenina> nhưng sẽ không bao giờ mua những cuốn truyện ngôn tình hay tiểu thuyết võ hiệp linh tinh.

Những cuốn sách đó, những cuốn sách đã mang đến cho tôi một thế giới vô cùng rộng lớn, những cuốn sách thuộc về riêng tôi, lặng lẽ nằm trong phòng tôi như một hàng lính, chứng kiến mỗi một ngày, mỗi một tháng, mỗi một năm tôi đã trải qua.

Đương nhiên nó cũng bao gồm cả tình cảm thầm mến vừa lặng lẽ lại vừa đẹp đẽ.

Nhưng bây giờ cuối cùng những cuốn sách đó cũng được chào đón độc giả thứ hai ngoài tôi.

Tốc độ đọc sách của Trương Dịch cực kỳ nhanh, sau khi đã đọc hết mấy chục cuốn sách trên giá sách của tôi, trong kỳ thi cuối kỳ, cậu ấy đã xếp thứ 2 toàn khóa.

Tôi thấy hơi hối hận: Nếu không phải tại tôi, có phải cậu ấy đã lấy được hạng nhất rồi không?

Sau khi thành tích được công bố, cả ngày hôm đó tôi không nói chuyện với cậu ấy. Cậu ấy nhận ra nhưng không nói gì cả.

Cho đến khi không nhịn được nữa.

Lúc tan học, tôi đi phía trước, cậu ấy đuổi theo, nói một câu không đầu không đuôi: “Chuyện này không liên quan đến cậu.”

Tôi thoáng sững sờ —— Tôi nghĩ gì, cậu ấy đều biết hết.

Tôi liếc mắt nhìn cậu, chàng trai cao ráo với đôi chân thon dài, mỗi khi bước đi lúc nào cũng duỗi thẳng lưng, cúc áo đồng phục vẫn được đóng đến tận cái trên cùng, huy hiệu trường trước ngực lấp lánh.

“Thật mà, không liên quan gì đến cậu cả.” Cậu ấy nhắc lại.

“Vậy thì tốt.” Nói xong, tôi chợt thấy hối hận. Phải biết cái gì nên nói cái gì không nên nói chứ. Rõ ràng muốn nói lời gì đó dễ nghe, ví dụ như “tôi sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học của cậu”, “tôi lo lắng cho cậu” hay “tôi mong cậu sẽ thi tốt”,… nhưng lại không nói ra được thành lời.

Cuối cùng, tôi vẫn là một cô gái cứng nhắc và khó ưa.

Dường như tôi sẽ thất vọng với bản thân mình mất: Người như tôi, quả thật chẳng đáng yêu tẹo nào.

Cậu ấy bước nhanh vài bước rồi chắn trước mặt tôi. Nhất thời, một bóng lưng cao lớn xuất hiện trước mắt, tôi xuýt thì đụng vào cậu ấy.

Tôi ngẩng đầu, có phần tức giận nhìn cậu ấy. Cậu ấy tỏ vẻ vô tội đứng trước mặt tôi, khóe miệng vương ý cười. Lúc đứng thẳng như vậy, tôi chợt nhận ra chiều cao giữa chúng tôi lại chênh lệch nhiều như thế.

“Sao lại không vui vậy?” Cậu ấy đứng yên bất động.

Tôi nhìn cậu ấy, không đáp.

Tôi vừa bước sang trái một bước, cậu ấy nhìn thấy, cũng chắn phía bên trái tôi.

Tôi lại bước sang bên phải một bước, cậu ấy lại bước sang phải theo.

Tôi đứng lại.

Ánh nắng chiều ấm áp đến nỗi khiến tôi phải nheo mắt lại. Phía sau lưng cậu, mặt trời lặn như một quả cầu màu đỏ, ánh mặt trời rắc một tầng màu cam nhạt lên bóng lưng cậu ấy.

“Sao lại không vui, cả ngày chẳng nói gì cả.” Cậu ấy vẫn hỏi.

“Không phải.”

“Vậy sao không để ý đến tôi?” Bất khuất và liều lĩnh.

“Thi được điểm kém, không vui.” Đây cũng có thể coi là lời thật lòng ha?

Cậu ấy không nói gì nữa, chỉ cúi đầu nhìn tôi. Tôi có thể cảm nhận được nụ cười trên khóe môi chàng trai trước mặt đang dần lộ rõ, từ từ lan ra thành một hình cung tuyệt đẹp.

“Tôi sẽ giúp cậu!” Đề nghị rất chi là nhiệt tình.

Tôi im lặng: Chắc đây là tình tiết kinh điển trong truyện tranh thiếu nữ nhỉ? Một người giúp người kia học tập, hai người dần trở nên thân thiết hơn.

Đây là khung cảnh tôi vẫn luôn mong chờ mà, tại sao tôi lại thấy không vui chứ?

Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng nhận ra: Chúng tôi không bình đẳng. Trong truyện tranh thiếu nữ thường thấy bạn nữ giúp bạn nam học tập, có vẻ bạn nam thông minh sáng dạ nhưng do nghịch ngợm nên thành tích không tốt. Nhưng mà đến lượt chúng tôi sao lại thành bạn nam giúp bạn nữ học vậy?

Lòng tự trọng mong manh của tôi tan thành từng mảnh rơi xuống đất.

Tôi ngẩng đầu, có thể nhìn thấy nét mặt chân thành của cậu ấy, muốn từ chối thẳng thừng nhưng lại không đành lòng.

Cậu ấy vẫn đứng trước mặt tôi, đút tay trong túi áo chờ tôi trả lời. Dưới ánh nắng, cậu hơi nheo mắt lại, yên tĩnh và xinh đẹp, giống như chàng hoàng tử điềm tĩnh và cao quý trong yến hội hoàng cung lúc mười hai giờ.

Đột nhiên tôi thấy mềm lòng. Câu nói có thể làm tổn thương người khác này, chẳng hiểu sao đã bị nuốt vào lòng.

Tôi do dự rất lâu, cuối cùng vẫn nói: “Vậy thì, cảm ơn cậu.”

Một nụ cười tươi như nắng nở rộ trên gương mặt chàng trai. Cậu ấy khẽ huýt sáo, thanh thúy như tiếng lá cây đột nhiên rơi xuống nước, đập tan sự tĩnh lặng vô tận trong khe núi.

Cậu ấy xoay người, vẫn đi phía bên trái tôi như cũ. 5 giờ 40 phút chiều —— tôi lén nhìn đồng hồ, có thể nhìn thấy phố xá đông người qua lại bên cạnh, người đi đường rộn ràng náo nhiệt, mà chàng trai ở bên tay trái của tôi lại khiến tôi chỉ nghe thấy tiếng tim đập của chính mình.

Ngoài tiếng động đó ra, thế giới thật sự yên tĩnh.

Đó là “yêu” sao? Tôi hoang mang tự hỏi. Nhưng sự mặc cảm tồn tại đã lâu khiến tôi không thể tìm được đáp án.

Tôi chỉ có thể mỉm cười tự giễu, thầm xấu hổ vì sự ngốc nghếch của bản thân —— vốn dĩ tôi có thể từ chối chuyện đó một cách nhẹ nhàng, nhưng cuối cùng vẫn đón nhận nó một cách khúm núm.

Nhưng sau đó tôi lại nghĩ, nội tâm của Trương Dịch chắc không phức tạp như tôi đâu nhỉ? Cậu ấy giống như một gốc cây bạch dương cao ngất, vươn thẳng lên tận trời cao, chắc nội tâm chẳng bao giờ đấu tranh gay gắt đâu nhỉ?

Thế đấy, đó là do tôi không tốt: Lòng dạ tôi hẹp hòi, không thể phóng khoáng nổi, chộn rộn không an phận vào mỗi buổi chiều, trong mỗi tiết tự học hay mỗi lần đi học.

Tuy nhiên Trương Dịch là một người thầy vô cùng kiên nhẫn. Tôi phải thừa nhận điểm này dù bao nhiêu năm trôi qua đi chăng nữa. Bởi vì đứng trước học trò ngốc nghếch như tôi, cậu ấy chưa bao giờ thấy phiền: Mỗi lần thay đổi cách giúp đỡ, mỗi lần bổ sung lời giải,… những hàng chữ vuông vắn có lực dày đặc trên tờ giấy nháp tựa như những bước chân quả quyết của thanh xuân, cất bước không ngừng nghỉ.

Trong kỳ thi của một tháng sau, lần đầu tiên điểm Toán của tôi lên tới 75 điểm!

Mặc dù điểm tuyệt đối là 150 điểm, nhưng đối với tôi đó đã là một điều bất ngờ quá lớn.

Trương Dịch thản nhiên nhận lời cảm ơn của tôi: Khi tôi mời cậu ấy ăn MCDonald, dáng vẻ cậu ấy vừa ăn vừa trò chuyện, nụ cười tự nhiên thoải mái khiến tôi ảo tưởng rằng chúng tôi đã quen biết nhau từ lâu. Cảm giác này khiến tôi nghĩ rằng: Tôi của ngày xưa chỉ là ảo giác, còn tôi của bây giờ mới là một tôi thật sự.

Ít nhất thì hôm nay tôi có thể thoải mái nói cười ồn ào, thảo luận những chủ đề ngoài sách rồi lại dần dần nhắc đến sách ngoại khóa, trông vừa thông minh vừa đầy sức sống.

Lần đầu tiên tôi phát hiện, hóa ra mình lại có một thế giới nội tâm phong phú và bí mật đến vậy, giống như một khu vườn sau nhà, tồn tại một cách dè dặt trong thế giới của tôi.

Mà Trương Dịch, cậu ấy mỉm cười ngồi đối diện với tôi, lắng nghe lời tôi kể và cũng kể chuyện cho tôi nghe.

Trong trí nhớ của tôi năm 16 tuổi, những cuốn sách mà cậu ấy kể, một mẩu suy nghĩ chợt lóe lên lại giống như một viên đá bị ném qua mặt hồ phẳng lặng, khẽ lướt qua mặt nước, một cái, hai cái, ba cái,…

Hết lớp sóng này đến lớp sóng khác, mãi chẳng nguôi ngoai.

Khi mùa xuân sắp đến cũng là lúc sinh nhật tôi sắp tới, mẹ đã gửi rất nhiều sách về làm quà sinh nhật cho tôi.

Tôi đến bưu điện để lấy gói hàng, lúc lấy xong đi ra, bước qua lớp lớp đỉnh đầu đen nhánh và đám đông quần áo nhiều màu sắc, nhưng chỉ liếc mắt một cái tôi đã nhận ra một gốc cây bạch dương cao ngất nổi bật giữa dòng người.

Đó là Trương Dịch.

Trên tay cậu là một phong thư và cậu đang thả vào hòm bưu điện. Thả xong, lúc xoay người lại, ánh mắt cậu lướt qua, sau một thoáng ngẩn ngơ cậu ấy đột nhiên mỉm cười.

Cách một đám đông, cậu ấy vẫy vẫy tay. Tôi xấu hổ gật đầu đáp lại, sau đó cậu sải bước tới.

Cậu ấy đi tới trước mặt tôi, thấy gói hàng trên mặt đất, trông cậu ấy có vẻ ngạc nhiên: “Gói hàng lớn này là của cậu hả?”

Tôi gật đầu: “Mẹ tôi gửi về.”

“Nhiều vậy.” Cậu ấy không thể tin được.

Tôi khẽ cười: “Quà sinh nhật đó.”

Cậu ấy sửng sốt: “Sinh nhật cậu? Ngày nào vậy?”

“Mùng 6 tháng 3, thứ năm tuần sau.”

Tôi cố gắng khiến giọng nói của mình nghe có vẻ hờ hững.

Cậu ấy “Ồ” một tiếng rồi nhanh chóng bê gói hàng lên: “Tôi bê giúp cậu nhé.”

Tôi lập tức ngăn lại: “Tôi có thể tự bê được.”

Cậu ấy cúi đầu nhìn gói hàng cực lớn trước mắt sau đó đưa mắt đánh giá tôi: “Bằng cái vóc dáng này của cậu, thôi, để tôi bê giúp cậu.”

Khi nói chuyện, tay cậu hơi dùng lực, gói hàng được cậu bê cực kỳ vững vàng, mà tôi chỉ có thể cun cút nhắm mắt theo đuôi cậu ấy.

Có lẽ cuộc chạm trán bất thình lình đã tăng thêm yếu tố bất ngờ cho nên chúng tôi im lặng suốt quãng đường. Nhưng không hiểu sao trong lòng vẫn hơi kích động, tựa như ba tia pháo hoa vụt sáng giữa bầu trời đêm, hay vài giọt nước bắn lên khi cá nhảy ra khỏi ao —— không mạnh mẽ nhưng cực kỳ sống động.

Mặc dù không nói gì nhưng bước chân bước rất nhanh, nhoáng cái đã đi tới đầu ngõ. Tôi dừng bước, cậu ấy liếc nhìn tôi một cái rồi nhẹ nhàng đặt gói hàng xuống đất.

Lúc ăn cơm tối, bà hỏi tôi: “Cậu bé hôm nay lấy sách giúp cháu là ai thế?”

Tôi đáp bằng giọng không kiên nhẫn: “Bạn cùng lớp ạ.”

Bà lại hỏi: “Tại sao cậu bé đó bê sách giúp cháu vậy?”

Tôi không còn kiên nhẫn nữa: “Tình cờ gặp ạ, vừa ra khỏi bưu điện đã gặp rồi.”

Bà không nói nữa.

Buổi tối, tôi về phòng viết nhật ký. Cuốn nhật ký có chiếc khóa nhỏ màu xanh nhạt hơi lóe sáng dưới ánh đèn bàn. Tôi đề bút ghi lại những khoảnh khắc rung động lòng người ấy: Nụ cười dịu dàng, dấu vết màu đỏ sậm trên tay cùng với bóng lưng tản ra tựa sương mù nơi góc phố.

Cả bà ngoại hay cằn nhằn và thích lo chuyện bao đồng.

Trong thành phố nhỏ này, tôi và bà ngoại sống nương tựa vào nhau.

Ông bà nội tôi mất sớm, năm tôi lên 1 tuổi, bà ngoại đã nuôi nấng tôi.

Bà là người phương Nam, tới giờ khi nói chuyện giọng vẫn mang khẩu âm người miền Nam. Nghe nói năm đó vì ông ngoại bà mới lặn lội xa xôi theo quân tới thành phố chỉ có biển mà không có Trường Giang này. Cả đời bà chỉ sinh được một người con chính là mẹ tôi. Nhưng ngay cả đứa con duy nhất cũng không ở bên cạnh bà. Bà là một bà lão quật cường, trước giờ chưa bao giờ thấy bà nói nhớ mẹ tôi, nhưng tôi biết trong những đêm dài yên tĩnh, bà luôn lật lại cuốn album cũ xem dáng vẻ mẹ tôi từ năm 4 tuổi cho tới năm 40 tuổi.

Đương nhiên tôi thừa nhận bà rất yêu tôi. Hồi nhỏ tôi ốm yếu, sinh bệnh liên tục. Bà thà ngồi canh nồi thuốc Đông y trên bếp than tổ ong giữa ngày hè nóng nực chứ quyết không tin thuốc Tây. Mùi thuốc Đông y lan khắp khoảng sân nhỏ, cái mùi đắng ngắt ấy đã xâm chiếm cả tuổi thơ tôi. Ánh dương chói mắt, bà ngoại không ngừng phe phẩy chiếc quạt hương bồ dưới ánh nắng cùng với lò than tổ ong nho nhỏ đã hợp lại thành một bức họa khổng lồ —— có rất nhiều kẽ hở vụn vặt, nhưng rất hoàn chỉnh và long trọng.

Loại chất lỏng màu nâu này quả thực rất đắng, cực kỳ đắng.

Có nhiều lúc tôi vừa khóc vừa hất bát thuốc đi, bà vẫn kiên nhẫn rót thêm một bát rồi dỗ tôi: “Tiểu Đào, uống đi, uống xong bà ngoại cho cháu ăn kẹo.”

Trong tay bà là chiếc kẹo socola hình trái tim vị rượu, tôi vươn tay nhưng bà không đưa nó cho tôi. Bà đặt bát thuốc bên miệng tôi trước, dỗ dành tôi: “Nín thở một lúc, uống một ngụm không đắng đâu, uống xong chúng ta ăn kẹo nhé!”

Nhưng đó là những ký ức rất xưa rồi, sự thật là khi số tuổi của bà càng lớn, bà càng ngày càng thích xen vào chuyện của tôi, dường như bà luôn hiếu kỳ, luôn muốn quản tất cả mọi thứ liên quan đến tôi. Bất kể là cổ áo đồng phục của tôi có giặt sạch hay không, đi học quên mang huy hiệu trường hay là thành tích không tốt, bà đều có thể mang ra càm ràm suốt cả ngày. Từ sự cẩu thả bất cẩn của tôi đến lười nhác làm cho có lệ chứ không chịu chăm chỉ,… sự càm ràm của bà khiến tôi càng ngày càng thấy phiền, bắt đầu chống đối bà theo thói quen.

Mỗi khi tôi chống đối, bà luôn nổi giận và mắng tôi, mặc dù luôn quanh đi quẩn lại mấy câu: “Mày là đồ không có lương tâm, bà nuôi mày từ nhỏ đến giờ dễ dàng sao? Đến mẹ mày cũng không quản mày, từng ấy năm không về nhà lấy một lần…” Dần dần, nó trở thành một buổi ngầm chỉ trích phê bình mẹ tôi.

Nhưng bà giận thì giận, bình thường không quá nửa giờ là hết ngay, lại bắt đầu một vòng tròn quan tâm, càm ràm, trách cứ mới…

Bà đã già rồi, lưng bà còng, tai bị lãng và tóc đã bạc trắng.

Đôi khi tôi sẽ nghĩ, có khi nào theo số tuổi càng tăng, lòng của tôi cách bà càng xa hay không?

Nếu không thì tại sao khi tôi dần lớn khôn, cuộc đối kháng giữa chúng tôi càng ngày càng gay gắt?

Sinh nhật lần thứ 16 đến thật lặng lẽ.

Sách nói rằng tuổi 16 là tuổi hoa rực rỡ nhất, nhưng 16 tuổi, vì kỳ thi tuyển sinh đại học không còn xa nữa mà thứ gọi là đóa hoa của cuộc đời ấy chỉ có thể nở trong cô độc và yếu ớt, khiến người ta không dám chạm vào.

Đối với tôi, sinh nhật tuổi 16 chẳng có gì đáng nói: Không có bánh gato mẹ tặng, không có nụ cười chúc phúc của ba. Từ nhỏ đến lớn, tôi chỉ có một bát mì canh suông của bà ngoại —— Bà ngoại luôn nói bánh sinh nhật là thú vui của người nước ngoài, còn người Trung Quốc phải ăn mì mới có thể trường thọ. Dần dần, tôi nghe mãi quen nên không tranh cãi nữa. Đương nhiên tôi cũng chẳng có ước nguyện đặc biệt nào.

5 rưỡi chiều, cuối cùng tiếng chuông tan học cũng phá thủng bầu không khí tù đọng. Âm cuối kéo dài vang vọng giữa muôn ngàn tiếng gọi.

Phòng học lập tức trở nên ồn ào và huyên náo.

Tôi thu dọn sách vở chuẩn bị về nhà, Trương Dịch thì đang lề mề thu dọn đồ đạc. Chẳng mấy chốc trong lớp chỉ còn mỗi học sinh hôm nay trực nhật. Nhưng khi tôi chuẩn bị rời khỏi chỗ ngồi, một bàn tay nhanh chóng luồn vào ngăn bàn tôi. Tôi ngạc nhiên ngẩng đầu lên, thấy Trương Dịch đứng một bên, ngại ngùng cười.

“Sinh nhật vui vẻ!” Cậu ấy nói. Nụ cười chân thành tràn ngập trên khuôn mặt cậu, ngây thơ như một đứa trẻ.

Tôi giật mình.

Niềm vui tựa bọt biển trong vắt giữa tầng xanh lam dần dần lan ra và lấp lánh dưới ánh mặt trời. Chúng dâng lên từng tầng từng lớp, từ dưới lên trên, vây quanh tôi thật chặt. Khi trái tim được bao bọc bởi lớp bọt biển nhẹ nhàng xinh đẹp nhường ấy, trong lòng chợt dâng lên một cảm giác hạnh phúc, như có một nhát búa nhỏ đập nhẹ vào tim, phát ra tiếng “thình thịch” trong không gian tĩnh mịch.

Đây là lời chúc duy nhất mà tôi nhận được trong lớp học nhỏ này vào ngày sinh nhật thứ 16 của mình!

Có lẽ nên thấy chua chát, nhưng vì thứ gọi là “duy nhất” mà nó càng trở nên trân quý hơn!

“Sinh nhật vui vẻ nhé.” Cậu ấy nhắc lại, sau đó chỉ vào ngăn bàn của tôi, mỉm cười: “Quà sinh nhật.”

Nói xong, cậu ấy đeo cặp sách rồi ra khỏi lớp.Tôi quay đầu trông ra cửa, bọn Từ Sướng đang đứng trong góc cầu thang nhìn xung quanh, thấy Trương Dịch ra ngoài, bọn họ lớn tiếng trách cậu rề rà.

Tôi cúi đầu nhìn ngăn bàn của mình. Có lẽ vẫn còn một chút do dự và chần chừ cùng với chút tự ti và khó thể tin được —— trái tim tôi phồng lên và thít chặt lại chỉ trong vài giây ngắn ngủi.

Tôi vươn tay vào ngăn bàn, chạm đến một vật gì đó cứng cứng.

Tôi cẩn thận lấy nó ra, khoảnh khắc nó hiện ra trong không khí, tôi như nín thở —— Đó là một ngôi nhà nhỏ bằng pha lê trong suốt!

Cửa lớn, cửa sổ, ống khói, cái nào cũng đáng yêu và đang sáng lấp lánh dưới ánh đèn huỳnh quang!

Trái tim tôi như bong bóng sắp nổ, đang căng phồng lên vì hạnh phúc!

Tối hôm đó, tôi đặt căn nhà pha lê này trên bàn học của mình rồi vẽ lại hình dáng của nó vào trong nhật ký. Dưới ánh sáng đèn bàn, trông nó thật rực rỡ, yên bình và tốt đẹp.

Lúc tôi đang vẽ, bà ngoại đi vào. Bà liếc mắt là thấy căn nhà nhỏ xinh đẹp này, sự ngạc nhiên thoáng lên trên khuôn mặt.

Bà khen: “Đẹp thế!”

Tôi mỉm cười với bà, không nói gì.

Bà vẫn nhìn chằm chằm căn nhà kia rồi nói với tôi: “Điện thoại của ba mẹ cháu, mau ra nghe đi.”

Tôi đưa mắt nhìn bà một cái, còn bà vẫn đang nhìn căn nhà pha lê kia. Bà cúi xuống, hơi khom lưng, ghé sát vào xem.

Khóe mắt bà có thật nhiều nếp nhăn, đó là dấu vết của thời gian.

Lúc ra khỏi phòng, tôi vô thức sờ lên mặt, có phần kinh ngạc: Một ngày không xa, tôi sẽ già đi như bà ngoại, đúng không? Phải chăng bà cũng từng có những năm tháng đẹp nhất? Có phải cũng từng trẻ trung và hạnh phúc như tôi ngày hôm nay? Thời gian —— hóa ra là một loại sức mạnh kỳ diệu mà không thể đảo ngược.

Cuộc gọi với ba mẹ kết thúc rất nhanh.

Tôi đã sớm quen rồi.

Cuộc gọi của chúng tôi luôn luôn ngắn ngủi. Khoảng lặng dài lấp đầy những cuộc trò chuyện của chúng tôi, và ngay cả những lời chúc phúc hay cằn nhằn của mẹ cũng bù đắp cho những cuộc trò chuyện vụn vỡ này, khiến khoảng cách có vẻ như không còn quá lớn và khiến tình thân cố gắng bù đắp trông có vẻ hòa nhã, nhẹ nhàng và ân cần. Tuy nhiên, nó vẫn chẳng thể che giấu được một sự thật là trái tim chúng tôi đã, đang và sẽ xa cách nhau như vậy.

Từ nhỏ đã thế.

Trong quá trình trưởng thành của tôi, bọn họ đều không ở cạnh bên. Họp phụ huynh luôn là bà ngoại tham gia, cuối tuần cũng là bà ngoại đưa tôi tới công viên. Bà ngoại sức yếu, không thể giúp tôi leo cầu trượt, tôi tự mò mẫm trèo lên, không biết bị ngã bao nhiêu lần. Đối với tôi, hai chữ “tình thân” vừa lạnh nhạt lại vừa xa xôi, cùng với nỗi oán trách chẳng thể nào tiêu tan.

Đôi khi tôi còn nghĩ: Làm một đứa trẻ mồ côi thì sao? Giống như tôi, lớn lên trong sự vắng mặt thường xuyên của cha mẹ, chẳng phải vẫn sống tốt đó sao?

Trái tim cứ dần dần nguội lạnh, trở nên không tin tưởng tất cả mọi thứ xung quanh.

Nhưng bắt đầu từ ngày hôm nay, mọi thứ đã trở nên khác lạ chỉ vì ngôi nhà pha lê này! Bởi vì từ ngày hôm nay, trái tim tôi đã gắn chặt với căn nhà nhỏ bằng pha lê, tồn tại vì nó, và tôi bắt đầu cảm thấy mình không còn cô độc nữa!

Cũng bắt đầu từ ngày hôm đó, tôi thường xuyên mỉm cười ngây ngô với ngôi nhà pha lê. Lúc học bài, lúc đọc sách, vừa ngẩng đầu đã bất giác mỉm cười. Và cũng vì nguyên đó tôi bắt đầu trở nên chăm chỉ lạ thường, ít nhất ngày nào cũng tự tay lau dọn bàn học của mình. Tôi nâng niu căn nhà nhỏ như bảo bối, thậm chí còn không cho bà ngoại động vào bàn học mình, sợ bà tuổi già mắt kém làm rơi ngôi nhà nhỏ của tôi mất.

Bạn có thể thông cảm cho sự hẹp hòi ích kỷ của tôi không? Nếu như bạn đã từng trải qua tuổi 16, có lẽ bạn sẽ hiểu được.

Bởi vì tình cảm trân trọng của tuổi 16 ấy tựa như giấy gói kẹo trong suốt rực rỡ màu sắc dưới ánh mặt trời.

16 tuổi, tôi không biết nó có thể tốt đẹp đến thế.

Trước
image
Chương 4
  • Chương 1
  • Chương 2
  • Chương 3
  • Chương 4
  • Chương 5
  • Chương 6
  • Chương 7
  • Chương 8
  • Chương 9
  • Chương 10
  • Chương 11
  • Chương 12
  • Chương 13
  • Chương 14
  • Chương 15
  • Chương 16
  • Chương 17
  • Chương 18
  • Chương 19
  • Chương 20
  • Chương 21
  • Chương 22
Tiếp

TRUYỆN ĐỀ CỬ

Loading...
error: Content is protected !!