Hãy bỏ qua sự kiện tôi đang đứng đây im lặng và bình thản; nếu nói sự thật, tôi đã phi nước đại nhiều thế kỷ; tôi đã đi qua những thảo nguyên, chiến đấu trong các trận đánh; chở những nàng con gái u sầu của các vương hầu đến lễ cưới; tôi đã phi nước đại hết trang này đến trang khác từ câu chuyện đến lịch sử, từ lịch sử đến truyền thuyết và từ pho sách này đến pho sách khác; tôi xuất hiện trong vô số câu chuyện, truyền thuyết, những cuốn sách và các trận chiến; tôi đi cùng những anh hùng bất khả chiến bại, các cặp tình nhân huyền thoại và những đội quân ly kỳ; tôi phi nước đại từ chiến dịch này đến chiến dịch khác với những vị vua chiến thắng, và do đó, tôi xuất hiện trong vô số tranh minh họa.
Các vị sẽ hỏi, tôi cảm thấy như thế nào khi được vẽ thường xuyên như vậy?
Dĩ nhiên. tôi rất tự hào về mình. Nhưng tôi cũng thắc mắc không biết thực sự có phải chính tôi là kẻ được vẽ trong mọi trường hợp không. Qua những bức tranh này, rõ ràng là mỗi người nhìn tôi một cách khác nhau. Tôi vẫn cảm thấy rất rõ rằng có một sự thống nhất, sự phổ quát đối với những tranh minh họa.
Những người bạn tiểu họa của tôi gần đây có kể lại một câu chuyện, và từ đó tôi biết được điều này: Vua của bọn ngoại giáo Tây vực đang nghĩ đến việc cưới con gái của pháp quan Venice. Ông ta đang cân nhắc chuyện đó, nhưng sau đó lại bị ám ảnh bởi ý nghĩ, “Chuyện gì xảy ra nếu người Venice này nghèo và con gái ông ta xấu?” Để yên tâm, ông ra lệnh cho họa sĩ giỏi nhất vẽ con gái, tài sản, đất đai, đồ dùng cá nhân của pháp quan Venice. Người Venice có thể chẳng mấy ngần ngại việc phô bày thô tục: Họ phơi bày không chỉ con gái của họ cho đôi mắt soi mói của người nghệ sĩ, mà cả ngựa và lâu đài của họ. Người họa sĩ ngoại đạo tài hoa có thể vẽ một thiếu nữ hay một con ngựa sao cho các vị có thể nhận ra ngay giữa đám đông. Trở lại sân trong của ông ta, khi vua Tây vực đang xem xét những bức tranh từ Venice, cân nhắc xem liệu ông ta có nên lấy thiếu nữ đó làm vợ ông ta không, thì con ngựa giống của ông ta bất ngờ thức tỉnh, cố gắng giao cấu với con ngựa cái hấp dẫn trong bức tranh, và những người chăn ngựa buộc phải khống chế con vật hung tợn này trước khi nó phá hủy bức tranh và khung tranh bằng cái dương v*t khổng lồ của nó.
Họ nói rằng không phải vẻ đẹp của con ngựa cái Venice làm con ngựa đực Tây vực nổi hứng tình – dù con ngựa cái thực sự hấp dẫn – mà chính do việc chọn một con ngựa cái cụ thể và vẽ một bức tranh quá giống nó. Bây giờ vấn đề mới nổi lên: Có phải là tội lỗi chăng khi được vẽ như con ngựa cái kia, nghĩa là, giống y một con ngựa cái thực? Trong trường hợp của tôi, như các vị thấy đó, có rất ít khác biệt giữa hình ảnh tôi và những bức tranh ngựa khác.
Quả vậy, những ai trong các vị đặc biệt chú ý đến vẻ duyên dáng của thân mình tôi, độ dài của chân tôi và vẻ kiêu hãnh trong dáng động của tôi sẽ hiểu rằng tôi thực sự độc đáo. Song những đặc điểm tuyệt vời này cho thấy sự độc đáo của nhà tiểu họa đã vẽ tôi chứ không cho thấy sự độc đáo của một con ngựa như tôi.
Mọi người đều biết rõ rằng không có con ngựa nào giống chính xác như tôi. Chẳng qua tôi là sự thể hiện một con ngựa tồn tại trong trí tưởng tượng của nhà tiểu họa.
Nhìn tôi, người quan sát sẽ nói: “Thượng đế lòng lành, một con ngựa đẹp làm sao!” Nhưng thực ra ấy là họ ca ngợi người họa sĩ chứ không phải ca ngợi tôi. Trên thực tế mọi con ngựa đều rất khác nhau, và nhà tiểu hoạ, trên hết, phải biết điều này.
Nhìn kỹ, thậm chí cơ quan sinh dục của con ngựa đực này cũng không giống của con ngựa đực khác. Đừng sợ, các vị có thể xem xét nó thật kỹ, thậm chí là cầm nó trong tay: Bộ phận diệu kỳ do Thượng đế ban tặng cho tôi có hình dáng và đường nét riêng của nó.
Bây giờ, mọi nhà tiểu họa đều vẽ ngựa trong ký ức theo cùng một cách, cho dù mỗi chúng tôi đều được Allah, đấng sáng tạo vĩ đại nhất làm ra một cách hoàn toàn khác biệt. Tại sao họ lại thấy tự hào khi thể hiện hàng chục ngàn con ngựa theo cùng một cách mà không thực sự nhìn kỹ chúng tôi cơ chứ? Tôi sẽ cho các vị biết tại sao: Bởi vì họ đang cố mô tả thế giới mà Thượng đế mường tượng, chứ không phải thế giới họ thấy. Chẳng lẽ điều đó không đi tới chỗ thách thức tính độc nhất của Thượng đế, nghĩa là – cầu Allah tha thứ – nó không nói lên rằng tôi có thể làm công việc của Thượng đế sao? Những họa sĩ không hài lòng với những gì họ thấy bằng chính mắt họ, những nghệ sĩ vẽ cùng một con ngựa đến hàng ngàn lần, mà khẳng định rằng những gì nằm trong trí tưởng tượng của họ là con ngựa của Thượng đế. Những nghệ sĩ khẳng định rằng con ngựa đẹp nhất là con ngựa mà những nhà tiểu họa mù vẽ lại theo ký ức, chẳng lẽ họ không phạm phải tội cạnh tranh với Allah sao?
Phong cách mới của những bậc thầy Tây vực không hề báng bổ, mà hoàn toàn ngược lại, chúng là cách hay nhất trong việc tuân theo tín ngưỡng của chúng ta. Tôi cầu mong những anh em Erzurum của tôi không hiểu lầm tôi. Tôi bực bội khi bọn ngoại giáo Tây vực khoe khoang những phụ nữ gần như trần truồng của họ, bất kể đức khiêm tốn mộ đạo, khi họ không hiểu những lạc thú của cà phê và nhưng cậu bé xinh trai, và khi họ lang thang khắp nơi với những khuôn mặt râu ria nhẵn nhụi, nhưng lại tuyên bố rằng Jesus, tóc dài như tóc đàn bà, cũng là đấng Tối cao – cầu đấng Allah che chở chúng ta. Tôi quá bực bội bọn Tây vực này đến độ nếu có lúc tình cờ gặp được một tên, tôi sẽ cho hắn một cú đá ra trò.
Tôi vẫn phát ốm vì cứ bị vẽ không đúng bởi những nhà tiểu họa, những kẻ chỉ quanh quẩn trong nhà như những tiểu thư chứ chẳng bao giờ tham gia chiến trận. Họ sẽ vẽ tôi phi nước đại với cả hai chân trước vươn tới cùng một lúc. Không hề có con ngựa nào trên cõi đời này chạy giống như con thỏ cả. Nếu một chân trước của tôi đưa tới trước thì chân kia phải ở phía sau. Trái với những gì được vẽ trong các tranh minh họa chiến trận, không có con ngựa nào trên đời này giơ một chân trước ra như một con chó tò mò còn chân kia cắm chặt dưới đất cả. Không có đơn vị kỵ binh nào mà ngựa của họ đi nhàn nhã theo cùng một nhịp, như thể được đồ lại theo một khuôn mẫu y hệt hai mươi lần liên tục. Bọn ngựa chúng tôi tìm và ăn cỏ xanh ngay dưới chân chúng tôi khi không có ai nhìn. Chúng tôi không bao giờ có tư thế đẹp như pho tượng và thơ thẩn một cách tao nhã theo kiểu người ta thường thể hiện chúng tôi trong các bức tranh. Tại sao mọi người quá phiền hà với việc ăn, uống, ỉa và ngủ của chúng tôi vậy chứ? Tại sao họ sợ vẽ cái bộ phận độc đáo và diệu kỳ do Thượng đế ban tặng cho tôi? Đặc biệt phụ nữ và trẻ em thích lén nhìn vào nó, có gì tai hại -trong việc đó? Vị Hoja xứ Erzurum cũng chống đối cả điều này sao?
Họ nói rằng ngày xửa ngày xưa có một vị vua yếu đuối hay bồn chồn lo lắng ở Shiraz. Ông cực kỳ lo sợ rằng những kẻ thù sẽ phế truất mình để con trai ông lên kế vị; thay vì phái vị hoàng tử đó đến Isfahan làm tổng đốc, ông lại cầm tù vị hoàng tử đó trong căn phòng khuất kín nhất trong lâu đài. Hoàng tử lớn lên và sống trong cái xà lim tạm thời đó, vốn chẳng nhìn ra sân hay khu vườn nào, trong ba mươi mốt năm. Sau khi số tuổi trời ban của cha chàng chấm dứt thì hoàng tử, vốn xưa nay chỉ thui thủi một mình với sách vở, đã kế vị ngai vàng và tuyên bố: “Mang đến cho ta một con ngựa. Ta luôn thấy những bức tranh vẽ chúng và tò mò về chúng.” Họ đem đến cho chàng một con tuấn mã trong lâu đài, nhưng khi vị tân vương thấy con ngựa có lỗ mũi giống những đường hầm chẳng khác gì một con lừa trơ trẽn, một đám da và lông trông chán hơn trong tranh vẽ và một cái mông đít thô tục, chàng quá vỡ mộng đến độ ra lệnh tàn sát tất cả ngựa trong vương quốc của chàng. Sau cuộc tận diệt tàn bạo kéo dài suốt bốn mươi ngày đó, tất cả sông trong vương quốc nhuốm màu đỏ thẫm. Nhưng thánh Allah cao quý không kìm lại việc thi hành công lý của Người: Đức vua giờ thì không có đội kỵ binh nào, và khi đối mặt với quân đội của kẻ đại thù của chàng, người Bey Thổ Nhĩ Kỳ thuộc bộ tộc Garagoyunly, chàng đại bại và cuối cùng bị phân thây. Không còn nghi ngờ gì nữa: Như tất cả các sách sử cho thấy, loài ngựa đã trả thù.