Hắn đến tòa báo vài phút trước năm giờ và đang cởi áo ngoài thì điện thoại ở cuối phòng reng. Hắn thấy Arispe nhấc ống nghe, miệng mấp máy, nhìn mấy cái bàn làm việc vắng người rồi nhìn hắn: Zavalita, đến đây. Hắn băng ngang căn phòng, ngừng trước cái bàn ngập ngụa đuôi thuốc lá, các mẩu giấy, hình ảnh và mấy cuộn bản in thử.
“Mấy đứa bung xung săn tin cảnh sát bảy giờ mới tới,” Arispe nói. “Anh đi, lấy tin rồi sau đó đưa cho Becerrita.”
“Số 311 đường General Garzón,” Santiago đọc trên tờ giấy. “Ở Jesús María phải không?”
“Xuống dưới đó, tôi sẽ báo cho Periquito và Darío,” Arispe nói. “Mình phải có vài tấm ảnh hình của bà ta trong nhà xác.”
“Nàng Thơ bị đâm hả?” Periquito hỏi trong xe tải lúc anh ta chất máy ảnh lên. “Chuyện sốt dẻo đây.”
“Mấy năm trước bà ấy thường hát trên Radio el Sol,” anh tài xế Darío nói. “Ai giết bà ấy?”
“Có vẻ là một vụ thanh toán vì tình,” Santiago nói. “Tôi chưa bao giờ nghe về bà ấy.”
“Tôi có chụp ảnh bà ta hồi bà ta được bầu làm Nữ hoàng Đại hội Hóa trang, đẹp lắm,” Periquito nói. “Bây giờ anh săn tin cảnh sát hả, Zavalita?”
“Tôi là người duy nhất có mặt trong văn phòng lúc Arispe nhận được tin,” Santiago nói. “Tôi học được bài học là đừng đến đúng giờ nữa.”
Tòa nhà nằm bên cạnh một dược phòng, ngoài đường có hai xe tuần cảnh và người tụ tập, một thằng bé la lớn La Crónica đến. Họ phải trình thẻ báo chí cho một viên cảnh sát và Periquito chụp hình mặt tiền, thang lầu, chiếu nghỉ cầu thang tầng một. Cửa mở, hắn nghĩ, khói thuốc lá.
“Tôi không biết anh,” một ông mập mạp cằm xị, mặc đồng phục xanh vừa nói vừa xem thẻ nhà báo của hắn. “Becerrita đâu?”
“Ông ấy không có mặt ở tòa báo lúc họ gọi chúng tôi.” Santiago ngửi thấy mùi lạ, mùi da thịt người đẫm mồ hôi, hắn nghĩ, mùi trái cây thối. “Ông không biết tôi vì tôi làm trong bộ phận khác, thưa ông thanh tra.”
Đèn máy ảnh của Periquito lóe sáng, người đàn ông cằm xị chớp mắt và tránh qua một bên. Phía sau những người đang thì thào, Santiago thấy một mảng tường dán giấy xanh nhạt, gạch lát dơ bẩn, một tấm vải phủ giường màu đen. Xin lỗi, hai người đàn ông tránh ra, mắt hắn nhìn lên, nhìn xuống rồi lại nhìn lên rất nhanh, thân người trắng quá, hắn nghĩ, không ngừng lại nơi vết máu đông, nơi mép vết thương đỏ sậm méo mó, nơi mái tóc rối che mặt bà, nơi mớ lông đen rậm rì giữa hai chân bà. Hắn không cử động, hắn không nói gì. Periquito lóe đèn khắp nơi, anh ta chụp ảnh khuôn mặt được chứ, ông thanh tra? một bàn tay kéo mớ tóc rối qua một bên, và bộ mặt như sáp còn nguyên vẹn xuất hiện với những chỗ tối dưới hàng mi cong. Cảm ơn ông thanh tra, Periquito nói, lúc này anh ta đang cúi bên cạnh giường, và hàng loạt tia lóe trắng lại tràn ra. Mười năm mơ về bà ấy, Zavalita, nếu Anita biết, cô ấy sẽ nghĩ mày đã yêu Nàng Thơ và sẽ ghen.
“Tôi thấy anh bạn phóng viên của tụi mình là dân mới,” ông cằm xị nói. “Đừng bất tỉnh đấy nhé, anh bạn trẻ, chúng tôi ở đây đã có đủ rắc rối với bà này rồi.”
Những khuôn mặt mờ vì khói thuốc dịu thành nụ cười, Santiago gắng gượng và cũng mỉm cười. Lúc cầm cây bút bi hắn thấy tay hắn toát mồ hôi; hắn rút cuốn sổ ghi chép ra, mắt hắn nhìn lại một lần nữa: những vết bẩn, bộ ngực tràn trề, núm vú có vẩy và sẫm như nốt ruồi. Mùi hôi tràn vào mũi làm hắn buồn nôn.
“Tụi nó thậm chí phanh cả rốn bà ấy ra.” Periquito một tay thay bóng đèn, bặm môi cố không nói. “Thật là đứa bạo dâm.”
“Tụi nó phanh bà ấy cả chỗ khác nữa,” ông cằm xị tỉnh bơ nói. “Lại gần hơn, Periquito; cả anh nữa, anh bạn trẻ, anh có muốn xem cảnh khủng khiếp không?”
“Một lỗ trong lỗ,” một giọng uốn éo nói, và Santiago nghe những tiếng cười nhỏ mơ hồ và lời bình phẩm không hiểu nổi. Hắn quay mắt khỏi giường, bước tới ông áo xanh.
“Ông thanh tra cho tôi biết vài tin được chứ?”
“Xin giới thiệu trước,” ông cằm xị thân mật nói và đưa bàn tay mềm mại của ông ra. “Adalmiro Peralta, Trưởng ban Điều tra Án mạng, và đây là phụ tá của tôi, Chuẩn úy Ludovico Pantoja. Đừng quên nhắc tới anh ta.”
Mày cố mỉm cười, giữ nụ cười trên mặt trong khi ghi chép, Zavalita, trong khi mày nhìn ngòi bút ngoáy như điên trên tờ giấy, trơn tuột không phương hướng.
“Có qua có lại, Becerrita sẽ giải thích cho các anh.” Trong khi mày nghe tiếng cười và giọng thổ lộ của thanh tra Peralta. “Chúng tôi cho các anh tin sốt dẻo, còn các anh quảng cáo tốt cho chúng tôi vài lời để chúng tôi luôn luôn xài được.”
Lại có tiếng cười, đèn nháy của Periquito, mùi hôi, khói thuốc khắp nơi: như thế, Zavalita. Santiago gật đầu, gấp cuốn sổ ghi chép, ngực hắn thắt lại, bây giờ hắn nguệch ngoạc những hàng chữ, những dấu chấm, nhìn các con chữ được tạo thành như chữ tượng hình.
“Chúng tôi được bà cụ sống một mình trong căn chung cư bên cạnh báo cho biết,” Thanh tra nói. “Bà ấy nghe tiếng la hét, đi đến thì thấy cửa mở. Người ta phải đưa bà ấy vào Khu Cấp cứu, thần kinh bà ấy rối loạn hết cả. Anh có thể tưởng tượng khi thấy việc này bà ấy phải sợ thế nào.”
“Tám nhát đâm,” Chuẩn úy Ludovico Pantoja nói. “Là bác sĩ pháp y đếm được, anh bạn ạ.”
“Chắc bà ta bị say ma túy,” Thanh tra Peralta nói. “Mùi và cặp mắt bà ta cho thấy như thế. Dạo sau này bà ta hầu như rất hay dùng ma túy. Ban điều tra có hồ sơ của bà ta, dày thế này này. Khám nghiệm tử thi sẽ cho chúng ta kết quả cuối cùng.”
“Bà ấy có dính líu tới một vụ ma túy hồi năm ngoái,” Chuẩn úy Ludovico Pantoja nói. “Họ bắt bà ấy với một bà nghiện ngập lừng danh. Bà ấy xuống dốc quá.”
“Tôi chụp ảnh con dao được không, ông Thanh tra?” Periquito hỏi.
“Nhân viên phòng thí nghiệm lấy đi rồi,” Thanh tra Peralta nói. “Lưỡi dao loại thường, dài một tấc rưỡi. Ừ, có nhiều dấu tay.”
“Nó chưa bị bắt, nhưng chúng tôi sẽ tóm nó.” Chuẩn úy Ludovico Pantoja nói. “Nó để lại dấu vết khắp nơi, nó thậm chí không lấy vũ khí theo, nó làm giữa ban ngày. Nó chưa phải là dân nhà nghề, còn lâu lắm.”
“Chúng tôi chưa nhận dạng được hắn vì bà này đây không phải chỉ có một nhân tình, bà ta có cả đống,” Thanh tra Peralta nói. “Dạo sau này bất cứ ai cũng có thể là nhân tình của bà ấy. Bà ấy đang xuống dốc, tội nghiệp.”
“Anh chỉ cần nhìn chỗ bà ta chết là thấy.” Chuẩn úy Pantoja chỉ quanh căn phòng với vẻ trắc ẩn. “Sau khi đã sống quá huy hoàng.”
“Bà ấy là Nữ hoàng Đại hội Hóa trang năm tôi bắt đầu làm cho La Crónica,” Periquito nói. “Một ngàn chín trăm bốn mươi bốn. Mười bốn năm trước, vậy đó.”
“Đời như cái đu, lúc lên lúc xuống.” Thanh tra Peralta mỉm cười. “Ghi câu đó vào bài viết của anh, anh bạn trẻ.”
“Tôi cứ nhớ là bà ấy đẹp hơn,” Periquito nói. “Nhưng thật ra bà ấy không đẹp lắm.”
“Thời gian trôi qua mà, Periquito,” Thanh tra Peralta nói. “Vả lại, bị đâm đâu có giúp bà ấy đẹp hơn.”
“Tôi chụp ảnh anh nhé, Zavalita?” Periquito hỏi. “Becerrita luôn luôn chụp một tấm bên cạnh xác chết, cho bộ sưu tập riêng của ông ấy. Bây giờ chắc ông ấy đã có hơn một ngàn tấm.”
“Tôi biết bộ sưu tập của Bercerrita,” Thanh tra Peralta nói. “Đủ để làm rùng mình ngay cả một thằng đã thấy đủ thứ như tôi.”
“Khi về lại tòa báo tôi sẽ nói ông Becerra gọi cho ông, ông Thanh tra,” Santiago nói. “Bây giờ tôi không làm phiền ông nữa. Rất cảm ơn ông đã cho tin.”
“Bảo ông ấy ghé qua văn phòng khoảng mười một giờ,” Thanh tra Peralta nói. “Chào anh, anh bạn trẻ.”
Họ đi ra, và trên đầu thang Periquito dừng lại để chụp cảnh cánh cửa nhà bà hàng xóm đã tìm thấy thi thể. Người hiếu kỳ vẫn còn trên vỉa hè, họ nhìn thang lầu qua vai viên cảnh sát gác cửa, và Darío đang hút thuốc trong xe tải: tại sao họ không để anh ta vào, chắc anh ta thích xem. Họ lên xe, lái đi, một lát sau họ chạy ngang chiếc xe tải của tờ Última Hora.
“Anh giật được tin sốt dẻo của tụi nó.” Darío nói. “Norwin kìa.”
“Ồ, dĩ nhiên rồi, chao ơi.” Periquito bẻ đốt ngón tay và thúc khuỷu tay Santiago. “Bà ta từng là nhân tình của Cayo Bermúdez. Tôi đã thấy bà ta vào một hiệu ăn Tàu ở Calle Capón với gã một lần. Dĩ nhiên rồi, chao ơi.”
“Tôi không đọc báo và tôi không biết chuyện cậu nói,” Ambrosio nói. “Chắc khi chuyện xảy ra tôi đã ở Pucallpa, thưa cậu.”
“Nhân tình của Cayo Bermúdez hả?” Darío nói. “Vậy thì đúng là chuyện hấp dẫn rồi.”
“Anh cảm thấy mình như Sherlock Holmes đang đào bới vào câu chuyện bẩn thỉu đó,” Carlitos nói. “Anh sẽ phải trả giá đắt đó, Zavalita.”
“Ông là tài xế của gã vậy mà ông không biết gã có nhân tình hay sao?” Santiago hỏi.
“Tôi không biết và tôi chưa bao giờ gặp bà ta,” Ambrosio nói. “Đây là lần đầu tôi nghe nói tới, thưa cậu.”
Nỗi hào hứng khắc khoải đã thay thế cơn chóng mặt lúc đầu, niềm sôi nổi thô ráp khi chiếc xe băng qua khu buôn bán dưới phố, và mày đang cố giải mã thứ chữ viết cẩu thả trong cuốn sổ ghi chép đặng tái dựng lại cuộc đối thoại với Thanh tra Peralta, Zavalita. Hắn nhảy ra khỏi xe và sải bước lên thang lầu La Crónica. Đèn trong phòng biên tập đã sáng, các bàn làm việc đã có người, nhưng hắn dừng lại để tán gẫu với ai. Anh trúng xổ số à? Carlitos hỏi hắn, và hắn nói một cú lớn, Carlitos. Hắn ngồi trước máy đánh chữ và trong suốt một giờ không rời mắt khỏi trang giấy, viết, sửa, và hút thuốc không ngừng. Rồi trong khi tán gẫu với Carlitos, hắn nôn nóng và tự mãn đợi Becerrita đến, Zavalita. Và rốt cuộc mày thấy ông ta đi vào, thấp bè bè, hắn nghĩ, mập mạp, cáu kỉnh, già nua, Becerrita, với cái mũ còn lại từ đời thuở nào, bộ mặt của cựu võ sĩ quyền Anh, hàng ria mép nhỏ lố bịch của ông và các ngón tay ông vàng khói thuốc. Thật thất vọng, Zavalita. Ông không đáp lời chào của mày, ông gần như không đọc ba trang ấy, ông nghe mà không tỏ vẻ quan tâm đến câu chuyện Santiago đang kể cho ông. Ít nhiều chỉ là một vụ tội phạm đối với Becerrita, buổi sáng ông thức dậy, sống rồi đi ngủ giữa những vụ án mạng, Zavalita, trộm cắp, tham ô, hỏa hoạn, cướp bóc, ông đã sống một phần tư thế kỷ qua những câu chuyện của bọn xì ke, trộm cắp, đĩ điếm, dối vợ. Nhưng thất vọng chóng qua, Zavalita. Hắn nghĩ: ông ta chẳng bao giờ hăng hái với bất kỳ điều gì, nhưng ông thạo nghề. Hắn nghĩ: có thể ông ta thích. Ông cởi chiếc mũ có từ đầu thế kỷ của ông, áo ngoài, xắn cánh tay áo lên khuỷu tay rồi buộc bằng cái băng tay của kế toán viên, hắn nghĩ, và nới lỏng cái cà vạt mòn xác xơ bẩn như bộ vét và đôi giày của ông, rồi mệt mỏi và chua chát ông đi qua văn phòng, dửng dưng với những cái gật đầu chào, lừ đừ và chậm rãi đi thẳng đến bàn giấy của Arispe. Santiago đi qua góc của Carlitos để lắng nghe. Becerrita gõ nhẹ đốt ngón tay lên máy đánh chữ và Arispe ngẩng đầu lên: ông ta có thể giúp ông được gì, ông bạn quý?
“Để hết trang giữa cho tôi.” Giọng ông khan và bệnh hoạn, hắn nghĩ, yếu đuối, chế giễu. “Và để Periquito cho tôi dùng ít nhất ba hay bốn ngày.”
“Ông có muốn một căn nhà trên bãi biển có đàn dương cầm luôn không, ông bạn quý?” Arispe hỏi.
“Và tăng cường thêm người, Zavalita chẳng hạn, vì hai đứa trong bộ phận của tôi đang đi nghỉ,” Becerrita khô khan nói. “Nếu anh muốn mình làm việc này tới nơi tới chốn, anh sẽ phải có người viết ngày đêm.”
Arispe vừa nhay cây bút chì đỏ thẫm vừa ngẫm nghĩ, lật qua các trang; rồi mắt ông nhìn lơ đãng quanh phòng, tìm kiếm. Anh tự làm hại thân, Carlitos nói, viện bất cứ cớ nào để tránh ra đi. Nhưng mày không viện cớ, Zavalita, mày vui vẻ đi tới bàn làm việc của Arispe, vui vẻ đi vào miệng sói. Phấn khởi, xúc động, sôi máu: đã khốn nạn khá lâu rồi, Zavalita.
“Anh có muốn chuyển qua cột tin cảnh sát vài ngày không?” Arispe nói. “Becerrita yêu cầu anh.”
“Bây giờ người ta được lựa chọn nữa à?” Becerrita chua chát lẩm bẩm. “Khi tôi bắt đầu làm ở La Crónica không ai hỏi tôi nghĩ cái gì. Đi lấy tin ở mấy trạm cảnh sát, mình đang lập cột tin cảnh sát và anh sẽ chịu trách nhiệm mục đó. Người ta giữ tôi trong mục này đã hai mươi lăm năm thế mà họ vẫn chưa hỏi tôi có thích nó hay không.”
“Có ngày tính cáu kỉnh của ông sẽ sôi lên trong này, ông bạn quý,” Arispe chạm cây bút chì đỏ vào tim, “rồi sẽ nổ tung như quả bong bóng. Vả lại, nếu họ lấy ông ra khỏi trang tin cảnh sát thì ông sẽ chết vì buồn, Becerrita. Ông là vô địch trang máu me trong cả nước Peru.”
“Tôi chẳng biết nó tốt lành gì cho tôi, tuần nào mà tôi chẳng nợ đến tận đây,” Becerrita càu nhàu một cách khiếm nhã. “Tôi thà được tăng lương hơn là khen rối rít.”
“Hai mươi năm ăn miễn phí của mấy cô điếm hạng sang nhất, uống miễn phí trong mấy nhà thổ xịn nhất vậy mà ông vẫn than phiền à, ông bạn quý?” Arispe nói. “Ông nghĩ bọn tôi nghĩ sao khi phải móc tiền túi ra trả mỗi lần bọn tôi phải uống một ly hay chơi điếm một phát?”
Tiếng máy lách cách đã ngưng, các khuôn mặt cười tủm tỉm từ các bàn làm việc theo dõi cuộc đối thoại giữa Arispe và Becerrita, và Becerrita đã bắt đầu mỉm cười nước đôi, thốt lên một chuỗi tiếng cười giật cục khàn khàn khó chịu, hắn nghĩ, rồi sẽ biến thành một tràng tiếng nấc cục, ợ và thóa mạ mỗi khi ông say.
“Bây giờ tôi già rồi,” cuối cùng ông nói. “Tôi không ăn tạp nữa, tôi không thích đàn bà nữa.”
“Về già ông đã đổi khẩu vị,” Arispe nói, rồi ông nhìn Santiago. “Coi chừng, bây giờ tôi hiểu tại sao Becerrita yêu cầu anh qua bộ phận của ông ấy.”
“Trời ơi, các sếp biên tập đang vui quá,” Becerrita càu nhàu. “Còn chuyện kia thì sao? Anh cho tôi trang ảnh giữa và Periquito chứ?”
“Ông có rồi, nhưng chăm sóc kỹ nó cho tôi,” Arispe nói. “Tôi muốn ông làm thiên hạ giật mình và tăng số phát hành cho tôi. Thêm mắm thêm muối, thưa ông bạn quý.”
Becerrita gật đầu, quay nửa người, mấy chiếc máy chữ lại bắt đầu lách cách, ông về bàn làm việc của ông, Santiago theo sau. Bàn ở cuối, từ chỗ này ông nhìn sau lưng mọi người, hắn nghĩ, đó là một trong những đề tài bất biến của ông. Ông sẽ đi vào, say khướt, rồi đứng ở giữa phòng, cởi cúc áo ngoài, nắm tay ông chống lên đôi hông to béo, người ta toàn đưa tao vào cái lỗ đít vũ trụ! Các ký giả cúi gò trên ghế, gí mũi lên máy, hắn nghĩ thậm chí Arispe cũng không dám nhìn ông, trong khi cặp mắt lờ đờ giận dữ của Becerrita nhìn lên các phóng viên đang bận rộn, họ coi thường trang của ông và họ coi thường ông, phải không? nhìn lên những người sửa bản in đang chăm chú, có phải vì vậy họ nhét ông vào cái lỗ đít văn phòng? nhìn lên chuyên viên giật tít Hernández đang bận rộn, để ông có thể nhìn đít của quý ông viết tin địa phượng, đít của quý ông trang tin quốc ngoại? đi lên đi xuống như một ông tướng bồn chồn trước giờ ra trận, để ông ngửi hết rắm thối của quý ông ký giả? và thỉnh thoảng cất tiếng cười đau đớn hướng lên trần nhà. Nhưng một lần Arispe đề nghị ông dời bàn làm việc của ông thì ông phẫn nộ, hắn nghĩ: người ta phải bước qua xác tôi trước khi họ có thể lôi tôi ra khỏi góc của tôi, tiên sư nó. Bàn làm việc của ông thấp và hơi ọp ẹp, như ông, hắn nghĩ, nhờn như bộ vét ông vẫn mặc bóng nhẫy điểm những vết thức ăn. Ông đã ngồi xuống, đốt một điếu thuốc cong queo, Santiago đứng đợi, phấn khởi vì ông ấy đã yêu cầu mày, Zavalita, phấn khởi vì những bài mày sẽ viết: đi tới lò sát sinh như người đi dự tiệc, Carlitos.
“Xong rồi, mình được giao vụ bà ta và mình phải hành động.” Becerrita nhấc điện thoại, quay số, dí cái miệng chua của ông sát ống nói, bàn tay mũm mĩm có những móng tay đen đúa của ông vẽ nguệch ngoạc trên tập giấy.
“Anh luôn tìm cảm giác mạnh,” Carlitos nói. “Bằng cách này hay cách khác hình như anh đạt được.”
“Ừ, ở Porvenir, đến đó ngay với Periquito.” Becerrita gác điện thoại, cặp mắt nhỏ kèm nhèm dán chặt lên Santiago. “Bà ta hồi trước thường hát ở đó. Bà quản lý biết tôi. Lấy tin, hình ảnh. Các bạn gái của bà ta, bồ bịch của bà ta, mấy cái địa chỉ, cách sống của bà ta. Bảo Periquito chụp mấy ảnh ở đó.”
Santiago vừa khoác áo ngoài vừa đi xuống thang. Becerrita đã gọi Darío, chiếc xe đậu trước cửa đang ngáng lối lưu thông; bọn tài xế nhấn còi. Một lúc sau Periquito xuất hiện, tức tối.
“Tôi đã cảnh cáo Arispe là tôi sẽ không làm cho ông cai nô lệ đó nữa, vậy mà bây giờ ông ấy đưa tôi qua Becerrita một tuần.” Anh ta vừa chất máy ảnh lên xe vừa than phiền. “Ông ta sẽ xay mình thành cám, Zavalita.”
“Tính khí ông ấy có thể như con chó, nhưng ông ấy tranh đấu như sư tử cho ký giả của ông ấy,” Darío nói. “Nếu không có ông ấy thì anh chàng say Carlitos đã bị đuổi từ lâu. Đừng coi thường Becerrita.”
“Tôi sẽ bỏ nghề báo, tôi chán lắm rồi.” Periquito nói. “Tôi sẽ đi chụp ảnh thương mại. Một tuần với Becerrita còn tệ hơn một cú bệnh lậu.”
Chiếc xe tải đi lên Colmena, tới Parque Universitario, xuống Azángario, ngang nền đá trắng nhợt của Dinh Công lý, rẽ vào buổi chiều tà mưa gió của República, và khi đến giữa công viên tăm tối, Cabaña hiện ra phía bên phải với các ô cửa sổ đã sáng đèn và tấm bảng lấp lánh phía trước, Periquito bắt đầu cười, bỗng chốc nguôi đi: ông ấy thậm chí không muốn nhìn ổ rượu lậu đó, Zavalita, lá gan ông ấy vẫn bị loét to từ lần say hôm Chúa nhật trước.
“Chỉ cần một bài trên trang của ông ấy là ông ấy có thể hại bất cứ vũ nữ nào, đóng cửa bất cứ nhà thổ nào, hủy hoại danh tiếng bất cứ hộp đêm nào,” Darío nói. “Becerrita là chúa tể của thế giới phóng đãng ở Lima. Và không ông biên tập trang báo nào đối xử với người của mình như ông ấy. Ông ấy dắt họ đến nhà thổ, trả tiền rượu cho họ, kiếm gái cho họ. Tôi không hiểu làm sao anh có thể than phiền gì về ông ấy, Periquito.”
“Ừ,” Periquito công nhận. “Dù có giông bão gì mặt vẫn tỉnh bơ. Nếu phải làm việc với ông ấy thì thay vì cay đắng mình nên cố khai thác điểm yếu của ông ấy.”
Nhà thổ, ổ rượu hôi hám, các quán nhỏ hỗn tạp mùi nôn mửa và mạt cưa, loài động vật ăn sương. Hắn nghĩ: điểm yếu của ông ấy. Đó là nơi ông ta trở thành người, hắn nghĩ, đó là nơi người ta mến ông. Darío thắng xe: một đám không rõ mặt đang đi dọc các vỉa hè trong bóng tối Đường 28 tháng Bảy 1 , ánh sáng ung thối của các ngọn đèn ở Porvenir nhạt nhòa trên những hình bóng tăm tối. Trời mù sương, đêm ẩm ướt. Cửa quán Montmartre đóng.
“Mình gõ cửa, Paqueta chắc ở bên trong.” Periquito nói. “Ổ rượu lậu này mở trễ lắm, các hộp đêm tràn hết vào đây.”
Họ gõ cửa kính – một nhạc công dương cầm trong ánh đèn hồng bên cửa sổ, hắn nghĩ, hàm răng ông ta trắng như các phím đàn, hai vũ công đeo lông chim phía sau và trên đầu – có tiếng bước chân, một đứa gầy guộc mặc gi lê trắng đeo cái nơ nhỏ lo lắng nhìn họ: La Crónica phải không? Mời vào, bà chủ đang đợi họ. Quầy rượu đầy chai lọ, các ngôi sao bạch kim trên trần nhà, sàn nhảy nhỏ xíu đặt một micro đứng, các bàn ghế trống. Một cánh cửa nhỏ ngụy trang phía sau quầy rượu mở ra, xin chào Periquito nói, và Zavalita này, đây là Paqueta: mắt bà ta đeo lông mi giả, dài, và những quầng mắt đen, gò má bà hồng tươi, mông bà phồng ra ngột ngạt trong cái quần chật, các bước chân của bà ta ngắn như người đi trên dây.
“Ông Becerrita đã nói chuyện với bà chưa?” Santiago hỏi. “Về vụ án mạng ở Jesús María.”
“Ông ta hứa hoàn toàn không nhắc đến tên tôi, ông ta thề với tôi, và tôi hy vọng ông ta giữ lời.” Bàn tay bà mềm oặt, nụ cười máy móc, giọng đường mật của bà có chút lo lắng và căm ghét. “Nếu có tai tiếng gì thì chỗ này sẽ thiệt hại, hiểu chứ?”
“Chúng tôi chỉ muốn một ít tin tức,” Santiago nói. “Bà ấy là ai, bà ấy làm gì.”
“Tôi ít biết về bà ta, tôi không biết gì nhiều.” Hàng lông mi cứng chớp chớp lẩn tránh, Zavalita, đôi môi đỏ dày khép lại như lá cây trinh nữ. “Bà ta thôi hát ở đây sáu tháng trước. Trước nữa kìa, tám tháng trước. Bà ta đã gần mất giọng, tôi thuê bà ta vì tôi thấy thương hại, bà ta hát ba hoặc bốn bài rồi về. Trước đó bà ta ở Laguna.”
Bà ngưng nói khi bóng đèn chụp ảnh đầu tiên lóa lên, và bà yên lặng nhìn, miệng há ra: Periquito bình thản chụp ảnh quầy rượu, sàn nhảy, micro.
“Mấy tấm ảnh đó để làm gì?” bà càu nhàu chỉ. “Becerrita thề với tôi là sẽ không nhắc đến tên tôi mà.”
“Chỉ để cho thấy một trong mấy nơi bà ấy hát thôi, sẽ không nêu tên bà đâu,” Santiago nói. “Tôi muốn biết đôi điều về đời tư của Nàng Thơ. Một chuyện nào đó, bất cứ chuyện gì.”
“Tôi không biết gì nhiều,” Paqueta lẩm bẩm, mắt bà dõi theo Periquito. “Ngoài những điều mọi người biết. Cách đây lâu lắm rồi bà ta khá nổi tiếng, bà ta hát ở Embassy Club, sau đó bà ta là nhân tình của người mà anh biết là ai. Nhưng tôi nghĩ họ sẽ không nói gì về việc đó đâu.”
“Tại sao không, thưa bà?” Periquito cười. “Odría đâu còn là Tổng thống nữa, bây giờ là Manuel Prado 2 , và La Crónica thuộc về phe Prado. Chúng tôi có thể nói bất kỳ cái gì chúng tôi muốn.”
“Và tôi nghĩ chúng ta sẽ có thể nói, tôi nêu lên điều đó ngay trong bài đầu tiên, Carlitos.” Santiago nói. “Nhân tình cũ của Cayo Bermúdez bị đâm chết.”
“Tôi nghĩ là anh hơi ngu, Zavalita à.” Becerrita càu nhàu, chua chát nhìn mấy trang giấy. “Ôi dào, hãy xem sếp lớn nghĩ gì.”
“Ngôi sao hộp đêm bị đâm chết thì sẽ chấn động hơn,” Arispe nói. “Ngoài ra, đấy là lệnh từ trên, thưa ông bạn quý.”
“Bà ta là hay không là nhân tình của thằng chó đẻ đó?” Becerrita hỏi. “Và nếu đúng, và nếu thằng chó đẻ không ở trong chính quyền và thậm chí không ở trong nước thì tại sao mình không được nói?”
“Vì sếp không thích nói, thưa ông bạn quý,” Arispe nói.
“Được rồi, tôi luôn luôn chịu thua lý lẽ đó,” Becerrita nói. “Đổi toàn bộ câu chuyện, Zavalita. Bất kỳ chỗ nào anh nói nhân tình của Cayo Bermúdez thì sửa thành cựu nữ hoàng hộp đêm.”
“Rồi Bermúdez bỏ bà ta và chạy ra khỏi nước, trong những ngày cuối của thời Odría.” Paqueta khịt mũi: máy ảnh lại chớp một cái nữa. “Chắc anh nhớ, hồi rắc rối với Liên minh Arequipa. Bà ta đi hát trở lại, nhưng không còn như trước nữa. Không còn sắc đẹp, không còn giọng hát. Bà ta uống rượu nhiều, một lần bà ta định tự tử. Bà ta không làm được việc. Tội nghiệp bà ta khổ sở lắm.”
“Suốt thời gian làm cho ông ta, ông không biết ông ta có bà nào sao?” Santiago hỏi. “Vậy ông ta chắc là đồng tính.”
“Đời bà ấy thế nào à?” Paqueta hỏi. “Một cuộc đời tệ hại, tôi kể cho anh rồi. Bà ta uống rượu, bà ta không giữ được nhân tình, luôn luôn cần tiền. Tôi thuê bà ta vì tôi cảm thấy thương hại cho bà ta, và tôi không giữ bà ta lâu, chỉ hai tháng, có lẽ cũng chẳng lâu như thế. Khách hàng chán. Các bài hát của bà ta lỗi thời. Bà ta cố cập nhật, nhưng bà ta không hát được nhạc mới, thế thôi.”
“Tôi không biết ông ta có nhân tình nào, nhưng ông ta có vài bà,” Ambrosio nói. “Đĩ điếm, thưa cậu.”
“Còn vụ rắc rối ma túy thì sao, thưa bà,” Santiago nói.
“Ma túy?” Paqueta ngơ ngác nói. “Ma túy gì?”
“Ông ta đi nhà thổ, tôi đưa ông ta đi nhiều lần,” Ambrosio nói. “Tôi nhớ lại là hồi xưa đến chỗ đó. Chỗ của Ivonne, chỗ đó. Nhiều lần.”
“Nhưng bà cũng có dính líu, thưa bà, bà bị bắt cùng với bà ấy,” Santiago nói. “Và nhờ ông Becerra mà báo chả đăng gì, bà không nhớ sao?”
Một cái rùng mình thoáng qua làm sống động bộ mặt đẫy đà của bà, hàng lông mi cứng lay động giận dữ, nhưng rồi một nụ cười vừa thách thức vừa hoài niệm làm dịu vẻ mặt Paqueta. Bà nhắm mắt như thể hồi tưởng và tìm lại tình tiết đã quên trong ký ức: ồ phải, ồ vụ đó.
“Và Ludovico, anh chàng tôi đã kể với cậu, thằng làm tôi mắc kẹt vì đã đưa tôi đi Pucallpa, thằng thay tôi làm tài xế cho Don Cayo, nó cũng thường đưa ông ta đi mấy nhà thổ nhiều lần,” Ambrosio nói. “Không, thưa cậu, ông ta không phải là người đồng tính.”
“Chẳng dính líu gì đến ma túy hay bất cứ cái gì đại loại như vậy, vụ đó là lầm lẫn, nó được làm sáng tỏ tại chỗ,” Paqueta nói. “Cảnh sát bắt một đứa thỉnh thoảng vẫn tới đây, hắn ta buôn cocain, hình như vậy, và họ gọi bà ta với tôi làm chứng. Chúng tôi không biết gì và họ cho chúng tôi về.”
“Nàng Thơ đi với ai hồi bà ấy làm ở đây?” Santiago nói.
“Ai là nhân tình của bà ta à?” Hàm răng bà ấy chồng khớp và khấp khểnh, Zavalita, cặp mắt bà ấy thích ngồi lê đôi mách. “Bà ấy không chỉ có một nhân tình, bà ta có hàng đống.”
“Nếu bà không cho tôi biết tên của họ,” Santiago nói, “thì ít nhất cho tôi biết họ là loại người nào.”
“Bà ta có trò phiêu lưu của bà ta, nhưng tôi không biết chi tiết, bà ta không phải là bạn tôi,” Paqueta nói. “Tôi chỉ biết những điều mọi người khác đều biết, là bà ta đã rơi vào một cuộc sống tồi tệ thế thôi.”
“Bà có biết bà ấy có người thân nào ở đây không?” Santiago hỏi. “Hay bạn gái nào có thể cho chúng tôi thêm tin tức?”
“Tôi không nghĩ bà ta có gia đình,” Paqueta nói. “Bà ta nói bà ta là người Peru, nhưng một số người nghĩ bà ta là người nước ngoài. Họ nói bà ta có sổ thông hành Peru qua người mà anh biết là ai, khi hắn là nhân tình của bà ta.”
“Ông Becerra muốn có vài bức ảnh của Nàng Thơ hồi bà ấy hát ở đây,” Santiago nói.
“Tôi sẽ đưa cho anh, nhưng làm ơn đừng làm tôi dính líu vào vụ này, đừng nhắc đến tên tôi.” Paqueta nói. “Tôi sẽ giúp anh với điều kiện đó. Becerrita đã hứa với tôi.”
“Chúng tôi sẽ giữ lời hứa của ông ấy, thưa bà,” Santiago nói. “Bà không biết ai có thể cho chúng tôi thêm tin tức về bà ấy sao? Đó là câu hỏi chót rồi chúng tôi sẽ để bà yên.”
“Khi bà ấy thôi hát ở đây tôi không gặp lại bà ấy,” Paqueta thở dài, bỗng nhiên mang vẻ bí ẩn của một kẻ chỉ điểm. “Nhưng người ta có nghe chuyện về bà ta. Rằng bà ta đã vào mấy cái nhà đó. Tôi không chắc. Tôi chỉ biết bà ta sống với một cô điếm làm ở chỗ của bà Pháp.”
“Nàng Thơ sống với một cô làm ở chỗ Ivonne?” Santiago hỏi.
“Anh có thể kể tên bà Pháp.” Paqueta cười to, và giọng nói dịu dàng của bà trở nên gầm gừ căm ghét. “Dùng tên bà ta, để cảnh sát sẽ mời bà ta đến thẩm vấn. Mụ già đó viết rất nhiều.”
“Người bạn gái mà bà ấy sống chung tên gì?” Santiago hỏi.
“Queta?” Ambrosio nói, và vài giây sau, sững sờ: “Queta à, thưa cậu?”
“Nếu anh nói là tôi đã cung cấp tin, họ sẽ làm tôi phá sản, bà Pháp là kẻ thù tệ nhất có thể có trên đời,” Paqueta dịu giọng. “Tôi không biết tên thật cô ta. Tên Queta cô ta dùng chỉ để làm ăn.”
“Ông chưa bao giờ gặp cô ta sao?” Santiago hỏi. “Ông chưa bao giờ nghe Bermúdez nhắc tới cô ta sao?”
“Họ sống chung và thiên hạ kể nhiều điều về họ,” Paqueta thì thầm, nháy mắt. “Rằng họ còn hơn là bạn gái. Dĩ nhiên, tất cả chắc chỉ là tin đồn.”
“Tôi chưa bao giờ nghe về cô ta, tôi chưa bao giờ gặp cô ta,” Ambrosio nói. “Don Cayo không nói với tôi về các cô điếm của ông ta, tôi chỉ là tài xế của ông ta, thưa cậu.”
Họ đi ra, Porvenir đầy sương mù, ẩm ướt và tăm tối; Darío đang ngủ gục, dựa lên tay lái chiếc xe tải. Khi anh nổ máy, một con chó sủa thảm não trên vỉa hè.
“Bà ta đã quên về vụ ma túy, quên là bà ta đã bị bắt chung với Nàng Thơ.” Periquito cười. “Gan lì thật nhỉ?”
“Bà ta mừng vì bà ấy đã bị giết chết, anh có thể thấy bà ta ghét bà ấy,” Santiago nói. “Anh bắt được hết chứ, Periquito? Bà ấy nghiện rượu, bà ấy mất giọng, bà ấy là người đồng tính.”
“Nhưng anh lấy được một số tin hay từ bà ta,” Periquito nói. “Anh đâu có thể than phiền gì.”
“Toàn là rác rưởi,” Becerrita nói. “Anh phải tiếp tục cho đến khi đụng tới vết mủ.”
Những ngày ấy xao động và nhọc nhằn, Zavalita, mày cảm thấy hứng khởi, bồn chồn, hắn nghĩ: sinh động trở lại. Đến và đi không nghỉ: lên xuống chiếc xe tải, ra vào các hộp đêm, các đài phát thanh, các nhà trọ, nhà thổ, tới lui không ngớt giữa loài động vật ăn sương ẩm mốc của thành phố.
“Cái tên Nàng Thơ không ăn khách, mình phải đặt lại tên bà ta,” Becerrita nói. “Theo dấu Bướm Đêm!”
Mày viết các bài dài, các mẩu tin ngắn, các bản tin đóng khung, chú thích cho các bức ảnh với niềm hứng khởi càng lúc càng tăng, Zavalita. Becerrita sẽ đọc qua các trang với cặp mắt chua chát, gạch bỏ, thêm câu bằng những chữ đỏ run rẩy, và ông sẽ viết tít: Tiết lộ mới về cuộc đời phóng đãng của Bướm Đêm bị giết ở Jesús María. Phải chăng Nàng Thơ là người đàn bà có quá khứ ghê gớm? Phóng viên La Crónica phát hiện sự kiện mới về tội ác làm rung động khắp Lima, Từ khởi đầu nghề hát đến kết thúc đẫm máu của Nữ hoàng Về Đêm một thời, Quản lý hộp đêm nơi Nàng Thơ hát bài cuối cùng tiết lộ Bướm Đêm đã xuống tới mức đồi bại nhất, Phải chăng Bướm Đêm mất giọng ca vì ma túy?
“Mình đã bỏ xa Última Hora,” Arispe nói. “Cứ viết tiếp, Becerrita.”
“Cho chó ăn thêm cứt đi, Zavalita,” Carlitos nói. “Sếp lớn ban lệnh.”
“Anh đang làm tốt lắm, Zavalita,” Becerrita nói. “Hai mươi năm nữa anh sẽ là một phóng viên hình sự tàm tạm.”
“Đổ cứt lên với lòng hăng hái nhiệt tình, một đống nhỏ hôm nay, một chút nữa ngày mai, một đống kha khá ngày kia,” Santiago nói. “Cho đến khi có cả một núi cứt. Rồi bây giờ ăn nó, tới tận cục cuối cùng. Chuyện xảy ra cho tôi như thế, Carlitos.”
“Bây giờ mình xong chưa, ông Becerrita?” Periquito hỏi. “Tôi có thể ngủ được chưa?”
“Mình thậm chí còn chưa bắt đầu,” Becerrita nói. “Đi gặp Madama 3 để tìm xem chuyện tầm xàm đó có thật không.”
Robertito đi ra gặp họ, chào quý vị đã đến, căn nhà này của quý vị, dạo này ông ra sao, thưa ông Becerra, nhưng Becerrita lập tức tước đi niềm vui của gã: họ đến vì công việc, họ vào phòng khách được chứ? Mời vào, ông Becerra, mời mọi người.
“Mang bia ra cho mấy thằng nhóc này,” Becerrita nói. “Rồi gọi Madama ra cho tôi. Việc khẩn.”
Robertito lắc mái tóc quăn màu hạt dẻ của gã, gật đầu với tiếng cười khẩy thiếu thiện cảm, đi ra bằng bước nhảy của một vũ công ba lê.
Periquito buông người xuống chiếc ghế bành, hai chân anh ta duỗi dài, chỗ này đẹp thật, thanh lịch thật, và Santiago ngồi xuống bên cạnh anh. Phòng khách trải thảm, hắn nghĩ, ánh sáng gián tiếp, ba bức tranh trên tường. Bức đầu tiên một thanh niên tóc vàng đeo mặt nạ đuổi theo một cô eo nhỏ rất trắng đang chạy rón rén dọc lối đi quanh co; bức thứ hai gã bắt được cô và họ ôm nhau chìm trong màn liễu; bức thứ ba cô gái nằm trên cỏ, ngực phơi trần, gã thanh niên dịu dàng hôn đôi vai tròn của cô, và vẻ mặt cô nửa hoảng sợ nửa uể oải. Họ ở trên bờ hồ hoặc bờ sông và xa xa có một bầy thiên nga cổ dài.
“Anh thuộc về thế hệ trẻ đồi bại nhất lịch sử,” Becerrita nói với vẻ hài lòng. “Anh thích gì ngoài nhậu nhẹt và điếm đàng?”
Miệng ông méo đi trong cái nhăn mặt gần như nụ cười, ông gãi bộ ria mỏng bằng ngón tay màu mù tạc, ông đã trật mũ ngược ra phía sau và đang đi tới đi lui một tay đút túi, hắn nghĩ, như tên bất lương trong phim Mễ Tây Cơ. Robertito bưng khay vào.
“Bà sẽ ra ngay, ông Becerra.” Gã cúi đầu. “Bà ấy hỏi tôi là ông có muốn uống whiskey không.”
“Tôi không uống được. Bị loét dạ dày,” Becerrita càu nhàu. “Mỗi lần tôi uống, hôm sau tôi ỉa ra máu.”
Robertito đi ra, và Ivonne kia, Zavalita. Cái mũi dài trát phấn dày của bà, hắn nghĩ, bộ váy của bà điểm nhiễu và trang kim sột soạt. Đĩnh đạc, từng trải, mỉm cười, bà hôn lên má Becerrita, lịch sự đưa tay cho Periquito và Santiago. Bà nhìn khay, Robertito không rót cho họ sao? bà tỏ vẻ quở trách, cúi tới rót vào ly một cách thành thạo, nửa ly mà không sủi nhiều bọt, mang ly đến cho họ. Bà ngồi xuống mép ghế, ngẩng cổ, bắt tréo chân, làn da tụ lại thành những nếp nhỏ dưới mắt bà.
“Đừng nhìn tôi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên đó,” Becerrita nói. “Bà biết tại sao chúng tôi đến đây, Madama.”
“Tôi không tin là ông không muốn uống gì.” Cách phát âm ngoại quốc của bà, Zavalita, cử chỉ giả tạo của bà, vẻ thanh thản như một mệnh phụ giàu sang của bà. “Ông là dân bợm rượu lâu đời, Becerrita.”
“Hồi xưa kìa, cho đến khi bệnh loét làm dạ dày của tôi thành thịt băm,” Becerrita nói. “Bây giờ tôi chỉ có thể uống sữa. Sữa bò ấy.”
“Vẫn như cũ.” Ivonne quay sang Santiago và Periquito. “Ông già này và tôi như anh em, đã mấy thế kỷ rồi.”
“Có lúc hơi loạn luân.” Becerrita cười, rồi cởi mở cũng với giọng thân mật tương tự. “Cứ xem như tôi là linh mục và bà đang xưng tội. Bà có Nàng Thơ ở đây được bao lâu?”
“Nàng Thơ, ở đây?” Ivonne mỉm cười. “Ông là ông linh mục khôi hài, Becerrita.”
“Bây giờ bà không tin tôi.” Becerrita ngồi lên tay ghế của Ivonne. “Bây giờ bà nói láo với tôi.”
“Cha điên rồi, thưa Cha.” Ivonne mỉm cười và vỗ đầu gối Becerrita. “Nếu bà ta làm việc ở đây thì tôi đã kể với ông.”
Bà ta rút khăn tay cất trong cánh tay áo, lau mắt, thôi mỉm cười. Tất nhiên bà biết bà ấy, đôi khi bà ấy đến đây hồi còn là bạn gái của, ôi dào, Becerrito biết là của ai. Gã đã vài lần mang ấy đến để vui chợi, để bà ấy có thể nhìn trộm từ ô cửa sổ nhỏ ngó ra quầy rượu. Nhưng theo Ivonne biết, bà ấy chưa bao giờ làm cho bất cứ nhà nào. Bà lại cười, thanh lịch. Những nếp nhăn nhỏ quanh mắt bà, trên cổ bà, hắn nghĩ, nỗi căm ghét của bà: tội nghiệp nó hành nghề ngoài đường, như con chó cái.
“Dễ thấy bà yêu bà ấy lắm, Madama,” Becerrita gầm gừ.
“Hồi bà ấy là nhân tình của Bermúdez, bà ấy khinh rẻ mọi người.” Ivonne thở dài. “Bà ấy thậm chí không cho tôi đến nhà bà ấy. Vì vậy không ai giúp bà ấy khi bà ấy trắng tay. Bà ấy trắng tay là lỗi của bà ấy. Rượu và ma túy.”
“Bà thích thú vì bà ấy ngã ngựa.” Becerrita mỉm cười. “Tử tế quá, Madama.”
“Hôm đọc báo tôi cảm thấy buồn, những tội ác như vậy luôn luôn làm tôi cảm thấy buồn,” Ivonne nói. “Nhất là mấy tấm ảnh, thấy cách bà ta sống. Nếu ông muốn nói bà ta đã làm việc ở đây thì tôi rất mừng. Quảng cáo tốt cho nhà mình.”
“Bà tự tin lắm, Madama.” Becerrita cười nhạt nói. “Bà chắc hẳn đã tìm được một người che chở tốt như Cayo Bermúdez.”
“Tin đồn thôi, Bermúdez chưa bao giờ dính líu với nhà này,” Ivonne nói. “Ông ta là một khách hàng như mọi khách khác.”
“Mình quay lại cái bô đi, mình đang ỉa vãi ra đất rồi,” Bercerrita nói. “Bà ấy không làm việc ở đây, thôi được. Gọi con nhỏ sống với bà ấy ra. Cô ta có thể cho bọn tôi một vài tin rồi tôi sẽ để bà yên.”
“Con nhỏ sống với bà ấy?” Toàn bộ vẻ mặt bà ta thay đổi, Carlitos, bà ta hoàn toàn mất kiểm soát, bà ta tím mặt “Một trong mấy đứa của tôi sống với bà ấy?”
“Ồ, cảnh sát chưa tìm ra.” Becerrita gãi bộ ria mép mỏng của ông và háo hức liếm môi. “Nhưng họ sẽ tìm ra không sớm thì muộn, và họ sẽ đến hỏi bà và một con Queta nào đó. Bà nên chuẩn bị thì hơn, Madama.”
“Với Queta?” Toàn bộ thế giới của bà ta sụp đổ, Carlitos. “Ông nói cái gì vậy, Becerrita?”
“Tụi nó đổi tên hằng ngày và người ta cứ lẫn lộn lung tung cả, nó là đứa nào?” Becerrita lẩm bẩm. “Đừng lo, bọn tôi không phải là cảnh sát. Gọi cô ta đi. Bọn tôi chỉ muốn nói chuyện gẫu một cách êm ả, kín đáo.”
“Ai nói với ông là Queta sống với bà ấy?” Ivonne lắp bắp: bà cố gắng lấy lại nụ cười của bà, vẻ tự nhiên của bà.
“Tôi tin bà, Madama, tôi là bạn bà.” Becerrita thì thầm với giọng cởi mở. “Paqueta kể cho tôi.”
“Đồ mẹ đĩ do con đĩ tồi tệ nhất đẻ ra.” Lúc đầu là mụ tú bà đội tóc giả với điệu bộ của một đại mệnh phụ, Carlitos, rồi một bà già hoảng hốt, rồi thành một con báo khi bà ta nghe tên Paqueta. “Đồ lớn lên súc miệng bằng máu kinh của mẹ nó.”
“Tôi thích miệng lưỡi đó của bà, Madama.” Becerrita vòng tay qua vai bà, thích thú. “Bọn tôi sẽ trả thù cho bà, bài ngày mai bọn tôi sẽ nói Montmartre là ổ điếm tai tiếng nhất Lima.”
“Ông không thấy cô ta sẽ tiêu tùng à?” Ivonne nói, nắm đầu gối Becerrita, bóp chặt. “Ông không thấy cảnh sát sẽ bắt cô ta đi thẩm vấn à?”
“Cô ta có thấy gì không?” Becerrita hỏi, thấp giọng. “Cô ta có biết gì không?”
“Dĩ nhiên là không, cô ta chỉ không muốn dính với chuyện rắc rối,” Ivonne nói. “Ông sẽ làm cô ta khốn khổ. Tại sao ông muốn làm điều xấu vậy?”
“Tôi không muốn chuyện gì xảy ra cho cô ta, chỉ muốn cô ta kể cho tôi vài chi tiết riêng tư về Nàng Thơ,” Becerrita nói. “Bọn tôi sẽ không nói là họ sống chung, bọn tôi sẽ không dùng tên của cô ta. Bà có tin lời tôi hay không?”
“Tất nhiên là không,” Ivonne nói. “Ông cũng là một đứa khốn nạn như Paqueta.”
“Tôi thích bà vì vậy, Madama.” Becerrita nhìn Santiago và Periquito với nụ cười kín đáo. “Khi bà đúng là bà.”
“Queta là con nhỏ tốt, Becerrita ạ,” Ivonne nói với giọng yếu ớt. “Đừng hại nó. Vả lại, có thể không tốt cho ông. Tôi cảnh cáo ông là cô ta có nhiều bạn tốt.”
“Cứ gọi cô ta, đừng đóng kịch nữa.” Becerrita mỉm cười. “Tôi thề với bà là sẽ không có chuyện gì xảy ra cho cô ta.”
“Bộ ông nghĩ là nó muốn tới làm sau chuyện xảy ra cho bạn nó sao?” Ivonne hỏi.
“Được rồi, tìm cô ta rồi sắp xếp ngày cho tôi gặp cô ta,” Becerrita nói. “Tôi chỉ muốn vài sự kiện. Nếu cô ta không muốn nói chuyện với tôi, tôi sẽ in tên cô ta trên trang nhất rồi cô ta sẽ phải nói chuyện với nhân viên điều tra.”
“Ông có thề là nếu tôi dàn xếp cho ông gặp Queta, ông sẽ hoàn toàn không nhắc đến tên nó?” Ivonne hỏi.
Becerrita gật đầu. Vẻ thỏa mãn lan dần trên mặt ông, cặp mắt nhỏ của ông lấp lánh. Ông đứng lên, đi tới bàn, bằng một cử chỉ kiên quyết ông cầm ly của Santiago lên nốc cạn một hơi. Bọt trắng viền quanh miệng ông.
“Tôi thề với bà, Madama, tìm cô ta rồi gọi tôi,” ông nghiêm nghị nói. “Bà có số của tôi.”
“Ông có nghĩ bà ta sẽ gọi ông không, ông Becerra?” Periquito hỏi trên chiếc xe tải. “Tôi đánh cuộc bà ta sẽ bảo cô Queta đó là người của La Crónica biết mày sống với Nàng Thơ, chuồn đi.”
“Nhưng Queta là đứa nào?” Arispe hỏi. “Mình phải biết nó, Becerrita.”
“Nó phải là một trong mấy đứa đặc biệt được quyền làm việc tại nhà,” Becerrita nói. “Có lẽ mình biết nó, nhưng dưới một cái tên khác.”
“Con đó đáng giá ngàn vàng, thưa ông bạn quý,” Arispe nói. “Ông phải tìm ra nói, ngay cả nếu ông phải bới tung Lima lên.”
“Chẳng lẽ tôi chưa bảo anh là Madama sẽ gọi tôi sao?” Becerrita nhìn họ một cách chế giễu, không tự phụ. “Tối này lúc bảy giờ. Cho tôi nguyên trang giữa, thưa sếp.”
“Mời vào, mời vào,” Robertito nói. “Vâng, trong phòng khách. Xin mời ngồi.”
Như thế, ánh chiều tà rọi qua ô cửa sổ duy nhất, căn phòng khách nhỏ đã mất vẻ bí ẩn và mê hoặc của nó. Nệm ghế mòn, hắn nghĩ, giấy dán tường phai màu, đốm thuốc lá cháy và mấy vết rách trên thảm. Cô gái trong mấy bức tranh chẳng có gì nổi bật, các con thiên nga chẳng ra hình thù gì.
“Chào ông, Becerrita,” Ivonne không hôn ông, không bắt tay. “Tôi hứa với Queta là ông sẽ làm như ông đã hứa. Tại sao ông mang theo mấy người này?”
“Bảo Robertito mang bia cho bọn tôi,” Becerrita nói mà không đứng lên khỏi ghế, không nhìn người phụ nữ vào phòng với Ivonne. “Tôi sẽ trả tiền những món này, Madama.”
“Cao, chân đẹp, cô gái lai với bộ tóc hung đỏ,” Santiago nói. “Tôi chưa bao giờ thấy cô ta ở nhà Ivonne, Carlitos.”
“Ngồi xuống,” Becerrita nói với giọng chủ nhà. “Mọi người không muốn uống gì sao?”
Robertito rót bia, hai tay gã run khi đưa bia cho Becerrita, Periquito và Santiago, lông mi gã chớp nhanh, vẻ mặt gã sợ hãi. Gã hầu như bỏ chạy ra ngoài, đóng cửa lại. Queta ngồi xuống chiếc ghế dài bọc nệm, nghiêm nghị, không hoảng hốt, hắn nghĩ, và mắt Ivonne đang bừng cháy.
“Đúng, cô thuộc loại đặc biệt, vì ít khi gặp cô ở đây,” Becerrita nói, nhấp một ngụm bia. “Có phải cô chỉ làm việc ở ngoài, với khách hàng đặc biệt?”
“Tôi làm ở đâu không phải là việc của ông,” Queta nói. “Ai cho phép ông dùng cách nói suồng sã với tôi?”
“Bình tĩnh, đừng nóng,” Ivonne nói. “Ông ấy là người mình có thể tin, thế thôi. Ông ấy chỉ hỏi vài câu.”
“Ông không thể là khách hàng của tôi ngay cả nếu ông muốn, cứ biết như thế,” Queta nói. “Ông sẽ không bao giờ đủ tiền trả cho giá của tôi.”
“Tôi hết là khách hàng rồi, tôi về hưu rồi,” Beceritta mỉm cười chế giễu và lau ria mép. “Cô sống với Nàng Thơ bao lâu ở Jesús María?”
“Tôi không sống với bà ấy, con chó đẻ đó nói láo,” Queta hét lớn, nhưng Ivonne nắm tay cô và cô dịu giọng. “Ông đừng lôi tôi vào vụ này, tôi cảnh cáo ông là…”
“Chúng tôi không phải là cớm, chúng tôi là phóng viên,” Becerrita nói với vẻ mặt thân thiện. “Không phải chuyện về cô, mà là về Nàng Thơ. Cô kể cho chúng tôi về những gì cô biết về bà ta, rồi chúng tôi sẽ đi và quên hết về cô. Chẳng có lý do gì để tức giận, Queta.”
“Vậy tại sao đe dọa?” Queta hét lớn. “Tại sao ông nói với bà này là ông sẽ báo cảnh sát? Ông nghĩ tôi có gì phải giấu sao?”
“Nếu cô không có gì để giấu thì chẳng có lý do gì sợ cảnh sát,” Becerrita nói rồi nhấp một ngụm bia nữa. “Tôi đến đây như bạn bè, để chuyện gẫu. Chẳng có lý do gì để tức giận.”
“Ông ấy là người giữ lời, ông ấy sẽ làm điều ông ấy nói, Queta,” Ivonne nói. “Ông ấy sẽ không dùng tên cô. Trả lời câu hỏi của ông ấy đi.”
“Được rồi, thưa bà, tôi biết,” Queta nói. “Câu hỏi gì?”
“Đây là câu chuyện giữa bạn bè,” Becerrita nói. “Tôi là người giữ lời, Queta. Cô đã sống với Nàng Thơ bao lâu?”
“Tôi không sống với bà ấy.” Cô ta gắng tự kìm chế, Carlitos, cô ta cố không nhìn Becerrita, khi mắt cô nhìn ông, giọng cô vỡ òa. “Chúng tôi là bạn, đôi khi tôi ngủ lại nhà bà ấy. Bà ấy dọn về Jesús María, chắc đã hơn một năm trước.”
“Ông ấy có tấn công và đánh gục cô ta không?” Carlitos hỏi. “Becerrita dùng phương pháp đó. Đánh gục tinh thần của đối tượng để họ thổ lộ hết. Đó là phương pháp của nhân viên điều tra, không phải của phóng viên.”
Santiago và Periquito không đụng tới ly bia: họ nhấp nhổm trên ghế theo dõi cuộc nói chuyện, im lặng. Ông ấy đã hạ gục cô ta, Zavalita, bây giờ cô ta đang trả lời mọi câu hỏi. Giọng cô ta cao lên rồi hạ xuống, hắn nghĩ, Ivonne đang vỗ về cánh tay của cô, cho cô can đảm. Tội nghiệp, bà ta gặp khó khăn, rất khó khăn, nhất là khi bà ta mất việc ở Montmartre, nhất là vì Paqueta đã đối xử rất tệ với bà ta. Nó đuổi bà, biết rằng bà sẽ chết đói, tội nghiệp. Bà ta đã có nhiều dan díu, nhưng bà ta không tìm được nhân tình nữa, một người chu cấp hàng tháng cho bà ta và trả tiền nhà. Rồi bỗng nhiên cô ta khóc, Carlitos, không vì câu hỏi của Becerrita, mà khóc vì Nàng Thơ. Hay có lẽ lòng chung thủy vẫn còn hiện hữu, ít nhất là giữa vài cô điếm, Zavalita.
“Tội nghiệp, khi ấy chắc bà ta hoàn toàn tán gia bại sản.” Becerrita trở nên buồn, tay ông đặt trên ria mép, cặp mắt lấp lánh của ông tập trung vào Queta. “Tôi muốn nói là khánh tận vì rượu, vì hít ma túy.”
“Ông định viết cả chuyện đó à?” Queta thổn thức. “Ngoài những chuyện khủng khiếp người ta in về bà ta mỗi ngày, cả chuyện đó à?”
“Bà ta gặp khó khăn, bà ta làm gái điếm nửa vời, bà ta uống rượu và lăng nhăng, mấy chuyện đó báo đã nói hết,” Becerrita thở dài. “Chúng tôi là người duy nhất nhấn mạnh vào mặt tốt của bà ta. Bà ta là ca sĩ nổi tiếng, bà ta được bầu làm Nữ hoàng Hộp đêm, bà ta là một trong các phụ nữ đẹp nhất Lima.”
“Thay vì đào sâu vào cuộc đời bà ta, ông nên quan tâm tới ai giết bà ta, ai đã cho người giết bà ta,” Queta nức nở và lấy tay che mặt. “Họ không nói về bọn chúng, họ không dám.”
Đúng lúc ấy, Zavalita? Hắn nghĩ: ừ, ở đó. Bộ mặt hóa đá của Ivonne, hắn nghĩ, nỗi nghi ngờ và bực tức trong mắt bà, ngón tay Becerrita bất động trên hàng ria mép, Periquito thúc vào hông mày, Zavalita, cảnh giác mày. Bốn người giữ im lặng, nhìn Queta đang nức nở dữ dội. Hắn nghĩ: cặp mắt hí của Becerrita đâm thủng mái tóc đỏ, tất cả bốc cháy.
“Tôi không sợ, tôi in hết, tờ báo có thể chịu hết,” cuối cùng Becerrita dịu dàng thì thầm. “Nếu cô dám, tôi dám. Nó là ai? Cô nghĩ nó là ai?”
“Nếu cô ngu tới nỗi dính líu vào thì đó là việc của cô.” Mặt Ivonne hoảng sợ, Carlitos, nỗi kinh hoàng của bà ta, tiếng hét của bà ta. “Nếu cô nghĩ tới chuyện ngu dại đó, nếu cô bịa ra chuyện ngu dại đó…”
“Bà không hiểu, Madama.” Giọng nhỏ nhẹ hầu như than khóc của Becerrita, Carlitos. “Cô ấy không muốn cái chết của bạn cô ấy cứ như thế, không đi đến đâu. Nếu Queta dám, tôi dám. Cô nghĩ nó là ai, Queta?”
“Không phải là chuyện ngu dại, bà biết tôi không bịa chuyện, thưa bà,” Queta thổn thức, rồi cô ngẩng đầu và thổ lộ, Carlitos: “Bà biết bọn chân tay của Cayo Đầu Cứt giết bà ấy mà.”
Mọi lỗ chân lông toát mồ hôi, hắn nghĩ, mọi khúc xương kêu răng rắc. Không bỏ qua một cử chỉ nhỏ, một âm tiết, một cử động, một hơi thở, và trên cuống dạ dày của hắn con sâu nhỏ lớn lên, con rắn, lưỡi dao, như hồi ấy, hắn nghĩ, tệ hơn hồi ấy. Ồ, Zavalita.
“Bây giờ cậu sắp khóc đấy à?” Ambrosio hỏi. “Đừng uống thêm nữa, thưa cậu.”
“Nếu cô muốn, tôi sẽ in, nếu cô muốn, tôi sẽ tường thuật đúng sự việc, nếu cô không muốn, tôi sẽ không viết gì,” Becerrita nói. “Cayo Đầu Cứt là Cayo Bermúdez phải không? Cô có chắc là gã ra lệnh giết bà ấy không? Thằng khốn đó đang sống xa Peru, Queta.”
Khuôn mặt biến dạng vì khóc, Zavalita, cặp mắt sưng đỏ, cái miệng méo vì đau khổ, đầu và tay ra dấu phủ nhận: không phải Bermúdez.
“Kẻ sát nhân nào?” Becerrita khăng khăng. “Cô có thấy nó không, cô có ở đó không?”
“Queta đang ở Huacachina,” Ivonne xen vào, ngón tay trỏ của bà đe dọa ông. “Với một nghị sĩ, nếu ông muốn biết với ai.”
“Tôi không gặp Hortensia đã ba ngày,” Queta thổn thức. “Tôi biết chuyện qua báo. Nhưng tôi biết, tôi không nói láo.”
“Đứa tay chân từ đâu ra?” Becerrita lặp lại, cặp mắt nhỏ của ông dán chặt lên Queta, trấn an Ivonne bằng bàn tay nôn nóng. “Tôi sẽ không in, Madama, chỉ in cái gì Queta muốn tôi nói. Nếu cô ấy không dám, tất nhiên tôi cũng không.”
“Hortensia biết rất nhiều về bọn nhà giàu, bà ấy chết đói, bà ấy chỉ muốn đi khỏi nơi đây,” Queta thổn thức. “Không phải vì thâm hiểm, chỉ muốn bỏ đi và làm lại từ đầu, ở nơi không ai biết bà ấy. Bà ấy đã dở sống dở chết lúc bị giết. Vì cách cư xử khốn nạn của thằng chó chết Bermúdez đó, vì cách cư xử khốn nạn của mọi người khi họ thấy bà ấy xuống dốc.”
“Bà ta đã moi tiền của hắn, và hắn cho người giết bà để bà đừng tống tiền hắn nữa,” Becerrita nhỏ nhẹ lặp lại. “Ai là đứa thuê kẻ sát nhân?”
“Hắn không thuê nó, hắn chắc đã kể cho nó,” Queta nói, nhìn vào mắt Becerrita. “Hắn chắc đã kể với nó rồi thuyết phục nó. Hắn nắm nó trong tay, nó như đứa nô lên của hắn. Hắn có thể làm bất cứ điều gì hắn muốn với nó.”
“Tôi dám, tôi sẽ in,” Becerrita lặp lại, thấp giọng. “Quỷ thần ơi, tôi tin cô, Queta.”
“Bi Vàng cho người giết bà ta,” Queta nói. “Đứa sát nhân là bộ hạ của hắn. Tên nó là Ambrosio.”
“Bi Vàng?” Ông ấy đứng vội lên, Carlitos, chớp mắt, ông ấy nhìn Periqutio, nhìn tôi, ông ấy hối tiếc và nhìn Queta, nhìn sàn nhà, rồi lặp lại, như một thằng ngốc: “Bi Vàng? Bi Vàng?”
“Fermín Zavala, ông có thể thấy là cô ấy điên,” Ivonne nổ bùng, cũng đứng lên, la lối. “Như thế có ngu xuẩn không, Becerrita? Dù cho là thật thì nó vẫn là chuyện ngu xuẩn. Đừng để ý tới cô ta, cô ta bịa đặt hết cả.”
“Hortensia moi tiền của hắn, dọa sẽ nói với vợ hắn, dọa kể chuyện về tên tài xế của hắn khắp thành phố,” Queta gầm lên. “Chuyện này không bịa đặt, thay vì mua vé cho bà ấy đi Mễ Tây Cơ hắn cho bộ hạ giết bà ấy. Ông có kể không, ông có in không?”
“Chúng tôi không vãi cứt lên mọi người.” Rồi ông ấy đổ gục xuống ghế, Carlitos, không nhìn tôi, khịt mũi, rồi ông bỗng đội mũ để tay ông đỡ trống trải. “Cô có bằng chứng gì, cô nhặt ở đâu ra một chuyện như vậy? Nó không vững. Tôi không thích bị phỉnh, Queta.”
“Tôi đã bảo cô ta là dại dột, tôi đã bảo cô ta hàng trăm lần,” Ivonne nói. “Cô ta đâu có bằng cớ, cô ta ở Huacachina, cô ta không biết. Và ngay cả nếu cô ta biết, ai chịu nghe, ai chịu tin, Fermín Zavala, với cả triệu bạc của ông ấy. Ông giải thích cho cô ta đi, Becerrita. Bảo cho cô ta biết điều gì có thể xảy ra nếu cô ta tiếp tục lặp lại chuyện đó.”
“Cô vẩy cứt tung tóe lên cô, Queta, cô vẩy tung tóe lên cả chúng tôi,” ông ấy càu nhàu, Carlitos, nhăn mặt, sửa lại cái mũ. “Cô muốn tôi in chuyện đó để họ nhốt hết tụi tôi vào nhà thương điên hả, Queta?”
“Không thể tin nổi đối với ông ấy,” Carlitos nói. “Mấy thứ rác rưởi đó cũng được việc. Ít nhất là nhờ đó mình biết Becerrita cũng là người, ông ta có thể cư xử đứng đắn.”
“Anh có việc bận phải không?” Becerrita càu nhàu, nhìn đồng hồ đeo tay, giọng ông tự nhiên một cách khắc khoải. “Cứ đi, Zavalita.”
“Đồ hèn nhát khốn nạn,” Queta nói nhỏ. “Tôi biết ông chỉ nói, tôi biết ông sẽ không dám.”
“Ít nhất anh có thể đứng lên và đi khỏi nơi ấy mà không bật khóc,” Carlitos nói. “Tôi chỉ băn khoăn một điều là khi các cô điếm biết chuyện ấy rồi thì anh không thể trở lại nhà thổ đó. Xét cho cùng, đó là chỗ khá nhất thành phố, Zavalita.”
“Anh muốn nói là ít ra tôi tình cờ gặp anh,” Santiago nói. “Tôi không biết tôi sẽ làm gì tối hôm ấy mà không có anh, Carlitos.”
Ừ, may mắn là tình cờ gặp anh, may mắn là đến Plaza San Martín mà không về nhà trọ ở Barranco, may mắn là không về nhà áp miệng xuống gối khóc trong sự cô đơn của căn phòng nhỏ, cảm thấy đã tận thế và nghĩ tới chuyện tự sát hay giết ông già đáng thương của mày, Zavalita. Hắn đứng lên, chào tạm biệt, ra khỏi phòng, đụng phải Robertito trong hành lang, cuốc bộ tới Plaza Dos de Mayo mà không tìm ra tắc xi. Mày há miệng hít không khí lạnh, Zavalita, mày cảm thấy tim đập và đôi lúc mày chạy. Mày đã lên chiếc xe khách, ra khỏi Colmena, bối rối cuốc bộ dưới Portal, rồi bỗng thấy hình dáng gãy đổ của Carlitos đang đứng cạnh bàn trong Zela Bar, tay anh ra đang vẫy mày. Bọn họ đã từ chỗ Ivonne về rồi sao, Zavalita, cái cô Queta đó có xuất hiện không? Còn Periquito và Becerrita đâu? Nhưng khi anh đến gần Santiago, anh đổi giọng: chuyện gì vậy, Zavalita.
“Tôi cảm thấy buồn nôn.” Mày nắm cánh tay anh, Zavalita. “Buồn nôn khủng khiếp, anh bạn già.”
Carlitos nhìn mày với vẻ lo âu, do dự, anh ta vỗ vai mày: họ nên đi uống rượu, Zavalita. Hắn để mình bị lôi đi, hắn xuống thang ở Negro– Negro như một kẻ mộng du, mò mẫm đi qua sàn và vấp trong những chỗ tối thưa vắng của quán, cái bàn thường lệ của họ còn trống, hai bia Đức, Carlitos nói với người hầu bàn rồi dựa vào các trang bìa của tờ The New Yorker.
“Mình rốt cuộc cứ chìm đắm ở nơi này, Zavalita.” Mái tóc quăn của anh, hắn nghĩ, tình bạn trong mắt anh, bộ mặt không cạo của anh, làn da vàng vọt của anh. “Cái ổ này thôi miên tụi mình.”
“Nếu về nhà trọ tôi sẽ hóa điên mất, Carlitos,” Santiago nói.
“Tôi cứ nghĩ đó là tiếng rên của một thằng say, nhưng bây giờ tôi thấy không phải,” Carlitos nói. “Ai thì rốt cuộc cũng sẽ cãi nhau với Becerrita. Ông ấy say rồi tống cổ anh ra khỏi nhà thổ à? Đừng chú ý tới ông ta, anh bạn.”
Những bìa báo sáng ngời, mỉa mai và sặc sỡ, tiếng nói chuyện giữa những người vô tình. Người hầu bàn mang bia đến, họ cùng uống. Carlitos nhìn hắn qua ly bia, mời hắn thuốc lá và châm lửa cho hắn.
“Đây là chỗ mình nói chuyện khổ dâm lần đầu, Zavalita,” anh nói. “Đây là chỗ mình thú nhận mình là gã thi sĩ bất tài và là tên cộng sản thất bại. Bây giờ mình chỉ là hai thằng nhà báo. Đây là chỗ mình thành bạn, Zavalita.”
“Tôi phải kể với anh một chuyện vì nó đang hành hạ tôi, Carlitos,” Santiago nói.
“Nếu nói ra mà anh cảm thấy dễ chịu hơn thì được,” Carlitos nói. “Nhưng nghĩ cho kỹ. Đôi khi tôi thổ lộ bí mật khi tôi gặp khủng hoảng, rồi sau đó tôi hối tiếc và ghét người biết điểm yếu của tôi. Tôi không muốn ngày mai anh ghét tôi, Zavalita.”
Nhưng Santiago lại bắt đầu khóc. Cúi trên bàn, hắn nén tiếng nức nở bằng cách ấn khăn tay lên miệng, rồi hắn cảm thấy bàn tay của Carlitos trên vai hắn: bình tĩnh nào, anh bạn.
“Hừm, chắc là chuyện ấy rồi.” Ôn tồn, hắn nghĩ, rụt rè, thương xót. “Becerrita say rượu rồi lôi chuyện cha anh ra trước mặt cả nhà thổ phải không?”
Không phải là mày biết lúc nào, Zavalita, mà là biết chính ở đó. Hắn nghĩ: lúc mình biết ra rằng mọi người ở Lima đều biết ông là người đồng tính, trừ mình. Mọi người trong tòa báo, trừ mày, Zavalita. Nhạc công dương cầm bắt đầu chơi, một tiếng phụ nữ cười khe khẽ thỉnh thoảng nổi lên trong bóng tối, vị chua của bia, người hầu bàn cầm đèn đến dọn chai đi và mang thêm bia mới. Mày nói và xé chiếc khăn tay của mày, Zavalita, lau miệng, lau mắt. Hắn nghĩ: tận thế sẽ không đến, mày sẽ không hóa điên, mày sẽ không tự sát.
“Anh biết miệng lưỡi thiên hạ, miệng lưỡi gái điếm mà.” Anh ấy gật gù trên ghế, hắn nghĩ, sửng sốt, anh ấy cũng ngạc nhiên. “Cô ta đã đưa chuyện đó ra để làm bẽ mặt Becerrita, để làm ông ta câm miệng vì ông đã khiến cô khổ sở.”
“Họ nói về ông như thể họ là bạn cũ,” Santiago nói. “Và tôi có mặt ở đó, Carlitos.”
“Khốn nạn nhất không phải là câu chuyện về vụ án mạng, chắc là chuyện bịa thôi, Zavalita.” Anh ta cũng lắp bắp, hắn nghĩ, anh ta cũng tự mâu thuẫn. “Mà khốn nạn nhất là anh ta biết về chuyện kia ở đó và từ cái miệng đó. Tôi tưởng anh đã biết, Zavalita.”
“Bi Vàng, bộ hạ của ông, tài xế của ông,” Santiago nói. “Như thể họ biết rất rõ đời ông. Ông ở giữa đống rác rưởi ấy, Carlitos. Và tôi có mặt ở đó.”
Không thể thế được và mày hút thuốc, Zavalita, chuyện đó chắc là bịa đặt, mày uống một ngụm rồi bị xúc động, và mày mất giọng rồi mày cứ lặp đi lặp lại không thể thế được. Và Carlitos, mặt anh ta tan biến trong khói, phía trước các trang bìa thờ ơ: nó có vẻ khủng khiếp đối với anh, nhưng không, Zavalita, có nhiều thứ còn khủng khiếp hơn. Anh sẽ quen với nó, anh sẽ bất cần, rồi anh ta gọi thêm bia.
“Tôi sẽ cho anh say,” anh ta vừa nói vừa nhăn mặt. “Cơ thể anh sẽ lộn tùng phèo tới nỗi anh sẽ không suy nghĩ được bất cứ điều gì khác. Vài chai nữa rồi thì anh sẽ không suy nghĩ được bất cứ điều gì khác. Vài chai nữa rồi thì anh sẽ thấy nó chẳng đáng gì mà cay đắng, Zavalita.”
Nhưng anh ta mới là kẻ say, hắn nghĩ, như mày bây giờ. Carlitos đứng lên, biến mất trong bóng tối, tiếng cười khe khẽ của người phụ nữ lặng xuống rồi trở lại, và tiếng dương cầm đơn điệu: tôi muốn cho ông say, nhưng người say lại là tôi, Ambrosio. Carlitos quay về, anh ta đã đái ra một lít bia, Zavalita, phí tiền thật nhỉ?
“Và tại sao cậu muốn tôi say?”Ambrosio cười. “Tôi chưa bao giờ say, thưa cậu.”
“Mọi người trong tòa báo đều biết,” Santiago nói. “Khi tôi không có ở đó, họ có nói về thằng con của Bi Vàng không, đứa con trai của gã đồng tính?”
“Anh nói như thể vấn đề là của anh chứ không phải của ông ấy,” Carlitos nói. “Đừng ngốc, Zavalita.”
“Tôi chưa bao giờ nghe, ở trường, trong khu phố, ở đại học,” Santiago nói. “Nếu đúng thế thì lẽ ra tôi đã nghe gì đấy, nghi ngờ gì đấy. Chưa bao giờ, Carlitos.”
“Nó có thể là một trong mấy tin đồn lan tràn khắp nước này,” Carlitos nói. “Loại tin đồn biến thành sự thật vì nó đã kéo dài quá lâu. Đừng nghĩ tới nó nữa.”
“Hay có lẽ là tôi không muốn biết,” Santiago nói. “Tôi không muốn nhận ra nó, Carlitos.”
“Tôi không an ủi anh, chả có lý do gì để an ủi, anh chẳng dính líu gì,” Carlitos vừa nói vừa ợ. “Ông ấy mới là người nên được an ủi. Nếu là bịa thì cần an ủi bởi họ gán nó cho ông ấy, còn nếu chuyện có thật là bởi đời ông chắc phải khốn khổ lắm. Đừng nghĩ tới nữa.”
“Nhưng chuyện kia không thể đúng, Carlitos,” Santiago nói. “Chuyện kia chắc phải là dối trá ghê gớm. Không thể đúng, Carlitos.”
“Cô điếm đó chắc ghét ông ấy vì lý do nào đấy, cô ta bịa chuyện để trả thù ông ấy,” Carlitos nói. “Một thứ bí mật phòng the, một thứ hăm dọa để moi tiền ông ấy, có lẽ vậy. Tôi không biết làm cách nào anh có thể báo trước cho ông. Nhất là vì đã nhiều năm anh không gặp ông, đúng không?”
“Tôi báo trước cho ông ấy à? Anh nghĩ tôi còn muốn gặp mặt ông sau chuyện này sao?” Santiago nói. “Tôi chết vì xấu hổ mất, Carlitos.”
“Chẳng ai chết vì xấu hổ.” Carlitos mỉm cười rồi lại ợ. “Cuối cùng rồi anh sẽ biết nên làm gì. Dù sao, câu chuyện sẽ tiếp tục bị chôn vùi cách này hay cách khác.”
“Anh biết Becerrita,” Santiago nói. “Nó sẽ không bị chôn vùi. Anh biết ông ta sẽ làm gì.”
“Dĩ nhiên tôi biết ông ta sẽ hỏi ý Arispe, và Arispe sẽ hỏi ý các chủ báo,” Carlitos nói. “Bộ anh nghĩ Becerrita dại dột à, Arispe dại dột à? Bọn người thượng lưu không bao giờ xuất hiện trên trang tin cảnh sát. Anh lo về việc đó à, vụ tai tiếng ấy? Anh vẫn là tư sản, Zavalita.”
Anh ta ợ và bắt đầu cười rồi nói tiếp, càng lúc càng lan man: tối nay anh trưởng thành, Zavalita, hoặc sẽ không bao giờ cả. Ừ, đúng là may mắn: nhìn anh ta say, hắn nghĩ, nghe anh ta ợ, nói dông dài, phải lôi anh ta ra khỏi Negro-Negro, giữ anh đứng thẳng ở Portal trong lúc người bồi đi gọi tắc xi. May mắn là đã phải đưa anh ta tới Chorrillos, mang anh lên chiếc cầu thang cũ kỹ nhà anh, anh ta bám lên vai mày, và cởi quần áo anh ta rồi đặt anh ta lên giường, Zavalita. Biết rằng anh ta không say, hắn nghĩ, rằng anh ta đang giả vờ để làm mày quên và bận rộn, để mày nghĩ về anh ta và đừng nghĩ về mày. Hắn nghĩ: tôi sẽ mang sách cho anh, ngày mai tôi sẽ ghé. Dù miệng hắn đắng, óc hắn rối bời và cơ thể hắn rã rời, sáng hôm sau hắn đã cảm thấy khá hơn. Vừa đau nhức và cùng lúc thấy khỏe hơn, hắn nghĩ, bắp thịt hắn sưng vì hắn đã mặc nguyên quần áo ngủ trên chiếc ghế bành thiếu thoải mái, thanh thản hơn, cơn ác mộng đã biến đổi hắn, già hơn. Chỗ tắm nhỏ chen giữa bồn rửa mặt và bồn cầu trong căn phòng của Carlitos, nước lạnh làm mày run và cuối cùng đánh thức mày. Hắn chậm rãi mặc áo quần. Carlitos vẫn nằm ngủ sấp mặt. đầu anh buông thõng ngoài giường, mặc quần đùi và đi tất. Kia là con đường và ánh nắng mà sương mù buổi sáng chỉ làm khuyết đi chứ không che nổi, kia là quán cà phê nhỏ ở góc đường và một nhóm người soát vé xe điện đội mũ xanh đang nói về bóng đá ở quầy. Hắn gọi cà phê, hỏi giờ, mười giờ, chắc ông đã đến văn phòng, mày không cảm thấy bồn chồn hay cảm xúc, Zavalita. Hắn phải chui qua quầy để đi đến chiếc điện thoại, qua một hành lang đầy bao bì và sọt, trong lúc quay số hắn nhìn hàng kiến đang leo lên một xà nhà. Hai tay hắn bỗng ẩm ướt khi hắn nhận ra giọng anh Nổ: a lô?
“A lô, anh Nổ.” Ngứa ngáy toàn thân, cảm thấy mặt đất lún xuống. “Ừ, em đây, Santiago.”
“Không ổn.” Tiếng anh Nổ thì thầm gần như không nghe rõ, giọng anh như một kẻ đồng lõa. “Chốc nữa gọi tao sau, ông già đang ở đây.”
“Em muốn nói chuyện với ba,” Santiago nói. “Ừ, với ông già. Chuyển đường dây cho ba, việc khẩn.”
Im lặng sửng sốt hoặc lúng túng hoặc ngạc nhiên một lúc lâu, tiếng máy chữ lách cách xa xa, và tiếng ho nhỏ bối rối của anh Nổ như thể anh đang nuốt chửng cái điện thoại bằng mắt và không biết nói gì, làm gì, và tiếng anh đóng kịch gọi lớn: ê, Ròm, Siêu Não, và máy đánh chữ ngưng ngay lập tức. Mày trốn ở đâu, Ròm, chừng nào mày đội mồ sống dậy, Siêu Não, mày đợi gì mà chưa về nhà? Dạ papa, Ròm papa à, nó muốn nói chuyện với papa. Nhiều tiếng nói cất lên át tiếng anh Nổ, và mặt mày nóng bừng lên, Zavalita.
“A lô, a lô, Ròm hả?” Giọng nói y hệt như từ bao nhiêu năm qua, đứt quãng, Zavalita, đầy đau khổ, vui mừng, giọng bối rối của ông đang nói to: “Con hả? Ròm hả? Con đó hả?”
“A lô, papa.” Ở cuối hành lang, phía sau quầy, các nhân viên soát vé đang cười, và bên cạnh mày một hàng chai nước ngọt Pasteurina và bầy kiến đang biến mất giữa các hộp thiếc bánh quy. “Vâng, con đây, papa. Mama thế nào, mọi người thế nào, papa?”
“Giận con, Ròm, đợi con mỗi ngày, Ròm.” Giọng hy vọng khủng khiếp, Zavalita, bối rối, ấp úng. “Con thế nào, con ổn cả chứ? Con đang gọi từ đâu, Ròm?”
“Từ Chorrillos, papa.” Nghĩ, toàn bịa đặt, ông không phải thế, hắn nghĩ, một lời vu khống, ông không thể. “Con phải nói với ba một việc, papa. Nếu lúc này ba không bận lắm, sáng nay con gặp ba được không?”
“Được, ngay lập tức, ba sẽ đến ngay.” Và bỗng lo âu, bồn chồn. “Con không bị chuyện gì chứ, Ròm? Con không gặp rắc rối gì phải không?”
“Không, papa, không rắc rối gì. Nếu ba muốn, con sẽ gặp ba phía ngoài Regatas Club. Con hiện không xa chỗ đó.”
“Ngay lập tức, Ròm. Nửa giờ nữa là nhiều. Ba đi ngay bây giờ. Nổ đây, Ròm.”
Những âm thanh có thể hình dung được của mấy cái ghế, cánh cửa, và tiếng máy chữ lại trở lại, và tiếng còi xe, tiếng máy xe xa xa.
“Ông già trẻ lại hai chục tuổi trong một giây,” Nổ hớn hở nói. “Ổng dông ra khỏi đây như bị ma đuổi. Còn tao là thằng không biết làm sao giấu được nghe mày. Chuyện gì vậy, mày đang bị rắc rối gì hả?”
“Không, không,” Santiago nói. “Đã lâu lắm rồi. Em sẽ làm hòa với ba.”
“Tới lúc rồi, tới lúc rồi,” Nổ lặp lại, vui mừng, vẫn chưa tin. “Khoan đã, tao sẽ gọi mama. Đừng về nhà trước khi tao nói cho mama. Để bả khỏi đứng tim khi bả thấy mày.”
“Bây giờ em chưa về nhà, anh Nổ.” Giọng hắn đã bắt đầu chống đối, nhưng chao ơi, mày không thể. “Chúa nhật, nói với má là em sẽ đến ăn trưa hôm Chúa nhật.”
“Thôi được, Chúa nhật, Teté và tao sẽ chuẩn bị cho bả,” Nổ nói. “Được rồi, thằng nhóc điên. Tao sẽ nói bả làm món tôm hầm cho mày.”
“Ông có nhớ lần cuối mình gặp nhau không?” Santiago nói. “Chắc phải đến mười năm rồi, phía trước Regatas Club.”
Hắn ra khỏi quán cà phê, xuống đại lộ tới bờ đê Malecón, và thay vì đi cầu thang xuống Regatas Club, hắn tiếp tục chậm rãi đi dọc trên vỉa hè, lơ đãng, hắn nghĩ, ngạc nhiên vì việc mày vừa mới làm. Phía dưới xa hắn thấy hai bãi tắm nhỏ vắng người của câu lạc bộ. Thủy triều đang lên, biển đã lấn bãi cát, những ngọn sóng nhỏ vỗ vào kè biển, vài dải bọt liếm lấy nền cao, lúc này vắng vẻ, vào mùa hè nơi này chen chúc ô dù và người tắm biển. Bao nhiêu năm đã qua từ khi mày đi tắm ở Regatas, Zavalita? Trước khi mày đi học ở San Marcos, năm hay sáu năm, đến lúc ấy dường như đã một thế kỷ đối với mày. Hắn nghĩ: đến lúc này đã một ngàn năm.
“Dĩ nhiên tôi nhớ, thưa cậu,” Ambrosio nói. “Ngày cậu làm hòa với papa của cậu.”
Phải chăng họ đang xây hồ bơi “Trên sân bóng rổ hai người đàn ông mặc bộ áo xanh bảo hộ lao động đang chơi bóng rổ; bể nước cho người tập chèo thuyền hình như khô cạn, lúc này anh Nổ có còn chèo thuyền không? Mày đã là một người lạ đối với gia đình mày, Zavalita, mày không còn biết anh em mày ra sao, họ đang làm gì, họ đã thay đổi thế nào. Hắn đi tới lối vào câu lạc bộ, ngồi xuống băng ghế đá phía bên buộc sợi dây xích, chòi gác cổng cũng trống. Hắn có thể nhìn thấy Agua Dulce từ đây, bãi biển không lều bạt, các sạp đóng cửa, sương mù che mờ vách đá Barranco và Miraflores. Trên bãi đá nhỏ ngăn Agua Dulce khỏi Regatas Club – hắn nghĩ mama sẽ nói để ngăn bọn nhà quê xa khỏi người đứng đắn – có vài chiếc ghe trên bãi, một chiếc đầy lỗ thủng trên vỏ ghe. Trời lạnh, gió làm rối tóc hắn, và hắn cảm thấy vị mặn trên môi. Hắn đi vài bước dọc bờ biển, ngồi xuống một chiếc ghe, châm điếu thuốc: nếu con không rời nhà, con sẽ không bao giờ biết, papa. Những con hải âu lượn tròn trên cao, chúng sẽ đáp trên các tảng đá một lúc rồi cất cánh, mấy con vịt đang hụp lặn, đôi khi chúng lặn, đôi khi chúng trồi lên với một con cá hầu như vô hình đang quằn quại trong mỏ chúng. Màu biển xanh chì, hắn nghĩ, bọt sóng màu nâu đất đang vỗ lên đá, đôi khi hắn nhìn được một bầy sứa sáng loáng, hàng chùm rong, lẽ ra con không nên đi San Marcos papa. Mày không khóc, Zavalita, chân mày không run, ông sẽ đến và mày sẽ cư xử như người lớn, mày sẽ không chạy và lao mình vào vòng tay ông, hãy nói với con chuyện đó là bịa đặt papa, nói với con chuyện đó là không thật papa. Chiếc xe xuất hiện từ xa, chạy quanh co để tránh ổ gà trên Agua Dulce, làm tung bụi, rồi xe dừng, và hắn đi tới để gặp. Mày có phải giả vờ không, đừng để mình bị lộ, phải chăng mình không nên khóc? Không, hắn nghĩ, ngược lại, có phải gã đang lái, có phải hắn thấy mặt gã? Đúng, nụ cười toe toét của Ambrosio trong kính xe, giọng của gã, cậu Santiago cậu khỏe không, rồi hình dáng của ông già. Thêm nhiều tóc bạc quá, hắn nghĩ, nhiều nếp nhắn quá và ông đã gầy nhiều, giọng ông bùng vỡ: Ròm. Ông không nói gì khác, hắn nghĩ, ông đã mở vòng tay, ông ôm chặt hắn vào người một lúc lâu, miệng ông áp trên má hắn, Zavalita, mùi nước hoa, giọng mày đứt quãng, papa, papa khỏe không: dối trá, vu không, không có gì là thật.
“Cậu không biết ông chủ mừng như thế nào đâu,” Ambrosio nói. “Cậu không thể tưởng tượng cậu và ông rốt cuộc làm hòa có nghĩa là gì đối với ông đâu.”
“Con chắc phải chết cóng vì đợi ở đây vào một ngày độc địa như thế này.” Bàn tay ông trên vai mày, Zavalita, ông đang nói rất chậm để khỏi lộ cảm xúc, ông đang đẩy mày tới Regatas Club. “Nào, mình vào, con phải uống cái gì nóng.”
Họ băng qua sân bóng rổ, bước đi chậm và lặng lẽ, họ vào tòa nhà câu lạc bộ qua cửa hông. Phòng ăn không có ai, bàn chưa dọn. Don Fermín vỗ tay hai cái và lập tức một người hầu bàn xuất hiện, vội vàng, đang cài cúc áo ngoài. Họ gọi cà phê.
“Không lâu sau đó ông không làm gì ở nhà nữa, đúng không?” Santiago nói.
“Ba không biết tại sao ba còn là hội viên ở đây, ba chẳng bao giờ ghé qua.” Mồm ông đang nói một chuyện, hắn nghĩ, còn mắt ông lại nói con thế nào, con đã ra sao, ba đã đợi mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, Ròm ơi. “Ba nghĩ cả anh và em con cũng chẳng đến đây nữa. Một ngày nào đó ba sẽ bán cổ phần của ba. Bây giờ nó đáng giá ba chục ngàn. Hồi trước ba chỉ tốn ba ngàn”
“Tôi không nhớ rõ lắm,” Ambrosio nói. “Ừ, chắc không lâu sau đó.”
“Con gầy và có quầng đen dưới mắt, má con sẽ phát hoảng khi gặp con.” Ông đang định mắng mày nhưng không thể, Zavalita, nụ cười của ông cảm động và buồn. “Làm việc ban đêm không tốt cho con. Con sống một mình cũng không tốt, Ròm.”
“Thật ra con đã lên cân, papa. Ba mới là người xuống cân nhiều.”
“Ba cứ nghĩ con sẽ không bao giờ gọi ba, con làm ba mừng quá, Ròm.” Đủ cho hắn mở mắt ra thêm một chút, Carlitos. “Dù vì chuyện gì đi nữa. Con thế nào?”
“Con chẳng sao cả, papa.” Hai tay ông chợt nắm lại, Carlitos, hoặc mặt ông thoáng biến đổi. “Có một vấn đề, con không biết nữa, nó có thể bỗng dưng gây rắc rối cho ba, con không biết nữa. Con muốn báo trước cho ba.”
Người hầu bàn mang cà phê lại; Don Fermín đưa Santiago thuốc lá; qua cửa sổ họ thấy hai người đàn ông mặc áo bảo hộ lao động đang chuyền bóng, ném bóng vào rổ, và Don Fermín đợi, vẻ mặt ông, sự thờ ơ của ông.
“Con không biết ba có đọc báo không, papa, vụ án đó.” Nhưng không, không, Carlitos, ông nhìn tôi, dò xét áo quần tôi, thân thể tôi, ông sẽ giả vờ như thế sao, Carlitos?” Cô ca sĩ bị giết ở Jesús María, người từng là nhân tình của Cayo Bermúdez hồi thời Odría.”
“Ồ, đúng.” Don Fermín làm một cử chỉ mơ hồ, ông vẫn có cái nhìn trìu mến, chỉ tò mò, như trước. “Nàng Thơ, bà đó.”
“Ở La Crónica họ đang cố sức điều tra mọi thứ về cuộc đời bà ấy.” Vậy mọi thứ là bịa đặt, Zavalita, anh thấy chưa, tôi nói đúng, Carlitos nói, chẳng có lý do gì để anh cay đắng như thế. “Họ đang đào tới tận đáy chuyện đó.”
“Con đang run, con thậm chí không mặc áo len trong cái lạnh này.” Hầu như chán câu chuyện của tôi, Carlitos, ông chỉ chú ý mặt tôi, mắt ông quở trách tôi vì sống một mình, vì trước kia không gọi. “Ồ, chẳng lạ, La Crónica là tờ báo có khuynh hướng hơi giật gân. Nhưng vụ này thì sao?”
“Tối hôm qua có một bức thư nặc danh gửi đến tòa báo, papa.” Liệu ông có sẽ đóng trọn vở tuồng ba thương con lắm hay không, Zavalita? “Nói rằng kẻ giết bà đó hồi trước là tên giết người thuê cho Cayo Bermúdez, một người hiện giờ là tài xế của ông nọ ông kia, và tên của ba ở đó, papa. Có thể họ đã gửi lá thư đó cho cảnh sát, rồi bỗng nhiên…” Ừ, hắn nghĩ, đúng là vì ổng yêu mày lắm. “Ồ, con muốn báo trước cho ba, papa.”
“Ambrosio à? Con nói về nó à?” Nụ cười mỉm ngạc nhiên của ông, Zavalita, nụ cười mỉm của ông thật tự nhiên, thật tự tin, như thể ông mới vừa để ý đến, như thể ông mới vừa hiểu. “Ambrosio là tên sát nhân cho Bermúdez?”
“Con không nói là có người sẽ tin bức thư nặc danh ấy, papa,” Santiago nói. “Con chỉ muốn báo trước cho ba.”
“Thằng đen tội nghiệp đó là kẻ sát nhân?” Tiếng cười của ông thẳng thắn làm sao, Zavalita, vui vẻ làm sao, nét thở phào ấy trên mặt ông, và đôi mắt ông nói ba mừng vì đó là chuyện ngu ngốc như vậy, ba mừng vì nó không liên can đến con, Ròm. “Cái thằng tội ngiệp không giết nổi một con ruồi ngay cả nếu nó muốn. Bermúdez đưa nó qua cho ba vì hắn muốn có tài xế cũng là cảnh sát.”
“Con muốn ba biết, papa,” Santiago nói. “Nếu bọn ký giả và cảnh sát bắt đầu điều tra, họ có thể làm phiền ba ở nhà.”
“Tốt lắm, Ròm.” Ông gật đầu, Zavalita, mỉm cười, nhấp cà phê. “Có kẻ muốn thử sức chịu đựng của ba. Không phải là lần đầu, sẽ không phải là lần cuối. Người ta như vậy. Phải chi thằng đen tội nghiệp biết người ta nghĩ nó có thể làm một việc như vậy.”
Ông lại cười, uống hớp cà phê cuối cùng, lau miệng: phải chi con biết số thư nặc danh bẩn thỉu mà cha con đã nhận được trong đời, Ròm. Ông trìu mến nhìn Santiago và nghiêng người nắm cánh tay hắn.
“Nhưng có điều ba không thích chút nào, Ròm. Có phải họ bắt con làm những việc như vậy ở La Crónica? Con phải săn tin hình sự à?”
“Không, papa, con chẳng dính líu gì với nó. Con làm ở bộ phận tin địa phương.”
“Nhưng làm đêm không tốt cho con, nếu gầy thêm thì con sẽ đau phổi đó. Làm nghề báo đủ rồi, Ròm. Mình thử tìm cái gì thích hợp với con hơn. Việc gì làm ban ngày.”
“Làm ở La Crónica trên thực tế chẳng có gì, papa, mỗi ngày chỉ vài giờ. Ít hơn bất cứ việc nào khác. Và con rảnh rỗi ban ngày để đi học đại học.”
“Con có vào lớp không, con có đến lớp thật không? Clodomiro bảo ba là con có đi học, là con thi đỗ, nhưng ba chẳng biết có nên tin bác ấy hay không. Thật không, Ròm?”
“Tất nhiên, papa.” Không đỏ mặt, không ngập ngừng, chắc con thừa hưởng nó từ ba, papa. “Con có thể cho ba xem điểm của con. Con đã học năm thứ ba Trường Luật. Con sẽ lấy bằng cho ba xem.”
“Con vẫn không muốn về?” Don Fermín chậm rãi hỏi.
“Bây giờ thì khác, Chúa nhật con sẽ ăn trưa ở nhà, papa. Cứ hỏi anh Nổ, con bảo anh ấy thưa với mama. Con sẽ về gặp cả nhà sớm, con hứa với ba.”
Mắt ông sầm tối, Zavalita. Ông ngồi thẳng trên ghế, buông tay Santiago và cố mỉm cười, nhưng mặt ông vẫn thất vọng, miệng ông buồn phiền.
“Ba không đòi hỏi gì, nhưng ít nhất con hãy suy nghĩ và đừng nói không chừng nào chưa nghe ba nói hết,” ông lẩm bẩm. “Cứ đi làm ở La Crónica nếu con thích nó quá. Con sẽ có chìa khóa nhà, ba sẽ sửa lại căn phòng bên cạnh phòng làm việc cho con. Con sẽ hoàn toàn độc lập ở đó, cũng như con bây giờ. Nhưng cách đó mẹ con sẽ yên tâm hơn.”
“Mẹ con đang khổ, mẹ con đang khóc, mẹ con đang cầu nguyện,” Santiago nói. “Nhưng ngay ngày đầu tiên bà đã vượt qua, Carlitos, tôi biết bà mà. Ông mới là người đếm từng ngày, ông mới là người không thể quên.”
“Con đã chứng tỏ con có thể sống một mình và tự lập thân,” Don Fermín nói tiếp. “Bây giờ tới lúc con về nhà rồi, Ròm.”
“Cho con thêm một thời gian nữa, papa. Con sẽ về nhà mỗi tuần, con đã nói với anh Nổ, ba hỏi anh ấy xem. Con hứa với ba, papa.”
“Con chẳng những gầy mà còn không có cái gì để mặc nữa, chắc con thiếu tiền. Tại sao con tự ái như thế, Santiago? Cha con có đó để làm gì nếu không phải để giúp con?”
“Con không cần tiền, papa. Tiền con kiếm được quá nhiều đối với con.”
“Con kiếm một ngàn rưỡi và con đang chết đói.” Ông cúi mắt, Zavalita, ngượng vì mày biết rằng ông biết. “Ba không mắng con, Ròm. Nhưng ba không hiểu tại sao con không muốn ba giúp con, ba không hiểu.”
“Nếu con cần tiền, con đã hỏi ba, papa. Nhưng con có đủ, con không phải là đứa tiêu hoang. Nhà trọ khá rẻ. Con không gặp khó khăn về tiền, con thề là không.”
“Con không phải xấu hổ vì cha con là tư sản nữa đâu.” Don Fermín bơ phờ mỉm cưòi. “Thằng đê tiện Bermúdez đưa mình tới bờ khánh tận. Nó hủy các khoản trợ cấp, mấy hợp đồng của mình, đưa kiểm toán viên đến xem sổ sách của mình bằng cây lược chải chấy, rồi làm mình phá sản bằng thuế. Rồi bây giờ dưới chế độ Prado, chính quyền trở thành một thứ mafia gớm guốc. Các hợp đồng mình có lại dược sau khi Bermúdez ra đi một lần nữa bị lấy đưa cho bọn theo Prado. Tới giai đoạn này ba sẵn sàng trở thành cộng sản như con.”
“Vậy mà ba vẫn muốn cho con tiền.” Santiago cố nói đùa. “Con sẽ là người giúp ba trước khi ba biết, papa.”
“Mọi người than phiền về Odría vì hắn ăn cắp,” Don Fermín nói. “Bây giờ vẫn ăn cắp như vậy hay thậm chí nhiều hơn, và mọi người đều vui vẻ.”
“Bây giờ họ ăn cắp nhưng còn giữ một chút tế nhị, papa. Thiên hạ không nhận thấy nhiều.”
“Và làm sao con có thể làm cho một tờ báo của bọn Prado?” Ông tự nhún nhường, Carlitos, nếu tôi yêu cầu ông quỳ xuống van xin tôi về nhà thì tôi sẽ về, ông sẽ quỳ xuống. “Chẳng phải họ là bọn tư bản lớn hơn cha con sao? Con có thể làm một nhân viên tầm thường của họ mà không đến làm cho ba trong mấy vụ làm ăn nhỏ đang lụn bại hay sao?”
“Mình đang vui vẻ nói chuyện rồi bỗng dưng ba nổi giận, papa.” Ông ấy tự nhún nhường, nhưng ông ấy đúng, Zavalita, Carlitos nói. “Có lẽ mình không nên nói chuyện này nữa.”
“Ba không nổi giận, Ròm.” Hoảng hốt, Zavalita, ông nghĩ Chúa nhật này nó sẽ không đến, nó sẽ không gọi mình, nhiều năm sẽ trôi qua mà mình không gặp nó. “Ba chỉ buồn là con vẫn khinh cha con, thế thôi.”
“Đừng nói vậy, papa, ba biết không phải vậy, papa.”
“Được rồi, mình đừng cãi nhau nữa, ba không giận.” Ông gọi hầu bàn, rút ví, cố giấu thất vọng, lại mỉm cười. “Vậy thì Chúa nhật này mọi người đợi con. Mẹ con sẽ mừng lắm.”
Họ đi trở lại ngang qua sân bóng rổ và mấy người chơi không còn đó. Sương mù đã tan biến, họ có thể thấy vách đá, xa xa và mờ xám, cùng các mái nhà dọc theo Malecón. Họ ngừng lại cách xe vài bước, Ambrosio ra mở cửa xe.
“Ba không hiểu con, Ròm.” Không nhìn mày, Zavalita, cúi đầu, như thể đang nói với mặt đất ẩm ướt hay những hòn đá rong rêu. “Ba nghĩ con bỏ nhà vì những suy nghĩ của con, vì con là cộng sản và muốn sống như người nghèo, để đấu tranh cho người nghèo. Nhưng ra là thế này sao, Ròm? Để có một việc làm tầm thường, một tương lai tầm thường?”
“Thôi, papa. Đừng cãi nhau việc ấy nữa, con xin ba, papa.”
“Ba nói với con như vậy vì ba yêu con, Ròm.” Mắt ông mở to, hắn nghĩ, giọng ông vỡ vụn. “Con có thể tiến xa, con có thể làm nên tên tuổi, làm những việc lớn. Tại sao con vứt bỏ đời con như thế, Santiago?”
“Con sống gần đây, papa.” Santiago hôn ông, tránh xa ông. “Chúa nhật con sẽ gặp ba, con sẽ đến khoảng giữa trưa.”
Hắn đi tới bãi biển nhỏ bằng những bước sải dài, rẽ ở sân bóng về phía Malecón, lúc bắt đầu lên đồi hắn nghe tiếng xe nổ máy: hắn thấy xe đi về hướng Agua Dulce, nảy trên các ổ gà, biến mất trong bụi. Ông không bao giờ thích nghi được, Zavalita. Hắn nghĩ: chừng nào ba còn sống, ba sẽ tiếp tục tìm cớ để bắt con về nhà, papa.
“Anh thấy đấy, anh đã đọc báo, không một chữ nhắc tới Queta,” Carlitos nói. “Ngoài ra, anh làm hòa với cha anh và anh sẽ làm hòa với mẹ anh. Anh sẽ có một buổi tiếp đón linh đình hôm Chúa nhật, Zavalita.”
Với tiếng cười, tiếng đùa và tiếng khóc, hắn nghĩ. Không khó lắm, tảng băng đã vỡ ngay khi cánh cửa mở ra và hắn nghe Teté hét anh ấy kìa, mami! Hắn nghĩ họ vừa mới tưới nước ngoài vườn, cỏ ướt, bể nước cạn. Đồ vô ơn, con của mẹ, con yêu của mẹ, vòng tay của mẹ quàng qua người mày, Zavalita. Bà ôm mày, nức nở, hôn mày, ông già và anh Nổ và Teté mỉm cười, các cô người làm tíu tít xung quanh, chuyện điên rồ này còn kéo dài bao lâu nữa con, con không xấu hổ vì làm khổ mẹ con à? Nhưng hắn lơ đãng: chuyện ấy không phải là bịa đặt, papa.
“Tôi có thể thấy Becerrita cảm thấy bứt rứt khi anh vào phòng biên tập,” Carlitos nói. “Ông ta thấy anh một cái là gần như nuốt chửng điếu thuốc. Không tin nổi.”
“Chẳng có gì mới, ngoại trừ chuyện ngu xuẩn mà con điếm đó nói, mình bỏ qua đi là hơn,” Becerrita càu nhàu, lật qua các trang giấy một cách tuyệt vọng. “Viết một trang để trám chỗ đi, Zavalita. Cuộc điều tra tiếp tục, đang theo dõi các đầu mối mới. Bất cứ cái gì, một trang.”
“Ông ấy là người, đó là điều quái đản trong toàn bộ chuyện này, Zavalita,” Carlitos nói. “Là phát hiện thấy tấm lòng của Becerrita.”
Con gầy, con có quầng đen dưới mắt, họ vào phòng khách, ai giặt quần áo cho con, hắn ngồi xuống giữa Señora Zoila và Teté, thúc ăn ở nhà trọ có ngon không? ngon mama, và mắt ông già chẳng có điều gì bứt rứt, con có đi học không? chẳng có vẻ đồng lõa hay khó chịu nào trong giọng nói của ông. Ông mỉm cười, nói đùa, hy vọng và hạnh phúc, chắc ông đang nghĩ hắn sẽ về lại, mọi việc sẽ đâu vào đấy, và Teté bảo nói thật với mọi người đi, đồ bịp bợm, em không thể tin anh không có bạn gái. Thật đấy, Teté.
“Mày có biết là Ambrosio đã bỏ đi rồi không?” Nổ hỏi. “Gã cuốn gói bất thần như vậy.”
“Periquito tránh anh, Arispe hít hà khi nói chuyện với anh, Hernández nhìn anh chế giễu phải không?” Carlitos hỏi. “Có lẽ anh muốn như vậy, đồ bạo dâm. Họ có quá nhiều vấn đề của riêng họ rồi, hơi đâu mà phí thời giờ tội nghiệp cho anh. Vả lại, hối tiếc gì cho anh? Tội nghiệp gì, tiên sư nó?”
“Nó về quê, nó nói nó muốn mua một chiếc xe rồi làm tài xế xe khách.” Don Fermín mỉm cười. “Tội nghiệp thằng đen. Ba hy vọng công việc của nó ổn thỏa.”
“Anh muốn đúng như vậy.” Carlitos cười. “Muốn cả tòa báo nói về anh, đồn đại về anh, làm khó anh. Nhưng hoặc là họ không biết hoặc là họ ngạc nhiên đến nỗi không mở miệng. Họ làm khốn anh, Zavalita.”
“Bây giờ papa bắt đầu tự lái xe, ba không muốn thuê tài xế khác,” Teté cười. “Nếu anh thấy ba lái xe, anh sẽ lăn đùng cho coi. Mười lăm cây số một giờ và ngừng ở mọi góc đường.”
“Tất cả họ đều thân thiết với anh, tất cả họ đều làm anh cảm thấy bứt rứt với nụ cười và sự thân thiện của họ phải không?” Carlitos hỏi. “Chắc anh muốn như vậy. Thật ra họ chẳng biết gì, hay họ không thèm đoái hoài đến, Zavalita.”
“Đâu có đúng, ba có thể từ đây đến văn phòng nhanh hơn anh Nổ,” Don Fermín cười. “Vả lại, ba tiết kiệm tiền, và ba thấy ba thích lái xe. Ba trẻ lại. Chao ơi, món hầm đó nom ngon quá.”
Ngon lắm, mama, dĩ nhiên hắn muốn ăn thêm, mẹ lột vỏ tôm cho con nhé? vâng, mama. Một kẻ diễn tuồng, Zavalita, một tay nham hiểm, một tên cay độc? Vâng hắn sẽ mang quần áo cho các cô thợ giặt, mama. Một đứa có thể biến thành nhiều kẻ khác nhau tới nỗi không thể biết kẻ nào thật sự là hắn? Vâng hắn sẽ đến ăn trưa mỗi Chúa nhật, mama. Một nạn nhân nữa hay kẻ gây nạn đang nhe răng nhe lợi để ăn tươi nuốt sống và để khỏi bị ăn tươi nuốt sống, một tay tư sản Peru nữa? Vâng hắn sẽ gọi điện thoại mỗi ngày để kể hắn sống thế nào và hắn có cần gì không, mama. Tử tế với con cái ở nhà, phi đạo đức trong kinh doanh, cơ hội trong chính trường, chẳng hơn chẳng kém mọi người khác? Vâng hắn sẽ lấy bằng luật sư, mama. Bất lực với vợ, dâm đãng vô độ với nhân tình, tuột quần trước mặt tài xế của mình? Không hắn sẽ không thức khuya, vâng hắn sẽ mặc ấm, không hắn sẽ không hút thuốc, vâng hắn sẽ chăm sóc sức khỏe, mama. Tự bôi mỡ, hắn nghĩ, hổn hển và nhỏ dãi như người đàn bà đau đẻ bên dưới ông?
“Ừ, tôi dạy cậu Nổ lái xe,” Ambrosio nói. “Giấu cha cậu, tất nhiên.”
“Tôi chưa bao giờ nghe Becerrita hay Periquito nói tiếng nào với ai,” Carlitos nói. “Có lẽ họ nói khi tôi không có mặt, họ biết mình là bạn nhau. Có lẽ họ bàn tán vài ngày, vài tuần. Rồi họ quen với nó, quên nó. Chẳng phải đối với Nàng Thơ cũng như thế hay sao, chẳng phải đối với mọi việc trên đất nước này cũng như thế hay sao, Zavalita?”
Nhiều năm lúng túng, Zavalita, tầm thường ban ngày và đơn điệu ban đêm, bia, nhà thổ. Các câu chuyện, các bài báo: đủ giấy để chùi đít suốt cuộc đời còn lại của mày, hắn nghĩ. Những cuộc đối thoại ở Negro-Negro, những buổi Chúa nhật với tôm hầm, các khoản nợ trong căng tin ở La Crónica, một mớ sách để nhớ. Những buổi ăn nhậu lu bù mà không cảm thấy tội lỗi, Zavalita, chơi gái mà không cảm thấy tội lỗi, viết báo mà không thấy tội lỗi. Các khoản nợ vào cuối tháng, một cuộc thanh tẩy, sự chìm đắm chậm chạp, không ngừng vào rác rưởi vô hình. Bà ấy là điều khác biệt duy nhất, hắn nghĩ. Bà ấy làm mày đau khổ, Zavalita, mất ngủ, khóc lóc. Hắn nghĩ: con sâu của bà đã hơi lay động tôi một chút, Nàng Thơ, nó làm tôi sống một chút. Carlitos xoay lưng bàn tay, đưa ngón cái lên mút; đầu anh ta ngửa ra, nửa khuôn mặt anh sáng lên nhờ ánh phản chiếu, nửa còn lại chìm trong sự bí ẩn và sâu sắc.
“China sắp ngủ với một nhạc công trong Embassy Club.” Cặp mắt anh đờ đẫn, lan man. “Tôi cũng có quyền có vấn đề, Zavalita.”
“Được rồi, có vẻ như mình sẽ ở đây đến sáng,” Santiago nói. “Tôi sẽ phải khiêng anh lên giường.”
“Anh là người tốt và là một kẻ thất bại như tôi, anh đã có cái anh phải có,” Carlitos nói từng âm một. “Nhưng anh thiếu một điều gì đó. Chẳng phải anh nói là anh muốn sống hay sao? Cứ yêu một cô điếm rồi anh sẽ thấy.”
Anh ta đã hơi gục đầu tới, rồi bằng một giọng trầm đục, mơ hồ và chậm rãi, anh bắt đầu ngâm thơ. Anh lặp lại một câu thơ duy nhất, im lặng, lặp lại nó, đôi khi cười không thành tiếng. Gần ba giờ Norwin và Rojas đến Negro-Negro, và Carlitos đã lải nhải được một lúc.
“Cuộc tranh vô địch đã kết thúc, bọn tôi rút lui,” Norwin nói. “Zavalita, bọn tôi để sân trống cho anh và Becerrita.”
“Đừng nói một tiếng nào nữa về tờ báo, nếu không tôi ra về,” Rojas nói. “Ba giờ sáng rồi, Norwin. Quên Última Hora đi, quên Nàng Thơ đi, nếu không tôi ra về.”
“Kẻ viết tin giật gân bẩn thiu,” Carlitos nói. “Anh nom giống như nhà báo, Norwin.”
“Tôi không còn làm cột tin cảnh sát nữa,” Santiago nói. “Tuần này tôi sẽ trở lại tin địa phương.”
“Tụi tôi đã chôn Nàng Thơ, tụi tôi bỏ sân trống cho Becerrita,” Norwin nói. “Hết rồi, đâu còn gì nữa. Chấp nhận đi, Zavalita, họ sẽ chẳng tìm ra cái gì đâu. Tin đó hết ăn khách rồi.”
“Thay vì khai thác bản năng thấp hèn của người Peru thì hãy mua cho tôi một ly bia,” Carlitos nói. “Kẻ viết tin giật gân bẩn thỉu.”
“Tôi biết Becerrita sẽ tiếp tục moi tới chết,” Norwin nói. “Bọn tôi thì không. Đâu còn gì nữa, chấp nhận đi. Anh phải thấy là cho đến lúc này mình ngang nhau về việc lấy tin sốt dẻo, Zavalita.”
“Hắn là thằng đen lai, tóc thẳng và lực lưỡng,” Carlitos nói. “Hắn chơi cặp trống bongo.”
“Bọn thám tử đã chôn nhẹm toàn bộ sự việc, tôi sẽ chuyển tin cho anh,” Norwin nói. “Pantoja thú nhận với tôi hồi chiều. Bọn mình toàn đào loanh quanh cùng một chỗ, minh phải đợi khi nào có điều gì mới. Người ta chán rồi, họ sẽ chẳng khám phá thêm dược gì nữa. Nói cho Becerrita biết.”
Họ không thể khám phá thêm được gì nữa, hay họ không muốn? hắn nghĩ. Hắn nghĩ: họ không biết, hay họ giết bà thêm một lần nữa, Nàng Thơ? Phải chăng đã có các cuộc đối thoại thì thào, các salon trưởng giả, đến rồi đi, các cánh cửa bí ẩn mở rồi đóng, Zavalita? Phải chăng đã có các cuộc viếng thăm, các lời thì thầm, các chuyện mật, các lệnh truyền?
“Hồi tối tôi đi gặp hắn ở Embassy Club,” Carlitos nói. “Anh định đánh nhau phải không? Không, anh bạn, tôi đến để nói chuyện. Anh kể cho tôi China làm gì với anh, rồi tôi sẽ kể cho anh về phía tôi, rồi mình có thể so sánh. Mình phải là bạn.”
Phải chăng là sự cẩu thả, Lima và cái kiểu đờ đẫn vô cảm của nó, sự ngu xuẩn của nhân viên điều tra, Zavalita? Hắn nghĩ: chẳng ai yêu cầu điều gì, chẳng ai khăng khăng, chẳng ai nhúc nhích vì bà. Quên nó đi, hay người ta đã thật sự quên bà, hắn nghĩ, chôn nhẹm vấn đề đi, hay nó đã thật sự tự chôn nó? Phải chăng cũng bọn người đó đã giết bà một lần nữa, Nàng Thơ, hay phải chăng cả nước Peru đã giết bà lần thứ hai này?
“À, tôi hiểu tại sao anh cư xử như vậy,” Norwin nói. “Anh lại cãi nhau với China nữa, Carlitos.”
Họ đến Negro-Negro hai hoặc ba lần mỗi tuần hồi tòa báo còn ở chỗ cũ trên Calle Pando. Khi La Crónica dọn vào tòa nhà mới trên Avenida Tacna, họ gặp nhau trong các quán cà phê nhỏ và các quán rượu trên Colmena. Jaialai, hắn nghĩ, Hawaii, América. Những ngày đầu tháng Norwin, Rojas, Milton sẽ xuất hiện trong các hầm ẩm ướt đó rồi họ sẽ đi nhà thổ. Thỉnh thoảng họ gặp Becerrita, với hai ba ký giả vây quanh ông, nhậu nhẹt và trò chuyện thân mật với bọn ma cô và đồng tính, và ông luôn luôn trả tiền. Thức dậy lúc giữa trưa, ăn trưa trong nhà trọ, một cuộc phỏng vấn, một mẩu tin, ngồi xuống bàn làm việc của hắn rồi viết, đi xuống căng tin, trở lại máy đánh chữ, ra về, trở lại nhà trọ lúc hừng sáng, vừa cởi quần áo vừa nhìn mặt trời lên trên biển. Và những buổi ăn trưa Chúa nhật càng lúc càng lúng túng, những bữa ăn nhẹ ở Rinconcito Cajamarquino mừng sinh nhật Carlitos, Norwin hay Hernández, và những buổi họp mặt hàng tuần với cha mẹ, Nổ và Teté.
——————————–